Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

NTV 19 - Dốc sương mù

       Lạy Phật Quan Âm                                   
Dốc nhiệm mầu.....
Ôi ! Nhiệm mầu thay dốc sương mù,
Cứu vớt người lành sớm biết tu......
Cửa chùa rộng mở luôn chào đón,
Những cõi lòng ngây chốn thâm u !!

Gió dù có thổi, lòng luôn ấm,
Đuốc vàng soi rọi cõi u mê.....
Giọt nước dò tìm về biển rộng,
Thanh thản trong Tâm một cõi về !!

Vòng xoáy dòng đời luôn mãi trôi,
Thuyền Từ đã cặp bến đây rồi...
Từ Bi soi sáng tâm hồn trẻ,
Hạnh Phúc giờ đây thật rạng ngời !!
  NM

Dốc sương mù

Lão về đến cổng, cái cổng bằng tre vốn cũ kỹ rêu đen vì mưa gió, do đã làm quá lâu, lại luôn chịu sự xô đẩy thô bạo khi lão có rượu. Tiếng đập mạnh hơn tiếng nói lảm nhảm và tiếng chửi đời mỗi lúc lão say đã quen với gia đình lão.
Vợ lão đang phơi đồ, nghe thấy tiếng lão và cái bóng liêu xiêu, vội kêu tụi nhỏ: Mau cất đồ đi, bố mày về rồi đó!
Mấy đứa con lão nhanh nhẹn đến cho ti vi, quạt máy và cả tượng Phật vào tủ cất cẩn thận. Vì làm nhiều lần như thế nên mấy đứa nhỏ như đã thuộc lòng, chẳng cần hỏi han nhiều.
Trong bóng tối đầu ngõ, lão đi lệch lệch, xiêu vẹo bên phải rồi bên trái, chân quẹt xuống đất, áo xống xộc xệch nút tuột nút cài, tay chỉ chỉ, miệng nói lảm nhảm. Chưa vào tới sân lão đã chửi vợ: Thứ cô chỉ biết gõ mõ tụng kinh… Cô giỏi lắm! Giỏi thiệt! Nếu giỏi thì sinh cho tôi một thằng con trai cho bằng mặt bằng mày với xóm làng anh em.
Thấy lão sắp té, vợ lão đến đỡ lấy, dìu vào trong. Cô còn thương tôi sao, hay thương hại? Nhục nhã với người ta quá! - lão nói. Ba đứa con gái tội nghiệp đứng nép sát sau cánh cửa, vẻ mặt đầy lo sợ. Lão ngồi trên giường, ném con búp bê xuống nhà thật mạnh. Đứa con gái út bỗng khóc ré lên. Lão quay lại, đôi mắt như muốn nổ tung sự căm phẫn tức tối lâu ngày, quát: Chúng mày im đi, chúng mày là một lũ vịt trời, chẳng có tích sự gì cả…, còn khóc cái nỗi gì nữa!
Cảnh tượng này cả xóm dốc nhỏ này ai cũng biết, lúc đầu còn có người qua lại, khuyên ngắn khuyên dài, nhưng riết rồi mọi người đều chán, coi như bình thường.
Vì lão chưa có con trai nối dõi tông đường, nên mỗi lúc giỗ chạp đều phải ngồi mâm dưới; họp mặt cưới xin đều nghe người ta nói chuyện con trai con gái... Nào con gái là con người ta, lấy chồng bỏ mẹ bỏ cha… Cái dốc nhỏ này ai cũng cố đẻ cho được con trai, nhiều thì được xem như nhiều phước. Rồi lúc bạn bè chén tạc chén thù, lại lôi nỗi đau cổ hủ của xóm này ra, bàn tán, nói qua lại. Mỗi lần như thế, lão về nhà chửi vợ chửi con. Rồi bao nhiêu vật dụng trong nhà cũng bị lão đập vỡ cho đỡ tức; chén bát thì cái mẻ nhiều hơn cái lành, nồi niêu méo nhiều hơn tròn, mấy cái ghế cũng bị gãy một hai chân, trong nhà chỉ còn ti vi, quạt gió và... tượng Phật Bà Quán Thế Âm. Cho nên mỗi lần như vậy vợ lão lại cất tượng Phật vào nơi an toàn nhất như gởi trọn niềm mong ước được yên bình.
***
Nắng vàng đã đổ xuống trước chái nhà, trải một màu vàng rực. Lão đang còn mơ màng trong giấc ngủ, người hàng xóm vội vàng báo tin vợ lão được người ta chở đi cấp cứu vì động thai. Lão cấp tốc chạy lên trạm y tế xã, được bác sĩ cho biết vợ lão bị băng huyết, nguy hiểm đến cả thai nhi và mẹ, nên cần chuyển lên bệnh viện tỉnh mới có hy vọng.
Lâu lắm rồi lão mới nhìn mặt vợ mình thật kỹ: khuôn mặt hao gầy, nước da đen nhẻm, đôi mắt lờ mờ với hai dòng nước mắt chảy dài... Bỗng dưng lão thấy sợ, sợ đánh mất đi những gì mà lão xem thường. Trước đây lão cho vợ là vô tích sự, nhưng giờ, với lão, con người nhỏ nhoi, yếu ớt kia quan trọng đến thế nào. Lão không cần con trai, không cần nở mặt nở mày nữa…, giờ lão chỉ cần vợ, cần những con vịt trời mà lão thường ca cẩm, cần một gia đình thật bình thường. Nhưng tất cả sao mong manh, dễ vỡ quá...
Vợ lão được những người họ hàng làng xóm nhiệt tình đưa lên bệnh viện tỉnh, còn lão phải vội trở về lo tiền nong và một số vật dụng cần thiết để đem lên sau.
Về tới nhà, lão thấy vắng hẳn, vắng cái dáng khắc khổ của vợ. Thường thì giờ này vợ lão chuẩn bị khoác áo tràng lên chùa tụng kinh. Bất chợt, lão nhớ ra một điều,... một niềm tin mà bấy lâu nay lão cho là hão huyền. Lão vội vàng bước đi trong bóng tối, chân nọ chưa bước chân kia đã muốn chạm đất. Cái dốc chùa... hình như lâu lắm rồi, mà thật ra là chưa bao giờ lão lên đến đỉnh dốc ấy. Gió cứ lùa, đêm đen kịt, không rõ nỗ lực nào đã đưa lão đến trước cổng ngôi chùa bé nhỏ. Lão ngập ngừng, bước chậm lại, từng bước lạ lẫm...
Trong phòng khách, sư trụ trì đang viết gì đó. Ánh sáng từ ngọn đèn lọt qua khe cửa sổ. Ánh sáng như niềm tin sưởi ấm con tim lạnh giá, vô định của lão. Đứng ngoài cửa, lão chẳng dám nói gì, chỉ nhìn một lúc rồi quay lưng đi.
Sư thấy bóng người, vội ngừng viết ra ngoài. Thấy dáng khắc khổ của lão, sư như chợt hiểu ra một điều gì đó...
Hai người ngồi ở cái bàn nhỏ bằng đá ở sân chùa. Trước dáng từ hòa của sư trụ trì, nỗi đau ngự trị trong trái tim lão như chợt vỡ ra. Giọng lão nhỏ, chậm, đứt quãng; từng lời như lời sám hối, như lời cầu mong sự tha thứ, bao dung...
Với vẻ uy nghiêm, sư nói: Phật dạy, trên cuộc đời này có hai hạng người đáng quý. Đó là người không phạm lỗi và người phạm lỗi mà biết sám hối, sửa chữa, biết quay lại, biết đứng lên nơi mình bị vấp ngã. Thân người khó được, Phật pháp khó nghe, khi sống phải tạo duyên lành - cuộc sống vợ chồng, nghĩa cha con hôm nay hạnh phúc, mai khổ đau, nay hội tụ mai chia ly âu cũng là duyên nghiệp. Con cái tiền của là phước nghiệp, nên hãy sống trọn vẹn với những người thân xung quanh mình kẻo mai kia lại hối tiếc. Phải biết trút bỏ phiền não, tham đắm - nhất là đắm vào men rượu, vì nó là loại thuốc độc, làm mất trí huệ, mất bản tâm trong sáng, mất sức khỏe và sự tự chủ của bản tâm, làm cho hạnh phúc gia đình rạn nứt. Xưa có vị Tỳ-kheo phạm giới uống rượu mà kéo theo không biết bao nhiêu giới khác nữa, huống chi người thế tục. Từ nay hãy sống trong tỉnh thức, an lành, quy y Tam bảo, giữ gìn Ngũ giới để cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Dù gió vẫn thổi, nhưng lão thấy lòng mình ấm hơn, như đi trong đêm tối gặp được ánh đuốc và những sương gió của cuộc đời như được chối bỏ trong lòng lão.
Sư dẫn lão lên chùa lễ Phật. Quỳ dưới chân Đức Bổn Sư, lão thấy ánh mắt từ hòa của Ngài. Lần đầu lạy Phật, nhưng lão lạy từ tốn, lạy bằng cả tấm lòng thành, thiết tha cầu mong; lão như giọt nước trở về tan biến giữa dòng đại dương mênh mông vô tận.
Sư trụ trì ghi tên cầu an cho gia đình lão, gởi lão ít tiền về lo bệnh tình cho vợ lão, cả số tiền trong đạo tràng Phật tử vợ lão sinh hoạt. Lão ra về, cúi chào sư trụ trì, nhìn sư như thầm cảm ơn, nhưng lão không nói được thành lời...
Như một sự nhiệm mầu, kể cả bác sĩ cũng ngạc nhiên với bệnh tình của vợ lão. Sức khỏe vợ lão khá hơn rất nhiều, được ba, bốn hôm thì bác sĩ quyết định mổ. Một cậu bé chào đời - mẹ tròn con vuông. Lão mừng, hạnh phúc như chính lão từ cõi chết trở về, như sự sám hối của lão được phép mầu ban tặng.
Từ đó cuộc sống gia đình lão êm đềm, hạnh phúc; cuộc sống ở con dốc nhỏ này càng có ý nghĩa hơn với lão. Trong lần quy y này, người ta thấy tên lão đứng đầu trong danh sách Phật tử.
Người ta thấy lão hay lên chùa lễ Phật hơn, những viên ngói hỏng được lão thay, ống nước chùa hư lão cũng sửa. Rồi mảnh vườn đầy cỏ dại được lão dẩy sạch. Những chậu cảnh được tưới nước đều, chăm sóc nhiều hơn, sân chùa bây giờ thường xuyên có người quét lá.
Trên chiếc xe đạp cọc cạch, lão đèo mớ rau, quả cà mà lão trồng được lên cúng chùa. Có khi lão còn đèo thêm cậu con trai út, hai cha con đi trong nắng chiều loang lổ. Những giọt mồ hôi ướt trên trán lão, nhưng vòng quay vẫn đều đều nhịp nhàng. Lão cảm thấy hạnh phúc đang đong đầy trong lồng ngực mỗi lần qua dốc lên chùa.
***
Vòng xoáy cuộc đời cứ trôi, mái tóc lão giờ cũng phôi phai, những nếp nhăn thời gian dần rõ nét. Nhưng những đứa con của lão rất ngoan hiền, lão cảm thấy ông trời không phụ tấm chân thành của lão.
Thằng bé bây giờ đã bước sang tuổi 12. Có những hôm Chủ nhật nghỉ học, nó lên chùa phụ giúp sư rồi ngủ lại trên đó; nó còn giúp sư biên chép một số giấy tờ. Trong xóm dốc nhỏ này ai cũng thầm khen thằng bé và mến gia đình lão.
Cuộc sống nơi chùa nhỏ này đã ít nhiều ăn sâu vào lòng thằng bé. Nó cảm nhận được hương vị lối sống của sư cả, của câu niệm Di Đà, của những buổi tọa thiền. Điều đó đã làm trỗi dậy sức sống thiền môn nơi cậu. Thế là cậu về nhà xin cha mẹ được xuất gia tu hành. Lúc đầu, lão nói rõ cuộc sống thiền môn rất cực khổ, liệu nó có vượt qua được không? Với lại nó là đứa con trai duy nhất nên phải ở nhà lấy vợ lo cho gia đình, chăm sóc bố mẹ lúc tuổi già. Nhưng hơn ai hết, lão cũng hiểu được đây là ý chí cao đẹp mà không phải ai cũng muốn dấn thân. Lão sợ rằng trên cuộc hành trình đến bến đạo, liệu con lão có vững bước trên muôn trùng sóng gió hay không.
Sáng hôm sau, hai vợ chồng lão thỉnh ý sư cả về việc con lão muốn đi tu. Sư nói: Xuất gia đâu phải dễ, đó là do nhiều kiếp gieo trồng hạt giống bồ-đề. Thằng bé muốn làm tu sĩ, chọn con đường từ bỏ là phát tâm lành. Sư không bắt ai phải xuất gia, nhưng dĩ nhiên không từ chối người tự nguyện xả bỏ thế tục để đến với lý tưởng sâu rộng. Nhưng cuộc sống nơi am viện, cần nỗ lực tinh tấn đối mặt với những sầu muộn cõi lòng, cõi trần, làm được như vậy cũng cần phải cố gắng không ít.
Sư nhìn thằng bé, hỏi: Ý con thế nào?
Thằng bé trả lời: Bạch thầy, thưa cha mẹ, con muốn đi tu ạ!
...Và rồi ngày lành ấy cũng đến. Từ sáng sớm, trên con đường dốc quen thuộc, lão cùng đứa con trai lên chùa. Lão thấy lòng mình như một rừng hoa ngát hương. Một con đường nhỏ, một bờ cỏ dại, những cây kơ-nia già cỗi rung rinh tán lá cúi chào. Sương mù dày đặc - một màu trắng mờ ảo như cảnh thiên đường.
Trong ngôi chùa nhỏ, Phật tử đã chuẩn bị lễ lộc đầy đủ, có hoa có quả. Có những ngọn nến vàng thành kính dâng lên đấng Từ Phụ, có những làn hương trầm thanh khiết và chung một tấm chân thành.
Nhịp mõ an hòa, lời kinh nồng ấm... Giọng trầm khàn của sư cả nghe sâu lắng. Sư giảng về đời sống nhân sinh, về đạo Phật nơi trần thế, về duyên lành thế phát xuất gia... Trong không khí trang nghiêm thành kính, mọi người lắng lòng nhìn ánh dao lướt nhẹ trên đầu cậu bé. Những lọn tóc non xanh lả tả rơi xuống thềm. Người thì xúc động bồi hồi nuối tiếc, người thì cảm thấy mất mát. Có những tiếng nấc nghẹn ngào, rưng rưng dòng nước mắt của những bà cụ tóc bạc. Nhưng hơn hết vẫn là niềm hy vọng mong chờ ánh sáng từ bi sẽ lan tỏa khắp đến con đường ngõ hẻm của con dốc nhỏ này. Còn lão, lão cảm thấy chút chia ly mất mát xen lẫn niềm vui sướng rạng ngời. Lão biết rằng lão đang hạnh phúc, vì con trai lão đã chối bỏ trần gian phiền lụy để chọn cho mình một lối đi thênh thang.
Chiều tàn, ánh vàng nhạt yếu ớt làm cho hai cái bóng vợ chồng lão dài và nhỏ lại. Hai bàn tay dìu nhau xuống con dốc; một tà áo dài lam khẽ bay trong gió. Lại một tiếng chuông chùa nữa nhẹ rơi...
Tuệ Nghiêm
 

Chú Tiểu, Mẹ Và Bông Hoa Sứ

Sự vô tư đôi khi là liều thuốc nuôi dưỡng những tâm hồn thánh thiện. Ngay từ khi chào đời tôi đã không có được sự vô tư ấy. Tôi đã nhìn thấy mẹ của mình. Cái nhìn thoáng qua khi vừa chạm mặt ngưỡng cửa cuộc đời.
Tôi là một đứa trẻ khác thường. Người ta đã nói vậy ngay khi tôi vừa mới trồi đầu ra khỏi cái cung tối tăm chật hẹp trong bụng mẹ. Vừa chào đời, việc đầu tiên của tôi là mở to đôi mắt ra nhìn khắp lượt. Mọi thứ xung quanh có vẻ sáng sủa lạ lẫm quá khiến tôi mải mê nhìn quên cả việc khóc thét lên khi bà mụ đánh một phát vào mông đau điếng.  
- Chà! Thằng bé lỳ đòn dữ à nghe. Nó mở to đôi mắt thao láo ra nhìn chứ không thèm khóc. Ờ.. Ờ..! Sao! Sao hả con? Lạ quá phải không. Nặng tới hơn ba ký lô đấy. Quả là mẹ khỏe mạnh sanh con bụ bẫm mà.        
Sau khi được tắm rửa sạch sẽ và đặt lên giường nằm, tôi liền quay sang nhìn người mẹ vừa sanh thành ra mình. Mẹ của tôi còn khá trẻ. Và hẳn đây là lần vượt cạn đầu tiên nên trông bà đờ đẫn mệt mỏi đến không buồn nhìn con. Khi nghe tôi chòi đạp ọ ẹ, mẹ chỉ hơi khẽ xoay nghiêng mình liếc qua. Ngay lập tức tôi nhận ra ánh mắt buồn bã có phần nặng nhọc u ám của bà. Biết mẹ mệt, tôi ngoan ngoãn nằm yên. Khung cảnh lạ lùng khiến đầu óc còn non nớt của tôi cứ miên man nghĩ ngợi.
Có nhiều tiếng chộn rộn chung quanh làm tôi chú ý. Một bà mẹ sanh con vừa được đưa lên phòng. Những người thân đang vây quanh săn sóc. Đứa trẻ ra đời cùng ngày với tôi, trông nhỏ xíu như bắp tay người lớn và đỏ hỏn như cục than lửa. Thằng bé cứ ngo ngoe khóc thét lên làm bố nó sốt ruột, chốc chốc lại bước đến nhìn con lo lắng. Cô ý tá đầy kinh nghiệm thản nhiên nói:
- Bé khóc to vậy là tốt chứ không sao đâu. Dù sanh sớm mấy tuần nhưng lúc mẹ mang thai được chăm sóc kỹ nên cháu sanh ra đã khỏe. Cho bé bú sữa mẹ một thời gian là cháu sổ sữa chóng lớn ngay.  
Là đứa bé khác thường, nên tôi có thể nghe và hiểu hết những sự việc quanh mình. Tôi thắc mắc vì sao những bà mẹ sanh con luôn có nhiều người tới lui thăm hỏi, riêng mẹ của tôi chỉ có một thân một mình. Có thể bố và những người trong gia đình tôi chưa kịp đến. Vì không thể nói được nên tôi chỉ biết nằm yên chờ đợi. Tôi đã chờ đợi trong bụng mẹ suốt một thời gian dài... với ước mong ngày ra đời sẽ được sự chào đón của cả đại gia đình thân thuộc. Thế mà giờ đây mọi việc dường như khác hẳn.  
... Người mẹ bọc kín đứa con trong chiếc khăn lông rồi vội vả bước đi. Đứa bé không khóc cũng không ngọ ngoạy. Mẹ đang đưa bé về nhà. Bé sẽ được gặp những người thân trong gia đình chưa từng gặp. Mọi việc chắc sẽ ổn thôi. Bé nghĩ vậy nên yên tâm thiếp ngủ trong vòng tay ấm áp của mẹ.
... Trời hửng sáng. Gió se lạnh. Tôi giật mình thức giấc khi nghe có nhiều tiếng người lao xao. Có ai đó vừa bế tôi lên, cất giọng tức tối:
- Con thấy nó bỏ đứa bé dưới gốc cây sứ trước cổng chùa. Con rượt theo thì nó chạy bọc xuống đám ruộng khô rồi băng ra lộ mất hút. Nó còn trẻ măng hà. Lăng nhăng bậy bạ rồi ôm bầu tâm sự... sanh con ra đem bỏ cửa chùa. Thật là đồ...   
Có tiếng vị sư nhỏ nhẹ nói:
- Thôi! Cô đừng lớn tiếng làm gì. Người ta cũng vì hoàn cảnh mà bỏ con. Người có công sanh thì nhà chùa có công dưỡng. Chỉ tội nghiệp cho một sanh linh bé nhỏ, vừa chào đời đã không còn gặp mẹ. Tuổi thơ nào có tội tình gì.  
Ôi! Người ta đang nói về mẹ của tôi đấy. Tôi lờ mờ hiểu ra rồi bất ngờ cất tiếng khóc to. Lần đầu tiên sau khi chào đời tôi mới biết khóc. Tôi khóc khi biết mình là đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi. Tôi khóc vì ước mơ về một mái ấm gia đình có bố mẹ... đã không bao giờ thành hiện thực.
 Năm tháng trôi qua. Tôi góp mặt và trở thành một thành viên bé nhỏ trong ngôi chùa rộng tọa lạc tại vùng ven. Từ buổi đầu tiên được đón nhận vào chùa, tôi phát hiện không chỉ có mình mà còn nhiều đứa trẻ khác. Những anh chị em không cùng huyết thống của tôi cũng chỉ mới lên dăm bảy tháng cho đến một vài tuổi. Những đôi mắt thơ ngây ngước nhìn đứa trẻ lạ vừa được sư phụ bế vào là tôi, nửa tò mò nửa thích thú. Sau này tôi còn có nhiều em trai em gái nữa. Bởi người ta cứ thản nhiên đem bỏ những đứa con vô tội trước cổng chùa. Khi tôi bắt đầu đi học, thì số anh chị em của mình đã già hơn chục.
Vừa chập chững biết đi, tôi được sư phụ cạo tóc chừa lại ba chỏm. Mọi người đến chùa tỏ vẻ thích thú khi nhìn mấy chú Tiểu nhỏ dễ thương ngộ nghĩnh. Sư phụ đặt tên khai sinh cho tôi là Hiếu Tâm. Một cái tên nghe thật đạo vị. Sư chú tôi vốn là nhà thư pháp nghiệp dư. Trong chùa ngoài ngõ treo đầy những bức tranh thư pháp với mỗi một chữ tâm rất ấn tượng. Sư phụ tâm đắc lắm bèn lấy chữ tâm đặt cho cả đám đệ tử nhóc tỳ của mình. Nào là Mẫn Tâm, Khánh Tâm, Minh Tâm, Phước Tâm...
Ngay khi lọt lòng mẹ, tôi là đứa bé biết suy tư và hay cả nghĩ. Tuổi thơ sống yên ấm dưới mái chùa, tôi cũng tinh nghịch, tham gia các trò chơi quậy phá cùng các sư huynh sư đệ của mình. Sau những cuộc vui chơi ấy, tôi lại quay về với bản chất trầm lặng cố hữu. Tôi thường ngồi yên... chỉ để nhìn lá rơi nắng đổ bên sân chùa. Thích nhất là ngắm đàn bồ câu bay sà xuống khi tôi vừa công phu cúng thí thực xong. Chị gà mái nhà hàng xóm hay dẫn đàn con bé bỏng sang chùa kiếm ăn. Ăn xong mẹ con quây quần nằm sưởi nắng. Tiếng chim hót líu lo. Tiếng gà kêu chích chích nghe thật vui tai. Tôi nhìn đến nổi quên cả công việc của mình làm sư huynh Mẫn Tâm phải la toáng lên:
- Thưa sư chú! Hiếu Tâm không chịu quét sân... cứ đứng nhìn đâu đâu không hà.
Tôi và Mẫn Tâm được sư chú phân công tác quét sân trước. Mẫn Tâm lớn hơn tôi một tuổi lại ỷ mình là sư huynh nên thường phó mặc cho tôi làm. Tôi cũng không lấy thế làm phiền lòng. Một mình tôi vừa quét sân, vừa quan sát người ra vào lễ chùa. Những bà mẹ ông bố hạnh phúc bên những đứa con xinh xắn của họ. Những ông cụ bà lão trang nghiêm trong chiếc áo tràng lễ Phật. Phật tử của chùa đều quen mặt biết tên mấy chú Tiểu và hay dừng lại xuýt xoa:
- Còn nhỏ thế mà đã có căn duyên ở chùa, thật phúc đức lắm...
Tôi luôn để mắt dõi tìm một hình ảnh thân quen. Gương mặt người mẹ trẻ lâu ngày đã lu mờ nhưng tận trong sâu thẳm tâm hồn thơ dại, ánh mắt đăm chiêu buồn tẻ ấy vẫn còn phảng phất. Mẹ hẳn đã quên đi núm ruột của mình. Mà nếu có nhớ tìm tới... thì chắc bà không thể nhận ra đứa bé đỏ hỏn ngày nào trong số những chú Tiểu có cùng một gương mặt hồn nhiên trong sáng.
- Sư huynh! Có khi nào... ba mẹ chúng ta đến chùa tìm lại đứa con mà họ đã vứt bỏ?
Mẫn Tâm nghe tôi nói liền trố mắt nhìn:- Làm gì có chuyện đó. Mình là con của Phật, con của sư phụ rồi. Còn ba mẹ nào nữa mà tìm kiếm.
Sự vô tư đôi khi là liều thuốc nuôi dưỡng những tâm hồn thánh thiện. Ngay từ khi chào đời tôi đã không có được sự vô tư ấy. Tôi đã nhìn thấy mẹ của mình. Cái nhìn thoáng qua khi vừa chạm mặt ngưỡng cửa cuộc đời.
- Chú Tiểu! Cho chú mượn chiếc xe điện tử nè. Chơi vui lắm đó.
Cậu bé khoảng tuổi tôi nhưng vóc dáng ốm nhom đang niềm nở khoe món đồ chơi đắt giá. Tôi cười cười lắc đầu. Món đồ chơi lạ này làm tôi thích thú. Nhưng chúng tôi cũng có nhiều đồ chơi của Phật tử đem đến chùa cho. Mẹ của cậu bé đang ngồi nói chuyện với sư phụ bên nhà khách:
- Thằng bé sanh non, cứ trời trở gió là nóng đầu sổ mũi. Uống biết bao thuốc men, tẩm dưỡng toàn đồ bổ mà nó vẫn ốm trơ xương. Con dẫn cháu đi chùa, lạy Phật bà Quan Âm phù hộ cho được mạnh giỏi.
Gương mặt rạng ngời hạnh phúc của người mẹ đang nói về đứa con trai ốm yếu của bà. Hình ảnh vừa quen vừa lạ làm tôi ngỡ ngàng nhìn sững. Sự đời như gió thoảng mây bay. Mọi việc tưởng đã trôi xa mà sao cứ chập chờn như có như không.
* * *
Hiếu Tâm thường ra ngồi chơi dưới gốc cây sứ trước cổng chùa. Chú ngồi học bài luôn tiện lượm hoa rụng đem vào cho cô Phước ở nhà bếp. Cô bảo hoa sứ phơi khô có thể đem bán được. Nhưng cô dùng để kết tràng hoa cúng Phật. Hiếu Tâm có cảm giác cây sứ này luôn có một mối nhân duyên đặc biệt với mình.
- Ngày nào cô cũng thấy chú Tiểu ra ngồi lượm hoa sứ khô. 
Hiếu Tâm ngẩng lên. Một bà khách đứng dưới táng cây đang nhìn chú mỉm cười. Hiếu Tâm ngạc nhiên vì mình chưa từng gặp bà.
- Sao cô lại biết là con... thường ra đây lượm hoa sứ.
- Vì ngày nào cô cũng đi qua chùa mà.
- Nhà cô ở gần đây ?
- Ơ... Cô ở xa lắm. Cô chỉ về chơi nhà người quen ít bữa.
- Vậy cô đến chùa lễ Phật?
- Ừ! Cô thích lên chùa. Mấy chú Tiểu ở chùa thật dễ thương. À... Mà Tiểu còn ba mẹ không?
Hiếu Tâm lắc đầu:- Tiểu không biết. Vì khi mới sanh ra, đã bị mẹ đem bỏ trước cổng chùa rồi.
- Thế à! Thật tội nghiệp. Mà chú lượm hoa sứ khô để làm gì vậy?
- Dạ. Hoa sứ rất thơm. Quý cô trong chùa hay dùng kết tràng hoa cúng Phật. Dưới gốc cây hoa sứ này từng có một câu chuyện cổ tích đấy cô à.
Bà khách tò mò hỏi:- Chuyện cổ tích thời nay sao? Chú kể cho cô nghe được không?
Tôi gật đầu nghiêm nghị:- Dạ được chứ. Nếu cô thích nghe. Chuyện là thế này. Hồi đó cách đây chưa lâu lắm... có người mẹ sanh một đứa con trai tại bệnh viện. Vì không có tiền trả viện phí nên bà bồng con trốn đi trong đêm khuya. Đứa bé bụ bẩm nhưng nó không khóc cả khi bà mụ đánh vào mông. Lúc người mẹ bồng con trốn đi thì đứa bé đã ngủ thiếp trên tay bà. Và khi tỉnh dậy, nó thấy mình nằm dưới gốc cây sứ này, chung quanh đầy hoa rụng. Người mẹ đã bỏ đi. Đứa bé được sư phụ đem vào chùa nuôi nấng cho đến bây giờ.
Một chiếc xe máy vừa chạy qua làm bụi tung mù. Bà khách đưa tay dụi mắt. Bà có vẻ xúc động, dò hỏi:
- Đứa bé bị bỏ dưới gốc cây sứ buổi sáng sớm hôm ấy là ... là chú Tiểu sao?
Hiếu Tâm nhìn bà:- Cô biết câu chuyện đó?
- Là vì lúc ấy cô cũng ở gần đây. Cô nghe người ta kể về đứa bé bị bỏ rơi dưới gốc hoa sứ trước cổng chùa. Thời gian rồi cô quên mất. Không ngờ đứa bé ấy chính là chú Tiểu bây giờ. Mấy chú Tiểu ở chùa đều bị mẹ bỏ lại dưới gốc cây sứ này à?
- Dạ không! Chỉ có Tiểu là bị mẹ bỏ dưới gốc cây sứ này thôi. Lúc ấy vì có người trông thấy nên mẹ bỏ vội rồi chạy đi ngay. Sau này Tiểu nghe cô Phật tử nói lại.
Một đàn bồ câu bay sà xuống sân. Hiếu Tâm cầm rổ hoa đứng lên lễ phép nói:- Đã tới giờ công phu, Tiểu phải vào chùa cúng thí thực.
Bà khách nhanh tay ngắt lấy một bông hoa sứ trắng còn tươi rói trên cành xuống. Bà bước tới nói thật khẽ vào tai chú:
- Chú Tiểu bị bỏ rơi dưới gốc cây sứ này... Vậy là chú vẫn còn mẹ, phải không? Có duyên gặp Tiểu ở đây... nghe cậu chuyện của Tiểu, cô cảm động lắm. Vậy cho cô gởi tặng chú bông hoa sứ này. Mẹ chú vì hoàn cảnh nào đó mà không dám thừa nhận đứa con... Hẳn bà cũng đau khổ lắm. Chú Tiểu! Chú đừng trách bà ấy. Bây giờ chú là con nhà Phật rồi. Bà ấy dẫu có biết cũng không thể nhìn con.
Hiếu Tâm thẩn thờ cầm lấy bông hoa và khi chú định thần ngước lên thì bà khách đã đi xa rồi. Ôi! Lời nói và ánh mắt buồn sâu thẳm ấy... phải chăng đó là đoạn kết có hậu cho câu chuyện cổ tích về đứa bé bị mẹ bỏ rơi năm nào./.
  Lam Khê 
                                                  

photo

Tiếng kinh cầu
Đời sao lắm cảnh tang thương,
Gieo chi cơ cực đoạn trường trẻ thơ ?!
May thay sớm ngộ bến bờ.....
Duyên lành cứu thoát bơ vơ giữa đời,
Tiếng kinh cầu chẳng buông lơi,
Giúp cho tâm trẻ sáng ngời chân không...
Bây giờ mới thấy nhẹ lòng,
Tâm Không ngộ với Sắc Không an hoà !
Thuyền Từ cũng có đâu xa ?
Tiếng kinh cầu khiến nở hoa sen hồng !!
Giải bao ân oán trong lòng,
Độ cho oan nghiệt thoát vòng trầm luân !
NM
 



                              Tiếng Kinh cầu
    Một buổi chiều mưa gió, người đàn bà đi thoăn thoắt bên lề đường để trở về với hai đứa con đang đợi chờ trong mái ấm gia đình. Dưới cơn mưa đầu mùa, người đàn bà băng qua đường để vào con hẻm nhỏ, nhưng đã trễ, chiếc xe hàng khổng lồ đang lao mình đến. Tiếng la thất thanh cất lên rồi chìm hẳn trong tiếng mưa. Người ta thấy một thân hình nằm co bên lề đường. Tai nạn! tai nạn đã cướp đi mạng sống của người đàn bà xấu số trên đường đi làm kiếm tiền về nuôi con.
    Thế là hết, người ta thương tiếc cho một linh hồn vừa rời khỏi xác. Trong tai nạn, hảng xe lo chôn cất người đàn bà và bồi thường 25 triệu đồng tiền án mạng. Người đàn ba ra đi để lại hai đứa con, đứa gái sáu tuổi và đứa trai hai tuổi cho người chồng nghiện rượu.
    Một tháng sau.
    - Sáu, con nghe đây, ngôi nhà này má cho vợ con, nay vợ con qua đời má muốn lấy lại, con nghĩ sao?
    - Má lấy lại rồi ba cha con con ở đâu?
    - Con để 25 triệu lại má sẽ lo nuôi dưỡng hai đứa cháu, còn căn nhà này má sẽ bán đi.
    - Rồi con ở đâu?
    - Con là đàn ông, một mình sống đâu không được, con đâu phải lo nuôi hai đứa nhỏ mà sợ.
    - Má muốn đuổi con sao!
    - Má không nói như vậy, chính con nói đó.
    Người đàn ông đăm chiêu, nhìn cảnh đời rồi nói:
    - Tiền án mạng của vợ tui đây, bà giữ 20 triệu để lo cho hai đứa nhỏ dùm, còn lại 5 triệu tui mang theo hộ thân.
    Thế rồi người đàn ông nghiện rượu âm thầm ra đi, bỏ lại hai đứa con thơ. Gia đình cha mẹ đã qua đời trong thời loạn lạc, người đàn ông chỉ còn lại hai anh em nhưng người em nghèo rớt mồng tơi. Ngoài ra chỉ còn mấy người cô và bà con thân thuộc. Cuộc đời của gã là những ngày say vùi.
    Trong cảnh đời trơ trụi, hai đứa bé lớn lên bên nhà ngoại được bốn tháng, khi số tiền đền án mạng đã đến ngày khô cạn thì bà ngoại lại kêu người đàn ông nghiện rượu về:
    - Tao thấy trách nhiệm nuôi hai đứa nhỏ là của mầy đó.
    - Nhưng mà tui đã để lại 20 triệu cho má nuôi hai đứa nhỏ kia mà?
    - 20 triệu làm sao đủ, đã tiêu xài hết rồi.
    - Bốn tháng hai đứa nhỏ làm sao tiêu xài hết 20 triệu?
    - Nhưng mà tao nói hết là hết.
    - Vậy bây giờ má tính sao?
    - Thì mầy phải đóng tiền nuôi con chớ tính sao bây giờ.
    - Tui có tiền đâu mà đóng cho má.
    Một gã say rượu làm gì ra tiền mà nuôi con! Nhưng rồi người đàn ông nghiện rượu cũng tìm đến những người cô và anh em bà con để nhờ vã. Lá lành đùm lá rách, anh em bà con hùn tiền nhau nuôi hai đứa nhỏ. Đứa lớn theo cha sống nay đây mai đó và đứa nhỏ hai tuổi về ở với bà cô. Nhưng rồi cuộc đời cũng không trôi chảy êm xuôi, bà cô già nua không còn sức lực để lo cho đứa bé. Rồi một hôm những bà cô ngồi bàn với nhau, họ đồng ý đem đứa bé hai tuổi trao cho chùa.
    Nhìn đứa bé trai khôi ngô tuấn tú, khuôn mặt hiền như bụt nhưng đượm một nét buồn sâu kín. Cuộc đời của em chắc là không sinh ra dưới vì sao sáng.
    Ngày nọ bà cô dẫn đứa bé lên xe về Thủ Đức tìm ngôi chùa do người giới thiệu. Trời đã về chiều, hai bà cháu trên đường cát bụi tìm người hỏi hang. Bà cô gặp một vị sư bên đường, bèn hỏi:
    - Thầy chỉ dùm tôi ngôi chùa lớn ở vùng này.
    - Bà tìm đến chùa lớn làm gì giờ này?
    - Tui muốn tìm đến chùa để cho đứa bé này.
    - Ồ! Tốt quá, tui đang cần một đứa bé đây, bà cho tui đi.
    Bà cô nhìn người sư bên đường rồi phân vân.
    - Không được đâu, để tui đi tìm ngôi chùa kia. Rồi bà dẫn đứa bé tiếp tục đi.
    Trời đã về chiều, bà cô lủi thủi dẫn đứa bé mà không biết mình đi về đâu. Thỉnh thoảng quay đầu lại thì thấy vị sư kia vẫn còn đứng ngó theo. Bà tiếp tục đi một quảng đường, nhìn lại vẫn thấy nhà sư quay đầu nhìn bà và đứa bé. Ánh sáng bang chiều càng lúc càng dịu dần mà đường đến chùa thì dài hun hút, lòng bà cũng băn khoăn. Nhìn tương lai mù mịt của đứa bé bà đành ngoắt tay gọi nhà sư bên đường và đồng ý trao đứa bé cho nhà sư. Như mừng được của quý, vị sư ân cần mời bà theo về nhà.
    Ngôi nhà nằm bên trong hẻm. Người sư già nói rằng ngày xưa sư tu ở chùa lớn, sau này ông về lại nhà và biến ngôi nhà thành ngôi chùa nhỏ. Hằng ngày người sư có năm sáu tín đồ theo tu trong nhà. Câu chuyện ngừng lại khi chén trà vừa cạn. Bà cô nhìn đứa bé ái ngại với lòng thương xót. Bà chào vi sư rồi quay qua đứa bé:
    - Thôi con về với bà.
    - Không, con không về đâu, con ở lại với chùa này. Đứa bé lể phép đáp.
    Bà cố ý nói như thế để xem phản ứng đứa bé ra sao. Nhưng sao lạ, bà không cho đứa bé biết ý định bà đem nó cho chùa mà sao giờ nó lại không chịu ra về! Bà cô nhìn đứa bé và hỏi lần nữa, nó vẫn nhất định ở lại chùa!
    Trời đã xẩm tối, bà cô chào vị sư, gởi gắm đứa bé, bà ẳm nó lên đặt một nụ hôn lên má rồi bà ra về.
    Kẻ tu hành không ăn thịt và ngôi chùa này cũng vậy, họ ăn chay trường. Nhà sư nhìn đứa bé ốm yếu, ăn chay trường làm sao nó lớn được. Trong lòng vị sư thấy thương xót nên dặn nhỏ một chú tiểu:
    - Con hãy ra chợ mua ít thịt cá về cho thầy.
    - Nhưng chùa ăn chay trường mà thầy.
    - Hãy cho đứa bé ăn thịt cá một thời gian cho nó đủ sức lớn rồi hãy cho nó ăn chay con.
    Một hôm vị sư trù trì chùa gọi đứa bé và hỏi:
    - Mẹ con đâu?
    - Mẹ con bị xe đụng chết rồi, thưa thầy.
    - Còn ba con?
    - Ba con uống rượu say cũng chết luôn rồi.
    Có lẽ sự bất hạnh cuộc đời đã hằn sâu trong tâm tư đứa bé, nên nó giận đời mà khai tử ba nó luôn cho đở tuổi thân, chớ ba nó vẫn còn sống đó chứ! Mấy năm sau này người đàn ông nghiện rượu vẫn sống cuộc đời rày đây mai đó. Và đứa con gái lớn lên, gã cho đi ở đợ lấy tiền uống rượu.
    Thời gian trôi qua, thỉnh thoảng bà cô già nua đến chùa cúng Phật và thăm đứa bé. Những ngày đầu thấy bà cô đến thăm nó sợ đến mang về nên nó thường trốn trong phòng.
    Hôm nay, đứa bé đã được sáu tuổi. Người bác họ từ phương xa về Sài Gòn thăm chơi, tìm đến ngôi chùa thăm đứa bé. Bà cô đưa người bác đến chùa. Đứa bé nay được đi học, về đến nhà bà cô bảo:
    - Con thay quần áo đi rồi ra đây chào bác Hạnh.
    Đứa bé ngoan ngoãn làm theo lời, rồi bà cô bảo:
    - Con đọc kinh cho bác Hạnh nghe đi.
    Đứa bé chấp tay trước ngực và đọc làu làu kinh Phật bằng tiếng Phạn trước sự bở ngỡ của người bác. Người bác họ tự nhủ: “Cầm sách kinh tiếng Phạn để trước mặt đọc đã khó rồi, mà sao đứa bé sáu tuổi này có thể đọc thuộc lòng cả cuốn kinh bằng tiếng Phạn!” Người bác họ nhìn khuôn mặt hiền hòa và sáng sủa của đứa bé mà lòng chùn lại với cảm giác lành lạnh như đang đứng trước một vị cao tăng đắc đạo. Bà cô thử lòng đứa bé bằng cách bảo nó đi theo người bác họ qua Mỹ để đi học và sẽ được ăn no mặc đẹp, nhưng nó đã từ chối và nói rằng:
    “Con không đi đâu, nay con có cha và mẹ rồi.” Nó chỉ nhà sư và nói: “Đây là thầy con mà cũng là cha và mẹ của con.”
    Bây giờ nó không còn giận cha nó nữa. Mỗi lần người đàn ông nghiện rượu đến thăm nó vẫn ra mừng rỡ. Khi người đàn ông nghiện rượu ra về, đứa bé trở vào phòng, và trong tiếng gió người đàn ông nghe thoáng bên tai: Tiếng kinh cầu.  
Đồng Sa Băng   
 

Album Cây Đa Bến Cũ - Tổng Hợp

Nhớ mãi
Cây đa xưa .....
Tuổi thơ sao chịu khổ ?
Nghiệp kiếp vẫn đeo mang....
Vào chùa nương cửa Phật,
Lòng lo sợ hoang mang !!

Đa ơi, đa là bạn,
Che bóng mát cho đời.....
Dịu dàng như an ủi,
Tình đa ôi chứa chan !!

Pháp Phật thật nhiệm mầu,
Cao siêu nhưng thấm sâu.......
Duyên lành đâu đưa tới,
Như mơ, chẳng mong cầu.!?

Mai nầy thôi chia tay,
Ta rời xa chốn nầy.....
Thương cây đa chùa cũ,
Nhớ quãng đời đắng cay !

Từ đây như mây bay,
Khung trời xưa khép lại.....
Nhưng tâm luôn  nhớ mãi,
Hình bóng cây đa xưa !!!
  NM


Cây đa xưa
    Chú Hữu quét sân xong, không vội vào trong. Như thường lệ, chú cầm chổi đến dưới gốc đa, đặt cây chổi một bên, ngồi nghỉ mệt một chút, hóng gió cho ráo mồ hôi. Rồi chú móc trong túi áo vạt khách ra một mẩu giấy nhỏ, trên đó chú đã ghi sẵn mười chữ Hán, kèm theo cả âm lẫn nghĩa từng chữ. Chú nói với gốc đa: "Đa ơi, giúp tôi mau thuộc nghe Đa!" Rồi chú bắt đầu học. Chú lấy một cái que nhỏ viết các chữ ấy trên đất, học kỹ từng chữ. Cho đến khi nào học thuộc, chú mới vào trong để phụ với cô Diệu Lan nấu bếp.
    Chú còn nhỏ, mới mười ba tuổi thôi, nên chú chẳng thắc mắc gì về cô Diệu Lan này. Ngày chú vào chùa xuất gia cách đây hai năm, cô ấy đã có sẵn trong chùa, dọn dẹp lặt vặt, nấu cơm, giặt đồ, hầu hạ thầy. Chú đi tu làm chú tiểu thì đương nhiên chú cũng xăn tay làm việc chùa, phụ giúp cô ấy một tay. Có khi thầy dạy chú rằng cô Diệu Lan không phải là người tu như thầy và chú, cho nên, đúng ra những công việc trong chùa, chú phải cáng đáng hết. Nhưng vì chú còn nhỏ, không lo nổi mọi việc, cô Diệu Lan sẽ tiếp tục công việc chùa cho đến khi chú trưởng thành. Nghe thầy dạy như thế, chú thấy trong lòng biết ơn cô Diệu Lan lắm. Nếu không có cô ấy thì thật là cực nhọc cho chú biết bao. Công việc trong chùa không phải là ít. Vừa thỉnh chuông khuya, chuông tối, vừa tụng kinh mỗi ngày bốn thời, vừa quét dọn trong nhà, ngoài sân, tưới cây, nấu cơm, giặt đồ cho thầy... chưa kể có khi còn đấm bóp cho thầy vào mỗi tối nữa.
    Vào bếp nấu ăn phụ cô Diệu Lan có nghĩa rằng chú đến ngồi quanh quanh bếp để chờ cô ấy sai vặt. Có khi cô bảo chú xách nước giếng lên cho cô rửa rau, hoặc rửa tay rửa chân. Có khi cô sai chú đi mua nước đá ở quán chè đầu đường về để cô pha nước chanh mời thầy uống — và những lần pha nước chanh như thế, bao giờ cô cũng tự thưởng cô một ly mà không bao giờ cô có ý mời chú. Có lẽ cô nghĩ rằng chú có bổn phận phục vụ cô, vì cô đã bỏ hết thời giờ của cô ra để chăm lo việc chùa nhờ đó chú mới được chút rảnh rang mà học kinh kệ, học chữ Hán. Chú mang ơn cô, tất nhiên chú có bổn phận phải phục vụ lại cô để đền đáp phần nào công ơn đó. Nghĩ vậy, chú không dám hó hé hay buồn phiền gì. Cô sai gì chú làm nấy. Thậm chí có khi cô còn sai chú xách nước vào buồng tắm cho cô tắm nữa.
    Buổi tối, cô Diệu Lan ngủ dưới bếp. Dưới đó có một phòng riêng dành cho cô. Còn chú, chú cũng có một phòng riêng ở phía bên trái của chánh điện. Phòng của thầy thì ở phía bên phải. Hai phòng cách nhau một khoảng rộng của chánh điện. Và hai phòng cũng cách xa nhà bếp một khoảng sân sau cùng nhà ăn của chùa. Thỉnh thoảng, chú nghe tiếng nói chuyện của cô Diệu Lan và thầy ở bên kia vọng qua. Chú biết là cô Lan đang đấm bóp cho thầy. Thầy có thói quen phải đấm bóp trước khi ngủ, không đấm bóp thì không ngủ được. Lâu lâu cô Diệu Lan về quê, thầy bảo chú qua đấm bóp thay. Thầy nói tay chú còn yếu lắm, khi nào chú lớn thì mới đấm được như ý thầy muốn. Cho nên khi cô Diệu Lan từ quê trở lại chùa, thầy lại tiếp tục nhờ cô ấy đấm bóp mỗi tối chứ không bảo chú làm công việc ấy nữa. Chú mừng lắm nếu cô Diệu Lan nhận làm công việc đó, vì suốt ngày mệt mỏi rồi, chú cũng chẳng muốn thức khuya để đấm bóp dù chú luôn nghĩ rằng chú có bổn phận phải hầu hạ, phục dịch thầy thay vì ở nhà phụng dưỡng cha mẹ.
    Cho đến khi cô Diệu Lan mang thai, chú cũng chẳng thắc mắc gì cả. Chú chỉ giật mình vào một sáng nọ khi phát giác rằng cái bụng của cô tự dưng mà tròn vin như cái trái dưa hấu loại thượng hạng. Ngày nào chú cũng gặp cô mà chú không biết bụng cô lớn dần. Chú cũng không biết tại sao cô ấy mang thai nữa. Chú nhớ hồi ở nhà, khi mẹ chú mang thai, chú hay tới rờ bụng mẹ, hỏi:
    "Mẹ à, sao mẹ có em bé vậy mẹ?"
    Mẹ chú cười, chẳng trả lời được. Một lúc sau, bà nói cho qua chuyện:
    "Có gì đâu con, tự dưng tới tuổi thì đàn bà phải có thai thôi."
    "Vậy hả mẹ."
    Từ đó, chú tin rằng con gái lớn lên thì có thai. Nay cô Diệu Lan có thai thì đúng rồi, có gì đâu mà thắc mắc. Tuy nhiên, thời gian cô ấy mang thai, chú thật là cực khổ. Cô ấy nóng tánh làm sao. Hở một chút là cô la cô mắng cô chửi chú. Chưa hết, cô sai chú liền tay. Cô ngồi một chỗ, chỉ tay năm ngón, làm chú mệt đứt hơi. Bụng cô càng lớn, chú càng mệt nhọc với công việc. Chú thầm cầu mong cô sau lần có thai nầy là đủ rồi, đừng có thai thêm lần khác nữa. Cũng trong thời gian này, cô không đấm bóp cho thầy nên mỗi tối chú phải qua phòng thầy đấm bóp cho thầy trước khi ngủ. Thầy dạy:
    "Nè, cô Diệu Lan bụng mang dạ chửa, con phải hết lòng giúp đỡ cô ấy nghen. Đừng để cô ấy phải làm những công việc nặng nhọc. Thấy cô làm gì thì mình giành lấy mà làm, không phải đợi cô ấy sai. Khi nào sanh xong cô ấy sẽ làm việc bình thường lại, khỏi phiền con nhiều. Thời gian này thì chịu khó đi. Muốn tu thành Phật thì phải tập tu, tập chịu cực nhọc cho quen."
    Chú chỉ dạ và im lặng đấm bóp. Lâu nay ở chùa chú chẳng bao giờ nệ hà chuyện gì. Chùa chỉ có ba người: thầy, cô Diệu Lan và chú. Thầy và cô là người lớn tuổi, như cha mẹ, như cô như cậu trong nhà, có sai chú làm việc thì cũng là lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, đôi lúc chú thấy buồn tủi khi bị cô Diệu Lan la mắng. Thời gian mang thai, cô càng dữ dằn hơn, đụng đâu phang đó, đến thầy mà cô còn không vị nể huống chi là chú. Bị cô la vì những chuyện vô lý, chú ấm ức lắm nhưng chẳng biết bộc bạch với ai. Mấy phen chú trình lên thầy rằng chú bị cô ấy trách oan thì thầy gạt đi, cứ bênh vực cô ấy, chẳng kể gì đến những gì chú nói cả. Những lần như thế, chú chỉ biết ra ngồi ngoài gốc cây đa, khóc một mình. Từ lúc con chó tên Tuất ở chùa—người bạn thân yêu duy nhất của chú—bị xe cán chết, chú chỉ còn biết tâm sự với cây đa trước sân. Cây đa không biết nói, không ve vẫy liếm tay liếm chân chú, không kêu sủa như con Tuất nhưng chú biết cây đa lúc nào cũng lắng nghe một cách chân tình những gì chú tâm sự. Chú để ý mỗi lần chú buồn và khóc, tự dưng có gió ở đâu thổi qua, lá đa xào xạc, các giây leo đong đưa trước mặt chú. Chú cho đó là cách mà cây đa biểu lộ tình cảm của nó. Chỉ có cây đa đó mới an ủi được chú mà thôi. Khi được cây đa an ủi, nước mắt chú càng rơi nhiều hơn. Chú có cha mẹ chứ chẳng phải không. Nhưng chú là đứa bé khó nuôi, cha mẹ lại nghèo, nên nghe lời người ta, đem chú lên gởi ở chùa cho thầy nuôi dùm. Chú vào chùa ở thì tự dưng mọi thứ bệnh đều hết, ngay cả cái bệnh còi mà cha mẹ chú nghĩ là không thể trị được cũng hết luôn và chú đang nẩy nở phát triển thấy rõ chứ không đèo đẹt như trước kia nữa. Vì thế, nếu chú có thưa với cha mẹ những chuyện làm chú buồn thì cha mẹ cũng chỉ bênh vực thầy, bênh vực cô Diệu Lan để mà qui lỗi cho chú thôi. Thậm chí, cha mẹ chú còn có ý nghĩ rằng sẽ gởi chú luôn ở chùa chứ không đem chú về lại với gia đình nữa, thì chuyện gì cha mẹ cũng muốn cho qua để êm thắm chứ đâu có dám bênh vực chú để rồi mất lòng thầy cô đâu. Những cảm nghĩ đó chú đều nói cho cây đa nghe. Chú nói rằng ngoại trừ con Tuất và cây đa ra, không ai thương chú hết. Chú còn nghĩ rằng nếu đức Phật có hiện xuống ngôi chùa này thì ngài cũng đi gặp thầy trụ trì—người có thẩm quyền của chùa—để nói chuyện chứ làm sao ngài để ý tới một chú tiểu nhỏ bé như chú.
    Hôm nay chú lại bị cô Diệu Lan quở trách nữa. Chuyện chẳng có gì quan trọng. Chú đang ngủ trưa trong phòng riêng thì cô vào gọi giật dậy, sai ra chợ mua cho cô trái xoài xanh. Chú không muốn đi, chùng bùng, ngồi ì một chỗ. Cô tru tréo lên. Chưa đầy một phút sau là thầy bước xuống. Cô nói liền mà như trách thầy không biết dạy chú vậy:
    "Sai nó ra chợ một chút mà cũng không được nữa. Đó, rồi ngồi một đống!"
    Chú vùng vằng nói:
    "Hồi sáng đi chợ sao cô không dặn mua luôn một lần, bây giờ lại bảo đi chợ nữa. Mà có mua cái gì quan trọng! Trái xoài chứ gì đâu!"
    "Câm miệng," thầy nói, "cô sai thì đi, không được cãi. Chú muốn ở chùa hay muốn ra ngoài đường?"
    Chú vội vàng đứng dậy, xuống bếp rửa mặt rồi cầm tiền ra chợ. Cô còn dặn chú mua xoài ở đâu, lựa xoài như thế nào. Chú làm thinh không dạ không ừ. Ra tới gần cổng chùa, chú còn nghe thầy nói vói theo:
    "Khi nào cô sai mà chú không muốn đi thì chú lên đây nói tôi, tôi đi."
    Đi bộ một mình dưới trời nắng chang chang, chú thấy trong lòng thật là bực dọc. Chưa bao giờ chú thấy bất mãn như lúc này. Tại sao chỉ ăn một miếng xoài cho vui mà bắt một đứa con nít dang nắng đi xa như vầy! Thèm gì mà bất nhơn vậy! Chú đây còn là con nít mà chú có thèm ăn vặt bậy bạ đâu. Tự dưng nổi hứng giữa trưa bảo đi mua xoài!
    Đi gần tới chợ, ngang một tiệm bán sách báo và dụng cụ học sinh, chú bỗng bắt gặp một chú tiểu khác đâu chừng mười sáu tuổi đang đứng trong tiệm. Chú tò mò đứng lại nhìn. Chú tiểu kia mặc áo dài năm thân màu lam trông đàng hoàng, chững chạc lắm chứ đâu như chú chỉ mặc bộ đồ vạt khách đỏ loét (áo hơi giống áo bà ba, may thêm một vạt ngắn phía bên phải; quần thì luồn giây thun, cùng màu với áo). Đồ vạt khách chú bận thì suốt ngày này qua tháng nọ chẳng thay đổi dù ở trong chùa hay đi ra đường.
    Ông chủ tiệm thấy chú đứng tần ngần trước cửa tiệm bèn nói với chú tiểu bên trong:
    "Kìa, có bạn chú ở ngoài kìa."
    Chú tiểu kia quay nhìn ra. Hai chú bỡ ngỡ ngó nhau một lúc. Chú tiểu trong tiệm sách bỗng đưa hai tay chắp lên ngực chào chú. Xưa nay chẳng ai chào chú như vậy cả. Chú lúng túng chắp tay chào lại. Chú không ngờ chú tiểu kia lớn tuổi hơn mình mà lại chào mình lịch sự như thế. Chú tiểu kia dạn dĩ, từ trong tiệm bước ra, đến gần chú, hỏi:
    "Chú ở chùa nào vậy?"
    "ở chùa Nghĩa Trủng."
    "Nghĩa Trủng?"
    "Ừ, Nghĩa Trủng. Còn chú?"
    "ở chùa Từ Quang. Chú đi đâu đó?"
    "À... đi chợ. Còn chú?"
    "Đi mua tập và bút máy. Tại vì sắp tới ngày khai giảng rồi. Vô đây chơi."
    Chú rụt rè bước vào. Mắt liếc nhìn cách ăn bận của chú kia và thấy rõ sự khác biệt giữa mình với chú ấy. Chú có vẻ luộm thuộm lôi thôi quá. Tuy rằng ở chùa thì chẳng cần phải ăn diện gì, nhưng ít nhất cũng phải tươm tất, gọn ghẽ khi ra đường. Thầy và cô Diệu Lan chẳng hề nghĩ đến chuyện sắm áo dài cho chú mặc ra đường. Ngay cả đôi dép cũng không mua, đi đâu chú cũng cứ đi chân trần như một hành khất. Áo quần thì đỏ loét đỏ loe với loại vải rẻ tiền nhất. Trông chẳng ra con giáp nào cả.
    Chú kia lại hỏi:
    "Chú pháp danh gì?"
    "Pháp danh? À... tôi quên rồi vì chưa bao giờ thầy gọi bằng pháp danh cả. Tên tôi là Hữu. Chú có pháp danh rồi hả?"
    "Ừ. Tôi pháp danh là Tâm Tuệ. Chú chuẩn bị sách vở đi học chưa? Chú học ở đâu?"
    "Học ở trường Bồ Đề. Sách vở chưa sắm."
    "Trường Bồ Đề thôi hả, chứ không vào Phật học viện à? Phật học viện sắp sửa khai giảng, các chùa đang chuẩn bị cho các chú tiểu như tụi mình vào đó."
    "Phật học viện là cái gì?"
    "ủa, chú không biết hả? Phật học viện là trường dạy cho tụi mình về giáo lý, kinh điển, chữ Hán, các thứ đó."
    "Tôi có học chữ Hán và học kinh ở chùa, thầy tôi dạy."
    "Như vậy đâu có đủ. Chùa nào cũng có dạy như vậy hết, nhưng muốn học theo trường lớp, theo chương trình của Giáo Hội đàng hoàng thì phải vào Phật học viện kia."
    "Vậy hả! Tôi đâu có biết. Phật học viện xa không vậy?"
    "Xa. Phật học viện ở tận trong Hội An, cách đây chừng ba mươi cây số."
    "Vậy sao mình đi học mỗi ngày được?"
    Tâm Tuệ cười nói:
    "Đâu có đi mỗi ngày, mà mình phải tới Phật học viện ở luôn tại đó mà học. Đó là chỗ cho tụi mình vừa ở vừa tu vừa học."
    "Như vậy ở đó chắc đông bạn bè lắm hả?"
    "Dĩ nhiên là đông rồi. Phật học viện nào cũng có khoảng bảy tám chục tăng sinh ngang tuổi ngang lớp với nhau."
    "Làm sao mình xin vào học tại Phật học viện được?"
    Tâm Tuệ suy nghĩ một lúc rồi trả lời:
    "À, phải học thuộc hai thời công phu, bốn cuốn luật, học qua giáo lý sơ đẳng phổ thông, chút ít chữ Hán, đâu chừng 3000 từ là đủ. Rồi phải thi vào nếu đậu thì được học không thì thôi. Mà phải có Giáo Hội hay là thầy bổn sư giới thiệu nữa."
    "Thầy bổn sư là ai vậy?" chú Hữu ngây thơ hỏi. Tâm Tuệ tuy không lớn hơn chú Hữu bao nhiêu nhưng cũng nhanh trí biết rằng người bạn mới của mình đã không được may mắn học hành hiểu biết nhiều như mình. Tâm Tuệ nói:
    "Thầy bổn sư là thầy nhận cho chú xuất gia, cạo đầu, đặt tên pháp danh cho chú đó."
    "Hai thời công phu thì tôi biết rồi, nhưng... bốn cuốn luật và giáo lý sơ đẳng là gì, làm sao có được để học?"
    "Chú chưa học luật và giáo lý sơ đẳng hả? Chú lên hỏi thầy, thầy sẽ cho. Nếu ở chùa chú không có bộ luật Sa Di bốn cuốn thì qua chùa Từ Quang tôi tặng chú một bộ. Bộ Sơ Đẳng Phật Học Giáo Khoa Thư bằng chữ Hán cũng có ở bên tôi nữa, tôi sẽ tặng chú."
    Chú Hữu mừng rỡ ra mặt, cám ơn bạn mà rưng rưng cả nước mắt. Chú những tưởng suốt cuộc đời mình chỉ biết có thầy, cô Diệu Lan và cây đa trước sân. Không ngờ hôm nay, Tâm Tuệ mở ra trước mắt chú một khung trời tương lai đầy ánh sáng. Chú nói với Tâm Tuệ:
    "Chắc thầy tôi không có bộ luật đó đâu, vì tôi không bao giờ nghe thầy tôi nhắc tới. Vậy... vậy tôi theo chú đến chùa chú bây giờ được không?"
    "Chú đi chợ mà?"
    "Tôi ghé qua chùa chú xong rồi đi chợ sau cũng được."
    "Có sao không? Nghe nói..." Tâm Tuệ nói đến đó thì im. Rồi lại nói:
    "Nếu chú đi được mà về không bị la thì tụi mình đi. Nhưng khoan, đợi tôi trả tiền sách đã."
    Trong khi Tâm Tuệ lo tính tiền với ông chủ tiệm, chú Hữu đứng ngẫm nghĩ về số phận mình. Chú ở chùa đã hơn hai năm mà thầy chỉ dạy cho học hai thời công phu để mà tụng kinh hàng ngày, sau đó dạy cho chút chữ Hán để mà tập đọc sớ điệp công văn mà cúng đám chứ chẳng bao giờ dạy chú giáo lý hay kinh luật gì khác. Đứng trước Tâm Tuệ, chú thấy mình sao quê mùa ngốc nghếch. Mà Tâm Tuệ hình như có ý nghĩ gì không tốt đối với ngôi chùa mà chú đang ở thì phải. Cũng may Tâm Tuệ tốt bụng, không khinh chê chú. Chú thầm cám ơn đức Phật, cám ơn cây đa đã cho chú gặp người bạn tốt như Tâm Tuệ hôm nay.
    Khi Tâm Tuệ trả tiền xong, hai chú cùng đi bộ đến chùa Từ Quang. Chùa này cũng nằm trên cùng một con đường với chùa Nghĩa Trủng mà chú Hữu ở, nhưng hai chùa cách xa nhau cả cây số. Vào chùa, Tâm Tuệ đưa bạn vào phòng riêng của mình rồi lục soạn trong đống sách trên bàn học, lấy ra vài cuốn sách đưa cho chú Hữu.
    "Đây là cuốn luật Sa Di mà tôi nói khi nãy, phải học thuộc lòng. Trong này vừa có cả âm lẫn nghĩa. Đáng lẽ phải có người giảng dạy, nhưng nếu chú không có người dạy thì cứ học thuộc lòng trước đi, rồi sau này học kỹ hơn. ở đây tôi có thầy dạy nên học cũng nhanh. Độ chừng hai tháng thì xong."
    Chú Hữu nhẫm tính một lúc rồi hỏi:
    "Bao giờ thì Phật học viện khai giảng?"
    "Tháng sau. Bây giờ đã có người tập trung tại đó rồi, vì còn phải trải qua một kỳ thi nữa."
    "Vậy thì... tôi đâu có học kịp," chú Hữu nói.
    "Chắc là không kịp... nhưng, nếu cố gắng... hay là đi đại..."
    "Là sao?"
    "Tức là đến đại Phật học viện, năn nỉ được ở đó mà học. Nếu không cho học thì xin ở đó mà tu cũng được. Xin ở được thì vào học ké cũng đâu có khó khăn gì!"
    "Làm vậy cũng được hả?" chú Hữu mừng rỡ hỏi.
    "Tôi nghĩ là được, vì mấy thầy ai cũng thương các chú tiểu như tụi mình. Nếu chú lạy thầy Giám Viện, nói hoàn cảnh của mình rồi xin ở đó tu học, chắc thầy thương mà nhận."
    Chú Hữu sung sướng, thấy như mình đã được tham dự vào Phật học viện rồi vậy. Chú cũng thầm cảm phục Tâm Tuệ. Người đâu mà lanh lợi quá đỗi!
    Hai chú đang ngồi nói chuyện với nhau thì thầy của Tâm Tuệ bước ngang cửa phòng. Thấy chú tiểu lạ, thầy bước vào. Tâm Tuệ và chú Hữu cùng đứng dậy chắp tay vái chào. Thầy xoa đầu chú Hữu hỏi:
    "Con ở đâu tới đây? chùa nào?"
    Giọng thầy nghe ấm cúng, tình cảm làm sao. Chú ngước lên trả lời thầy:
    "Dạ, con ở chùa Nghĩa Trủng."
    "A, chùa Nghĩa Trủng! Thầy con có khỏe không?"
    "Dạ, khỏe."
    Tâm Tuệ bỗng nói chen vào:
    "Con mới quen chú ngoài tiệm sách Tiến Đức. Chú ở chùa hai năm rồi mà chưa được cho học giáo lý. Chùa Nghĩa Trủng không có kinh sách gì hết, bạch thầy."
    Thầy không nói, lẳng lặng đến ngồi bên bàn học của Tâm Tuệ:
    "Tại thầy ấy muốn cho chú trau luyện đức hạnh trước, học hành sau. Cũng như người ta nói ‘tiên học lễ, hậu học văn’ đó mà. Chưa chắc hoàn cảnh của chú như vậy là xấu hơn con."
    Tâm Tuệ tiếp tục nói, và chính lúc này, chú Hữu mới nhận thức được rằng trong giọng của Tâm Tuệ hằn lên những bực tức như thể chú ấy đang nói lên sự bất mãn thay cho hoàn cảnh của mình:
    "Hồi trước chú Tiến cũng ở chùa Nghĩa Trủng ra đó, bạch thầy. Chú ấy cũng giống như chú Hữu bây giờ. May mà..."
    Thầy cắt ngang:
    "Thôi con à. Chuyện xưa rồi nhắc làm gì. Mỗi nơi có một nếp sống, một qui luật riêng. Không thể bắt mọi chùa phải sinh hoạt giống nhau được."
    Tâm Tuệ vẫn cứ lý luận:
    "Nhưng... có cái bắt buộc phải giống nhau chứ, bạch thầy?"
    Thầy ôn tồn dạy:
    "Con chưa đủ lớn để xét việc của người khác đâu con ạ."
    Thầy nói vậy, Tâm Tuệ mới chịu làm thinh. Thầy từ từ đứng dậy rời phòng. Đến cửa, thầy quay lại nói với chú Hữu:
    "Nếu trên bước đường xuất gia con gặp phải những buồn đau, trở ngại, hãy coi đó như những thử thách ban đầu của con. Chí càng lớn, gian nan càng nhiều. Đừng nản lòng nghe con. Con có cần kinh sách gì thì nói với Tâm Tuệ, rồi thầy sẽ giúp con."
    Những lời thân mật đầy thương yêu của thầy khiến chú Hữu không ngăn được giọt lệ. Chú như kẻ lần đầu tiên nhận được tình cảm từ một vị thầy khả kính trong cửa chùa, và ngay lập tức, chú hiểu ngay rằng có những cái cao đẹp thiêng liêng hiện hữu trên cuộc đời. Chỉ tại chú chưa được may mắn để đón nhận mà thôi. Chú bỗng quỳ sụp xuống lạy thầy mà nước mắt chảy dài trên hai tay. Thầy đỡ chú đứng dậy, hỏi:
    "Con... con khổ lắm phải không?"
    Thầy chỉ hỏi vậy thôi là chú bật khóc nấc ra tiếng, không kềm hãm được nữa. Tâm Tuệ đứng bên cạnh cũng ứa nước mắt, quay đi. Tâm Tuệ nói:
    "Con biết mà. Con biết bạn con cũng bị như chú Tiến trước kia mà. Đó không phải là chùa. Ông ấy không phải là thầy."
    Thầy lớn tiếng cắt lời Tâm Tuệ:
    "Im! Con không được nói vậy. Chuyện ai làm người đó gánh chịu. Không dòm ngó lỗi người mà hãy tự nhìn xét chính mình. Con không nhớ lời dạy đó sao! Thầy không muốn con nhắc tới chuyện cũ của chú Tiến nữa, nghe chưa!"
    Tâm Tuệ cúi mặt dạ nhưng lòng như vẫn còn ấm ức. Thầy quay sang chú Hữu, an ủi:
    "Thầy đã nói với con khi nãy, hãy nhẫn nại. Xem tất cả như những thử thách ban đầu cho chí nguyện xuất gia của con. Khi nào gặp trở ngại lớn không giải quyết được thì đến đây thầy dạy cho phương cách tốt đẹp cho con."
    Rồi thầy đi ra. Hai chú ngồi lại trong phòng, im lặng chẳng nói gì. Một chặp, Hữu hỏi nhỏ:
    "Chú Tiến là ai vậy? Chú ấy bây giờ ở đâu rồi?"
    Tâm Tuệ suy nghĩ một lúc, nói nhỏ:
    "Chú đừng cho thầy biết là tôi nói nghe. Chú Tiến bây giờ ở chùa Phổ Hiền. Hồi đó tôi và chú Tiến cùng học ở trường Bồ Đề, chú ấy kể tôi nghe chuyện ở chùa Nghĩa Trủng. Sau, tôi bày mưu cho chú ấy... Chú Tiến sắp đi học Phật học viện với tôi đó."
    "Chú bày mưu làm sao?"
    "Đâu có gì đâu. Tôi nói chú ấy nói với ba má rằng chú không muốn tu nữa. Ba má chú đem chú về nhà. Rồi chú xin ba má cho đi tu lại ở chùa Phổ Hiền."
    Chú Hữu ngồi lặng thinh. Một hồi, chú hỏi:
    "Sao không xin từ chùa Nghĩa Trủng qua chùa Phổ Hiền luôn mà lại về nhà rồi xin đi lại, mất công quá vậy?"
    Tâm Tuệ cười:
    "Tại vì đi từ chùa Nghĩa Trủng thẳng qua Phổ Hiền thì thầy ở Nghĩa Trủng sẽ trách thầy ở Phổ Hiền sao dụ dỗ đệ tử mình."
    "À, té ra là vậy. Mà chú Tiến kể cho chú nghe chuyện gì ở chùa Nghĩa Trủng?"
    Tâm Tuệ nhìn bạn, ngập ngừng:
    "Chú ấy nói... chú ấy nói ở chùa đó chú không được học hành gì cả mà chỉ làm việc suốt ngày."
    Chú Hữu thở dài:
    "Tại vì chùa đâu có ai, mình phải làm thôi. Mình ăn ở tại đó thì phải làm việc chứ làm sao nữa."
    "Biết vậy rồi. Nhưng... mình đi tu đâu phải là để làm việc suốt đời như vậy."
    "Vậy chú không làm việc gì trong chùa này hết hả?"
    "Không phải. Làm việc thì chú tiểu như tụi mình ở đâu cũng làm hết, quét sân, quét chánh điện, lau bàn ghế, thỉnh chuông, tụng kinh... nhưng, ngoài công việc ra, phải có tu học."
    "Tôi có tụng kinh niệm Phật và học chữ Hán mỗi ngày."
    "Như vậy chưa đủ. Chú nên biết tôi học hết bốn cuốn luật bằng chữ Hán, rồi cả bộ Sơ Đẳng Phật Học Giáo Khoa Thư, lịch sử Phật giáo, Phật Học Phổ Thông cuốn I và II, vậy mà thầy vẫn gởi tôi đi học ở Phật học viện. Thầy đâu có muốn giữ tôi lại đây hầu hạ thầy để rồi tôi thành người dốt."
    Chú Hữu cúi mặt xuống, tủi thân. Tâm Tuệ an ủi:
    "Tôi nói vậy chú đừng có buồn, đừng giận tôi nghe. Tôi nói thiệt đó mà. Tôi biết chú Tiến ở đó, rồi bây giờ thêm chú nữa. Tôi muốn giúp chú thôi."
    "Chắc không giúp gì được đâu. Tôi với chú Tiến khác nhau. Ba má chú Tiến thương chú, nghe chú đòi về thì cho về, đòi đi lại chùa khác thì cho đi chùa khác. Ba má tôi không cho phép tôi làm như vậy đâu. Tôi giống như con của thầy ở đó. Ba má tôi đâu có nhận tôi trở về lại với nhà đâu."
    Tâm Tuệ cảm thương cho bạn mình, ngồi ứa nước mắt. Một hồi, Tâm Tuệ nẩy ra ý kiến mới, liền nói cho bạn nghe:
    "Hay là chú xin thầy cho chú vô Phật học viện học. Nếu thầy cho đi, chú ở luôn tại Phật học viện, không trở về Nghĩa Trủng nữa."
    "Như vậy thì tội nghiệp thầy quá đi. Tôi không muốn bỏ thầy đi luôn."
    "Nhưng ở đó chú đâu có tương lai! Huống chi... chú cũng phải đi học chứ bộ tội nghiệp thầy rồi ở bên thầy suốt đời hả!"
    "Tôi cũng biết vậy, nhưng tôi vẫn thương thầy, thấy khó bỏ thầy đi xa quá. Với lại... tôi biết thầy không cho tôi đi Phật học viện đâu, vì tôi đi thì đâu có ai giúp việc trong chùa cho thầy."
    "Đừng có lo chuyện đó mà. Hồi chú chưa đến đó chùa cũng đâu có ai, có sao đâu! Mà chú nói vậy có nghĩa rằng thầy muốn giữ chú lại ở chùa để giúp thầy thôi chứ gì! Như vậy thì thầy đâu có thương gì chú!"
    Chú Hữu ngồi suy nghĩ, một lát thì nói:
    "Để tôi về tính lại. Thôi bây giờ tôi phải về đi chợ kẻo..."
    "Kẻo cô Lan dưới bếp la phải không?"
    "ủa, sao chú biết?"
    "Biết chứ sao không. Cô ấy nổi tiếng mà, ai lại không biết! Nổi tiếng là bà chủ của chùa Nghĩa Trủng đó!"
    Chú Hữu nhìn bạn, vẻ mặt vừa ngơ ngẩn vừa buồn bã khi nghe vậy. Một lúc ngắn, chú mới giật mình đứng dậy, cáo từ. Tâm Tuệ bỏ kinh sách mình tặng bạn vào một túi ni-lông, đưa cho Hữu rồi đưa bạn ra đến cổng tam quan. Khi chú Hữu định đi, Tâm Tuệ, gọi lại:
    "Nếu học mấy cuốn này thấy không hiểu chỗ nào, chú qua đây tôi nói chú nghe, chỗ nào tôi không nói được thì nhờ thầy tôi giảng. Đừng ngại nghen. Thôi, chú về há. À khoan, để tôi kể chú nghe câu chuyện ngắn này. Mẹ của thầy tôi lâu lâu đến chùa ở lại tuần lễ hay nửa tháng. Những ngày ở lại đây bà ấy hay sai bảo mấy người Phật tử đến chùa làm việc này việc nọ, có khi sai tôi làm nữa. Ban đầu, tôi nghĩ bà ấy là mẹ thầy mà lại là người lớn tuổi như bà nội bà ngoại mình nên bà sai gì tôi làm đó. Nhưng sau tôi thấy bà có vẻ quá trớn, muốn tỏ ra mình là mẹ của thầy nên tôi phản đối, không chịu làm. Bà ấy lên thưa với thầy tôi, nói rằng tôi bướng bỉnh không nghe lời bà. Chú biết thầy tô phản ứngi làm sao không?"
    Chú Hữu trả lời ngay:
    "Kêu chú lên la một trận còn không thì cũng bắt quì nhang."
    Tâm Tuệ cười nói:
    "Không phải. Thầy tôi nói với bà ấy rằng tôi làm như vậy là đúng."
    "Sao kỳ vậy?"
    "Thầy nói rằng tôi đến đây xuất gia làm đệ tử thầy chứ không phải để làm đệ tử của bà ấy. Cho dù bà ấy là mẹ của thầy, bà cũng không có quyền sai bảo một chú tiểu ở chùa làm việc này việc nọ. Chỉ có quý thầy mới có quyền sai bảo các chú thôi. Thầy còn nói là ba má tôi xin cho tôi được làm đệ tử thầy vì kính mến ngưỡng mộ thầy chứ không phải ngưỡng mộ mẹ thầy. Còn nữa, không thể lấy cái chuyện trật tự ở ngoài đời mà áp dụng vào chùa. Một chú tiểu tuy nhỏ tuổi nhưng cả tính mạng và tâm hồn đã trao phó cho lý tưởng phụng đạo, cho nên không ai được phép lấy quyền hạn thân thích hoặc dựa vào tuổi tác, dựa vào chức quyền mà sai bảo chú tiểu ấy. Như vậy thì mẹ thầy cũng không có quyền nạt nộ sai bảo hay chửi mắng tôi. Thầy nói với mẹ thầy thế nào nữa chú biết không? Tôi chỉ nghe lén thôi. Mẹ thầy nghe thầy nói thì giận lắm bỏ về, nhưng mấy hôm sau bà trở lại chùa, tự tay quét dọn rồi làm những việc lặt vặt trong chùa. Bà ấy không đứng chỉ tay sai hết người này tới người khác nữa."
    "Thầy nói với bà ấy cái gì nữa mà bà giận rồi sau đó thay đổi?"
    "Thầy nói... mẹ không phải là người xuất gia, mẹ sai bảo các chú tiểu ở chùa thì mẹ bị tổn phước lắm đó. Vì các chú tiểu đến chùa là để học làm Phật ngay trong kiếp này. Cho dù không thành Phật thì các chú cũng sẽ trở thành những vị tăng sĩ đi theo con đường của Phật. Các chú bỏ nhà đi tu không phải để đến chùa làm tôi tớ cho mọi người sai bảo..."
    Chú Hữu nghe đến đó thì trong lòng bị kích động, sực nhớ lại vị trí của mình ở chùa. Dù trước đây chú vào chùa chỉ vì hoàn cảnh gia đình, cũng như chính thân phận èo uột khó nuôi của chú; nhưng sau một thời gian ở chùa thì nếp sống đạo, những thời kinh, tiếng chuông chùa, bài học giáo lý... cũng ít nhiều thấm vào tâm hồn xanh tươi hồn nhiên của chú. Trong thâm tâm, chú biết rằng có cái gì không ổn trong đời sống hàng ngày của chú ở chùa hiện nay nhưng chú không tìm thấy được hoặc không có khả năng để nhìn thấy. Bây giờ những lời của Tâm Tuệ làm chú hiểu được loáng thoáng con đường cao đẹp của mình — một chú tiểu bỏ nhà xuất gia để học làm Phật. Chú như một kẻ bị bỏ quên lâu ngày tưởng mình tầm thường nhỏ mọn, nay được người khác nhắc nhở ca ngợi con đường thiêng liêng mình đang dấn bước thì thấy bàng hoàng, chấn động đến nỗi tim chú đập mạnh lên từng hồi.
    Tâm Tuệ nói tiếp:
    "Thầy còn nói rằng chú tiểu là người cất bước đi tìm một phương trời cao rộng mà không một người lớn nào ở thế tục có thể làm nổi. Con đường của tụi mình là như vậy đó. Không thể tự khinh thường mình rồi bỏ quên chí nguyện xuất gia cao cả."
    Chú Hữu nghe bạn nói xong thì sa lệ. Chú cám ơn Tâm Tuệ. Hai chú chắp tay chào nhau rồi chia tay.
    * Khi chú bước vào chùa đã trông thấy cô Diệu Lan ngồi chờ ở cửa bếp. Mặt cô ấy hầm hầm. Chú đặt mấy trái xoài xanh và tiền lẻ thối lại lên bàn, không nói lời nào. Cô Diệu Lan đay nghiến:
    "Cám ơn chú, chú đi nhanh quá làm tôi hết muốn ăn rồi."
    Chú lặng thinh không đáp, quay đi về phòng riêng của mình. Ngay lúc đó, thầy từ trên chánh điện xăm xăm bước xuống, chặn chú giữa đường, hỏi:
    "Chú đi đâu giờ này mới về. Ra chợ mua trái xoài mà mất mấy miếng đồng hồ hả?"
    Chú cúi mặt chẳng dám nói thật:
    "Con... con... ghé tiệm sách coi mấy cuốn sách."
    "Tôi có biểu chú ghé coi sách không?"
    "Dạ không..."
    "Không sao chú làm? Chú bây giờ to gan lắm, muốn gì làm nấy mà, phải không?"
    "Bạch thầy, từ nay về sau con không dám nữa."
    Thầy im lặng, ngó cô Diệu Lan. Cô Diệu Lan nguýt thầy một cái, ngó chỗ khác, nói:
    "Nói vậy ăn thua gì."
    Thầy liền hét lên:
    "Chú lập tức lên chùa quỳ một cây nhang rồi sau đó tụng một thời kinh sám hối."
    Chú dạ nhỏ một tiếng rồi về phòng. Tiếng cô Diệu Lan còn vẳng sau lưng chú:
    "Quỳ nhang mà thấm tháp gì với nó. Oánh cho nó một trận mới hả giận chứ! Dạy trò mà dạy như thầy thì làm sao nó nên thân nổi."
    Thầy nói:
    "Thôi mà, phạt như vậy được rồi."
    "Tôi thấy chưa được. Lần sau, thầy để tôi dạy nó. Dạy kiểu thầy chẳng kết quả gì đâu. Tới tay tôi thì nó phải biết..."
    * Chú Hữu không dám thưa thầy về dự tính nhập học Phật học viện. Chú chỉ lén lấy kinh sách của Tâm Tuệ cho mà tự học một mình trong phòng riêng. Phật học viện đã sắp đến ngày khai giảng rồi mà chú cũng chưa thuộc hết bốn cuốn Luật. Trình độ thấp kém của chú không sao có thể tự học nổi. Đêm nằm trằn trọc, chú quyết định ngày mai sẽ lạy thầy mà xin đi học xa. Nghĩ đến đời sống tu học vui vẻ với chúng bạn cùng trang lứa nơi Phật học viện, chú thấy sung sướng và nghe nôn nả, rạo rực trong lòng.
    Buổi sáng, thầy đang ngồi viết sớ, viết bùa cho một đám ma nào đó. Chú rón rén đến gần thầy hai ba bận rồi quay đi, chưa đủ can đảm để thưa thiệt với thầy ước muốn của mình. Đang ngập ngừng, do dự nghĩ lời để thưa thầy, chú bỗng nghe tiếng cô Diệu Lan dưới bếp la ơi ới. Chú chưa kịp phản ứng sao thì thấy thầy đã đứng phắt dậy, chạy nhanh xuống phòng cô ấy. Vừa chạy, thầy vừa nói với chú:
    "Nhanh, nhanh, chạy đi kêu xích-lô!"
    Chú lật đật chạy vù ra ngoài, chẳng biết ất giáp gì. Có lẽ cô ấy bị trúng gió. Thầy sao biết hay quá, nếu không có thầy chắc chú chẳng biết phải làm gì.
    Bác xích-lô chở chú chạy nhanh về chùa. Bác vừa dừng xe ở sân chùa đã thấy thầy dìu cô Diệu Lan bước ra. Chú thấy mặt cô ấy xanh mét. Cô ôm bụng la, rên thật thảm. Bác xích-lô giữ cho xe khỏi chỗng gọng trong khi thầy đỡ cô Diệu Lan lên xe. Thầy bảo bác chở xuống nhà thương hộ sinh. Chú biết nhà thương chứ không hiểu hộ sinh là gì. Thầy bảo chú coi chùa rồi thầy phóng xe gắn máy chạy theo xích lô. Chú mất cơ hội để xin thầy đi học. Còn có vài tuần nữa là Phật học viện khai giảng. Chú nôn nóng chịu không nổi, bèn đóng cửa chùa chạy qua chùa Từ Quang để kiếm chú Tâm Tuệ.
    Tâm Tuệ thấy chú thì mừng rỡ đưa vào phòng hàn huyên. Tâm Tuệ cho biết chú ấy đang thu xếp để vào Hội An dự thi và nhập học Phật học viện. Tâm Tuệ hỏi về chuyện xin đi học của chú Hữu. Chú buồn buồn đáp:
    "Tôi định thưa thầy thì cô Diệu Lan bỗng đau bụng, rồi thầy đưa cô ấy đi nhà thương hộ sinh rồi. Chắc cô đau nặng lắm. Thầy có vẻ lo lắng lắm."
    "Nhà thương hộ sinh?"
    "Ừ."
    "Vậy là cô ấy đi sanh đó mà."
    "Hả? sanh con? sanh em bé hả?"
    "Chứ gì nữa. Thiệt là quá sức! Nhục ơi là nhục!"
    "Sao mà nhục?"
    "Chú không biết thật à? Thì... cô ấy với thầy ấy có con với nhau đó. Đâu có thể làm như vậy được. Xấu hổ quá đi! Chú phải rời ngay cái chùa đó lập tức. Đó không phải là chùa. Tôi nói rồi mà chú không tin. Bây giờ chú thấy chưa! A, chú Tiến kìa. Chú Tiến đến chơi, nhờ chú ấy giúp chú được lắm."
    Từ ngoài sân, một chú tiểu to cao, đâu khoảng mười bảy mười tám tuổi bước nhanh vào. Tâm Tuệ bước ra đón. Chú Hữu rụt rè bước theo. Ba chú chào nhau. Tâm Tuệ giới thiệu hai người rồi cùng kéo nhau vào phòng. Tâm Tuệ kể hoàn cảnh của chú Hữu cho chú Tiến nghe. Tiến cười ồ ồ, giọng chú như giọng vịt đực. Chú giải thích một cách mạch lạc cho Hữu nghe:
    "Đó không phải là chùa. Ông ấy cũng không phải là ông thầy. Đúng ra chỉ là một cái nhà thờ Phật của một ông thầy cúng, một ông thầy pháp. Họ ăn mặn, phải không? Chú ở đó thì biết quá rồi mà, đâu có ăn chay ngày nào đâu! Những ông thầy đó còn lấy vợ, có con, lợi dụng ngõ đạo để làm ăn, mưu sinh bằng nghề cúng đám chứ chẳng có lý tưởng xuất gia xuất trần gì cả. Ai thiệt xui xẻo mới lọt vào đó để chôn cả cuộc đời tu. Tôi đã lầm lẫn rồi, nay tới chú, chú biết rồi thì... tốt hơn là rời nơi đó sớm chừng nào tốt chừng đó."
    Chú Hữu nghe xong rúng động tim gan, người chú xụi xuống, xanh mét, thất vọng não nề. Ngay lập tức chú hiểu hết. Chú ôn lại cách thầy đối xử với mình, cách thầy và cô Diệu Lan giao tiếp với nhau, cách sinh hoạt của chùa với sự thờ ơ khinh bỉ của những người Phật tử bên ngoài. Chùa chú ở không bao giờ có Phật tử tụ tập đông như các chùa khác. Quanh năm suốt tháng chỉ có thầy, cô Diệu Lan và chú. Thỉnh thoảng mới có một gia đình lầm đường lạc lối đến xin làm lễ đám ma. Đi đám ma cho người ta, thầy ra giá cả y như những người buôn bán ngoài chợ. Bây giờ thì chú hiểu hết. Chú buồn tủi cho mình, ngồi cúi mặt nhìn xuống đất. Chú Tiến an ủi:
    "Chỉ còn một con đường thôi là phải lập tức rời khỏi ngôi chùa đó. Chú đi tu không phải để làm đầy tớ cho những người không có chút tâm đạo như vậy. Họ chỉ lợi dụng đạo mà thôi."
    Chú Hữu không nói. Chú biết hoàn cảnh của chú khác với hoàn cảnh chú Tiến. Chú như là đứa con của thầy chứ không phải là một đứa trẻ đến chùa xin xuất gia với ý thích, chí nguyện hay một mục tiêu vạch sẵn. Cha mẹ chú sẽ không đón chú về cho dù họ có biết thầy chú thực ra chẳng phải là ông thầy tu. Cha mẹ chú đâu có mong đợi là cho chú đi tu với một vị thầy chân chánh gì đâu. Họ chỉ gởi chú vào đó để khỏi phải nuôi một đứa con khó nuôi mà thôi. Như vậy, chú trở thành con của thầy rồi. Chuyện lý tưởng xuất gia là chuyện khác. Chú nói với chú Tiến và Tâm Tuệ hoàn cảnh của mình. Tâm Tuệ nói:
    "Tôi biết rồi. Trước đây chú đã kể cho tôi nghe. Nhưng, chú phải tìm lối thoát cho chú chứ. Dù thế nào thì ông ấy cũng không phải là cha ruột của chú."
    "Nhưng thầy đã nuôi tôi từ mấy năm nay."
    "Từ lúc chú mười một tuổi. Đến nay chỉ mới hai năm. Nhưng hai năm đó, chú làm việc cực nhọc để đổi lấy mấy bữa cơm không tình cảm. Hơn nữa... cơm chùa là của bá tánh chứ không phải của ông thầy. Nói thầy nuôi là nói cho gọn, cho dễ hiểu. Chứ thật ra một người xuất gia ở chùa chỉ mang ơn cơm gạo của bá tánh mà thôi. Ông thầy không có công nuôi nấng cơm ăn áo mặc gì hết, nhất là một ông thầy đám thầy cúng. Ông ta chỉ đào tạo chú thành một người phụ tá để đi cúng kiếm tiền, để sai làm việc trong chùa thôi, và mỗi ngày đi cúng đám với ông ấy là chú đã tự kiếm miếng cơm cho chú, chứ có phải là ông ấy nuôi chú đâu! Ổng không có nuôi chú ngày nào hết, nghĩ lại đi!" chú Tiến nói một hơi với giọng đàn anh như vậy.
    Chú Hữu còn đang phân vân thì chú Tiến lại tiếp:
    "ở đó chú không được dạy dỗ gì hết. Chú nhớ lại xem. Suốt năm suốt tháng chú không được dạy dỗ điều gì hay ho cả. Chỉ có sai vặt, đấm bóp, đi chợ, giúp cô Diệu Lan, xách nước cho cô tắm... toàn là ba cái chuyện bá láp, bất công! Tôi nói có đúng không! Tôi có ở Nghĩa Trủng một thời gian đó chú à! Chú tin tôi đi, suốt đời chú ở đó chú vẫn cứ là một người để sai vặt mà thôi."
    Tâm Tuệ chen vào:
    "Chú Tiến biết không, cô Diệu Lan mới vừa đi nhà thương hộ sinh đó, có thầy lái xe gắn máy theo hộ tống."
    Chú Tiến thả xụi hai vai xuống ra dáng muốn xỉu:
    "Ôi trời! Chú tiểu đây có rồi mà thầy còn kiếm chi thêm chú tiểu khác nữa vậy thầy!" (nói ngang đây, Tiến bỗng ngay người lại, nói giọng nửa giỡn nửa thiệt) "à này, vậy là chú tiểu sắp ra đời sẽ là trụ trì tương lai vì nó là con ruột của thầy ấy, còn chú chỉ là con nuôi thôi. Trước sau gì rồi chú cũng phải cuốn gói ra khỏi chùa. Có một đứa con ruột ra đời, chú càng bị đối xử tệ hơn. Chú lo tính chuyện sớm đi."
    Chú Hữu càng nghe càng bối rối chẳng biết tính sao. Tâm Tuệ thấy tội nghiệp, nói:
    "Tôi định bụng là nếu tôi với chú Tiến xin vào Phật học viện được, hai đứa chúng tôi sẽ lên xin thầy Giám viện cho chú vào đó ở tu rồi học dự thính một thời gian, sau đó nếu chú học kịp thì xin học chính thức luôn."
    "Nhưng... phải có thầy bổn sư giới thiệu mà. Hôm trước chú nói vậy."
    Chú Tiến trả lời thay Tâm Tuệ:
    "Đó là theo nguyên tắc, chứ hoàn cảnh của chú, thầy nào nghe cũng sẽ hết lòng giúp đỡ. Chẳng hạn như thầy của Tâm Tuệ hay thầy tôi ở chùa Phổ Hiền cũng có thể giúp chú được."
    Chú Hữu sáng mắt mừng rỡ:
    "Vậy hả?"
    Nhưng rồi chú mặt chú lại chùng xuống. Chú nhớ đến chùa mình. Nơi đó, chú không hiểu có cái gì đó khắng khít với mình lắm, đến nỗi khi nghĩ đến chuyện bỏ đi, dù sung sướng cách mấy, chú cũng nghe đau nhói ở bên trái ngực mình. Chú không phân định được cái gì đã níu kéo, ràng buộc tâm hồn mình. Lòng chú bỗng buồn vô hạn. Chú nói với hai chú kia với giọng không mấy tin tưởng rằng mình sẽ quyết định tìm một cuộc sống mới:
    "Có hai chú hay quý thầy giúp thì tôi mừng lắm. Nhưng... tôi không biết tôi có đi được không nữa. Thôi, hay là các chú cứ vào Phật học viện đi. Khi nào nghỉ học về đây các chú ghé cho tôi biết rồi tôi mới tính được."
    Chú Tiến nói:
    "Cái đó tùy chú thôi. Hai đứa tôi sẽ cố gắng giúp chú thoát khỏi đó rồi vào Phật học viện nữa. Chú chưa tính được bây giờ thì rãi rãi mà tính, nhưng chân thành mà nói, tôi khuyên chú bằng cách nào cũng phải tính chuyện rời khỏi cái chỗ hắc ám đó nếu chú thật sự muốn trở thành một người xuất gia chân chính. Còn như chú muốn trở thành thầy đám thầy cúng thì tụi tôi không bàn tới nữa."
    Ba chú từ biệt nhau ở cổng tam quan. Tâm Tuệ còn gắng níu chú Hữu lại, căn dặn kỹ càng với giọng cảm động:
    "Thầy tôi có dặn chú hôm trước là khi nào chú có chuyện khó xử thì đến thầy, thầy sẽ giúp chú, chú nhớ nghen, đừng để ai ăn hiếp hành hạ chú nghe."
    Chú Tiến cũng nói:
    "Có hàng trăm chùa sẵn sàng dang tay đón nhận những chú tiểu xuất gia như chú. Hoàn cảnh của chú, không chùa nào từ chối đâu. Chú nhớ nghe."
    Chú Hữu nghe lời dặn dò của hai bạn mà chảy nước mắt. Chú không ngờ chú có thể có được những người bạn tốt như hai người bạn này. Các chú chắp tay vái chào nhau. Chú Hữu vội vã trở về chùa.
    Vừa bước vào cổng chú thấy thầy tay cầm roi đứng chực sẵn. Thầy vụt cho chú mấy roi vào lưng, vào vai. Đau quá chú chạy ra sân, thầy rượt theo, hét:
    "Đứng lại, đứng lại không tao đuổi luôn ra ngoài đường!"
    Chú không dám chạy nữa, đứng lại chịu đòn. Thầy chẳng nói chẳng rằng, quất chú túi bụi bằng chiếc roi mây mà khi nào nóng giận lắm thầy mới cầm đến để phạt chú. Chú té xuống đất, thầy cũng chẳng tha, quất bừa lên người chú. Chú lăn qua lăn lại để tránh đòn nhưng vẫn không thoát được những lằn roi đau xé thịt da. Thầy ngưng tay rồi, chú mới lồm cồm ngồi dậy, khóc thút thít. Thầy gằn giọng:
    "Tôi bảo chú giữ chùa mà chú bỏ đi đâu? Lỡ ăn trộm vô hốt hết đồ thì sao!"
    "Dạ... con đã khóa cửa rồi."
    "Khóa cửa mà ăn nhằm gì! Nhưng tôi hỏi chú đi đâu?"
    "Dạ... con... con ra tiệm sách."
    "Ra tiệm sách làm cái gì! Tôi có bảo chú đi không! Kinh sách ở chùa chú học có hết đâu. Chữ Hán học đã hết đâu! Bộ tôi dạy chú không đủ sao mà còn đi kiếm thêm sách về học? Làm như là hiếu học lắm vậy! Đi vô rửa mặt đi. Chú còn tái phạm tôi đuổi chú về với ba má chú lập tức."
    "Dạ... con không dám nữa," chú đứng dậy vái chào thầy rồi vào trong.
    Thầy thì vào phòng cô Diệu Lan loay hoay soạn đồ đạc gì đó. Chú vào phòng kiếm dầu xức lên các vết xước và bầm trên người, thấy đau rát cả người. Một lúc, thầy ôm một gói đồ lớn ra cột phía sau xe gắn máy.
    "Hữu!"
    Chú dạ rồi chạy ra sân:
    "Thầy gọi con?"
    "Coi chùa nghe chưa. Thầy đi xuống nhà thương, tối mới về. Nếu sau mười giờ không thấy thầy về, chú cứ đóng cửa nẻo kỹ lưỡng rồi đi ngủ, nghe chưa?"
    "Dạ," chú đáp mà trong lòng thấy vui vui. Chú chẳng hiểu sao bây giờ chú lại thấy vui khi thầy đi vắng. Chú phụ giúp thầy ràng bao đồ sau xe. Thầy đang hầm hầm bỗng đổi vui, vừa cười vừa nói:
    "Cô Lan sanh đứa con trai."
    "Vậy hả thầy?" chú Hữu hỏi lại cho có lệ.
    Thầy có vẻ vui lắm. Nếu không thì thầy còn đánh phạt chú nặng nề hơn nữa. Chú nghĩ vậy. Đứa bé trai mới chào đời chẳng dính dáng gì đến chú để có thể cho chú niềm vui. Nhưng cũng nhờ nó mà thầy nhẹ tay với chú hôm nay mà thôi. Khi thầy đi rồi, chú lẩn thẩn bước ra sân, đến ngồi dưới gốc cây đa. Những rễ má chằng chịt của cây đa rũ xuống quanh chỗ chú ngồi. Chú thấy ấm lòng khi ngồi dưới gốc đa—người bạn thân thuộc của chú. Chú nói với cây đa:
    "Đa ơi, sao tui khổ vậy Đa? Thầy đánh tui Đa có thấy không? Đây nè, đánh chỗ này sứt cả miếng da, chảy máu ra, Đa có thấy không? Còn chỗ này, chưa chi mà bầm tím rồi. Từng lằn, từng lằn ở đây nữa nè. Đau lắm đó Đa à! Không ai cản thầy hết Đa thấy không? Hồi tui ở nhà... hu hu... hồi tui ở nhà... ba má tui đâu có đánh tui. Ba má tui thấy tui ốm yếu nên không bao giờ đánh tui hết á. Hu hu... ba má tui tưởng thầy tui hiền, sẽ không đánh tui... hu hu... vậy mà thầy đánh tui hoài. Ba má tui đâu có biết. Mà tui cũng không dám nói cho ba má tui nghe nữa. Tui đâu có muốn ba má tui buồn... Đa thấy tui có hoang không? Tui đâu có hoang phải không? Tui đi qua chùa của bạn tui thôi mà, vì bạn tui sắp đi học xa rồi, tui phải qua từ giã bạn tui chớ. Bạn tui hai người, người nào cũng được đi học hết đó Đa à. Bạn tui sướng lắm, được thầy thương, không bị ai mắng chửi, đánh đập, ăn hiếp hết.... hu hu, sao tui khổ vậy hở Đa?"
    Cây đa như lắc lư, xào xạc cả lá cành để an ủi chú. Chú ngồi đó mà khóc cho đến khi trời tối mới từ giã cây đa mà vào trong.
    Ngồi nơi bàn học trong phòng riêng của mình, nhìn sách vở bút tập, nhìn mấy cuốn luật mà Tâm Tuệ tặng, chú bỗng thấy nỗi háo hức đi học xa ùn ùn nổi dậy. Chú khát khao được vào Phật học viện biết bao. Chú tự nhủ: "Không lẽ mình ở suốt đời tại đây để đi cúng đám, làm việc lặt vặt như vầy hoài sao!" Chú đứng dậy đi vòng vòng trong phòng rồi lại ngồi xuống trước bàn học. Tại sao mình không nhân cơ hội thầy đi vắng mà bỏ chùa trốn theo chú Tiến với Tâm Tuệ? Hai chú ấy nói là quý thầy ở chùa nào cũng vui lòng nhận mình đến ở hết. Quý thầy khác đâu có giống thầy ở đây. Như thầy của Tâm Tuệ đó, thầy ấy sao mà hiền và thương Tâm Tuệ quá, thương cả mình nữa. ở chùa khác cũng đâu có ai như cô Diệu Lan, đụng đâu sai đó, chửi đó, có khi cãi lộn với cả thầy nữa. Thầy còn nể sợ cô ấy nữa thì làm sao cô ấy chẳng ăn hiếp mình! Nghĩ vậy, chú vụt đứng dậy, ra cổng chùa nhìn xem thầy đã về chưa. Rồi chú trở lại phòng, đứng tần ngần, phân vân một lúc. Cuối cùng, chú vội vàng thu xếp hai bộ áo quần cùng một ít kinh sách của mình vào một cái bao ni-lông lớn. Xong, chú khép cửa phòng lại. Đi quanh khóa chặt các cửa để ăn trộm khỏi vào lấy đồ của chùa. Rồi chú ôm gói đồ, vụt chạy ra ngoài. Nhưng đến ngang cổng tam quan, chú bỗng khựng lại. Chú thấy sao mà khó lòng bỏ đi một cách âm thầm lén lút như vầy. Có cái gì đó níu kéo chú mà chú không hiểu nổi. Mấy năm nay sống bên một vị thầy nhu nhược sợ đàn bà, ít suy nghĩ, ít tình cảm và một người đàn bà đanh đá hiểm ác lúc nào cũng sẵn sàng hoác rộng miệng ra để chửi rủa tru tréo, chú thấy không lưu luyến gì với họ cả khi quyết định rời họ mà đi ngay lúc này. Nhưng sao trong lòng chú vẫn nghe một cái gì đó buồn buồn, vương vấn. Dường như nơi cảnh chùa nhỏ hẹp buồn tẻ này vẫn có cái gì êm đềm khắng khít với tâm hồn chú, vuốt ve những đau buồn tủi nhục của chú hằng ngày. Chú thấy quặn đau trong lòng khi đứng nơi cổng tam quan với ý nghĩ nhìn lại ngôi chùa lần cuối trước lúc từ biệt. Dùng dằng một lúc, chú thở dài rồi lững thững quay trở vào trong, không đi nữa. Chú ném gói hành lý của mình trên giường. Chú bước lên chánh điện, đi quanh các bàn thờ, nhìn thật kỹ những tượng Phật, tượng Bồ Tát, tượng Hộ Pháp và các khuôn hình quen thuộc trên bàn thờ vong linh. Chú nhớ những thời tụng kinh của mình từ khi mới vào chùa đến nay. Chắc là cả ngàn lần chú tụng kinh nơi chánh điện này rồi. Những lần đó, có khi có thầy, có khi chỉ mình chú. Chú thích tụng kinh lắm. Nhưng, hình như chuyện tụng kinh không phải là điều làm chú lưu luyến. Chú có thể tụng kinh ở một ngôi chùa khác với thầy khác hoặc các chú tiểu khác. Chú đứng mãi nơi chánh điện mà chẳng hiểu chú luyến tiếc gì nơi đây và chú cũng thật tình chẳng biết phải làm gì ngay lúc này nữa. Chỉ thấy một nỗi buồn tràn ngập trái tim nhỏ bé của mình.
    Bỗng chú nghe thấy tiếng xe gắn máy của thầy chạy vào sân chùa. Chú lật đật rời chánh điện trở về phòng mình, cất dấu gói hành lý. Chú ra đón thầy ở cửa hông của chùa. Vừa khóa xe, thầy vừa nói:
    "Thằng nhỏ dễ thương hết sức!"
    Chú chẳng nói gì. Chú nhớ đến Tâm Tuệ và chú Tiến. Các chú ấy cho rằng thầy và cô Diệu Lan đã có con với nhau. Có nghĩa rằng thằng bé mới chào đời là con thầy. Hèn chi thầy vui quá. Y hệt ba chú mừng thằng cu Đen em út của chú lúc nó mới được mẹ chú sanh ra vậy.
    Ngày nào thầy cũng lái xe gắn máy mang cơm mang nước gì đó cho cô Diệu Lan. Đâu khoảng tuần lễ thì thầy đưa cô ấy cùng thằng bé sơ sinh về chùa. Thằng bé được thầy hay cô Diệu Lan đặt tên là Mừng. Chắc thầy mừng quá không nghĩ ra được cái tên nào khác bèn đặt đại theo xúc cảm của thầy thôi. Cô Diệu Lan hay sai chú quạt lò than đặt dưới giường cho cô. Khi thằng Mừng khóc, cô bảo chú đu đưa cái nôi cho nó nín. Rồi cô tập cho chú thay tả cho nó nữa. Chú ghét nhứt là công việc thay tả này. Một tay bịt mũi một tay thay, chú bị cô Diệu Lan chửi cho một hồi:
    "Làm gì dữ vậy! Em nó có ăn uống gì đâu mà c. em thúi! Bịt mũi bịt mũi có ngày bị quả báo sứt mũi cho mà coi!"
    Những ngày cô nằm dưỡng chú thật là cực nhọc. Hầu như suốt ngày chú thường trực dưới phòng cô để chực cô sai bảo và cũng để ẵm, ru thằng Mừng cho cô ngủ ngon giấc (thầy bảo vậy). Vừa lo việc chùa, chú còn phải lo cho cả hai mẹ con cô Diệu Lan nữa, thật là cực nhọc. Chú nhớ hồi thằng cu Đen em chú chào đời, ba má chú đâu có bảo chú làm gì. Chú thấy chán nản lắm, nhưng chú cứ bặm môi, cúi mặt mà làm tất cả những gì thầy và cô sai bảo. Có lúc đang ngồi đưa nôi cho thằng Mừng, chú bỗng nẩy sinh ý nghĩ bỏ chùa mà đi. Nhưng, chú nghĩ, có lẽ giờ này Tâm Tuệ và chú Tiến đã đi vào Hội An để dự cuộc thi tuyển vào Phật học viện rồi. Chú có trốn đi thì cũng chẳng ai hướng dẫn và giúp đỡ. Thôi thì đành cắn răng mà chịu. Huống chi chú vẫn còn quyến luyến gì đó nơi chùa này đến nỗi mỗi khi nghĩ đến chuyện đi thì tự dưng thấy đau đau ở trái tim.
    Chiều đó, cô Diệu Lan lại sai chú đi mua đồ. Mua sữa bò cho thằng Mừng. Chú nghĩ bụng, phải nhân cơ hội này ghé chùa Từ Quang thăm Tâm Tuệ. Hy vọng chú ấy và chú Tiến chưa đi Hội An.
    Quả nhiên Tâm Tuệ chưa đi. Chú Hữu mừng lắm, bước vào phòng bạn là hỏi dồn:
    "Tôi tưởng chú đi rồi chớ. Chừng nào mới đi? Chú Tiến có qua đây đi chung với chú không? Các chú đi chừng nào thì về thăm?"
    Tâm Tuệ nói mà giọng có vẻ ái ngại, sợ bạn buồn tủi:
    "Sáng mai hai đứa tôi đi rồi. Tối nay chú Tiến qua đây ở lại một đêm. Đến Phật học viện, tụi tôi phải chờ khoảng tuần lễ rồi mới thi khảo hạch. Nếu đậu thì ở luôn đó mà học, rớt thì về lại đây ngay."
    "Nhưng chắc là không rớt đâu phải không chú?" chú Hữu hỏi.
    "Tôi cũng nghĩ vậy. Tôi và chú Tiến học kỹ lắm. Điều kiện là tốt nghiệp Sơ đẳng Phật học nhưng tôi và chú Tiến đều đã học chương trình tương đương với Trung đẳng I thì làm sao mà rớt được. Chú Tiến nói sẽ cố gắng xin cho chú vào Phật học viện, nếu không dự học được thì cũng xin ở đó mà tu cũng tốt phước hơn là..."
    Tâm Tuệ chưa nói hết câu thì Hữu đã sa nước mắt, cúi mặt nghẹn ngào.
    "Sao vậy? Có chuyện gì vậy? Chú bị họ ăn hiếp phải không? Nói tôi nghe đi?" Tâm Tuệ nóng ruột hỏi.
    Chú Hữu không trả lời được, cổ họng chú nghẹn cứng. Sự quan tâm của bạn làm chú cảm động và càng khóc nhiều hơn, nước mắt chú chảy từng hàng từng hàng xuống hai gò má ốm xanh. Tâm Tuệ lúng túng chẳng biết an ủi bạn thế nào. Chỉ cầm tay bạn mà bóp nhẹ. Vừa lúc đó, chú Tiến bước vào, mang theo hai cái va-li lớn. Thấy Hữu khóc, chú Tiến nói ngay:
    "Có chuyện rồi phải không! Cái mụ đó đánh đập chú hả? Tôi nói chú bỏ đi, đừng nấn ná chi ở cái chỗ u tối đó. Họ làm gì chú vậy, nói tôi nghe coi."
    Chú Hữu không nói gì được. Phải một lúc lâu, chú mới nói tóm được một câu:
    "Suốt ngày tôi phải giữ em, thay tả, chăm sóc cho cô Diệu Lan và thằng con của cổ..."
    Chú Tiến nghiến răng nói:
    "Không được! Dứt khoát là không được rồi. Họ làm vậy là hết mức rồi. Không ai mà chấp nhận được! Để tôi qua đó nói chuyện với họ. Phải chấm dứt lập tức tình trạng bỉ ổi đó!"
    Chú Hữu níu Tiến lại:
    "Đừng chú. Đừng làm vậy, thầy đuổi tôi đó."
    "Đuổi? Đuổi thì đi chứ sợ gì! Thiếu gì chùa thương chú. Chú là chú tiểu rồi thì tất cả các chùa đều là nhà chú, chú có biết không? Chú là con của Giáo Hội, chẳng phải là con riêng gì của ông ấy hết! Đi, ba đứa mình đến đó nói chuyện thẳng với họ."
    Chú Hữu dùng dằng níu bạn, không muốn đi. Tâm Tuệ cũng giữ chú Tiến lại, nói:
    "Khoan đã Tiến à, đừng nóng nảy như vậy. Thầy ấy là người lớn, thầy đâu thèm nói chuyện với tụi mình. Nếu cần thì nhờ thầy tôi qua nói chuyện, hoặc là... chú Hữu cứ đi luôn khỏi cần quay về nữa thì êm chuyện. Chú ở đây, ngày mai theo chúng tôi đi đến Phật học viện. Tụi tôi xin dự thi để nhập học, còn chú thì xin nhập chúng ở tu; khi nào chú có thể học theo kịp thì xin học. Thời gian đầu chỉ xin ở tu thôi. Chắc chắn ba đứa lên lạy thầy Giám viện nói rõ hoàn cảnh chú thì thầy sẽ nhận chú làm đệ tử ngay. Các chú thấy sao?"
    Tiến đáp ngay:
    "Hay lắm, ý kiến rất là hay. Chú Hữu bây giờ cứ ở lại đây đi, sáng mai tụi mình cùng đi. Chắc chắn thành công mà. Đừng có thèm trở về cái địa ngục đó nữa."
    Hữu nghe ý kiến các bạn, trong lòng vô cùng phấn khởi. Nhưng nhớ lại là mình chưa chuẩn bị gì hết, chú nói:
    "Cám ơn các chú bày cách hay. Tôi vui lắm. Nhưng..."
    "Đừng có nhưn nhị gì hết. Không có tiếc gì cái chỗ đó nữa," chú Tiến chận ngang.
    "Không phải. Tôi đang cầm tiền để mua sữa cho thằng Mừng con cô Diệu Lan."
    "Cứ mua sữa đi... rồi để tôi nhờ một bác xích lô mang về chùa Nghĩa Trủng dùm là được rồi. Có bác Bảy xích lô ở kế bên chùa này nè," Tâm Tuệ nói.
    "Nhưng... tôi còn đồ đạc ở chùa, làm sao mà lấy được?" Hữu nói giọng lo lắng.
    "Đồ của bọn tiểu mình có gì đâu mà tiếc! Cũng là hai ba bộ đồ vạt khách với dăm ba cuốn kinh thôi chứ nhằm nhò gì đâu! Bỏ hết đi, tụi tôi góp tiền may đồ khác cho chú. Bây giờ chú mặc tạm đồ của Tâm Tuệ cũng vừa mà," Tiến góp ý.
    "Chú Tiến nói đúng đó, bỏ hết đồ đó đi, sắm lại đồ khác. Tụi tôi có may thêm đồ trước khi đi Hội An, để tôi chia bớt cho chú hai bộ mặc tạm. Sau này tụi mình may thêm. Tôi và Tiến đều có tiền của gia đình, lại thêm tiền của thầy cho nữa. May đồ, mua vé xe đò, vậy là đủ rồi, kinh sách học thì chùa nào lại chẳng có, khỏi lo chú à. Đồng ý đi. Tụi tôi không muốn chú tiếp tục bị đày đọa nữa. Chú phải dứt khoát thì mới có tương lai được."
    Chú Hữu suy nghĩ một lúc, lau nước mắt rồi sung sướng gật đầu.
    * Tâm Tuệ đưa tiền nhờ bác Bảy xích lô mua sữa rồi đem đến trao tận tay cho cô Diệu Lan. Bác Bảy là Phật tử thân cận của chùa Từ Quang, theo lời dặn của chú Tâm Tuệ, chỉ nói vắn tắt là có một chú tiểu nhờ đem sữa đến và chú ấy sẽ không bao giờ trở lại nữa. Cô Diệu Lan tròn xoe đôi mắt, lật đật lên báo tin cho thầy biết. Thầy hầm hầm la hét om sòm:
    "Để rồi coi, một hai ngày đói meo ngủ bờ ngủ bụi rồi nó cũng lết về đây cho mà xem! Đồ cái quân mất dạy, phản chủ!"
    Tâm Tuệ không muốn phiền đến thầy mình nên đem dấu chú Hữu trong phòng. Buổi tối, Tâm Tuệ đem cơm vào phòng cho chú Hữu ăn. Tâm Tuệ nói:
    "Chút nữa tôi và chú Tiến lên lạy từ giã thầy để khuya nay đi. Khi tụi tôi đi chào thầy, chú cứ ở lại trong phòng này. Tối nay chú ngủ tạm một đêm ở đây, khuya này khi thầy đang tụng kinh thì tụi mình rời chùa ra bến xe, vậy thì thầy sẽ không biết gì hết. Tôi không muốn thầy biết chuyện... thực ra thầy tôi biết thì thầy cũng thương mà giúp chú thôi, nhưng sợ thấy thầy khó xử với thầy chú. Chuyện tụi mình tính tôi nghĩ là sẽ êm xuôi, không muốn phiền thầy để rồi giữa hai chùa, hai thầy có xích mích với nhau. Chú hiểu tôi không?"
    Chú Hữu gật đầu ngay. Chú không ngờ Tâm Tuệ mới mười sáu tuổi mà lanh lợi, tế nhị, biết điều làm sao.
    Buổi tối sau khóa Tịnh Độ, thầy gọi chú Tâm Tuệ và cả chú Tiến lên phòng riêng của thầy để dặn dò chuyện đi học xa. Tâm Tuệ và Tiến dấu nhẹm chuyện của chú Hữu, không hé môi với thầy lời nào. Thầy soạn cho Tâm Tuệ và chú Tiến một ít kinh sách cần thiết. Thầy còn cho hai chú tiền để đi học xa nữa. Khi rời phòng thầy, chú Tiến nói với Tâm Tuệ:
    "Thầy tôi có cho tôi tiền rồi. Tiền của thầy chú cho thêm, tôi dành cho Hữu. Nghĩ đến chú ấy tôi thấy tội nghiệp quá. Hy vọng chuyến đi này sẽ cho chú ấy một cuộc sống mới, đúng nghĩa."
    Sau khi coi lại hành lý lần chót, Tâm Tuệ và chú Tiến giăng mùng. Ba chú nằm chung trong một cái mùng to, cùng ngủ dưới đất. Cả đêm ba chú cứ bàn tính, nói chuyện tương lai. Hữu sung sướng ngủ không được. Hai chú kia ngủ ngon rồi mà mắt chú cứ trao tráo. Chú nằm lăn qua trở lại bao lần. Chú nhớ về chùa. Chú ôn lại những ngày đầu khi cha mẹ chú đưa chú vào chùa. Chú thấy thương cha mẹ quá. Cha mẹ chú đâu có biết chú bỏ chùa mà đi thế này. Nếu biết, cha mẹ chú hẳn là buồn lắm. Chắc cha mẹ sẽ nghĩ rằng chú hoang đàng, ngỗ nghịch, dám cãi thầy, bỏ chùa đi hoang. Chú nghĩ là chú cần phải viết cho cha mẹ một lá thư ngay sau khi đến Phật học viện và biết kết quả chuyện cư trú của mình tại đó. Càng suy nghĩ lòng chú càng nghe buồn vô hạn. Nỗi vui nỗi buồn chen vào nhau, cắn xé nhau, làm cho lòng chú dùng dằng rồi căng ra, thật khó chịu. Chú không rõ tại sao quyết định bỏ chùa đi để tìm một đời sống mới nơi chùa khác, là một quyết định hợp lý, đầy ý nghĩa, đầy hạnh phúc, mà lại khiến cho tâm hồn chú thấy chùng xuống như mất mát một cái gì to lớn lắm vậy. Nghĩ đến thầy và cô Diệu Lan, trong lòng chú không nẩy sinh chút tình cảm êm đềm nào hết. Thật uổng phí hai năm chung sống với họ dưới một mái chùa. Giờ này nghĩ đến họ, chú chỉ nghe một nỗi chán chường, tởm lợm. Chú không luyến tiếc gì họ cả. Có một cái gì khác mà chú bỏ quên nơi ngôi chùa đó. Chú không nghĩ ra được. Chú nằm trằn trọc cho đến một hai giờ khuya, bỗng dưng chú sực nhớ đến người bạn thân yêu của chú. Chú ngồi vùng dậy. Phải rồi, cây đa, cây đa! Chú thương cây đa của chùa quá. Đó là người bạn duy nhất từng lắng nghe, từng chứng kiến bao nỗi đau buồn khổ nhục của chú suốt hai năm nay, từ khi chú vào chùa. Chú ngồi đó, nghĩ đến cây đa, chú nhớ cây đa, và chú khóc. Một chặp lâu, thấy Tiến và Tâm Tuệ hãy còn ngủ ngon, chú bỗng nẩy ý định quay trở về chùa.
    Chú rón rén chui ra khỏi mùng. Chú ước tính, từ đây về chùa chú khoảng một cây số, nếu chú đi bộ thì chỉ mất mười lăm phút là cao. Chú rón rén mở cửa phòng Tâm Tuệ, bước ra ngoài. Chú nhẹ nhàng đi băng ngang phòng ăn, phòng thầy trụ trì, hành lang chánh điện, rồi ra sân. Cổng chùa này chỉ cài then chứ không khóa kỹ như cổng chùa chú. Chú khép cổng lại rồi đi nhanh về hướng chùa mình.
    Đường phố vắng hoe, chỉ có vài chiếc xích lô đạp nhanh đi tìm khách. Chú cúi mặt đi không nhìn ngó ai. Từ xa, chú đã thấy cây đa vươn lên phủ rợp cả một nửa mái chùa. Nhìn thấy cây đa, trong lòng chú đã rung lên, xúc động. Chú chạy nhanh đến cổng chùa. Cổng khóa không vào được, chú leo qua song sắt nhảy vào trong. Rồi chú chạy a đến cây đa. Chú ôm cây đa mà khóc nấc. Cây đa, người bạn khổng lồ của chú, dường như dang tay để ôm chặt chú vào lòng. Chú chẳng nói gì với cây đa. Chỉ khóc thôi. Rồi chú từ biệt cây đa. Nhảy ra khỏi cổng rào rồi, chú đưa tay vẫy vẫy với cây đa:
    "Tạm biệt Đa nghen. ở đâu tui cũng nhớ Đa hết. Đa ở lại đừng có buồn nghe Đa..."
    Rồi chú phóng nhanh trở lại chùa Từ Quang. Nhẹ nhàng vào sân chùa, vào phòng Tâm Tuệ, chui vào mùng, nằm xuống ngủ. Bây giờ chú ngủ được rồi.
    Bốn giờ khuya, khi thầy của Tâm Tuệ tụng kinh trên chánh điện, Tâm Tuệ đánh thức Hữu và Tiến dậy. Cả ba cùng mang hành lý ra bến xe. Chú Hữu phụ xách hành lý cho hai chú kia, vì chú chẳng có hành lý gì. Mua được vé xe rồi, ba chú leo lên xe ngồi. Tài xế cho biết một tiếng đồng hồ nữa xe mới chạy. Ba chú ngồi trên xe với tâm trạng nao nao, sung sướng. Khi chất hành lý xong xuôi, bác tài xế kiểm soát vé của hành khách trước khi khởi hành. Các chú biết là xe sắp chạy rồi. Khung trời mới sắp mở ra rồi.
    Bỗng nghe tiếng gọi từ phía dưới xe. Tiếng gọi rất quen thuộc:
    "Tâm Tuệ, Tâm Tuệ!"
    Chú Tâm Tuệ thò đầu ra khung cửa sổ và thấy thầy mình. Tay thầy ôm một gói đồ, tay kia thầy cầm hai cái phong bì, vừa đi quanh xe vừa cất tiếng gọi. Tâm Tuệ mừng quá reo lên:
    "Con đây, bạch thầy!"
    Thấy ba chú rồi, thầy xin phép tài xế lên xe để dặn dò các chú. Ba chú cùng đứng dậy chắp tay vái chào thầy. Thầy kéo chú Hữu đến gần, ôm chú vào lòng, rồi xoa đầu chú. Chú không ngờ trước được sẽ có sự cố này xảy ra. Chú chỉ biết khóc, gục mặt vào chiếc áo nâu bao dung của thầy mà khóc. Thầy hiền hòa nói:
    "Đây là hành lý thầy gói cho con. Phong bì này là thư giới thiệu của thầy, con mang lên trình Thượng Tọa Giám Viện thì Thượng Tọa sẽ cho con ở lại Phật học viện mà tu học. Thượng Tọa là bạn cũ của thầy đó. Còn phong bì này là chút tiền thầy cho để con mua sắm thêm các thứ linh tinh. Trong gói đồ này có vài cuốn kinh và mấy xấp vải để con may đồ. Con cố gắng tu học nghen. Có gì không hiểu thì nhờ chú Tiến và Tâm Tuệ dìu dắt. Thầy không kịp thời giờ để căn dặn, dạy dỗ con. Con nên tự biết con đường cao đẹp mà con chọn để tiến tu. Không còn con đường nào cao quý hơn. Thôi các con đi bình an và thành công há."
    Thầy xoa đầu các chú rồi xuống xe. Ba chú nhìn theo thầy rồi nhìn nhau. Không chú nào biết tại sao thầy biết có chú Hữu trốn chùa đi theo chuyến đi này. Chỉ có chú Hữu là thầm đoán được rằng có thể lúc khuya lẻn về chùa Nghĩa Trủng thăm cây đa, thầy đã thức và thấy chú... Bỗng thầy lại xuất hiện ở dưới, bên khung cửa sổ, thầy ngước lên gọi chú Hữu. Tâm Tuệ nhường chỗ cho chú Hữu chen ra cửa sổ.
    "Bạch thầy gọi con?" chú Hữu cảm động hỏi.
    Thầy cười cười nói:
    "Khi nào thầy đi ngang chùa con thầy sẽ vẫy tay với cây đa, nói rằng con rất dễ thương, và con đang siêng năng tu học ở xa, nhé!" 
ST
 

Những dòng sông ở giữa

image 
Minh họa: Tô Chiêm
Hán nhập chùa lúc mười hai tuổi, cúi đầu xuống tự lấy kéo cắt nham nhở. Nói với cha mẹ thế này. Con kiếp tu, không ở nhà với cha mẹ được. Con vào chùa nhưng vẫn nhớ cha mẹ, ngày đầu hàng tháng, nhớ lên với con. Cha mẹ Hán không dám cản. Lúc mang bầu hắn mẹ hắn đang đi chợ thì có bà lão đi từ trong nhà gọi với ra bảo vào đây. Rồi vào cái nhà (thực ra giống như một cái am thì đúng hơn).
Thí chủ ạ, đứa con này thí chủ đang mang, giữ cũng không được. Có hình dạng, có con người nhưng không thuộc về thí chủ. Thuộc về Phật, chỉ là thời gian nhập tràng thôi. Thôi, nhìn thấy con là có con, cứ tin như vậy cũng được. Mẹ Hán về nhà buồn lắm, đêm khuya vần vò bụng nói với chồng. Cha Hán không tin sùng bất cứ cái gì bao giờ nhưng nghe chuyện lạ đời cũng không trách giận gì mẹ Hán cả tin. Thể nào thì thể, vẫn còn chờ nó ra đời, lớn lên. Tâm tính không lẽ không dạy bảo, ràng buộc được.
Hán sinh ra, trắng trẻo bụ bẫm đẹp mê hồn. Mắt đen láy, hiền không tả xiết. Tai to, năm đầu ngón tay cứ chum chúp. Không khóc cũng ít cười. Mẹ Hán nhìn con buồn đến muốn khóc. Cha Hán hỉ hả, thằng con trông thật đáng yêu, xinh đẹp. Chập chững đi rồi tập nói, Hán nhập cuộc với đám bạn hồn nhiên. Lũ trẻ suốt ngày tìm cành ổi đẽo súng cao su. Mỗi đứa thoăn thoắt trèo lên cây, chọn một cái chạng ưng ý, tỉ mẩn đẽo hết vỏ cho láng o lắng óng, tìm dây cao su chằng cẩn thận vào nạng súng. Ối đứa bị dao phạm vào tay chảy máu khóc rống lên. Lũ trẻ tìm mấy bụi cây trong làng, mò mẫm ra tận bãi, rúc vào mấy đám gai rình chim bắn. "Đạn” là những viên sỏi nhỏ, kẹp vào giữa cái miếng cao su to to kéo giãn hết cỡ rồi nheo nheo một bên mắt, chạng hai chân y như những tài tử lành nghề trên ti vi nhằm mục tiêu đánh "bụp”. Mục tiêu ít khi "rụng” như trên phim mà chỉ thấy "tốn đạn” hoặc có bữa còn bắn cả vào người nhau, các "tài tử” la oai oái. Hán cũng lăm lăm như thế, nhảy cẫng lên mỗi lần đám bạn thu được chiến lợi phẩm. Nó buồn so, cảm thấy uất ức mỗi lần cầm súng lên mà mục tiêu lại vù đi đâu mất. Nếu mà có thể, nó muốn "bay” theo bóp nát mục tiêu trong bàn tay hoặc tóm mục tiêu lại cười hả hê. Nó muốn bằng lũ trẻ. Bọn chúng đi bắn chim mười lần thì ít nhất cũng được một hai. Hán thì hầu như chưa được lần nào. Bọn trẻ bảo, mắt mày to nhưng nhìn chim không ăn thua. Chỉ để trên trán chơi thôi. Hán uất.
Mấy hôm nay Hán để mắt đến cặp chim sâu trong vườn thường lích chích dưới cây chanh. Bắn chim trong vườn chẳng ham hố chi. Rồi lũ bạn cũng sẽ có đứa kích đểu, nói mày nhặt được của ai cho coi. Nhưng mà kệ, dù sao thì mình cũng tự tay mình bắn. Có được cái cảm giác bắn trúng một con chim là thích nhất rồi. Còn đứa nào tin thì tin. Hán ngồi nấp trong cửa sổ. Từ cửa sổ này ra đến chỗ cây chanh chỉ khoảng ba mét. Nấp trong cửa sổ lại quá an toàn, không đánh động đến lũ chim. Hán cười thầm trong bụng. Nó giương súng, nheo một mắt "ngắm” mục tiêu, kéo căng toàn bộ sợi dây cao su. Viên sỏi nhỏ đi "chuẩn” một đường. Con chim sâu nằm giãy giụa dưới gốc. Con chim còn lại hoảng hốt bay vù vù, mỏ không ngừng thốt ra những âm thanh khủng khiếp. Hán chạy vụt ra gốc cây. Một bên chân nhỏ xíu của con chim sâu giật giật, hua hua vô định dưới gốc. Từ cái mỏ xinh xắn màu sắc, một chút màu đỏ chảy nghiêng. Bụng con vật nhỏ hãy còn rung từng đợt khe khẽ dưới chùm lông mịn óng. Tự nhiên Hán mất hết hứng. Nó cầm con chim nhỏ trong tay nhưng không mang đi khoe ngay theo dự tính. Nó đặt con vật ở giữa bàn, sát cửa sổ. Con chim sâu còn lại, đứng từ tít trên cành cây xoan nhìn chằm chằm xuống bàn. Hán không dám nhìn lên chỗ con chim ấy đậu.
Năm tám tuổi, học lớp ba, Hán có vẻ phổng phao nhất lớp. Lớp Hán hai mươi mốt đứa, mười sáu đứa con trai. Hầu như bọn chúng không hôm nào không gây chuyện. Xô đẩy nhau tím bầm chân tay, kéo rách khăn quàng, đứt cúc áo là chuyện thường. Hán to nhất lớp, vừa được bầu làm lớp trưởng vừa được bọn trẻ kính nể. Bọn chúng thường "xin ý kiến Hán” để giải quyết những chuyện riêng tư của bọn con trai với nhau. Hoặc lôi kéo Hán bằng được vào phe của mình. Hán được bọn chúng kính nể nên đôi khi hết sức kẻ cả và máu chiến. Sẵn sàng dẫn cả lũ sang hỏi tội một đứa lớp khác có hành vi quậy phá lớp mình hay bắt nạt một "thằng em” của lớp. Nếu một thằng "đàn em” nào bị bêu đầu mẻ trán vì lũ bạn cùng trường là Hán xông vào đầu tiên, kéo cổ đứa ấy ra đấm đá rồi hô hào cả bọn nhảy vào. Hôm nay thằng Tần về, xồng xộc chạy vào lớp mặt cắt không ra máu kêu gọi. Thằng Phán 3a đánh tao bọn mày ơi. Hội Hán đang chơi bắn bi ở cửa lớp đứng dậy hết. Thằng Phán nhào theo rượt. Hán chặn giữa lỗ bi, xoạc chân ra tại chỗ. Thằng Phán dập đầu xuống đất, miệng cắn phải lưỡi mặn chát. Cả lũ vỗ tay ầm ầm. Thằng Phán mãi không nhúc nhích, cả hội hoảng đưa mắt nhìn Hán. Hán lật ngửa thằng bé dậy. Giữa miệng nó cái lưỡi sưng to phồng, máu đã đen thẫm lại. Bọn trẻ nháo nhào hét lên "thằng Phán chết toi rồi, thằng Phán chết toi rồi”. Hán cũng bỏ chạy theo như điên, òa khóc. Tối đêm đó nó không ngủ được, mơ đến cái miệng của thằng Phán cả đêm. Mẹ nó phải tát liên tục vào má con "kêu hồn nó về”. Nó ngơ ngác liên tục gọi Phán, Phán. Mẹ nó hiểu chuyện dịu dàng. Thằng Phán không sao, cắn phải lưỡi, bác sĩ khám bảo ngất do choáng vì bị đập đầu mạnh thôi. Nó ôm lấy mẹ, khóc ướt cả một bên vạt áo. Mừng cho thằng Phán hơn là sợ cha nó lăm lăm cây roi cuối nhà.
Hán thích con mèo đen tuyền trong nhà nhất. Con vật này lành hiền và thân với Hán. Suốt ngày nó nằm ngủ trong lòng Hán. Hán thích ngủ với mèo còn hơn với mẹ. Con mèo cuộn tròn trong lòng nó, bàn chân đưa đẩy vào bụng Hán. Hán vuốt nhè nhẹ khắp lưng con mèo, toàn thân con vật co lại rồi rưỡn ra tận hưởng âu yếm của chủ. Bỗng con vật co chân lại cào mạnh vuốt vào bụng Hán. Da Hán sướt sát, rỉ máu. Điên tiết, Hán xách cổ con mèo ném tít ra ngoài. Con mèo uất ức, choáng váng kêu gào ầm ĩ.
Năm mười sáu tuổi, chú tiểu đi tưới cây trong vườn. Vườn rộng mênh mông trồng toàn hoa, rau và mấy cây cảnh. Hai thùng nước hai bên vai chú tiểu gồng mình gánh từ giếng lên rồi lại đổ ào ào. Đất ướt đẫm, những lá cây cũng ướt đẫm. Chú tiểu xăng xái nhặt cỏ vườn. Con rắn ở đâu bò ra nhìn trừng trừng, nghếch hẳn cổ lên định mổ. Hán nhìn lại. Con rắn bỏ đi đến chỗ mấy cái gốc cây thì quấn lấy một con rắn khác. Cả hai quấn lấy nhau trườn ngang bò mất dạng. Chú tiểu đứng tần ngần.
Ngày lễ, nhà chùa đông như hội. Xe ô tô ở khắp nơi đổ về lễ lạt. Hương khói cháy bùng bùng, đỏ rực. Váy ngắn, váy dài hở cả lưng cúi đầu lạy tạ. Sư cụ sai chú tiểu đứng hầu lễ. Mắt chú tiểu lơ đãng. Sư cụ nhìn thấy, đuổi ra sau vườn bắt quét lá ở mấy chỗ cây mùa rụng. Chú tiểu cầm chổi phạt ngang đất. Lá cây bị đẩy đi, vườn chùa sáng trưng trưng. Chú tiểu quét chùa sạch nhỉ mày nhỉ? Hán giật mình. Chuyện, thì chỉ có việc quét chùa mà lại. Ai bảo tôi chỉ có mỗi việc quét chùa. Chú tiểu quay mặt lại cự nự. Thì làm tiểu, không quét chùa thì làm chi? Chẳng lẽ đi tán gái? Hai cô gái ôm nhau cười rũ rượi. Chú tiểu hằm hằm quay đi, chổi phạt sát đất. Hai cô gái hình như thấy mình quá đáng. Xin lỗi chú tiểu, chúng tôi không cố ý. Chỉ là như chúng tôi trêu một người bạn. Chú tiểu ngẩng lên. Nước da trắng bong, hồng ửng. Bàn tay chắp ngang ngực thành tâm. Một màu mắt cũng đen lay láy mênh mang. Chú tiểu bỏ dở chổi dựng vào thành tường quay đầu đi thẳng. Chiều hôm đó, giữa bốn bề nước, mấy nếp nhà chùa dạt trôi mênh mông. Lá đa rụng đỏ cả một lối vào chùa nhưng chú tiểu không dám ra chỗ cũ lấy cây chổi dài.
Sư cụ ngó thấy chú tiểu ngồi buồn tay bứt rứt ngọn cỏ thì đi vào trong lẩm nhẩm kinh tụng mõ. Không gian nhà chùa đẫm trong hơi sương nước bạc chiều thu. Chú tiểu cứ ngồi vậy cho đến khi tối hẳn. Sư cụ tự tay dọn cơm chay phật tử cúng lễ. Đời người không phải lúc nào cũng giữ được chắc chắn những suy nghĩ. Con cứ nghĩ kỹ đi con ạ, khắc biết làm thế nào. Chú tiểu chắp tay. Con đã biết làm thế nào từ năm mười hai tuổi. Cả hai cặm cụi ăn. Ánh điện vàng kéo hắt ra từ điện thờ ấm áp.
Chú tiểu khó ngủ. Không hiểu sao nhắm mắt lại là thấy cái nền đất của nhà chùa sạch bong lá. Và cô gái đứng đấy, tay chắp trước ngực, lòng mắt đen mà sâu, buồn bã. Gió thổi tung lá, đẩy cả cô gái đi xa một đoạn. Chú tiểu hốt hoảng ném cây chổi xuống đất rồi với tay theo cô gái. Chú tiểu bật dậy, vội vàng thắp nhang cúi đầu lầm rầm khấn. Sư cụ nằm nghiêng nghiêng nhìn qua. Chú tiểu vào giường trở lại. Sư cụ vẫn thở đều.
Mẹ Hán tay xách một làn nặng ì ạch lên con dốc vào thăm Hán. Hai mẹ con ngồi ở ngay bệ đá sân sau nhà chùa. Con ăn đi, cái này mẹ mới mua này, ngon lắm đấy. Còn tươi mà. Nhà chùa phật tử biếu cũng nhiều hoa quả, toàn quả ngon. Mẹ để lại ăn cùng cha, lần sau đừng mang vào nữa. Con ở đây chẳng thiếu gì. Con ở đây thì có gì? Chú tiểu quay nhìn mẹ. Người đàn bà nhìn xuống đất, nước mắt rơi thẳng xuống đất thâm thẩm, tôi tối. Con chẳng thuộc về cha mẹ nhưng con về lúc nào cũng được. Cha con buồn, cha con giận không muốn lên thăm con. Nhưng mẹ chắc là cha con không dám... Người đàn bà đứng dậy nhìn thẳng vào cái đầu không một ngọn tóc của thằng con. Tháng sau mẹ lại ra...
Chú tiểu nhét cả nửa quả cam vào miệng gục đầu xuống. Sư cụ lại gần. Việc đời và việc nhà giống nhau. Không cái gì dứt khỏi cha mẹ. Lúc nào con nhớ nhà thì về chơi. Gặp bạn bè nữa cho khuây khỏa. Đạo cũng ở giữa đời mà ra. Tự tách mình có khi lại thành nghiệp, không buộc nổi cái gì được nữa. Chú tiểu lè nửa quả cam xuống đất. Những múi cam hẵng còn nguyên nhưng méo mó, ướt nhượt. Chú tiểu tựa vào cây chổi tre khóc rưng rức. Gió mùa thu bứt những đợt lá cuối cùng để chuyển sang đông. Cành cây trơ trọi thẫm với mái ngói nhà chùa vẽ những hình đen đúa.
Mùa lễ hội mới bắt đầu. Vườn nhà chùa xanh mướt mát. Sư cụ chòm râu trước dài hơn một chút phất phơ trước gió. Đôi quang gánh dưới vai chú tiểu vừa hơn. Nước nổi trên những luống hoa, cây cối trong vườn. Nghiêng thùng đến luống hoa, một chú rắn bé như đầu ngón tay trườn ra, ngẩng cao đầu biến mất. Phía cuối vườn, đôi rắn lại quấn nhau trườn ngang. Chú tiểu cười khe khẽ. Mùa xuân lại có đợt khách mới, chú tiểu cầm ngang chổi quét những hạt mưa xuân đọng thành mủn trên thềm chùa. Chào chú tiểu. Chắc vẫn nhớ em nhỉ? Chú tiểu giật mình đánh rơi cán chổi. Đôi mắt đen láy nhìn thẳng vào hàng ria nhu nhú kéo thành một vệt ngang miệng. Năm ngoái anh cũng đứng quét chỗ này, nền đất đầy lá. Em vẫn nhớ như thế đấy. Năm nay nền đất không nhiều lá rụng, em đã phải xin đi lễ sớm hơn mấy tháng. Chú tiểu không nói một câu nào, hạ chổi xuống ngồi bệ đá. Mùa xuân sớm tắt nắng chỉ quện lại hương thơm ngọt ấm trong mưa bụi. Nữ thí chủ cuống quýt. Đầu anh không có tóc, mưa ướt hết rồi. Sẽ lạnh lắm đấy. Chú tiểu quay lại cười, chỉ cầm mà không quàng cái khăn cô gái đưa. Mùi thơm từ chiếc khăn nhẹ nhàng bay bổng. Khác hẳn tất cả những mùi mà chú tiểu từng ngửi. Một thứ mùi dịu dàng, ấm áp, ngọt ngào. Và thanh khiết, không nhìn thấy hương bay nhưng ấm ngọt đến tận bên trong. Nó vẫn còn một chút hơi, từ người cô gái mới gỡ ra. Chú tiểu cứ cầm như vậy, giữ mãi cái khăn trong tay. Cho đến khi cái hơi ấm bị mưa mùa xuân phủ bụi. Chỉ có mùi thơm là không tan. Thoang thoảng nơi chú tiểu.
Đã là mùa xuân.
Đầu tháng mà không thấy mẹ lên, chú tiểu thỉnh thoảng lại ra ngóng, nhầm lẫn bóng mẹ với cả một khách thập phương. Sư cụ bảo, sốt ruột thì về nha một vài hôm. Việc chùa tự thầy có thể sắp xếp được. Chú tiểu lắc đầu. Chắc mẹ con bận chi đó thôi. Không nay thì mai, thể nào mẹ cũng lên. Đang là dịp lễ lạt của chùa. Con không muốn về. Tùy con vậy. Nhưng nếu ở lại chùa thì đừng bất an. Nửa tháng sau người đàn bà mới xách làn lên thăm, điệu bộ tất tưởi, mệt mỏi. Cha con trúng gió, nằm liệt từ đầu tháng. Mẹ tranh thủ thôi, tối lại về. Cha con ở một mình không tiện, cha con lại không muốn ai trông. Cha con dặn mẹ không được nói với con. Nhưng mẹ sợ, con sốt ruột. Với lại lên thăm con, mẹ cũng không giấu được.
Chú tiểu xin phép sư cụ xuống núi. Cha con bệnh nặng, không đi lại được. Cũng không biết chừng nào cha con mới khỏe lại. Mình mẹ con chắc không kham nổi. Con về nhà, sẽ thắp nhang, cầu kinh hàng ngày. Sư cụ bảo. Tu đâu cũng là tu. Không cứ phải có chùa. Làm tốt những việc trước mắt, cũng là một cách để giữ cái tâm. Chú tiểu cúi đầu lạy sư phụ.
Mùa hè nắng chói chang, sư cụ hạn chế thắp hương trong chùa. Cô gái cúi đầu chắp tay trước mặt sư cụ. Đôi mắt đen hoảng hốt. Con không được gặp chú tiểu. Con không chờ được đến mùa xuân nữa...Sư cụ chỉ tay xuống đường lên núi. Mùi hương giữa trưa hè quấn theo bước chân cô gái đổ dốc. Sư cụ lẩm nhẩm. Còn lại là tùy duyên.
Hán lau người thay quần áo cho cha. Người đàn ông thỉnh thoảng lại cười vu vơ nhưng đã hơi nhúc nhắc được đầu ngón tay ngón chân. Người đàn bà lấy khăn mặt sạch lau mồ hôi ướt đẫm mặt con. Người đàn bà nhìn Hán cười cười. Người đàn ông cũng cười nhẹ nhõm.
Mùa thu, cô gái đã trở thành khách quen trong nhà Hán. Bà mẹ gọi cô gái là con gái. Người cha nằm gọi cô khi cần cốc nước, cái khăn. Cô gái nhanh nhẹn thắp nhang mỗi lần biết là Hán sửa sắp cầu kinh. Lúc Hán ngồi cầu kinh, cô gái chắp tay ngồi ngay cạnh, chờ hết bài mới lạy rồi đứng dậy. Sư cụ xuống thăm Hán khi về khẽ bảo. Tu được cũng cần duyên. Còn nếu không thì giữ được Phật trong lòng. Mang theo tượng Phật cũng không hẳn là tu. Nhìn thấy tượng Phật cũng không hẳn chân tu. Chỉ có giữ được Phật trong lòng mới gọi là chân tu. Rồi sư cụ nhắc lại, con đừng tự ép mình.
Tối đó Hán lại nằm mơ, cũng cái ngày mùa thu, lá cây rơi đỏ nhà chùa. Người con gái chắp tay đứng trước mặt, đôi mắt đen lay láy mênh mông. Cha đã đỡ hơn, mẹ cũng ổn định trở lại. Ngày mai xin phép cha mẹ đi chơi. Mùa thu, hẳn là những con đường quanh lối lên chùa đều rất đẹp. Còn lại thì tùy duyên...
  Nguyễn Thị Hoa Xuân
Hình Phật Đẹp - Chắp tay con lạy Phật Trời Cầu cho... | Facebook