Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

NTV 42 Chợ Quê

Ánh bình minh rực hồng vừa ló dạng,
Khắp đường quê tiếng cười nói xôn xao !!...
Người người vui gặp gỡ cất tiếng chào,
Theo chân bước rủ nhau về họp chợ....

Sương còn đọng trên cành cây ngọn cỏ,
Lóng lánh cùng ánh sáng buổi bình minh....
Quây quần nhau mua bán với thân tình,
Mua và bán đều vui lòng thoả dạ !!

Đàn em nhỏ hãy còn đang ngáy ngủ,
Lẽo đẽo theo chân mẹ đón quà quê....
Xa bên sông đò vội cặp bờ đê....
Mong cho kịp bày hàng ra đón khách !

Mùa gặt qua đồng vàng tươi sắc mạ,
Càng rực vàng dưới ánh đỏ bình minh......
Toả hương thơm mùi rạ mới quê mình,
Thủng thỉnh quá kia đàn trâu nhai cỏ !!

Dân quê tôi bốn mùa luôn vất vã.,
Vẫn hồn nhiên vui đón buổi chợ quê....
Nắng chiều lên lại tất tả quay về ,
Vui đoàn tụ sau một ngày họp chợ !!

Tôi xa quê thuở hãy còn niên thiếu,
Thương nhớ hoài kỹ niệm buổi chợ quê !
Mơ trong mơ thiên đường nhỏ, lối về,
Có hương vị món "quà quê" xưa ấy....
NM
  
Chợ quê 1

Chợ quê. Hai tiếng ấy thật gần gũi với mỗi chúng ta. Càng gần gũi hơn với những người đã từng gắn bó nhiều năm với chợ quê nhưng giờ đây lại đang sống ở nơi đất khách. Mấy ai đã từng sống ở quê mà lại không biết đến chợ quê.
Quê tôi, một làng quê nhỏ nằm bên cạnh dòng sông Cầu lơ thơ nước chảy với những triền sông bên lở bên bồi. Những rặng tre xanh, những ngôi trường ngói đỏ, những mái đình cổ kính uốn cong như những dấu hỏi được treo giữa trời ngàn năm lơ lửng, những cây đa, cây gạo cổ thụ đã từng khắc ghi trong ký ức tuổi thơ tôi.
Tuổi thơ của tôi. Đó là những ngày bắt cào cào châu chấu, cùng bạn bè cắt từng cuống rạ giữa đồng chiều mênh mang gió. Tuổi thơ của tôi là từng đợt gió bấc tràn về rét căm căm những buổi chiều tan học. Lạnh là thế, mưa phùn gió bấc là thế nhưng không đứa nào là không tranh thủ ngắt trộm vài bông nếp cái hoa vàng trên đường đi học về. Chạy vội về nhà, cho ngay bông lúa vào bếp, tiếng nổ thơm giòn, nghe lách tách đến là vui. Rồi những chiều hè rủ nhau đi bắt hến, tiếng sáo diều vi vút đến nao nao. Hay những chiều đông tê tái cùng nhau nhặt những quả phi lao cho vào ống bơ, đốt lửa, túm năm tụm ba ngồi xung quanh sưởi ấm, tiếng nói tiếng cười râm ran. Ngày ấy không như bây giờ. Đồ chơi cũng không hiện đại và nhiều loại như bây giờ. Ngày ấy của chúng tôi chỉ có thế, thế mà vui. Vui hơn tất cả là thỉnh thoảng được theo bà đi chợ quê
  Đó là hình ảnh thân thương nhất của mỗi vùng quê. Chợ quê tôi nằm cạnh bờ đê, dưới một gốc đa to. Chợ họp từ sáng đến trưa, mưa cũng họp nắng cũng họp, chợ họp theo phiên nên bà nội tôi gọi là chợ Phiên. Muốn biết sự phát triển của mỗi vùng quê ra sao người ta thường đi đến chợ. Chợ quê tôi cũng thế, chợ là nơi tụ họp của khách thập phương với đủ loại hàng quán. Chợ đông vui tấp nập, huyên náo ồn ào với đủ thứ âm thanh và mùi vị trộn lẫn vào nhau. Chỗ tanh tanh hàng cá, chỗ đăng đắng mùi vôi của hàng bánh đúc, chỗ mằn mặn hàng nước mắm, chỗ cay cay hàng ớt, nơi nức mũi hàng bánh đa vừng, nơi ngào ngạt hàng hương, nơi chát chúa hàng sắt hàng rèn… Từng đó thứ mùi vị và âm thanh cùng hòa quyện vào nhau tạo nên sự phát triển của một vùng quê nhỏ yên bình.  Thích mắt nhất là mỗi khi sà vào hàng xén. Chao ôi! Biết bao nhiêu là thứ. Nào cặp ba lá, nào lược nào gương, nào vòng tay vòng cổ óng ánh đủ màu và nhiều thứ khác nữa  đã tạo nên nét duyên con gái quê tôi.
Mỗi khi ngày mùa về, chợ Phiên ngày mùa vẫn đủ loại hàng hóa nhưng được họp vội vàng chóng vánh. Vẫn đông vui tấp nập nhưng huyên náo, ầm ĩ hơn ngày thường. Người vội bán, kẻ vội mua. Ai cũng muốn mua thật nhanh, bán thật gọn để chạy ngay ra đồng kịp chở lúa về nhà trước khi ông mặt trời đổ lửa xuống lưng hoặc tránh những cơn mưa rào bất chợt, chớp xé dọc ngang trời. Chợ ngày mùa phảng phất mùi rơm, thơm nồng hương cốm, sớm họp sớm tan.
Những khi mùa lũ, nước dâng cao chỉ cách mặt đê chừng vài mét. Chợ quê khi ấy là những chiếc xuồng, chiếc thuyền con chở rau chở cá khua lách cách bên sông  vẫn í ới kẻ bán người mua nhộn nhịp như thường.
Quê tôi mùa Đông về, hoa cải nở vàng rực những triền sông. Từ xa nhìn lại, giữa những làn khói lam chiều bàng bạc, ta vẫn thấy những triền sông vàng tươi màu hoa cải như thắp nên màu vàng nắng mênh mang. Những gánh cải ngồng vừa cao vừa dài được các bà, các chị xếp ngay ngắn gánh ra chợ bán trông thật tươi ngon và đẹp mắt. Cái mùi ngai ngái nồng nồng ấy không biết từ bao giờ đã trở thành một mùi đặc trưng quen thuộc của mùa Đông ở những phiên chợ quê tôi. Và tôi yêu cái mùi ngai ngái ấy từ khi nào không hay. Mùi ngô nếp thơm và dẻo, mía nướng ngọt ngào thơm mùi mật... tất cả lan tỏa vào nhau làm cho ta cảm thấy ấm áp đến không ngờ.
Lâu lắm rồi tôi mới có dịp về thăm lại chợ quê. Nơi hai mươi năm trước là chợ bây giờ vẫn là chợ. Nhưng chợ bây giờ không phải là những mái lều được lợp bằng rơm, cói, lá dừa hay những mảnh vải bạt dựng tạm để tránh nắng trú mưa mà thay vào đó chợ đã được quy hoạch gọn gàng, hàng hóa phong phú đa dạng. Đường vào chợ không còn lầy lội, chênh chao giữa mùa mưa phùn gió bấc như trước đây nữa mà được sửa lại khang trang rộng mở. Vẫn thơm mùi gừng khi đi ngang qua hàng ốc luộc, vẫn mặn mòi mùi hến, vẫn nặng lòng mùi nước ngọt phù sa, vẫn nửa đục nửa trong, vẫn cây đa bến nước, vẫn đắng vẫn cay hanh hao mùi gió, vẫn “từng vị heo may trên má em hồng”… Chợ quê ngày nào, bây giờ càng thêm đông đúc nườm nượp hơn xưa.
Võ Thanh Bình 

Chợ quê 2

Nếu hỏi những người xa quê thường nhớ những điều gì, chắc không ít người sẽ nhắc tới cái chợ quê trong đó.
Chợ họp trên dải đất ven sông. Ngoài mấy loại rau trái quen thuộc, chợ bán những thứ rặt nhà quê. Mớ càng cua, rau chai, đọt nhãn lồng, rau tập tàng… xanh mướt, được mấy thím hái trong vườn, trong ruộng. Ăn rau vườn vừa tươi, vừa ngon mà trong bụng không phải lo mấy chuyện phân hóa học với thuốc sâu. Nhiều người đi chợ chỉ để bán mấy nải chuối xiêm đen thưa trái, rổ bình bát mới chín hườm hườm. Cá, tép cũng vậy. Toàn là thứ bà con vừa bắt được, đang bơi đủng đỉnh hay nhảy nhoi trong thau.
Chợ ngắn ngủn, đi một vòng là hết trơn. Người bán và người mua hầu như quen hết mặt nhau nên chợ ít có cảnh bon chen, giành giật. Bán buôn cũng thân tình, không có kiểu nói thách với mức giá trên trời như những chợ khác. Có nhiều bà má tóc bạc nhưng sáng nào cũng hái mớ rau vườn đem ra chợ bán. Riết rồi thành quen, đi chợ để gặp gỡ, để thăm hỏi nhau chớ lời lỗ hổng được bao nhiêu.
Nhiều khi chỉ cần nhìn mọi người mua bán mình cũng biết thêm được nhiều điều. Dân xứ mình tính tình rộng rãi nên cách bán buôn cũng phóng khoáng. Đi chợ khoái nhứt là được ăn thử. Người bán lúc nào cũng sẵn lòng cho khách thử một miếng. Ai thấy ngon thì mua nhiều hơn; ai chưa mua thì biết rồi, lần sau ghé lại. Nhớ hồi được ghé thăm thủ đô, mình hăm hở đi tìm mua trái sấu. Khi mình xin ăn thử một trái thì chỉ nhận được cái lắc đầu. Có đi xa mới thấy mỗi vùng miền có cách buôn bán khác nhau. Đâu phải ở đâu cũng giống như quê mình.
Cái chợ nhỏ xíu quê mình cũng là chốn kết bạn, hẹn hò. Nhiều mối tình đã ươm mầm từ cái chợ quê bình dị đó. Mấy bữa nay, chị Tư ngồi buồn so bên thau cá lóc. Tháng tới đây, người thương của chị vì hoàn cảnh gia đình nên phải đi xứ khác làm ăn. Anh đi rồi, ai tiếp chị xách giỏ cá nặng vào mỗi sớm mai? Ai tiếp chị dọn hàng khi tan buổi chợ?...
Hôm rồi, về thăm nhà một người bạn, mình được bạn dẫn đi chợ quê. Sao chợ quê bạn cũng giống như chợ quê mình. Cũng những người dân quê lam lũ, hiền lành ngồi bán mớ rau, con cá. Ở khắp các miền quê của xứ đồng bằng này đều có những cái chợ quê giản dị, đơn sơ như vậy. Chợ quê là nơi mà người bán và người mua đều cảm thấy an lòng vì trao nhau những món hàng có kèm theo cả tình quê trong đó.
Hương Giang

Chợ quê 3

Với tôi, cũng như nhiều đứa trẻ quê mùa, có nỗi nhớ mênh mông về những buổi sáng sớm ngày hè được theo bà, theo mẹ đi chợ, nhất là hình ảnh của mẹ gánh gồng kĩu kịt nhiều thức quà từ vườn ra chợ. Tôi lẽo đẽo chạy theo sau quang gánh của mẹ,tay cầm khư khư gói kẹo ú hay cái bánh nậm gói trong tờ lá chuối…
Chợ ở quê tôi họp trên một khoảng đất rộng. Chợ quê có nhiều dãy hàng quán lợp bằng mái tranh liêu xiêu, nền đất. Đi từ đầu tới cuối chợ đều gặp những người quen. Chợ lúc nào cũng đông đúc, bán nhiều món rất "quê", từ mớ lá chuối, các loại lá thuốc nam như rau tần, mớ sả, ngải cứu, mớ tôm, mớ tép, rau vườn nhà, con gà, con vịt, trái đu đủ, bắp chuối, cũng có khi thêm ít khoai lang... Ở cuối góc chợ các cụ già ngồi bỏm bẻm nhai trầu bán mấy xâu thuốc lá đã phơi khô và vài mớ lá trầu xanh mướt. Ngày nhỏ, đứa trẻ nào được theo mẹ đi chợ mắt như không rời khỏi sắc đỏ, sắc xanh của những hàng bán vải và nằng nặc đòi mẹ mua cho bằng được những viên kẹo ú tẩm bột làm quà mang về.
Những hôm mẹ đi làm đồng, nhà chẳng có gì ăn, mẹ dặn tôi chạy xuống bà Tám mua chịu thức ăn mang về, rồi bà lại chỉ tôi cách thức nấu các món ăn, món này phải nấu thế này mới ngon, món kia phải nấu như thế mới để được sang ngày hôm sau. Mẹ tôi, có khi túng tiền thì lại mang rau, mấy chục trái chanh trong vườn hay mấy tán đường bát ra đổi thức ăn của bà Tám. Với tôi, chợ quê đã tồn tại gần gũi với tôi biết chừng nào, chợ quê thiệt thà và trọn nghĩa tình thôn xóm. Những món quà chợ quê giản dị nhưng hương vị của nó chính là hương vị của tuổi thơ, của ký ức quê nhà. Quà chợ quê cùng lũ trẻ lớn lên.
Chợ quê tôi ngày ấy bây giờ đã được xây dựng khang trang, sạch sẽ, hàng hóa cũng đa dạng hơn. Nhưng bà con vẫn lưu giữ nếp sinh hoạt cũ, vẫn họp chợ từ lúc sáng tinh mơ đến tầm nửa buổi sáng. Những ngày nghỉ tôi về nhà, vẫn giữ thói quen ra chợ với mẹ. Mẹ tôi, cũng hay đem ra chợ bán một vài thứ gì đó, khi là mấy trái đu đủ, khi là mớ rau sam, khi là rổ mận...
Tôi ngồi với mẹ, lặng im ngắm từng dòng người qua chợ… Vẫn còn nghe những lời thăm hỏi, sẻ chia thắm thiết dành cho nhau… Vẫn còn thấy nụ cười rạng rỡ của bọn trẻ con khi níu tay bà, tay mẹ đi chợ…
Hoàng duy Xuyên

Chợ quê 4

Mẹ tôi vẫn ngồi đó, nơi cái góc chợ nhỏ cuối làng để kiếm từng đồng chắt chiu nuôi con cái ăn học. Tôi đội ơn cái chợ quê nghèo ấy như từng đội ơn mảnh đất làng nơi mình sinh ra bởi ở đó, mẹ tôi đã bán cả tuổi thanh xuân con gái của mình…
 
Một góc chợ Thuận

Bài thơ tôi được đăng báo lần đầu tiên là “Phiên chợ đầu năm”gắn liền góc chợ quê và hình ảnh mẹ. Thực ra gọi “mẹ” là để hợp với cái ngôn ngữ toàn dân thôi chứ tôi hay gọi “mạ” – đó là một cách gọi của hầu hết những đứa con ở làng quê miền trung yêu dấu. Chữ “mạ” nghe vừa quê quê vừa bình dị. Người nhà nông có hai cách gieo trồng. Ruộng khô thì trẫy hạt trực tiếp gọi là gieo. Ruộng trũng sâu ngập nước không gieo được trực tiếp thì ươm mầm ở chỗ cao, đợi khoảng hai mươi ngày cho cây lúa lên cỡ một gang tay thì nhổ xuống cấy. Những cây lúa đem đi cấy đó gọi là “mạ” hay “má”, phù hợp với cách xưng với hiền mẫu của người nhà quê. Chính điều này nên mỗi khi gọi “mạ” là tôi liên tưởng đến những thân lúa hiền lành bị tay đời nhổ lên cấy xuống và chắt ra hạt lúa thơm mùi sữa cho con cho cái.
Ngày còn nhỏ, tôi thường vính cái tao gióng của mẹ ra chợ. Những gánh rau gánh cải mẹ tôi nhổ từ góc vườn từ sớm hãy còn tươi được ướp sương sớm trên đường, cứ thế ra đến cuối làng. Mẹ tôi ngồi bên một con đường nhỏ cạnh chợ, rau ráng thì ngồi ở đây bán tiện hơn. Với lại muốn ngồi được trong chợ thì phải có phần đất khoán. Người quê đi chợ sớm để mua hai thứ đó là cá và rau. Những mẹt cá tươi từ phía biển Triệu Lăng, biển Cửa Việt quảy lên đến chợ Thuận bốc mùi tanh và vị mặn của muối. Rau ráng thì coi như cây nhà lá vườn của người nhà quê, đem ra chợ đổi chác kiếm đồng ra đồng vào.
Chợ xuất hiện khá sớm trong đời sống người Việt mình. Từ cái thời con người có của ăn của để, muốn trao đổi cho nhau những thứ cần thiết. Kẻ ở miền cao lắm sơn hào, người miền biển nhiều hải vị, họ tìm đến nhau và đổi chác một cách tương đối. Thế rồi những điểm tụ họp đó cứ như chỗ cố định để“đúng hẹn lại lên”, lâu dần mà nên chợ. Vì lẽ đó, chợ được xem là nơi gặp gỡ tương thương. Chợ đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người Việt, đã có câu “nhất cận thị, nhị cận giang” lại sinh thêm “thị thời thiết hữu” là vậy!
Chợ thường nằm trên một khoảnh đất thoáng đãng. Nơi đó thuận tiện cho việc đi lại của cư dân trong vùng. Chợ nằm trong làng gọi là “chợ làng” và nó mặc nhiên gắn với tên gọi riêng. Ví như ở Quảng Trị, làng Bích La có chợ họp ở đình làng thì gọi là “chợ Đình”. Làng Lưỡng Kim có chợ họp ở Chùa thì gọi là “chợ Chùa”… Chợ nằm giữa các làng, không thuộc địa phận của làng nào thì gọi bằng hai tiếng thân thương “chợ quê”. Góc chợ nghèo nuôi nấng tôi nằm kẹp giữa ba xã Triệu Thuận, Triệu Đại, Triệu Long. Nói là kẹp giữa ba xã hay đúng hơn là ba làng Phúc Lộc, Đại Hào, Vệ Nghĩa nhưng thực chất là hơi buôn bán của cư dân cả một vùng lớn trong huyện Triệu Phong. Phía trên này xã Triệu Độ theo gió lào chạy về, người miền biển ngược nguồn đi lên, dân Triệu Long theo đường chính cũng gồng gánh hàng tới… Cái chợ ấy tục gọi là Chợ Thuận, tên này có sớm từ trước. Ngày nay người ta hay đánh đồng chợ Thuận với tên xã Triệu Thuận. Tôi lớp hậu bối sinh sau đẻ muộn, chỉ dám nghĩ rằng chắc vì cái vị trí họp chợ nó thuận lợi nên gọi “chợ Thuận” mà thôi!
Chợ quê gắn liền với lịch sử dân tộc. Ông tôi kể hồi chiến tranh, có một dạo lính giặc bắt một người nghi là tình báo, đem trói ở chợ Thuận mà khảo bằng roi sắt. Họ treo cái xác thoi thóp ấy ở ngay cột chợ khiến người làng ba ngày đêm không dám họp chợ buôn bán. Những tiếng rên cuối cùng của người kia vang xa hãi hùng. Tôi nghe kể lại mà tuồng như cái thanh âm dữ tợn còn văng vẳng bên tai. Chợ của một thời chiến tranh tang tóc đẫm máu đồng bào tôi.
Chợ sau những ngày hoà bình lập lại trở thành một trường học. Khi chính sách diệt giặc đói giặc dốt ban hành, người quê đi chợ còn kẹp thêm những trang giấy để đọc. Đọc chán thì lấy ra gói hàng. Rồi cứ thế mảnh giấy có những con chữ ấy cứ truyền qua tay nhau. Thời đó chữ nghĩa giấy má chưa nhiều như bây giờ, gặp được một mẫu tin là muốn đọc được. Thế là người đi chợ bày chữ cho nhau, dạy nhau sau thúng mẹt cải ngò. Tôi được biết hồi trước ở cổng chợ có một tấm biển đề hàng chữ Quốc ngữ. Ai đi chợ có thể đọc câu khẩu hiệu đó mới được vào, còn nếu không phải lòn qua một cửa hẹp dành cho gia súc gia cầm.
Việc họp chợ cũng tuỳ thuộc từng nơi. Chợ làng thường họp buổi sáng vì một lẽ đơn giản, buổi sáng trời mát mẻ, cá tôm còn tươi rau ráng còn sương. Đi chợ sớm vui lắm! Khi mặt trời chưa kịp lên, chưa nghe được tiếng người thì mùi tanh của cá biển đã báo ngày mới đến. Người miền biển ở xa nhưng lại đến chợ sớm nhất. Những chị gái đứng ở bên bờ biển, đợi chàng ngư dân đánh mẻ sớm về là sốc thẳng từng cái mủng lên chợ. Sau cá là đến rau ráng, những mớ cải non tươi xanh mua lấy mua để về ăn kẹp với tép kho. Mùi ngò, rau thơm rau quế, rau diếp cá bện lấy nhau thấm vào từng khía áo các chị các mẹ. Chợ quê, có gì bán nấy, cây nhà lá vườn ăn không xuể thì đem ra chợ, thể nào cũng có người cần.
Nhiều chợ họp vào ban đêm gọi là chợ Đêm, chợ Hôm. Chợ họp sáng sớm gọi là chợ Mai. Chợ quê đồng bằng họp hằng ngày. Ở các vùng cao thường có chợ phiên. Quảng Trị quê tôi có chợ Phiên Cam lộ. Hình thức họp chợ theo phiên thường gặp nhiều ở mạn ngoài bắc. Cái này lại là một đặc điểm cư dân vùng miền của người Việt. Người miền bắc tính cách trầm lặng, thích chắt góp nên cứ ở nhà mà trồng tỉa sản xuất, đến phiên thì đi cho đỡ mất công. Ví như đã có chợ phiên thì trong mỗi tháng thường có một số kì nhất định, có phiên dành cho thúng mủng chiếu bị, có phiên dành cho trâu bò heo lợn… Thậm chí có phiên chỉ dành cho uống rượu và trai gái gò ghẹo nhau. Những phiên chợ hiếm hoi ấy thường chỉ xuất hiện một lần trong năm: chợ tình Sapa, chợ Đình Bích La… Người miền nam năng động nhanh nhẹn nên chợ họp hằng ngày, với lại cái thời tiết nóng nảy của miền nam thì rau ráng cá mực mua về ăn ngay chứ không thể để dành được lâu. Văn hoá vùng miền chi phối nhiều đến cách họp chợ.
Đặc sản của mỗi vùng quê cũng chính là món được bán nhiều trên chợ vùng đó. Ta thường nghe câu ca xứ Huế “mua cau Nam Phổ mua trầu Chợ Dinh”, vậy thì chợ Dinh nhất thiết có đặc sản là lá trầu rồi. Chính vì câu ca này mà người xứ Huế khi dựng vợ gả chồng đều muốn đến chợ Dinh kiếm mấy lá về dạm ngõ, “miếng trầu là đầu câu chuyện” mà! Ở Quê Tôi có chợ Cạn nổi tiếng với bún. Bún chợ Cạn vừa nhỏ, sợi tẻ, vừa dẻo vừa mềm ăn vào rất “mát” chứ không nặng bụng như bún chỗ khác. Nhắc đến bún, mới thấy cái nghề này nó đơn giản nhưng không phải dễ học. Người ta giã gạo, xát nhuyễn thành thứ hồ sền sệt. Nung nồi nước thật sôi rồi dùng một cái tay vắt mà nặn sợi bột vào nồi. Sợi bột luộc nên thành bún. Trông đơn giản vậy nhưng làm cho ra bún ngon trở thành thương hiệu không phải dễ.
Quà quê mẹ mua từ chợ. Sau những mớ mau mớ cải bán được, người mẹ quê thường dành ra mấy đồng để mua cho con mình chiếc bánh đa, miếng bánh đúc. “Ôi quê ta bánh đa bánh đúc, phiên chợ nghèo lều  quê mái tranh”-một câu hát trong bài “Về quê” của Phó Đức Phương cứ thắc thỏm tôi. Những ngày ấu thơ, mỗi lần chợ về mẹ tôi hay kẹp dưới cái mẹt chiếc bánh đa tròn giá mấy đồng bạc lẻ. Bánh đa ăn nóng thì thơm lắm! Mùi hương gạo nướng cháy lên cứ chọc thèm khiến đứa bé năm tuổi đầu nuốt nước miếng ừng ực. Bánh đa vừa lấy xuống khỏi than hồng thì giòn. Rất dễ vỡ. Thế mới có câu “ra chợ đạp bánh đa” để nói về cái xui xẻo trong đời sống. Bánh đúc thì nấu từ gạo tấm cho chín nhuyễn như cháo bầy ra nống, để nguội rồi cắt ra từng miếng nhỏ mà chấm nước lèo thì ngon đáo để! Tất cả những thứ quà đậm hương vị gạo ấy mẹ mang từ chợ về. Đứa con nhỏ đứng hong hóng ở ngõ, thấy cái bóng mẹ thấp thoáng sau luỹ tre làng là chạy ào ra lật mẹt vòi quà. Hồi nhỏ, cứ mỗi lần ngóng mẹ về là cứ dài cả cổ ra, ruột gan nóng ran lên. Hai anh em tôi đứng ở ngõ, chơi trò đoán quà mẹ. Thi thoảng anh tôi giả vờ “mạ về rồi!”, thế là mừng quýnh cả lên tưởng thật.
Chợ có hai dịp đáng nhớ nhất trong năm là chợ tết và chợ xuân. Chợ tết là chợ họp vào những ngày cùng tháng tận còn chợ xuân thì đầu năm bán lộc.
Bút ký của Hoàng Công Danh


Những buổi chợ quê
 Cứ đều đặn mỗi ngày, mẹ như "chiếc đồng hồ sinh học" đã lập trình sẵn, thức dậy vào lúc bốn giờ hay bốn giờ rưỡi. Một ngày mới bắt đầu với mẹ khi mẹ lui cui chuẩn bị xếp đồ hàng ra chợ bán.
Cái rét căm căm của những buổi mai trời trở lạnh cũng không làm mẹ rùng mình. Những đêm dần về sáng trời tối mịt mùng cũng không ngăn mẹ lỡ buổi.
Mười mấy hai chục năm trời, chỉ trừ khi đau ốm, còn lại hôm nào mẹ cũng gánh hàng ra chợ bán. Mẹ dường như đã gắn chặt với những buổi chợ quê.
Những buổi chiều quê, khi tiếng bìm bịp gọi nhau về chờ nước lớn ở bãi đất hoang um tùm phía phải mảnh vườn nhà là lúc mẹ tất tươm chắt mót đồ vườn để chuẩn bị cho buổi chợ. Có cao sang gì cho cam, chỉ mấy thứ rau dại mọc thành đám, những loại chuối xác xơ theo mùa. Khá hơn là dăm ba trái dừa khô lột vỏ, mấy trái cam, lọn xả, nhúm ớt... Thế nhưng với mẹ là cả một niềm vui.
Một ít nhọc nhằn cộng với không khí bon chen mặc cả dường như đã ăn sâu vào tiềm thức mẹ. Buôn bán lời lỗ không làm mẹ bận tâm. Mẹ bảo: đồ vườn nhà mà, bỏ công ra lấy lại chén cơm manh áo qua ngày là tốt rồi! Chỉ mong khỏe mãi để cố gùi gắng mà lo cho tụi bay. Âu đấy là phước ông bà để lại cho đấy
Đã từ rất lâu rồi, tuy không còn đòi đi chợ với mẹ để vòi quà vặt, nhưng tận trong ký ức tôi vẫn nhớ như in những buổi chợ quê được mẹ cho đi cùng. Xách cho mẹ bốn trái dừa cột đôi lại mà tôi thấy ê ẩm cả hai tay. Mệt nhưng vui vì ít ra tôi cũng đóng góp được tí công sức vào niềm vui của mẹ. 
Ngoài quà vặt cho tôi là những viên kẹo bọc đường, những củ khoai còn hôi hổi nóng, mẹ còn cho tôi biết được nhiều thứ hơn nữa. Tôi biết được chợ, biết được cái sự trao đổi mua bán của người ta, rồi hàng quán, xe cộ... Bởi mẹ hay bưng bê cái xịa hàng đi vòng quanh mà bán gấp rút khi nắng đã lên. Nắng lên mà phả hơi nóng vào mặt người thì hầu hết người mua kẻ bán đều vãn cả. Những lúc ấy lòng tôi lại dâng lên một nỗi lo âu: Biết mẹ sẽ bán hết hàng hay không? Tuy nhiên khi cái sự lo âu của con trẻ bị thói tò mò trong tôi đánh bật tự lúc nào...
Nhiều năm như thế, tôi hầu như quen dần cái cảnh "cơm hàng cháo chợ". Đôi lúc những qui luật mua bán mà người ta tạo dựng lên rồi ngấm ngầm mặc nhiên để giao ước với nhau ở chợ một cách rất bình thường. Dù biết, ít nhất rằng trong đó có bao nhiêu điều khắc nghiệt...
Tôi vào trung học. Tôi cũng ít đi chợ cùng mẹ. Thi thoảng tôi cũng phải đưa hàng phụ mẹ khi hàng nhiều.
Bây giờ đã bỏ xa lúc ấy hơn chục năm. Tôi đã tốt nghiệp Đại học. Giữa khoảng tốt nghiệp và ngày đầu nhập học - tôi biết - đó là cả một quãng đường gian lao mà mẹ phải vượt qua để lo lắng cho tôi... Vẫn ngày hai lượt đi về, với gánh hàng trên vai. Vẫn những buổi chợ quê vào những buổi mai đẫm hơi sương hay từ khi trời còn mịt mù tối. Có khác chăng đi nữa là đôi vai mẹ đã gầy hơn năm ấy và tóc thì đã bạc hơn lúc trước nhiều. 
Khi đã là thanh niên rồi va chạm với cuộc đời, nhiều lúc trong tôi vẫn dâng trào nguyên vẹn cảm xúc của năm xưa. Lo lắng, báo đáp ơn nghĩa sinh thành là bổn phận của một người con như tôi. Nhưng thú thật, nhiều lúc trong cơn mơ chập chờn của một buổi mai nào đó, tôi thèm lắm cái cảm giác thức dậy cùng mẹ chuẩn bị đồ hàng... Chuẩn bị đồ hàng để ra chợ bán...
T.M.THÁI


Trở Về Thôn Cũ (Nhạc Xưa) - Ngọc Minh 

 

Quê Ngoại - Chợ chiều


Mình rất thích được dạo chợ quê dân dã - giờ đây ngày càng ít xuất hiện, nhường chỗ cho các chợ tạm, cửa hàng, siêu thị...Đến chợ quê, dù chỉ để ngắm chút thôi, cũng thấy vô cùng thích thú vì được thỏa sức đắm mình với nét văn hóa đậm đà bản sắc riêng của mỗi vùng miền...
Đơn giản vì chợ quê không chỉ là nơi mua bán các sản vật địa phương, mà còn là nơi phản ánh rõ nhất nét sinh hoạt văn hóa của người dân ở đó.
 
Quê ngoại mình là một thôn nhỏ ven biển miền Trung đầy nắng và gió, nép mình bên hạ lưu dòng sông nhỏ đổ ra biển,cho nên sản vật ở đây giao hòa giữa hai vùng nước mặn và nước ngọt...
Vì quê xa nên thuở nhỏ lâu lâu mới được mẹ cho về quê một lần,nhớ mãi dáng đi xiêu xiêu, nụ cười hiền hậu của Ông Ngoại,nét đảm đang tần tảo,lo toan săn sóc của Bà Ngoại mỗi lần đón đứa cháu nhỏ ở miền Bắc xa xôi về thăm. Thích nhất là được ngồi giã trầu cho bà trong chiếc cối bằng đồng bé tí xíu,nằm trên võng nghe bà hỏi chuyện rủ rỉ, gió ngoài sông trước nhà phả vào mát rượi, cháu ngủ quên lúc nào không hay, trong giấc mơ chập chờn hình bóng Bà Ngoại ngồi ngắm cháu ngủ che chở, yêu thương...
Món ăn quê hương được làm từ bàn tay khéo léo, đảm đang của các dì các mợ luôn in đậm trong ký ức trẻ thơ : từ vị ngọt mát của trái dừa xiêm trong vườn nhà, miếng cá tươi dưới thuyền mới lên, đĩa bánh xèo,bánh ít lá gai, bánh tráng dừa cho tới tô bánh canh, bát cháo vịt...cũng đều mang đậm hương vị quê nhà tạo nên nét đặc trưng thật khác biệt không đâu có được.
Lớn lên một chút, về quê được theo Bà, theo mẹ ra chợ.Các dì các mợ xúm vào hỏi han rối rít, ở chợ mà từ người bán đến khách mua đều biết nhau, nhà ai có người thân ở xa về thì cả làngđều mừng vui, thật là ấm áp chân tình biết bao !
Chợ ở đây được gọi là Chợ Chiều vì vốn là nơi mua bán hải sản đánh bắt được từ khơi xa trở về chiều chiều cập bến, sau ngày giải phóng chợ họp thêm cả buổi sáng nhưng tên chợ vẫn được giữ nguyên như cũ...
Cá hồng tươi rói mới ở thuyền lên :
      

Đây là loài cá thịt trắng ngần như thịt gà,ngọt lịm, bà Ngoại vẫn hay làm cho mình ăn,còn nhớ bà gọi đây là cá mó :
     
Hoa cúc vạn thọ mới hái ngoài vườn (Còn nguyên cả rễ, hi..hi..)

Sà sang hàng bún bánh nhé, đây là bánh hỏi, bánh bèo và bún nước tro, chấm nước mắm đục mắm cá/nêm )dầm ớt tỏi cay xè, rất ngon :
  
Góc bánh xèo đang đỏ lửa :

                          
 
Có hai loại : bánh xèo vỏ ( tráng mỏng mềm, không có nhân , có thể gọi đây là một dạng Vietnamese crepe ); bánh xèo thường (vỏ giòn, có nhân ).Nhà mình hay ăn loại thứ nhất, vì lạ miệng và có thể ăn nhiều mà không bị ngán
                     
 
Bánh bột lọc thật hấp dẫn, bánh được nặn thật khéo bé xíu xiu, gói đủ 1 con tôm tươi đỏ au và 1 miếng thịt nhỏ vừa đủ 1 gắp gọn gàng ))
 

Tới hàng bánh bèo tôm chấy lúc nào cũng đông khách, ra muộn chút là không còn Vị khách may mắn với mẻ bánh cuối cùng :
 

Đi dạo mỏi chân, uống trái dừa xiêm ngọt mát cái nào 


Chỗ này , cô bán bánh khọt đang nhanh tay đổ bột, xúc nhân cho khách kịp mua về ăn sáng :
 
Bánh hòn độc đáo làm từ bột củ mì (bột sắn), nhân mặn từ đậu trắng ghiền nhỏ xào với dừa nạo vụn, đậu phộng giã nhỏ, hấp chín, rưới hành tím phi thơm thật hấp dẫn !
      Phụ nữ ở quê mình rất giỏi nấu ăn và có tài chế biến các loại bánh trái thơm ngon từ hạt gạo ngày mùa cũng như từ hoa màu khi giáp hạt.Những khi có việc, bữa cỗ quê cũng thật đầy đủ, đẹp đẽ được các dì, các cô xúm vào làm loáng cái đã xong.
Đây là tôm nướng than hoa :
Đĩa cỗ chuẩn bị bày lên mâm cúng :
Nỗi nhớ về một miền quê xa, ký ức tuổi thơ về phiên chợ quê , về những món quà làm từ nguyên liệu địa phương tươi ngon, giản dị mang đậm hồn quê sẽ theo ta đi mãi ...


 
Chợ nổi Cà Mau – chút tình sông 

nước
 
Không biết bây giờ bạn đang lang thang ở đâu, lên Sa Pa đi chợ tình hay đã xuôi chợ Viềng Nam Định, không biết đang sì sụp ăn ốc nóng ở chợ Âm Phủ – Đà Lạt hay về miền tây Nam Bộ xuôi thuyền thăm các chợ đồng bằng. Được du khảo qua các chợ, đó là niềm đam mê không dễ gì dứt bỏ, có lần bạn đã nói thế, phải không. Vậy thì sao bạn không về thăm chợ nổi Cà Mau quê tôi ?
Nằm giữa lòng thành phố Cà Mau, quãng cuối sông Gành Hào, đứng trên cầu nhìn về phía mặt trời mọc, người ta có thể nhìn thấy một dãy ghe rập rờn xao động cả mặt sông, những cái chân vịt gác chỏng lên loang loáng dưới mặt trời. Không biết chợ đã hình thành từ khi nào, phải chăng từ những chiếc ghe thương hồ xuôi ngược một hôm neo đậu gần nhau để mồi xin chút lửa, trao đổi cho nhau nắm gạo lứt, tấm vải bố tời, trái bầu, trái bí… mà nên một xóm chợ trên sông đông đúc, sung túc nhất đồng bằng như bây giờ ?
Sao bạn lại không thể cùng tôi dạo chợ trên sông, đi từ buổi sớm mai trong lành để ngắm xóm chợ tươi tắn, nhiều màu sắc và lạ lùng trong con mắt người xứ khác. Mà, sao lại là buổi mai ? Vì chợ lúc bình minh lên như thời thơ ấu của một đời người, đạp đẽ, tinh khiết, trong ngần. Sương đọng trên chiếc mùng giăng trên mui ghe của đám trẻ con ngủ vùi, ngủ nướng rồi bảng lảng tan cho một ngày buôn bán bận rộn bắt đầu. Hàng trăm chiếc ghe to, nhỏ khẳm lừ, đậu sát vào nhau thành một dãy dài, người bán, người mua trùng trình trên sóng nước. Buổi sớm mai, đó là buổi của những chiếc xuồng con với các chị, các dì bán hàng ăn sáng, mùi thơm của các loại bánh lan tỏa xa hơn cả tiếng rao hàng, là buổi của những chiếc ghe hàng bông đổ ra từ trăm ngàn con sông, rạch để bổ hàng rồi trở về theo trăm ngàn lối sông rạch cho chuyến buôn xa. Buổi của những chủ ghe tất bật bày biện sao cho mớ hàng hóa của mình mới mẻ, tươi tắn và tinh tươm nhất.
Ngày trước, chợ trên sông Cà Mau cũng giống như nhiều chợ nổi đồng bằng khác buôn bán rất nhiều mặt hàng từ nhu yếu phẩm đến thực phẩm, nghe kể, chợ bán cả bàn ghế, giường ngủ, tủ thờ… Bây giờ, cách buôn bán ấy chỉ còn ở những ghe hàng bông lưu động đến tận nhà người dân, riêng chợ nổi Cà Mau chỉ tập trung bán sỉ hàng hóa nông sản tươi, những thứ rau, trái miệt vườn. Với khách đường xa, đi chợ trên sông là để xem, để khám phá cái nguyên khí một miền quê lạ. Bạn không cần ghé vào từng ghe để xem hàng họ bán những gì, bạn chỉ cần biểu em gái chèo đò chèo chậm thôi, thong thả thôi ngang qua chợ. Bạn cứ nhìn cái nhánh cây thon, dài buộc ở đầu ghe kia, trên cây treo gì thì ghe bán thức ấy, lúc la lúc lỉu trông lạ vậy, nhưng đó là tiếng chào mời không lời. Chẳng cần rao bán, chèo kéo nhưng khách cầm lòng nào mà bỏ đi. Cầm lòng được sao với cái màu đỏ thanh thao của trái đu đủ chín cây, đỏ au au của chùm chôm chôm, vàng ươm của khóm, xoài, xanh riết của cóc, ổi, tím của cà… Giữa chợ nổi Cà Mau, cảm giác như gặp được những khu vườn của miệt sông Tiền, sông Hậu, như nhìn thấy những rẫy khóm, rẫy mía miên man dọc triền sông Trẹm quê mình.
Mỗi chiếc ghe neo đậu ở đây là một ngôi nhà, ngang hai mét, dài năm bảy mét. Nhỏ bé, chật hẹp là vậy, nhưng khách thương hồ lại có tâm hồn hiếu khách, hào sãng, rộng rãi. Bạn đến, họ sẽ chẳng hẹp lòng gì mà không mời bạn nếm thử miếng dưa gang thanh thao, cái thơm ngọt lạ lùng của trái dừa nước, thử cái vị chua chua của trái dâu, trái khế quê nhà. Nếu bạn lỡ phải lòng cô bán hàng duyên dáng nào đó thì xin hẹn ước mau mau, để chần chừ về nhà rồi quay trở lại, sợ rằng sẽ đứng trên chiếc đò nhỏ chao trên sóng ( hay lòng của ta chao) nhìn cây cọc buộc ghe vắng một sợi dây quen, có buồn lắm thì cũng đành hát “người đã đi rồi khôn níu lại”. Biết làm sao được, bản chất của xóm chợ này là vậy, hợp rồi tan như lục bình trôi, như bèo dạt.
Tôi luôn nuôi một niềm hy vọng sẽ cùng bạn lênh đênh trên chợ nổi quê mình. Khoe cái sầm uất, rộn ràng của chợ buổi sáng, buổi trưa, cho bạn cảm nhận cái man mác buổi chiều. Cái man mác buồn đúng là của một chiều phố núi nào đó, một xóm nhỏ heo hút nào đó nhưng ở trên sông này vẫn có nét riêng. Những chiều tà, chợ nổi đìu hiu bập bềnh đậu hết một vạt áo nắng vàng hoe hoe, đỏ hoe hoe. Những người đàn bà cúi đầu ngó chăm chăm xới nồi cơm nghi ngút khói, những người đàn ông xếp bằng ngồi trên mui ghe vấn những điếu thuốc to đùng bằng đầu ngón chân cái, phì phà nhả khói lên trời. Những đứa trẻ con ngồi tênh hênh trên mũi ghe câu cá chốt, cá mè. Những cô con gái sau một ngày bán hàng mệt mỏi tìm niềm vui bằng việc nụm nịu chăm nom cho mấy bụi hẹ, chòm rau húng lủi, vài cây ớt ốm nhom trong cái khạp bễ để trên mui ghe mà nghe phảng phất niềm thương nhớ đất.
Bình dị vậy mà chợ nổi quê tôi đã đi vào nhạc, vào thơ, vào những bức tranh, bức ảnh. Những văn nghệ sỹ đến, làm nên tác phẩm rồi đi mà vẫn hẹn lòng quay lại bởi niềm hứng khởi trước những vẻ đẹp lạ lùng, đặc trưng của miền sông nước mãi mãi không bao giờ cạn. Vậy sao bạn còn chưa đến với đất quê tôi ?
Nước sông Gành Hào ngày ngày ra biển rồi lại quay về há không phải vì không nỡ xa, không phải vì thương nhớ chợ nổi Cà Mau đó sao ? Sông còn vậy, huống chi người ?
Nguyễn Ngọc Tư
 

Ấm áp chợ quê ngày Tết 1

"Chợ quê xưa thường là những túp lều nhỏ, cột tre mái lợp lá tranh hoặc rạ hay những quầy hàng được che phên, liếp trông dân dã mà gần gũi biết bao
Đi chợ tết thú vị lắm! Cuối năm cuối tháng, ai cũng đi mua đồ về chuẩn bị cho mâm cỗ tất niên, mua lá về gói bánh. Hình ảnh những chú bé bán cát khiến tôi gợi lại một truyện ngắn của Hoàng Thái Sơn. Những nắm cát trắng lấy từ Rú Tường Vân đem lên chợ Thuận bán lấy công. Người bán cát là bán công vậy bởi chả có mặc cả kì kèo. Người mua bỏ ra mấy đồng bạc lẻ là có cát về thay lư hương trên bàn thờ tổ. Chợ tết lắm trò bù khú, đây sòng tôm cua kia trò phóng dĩa. Những âm thanh vỡ oà lên chốc chốc sau cái lật dĩa của chủ cái làm rộn thêm không khí chợ tết. Với tôi, thú vị nhất khi đi chợ tết là ngắm nhìn những cô gái quê bình dị. Tôi đi học quanh năm, đến tết mới rãnh rỗi ghé ra chợ gặp các nàng tuổi mười sáu cũng đủng đỉnh theo mẹ đi sắm đồ tết. Chợt bên hàng kia cô bé nào quen quen ửng đỏ mặt giấu vào sau lá cải. Ơ! Thì ra cô gái làng bên bấy lâu ở nhà trồng rau thêu thùa, giờ cũng phơi phới tựa hồ ngọn gió xuân khiến tôi khựng đi như tờ lịch cuối cùng của năm! Thằng bạn thân ở làng cứ sáng ba mươi năm nào nó cũng đến nhà rủ “đi chợ ngắm gái quê”. Chỉ ở những phiên chợ cuối năm ấy tôi mới hoạ hoằn tìm được cho mình một hình ảnh cô thôn nữ đúng nghĩa.
Ngược lại với chợ tết, chợ xuân lẻ tẻ lưa thưa. Họ đi chợ xuân chủ yếu là bán lộc đầu năm. Người quê lắm quan niệm, mà quan niệm về ngày giờ quan trọng hơn cả nên đi bán lộc xuân vào mùng mấy cũng phải có sách. Mẹ tôi quanh năm tất bật, thức khuya dậy sớm – nhìn mẹ tôi thấy được hình ảnh cô thôn nữ bao đời của làng quê Việt Nam. Vậy mà tết nhất của mẹ giờ đây chỉ được ngày mùng một và mùng hai. Sáng mùng ba là đã gánh gồng đi bán lộc xuân, khi trên đường làng người ta vẫn đang áo mới du xuân. Tôi có cuốn sổ coi ngày giờ tốt xấu, đem chỉ trỏ với mẹ cốt là để mẹ nghỉ ngơi thêm vài hôm nhưng chả bao giờ mẹ chịu. Cái cần mẫn đã khắc lên mẹ tôi một lịch trình sống, rồi cứ thế mà vận hành, không cho phép mình được nghỉ ngơi nhiều. Gọi là bán lộc nên chi ai mua sao bán nấy, người ta cho bao nhiêu mừng bấy nhiêu chứ không hề mặc cả ngã giá như ngày thường. Người đi chợ xuân cũng không tiếc chi mấy đồng bạc đầu năm nên cũng xởi lởi lắm! Vậy là kể ra đi bán đầu năm cũng kiếm được lộc thật đấy chứ?
Ông ngoại đặt cho mẹ tôi cái tên đệm là “thị” – “chợ” và cuộc đời mẹ gắn liền với cái chợ quê ấy thật! Trong trí nhớ của tôi  thuở đầu còn sót lại thì mẹ là một người đàn bà bên mẹt rau cải ven đường. Bây giờ đi xa, mẹ tôi vẫn ngày ngày ngồi với mớ cà mớ đậu ở cái sạp tre chợ Thuận. Tôi tự hứa với lòng không được quên góc chợ ấy, nơi nuôi nấng mình lớn khôn trưởng thành. Nơi đó mẹ tôi đã trộn cái thơm phức con gái với mùi tanh tưởi cá đồng để nặn nên những đứa con biết nói tiếng NGƯỜI.
Một đêm đói bụng, thèm cái món cá bống kho nghệ mà mẹ vừa mua hồi sáng ở chợ. Viết mấy dòng như thấm cả dư vị quê hương.
Minsk, 25.4.2008

Ấm áp chợ quê ngày Tết 2

"Chợ quê xưa thường là những túp lều nhỏ, cột tre mái lợp lá tranh hoặc rạ hay những quầy hàng được che phên, liếp trông dân dã mà gần gũi biết bao
Cứ mỗi độ xuân về Tết đến lại là dịp để những người xa quê trong và ngoài nước tìm về quê cha đất tổ với hi vọng gặp gỡ người thân sau bao ngày xa cách: Thắp nén nhang trầm tưởng nhớ người đã khuất! Đây có lẽ cũng là dịp “tìm” lại những kỉ niệm tuổi thơ đã trôi qua. Dường như hai tiếng quê hương đã thấm sâu vào máu thịt của người dân Việt. Có những người vì lí do nào đó không được về quê ăn Tết thì thường bồi hồi ôn lại trong kí ức với chính mình hoặc với bạn bè xung quanh những kỉ niệm về quê hương, người thân… với nỗi nhớ diết da.
Người Việt Nam chúng ta, ai cũng mang trong mình một hình ảnh đẹp về nơi chôn rau cắt rốn của mình. Đó là cây đa cổ thụ cành lá xum xuê, chiều chiều vọng vang tiếng chim tìm về tổ. Nhớ cái giếng làng trong vắt, nơi đó vào những đêm trăng  các cặp trai gái trong làng hát lời trao duyên, hay cây thị già trĩu quả toả bóng xuống mái chùa cổ kính. Quả thị chín vàng, hương thơm dìu dịu lan toả khắp làng quê. Thân thuộc gần gũi với người dân thôn quê là luỹ tre xanh ngắt, bên những mái nhà tranh, trong khói lam chiều lúc mờ lúc tỏ. 
Nhưng có lẽ gần gũi, thân thiết gắn bó nhất vẫn là chợ quê. Đặc biệt là chợ quê trong ba ngày giáp Tết thì đố ai quên được. 
Đất nước chúng ta hẳn khó có thể có làng hoặc xã nào mà lại không có chợ. Chí ít thì cũng dăm ba quán nhỏ tụ họp ở nơi thuận tiện bên bờ sông, cạnh đình làng, đường làng… Đông vui thì chợ phủ, chợ huyện, chợ phiên ! Tuần họp đôi ba lần hoặc tháng họp bốn lần
Chợ tết quê là hình ảnh quen thuộc, dân dã những đã đi rất nhiều vào thơ ca, nhạc họa và đặc biệt là tâm hồn mỗi người con xa quê để nhớ về. (Ảnh internet) 


 
 
 
 
 
 
Chợ quê xưa thường là những túp lều nhỏ, cột tre mái lợp lá tranh hoặc rạ hay những quầy hàng được che phên, liếp trông dân dã mà gần gũi biết bao.
Vào các ngày giáp Tết, mới canh hai, canh ba khi gà gáy vang; đường làng, ngõ xóm nhộn nhịp người xe đi lại. Tiếng lẹp kẹp của những đôi dép, tiếng kẽo kẹt của chiếc đòn gánh, tiếng bước chân thình thịch của những người đàn ông… Tiếng lẹp kẹp của những đôi dép dưới chân các bà, các chị gánh hàng, tiếng những con gà bị trói kêu quang quác; tiếng eng éc của những con lợn… tiếng chầy giã giò khua vào cối đá bốp chát… bốp chát… tất cả những âm thanh ấy dù muốn, dù không cứ gợi mãi trong chúng ta nhớ về không khí Tết quê và chợ quê ngày Tết. 
Các phiên chợ ngày Tết thường rất đông người. Người từ các nơi đổ về đông đến nỗi muốn đi qua chợ phải lách, phải gạt nhau ra mới đi nổi. 
Có lẽ hấp dẫn nhất với trẻ em tại các phiên chợ tết xưa là hàng đồ chơi; những cái trống bỏi nho nhỏ làm bằng sắt tây sơn xanh, đỏ khi lắc kêu boong boong ! Hoặc chen vào đám đông xem người bán pháo, đốt pháp tép, pháp đùng. Hoặc vòi vĩnh mẹ mua câu đối Tết hay mấy bức tranh cá chép, tranh Lê Lợi, Quang Trung cưỡi voi đánh giặc… hoặc tranh nhau xem múa rối nước, rối que… 
Nhiều đứa trẻ theo mẹ đi chợ mải chạy theo người bán kẹo kéo hoặc người “thợ” nặn tò he, bán tượng Quan Công, Trương Phi, bông hoa hồng, cô gái mặc áo mớ ba mớ bảy… được nặn bằng thứ bột dẻo quẹo có pha tẩm phẩm xanh, đỏ, tím, vàng… mà rồi vì ham vui bị lạc không biết đường về ! Để rồi đêm ba mươi Tết có người tìm tới tận nhà trả con. Mẹ - con ôm nhau khóc khóc - cười cười. 
Nói về chợ Tết quê, tôi vẫn nhớ mãi những câu thơ của ai đó:
“Người các làng xôn xao đi chợ Tết
Những gánh hàng nặng trĩu đôi vai…
Chỉ mấy câu thơ mộc mạc, bình dị đó cũng phần nào giúp chúng ta cảm nhận ra được nét mộc mạc độc đáo của cái không gian ồn ào mà sôi động của phiên chợ Tết và sự đan xen của các loại âm thanh nó chứa đựng sự đơn sơ, bình dị nhưng rất gần gũi, rất “quê” của phiên chợ Tết. 
Phiên chợ tết vùng cao (Ảnh internet)
Quả thật các chợ quê ngày trước, phản ánh rất rõ tính tự cung, tự cấp đặc điểm kinh tế hạn hẹp của một thời kỳ mà nền kinh tế nước ta do hoàn cảnh chiến tranh nên chưa phát triển được như ngày nay.
Ngày Tết theo mẹ đi chợ, được mua cho bộ quần áo mới để đón xuân, dù là bộ quần áo nâu, hay vải phin trắng, phin xanh hoặc đôi dép cũng thấy phấn chấn, vui vẻ lạ thường. Có lẽ khi ở tuổi trưởng thành, mấy ai mà không hình dung lại cảnh người mẹ nghèo lo mua quần áo, quà bánh, rượu, thuốc cho chồng, con nhưng lại rất ít chú ý mua sắm cho mình. Mẹ mua hương hoa, giấy tiền cho người đã khuất ! Mua lá dong, đỗ xanh, gạo nếp rồi nhẩm tính Tết này gói mấy đồng bánh chưng và đi Tết những đâu… sao cho không thua kém chị kém em. Thật là cao quý thay phẩm hạnh, đạo đức tuyệt vời của người phụ nữ Việt Nam.
Quả thật! Chợ Tết quê là sự giao thoa giữa sắc mầu của một vùng đất nông nghiệp với đủ các sản phẩm do con người một nắng hai sương làm ra. Từ cá loại gạo nếp, gạo tẻ, gạo tám thơm, gạo lúa nương,  lượng thơm lừng của miền tây Tổ Quốc… đến rau xanh, bí đỏ, bí đao, quả gấc chín đỏ để đồ xôi, những phên đường mía, mật mía… cho tới quả cam chín hồng, những quả bưởi vàng mơ. Những quả cau nho nhỏ, những lá trầu xanh… tới những con gà, con vịt… những mớ lá dong, những thúng đỗ xanh… cho tới măng rừng, cá biển cũng hiện diện đầy đủ trong phiên chợ Tết, kẻ bán người mua sôi động ồn ào.
Vào những ngày giáp Tết, ở những chợ họp bên đường, bên sông, thuyền, xe xuôi ngược ra vào, chở đủ loại hàng hoá. Cảnh trên bến dưới thuyền quả là hữu tình thơ mộng. Những chiếc ô tô đủ loại chở đầy hoa quả, chở quất, đào vào ra tấp nập. Những bông hoa hồng đỏ thắm, những bông cúc chúm chím như nụ cười e ấp của người thiếu nữ ở tuổi dậy thì; những bông hoa huệ ngát hương, những bông hoa lay ơn đủ màu sắc… cứ bập bềnh theo từng đợt sóng xô thuyền, trên sông nước trông thật đẹp mắt. 
Gần đây, kinh tế đất nước đang trên đà đổi mới, các chợ quê đã đổi thay nhiều. Những gian hàng được xây kiên cố và được chia thành nhiều quầy bán đủ các loại hàng hoá nội, ngoại. Từ vải vóc, đồ dùng sinh hoạt, các món ăn chín, sống ! Đến xe máy, ti vi, tủ lạnh… và quà tặng ngày xuân. Nó chứng tỏ cuộc sống, kinh tế ở nông thôn Việt Nam đang thay da dổi thịt ! 
Đời sống nâng cao cả tinh thần lẫn vật chất không thua kém gì thành phố, thị xã. Nhưng dù sao trong lòng chúng ta vẫn thấy nhơ nhớ một cái gì đó của những phiên chợ Tết quê ngày xưa. Phải chăng đó là những kí ức tuổi thơ được theo mẹ đi chợ Tết.
Được sống trong cái không khí ồn ào mà sôi động của chợ quê ! Để rồi giờ đây khi tóc bạc mái đầu ta vẫn không thể nào quên được hình ảnh cụ đồ già, ngồi trên chiếc chiếu hoa viết câu đối Tết như nhắc ta nhớ về truyền thống văn hoá tốt đẹp mà ông cha đã bao đời vun đắp gây dựng lên
Chính Chi