Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

NTV 43 - Mùa Đông lại về


LIÊN KHÚC GIÁNG SINH   

Hai mùa Noel - Mạnh Đình & Như Quỳnh








                   

Những Ngôi Sao Rụng


Những ngôi sao trên trời hình như đôi khi cũng có chuyện đau buồn. Ai có thể nói là trên cái thế giới tuyệt vời kia không có chuyện khổ não?     Bởi vậy, đôi khi các ngôi sao cũng rỏ lệ xuống trần. Và nước mắt ấy đã hóa thành những ngôi sao nhỏ, những con đom đóm.     Vậy cuối mùa hè năm đó, trên một bờ bể tỉnh Nam, những ngôi sao nhỏ sáng xanh rụng xuống đồng cỏ đêm nhiều quá. Có hai cô con gái một ông Thừa còn đang học trường huyện, thường rủ nhau ra đồng cỏ cháy để chạy theo những ánh sáng xanh lập lòe kia. Hai cô gái tuổi chừng mười ba, mười bốn.
    Ở cái tuổi ấy sự gì cũng làm cho người ta sửng sốt. Huống chi mấy đêm liền, đom đóm ở đâu bay về nhiều quá, cả một cánh đồng trơ trụi đã hóa ra đám dạ hội tưng bừng. Gió thổi hiu hiu, những con đom đóm bay chập chờn trong đêm tối rồi mỏi cánh sà xuống cỏ, xuống các bụi cây để nhấp nháy trong đó. Đã vậy, tiếng sóng bể đằng xa lại dìu dặt vẳng vào trong xóm như một khúc nhạc thần tiên.
    Hai thiếu nữ vừa chạy, vừa reo như hai đứa hóa điên. Ngày khai trường còn một tháng nữa mới đến, còn xa lắm! Hai cô bé trường huyện chưa nghĩ đến “tương lai” vội, họ biết mình là con gái một ông Thừa, thì cũng chỉ học đến lớp nhất là cùng, rồi ở nhà với mẹ chứ học gì cho lắm? Bởi thế hai cô gái gọi nhau ríu rít đuổi theo từng đàn đom đóm mà bắt, mà nắm đầy cả nắm tay. Hai cô bỏ vào túi áo, bỏ cả lên đầu tóc nhau. Nhưng con đom đóm thành ra những chấm lửa xanh nhấp nhánh trên đầu, trên áo như những hại trai, hạt ngọc.
    Cảnh đó làm cho một người con trai đi qua cánh đồng thấy hay đứng lại cười.
    Hai thiếu nữ đã biết anh chàng là ai, réo gọi: - Ông Diên! Ông Diên, đứng lại mà xem đom đóm.
    Ông Diên lúc ấy mới hai mươi tuổi, cũng không hơn gì một đứa trẻ con - dừng lại xem đom đóm thật. Ông nhìn đầu cô con gái lớn:
    - Cô Liên nghịch quá!
    Chàng nghiêng đầu ngắm cả hai cô thiếu nữ, lại cười, và nói một mình: - Nhưng mà đẹp!
    Thế rồi người con trai đi thẳng ra bờ bể. Con trai đang chừng mơ mộng, chàng ưa đi một mình trong gió bể, suy nghĩ vẩn vơ, hơn là chơi nghịch với hai cô gái nhỏ ồn ào khó chịu. Chàng con trai tự cho mình là kẻ lớn, phải nghiêm, đứng đắn. Ra bờ bể chàng ngồi trên một tấm đá cao mà nhẩm lại những bài thơ đã học ở trường. Thơ tả cảnh đêm rùng rợn phong ba, thơ tả người lính thủy đi không về với mẹ già, con dại, thơ tả cảnh hoàng hôn ở bờ bể phương tây. Vì chàng cũng muốn trở nên thi sĩ. Tuy mình mới chỉ là cậu học trò nghỉ hè tránh nắng, và đang học thi, ở nhờ nhà một ông Thừa, bạn cha mình.
    Nhưng hai cô gái đâu có để chàng yên. Hai cô đã rủ nhau chạy đến chỗ anh chàng. Và họ bỏ lên đầu chàng ta một nắm đom đóm vừa “săn” được. Hai cô vỗ ray reo:
    - A! Ông Diên thấy “hay” không? Đom đóm tưởng đầu ông là búi cỏ, nó đương thắp đèn lên trong đó!
    Cô gái lớn tên là Liên đứng gần chàng nhất. Diên nổi cáu, xô Liên ngã giúi xuống cát làm cô em sợ hãi ôm lấy chị.
    Diên hối hận, nâng cô chị đứng lên.
    Liên dụi mắt, lườm người con trai, nhưng trong cái dáng giận dỗi thơ ngây của người con gái sắp dậy thì có một vẻ đẹp bất ngờ khiến chàng trai đứng đờ người, càng thêm hối hận. Cháng ta chưa biết xử trí ra sao, Liên đã lại ném cho một nắm đom đóm khác vào mặt, rồi hai chị em cùng bỏ chạy.
    Gió bể thổi như đàn. Áo quần và tóc hai cô bé tung bay với gió. Những con đom đóm được thả ra bay chấp chới rồi rơi xuống nước liền bị sóng cuốn rút ra khơi.
    Chàng trai trẻ cười lên một mình thích thú. Lòng chàng đầy sức mạnh yêu đời. Cảnh đó khiến chàng còn nhớ mãi mấy năm sau.
    Mấy năm sau, Diên trở về bờ bể cũ. Lúc này ông Thừa bạn của cha chàng đã về hưu, ở một nếp nhà tranh trong phố huyện.
    Hai cô gái bây giờ ở nhà giúp đỡ bà Thừa. Bởi nhà nghèo nên chưa có nơi nào dạm hỏi. Còn Diên, chàng đã tiến những bước dài trên con đường học vấn.
    Từ cái hôm đom đóm bay đầy cánh đồng cỏ ấy, chàng đã khác xưa, nhưng cũng đã “xây nhiều lâu đài trên bãi cát”.
    Mùa hè năm đó, gió vẫn dìu dặt cũng sóng bể như xưa, cánh đồng vẫn có những con đom đóm lập lòe. Nhưng đom đóm bây giờ chẳng rực rỡ như năm cũ, chẳng bay về nhiều để khiến cánh đồng sáng lại như một đêm dạ hội. Nhưng người con gái ngày nào bây giờ không đuổi theo những ánh sáng xanh như trước nữa. Họ ngồi tư lự bên bà mẹ, khâu vá dưới một ngọn đèn khói tù mù.
    Chàng trẻ tuổi đi ra bể một mình, lại tìm hòn đá cũ và ngồi xuống nhìn ra bể.
    - Ông Diên! Ông ngồi đó làm chi đó?
    Diên quay lại và nhận ra Liên. Phút chốt chàng nhớ lại cảnh đom đóm bay trên bờ bể hôm nào. Vô tình chàng hỏi một câu ngớ ngẩn là chính mình ngượng với người con gái:
    - Đom đóm có về nhiều như năm ấy nữa không cô Liên nhỉ? Thấy Liên ngạc nhiên, Diên hỏi lại:
    - Cô còn nhớ gì không?
    Liên không còn nhớ gì nữa cả. Cô chỉ nhớ rằng mình đã lớn, và tình yêu dào dạt trong lòng, trong lúc này được gặp lại người đàn ông mơ ước. Liên gượng cười, chờ đợi một lời êm đẹp hơn ở người nàng mong đợi từ hai năm trước.
    Diên nhìn ra bể trầm tư, như tự nói cho mình:
    - Tôi sẽ viết một cuốn truyện Liên ạ, tôi sẽ nói đến cái đêm hôm ấy. - Nếu thế… thì em sẽ đọc.
    Liên bùi ngùi đáp lại.
    Diên ở nhà ông Thừa được hơn một tháng. Không mấy ngày là không đi dạo ngoài bờ biển cùng Liên. Người trai đã có lần thất bại vì tình yêu nơi đô thị, về chốn quê này tưởng gặp lại người con gái trong sáng ngày nào, là gặp được tình yêu đích thực. Nhưng chàng đã tự lừa mình, luôn thể đánh lừa cả một cô gái có tấm lòng giản dị, đầy tin tưởng. Trở lại nơi thành phố mình sinh trưởng đã nhiều năm, theo đuổi sự nghiệp văn chương, chàng biết thêm những người đàn bà đẹp hơn người đầu tiên đã khiến lòng chàng tê tái.
    Cuốn sách của Diên có nhan đề “Những ngôi sao rụng” ra đời được ít lâu thì chàng nhận được một phong thư, coi vẻ ngoài như mọi thư thường. Thư viết:
    “Tôi là một người hèn mọn ở nhà quê vừa đọc xong cuốn truyện của ông. Trong bao nhiêu năm tôi vẫn còn chờ nó, như chờ một người bạn cũ đi xa lúc trở về có thể làm sống lại những gì sâu kín mà mình giữ bên lòng, như một kho tàng quý báu. Thưa ông, cuống sách của ông đã làm tôi thất vọng. Tại sao ông không kể lại những cái gì đã có thực, có phải làm người xem cảm xúc bao nhiêu? Ông thêu dệt ra làm gì một mối tình không có, một mối tình mà người trong cuộc chỉ coi là chuyện chơi đùa. Tôi rất buồn mà có mấy lời này mong ông lượng thứ”.
    Bức thư không thấy ký tên. Nhưng Diên đã biết ai là tác giả. Những vệt lửa xanh lập lòe trong đêm tối… một cánh đồng hiu quạnh… Những người con gái nhỏ chạy trên bãi cát… tiếng cười giòn giã… chàng đã đánh mất trong đời bao nhiêu cái đẹp để đổi lấy những trang sách chẳng thực thà. Diên cảm thấy mình tội lỗi. Chàng đã lạm dụng những gì quý nhất của mình, của người thân để tạo nên một cái tên in trên bìa sách. Giống như kẻ vô tình kia đã vụng về dẫm lên bao nhiêu cuộc sống yên lành trên mỗi bước đi.
    Trong bao nhiêu năm nữa, ở một phố huyện kia vẫn có một người đàn bà theo dõi từng bước chân đi của người đã làm mình đau xót, khi kể lại chuyện mình cùng thiên hạ. 
Thanh Châu 

Từ điển tiếng Việt, trang 250, định nghĩa Cơn dông : “Trận gió mạnh hay dữ dội kèm theo có chớp và sấm, thổi lúc trời oi bức, thường trước khi có mưa rào”. Nhưng không có định nghĩa Con dông. Ðể bạn dễ hiểu, tôi xin định nghĩa theo một câu hát của trẻ em : “Kỳ dông là ông kỳ đà, kỳ đà là cha cắc ké, cắc ké là mẹ kỳ dông…”.
Bạn đã hình dung ra con dông chưa ? Nếu chưa, tôi xin phép dài dòng giải thích tiếp.

Mùa Hè năm 1974, tôi tốt nghiệp Ðại học Sư phạm Sài Gòn, hạng nhất kể từ dưới lên. Khi chọn nhiệm sở, trường lại ưu tiên gọi từ trên xuống. Vì vậy, các bạn tôi đã chọn hết các trường ở Sài Gòn hay các tỉnh lớn. Ðến phiên tôi, chỉ còn một trường trung học ở tận thị trấn Phan Rí. Tôi chẳng biết thị trấn đó nằm ở đâu trên đất nước Việt Nam nhưng cũng vui vẻ nhận giấy bổ nhiệm.

Thú thật, tôi đã nhận vì đang lúc đói, chứ không phải vì lòng ham muốn truyền bá quốc ngữ đến tận nơi chốn xa xăm. Chắc có bạn sẽ trách tôi chưa đi dạy mà đã thiếu lương tâm. Nhưng bạn đã biết đói là gì chưa ? Nếu chưa, bạn hãy làm một cuộc thí nghiệm nho nhỏ tại nhà. Nhịn ăn ba ngày, chỉ uống nước lạnh. Sau đó bạn sẽ thấy rõ chân lý… đói. Và bạn sẽ thấm thía câu nói của ông bà : Ðói, đầu gối phải bò.

Cũng may, lần đó tôi không phải bò từ Sài Gòn ra Phan Rí. Nhờ vay được tiền, tôi đã đi xe đò đàng hoàng. Xe chạy từ sáng đến chiều thì dừng lại ở một ngã ba trên Quốc lộ 1. Trời nắng gắt. Tôi bước xuống xe, lấy khăn lau mồ hôi, phủi sạch bụi đường bám ở quần áo, bôi chút biăngtin lên đầu, chải tóc rõ đường ngôi. Ðúng lời ông bà dặn : Ðói cho sạch, rách cho thơm. Tôi quên nói với bạn, tôi tốt nghiệp ban Việt văn, nên đầu óc lúc nào cũng chứa đầy “lời ông bà dặn”.

Một cơn dông từ đâu đột nhiên ào đến như đón chào tôi. Cát bụi, rác rưởi bay mù trời thay confetti. Gió đã cuốn tôi về trời, nếu tôi không nhanh tay ôm chặt một gốc cây bên đường. Hai phút sau cơn dông biến mất. Quần áo, đầu óc tôi dính đầy cát bụi. Ngày đầu đặt chân đến nơi đây, tôi đã không giữ được mình sạch. Trong nhưng ngày sắp tới, tôi biết sống sao đây ? Lòng buồn rười rượi, tôi lấy khăn dụi mắt.

– Ông khóc vì bị lạc đường à ?

Cô bé mặc áo tím, có đôi mắt đen láy như hai hột nhãn. Nhìn lâu đôi mắt ấy dễ trợt chân té ngã, tôi ngoảnh mặt đi và thở dài.

– Ừ…

– Ông định đi đâu ?

– Ði tìm việc làm.

– Vậy ông đến đây không đúng lúc rồi. Ðang mùa Ðông ghe chài ít đi biển. Ðâu có việc gì làm.

– Tôi đến đây dạy học.

– Tướng ông mà là thầy giáo.

Ðể cô bé khỏi nghi ngờ, tôi móc túi đưa cho em xem tờ giấy bổ nhiệm. Cô bé lắc đầu.

– Chắc có sự lầm lẫn gì đây. Nhưng thôi, để em dắt ông đến trường cho người ta quyết định.

Tôi cầm túi xách đựng quần áo và sách vở bước theo cô bé. Vừa đi, tôi vừa hỏi em tên gì, ở đâu, làm gì ? Cô bé mím môi cười.

– Nơi đây nhỏ bé. Trước sau gì ông cũng biết mọi chuyện. Ðến trường rồi. Em chào ông.

Tôi chưa kịp nói cám ơn, cô bé đã bước đi thoăn thoắt. Sợ trễ giờ làm việc trường đóng cửa, tôi không dám đuổi theo em. Khi tôi vào văn phòng, ông hiệu trưởng đang chuẩn bị ra về. Coi giấy tờ của tôi xong, ông niềm nở dắt tôi đi một vòng giới thiệu trường. Ðể chuẩn bị cho niên học mới, các lớp học đều được quét vôi vàng sáng sủa. Ở góc sân trường, trên một cây phượng cổ thụ lá xanh um, có treo một cái kẻng lớn bằng niềng xe hơi.

– Thầy về thật đúng lúc. Tôi đang chia giờ dạy. Tôi sẽ sắp thầy dạy lớp mười một. Thứ hai tuần sau trường khai giảng, Thầy còn một tuần nghỉ ngơi. Ra đây thầy trọ ở đâu ?

Tôi nói:

– Tôi chẳng quen biết ai ở đây và nhờ ông hiệu trưởng giới thiệu một chỗ trọ.

Ông nhíu mày suy nghĩ một lúc, rồi nói :

– Tôi giới thiệu thầy tới ở tạm chỗ này, rồi tính sau.

Ông hiệu trưởng lái xe honda chạy dọc theo con đường chính dẫn vào trung tâm thị trấn. Hai bên đường là những ngôi nhà cũ kỹ, mái ngói thấp, tường vôi loang lỗ. Trừ các cửa hàng tạp hóa, các ngôi nhà khác đều đóng kín cửa tránh những con gió thường thổi bụi ở lòng đường bay mù. Trong không khí sực nức mùi nước mắm, làm bụng tôi đói cồn cào.

Ðến một con đường đầy cát, tôi phải phụ ông hiệu trưởng đẩy xe vào một xóm trồng đầy mận. Những trái mận chín đỏ, nhìn chỉ muốn hái trộm. Tôi hỏi :

– Xóm này tên xóm Mận, phải không ông hiệu ?

– Không, tên nó là xóm Rùng, vì người ở đây sống bằng nghề lưới rùng.

Không rành nghề đi biển, nghe cái tên tự nhiên tôi rùng mình. Ông hiệu trưởng dừng xe trước một ngôi nhà mới xây, mái lợp ngói đỏ tươi, phía trước có hàng rào là những cây xương rồng cao ngang ngực. Ông gọi “Chú Bảy ơi, chú Bảy.” Một người đàn ông tóc muối tiêu, ngực vạm vỡ, mặc quần cụt, bước ra mở cổng. Ông mời chúng tôi vào nhà, uống nước trà.

Ông hiệu trưởng giới thiệu chú Bảy là bà con với ông. Rồi ông trình bày hoàn cảnh của tôi và nhờ chú Bảy cho tôi ở trọ. Chú Bảy gãi râu.

– Ông giáo cứ ở tạm đây. Mai sau tìm được chỗ ưng ý thời đi. Sẵn tôi nhờ ông giáo kèm hộ con nhỏ ở nhà. Tánh nó ngang quá. Con gái mà cứ đòi đi biển chứ không chịu học chữ.

Tôi cám ơn lòng tốt của chú Bảy và hứa sẽ hết lòng dạy kèm cô nhỏ. Ông hiệu trưởng đứng dậy chào ra về. Chú Bảy chỉ tấm phản nơi tôi ngủ và nói ra giếng ở phía sau tắm rửa.

Bước ra cửa sau, tôi nghe rõ tiếng sóng biển ầm ì và trước mặt cả một vòm mận đầy trái chín. Tôi không ngăn được, hái một trái bỏ vào miệng nhai. Chúa ơi ! Từ nhỏ đến bây giờ tôi mới được ăn một trái mận ngọt như vậy. Tôi hái trái thứ hai bỏ vào miệng. Chúa ơi ! Từ bây giờ cho đến lúc chết, chẳng nơi đâu tôi được ăn trái mận ngon như ở đây.

– A… á…á…

Tôi hét lên kinh hoàng và nhảy thụt lui ba bước, khi thấy những con quái vật từ trên trời rơi xuống bò lổn nhổn quanh chân mình. Cô bé tôi gặp hồi chiều đang đứng ở ngưỡng cửa sau, ôm bụng cười.

– Em thử xem ông có can đảm không.

Tôi cố gắng trấn tĩnh, nói châm chọc lại.

– Tôi nhảy thụt lùi vì sợ đạp chết những con vật “thân yêu” của em.

– Ông biết chúng là con gì không ?

Tôi nhìn kỹ những con vật đang bò trên cát. Chúng giống con tắc kè, nhưng to hơn nhiều và có những đốm xanh đỏ trên lưng, trông phát ớn. Tôi đã thấy con kỳ đà ở Sở thú Sài Gòn, nên mạnh dạn đáp.

– Chúng là bà con kỳ đà, tên chúng là con “kỳ quặc”.

Cô bé ôm bụng cười phát ho rồi lắc đầu.

– Thật may, ông không phải là thầy của em. Thôi ông giúp em bắt chúng, để em làm thịt ăn cơm tối.

Tôi hơi hơi run, không biết cô bé nói thật hay đùa. Bắt chúng, lỡ chúng cắn chết, tôi phải bỏ thây nơi đất khách quê người thì thiên hạ ai là người sẽ khóc thương tôi ? May thay, chú bảy đã ra đúng lúc. Ông nói :

– Ðể ba bắt dông làm thịt. Con lo nấu nướng. Tối rồi.

Bữa cơm dọn lên chiếc bàn tròn, dưới ánh sáng ngọn đèn bình ắc qui. Chỉ có chú Bảy, tôi và cô bé. Sau này, tôi mới biết vợ chú Bảy chết đã lâu. Người con trai lớn của chú đi lính “ông Ðịa” đóng ở quận, đã có gia đình riêng.

– Ðang mùa dông, – Chú Bảy nói – tôm cá không có. Ông giáo ăn đỡ mấy con dông.

Nhìn mâm cơm thấy có ba dĩa : gỏi dông, dông xào lăn, dông nướng, mùi thơm bốc lên làm tôi ứa nước miếng. Nhưng nhớ lại hình ảnh mấy con dông khi còn sống, tôi đâm chột dạ, không dám gắp. Tôi sợ ăn chúng xong, đất sẽ “ăn tôi”.

Hình như hiểu được sự e dè của tôi, cô bé gắp một miếng dông nướng ăn trước. Tôi run run gắp một miếng ăn theo. Ăn xong, tôi mới biết mình… đại ngu !

Nhớ hồi còn học tiểu học, cô giáo ra đề một bài tập làm văn : “Tả con vật mà em yêu mến nhất”. Tôi đã tả con gà con. Thằng bạn thân của tôi tả con chó mực. Tôi đã chê nó ngu. Con chó đen thùi lùi làm sao đẹp bằng chú gà con trắng như cục bông gòn. Ðến năm hai mươi tuổi, biết nhậu chút chút, tôi mới biết mình ngu. Gà mái dầu cũng không “đẹp” bằng chó mực, huống chi gà con. Bây giờ gần ba mươi tuổi, gặp con dông, tôi mới biết cả hai đứa đều ngu như nhau. Thế mới biết ông bà nói chí lý : “Ði một ngày đàng học một sàng khôn”.

Thấy tôi tấn công tới tấp ba dĩa thịt dông, cô bé cười nói :

– Ông làm dân ở đây được rồi.

Chú Bảy quay qua nạt cô bé :

– Con gọi ông giáo là thầy chứ.

– Ông ấy đã dạy con chữ nào đâu mà bắt con gọi là thầy.

Cô bé nói đúng. Năm học đó tôi dạy lớp 11, cô bé học lớp 10. Tôi chưa dạy em được chữ nào, trái lại, em đã dạy tôi nhiều thứ. Cách bắt dông ở những đồi cát trắng lóa. Cách làm thịt dông ăn khỏi ê mình. Cách nướng mực “một nắng” ăn ngọt nhất. Cách cạy hàu ở ghềnh Son ăn với muối tiêu…

Chưa đầy một năm, ngày giải phóng đến. Tôi phải về với gia đình ở Sài Gòn. Khi chia tay, cô bé nói mong ông sẽ không quên con dông ở xứ này. Tôi trả lời, đến lúc hấp hối vẫn thèm những món dông em làm. Không lâu đâu, mùa Ðông tới tôi sẽ trở lại.

Tôi đã không giữ được lời hứa. Những công việc mới đưa đẩy tôi đi nhiều nơi trên đất nước. Mười hai năm sau, tôi mới có dịp trở về Phan Rí, đúng lúc mùa dông.

Những con dông vẫn cực kỳ ngon như xưa. Nhưng xóm Rùng đã đổi khác. Những cây mận ngọt lịm đã chết vì bị biển lấn sâu vào bờ. Và gia đình chú Bảy cũng đã dọn đi đâu mất.

Buổi chiều đứng trước biển rầm rì tiếng sóng nhìn ra chân trời phủ kín mây đen, tôi thầm mong ở một nơi chốn xa xôi, cô bé đã quên những con dông. Nếu không, mỗi lần nhớ lại em sẽ đau lòng.

Từ điển tiếng Việt, trang 893, định nghĩa Yêu : “cảm thấy gắn bó, trìu mến, hài lòng, thích thú, say mê… với người hay vật có sức mạnh thu hút”.

Chắc bạn đã sốt ruột gắt lên, thôi đừng kể lể dài dòng nữa. Ông đã yêu cô bé ở Phan Rí phải không ? Vâng, tôi đã yêu. Nhưng không phải yêu cô bé mà yêu con dông, vì nó có sức mạnh thu hút kỳ lạ. Đoàn Thạch Biền

Món quà diễm tuyệt....
Giáng Sinh đến,
Lần dầu tiên em biết,
Tuyết lạnh buồn nơi viễn xứ xa xôi...
Thêm cô đơn thân đất lạ quê người,
Anh đã đến trao món quà diễm tuyệt !
***********
Có phải Jack xưa ?
Trên chuyến tàu Titanic ?
Em như chạm vào chuyện cổ tích thần tiên..
Mơ ước trong em ,
Là Rose của năm nào...
Trong biển tuyết, thuyền tình vào bến đỗ !!
***********
Chuông Giáng Sinh ngân vang,
Bài Thánh ca buồn....
Làm ánh sao khuya rực rỡ,
Nỗi nhớ nhà, 
Khiến lòng thêm nức nở !
Trên tay em hai món quà của Jack...
Một trên tay là quà của quê hương,
Một của Jack là của tình thương...
Đã sưỡi ấm cho Rose trong cô quạnh !! 
NM

 Giáng Sinh Của Nàng Rose
Nhìn chiếc bảng đằng xa, nó vội chào người thanh niên nọ, lao về phia trước, nó nghe loáng thoáng phía sau, I’m Jack. Ô, nghe như tên của anh chàng điển trai trong phim Titanic vậy.
Nó đẩy chiếc xe chở đống vali băng băng. Máy bay muộn 3 tiếng, không biết có ai đợi nó không nữa. Thoáng đằng xa có người đang giơ tấm bảng lớn, nó ấn mạnh tay đẩy chiếc xe về phía trước, nhưng trượt chân, nó gần như ngã xuống, chiếc xe lao đi, đâm sầm vào một người phía trước. Nó hốt hoảng chạy đến.
- Sorry. Are you ok?
- Oh, not at all.
Người thành niên đứng dậy, nhặt chiếc balô to sụ và túm lấy chiếc xe chở hành lý của nó. Nó thở phào nhìn anh ta, đó có lẽ là một người thân thiện.
- Hello, are you a Chinese?
- No, Vietnamese.
- Oh, yes.
Nhìn chiếc bảng đằng xa, nó vội chào người thanh niên nọ, lao về phia trước, nó nghe loáng thoáng phía sau, I’m Jack. Ô, nghe như tên của anh chàng điển trai trong phim Titanic vậy. Nó mừng húm khi tìm thấy người hướng dẫn, “vậy là chắc chắn mình không bị lạc”. Chiếc xe dẫn nó qua biết bao con phố. Nhìn những tòa nhà cao chọc trời, những đường phố bóng loáng, nó chỉ muốn nhảy lên trầm trồ nhưng nghĩ sao lại thôi. “Giá mà ba mẹ ở đây cùng với mình thì thú biết bao nhiêu”.
Nó được phân ở cùng phòng với một cô bạn người Nigeria. Cô bạn mỉm cười chào. Chao, một nụ cười thật tươi. Cô bạn người Australia ở phòng bên sang chào hỏi, xổ một lô tiếng Anh giọng Úc. Nó cố gắng nghe và trả lời từng ít một, đúng là tiếng Anh sách vở chưa đủ để sống ở đây.
Sau bữa tối, nó gọi điện về nhà.
- Thế nào, khỏe không con, thức ăn có hợp khẩu vị không? Nếu không ăn được thì chịu khó ăn tạm mì tôm đã con nhé.
- Con khỏe, thức ăn cũng được mẹ à, rồi sẽ quen hết.
- Chị nhớ đi mua cho em một bộ đầm thật đẹp nhé. Giọng líu lo của cô em đỏng đảnh đây.
Nó mỉm cười:
- Ừ, rồi.
Nó cuốn theo cuộc sống mới. Những giờ học rộn ràng sôi nổi tràn đầy tiếng cười, những giờ thể thao sôi động mệt nhoài. Nó không ngờ cũng có một ngày con bé lười vận động với cặp kính dày cồm cộp này cũng chịu đi giày tham gia các trận đấu. Nó cảm thấy mình thay đổi từng ngày, vận động mỗi phút giây. Mỗi buổi tối nó đều cảm thấy như kiệt sức. Nó vẫn nổi tiếng là một cô bé chăm chỉ nhưng dường như sự chăm chỉ ấy vẫn chưa đủ để sống nơi đây. Những người bạn luôn tràn đầy năng lượng. Dù đã cố gắng lắm lắm nhưng nó vẫn không sao bắt kịp được, luôn cảm thấy hụt hơi, đuối sức. Nhìn cô bạn cùng phòng vẫn thảnh thơi hát một bài hát gì đó không rõ nghĩa, nó rưng rưng muốn khóc. Với lấy cuốn nhật ký, nó thổn thức. “Dường như cuộc sống này không thích hợp với mình, nó qua đi nhanh quá, mình thì không bắt kịp được. Và cũng thật buồn tẻ nữa”.
Một buổi chiều, nó và cô bạn cùng phòng đi một lượt khắp cư xá. Phong cảnh thật tuyệt. Phía sau có một rừng lá kim xanh mướt và bên trái có một hồ nước rộng. Nó cảm thấy mình đang chạm vào những thước phim đã được xem. Nó và cô bạn cùng ngồi trên một chiếc ghế đá nhìn ra hồ nước xanh.
- Cậu có nhớ nhà không. Cô bạn hướng đôi mắt nhìn xa xăm.
- Có. Nó lí nhí trả lời, thấy hơi cay cay nơi sống mũi.
- Tớ nhớ Jimy, em trai của tớ. Nó mới chỉ 6 tuổi thôi nhưng là một chàng trai rất chững chạc, nó luôn bảo vệ tớ. Tớ nhớ món salad của mẹ tớ nữa, đơn giản mà cực ngon.
Nó nhìn cô bạn, thoáng ngạc nhiên. Cô bé vẫn luôn rổn rảng, vui vẻ, luôn tỏ ra bình thản, vậy mà… Trong phút chốc nó nghĩ đến cô em gái của mình. Ở nhà vẫn thường chí chóe là thế, vẫn mong có dịp đi xa một thời gian để khỏi phải cãi vã với nó là thế, vậy mà…
- Hey, cô bé có nhớ tôi không?
Nó nhìn sang bên, gương mặt quen quen, nụ cười cũng quen quen.
- Jack?
- Ok, cô bé có trí nhớ thật tuyệt.
Đó là một buổi chiều thật đẹp. Cuốn nhật ký lại thêm trang mới. “Hôm nay mình mới biết cô bạn cùng phòng mình cũng rất đa cảm. Thì ra mọi người vẫn có những xúc cảm che giấu riêng mình. Mình cũng biết thêm một người bạn nữa, Jack. Không hiểu sao mình cứ nghĩ anh ta là một nhân vật trong phim Titanic nhỉ?”.
Thời gian trôi qua thật nhanh. Mùa đông đến tự khi nào. Những bông tuyết trắng lặng lẽ rơi. Nó ngồi bên cửa sổ nhìn qua cửa kính, ngoài trời lạnh giá. Vậy mà sắp đến Noel rồi. Nó lồng 2 bao tay vào, mặc liền 2 đôi tất, đi bốt và khoác áo choàng rộng. Nó muốn tìm một cái gì đấy cho cô bạn cùng phòng. Cửa hàng gần cư xá đông nghịt người với vô vàn hàng hóa đủ màu sắc. Nhìn ông già Noel cười tươi chào các em nhỏ, nó bật cười. Hồi ở nhà, Noel với nó chỉ là đi chơi với lũ bạn, ăn một cái gì thật nóng, thật ngon thôi. Nó bước nhanh vào cửa hàng, hơi khớp.
- Cô bé tìm gì vậy?
Tiếng ai quen thế nhỉ, nó nhìn sang bên cạnh.
- Jack.
Anh chàng nhìn nó mỉm cười, đôi mắt xanh thẳm. Nó thích thú khi phát hiện ra điều đó.
- Cũng như mọi người thôi, tôi tìm một số thứ cho bạn bè, người thân.
- Chúng ta giống nhau rồi. Nào, đi thôi, nếu chậm chân thì chúng ta chỉ còn những ngôi sao nhỏ trang trí cây Noel thôi.
Jack dẫn nó đi khắp các gian hàng, những chiếc khăn quàng cổ thật đẹp, cả găng tay và mũ nữa, nhưng giá cả thì... Tại sao nó cứ quy đổi đôla sang tiền Việt khi nó đang ở một đất nước chỉ dùng đô thôi nhỉ? Thật vô lý nhưng nó vẫn có thói quen như thế. Jack đã chọn được một số món đồ còn nó thì vẫn thẫn thờ trước các gian hàng.
- Sao thế, không có món gì được mắt hả?
Chẳng lẽ lại bảo là đắt quá, ở nước tôi cái này chỉ vài chục ngàn thôi. Nó cười trừ. Jack nhún vai rồi bỗng kéo tay nó dẫn đến một kệ hàng kê ở dãy sau. Ở đó có cả núi những chiếc mũ len màu đỏ. Nó gần như ồ lên, cô bạn yêu màu sắc sẽ thích mê cho coi. Liếc nhìn giá cả, cũng được chứ nhỉ, nó ướm đội mũ vào đầu, Jack chỉ ngón tay cái gật gù. Nó cười rạng rỡ, nhìn kỹ lại chiếc mũ, made in vietnam. Nó lại càng rạng rỡ hơn.
Noel! Cư xá lung linh màu sắc. Nó cùng những người bạn thân tổ chức tiệc mừng. Lần đầu tiên nó uống nhiều rượu đến thế. Nếu mà bố mẹ nhìn thấy nhỉ, thế nào cũng được một trận ra trò. Nó lăn ra ngủ li bì nhưng vẫn không quên đặt ở đầu giường cô bạn thân hộp quà màu đỏ. Buổi sáng hôm đó, cô bạn lay lay gọi nó dậy.
- Nào, dậy mà xem.
Nó mở mắt.
- Nào xem này. Cô bạn chìa ra trước mặt nó một hộp quà màu xanh.
- Tặng mình hả?
- Có đề tên cậu đó. Hẳn là tối qua ông già Noel đã ghé thăm. Vì phòng chúng ta không có ống khói để chui xuống nên ông ấy để luôn ở trước cửa.
- Tại sao ông ta không đột nhập vào phòng nhỉ? Nó nhìn cô bạn đang bị nhấm chìm trong sự tò mò.
- Nếu thế thì chắc chắn ông ta sẽ ra về với những quả táo to oạch trên đầu.
- Có thể lắm chứ? Hôm qua có cả bà già Noel nữa cơ. Nó nheo nheo mắt cười, nhìn cô bạn với chiếc mũ đỏ trên đầu.
- Cám ơn bà ấy nhé! Cô bạn tinh nghịch trả lời.
Nó mở hộp quà, một đôi găng màu tím. Thật lạ kỳ, màu này hiếm có đây. Chúc cô bé luôn ấm áp! Bất giác nó nghĩ đến Jack, cám ơn nhé, chúc tốt lành. Cô bé thì thầm.
Cô bạn cùng phòng nhìn nó, vẻ hờn dỗi
- Tớ phát ghen với cậu đấy!
- Thế cậu muốn ông già Noel tặng cho cậu 2 món quà hả?
- Giá như thực sự là một ông già Noel!
- Vậy năm sau bà già Noel này sẽ không nhớ đến con nữa đâu.
- Oh, cô bạn lao đến ôm lấy nó, không phải thế, không phải.
Tiếng cười trong veo vang vọng khắp cư xá. Tuyết trắng xóa, ấm áp.
Chiếc điện thoại rung lên, “Chào cô bé đáng yêu! Hôm qua ông già Noel có bỏ rơi cô bé không?”. Nó liếc nhìn cô bạn cùng phòng, mím môi nhắn lại, “Chào Jack. Không ông vẫn nhớ đến cô bé ngoan ngoãn này. Chỉ có khác là ông không cưỡi tuần lộc đến, hình như ông ấy đi trên một con tàu cực lớn.”. “Ôi lạy chúa, cô bé đã nhìn thấy ông già Noel chăng?”. “Không những nhìn thấy mà còn biết rõ nữa, đó là một anh già Noel”. “Haha, vậy ư, cho anh gửi lời chào anh già đó nhé!”.
Nó cười phá lên, “Ok”.
Buổi tối hôm đó, Jack dẫn đó đến khu phố người Hoa. Nó nheo mắt cười.
- Em không phải là người Hoa đâu.
- Nhưng em cũng ở gần đó. Tại sao người Châu Á lại giống nhau thế nhỉ?
- Đó là câu hỏi mà em muốn hỏi anh đó, tại sao người Âu lại giống nhau đến kỳ lạ.
- Haha, vậy chúng ta giống nhau cả.
- Đúng thế.
Nó nhấp một ngụm trà nóng, cảm giác đang ở một nơi nào đó rất gần ngôi nhà của mình. Jack uống liền một ngụm lớn và ngay lập tức nhăn nhó đến khổ sở, anh liền pha thêm một ít nước lọc vào cốc trà của mình, hơi gượng gạo.
- Rồi anh sẽ quen thôi. Uống chậm mới thấy ngon được.
- Rất ngon. Jack vẫn ngoan cố. Phải, cực kỳ ngon.
- Anh dùng thêm một cốc nữa chứ? Nó nheo nheo mắt. Jack cười nhăn nhó.
- Em thấy Noel ở đây thế nào, có khác nhiều so với ở nhà không?
- Khác nhiều, nhất là không có anh già Noel.
- Thế có anh già sẽ vui hơn nhiều lắm hả.
- Nhiều, rất, rất nhiều.
Jack đưa nó về, đặt nhẹ một nụ hôn tạm biệt. Nó cảm thấy mùa đông ở đây thật ấm áp.
Khuya, nó viết tiếp những trang nhật ký. “Không, mình muốn đính chính thêm một điều này nữa. Cuộc sống ở đây luôn chuyển động nhưng cũng có những lúc trôi chậm bên những cốc trà Trung Hoa. Và ở đây cũng có một câu chuyện thật hay nữa, chàng Jack đã cưỡi con tàu Titanic vượt qua màn tuyết trắng đến tặng quà giáng sinh cho nàng Rose”.
- Này, cậu có tin vào những câu chuyện cổ tích không?
Cô bạn đang chúi mũi vào những trang sách ngước nhìn lên:
- Tớ không tin lắm, tớ tin vào những con số hơn.
- Còn tớ thì tin, tớ sắp trở thành nàng Rose rồi. Chúc ngủ ngon nhé và mơ đẹp.
Nó cười rạng rỡ, ôm cuốn nhật ký vào lòng. Cô bạn nhìn nó, khẽ nhún vai:
- Chúc ngủ ngon, Rose.


Dương Thùy Dương

Đêm Thánh Vô Cùng - Various Artists

Đêm Thánh vô cùng..... 
Chúa đã ngự về trên làng quê nhỏ bé,
Chỉ giáo dân quỳ bên Chúa hát Thánh ca...
Cao trên cao chợt thấy ánh sao sa,
Chúa đã đến trong tâm thành uớc nguyện ?!

Tiếng chuông đỗ vọng từ xa đưa đến,
Lòng mừng thay vui đón Chúa an hoà...
Kiếp nhân sinh sao cực khổ xót xa ?
Mong Thiên Chúa ban ơn lành cứu giúp !..

Trong đêm Thánh không Cha làm phép đạo,
Chỉ tiếng chuông hoà lẫn tiếng Thánh ca...
Sao âm vang đọng mãi trong tim ta ?
Một bài hát phát từ tâm ngươi ngoại đạo...!!
NM
Giáng Sinh Ở Một Làng Nhỏ Miền Đồng Tháp

 Duyên Anh
Năm 1958, áo cơm đưa đẩy tôi về miền Tây. Đói, đầu gối phải bò. Và tôi đã bắt đầu gối tôi phải bò mãi về làng Mỹ Lương, thánh địa Hòa Hảo, nơi ra đời của vĩ nhân Huỳnh Phú Sổ, dạy ở ngôi trường trung học bán công mà học trò, hầu hết đều bằng tuổi tôi. Mỹ Lương buồn lắm. Vào những ngày mười tư, mười rằm và ba mươi, mồng một chợ búa chỉ bán rau cỏ, tương chao, tầu vị yểu. Quán nước trần xì cà phê đen. Điểm tâm bằng dầu cháo quẩy. Không thịt cá những ngày đó. Là kẻ tội lỗi từ thuở lọt lòng, dẫu ăn chay trường cũng khó sạch tội, nên khi thánh địa ăn chay, đọc kinh, nghe lời giảng của Đức Thầy, tôi bèn làm những chuyến... sang sông.
Con sông nhỏ có thể đưa ghe, tầu sang tận Cao Miên nhưng chỉ đưa tôi qua Tân Huề bằng chiếc đò máy. Cách một dòng sông bên này là thánh địa Hòa Hảo, bên kia là... lung tung beng. Một xóm đạo nhỏ với ngôi nhà thờ bé và vị linh mục kéo vĩ cầm. Lại chỉ khoái chơi nhạc kháng chiến! Tôi có nhiều học trò bên Tân Huề. Và tôi thường mò sang ăn mặn vào dịp Mỹ Lương ăn chay. Tôi quen với linh mục khoái nói chuyện bưng biền hơn là nói chuyện Chúa, ở Tân Huề. Nhà thờ thiếu cái đàn "Harmonium", thiếu ban hát lễ, thiếu nhô con áo đỏ giúp lễ ố những chuyên viên quỳ ố thiếu luôn bánh thánh và... nước phép. Cha sở - tạm gọi thế - kéo vĩ cầm buồn cười vỡ bụng. Ngài lười "vibrer". Ngài cứ đưa cái "archet" lên xuống cả những nốt ngân. Nhưng con chiên của ngài xứng đáng được Chúa thương xót nhất nếu Chúa biết ngót mười lăm năm trời, họ đã sống trong nỗi hãi hùng, lép vế, buồi tủi. Mà vẫn phụng thờ Chúa, vẫn tin ngày nhắm mắt được gặp Chúa ở trên trời, vẫn làm sáng danh Chúa.

Giáng Sinh những năm trước, tôi không biết ở đây, ở cái xóm đạo nhỏ bé của làng Tân Huề thuộc miền Đồng Tháp, cái đám giáo dân tổ chức đón mừng Chúa Hài Đồng ra đời ra sao, nhưng năm nay, hang đá tại nhà cô Út lớn gấp ba hang đá của nhà thờ. Tôi thấy một điều lạ. Chúa ở thật xa, Cha ở thật gần, đám con chiên hèn mọn của Chúa chỉ theo Chúa. Có lẽ, cha sở mải lo chuyện bưng biền, quên phụng vụ Chúa, quên an ủi đám con chiên lạc lõng, bị kìm kẹp giữa miền hắt hủi như những tội đồ. Cô Út là chị thằng Lễ, học trò lớp đệ thất. Cô mở tiệm may bên Tân Châu. Mọi năm, cô không về Tân Huề mừng Chúa giáng sinh đâu. Ở Tân Châu vui hơn. Nhà thờ lớn hơn. Tiếng chuông ánh ỏi hơn. Lời ca vút cao hơn. Giáng sinh năm nay, cô Út mừng Chúa ra đời ở quê nhà. Chắc tại thằng Lễ nói có tôi dự tiệc nửa đêm ở nhà nó. Tôi không phải là công giáo. Gần Giáng Sinh, tôi dạy tới bài Christmas trong cuốn Anglais Vivant của Fialip Carpentier. Bài này và hai bài kế tiếp đều nói về Giáng Sinh, thời tiết trong ngày Giáng Sinh với ông Santa Claus. Thằng Lễ tưởng tôi khoái "đạo" của nó lắm nên năn nỉ mời tôi sang Tân Huề. Tôi nhận lời ngay.
Buổi chiều hôm 24, nhà thằng Lễ rộn rã mà nếu Chúa biết. Ngài sẽ cảm động vô cùng. Cái cổng chào đã dựng xong ở ngõ từ sáng. Trên nền lá dừa chẻ nhỏ, cắt ngắn là hàng chữ cắt ráp tỉ mỉ của Lễ "Mừng Chúa Giáng Sinh". Chiếc đèn ông sao treo ở giữa. Rất đông bà con thân thuộc của gia đình Lễ tới tô điểm hang đá và trang hoàng nhà cửa. Cuối sân, cô Út đang sửa soạn bếp quay một cặp ngỗng. Mọi người hầu như quên nhà thờ, quên cha sở, quên cả nỗi cay đắng trải dài nhiều năm tháng. Họ ăn mặc chỉnh tề. Niềm hân hoan hiện rõ. Càng thắm đậm oan khiên, tủi cực họ càng tin rằng Chúa không bỏ họ như cha sở. Chúa sẽ đến với họ. Chúa đã quên họ từ bao nhiêu năm nay. Chúa phải đến đêm nay. Chỉ cần Chúa đến giây lát. Chỉ cần Chúa hiểu họ không bao giờ quên Chúa và lời dạy của Chúa.
Đêm xuống dần. Gió sông lùa lên tăng thêm cái lạnh dễ yêu. Tôi bảo Lễ chở xe gắn máy đưa tôi đến nhà thờ. Nhà thờ ở gần bến đò. Vắng như bến đò. Có một giáo đường nào im bóng hơn giáo đường này, vào đêm Chúa giáng sinh? Hai chúng tôi trở về. Những chiếc đèn ông sao thắp sáng một vùng quê hương u tối. Mọi người quỳ trước hang đá cầu nguyện và suy tôn Chúa cao cả. Mùi hoa Huệ thơm nhẹ. Hoa Huệ chỉ thơm khi gần khói hương hay gần ánh đèn cầy. Mùi thịt ngỗng quay thơm lừng. Nhưng tôi còn ngửi được một mùi thơm thần thánh toát ra từ những tâm hồn ngoan đạo của đám con chiên côi cút đang kính cẩn nguyện cầu trước Chúa của họ. Tôi tự hỏi ngoài nhà thằng Lễ, còn nơi nào đón mừng Chúa giáng sinh bằng nghi thức ở nhà thằng Lễ. Nghi thức! Không, không nghi thức đâu. Đó là sự tôn kính tuyệt đối. Đó là ý muốn của Chúa. Chúa cũng giản dị. Chúa ghét nghi thức. Chúa giáng sinh không phải vì nghi thức, cho nghi thức. Mà vì nỗi cùng khổ của loài người, cho loài người biết thương yêu nhaụ
Gần nửa đêm, tiếng cầu nguyện lớn thêm, lan tỏa. Và khi tiếng chuông buồn tẻ từ giáo đường vọng tới, mọi người mừng vui cuống quýt. Chúa đã ra đời. Chúa đã ra đời cách đây 1958 năm, ra đời ở một nơi thấp hèn hơn nhà thằng Lễ. Người ta bỗng thấy thiếu một cái gì. Ba thằng Lễ giục tôi:
- Thầy Long, thầy có biết hát thánh ca không ?
Phải thú thật là tôi xúc động ghê gớm. Tôi gật đầu. Và tôi run giọng hát
- Silent night, Holly night, all is calm, all is bright...
Tôi hát tới đó, dừng lại ngay và nói:
- Quý vị cần hát một bài mừng Chúa giáng sinh với tôi.
Và tôi dạy họ hát bài "Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời..."
Như thể được hưởng ân điển của Chúa, họ thuộc rất nhanh. Lát sau, tiếng hát vút lên :
Chúa sinh ra đời
Nằm trong hang đá nơi máng lừa
Trong hang Bê Lem
Ánh sáng tỏa lan tưng bừng
Nghe trên không trung
Tiếng hát thiên thần vang lừng
. . . . . . .
Ôi Chúa thiên tòa giáng sinh thấp hèn.
Tiếng hát lắng lại. Mọi người ngước nhìn bầu trời. Cả tôi nữa. Tôi thấy một vì sao lung linh. Và tôi còn mơ hồ thấy một vì sao rơi từ từ xuống thẳng nhà thằng Lễ. Chúa đấy. Ngài đã đoái hoài đám con chiên có cái hiện tại hẩm hiu như dĩ vãng của Ngài, ở Tân Huề năm ấy.
Mười ba năm đằng đằng, tôi không có dịp trở về thăm làng Tân Huề. Chiến tranh đã qua đấy chưa? Giáo đường đã sụp đổ chưa? Cha sở đã bỏ con chiên chưa? Đám con chiên ngoan đạo bây giờ ra sao? Dù chiến tranh đã qua Tân Huề, dù cha sở bận hạc nội mây ngàn, tôi vẫn tin Giáng Sinh năm nay nhà thằng Lễ còn hang đá, còn đèn ông sao, còn lời nguyện cầu, còn hát thánh ca. Có thể thằng Lễ đã chết trận. Không sao cả, miễn là, từ cái sân đất khô cằn của nhà nó, người ta còn dựng nổi cái hang đá. Cho niềm tin.
Duyên Anh
Giáng sinh 1971

Mùa Giáng sinh mới.......

Tháng 12 về cho mùa Noel mới
Anh ở đây và chờ đợi gì đây ?!
Chờ nơi em, chờ một chút nắng phai.....
Để sưởi ấm tình anh, mùa tuyết lạnh !

Muốn gửi cho em ngàn sao lóng lánh,
Ánh sáng huy hoàng đêm Chúa Giáng sinh.....
Kể em nghe với tất cả tâm tình.....
Trót vay mượn tình thương nơi con Chúa !!

Anh đã gặp "nửa kia" trong hẹn ước....
Duyên còn xa tặng phẩm của cuộc đời !
Nửa hai vòng trái đất quả xa xôi,
Tặng phẩm quý bao giờ anh có được ?

Và anh vẫn như Noel năm trước,
Cầu nguyện cho người, lại nhớ về em...
Ủ trong tim một chút nắng dịu êm,
Thoáng rung động nghe chuông từ xa đổ !!
NM 










                          Giáng Sinh
Giáng Sinh Em yêu dấu, Anh đã tắt máy đi ngủ rồi, song khi vừa nằm xuống, anh chợt nhớ ra đã bước qua tháng 12 rồi. Thời gian nhanh quá đi thôi. Hôm nay tan sở anh đi một vòng qua phố. Người ta đã đua nhau trang trí cửa hiệu để mừng đón Giáng Sinh. Khắp nẻo phố phường giăng đèn màu toả ánh sáng của ngàn sao. Người ta sơn những vì sao xẹt trên các khung cửa kiếng. Nến được thắp lên từ những quán xá trên lòng phố, lung linh huyền ảo trong chút sương khói của buổi chiều đông... trên cao nguyên đượm nét thần tiên phố núi. Anh chợt nghĩ đến em, nhớ thật nhiều và liên tưởng đến ngày nào đó được dắt tay em đi dạo phố vào dịp này. Chắc em sẽ ngạc nhiên lắm, khi thấy cảnh ấm cúng, huy hoàng của ngày đại lễ Tây Phương.
    Vì em luôn ở xứ nhiệt đới, nên em không thấy tuyết rơi đầy trên những rừng thông đẹp thế nào. Ở khu anh ở không xa, có một tu viện lọt thỏm giữa rừng thông. Năm nào sắp đến ngày Giáng Sinh, anh cũng ghé qua để thăm Dì Phước Rosa. Dì vừa về Nước Chúa cách đây 2 tuần ở tuổi 93. Cả cuộc đời Dì Phước Rosa luôn tận tụy với đời. Không biết bao nhiêu gia đình tị nạn Việt Nam ở đây đã được Dì chăm sóc, giúp đỡ tinh thần và vật chất. Dì dạy tiếng Đức cho bao nhiêu đứa trẻ Việt Nam nữa. Nhưng cái mà anh thích nhất ở Dì là món bánh Giáng Sinh. Dù rất bận, nhưng không bao giờ Dì Rosa quên nướng mấy ký bánh, rồi Dì gói vào trong những bao rất đẹp. Sáng ngày 24-25 khi đến thăm Dì, thể nào Dì cũng cho uống trà Cam, Bồ Đề, Hoa Cúc và ăn bánh Cookies thiệt ngon do chính tay Dì nướng. Khi về Dì còn gửi một gói lớn để gia đình dùng trong suốt mùa Giáng Sinh.
    Mỗi năm anh đến tu viện của Dì, là một lần Dì vui mừng tíu tít khoe bầy cừu của Dì năm nay ra sao? Mùa Dâu vừa rồi Dì đã làm được bao nhiêu mứt? Mấy cây Tùng trước tu viện có phải đốn bớt đi không, vì chúng quá lớn? Lũ cáo hay heo rừng năm rồi lạnh quá chạy về tá túc gần tu viện đã được Dì chăm sóc ra sao? Em ạ, những phút ở trong tu viện và ở bên Dì Rosa, anh cứ ngỡ rằng đó chỉ là chuyện thần tiên trong đời sống hoang dã của Jack London, hồi bé anh rất say mê.
    Năm nay Dì Rosa đi xa rồi. Anh thấy trống vắng mênh mông. Không còn thói quen đến bên Dì vào ngày 24, để được ăn bánh và nghe Dì kể chuyện nữa. Nhưng anh cũng mừng cho Dì, vì Dì ra đi rất nhẹ nhàng. Cách đây nửa năm, nghe tin Dì bị ngã gẫy xương đùi. Đến thăm Dì ở trong bệnh viện, thật cảm động trước sự dũng cảm của người đã cả đời phục vụ tha nhân ấy. Dì tươi cười vui vẻ, nói đùa rằng: "Tại Dì đi lâu quá không chịu về, nên Đức Cha Toàn Năng đã đánh què chân, để Dì nhanh về với ông đó mà!" Rồi Dì phì cười: "À mà con là Phật tử, chắc chẳng hiểu Đức Cha Toàn Năng mà ta vừa nói. Ông ta cũng từ bi như Phật của con vậy. Có điều ông ta "độc tài" hơn một chút. Cai quản con cái của ông kỹ càng lắm. Cái chân của ta bị gẫy cũng chẳng ngoài sự Quan Phòng của Ngài. Nhưng khi ta gặp mặt ông ta, ta sẽ yêu cầu ông ta "thay đổi hiến pháp" để cho những người đàn bà bọn ta không chỉ là cái mảnh xương sườn của đàn ông, con ạ."
    Trước khi Dì Rosa ra đi, Dì có nói rằng: "Chúa đã đánh gẫy chân ta, để ta khỏi đi rong, nhưng Ngài lại cho ta đôi cánh để ta bay về với Ngài! Một sự đổi chác với lòng bác ái vô cùng. Noël năm nay, các con phải đi mua bánh cookies rồi. Nhớ đi dạo trong rừng và đừng quên uống trà như mọi năm nhé!"
    Em ơi, mùa Giáng Sinh, mùa của tình người, của những thứ tha đang từ từ đến trước cửa. Anh nghĩ đến Dì Rosa và câu hỏi của Dì: "Sao năm nay con vẫn đến đây một mình? Bao giờ ta mới thấy con nắm trong bàn tay mình món tặng phẩm quý báu nhất của của đời, của Thiên Chúa, của duyên nghiệp... của nửa kia của con?"
    Anh thường cười khỏa lấp và hứa sang năm sẽ dắt em đến thăm Dì! Nhưng em... em còn ở đâu kìa?
    Năm nay, anh sẽ đến thăm mộ của Dì vào ngày Giáng Sinh, sẽ thắp cho Dì một ngọn nến, mang cho Dì một đoá Hồng và nhất là sẽ kể cho Dì nghe về em. Anh sẽ nói với Dì rằng: "Dì ơi, năm nay con vẫn chưa nắm trong tay món tặng phẩm trân quý nhất của cuộc đời, nhưng con đã tìm thấy nửa phần kia của mình. Nàng không ở bên con, song con biết giờ này, ở nửa bên kia quả địa cầu, nàng cũng đang mấp máy đôi môi cầu nguyện, chúc lụy cho đời sống Vĩnh Hằng của Dì bên Thiên Chúa."
    Anh viết cho em những dòng không thẳng hàng ngay lối, song tự trong tim anh, chút ấm cúng đang dâng lên trong tiếng chuông của nhà thờ xa xa đổ lại.
    Tôn Giáo, tâm linh thật tuyệt vời!
    Yêu em và cảm ơn em... cho một thoáng ấm lòng... trong mùa Sao Sáng.

Quảng Diệu Trần Bảo Toàn