Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

Nhạc - Thơ - Văn Cánh diều tuổi thơ

Kết quả hình ảnh cho cánh diều tuổi thơ

Những Ngày Thơ Mộng

Cánh diều mộng mơ ....
Bay cao lên hỡi cánh diều,
Xin mang theo với những điều ước mơ !
Bầu trời trong vắt tuổi thơ,
Đón bao mộng đẹp ngây thơ đầu đời.....
Hãy cao, cao nữa diều ơi,
Đem bao ước vọng về nơi trông chờ !
Diều mang tất cả mộng mơ,
Diều nâng ước mộng, diều cho thanh bình .....
Bay xa trong buổi bình minh,
Thảnh thơi trong tiếng sáo hoàng hôn xưa.
Diều bay cao ngất rặng dừa,
Diều bay xa luỹ tre thưa đầu làng.....
Mang bao mơ mộng hân hoan,
Chấp thêm đôi cánh tôi mang vào đời !!

NM

Nhớ cánh diều tuổi thơ 

Mỗi khi nhắc đến thời thơ ấu, người ta không thể không nhắc đến những cánh diều bay bay trong giai điệu ngân vang, réo rắt của sáo trúc. Những cánh diều tuy chỉ được làm bằng bột hồ và giấy vở học sinh, nhưng khi no gió nó cũng có thể bay lên cao, mang theo tiếng cười trong veo và cả ước mơ thánh thiện tuổi học trò… 

Từ bao đời nay, thả diều đã trở thành trò chơi truyền thống được nhiều người yêu thích. Đặc biệt, thú chơi diều đã in dấu ấn trong ký ức tuổi thơ của hầu hết những người được sinh ra, lớn lên ở các vùng quê. Không gì thú vị bằng vào mỗi buổi chiều, gối đầu lên đống rơm dưới tán cây, ngước nhìn bầu trời xanh trong, cánh diều lượn bay trên đồng chiều lộng gió. Mùi rơm rạ sau vụ gặt, mùi khói đồng, mùi cỏ cây đồng nội hòa quyện thành một mùi thơm nồng rất đặc trưng của quê hương.

Tuổi thơ chạy theo những cánh diều
Cánh diều đã gắn bó với tuổi thơ. Đó có thể là những cậu học trò nhỏ có đôi mắt xoe tròn vừa tan ca học trường làng. Đó cũng có thể là đám bạn lau nhau cùng đi chăn bò, chăn trâu… hồn nhiên tinh nghịch. Tuổi thơ ai hẳn cũng đã một lần rong chơi trên triền đê, hồ hởi chạy theo những cánh diều no gió chở ước mơ lang thang. Qua bao cánh đồng, bao luỹ tre làng thân thuộc, trò chơi tuổi thơ ấy đã thành nét văn hoá đẹp nhất trong ký ức hồn nhiên.
Ngày đó không có những con diều vải xinh xắn đủ màu bày bán giống như bây giờ. Những con diều chủ yếu tự làm lấy bằng giấy báo, bằng giấy tập học trò; khung sườn thì làm bằng tre còn màu thì tự tô lấy. Thế nhưng chiều nào bọn trẻ con chúng tôi cũng thích thú kéo nhau đi thả trên đê, hoặc chạy khắp ruộng đồng khô cứng sau mùa thu hoạch lúa, lòng mừng rơn khi cánh diều từ từ cất lên theo ngọn gió. Tất cả cùng chạy và cười vang trong nắng, trong gió và trong những niềm vui khó tả bằng lời… Khi đó, cả lũ trẻ như những ông hoàng giàu có, mang theo những ước mơ rực rỡ sắc màu.
Cánh diều nâng đỡ ước mơ tuổi thơ
Khi thả diều, cánh diều nối với gió bằng sợi dây, còn ta nối với bầu trời bằng những ước mơ không bao giờ thôi bay bổng… Ước mơ nào cũng đẹp, cũng trong trẻo vì cho dù là cánh diều đắt tiền được thiết kế cầu kỳ rồng phượng chim bướm của trẻ nhà giàu hay chỉ là một vật thể hình thoi mang màu giấy nhật trình có đính kèm hai cái đuôi lả lướt và hai cọng râu phất phơ hai góc của bọn trẻ con nhà nghèo, thì chúng cũng đều bay lượn tự do như nhau, cũng được nối bằng sợi dây mong manh như nhau. Nhưng, một khi nó đã được thả lên trời, thì nó đã chuyên chở những ước mơ bay bổng… Nắm chặt sợi dây ấy, ngước nhìn theo cánh diều ấy, chủ nhân bé bỏng mang những đôi mắt rạng ngời ước mơ.
Cũng không rõ từ khi nào, lũ trẻ con truyền tai nhau rằng cánh diều gửi ước mơ lên tới… ông Trời. Do vậy ngày đó chúng tôi thường viết những điều ước của mình vào giấy, đem buộc vào con diều rồi thả lên bầu trời cao sau đó… cắt dây cho gió cuốn đi, rồi mong rằng trời xanh sẽ đón nhận lấy tất cả và biến những điều ước đó thành sự thật…
Tuổi thơ đi qua thật nhanh, giờ đây chỉ còn là kỷ niệm, và nó đang bị mờ nhạt dần bởi cuộc sống đời thường. Cho dù sau này lớn lên chúng tôi nhận ra điều đó chỉ là trò đùa trẻ con nhưng đó vẫn là kỷ niệm thật đẹp của mỗi tâm hồn trẻ thơ. Sau này mỗi người mỗi ngả, bon chen giữa dòng đời xuôi ngược, nhưng mỗi khi ngắm những cánh diều liệng bay trên bầu trời, một niềm thương nhớ quê hương lại dâng trào da diết, những kỷ niệm tưởng chừng đã ngủ quên từ lâu nay lại hiện về nguyên vẹn như mới ngày hôm qua
 Nha Nha
 

Thế rồi một mùa hè Hoàng Oanh

Bay lên lần nữa cánh diều tuổi thơ ơi!

Trên chuyến xe về thăm Quê, Tôi luôn rạo rực và bồi hồi những cảm xúc yêu thương của người con sống xa nhà. Tình cờ qua ô cửa kính, một cái gì đó rất quen thuộc đang bay trên bầu trời cao, cố gắng lắm mới nhìn thấy rõ. Ồ! chính là nó, một cánh diều tuổi thơ ư? Đúng là nó rồi, cánh diều của bao  kỷ niệm đầy vui tươi và hồn nhiên của trẻ thơ với nụ cười trong trẻo. Tôi nhắm mắt lại để hít thật sâu những hương vị Quê hương - Vùng đất đầy nắng và gió từ Biển mặn yêu dấu!
Sau hơn hai tiếng, Tôi mới về đến ngôi nhà thân yêu. Chợt hương vị bữa cơm trưa thân thương bay ra từ trong nhà ra khiến Tôi bùi ngùi. Tôi chạy thật nhanh, chào dạ thưa, đón nhận những cái ôm đầy ngọt ngào, những nụ cười  đầy ấm áp yêu thương của Ba của Mẹ, của Nội và mấy đứa em…Ôi! Thật hạnh phúc làm sao.
Quê Tôi ở vùng Biển mà bên kia là đầm phá Tam Giang sông nước mênh mông, nơi thiên nhiên mang đến cho con người bao nhiêu tài sản quý giá. Dù đã 21 tuổi rồi nhưng ký ức tuổi thơ không bao giờ phai trong Tim mình. Thời thơ ấu của tôi gắn liền với những mầu sắc hoài niệm, vô vàng hình ảnh, kỷ niệm êm đềm mà cũng đầy táo bạo từ lúc cởi truồng tắm mưa đến năm cấp III đầy thơ mộng. Chính hình ảnh cánh diều kỳ diệu kia khiến Tôi như được sống lại và quay về với thế giới tuổi thơ! Biết bao ước mơ từ những lời ru à ơi của Mẹ, nhớ  mùi mặn của biển với  những đoàn thuyền đánh cá vượt biển khơi, những tiếng cười đùa vang đâu đây của đám học trò, những buổi chăn trâu trên cánh đồng làng xanh mát, vang lên khúc hát tuyệt vời của chú chim Sơn Ca, thả hồn theo những cánh diều giấy vi vu bay lên bầu trời cao, những trò chơi dân gian như bắn bi, bóng làng, nhảy giây,,, của những đứa trẻ  trong xóm…. Từ chị Gió thổi vi vu, từ Ông mặt trời cười tươi mới, và từ chốn làng quê yêu thuở nào. Nơi in dấu của một đời người. Thật hạnh phúc!
Kỷ niệm mà Tôi nhớ nhất là Xíu - một tiểu thư con nhà giàu bên xóm được bố mẹ rất cưng chiều, cô nàng luôn đeo cái nơ to trên đầu nên có biệt danh là nàng Bạch Tuyết bướng bỉnh, … nhưng khi chơi, đi học cùng Tôi thì cô bé ấy lại ngoan lạ thường. Ngày đó, đám bạn thân gọi chúng Tôi là “Đôi bạn Nhí” tuyệt vời. 
Nhớ lúc 9- 10 tuổi, cứ mỗi sớm mai, Tôi cùng Mẹ ra biển để đón chợ cá tươi, đi ngang nhà “ Xíu” để gọi cô bé theo cùng. Xíu rất thích ngắm biển vào bình minh và Tôi cũng vậy. Buổi sáng trên biển thật là tuyệt, ông mặt trời đỏ rực lốm đốm như hòn than cứ nhô dần, nhô dần  chiếu những tia lửa ấm xuống làn nước biển êm đềm cùng làn gió trong lành mát rượi trong xanh. Những chiếc thuyền cập bến đầy áp khoang cá tươi, những chú mực ống còn nhấp nháy, những con ghẹ béo bẩy… cùng bao nhiêu tiếng xôn xao của cuộc mua bán thường ngày… Như thường lệ Tôi và Xíu đi dạo trên bờ cát mịn, hai đôi chân bé tí khoan khoái chạy đùa nghịch với làn sóng vỗ nhẹ cùng tiếng hát trẻ thơ ngân xa. Chúng Tôi nhặt những con ốc, vỏ trai  và những quà tặng của Biển do sóng mang vào để làm bộ sưu tập “Ngôi nhà tương lai”.
Là một đôi hoàn hảo trong những cuộc chơi đầy hứng thú trong đám trẻ, lên lớp bị đám bạn gán cho là “cặp trời sinh”, nhớ cái đêm 5 thằng con trai và 2 cô bé chạy ra nghĩa trang để thử thách ai gan dạ hơn,người thắng sẽ được mời chè vào ngày mai. Đến nơi, bỗng nhiên những tiếng kêu đáng sợ “ òa oa..oa”  xung quang vang lên rùng rợn làm cả bọn tái xanh cả mặt, vứt dép bỏ chạy tán loạn chỉ còn Tôi -  tư cách làm anh hùng bảo vệ Xíu, hai đứa  đứng co rúm chờ 2 tiếng nữa mới được về nhà. Tôi tưởng tượng cái cảnh  Công chúa và Hoàng tử được mời ăn chè sáng mai…thật thích chí.
Nhớ cảnh đường đi của làng chưa được đắp bê tông hóa, mỗi lần đi học về, chúng Tôi lại tranh nhau hái những bông “đòng đòng” của cây lúa mới trổ để thưởng thức, rồi cùng chạy, đuổi theo những con bướm cải trắng xinh xinh, tung tăng… Chiều về, mỗi đứa  mỗi cái bịch lớn để đi bắt ốc bươu, thật là đã, sảng khoái khi ngâm mình trong cái ao, bắt những con cua nhỏ chơi thích thú. Vì đi theo Tôi mà Xíu bị một trận đòn của Mẹ, thấy thương cô bé quá. Tôi nghĩ đến cái cảnh cô bé sẽ chạy qua nhàTôi để đòi dẫn đi ăn ốc hút đây.
“ Này, hôm qua bị đánh có đau không?”- Tôi vội vã hỏi,
Cô bé giọng đầy tự tin
“Hix, hix… Xíu không sợ đau đâu, sợ Mẹ không cho đi chơi xa nữa thôi. Bắt đền đấy… lo mà dẫn tớ đi ăn ốc hút nha, không thì chết với Tớ…”
“Ok- lần sau đi chơi nhớ xin trước nha cô bé…” 
Rồi cô bé cười thỏa nhiên với đôi mắt lóng lánh khi cùng Tôi đi ra quán ốc của bà Hai bên đường.
Tôi thích nhất là mùa hè đây hoa phượng đỏ, cùng những cái vợt thật to để bắt những chú ve  kêu râm rang bỏ vào chiếc hộp xinh xắn. Buổi học cuối cùng chia tay trường tiểu học để lên cấp hai, tặng cô giáo những đóa hoa điểm mười tươi thắm, tràn đầy xúc động khi thằng Tùng Béo cất lên lời ca bất hủ của tuổi học trò “Mong ước kỷ niệm xưa”…cả lớp vỡ òa thanh thảnh từng tiếng “ hứt, hứt..” của đám con gái. Khi tan học, cả lớp hò reo như vũ hội…Tôi thăng hoa trong sung sướng, bắt đầu nghĩ đến những cánh diều bay cao trên trời.
Lúc còn bé, Tôi hay lấy những cái kẹo dừa để đổi lấy chiếc diều để thả, bây giờ lớn  rồi nên tự do sáng tạo đầy mầu sắc, ý muốn. Trên cồn cát biển cao, buổi chiều về trên biển thật đẹp biết bao, nhìn những con sứa lớn trôi dạt vào bờ, thế là trò chơi ném Sứa bắt đầu…đứa khóc vì trúng đạn , đứa cười to…thật sung sướng làm sao.
Tôi nhớ rất rõ con diều giấy to ơi là to mà Tôi và cái  Xíu chung tay làm, trên đó có vẽ những ước mơ của tuổi học trò hồn nhiên, ghi những câu ước nguyện cho gia đình… với hy vọng khi diều bay sẽ gửi gắm cho cả thế giới biết. Cánh diều cứ chập chờn theo những làn gió thổi, bay cao, cao dần như tâm hồn đầy bay bổng, vô tư và hồn nhiên. Tôi yêu quá những lần đi tắm biển, cả bọn nô đùa chuyền bóng lăn tăn trên mặt nước. Tôi hạnh phúc khi được dẫn cả đàn Trâu ra cánh đồng ăn cỏ, cùng trèo lên hàng cây phi lao để tìm tổ chim chào mao, bắt những con chim non về nhà nuôi.
Còn nhớ cái ngày mà Tôi -  một đứa gọi là mạnh mẽ không bao giờ biết khóc lại đầm đìa rơi lệ khi biết tin gia đình Xíu phải chuyển vào Nam ở. Đúng là ngày mà Tôi thấy buồn nhất… Xíu cứ khóc nức nở suốt ngày.
Sáng mai, như thường lệ, Tôi dậy thật sớm để tưới mấy cái cây Ba trồng rồi chạy nhanh qua nhà Xíu để ra biển. Hai đứa ngồi ngắm mặt trời mọc thật lâu, cùng sẽ chia những năm tháng vui buồn, hôm nay Xíu đi xa nên Tôi đã làm sẵn chiếc vòng ốc được làm rất kỹ lưỡng. Tôi thấy thật vui khi Xíu đeo nó với nụ cười rạng ngời cùng ánh mắt long lanh!
Những kỷ niệm đó như mới xảy ra hôm nao, Bây giờ mỗi đứa một con đường đi riêng, một ước mơ với niềm đam mê trong tim. Dù đi xa nhưng tình bạn tuổi hồng vẫn còn mãi trong trái tim mỗi người! 
Dẫu biết rằng cuộc sống hiện tại còn bao nhiêu điều phải học hỏi, thử thách đang chờ ở phía trước, những ước mơ đang chờ Ta chinh phục… Nhưng với con tim nhiệt huyết của tuổi trẻ, con tim khát khao cống hiến cho đời trong niềm tin vô hạn vào bản thân thì tất cả ước mơ kia sẽ sớm thành hiện thực!  Các bạn cũng hãy dán những ước mơ vào cánh diều “tin yêu” để nó bay cao nhé!
Và chiều nay, Tôi làm một chiếc Diều giấy để thả lên bầu trời cao một lần nữa… cùng những lời ước được ghi lên… văng vẳng trong tim Tôi 4 chữ “ Hạnh Phúc –Thành Công”.  Và xa xa… có hai đứa trẻ đang dắt tay nhau chạy tung tăng trên bờ cát biển….Tôi mỉm cười và nhớ…
 Xin cảm ơn một thời trẻ thơ trong sáng!
Xin cám ơn cuộc đời


Cánh diều tuổi thơ tôi
Hoa có thể nở lại hai lần nhưng tuổi thơ không thể hai lần thắm lại. Ai trong chúng ta cũng trải qua tuổi ấu thơ đẹp đẽ và đầy sắc hồng. Tuổi thơ cứ như bảy sắc cầu vồng, đủ các gam màu sắc. Nó lung linh và huyền ảo.
Theo năm tháng, chúng ta ngày một khôn lớn, bước ra khỏi thế giới tuổi thơ tươi đẹp và sáng trong, để hướng tới những chân trời mới với những ước mơ và hoài bão mang tính thực tiễn hơn, có chiều sâu hơn.
Cuộc sống như một vòng tròn cứ quay mãi, khiến chúng ta không thể dừng lại. Chỉ tới khi chân đã mỏi, mắt đã mờ chúng ta mới cho phép mình tạm dừng, và lúc này mọi ký ức xa xưa ùa về. Một chút hoài niệm, một chút tiếc nuối và rất nhiều cái “giá như”.
Cánh diều tuổi thơ tôi là những tháng ngày được cùng lũ bạn nhỏ trong xóm quây quần bên những thanh tre, đống giấy vụn để làm cánh diều hay những trò nghịch ngợm rất trẻ con, những phiên chợ bán hàng mà ở đó là mít là “đồng tiền” được quy đổi. Hay những buổi tập trận, những buổi chơi trò Ô quan bất phân thắng bại và còn nhiều trò chơi độc đáo hơn thế nữa.
Sau những giờ nghịch ngợm, vui đùa, đám trẻ nhỏ lại cùng nhau nằm xõng xoài trên thảm cỏ ven đường mà ước mơ, mà mơ mộng về một tương lai tốt đẹp. Có người ước mơ trở thành bác sĩ, có người thì lại ước mơ thành giáo viên chuyên toán, đứa thì lại ước mơ làm ca sĩ, người thì muốn trở thành phi công bay trên bầu trời. Giấc mơ vẫn mãi chỉ là giấc mơ, khi ta lớn và đủ khả năng để hiểu làm thế nào để “biến ước mơ thành hiện thực”.
Ước mơ là một phần không thể tách rời trong cuộc sống, trong công việc và cả trong những thành công mà ta đang có. Phải mất bao nhiêu nắng để làm cạn khô một dòng sông, cần bao nhiêu mưa để thấm ướt một sa mạc, và cần bao nhiêu cánh diều để chở hết những ước mơ tuổi thơ tôi.
Tôi đang say trong những ước mơ của chính mình hay tôi đang ngủ quên trên những ước mơ hoài bão của một thời nông nổi. Khi đã trải qua một vài biến cố trong cuộc đời, tôi như bị rơi xuống vực sâu, xung quanh chỉ một màu đen tối và những vật thể không rõ hình thù. Tôi tuyệt vọng và buông xuôi. Trong lúc khó khăn nhất thì cũng là lúc sức mạnh tồn tại của con người lại mạnh mẽ nhất, tôi lại hi vọng, lại chờ đợi sẽ có ai đó tìm và kéo mình ra khỏi hố sâu ấy.
Kết quả hình ảnh cho cánh diều tuổi thơ
Có những ước mơ phải mất cả đời người hoặc chí ít cũng mất rất nhiều thời gian 10 năm, 20 năm v.v…, để biến nó thành hiện thực hoặc cũng có những ước mơ sẽ mãi chỉ là ước mơ và khi đó nó trở thành sức mạnh để cố gắng.
Ngày hôm nay, khi đã bước qua cái tuổi không còn một thời nông nổi và khờ dại, bồng bột và háo thắng, ưa thích sự nuông chiều hay yêu cầu luôn được nhường nhịn… tôi vẫn chưa thôi ước mơ. Nhưng giờ đây ước mơ tuổi thơ tôi chín chắn và sâu sắc hơn. Biết nghĩ cho những người mình yêu thương hơn, vị tha và hòa nhã hơn.
Tôi yêu những câu chuyện ngụ ngôn, những trang sách có mùi thơm đặc biệt, yêu những làn điệu dân ca thắm đượm nghĩa tình. Tôi yêu những con người nghèo khó, yêu em nhỏ với dáng điệu “trần truồng”, nước mũi chảy dài nhưng có cặp mắt trong veo, không chút sợ hãi khi gặp người lạ. Tôi yêu những bờ kênh trước nhà, thửa ruộng vườn rau, tôi yêu những cánh cò trắng bay từng đàn uốn lượn trên bầu trời trong xanh khi chiều về.
Tôi yêu những bài ca mẹ kể, những bữa cơm quây quần cùng gia đình. Tôi yêu con đường mòn từ nhà đến trường, hai bên đường thơm lừng mùi lúa chín. Tôi nhớ nhung những đứa bạn nhỏ cùng tôi một thời chơi trò tập trận. Giờ đây tất cả chúng tôi đã lớn khôn, mỗi người đã tìm được cho mình một hướng đi mới, tương lai mới nhưng ký ức tuổi thơ tôi vẫn còn nguyên vẹn, khi ai đó vô tình hay cố ý nhắc tới chúng tôi trong câu chuyện của họ.
Những gì tôi yêu những gì tôi mơ của ngày hôm qua, đã cho tôi sức mạnh để vượt lên tất cả mọi khó khăn mà cuộc đời này “ban tặng”. Chống chọi với chông gai cuộc đời, có lúc tôi đã bị thương, đau đớn và thất vọng nhưng cho dù vết thương có lớn bao nhiêu đi chăng nữa, theo thời gian rồi nó cũng sẽ lành. Chỉ cần lòng người gói ghém thật kỹ và chôn vùi nó. Tôi không sống với quá khứ, không tìm về quá khứ trừ khi để rút ra những bài học kinh nghiệm cho bản thân.
Có đôi lúc ngồi một mình cùng cái “còm piu tờ”, với hàng tá suy nghĩ hiển hiện trong đầu, tôi đã làm phép so sánh mình với các bạn cùng trang lứa. Bỗng dưng nhận ra mình thật kém cỏi và vụng về, dẫu biết rằng sự so sánh nào cũng trở lên khập khiễng, vô tình tôi đã tự làm “mòn” giá trị của bản thân trong việc so sánh mình với người khác. Dù vẫn biết, mỗi người trong chúng ta vốn dĩ đều là những người đặc biệt mà tạo hóa ban tặng cho cuộc đời. Có thể nói đó là sự “tự kỷ” khủng khiếp của chính tôi.
Âm nhạc là một phần không thể thiếu trong giấc mơ tôi, tôi thích nhạc, yêu những bản ballet nhẹ nhàng, với những ngôn từ xoáy sâu vào lòng người, và hẳn là nó đã chạm được tới trái tim người yêu nhạc. Khi bắt đầu được học những nốt nhạc đầu tiên, tôi đã ao ước một ngày nào đó, mình sẽ được biểu diễn trong một khán phòng lớn, cùng hàng trăm người yêu nhạc, với tiếng đàn piano trầm bổng, da diết. Tôi đã từng mơ như thế đó.
Theo thời gian, mọi thứ dần tan biến. Ước mơ mãi bị chôn sâu nhưng tôi chưa bao giờ hết đam mê. Cả cuộc đời này, tôi không thể biến ước mơ âm nhạc thành sự thật thì tôi cũng phải cảm ơn cuộc đời đã cho tôi đủ giác quan để cảm nhận từng âm thanh trong âm nhạc, từng hơi thở của cuộc sống.
Giờ đây cánh diều tuổi thơ của tôi đã không còn mà thay vào đó là những con thuyền chở đầy hoài bão và ước muốn. Ký ức của tôi hay của bạn đều đẹp cho dù nó có nhiều gian nan khổ ải. Nếu như ta sống với một tuổi thơ bình yên không dữ dội thì đó là may mắn và hạnh phúc, còn nếu như tuổi thơ cơ cực vất vả thì đó lại là động lực để chúng ta cố gắng và phấn đấu. Ít ai trưởng thành trong nhung lụa.
Huệ Văn
Vu vơ cánh diều
Tôi với thằng em say mê nhìn lên trời, chỉ trỏ nhau xem con dìêu này đẹp hơn, con diều kia bay cao hơn. Đây đó rải rác mấy cánh dìêu vướng trên cành cây, dây điện, trông xơ xác và tội nghiệp hết sức. Hồi đó nhà cao tầng còn ít, trẻ con chắc cũng chưa loanh quanh luẩn quẩn trong cái vòng học thêm, nên thấy dìêu chưa hiếm hoi như bây giờ. Ngoài mùa phượng, mùa bánh trung thu, mùa cây Noel, mùa bao lì xì, tôi còn một mùa nhỏ bé của riêng tôi. Mùa dìêu.
Tôi thả lên cánh diều nilon xanh biếc. Trẻ con thành phố không có vật liệu như trẻ con nhà quê, tìm đâu tre trúc ngoài việc đi mua? Cái thú của diều trứơc khi thả lên trời là làm nó, là đi tìm tre trúc để chặt, vót, lấy giấy, quậy hồ…
Người đầu tiên dạy tôi làm dìêu là anh Na con dì Ba tôi. Cả đám con nít ngồi hí hửng cắt giấy, quậy hồ, vót nan tre. Vót nan tre coi vậy chứ không đơn giản đâu nghe. Nan phải mảnh vừa phải, không quá dày để còn uốn cong được, không quá mỏng manh để cái khung dìêu còn đủ vững chãi. Rồi thì lấy giấy vở cũ còn lem mực tím, hay giấy báo trắng đen, sang hơn nữa là lấy giấy báo màu, cắt dán làm thân và đuôi dìêu. Xong hì hục kiếm một ống bơ hay lon sữa bò, cuộn chỉ, rồi hí hửng mang đi thả. Đường Phú Thọ chạy ngang nhà dì tôi khá vắng, thi thoảng mới có xe chạy qua, nên trưa trưa mấy anh em cứ lăm le chạy ra vỉa hè thả dìêu. Mỗi lần bị người lớn bắt gặp la một trận vì sợ xe cộ nguy hiểm thì dạt vào hẻm.Con hẻm gần nhà khá dài và rộng, ít xe nên tha hồ chạy lăng quăng trong đó. Hồi đó tôi rất ghen tị với bọn trẻ con ở quê, vì bầu trời trong xanh ngút mắt, rộng rãi thoáng mát, không chằng chịt dây điện, tha hồ mà thả dìêu. Tôi cũng ghen tị với mấy đứa con nít “nhà giàu”, tại nhà tụi nó có cái sân thượng cao thiệt là cao, cao hơn mấy đường dây điện, nên tụi nó cũng thả dìêu thoải mái chứ không như tụi tôi, vừa thả vừa nơm nớp lo diều bị vướng dây điện.
Và dù là con diều nilon hay con dìêu giấy, dù trẻ con thành thị hay ở nhà quê, khi cầm ống lon hay cuộn chỉ ngước lên, khoảng cách mơ ứơc hoàn toàn giống nhau, đựơc tính bằng khoảng cách từ sợi chỉ căng lên đến cánh diều chao lượn.
Tôi cũng không nhớ từ bao giờ không còn thấy cánh diều thấp thoáng mỗi chìêu nữa. Mỗi năm lại ít dìêu đi một chút, và tôi cũng lớn dần theo từng năm, quên bẵng đi cái háo hứng đợi chờ với những cánh dìêu thuở nhỏ. Chỉ thi thoảng bắt gặp một cánh dìêu lẻ loi cô độc nào đó trên nền trời mới giật mình thấy mình đánh mất đi nhìêu thứ quá…
Một tuổi thơ không có cánh diều suy cho cùng cũng chẳng chết ai, nhưng đã nói diều đâu chỉ là trò chơi giải trí, còn nhìêu đìêu ẩn chứa trong đó. Với tuổi thơ, cái ban đầu của dìêu là mơ ước, những mơ ươc hướng lên bầu trời với gió phóng khoáng, thứ gió khác cái gió luẩn quẩn, nhỏ mọn, chật hẹp. Bài học đầu tiên của diều là gió và mơ ước.
Sở dĩ dìêu bay lên trời cao, vì nó có bản lĩnh chống chọi với gió. Nếu bay xiêu vẹo theo gió, thì không bao giờ bay cao được. Nhìn cánh dìêu bay, tôi thấy mình mạnh mẽ. Tôi thích cảm giác gió thổi phần phật, rối bù tóc, ngước mắt nhìn lên thấy cánh dìêu chao nghiêng, căng tràn, lộng gió. Dìêu bây giờ chỉ còn tập trung ở một số bãi thả dìêu trong thành phố. Đôi lúc trên đường về cứ ngẩng nhìn trời kiếm cánh dìêu, tiếc một cái gì đó không rõ. Bây giờ dìêu đủ hình đủ dạng, màu mè rực rỡ, múôn mua là có, ai lại mất công ngồi hì hục làm cánh diều bằng giấy báo, giấy tập cũ. Trẻ con bây giờ chắc cũng không hào hứng với trò thả diều như tụi tôi hồi đó . Ừ thì, mùa dìêu đã đi xa lắm rồi… 
Trích từ NT's Blog

Như Cánh Diều bay

Tôi là em bé đang chạy trên cánh đồng tâm linh tìm cách nâng cánh diều tâm ý bay lên, thong dong, tự tại trên bầu trời. Nương vào hơi thở chánh niệm mà tâm ý ta được thăng hoa, được tự do. Đã nhiều lần tôi ngờ nghệch như em bé kia đã để sợi dây chánh niệm quá dài, sự chú tâm vào hơi thở quá lỏng lẻo nên chánh niệm không đủ để nâng con diều lên. Rồi Thầy, sư anh, sư chị, sư em chỉ cho tôi cách thâu ngắn sợi dây, tức là tập trung nhiều hơn vào sự vào ra của hơi thở...
Trên cánh đồng xanh ngát, hai đứa bé đang chơi thả diều trong nắng chiều dịu mát. Cậu bé lớn cầm con diều chạy một lát thì cánh diều được nâng lên trong gió. Hai cánh tay em thoăn thoắt nới lỏng sợi dây để con diều được bay cao, bay xa hơn. Đứa bé hơn vỗ tay hoan hô anh mình và cũng cầm diều lên chạy nhưng con diều cứ loạng choạng rồi hạ cánh. Nó tiếp tục chạy, con diều vẫn không được nâng lên trong gió. Nó hơi thất vọng, cậu bé lớn mới nói cho em mình biết:
-        Em để dây dài quá thì con diều không thể căng lên được. Cầm ngắn lại.
Cậu em nghe thế thì cầm dây sát lại gần hơn. Con diều được nâng lên dễ hơn, căng hơn, nhưng khi đứng lại nó vẫn loạng choạng rồi hạ cánh. Anh nó nói to lên:
-        Khi thấy nó căng căng thì buông sợi dây từ từ để con diều bay lên. Làm lại lần nữa đi em.
Lần thứ ba, con diều bắt đầu bay lên nhưng một chút nó cũng đáp xuống đất một cách an toàn. Cậu bé lớn cười nói:
-        Ngốc ơi là ngốc! Khi thả dây phải từ từ, thỉnh thoảng thấy nó nghiêng ngã, loạng choạng thì phải cầm dây giựt giựt cho nó lấy lại thăng bằng, khi nó vững rồi mới thả tiếp.
Cậu em thả con diều ra, hờn lẫy:
-        Em không làm nữa đâu, làm hoài mà chẳng được, chán lắm.
Anh an ủi:
-        Cố lên em, phải kiên nhẫn một chút, khi làm được rồi thì lần sau em sẽ nâng diều rất dễ. Còn nếu em không làm được thì mãi mãi về sau em không biết cách chơi diều đâu. Con diều mà căng trong gió, bay cao bay xa, mình chỉ cần nằm dài trên bãi cỏ ngắm nó rất thích. Thử lại nữa đi em. Anh biết em sẽ làm được mà. Em thấy con diều đã bay cao hơn một chút rồi không? Chơi lâu ngày thì sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn. Em làm được mà.
Cậu bé nghe anh mình động viên, nó vui vẻ trở lại, cầm con diều lên chạy, rồi từ từ thả lỏng sợi dây, con diều được nâng lên dễ dàng hơn. Giờ nó có kinh nghiêm giữ cho con diều bay lên cao, thăng bằng hơn. Thỉnh thoảng đôi tay nhỏ của nó giựt giựt sợi dây điều khiển con diều. Nó cười reo lên sung sướng:
-        Em làm được rồi anh ơi!
Cậu anh đưa ngón tay cái lên hàm ý “em là number one”
Cả hai đứa bé hạnh phúc ngồi ngắm những cánh diều no gió. Thỉnh thoảng chúng mới cầm dây điều khiển cho con diều thăng bằng. Rồi nằm dài trên cỏ ngắm nhìn.
Tôi là em bé đang chạy trên cánh đồng tâm linh tìm cách nâng cánh diều tâm ý bay lên, thong dong, tự tại trên bầu trời. Nương vào hơi thở chánh niệm mà tâm ý ta được thăng hoa, được tự do. Đã nhiều lần tôi ngờ nghệch như em bé kia đã để sợi dây chánh niệm quá dài, sự chú tâm vào hơi thở quá lỏng lẻo nên chánh niệm không đủ để nâng con diều lên. Rồi Thầy, sư anh, sư chị, sư em chỉ cho tôi cách thâu ngắn sợi dây, tức là tập trung nhiều hơn vào sự vào ra của hơi thở. Con diều đã bắt đầu cất cánh nhưng vẫn còn loạng choạng, nghiêng ngã rồi rơi xuống.
Em bé đó đã không bỏ cuộc, em làm lại đến khi con diều căng lên rồi thả từ từ sợi dây ra, Tôi cũng tập chơi con diều tâm ý của mình khi thực tập quán niệm hơi thở như vậy. Khi quá tập trung vào hơi thở một thời gian chúng ta thấy mình căng lên, gồng lên. Lúc này ta tập buông lơi sự chú tâm vào hơi thở một chút bằng cách đặt tâm ý vào toàn thân. Từ đối tượng nhỏ là hơi thở giờ đây ta mở rộng đối tượng tâm ý ra toàn thân và buông thư. Một lần nữa tôi đã buông sợi dây hơi thở ra quá nhanh làm cho cánh diều tâm ý tôi loạng choạng rồi rơi vào giấc ngủ ngon lành. Tôi hôn trầm. Nhiều khi loay hoay với nó để nâng tâm ý bay lên nhưng không thành công, tôi đâm ra chán nản, thất vọng, hờn lẫy: “Em không làm nữa đâu, tu gì mà khó quá lúc thì căng lên như bong bong lúc thì gật gù như gà mổ thóc. Thôi căn cơ em thấp kém chắc không tu thiền được đâu.” Rồi sư anh, sư chị dỗ dành tôi: “ Sư em ơi! Sư em có biết là để tập thở thôi mà sư anh đã mất gần sáu năm trời không?”

“ Trời! Sáu năm?” Tôi đưa sáu ngón tay lên đếm nhìn vào sáu ngón tay tôi nhoẻn miệng cười. Tôi lấy ngón trỏ chận từng ngón xuống và chỉ chừa lại ba ngón thôi. Tôi quyết định tập lại, lần này để ý đến cơ thể hơn, nếu căng thì buông thư, tôi không rời xa hơi thở nhưng vẫn thấy được toàn thân, Như cánh diều bay trên bầu trời như có bao giờ xa rời sợi dây đâu. Thấy tâm chạy lung tung, suy nghĩ vẫn vơ, tôi cầm sợi dây hơi thở thở vài hơi thật sâu để đưa tâm về lại với thân. Khi buông thư thấy buồn ngủ tôi cũng chú tâm vào hơi thở để tạo sự tỉnh táo trở lại. Trò chơi thả diều tâm ý trên bầu trời thật thú vị. Giờ đây khi đã biết cách nâng cánh diều lên, buông thư, làm chủ được hơi thở thì ta có thể nằm dài trên đồng cỏ xanh mà ngắm nhìn, tận hưởng cánh diều đang bay lượn tự do trên bầu trời tâm thức. 
ST
Kết quả hình ảnh cho cánh diều tuổi thơ

Tuổi Thơ - Nơi Cánh Diều Đã Đứt Cùng Hoa Vô Thường!

Ngày...tháng...năm..
...Một ngày ngắn ngủi trong số những tháng ngày xuôi ngược, hôm nay tôi dừng chân lại giữa chốn thị thành này, để tìm cho mình chút kí ức gì đó xa xăm, dạo quanh một vòng và ngồi lại trên chiếc ghế đá nhỏ một mình trong công viên, ngồi lặng nhìn mọi vật xung quanh chuyển động, dòng người - dòng đời hối hả tấp nập, lòng chợt như nhẹ nhàng đi ở một góc giữa đời ! Lại nghĩ ngợi những chuyện vẫn vơ gì đó, chợt lại nhớ quê nhà, nhớ gia đình, bạn bè,... phải chăng đó là một phần tuổi thơ mà tôi đã nhiều lần giữ kín vào quên lãng 
Tuổi thơ ai cũng một lần trải qua trong đời người với những kỉ niệm v buồn khác nhau mà khi nhắc đến chắc ta cũng không thể nào quên được ! Tuổi thơ tôi không có gì đặc biệt, rất bình thường cũng như bao đứa trẻ chốn làng quê, từ bé cho đến lớn lên trên mảnh đất quê hương có lẽ để lại trong tôi nhiều kí ức khác nhau, nhưng thời gian trôi trong tôi giờ đây với hai tiếng "Tuổi thơ" như chỉ còn lại hình ảnh một cánh diều mà mỗi chiều thường cùng lũ bạn chạy trên cánh đồng vàng cháy, nơi cơn gió cao nhẹ nâng cánh diều, như nâng những ước mơ của chính tôi ! Tuổi thơ cùng tháng ngày cơ cực, gian khổ nhưng thắm trong niềm vui bé nhỏ bên những món ăn đạm bạc với rau đắng
...Trong tôi với những hình ảnh của hoa vô thường - một loài hoa với tôi đó là hoa của kỉ niệm, một loài hoa không tên, chợt đến rồi chợt đi, mà mỗi khi buồn tôi thường nhớ đến nó như một kỉ niệm, hoa vô thường bởi lẽ trên đời này không có gì là mãi mãi được, rồi cũng sẽ có một ngày đổi thay không biết trước được ! Cánh diều ngày nào thả rong, cứ ngỡ cả đời này sẽ mãi bên tôi ?! nhưng những ngày gió mạnh kéo về, gió đã làm cánh diều đứt và bay xa, xa mãi, xa lắm ! tôi không sao níu giữ lại cánh diều - một cánh diều tuổi thơ... Rồi cơn giống tố của cuộc đời cũng đã mang tôi đi như cánh diều kia, gió cuốn tôi đi cùng như ước mơ, xa nơi chốn thân quen, nơi mà tôi cứ nghĩ suốt đời này sẽ gắn bó với nó để đến một chốn xa lạ ! Nơi thị thành phồn hoa náo nhiệt mà có lẽ từ trước giờ tôi chưa biết, một cuộc sống lạ, không có người thân, gia đình, bè bạn bên cạnh, nơi chẳng còn cánh diều và hoa vô thường... 
Tháng ngày trải qua cuộc sống nơi đất khách cũng trôi qua nhanh cùng tuổi thơ nhỏ dại, đôi lúc giữa dòng đời ngược xuôi tôi quên đi những con đường quen thuộc mà thuở ấu thơ đã bước qua bao lần, đôi lúc mệt mỏi giữa cuộc mưu sinh để đêm về nằm ngẫm nghĩ bâng quơ gì đó, một miền kí ức không tên, rồi chợt nhớ về mái nhà xưa, thèm một lần được cùng má bên măm cơm với rau đắng, được nghe đâu đó tiếng nói quen thuộc của ngoại, của đứa em trai,... nhớ hoa vô thường giờ đây chắc đã không còn ! Nỗi niềm cô đơn của một người xa xứ chợt hiện lên trong màn đêm lạnh lẽo, bao kí ức tháng ngày đã qua cũng trở về, mang theo đâu đó là cánh diều năm nào đã đứt...
Kết quả hình ảnh cho cánh diều tuổi thơ
...Nhiều lắm những kỉ niệm, nỗi lòng nhưng chỉ giấu kín trong lòng không thể san sẻ với ai giữa chốn thị thành với những con người xa lạ, rồi cố nuốt nước mắt vào những trang nhật ký cùng hoa vô thường, để giữ một điều gì đó bí mật cho riêng mình, có vươn lên để bương chải cùng dòng đời nơi đất khách chỉ để mong một ngày nào đó nơi quê nhà được gặp lại hình bóng thân thương của gia đình, bên một nữa kỉ niệm tuổi thơ đã cuốn đi theo cơn gió với cánh diều.
...Rồi ngày tháng cứ thế trôi qua, bao năm rồi còn nhớ không hoa vô thường?! Tôi không biết từ bao giờ mình dần quên đi những hình ảnh quen thuộc, cũng không còn những nhớ mong, hoài niệm nhiều về những gì đã qua, mà chỉ lo hòa mình vào dòng đời xuôi ngược chốn thị thành, cố bước, cố đi qua những tháng ngày lẻ loi để sống tiếp, nhưng có lẽ là tôi đang dối lòng mình thôi, làm sao có thể nào quên được ! Những chiều cơn mưa chợt đến rồi vỡ òa kỉ niệm trong cơn lạnh buốt, chính những lúc trống vắng cô đơn nhất thì tôi chỉ muốn tìm về chốn quê nhà bình yên để nương náo, được che chở trong vòng tay yêu thương của gia đình, nhớ thương nhiều lắm nhưng có lẽ ước mơ của một người xa xứ ! Chợt lặng nhìn đâu đó có những đứa trẻ với tuổi thơ còn cơ cực, bất hạnh hơn mình, tôi như cảm thấy số phận mình còn chút gì đó may mắn hơn, muốn làm điều gì đó để giúp đỡ những số phận đó nhưng lại không thể và chỉ biết nhìn rồi đi qua mặt nhau trên đường đời một cách thầm lặng, và đâu đó một hình bóng thân quen của một người phụ nữ với chiếc áo nâu, khăn vải sọc quấn trên vai cùng chiếc xe đạp cũ chạy trên dòng đường, lòng tôi lại nghĩ về người mẹ thân yêu nơi quê nhà, nhớ món canh rau đắng má thường nấu mỗi bữa chiều, dẫu đạm bạc nhưng thấy ấm lòng và tình yêu thương, khi giờ đây giữa đất khách đôi khi thèm một bữa cơm như thế cũng là ước mơ
Cánh diều năm nào đã đứt, bay mãi cùng cơn gió ! Liệu còn có thể quay trở lại, quay về bên những tháng ngày êm đềm dấu yêu?! Hay sẽ dừng chân một nơi nào đó xa xôi mãi mãi không thể trở về ?! Những cánh hoa vô thường rơi rụng theo năm tháng, giờ xin ở lại trong trang nhật ký chất chứa nỗi lòng trăn trở, nỗi lòng của người xa quê... Mong tháng năm đôi lần vô tình trở lại, mang phép màu kỳ diệu cho cánh hoa vô thường bay, mang nỗi nhớ thương không nên lời về lại chốn xưa thân quen, nơi tuổi thơ một thời in dấu buồn vui kỉ niệm, hình bóng quê nhà sao gần gũi mà xa lạ, biết đến bao giờ gặp lại cánh diều khi xưa đã đứt...Nhớ thương đôi lần chợt thành kí ức của một miền nhớ nhung không tên !... Cuộc đời như những đóa hoa vô thường, biết khi nào còn - mất... chỉ mong những hoài niệm tuổi thơ sẽ còn mãi trong trang nhật ký viết dở dang còn chút gì tiếc nuốt, chưa trọng vẹn, một thờ ấp ủ có khi quên lãng xin đôi lần hoa vô thường ghé lại cùng cánh diều xưa !...
Hình ảnh có liên quan
              Tuổi thơ ơi ! Một lần quay lại 
Cho tôi về bên căn nhà mái ấm
Bao lần vùi chôn sâu trong tâm trí...
Cánh diều đã đứt khép cùng kỉ niệm
Để chút nhớ thương da diết khi đêm về
Những buổi trưa hè hoa vô thường đến trễ !
Chỉ mãi mê tìm kiếm cánh diều đã đứt...
Để ngày tháng trôi qua trong giây phút
Cánh hoa bay mang phép màu kỳ diệu đến mây
Nhắn đôi lời mang cánh diều đã đứt về đây !
Chốn quê nhà sum vầy bên rau đắng...
Lũ bạn bè trò chơi bé dại với nhau
Chút phép màu những ước mơ lạ kỳ !
Nay gió mang đi cùng hoa vô thường
Hơn hai mươi năm cùng nỗi vấn vương...
Cánh diều đứt cùng hoa vô thường lắm nhớ thương
Có khi nào gặp lại trên con đường về ?!
Cho con tìm lại chốn xưa cùng mẹ dấu yêu 
Tháng ngày dìu dắt tuổi bé thơ
Nay bỗng ngỡ ngàng bước chân đi...
Biết bao giờ trở về được lần nữa !
Nước mắt rơi tháng ngày đắng cay...
Chốn xứ người biết ai lạ quen !
Phồn hoa đua chen biết có cánh diều ?!
Hoa vô thường chỉ đôi lần đến trong mơ
Cố níu lấy chút gì đó tuổi thơ ở lại...
Để khi tỉnh giấc còn lại nỗi xót xa
Bao năm cánh diều bay mãi chợt trở lại !
Thổi phép màu diệu kỳ cho hoa vô thường rơi...
Còn lại một giấc mơ mang tên Tuổi thơ Ngày...tháng...năm...
Nhật Ký Kỳ Diệu

Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

Nhạc - Thơ - Văn Tình Cha


Tình cha - Quang Lê

Danh Ngôn Father's Day -

Tình Cha
Tình cha núi cả cao vời vợi,
Trong suốt cuộc đời con khắc ghi..!......
Bờ bến êm đềm cho con tới,
Là tấm lòng cha hướng con đi !!
NM

Cha tôi và cách yêu thương của ông ấy

Nó nhớ, nó hận cha từ khi nó mười tuổi. Năm đó cha uống rượu nhiều, hung hãn đánh mẹ, nó và em trai đứng bên cạnh nhìn thấy. Trong lòng đứa trẻ ấu thơ đã dệt nên lòng thù hận sâu sắc và lớn dần lên theo năm tháng. 
Cha là một người đàn ông trầm mặc, ít nói trừ phi uống rượu. Nó nhớ, nó hận cha từ khi nó mười tuổi. Năm đó cha uống rượu nhiều, hung hãn đánh mẹ, nó và em trai đứng bên cạnh nhìn thấy. Trong lòng đứa trẻ ấu thơ đã dệt nên lòng thù hận sâu sắc và lớn dần lên theo năm tháng. 
Cha nó là chủ nhiệm thôn. Trong con mắt của trăm họ, chức to nhỏ cũng đều tính là quan. Nhưng trong mắt nó thì không phải. Nó đọc rất nhiều sách, biết có lãnh đạo cấp trên, biết có nhiều quan chức còn to hơn cha nó. Cho nên nó coi thường cử chỉ của cha nó 
Trong thôn, người khác có chút việc nhỏ, cha nó cũng nói: “Ồ! Đây là vấn đề nguyên tắc”. Trong nhật ký của nó ghi: Cha tôi là cái gì, chủ nhiệm à? Cái gì tôi không thèm biết. Tôi hận ông ta”. 
Cha nó nghiện rượu, mọi người trong thôn có việc lớn, việc nhỏ đều gọi cha nó đến giúp. Những việc đó ông hết sức nhiệt tình. Cha nó sau khi uống rượu thường cùng ngồi với mọi người trong thôn, mắt đỏ lên. Nó không hiểu, nhưng có một điều nó biết đó là việc làm cho người ta chán ghét. 
Cha nó cũng mời các lãnh đạo lớn bé đến nhà nó ăn cơm, mẹ thì tất bật phục vụ. Nó không quen những người đó mà ngấm ngầm cảm thấy họ đến để phá hoại cuộc sống của nó, khiến nó không làm được bài và không học được bài. 
Nó nghĩ sau này lớn lên, tuyệt đối không bao giờ lấy người như cha. 
Cho nên thủa ấu thơ, nó càng vùi đầu vào học, nghiến răng mà học. Dần dần hình thành thói quen, khi cha nó nói “nên”, thì nó luôn tìm mọi lý do để nói “không nên”. Khi đó ông trừng mắt nhìn nó nói: “Tao phải đánh cho mày một trận”. 
Khi đó nó kiên cường ngẩng đầu lên nhìn thẳng vào mặt cha nó. Nhưng nói chung sau ba, bốn giây bại trận, trong ánh mắt cha nó có cái gì đó nó không hiểu thấu và cũng có cái uy quyền khiến người khác phải sợ hãi. 
Hàng xóm bảo với cha “Ông có một cô con gái ghê gớm, từ bé lúc nào cũng lý sự”. Cha nó nói: “Vật không thành tài thì chỉ là đồ bỏ đi”. Nó im lặng nghe, càng cảm thấy khó chịu, càng hận cha.
Nó vào trung học ở thành phố, một hoặc hai tuần mới về thăm nhà. Cha vẫn giữ chức vụ cũ ở trong thôn, mỗi lần về đến nhà nó đều thấy cha ngồi uống rượu với cán bộ thôn. Cảnh này khiến nó rất khó chịu. Nó thà ngồi trong phòng nhỏ một mình còn hơn nhìn thấy mặt cha. 
Nó càng xót thương cho mẹ. Người đàn bà nhỏ bé ấy từ trước đến nay đều là cái bóng của cha, không dám nói to một tiếng, luôn luôn “phu xướng, phụ tùng” răm rắp theo cha. 
Khi đó nó lại thầm nghĩ sau này quyết không bao giờ làm một người phụ nữ như mẹ, nó phải tìm được người đàn ông quan tâmgiúp đỡ vợ con. 
Thế là ngày nghỉ, nó mượn cớ bận học không về nhà, trừ khi thiếu tiền sinh hoạt phí mới về nhà một lần để lấy. Nó chỉ mở mồm xin mẹ. Đối với cha nó rất ít nói, cha cũng ít khi nói chuyện với nó. Nếu mẹ không ở nhà, nó mượn cớ ra ngoài, đến nhà bạn học, tránh một mình đối diện với cha. 
Có khi cha nó lên thị trấn công tác rẽ vào trường thăm nó. Ông ta đến đợi ở phòng khách, đợi hồi lâu nó mới đủng đỉnh từ phòng học đi ra, đến bên cha, nó lạnh nhạt hỏi một câu : “Cha đến rồi hả cha?”. Cha quay đầu lại nhìn nó, ánh mắt không lộ vẻ gì thân thiết, chỉ đáp lại một câu rồi quay ra nói chuyện tiếp với người thường trực. Nói xong mới quay ra hỏi một câu: “****** bảo bố đến thăm mày, mọi việc vẫn tốt chứ?”. 
Hóa ra là mẹ mình, mẹ con liền khúc ruột, cha đến lần này chỉ là do mẹ dặn dò này nọ thì mới đến. Nó nhớ mỗi lần nó về nhà, mẹ đều đứng ở cổng ngóng nó mà thấy xót xa, rưng rưng nước mắt. 
Lúc đó nó thấy cha chăm chú nhìn nên nó cúi đầu xuống trả lời “Con học tốt”. Câu hỏi của cha quá đơn giản hình như trong lòng cha không có đứa con gái này, nó nghĩ. Cha ngồi trên xe sau đó nhiệt tình chào ông thường trực, hé một mắt nhìn nó rồi đi. 
Có khi cha mang ít tiền đến cho nó, nói mẹ nhờ mang đến cho. Nó lại càng kích mẹ. Trong nhật ký nó viết: Cha có chút gì đó giả dối. 
Khi nhận được thông báo vào đại học, nó đưa cho mẹ xem, mẹ cảm động lắm, cứ sờ sờ xoa xoa vào giấy rồi đưa nó cho cha xem. Nó chú ý quan sát động tĩnh trên khuôn mặt cha. Điều đó đối với cha mà nói, hoặc là giả một tiêu chí của thành công, đáng để ông cầm đi khoe khắp lượt. Nó cảm thấy tay cha nó run run nói một câu: “Thật đây rồi”. 
Nó không rõ ý tứ của lời nói đó. Sau đó mấy ngày cha nó làm cơm mời mọi người trong thôn, hàng xóm lại nói: “Ông xem, con gái ông thật có bản lĩnh”. Nó chờ đợi một câu phô trương của cha, nhưng nó chỉ thấy ông cười hai tiếng vì thế nó có chút thất vọng. 
Khi đi, cha đưa nó ra bến xe ở thị trấn. Sắp lên xe cha bảo nó: “Lên xe đừng nói nhiều, sau khi đến nơi gọi ngay điện về, mẹ nhớ mày đấy”. 
Hai mươi bảy tuổi 
Sau khi tốt nghiệp đại học, nó ở lại thị trấn, làm việc ở một công ty nhỏ. Bạn trai nó là người thành phố, bạn học đại học. 
Khi nó kết hôn, cha nhất định yêu cầu nhà trai đến tận nhà nó đón dâu, nó rất khó chịu. Nhà bạn trai nó chẳng phải quyền quý gì, lại còn phải thuê xe, còn phải đi bộ gần 2 dặm, nó thử thương lượng với cha, nhưng không ngờ một ly ông cũng không chịu nhượng bộ. 
Cha nó rất bảo thủ, giữ nền nếp truyền thống, thế là cuối cùng nhà gái phải xuất giá tại nhà mình. Nó bàn với cha không được, đành bàn với nhà trai. Nhà trai cuối cùng rất vui lòng. Bạn trai nó bảo: “Chẳng qua tốn thêm một ít tiền nữa thôi”.
Hôm tổ chức lễ cưới, từ sáng sớm nó đã thấy cha thức dậy, tiếp đón mọi người, nó trốn ở trong nhà. Khi có cô em gái đến cười đùa với nó thì không khí vui vẻ mới tràn ngập trong nhà. Đến khi nó lên xe hoa, nhìn khắp nơi không thấy cha đâu, chỉ mẹ ra tiễn. Nó khóc nức nở, xe chuyển bánh, nó hỏi khẽ cậu em trai ngồi trên xe: “Cha đâu?”.
Cậu em trai trả lời khiến nó kinh ngạc: “Cha ở sau nhà. Lúc em ra đấy, em thấy mắt cha đỏ hoe”. Nó đau xót nghĩ từ trước đến giờ chưa bao giờ thấy cha rơi nước mắt.
Theo quy định của làng, cô dâu khi lên xe không được phép xuống xe. Nó cảm thấy rất khó nhưng cũng không dám bước xuống. Khi xe ra khỏi thôn, từ xa nhìn lại, nó nhìn thấy cha ngồi ở sau nhà, thân hình rất tội nghiệp, quệt ngang tay lau mặt, tựa hồ như lau nước mắt. Nó rất đau lòng nhưng xe đã chuyển bánh rất nhanh, không nhìn thấy bóng cha nữa.
Ngày cưới rất vui, ngày trở về nhà hóa ra rất ít. Mỗi lần gọi điện về, người nhận điện bao giờ cũng là mẹ. Có khi mẹ chuyển điện thoại cho cha, nói :” Điện thoại của con, ông nghe đi”. Cha cầm máy, cả hai cha con lúc lâu đến 1,2 giây trầm lặng. Đó là sự trầm lặng lúng túng, cha luôn luôn chỉ hỏi hai câu: “Công tác tốt chứ? Cuộc sống có tốt không”. Nó trả lời “Tốt”.
Nghe giọng cha mỗi ngày một già, nó càng cảm thấy đau lòng. Lúc nhàn rỗi, nó giở nhật ký ra ghi: Cha già rồi. Mình đã trưởng thành. Còn nhớ mình đã hận cha. Mỗi lần nhìn thấy tóc cha ngày càng bạc trắng đi, cứ trăn trở: đâu là sợi tóc vì nhớ con gái không ở cạnh mình mà bạc đi nhỉ? 
Ba mươi hai tuổi 
Em trai vào đại học, ruộng ở nhà cũng ít đi. Sau mùa thu, cha đánh điện nói lên thị trấn thăm nó và cháu ngoại. 
Chồng đi công tác, nó ở nhà một mình. Cha nói đến trưa là đến, nhưng chiều vẫn chưa thấy đâu. Nó gửi con sang hàng xóm, ra bến xe đón cha. Vừa đến bến xe, nghe nói xe taxi va quệt ngã một người nhà quê. Nó hoảng hốt chạy như bay đến nơi xảy ra chuyện. 
Nước mắt không biết từ đâu rơi lã chã, nó khóc thành tiếng. Đến nơi thấy mọi người vây quanh, nó rẽ đám đông thì thấy trước xe taxi một người nhà quê đang ngồi mặc cả với lái xe. 
Thấy nó vừa khóc vừa chen vào, lái xe và mọi người đều ngớ ra, nó càng khóc dữ, sau đó lại cười. Mọi người thấy nó như vậy hỏi: “Cái cô này làm sao vậy?” Nó đứng bên cha hỏi: “Cha, cha làm sao vậy? Cha không sao chứ? vừa hỏi nó vừa lau nước mắt. 
Người cha cười vẻ có lỗi, trong tay giơ lên một gói quà to “Lên đây từ sáng, không biết mua quà gì, cũng chẳng biết cháu ngoại thích gì?”. Thấy cha ôm nhiều gói quà lớn nhỏ, nó lại cười nói: “Cha, cha không cần mua quà”. Trong lòng nó xót xa. Thấy cha cười, nó lại muốn khóc và muốn ôm chặt cha. 
Đi trên đường, ánh mặt trời chiếu vào từ phía sau lưng. Từ khi nào không biết, lưng cha còng xuống như thế này? Cha nó trước kia là người rất khỏe mạnh. Khi qua đường, cha nó cẩn thận tránh xe, nhìn nó và bảo: “Chú ý, con nhìn kìa, đi đường sao không để ý đến xe”. Nó nói: “Người thành phố không sợ xe cũng như nhà quê không sợ chó ấy mà”. 
Cha cười, khóe mắt bao nhiêu nếp nhăn. Cha ngắm cháu ngoại giống như âu yếm với con cái, bế nó vào lòng, hôn và bảo: “Mẹ cha thằng chó con này ông ghét mày nhất đấy”. Ánh mắt cha đầy sự âu yếm. 
Nó sững người lại, chuyện xưa như bụi phấn bay ra, nó nhớ hồi nhỏ, cha nó cũng ôm nó vào lòng như thế này, cũng nói ghét nó, rồi cọ cái cằm râu mới cạo vào má nó… Nó cảm thấy cay cay ở sống mũi, nghĩ tới quá khứ, nghĩ tới mẹ hay kể với nó: Cha nửa đêm hay thức dậy, bảo là nằm mơ không lành, muốn gọi điện cho con. Mẹ nó bảo: cha nhớ con, nhưng lại luôn luôn đùn đẩy cho mẹ. 
Nước mắt nó cứ thế tuôn rơi, nó lấy cớ phải làm cơm nước, chạy vào nhà bếp, Vừa vo gạo, nước mắt nó vừa tuôn rơi. 
Chiều tối, nó ghi vào nhật ký: Khoảng cách từ yêu đến yêu là phát hiện bất ngờ. Cha tôi rất yêu tôi, đó là tình yêu không bao giờ nói ra miệng.
ST

  Ơn Cha....
Lặng lẻ âm thầm một bóng cha,
Đưa tiễn con đi mắt lệ nhoà !!
Năm tháng qua dần, còn gặp lại ?
Hay là miên viễn khóc chia xa ?!
 
Tình cha bát ngát tợ biển khơi,
Cha đã cho con cả cuộc đời....
 
Ý chí, niềm tin cùng nghị lực,
Tình cha đẩy ắp chẳng hề vơi.!!

Ra đi từ giã làng quê cũ ,
Chẳng biết khi nao lại trở về ?
Mang theo hình ảnh cây cầu nhỏ ,
Là cả gia tài nơi chốn quê..!!...
 NM
Gia Tài Của Cha Tôi
Cha tôi không còn nữa! Cha tôi đã mất Ngày 22 Tháng 5 Năm 1998 ở Việt Nam, để lại cho tôi một gia tài vô giá. Đó chính là niềm tin, là lý tưởng, là ý chí và nghị lực giúp tôi vững bước trên đường đời.
Ông nội mất khi cha tôi còn bé lắm! Mấy năm sau bà nội “đi thêm bước nữa” nên cha tôi phải nghỉ học để tìm kế sinh nhai nuôi dưỡng 3 người em còn nhỏ dại mặc dầu lúc đó cha tôi cũng chỉ mới 15 tuổi đầu. Cha tôi không phải là người giỏi, cũng không có tài gì đặc biệt nên đã không thể làm giàu về vật chất nhưng ý chí và nghị lực của ông thật tuyệt vời. Cha tôi luôn luôn can cảm đối đầu với sự thật, cho dẫu có phũ phàng, và sẵn sàng chấp nhận “thua một trận để thắng cả cuộc chiến!”
Lúc còn ở miền Bắc, cha tôi đã từng đi “làm thuê ở mướn”, can tâm chịu nhục nhã để tìm phương tiện nuôi dưỡng các em khôn lớn, dựng vợ gả chồng cho từng người “để cô và hai chú không phải tủi thân vì ông nội chết sớm!”
Sau khi di cư vào miền Nam, ở Bình Giả một thời gian, cha tôi lại một lần nữa đưa gia đình đi dinh điền Phước Tín thuộc quận Phước Bình, tỉnh Phước Long vì sợ con cái mắc phải những cơn bệnh ngặt nghèo vì “ngã nước” nơi vùng đất đầy chướng khí lúc mới thành lập trại di cư này. Nhưng rồi thực tế quá phũ phàng, gia đình tôi lại dọn ngược trở về Bình Giả năm 1966 vì chiến tranh lan rộng trên vùng Phước Long. Một lần nữa, cha tôi đã phải bắt đầu lại từ con số không, ăn nhờ ở đậu anh em bà con, làm thuê làm mướn sống qua ngày, rồi phát rừng kiếm đất cày cấy.
Trong thời gian chạy loạn và di chuyển trở lại Bình Giả, tôi đã mất một năm học, rồi vì tuổi trẻ ham chơi, tôi phải ở lại lớp thêm một năm nữa. Tôi biết lúc đó cha tôi lo buồn nhiều lắm; tuy nhiên, vì sợ tôi chán nản bỏ bê việc học nên cha tôi chỉ ân cần nhắc nhở
: “Con phải can đảm vươn lên. Con là niềm tự hào của cha. Nếu tự con không được can đảm cho lắm, thì cũng phải tỏ ra là mình can đảm. Người ta không phân biệt được một người can đảm với một người tỏ ra can đảm đâu...”
Sau năm 1975, khi biết anh em chúng tôi hầu như mất định hướng, không còn hứng thú tiếp tục học, cha tôi chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo: “Các con phải cố gắng mà học. Đời cha đã khổ vì ông nội mất sớm, không được học nhiều nên cứ phải cày sâu cuốc bẫm. Thời nào người có học cũng hơn, các con cố lên, đừng chán nản.” Tôi không bao giờ quên giọng nói nghẹn ngào của cha khi tôi từ giã gia đình trở lại trường học vào một buổi sáng cuối thu năm 1975: “Cha không có một hũ vàng cũng không có một tủ sách để lại cho con. Cha chỉ biết cày sâu cuốc bẫm để nuôi con ăn học cho tới đầu tới đũa... Con đừng cầu mong của cải mà hãy cầu mong sự khôn ngoan, hiểu biết, và lòng dũng cảm.”
Chính nhờ những lời khuyên dạy đó mà đầu thập niên 1980, em trai tôi đã trở thành một giáo viên ở vùng “Kinh Tế Mới Xuân Sơn” gần Bình Giả thay vì phải “thi hành nghĩa vụ quân sự” ở Campuchia như bạn bè cùng trang lứa. Và cũng chính nhờ những lời khuyên dạy đó mà sau khi tới Mỹ, tôi đã tìm mọi cách rời khỏi nông trại của người bảo trợ để tự đi tìm cho mình một tương lai qua việc học.
Những ngày đầu gian khổ ở Mỹ, tôi đã nghĩ thật nhiều về cuộc sống vất vả của gia đình đang lây lất qua ngày ở Bình giả, và thường xuyên ôn lại những lời khuyên dạy của cha tôi để làm động lực thúc đẩy mình phải vươn lên. Thời sinh viên độc thân, với tiền học bổng và làm việc trong trường, tôi cũng tạm đủ sống, nhưng đêm từng đêm tôi vẫn đi quét nhà, hút bụi, lau cầu tiêu... để kiếm thêm tiền mua quà gởi về giúp gia đình bên Việt Nam. Tôi rất vui mừng và hãnh diện vì trong gian nan khốn khó của những ngày đầu sống kiếp tỵ nạn, mặc dầu tôi không đủ khả năng để nuôi các em như cha tôi đã từng làm, nhưng tôi cũng giúp đỡ cha mẹ và các em, các cháu được phần nào qua cơn túng quẫn.
Trước Tết Nguyên Đán năm 1998 tôi vội vã dẫn theo đứa con gái đầu lòng mới 8 tuổi trở về khi nghe tin cha tôi bệnh nặng, và sợ sẽ không còn sống được bao lâu! Sau khi hoàn tất thủ tục Hải Quan và bước ra phía ngoài phi trường, tôi đã không cầm được nước mắt khi nhìn thấy cha già một tay chống gậy, một tay bám vào vai em tôi mới có thể đứng vững để nhìn lại đứa con trai sau bao nhiêu năm trời xa cách. Cha tôi gầy gò và xanh xao quá!
Hai cha con tôi ôm nhau khóc ròng, trong lúc mẹ và các em, các cháu cũng khóc như mưa. Ngày tôi âm thầm lặng lẽ cỡi xe đạp rời Bình Giả ra Láng Cát để xuống thuyền đi tìm tương lai, trời mưa như thác đổ. Chiều nay tôi trở lại, trời Sàigòn nắng chang chang, nhưng sân phi trường cũng ướt đẫm nước mắt của cha, của mẹ, của anh em và con cháu. Người ta trở về trong tiếng vui cười hớn hở, cả Việt Kiều lẫn thân nhân đi đón; chỉ riêng tôi trở về với nước mắt trong vòng tay gầy guộc, yếu đuối của cha già. Khi ôm cha vào lòng để những giọt nước mắt yêu thương nhung nhớ của cha ướt đẫm vai áo, tôi mới nghẹn ngào, nức nở thốt lên: “Cha ơi! Con đã về!” Phải, tôi đã về! Tôi đã trở về bên cha già như đứa con hoang đàng trong Phúc Âm tìm về với Người Cha Nhân Hậu... (Luca 15: 11-32).
Cha tôi vốn ít nói, bây giờ lại bệnh hoạn, đi đứng nói năng đều khó khăn, nhưng cũng không quên hỏi tôi trong nghẹn ngào: “Con có học được tới đầu tới đũa như lòng cha mong ước không?” Nước mắt tôi lại trào ra. Tôi vòng tay ôm cha tựa sát vào người. Trời nóng lắm nhưng lòng tôi lại có cảm giác buốt lạnh và đang được sưởi ấm từ từ nhờ hơi ấm của tình cha...
Chúng tôi về tới Bình Giả lúc nào tôi cũng không hay vì trời đã chập choạng tối nên tôi không nhìn rõ cảnh vật hai bên đường làng. Lúc xe đậu lại trước nhà, tôi mới chợt tỉnh cơn mơ... Anh em bà con trong làng không biết tôi trở về; do đó, khi thấy xe ngừng ở cổng, họ đoán là cha tôi từ bệnh viện trở về nên chạy đến thăm hỏi đầy nhà. Một số người khi biết nhà có Việt Kiều đã âm thầm rút lui vì sợ mang tiếng đến thăm Việt Kiều chứ không phải thăm cha tôi. Khi nghe em tôi nói thế, tôi ra sân đứng chào đón mọi người, nhưng hầu hết lấy cớ “để ông cụ nghỉ” và ra về. Cha tôi mệt lắm, nhưng cũng cố gắng đứng lên nói vài lời cám ơn mọi người rồi mới để em tôi dìu vô phòng nghỉ, sau khi quay sang dặn tôi: “Cha biết con cũng mệt, nhưng cố được thì thay cha ngồi nói chuyện và cám ơn mọi người. Ngày mai con đưa cháu đi một vòng thăm hỏi anh em bà con trong họ, trong làng cho phải phép.”
Mấy ngày Tết tôi bận tối tăm mặt mày vì người vô ra liên tục. Việt Kiều nhà người khác về quê mang quà đi biếu bà con, riêng tôi lại ngồi nhà nhận quà của anh em bà con đến thăm cha tôi đang bệnh: Người mấy quả trứng, người ít trái cây, hộp sữa... Ôi! Cái tình người ở quê tôi đẹp quá! Tôi đã đi qua hơn một nửa quả địa cầu, đến thăm cả trăm thành phố khác nhau, nhưng tôi chưa tìm được ở đâu người ta có “tấm lòng yêu thương chòm xóm” như tại làng Bình Giả Quê Hương Yêu Dấu của tôi. Có những người đã dọn ra Ngãi Giao hay vào Xuân Sơn, nhưng nghe tin cha tôi đi nhà thương về cũng lặn lội đến thăm. Có người đã nói thẳng với mẹ tôi: “Nghe nói có Việt Kiều về, nhà con cũng ngại lắm, nhưng biết ông ở nhà thương về, không đến không được!”
Cha tôi chỉ là một nông dân tầm thường, nhưng mọi người trong làng đều thương mến... Tôi đã xúc động đến rơi lệ khi bà con trong làng nói cho tôi biết trên con đường nối liền Vũng Tàu và Quốc Lộ số 1, đi ngang cuối làng Bình Giả, trước khi vào tới xã Tân Lập, có một chiếc cầu mang tên cha tôi: Cầu Ông Minh.
Tôi đã chụp hình “chiếc cầu mang tên cha tôi” đưa về Mỹ, để chung vào hộp với tài liệu tôi viết lại những lời khuyên dạy của cha từ ngày còn bé... Đây chính là
biểu tượng của một gia tài vô giá cha để lại cho tôi.
Cầu Ông Minh (Bình Trung / Bình Giả — Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Việt Nam
Đã từ lâu lắm rồi, trên con đường mòn từ Bình Giả vào Tân Lập, có một đoạn đi qua một con suối thuộc phần đất của gia đình tôi. Chính cha tôi đã vận động bà con đốn cây xẻ gỗ làm một chiếc cầu khá tốt để giúp dân làng vận chuyển nông sản qua lại, và mọi người vẫn gọi là “Cầu Ông Minh”. Khi chính phủ quy hoạch làm đường nhựa và xây cầu xi-măng, bà con trong vùng đã xin phép được chính thức đặt tên là “Cầu Ông Minh” trong bản đồ hành chính của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Việt Nam.
Ngày mùng 6 tết tôi phải lên đường trở về Mỹ. Cuộc chia tay nào cũng buồn cả! Riêng tôi, khi nhìn thấy cha già chống gậy đứng bên cửa, nước mắt lưng tròng nhìn theo... tôi bước không đành! Tôi ra xe, ngoảnh mặt lại thấy cha giàn giụa nước mắt, tôi lại chạy vào. Ba bốn lần như vậy tôi cũng không làm sao cất bước lên xe.
Em tôi sợ trễ giờ lên máy bay nên vừa khóc, vừa nói: “Cha vô nhà đi... anh mới ra xe được!”
Không biết vô tình hay hữu ý, cha tôi nói một câu làm mọi người cùng bật khóc nức nở: “Con không cho cha nhìn anh con lần cuối được sao?”
Tôi ôm cha vào lòng thật chặt và nước mắt tuôn trào. Con gái tôi cũng ôm bà nội khóc nức nở. Cha tôi ôn tồn nói: “Con đưa cháu ra xe kẻo trễ. Đừng khóc nữa... Con đi đi, cứ để cha đứng nhìn theo.”

Tôi chỉ còn biết “dạ” trong tiếng nấc và bước thụt lùi ra xe. Đó là hình ảnh cuối cùng của cha tôi còn giữ mãi trong tim cho tới giờ này. Người cha già chống gậy đứng bên cửa nhìn con ra đi, hay trông ngóng bóng con trở về? !!!

Nguyễn Duy-An

Lời yêu thương cho bố

Tôi sinh vào năm sửu, nên bản tính lì lợm và ương bướng như trâu. Bố bảo vậy.
Một cách ngược đời, tôi thích mặc đồng phục nam, cắt tóc thật ngắn thay cho áo dài và tóc bím thướt tha, lượn lờ trước mặt thầy giám thị xem thầy có phát hiện ra một đứa học sinh ngang nhiên chống lại nội quy nhà trường hay không….
Thi thoảng, tôi ôm con Cún cưng của anh hai, chạy ào ra đường, thả ùm xuống kênh rồi thích chí nhìn nó ẳng ẳng sục chân quẩy bơi vào bờ, lóp ngóp vào nhà với bộ lông ướt nhẹp. Anh tôi gọi đó là trò chơi tàn nhẫn, nhưng tôi chỉ nhún vai thản nhiên, chỉ là thử khả năng chống chọi của nó thôi, nếu tôi đưa gậy cho nó bám vào, con cún sẽ tỏ rõ bản chất vô dụng của mình, mà như thế thì nuôi làm gì nữa. Suýt bị tát, nhưng tôi đã mau mắn chuồn được. Kể từ khi đó, tôi bị cấm bén mảng đến cái chuồng chó xinh xinh đằng sau nhà.
Nhà chỉ có hai anh em, mẹ đi làm xa 2,3 năm mới về một lần, lần cuối gặp mẹ là lúc tôi 12 tuổi, cuộc sống của tôi bị ảnh hưởng bởi bố nhiều hơn. Ông dạy tôi cách sửa điện, làm những việc vặt cần thiết trong nhà. Cùng với anh hai, tôi giống hệt một thằng con trai thứ thiệt. Không mấy khó chịu vì điều đó, nhưng thỉnh thoảng, tôi cảm thấy tủi thân. Ngày nhỏ, nhìn tụi bạn gái váy hồng xúng xính vào lễ Tết, tôi thắc mắc không hiểu vì sao bố lại muốn tôi trở nên như thế.
Rồi một ngày, 17 tuổi, tôi phát hiện ra sự thật, tôi không có mẹ. Bà đã chia tay bố từ lần cuối cùng về thăm chúng tôi. Một cách ngây thơ, tôi vẫn tin rằng mẹ đi làm ở nước ngoài, và điều kiện khó khăn nên không thể về với bố con thường xuyên được. Tôi tìm thấy tờ đơn ly hôn trong ngăn tủ của bố trong lúc dọn dẹp. Bất ngờ, nhưng tôi không khóc.
                    Lời yêu thương cho bố
Đã từ lâu, tôi không còn bận tâm nhiều về mẹ nữa. Sự tin tưởng chờ đợi đã không còn bắt nguồn từ nhớ mong. Anh hai đã lên thành phố học đại học được hai năm rồi. Trong một cái đầu chín chắn không có chỗ cho những gào khóc căm giận. Tôi quyết định im lặng. Những gì đã biết mà người khác không muốn cho biết, hãy cứ xem như một cơn gió thoảng qua. Thầm nghĩ như thế, nhưng tôi không khỏi khó chịu. 5 năm trời sống trong sự che chở tránh tổn thương đến dày đặc, tôi giống hệt như một quả bóng bay căng phồng tâm trạng bay lơ lửng giữa không trung, có thể bụp thành trăm mảnh bất cứ lúc nào.
Sinh nhật 18 tuổi, tôi và bố ngồi đối diện nhau. Bộ đầm điệu đà bố mua cho tôi quả thật không phù hợp chút nào. Tôi ngọ ngoạy trong tư thế rụt cổ có đến hơn 10 phút. Thật kì quặc, thay vì mắng cho một vài câu, bố chỉ nhìn tôi và mỉm cười. Bố chìa cho tôi một tấm thiệp. Năm nào cũng một tấm thiệp từ xa gửi tới. Thật buồn cười, chúng minh thư của tôi đã được làm 2 năm, tôi 18 tuổi, nhưng vẫn bị xem như một đứa trẻ ngây thơ ngậm vú giả trong mồm. Có lẽ bố không biết, những tấm thiệp và ảnh của mẹ gửi về, tôi đã đốt chúng, từ rất lâu rồi. Việc bận tâm tới những ảo tưởng về một sự tốt bụng gán ghép, sự thương yêu bảo bọc giả tạo không nằm trong từ điển sống của tôi. Bố vẫn gồng mình lên chịu sự tổn thương và đau lòng ghê gớm, nhưng không biết rằng với một hũ thủy tinh, càng bao bọc nó càng dễ vỡ. Như tôi chẳng hạn.
“Con vẫn mặc quần hộp áo thun, vẫn giày khủng bố khệnh khạng. Lần đầu tiên trong đời, bố cảm thấy bất lực. Những quan tâm nhẹ nhàng không còn thay đổi được con nữa. Thật sai lầm khi bố nghĩ dạy con phát triển theo một cá tính mạnh mẽ là tốt. Đã lâu lắm rồi, nhà mình không có hoa tươi, mà bố nghĩ nếu có chắc con cũng không biết cắm. “Con đã đốt hết rồi bố ạ, và đừng lừa dối con nữa.” Giống hệt cách cư xử của con thường ngày, nhưng tim bố đau nhói. Bố không còn vui mừng khi con quyết đoán và chín chắn nữa. Càng mạnh mẽ, con chỉ càng dễ bị tổn thương sâu sắc mà thôi. Bố nghĩ rằng che giấu sự thật là yêu thương con nhất, nhưng bố đã nhầm. Bố xin lỗi.” Bố gửi cho tôi cái mail với tiêu đề là “Viết cho con.” Chỉ ngạc nhiên thôi, nhưng tôi không trả lời.
Vượt qua kì thi đại học, tôi đã đi tới một thành phố rất xa, một cách chối bỏ, anh trai tôi chế giễu như vậy. Tôi không nghĩ thế nhưng cũng mặc kệ. Môi trường mới mẻ cuốn hút tôi, những bài học mới lạ, hoạt động hay ho, các chuyến đi thực tế dài ngày thú vị. Tôi bắt đầu làm thêm và hạn chế xin tiền của bố. Anh hai về nhà, gửi cho tôi vài đoạn clip ngắn, bố trồng rau hay xem ti vi, cũng có khi chỉ đơn thuần là ngồi trước máy quay để nói, với tôi. Mẹ không còn hiện diện trong các cuộc nói chuyện nữa. Cả ba người đều hiểu ràng mẹ là một từ khóa cấm kị mà chỉ cần nói ra, nó sẽ biến thành lưỡi dao cứa đứt tim không biết chừng. Tôi vui vẻ chia sẻ với bố các dự định mới, về bạn bè, về cuộc sống thú vị ở thành phố hoa. Và hiển nhiên, một cách ngấm ngầm, những điều tôi kể sẽ là lí do chính đáng nhất cho việc tôi không có mặt ở nhà vào các kì nghỉ. Thương bố, thương anh, nhưng trong tôi có một con quái vật đang ngấm ngầm gặm nhấm điều đó. Tôi sợ, chỉ cần đặt chân vào nhà, tôi sẽ thấy hình bóng của mẹ, người đàn bà lừa dối, cả những khổ tâm dằn vặt bố và anh hai đã giữ kín 5 năm trời, cuối cùng bị con bé tôi lôi ra, phơi bày đầy thách thức và chế giễu. Nỗi sợ hãi len vào tâm can, chui sâu lèn lõi vào các mạch máu. Có lẽ bố nói đúng, càng chứng tỏ, tôi chỉ càng lộ rõ bản chất của một đưa hèn nhát, chỉ biết trốn tránh. Mãi mãi, dù gột rửa cách mấy, vẫn chỉ có một sự thật đọng lại. Tôi sẽ về thăm bố, vào một ngày nào đó, khi tất cả những nặng nề đã giũ bỏ, dù không biến mất nhưng nó chỉ còn là một vệt ký ức nhẹ nhàng vốn phải có.
Anh hai lên thăm tôi, mang theo một vài thứ đồ ăn để lâu được mà tôi thích. Trời se lạnh, chúng tôi mặc áo khoác đi dạo dọc sườn đồi, uống sữa đậu nành nóng, ăn bắp nếp nướng. Trong khoảng lặng vô thức, anh đột ngột lên tiếng:
- Sao em không về thăm bố?
- Anh không thấy à, em rất tất bật! – Tôi nhún vai.
- Đừng ngụy biên, nhóc con ạ. Chúng ta làm anh em bao nhiêu năm rồi, tại sao anh không biết em chứ. Đừng giận nữa, về đi, bố mong em lắm. – Anh hai thở dài.
- Em có giận gì đâu.
- Không muốn đối diện là một hình thức của giận dỗi đấy em ạ. – Anh tôi dài giọng – Anh không ở nhà thường xuyên, cũng lớn rồi. Người bố lo lắng nhất, là em đó.
- Anh nhầm rồi, em mới là đứa không thể nào bố lo lắng. Không phải vậy sao? Từ nhỏ tới giờ đã vậy. Bố dạy em mọi kĩ năng cần thiết, dạy em cách đương đầu, dạy tất cả, chỉ trừ việc dạy làm một đứa có tâm hồn nhẹ nhàng, biết yêu thương đúng cách. Cho tới khi không thể quay lại được nữa, thì nói gì? – tôi tuôn một tràng, và chỉ dừng lại, khi thậm chí còn không biết mình quá lời.
- Dần dần, em đã đi ra ngoài khả năng hiểu em, của anh rồi – Anh hai lắc đầu, thất vọng – Anh không can thiệp nữa, hãy hành xử theo những gì em nghĩ. Nhưng đừng để quá muộn để tìm thấy điều mình cần tìm. Vậy thôi.
Cuộc nói chuyện hôm đó tôi đã lãng quên. Cho tới khi tôi nhận thấy những cuộc điện thoại của bố thưa dần, anh hai không gửi clip của bố cho tôi nữa. Mỗi khi gọi về nhà, tôi không nghe thấy tiếng tivi len vào, thay vào đó là hơi thở nặng nề của bố, tiếng một ai đó lạ hoắc xôn xao.
Tôi đập ống heo, liên hệ với chị chủ quán cà phê xin ứng lương trước, rồi nặng nề xách vali ra bến xe vào giữa khuya, đón chuyến xe khách về quê. Bước chân vào nhà lúc sáng sớm, cảnh tượng đập vào mắt làm tôi không tin được. Bố nằm trên giường, đang truyền dịch. Anh hai bê chậu nước nóng dưới nhà lên, không ngạc nhiên lắm, buông thỏng một câu:
- Cuối cùng em cũng đã về. Anh định gọi báo, nhưng bố sợ em đang trong kì thi. Thay đồ rồi nghỉ ngơi, lát bố dậy đỡ mệt hơn chũng ta sẽ nói chuyện.
Một cách lạ lùng, tôi làm theo răm rắp. Không đặt ra những câu hỏi dồn dập, cũng chẳng một chút cảm xúc bất chợt nào. Tất cả trong tôi chỉ là sự lo lắng nặng trĩu và hối hận vô biến. Tính cách ương bướng, tôi đã ném mình vào sự cô đơn không đáng có, rồi lúc giật mình thảng thốt thì đã thoi thóp trong nỗi đơn độc không cưỡng lại. Bố bị ung thư phổi, đã chuyển sang giai đoạn cuối. Những nổ lực hàn gắn, những tín hiệu yêu thương chuyển đi, chỉ mong ở tôi một sự chuyển mình, một sự trưởng thành thật sư. Tôi đã bỏ quên tất cả. Chỉ nghĩ đơn giản rằng bố đang làm lành, như một điều hiển nhiên kể từ khi bố nhận ra phải thay đổi tôi theo một cách khác, nữ tính, dịu dàng, mềm dẻo hơn. Trong khi đang cố gắng làm mòn dần vết bùn chai sạn trong tôi, bố chỉ thêm thất vọng khi tôi lại đắp thêm cho nó dày lên. Tôi phủ nhận yêu thương và viện lí do bằng những sợ hãi vô định, bằng lời tự nhủ về một sự dũng cảm đối diện trong một ngày xa lăng lắc. Nước mắt chảy dài, có lẽ lâu lắm rồi, tôi không khóc.
Những ngày ở nhà cuối cùng có bố, tôi mặc váy hoa, đẩy xe đưa bố đi dạo quanh quanh. Giữa thị trấn sôi động ồn ào, hai bố con tôi chìm khuất, lẩn vào những đám đông người chộn rộn trong công viên, nhưng tôi thấy rõ, bố mỉm cười. Chúng tôi mua hoa về nhà, bố bày tôi cách cắm hoa, chọn lựa phối màu sắc. Thật ngạc nhiên, khi gu thẩm mĩ của bố độc đáo đến bất ngờ. Tôi xắn tay vào bếp, nấu ăn. Bữa thì mặn chát, bữa thì chua lè. Anh hai nhăn mặt: “Út mà đi làm phụ bếp nhà hàng chắc người ta phá sản mất thôi”. Tiếng cười vang rộn, không còn một suy nghĩ nạng nề nào vương lại trong đầu nữa. Tất cả tâm trạng đã trôi theo không khí gia đình ấm áp vui vẻ.
Rồi bố mất, đám tang trong ngày mưa nhè nhẹ. Tôi thẫn thờ, thật may mắn, khi tìm được thứ mình cần tìm, nó vẫn còn trong tầm với, dù chỉ là chút ít. Ngôi nhà trở nên lặng lẽ, mỗi buổi tối, tôi ngồi trước bàn thờ bố, rì rầm trò chuyện. Lặng nghe tiếng tụng kinh vang lên đều đều từ chiếc cát sét nhỏ. Người đi viếng thưa dần, tôi xin bảo lưu kết quả, nghỉ học một học kì để ở lại quê. Anh hai cũng xin chuyển công tác về gần nhà, cuộc sống lại diễn ra bình thường, như ngày nhỏ hai anh em vẫn tự lo cho nhau mỗi lần bố đi công tác dài ngày. Bật máy xem lại những đoạn phim ghi hình bố, tôi bật khóc. Bằng tất cả tình thương, bố đã chọn lọc cảm xúc, chỉ để dành cho anh em tôi những tình cảm nhẹ nhàng nhất. Mảng sóng trong lòng bố, sao không nói cho chúng con biết với, bố ơi. Vùi sâu nỗi đau của mình, để che chở cho cảm xúc của người khác, chắc bố đã phải mệt mỏi và buồn bã ghê lắm.
Một buổi sáng, anh em tôi gặp lại mẹ. Bóng dáng dong dỏng cao ẩn lấp trong những giấc mơ ngày nhỏ. Bà hơi gầy, nhưng đẹp mặn mà, đi về để viếng bố cùng một người đàn ông đứng tuổi và một thằng nhóc tầm tuổi mẫu giáo. Một thoáng buồn bã thoáng qua, chúng tôi mỉm cười.
Khi bỏ quên mạnh mẽ cứng rắn bên ngoài và yếu đuối bên trong, ta lại tìm được yêu thương đích thực, cũng giống như bây giờ, mẹ đang trìu mến nhìn chúng tôi vậy. Làn gió nhẹ thổi qua, vây quanh những luồng cảm xúc. Hình như là bố!
ST


Cha tôi
Một ngày của cha tôi bắt đầu vào lúc bốn giờ. Cha tôi dậy sớm để nấu cơm, nấu nước, rồi sắp vào một cái khay con, một đôi đũa, một cái bát… xong hết mới gọi tôi dậy ăn.
Cha đã để sẵn nước sôi trong nhà tắm, dắt sẵn xe đạp ra ngoài sân… Làm xong hết những việc ấy, cha đi học bài.
Cha học cho đến lúc mẹ dậy. Học thơ, thơ từ cổ chí kim, của bất cứ ai, miễn đáng gọi là thơ, học kịch, học văn, học văn chương và học cả những gì dường như văn chương không bao giờ thèm đụng tới. Cho đến lúc gần bảy mươi, cha tôi vẫn là một học trò ngoan, bất chấp tuổi già mà len lỏi vào bất cứ góc nào của khu vườn văn hóa.
… Khoảng bảy rưỡi, cha, mẹ ăn sáng. Rồi cha tôi ngồi vào bàn, cái bàn mà tôi học bây giờ, ngày ấy ít ai dám đến gần khi cha đang viết. Trên bàn đầy giấy và sách, lâu lâu bình mực quên không đậy đổ một lần, khi ấy loạn cả nhà. Không ngày nào cha không ngồi viết, cả khi gãy tay, bó bột, ngày trước, ngày sau đã nguệch ngoạc viết bằng tay trái. Đôi lúc tôi thấy, nghề văn như một cái ách, người ta lúc nào cũng áy náy lo âu, sợ mình chưa đọc đủ, chưa viết đủ, chưa viết xong lại thấy bực bội như thể có điều gì oan trái trong lòng chưa nói ra hết được. Và tôi nghĩ, có lẽ cha tôi chọn cho mình một cái ách nặng. Cha luôn luôn tất bật, yêu hoa cỏ nhưng chưa bao giờ dám bỏ hàng giờ ra để ngồi uống trà thưởng hoa. Cha sợ những quán cà phê, nhìn chúng như nhìn những nấm mồ chôn thì giờ. Chỉ những đêm rằm, vườn nhà tôi đầy trăng, cha bảo: “Tắt đèn! Ra ngoài hè ngồi xem!”. Chị em tôi theo ra, ngồi khen trăng được vài phút, cha lại quay sang bàn chuyện văn chương với mẹ, rồi tranh luận, có khi cãi cọ, quên cả trăng!
Cứ vậy, đầu óc của cha tôi không lúc nào thảnh thơi, đôi lúc tôi nghĩ, cha đã già rồi, đã có một vị trí ít ai dám mơ tới trong văn học rồi, sao cha không nghỉ ngơi một chút. Cha dạy chúng tôi: “Phải học, học không phải để vui, mà để không ai giết được mình!”. Cha cũng muốn tôi học, tôi đã có gần một chục quyển vở chép tay của cha, ở bìa ghi rõ: “sách dạy cho Vàng Anh”, cha muốn hàng ngày đều có ít thì giờ để giảng cho tôi, nhưng tôi, vì đã không ý thức được những giờ học ấy quý như thế nào, tôi đã trốn bằng đủ mọi cớ, khi ấy, tôi chỉ thích làm thơ chứ không thích học thơ. Chỉ khi cha tôi vào nằm bệnh viện, tôi biết cha bệnh nặng, khó mà qua khỏi, mỗi chiều, sau khi đi học về, tôi vào thăm, cha luôn để dành cho tôi bánh kẹo hoặc một quả cam, và tôi dù mệt đến mấy cũng đề nghị cha giảng bài, không tiếp thu được bao nhiêu, nhưng tôi muốn cha được an tâm. Ở bệnh viện, cha tôi đã làm một phong bì to đựng các bài học của tôi, giờ đây chép thành giấy rời, cuối mỗi bài đều ký: “Cha: Chế Lan Viên”, và ghi: “Chợ Rẫy ngày… tháng… năm…” như đánh dấu từng chặng của một cuộc chạy đua tàn khốc.
… Thời khóa biểu của cha tôi cho một ngày thế nào cũng có giờ làm vườn. Thường vào khoảng mười giờ, khi viết lách, đọc sách đã mệt. Ra vườn, cha tôi đắp đất, làm cỏ như một nông dân, và cha tự hào về điều đó. Vườn nhà tôi rộng đủ để mọi người “thí nghiệm” trồng cây này, cây nọ, kết quả là cây cối mọc lung tung. Một cây dừa mọc trên mô đất cao, nước quanh năm không với tới, những cây mận, cây cam tranh giành nắng, xúm xít cạnh nhau. Tuy vậy, tôi yêu khu vườn, bởi vì nó là nơi thân thiết nhất của cha, mẹ tôi, bởi vì, ở đâu trong vườn cũng có dấu tích của cha, những chậu phong lan cha tôi đem từ rừng về, một cây ổi cha trồng riêng cho tôi gần giếng nước, bụi hương nhu bên bờ ao cha trồng cho cả nhà gội đầu… Người ngoài ít ai biết rằng cha tôi lại có thể làm những việc li ti như vậy, còn chúng tôi vì quá quen với những việc li ti ấy nên lại thường không biết cha tôi có thể làm được những việc lớn như thế nào. Thỉnh thoảng, tôi đi theo cha đến các hội nghị hoặc các lớp học cha giảng thơ văn. Ở đấy, người ta dành cho cha ghế hàng đầu, rồi các cô, các chú đến chào, nhắc về vài bài viết, hay quyển sách mới của cha, tôi nghe và lần nào cũng lặp lại cái ý nghĩ: “Tệ thật! Mình chẳng biết gì về cha cả!”. Khi ấy, tôi theo cha chỉ để đi chơi, cũng không để ý cha tôi giảng bài gì, phát biểu điều gì, chỉ để ý cha đã chải đầu chưa, cổ áo đã bẻ xuống chưa, có quên kính không… Trong những chuyện này, cha nhất nhất nghe tôi. Một lần khi tôi học lớp năm, theo cha xuống Cổ cò, người ta đón bằng một bữa tiệc, cha tôi uống rượu, thỉnh thoảng hỏi tôi: “Mặt cha đỏ chưa?”. Tôi bảo “Chưa!”, mấy phút sau lại nghiêm mặt bảo cha: “Đỏ rồi! Cha đừng uống nữa!” Và cha tôi ngưng liền.
Cha tôi nóng tính, điều đó ai cũng nói. Ở nhà không ai dám đùa với cha, ngoài chị Thắm. Chị là người duy nhất dám nhờ cha tôi dịch hộ bài học rồi ngang nhiên ngủ gật ngay bên cạnh. Chị Thắm cũng là người duy nhất biết nhổ tóc sâu và lấy ráy tai, và làm cũng tùy hứng, bất kể lúc đó cha tôi đang bận bịu đọc sách hay học bài. Ra trường, chị đi thực tập một năm ở An Giang, lâu lâu mới về một lần, thời gian đó, tóc cha tôi bạc hẳn. Tôi nhớ, khi chị đi được mấy ngày, một buổi tối, người yêu chị đi thăm về, tả lại cho cha tôi nghe cái cảnh lạ nước lạ cái của chị dưới quê, cha bảo: “tội nghiệp!” Rồi hai người sụt sịt khóc, khi ấy, hai mẹ con tôi thấy cha thật là ủy mị!
Rồi cha tôi bệnh nặng, những tháng cuối cùng, cha chỉ nằm trong phòng, không nói được, không biểu lộ tình cảm gì trên mặt, chỉ ngơ ngác nhìn trời qua cửa sổ. Vậy mà, theo thói quen, thấy tờ báo nào ở cạnh cha cũng cầm lên đọc, khi thấy mẹ tôi cầm quyển sách nào đi ngang cha cũng nhìn cho được cái gáy sách, dù đã không hiểu được gì nữa. Bạn của cha tôi đông lắm, họ đến thăm và ai cũng thấy rằng ông Trời sao thật tàn bạo, bắt một con người thông minh như cha phải sống như một đứa trẻ mới sinh. Tôi đi học về, vào giường ngồi chơi, nắm tay cha, gầy guộc, và khóc, có lần, cha tỉnh ra, nhìn tôi cau mày và cũng khóc theo. Sau đó ít ngày, cha mất.
Sau lễ hỏa táng, anh Định và tôi được giao nghi lễ cuối cùng là đem tro của cha thả xuống sông. Tôi ngôi sau, ôm chặt cái túi còn ấm nóng. Đây là cha tôi, ngày nào còn ôm tôi, đứa trẻ con ngủ gật trên xe; đây là thầy giáo tôi… giờ thu lại trong hũ cốt và một bao tro. Chúng tôi ra sông Sài Gòn, khi tro được thả xuống, tôi biết từ nay mình đã mồ côi cha, chỗ dựa lớn nhất đời tôi đã mất, và tôi sẽ phải học, như cha dạy: “Học không phải để vui, mà để không ai giết được mình!”. Học để thành người.
 Phan Thị Vàng Anh

Cha chúc con đủ
Và các bạn, khi các bạn đã đọc xong mẩu chuyện này, tôi cũng chúc các bạn như vậy. Chúc chúng ta đủ.
Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình lại mất nhiều thời gian của cuộc đời mình ở các sân bay đến thế. Tôi vừa thích lại vừa ghét việc đó! Tôi thích được ngắm nhiều người. Nhưng đó cũng là lý do tôi ghét: phải nhìn mọi người “chào” và “tạm biệt”. Nó làm tôi xúc đông đến phát mệt.
Cho nên, mỗi khi gặp 1 thử thách trong cuộc sống, tôi vẫn thường ra sân bay thành phố nhìn mọi người “tạm biệt”. Để tôi thấy rằng mình vẫn hạnh phúc khi không phải nói lời chia tay với những người thân yêu của mình. Nhìn mọi người cố níu kéo nhau, khóc… tôi cảm thấy mình còn rất nhiều điều quý giá khác. Những gia đình, những người yêu nhau cuối cùng cũng phải xa cách, nhìn họ sải rộng cánh tay để nắm tay nhau, cho đến khi chỉ còn 2 đầu ngón tay của 2 người chạm vào nhau… đó là những hình ảnh mãi mãi nằm trong tâm trí tôi.               
Và tôi cũng học được nhiều điều từ những giây phút “tạm biệt” đấy. Có 1 lần, tôi nghe loáng thoáng tiếng 2 cha con đang bên nhau trong những phút giây cuối cùng. Họ ôm nhau và người cha nói: “Ba yêu con, ba chúc con đủ”. Rồi cô gái đáp lại: “Con cũng yêu ba rất nhiều và chúc ba đủ”.
Và cô gái quay đi, tôi thấy người cha cứ đứng nhìn theo, thấy ông ấy muốn và cần khóc. Tôi lại gần, nhưng lại không muốn xen vào giây phút riêng tư của ông ấy nên không nói gì. Bỗng ông quay lại chào tôi và:
- Đã bao giờ anh nói lời tạm biệt với 1 người, và biết rằng mãi mãi không gặp nữa?
- Xin ông cho tôi hỏi, có phải ông vừa vĩnh biệt với con gái ông? Tại sao vây?
- Tôi già rồi, mà con tôi sống cách tôi đến nửa vòng trái đất – Người cha nói – Thực tế, tôi biết lần sau con tôi quay về đây nhưng lúc đó có thể tôi đã mất.
- Khi tạm biệt con gái ông, tôi nghe ông nói: “Cha chúc con đủ”. Tôi có thể biết điều đó có ý nghĩa gì không?
Người cha già mỉm cười: Đó là lời chúc gia truyền của gia đình tôi, đã qua nhiều thế hệ rồi – Nói đoạn ông dừng lại, ngước nhìn lên cao như thể cố nhớ lại từng chi tiết, và ông cười tươi hơn – Khi tôi nói: “Cha chúc con đủ”, tôi muốn chúc con gái tôi có cuộc sống đủ những điều tốt đẹp và duy trì được nó.
Rồi ông lẩm nhẩm đọc: “Ba chúc con đủ ánh sáng mặt trời để giữ cho tâm hồn con trong sáng. Ba chúc con đủ hạnh phúc để giữ cho tinh thần con luôn sống. Ba chúc con đủ những nỗi đau để biết yêu quý cả những niềm vui nhỏ nhất. Ba chúc con đủ những gì con muốn để con hài lòng. Ba chúc con đủ mất mát để con yêu quý những gì con có. Và ba chúc con đủ lời chào để có thể vược qua được lời “tạm biệt” cuối cùng”.
Ông khóc và quay lưng bưóc đi. Tôi nói với theo “Thưa ông, tôi chúc ông đủ”.
Và các bạn, khi các bạn đã đọc xong mẩu chuyện này, tôi cũng chúc các bạn như vậy. Chúc chúng ta đủ.
ST