Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

Nhạc - Thơ - Văn Hương nhãn cuối mùa


Hương nhãn
Hương của nhãn ngọt ngào mà thân thiết,
Như tình anh thấm đậm cả tình quê.....
Dù mai đây phải cất bước quay về,
Vẫn nhớ mãi vị ngọt thơm của nhãn !!...

Sương khuya lạnh, sao tình quê lại ấm ?
Mai em về mang cả vị ngọt theo,
Của tình quê, của nhãn, của đất nghèo...
Tình "ai " nữa , sẽ nhớ hoài dù xa cách !!

Cánh phượng đỏ rơi đầy trên sông rạch,
Hè không còn giữ em lại bên anh,
Em giờ lưu luyến mãi lá phượng xanh,
Màu phượng đỏ trên tóc em đầu hạ !!...

Cánh phượng ấy em đã từng vội vã,
Ép mang theo cả vị ngọt quê hương
Mai em về lòng sao khỏi vấn vương ?
Hương của nhãn , của tình anh nồng ấm !!
NM 
( Để nhớ về xứ nhãn Bạc Liêu, quê ngoại dấu yêu )
   Hương nhãn cuối mùa
   Ngồi trên xe đò hai giờ, đón đò qua sông và đi bộ thêm ba mươi phút nữa là tôi đã đứng trước cổng nhà bà ngoại. Ngôi nhà gỗ cất theo kiểu xưa vẫn không có gì thay đổi, mảnh sân phía trước đầy hoa kiểng và ngay chổ tôi đứng là một cây nhãn "da bò" xum xuê. Tôi hơi thất vọng khi trên cây toàn là trái non bằng đầu ngón tay út. "Ngoại ơi!" Tôi chạy cò cò vào nhà, cất tiếng gọi to. 
   Không có tiếng ngoại trả lời, cửa nhà đóng kín, vậy là ngoại vắng nhà. Tôi ra sau vườn tìm ngoại và bỗng thấy mình chìm ngợp trong một rừng hương hoa nhãn. Hoa trắng xóa cả một vùng, những chú ong hút mật vội vã đậu vào rồi lại bay đi trông thật bận rộn. Thế là giấc mơ về nhà ngoại được đắm mình trong hương nhãn, khuya theo dì Út đi đuổi dơi rồi bơi xuồng chở nhãn đi bán và tha hồ ăn nhãn lúc nào tùy thích đã tan theo những cánh hoa li ti, theo gió rơi đầy mặt đất.
   "Chị tìm dì Út hả?" Tôi giật bắn mình vì tiếng của một tên con trai bỗng vang lên sau lưng. Đó là một thằng nhóc khoảng bằng tuổi tôi, nhìn cũng sáng sủa và không "bặm trợn" như những thanh niên ở đây. Tôi nhìn hắn với ánh mắt của một chủ nhà: "Còn bạn?". "Chị ở SaiGon về phải không?". Hắn không những không trả lời tôi mà còn hỏi lại, gì chứ kiểu đó thì tôi chúa ghét. "Chị tên Hoa phải không?". Đúng là dai như đỉa nhưng... lần này thì hắn đã làm tôi ngạc nhiên vô cùng. Vậy mà tên con trai còn chưa chịu buông tha tôi, hắn ra một đòn cuối cùng: " Không phải chỉ một mà có rất nhiều hoa phải không chị?". Tôi trừng mắt nhìn hắn nhưng chợt mềm lòng vì ánh mắt rất dịu dàng và nụ cười quá đổi hiền lành của hắn. Rõ ràng hắn không hề có ý muốn gây sự như tôi tưởng. Cuối cùng tôi cũng biết được dì Út đi qua nhà cậu Tư ở tận cù lao xa xôi, còn ngoại thì đang ở nhà bà Ba, một người bà con xa nhưng rất thân thiết với ngoại. Hè nào tôi về đây ngoại cũng dắt tôi lên nhà bà chơi. Tên nhóc tự xưng là cháu bà, vậy mà tôi chưa hề biết hắn.
     Sau một lúc thuyết phục lẫn "hù dọa" đủ điều, hắn đã "dụ" được tôi đi tìm ngoại. Đường lên nhà bà Ba nhiều cầu khỉ vô kể, tôi bặm môi đi qua và thầm cám ơn tên nhóc vì hắn đã xách dùm tôi chiếc ba lô.
     Thật khác với vườn nhãn nhà ngoại, những cây nhãn ở nhà bà Ban nặng trĩu những chùm quả no tròn và thơm ngào ngạt. Tôi hít một hơi dài và cảm thấy mùi hương tinh khiết này thật riêng biệt, có lẽ, chỉ những vườn nhãn nơi đây mới có được. Ngoại chỉ mỉm cười khi nghe tôi nói điều ấy. Ngoại âu yếm vuốt mái tóc đã khá dài của tôi: "Lớn bộn rồi mà còn con nít lắm, bằng tuổi này là mẹ con theo ba con về bên nội rồi đó". Tôi bối rối khi nhìn thấy Bình, tên nhóc, cứ đứng nhìn tôi cười tủm tỉm. Hình như Bình chưa bao giờ thấy cảnh một con nhỏ mười bảy tuổi, tóc dài tha thướt mà lại nhỏng nhẽo. Những cô gái ở đây thường lấy chồng rất sớm, khi còn là một thiếu nữ thì họ đã lập gia đình, và chấm dứt chuỗi ngày mộng mơ, nũng nụi trong vòng tay cha mẹ.
     Bình hái cho tôi chùm nhãn đầu mùa thơm ngát: "Mùi hương riêng biệt, chắc là vị ngọt cũng vậy há?". Tôi nhìn hắn bằng nữa con mắt: "Dường như phải ăn hết vườn nhãn này mới biết được". "Và cả vườn nhà ngoại chị nữa chứ?". Tôi nhìn kỹ Bình, người ta nói "đàn ông miệng rộng thì sang", còn Bình miệng rộng thì rất hay hỏi. "Nhưng lúc nhãn ở nhà ngoại chị chín thì chị đã về Sài Gòn rồi". Tôi nhăn mặt: "Không đâu, phải ăn hết hai vườn nhãn mới về". Bình trợn mắt: "Chị không được xạo đó". Tôi vênh mặt: "Người lớn thì không bao giờ xạo".
     Bỗng dưng Bình trở thành "hướng dẫn viên" tích cực của tôi. Hắn dắt tôi đi lòng vòng khắp xóm, có khi còn lấy cả xuồng bơi ra sông hái hoa lục bình. Có bao nhiều trò hắn cho là hay thì đều giới thiệu tận tình với tôi.
     "Chiều nay em với chị đi hái phượng nha". Bình rủ. "- đâu?". "Ngoài đình làng. - đó đẹp lắm, cho chị mặc sức mơ mộng". "Bình không sợ ông thần đình hả?". Bình cười: "không, ông thần hiền lắm. Khi nghĩ hè em cũng leo hái cho mấy nhỏ trong lớp một nhánh phượng lớn ơi là lớn, có sao đâu". Tôi cười: "Bình ga lăng quá hé". Bình mắc cỡ: "Đâu có, tại tụi nó nhờ, nên em mới hái". Cây phượng ở đình rất lớn, chỉ một nhánh của nó đã che rợp một khoảng rộng. Rễ phượng bò ngoằn ngoèo trên mặt đất tạo thành những chỗ ngồi lý tưởng. Những cơn gió nhè nhẹ từ con sông cái ngoài xa thổi vào mát rượi, nắng chiều rải vàng lấp lánh trên mặt sông.
     Bình xăn tay áo lên: "Để em hái phượng cho chị nha?". Tôi lắc đầu: " Thôi chị không giống như mấy nhỏ lớp em đâu. Chị không thích phượng. Mình ngồi đây hóng gió thích hơn. €, Bình học lớp mấy?". "Năm tới em lên 12". "Đã, mười hai?". "Dạ, còn chị?". "Chị, à tui... cũng lên mười hai". Tôi nghe mặt mình ê ê, người ta học bằng mình mà mình cứ "chị chị, em em". Có lúc "cưng" nữa chứ. Nhưng tại sao Bình lại "em-chị" với tôi tỉnh bơ như vậy. Qua ngoại, Bình biết khá rõ về tôi, chắc hẳn hắn cũng biết tôi học bằng hắn mà. Hứ, muốn làm em hả, được thôi. Tôi làm mặt tỉnh hỏi Bình: "Em tuổi con gì? " "Dạ con khỉ ". " Á!". Tôi buột miệng kêu lên. Bình giật mình: " Chị sao vậy? ". Hắn hơn tôi một tuổi thì có sao đâu, vẫn là em tuốt - Tôi tự nhủ. "Hình như có con sâu rớt xuống tóc chị". Bình vội đứng dậy, chăm chú tìm và nhón tay lấy xuống một cánh phượng đã tàn. "Không phải sâu đâu, phượng". Điều đó thì tôi biết từ lâu rồi vì chính tay tôi đã cài cánh hoa này lên tóc.
     Nắng sắp tắt, thủy triều đang dâng lên. Những xác hoa muộn màng rơi xuống mặt sông, lững lờ trôi theo dòng nước ngầu đục. Tôi ném cánh phượng xuống nước để nó chở nốt một chút hè đi cùng bạn bè.
     "Mình về đi Bình". "Chị chán gió sông rồi hả?". "Ừ, lạnh lắm". " Chị Hoa nè, chị học sớm một tuổi phải không?" " Ừ!" " Chị giỏi quá há ". Tôi nhìn Bình châm chọc: " Đâu có giỏi bằng những kẻ lớn hơn người khác một tuổi mà còn gọi người ta là chị, xưng em ngọt như nhãn". Bình có vẻ bối rối. " Thật tình không ai muốn như vậy, nhưng ngoại nói phải kêu bằng chị vì vai vế giữa hai nhà. Mặc dù biết Ngân Hoa nhỏ tuổi hơn nhưng vẫn phải gọi chị, thật là tức". Tôi bật cười vì tính trẻ con của Bình. "Hè nào Hoa cũng về sao không gặp BÌnh hả?". "Bình chỉ mới về ở ngoại một năm thôi. Vậy mà đã biết rất nhiều về Hoa đó. Vì Bình hay qua nhà ngoại Hoa chơi, bao giờ ngoại cũng kể về Hoa cặn kẽ đến nỗi, nhìn phía sau thôi là Bình đã nhận ra đó". "Chỉ giỏi xạo. Thôi mình về đi trời tối rồi kìa".
     Hoàng hôn ở đây buông xuống rất nhanh và những tháng ngày êm đềm đã trôi qua vùn vụt. Nhãn nhà ngoại vẫn chưa chín, riêng cây nhãn gia bò đã có trái mọng nước. Bình hái cho tôi những trái đầu tiên, chúng cũng ngon ngọt như những trái ở vườn nhà bà Ba. Tuy nhãn của ngoại chưa chín nhưng tôi vẫn được hái nhãn, bơi xuồng đi bán và ăn thỏa thích vì vườn nhãn nhà bà Ba lớn gấp đôi vườn nhãn của ngoại. Cả tháng qua tôi sống trong hương nhãn dìu dịu êm đềm. Tôi yêu hương nhãn, tôi yêu miền quê này, miền quê có ngoại, bà Ba, mấy cậu dì và bây giờ có Bình nữa. Bình rất ư là dễ thương, dịu dàng và luôn tìm mọi cách để tôi vui. Vậy mà đã đến lúc tôi từ giã tất cả. Năm học mới đã gần kề mà tôi thì chưa chuẩn bị gì cả. Có lẽ giờ đây, bạn bè tôi đã náo nức cho ngày tựu trường của năm học cuối cấp đầy ý nghĩa.
     Chiều, tôi và ngoại qua nhà bà Ba để chào bà vì ngày mai tôi sẽ về.
     Cả nhà bà đang quây quần lựa ra những trái nhãn tiêu trong đống nhãn thơm ngát. Thảo, cháu nội của bà Ba quay sang hỏi tôi: "Khuya nay chị Hoa đi chợ không? "Tôi lắc đầu: " Sao hôm nay chị buồn ngủ quá ". Thật tình tôi không dám nói mình về lại Sài Gòn khi chợt thấy Bình buồn một cách lạ lùng. Thảo chun mũi: "Vậy là chị Hoa không đi rồi. Em nói chị Hoa nghe nè, không đi uổng lắm đó". " Sao vậy Thảo?". "Tại vì đây là lần cuối cùng đi chợ khuya bán nhãn". Tôi chưng hửng, bà Ba giải thích: "Năm nay nhãn nhà bà chín, được giá nên bán nhanh. €, mà sao con không đi chợ với mấy em cho vui?". Tôi im lặng, ngoại đở lời: "Ngày mai nó về Sài Gòn để đi học. -, còn phải lo tập sách quần áo. Thằng Bình với con Thảo cũng lo là vừa rồi đó con. Ngày mai đi rồi, con nên nghỉ sớm cho khỏe. Sáng sớm mai bà kêu Bình hái ít nhãn để con làm quà cho gia đình".
     Đêm cuối cùng ở đây tôi không sao ngủ được và ngoại cũng vậy, chốc chốc, tôi lại nghe ngoại thở dài. Hương nhãn chín ngoài ngỏ theo gió bay vào cữa sổ quấn quít. Cây nhãn da bò đã chín khá nhiều. Tôi thiếp đi trong mùi hương ngọt ngào và tinh khiết.
     Khi tôi thức giấc, trời hãy còn mờ đất nhưng đã thấy ngoại ngồi đun nước. Ngoại nhìn tôi đầy thương yêu: "Rửa mặt đi con. Bình nó đang chờ con đi hái nhãn đó". Tôi và Bình chạy lúp xúp trên con đường làng còn ngái ngủ. Sương từ những cành lá trên cao rớt xuống lộp độp, lạnh buốt. Vườn nhãn bây giờ trông xơ xác đến tội nghiệp, duy chỉ có cây nhãn to cuối vườn vẫn trĩu quả. "Ngoại để dành cho Hoa đó". Bình nói với ánh mắt đượm buồn. Mùi hương của những trái nhãn cuối cùng, nồng nàn trong sương sớm.
     Tôi rung một cành nhãn cho sương rơi xuống tóc: "Hái ít thôi nha Bình". "Nhãn nhà ngoại Hoa chưa chín mà Hoa đã đi rồi". Bình nói có vẽ trách móc, tôi cười nhỏ: "Vậy là Hoa ba xạo rồi há". "Hoa nè". "Gì vậy Bình". " Mùa nhãn tới Hoa lại về đây nữa nha". "Chắc chắn là về mà". " Bình sẽ ra thị trấn đón Hoa". Nhìn giỏ nhãn đã đầy ấp, tôi vội kêu " Thôi đi Bình. Hoa xách không nỗi đâu". Bình đưa tay vuốt những giọt sương bám đầy trên tóc: "Rồi Hoa sẽ không quên hương nhãn này chứ?".
     Tôi nhắm mắt, hít một hơi dài mùi hương ngọt ngào thấm đượm trong làn gió rờm, nhè nhẹ gật đầu trả lời Bình.
     Đúng vậy, dù chỉ vài giờ nữa tôi trở về cuộc sống quen thuộc của mình nơi đô thị sầm uất, dù cho quanh tôi có bao thú vui khác cùng đám bạn vui nhộn, dù cho chín tháng ròng rã sách vở ở phía trước và dù cho Bình với cuộc sống êm đềm nơi đây, rúi rít bên những cô bé thích hoa phượng trong ngôi trường rêu phong cổ kính ngoài thị trấn, tôi vẫn tin rằng chúng tôi sẽ lại cùng nhau rong ruổi nơi đây trong mùa nhãn tới. Bởi những hương nhãn thì không bao giờ thay đổi, phải không Bình? 
Bình Minh
Bâng khuâng !....
Hoa sắc tím lung linh trong nắng sớm,
Đằm thắm dịu dàng, man mác tình em.!....
Những cánh hoa sương đẫm buổi bình minh,
Là tất cả tâm tình em trao gởi.....
Dẫu có biết hay là không nghĩ tới.
Vẫn mong anh trân trọng mối duyên đầu !?
****
Giờ đây tuy đã qua cầu,
Tình xưa sao vẫn luôn sầu riêng em ?!
Hoa chừ chỉ nở trong đêm....
Âm thầm em giữ tình em trong lòng !....
Tiếc thay những phút chờ mong,
Tiếc công tô giấc mơ hồng năm xưa
NM

Hoa Bâng Khuâng
  Đồng hồ thong thả điểm 6 tiếng. Hừng đông ló dạng. Tiếng con chim chàng làng lảnh lót sau nhà. Sáng nào cũng vậy, Giao luôn bị đánh thức bởi tiếng véo von tưng bừng của chú chim dễ thương này. Giao vươn tay đẩy rộng cánh cửa sổ, một làn gió mát rượi trong lành ùa vào căn phòng mang theo hương dìu dịu của …..hoa bâng khuâng. Bữa nay thứ Hai, tới phiên Giao trực nhật nè. Dậy thôi, Giao phải đến sớm ít nhất 15 phút, Giao sẽ tự tay cắt mấy khóm hoa trong vườn nhà để cắm vào chiếc bình nhỏ xinh xắn, đặt ngay ngắn vào một góc bàn của thầy …
    Sân trường Bùi Thị buổi sáng tinh mơ chỉ có lác đác vài chú chim sâu xuống tìm mồi sớm, vài tia nắng khẽ rọi qua những táng lá khuynh diệp rồi kéo những vệt nắng dài loang loang khắp các hành lang của các khối lớp. Bác cai trường đang quét dọn mấy chiếc lá còn vương vãi ở cổng trường, bác gái thì lom khom dọn hàng…
    - Chào bác, hôm nay tới phiên cháu trực nhật. Xin bác mở cổng cho cháu vào làm vệ sinh lớp
    Tiếng xích lẻng xẻng rồi cánh cổng phụ được mở ra kêu lên ken két, Giao lách người đẩy chiếc xe đạp vào. Trên giỏ xe của cô bé, hoa bâng khuâng tím thẫm một góc trời.
    Giao nhẹ nhàng nhấc mấy khóm hoa rồi hấp tấp bước lên cầu thang, tiếng guốc cô bé vang lên trong dãy hành lang dài vắng vẻ, Giao nghe trống ngực đập mạnh. Bữa nay, sau giờ chào cờ là tiết Đạo Đức, rồi tiếp tới hai tiết Toán của thầy S, thầy giáo thực tập chủ nhiệm tạm 1 học kỳ cho lớp của nhỏ.
    Sơn bước vào lớp, tiếng ồn ào im dần. Cả lớp đồng lọat đứng dậy chào thầy giáo thực tập trẻ măng, mới về thực tập và nhận lớp 11A chừng một tháng nay. Sơn chú ý đến bình hoa màu tím. Lọai hoa rất lạ, Sơn chưa nhìn thấy bao giờ.
    - Hôm nay ai trực nhật?
    Giao giật thót ấp úng. Anh chàng lớp phó ngồi bên cạnh đã nhanh nhẩu:
    - Dạ thưa thầy, hôm nay bạn Giao tổ 4, trực lớp
    Sơn nhìn về phía Giao, thấy cô bé lúng túng, gương mặt xinh xắn ửng hồng…
    Sơn giở sổ đầu bài ra rồi cho kiểm tra toán 15’. Cả lớp im phăng phắc, những mái đầu xanh hí hoáy chau mày nhẩm tính. Sơn cảm thấy lần đầu yêu nghề kể từ khi đặt chân lên thành phố sương mù này. Sơn cũng mới biết được thế nào là cái lạnh của những ngày sắp giáp đông. Kéo sát chiếc áo len trùm kín cổ, Sơn hít một hơi thật dài rồi phả hơi ấm sưởi bàn tay. Phía xa xa, rặng thông mờ khuất huyền ảo trong màn sương dày đặc.
    Quỳnh Lê chạy hấp tấp vào lớp, xộc đến chỗ Giao ngồi, ra vẻ bí hiểm

    - Tối qua tụi thằng Nam gặp thầy Sơn đi dạo với cô PV
    - Thiệt không? cô PV có người yêu rồi mà. Chắc họ chỉ là bạn đồng nghiệp với nhau thôi. Hình như cô PV cũng là người Sài Gòn mà
    - Xí, chưa gì đã bênh chằm chặp.
    Quỳnh Lê ăn nói đanh đá vậy chứ rất thân với Giao, hai đứa chơi với nhau từ hồi còn nhảy lò cò, có chuyện gì mà Lê không hiểu được Giao. Nhưng lần này xem ra Lê không hiểu đâu. Giao đối với thầy là một cảm xúc thật khó tả, vừa kính trọng vừa cảm thấy thân thương…Giao không biết diển tả làm sao, nhưng Giao mong đến giờ thầy…
    Vừa rồi thầy về lại Sài Gòn có công việc. Giao đã thấy biết mong đợi.
    Có lẽ thầy không biết đâu, cả Quỳnh Lê nữa, Giao thật hạnh phúc rộn ràng mong đến ngày trực nhật để cắm vào bình những cánh hoa Bâng Khuâng. Bâng khuâng và man mác như chính tâm trạng của Giao, chỉ có vậy thôi, Giao không ganh ghét nghĩ ngợi về những câu chuyện bạn bè kháo nhau bên lề ….
    ***
    Nhà Giao nằm ở lưng chừng triền dốc. Không khó khăn để tìm ra ngôi nhà này vì theo lời mẹ Giao hướng dẫn, trên đoạn đường đó, chỉ có một ngôi nhà với dàn hoa Bâng Khuâng màu tím nổi bật trên nền tường vôi trắng của căn nhà mái ngói màu nâu đã ngã màu, một nét đặc trưng của những ngôi nhà cổ điển còn sót lại của thành phố hoa anh đào
    Chủ nhật vừa rồi, họp phụ huynh Sơn báo tình hình học tập chung chung của lớp. Đến khi ra về, mẹ Giao nán lại và khẩn khoản mời Sơn đến nhà phụ đạo môn Toán cho Giao và đứa em trai sắp thi chuyển cấp. Lúc đó, Sơn chỉ hứa sẽ thu xếp chứ thật tình cũng chưa muốn nhận lời vì thời hạn thực tập của Sơn chỉ có một học kỳ.
    Những ngôi nhà ở Đà Lạt bình yên đến lạ, cổng không khóa, Sơn loay hoay mãi vẫn không tìm ra chuông bấm. Sơn nhìn theo dãy hàng rào toàn một màu tím rịm chạy dọc bao khắp ngôi nhà trông thật huyền ảo. Đó là lọai hoa Sơn đã biết vì cô học trò vẫn thường cắm vào mỗi phiên trực nhật. Tiện tay, Sơn đẩy cổng bước vào và ngạc nhiên đứng tần ngần giữa sân bởi cơ man nào là hoa. Những bụi hoa Móng Tay màu hồng nhạt tranh nhau mọc tự nhiên hai bên lối đi. Một lọai hoa Sơn cũng mới thấy lần đầu. Dọc theo một con mương nhỏ sát khuôn viên bức tường là một dãy Cẩm Tú Cầu kiêu sa óng ánh. Phía bên kia, một góc tường trắng rợp ngũ sắc hoa cánh bướm. Sơn thấy lạ quá, những cành hoa đứng lẻ loi thì thấy rất mỏng manh mà trồng chúng thành một bụi trông thật lung linh ngọan mục. Phía bên trên đỉnh đầu, Sơn xuýt ồ lên kinh ngạc bởi một giàn hoa lan hùng vĩ lủng liểng các lọai lan, từ Hài Tiên, Móng Cọp, Hồng Hoàng, Lưỡi Mèo, Tóc Tiên…., chợt nghe tiếng cửa cổng xịch mở. Giao và cậu em trai kháu khỉnh chở nhau về trên chiếc xe đạp mini trắng
    - Em chào thầy ạ
    Cậu em trai chừng 14 tuổi lễ phép chào Sơn
    - Dạ mời thầy vào trong nhà…
    Giao đứng nép một bên nhường lối cho Sơn vào vì một số chậu hồng môn để chật cả lối vào cửa chính. Buổi chiều đó, bầu trời chưa kịp có sao trời nhưng Sơn thấy đôi mắt Giao lấp lánh ….Sau buổi cơm chiều, Sơn chính thức nhận lời dạy kèm môn Toán cho Giao và cậu em trai.
    Giao ơi, tại sao Giao đặt tên nó là hoa Bâng Khuâng
    - Tại vì cái màu tím của nó làm người ta bâng khuâng. Nhất là mùi hương thơm dìu dịu của nó cũng khiến người ta man mác ….
    - Vậy tên thật của lọai hoa này là gì?
    - Đuôi chuột
    - Trời đất ! Sơn thốt lên giọng miền Nam đặc sệt. Tên gì nghe xấu quắc dzậy !
    Giao gọi hoa đuôi chuột là hoa Bâng Khuâng kể từ lúc Giao bắt gặp trái tim nhỏ bé của mình luôn đập rộn ràng mỗi khi tới tiết học của thầy. Hoa đuôi chuột là một lọai hoa rất dễ thương mọc trên những thân cây to lớn. Khi những cành cây trĩu nặng thường đỗ dọc xuống những bờ rào làm thành một bức tường tím biếc. Những cánh hoa tim tím nhỏ xíu có hình dạng giống hoa Ngũ Sắc nhưng lại mọc thành một chùm hình chóp giống dạng hoa Dương Liễu. Phía dưới đuôi hơi phình to ra, phía trên nhọn và nhỏ dần giống hình cái đuôi chuột. Không biết từ bao giờ Giao nghe hàng xóm gọi là hoa đuôi chuột.
    ương tư hỡi ai buồn vô cớ
    Tím ngọt ngào ai nỡ vô tâm
    Giao nắn nót 2 câu thơ vào cuốn sổ tay rồi ngày nào cũng ép một cánh hoa pense’ ghi ngày tháng của từng ngày vào trong ấy. Giao không muốn ghi thêm gì nữa vì mỗi cánh hoa pense cắt tỉa chu đáo ép từng ngày đã nói hộ nổi lòng Giao.
    Một học kỳ nhanh như chớp. Đó là buổi lao động cuối cùng Sơn tham gia cùng với lớp. Trời không nắng. Thầy trò nhễ nhại đắp những luống rau lang cao ngều trồng sát bên hông nhà bác Cai trường. Mùa thu hoạch khoai đâu không thấy, chỉ biết rằng những dây khoai xanh tốt nhờ thấm đẫm mồ hôi tình nghĩa thầy trò.
    - Giao chưa về sao?
    Sơn đứng sau lưng Giao từ lúc cô bé đang mải miết vặn nước rửa sạch cái cán cuốc. Quay người lại để trả lời Sơn, Giao phải nheo mắt vì nắng chiều chói chang rọi thẳng chổ hai người. Sơn vội xích người sang một bên để che ánh nắng rọi hắt vào mặt cô bé.
    - Dạ, em cũng chuẩn bị về đây thầy. Bao giờ thầy về Sài Gòn luôn?
    - Một tuần nữa Giao ạ
    Ra bãi xe, Giao lấy xe đạp rồi lặng lẽ dắt bộ, Sơn vẫn đi song song. Hai người đi tắt qua con đường mòn phía sau trường Bùi Thị rồi thẳng xuống con đường ôm lấy vòng đồi cù.
    Sơn khẽ liếc qua Giao, thấy ánh mắt cô bé nhìn xa xăm, có chút buồn vương vấn
    Một vài người đi đường tò mò. Cỏ cây cũng buồn lây. Phút chia tay gần kề mà nhỏ Giao không nói được lời nào. Thật ra Giao đâu dám nói và đâu được phép nói…
    Chia tay tại dốc chợ. Giao vội vã trao cho Sơn cuốn sổ có ép đầy những cánh hoa pense tím rồi thẳng miết lên khu Hòa Bình và đổ xuống dốc Minh Mạng…
    Sài gòn, ngày ….tháng … năm 198…
    Giao thân mến !
    Tôi đã về đến Sài Gòn hôm 20 Âm Lịch và cũng đã nhận nhiệm sở mới. Công việc lúc đầu hãy còn bận rộn nên mãi đến hôm nay mới có chút thời gian. Trước tiên, cho tôi gởi đến hai bác và cậu bé Khang lời chúc sức khỏe. Sau là tôi muốn cám ơn Giao về cuốn tập ép toàn hoa pense thật là công phu giá trị.
    Giao ạ, tôi có một vài điều muốn khuyên bảo em, nếu thật sự em biết nghe lời ….Tôi rất hiểu tấm lòng của Giao và dĩ nhiên nó đã để lại cho tôi những ký ức tuỵệt vời về quãng đời làm thầy giáo tại xứ hoa anh đào. Tuy nhiên, những rung động đầu đời của em rồi sẽ thoảng qua đi. Người ta gọi đó là tuổi dậy thì. Tôi tin rằng em sẽ lớn thêm nữa, sẽ chững chạc và chắc chắn em sẽ chọn được người bạn đời như ý. Nhiệm vụ của em bây giờ là phải học. Hãy cố gắng thi đậu đại học đó sẽ là phần thưởng lớn nhất mà em trao tặng tôi….
    Giao đã giữ theo mình lá thư mà những giọt nước mắt đầu đời đã làm nhòe nhọet cả trang giấy. Hai mươi năm trôi qua, hình ảnh Sơn vẫn mãi mãi đẹp. Giao nhớ hồi đó thầy rất cao, nét mặt thư sinh nho nhã. Nếu có gặp lại chắc chắn Giao vẫn nhận ra ngay …
    - Mẹ ơi, con thích con búp bê này
    Đứa bé gái chừng 3 tuổi xinh xắn cứ chạy lăng xăng trong các gian hàng bầy bán đủ các thứ đồ chơi trẻ em và luôn miệng kêu mẹ ầm ỉ. Zen Plaza chiều thứ bảy chật cứng người đi mua sắm. Giao mệt bở hơi vì mãi chạy theo con bé. Đến cuối gian hàng bán quần áo trẻ em. Giao suýt kêu lên vì kinh ngạc và cảm giác toàn thân mình đông cứng. Giao lắp bắp:
    - Ôi, có phải thầy không ạ, thầy Sơn ….
    Giao nghẹn ngào chực khóc, nước mắt đã ngân ngấn hai bên khóe mi. Một thiếu phụ lớn hơn Giao chừng hai ba tuổi, tay dắt một đứa con trai khoảng 8 tuổi. Chị đang mang bầu đứa thứ hai…Khoan thai bước đến chổ hai người, người phụ nữ nở nụ cười tươi tắn:
    - Bố của Ben đang có khách à?
    - Bà xã tôi đấy. Sơn nói với Giao rồi quay sang vợ
    - Đây là học trò cũ của anh. Cô ấy là chủ nhân của cuốn tập ép hoa pense tím ….
    Giao như vỡ òa. Hóa ra Sơn không phải là người duy nhất được xem cuốn tập ấy. Sơn thật vĩ đại dám ‘khoe’ với vợ nỗi niềm của cô học trò ngày ấy sao !
    Cả ba người cùng với hai đứa bé đi bên nhau trong siêu thị đông đúc và họ đã chia tay nhau ở cuối dãy…Ngẩng lên chào vợ chồng Sơn, Giao bắt gặp bóng mình lẻ loi trong tấm gương của quầy mỹ phẩm phản chiếu ánh đèn sáng ngời. Như năm nào cô bé tội nghiệp vội vã trao cho Sơn cuốn tập ép hoa pense tím ngát …Vợ chồng Sơn đi khuất, Giao nghe hai dòng nước âm ấm lăn dài trên má
    - Mẹ ơi, mua cho con thêm gấu này nữa nha mẹ
    Giao giật mình trở về thực tại. Hạnh phúc của cô là ở đây nè. Thiên thần nhỏ bé đang vòi vĩnh mẹ mua đủ thứ. Giao vội vàng chùi nước mắt và nắm chặt bàn tay nhỏ xíu của con, Giao mới thật sự thấy lòng nhẹ nhõm …
    Thành phố đã lên đèn. Dòng người vẫn đông đúc.
    Bên ngoài hoàng hôn muộn đã tắt….

   
Cao Nguyên
 

Như cánh lan chiều....
 Gặp lại người xưa thuở dấu yêu,
Tiếc xưa sao chẳng nói đôi điều....
Thời gian trôi mãi không chờ đợi,
Luôn nhớ về em vẻ diễm kiều !!
Hội ngộ với tấc lòng tri kỹ,
Hong chút tình xưa trong nắng phai....
Làm sao kéo được thời gian lại ?
Để cánh hoa lòng chẳng nhạt phai,
 
 Ta lại ra đi dưới nắng chiều,
Bỗng dưng lòng cảm thấy quạnh hiu,
Mối tình thơ trẻ không còn nữa.....
Cành lan trước gió dáng liu xiu !!
NM