Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2014

Nhạc - Thơ - Văn Sông ơi, hãy gọi cha về ....

Kết quả hình ảnh cho Happy Father's day
Chúc Mừng Ngày của  Cha
Hãnh diện làm con : Con của Cha ,
Những ngày thơ ấu xưa rất xa....!
Nhưng tim luôn giữ màu hoa thắm,
Là đoá hồng tươi kính tặng Cha..
NM
Sông ơi,...
Sông ơi, hãy gọi cha về,
Cho dù sóng đã be bờ chiều nay....!
Trông cha, dõi cánh diều bay,
Ngóng cha, mẹ sống quắt quay hao mòn.....
Chắt chiu giữ tấm lòng son,
Mù khơi sông nước nuôi con tháng ngày...
Chờ người, dở tỉnh dở say,
Lo người biền biệt, nhớ ngày đoàn viên !
Sông ơi, sóng mãi triền miên....
Gởi theo khói biếc về miền xa khơi !
Hãy đưa tin đến khắp nơi,
Gặp cha xin giúp,
sông ơi gọi về !!
NM


Sông ơi, hãy gọi cha về ....
Thắm thoát đã hơn nửa năm rồi chúng em không được sống gần cha. Kể từ khi người cầm cố ruộng vườn , cộng với số vốn liếng dành dụm hơn hai chục năm, hùn hạp làm ăn rồi bị gạt mất sạch. Từ dạo đó , không khí vui vẻ, đầm ấm trong gia đình như ra đi cùng của cải …
    Em nhớ mãi buổi chiều hôm ấy , vừa đi học về hai chị em đã thấy mẹ đứng tựa cửa buồn bã. Mẹ khẽ nói: “Các con vào ăn cơm cho mau để còn phụ mẹ tưới cây. Trưa nay , người của công ty đã gọi cha đi làm gấp …”
    Chị em không ăn , lẻn ra sau vườn ngồi khóc. Em thui thủi bưng chén cơm mà nuốt nghẹn mấy lần. Em chợt nhớ tối qua , tay xoa đầu chúng em , cha thì thầm: “Hai con biết chăm ngoan , cha rất vui lòng. Nhớ giữ lấy điều tốt và lánh xa những thói hư , tật xấu …”. Em có ngờ đâu lời ngợi khen kia cũng là lời nhắn nhủ , trước khi người đi xa lo sinh kế.  
    Cha đi. Cửa nhà trống vắng. Dòng sông tuổi thơ chừng như vẫn còn ấm hơi cha , và chiều nào mặt nước cũng lao xao , thả khói lên trời. Giờ đây mọi việc trong ngoài đều cậy vào tay mẹ và chị. Mẹ ngày càng gầy gò. Có lẽ mẹ âm thầm làm quần quật suốt ngày , hòng khuây khỏa phần nào nỗi rầu khi cha xa vắng …   
    Còn chúng em ra vào , nhìn đâu cũng mường tượng bóng dáng của người. Đây là chiếc võng cũ cha thường nằm nghỉ ngơi, đọc sách. Kia là mấy bờ cam quýt cha vừa bón nhánh , mới nhú lên dăm búp lá xanh … Nhất là xem lại những tấm ảnh cũ chụp chung , càng khuấy trong em bao nỗi xót xa về một thời đầm ấm …
    Nhớ lại , đời cha là những chuỗi ngày lo toan , tận lực …. Là con trưởng trong một gia đình lao động nghèo có hơn mười miệng ăn , nên ngay từ tấm bé người đã sớm gánh mưa , đội nắng. Đôi lần cha dắt em về thăm quê nội. Người bùi ngùi chỉ tùng khúc sông , bến chợ …mà ngày nào cha đi theo ông nội trên chiếc ghe nhỏ , mua bán đó đây. Em bồi hồi như thấy trước mắt hình ảnh một cậu bé cao gầy độ chín , mười tuổi ; áo quần vá víu đội từng thúng bắp , khoai đi rao bán    
    Sau này cha gặp mẹ , một cô giáo nghèo nơi trường xa , cùng cảnh ngộ. Giữa bốn bề thiếu thốn , buồn thay lần sinh nở nào mẹ cũng ốm đau , thiếu sữa …Chúng em lớn lên còm cõi và lắm bệnh tật. Thời gian dài đó , cha như con thuyền nan trong mưa gió mịt mù. Đồng lương giáo viên hợp đồng của cả hai , cộng lại như hạt muối bỏ biển. Cho nên cha phải mượn đất trồng rau , tỉa đậu cà , nuôi thêm gà vịt. Ngoài giờ lên lớp , người còn chạy xe đạp đi hớt tóc dạo , nhận chở hàng thuê …
    Rồi con cái mỗi ngày một lớn , việc chi xài tốn kém hơn. Cha mẹ không kham nổi nữa , đành phải thôi dạy học về gầy dựng mảnh vườn cam của nội chia sẻ cho …     
    Nhiều tối cha về trễ, bụng đói , mệt lã ; nhưng miệng vẫn tươi cười. Nghĩ đến vợ con , người mua về chút ít quà bánh. Những lúc ấy , ngọn đèn dầu nhỏ trong gian nhà lá chật hẹp như cố cháy sáng hơn , soi tỏ niềm hạnh phúc nhỏ nhoi vừa nhen lên trong bao ánh mắt. Nhưng nồng ấm nhất vẫn là lúc cả nhà ngồi quây quần bên nhau , mẹ làm thêm kem chuối để bán , cha giúp chúng em ôn tập bài vỡ. Rảnh rỗi , cha còn đem chuyện những tấm gương tốt trong lịch sử kể lại cho chúng em nghe …     
    Thế mà nay vì lo cho cuộc sống gia đình , cha phải dấn bước. Không biết ở một nơi nào đó, giờ này người đang làm gì, nghĩ gì? Chắc là cha cũng đang nhớ vợ , nhớ con. Tháng trước bặt tin cha , mẹ dẫn em tìm đến Long Khánh. Chú bảo vệ nói họ tên này không có trong công ty. Mẹ nghe như chết đứng, con em như có vật gì vừa đè nặng lên tim … 

    Cách nay mấy hôm nghe bác Tư cuối xóm nói nhỏ, khi đi rừng bác có gặp một người vóc dáng rất giống cha , mặt mày đen nhẻm , quần áo lấm lem bụi đỏ, đang leo núi cùng với nhóm tìm vàng. Sợ nhỡ chuyến xe nên bác không thể hỏi han. Em thầm mong đấy chỉ là nhầm lẫn , nhưng cũng về thưa chuyện với mẹ và chị. Ngẫm nghĩ đến cảnh rừng sâu nước độc , lở đất sụp hầm …mẹ cùng chúng em cố nén mà nước mắt cứ ứa ra
    Đầu năm , vườn chỉ còn thưa thớt mớ cam quýt nhỏ cuối mùa. Người đến mua bĩu môi ép giá. Tiền bán trái chẳng được là bao. Sáng qua chị em nhét vội đôi bông tai nhỏ xíu bằng vàng 18 vào túi mẹ. Theo lời chỉ dẫn mơ hồ của bác Tư , mẹ lên mạn ngược tìm cha
    Đêm nay bài vở học xong. Nghe lời chị khuyên , em viết về cha bằng tất cả tấm lòng mình . Biết đâu nhờ báo đài , cha biết được càng thấu hiểu mẹ và chúng em cần có cha bên cạnh hơn bất cứ vật chất gì , cho dù chúng quí giá nhất. 
     Viết đến dòng chữ này , trời vừa hé sáng. Tháng giêng ,cảnh vật dầm mình trong sương mù. Con nước lớn mùa xuân cũng vừa thức dậy lao xao bờ bãi. Sông ơi , hãy cùng hòa nhịp với trái tim em cất tiếng gọi cha về …
Bùi Thuỵ Đào Nguyên
 
Rồi chúng ta còn được bên cha mẹ thêm bao nhiêu lâu nữa?
Ba tôi...
Nếu có hỏi ai là người vĩ đại ?
Chẳng ngại ngần tôi sẽ nói "Ba tôi "...

Người thương con nhất trên đời,
Bao dung, che chở, dưỡng nuôi tháng ngày...
Cho dù nhật nguyệt vần xoay,
Tấm lòng ba chẳng đổi thay bao giờ !!
Thương con từ lúc dại khờ,
Giúp con nuôi cháu ngây thơ nên người...
Thế mà con chẳng một lời,
"Cám ơn ba đã một đời vì con "....!!
NM

Ông nội

Bin leo lên chiếc Spacy của mẹ, hí hửng khoe:
- Cô giáo treo tranh Bin lên tường.
- Cưng mẹ vẽ gì?
- Nhà bố ở quê. Có cây cau, đụn rơm, gà mẹ dẫn con đi kiếm ăn, con mèo nằm sưởi nắng, cu Mót ngồi chơi.
***
- Ai bảo thế?
- Ông nội bảo con.
Mẹ cau mặt, lảng qua chuyện khác:
- Bin thích mẹ thưởng gì?
- Thuốc lào ạ.
- Gì cơ? - mẹ sửng sốt.
- Thuốc lào để Bin thưởng ông nội.
Xe dừng trước cổng, Bin chạy vào réo:
- Ông ơi! Cháu được cô giáo treo tranh lên tường. Tranh vẽ nhà bố ở quê đấy!
Bin vẽ tranh nhà bố ở quê
Nó tìm ông khắp nơi nhưng không thấy. Thường ông đợi nó từ ngõ cơ mà!
- Ông đâu? - nó hỏi chị Hai. Chị im lặng.
- Gối này của ông - cu Bin cúi nhặt chiếc gối trong đống đồ chị Hai đang dồn đống trước phòng. Lạ chưa, phòng ông dọn sạch đồ đạc, xịt mùi nước hoa thơm lừng đuổi mùi thuốc lào quen thuộc.
- Ông đâu mẹ?
- Ông ốm đi bệnh viện.
- Chở Bin vào thăm ông.
- Vào đó bác sĩ chích!
- Thế Bin chơi với ai? - Bin mếu máo.
- Bin chơi với con robot mẹ mới mua. Đẹp lắm!
Bố đi làm về, Bin níu áo:
- Bố biết ông đâu không?
- Ông về quê.
Ngẫm nghĩ, Bin bảo: "Ông đi tìm cu Mót".
Bin đếm một mạch từ một đến trăm.
- Ai bày Bin thế?
- Ông.
Bin đọc: "Công cha như núi Thái sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con".
- Ai dạy Bin thế ? - mẹ ngạc nhiên.
- Ông.
Bin vẽ một bức tranh trong đó ông nắm tay cu Mót. Vẽ xong, Bin bảo: "Ông ra đi! Bin đã tìm cu Mót cho ông rồi kìa!".
Ông và Bin đều ham coi tivi nhưng ông thích cải lương, Bin thích hoạt hình. Chiều nay đang coi hoạt hình, Bin đứng dậy nhìn ra cổng gọi lớn: "Ông về đi! Bin nhường ông coi cải lương đấy".
Bin ngủ nhưng bố mẹ và đêm thao thức.
Mẹ hỏi: "Cu Mót là ai mà con nhắc hoài vậy?". Giọng bố đều đều như tiếng mưa rơi từ dĩ vãng:
"Cu Mót ra đời trong đói khổ. Ăn củ khoai, hạt lúa mót mà tượng hình nên đặt là cu Mót. Nghèo mà sáng dạ. Nghe gì là nhớ. Nhìn qua là biết. Thấy con thông minh, bố mẹ quyết cho học chữ. Mùa đông cha cõng đi học.
Mùa nước nổi, mẹ đẩy thúng qua mương. Có gì các chị cũng nhường. Ai cũng làm gấp đôi để dồn sức cho cu Mót học. Học hết trường làng, qua trường huyện, lên thành phố... Học hết mồ hôi nước mắt, tiền của cha mẹ rồi đi làm, lấy vợ và xù!" - bố chua chát.
- Anh kể... ai thế?
"Cu Mót lấy vợ giàu. Vợ thích cái gì cũng sang, sạch, hiện đại. Ông bố chồng như cái bát sành sứt cũ kỹ muốn quẳng cho khuất mắt..." - giọng anh vút cao nhọn hoắt như đâm kim vào lòng rồi trầm lặng như đá chặn ngực - "Mai tôi đem cu Mót về cho bố. Tôi không muốn thằng Bin lớn lên lại thành cu Mót đi lạc và tôi lại đi tìm nó như cha"...
Hai vợ chồng trằn trọc cả đêm
 ***
Ngày đông có nắng ấm. Bát sành sứt, bình vôi mẻ chụm lại trên băng đá hong nỗi buồn. Cái mốc meo. Cái phai nhạt. Cái còn tươi rói. Họ giống nhau ở đôi mắt mờ đục mà cái nhìn hong hóng như trẻ thơ, đậu ở cổng ngóng phép lạ. Phép lạ hiếm mà niềm đau thì khối! Mỗi niềm chạm tay vào cổng để lại một vệt thế là dày cộm, mở ra, khép lại đều rướm máu.
Nỗi buồn của Thi cán bộ choáng một vạt sân. Lão ở đây đã bảy mùa lá rụng. Có năm người con thành đạt ở nhiều ngành. Các con dỗ cha bán nhà chia vàng, thay phiên phụng dưỡng cha.
Được đôi năm xem cha như cục nợ, đùn đẩy, gây gổ, chửi mắng. Cuối cùng không chịu nổi cảnh ấy, lão đi lang thang rồi vào trung tâm nuôi dưỡng người già. Lão nói năng, kể chuyện hay nhất đám, lại từng làm cán bộ, có con cán bộ nên gọi là Thi cán bộ. Lão có ý định góp nhặt những thước phim buồn của 300 bi kịch nhờ ai đó chấp bút thành quyển Tam bách bất hiếu thời hiện đại.
Ông lão mới vào không kể gì ngoài chuyện thằng cháu. Dường như lão ở đây mà quả tim móc để đằng cháu, dõi theo từng giờ. Giờ này cháu tôi đi học về. Giờ này có phim hoạt hình. Giờ này cháu tôi ăn cơm. Nó biết chan canh cho tôi vì tay tôi run làm canh đổ...
Đôi mắt tèm nhẹp hấp háy của lão lưng rưng lướm rướm khi nhắc cháu. Riết rồi cháu lão thành cháu cả nhóm. Lão rỉ rả kể, bình sứt bát mẻ gật gù nghe. Chuyện nó đòi mẹ đẻ con bồ câu. Chuyện hai ông cháu lén nuôi con mèo...
Phép lạ hiện ra ở cổng khi ba người xuất hiện. Thi cán bộ gào to: "Con cháu ai vào thăm kìa!".
Nghe chữ cháu, ông lão như có điện xẹt qua tim. Ông nhìn ra và không tin ở mắt mình.
Thằng Bin chạy trước, vừa chạy vừa réo: "Ông nội ơi, Bin tới đón ông nội về!". "Cu Mót" theo sau. Sau nữa... vợ thằng cu Mót!
Ông lão nhắm mắt lại. Phải chăng đây là giấc mơ ngày?
"Mở mắt ra ông! Bin nè?".
Ông lão mở mắt ôm chầm lấy cháu vừa cười vừa mếu: "Lớn mà khóc cô giáo không cho phiếu bé ngoan đấy!". Rồi nhìn quanh, Bin nhận xét: "Trường ông nhiều ông, còn trường cháu nhiều cháu".
Ông hạnh phúc không tin vào mắt mình nữa
Quay qua những bạn già đang nhìn cảnh ấy với đôi mắt mừng lẫn tủi, ông lão giới thiệu: "Đây là cu Bin!". Cu Bin dễ thương đến nỗi ai cũng muốn sờ đôi má mịn như nhung, nhìn vào đôi mắt trong veo như giếng và nghe tiếng bi bô nói cười khua động chốn lạnh lẽo buồn thiu.
Đang đầu đông mà vui như tết. Cả ông giám đốc cũng bảo mấy mươi năm rồi mới có cảnh vui thế này!
Beoni
 

CHA YÊU-Quang Dũng

Công Cha Nghĩa Nặng. 

Clip tranh cát 'Tình cha "

Ơn cha,
Với đôi tay chai sần,
Cùng đôi chân gầy nát....
Cha đã biết bao lần,
Dốc sức vạt nuôi con !

 
Cha càng gầy guộc héo hon,
Niềm vui càng lớn khi con nên người...
Ơn cha sánh tợ biển trời,
Cha nào quản ngại một đời vì con !
Cha tôi với tấm lòng son,
Là người đẹp nhất cho con tôn thờ !!
 
NM

Người đẹp nhất trong tôi

 Thế cũng tốt, tôi không muốn bạn bè tôi gặp bố. Đơn giảm vì bố là người lao động chân tay, mà điều đó đồng nghĩa với việc ngoại hình của bố không lúc nào sang trọng.
***
"Sắp nghỉ chưa con? Bao giờ thì về?"
Là tin nhắn của bố, tôi thở dài ngao ngán, xóa tin đi và nhét điện thoại vào trong cặp. Trong khi mấy đứa bạn cùng phòng được bố mẹ gọi điện hỏi thăm liên tục thì bố thỉnh thoảng mới nhắn cho tôi vài tin. Mặc dù tôi đã đăng kí gói cước sinh viên cho bố và sử dụng trong cùng một mạng nhưng bố luôn như vậy, những tin nhắn ngắn gọn, chỉ bao gồm nội dung thật cần thiết.
Tôi lấy tay, khều chiếc mũ ở trên bàn, lững thững bước ra ngoài. Buổi sáng mùa hè, trời đã hơi nắng gắt, nhưng không khí vẫn còn dễ chịu lắm, mấy đám mây trắng trôi từ từ trên nền trời xanh vô tư lự tạo một cảm giác hết sức trong lành.
- Trang ơi, mày không chuẩn bị đồ mà về đi. Ra ngoài làm gì đấy?
Cái Nga, con bạn cùng phòng, vừa gấp quần áo cất vào cái ba lô đen kiểu con trai vừa nói vọng ra ngoài. Tôi không trả lời, tiếp tục bước ra khỏi phòng, đi dọc hành lang, tôi muốn đi đâu đó cho thoải mái. Về nhà ư? Tôi không muốn về.
lang thang một mình
Nhà tôi ở một ngôi làng thuộc tỉnh Nam Định nhưng cách xa thành phố vài chục kilomet. Xa đô thị, xa "văn minh" nên sự lạc hậu và quê mùa luôn tràn ngập trong gia đình từ khi tôi sinh ra đến khi tôi bước chân vào giảng đường đại học.
Tôi vốn cũng là một đứa học khá, lớp 3, tôi được huyện cho lên trường chuyên học nhưng bố tôi không đồng ý vì trường ở xa nhà vả lại ở tận trên đường quốc lộ nên không có điều kiện cho tôi đi học. Thế là tôi lại tiếp tục học nơi trường cũ và vị trí của tôi được nhường lại cho một đứa bạn cùng lớp. Lên cấp hai, cô giáo chủ nhiệm lớp 7 của tôi ngỏ ý khuyên tôi nên tập trung học một vài môn chính để thi vào trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Trước đó, tôi không hề biết đến Lê Hồng Phong là trường như thế nào. Nhưng từ đó tôi luôn khao khát rồi một ngày sẽ được học dưới mái trường ấy.
Lớp 8 cô giáo nói tôi cần phải đi học thêm kiến thức nâng cao nếu muốn thi vào trường thpt Lê Hồng Phong. Bấy giờ tôi mới kể cho bố mẹ nghe về những gì cô giáo nói. Bố không ủng hộ mà chỉ gạt đi: "Học thêm tận trên phố thì xa lắm, bố lại bận, không đưa đi được đâu. Thôi, học được đến đâu thì học."
Vậy là tôi không đi học thêm nhưng bao ước mơ thì vẫn thầm ấp ủ. Lớp 9, tôi dự thi violypic cấp tỉnh và kha khá thành tích đạt được cộng thêm thầy giáo chủ nhiệm thuyết phục, bố đồng ý đưa tôi đi dự kì thi tuyển sinh vào lớp 10 của trường thpt chuyên Lê Hồng Phong. Nhưng tôi không hy vọng nhiều vì lượng kiến thức nâng cao tôi hoàn toàn thiếu hụt. Và đúng như những gì tôi lo sợ, tôi không đủ điểm đỗ.
Tôi về trường huyện thi. Ngày xem số báo danh, tôi gặp lại cậu bạn học cùng tôi hồi cấp 1, người đã thay tôi lên trường chuyên học. Cậu ấy khoe cậu đỗ top đầu lớp Anh ở trường Lê Hồng Phong. Tôi cười nhạt, lòng buồn rười rượi. Và cho đến tận bây giờ, bất cứ khi nào nghĩ về con đường học vấn tôi lại thấy hận bố. Nếu tôi có một người bố tốt hơn thì có lẽ bây giờ mọi chuyện đã tốt đẹp hơn rất nhiều...
Tôi đội mũ lên đầu, bước chầm chậm trên vỉa hè đông người qua lại. Tôi rẽ vào hàng xôi quen thuộc. Cầm gói xôi trên tay, tôi hít hà hơi nóng, hơi toát mồ hôi, mùa này ăn xôi thật là không thích hợp.
- Sao thế? Nóng lắm à con?
Bà hàng xôi cầm cái quạt nan phe phẩy cho tôi, tôi là khách quen mà, hơn nữa bà ấy cũng quý tôi hơn hết thảy.
- Bà ơi, cho một gói xôi.
Một người đàn ông đưa con đi học, dừng xe máy lại, ngồi trên xe đưa tiền xuống cho bà. Nhận lấy gói xôi, ông đưa cho cô con gái nhỏ đang ngồi phía sau, đợi cho con cất xôi vào trong cặp ông hỏi:
- Xong chưa con?
- Dạ, xong rồi bố ạ.
Lúc ấy người đàn ông mới tiếp tục đi.
- Sao họ luôn bận rộn thế nhỉ? – Tôi lẩm bẩm.
- Cuộc sống mà con.
Bà hàng xôi lại cầm quạt phe phẩy cho tôi.
- Nếu sống một mình thì ai mà chẳng muốn nhàn rỗi, người ta có vội vàng hay bận rộn cũng chỉ vì con cái cả. Thế, ở nhà con dưới ấy đã gặt chưa?
- Dạ, rồi bà ạ.
- Chắc bố mẹ ở nhà lại bận lắm đây.
Bà ấy đặt quạt xuống, rót một cốc nước chè tươi đặt nhẹ gần chỗ tôi. Thời điểm này, chắc ở nhà gặt xong cả rồi, đang chuẩn bị để vào vụ cấy. Bố tôi lúc này bận chắc rồi. Một năm có 365 ngày thì bố dành một nửa thời gian để đồng hành cùng chiếc máy cày phơi lưng ngoài đồng ruộng. Nửa thời gian còn lại bố đi kiếm việc làm thêm ở bất cứ nơi nào có thể. Bố hầu như không có ở nhà. Thế cũng tốt, tôi không muốn bạn bè tôi gặp bố. Đơn giảm vì bố là người lao động chân tay, mà điều đó đồng nghĩa với việc ngoại hình của bố không lúc nào sang trọng. Có đôi lần bạn bè hỏi tôi:
- Bố cậu làm nghề gì?
Tôi chỉ cười nhạt, nói tôi không rõ, chỉ biết bố luôn phải đi xa, rồi cố lảng sang chủ đề khác. Bố thường xuyên xa nhà, bất cứ công việc nào hợp pháp và có thể kiếm ra tiền là bố đều nhận làm. Một tháng hoặc hơn bố mới về nhà một lần. Và lần nào bố về, trong bữa ăn bố cũng kể những câu chuyện trong cuộc sống và dạy tôi những lẽ đời mà tôi không mấy hiểu. Những lúc ấy tôi thấy khó chịu vô cùng, vì với tôi, lo học là quá đủ rồi, đâu cần phải tiếp thu những triết lí xa vời ấy.
buồn
Rời khỏi hàng xôi, tôi cho hai tay vào túi quần jeans và rảo bước mà trong đầu chưa định hình được mình sẽ đi đến đâu. Tôi ước có một điều gì đó đủ quan trọng và có nghĩa để khiến tôi ở lại. Thật ra có về nhà lúc này tôi cũng chỉ có đi chơi thôi, tôi không phải đi cấy. Từ bé đến giờ bố mẹ chưa một lần nào để tôi phải thò chân xuống ruộng dù tôi có nghỉ hè và không bận học.
Đi được một đoạn, qua bưu điện, tôi thấy người ta đang làm apfic quảng cáo cho một cuộc triển lãm tranh. Tôi lại gần nhận lấy một tờ rơi, Đó là một bức tranh mang tên "Ba tôi", nhân vật trong tranh là một người đàn ông trung tuổi với mái tóc hoa râm và làn da nâu sạm, đôi mắt người đàn ông đó nhìn ra bến tàu như hoài niệm và chờ đợi. Những nét vẽ khá bình thường, tôi khẽ thốt lên:
- Bức tranh này cũng mang ra trừng bày ư?
- Cháu thấy nó không đẹp à?
Tôi quay ra, một bác trạc tuổi bố tôi nhưng có lẽ hơn đang đứng nhìn tấm apfic, trông bác ấy giống một người làm công chức. Tôi hơi ái ngại.
- À...dạ, không. Cháu chỉ nghĩ người ta phải trưng bày bức nào đẹp nhất mới phải chứ!
- Tranh đẹp là ở ý nghĩa cháu ạ! – Bác ấy quay sang tôi – Có thể bức tranh này rất bình thường nhưng nhân vật trong tranh lại là người đẹp nhất đối với tác giả.
Bác ấy nói rồi đi tiếp đến nơi bác ấy muốn đến, còn tôi thì chẳng biết đi đâu. Bỗng nhiên, tôi nhớ bố da diết. Tôi nhớ khi vào vụ cày, mỗi buổi tối sau khi ăn cơm xong, bố lại phải ngâm chân vào nước muối, đôi bàn chân với nhiều vết đứt dài ngắn làm bố đau đớn, những tiếng xuýt xoa khe khẽ khi nước muối thấm vào. Tôi nhớ lần tôi đi thi học sinh giỏi, bố đã nghỉ một ngày cày để đưa tôi đi thi.Ngay hôm sau, bố phải làm cố, trưa không về ăn cơm, mẹ mang cơm ra đồng để ăn xong bố làm luôn. Tôi nhớ những đêm hè, từng khớp xương đau nhức khiến giấc ngủ của bố chẳng trọn vẹn, những tiếng rên khẽ và trở mình liên miên. Tôi nhớ có lần công việc quá khó khăn, các bắp cơ của bố bị chuột rút liên hồi khiến bố không sao ngồi xuống ăn cơm được.
Bất giác tôi muốn về nhà với bố ngay lập tức. Tôi chạy thật nhanh về kí túc xá, lấy điện thoại ra tôi nhắn lại cho bố "Bố ơi, chiều nay 2h con về." rồi nhanh tay thu dọn tất cả đống lộn xộn trên giường.
- Mày lúc nào cũng vội vàng như vây, tao đã nhắc dọn đồ từ sớm thì không nghe.
Cái Nga lại than vãn. Tôi không nói, chỉ khẽ cười. Tôi tưởng tượng ra cảnh tôi bước xuống xe buýt thấy bố đang đứng đón bên chiếc xe máy đã từng chở tôi đi thi nhiều lần. Bố sẽ cười thật tươi và đưa tay đỡ hành lí cho tôi, và hai bố con sẽ về nhà trên con đường làng ít bị tác động bởi "văn minh".
- Cái gì thế? – Nga cầm tờ rơi tôi để ở bàn hỏi.
- Tấm vé về nhà của tao đấy!
Cái Nga nhìn tôi khẽ lắc đầu. Có lẽ nó nghĩ tôi đang đùa một câu đùa ngớ ngẩn như mọi khi. Nghỉ trưa xong, tôi và Nga bắt xe buýt (chúng tôi gần quê mà). Ngồi trên xe buýt Nga quay sang tôi:
- Hôm nay là chủ nhật, chắc bố tao được nghỉ. Mày có vào chơi rồi hãy về.
- Thôi tao về luôn, tao nhắn giờ về cho bố rồi, ông sẽ tính giờ để lên sớm đón tao.
- Ừ, chủ nhật mà.
- Không, bố tao chẳng có ngày nghỉ nào cả.
- Bác ấy làm gì vậy?
Nga nhìn tôi thắc mắc. Chắc nó không hiểu có công việc nào không có lấy một ngày nghỉ mà lại tự ý nghỉ chỉ để đón con đi học về nhà. Tôi nhìn vào bức tranh trên tờ rơi, nhìn người đàn ông với mái tóc hoa râm và làn da nâu sạm đang ngồi nhìn ra bến tàu chờ đợi rồi quay sang nhìn Nga, khẽ nói:
- Ông làm bất cứ việc gì để nuôi tao.
Nga không hỏi thêm gì nữa. Tôi bỗng cảm thấy lòng mình thoải mái hơn nhiều. Tôi nhìn ra ngoài cửa kính, từng tòa nhà đang trượt dần khỏi tầm mắt, những tòa nhà thật đẹp, đẹp bởi chúng sang trọng và đắt giá. Sang trọng và lịch lãm luôn là tiêu chí của mọi vẻ đẹp nhưng cái đẹp vẫn phải là cái có ý nghĩa. Tôi lại nhớ tới bố và thầm tự nhủ suốt đoạn đường về "Với con, bố luôn là người đẹp nhất, mãi mãi."

PJ
 
Lục Bát Về Cha 
Cánh cò cõng nắng qua sông
Chở luôn nước mắt cay nồng của cha
Cha là một dãi ngân hà
Con là giọt nước sinh ra từ nguồn
Quê nghèo mưa nắng trào tuôn
Câu thơ cha dệt từ muôn thăng trầm
Thương con cha ráng sức ngâm
Khổ đau hạnh phúc nảy mầm thành hoa
Lúa xanh xanh mướt đồng xa
Dáng quê hoà với dáng cha hao gầy
Cánh diều con lướt trời mây
Chở câu lục bát hao gầy tình cha.
Thích Nhuận Hạnh
Kết quả hình ảnh cho Tình cha

TÌNH CHA

Ơn Cha

Tình cha

Gom tất cả sao trời,
Đi khắp chốn muôn nơi....
Giờ thì tôi mới hiểu,
Tình cha thật rạng ngời !!
NM 


Cha điếm
 Tiếng xe chạy về con hẻm nhỏ, văng vẳng tiếng chó sủa khan. Ánh sáng trắng đột nhiên sáng khắp phòng, phơi bày ra hình ảnh đứa con gái đang ngồi rúc trong góc, bộ đồ trên người nhàu nhĩ.
Xé toạc khoảng không tịch mịch là âm thanh có chút bất ngờ:
- Hạ, con còn thức sao? Sao không bật đèn?
Rồi chất giọng đó trở nên vui vẻ. Ông đưa trước mặt tôi một cái bánh kem ngon lành cùng dòng chữ Mừng sinh nhật con gái Nhật Hạ - 16 tuổi.
- Chúc mừng sinh nhật con gái yêu, bận rộn quá cha suýt nữa quên hôm nay là sinh nhật con. Thứ lỗi cho cha nhé!
Ừ, cha bận rộn lắm! Bận rộn tới mức trên người nồng nặc mùi cồn trộn với mùi nước hoa đắt tiền, quần áo đẹp đẽ thế mà. Cha rất cực khổ! Ha ha, cực khổ!
Tôi nói, giọng chát ngầm:
- Vâng, rất bận. Vậy thì cha có thể quên hẳn sinh nhật con cho đỡ bận!
- Uầy, sao con lại nói vậy? Sinh nhật mỗi năm chỉ có một lần, dù bận thế nào cha cũng phải mừng cho con chứ! Sinh nhật con yêu của cha mà!
Ừ, sinh nhật thì một năm chỉ có một ngày còn chơi bời thì ngày nào cũng được, phải không?
- Con không cần! - Tôi gằn giọng.
- Kìa Hạ, sao ẩm ương thế? Sao má con sưng đỏ vậy? Ai đánh con?
Tôi gạt bàn tay đang sờ trên má mình xuống, kích động nhìn ông, đứng dậy hét lên:
- Đừng giơ bàn tay đã đụng vào những thứ dơ bẩn đó chạm vào mặt tôi! Không cần sinh nhật gì cả! Không cần ông phải giả nhân nghĩa với tôi! Ông ăn chơi vui vẻ bên ngoài rồi về vờ vịt ban chút tình thương bố thí đó!
Cha bất ngờ nhìn tôi chăm chăm, lắp bắp:
- Hạ, con nói gì vậy?
Tôi chỉ thấy trong tôi hiện tại là một chân trời sụp đổ. Kinh tởm! Thật đáng sợ với một người cha như thế! Hình tượng của ông trong tôi đổ vỡ cả rồi! “Cha của mày là điếm thối!”. Câu nói của mẹ cứ như cào xé ruột gan tôi! “Cha mày rất đê tiện!”. Phải, ông cực kì đê tiện! Mẹ nói đúng hết! Tôi sai rồi! Sai rồi!
- Tôi không cần ông tiếp tục vờ vịt như thế! Sao không tiếp tục vui chơi cùng đám bạn bóng bẩy của ông đi? Sao phải về đây làm gì? Sao không ở nhà hàng ôm ấp nhau tiếp đi! Ông làm tôi thấy thật tởm! Ha ha, mẹ nói đúng thật chứ! Ha ha, ông là điếm thối! Ha ha, là điếm thối! Là thứ bẩn thỉu mạt hạng nhất trên đời! Là điếm!
CHÁT!!!
Bầu má đau buốt vừa lãnh một cái tát tàn bạo từ ông. Cha đứng nhìn tôi mắt long sòng sọc, quai hàm bạnh ra. Tôi trân mắt đối mặt với ông, nước mắt tuôn giàn giụa khắp mặt, đôi mắt như đang đập tan tất cả kí ức tốt đẹp về cha. Tất cả mọi thứ tan biến hết rồi! Hết thật rồi! Giả tạo! Đều là giả tạo tất!
Những âm thanh tiếp theo là tiếng đồ đạc đổ vỡ, chiếc bánh kem nát bét dưới sàn, tiếng cửa bị tung ra, tiếng chó tru lên từng hồi, tiếng chân huỳnh huỵch chạy trên đất và... tiếng gọi tên tôi.
- Hạ! Đứng lại! Hạ!
Tôi chạy điên cuồng, nước mắt mờ mịt nhoè hết mọi thứ! Chạy, cứ chạy. Làm sao xoá hết nỗi đau đớn ê chề này? Làm sao cho tôi một lối thoát? Tôi muốn trốn thoát khỏi những nghiệt ngã này!
Người cha ấm áp của tôi? Hết rồi!
Người mẹ năm nào vỗ về tôi trong vòng tay? Hết rồi!
Gia đình nhỏ bé của tôi? Hết thật rồi!
Giả dối! Tất cả lừa gạt tôi! Ha ha, đều là một trò lừa lố bịch! Tôi mất tất cả rồi!
Đứng trên lề đường, nhìn dòng xe đang chạy như mắc cửi. Tôi khóc trong điên loạn. Cõi tâm hồn tôi đã chết rồi! Còn gì mà luyến tiếc! Còn gì mà hi vọng! Chấm hết!
Nhắm mắt lại và cảm nhận cơn đau xác thịt sắp ập tới. Đừng sợ! Đau một chút thôi thì mày sẽ được bình yên! Đừng sợ! Mạnh mẽ lên Hạ à!
Bước chân càn xuống lòng đường, xông ào ra giữa lộ, ánh đèn xe chói loà rọi vào mắt, tiếng còi xe chói tai và tiếng hét thất thanh bao lấy tôi. Tim như đứng lại.
- CẨN THẬN, HẠ!!!
KÉT! RẦM!!!!
Lúc đó trong tiềm thức tôi chỉ còn một ý nghĩ duy nhất. Tôi đã chết rồi phải không?
Oe... Ò... Oe... Oe....
Tiếng xe cấp cứu ngân dài, băng ca trượt nhanh trên nền gạch, sau đuôi là những bóng áo blouse, tôi chạy theo chiếc băng ca, đầu óc trống rỗng tựa như bị tẩy não.
- Cha ơi, đừng làm con sợ mà! Tỉnh lại đi cha! Cha ơi! Đừng bỏ con! Cha đừng chết mà!
Người đàn ông máu me bê bết trên người khẽ động đậy con ngươi, ông đưa tay run run giơ tay vuốt nước mắt trên mặt tôi, thều thào:
- Đừng khóc, con gái! Đừng làm sinh nhật mất vui!
Tôi vuốt nước mắt trên mặt, gật đầu loạn lên, nuốt nước mắt.
- Con không khóc! Cha đừng có chuyện gì nha cha!
Cha mím nhẹ môi, gật đầu rồi mắt nhắm nghiền lại, ngất lịm. Tôi bị cản lại ở cửa phòng cấp cứu.
Thời gian đằng đẵng trôi, ánh đèn đỏ gay gắt trước phòng cấp cứu vẫn sáng tỏ. Tôi ôm người ngồi trên băng ghế, tóc tai bù xù, tay chân bê bết máu tươi. Lúc tôi xông ra đường, cha đã đẩy tôi khỏi mũi xe tử thần, còn ông thì...
Nếu cha có bề gì tôi sẽ hối hận cả đời!
Cô y tá gửi lại cho tôi những tư trang của cha, một chiếc di động vỡ nát, một ví tiền và một phong thư, tất cả loang đầy máu. Trên phong thư, dòng chữ nắn nót ghi: Thân gửi con gái của cha!
Là gửi cho tôi ư? Lá thư này là gì đây? Sao cha lại viết thư cho tôi?
Bóc thư ra khỏi phong thư, trang giấy trắng xỉn màu máu đỏ đã khô cứng, màu mực đã nhoè cùng máu của cha. Tôi đọc.
Yêu thương gửi Nhật Hạ, con yêu của cha!
Đây là sinh nhật 16 tuổi của con, một năm đầy biến cố. Cha rất buồn vì những điều này. Thành thật xin lỗi con!
Con gái cha đã lớn, đã biết hiểu chuyện rồi. Cho nên, cha nghĩ đã đến lúc con nên biết thêm nhiều chuyện.
Cha không yêu mẹ con, điều này chắc con biết. Cha cưới mẹ vì trách nhiệm, giảm bớt nghiệt quả của mình. Chắc con cũng đã nghe nhiều chuyện mẹ kể về cha. Thực sự là vậy, nhưng đó chỉ là thời trẻ bồng bột của cha. Ai lại không có sai lầm. Cha làm mọi thứ để có được tiền, kể cả những công việc nhơ nhuốc nhất. Chính cha cũng kinh tởm bản thân mình. Nhưng từ khi con chào đời, khoảnh khắc bế một sinh linh bé bỏng trên tay, thiên chức làm cha đã buộc cha lánh xa những điều đen tối, vì cha muốn làm tấm gương tốt cho con. Cha không phải đồng tính, cha giao du với họ chỉ vì tiền. Con ơi, khi lớn đừng thả mình theo lối sống thực dụng của cha. Đồng tính không hề xấu, con đừng khinh họ.
Nếu mẹ con không ghen tuông mù quáng, cha sẽ không phải suốt ngày ở bên ngoài. Chịu đựng cũng có giới hạn của nó, đến cùng cực cha phải buông xuôi. Nhưng cha quá thương con, làm sao cha nỡ xa con, vì vậy cha quyết định mang theo con. Xuân là đứa con chào đời ngoài ý muốn, cha không ghét bỏ nó, chỉ thương nó không bằng con. Xuân nó sớm bị nhiễm những tư tưởng xấu về cha, có lẽ vì thế mà nó và cha không bao giờ dung hoà được.
Con theo cha phải chịu nhiều vất vả, cha xót xa lắm. Mấy hôm trước cha gặp lại một người bạn cũ, là gay, là Việt kiều định cư ở Mỹ. Ông ấy về đây chơi, nghe cha kể về hoàn cảnh nên ông ấy xúc động lắm. Ông ấy có một ngôi nhà ở quận 3, ông ấy bảo nếu không ngại thì cha con mình hãy dọn tới đó ở, đừng ở xóm trọ phức tạp nữa. Cha tìm được chỗ làm rồi con, là một salon cũng do bạn cũ cha mở, chú đó nói rất vui nếu cha về làm cho chú. Con đừng đi bán vé số nữa, cha lo được mà con. Tuy tất cả tiền cha đã để lại cho mẹ nuôi em nhưng bàn tay cha vẫn kiếm được tiền mà. Đừng cực khổ như vậy nữa!
Ông bạn Việt kiều nghe cha có đứa con ngoan hiền, lại học giỏi nên thương lắm. Ông hứa sẽ giúp đỡ con ăn học! Con phải cảm ơn ông ấy nhé!
Con biết không, cha rất thương con. Dù có làm việc cực nhọc cỡ nào cha cũng quyết nuôi con thành tài. Sinh nhật năm nay không thịnh soạn bằng mọi năm, con đừng buồn nha! Cha hứa năm sau sẽ tổ chức bù. Cha có bao giờ thất hứa với con đâu?
Cuối cùng, cha chúc con thêm năm, thêm tuổi mới. Càng lớn càng xinh đẹp, học hành càng đỉnh cao! Vỗ tay quyết tâm với cha nào!
Thân gửi con yêu,
Cha.
Vỗ tay quyết tâm với cha nào! - Tôi đưa bàn tay run rẩy giữa khoảng không, trơ trọi một bàn tay nhớp nháp máu của cha. Không có tiếng vỗ bốp vang lên giòn giã, không có tay cha ấm áp vỗ vào. Thuở nhỏ, mỗi lần cha và tôi quyết tâm điều gì tôi cũng hào hứng vỗ tay với cha.
Nước mắt từ đâu ướt đẫm lá thư, hoà cùng máu của cha thành mảng màu tê tái. Cha ơi! Con có lỗi! Cha ơi, con sai rồi! Đừng bỏ con mà cha!
Nỗi hoang mang nhấn chìm tôi trong mụ mị. Có con đường nào cho tôi quay lại không? Con bất hiếu quá cha ơi! Con hối hận! Hối hận lắm!
Tôi thẫn thờ đưa mắt chú mục nhìn vào cánh cửa cấp cứu im ỉm, bàn tay đan lại với nhau. Nhắm mắt và nguyện cầu. Lạy Phật đừng cướp mất đi cha của con!
Chăm chú theo dõi biểu hiện trên gương mặt của người đối diện, từ trắng bệch rồi dần dần nhăn nhó. Tôi sốt ruột hỏi dồn:
- Như thế nào? Quá ngọt hay quá mặn? Không vừa miệng con đổ đi nhé?
Cha nằm trên giường bệnh cùng cái tay bị bó bột, cười vui vẻ:
- Ha ha, cha đùa thôi. Ngon lắm! Sớm biết bị tai nạn mà được con gái chăm như ông hoàng kiểu này thì cũng nên bị lâu rồi!
Tôi bí xị mặt, làu bàu khe khẽ rồi tiếp tục đút cháo cho cha. Cũng may cha không bị thương nặng lắm, chỉ gãy vài đoạn xương, nhưng do có tuổi rồi nên cũng phải hết sức cẩn thận.
Ngày hôm nay trời quang đãng, những cây xanh mơn mởn bên ngoài cửa sổ rung lao xao trong gió. Cha ăn xong, tôi đưa khăn lau miệng cho ông, cất tiếng ngập ngừng:
- Con đọc lá thư đó rồi!
- Ừ. - Cha đáp. - Có lẽ con đã hiểu lầm gì đó. Cha muốn giải thích với con, cơ mà con bé ngốc này dại dột quá!
Tôi cúi gằm mặt, ăn năn, nước mắt lưng tròng:
- Con xin lỗi. Con đã hiểu lầm cha!
Trên cơ mặt của cha giãn ra những đường nét hiền hoà, ông ôm tôi áp vào lòng, ôn nhu.
- Đừng khóc mà con gái! Qua rồi! Tất cả chỉ là hiểu lầm thôi! Cha cũng xin lỗi vì đã lỡ đánh con! Nào, bỏ qua tất cả nhé, bắt đầu từ hôm nay không ai nhắc tới chuyện cũ nữa!
Tôi rúc trong ngực cha, gật gật đầu, rồi lại ngẩng lên, tròn xoe mắt:
- Còn một điều cha chưa làm cho con!
- Hả?
Tôi phì cười, giơ bàn tay lên cao:
- Vỗ tay quyết tâm với con nào!
Cha cũng bật cười, đưa cái tay lành lặn đập vào tay tôi. Cha kéo trán tôi hôn dịu dàng. Khoảnh khắc này tôi không cần biết gì cả. Mặc kệ cha là ai, cha có quá khứ thế nào, tôi chỉ biết rằng ông là người cha tốt nhất thế giới!
- Cha, con thương cha nhiều lắm!
- Cha cũng vậy! Thương Hạ nhất đời!
Có lẽ, cái kết thế này đã quá viên mãn. Không có tình yêu nào cao đẹp nào bằng tình phụ tử. Đừng quan tâm cha bạn là người thế nào, chỉ cần ông ấy yêu thương bạn bằng cả trái tim thì cha bạn chính là người cha tốt nhất thế giới. Trên đời không có người cha nào hoàn hảo cả, nhưng họ luôn yêu con họ theo cách hoàn hảo nhất!
Xám