Thứ Ba, 7 tháng 1, 2014

Nhạc - Thơ -Văn Thiếu Quê Hương


Nhớ Quê hương
Xin một lần tôi được về quê cũ,
Dẫu đau thương và lắm nỗi xót xa !....
Thương quê hương , khao khát lắm nhớ nhà,
Tôi vẫn sống với biết bao hoài niệm !
Suốt cả đời tôi mãi mê tìm kiếm,
Hình bóng người xưa và kỹ niệm xa....
Quê hương ơi, mãi mãi không phai nhoà,
Trong tôi đó, luôn là dân nước Việt !!
NM 

Thiếu Quê Hương
Hồi ở Saigòn, anh Tiến làm công chức ở bộ canh nông, là một người có tài coi tướng. Anh ta không hề mở văn phòng bói tướng mà cũng chẳng bao giờ lấy đồng tiền nào của ai; một khi anh đã bằng lòng coi qua. Cách coi tướng của anh ta rất đặc biệt, mà đặc biệt nhất là nếu có ai gọi anh là thầy bói, thầy tướng thì anh giận ngay. Coi tướng với anh chỉ là một nghề "chơi", cái thú chiêm nghiệm tiêu khiển vậy thôi. Riêng tôi, vì tôi biết anh khá lâu cho nên tôi có thể nói rằng - "đọc" nổi được định mệnh của người khác qua cách ngồi, tướng đi, ăn nói,... đã là thứ đam mê của anh như ta mê một thói xấu không thể bỏ, những phút xuất thần hiếm hoi! Cách coi tướng ấy đôi khi còn tố cáo những ám ảnh thôi thúc có vẽ bệnh hoạn tuyệt vời, vì đã có lần, theo lời chị Tiến kể lại, anh ta tự nhiên mất tích khỏi nhà cả tuần lể, vợ con không hiểu ra sao, hỏi thăm hết chỗ làm đến bạn hữu không ai hay biết. Sau cùng, anh ta ở đâu lù lù hiện về, nụ cười tiêu khoáng bình yên cố hữu ở trên môi trước những trách móc của vợ con.
Số là được tin người bạn thân vừa tử trận, anh ta đến phúng điếu. Đứng trước quan tài còn mở nắp, người bạn nằm yên không một giấu diếm. Cái ẩn tướng yểu mệnh kia ngày xưa anh đã ngờ ngợ trông thấy, bây giờ nó trở thành sự khinh khi bào chửa. "Phải chi mình bảo cho nó biết trước việc này, biết đâu chả cứu được nó!". Buồn quá, anh ta chui vào nhà một người bạn ở cư xá Nguyễn Mạnh Trinh, không hút thuốc phiện, nhưng cũng cứ nằm tịt bên cạnh bàn đèn, coi ông bạn hí hoáy những tiêm với tẩu cho đở buồn.
Chuyện đi về nhà bất thường, lâu ngày thành ra tự nhiên, vì anh ta bị chèo kéo hết ngày này với người này, sang ngày khác với người khác, hay anh còn bận truy lùng tung tích một người nào đó đã mất tích trong trí nhớ từ lâu, đột nhiên hiện ra với tất cả chân tướng, lại là trường hợp anh ta không thể bỏ qua.
Có những đêm vừa đặt lưng xuống giường, anh ngồi bật trở dậy. Bà vợ khó thể ngủ được vì ở ngoài kia ông chồng chốc chốc lại kẻo kẹt đưa cái ghế xích đu, tiếng lục lạo tủ sách kèm theo tiếng càu nhàu, chửi bới om xòm... Sáng dậy, chị vợ tìm thấy anh chồng đang ngon lành ngủ ngồi trên ghế, một bên má tì xuống mặt bàn trên những tờ giấy trắng, nước rãi từ khoé mép chảy thành dòng làm nhoè nhoẹt những hìng vẽ lăng nhăng trên giấy trông rất bệ rạc. Có lần tôi hỏi đùa chị Tiến: "Khi lấy chị, anh ấy có nói cho chị biết là anh ấy đã lấy một người đàn bà có cái kiên nhẩn chịu đựng được cái kỳ cục, lang bang của anh ta không?" Chị Tiến chỉ cười cam phận.
Đến với anh Tiến dĩ nhiên là ai cũng muốn anh ta đoán xem mình sắp khá không, hay ít ra cũng là để thỏa tính tò mò. Nhưng phải cẩn thận, đừng bao giờ đề nghị thẳng, mà cho dù nói bóng nói gió cũng nên tránh nốt nếu không muốn anh Tiến từ chối. Gặp anh ta, cứ nói chuyện trên trời dưới đất, chuyện chính trị, thời tiết, chuyện đánh ghen hay tai nạn... rồi chia tay như một tình cờ, một lần khác, và nhiều lần nữa, có khi bạn quên đứt luôn chuyện tướng số. Thế rồi bất chợt một hôm, bạn vừa trải qua một cơn gây gổ náo loạn tan hoang với mụ vợ ở nhà, bạn đang giải sầu trong quán cóc với đôi đường la-de, ông Tiến mới phây phây, nhàn hạ như một ông tiên xà đến, mà đến là chỉ để nói chuyện tướng số. Bạn không thiết gí đến chuyện xa vời ấy nủa, bạn chỉ muốn có người để than thở, kể lể cái tâm sự anh ách ở bên hông! Mặc kệ, ông Tiến không thèm đếm xỉa gì đến những uẩn ức của gia đình bạn. Muốn cắt ngang câu chuyện tướng số nhất định là không xong!
Những người đeo đuổi về tướng số có khá đông, trong số đó có những đấng tai to mặt lớn. Đôi ba anh tướng đang chờ cách mạng thêm xem mình có cơ hội chớp được chức chủ tịch hay Ủy Ban lảnh Đạo Quốc Gia. vài anh bộ trưởng muốn xem bao giờ mình được chuyển sang làm bộ kinh tế, tất nhiên là có cả những em me Mỹ đang muốn chuyển nghề lấy chồng dân biểu, nghị sĩ... Có lần nhân lúc hứng đang ngồi trong một quán "la-de ôm" ở đường Trương Tấn Bửu. Tiến hỏi tôi có biết nữ ký giả A không? Tôi trả lời là có, một ký giả đang lên, đẹp không xuất sắc lắm nhưng có nhiều bồ trong giới tai to mặt lớn. Tiến kể cho tôi là cô A có nhờ người giới thiệu với Tiến để coi xem cô ta làm ăn ra làm sao. Người giới thiệu cô ta hiện là xếp trong sở của Tiến, nể quá Tiến phải nhận lời. Tiến kể rằng lộ tướng của cô ta không có gì đáng chú ý, nhưng ẩn tướng (đây là biệt tài của Tiến) Tiến để ý thấy một chuyện lạ, cái chuyện lạ này đã giải thích tại làm sao một người con gái có cái nhan sắc trung bình lại có thể được coi là thơm tho đến độ được chuyền từ tay hết ông lớn nầy đến ông bự nọ. Ấy chính là vì ở cái "chổ kín" của cô ta có tiết ra một chất có mùi thơm như là xạ-hương cực kỳ quyến rũ khi tác dụng vào khứu giác đàn ông. Tiến còn cảm khái là tạo hóa thiết trí các hạch tuyến bài tiết trong cơ thể con người là chỉ để tống những chất cặn bả khó thương, không cần thiết cho cơ thể ra ngoài, "đàng này cái ấy của cô ta nó lại thơm mới đểu chứ! Của trời cho ấy đem ra khai thác thì kiếm bạc triệu như bỡn! "Thoạt nghe, tôi nghĩ là Tiến nói chơi thôi vì trông thấy rỏ cái "ẩn tướng" đó là điều khó quan niệm nổi, lại ngoài cái khả năng của Tiến cho nên tôi phạng ngay: "Mẹ kiếp, ông chỉ phét lác, mấy vị thượng quan kia chưa chắc gì đã phát giác nổi cái hương thơm kia nó từ đâu tới nửa là ông!"
Nói lại cái thuở bắt đầu chơi với Tiến, tôi là đứa cứng cổ không thích tướng số, nhưng tôi ưa Tiến vì tính tình phóng khoáng, nghệ sĩ của anh ta. Chấp nhận là bạn trong một thứ định nghĩa cực đoan gọi là "bạn hỉu", cái thứ bạn không có gì là của tôi, của anh, lúc nào cũng hết mình, tốt xấu, tệ hại cũng không cần thắc mắc, ới một cái là có mặt. Bắt gặp cái nhìn ngần ngại nó đã biết mình nghĩ gì, chưa nói hết câu nó đã hiểu mình muốn nói gì... Tiến là mẫu người như vậy. Vậy mà tôi phải nhờ một chuyện tướng số giữa Tiến và tôi, phải đợi tới mười năm trời, sau lần gặp gỡ ấy, tôi mới nhìn nhận là Tiến có "nghề", tôi mới chịu phục Tiến một cách thấm thía.
Saigòn những ngày cuối cuộc chiến không khí cực kỳ nóng bỏng, một buổi chiều Tiến và tôi vào nhà hàng Continental ở đường Tự Do. Ăn xong, trời oi bức, người bồi bàn mời chúng tôi ra khoảng vườn có những bụi cây cắt tỉa công phu ở phía sau dùng tráng miệng. Đột nhiên Tiến nhìn tôi bảo: "Này cậu, moa hỏi thật có bao giờ cậu để ý coi dưới gan bàn chân của cậu, có ít nhất là ba nốt ruồi không? Cậu phải đi nhiều lắm!" Cái vô duyên là tôi nhận ra Tiến nổi hứng bất tử trong khi tôi đầu óc cứ vấn vương về chuyện ban hữu, nước non! Tôi nghĩ bụng một cách hài hước - chắc cha này lại "dựa nhời". Hắn biết công việc, chức vụ của tôi một tháng chỉ có mặt ở Saigòn cỡ một đến hai tuần lễ, tôi chả đi nhiều thế chó nào được! Còn chuyện gan bàn chân của một thằng bé suốt tuổi thiếu thời, nào ở quê nhà chạy nhảy nô đùa bờ sông quán chợ mà lại chẳng bị năm bảy vết sẹo, đôi ba nốt đen!
Tôi quên câu chuyện của Tiến với những nốt ruồi ở gan bàn chân cho tới ngày tôi nằm dài trong trại tị nạn ở đảo Wake, với nổi nhớ thương chồng chất tan hoang cùng với một cơ thể rã rời tiều tụy. Một hôm nhà tôi hoảng hồn: - Chết rồi! anh ơi, dưới gan bàn chân của anh có tới năm nốt ruồi lận! Mà một cái lại là nốt ruồi son! Như vậy là suốt đời anh sẽ lang thang trên trái đất!
Của đáng tội thì số tôi lận đận thật. Hồi đất nước chia đôi, cậu bé mười một mười hai tuổi đã phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để khăn gói quả mướp leo lên tàu há mồm của Mỹ ở vịnh Hạ Long để đi vào miền Nam tị nạn chính trị! Hành trang bấy giờ của tôi chỉ vỏn vẹn một túi vải nâu, ở trong đựng cuốn thông tín bạ lớp nhất với mấy cuốn sách phần thưởng cuối niên học năm ấy. Tôi nhớ mang máng là tôi đi vào Nam với một tâm hồn của người đi "tân thế giới" mặc dầu tôi chẳng biết tân thế giới nó ra làm sao! Tôi không xây được mộng đẹp ở miền Nam vì thế hệ chúng tôi bị bó buộc vào một cuộc buôn bán máu xương. Vết thương của những cuộc chém giết trên người tôi nay đã khỏi, nhưng hãy còn đau, đau vì những hy sinh thịt xương của những người đã chết, của những người "chơi bạc thật" như tôi bị lừa bịp đã trở thành vô ích!
Và bây giờ tôi đang ở đây, không hạnh phúc. Thật ra tôi đã thực hiện rất nhiều cuộc hành trình trong đời tôi, nhưng xem ra cuộc hành trình nào cũng mang tính cách bó buộc và có lý do chính trị cả! Cậu bé ngày xưa trong cuộc di cư với hành trang vụng dại đúng hai chục năm sau lại đeo túi hành lý lên vai với vài hộp sữa đặc, một chiếc bình thủy nước nóng, một ít tã vải với hai nhóc con trên tay đi quá nửa vòng trái đất, sang bên kia bờ Thái Bình Dương, thực ra chỉ để thực thi cái định mệnh trong câu tướng số của người bạn cũ! Đôi khi cuộc sống vất vã với nhiều bất bình này, tôi đâm nghi là minh sẽ phải còn làm những cuộc hành trình tương tự khác! Lời chạy tội nào để tránh cho tôi những dằn vặt vì đã chia sớt miếng đỉnh chung của quê hương mà đành lòng bỏ đi quên cả anh em bè bạn. Tôi yên vui sao được khi tôi đang sống trong một xã hội thùa thãi thịt cơm mà những người ruột thịt còn đang bỏn từng miếng ăn? Tôi ở đây nhưng linh hồn tôi vẫn cỏn ở bên ấy. Tôi mong những dêm về để thấy lại bạn bè củ, để ngắm lại một dòng sông xưa thao thức chảy suốt buổi thiếu thời trong cơn mộng mị. Hạnh phúc làm sao được khi vợ tôi phải đội tuyết đi hết cả vài trăm cây số để mua một bó rau đay, một vài pap cà pháo mà giá cả đắt hơn nhiều lần thịt cá, chỉ là ăn để đở nhớ nhà! Lỗi ấy đâu có phải vì tôi không thể quên canh rau cá muối mà tôi đã sống mấy chục năm!
Tôi trách làm sao được những người bạn mới ở quốc gia này, họ thật tình muốn chia sẽ với tôi những tập quán, ước mơ, và thức ăn của họ. Tôi chê trách làm sao được khi một quốc gia giàu lòng tốt nầy giang tay chấp nhận tôi với mọi thứ cơ hội sẵn có! Đó mới đích thực là thảm kịch nội tâm nơi nhũng người Viet Nam đã nặng nề quá khứ, đã ăn cơm ở những đồng lúa Cữu Long, đã uống nước từ những dòng phù sa ngọt mát, lưỡi đã cứng vì quen nói lời khẳng khái, vì vị mặn của nước mắm Phan Thiết, Hà Tiên! Đó là thân phận! Đó là bi thảm
Không ai cấm tôi đang sống trên những giàu sang văn minh nhân loại mà tâm hồn thì cứ triũ nặng nhớ thương nghèo khó quê xưa. Tôi vẫn còn say sưa những phút lên đường đây đó, nắng gió giang hồ vẫn còn là một mời gọi tha thiết trong tôi, nhưng tôi đâu còn tìm thấy được cái thao thức diu dàng một buổi sớm mai rời thành phố ngủ yên, đi về những miển quê hương thân yêu lúc nào cũng có tiếng mời, tiếng chào cùng vòng tay ấm áp nồng nàn, tận hưởng cái không khí thơm nồng của mùa hè trên sông Hương ở quán 242, ngồi yên trong cái quán vắng ở Lâm Đồng, nghe cái dê mê của khói thuốc thấm dần vào cơ thể, hoặc là một chiều mưa giớ ở quán Thiên Thai trên con lạch bên đường dẫn vào thị xã Long Xuyên và con say làm gẫy đổ cả màu sắc, hình hài... để rồi một hôm thấy mình ngồi gọn trong một chuyến xe đò cọc cạch trở về thành phố tâm hồn quạnh quẻ bình yên. Ngay nay tôi đi qua những xa lộ dài tính bằng những ngày xe chạy, những khoảng cách tính bằng nhũng múi giờ khác biệt, qua những sa mạc dài hay những đô thị mênh mông, những kỳ quan thiên nhiên hay những công trình sáng tạo vĩ đại của con người. Một cach công bằng: Xứ sở này tráng lệ, hùng vĩ, nhưng sao tâm hồn tôi nghe ra vẫn bơ vơ, hững hờ! Tâm sự của tôi là tâm sự của một kẻ ở nhờ! Núi sông đất nước này tôi không thể tìm thấy dấu vết gì những đóng góp của mình, của tổ tiên mình để mà tự hào, không có cái gì gọi là "của tôi" thân yêu như ở quê nhà. Phải chăng những buồn bã, lẻ loi trong tâm hồn tôi còn là vì ngày nay tôi vẫn còn đang mang nhiều mặc cảm: Mặc cảm tự khinh: Tôi đã bỏ đi vì lý do riêng mình mà đáng ra tôi phải ở lại, phải ăn chiụ với số phận Quê Hương. Nếu bảo là tôi may mắn thì chúng ta phải nói thế nào về những ngưởi còn ở lại, còn đang chiến đấu trong những điều kiện cùng cực! Rồi mai ngày đất nước bình yên, tiệc sẽ dọn sẳn, chúng ta có còn đủ can đảm trở về ngồi vào mâm cổ mà chia phần xôi thịt!
Mặc cảm bị chế nhạo khinh khi cho nên bất cứ một sự xúc phạm nào đến Việt Nam dù vô tình cũng làm tôi đau khổ, day dứt: Đừng chụp hình gởi về Việt Nam với những bầy con ô-vờ-uết mặc đồ xeo ở Kê-Mạc đứng bên những chiếc xe hơi dễ mua hơn cả một chiếc xe đạp ở Việt Nam. Đừng kể bên này thịt cá đổ đi với những người đang chết đói. Đừng khoe chúng ta đang "đào được mỏ vàng" bên Mỹ trước những người đã mất hết niềm tin! Như thế là nhẩn tâm, tàn ác!.
Nghĩ đến thân phận những người Việt Nam di cư tôi sực nhớ lại cái quan cảnh "bán con" ngày xưa ở quê tôi. Quê đẻ tôi là một làng nhỏ bé miền duyên hải tỉnh Ninh Bình. Dân chúng sống bằng nghề nông, sự thăng trầm của đời sống dân quê tuỳ thuộc vào hai vụ lúa chiêm và mùa mỗi năm. Gặp năm bão lụt như kỳ "bảy ngày ba bão" mất mùa tình cảnh nghèo đói đã dồn dân quê đến cùng đường. Phiên chợ ở nhà quê thường xãy ra một tháng hai lần để dân làng và những làng lân cận ra chợ phiên. Ngoài chuyện buôn bán đổi chác các dịch vụ thông thường, có những bà mẹ ốm đói dẫn những đứa trẻ rách rưới tả tơi tuổi trạc mười một mười hai ra chợ phiên bày bán như người ta bán chó mèo, gà vịt... Cuộc buôn bán mặc cả diễn ra một cách thản nhiên giũa những bà mẹ tội nghiệp không còn đủ gạo nuôi con với những tên phú hộ lợi dụng mua người làm con ở, ngã giá nhiều khi một em bé gái còn rẻ hơn một cặp lợn con! Cảnh chia ly giữa người mẹ muốn cứu sống con với những đứa trẻ run rẩy sợ hãi trong tay người lạ lôi đi. Không có lời lẽ, ngôn ngữ gì của bất cứ một văn hào Tây Ta có thể mô tã nổi! Hồi gia đình tôi còn định cư ở miền Bắc nước Mỹ: tỉnh nhỏ, ít người Việt Nam nên người địa phuong rất quí mình. Nhà thờ bảo trợ lo lắng thật chu đáo cho người tỵ nạn. Mối liên hệ rất mật thiết, và vì vậy theo đúng luật định, chúng tôi đã trở thành công dân Mỹ sau năm năm định cư. Quang cảnh ngày tuyên thệ thật nghiêm trang diễn ra tại toà án, có sự chứng kiến của các vị quan toà và ở dưới hàng ghế kia là các đoàn thể, học sinh, và vài chục người trong nhà thờ bảo trợ chứng kiến. Lễ tuyên thệ diễn ra lần lượt từng gia đình một. Trên môi mọi người đầy ắp tiếng cầu chúc vui mừng cùng những bộ mặt hoan hỉ tươi vui. Đến lượt tên tôi được kêu lên bục cao trước mọi người, đột nhiên tôi cảm thấy ngần ngại khôn tả: Tôi phải đối diện một sự thật đau lòng: quan cảnh bán con ngày xưa hiện về trong trí nhớ. Như thế là tôi đã rời bỏ bà mẹ nghèo khổ Viet Nam, người mẹ đau khổ rách rưới đã sanh thành và nuôi nấng tôi bao nhiêu năm đằng đẳng, những muốn cho tôi sung sướng hạnh phúc nhưng đành bất lực. Người mẹ ấy đang gạt nước mắt đành ở lại vùng đất chết mọi hy vọng, không ngày mai, đưa tay vẫy gọi một cách tuyệt vọng những đứa con lang thang vào miền cách trở muôn trùng. Tôi suýt bật thành tiếng khóc giữa con bão tố ở trong lòng muốn phá tung mọi dồn nén đang biến thành trận cuồng phá vỡ bờ. Mắt tôi nhoà lệ. Phải cố gắng cực độ tôi mới có thể nuốt giòng nước mắt ngược xuống cổ họng mặn đắng. Tôi nhìn xuống hàng ghế những người bảo trợ. Họ đang vỗ tay reo mừng vì đã làm một kẻ thiếu quê hương trở nên một thứ công dân hùng mạnh nhất thế giới.
Bây giờ tôi đang ở Cali. Những náo nức của một cuộc đổi đời, những hăm hở nơi vùng đất lạ lúc đầu đã hết, tôi nghe tâm hồn mình chìm xuống và nỗi thao thức bồn chồn của một tâm trạng chờ đợi dấy lên, mặc dầu tôi không cắt nghĩa nỗi là mình chờ đợi cái gì nơi xứ sở bình yên và đời sống được bảo vệ an toàn tối đa này, tôi đâm thèm cái không khí Sàigòn cũ, mỗi phút sống là mỗi đam mê cực độ, cho dù cuộc sống ấy chứa chất nhiều may rủi bất trắc. Cuộc sống ấy mang sinh khí với rất nhiều cơ hội đổi thay, và cuộc đời không khi nào rơi vào nhàm chán. Tôi nhớ luôn cái phong thái của người mình, sống giữa những đe dọạ chết chóc vẫn lạc quan yêu đời. Ở thành phố buổi sáng sau đêm pháo kích, ngồi trong quán cà-phê nghe mạng sống bị rình rập, dù trong lúc chán chường đột nhiên mình vùng dậy muốn sống. Ở thôn quê hẻo lánh, mỗi bước đi có thể gặp mìn bẫy, cũng có thể ở đâu đó, mũi súng vô tình nào đang ngắm vào đầu, mình mới thấy mạng sống là quí báu ngọc ngà.
Buổi chiều đi làm về, tôi thường ngồi trên gác vắng nhìn ra của sổ, núi đồi Milpitas hiện chập chùng ở đằng xa, tôi gặp lại sự bình yên của tâm hồn với những giấc mơ đi xa, đối diện với nỗi cô đơn sừng sửng hay tự dằn vặt mình vì những lầm lỡ quá khứ. Nằm trên ghế mơ màng, bắt gặp lại một hình bóng cũ, một xúc động xưa, cũng có thể là quan cảnh nghèo đói của một cái quận lỵ miền Trung, những hố bom ở Tiên Trà hay những vết thương còn đỏ máu ở thành Nội. Nhưng bất chợt quen thuộc nghe thương lạ !
Mai kia tôi sẽ già. Tôi ước mong tôi còn được trở về Quê Hương. Tôi không muốn làm đồ phế thải bị bỏ quên ở những bãi xe hơi cũ ngoại ô thành phố. Nếu điều bất hạnh lớn nhất và cuối cùng xẩy ra, một ngày kia tôi phải chết ở đây, nếu quả rằng sau kiếp sống này một cuộc tái sinh còn tiếp diễn thì:
Xin cho tôi được về quê cũ !
Xin cho tôi làm người VIỆT NAM !

Nguyễn Định