Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

Nhạc - Thơ - Văn Trái sầu riêng vườn bên


Em Bỏ Dòng Sông - Thùy Trang

   

Trái sầu vương vấn
Ra đi bỏ lại một dòng sông,
Bỏ lại mênh mông cả cánh đồng....
Trái sầu riêng chín rơi lặng lẽ,
Tình buồn tình chẳng hoá hư không
?!

Duyên nợ đưa ta đến với nhau,   
Ngỡ đâu tình ái nhuốm thương đau... 
 Nào ngờ người vướng vào oan trái, 
Sầu riêng se kết mối duyên đầu ! 

Sóng cả đưa ta xa chốn quê
 Đêm nằm mộng mị tỉnh như mê... 
Thương em cố giữ tình yêu cũ, 
Cùng tiếng sầu rơi giữa đêm về !!
NM

Trái Sầu Riêng Vườn Bên 

Sau cái ngày đó, độ mấy tháng sau ông bà Hai Long về vườn ở. Miếng đất nằm ở An Mỹ cách chợ quận Kế Sách không có bao xa, độ bốn năm cây số, lội bộ hơn một tiếng đồng hồ là cùng. Nói vậy chớ bọn con cháu đâu có đứa nào dám để ổng đi bộ. Lâu lâu ngó chừng sắp hết trà hết thuốc và cũng lấy cớ đi mua mấy thứ cần dùng khác ông lại ra trụ ở ngôi nhà ngoài chợ ít hôm. Lần nào đi thì cũng có bà Hai tháp tùng theo ông. Làm như cái mùi chợ búa cùng những tiếng động ồn ào sáng sáng chiều chiều mấy chục năm nay đã làm quen mũi quen tai ông,đi xa lại nhớ. Mỗi lần như vậy bọn con cháu ông thường chèo ghe đưa ông về ngoải hoặc cùng lắm thì ngoắc một người quen lại cho ông quá giang

 Nhớ lại mấy đêm đầu về lại miếng vườn cũ ông hai Long không tài nào ngủ được. Ông ghiền tiếng động nhớ cái ồn ào nói cười ngoài chợ dù trên bến trước nhà ông bây giờ cũng có tiếng mái chèo khua nước rộn ràng. Buổi sáng buổi trưa cũng có tiếng đò máy nổ xình xịt. Lâu lâu cũng có tiếng người ơi ới gọi nhau mà sao nghe có hơi là lạ. Ông thường nói với bà hai. Sao vườn tượt gì mà im ắng quá bà. Rồi ông lại tự nhủ thầm, hồi trước mình cũng lập ra miếng vườn này mà. Hồi đó nó còn âm u hẻo lánh hơn nhiều mà sao mình không nhận ra. Hay là tại hồi đó thời trai trẻ dể ăn dể ngủ. Đêm nay cũng vậy trằn trọc hoài ông bật dậy sớm hơn mọi khi nhóm lửa bằng mớ lá dừa nấu ấm nước pha trà. Chờ ly trà bớt nóng ông ngồi vấn thuốc bên cạnh cái bàn tròn làm bằng gỗ cây soài lão sau vườn, bên trên treo cây đèn cóc đốt bằng dầu lửa. Ông thường lầm bầm với bà Hai: từ ngày họ về thành dầu lửa tự nhiên khan hiếm, có nhà không có dầu mà đốt đèn. Cơ khổ thiệt. Ở xứ người ta xài đèn điện mà dân mình không có dầu cho cây đèn cóc. Người ta phải đi lượm trái mù u giả nát cho tươm dầu rồi nhúng tim đèn hay vải thô vô đó mà đốt cho có chút ánh sáng kịp khi tối trời. Ông hai nhớ lại cây soài lão nó ngã cũng vì một trái pháo của họ ở bên trong đi lạc. Hồi đó họ bắn ra định phá đồn nghĩa quân. Thì ráng chịu thôi chớ biết kiếm ai mà khiếu nại thưa gởi gì. Mà có khi còn thêm mang họa vào thân. Lúc nghe tin đó bà Hai hỏi bâng quơ, không biết mấy cây sầu riêng ở giữa liếp có sao không? 
Bà hai Long nghe tiếng ly tách chạm nhau cùng mùi khói quen quen nên cũng dậy theo, bà ngồi nhai trầu. Cái tật của bà lâu nay, dậy lúc nào là nhai trầu lúc nấy. Cả hai ông bà không ai nói ai nhưng cùng ngồi nhớ ngôi nhà ngoài chợ. Có lẽ giờ này cũng sắp tới giờ ghe xuồng tụ về bến chợ gần nhà ông. Cái quán cốc bán cà phê sát mé sông chắc cũng đang củi lửa bắt đầu cho một ngày kiếm sống. Lại thêm tiếng ồn ào của nấy bà bạn hàng trên chiếc tàu chở khách, cả một góc chợ cũng đang thức dậy theo. Uống hết ly trà vừa dụi tàn thuốc ông Hai nói. 
-Thôi sáng này tôi với bà về ngoải vài bửa nghe.
Bà hai Long ở sau bếp vừa cười vừa nói vọng lên.
-Chắc là ông nhớ chợ nữa rồi phải không?Mà đi đâu thì cũng phải chờ nấu chút cơm dằn bụng cho chắc ông ơi.
Ngừng một chút bà lại tiếp,
-Với lại tôi còn soạn mớ áo quần rồi mới đi đâu thì đi.
Hôm ông bà hai Long về lại ngôi nhà trên chợ,thì cậu Út Liêm con trai út của ông bà rủ tôi ra vườn chơi
 Đây không phải là lần đầu tiên tôi ngủ đêm lại nhà người quen ở miệt vườn. Hồi những năm đầu bảy mươi dù chiến tranh có leo thang nhưng làng xóm ở đây vẫn còn yên ổn thanh bình. Nhà có người đi bên này bên kia nhưng cuộc sống vẫn sung túc không ai bận tâm tới miếng ăn miếng mặc hàng ngày. Có lần tôi qua thăm phụ huynh mấy em học trò bên cồn Quốc Gia rồi ngủ đêm lại đó. Chạng vạng đã nghe tiếng đàn lục huyền văng vẳng ở đầu cồn. Tiếng xuồng ghe cọ nhau dọc trên bến đò,tiếng mái chèo đưa đẩy. Lẩn trong tiếng lá cây khua có tiếng lào xào nói cười của một đám thanh niên đang ngồi uống ruợu. Bẳng đi một hồi không nghe động tịnh gì tôi tưởng họ đã ai về nhà nấy. Bổng đâu có tiếng ngân lên nhè nhẹ nhưng mượt mà mấy câu nói lối. Từng chữ từng lời như những con sóng nhỏ đang đùa theo nhau vổ bờ. Rồi cái xuống câu vọng cổ muồi mẫn của anh chàng đi gánh nước giữa đêm trăng. Út trà Ôn mà nghe được chắc phải giật mình. Người con gái đã ra đi không chờ không đợi. Hay là tại chờ người con trai, ông bạn tình của mình lâu quá mà hổng thấy. Tiếng vổ tay vang lên. Tôi có cảm giác nghe đươc tiếng khà của họ khi cạn những ly rượu đế mạnh đến độ có thể bật lửa đốt nướng những con khô mực. Nữa đêm trở mình nghe tiếng sóng vổ quanh bờ bao ngạn. Tiếng sóng êm êm bền bỉ như chuyện vợ chồng của người miệt vườn. Cứ tưởng mình đang nằm trên một chiếc thuyền trôi bềnh bồng theo sông nước...
Trời còn mờ sáng mà chim chìa vôi đã hót sau vườn, mùa này cam quít chín. Mùi đất bùn phù sa mùi lá mùi hoa trái quyện vào nhau thành một thứ miệt vườn hương đưa ngào ngạt mà thanh tịnh vô cùng... 
Út Liêm ghé chợ mua ít thuốc vấn ít trà rồi chúng tôi nhắm hướng vườn mà lội. Liêm là con trai Út của bác Hai Long, chủ ngôi nhà tôi ở trọ đi dạy học. Hồi mới về chợ quận này tôi cũng từng dọn nhà nhiều lần. Chợ quận nhỏ không dể gì tìm một nơi trọ ưng ý. Lần cuối trọ ở nhà Út Liêm cho tới ngày sân trường bị đổi màu cờ. Ngôi nhà trọ nằm bên kia con sông nhỏ nhìn qua chợ quận. Từ đây con sông chảy dài tới xã Vũng Thơm kế cận. Nhiều cây cầu đúc cầu khỉ bắt qua sông để cư dân bên này sông qua lại. Để chiều chiều có những anh chàng ngồi trên thành cầu mà ngó mông lung. Hồi mới về, bà hai, má Liêm dẩn tôi đi một vòng để làm quen căn nhà và chỉ tôi cái bộ ván phía trước nhà, nơi có cái tủ thờ và một bàn uống nước để tiếp khách. Tôi nghỉ thầm nhờ cái bàn này tôi có chổ ngồi chấm bài vở cho học trò.
-Chú giáo nghỉ ở đây nghe. 
Vừa nói bà hai vừa chỉ bộ ngựa mà sau này tôi biết làm bằng cây mù u. Tôi gật đầu dạ. Có điều tôi thấy lạ là bác hai Long không xài cửa trước mà ai ai tới nhà cũng đều đi vô cửa sau. Cô Tư người hàng xóm nói nhỏ với tôi là bà Hai sợ trộm cướp, mở nhiều cửa khó coi chừng kẻ gian.
-Thầy thấy hôn bà Hai có vườn nè có nhà cho mướn nè rồi còn cho vay nữa, tiền để đâu cho hết.
Cô Tư là má của Khâm và Cẩm Nang, hai em học trò bên trường tôi.
Một buổi trưa nhà vắng mà xung quanh cũng thật là lặng lẻ. Đi dạy về định vô nhà thì chợt có luồng gió mạnh làm bật tung cánh cửa của một cái chái nằm đối diện cửa nhà sau. Bên trong hiện ra một cái mùng trắng vàng ố bay phất phơ lành lạnh. Tôi thấy lờ mờ một vật đen đen nằm trong đó. Tôi muốn bỏ đi cho nhanh theo phản xạ thường có nhưng tự nhiên chân bị dính cứng dưới nền xi măng. Hình ảnh những chuyện liêu trai những yêu ma kỳ nữ xiêm áo rộn ràng giữa đêm trăng, những người nữ đi mà như bay lấp ló bên thư phòng của anh học trò nghèo đang miệt mài kinh sử vụt hiện về nhanh như chớp. Không lẽ ma quái hiện giữa ban ngày. Chợt có tiếng bà Hai. Chú giáo về đó hả? Tôi tỉnh hồn. Vừa bước ra thấy tôi bà Hai dường như hiểu ý Bà cười chỉ vô phía chái.
-Đó là hai cái thọ của hai vợ chồng tui. Sắm sẵn cũng hơn chục năm rồi. Hôm trước quên không cho chú giáo biết. 
Từ đó lúc nào vui miệng bà Hai lại nhắc chuyện này với người thân quen khi họ tới nhà chơi. Nằm trên bộ ngựa nghe lén câu chuyện trên nhiều khi tôi mắc cở một mình
Nắng đã lên lấp lánh trên những khu vườn. Mới hơn một năm mà cảnh vật con người như già đi nhiều. Con đường này tôi từng đi qua lại nhiều lần. Mỗi lần thấy cam quit thơm,mận đỏ chín chở đầy trên sông trên bến thì dù mưa gió gì cũng có em rủ chúng tôi tới vườn chơi. Mấy cô giáo không quen lội sình mới đầu còn ngần ngại khi đứng nhìn mấy cái cầu khỉ bằng tre, cau mùa mưa trơn trợt. Sau này quen nhiều cô rất tự tin qua cầu mà không sợ gió bay. Có một lần phụ huynh mời đám cưới vào đúng dịp cuối tuần, thầy cô giáo ngồi chật cứng một bàn. 
Ngang qua đồn cũ lô nhô mấy cái nón tai bèo. Họ không thay đổi gì ngoài ngọn cờ và cái bảng đỏ chữ vàng. Gặp vài em học trò cũ đã nghỉ học, dù tuổi các em chưa tới lúc phải rời ghế nhà trường. Những đôi mắt cũ chào nhau gặp chung một nỗi buồn. Tôi cũng gặp lại một em học rất giỏi rất ngoan, hứa hẹn có một tương lai rực rở sau này. Mấy cô đều tiếc cho em khi biết em phải nghỉ học vì gia đình túng thiếu. Tuổi thơ mộng của chúng mất hết rồi. Mất một cách nhanh chóng như cơn địa chấn vụt qua và chỉ còn dấu vết là những hoang tàn đổ nát.
Ngôi nhà Út Liêm nằm hơi sâu trên miếng đất vườn. Thấp thoáng dưới bến bên nhà hàng xóm bóng một cô gái đang đẩy ghe ra chèo đi, cái lưng áo bà ba đong đưa theo nhịp chèo,bến sông như ấm hơn lên. Liêm nhìn theo, quay qua nói với tôi.
-Cô Đọt đó anh, em quen hơn nửa năm nay, nhà kế bên mình.
Tôi chọc. Hèn gì lâu nay Út Liêm cứ hay về ở vườn.
Út Liêm cười nhẹ không trả lời.
Trước sân nhà còn ngổn ngang đủ thứ. Mấy ông anh của Liêm từ Sài gon về sống thử không bao lâu đã bỏ chạy. Út Liêm kể:
-Anh biết không hôm mới về anh ba xin má em hai công vườn. Anh vẻ đủ thứ cây trái loại ngắn hạn loại dài ngày, nhưng rớ vô mấy tháng thì chán. Mà ảnh sống sao nổi với tụi này anh.
-Sao vậy?
-Cứ vài bửa là nó tới hỏi này hỏi nọ, giấy tờ thuế má, chưa kể họp hành học tập, chán quá ảnh dong về Saigòn luôn. Anh thấy đó đồ đạc ảnh mua sắm bỏ lại đầy vườn.

Buổi trưa xế bóng, những liếp vườn mát rượi lá lay nhẹ như cười nói với khách bởi từ nhiều năm qua đã vắng tiếng chân người đến. Những năm tháng giặc giả ba má Liêm chưa từng về lại miếng vườn. Bỏ thí cho mấy người quen trông coi. Trải manh đệm dưới góc soài vừa nhâm nhi trà vừa quấn thuốc hút. Út Liêm chỉ tay cho tôi nhìn qua vườn bên,những trái sầu riêng đong đưa mĩm cười, năm nay chắc sầu riêng trúng mùa. Tôi chợt nhớ cây sầu riêng nhà một em học trò bên cồn Quốc gia. Vườn em có một cây sầu riêng trái nhỏ hình dạng như trái cà na chẻ ra chỉ vài ba múi mà thơm ngon nổi tiếng. Ông ngoại của em này rất hãnh diện về cây sầu riêng của mình. Rồi cũng một mùa sầu riêng khác thầy Chính, hiệu trưởng tiểu học Kế Sách rủ bọn tôi là mấy anh em độc thân ở xa ở trọ tới nhà thầy chơi. Mấy đứa con thầy là học trò bên trung học của bọn tôi. Chỉ mấy cây mà chiếm cả một liếp vườn. Sầu riêng chín dường như chỉ rụng về đêm. Trái chín rụng mới ngon. Giữa trưa leo lên cây hái một trái sầu riêng mới thấy hết những hình ảnh thơ mộng của một vườn sầu riêng miệt Kế Sách. Trái mới hái dẩu vừa chín tới nhưng cũng chưa đậm đà bằng trái chín rụng. Có lần một cô giáo trường tôi thấy ghe chở sầu riêng ghé lại bến sông lại đọc với mấy cô bạn nho nhỏ câu thơ :”Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi. ”.. Kịp lúc đó ông Tổng dạy Việt văn vốn là người địa phương nghe được nên chọc
-Trái sầu này ăn ngon lắm cô.
Làm cô giáo nọ, mới ra trường, mắc cở đỏ mặt. Thấy vậy ông xoa dịu.
-Hôm nào tôi mời hết mấy cô đi vườn sầu riêng cho biết.
-Thầy hứa đó nghen. Cám ơn thầy. Nhứt định tụi em sẽ đi.
Hết chung trà tôi hỏi Liêm
-Sao không tính chuyện cưới vợ rồi về vườn ở luôn, em là con Út trông coi miếng vườn này chớ ai vô đây.
-Em chưa quyết định, mà em thấy dường như em không hợp với vườn. Nhứt là cái không khí quá im lìm của những buổi chiều ở đây. Anh thấy vậy đó, về chơi ít ngày hay ít tuần thì được, chớ ở luôn em không chắc mình chịu nổi.
-Chuyện cô Đọt thì tính sao?
-Em biết cổ thương em, ba má cổ, cả nhà ai cũng mến em. Ba má em thì cho em tự chọn lựa.
-Vậy thì được rồi.
Liêm cười
-Anh nói...
-Suy nghỉ nhiều cho nhức đầu, cưới vợ là êm hết chuyện.
Liêm lại cười thêm
-Anh về cưới vợ thế là xong hả?
-Chớ tính đường nào bi giờ?
Liêm hít một hơi dài phà khói rồi hỏi tôi như chờ một quyết định cho những bối rối chưa trả lời được. Liêm nói chậm từng chữ một.
-Theo anh nghỉ nhe, bây giờ em cưới vợ rồi chôn chân trên miếng vườn này. Cứ mỗi năm nạp tiền thuế má cho họ như là tiền mãi lộ trong truyện tàu hồi xưa. Anh cũng biết đó, họ đánh thuế đâu có theo luật lệ tiêu chuẩn nào, cố tình đánh cho mình không chịu nổi, cho mình bỏ đi.
Tôi chưa trả lời thì Liêm kề tai tôi tiếp
-Sự thật là em muốn đi.
Tôi nhìn quanh quẩn như sợ có người nghe được. Liêm lại tiếp
-Em thấy họ đâu cần mình, họ cần cái mình làm ra, cái tài sản đất đai của mình thôi. Anh biết đó mấy người anh của em từ Saigòn về chưa đầy một năm đã bỏ chạy. Em biết ở Saìgòn chật vật lắm nhưng gần mặt trời có hơi ấm tự do từ những người khách ngoại quốc mang lại cũng đở hơn.
Còn anh thì sao? Mấy chục đồng một tháng em thấy tội quá. Mình em ăn cơm nhà, má em cho mỗi tháng còn hơn lương mấy anh mà em còn thấy thiếu hoài.
Tôi im lặng không trả lời Út Liêm mà hỏi tiếp
-Em tính sao chớ tội nghiệp cho cô gái nhà bên.
-Cái đó làm em mất ngủ nhiều đêm. Mình em chưa xong, cưu mang thêm cô ấy, em lo quá.
-Sao không bàn với hai bác?
-Em nợ ba má em nhiều rồi không dám làm phiền thêm, dường như ông bà muốn em cưới vợ. Nhưng mà... Liêm bỏ lững câu nói rồi quay qua hỏi tôi.
-Mà em thấy mấy cô giáo trọ nhà bác Ba Độ kế nhà mình ngoài chợ tản lạc hết, thấy buồn quá anh.
-Biết sao giờ
-Dường như cô Hồng dời qua nhà khác ở.
Cô Hồng dạy trường tôi, cũng cùng môn sinh vật thuộc khóa sau tôi nên chúng tôi thường chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm khi dạy học trò hoặc các bài vở trong sách giáo khoa. Hồng lại thích tìm hiểu về cây cỏ ở địa phương. Tôi thường giúp Hồng ép những mẫu cây cỏ mà chúng tôi cho là đặc thù ở vùng này, mà thực ra là những loài thông thường vùng châu thổ,hồi học ở Khoa học Cần Thơ chúng tôi đã biết qua rồi. Dù sao thì đó cũng là những mẫu cây đẹp mà Hồng còn giữ tới giờ. Biến cố tháng tư cũng làm chúng tôi tiến thoái lưỡng nan. Liêm biết chuyện tôi và cô Hồng. Chúng tôi cũng thường đứng nói chuyện hang giờ bên hàng rào xương rồng làm ranh giới giữa nhà bác hai Long và bác ba Độ. Hồng trọ bên đó với năm sáu cô giáo khác đều là người xa xứ. Những đêm ngồi trước thềm nhà nói chuyện tới khuya. Sau tháng tư con cháu bác ba Độ ở xa tụ về nên các cô giáo phải dọn đi,nhiều cô cũng bỏ nghề dạy học. Với Hồng bây giờ chắc không phải là lúc để nói chuyện xa xôi mà là nói chuyện gần, thật gần với đời sống hàng ngày. Nhà Hồng ở Cần thơ. Dường như ba Hồng đã mất việc, mấy đứa em Hồng còn đi học, má Hồng từ lâu nay vẫn chỉ là bà nội trợ. Thằng em trai đi lính pháo binh quận cũng đang nằm nhà. Trước đó nó cũng thường hay khóc đòi vợ. Hồng tự cho mình có trách nhiệm với gia đình về những lon gạo, những bó rau cho thời kỳ khó khăn hiện nay. Những lần gặp nhau ngắn ngủi sau này chúng tôi chỉ hỏi nhau về gia đình về những bạn bè đã tản lạc mà cố quên đi những gì còn ẩn sâu trong mắt nhau. Tôi đã bị đổi đi một ngôi trường xa. Đó là cách phân chia ly tán những người giáo viên cũ. Đò đi cách trở, từ đó về lại Kế Sách đôi khi mất nửa ngày. Hồng gầy hơn trước. Cái nốt ruồi son trên má hay ửng hồng mỗi khi e thẹn nay dường như đã héo hắt đi nhiều.  
Đêm xuống, cơm nước xong chúng tôi ngồi trước hàng ba treo cây đèn cóc trên cột cửa cái. Lại uống trà vấn thuốc rê đuổi muỗi. Tôi thấy trên gương mặt Út Liêm nhiều ưu tư thăm thẳm. Còn nhỏ tuổi mà ôm chi cái bệnh chán đời. Nói vậy chớ trong lòng tôi bao nhiêu ngổn ngang những bài toán tìm không ra đáp số. Bao nhiêu người đã”vận khứ anh hùng ẩm hận đa”. Một thầy giáo quèn như cỏ dại ven sông cũng bị chìm trong cơn lốc u hoài tối tăm của đất nước. Cũng may là chưa nặng nợ thê nhi. Càng khuya vườn tược càng âm u vắng lặng nhưng mỗi làn gió thoảng qua như những con sóng nhè nhẹ vổ theo ghe,là tiếng lá khua nhau êm đềm nhưng lại buồn bả làm sao. Nước đang ròng mương vườn chỉ còn chút nước dưới đáy. Út Liêm khơi thêm lửa cho bình trà thứ hai, nước vừa kêu ấm. Út Liêm mang bình trà từ bếp đi lên. Mới đặt xuống thì cơn gió mạnh tạt qua thổi tắt cây đèn cùng lúc chúng tôi nghe như có tiếng sầu riêng rụng đâu đây. Tôi thắp lại ngọn đèn. Có tiếng mở cửa nhà bên. Cô gái cầm đèn đi ra. Ngọn đèn hướng về phía chúng tôi. Út Liêm lên tiếng làm cô gái giật mình ngọn đèn trên tay cũng giật mình lung linh muốn tắt. Nhưng sau câu hỏi của Út Liêm ngọn đèn dường như sáng hơn một chút. 
-Đọt hả?
-Ủa anh Liêm về hồi em hổng hay.
-Mới hồi sáng này.
-Bửa nay em đi công chuyện suốt ngày.
Vừa nói Đọt vừa cầm đèn đi tới mương vườn chổ trái sầu riêng vừa rụng, nó nằm đó im lìm như chờ bàn tay ai, Đọt nhìn Út Liêm rồi chỉ xuống mương vườn nụ cười sáng trưng dưới ánh đèn dầu lửa lẩn hơi chút thẹn thùng.
-. Mai qua nhà em chơi nghe.
Út Liêm nhìn theo cho tới khi bóng Đọt khuất sau cánh cửa. Dường như Đọt muốn đi lẹ vô nhà. Có tiếng mẹ Đọt
-Phải sầu riêng rụng hôn? Trái lớn nhỏ con?
-Hổng phải má, con cũng tưởng vậy mà ra coi mới thấy dừa bị chuột ăn rớt xuống mương. 
Mười mấy năm sau một hôm đi làm về tôi nhận được thơ của Út Liêm từ Mỹ gởi qua. Quá vui mừng vì biết Liêm cũng vượt thoát được, có điều lá thơ nói quá sơ sài những chuyện tôi muốn biết. Kèm theo Liêm gởi tôi tấm hình chụp cả nhà hai vợ chồng hai cháu trai. Người đàn bà đứng kế bên Liêm làm tôi nhớ đôi mắt cô gái bên ngọn đèn cóc, năm xưa nhìn Liêm cười. Tôi viết thơ hỏi Liêm còn dặn nhớ trả lời cho rõ. Trong thâm tâm tôi muốn người đàn bà đó phải là cô Đọt chớ không phải là một người khác. Mấy tuần sau Út Liêm hồi âm. Lần này thơ viết dài hơn. 
  Anh K. 
Mấy năm sau ít thấy anh về lại Kế Sách rồi sau đó nghe tin anh đi. Lúc đó em nôn nao quá mà không làm gì được. Như anh biết sau tháng tư, anh hai của Đọt là trưởng đồn, bị nhốt tù mà chúng gọi là trại cải tạo. Chúng hành hạ tra tấn ảnh để trả thù vì trước đó mỗi lần nó đánh đồn anh hai Đọt là mỗi lần nó bỏ lại vài xác quanh rào kẽm gai. Rồi quá bực tức bọn quản giáo ảnh vượt ngục chẳng may bị bắt lại. Chắc anh cũng biết chuyện gì xẩy ra sau đó. Lần nào đi thăm Đọt và cả nhà đều khóc. Thằng trưởng trại tù thấy Đọt có nhan sắc nó cho tay chân tới dò la tìm cách tới lui và nó đưa ra một điều kiện mà nó gọi là một lối thoát êm đềm cho cả nhà. Trong lúc lo sợ má Đọt dường nhu lộ vẻ bằng lòng. Đọt thẳng thừng từ chối. Những đêm chán nản Đọt hay qua nhà ở với em. Có khi tụi em thức tới gần sáng. Đọt rủ em trốn đi cho nhanh. Cuối cùng em khuyên Đọt giả bộ bằng lòng, chờ anh hai được thả ra rồi sẽ tính sau. Rồi anh của Đọt được về với giấy tạm tha để về nhà trị bịnh. 
Thơ Út Liêm viết kể lể nhiều điều, tôi cố đọc lướt nhanh cho tới một đoạn chót: Anh biết không gần tới ngày đám cưới của Đọt với tên cai tù mà chuyến đi của tụi em chưa tính được. Lâu lâu bọn nó cũng tới nhà Đọt vừa thăm lom vừa rình mò. Đêm tới em lại bắt cái thang làm cầu cho Đọt qua mương vườn. Vì Đọt thích tới em bằng cái cầu đó. Tụi em định tới ngày tổ chức đám cưới mà không đi được sẽ bỏ trốn. Rồi một buổi sáng có người báo tin tên cai tù vừa mới chết đêm trước trong một cơn say rượu với đồng bọn, Nó tự làm nổ súng chết tại bàn nhậu.... Chuyện giống như là trong mơ, trong tiểu thuyết hả anh. Sau đó tụi em đi thoát được. Em tin là có một đấng linh thiêng đã phù hộ tụi em. 
Anh K. Đọt như anh thấy trong hình không khác xưa mấy về diện mạo bên ngoài, Nhưng trong tâm hồn Đọt đã nẩy mầm nhiều hạt giống mới, nhiều thay đổi có vẻ như Đọt muốn bắt kịp theo đời sống xã hội tân tiến này. một xã hội dư thừa vật chất. Đến nổi nhiều khi cắn đắng nhau em định xách gói ra đi. Nhưng cứ mỗi lần chân sắp bước ra khỏi cửa chợt em nghe như có tiếng trái sầu riêng rụng năm nào dưới mương vườn. Đôi mắt Đọt lại hiện ra sáng trưng. Nụ cười như trái cây chín bói. Đọt đã níu chân em lại. Nụ cười đó như còn nóng hổi trên tay em. 
Lâm Hảo Khôi
 
Nỗi "sầu riêng" cũng đã qua,
Vui niềm vui mới nhà nhà đổi thay....
Điện về ánh sáng tràn đầy,
"Khổ qua" cam chịu, mình đây riêng sầu !!
NM
 

Cây sầu riêng khổ qua

Đã hơn một tuần nay, chú Tư Hòa bỗng trở nên đổi tính lạ. Hễ đi đâu thì thôi, về đến nhà chú thường tỏ ra cau có, trầm tư, ít nói. Có khi, chú ngồi hàng giờ bên chiếc bàn tròn hút thuốc, uống trà vẻ đang suy nghĩ lung lắm về một điều gì đó chưa ra lẽ. Những khi như vậy, con Bé Ty cháu nội cưng của chú thường hay lân la đến vòi vĩnh, nhưng chú cũng chỉ ậm ừ cho qua chuyện mà không buồn nựng nịu hôn hít nó lấy một miếng. Tội nghiệp cho con bé, thấy không được cưng chìu gì, nó phải lẩn đi chỗ khác mà không hiểu nổi vì sao ông nội lại khác hẳn mọi khi. Riêng thím Tư thì biết, thím biết rõ vì sao mà chú Tư hay cau có.
Số là thời gian gần đây, xã đã hợp đồng xong với chi nhánh điện lực huyện về việc xây dựng đường điện. Trong tháng này sẽ tiến hành phát quang để kéo đường dây điện trung thế liên ấp mang điện về phục vụ cho bà con. Đường dây điện sẽ đi ngang qua vườn và sân nhà của chú Tư. Như mọi người, chú phải đốn dọn một số cây cối trong vườn theo hành lang đã được định vị phóng tuyến. Nhưng lại khổ cho chú một điều là trong số cây cối phải đốn dọn đó có cả cây sầu riêng khổ qua, cái cây đã gắn bó với chú bao nhiêu kỷ niệm và lại là một nguồn thu nhập không nhỏ hàng năm của gia đình chú, chú thấy tiếc quá và cũng xót xa quá nếu phải đốn cây sầu riêng cổ thụ này. Mấy ngày nay, chú thử vận động, trình bày với một số bà con thân tín trong xóm về việc của chú để thăm dò. Chú đã đến ấp, xã thuyết phục để thay đổi nhằm chỉnh lại tuyến đường dây tránh đi cây sầu riêng yêu quí của chú. Nhưng mọi việc vẫn còn đó chưa thể quyết được phải như thế nào.
Chú còn nhớ rất rõ, cách đây gần tròn hai mươi năm ít lâu sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, trong một dịp về thăm quê thím Tư ở cù lao Ngũ Hiệp, chú đã được anh vợ tặng cho hai cây sầu riêng khổ qua ghép cành, mỗi cây đã hơn một năm tuổi. Chú,  thím đã cẩn thận bưng nó xuống xuồng, xếp nằm xuôi theo lòng xuồng và không quên phủ lên trên hai lớp lá dừa để che nắng, gió.
Dọc đường về, thằng Hai con trai lớn của chú thỉnh thoảng phải tát nước sông lên cây để giữ mát. Chú cũng đã chọn hai nơi ưng ý nhất gần nhà để trồng hai cây sầu riêng, chú lựa toàn loại đất còn tơi xốp để đắp mô cho chúng, ấy vậy mà chỉ còn một cây sống đến bây giờ, cây kia chậm phát triển, héo úa, khô nhánh dần rồi chết sau đó ít lâu. Người ta bảo sầu riêng là thứ khó trồng cũng phải.
Mặc dù vườn nhà chú Tư có nhiều loại cây trái nhất là xoài, nguồn huê lợi  chính của vuờn chú nhưng chú thích nhất vẫn là cây sầu riêng khổ qua. Chú thích như vậy bởi lẽ chú chỉ có một cây sầu riêng duy nhất. Các loại cây trái khác như: Mận hồng đào huyết, mít tố nữ, sa bô chê dây, nhãn tiêu... chú đều có không nhiều thì ít. Ngay cả xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Chu vừa ngon ngọt vừa có giá trị kinh tế cao hiện nay, chú cũng có hàng chục cây mỗi loại. Nếu phải đốn đi vài ba cây vì công ích, chú cũng sẵn sàng không tiếc rẻ gì lắm. Hơn nữa chúng lại dễ trồng hơn sầu riêng, mất cây này, trồng lại cây khác không khó.
Cây sầu riêng khổ qua của chú Tư cành lá sum xuê, xanh tốt, dáng vẻ rất sung mãn. Mười lăm năm qua năm nào nó cũng cho trái. Đặc biệt mười năm gần đây, mỗi năm nó có hơn một trăm trái tới vài trăm ký, đem bán chú  cũng được trên dưới hai triệu đồng chưa kể lúc trúng giá, tiền bán được còn cao hơn. Với số tiền đó, chú cũng mua được năm, sáu chục giạ lúa để ăn cho cả nhà. Trong cả ấp, cả xã này, chưa chắc ai đã có được cây sầu riêng cao lớn và nhiều trái như cây sầu riêng của chú. Đó là chưa nói cây sầu riêng của chú ấy có nhiều trái to, múi lớn, hạt nhỏ, cơm dày, ngọt dịu. Cây càng già, trái càng chín thì hạt càng nhỏ, cơm của nó nhuyển, mịn màng như bơ, không bị chai sượng bao giờ. Những khi có khách hoặc nhà có đám, thiếm Tư thường làm cơm nếp, kem, bánh có trộn sầu riêng vào mùi thơm nhẹ, ai ăn cũng khen ngon. Thỉnh thoảng chú Tư cũng dùng sầu riêng để tặng bạn bè, bà con hoặc mang đi đám tiệc trong xóm. Vì vậy cây sầu riêng khổ qua dần dần đã trở thành một thứ của cải quí hiếm trong gia đình của chú.
Tên “sầu riêng khổ qua”, theo chú nghĩ có lẽ ai đó khi nhìn thấy trái sầu riêng hơi dài, gai nhẵn, khi chín da vẫn còn xanh giống như trái khổ qua nên đã đặt tên cây như vậy, mọi người gọi mãi rồi thành quen. Riêng đối với chú Tư  trong lúc này, cái tên gọi sầu riêng khổ qua sao mà có vẻ trêu người, nó như là chọc thẳng vào cảnh ngộ rối bời của chú. Sầu riêng giống như nỗi sầu khổ riêng tư của chú bây giờ, khổ qua nói theo ngữ âm kiểu Nam bộ là  nỗi khổ của chú. Từ trước tới nay đã biết bao lần chú gọi tên cây nhưng cái ý tứ mộc mạc này chú không hề nghĩ tới, bây giờ chú mới chợt phát hiện ra tình cờ như một người hay quên bỗng tìm lại được đồ vật cũ. Càng nghĩ chú càng thấy tiếc cây và càng thấy bối rối. Một nửa trong chú muốn bấm bụng cho qua đi đừng gây khó khăn gì cho việc thi công để đường dây sớm được hoàn thành mang điện về cho thôn xóm. Một nửa còn lại thì chống đối vừa muốn có điện vừa muốn giữ lại được cây sầu riêng đáng giá.
Một nửa trước trong chú Tư đó là một người – người tiểu đội trưởng du kích năm xưa của xã, người tổ trưởng nông dân ấp hiện nay. Người đó muốn chú Tư phải mạnh dạn đốn cây sầu riêng, phải làm gương mẫu, phải có uy tín để còn vận động bà con làm điện, làm cầu, đường, trường học... và còn biết bao chuyện đối nhân, xử thế trong ấp. Một nửa còn lại trong chú Tư cũng là một người – người nông dân bình thường, người chủ gia đình phải lo toan cái nghèo giàu đói no cho sáu miệng ăn trong nhà và còn bao nhiêu chuyện phải, quấy, đám tiệc khác nữa. Người đó lại muốn chú Tư phải cố giữ lại cây sầu riêng vì mất nó thì sẽ mất đi một nguồn thu nhập đáng kể hàng năm của chú.
Thật là rắc rối, chú chưa thể quyết định  dứt khoát trong việc này. Thím Tư và thằng Út cũng tiếc rẻ cây sầu riêng lắm, nhưng mọi việc lại khoán cho chú, chú quyết như thế nào thì họ sẽ theo như thế ấy nhất là thím Tư, tính thím xưa nay vẫn thế.
Sáng hôm nay, chú Tư lên trụ sở xã để hỏi thăm về đề nghị của chú. 
Mọi khi chú vẫn thường đi với chiếc Mô-bi-lét vì đường xa tới hơn bốn cây số nhưng hôm nay chú lại đi bộ. Chú thích đi bộ cho thư giãn và được nhìn ngắm kỹ hơn hai bên đường. ở xóm giữa người ta đang đốn dọn cây cối, đầu xóm trên đội thi công đang trồng trụ điện. Như thế này thì chỉ mấy hôm nữa là đến xóm chú phải đốn dọn. Việc đã gấp lắm rồi, hôm nay dù thế nào chú cũng phải quyết cái việc cây sầu riêng cho xong. Trụ sở xã đông người hơn mọi khi, cái sân vốn nhỏ lại chất đầy những bành dây điện loại lớn, mỗi cái ước nặng cả tấn nên trông càng thêm chật chội. Mọi bận khi đến đây để hội họp hoặc giải quyết công việc của tổ nông hội, chú đi đứng rất bình thản, hôm nay, chú bước đi mà cứ như muốn vấp. Chú nghĩ:
- Phải chăng mình vì nặng việc riêng tư mà bước đi lóng cóng?
Sáu Hồng – Chủ tịch xã tiếp chú trong phòng làm việc, chú định vào đề ngay nhưng Sáu Hồng khoát tay nói:
- Khoan đã chú Tư, làm hớp nước cái đã! Ông đi đường xa còn mệt mà! Để tôi kiếm chú Hai rồi cùng bàn cái việc của chú, ổng mới quanh đây thôi
Chú Hai đây là Hai Phước – Chủ tịch Hội Nông dân ở xã - Thủ trưởng của chú Tư, là Phó ban vận động xây dựng đường điện của xã. Trước đây Hai Phước đã từng là trung đội trưởng du kích, sau giải phóng là xã đội trưởng... Hai Phước là người thật thà, thẳng tính nhưng nói năng rất xởi lởi.
Vừa vào gặp chú Tư, Hai Phước đã nói ngay:
- Chào anh Tư, hôm kia tôi cùng mấy anh em đã đến chỗ anh và mấy hộ có khiếu nại để xem xét, nhưng bữa đó anh không có nhà. Hôm nay định xuống dưới đó, thời may anh lại lên đây... Tôi và đồng chí Sáu Hồng cùng các anh em đã bàn kỹ, chỗ anh là khó thật, hơn nữa mình phải tôn trọng ý kiến của Điện lực về mặt kỹ thuật nữa anh Tư ơi!
Chú Tư Hòa ngẫm nghĩ một lát để sắp xếp ý tứ chú giải bày thuyết phục để nếu được cho đường dây bẻ góc hoặc đi lệch bên trái, bên phải gì cũng được miễn sao tránh được cây sầu riêng cho chú.
Đợi cho chú Tư nói hết, Hai Phước bập một hơi thuốc lá, hớp một ngụm trà nóng rồi mới nói:
- Cái lẽ của anh Tư  thì  ở đây anh em cũng đã xem xét, nếu bẻ ngoặt đường dây ra phía ngoài thì phần còn lại của cả tuyến dây phải gặp con mương lộ dài ngoẳng và cả vùng đất bãi bồi rất yếu dễ lún sụt, khó đảm bảo cho thi công và an toàn cho đường dây. Nếu dịch vào một chút thì đường dây đi qua nóc nhà của năm bảy hộ không thể được. Nếu đi sâu vào bên trong thì góc bẻ quá lớn, lại xa đường cái, phải đốn dọn quá nhiều cây trái của nhiều hộ cũng không ổn. Còn nếu cho đi kiểu dích dắc thì đường dây quá vô duyên lại phải tốn thêm kinh phí vì phải chằng néo quá nhiều mà cũng không an toàn, làm cản trở giao thông sau này.
Uống thêm ngụm trà, Hai Phước nói tiếp:
- Còn việc thường bồi huê lợi như anh Tư biết mình đã bàn nhiều rồi. Đây là đường dây do nhân dân tự đóng góp xây dựng, mỗi hộ đã đóng hơn một triệu đồng rồi. Nếu đặt vấn đề thường bồi thì phải đóng thêm đến hai triệu. Nhưng rốt cuộc thì xóm dưới trả tiền bồi hoàn cho xóm giữa, xóm giữa trả cho xóm trên, bà con cả ấp gom góp trả tiền cây sầu riêng cho anh và trả tiền lẫn nhau trong đó có phần của anh và của tôi như vậy cũng là lẩn quẩn, chi bằng không đặt vấn đề thường bồi thì hay hơn.
- Việc đó thì tôi thống nhất từ lâu rồi không có thắc mắc gì chỉ muốn là nếu được thì cho đường dây tránh đi cây sầu riêng một chút. - Chú Tư Hòa chậm rãi nói như để kéo vấn đề  trở lại.
Từ nãy đến giờ, Sáu Hồng ngồi lắng nghe bây giờ mới lên tiếng:
- Cây sầu riêng của chú rất đáng giá, đốn đi cũng tiếc, nhưng khổ nỗi không thể tránh đi được. Nếu chú nhất quyết không cho đốn thì chỉ kéo dây điện tới nhà chú mà thôi, không thể kéo luôn xuống cuối xóm và qua ấp khác được. Mặt khác, cũng có nhiều hộ nói bóng gió rằng nếu  chú Tư cho đốn cây sầu riêng thì họ mới cho đốn cây vườn họ, chú làm sao họ theo vậy. Nếu ách tắc thì chưa chắc kéo dây đến hết xóm giữa được. Hết hợp đồng điện lực họ đi nơi khác biết bao giờ mới trở lại.
Chú Tư nên suy nghĩ lại đi! Mình đã khổ công vận động bà con, bây giờ chỉ còn một chút nữa không lẽ không làm được hay sao? Hơn nữa mình đã quyết tâm đến ba mươi tháng tư năm này phải hoàn thành công trình đường điện, mà nay đã giữa tháng ba rồi còn gì!
Đúng! Việc vận động xây dựng đường dây điện đến nay đã gần hai năm mới hoàn tất với số tiền hơn ba trăm triệu đồng hiện đang nằm trong ngân hàng. Chú cũng là người góp nhiều công lao trong việc vận động thu tiền trong ấp, đến nay chỉ còn một đoạn đường ngắn ngủi nữa là mọi việc hoàn tất!
- Không lẽ! Nhưng mà! – Chú Tư suy nghĩ lúng túng.
Thấy chú Tư nao núng muốn chấp nhận nhưng còn do dự, Hai Phước đứng lên đến bên chú Tư vỗ vai động viên chú vẻ ân cần.
- Thôi! Được rồi anh Tư! Ngày xưa ở trong đội du kích anh là người gan dạ lắm mà, bây giờ cũng như vậy thôi. Anh cho đốn cây sầu riêng đó đi. Vườn anh còn nhiều chỗ lắm tôi hứa sẽ tìm cho anh hai cây sầu riêng mới một năm tuổi ngon lành trồng lại cho anh. Bây giờ tôi có việc phải đi xuống ấp  đây! Anh ở lại, tôi đi trước. Đồng ý hén!
Với vẻ đồng tình, chú Tư Hòa cố gượng cười vả lả:
- Thôi được. Cám ơn chú Hai nhưng lần sau anh không trồng sầu riêng khổ qua nữa đâu, anh sẽ trồng thứ khác.
Có lẽ những lời nói chí lý của Chủ tịch xã Sáu Hồng, những cử chỉ ân  tình của Hai Phước và cả những ánh mắt háo hức khát khao mong chờ ánh điện của bà con mà chú gặp trên đường sáng nay đã như một dòng nước mát mẻ, trong lành làm dịu đi cái tức giận, giúp chú vươn lên chiến thắng được cái ích kỷ nhỏ nhen đang âm ỉ trong chú.
Hôm trước ngày người ta sẽ đốn dọn vườn chú khoảng có đường điện đi qua, chú đã gọi thím Tư và thằng Út lại dặn dò:
- Mẹ nó và thằng Út nghe tôi dặn ngày mai tôi có việc phải đi, tôi đã bàn với anh em về việc đốn dọn cây cối cả cây sầu riêng. Mẹ nó và vợ chồng thằng Út giúp người ta trảy nhánh dọn cây không được cản ngăn hay nói điều gì không đúng, chiều mai tôi về.
Thật ra chú Tư không có việc gì quan trọng phải đi cả, chú tìm cách lẩn tránh cái cảnh người ta đốn hạ cây sầu riêng mà chú yêu quí. Chú muốn đi đâu đó một đỗi, mọi việc xong xuôi chú trở về thì đỡ xót hơn.
Thắm thoát, đường dây đã hoàn thành, nhà nhà đã có điện thắp sáng. Người ta cũng nhanh chóng chuyển những máy cassette, tivi từ điện bình sang điện lưới. Niềm vui hiện rõ trên gương mặt của mọi người. Sinh hoạt của mỗi nhà đã có nhiều thay đổi, trẻ con không còn phải học bài bên ánh đèn dầu tù mù nữa. Nhiều cụ già đã thức liền mấy đêm để nhìn ánh điện sáng mà uống trà nói chuyện. Họ nói đủ thứ chuyện từ chuyện đời xưa hồi còn tấm bé đến chuyện nay và chuyện mai sau. Rồi đây họ sẽ mua sắm thêm nhiều phương tiện sinh hoạt dùng điện trong gia đình cho tiện nghi hơn, cả đến chuyện tưới vườn cây và phun thuốc trừ sâu dùng điện sẽ tiện lợi hơn, giá rẻ hơn...
Mấy hôm nay, chú Tư cũng bị cuốn hút vào niềm vui chung của cả xóm. Niềm vui đó như một ngọn sóng lớn, một cơn gió mạnh đã lướt qua, xóa nhòa đi nỗi sầu riêng của chú.
Phương Nam
 
Trang Thư Kỷ Niệm  
 Sầu riêng vườn cũ !... 
  Tình xưa riêng giấu trong tim,
Xa xôi tôi vẫn một niềm khôn nguôi...
Thương người dạ mãi bùi ngùi,
"Sầu riêng" vườn cũ niềm vui xa rồi !!
NM  
 

Cây sầu riêng vườn cũ
Tôi rề lại cái băng cây, ngồi xuống ở đằng đầu. Cái băng được làm bằng tấm ván dầy, các chưn được đóng dính luôn xuống đất. Tấm ván được cưa cắt rất thô nhưng vì nhiều người ngồi tới ngồi lui nên nó trở thành trơn láng. Ở trại chuyển tiếp để đi định cư, ai cũng thích đến đây, vì ít ra tại vị trí nầy, người ta có thể nhìn ra ngoài thấy được một khoảng trời nhỏ và ở dưới kia, cái sườn đồi thoai thoải có vài mãnh vườn, cây cối xanh mát.
Ngồi kế bên tôi là chú hai thợ bạc, quê ở Sóc Trăng. Mỗi lần ra đây, tôi đều gặp chú. Khí hậu Mã Lai thiệt là kỳ cục. Ban đêm, trời lạnh teo ruột teo gan, ngủ phải đắp mền. Ban ngày trời nóng như đổ lửa, hơi nóng hừng hực từ sáng tới chiều, mồ hôi tươm ra đầy người. Ở tại lều không cách gì chịu nổi nên ai cũng tìm nơi để trốn nóng. Còn chỗ nào lý tưởng hơn chỗ nầy. Cái băng núp dưới bóng mát một bụi tre um tùm, ngoài kia dưới sườn đồi là phong cảnh kỳ thú. Thiệt ra ở vùng nầy còn nhiều nơi cảnh vật đẹp hơn nhiều nhưng dân tỵ nạn bị giới hạn trong vòng rào kẽm gai nên đâu có được ra ngoài mà đi đó đi đây. Có mấy người đi chữa bịnh về kể lại rằng ở ngoài kia, thành phố đẹp đẽ, sang trọng, sạch sẽ, tiện nghi. Riêng tôi và chú hai thợ bạc thì chỉ biết xứ Mã Lai qua cái khung trời nhỏ xíu nầy.
Tôi ngồi ở đây mà đầu óc ở đâu đâu. Cái vùng đất mới mà tôi sẽ đến thì xa lạ quá, nơi đó có vẽ hấp dẫn lắm. Có nhà lầu chọc trời, có xa lộ thênh thang, có tuyết rơi trắng xoá, có đủ mọi thứ vui. Tôi tưởng tượng ra bao cảnh kỳ lạ mà tôi sẽ được mắt thấp, tai nghe trong một ngày rất gần. Nhưng có anh bạn đi trước, gởi thơ về trại, trong có đoạn viết " ...vừa bước ra khỏi máy bay như đi vào cái tủ lạnh, mũi thở ra khói, tay chưn tê cóng..", tôi chợt thấy ghê quá, quay qua chú hai thợ bạc:
-Mai mốt qua bển, chú sợ lạnh hông chú hai?
-Sợ chớ thầy tư, Ở nhà tôi lúc nào cũng tắm bằng nước nóng như mấy ông ghiền thuốc phiện. Tại không nước nào nhận nên tôi đành phải chịu đi Canada. Tuổi già xương cốt chịu lạnh dở lắm. Người ta nói ở bển, xin lỗi thầy tư nghen, đi tiểu ngoài đường, nó đóng lại thành cây nước đá. Nghe nói sợ quá. Mấy đứa nhỏ thì khoái chí. Tối tối tụi nó rủ nhau đi đến hội trường coi chiếu phim. Thấy tây tà trượt tuyết với nhảy đầm, coi bộ tụi nhỏ chịu dữ.
Tôi nhìn chú hai thợ bạc. Chú ốm người, da xanh mét, mặt xương xương, dáng khắc khổ. Muốn gợi chuyện cho vui, tôi nói:
-Thì lần hồi rồi cũng quen. Người ta chịu được thì mình chịu được, có gì mà lo. Tôi với chú qua bển, mình học một khoá nhảy đầm với tập trượt tuyết là xong hết. Người ta tới đâu mình tới đó. Vượt biên nguy hiểm, chết sống vầy mà mình còn làm được, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó!
-Ý thôi thầy tư, thầy tuổi trẻ thì còn được, tôi trên năm mươi rồi, tiếng Tây tiếng Mỹ một chữ cũng không biết, nói chi tới việc ôm đầm mà nhảy nhót.
-Vậy chú chịu cực, chịu khổ lặn lội qua đây để làm chi?
Chú hai nhìn ra xa trả lời ngập ngừng:
-Tại bên mình khó sống quá, vừa nhức đầu, vừa nghẹt thở, nên phải đi. Chớ vui vẻ gì. Tôi đâu có muốn nhưng hoàn cảnh bắt buộc. Thầy tư nghĩ coi, cái tiệm thợ bạc nhỏ xíu cũng bị tịch thâu. Thôi đành dẹp kềm, dẹp búa. Tôi làm đơn xin về quê làm ruộng. Nhà nước cũng không cho, bắt phải đi xây dựng kinh tế mới. Cái chế độ gì có mắt không được nhìn, có tai không được nghe, có miệng không được nói, thì ở lại làm gì. Nói thiệt với thầy tư,tôi ngồi đây mà đầu óc vẫn nhớ Bãi Xàu. Trước nhà tôi có cái rạch nhỏ, chiều chiều ra đằng trước câu cá, cũng đủ vui. Lớn tuổi rồi, đâu còn ham muốn gì nữa!
Nói xong, chú ngó mênh ngó mông. Chợt chú đưa tay chỉ xuống phía dưới sườn đồi, hỏi:
-Cái vườn ở dưới đó trồng cây gì mà cành lá xanh um?
Tôi nhìn theo, trả lời ngay:
-Cây sầu riêng đó. Mấy cây nầy mới trồng chừng ba bốn năm, còn nhỏchưa có trái. Nếu lớn hơn một chút thì mùa nầy đã có bông rồi.
Tôi nhìn cây sầu riêng Mã Lai lá nhỏ nhưng tàn rậm hơn sầu riêng ở Việt Nam. Thấy khu vườn nầy lòng tôi đâm ngẩn ngơ. Quê tôi là xứ của sầu riêng, măng cụt, bây giờ nó ra sao?
Tôi quay qua hỏi chú hai:
-Ủa, chú chưa bao giờ thấy cây sầu riêng sao? Chú có ăn được sầu riêng không? Có nhiều người hễ nghe tới mùi là chạy mất, họ nói hôi không chịu nổi.
-Tôi khoái lắm chớ. Cứ tới mùa trái cây là mua mỗi lần cả chục kí, ăn tới mờ con mắt... Nhưng tiếc quá, tôi chưa có dịp đi vườn để thấy cây của nó...
Tôi bèn mô tả cây sầu riêng cho chú hai biết:
-Thông thường thì ở bên mình, cây trung bình có thân lớn cở cột nhà, cao hơn cột đèn đường chút xíu, tàn thưa mà rộng, mùa có trái nhìn thấy mê lắm. Trái nó treo lủng lẳng đầy cành, gai đâm tua tủa. Những trái còn non nhỏ cở trái cau, trái quít, thường bị rụng rải rác quanh gốc. Hồi nhỏ tụi tôi lượm lấy, bẻ mấy cái gai nhọn, cắm lên càm... để làm ông già râu!
-Trái nó to quá mà đầy gai, rủi nó rụng trúng đầu thì chắc chết!
-Vậy mà hình như chưa có ai bị rớt bể đầu vì sầu riêng. Chỉ có mấy anh đi ăn trộm mới sợ thôi vì trái nó chỉ rụng vào nửa đêm về sáng. Trái sầu riêng chín rụngăn mới ngon. Nếu cắt cuống sớm, còn non ăn lạt nhách, nhiều khi bị sượng. Người sành điệu họ lựa chọn kỹ càng khi mua. Phải là thứ vỏ mỏng, nhỏhột, cơm dầy màu mỡ gà, ăn cái vị nó beo béo, đăng đắng mới đã. Chớ ăn sầu riêng mà lựa thứ cơm ngọt ngay, thì ăn chừng vài múi là ngán ngược. Ăn buổi sáng, buổi chiều còn nghe mùi thơm.
-Mà chú hai ơi, ăn sầu riêng mà ăn một mình cũng chưa đủ ngon. Phải đi vào vườn với một cô bạn gái dễ thương, lựa một nơi im mát, gom cỏ khô lại làm đệm, khui trái sầu riêng chín thơm nực nồng, cầm từng múi bằng năm ngón tay, ăn hết rồi còn liếm cơm còn dính trên các ngón tay, mút chùn chụt, nhìn nhau mà cười... mới đã thèm.
-Sao tả cảnh nghe mê quá vậy. Chắc thầy tư ăn sầu riêng kiểu đó hoài?
-Phải được như chú nói, cũng đỡ. Nhiều khi tôi nghĩ tới còn tức mình. Hồi đó tới giờ, ngồi dưới gốc cây sầu riêng thì nhiều, còn ăn như vậy thì chưa bao nhiêu. Bây giờ ngồi đây, nhớ tới kỷ niệm mà trong lòng nao nao. Lúc đó tôi vừa được hai mươi tuổi...
***
Tôi gặp lại Phương do một sự tình cờ. buổi chiều hôm đó, trời vừa sẩm tối. tôi ở lớp học ra,đi ngay đến ngả tư đầu đường, để đón xe về tỉnh nhà. Chiếc xe lô ngừng lại. Tôi nhìn vào xe, thất vọng, trong khoang không còn một chỗ trống. Người ta ngồi đen nghẹt, chen chúc nhau. Anh lơ xe mở cửa, nhảy xuống kéo tay tôi,đẩy vào. Tôi cố chen vào trong. Có vài tiếng cằn nhằn nho nhỏ:
-Xe chật cứng, chỗ đâu mà chứa nữa!
Tôi vừa ngồi xuống vừa nghe bác tài xế trả lời:
-Bà con cô bác thông cảm. Chuyến chót hổng rước, người ta phải ngủ lại Sài Gòn sao ?
Thế là đâu vào đó. Ai nấy đành chịu chật. Tôi bị kẹt cứng tư bề. Phía trước, phía trong, phía sau là người ta, còn bên phải là cánh cửa xe bằng sắt. Tôi không có cách gì để đặt chưn cho gọn. day qua, trở lại, sửa tới, sửa lui, cũng không ổn thoả chút nào. Nhờ xe chạy có được chút ít gió mát. Ánh sáng về đêm của thành phó lấp loáng qua cửa xe. Đèn quảng cáo xanh xanh, đỏ đỏ. Đèn đường sáng trắng nhợt nhạt. Bầu trời lấp lánh đầy sao. Chiếc xe còn chạy loanh quanh chưa ra khỏi thành phố. Tôi yên chí nó sẽ chạy một mạch về tới tỉnh. Chật quá rồi làm sao chứa được nữa. Nào ngờ, qua một góc phố, chiếc xe từ từ ngừng lại. Có tiếngồn ào:
- Trời đất ơi, cái xe nhỏ xíu như vậy, bác tài tính chứa bao nhiêu mạng ?
Tôi thất vọng. Nếu có thêm người, tôi sẽ bị dồn vào trong. Còn đâu mà nhìn thấy phong cảnh bên đường với gió mát trăng sáng. Chưa kịp phản ứng gì, thì cửa xe đã mở, anh lơ nhảy xuống, đẩy người khách mới lên chỗ tôi. Tôi bắt buộc ở cái thế phải ép sát vào bên trong để nhường chỗ. Đúng là hộp cá mòi. Hành khách bị ép như mấy con cá nằm sắp lớp, hết cục cựa. Bác tài vừa cho xe chạy, vừa cam kết:
-Thôi đủ rồi, không rước nữa. Bây giờ thì xe hơi chật. Xe chạy một hồi, nó lắc xuống đâu vàođó. Bà con cô bác thông cảm!
Không thông cảm với bác tài cũng không được. Trời tối rồi, không lẽ bước xuống xe để ở lại Sài gòn đêm nay. Mà bây giờ thì tôi đâu còn muốn bước xuống nữa. Người hành khách vừa mới lên là một cô gái còn trẻ, trong ánh sáng mờ mờ, tôi không thấy rõ nhưng có lẽ nàng đẹp lắm. Tà aó vàng được vén khéo qua bên, nàng cố thu mình cho nhỏ gọn lại, dáng khép nép. Riêng tôi vì đụng chạm bên người nàng nên loay hoay, xoay ngang người lại cho thư thả. Ở cái thế nầy tôi thấy thoải mái hơn nhưng đồng thời cánh tay phải như ôm lấy người nàng. Tôi mắc cỡ quá,đâu có dám đụng, đành phải vói tay qua gác trên cửa xe cho đỡ mõi. Trọn nửa người bên phải tôi ép sát nửa người bên trái của nàng. Tôi nghe một cảm giác êm ái bềnh bồng. Tôi đâu có ngờ hoàn cảnh trái ngang như vậy. Lần đầu tiên ngồi gần một cô gái lạ,tôi bối rối quá. Tôi thử nghĩ hằng chục câu hởi để mong làm quen với nàng, nhưng thấy câu nào cũng vô duyên. Thôi đành ngồi im, làm ra vẻ đứng đắn nghiêm nghị.
Bỗng chiếc xe quẹo gắt ở một khúc quanh, người nàng đè hẳn lên tôi. Như để đỡ mắc cở, nói nói bâng quơ:
-Chiều thứ bảy nào xe cũng chật nứt! Tôi bèn bắt chuyện:
-Dạ, dạ, cũng hơi đông.
-Chút xíu nủa là tôi đón hụt rồi. Từ trường ra tới đây kẹt xe quá!
-Chắc cô học trường Luật? Cô ta hơi nghiêng đầu qua tôi, hỏi lại:
-Sao anh biết? Tôi thấy vui trong bụng, có dịp để nàng thấy tôi thông minh:
-Đa số sinh viên luật thường đón xe chỗ cô vừa lên. Nàng cười nhẹ nhàng, hàm răng trắng bóng đều đặn:
-Dạ không phải, tôi học ở Văn Khoa. Tôi đoán trật lất. Nhưng không hề gì. Miễn nói chuyện được với nàng là vui rồi. Tôi tuy không học ở đó, nhưng cũng biết chút ít:
- Xin lỗi, tôi hơi tò mò, cô đang theo chứng chỉ nào ?
-Dạ, tôi học lớp dự bị..
Vậy là cô được học với ông giáo sư Vương Hồng Sễn. Tôi khoái được nghe ổng nói chuyện. Hễ sách nào có bài ổng viết, tôi đều kiếm mua. Ổng rành về đồ cổ...Chắc cô cũng thích các giờ ông ấy dạy? Lại một lần nữa tôi bị hố:
-Dạ, tôi sợ các giờ đó lắm. Kỳ rồi, tôi bị rớt vì môn Văn Chương Quốc Âm, nên kỳ nhì phải thi lại môn nầy.
Tôi không dám hỏi thêm. Tôi suy nghĩ hoài cũng không hiểu tại sao cô ta lại rớt môn Quốc Âm, cái môn được coi là dễ hơn các môn khác. Vốn ít nói và hay rụt rè, tôi lại đành ngồi im. Thoang thoảng, tôi ngữi thấy tóc nàng có mùi thơm nhè nhẹ. Tự nhiên tôi cảm thấy trong lòng một xúc động bất ngờ. Trời đất nào xui khiến cho tôi gặp nàng như vậy. Bây giờ tôi phải nói câu nào nữa ? -Chắc cô về tới bến xe ?
-Dạ không, tôi xuống Cầu Ngang. Tôi lại tìm được câu đối đáp:
-Cô ở gần cái nhà ngói đỏ,có cổng sắt sơn xanh không? đằng trước có bụi tre ngà ? Cô ta nghiêng đầu qua nhìn tôi:
-Chắc anh là bạn học của anh Bình! căn nhà đó của tôi. Đoạn nàng chăm chú nhìn tôi, thoáng do dự,nàng tiếp:
-Phải anh là anh Hưng không, em là Phương đây ! Tôi vừa xác nhận thì nàng líu lo:
-Trời ơi, sao lâu quá không thấy anh xuống nhà chơi. Ba má em với anh Bình thường nhắc tới anh hoài.
Tôi ngạc nhiên sung sướng. Không dè con nhỏ Phương ngày nào nhỏ xíu,đen thui, mới có mấy năm mà lớn đẹp như vậy. Những chuyện năm trước bây giờ được tôi và Phương nhắc lại. Nàng nói chuyện lanh lợi, duyên dáng. Tôi lần lần bình tĩnh hơn. Tôi hỏi thăm tin tức Bình, sau cùng tôi thắc mắc:
-Ông Sễn dễ lắm má! Tại sao Phương lại bị kẹt môn Quốc Âm?
Phương phân trần:
-Anh Hưng thử nghĩ coi, em vào vấn đáp, ổng đưa em quyển " Truyện Đời Xưa " của Trương Vĩnh Ký, biểu em đọc bài " Anh chàng sợ vợ" Cái chuyện anh chàng lùi khoai lang trong tro nóng cho chín để ăn vụng, nào ngờchị vợ về nửa chừng, anh ta sợ quá bèn cột túm ống quần lại, bỏ cũ khoai lang vào trong đó để dấu, nóng quá bèn nhẩy cà tưng. Đọc đến đây, ổng bảo ngừng lại và hỏi em: -Nhẩy cà tưng là nhảy làm sao "
Em còn đang suy nghĩ chưa kịp trả lời, thì ổng hỏi tiếp:
- Đâu cô nhảy cà tưng cho tôi coi!
-Anh Hưng thử nghĩ cả cái phòng thi rộng mênh mông. Ở dưới cả mấy chục người ngó lên, em mắc cở quá, làm sao dám nhảy. Chờ hồi lâu không được, ổng nghĩ là em không biết, nên cho dưới điểm trung bình. Em đành phải thi lại kỳ hai.
Tôi an ủi nàng:
-Gặp tôi mà ổng biểu nhảy thì cũng rớt. Ai lại nhảy cà tưng trước mắt mọi người, kỳ thấy mồ. Phương cười nhẹ:
-Lạy trời cho mai mốt đừng gặp cái "Anh chàng sợ vợ " nữa.
Tôi chớp ngay lấy cái câu nói hớ đó, hỏi lại:
-Vậy chớ Phương muốn gặp anh chàng như thế nào, cho tôi biết các điều kiện đòi hỏi....để kiếm cái đầu heo.
Phương chống chế:
-Ơ Anh Hưng, không phải vậy ! Mấy năm rồi gặp lại, anh vẫn y như hồi xưa, cứ phá em hoài.
Từ đó tôi thường xuống Cầu Ngang thăm gia đình nàng. Bình thì đã vào quân đội, ít khi có nhà. Má nàng lần nào thấy tôi, cũng nói:
-Khi nào rãnh rổi cháu xuống đây chơi, đừng ngại gì hết, thằng Bình đi lính, hai Bác nhớ nó quá. Nhà đơn chiếc không có ai.!
Còn Ba nàng thì ít nói, thường dẫn tôi ra sau vườn, bẻ trái cây cả đống bắt ăn. Phương xinh xắn, dễ thương, lăng xăng làm các món ngon để đãi khách. Chúng tôi thường ăn dưới gốc cây sầu riêng lớn. Vườn nhà Phương rất rộng. các mương nước nhỏ đầy rong. Nước trong vắt, thấy được những con cá bãi trầu,cá lia thia, cá lìm kìm, lội nhởn nhơ dưới đó. Đất đen mầu mỡ,cây dâu, cây măng cụt, cây sầu riêng, có những tàn lá xanh um, mát rượi...
Tôi ngồi mà nghe lòng khoan khoái, mắt nhìn ánh nắng lấp lánh qua các khoảng lá thưa. Đâu đây có con chim hót trên cành, tiếng nghe trong trẻo quá. Phương cũng như chim líu lo:
-Trên nhà anh Hưng có vườn không? trồng nhiều bông không? đôi khi lên tỉnh, em muốn ghé chơi cho biết mà sợ... anh Hưng không thèm tiếp.
Má Phương mắng yêu con gái:
-Cái con nhỏ nầy, mầy làm như cậu Hưng là người dưng! Phương vừa ngó xéo tôi, vừa trả lời mẹ:-Thì má thấy đó, hôm con gặp anh Hưng trên xe, ngồi gần cả giờ đồng hồ, ảnh đâu có thèm nhìn... bà con!
Tôi không biết trả lời ra sao, đành cười trừ! Ôi! những buổi trưa ấm cúng, lòng vui như mở hội. Tôi vẫn đắn đo, rụt rè, chưa dám ngõ ý với Phương. Học hành chưa thành, công danh chưa toại, bây giờ còn quá sớm để nói chuyện yêu đương....
Những ngày tháng kế tiếp qua mau. Ba má Phương sẵn có vốn, mở thêm căn tiệm cầm đồ ngoài chợ. Ngoài những giờ học, Phương còn phụ mẹ buôn bán, trông nom công việc sổ sách. Tôi lại có dịp gặp gỡ nàng nhiều hơn. Chúng tôi trao đổi chuyện trời mưa, trời nắng, chuyện học hành, thi cử.Toàn là chuyện đâu đâu, vậy mà cũng có để nói hoài, không chán. Có lần Phương hỏi tôi:
-Anh Hưng ơi, hiện thời anh thương ai nhứt ? Tôi trả lời, cười cười:
-Thì Phương biết rồi, tôi nói hoài! Đời tôi chỉ thương có chú lùn bán hủ tiếu dưới gốc me...
Mặt Phương hơi phụng phịu:
-Vậy chớ mấy người đẹp của anh, không ai bằng chú lùn sao ?
Tôi giảng nghiã:
-Đẹp đâu có ăn được. Còn hủ tiếu cây me ăn ngon, cho nên tôi thương ... chú lùn.
Phương nín thinh, bậm môi tức tối. Tôi muốn giải hoà cho khuây khoả:
-Phương ơi, mấy ngày ở nhà không có buôn bán, em làm gì ?
-Em đi chợ, mua cá mua cua.
-Rồi sau đó Phương làm gì nữa ?
Nàng trả thù tôi, trả lời tỉnh rụi:
-Thì em làm cá làm cua.
-Vậy chớ không lúc nào Phương nhớ tới bạn bè chút xíu nào sao ?
Phương bật cười, tươi như đoá hoa buổi sáng
-Có chớ, lúc ghé ăn hủ tiếu cây me thì nhớ tới anh! Tôi vừa làm điệu bộ thất vọng, vừa nhìn sững mặt nàng. Phương cười, khuôn mặt vuông vuông, rạng rỡ, làn da trắng mịn màng. Tóc cắt ngắn gọn, cái mũi thẳng cao, xinh xắn. Cặp môi trề trề. Hèn chi nàng nói chuyện tía lia. Ông trời sao thiệt bất công. Mặt Phương không một khuyết điểm. Tất cả đường nét đều hoà hợp, thêm vào đó là cái duyên dáng nữa. Còn tôi thì vừa xấu, vừa đen, được quen với nàng, đời tôi còn hạnh phúc nào hơn. Do câu chuyện đẩy đưa, bất chợt tôi thấy Phương dễ thương làm sao. Trong một thoáng ngẩn ngơ, tôi nói đại:
-Cô chủ tiệm cầm đồ ơi,sao cô đẹp quá vậy ? Tiệm cô cầm vàng bạc, châu báu ngọc ngà mà có cầm "người ta" không ? Phương trố mắt nhìn tôi. Hình như nàng chưa hiểu câu nói. Cặp mắt nàng tròn to, đen bóng, ngây thơ. Tôi nói tiếp:
-Có một sinh viên nghèo, học hành dang dở,hoàn cảnh túng bấn, cần cầm tạm để đủ tiền ăn học, miễn có cơm canh ngày hai bửa, mai sau có nghề nghiệp vững chắc, nguyện sẽ làm "tôi mọi"để trả công lẫn lời.
Phương hiểu ra, cười nho nhỏ, thủ thỉ bên tai tôi;
-Anh Hưng muốn cầm thiệt không đó ? Tiệm của em không khó khăn như mấy tiệm khác đâu. Miễn là sòng phẳng, siêng năng, trả nợ suốt đời...
***
Từ đó, tôi và Phương thương nhau. Rồi chiến tranh ngày một tàn khốc. Tôi phải vào quân ngũ, trôi nỗi ngược xuôi. Những cánh thơ nồng nàn thay thế những lần gặp gỡ. Phương thường viết cho tôi biết, nàng đã phải nhiều lần từ chối những mối mai xung quanh. Tôi run trong bụng. Làm sao nàng có thể chờ đợi và nếu chờ thì đến bao giờ.Thân tôi, tôi còn lo chưa xong. Cưới Phương bây giờ, chỉ làm khổ cho nàng, điều mà tôi không muốn. Yêu Phương, tôi muốn nàng được hoàn toàn sung sướng. Phương xinh xắn và dễ thương quá, nàng đâu thểvì tôi mà chịu khổ cực. Rốt cuộc rồi thì tôi cũng phải chịu thua định mạng. Một buổi sáng mùa thu, tôi nhận được thơ cuối cùng của Phương. Vào phòng riêng, tôi xé thơ ra đọc. Nét chữ quen thuộc dễ thương ngày nào, quay cuồng trước mắt tôi: " ...ba má bắt em phải lập gia đình với một người không quen. Giữa tình yêu và gia đình, em phải chọn một. Gởi đến anh bức ảnh cuối cùng em chụp bên gốc sầu riêng ngày nào... như nỗi lòng em.." Nước mắt tôi tự nhiên ứa ra, ràn rụa. Những chữ còn lại, mờ nhạt. Cuối thơ Phương không ký tên, tôi đọc được câu ca dao ở hàng dưới cùng:
Đêm khuya thắp chút dầu dư
Tim loang cháy lụn, sầu tư một mình.
***
Câu chuyện đã trên hai mươi năm rồi, bây giờ tôi còn nhớ lại như in.
Cái kỷ niệm ngày xưa sao mà êm ái nhẹ nhàng quá. Tôi với chú hai thợ bạc, ngồi im lặng bên nhau. Mỗi người một ý nghĩ vụn vặt, tản mác. Xa quê hương là xa hết những cảnh, những vật, những người thân yêu. Trước mắt tôi, bây giờ cũng có cây sầu riêng. Nhưng đâu phải là cây sầu riêng vườn cũ. Phương bây giờ đã có chồng, có con. biết được nàng hạnh phúc, tôi mừng lắm. Nhưng rồi vận nước đổi thay. Hiện giờ vợ chồng con cái nàng vẫn còn ở nguyên nơi quê xưa. Liệu nàng có đủ sức khoẻ và nghị lực để vượt qua những khổ nhục mà chế độ mới đưa tới hay không ?
Nhớ tới giờ phút nầy hình ảnh của hằng triệu người đang phải lam lủ, chân lấm tay bùn, cuốc xới trên vùng đất khô cằn miền kinh tế mớiđể phục vụ một thứ chủ nghiã ngoại lai, tim tôi như muốn nghẹn lại:
-Chú hai ơi! mấy người còn ở lại làm sao mà sống nổi với tụi nó ?
-Rồi cũng phải sống chớ thầy tư, hổng lẽ ... tự tử chết ! Con ngựa đua bắt đem đi kéo cày thì cũng như con bò, con trâu vậy !
Nghe chú hai thợ bạc nói, tôi nghĩ ngay đến Phương ngày nào. Trời đất ơi! cái sự thật sao mà chua xót. Tôi đứng dậy hết muốn nổi. :
- Vậy thì chừng nào dân mình hết khổ, chú hai ? Hổng lẽ phải chịu như vậy hoài ! Chú hai thợ bạc vừa đi vừa trả lời:
- Thầy tư đừng có lo! Luật tạo hoá tuần hoàn hết bĩ cực rối tới thới lai. Như trái sầu riêng chín thì phải rụng. Ngày đó tôi với thầy tư trở về, gầy dựng lại quê hương cũ. Cầu trời cho nó đừng quá tang thương, đổ nát...
Võ Kỳ Điền


Thân phận khổ qua....  
  Một nỗi niềm riêng kẻ xa quê, 
"Sầu riêng" yêu thích trót đam mê.... 
"Khổ qua" chưa chín sao đành hái ? 
Hương vị ngọt thơm, phận não nề !! 

NM
 
Kỹ thuật trồng cây sầu riêng Thái Monthong

Có những niềm riêng.. 

Tôi mê sầu riêng ngay từ những háng đầu tiên đến Việt Nam và ăn liên tục từ đó cho đến nay. Ăn đủ kiểu: chiên giòn, đông lạnh, hay chỉ đơn giảnxẻ ra ăn ngay. Phải chi sầu riêng đừng quá đắt đỏ,tôi có thể chỉ xử món này mỗi ngày mà không ngán 

Đối với tôi, sầu riêng là thứ trái cây ngọt ngào nhất luôn mang lại những thời khắc thoải mái và vui vẻ cho người thưởng thức. Thế nhưng, theo truyền thuyết, cái tên sầu riêng lại có xuất xứ từ chính nỗi buồn của một người đàn ông. Câu chuyện bắt đầu từ cuộc đào thoát sang Campuchia của một võ sư Đồng Nai nhằm chạy trốn án tử vì vai trò của ông này dưới triều đại Tây Sơn. Khi ở Campuchia, võ sư này kết hôn cùng một phụ nữ trẻ đẹp và an cư ở một ngôi nhà nhỏ dưới cây sầu riêng tại thôn quê. Chẳng may người vợ trẻ bỗng nhiên phát bệnh và qua đời, vị võ sư (truyền thuyết chưa kịp nhớ tên) lầm lũi trở lại Đồng Nai với một túi đựng đầy hạt sầu riêng. Vào ngày giỗ lần thứ 10 của vợ mình, vị võ sư gửi biếu láng giềng những hương vị đầu tiên của trái sầu riêng, thuyết phục họ thử nó và không quên kèm theo lời hứa về một mùi vị “thật nồng nàn như chính tình yêu của hai người trẻ”.Và từ đó cái tên sầu riêng ra đời

Theo Tiến sĩ (TS) Tana Li (Đại học Quốc gia Úc - ANU), truyền thuyết trên thực ra không xa với sự thực là bao. Những cây sầu riêng và măng cụt lần đầu được thương lái Hokkien chở qua sông Bassac cập bến Việt Nam dưới triều Tây Sơn. Trong suốt hai thế kỷ qua, những hạt giống sầu riêng và măng cụt cứ lan xa, biến thể, tạo ra một thế giới mùi vị cho riêng mình và không tồn tại bên ngoài Việt Nam.
TS Nguyễn Minh Châu (Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam) nói: Ở phía đông Sài Gòn, người ta vẫn còn trồng hạt giống sầu riêng và mỗi loại cây là một loại giống khác nhau. Chúng tôi có đến hàng triệu giống sầu riêng. Điều này có nghĩa, hàng tấn hương vị khác nhau của sầu riêng đang tồn tại - ngọt ngào có, và đắng cũng có. Không cách gì biết được hết, ngoài việc ăn từng loại.
Mùa hè rồi, Lindsay Gasik, giáo viên dạy yoga người Mỹ và cũng là tín đồ của sầu riêng, đi du lịch cùng chồng khắp Đông Nam Á. Khi đến Việt Nam, Gasik rất mê sầu riêng khổ qua xanh - loại giống chát và xanh đậm, giá khoảng 15.000 đồng/kg. Gasik viết trên blog cá nhân của mình (yearofthedurian.com):  “Hầu như ai cũng nói loại này không ngon. Nhưng đối với tôi, nó mới là món khoái khẩu ở Việt Nam”.
Một buổi chiều, TS Châu đón tiếp tôi tại trụ sở Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam tại quốc lộ 1 ở Tiền Giang. Đã nói chuyện qua điện thoại vài lần, nay tôi mới có dịp diện kiến TS Châu, người mà theo tôi cũng hao hao có nét giống... sầu riêng: bụng căng tròn và phong thái nói chuyện bộc trực. Lớn lên tại Sài Gòn, TS Châu ngay từ nhỏ cũng đã thích loại sầu riêng mạnh không có tên.  Người ta chỉ gọi nó là “dĩ nhiên rồi”, TS Châu nói. Kể từ khi Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam thành lập vào năm 1994, TS Châu đã xông xáo vận động Chính phủ cho phép trồng sầu riêng trên diện rộng hơn. Theo ông, trồng loại trái này rất có lời (một héc ta có thể mang lại lợi nhuận gieo trồng khoảng 5.000 USD). Và “dĩ nhiên rồi”, sầu riêng rất ngon.
Tuy vậy, vì lý do nào đó, Việt Nam vẫn chú trọng vào lúa gạo và thanh long. TS Châu nói: “Dù sao, đó cũng là chính sách”. Cùng lúc này, TS Châu đang nhắm tới thay thế hàng triệu hạt giống sầu riêng “mưa nắng thất thường” bằng việc chỉ tập trung vào một nhóm giống danh tiếng và dễ tiêu thụ. Cứ vào tháng 6 hằng năm, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam lại chủ xị các cuộc thi trong khu vực nhằm tìm ra trái sầu riêng khoái khẩu nhất và quảng bá loại này cho các nông dân khác cùng trồng. Đã có một số kết quả khích lệ: Năm 1996, một nông dân Bến Tre đoạt huy chương vàng cho sầu riêng Chín Hòa (loại cơm vàng sữa hạt lép); một nông dân khác Vĩnh Long đoạt giải nhất năm 1999 cho loại Ri 6. Người này đột ngột qua đời ngay ngày hôm sau. TS Châu cho biết: “Bây giờ con trai của người nông dân đó giàu lắm”. Loại giống mới nhất xuất hiện từ năm 2010 do một nông dân Tây Ninh tự ghép, nhưng “nó chưa phổ biến”, TS Châu nói.
Khi tôi hỏi về sầu riêng khổ qua xanh, TS “sầu riêng” nhăn mũi: “Dở ẹc”. Thấy tôi khăng khăng muốn ăn thử, ông Châu mới ra lệnh cho một người làm vườn ngừng ngay việc của mình để đưa tôi tới cù lao Ngũ Hiệp gần đó, nơi bắt nguồn xuất xứ của loại sầu riêng này. Cù lao Ngũ Hiệp nằm trên vùng đất phù sa và là nơi đầu tiên sầu riêng khổ qua xanh được chở đến, cách đây hàng trăm năm. Ngày nay, chuyến phà đến cù lao này luôn chật nhung nhúc những người đàn bà ngồi vắt vẻo trên chiếc xe máy chở đầy sầu riêng - nhưng không hề có loại khổ qua xanh.

Đến cù lao và sau một hồi đi gõ cửa từng nhà, tôi và người hướng dẫn mới ngộ ra: Mùa trồng sầu riêng khổ qua xanh đã hết và có thể sẽ trở thành “mùa sầu riêng không trở lại”. Thì ra, hầu hết người dân trên cù lao này đã chặt các cây khổ qua xanh và giảm lượng cây trồng xuống chỉ còn 10% vụ mùa. Thay vào đó, họ ghép cành giâm từ các hạt giống đoạt giải từ các cuộc thi lên gốc cây sau khi đốn hạ với hy vọng tăng gấp đôi thu nhập. Một số phải chờ mất bốn năm để thu hoạch những trái đầu tiên. Nhiều người khác bỏ đi làm công nhân nhà máy cho đến khi có thể thu hoạch trở lại - có lẽ là sẽ mất hai năm nữa tính từ bây giờ.
Đường thiên lý
Trước khi một trong những trái sầu riêng độc đáo nhất của Việt Nam hoàn toàn thành quá vãng, tôi muốn nếm thử. Ông Mai Văn Trị, Viện phó Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, gợi ý tôi thử đi lên vùng trung du, nơi mà thời tiết mát mẻ, khô ráo có thể giúp cây sầu riêng sống lâu hơn và mùa khổ qua xanh có thể kéo dài đến tận tháng 10.
Vậy là tôi phóng lên xe máy theo quốc lộ 20 xuôi theo hướng bắc lên Bảo Lộc, một thị trấn ngái ngủ mà ông Trị nói cây sầu riêng có thể sống từ 50 đến 60 năm. Trên đường đi, tôi chỉ ăn sầu riêng và uống cà phê qua bữa. Có ngày, tôi ăn từ ba đến bốn trái sầu riêng. Khi nào ăn hết nổi, tôi đành buộc mấy trái sầu riêng đằng sau yên xe mà cũng chưa biết là mình sẽ làm gì với chúng. Ở Bảo Lộc, rất ít người thích ăn sầu riêng và người chủ nhà khách tôi ở, dù thân thiện đến mấy, cũng từ chối cho tôi đem mớ sầu riêng đó vào phòng. “Hôi lắm”, ông nói.
Những ngày ở Bảo Lộc, tôi phải vượt cầu treo, lội bùn và nài nỉ người dân ở đó dẫn tôi đến vườn cây ăn trái của họ. Nhưng chủ trại ở đây thậm chí còn đáng thất vọng hơn. Hầu hết đều nói với tôi là hết mùa sầu riêng khổ qua xanh rồi - chuyện hơi khó tin khi nhìn lên cây, ai cũng thấy những nhánh cây trĩu nặng với trái đang đơm hoa.
Một lần, sau khi tắm mưa và lội bùn đã đời, tôi thất thểu và bực dọc tìm chỗ làm khô quần áo, dừng chân ở một cửa hàng bách hóa nhỏ ở rìa thị trấn. Cặp vợ chồng già ở đó cho hay họ đến sống ở con lán với hai phòng ngủ này sau khi cả sáu người con của mình đều mất trong chiến tranh. Họ trồng một ngôi vườn nhỏ sau nhà với một cây sầu riêng duy nhất. Khi tôi tâm sự với đôi vợ chồng về “sứ mạng” của mình, người vợ đi ra sau vườn và trở lại với trái sầu riêng tròn, xanh xám mà tôi vô cùng cảm kích được mang về nhà.
Phải cần đến hai người phụ nữ và con dao mổ thịt mới có thể tách được trái sầu riêng này. Và mùi vị của từng múi? Tôi không thể nào diễn tả được. Một sự kết hợp của vị ngọt kem và sự bùng nổ của những mùi vị quen thuộc - dứa, bột làm bánh Giáng sinh, trái óc chó, và còn cái gì đó nữa...
Calvin Godfrey