Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

Nhạc - Thơ - Văn Chiếc áo dài của mẹ tôi

Kết quả hình ảnh cho Chiếc áo dài của mẹ tôi

Nỗi Buồn Mẹ Tôi



Mẹ !
Con ray rức : chưa một lần gọi Mẹ,
    Tiếng yêu thương vì xưa mẹ thật gần...
  Mẹ, là người con cứ mãi phân vân,
     Con nhung nhớ trong tháng ngày xa mẹ !

Mẹ, con đã gọi âm thầm rất khẽ,
Nghe âm vang dìu dịu ấm trong con.
Mẹ nuôi con bằng cả tấm lòng son,
Con khôn lớn trưởng thành nhờ có mẹ

Nơi xa xứ con cô đơn quạnh quẽ,
Tấm áo xưa con luôn giữ bên mình...
Mẹ không còn nhưng lòng vẫn đinh ninh,
Tấm áo bạc thay cho hình bóng mẹ....! 
NM

Chiếc áo dài của mẹ tôi

Câu đầu tiên mà tôi muốn viết trong truyện này chính là câu: ” Tôi là đứa con bất hiếu…”. Những gì tôi viết đều có hình ảnh của bất cứ ai như bạn bè, bằng hữu, người tình, người yêu, người vợ; song lại thiếu vắng hình ảnh của mẹ tôi; ” người-tình-diễm-tuyệt ” mà tôi thường hay gọi đùa mỗi khi đi xa trở về thăm nhà để được nằm gối đầu vào lòng bà và kể cho bà nghe chuyện tình yêu và chuyện đời lính. Lúc nào tôi cũng băn khoăn, thắc mắc tự hỏi tại sao mình lại không viết về mẹ của mình. Câu hỏi đó theo tôi mấy chục năm, ở hoài trong ý nghĩ của tôi và sau cùng tôi mới tìm ra câu trả lời. Hình ảnh của mẹ tôi, không hiểu tại sao rất nhạt mờ trong trí nhớ của tôi.
Đã nhiều lần, nằm trong bóng tối, tôi cố gắng hình dung ra khuôn mặt của mẹ tôi và thú thật; tôi, dường như không có chữ nào để diễn tả khuôn mặt của người đã sinh ra mình. Nhìn-hình-thấy-ảnh thì tôi biết đó là mẹ tôi, mà bảo diễn tả mặt mũi, vóc dáng thì tôi không có chữ để viết. Dường như mẹ tôi đã vỡ vụn rồi tan biến vào không-thời gian và hòa quyện trong tâm hồn do đó không có chữ để nói. Mẹ tôi, như khí trời, như nước uống, như miếng ăn, như nụ cười, như tiếng khóc, như nỗi buồn dìu dịu nhẹ tan loảng. Mẹ tôi ở trong tôi, mơ hồ lãng đãng như chiếc bóng thì làm sao tôi có thể viết thành chữ để nói về cái bóng của chính mình. Mẹ tôi như kỹ niệm của ngày ấu thơ, tuổi sắp lớn và tuổi đã lớn với những bão-động-cuộc-sống. Mẹ tôi là giọt nước mắt rơi ra của tuổi 30, nằm trong căn phòng tồi tàn nơi xứ sở lạ hoắc của kiếp người tị nạn vào ngày cuối thu hiu hắt lá rơi gọi lên hai tiếng ” mẹ ơi ”. Không có tiếng trả lời, cho tôi biết ”người-tình-diễm-tuyệt” của tôi không còn ở bên tôi nữa.
Tôi sẽ không còn dịp nào ngồi bên cạnh người đàn bà đẹp nhất, thực nhất, thương yêu tôi nhất nơi chiếc băng cây trước nhà, tựa đầu lên vai như tìm một chỗ an nghỉ sau những tháng ngày dài trôi nổi trong chiến chinh. Mẹ tôi là chỗ để cho tôi trở về. Mẹ tôi, có thể không hiểu hết những gì tôi nói, nhưng bằng cái nhìn không có ngôn từ để diễn bày đã mang lại cho tôi sự ấm áp, niềm hi vọng và lòng tự tín để chịu đựng đớn đau, sầu khổ mà lớn cùng với người và đời sống có nhiều xáo trộn của tôi. Mẹ tôi, dù cho tôi đã trưởng thành, vẫn coi tôi như đứa bé thơ dại, âu yếm để tôi gối đầu trong lòng, bàn tay mềm tình thương vuốt ve khuôn mặt đứa con hư mãi rong chơi quên đường trở về nhà, quá nhiều đam mê và mơ mộng nên quên mất cả mẹ già.
Tôi nhớ lúc còn nhỏ những đêm mưa dầm lạnh lẽo, chui vào giường ôm lấy mẹ như tìm chút hơi ấm của tình mẫu tử thiêng liêng không có gì đánh đổi được. Tôi nhớ nụ cười bao dung của mẹ tôi khi tôi phạm phải lỗi lầm, bà nhẹ nhàng chỉ dạy bằng câu nói: ” Con hư quá… Mẹ hổng thương đâu…”. Đối với tôi câu nói đó có tác dụng hơn hình phạt hoặc đòn vọt. Tôi là đứa trẻ không có cha ở gần để dạy dỗ, vì vậy mà tình thương của mẹ tôi đối với tôi quí giá vô cùng. Tôi kính phục bà ở chỗ xa vắng chồng vẫn ở vậy nuôi đàn con nhỏ dại dù bà có thừa điều kiện để bước đi bước nữa. Không có cha, tôi dồn hết tình thương của tôi cho mẹ; cũng như vắng xa chồng, mẹ tôi dồn hết tình thương cho con cái mà sau này có lớn khôn thứ tình cảm thiêng liêng đó chỉ tăng thêm chứ không hề sút giảm. Nhiều lần, nhìn mẹ, một người đàn bà trẻ đẹp mà bây giờ tóc đã phai theo màu thời gian, tôi hiểu được nỗi buồn đau trầm lắng mà mẹ tôi phải chịu đựng hai mươi lăm năm. Rời xa đất nước, rời xa người tình yêu dấu, tôi mới thực sự hiểu được nỗi buồn đau vì xa vắng chồng của mẹ tôi. Phải có mất mát tôi mới biết quí trọng cái mình đang có. Nhưng thôi, bây giờ mẹ tôi đã về nơi thiên cổ rồi vì vậy những chữ sau đây dành cho một hình bóng sắp sửa sẽ nhòa nhạt trong trí tưởng của tôi. 
*****
– Tình hình bết lắm… Ban Mê Thuột đã thất thủ hơn nửa tháng rồi…
Đặng nói với tôi khi hai đứa ngồi ăn hủ tiếu trong cái quán tạp hoá nằm ngay tại ngã ba của quốc lộ 4 với con đường chạy vào trong phố. Tôi im lặng nhìn cánh đồng cỏ cao bên kia con đường tráng nhựa. Xa thật xa tít trong kia hàng cây cao xanh.
– Chỗ của mày yên không?
Đặng hỏi sau khi uống ngụm xây chừng. Đốt điếu thuốc, hít hơi thật dài, ém hơi thật kỹ, rồi nhả khói ra từ từ; tôi trả lời một cách rời rạc và mệt mỏi.
– Yên thì cũng yên…
Nghe tôi trả lời nhát gừng, Đặng ngước nhìn tôi với vẻ ngờ vực. Tùng sự ở phòng 3 tiểu khu; dĩ nhiên nó biết rành tin tức chiến sự ở trong tỉnh cũng như trong nước hơn tôi nhiều.
– Mày cẩn thận… Ráng mà sống qua con trăng này… Tao hổng có muốn nghe tin…
Đặng cười khà khà sau khi nói. Tôi cũng gật đầu cười.
– Sống chết có số mà… hơi sức đâu mà lo…
Đặng gật đầu im lặng nhìn chiếc xe đò từ từ lăn bánh.
– Mày về Sài Gòn làm chi?
– Thăm nhà… Tao nhớ má tao…
Câu nói của tôi khiến cho Đặng cười sặc cà phê. Cố không buông tiếng chửi thề quen thuộc nó nói nhanh. Cái giọng bắc cờ 54 lai nam cờ Sài Gòn của nó nghe thật buồn cười.
– Mẹ… Tụi nó bảo mày khùng thật đúng. Con gái Sài Gòn đẹp hết biết mà mày hổng nhớ lại đi nhớ má… Đúng là mày mác nặng rồi…
Dứt lời nó còn đưa tay ra rờ trán tôi xem có ấm đầu, triệu chứng của những thằng lính bị mác dây thần kinh não đâm ra khùng điên. Nó vẫn còn giữ được cử chỉ quen thuộc mà đám bạn trong quân trường hay đùa giỡn và chọc phá với nhau.
– Mày làm lính ở xa nên thiếu hơi đàn bà con gái… Tuy nhiên cũng chưa tới nỗi nặng lắm mà còn chữa trị được… Tao giới thiệu mày với em gái tao nghen… Nó đang muốn tìm người nâng khăn bịt mắt để lắt túi tiền…
Nốc một hơi cà phê vợt tôi cười hà hà.
– Cám ơn… Em mày có mặt rổ, mắt lé, chân đi chữ bát, sứt môi gì hông…
Đặng lắc đầu quầy quậy.
– Hổng có đâu… hổng có đâu… Em tao coi được lắm… Nó mà đi thi hoa hậu thì dù hổng được chọn làm hoa hậu song cũng thuộc hạng á… á… á… á… hậu nghen mậy…
Tôi bật cười vì hàng chục tiếng á rồi mới tới hậu mà tiếng hậu của nó tôi nghe như là khẩu. Liếc thấy mặt trời đứng bóng, tôi ực cạn ly xây chừng rồi đứng lên. Biết ý Đặng nói liền.
– Đi đi… Để tao trả…
Thấy tôi dụ dự, Đặng cười hì hì.
– Cái này là hậu phương ủng hộ tiền tuyến. Mai mốt mày vào tiểu khu tao sẽ bao mày một chầu cơm no bò cỡi…
Gật đầu, tôi bước ra lề đường. Nắng chói chang trên mặt đường nhựa. Quốc lộ 4 bóng nhẫy như chảy mở vì sức nóng của ánh mặt trời của những ngày cuối tháng 3. Chiếc xe đò chạy đường Mỹ Tho-Sài Gòn trờ tới. Đặng bắt tay tôi thật chặt. Hai đứa đều không ngờ đó là lần bắt tay cuối cùng. Ngoái đầu nhìn lại tôi thấy Đặng đang ngồi im trên chiếc xe gắn máy hiệu Honda. Dáng của nó thật cô đơn và buồn rũ khiến cho tôi chạnh lòng nhũ thầm, nếu lần tới gặp nhau tôi sẽ nhậu xả láng với nó một trận để đời. Chiếc xe mới lăn bánh được chút đã dừng lại nơi đầu cầu Long An vì phải chờ cầu trống mới được qua. Ngồi trong lòng chiếc xe chật hẹp, dơ dáy có mùi  thum thủm tôi im lặng nhìn dòng sông nước xanh lơ lờ lửng chảy. Sông Vàm Cỏ Tây. Phát nguyên đâu đó bên kia biên giới Miên Việt, nó chảy qua các vùng như Cao Lãnh, Tuyên Nhơn, Cai Lậy, Long An rồi gặp Vàm Cỏ Đông để thành sông Vàm Cỏ và cuối cùng ra biển bằng cửa Soài Rạp.
Xe chầm chậm qua cầu rồi chạy nhanh hơn. Được chừng nửa giờ nó phải ngừng lại khi tới dốc cầu Bến Lức. Lại chờ. Quốc lộ 4 là quốc lộ nhộn nhịp vì nối liền Sài Gòn với các tỉnh miền tây đông đúc dân cư. Tuy nhiên hai cây cầu Long An và Bến Lức đã làm nghẽn lượng lưu thông của xe cộ rất nhiều. Chính phủ dường như có quá nhiều việc mà lại ít tiền thành ra cứ để mặc hai cây cầu sắt cũ kỹ được xây từ thời thuộc Pháp trơ gan cùng tuế nguyệt.
3 giờ chiều. Tôi bước vào cái cổng nhà quen thuộc. Ao nước nhỏ đầy rau muống. Dù ít nó cũng là lợi tức của ba mẹ tôi ở tuổi già. Tất cả đều y nguyên. Mẹ tôi đón tôi bằng ánh mắt sáng ngời hạnh phúc khi thấy tôi trở về nhà không có chút mất mát. Đã có tuổi lại bị tê liệt vì ” stroke ”, bà khó mà đứng vững nếu thấy tôi trở về không nguyên vẹn hình hài. Ba tôi thì vẫn mạnh khỏe. Do ở sự bất đồng quan điểm chính trị nên tôi ít khi nói chuyện với ông. Phải nói tôi kính trọng nhiều hơn thương ông. Tôi thương mẹ tôi nhất. Tôi gần gũi mẹ tôi nhất. Có những điều tôi không thể nói với bất cứ ai thời tôi dễ dàng thố lộ cùng bà, một người hiểu tôi bằng trực tính và hơn hết bằng tình thương vô giới hạn.
Sau bữa cơm chiều tôi với mẹ tôi ra ngồi nơi chiếc băng cây trước nhà. Đó cũng là thói quen và cũng là nơi để cho mẹ con tâm tình. Đúng hơn, mẹ tôi nghe nhiều hơn nói. Bà im lặng nghe, thỉnh thoảng mới nói bằng nụ cười, bằng ánh mắt nhìn như an ủi, khuyến khích và chia xẻ âu lo, nhọc mệt và gian khổ mà tôi đã trải qua. Bà cho tôi biết khá nhiều chi tiết về chiến sự ở cao nguyên mà bà đã đọc báo hoặc nghe tivi. Tôi thấy bà có vẻ buồn và lo dù bà cố giấu kín. Anh trai của tôi đang ở Xuân Lộc, vùng đất mà khi cao nguyên thất thủ thì sẽ là cửa ngỏ để cho quân địch đi vào Sài Gòn. Bà cười vui và bằng lòng khi nghe tôi đề nghị mời ” người-tình-diễm-tuyệt ” bát phố ngày mai trong đó có mục đi xem chiếu bóng và đi ăn ở bất cứ nhà hàng nào bà muốn.
– Mẹ đừng lo… Con có nguyên ba tháng lương chưa xài…
Như để cho bà tin tôi mở túi áo lính, lôi ra cọc tiền rồi ấn vào tay bà kèm theo câu nói.
– Con cho mẹ…
Mẹ tôi ứa nước mắt trong lúc cầm lấy cọc tiền lương của đứa con trai. Bà biết đó là mồ hôi, nước mắt và đôi khi là máu chảy ra. Nhìn tôi âu yếm, bà cười nói đùa.
– Con nhất định xài hết tiền cho ”người-tình-diễm-tuyệt ” của con hả…
Tôi cười một cách vui sướng vì lần đầu tiên tôi nghe bà mẹ của tôi mở miệng nhìn nhận cái vị thế rất đặc biệt trong tình mẫu tử giữa tôi với bà. Từ nào tới giờ bà chỉ cười im lặng khi nghe tôi gọi bà là người-tình-diễm-tuyệt. Cười hắc hắc tôi nhìn bà.
– Dạ… Con sẽ xài hết không chừa đồng nào…
Lắc đầu song mẹ tôi lại mỉm cười. Bà biết tính đứa con hư của bà. Tôi giống bà rất nhiều điểm. Đi ra đường thiên hạ nhìn ai cũng biết tôi là con của bà vì hai gương mặt giống nhau như đúc. Bà thích đọc sách thời tôi cũng là con mọt sách. Sinh trưởng trong một gia đình khá giả nên bà có tính xài sang. Tôi chịu ảnh hưởng của bà rất nhiều ở điểm hể có tiền trong túi là phải xài cho hết. Để lâu tiền nó mục… Mỗi khi tôi xin tiền thời bà lại hỏi tiền lương của con đâu và tôi cười trả lời dạ xài hết rồi vì để lâu tiền nó mục. Hình như cũng đồng ý với tôi về điểm này nên bà cười nói đùa: ” Mẹ hết tiền rồi… Tiền để lâu hổng xài nó mục…”.
Ra tới ngã ba đường Hùng Vương, thấy tôi đứng lại mẹ tôi hỏi nhỏ.
– Mình đi đâu vậy con?
– Dạ ra đường Lê Lợi. Mình đứng đây chờ xe. Mẹ muốn đi xe nào… Xích lô hay tắc xi…?
Hỏi xong tôi thấy mẹ tôi cười. Nhìn bà mặc chiếc áo dài màu nâu sờn bâu đã cũ tôi chạnh lòng. Từ khi đi lính tôi ít khi về nhà. Mỗi khi về nhà tôi lại ít có thời giờ chú tâm tới mẹ già. Thỉnh thoảng khi nào về nhà mà có tiền trong túi tôi mới cho bà đôi khi chục ngàn hoặc đôi khi nhiều hơn. Tiền đó bà không xài mà lại dúi vào tay tôi buổi sáng sớm lúc tôi từ giã bà trở lại đơn vị.
– Áo của mẹ cũ quá rồi. Hồi nữa con dẫn mẹ đi may áo dài nghen mẹ…
Nói xong tôi thấy bà ngần ngừ rồi lát sau mới cười thốt.
– Mắc tiền lắm đó…
– Mắc bao nhiêu con cũng chịu… Con muốn may cho mẹ chiếc áo dài thật đẹp. Lâu rồi con ham vui nên hổng có thời giờ săn sóc mẹ…
Mẹ tôi mỉm cười. Đôi mắt đẹp của bà long lanh sáng. Chắc bà cảm động vì câu nói chí tình của đứa con trai cưng.
– Nếu con muốn…
Mẹ tôi nói gọn. Tôi gật đầu cười trong lúc nắm lấy bàn tay mềm ấm của bà.
– Con muốn xài hết tiền của con hôm nay. Hôm nay là ngày con dành hết cho mẹ…
Mẹ tôi cười quay mặt sang nhìn tôi rồi câu hỏi bật ra.
– Cô bồ tên Liên của con đâu rồi?
– Dạ… đi lấy chồng rồi mẹ…
– Lấy ai?
– Dạ… con hổng biết nhưng chắc hổng phải con của mẹ…
Mẹ tôi bật lên tiếng cười vui vì câu trả lời của tôi.
– Bởi vậy con mới dành hết thời giờ quí báu của con cho bà mẹ già này hả?
Tôi trả lời bà trong tiếng cười.
– Với con, mẹ vẫn còn trẻ đẹp như ngày đầu tiên con có được nhận thức về nét diễm tuyệt của mẹ… Con nghĩ hình ảnh của mẹ không bao giờ già trong tâm hồn con…
Tôi biết bàn tay của mình bị xiết chặt bởi bàn tay của mẹ hiền. Chắc bà cảm động vì câu nói của tôi.
– Mẹ không ngạc nhiên khi biết con có nhiều người ái mộ…
Bắt gặp ánh mắt dò hỏi của tôi, bà thong thả giải thích.
– Con tán đào như đang viết tiểu thuyết tình cảm… Mẹ già hai thứ tóc mà nghe con tán còn phải mũi lòng huống chi mấy cô gái…
Không nhịn được tôi bật lên tiếng cười vui. Tôi nghĩ mẹ tôi hiểu tôi hơn nhiều người khác.
– Mẹ nói con được nhiều người ái mộ mà giờ này con vẫn chưa có vợ…
Mẹ tôi cười nheo mắt nhìn tôi cùng với câu nói bật ra.
– Bắt phong trần phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao… con ơi…
Tôi cười im lặng song ngẫm ra câu nói mà bà mẹ của tôi lấy từ hai câu thơ của ông Nguyễn Du rất chí lý. Thấy bóng chiếc tắc xi ở xa xa tôi giơ tay vẩy. Đợi cho nó ngừng hẳn tôi mới mở cửa giúp cho mẹ tôi bước vào xong mới vòng qua phía bên kia mở cửa cho mình. Xe qua cầu Thị Nghè. Con rạch tuổi học trò của tôi, ngày xưa nước trong xanh thời bây giờ đục màu nước dơ cùng với rác rưởi trôi lềnh bềnh. Tôi thở dài nhè nhẹ như không muốn cho người ngồi bên cạnh nghe song dường như bằng cảm nhận của tâm linh mẹ tôi nghe được tiếng thở dài buồn bã của tôi.
– Con có gì buồn?
Tôi cười gượng quay nhìn vào mặt mẹ.
– Buồn thời con có nhiều chuyện buồn, nhiều lúc buồn lắm… bởi vậy mà con phải cố tập sống với nỗi buồn của chính mình…
Tôi biết có bàn tay mềm ấm nắm lấy tay mình rồi bóp nhè nhẹ. Đó là cách an ủi và chia xẻ của mẹ tôi.
– Con tính mời mẹ ăn món gì?
Mẹ tôi cố ý phá tan bầu không khí buồn bã nên hỏi tôi bằng câu hỏi đó.
– Dạ… bất cứ món gì mẹ thích…
– Mình đi ăn khô bò…
Tôi quay nhìn sang bên cạnh khi nghe câu nói đó. Tôi biết vì răng yếu nên mẹ không nhai được những thứ cứng, dai và khó nuốt như khô bò. Tôi còn nhớ món mà bà thích ăn nhất chính là bún riêu.
– Con muốn mình đi ăn bún riêu…
Tôi thấy mắt mẹ sáng lên. Dường như bà cảm động vì tôi còn nhớ tới món ăn mà bà ưa thích và hơn nữa tôi chiều chuộng bà.
– Con đâu có thích bún riêu…
– Dạ con hổng thích bún riêu lắm… nhưng hôm nay là ngày của mẹ cho nên con chiều mẹ… con sẽ ăn bún riêu… ăn một tô tổ chảng… có rau muống chẻ, rau sống, chanh thật chua và ớt thật cay…
– Nghe con tả mẹ thèm chảy nước miếng…
Tiếng cười của tôi vang lớn át cả tiếng cười của mẹ già. Tắc xi thả tôi với mẹ tại ngã ba Hàm Nghi và Lê Lợi. Vì hai chân còn yếu sau vụ ” stroke ” do đó tôi phải dìu mẹ tôi dạo phố bằng cách cặp tay bà.
– Bao lâu rồi mẹ không đi bát phố…?
Vừa ngắm nhìn người qua lại tôi hỏi nhỏ câu trên.
– Mẹ hổng nhớ… chắc từ ngày con đi lính…
Lần này tôi cố giấu tiếng thở dài của mình thật kỹ như không muốn cho mẹ tôi biết. Tính tới tháng 3 năm 1975, tôi đã được gần 10 tuổi lính rồi. Trong suốt thời gian dài đó tôi ít khi về nhà và từ khi ba tôi trở lại nhà chung sống thời tôi càng ít về nhà hơn nữa.
– Mẹ mệt hả mẹ?
– Chưa… Mình ăn ở đâu vậy con?
– Dạ trong hẻm Casino…
Mẹ tôi cười gật đầu.
– Mẹ còn nhớ chỗ đó. Hồi mới đi lính con có chở mẹ vào đó ăn mấy lần…
Tôi cười vui vì ít ra mẹ tôi vẫn còn nhớ được quãng thời gian hiếm quí mà tôi có được ở Sài Gòn khi mới đăng lính. Lần đầu tiên lãnh lương, tôi đã rũ bà đi xem chiếu bóng ở rạp Eden rồi vào hẻm Casino ăn chả giò và bún riêu. Mẹ con tôi đã có chung quãng thời gian ngắn ngủi vui chơi với nhau. Rồi chiến chinh kéo tôi ra khỏi vòng tay nâng niu của mẹ hiền. Bà bất lực trước hoàn cảnh, thời cuộc và chính tôi cũng muốn thành con chim có cánh bay xa tổ ấm. Chinh chiến đẩy tôi đi thật xa, tới những địa danh xa lạ của vùng cao nguyên hoặc vùng đồng bằng sông Cửu Long.
– Đang mơ mộng gì đó hả con?
Mẹ tôi lên tiếng rồi kéo tôi dừng lại khi tới ngã tư của đường Pasteur và Lê Lợi. Tôi cười dìu bà qua đường. Con hẻm không đổi khác. Cũng đông người ra vào và mùi thức ăn thơm lừng. Trong lúc ăn mẹ tôi hỏi về người tình mới nhất mà tôi đã đưa về giới thiệu với gia đình. Ngần ngừ giây lát tôi mới kể cho bà nghe về những trắc trở của Lan và tôi trong những lúc gần đây. Hoàn cảnh… Tôi nói gọn hai tiếng đó như để phân trần và tìm chút cảm thông mà tôi biết sẽ có nơi bà mẹ của mình. Mẹ tôi gật đầu thở dài. Cuộc đời bà là một thí dụ điển hình nhất. Buổi chuyện trò chấm dứt sau khi hai mẹ con chia nhau ăn hết sáu cuốn chả giò và hai tô bún riêu. Đúng ra thì tôi ăn nhiều hơn. Trả tiền xong ra tới đầu hẻm tôi đề nghị đi xích lô tới tiệm may áo dài. Trong lúc chờ xích lô mẹ tôi hỏi may áo dài ở đâu. Câu hỏi làm tôi lúng túng. Mười năm nay tôi toàn mặc áo lính nên đâu có biết chỗ các tiệm may quần áo ở Sài Gòn. May quá tôi chợt nhớ tới tiệm may Thanh Châu ở miệt Tân Đinh Đa Kao. Vùng này gần nhà nên được tôi đi lại thường xuyên và còn nhớ tiệm may Thanh Châu nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng. Định về Thanh Châu may áo dài nên tôi bàn với mẹ đi xem chiếu bóng trước, sau đó sẽ đi ăn kem ở Mai Hương rồi về Tân Định đặt may áo dài và cuối cùng trở lại nhà.
*****
– Tôi đã trả tiền trước rồi… Đây là biên lai đặt may áo dài cho mẹ tôi. Nhờ ông chịu khó lấy dùm tôi…
Nghe tôi dặn đi dặn lại mấy lần, thượng sĩ Tính gật đầu cầm lấy cái biên lai rồi cười lên tiếng.
– Ông thầy đừng có lo… Tôi sẽ biểu sấp nhỏ lấy liền…
Đưa Tính ra tới đường lộ chính, tôi còn dặn thêm bằng câu nói giỡn.
– Ông mà quên áo dài của tôi thời ông ở lại Sài Gòn luôn đi… Nhớ nghen…
Tính leo lên chiếc xe gắn máy do lính lái đưa ông ta ra quốc lộ 4 để đón xe về Sài Gòn thăm vợ con ba ngày. Tháng 4 song khá oi bức. Hầm… Đó là tiếng đúng nghĩa nhất. Tôi bắt đầu theo dõi tình hình của đất nước bằng cách bớt thời giờ ngồi nhậu với lính để lắng nghe tin chiến sự từ đài phát thanh quân đội và Sài Gòn hoặc gọi máy về tiểu khu hỏi Đặng. Nhờ vậy tôi biết khá rõ về tình hình. Cuộc di tản ở vùng cao nguyên là một sai lầm cố ý về chiến thuật. Rồi tiếp theo cuộc di tản miền trung làm tình hình hết thuốc chữa. Biết thì biết, lo thì lo nhưng tôi cũng chẳng làm gì được. Cũng như triệu người lính khác tôi chỉ làm một điều: chờ lệnh của cấp chỉ huy.
Tính trở lại đơn vị ngày 10-4-75. Tôi vui vì ông ta giữ lời hứa mang về hai chiếc áo dài của mẹ tôi. Những gì ông ta kể trong thời gian ở lại Sài Gòn không những làm tôi mà toàn thể lính trong đơn vị đều hoang mang và lo âu. Rồi lịnh cấm trại và ứng chiến được ban hành. Không có người lính nào được phép rời đơn vị. Món quà cho mẹ tôi nằm kẹt cứng trong chiếc ba lô. Rồi chuyện gì tới phải tới. Trưa ngày 30-4-75. Đơn vị tôi tháo chạy trong hổn loạn vì không có cấp chỉ huy. Mấy ông xếp lớn đã chuồn êm không một lời dặn dò người lính đang ở lại chặn địch để cho họ có thời giờ ra đi mang theo vợ con và tài sản. Tôi, người lính độc thân chỉ mang được ba lô, trong đó có chiếc áo dài mà tôi không có dịp đem về đưa cho mẹ tôi để nhìn bà rạng rỡ trong chiếc áo dài mới. Bước chân lên tàu đánh cá ở cửa biển Soài Rạp, tôi buồn, thật buồn vì đã thất hứa với mẹ tôi. Tôi không biết một điều vô cùng đớn đau xảy ra sau này. Tôi, không còn dịp may nào, không bao giờ gặp lại ” người tình diễm tuyệt ” của tôi nữa. Bốn mươi năm lao đao kiếp người tị nạn, thỉnh thoảng nhìn lại chiếc áo dài tôi ứa nước mắt. Màu áo bạc dần theo thời gian cũng giống như màu tóc của mẹ tôi.
Chu Sa lan
Em chợt đến rồi đi trong gió thoảng,
Có ngờ đâu ta sớm cách xa nhau...   
Áo tinh khôi như tình bạn thắm sâu, 
Người ở lại thấy lòng buồn hiu hắt !

Ánh hoàng hôn ráng chiều vàng chớm tắt
Nhớ làm sao kỷ niệm đẹp ngây thơ ?!
Ta ước mơ và em cứ đợi chờ,
Áo dài trắng tinh khôi như cõi mộng !!

Ừ thôi nhé, em về theo gió lộng,
Thoảng hương lài thơm áo trắng em mơ...
Em xa khơi mà ta vẫn mong chờ,
Bao giờ gặp bóng hình người bạn cũ !?
NM 
  CHIẾC ÁO DÀI
Tháng năm, kỷ niệm ùa về như màu đỏ tràn ngập trên mái ngói sân trường của tàng phượng vĩ…Nhưng kỷ niệm có khi làm ta rưng rưng đến nhói đau. Về một người bạn đã mãi mãi đi xa chẳng hạn. Hãy đọc và chia sẻ câu chuyện sau đây với một chút bâng khuâng, một chút liêu trai, một chút chạnh lòng…Và một chút yêu thương !
             Xếp xong chiếc áo dài màu trắng vào hộp, đặt lên đó một chùm hoa lài thơm ngào ngạt, An mỉm cười hài lòng “Chà, nhỏ Bình mừng lắm đa”. An nhớ lại:
            “An, Nhanh lên! Nhanh lên! Lại đây nè!” Tịnh vừa kêu nó vừa vẫy tay rối rít. An nhanh nhảu chạy lại nhìn theo ngón tay của Tịnh “Thì ra là một con cua lột đang bò ra khỏi hang”. “Lẹ lên, bắt lẹ” Bình hối thúc. An hơi gắt “làm gì dữ vậy, nó mới lột bò chậm rì , làm tui chạy quá trời”. Bình cười hiền, mắt nhỏ đen nhánh và buồn “tại tui sợ An lại không kịp nó chui vô hang”. Dù gắt nhưng An vẫn nhanh tay bắt cua bỏ vào giỏ rồi hai đứa lại nói chuyện huyên thuyên đi dọc con sông để tìm tiếp. An xách giỏ đầy những cua lột, nó cười đắc thắng “Tịnh này! Nhìn xem, An  bắt nhiều  lắm nè, chiều nay có cua lăn bột chiên rồi, tui bắt còn Tịnh phải làm món ăn ngon nghen!” Tịnh gật đầu “Ừ! Để tui làm, chứ An làm ăn dở lắm!” An phát vai Tịnh, hai đứa cười nắc nẻ.
Tối đến, Tịnh mang dĩa cua chiên bột ra hai đứa ngồi ăn ở hiên nhà. Giờ này, cậu mợ ngủ rồi, tụi nó mới rảnh rang. Tịnh xuýt xoa “Ui! Hết ngon rồi! Hồi chiều mợ sai riết không kịp cất vào bọc kín, ráng ăn nghen!” An trả lời mà hỏi lại “ Hồi chiều mợ lại mắng Tịnh nữa hả ? Có véo không mà má tím thế kia ?”. Tịnh cười “Đâu có gì tại tui lấy dầu của mợ rồi tranh thủ lúc giữ bé Ngoan chiên cua ai dè mợ đi chợ về sớm quá thấy nên ... nhưng không sao đâu!”. “Không sao cái gì mà không sao! Tại hồi chiều tui bị cậu sai sang nhà bà Năm giúp đám giỗ, không thì Tịnh đâu bị đòn, bả làm gì dữ vậy, tại Tịnh hiền quá đó. Tụi mình là con nuôi chứ có phải con ở đâu mà ...”. Nhưng nó chợt chựng lại, buồn buồn “Ừ! thì mình là con nuôi…”. Thấy khoé mắt Tịnh hơi ươn ướt, nó chuyển đề tài để Tịnh vui “Thôi mình ăn cũng ngon chán, miễn Tịnh làm là ngon còn tui con gái mà nấu nướng dở quá bởi vậy mợ không cho xuống bếp, chỉ cho Tịnh thôi!”. Tịnh vừa cắn cua vừa giả lả “Thôi mà! Nịnh hoài. Tụi mình mỗi đứa một tài, tui giỏi bếp núc còn An giỏi giao tiếp lại thông minh. Hai đứa mình là hai nửa của một con người”. “Hai nửa của một con người” cũng phải thôi, hai đứa là trẻ mồ côi, được bà Năm – mẹ của mợ - xin về cho cậu mợ nuôi và để giúp việc nhà, mười bốn tuổi nhưng hai đứa nhỏ xíu và đen nhẻm. An tóc ngắn, mắt lanh lợi, miệng tía lia còn Tịnh hiền lành, tóc đen mướt, mắt buồn xa xăm, mặt lúc nào cũng đăm chiêu. Hai đứa như hai chị em ruột, chịu đòn chịu chung. Tịnh yếu hơn An hay bệnh nên mợ ghét vì “tốn tiền thuốc” còn An thì khoẻ như voi. Nhưng mỗi lần bị đòn khi thấy An chảy nước mắt là Tịnh lao ra để đỡ cho An. Thế là dù  lúc đó  người bị đòn là An , nhưng người Tịnh lại  đầy dấu roi. Khi có hai đứa, An nổi nóng “Ai biểu Tịnh đỡ làm gì! Yếu xìu mà cứ chịu đòn giùm hoài”. Tịnh lại cười, mắt vẫn buồn “Tui thấy An khóc. An rất ít khóc nên khi An khóc Tịnh biết An đau lắm nên không đành lòng”. “Tịnh ngốc lắm, tui khoẻ, tui không khóc vì đau mà khóc vì ức mợ cay nghiệt quá. Thôi lần sau không được như thế nữa”. Tịnh gật đầu nhưng An hiểu sau này Tịnh sẽ vẫn như thế vì đây là lần gật đầu thứ mấy mươi rồi.
“An đang nghĩ gì vậy ?” Tịnh hỏi khi thấy An cứ cắn ngang con cua trên miệng mà mắt  nhìn đâu đâu “À không có gì! Tại tui đang nghĩ ngày mai cô giáo trả bài tui mấy điểm ý mà”. An nói tránh đi không cho Tịnh biết là mình đang nghĩ gì . Tịnh cười “Có gì đâu An học giỏi chắc lại mười chứ gì, chỉ có mình là ngu, học hoài không giỏi”. Rồi Tịnh  nói tiếp “ Tịnh rất thích mặc áo dài, nhìn mấy chị đi học ở thành phố về, mặc áo dài trắng đẹp quá. Nhưng Tịnh học dở như thế chắc không có áo dài mặc đâu , vả lại cậu mợ mình nghèo quá!” “Tui thấy Tịnh mà mặc áo dài là hết sảy. Tóc dài nè, dịu dàng nè! Để mai mốt tui lớn, tui đi làm có tiền tui mua cho Tịnh, màu trắng phải không, ủa mà sao không phải màu khác mà là màu trắng?” An hỏi lại. “Tại màu trắng tui thích” Tịnh nói tiếp “Ừ! Hổng mấy An ráng học giỏi đi rồi có dịp ra thành phố học tiếp, nhớ mua tặng tui để tui mặc nhưng không biết là An có thể học lên nữa được không? Vì cậu mợ cũng không khá giả gì mấy, và lại mợ khắt khe quá”. Rồi hai đứa lại chìm vào khoảng không yên lặng để thở dài ngao ngán cho tương lai .Nhưng thời may, hết cấp hai, An đứng nhất trường, thầy cô thấy An có khả năng nên cùng nhau đóng góp tiền khuyến khích An ra thành phố học tiếp. An mừng ghê lắm nhưng lại buồn ngay. Còn Tịnh, Tịnh đã rớt tốt nghiệp cấp hai vì thiếu điểm nhưng Tịnh không buồn mà cho đó là đúng vì “Tịnh ngu quá mà!”.
Rồi An lên thành phố học, hai đứa trẻ chia tay nhau, Tịnh trao cho An một hộp nhỏ trong đó có một cây kẹp xinh xinh màu hồng và chùm hoa lục bình tím – là hoa mà An rất thích. Tịnh nức nở “Tặng An nè ! Tui chỉ có nhiêu thôi, tui tặng hoa lục bình nhưng không muốn An trôi như hoa lục bình đâu nghen! Nhớ viết thư và nhớ lời An hứa với tui lúc trước nghen, rảnh nhớ dìa”. “Ừ! Tui biết rồi. Khóc hoài, sao đi được, ráng giữ gìn sức khoẻ, tui đi học thành phố làm bác sĩ về trị bệnh cho Tịnh”.
Từ đó đến nay, An chỉ về quê thăm Tịnh chỉ có một lần vì tiền thầy cô gởi lên có hạn, dè xẻn lắm lại cộng thêm tiền thưởng của những cuộc thi học sinh giỏi An mới đủ tiền về xe. Đó là hè năm mười một. Nhớ lúc đó An nhìn thấy Tịnh đứng ở bên đường cứ muốn lao xuống xe để ôm lấy người bạn, người chị, người em thân thiết đó đang đứng kiếm dáo dác. Vừa xuống xe An đã oà khóc vì Tịnh ốm quá lại xanh xao và mắt vẫn buồn nhìn như xoáy sâu vào tâm hồn An. An cầm tay Tịnh, cúi mặt “Xin lỗi Tịnh, lâu quá tui mới dìa, tui lại chưa thể mua được áo dài cho Tịnh. Nhưng tui hứa sinh nhật lần sau của Tịnh tui sẽ tặng”. Tịnh cười vẫn rất hiền lành “An dìa là tui vui rồi, nói vậy thôi, có áo dài hay không cũng không quan trọng”. Nghe Tịnh nói thế nhưng An đọc trong mắt Tịnh có chút gì đó hơi thất vọng , hơi luyến tiếc. Rồi hai đứa lại huyên thuyên kể chuyện sau những tháng ngày chia cách.
        Giờ đã là cận kề ngày sinh của Tịnh, với số tiền lãnh ở cuộc thi cấp quốc gia vừa qua, An đã đủ mua áo dài tặng Tịnh, An mừng lắm, nhớ hôm đi may áo, An bảo cô thợ may “vóc dáng của tụi cháu bằng nhau, cô cứ may như vậy.” “Ừ, được!” Cô thợ may nói đùa: “Cháu giống con trai , mặc áo dài có nam tính lắm, sao không may một bộ để mặc”. An cười không nói, nó biết cô chọc nó và nó cũng biết rằng tiền đâu mà nó may một bộ nữa chứ. Mấy năm nay đi học  mặc toàn áo của bạn bè mặc sờn tặng cho không nữa là. Nhưng rồi An lại sáng mắt lên khi hình dung ra Tịnh trong bộ áo dài này. An tính rồi, An sẽ gởi bưu điện về cho Tịnh bất ngờ, An lại cố tình hái chùm hoa lài đặt lên cho thơm vả lại cho giống lúc Tịnh tặng An khi chia tay, một cây kẹp và một chùm hoa. Vì An biết Tịnh thích hoa lài lắm, trước đây Tịnh từng nói với nó “Tịnh thích lài vì lài đẹp mà trắng thanh thoát lại thơm lâu như…” và lúc nghe Tịnh nói như thế, An còn ngắt ngang “như Tịnh”, nhớ lại gương mặt đỏ lên vì mắc cỡ của Tịnh lúc đó, An mỉm cười một mình khiến cô thợ may cứ nhìn An ái ngại.
Mang áo dài về, An nghĩ thầm: “Chà! Chắc nhỏ mừng lắm đây”. Lúc đầu An định tự tay mang về nhưng An lại muốn cho cả xóm biết là An gởi áo dài cho Tịnh để mợ không cho là Tịnh ăn cắp tiền may vả lại hôm sinh nhật Tịnh, An phải đi làm hồ sơ tuyển thẳng trường đại học, nên An đành để sáng mai  hôm đó mang ra bưu địên gửi về trước cho Tịnh bất ngờ , còn An khi làm hồ sơ xong mới về với Tịnh để báo cho Tịnh mừng là An sắp làm bác sĩ, sắp có thể chữa bệnh cho Tịnh rồi, “vậy là hai điều bất ngờ đến trong một ngày Tịnh mừng lắm đây” vừa nghĩ vừa cười rồi An chìm sâu vào giấc ngủ.
Trước sinh nhật Tịnh một ngày, An chợt bồn chồn, tối đi ngủ, An còn kiểm tra lần cuối chiếc áo dài xem có gì thiếu không, rồi đi ngủ nhưng cứ thao thức mãi mới ngủ được. Nhưng đến bốn giờ sáng lại chợt tỉnh giấc dù chuông đồng hồ báo thức chưa reo. An uể oải soạn lại hồ sơ rồi ra bàn học ngồi ngắm sao, chợt An nhìn thấy dáng người quen quen đang đi đến trước nhà, An chạy lại: “Trời ơi! Tịnh, bất ngờ quá, sao Tịnh lại biết An ở đây, sao Tịnh lại đến được đây. Vào nhà này, ở ngoài sương lạnh dễ bệnh lắm”. Đúng thật là Tịnh, An ra mở cửa, Tịnh bước vào căn phòng của An thật nhẹ nhàng, vẫn mái tóc dài ấy, vẫn dáng vẻ xanh xao ấy, vẫn đôi mắt buồn nhìn xa xăm ấy nhưng sao Tịnh gầy quá, xanh quá , bàn tay Tịnh trong tay An lành lạnh. An không dám bật đèn sáng sợ chủ nhà la, bà chủ vốn sợ tốn điện, nên đành để đèn ngủ mà nói chuyện vả lại Tịnh cũng xua tay bảo đừng bật đèn làm phiền chủ nhà. Tịnh lặng lẽ nói: “Nhớ An quá Tịnh lên thăm. An cho Tịnh xem chiếc áo dài đi. Tịnh cứ mong mãi ngày mặc áo dài An mua. Tịnh biết An đã hứa là làm được”. An cười phát vai Tịnh – một cảm giác hơi mơ hồ khi An chạm vai Tịnh rồi nói “Nhỏ này, sao hôm nay không còn nhút nhát, thẹn thùng mà đòi hỏi ra mặt vậy, tui tính gởi xuống để Tịnh bất ngờ nhưng không ngờ Tịnh còn làm tui bất ngờ hơn, khi xuất hiện giờ này”. “Nè tui tặng Tịnh” An vừa nói vừa mở hộp lôi cái áo dài ra ướm thử vào người Tịnh, thật vừa khít,Tịnh cầm lấy thật nhẹ nhàng, rồi cười thật tươi. An nhìn không chớp mắt, từ trước đến giờ chưa từng thấy Tịnh cười đẹp như thế, tươi như thế và ánh mắt Tịnh không buồn nữa rất tươi, rất vui. Chiếc áo Tịnh khoác vào người thật đẹp, An hài lòng lắm. Tịnh nhẹ nhàng “Ah! Có cả hoa lài nữa, cám ơn An!”. Rồi Tịnh đưa chùm hoa lài lên ngửi “thơm quá, mùi hoa lài Tịnh rất thích vì nó rất ngào ngạt dù khi nó tàn, mùi hương của nó vẫn còn vang vọng, không thể lẫn với bất cứ mùi hương nào”
Trời dần sáng, Tịnh bảo “Tịnh về đây cho kịp chuyến tàu”, An thoảng thốt “Tàu gì cơ ? Giờ này tàu mới bắt đầu chạy kia mà”, rồi nắm lấy tay Tịnh “Ở chơi với mình chiều về tui về luôn” nhưng bàn tay Tịnh lạnh dần trong tay An rồi biến mất, chiếc áo dài rơi xuống đất lạnh lùng. Trước mắt An chỉ còn lại nụ cười của Tịnh, một nụ cười rất tươi, rất đẹp không còn phảng phất u buồn, mà rất thanh thoát, nhẹ nhàng.
Bác chủ nhà chợt kêu lên “An ơi! Người nhà vừa báo cô Tịnh gì đó vừa mới mất".
Vân Thu ĐH5C1

Áo dài của mẹ

- Xong rồi đây, xong rồi đây. Mấy đứa ra đây mẹ bảo nào!

Nghe tiếng mẹ gọi, chị em nó đang chơi đồ hàng kéo nhau ra. Trên tay mẹ là hai tấm váy hoa bằng vải xoa rất xinh, có thể gọi là lộng lẫy giữa thời khó khăn, đói kém ấy. Hai chị em nó háo hức sà vào lòng mẹ để thử váy mới, những bộ váy mẹ cắt và khâu bằng tay ròng rã mấy tuần qua. Ngày ấy làm gì có máy may, cũng không có thầy có sách gì ráo, là mẹ tự mày mò để hai đứa con gái có tấm váy mới đi dự đám cưới của một người bạn, cũng là để đón năm mới sắp sang.

Đôi mắt mẹ lúc đó rạng ngời sung sướng, có khi là tự hào nữa, ngắm nhìn hai chị em nó xúng xính trong những bộ váy như  hai nàng công chúa. Mấy đứa trẻ hàng xóm bỏ cả đồ hàng để chạy lại ngắm nghía, trầm trồ nhìn cả hai như nhìn sinh vật lạ, bởi những năm 1980 thì quần áo mới là một thứ xa xỉ, đối với bọn trẻ con thì chỉ được mặc lại đồ của anh chị hoặc của bố mẹ khâu, bóp lại là được. Thế mà chị em nó được sở hữu không chỉ váy xinh mà còn có giày và tất mới, thậm chí còn có nơ buộc tóc đính kim tuyến lấp lánh trên đầu. Mẹ nó cười, vuốt vuốt nhẹ lên người các con, dặn chúng chờ bố đi làm về khoe bố. Nhưng bố lại có vẻ không đáp ứng lại sự háo hức, mừng vui của hai đứa con, bố chỉ hỏi mẹ:

- Thế rồi mẹ nó mặc cái gì? Đám cưới nhà bạn rất thân của tôi đấy bà ạ.

Mẹ cười tươi, không đếm xỉa gì đến nỗi băn khoăn của bố, có vẻ như hai đứa con xinh xẻo thế này là bà thỏa mãn rồi.

- Không sao đâu anh, em mượn chị bạn được mà.

Cũng như nhiều gia đình trong khu tập thể, bố mẹ mới đưa chị em nó từ miền Bắc vào, lạ nước lạ cái, thiếu thốn đủ đường. Mỗi nhà một cách để vượt khó, cải thiện đời sống. Mẹ nó nhanh chóng kết thân với những người miền Nam sống ở quanh đó, bà tập tành buôn bán lặt vặt ngoài giờ đi làm. Sát đến ngày đi dự đám cưới, mẹ nó phơi lên dây một tấm áo dài màu tím hoa cà và trong trí nhớ mơ hồ về mẹ, nó nhớ bà suốt đêm khâu khâu, đính đính, ngắm vuốt chiếc áo. Khi ba mẹ con thướt tha áo quần chờ ở cửa, bố nó đã sững người mà hỏi mẹ nó:

- Sao mẹ nó lại có cái áo đẹp thế không biết…

Mẹ ngượng ngùng, thẹn thùng liếc nhìn chồng khe khẽ nói:

- Em mượn của cô giáo đấy anh ạ. Chị ấy dễ chịu lắm nên em sửa thêm mấy chỗ cho hợp với em...

Mẹ vốn trẻ hơn bố gần hai chục tuổi, khi mặc tấm áo dài màu tím hoa cà, mẹ đẹp hơn cả cô dâu trong tiệc cưới hôm ấy. Giữa đám đông hàng trăm người, chỉ một mình mẹ mặc áo dài - nào ai biết đó là đồ đi mượn - trông dịu dàng, nền nã mà lại nổi bật, rực rỡ khác thường. Xung quanh thì đa phong cách, người giàu có thì lụa là gấm vóc, người bình thường thì áo ngắn “sơ vin” với quần âu; thậm chí có bà không thèm chưng diện, cứ bận nguyên bộ đồ mặc nhà cháo lòng và hồ hởi chờ ngồi vào tiệc.

Mẹ cứ muốn nép vào bố, để bố khoác tay đi qua những con mắt lạ lùng, săm soi, thậm chí ghen tị ở chung quanh. Nhưng bố không hiểu, hoặc không thể làm điều đó, ông cứ ôm khư khư hai tay hai đứa con gái, không cho chúng đùa nghịch. Chưa xong tiệc, ông đùng đùng dắt hai đứa con về và mẹ vội vội vàng vàng rời khỏi đám cưới, trong tay mẹ vẫn còn một bọc thức ăn ai đó dúi cho…

Những ngày sau đó, hình như là bố mẹ giận nhau, là nó nghe tiếng bố làu bàu trong đêm khuya, còn mẹ thì khóc lóc, sụt sùi cả khuya lẫn sáng. Hình như có ai khen nịnh mẹ quá lố, làm cho bố khó chịu, mà hình như có gã nào đó còn cố tình chạm vào mẹ… Tấm áo dài thậm chí không được phơi lên dây một lần nào nữa, nó được mẹ gói lại trả cho cô giáo và mẹ cũng ít tới lui nhà cô và những người hàng xóm xung quanh. Một thời gian sau thì mẹ có thai. Bố chuyển từ làu bàu sang vui mừng, hồi hộp, thậm chí đi tìm và treo lên bức tranh một bé trai thông minh trong phòng ngủ. Khi cái bụng đã lùm lùm, mẹ âu yếm ôm hai đứa con vào lòng mà thì thầm:

- Hy vọng mẹ sẽ sinh cho bố một thằng cu, các con sẽ có một đứa em trai…

Nhưng kết quả lại là một đứa con gái. Khi đứa em gái út mới lẫm chẫm biết đi thì mẹ vụt biến mất như một cánh chim rời cõi thiên đường, để lại đàn con ngơ ngác như một bầy chim sâu còn chưa biết khóc. Cho đến lúc trưởng thành, nhìn bố trầm mình trong cô độc, nó mới biết khoảng trống mà mẹ nó để lại lớn đến thế nào…

Ngày mẹ nó mất, bố nó lục tung cả nhà không có một tấm ảnh để làm ảnh thờ. Giữa đêm khuya, bố nó đến gõ cửa nhà một người em kết nghĩa của bố, chìa ra tấm ảnh cưới và bảo:

- Em xem có cắt nó ra làm ảnh thờ cho chị được không. Ngoài tấm ảnh này ra, chị chả có tấm ảnh nào ra hồn cả…

Chú ấy là một người thợ ảnh, tất nhiên là chú làm được, nhưng vừa làm vừa sụt sịt khóc. Bố ngồi bên cạnh, im lìm như pho tượng. Tấm ảnh cưới ngày ấy mẹ mới có hai mươi mấy tuổi, áo sơ mi trắng trông như một nữ sinh, miệng cười rạng rỡ, ánh mắt ngời ngời tươi vui. Mãi sau chú nói:

- Trông chị trẻ quá anh ơi. Hay là em ghép cái áo dài vào cho nó nghiêm trang hơn nhé.

Nói vậy, rồi chú tự ý cắt cắt, ghép ghép ảnh luôn. Nhưng hình như chú cũng không ưng ý nên sửa đi sửa lại suốt.

Đó là những năm tháng vô cùng vất vả của bố và cả gia đình, khi đứa em út vẫn còn khát sữa. Vắng bóng mẹ, cuộc sống đảo lộn tất cả, bố không sao gượng dậy nổi. Ông khóa luôn cái rương đựng đồ dùng riêng của mẹ, phòng ngủ cũng giữ nguyên như lúc mẹ còn sống. Nhưng cũng có lúc mấy chị em lén mở rương để xem trong đó có gì, chỉ là một ít giấy tờ, mấy món đồ kỷ niệm của ông bà ngoại và những tấm vải còn mới tinh…

Bẵng đi mấy năm, nó là đứa con lớn nhất đi học xa, vào trường nội trú. Hai đứa em nhỏ còn nhắng nhít như  hai cái kẹo, được bố chở đi học rồi đón về, cuộc sống của bố ngày càng lặng lẽ hơn. Năm ấy thời tiết khác thường, mưa rất nhiều, nhà nó hứng trọn cái sự ngập lụt bởi khu tập thể xung quanh, nhà ai cũng sửa chữa, cơi nới cả rồi. Một lần đi học về, thấy bố khuân cái rương cũ của mẹ ra ngoài, nó mới giật mình nhận ra cái rương ướt sũng, các cạnh của nó hoen gỉ, mục ra, dính cả bùn đất…

- Ôi, bố! Đồ của mẹ…

Nó kêu lên rồi giở nắp rương ra, những khúc vải mẹ nó chắt chiu mua được từ ngày còn sống vẫn còn nguyên, nhưng đã mềm rũ ra, hẩm xì. Bố nó run run nhấc từng miếng vải ra, đặt lên bàn, ông nhìn con rồi nói nhỏ như muốn hối lỗi:

- Mẹ rất thích những tấm vải này con ạ, mẹ để dành định chờ bé út lớn hơn tí nữa sẽ may áo dài. Mẹ còn muốn may đồng phục cho cả 4 mẹ con nữa đấy… Mẹ mua cả vải quần tốt nhất cho bố đây này, bố mà không dỗi chắc là cả nhà đã được mặc quần áo mới rồi con ạ…

Hơn mười năm, cái rương vải của mẹ mới được bày ra, nó không dám nhìn lâu hơn nữa bởi những điều bố nói. Nhưng bố thì nâng niu tất cả, ông mang ra giặt thật sạch, rồi phơi lên những sợi dây tay mẹ đã mắc từ ngày mới đến căn nhà này. Ông vuốt ve từng bông hoa, từng họa tiết in trên từng miếng vải, ngắm nhìn gió bay...

T.T.H

Album nhạc quê hương - Áo Dài Quê Hương  

 Áo dài Việt
Tô đậm hồn quê, chiếc áo dài,
Dịu dàng thanh thoát cõi trần ai...
Thướt tha thiếu nữ che nghiêng nón,
Yểu điệu nàng Thơ nhẹ gót hài...!
NM 

Áo Nhật Bình: Một di sản văn hóa quý của Cố đô Huế

Áo Nhật bình vốn là loại triều phục dành cho bậc hậu, phi, cung tần và công chúa thời Nguyễn, nay đã trở thành loại trang phục phổ biến của phụ nữ Huế trong dịp hôn lễ và ngày càng được các bạn nữ trẻ Việt Nam yêu thích sử dụng khi đi ngoạn cảnh, check in…
   Nguồn gốc của áo Nhật bình là loại áo Phi phong của triều Minh, được triều Nguyễn tiếp thu, cải cách thành kiểu áo Phi phong đối khâm với những nét riêng, rất đặc sắc. Áo có phần cổ thiết kế hình chữ nhật to bản, hai vạt được cố định bằng dây buộc, khi mặc vào thì phần trước ngực được ghép lại thành một hình chữ nhật nên mới có tên là áo Nhật bình. Khắp thân áo thường được trang trí lộng lẫy bằng các hoa văn dạng tròn dạng phụng ổ, loan ổ đan xen với các hình hoa lá, chữ Phúc, chữ Thọ... đính kim tuyến lấp lánh. Các hoa văn trang trí được sắp xếp dựa vào cấp bậc, vai vế của người mặc. Vì vậy, khi nhìn vào phần màu sắc, hoa văn của áo Nhật bình thì có thể xác định ngay được địa vị, danh phận của người mặc áo. Trừ Nhật bình dành cho bậc hoàng hậu ra, các kiểu áo Nhật bình khác ở tay áo đều có dải màu ngũ hành: lục, vàng, xanh, trắng, đỏ khiến loại trang phục này càng thêm rực rỡ.
   Từ năm Gia Long thứ 6 (1807), triều nguyễn đã có quy định về trang phục áo Nhật bình dành cho hậu phi, công chúa, cung tần cả về màu sắc, chất liệu, hoa văn và các phụ kiện đi kèm (như kim ước, kim phượng, trâm phượng, trâm hoa).
   Về màu sắc, Nhật bình của hoàng hậu dùng màu vàng chính sắc và màu cam; áo Nhật bình của công chúa dùng màu đỏ; bậc cung tần nhị giai dùng màu xích đào; cung tần tam giai dùng màu tím; cung tần tứ giai thì màu tím nhạt…
   Về chất liệu thì áo Nhật bình của hoàng hậu may bằng sa sợi vàng quý giá, Nhật bình của công chúa, cung tần nhị giai, tam giai... may bằng sợi sa, nhuộm màu theo quy định.
   Các loại phụ kiện đi kèm cũng phân theo thứ bậc: Hoàng hậu thì có 2 Cửu long kim ước phát, 1 Cửu phượng kim ước phát và 8 trâm phượng bằng vàng; công chúa thì có 1 Thất phượng kim ước phát và 12 trâm hoa; Cung tần nhị giai thì có 1 chiếc Ngũ phượng kim ước phát và 10 trâm hoa; cung tần tam giai thì có 1 Tam phượng kim ước phát và 8 trâm hoa; Cung tần tứ giai thì có 1 chiếc Phượng kim ước và 8 trâm cài…
   Đầu thời Nguyễn, áo Nhật bình thường phối với bộ xiêm y màu tuyết bạch, đội mũ phượng tùy theo thứ bậc. Nhưng từ cuối thế kỷ XIX trở về sau, áo Nhật bình được phối với quần màu trắng, đội khăn vành to bản. Và hình thức này còn được bảo lưu đến ngày nay, đồng thời màu sắc, hoa văn trang trí của áo Nhật bình cũng phong phú, đa dạng hơn để phù hợp với nhu cầu đa dạng của cộng đồng.
   Sau năm 1945, áo Nhật bình lan tỏa ra dân gian, được phụ nữ Huế rất yêu thích, thường chọn làm lễ phục trong đại sự hôn lễ của mình. Từ một loại trang phục chỉ dành cho nữ giới quý tộc chốn cung đình, áo Nhật bình đã trở thành một loại trang phục phổ thông, dành cho mọi người.
   Dẫu vậy, áo Nhật bình vẫn dược xem là loại lễ phục cao cấp, chỉ được sử dụng trong các nghi lễ đặc biệt trang trọng. Áo Nhật bình truyền thống bao giờ cũng được may, thêu hết sức cầu kỳ, tỉ mỉ và hầu hết các công đoạn đều do nghệ nhân hay những người thợ tay có nghề cao thực hiện theo lối thủ công. Và cũng do điều này mà giá thành của những chiếc áo Nhật bình thường rất đắt. Trong thời Nguyễn, những chiếc áo Nhật bình của hoàng hậu, công chúa, phi tần đều do nghệ nhân cung đình may thêu vô cùng công phu, tỉ mỉ trong nhiều tháng trời và mức độ quý giá thì không hề thua kém các bộ đại lễ phục của vương tử, hoàng thân, quan lại cao cấp.
   Những hình ảnh tư liệu cho thấy những bộ áo Nhật bình mà Đoan Huy Hoàng thái hậu (thân mẫu vua Bảo Đại), Hoàng hậu Nam phương (vợ vua Bảo Đại), Công chúa Mỹ Lương (con gái vua Dục Đức)… mặc đều là những bộ trang phục rất lộng lẫy và rất đẹp.
*
   Áo Nhật bình là một di sản quý của thời Nguyễn, ngày càng được giới trẻ yêu thích, sử dụng vào các dịp lễ trang trọng không chỉ ở Huế mà còn lan tỏa ra toàn quốc và cả ở hải ngoại, nơi có người Việt sinh sống làm ăn.
   Nữ du khách khi viếng thăm Huế, nếu là người yêu thích trang phục truyền thống của dân tộc thì nên chọn một bộ áo Nhật bình thật đẹp để check in cùng các danh thắng nổi tiếng của cố đô. Điều rất lạ là khi mặc bộ trang phục này, bạn dù chụp ảnh ở nơi nào cũng thấy đẹp, thấy hợp, dù là ở Hoàng cung, lăng tẩm, chùa chiền, phủ đệ, nhà vườn hay tại cung An Định, trường Quốc Học, cầu Trường Tiền, phố đi bộ, cầu gỗ Lim... Đó cũng là một bí mật mà bạn nên khám phá về miền đất sông Hương núi Ngự này./.
Yến Chi

Kết quả hình ảnh cho Chiếc áo dài của mẹ tôi