Thứ Năm, 4 tháng 6, 2015

Nhạc - Thơ - Văn Biển đời và chiếc nón lá

Hình bóng mẹ tôi
Suốt một đời mẹ âm thầm lặng lẽ,
Dưỡng nuôi con , mẹ bảo bọc chở che...
Ấm mùa đông, dịu mát giữa đêm hè,
Tuy mạnh mẽ nhưng ân cần, giản dị !

Theo con trẻ từ quê lên phố thị,
Mẹ không rời chiếc nón của quê hương...
Chiếc áo bà ba, hình ảnh thân thương,
Mẹ tôi vẫn đôi dép lào cố hữu.

Tình yêu mẹ, biết bao giờ cho đủ ?
Như quê hương trẻ mãi đến muôn đời....
Vòng tay mẹ gầy chẳng chút buông lơi,
Luôn nâng dậy những khi con vấp ngã !

Tấm lòng mẹ bao la dường biển cả,
 Nhưng giản đơn, dung dị đến muôn đời...
Nhớ thương sao hình bóng của mẹ tôi,
Với nón lá, áo bà ba muôn thuở

NM
  
Biển đời và chiếc nón lá
"Cha con đánh mẹ mấy cái? Mẹ con có đánh lại không?" - "Cha đánh mẹ một cái, mẹ đánh lại ba, bốn cái luôn"
***
Mười mấy năm trời đến lớp cũng là mười mấy năm mẹ lặng lẽ bên tôi. Ngày đầu tiên được đến trường cảm giác vui mừng khôn xiết, vì đó là lần đầu tiên tôi có được nhiều bạn bè đến như vậy. Trên con đường lất phất lá me bay, mẹ dắt tay tôi cười nói luyên huyên, căn dặn đủ điều, nào là vào lớp phải cố gắng học hành, không được ham chơi, nghe lời thầy cô giảng bài, không được đánh nhau,...
Những lời dặn dò với lời lẽ mộc mạc, ngắn củn của một người phụ nữ nông thôn miền Tây nhưng chứa đựng biết bao nhiêu kỳ vọng của bậc sinh thành, nó bao la, rộng mở và dạt dào như dòng sông êm ả, như chiếc nón lá quê mùa, chất phát.
biển-đời-và-chiếc-nón-lá
Không biết dùng lời nào để nói chính xác về sự khắn khít của mẹ với chiếc nón lá, đi đâu mẹ cũng tự tin với cái nón lá cùng chiếc áo bà ba, mẹ nói "đó là người bạn đường sẻ nắng che mưa với mẹ từ lúc mẹ còn con gái, dù có xuống biển hay lên rừng mẹ cũng mang theo".
Không phải riêng mẹ, mà tất cả bà con miền Tây đều quen thuộc với nón lá, không có nó người ta như thấy thiếu vắng một cái gì đó thân thương nhất. Riêng mẹ, mẹ khắn khít đến nỗi chỉ cần vừa đội lên đầu là chú cún trong nhà liền vẫy đuôi liên tục vì nó biết mẹ sắp chuẩn bị đi đâu đó để nó có cơ hội đi theo.
Bao nhiêu năm trôi qua, dù có đứng tận đằng xa, hay cuối con đường mòn nơi có rặng trâm bầu quanh năm xanh lá, tôi cũng nhận ra được bóng mẹ lom khom, nhấp nhô ngoài đồng với cái nón quen thuộc, cũ kỹ. Những đêm mưa lạnh lẽo, trong nhà có những chỗ nhỏ nước, mẹ xoắn cái quần đen ống rộng, đội lên đầu cái nón lá bưng từng cái thau hứng nước, sợ mưa dột lên chỗ con nằm, mẹ dùng bao nylon phủ cẩn thận lên nốc mùng, chốc lát lại đi tuần tra.
Những ngày vào mùa thi, chị em tôi phải thức khuya học bài, mẹ cũng mắc cái võng nằm kế bên không chịu đi ngủ, mắt cứ lim dim, thỉnh thoảng lại mở ra như để kiểm tra, ba tôi có nói mấy đi nữa mẹ cũng nằm đó đung đưa cái võng do chính tay mẹ kết bằng dây chuối, mặc cho những con muỗi hút máu, mẹ vẫn điềm nhiên đập bộp bộp lên người, gãi xồn xột vì ngứa, thỉnh thoảng nhắc nhở chị em tôi tranh thủ ngủ sớm với cái giọng khàn khàn.
"Cha mẹ thương con như biển trời lai láng", trên đời này tôi chưa từng thấy người mẹ nào thương con "kỳ cục" như mẹ tôi, những ngày đi học thêm về trễ, mẹ bưng chiếc đèn dầu loe loé sáng ngồi đợi ở góc đường, hoặc khi nghe loáng thoáng đứa nào đó thèm ăn món gì, dù có làm cực khổ đến đâu mẹ cũng âm thầm chuẩn bị.
Những ngày không có nắng, sợ quần áo không kịp khô để sáng mai đến trường, mẹ đứng ngồi không yên, hết treo chỗ này lại treo chỗ nọ, chỗ nào có gió là mẹ tranh thủ ngay, vì chị em tôi không có nhiều quần áo nên lắm lúc cũng phải mặc quần áo còn ẩm ướt mà đến trường, thằng út hôm qua bất cẩn, té vào bờ rào rách cái cặp, mẹ lại thức khuya, cắt cái bao nylon may cặp mới cho nó, nó vui mừng ngủ gục bên cạnh mẹ mà chờ đợi. Đôi mắt mẹ nheo nheo, vầng trán mẹ xuất hiện nhiều nếp nhăn hơn trước.
Mẹ hay trách móc bà nội vội vàng, gắt gỏng, nhưng hình như trời đã sắp đặt mẹ về làm vợ ba, làm dâu bà nội để thừa hưởng cái tính nóng nảy đó. Nghe tin thằng Tèo đánh nhau với thằng Bi xóm trên, mẹ thằng Bi bênh vực con mắng thằng Tèo vài câu, mẹ ngoe nguẩy nón lá trên tay, vừa đi vừa lầm bầm "dám ăn hiếp con tao, dù có lên trời tao cũng đến".
Tôi chỉ biết nhún vai và thầm nhủ "giá như có bậc thang lên trời chắc mẹ cũng leo, huống chi lên rừng hay xuống biển".
Ngày tiễn chị tôi lên Sài Gòn học, mẹ cũng quảy cái nón lá, ôm theo giỏ gạo và mấy con cá khô vào tận ký túc xá, đôi dép lào cứng ngắt trên đôi chân nhuộm màu phèn, màu bùn cùng mẹ đi khắp thành đô. Đôi dép đó mẹ mua hôm gả chị Hai lấy chồng, tính đến nay cũng được hai năm, hết tiễn đứa này đi lấy chồng đến đứa kia đi học, hễ đứa nào về nhà rồi đi, mẹ cũng tiễn chân đến tận cuối đường và đứng nhìn cho đến khi nào khuất dạng.
Thằng út năm nay lên lớp tám, tôi chuẩn bị lên Sài Gòn thi Đại Học, mẹ cũng khăn gói đòi đi theo, tôi trấn an mẹ "có chị ba trên đó, chỉ đưa con đi thi, mẹ lên đó làm gì cho mất công".
Không cho mẹ đi mẹ giận hờn, trách móc, tôi viện cớ đường xá xa xôi để ngăn mẹ lại, mẹ liền trích dẫn chứng "hồi ba mày còn đi lính, mẹ ẵm chị hai mày mới mấy tháng tuổi đến tận chỗ tìm ba, đường xá còn xa vạn lần, xe cộ sang tới sang lui chứ đâu phải đi một mạch như bây giờ, ba mày dời đi đâu mẹ cũng đi đến tận đó".
Thấy ba cười lắc đầu, tôi cũng đành bó tay, thế là bao nhiêu ngày tôi thi trường học cũng là bấy nhiêu ngày mẹ dặm thêm trường đời, hậu phương thì vững chắc mà tiền tuyến như tôi chưa biết ra sao! Một lần nữa cái nón lá và đôi dép Lào theo mẹ đến đất Sài thành.
Mẹ khẳng định khi nào mẹ chết thì thôi, chứ nếu còn sống thì dù con cái có lập gia đình, thậm chí có con, có cháu thì đối với mẹ chị em tôi lúc nào cũng còn nhỏ lắm.
Một lần, nghe thằng cháu ngoại 5 tuổi  (con của chị Hai) vô tư kể lại "hôm qua cha con đánh mẹ", tính Trương Phi nổi dậy trong lòng mẹ và muốn đi đến tận nhà để hỏi lý do, ba và cả nhà thuyết phục mãi mẹ mới chịu thôi, cũng chẳng phải mẹ dễ dàng bỏ qua như vậy đâu mà khi hỏi cặn kẽ thằng cháu mới biết : "Cha con đánh mẹ mấy cái? Mẹ con có đánh lại không?". "Cha đánh mẹ một cái, mẹ đánh lại ba, bốn cái luôn"
Đối diện với mẹ, tôi thấy mình nhỏ dại vô cùng, không biết sau này, trong cuộc đời của mình, tôi có thể làm tròn bổn phận như mẹ bây giờ hay không!
hạnh-phúc-gia-đình-trong-tôi
Mẹ tôi là như vậy đấy, dù có đi đâu mẹ cũng tình nguyện đi theo, dù có làm gì mẹ cũng tình nguyện làm thay, cho dù đường đi có gập ghềnh, chông chênh, dẫu mẹ chỉ là hòn sỏi giữa non cao hay chỉ là giọt nước giữa đại dương muôn trùng, mẹ vẫn có thể làm tất cả vì con, chỉ với một chiếc nón lá.
Alex Chu
Duyên dáng chiếc nón lá miền Tây Nam bộ
Nét đặc trưng trong trang phục của người phụ nữ miền sông nước Cửu Long giang ngoài chiếc áo bà ba, chiếc khăn rằn choàng cổ, người ta không thể không nhắc đến chiếc nón lá.
Dân gian có câu ca ví von rằng:
"Tròng trành như nón không quai
 Như thuyền không lái như ai không chồng".
Khác với xứ Huế có chiếc nón Bài thơ bằng lá buông và dây thao, người dân ở miền Tây Nam bộ này chọn loại lá mật cật và cây trúc làm nguyên liệu chính để làm nón. Lá mật cật là loại cây có lá xòe rộng như lá cọ, mọc nhiều ở Tây Ninh, Phú Quốc, Cà Mau,… Thân cây nhỏ và thấp, mọc thành từng đám hoặc bụi, hai bên cọng của tàu lá đầy gai nhọn.
Mỗi cây mật cật chỉ có một lá non và được người ta chọn để làm nón. Muốn làm nón, người ta cần có cái khung chằm hình chóp có kích thước bằng chiếc nón lá mà dân gian miệt đất Chín Rồng thường gọi là cái mô (khuôn). Trước đây mô có 15 vành. Sau thập niên 80 của thế kỷ XX, thị hiếu của người đồng bằng thay đổi. Họ bắt đầu chuộng nón lá kiểu xứ Huế có 16 vành.
Vật liệu để làm ra chiếc nón lá ngoài lá mật cật còn phải dùng kim may tay có mũi lớn, chỉ màu, dây gân, giấy báo dùng để lót nón và các nan nón được vót từ trúc. Khác với cách làm nón lá ở Tây Ninh là vừa chằm vừa gác nan tre lên khuôn để làm sườn nón lá. Ở Cần Thơ, Cà Mau, người thợ sẽ kiềng vành lên mô nón trước rồi kế đến là kết lá. Bước kế tiếp là xoay lá trên khuôn. Công đoạn này, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm mới xoay lá đều, đẹp: Đầu tiên là xoay lớp lá bên trong trước, rồi đến lớp giấy báo, cuối cùng là xoay lớp lá bên ngoài. Sau khi xoay đầu nón xong, người thợ sẽ dùng một cái vành, chụp lên bên ngoài mô để giữ cho lá nằm cố định, giúp người chằm được dễ dàng.
Chằm nón là dùng các kim may cho đều là được. Cuối cùng là nức vành, người làm nón sẽ vót một cọng nan có thân dẹp gọi là cây tiến, cặp vào vành nón phía dưới cùng rồi dùng dây gân nứt lại cho cứng. Làm vậy cho vành nón được tròn và chắc chắn, nón sử dụng được lâu bền. Ngoài ra, người thợ còn trang trí bên trong của chóp nón bằng chỉ thêu màu đỏ, xanh, hồng,... hình ngôi sao hay hình cái bông để tăng thêm nét đẹp cho sản phẩm của mình.
Người phụ nữ miền sông nước với chiếc nón lá che nắng, che mưa (Ảnh: Minh Thương)
Với chiếc nón lá trên đầu, ngoài chức năng che mưa che nắng, nhiều khi trời nóng nực, đi giữa đường kiếm gốc cây ngồi nghỉ chân thì chiếc nón lại thay cây quạt đem lại cho người luồng gió mát rượi. Cấy cày ngoài đồng trở về, tranh thủ hái thêm mớ rau để làm bữa ăn, chiếc nón lại trở thành vật đựng thay cho rổ, rá hết sức tiện lợi.
Chiếc nón lá tình tự đã đi vào ca dao ngỏ lời vừa có duyên vừa tế nhị khi người ta để ý làm quen:
"Ớ này cô mặc áo nâu
 Đầu đội nón lá, đi đâu vội vàng?"
Và cũng từ đây biết bao trai gái đã nên duyên chồng vợ mặn nồng tình nghĩa và thủy chung như chiếc nón quê mùa.
Chiếc nón lá cũng đi vào nghệ thuật xếp hình đặc biệt là làn điệu múa nón khiến lòng người xem ngất ngây như thấy tái hiện đâu đây bóng hình của tiền nhân ngày mở cõi.
Hai miệt vườn

Ký ức miền Tây Nón lá hồn quê 

Làng Nghề Chằm Nón Lá

Ngoài vẻ đẹp trù phú mà thiên nhiên ban tặng, Cần Thơ còn là nơi được mọi người biết đến bởi sự đa dạng phong phú về các làng nghề truyền thống được lưu truyền từ nhiều thế hệ. Một trong những làng nghề đó là Làng nghề chằm nón lá... Nghề chằm nón lá ở ấp Thới Tân A không ai nhớ rõ xuất hiện từ năm nào và tổ nghề là ai. Tuy nhiên, theo những người làm nghề lớn tuổi ở đây cho biết, nghề này có khoảng trên 70 năm, hiện nay đã thành lập được Nghiệp đoàn chằm nón lá với trên 36 hộ sống với nghề.

Tuy nhiên, theo những người làm nghề lớn tuổi ở đây cho biết, nghề này có khoảng trên 70 năm, hiện nay đã thành lập được Nghiệp đoàn chằm nón lá với trên 36 hộ sống với nghề. Gia đình bà Diện đã 3 đời theo nghề chằm nón. Khác với miền Trung làm nón Bài thơ bằng lá buông và dây thao, người dân ở ấp Thới Tân A cũng như các vùng khác ở Nam bộ chọn loại lá mật cật và cây trúc làm nguyên liệu chính để làm nón. Lá mật cật là lọai cây có lá xòe rộng như lá cọ, mọc nhiều ở Tây Ninh, Phú Quốc, Cà Mau,…Thân cây nhỏ và thấp, mọc thành từng đám hoặc bụi, hai bên cọng của tàu lá đầy gai nhọn. Mỗi cây mật cật chỉ có 01 lá non và được người ta chọn để làm nón. Muốn làm nón đòi hỏi người thợ phải có cái khung chằm hình chóp có kích thước bằng chiếc nón lá mà người dân vùng này thường gọi là cái Mô được bày bán ở chợ. Vào những thập niên 80 trở về trước, nón lá được làm từ Mô có 15 vành. Sau thập niên 80, thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi, người Nam bộ nói chung bắt đầu chuộng nón lá kiểu xứ Huế có 16 vành hay còn gọi là nón Bài thơ .
Cần Thơ hay có thời còn được gọi là Tây Đô, nằm ở vị trí trung tâm của đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Trước đây biển còn phủ hết Đồng Bằng Sông Cửu Long, mãi đến cách đây 2500, nước mới rút hết và hình thành vùng châu thổ như ngày nay. Cần Thơ được khai mở và có mặt trên bản đồ Việt Nam từ năm 1739 với tên gọi Trấn Giang. Đến với Cần Thơ lênh đênh trên xuồng khám phá hệ thống kênh rạch và chiêm ngưỡng cảnh đẹp nên thơ, bình dị được ví như vẻ đẹp thướt tha, đằm thắm của cô gái Tây Đô. Nơi đây không những mang nét trù phú của những làng xóm nép mình dưới rặng dừa mà còn mang dáng dấp xa hoa, lộng lẫy của đô hội sầm uất, chẳng thế mà ở đây lại nổi danh với câu ca:
 "Cần Thơ có bến Ninh Kiều Có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân".
 Ngoài vẻ đẹp trù phú mà thiên nhiên ban tặng, Cần Thơ còn là nơi được mọi người biết đến bởi sự đa dạng phong phú về các làng nghề truyền thống được lưu truyền từ nhiều thế hệ. Một trong những làng nghề đó là Làng nghề chằm nón lá... Nghề chằm nón lá ở ấp Thới Tân A không ai nhớ rõ xuất hiện từ năm nào và tổ nghề là ai
Vì lẽ đó, người thợ ở Thới Tân A cũng nhanh chóng thay đổi cách làm, họ bắt đầu sử dụng Mô nón của xứ Huế để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Vật liệu để làm ra chiếc nón lá gồm: kim may tay số 10, chỉ màu, dây gân số 04, giấy báo dùng để lót nón, nan (được làm từ trúc) và lá mật cật.Khác với cách làm nón lá ở Tây Ninh là vừa chằm vừa gác nan tre lên khuôn để làm sườn nón lá. Ở ấp Thới Tân A, người thợ sẽ kiềng vành lên khuôn (mô) nón trước rồi kế đến là kết lá. Bước kế tiếp là họ bắt đầu xoay lá trên khuôn. Công đoạn này rất quan trọng, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm mới xoay lá đều, đẹp: đầu tiên là xoay lớp lá bên trong trước, rồi đến lớp giấy báo, cuối cùng là xoay lớp lá bên ngoài. Sau khi xoay đầu nón xong, người thợ sẽ dùng một cái vành, chụp lên bên ngoài khuôn nón để giữ cho lá nằm cố định, giúp người thợ chằm được dễ dàng. Tiếp đến là thao tác chằm nón, công đoạn này tương đối dễ so với các công đoạn khác khi làm nón. Chỉ cần mũi kim đều, khoảng cách giữa các mũi kim vừa phải, không xa quá là đã đạt yêu cầu. Cuối cùng là nức vành, đây là công đoạn khá quan trọng, người thợ sẽ vót 01 cọng nan có thân dẹp gọi là cây tiến, cặp vào vành nón số 16 để khi nức, vành nón được tròn và chắc chắn, nón sử dụng được lâu bền. Ngoài ra, người thợ còn trang trí bên trong của chóp nón bằng chỉ thêu màu đỏ, xanh, hồng,... hình ngôi sao hay hình cái bông để tăng thêm nét đẹp cho sản phẩm của mình
Được biết giá một kg lá mật cật trên thị trường hiện nay giao động từ 80.000 đồng đến 90.000 đồng, chằm được 20 cái nón thường. Khi thành phẩm, thương lái mua vào một cái nón lá khoảng 15.000 đồng. Nếu tính sơ, mỗi cái nón người thợ có thể thu lãi khoảng 8.000 đồng, trung bình một người, ngoài công việc chính trong ngày, có thể làm thêm được từ 2 đến 3 chiếc nón, phần nào phụ giúp được gia đình có thêm nguồn thu nhập. Sản phẩm của Nghiệp đoàn chằm nón lá ở ấp Thới Tân A chủ yếu bán ở chợ Thới Lai và một số nơi khác như ở chợ Vĩnh Thuận, Vĩnh Tuy ... Mặc dù nghề chằm nón lá ở đây không mang lại sự giàu có cho các hộ gia đình nhưng nhờ có đầu ra nên đã tạo được nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương và đặc biệt cũng thu hút sự chú ý của Du khách từ mọi miền về thăm làng nghề truyền thống này! 
ST 

    DUYEN DANG NON LA VIET

Cùng trải nghiệm: Nón Lá 

Chiếc nón quê hương

Nón nầy che nắng che mưa
Nón nầy để đội cho vừa đôi ta
                                        Ca dao
Nón lá không xa lạ với chúng ta, ngày nay ở hải ngoại chỉ thấy nón lá xuất hiện trên sân khấu, trình diễn nghệ thuật múa nón và áo dài duyên dáng mền mại kín đáo của thiếu nữ Việt Nam nổi bật bản sắc văn hoá dân tộc, áo dài và nón lá là nét đặc thù của phụ nữ Việt Nam, chắc chắn không ai chối cãi. Nếu mặc áo đầm, hay quần tây mà đội nón không tạo được nét đẹp riêng.
Nón dùng để che nắng mưa, có lịch sử lâu đời đã khắc trên trống đồng Ngọc Lũ, trên thạp đồng Đào Thịnh vào khoảng 2500-3000 năm. Nón lá gần với đời sống tạo nhiều nét bình dị, đoan trang, yêu kiều, duyên dáng và thực tiễn với đời sống nông nghiệp, một nắng hai sương, trên đồng lúa, bờ tre lúc nghỉ ngơi dùng nón quạt cho mát mẻ ráo mồ hôi. Nón lá ở Việt Nam có nhiều loại khác nhau qua từng giai đoạn lịch sử:
-Nón dấu : nón có chóp nhọn của lính thú thời xa xưa
-Nón gò găng hay nón ngựa: sản xuất ở Bình Định làm bằng lá dứa đội khi cỡi ngựa
-Nón rơm:  Nón làm bằng cộng rơm ép cứng
-Nón quai thao: người miền Bắc thường dùng trong lễ hội
-Nón cời :  nón rách
-Nón Gõ: Nón gõ làm bằng tre ghép cho lính hồi xưa
-Nón lá Sen: cũng gọi là nón liên diệp
-Nón thúng: thứ nón lá tròn bầu giống cái thúng.
-Nón khua: Viên đẩu nón của người hầu các quan xưa
-Nón chảo: thứ nón mo tròn lên như cái chảo úp nay ở Thái Lan còn dùng
-Nón cạp: Nón xuân lôi đại dành cho người có tang
-Nón bài thơ: ở Huế thứ nón lá trắng và mỏng có lộng hình hay một vài câu thơ v.v.
Người Việt từ nông thôn cho tới thành thị đều dùng nón lá, nhưng ít người để ý nón lá có bao nhiêu vành, đường kính rộng bao nhiêu cm? Nón lá tuy giản dị rẻ tiền nhưng nghệ thuật làm nón cần phải khéo tay. Nghề chằm nón không chỉ dành riêng cho phụ nữ mà cả những người đàn ông trong gia đình cũng có thể giúp chuốt vành, lên khung nón.
Với cây mác sắc, người làm nón chuốt từng sợi tre thành 16 nan vành một cách công phu ; sau đó uốn thành vòng thật tròn trịa và bóng bẩy. Người phụ nữ thì chằm nức vành. Để có được lá đẹp, họ thường chọn lá nón non vẫn giữ được màu xanh nhẹ, ũi lá nhiều lần cho phẳng và láng. Khi xây và lợp lá, người ta phải khéo léo sao cho khi chêm lá không bị chồng lên nhau nhiều lớp để nón có thể thanh và mỏng. Nghề làm nón lá thường sản xuất từ miền Bắc và miền Trung trong các làng quê sau các vụ mùa, ở các tỉnh miền Nam không thấy người ta chằm nón ?
Vật liệu làm nón tuy đơn sơ nhưng khó tìm loại lá làm nón, lá mọc ở những vùng núi, sau nầy người ta đem giống về trồng ở vườn, có tên Du Quy Diệp là lá làm tơi thời gian văn minh chưa phát triển, người ta dùng loại lá nầy làm cái tơi để mùa đông chống mưa gió. Một loại khác là Bồ Quy Diệp là loại mỏng và mền hơn để làm nón lá.
Ngày nay dù đã phát triển nhưng trên những cánh đồng lúa xanh tươi ngoài Bắc, trong những trưa hè nắng gắt, người ta còn dùng lá tơi để che nắng, giống như con công đang xòe cánh.
Người ta chặt lá nón non còn búp, cành lá nón có hình nan quạt nhiều lá đơn chưa xoè ra hẳn phơi khô, cột lại thành từng bó nhỏ gánh bán cho những vùng quê có người chằm nón. Ở Quảng Nam ngày xưa vùng Bà Rén chuyên buôn bán nón lá, từ đó phân phối đến các chợ như chợ Hội An, có khu bán nón lá nhiều loại.  
Lá non lúc khô có màu trắng xanh, người mua phải phơi lá vào sương đêm cho lá bớt độ giòn vì khô, mở lá từ đầu tới cuồng lá, cắt bỏ phần cuối cùng, dùng lưỡi cày cũ hay một miếng gan, đặt trên nồi than lửa nóng đỏ, dùng cục vải nhỏ độn giống như củ hành tây, người ta đè và kéo lá nón thẳng như một tờ giấy dài màu trắng, có nổi lên những đường gân lá nhỏ, lựa những lá đẹp để làm phần ngoài của nón. Người ta dùng cái khung hình giống như Kim Tự Tháp Ai Cập, có 6 cây sườn chính, khoảng cách giống nhau để gài 16 cái vành nón tròn lớn nhỏ khác nhau lên khung. Cái khung nầy phải do thợ chuyên môn làm kích thước đúng cỡ khi lợp lá và chằm nón xong, tháo nón ra dễ dàng. Nón thường chỉ 16 vành tròn làm bằng tre cật vót nhỏ đều nhau nối lại, Nón bài thơ nhẹ mỏng chỉ 2 lớp lá trong chen hình cảnh và các câu thơ, nón thường độ bền lâu hơn dày có 3 lớp phần trong lót thêm loại lá đót, (loại cây nầy giống cây sậy, khi trổ bông người ta lấy bông làm chổi) Chằm xong nón tháo khỏi khung, cắt lá thừa nức miệng nón và làm quai, nón rộng đường kính thường 41 cm, người ta phết phiá ngoài lớp mỏng sơn dầu trong suốt nước mưa không thấm qua các lỗ kim vào bên trong. Để có được một chiếc nón, phải trải qua 15 khâu, từ lên rừng hái lá, rồi sấy lá, mở, ủi, chọn lá, xây độn vành, chằm, cắt lá, nức vành, cắt chỉ...
Thời gian chưa có chỉ cước người ta dùng bẹ lá cây thuộc loại thơm (hùm) tước lấy phần tơ ngâm nước vài ba ngày cho nát phần thịt của lá, dùng bàn chải, chải lấy phần tơ dùng làm chỉ để chằm nón, hay dùng chỉ đoác. Nhưng sau nầy phát triển người ta dùng cước nhỏ bằng nylon, chằm nón có đường nét thanh nhã hơn. Nón lá đã đi vào thi ca bình dân Việt nam:
Nón em chẳng đáng mấy đồng,
Chàng mà giật lấy ra lòng chàng tham
Nón em nón bạc quai vàng
Thì em mới dám trao chàng cầm tay
Tiếc rằng vì nón quai mây
Nên em chẳng dám trao tay chàng cầm
Nón quai thao, hay nón thúng các cô gái Bắc thời xưa chưa chồng thường dùng, ngày nay đến Hà Nội không còn thấy ai đội nón quai thao, trên đường phố cổ trầm mặc dưới bóng cây cổ thụ, thiếu nữ Hà Nội che dù màu, đội mũ lát, đội mũ tân thời, nhưng vào thăm Văn Miếu sẽ thấy trình diễn văn hoá, hát quan họ, các cô đều trang sức giống như thời xưa với chiếc nón quai thao ( hình trên trong Văn Miếu).
Thưở xưa, con gái sau khi lập gia đình, bổn phận làm vợ, làm mẹ, họ chỉ chú trọng đến niềm vui tận tụy làm tròn bổn phận trong gia đình, xao lãng những vẻ đẹp bề ngoài..
Chưa chồng nón thúng, quai thao
Chồng rồi, nón rách, quai nào thì quai…
Thân phận của những bóng hồng khi về chiều nhan sắc tàn phai:
Còn duyên nón cụ quai tơ
Hết duyên nón lá quai dừa cũng xong
Dáng dấp con gái Việt Nam mềm mại, dịu dàng, nếu trên đầu nghiêng nghiêng vành nón trắng. Nụ cười, ánh mắt giấu sau vành nón ấy mới cơ hồ e ấp, rạo rực vì những bâng khuâng...
Mỗi thiếu nữ đều có một cái duyên để làm say đắm người khác phái. Nhưng tựu trung, nhan sắc của các nàng cũng không ngoài những điều đã được ca dao truyền tụng, Có nàng đẹp nhờ mái tóc thề hay cắt ngắn, đôi chân mày cong vòng như vầng trăng non dưới vành nón lá:
Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón
Chiều mùa thu mây che có nắng đâu
Nắng sẽ làm phai mái tóc xanh màu
Sẽ làm khô làn môi em dịu ướt
Còn ta mắt anh..
Có sao đâu mà em phải cúi đầu từ khước
Nếu nghiêng nón có nghĩa là từ khước
Thì mười ngón tay em sao bỗng quấn quít đan nhau
Nửa vầng má em bỗng thắm sắc hồng đào
Đôi chân bước ..anh nghe chừng sai nhịp.
                              Thu Nhất Phương
Ở Huế, có nhiều vùng chằm nón nổi tiếng từ xa xưa cho đến bây giờ như: Phú Hồ, Phước Vĩnh, Dạ Lê, Triều Sơn, Nam Phổ, Kim Long, Dương Nỗ, Tân Mỹ, Hương Sơ, Mỹ Lam, làng Chuồn, bên dòng sông Như Ý, thuộc xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế làm nón bài thơ dáng thanh mảnh, độ mỏng, màu nón nhã nhặn người ta còn cắt những bức tranh với chùa Linh Mụ, cầu Trường Tiền, con đò trên sông Hương... và đặc biệt nhất là vài câu thơ chất chứa tâm hồn xứ Huế:
Sông Hương lắm chuyến đò ngang
Chờ anh em nhé, đừng sang một mình
                                                  Ca dao
Sao anh không về thăm quê em
Ngắm em chằm nón buổi đầu tiên
Bàn tay xây lá, tay xuyên nón
Mười sáu vành, mười sáu trăng lên
                                            Nguyễn Khoa Điềm
Tà áo dài trong trắng nhẹ nhàng bay
Nón bài thơ e lệ nép trong tay
                                                 Bích Lan
Những chiếc nón bài thơ thường trở thành vật "trang sức" của biết bao thiếu nữ. Lựa nón, lựa quai, cũng là một thú vui nên không ít người đã kỳ công đến tận nơi làm nón để đặt cho riêng mình với dòng thơ yêu thích. Buổi tan trường, các con đường bên sông Hương như dịu lại trong nắng hè oi ả bởi những dáng mảnh mai với áo dài trắng, nón trắng và tóc thề:
Dòng nước sông Hương chảy lặng lờ
Ngàn thông núi Ngụ đứng như mơ
Gió cầu vương áo nàng tôn nữ
Quai lỏng nghiêng vành chiếc nón thơ
Nón bài thơ hiện hữu trên khắp nẻo đường và trở nên gần gũi, thân quen trong cuộc sống thường nhật của phụ nữ Huế, dùng nón lá nâng hay đựng xoài, cũng tạo nên nét đẹp mỹ miều.
Anh về Bình Định ba ngày
Dặn mua chiếc nón lá dày không mua
Nón bài thơ đặc sản Huế, nón Gò Găng ở Bình Định còn gọi là nón ngựa làm bằng vành tre cật, chuốt nhỏ như tăm, đan thành ba lớp mê sườn; bên ngoài phủ lớp lá kè non, chằm bằng những đường chỉ tàu trắng muốt và đều đặn. Trên đỉnh chóp được gắn chụp bạc hoặc đồi mồi có chạm trổ long-lân-qui-phụng. Quai nón được làm bằng lụa xanh hoặc đỏ, bản rộng và đều người ta chằm một chiếc nón ngựa phải mất cả tháng trời dày công nhọc sức. Vì vậy giá thành rất đắt, nó chỉ dành cho những người cao sang quyền quí, những chức sắc quan lại của triều đình. Dần dần theo nhu cầu của giới bình dân, nón ngựa được cải biên thành ngựa đơn rồi nón buôn, nón chũm, rẻ hơn nhiều. Các loại này đều không có chụp bạc, nó được thay bằng những tua ngũ sắc ở chóp nón cho đẹp. Ở các vùng làm nón, ngày cưới, nhà giàu rước dâu bằng kiệu, chàng rể thì đội nón đi ngựa; còn những nhà nghèo cũng ráng sắm đôi nón ngựa cho cô dâu chú rể đội đi trong ngày cưới. Vậy nên có câu ca dao:
Cưới nàng đôi nón Gò Găng
Xấp lãnh An Thái, một khăn trầu nguồn
Ngày nay các cô gái làm nón hầu như không còn giữ được phương pháp làm nón ngựa nữa. Họ quen với công đoạn nhanh, giản tiện và dễ tiêu thụ của chiếc nón trắng mảnh mai - một sản phẩm của quá trình cải cách lâu dài. Để làm loại nón này phải qua nhiều công đoạn. Vấn sườn, lợp lá, chèn lá, chằm và nức. Việc làm lá đòi hỏi nhiều tính tỉ mỉ và kinh nghiệm lâu năm.
Nghề nón là thuộc thị trấn Gò Găng, Nhơn Thành - An Nhơn. Nơi đây có một chợ nón lớn họp thường ngày từ 3-4 giờ sáng. Cứ hết một đợt làm được 25-30 chiếc thì bà con các vùng phụ cận lại mang nón đến bán và mua sắm vật liệu cho đợt sau. Mỗi tháng Gò Găng có thể cung cấp cho cả nước 50.000 chiếc nón. Gần đây nón Gò Găng còn được xuất khẩu sang các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia dưới dạng cải biên cho hợp với xứ người. Như vậy, từ vùng núi cao nguyên mưa nguồn gió dữ cho đến các miệt vườn miền Nam:
Nhớ nón Gò Găng
Vầng trăng đập đá
Sông dài sóng cả
Người quân tử,
Khăn điều vắt vai..
Đời sống văn minh, phát triển nhưng nón lá Việt nam vẫn thuần túy nguyên hình của nó. Ở bất cứ nơi đâu, từ rừng sâu hẻo lánh, trên đồng ruộng mênh mông, dọc theo sông dài biển cả, đều thấy chiếc nón lá ngàn đời không đổi thay… 
Nguyễn Quý Đại 

Nón Lá Hồn Quê

Lần “đáo xứ cố hương” vừa rồi, tôi có theo bà vợ Ninh-Hòa đến thăm ngôi trường Trần Bình Trọng, để tìm lại chút kỷ niệm xưa, mà bà cho là dễ thương nhất trong đời một người con gái, cho dù đến bây giờ tất cả chỉ là như khói như sương mà sao cứ mãi còn đọng lại ở đâu đó trong hồn nàng.
Ngôi trường đã thay tên từ cái thuở thiên hạ đổi đời, sau cái ngày hai miền thống nhất để “miền Nam thì nhận họ, còn miền Bắc thì nhận..hàng”, nên không còn cái cảm giác thân quen, mặc dù bây giờ chúng tôi vẫn đang trở lại bằng những con đường xưa lối cũ.
Chúng tôi đến vào đúng lúc tan trường. Nhìn các em học trò từng nhóm bước ra khỏi cổng mà lòng dạ cứ bồi hồi, nhớ da diết một thời xa xưa cũ. Những em học sinh bây giờ dường như có ít nhiều khác với bọn chúng tôi xưa. Đặc biệt trong đám nữ sinh, có thiếu đi cái điều gì đó. Mãi đến khi về nhà, ngồi bàn bạc lại chuyện xưa- nay, chúng tôi mới khám phá ra cái điều thiếu vắng ấy chính là: Cái Nón Lá.
Không hiểu từ lúc nào, Cái Nón Lá đã biến mất trong những cô học trò, những cô con gái dễ thương ở quê tôi. Cái Nón Lá với những chiếc quai hồng, quai đỏ, quai tím, quai xanh,… đã một thời làm khổ biết bao nhiêu thằng con trai và cũng đã từng làm giàu thêm cho kho tàng văn chương thi phú. Bây giờ làm sao tìm lại được cái cảnh “nghiêng nghiêng vành nón che làn tóc.. “, ” mùa hè Ninh Hòa nắng mờ con mắt, tôi đứng nhìn em đội nón qua cầu ” và tôi không hiểu nếu ” Ninh Hòa, những ngày trời trở gió ” thì các nàng sẽ lấy cái gì để che…cái áo. Hèn gì ông nhà thơ Lê Hân ở tận bên Canada, đã biết dùng cái cặp táp để thay cho Cái Nón Lá… trong bài thơ Nữ Sinh thật dễ thương:
Cặp ôm che.. ngực xuân thì
Em đi hoa cỏ thầm thì trông theo
Áo dài tay đỡ vòng eo
Hai bên hông hở thơ trèo vào thăm
Tôi dám chắc như đinh đóng cột là chàng trai Ninh Hòa đa tình nào trạc tuổi tôi ngày ấy, cũng đã từng có thời chạy theo hoặc chết lên chết xuống vì những cái quai nón hồng, đỏ, tím, xanh…buớc ra từ các cổng trường Trần Bình Trọng, Bán Công, Đức Linh.. hay xa hơn nữa là Võ Tánh, Huyền Trân, Lê Quí Đôn, Tương Lai, Kim Yến.. ở Nha Trang. Nhưng đẹp và dễ thương hơn vẫn là những mối tình học trò trường huyện. Ngày đó, có nhiều chàng (và nàng) thuộc lòng bài thơ..khi không có nón.. của ông Nguyễn Bính. Nhiều cô cậu đã nắn nót chép bài thơ “Bươm Bướm Ngày Xưa” dấu kỹ trong ngăn cặp táp..và cả trong ngăn nào đó của trái tim mới bắt đầu đập..lạc nhịp của mình. Bây giờ, nếu có dịp trở lại Ninh Hòa, đứng trước cổng ngôi trường cũ, chắc chắn từ một nơi thật sâu trong ký ức, bài thơ xưa sẽ ” đột xuất”trở về:
Học trò trường huyện ngày xưa ấy
Em tuổi bằng anh, lớp tuổi thơ
Những buổi học về không có nón
Đội đầu chung một lá sen tơ
Lá sen vương phấn hương sen ngát
Ấp ủ hai ta chút nhụy hờ
Lũ bướm tưởng hoa cài mái tóc
Theo về tận cổng mới tan mơ
Em đi phố huyện tiêu điều lắm
Trường huyện giờ xây kiểu khác rồi
Mà đến hôm nay anh mới nhớ
Tình anh như chuyện bướm xưa thôi…
Cuộc đời vốn đã là những hố bờ ngăn cách. Vậy mà chiến tranh (và đau đớn thay cả đến lúc có hòa bình nữa) thì cái thế hệ của những ” ngày xưa thân ái ” đó lại chia lìa tứ tán. Kẻ chân mây người góc bể. Kẻ ở người đi ai cũng ..đoạn trường. Vậy mà trong trời đất bao la lại có những con đường chạy theo kiểu vòng tròn khép kín, để bao nhiêu năm sau, ở một thành phố có cái tên lạ hoắc nào đó trên xứ người, nhiều chàng bất ngờ “đụng đầu” tái ngộ với “cái quai nón” ngày xưa, hoặc đã từng đội chung “lá sen tơ” của một ngày nàng quên mang theo nón lá. Tôi đã từng nghe được khá nhiều tâm sự của các chàng Ninh Hòa, bây giờ tóc đã hoa râm:
Nửa đời mới gặp lại nhau
Ngước nhìn mái tóc ngả màu thời gian
Cái ngày cùng học trường làng
Chép thơ Nguyễn Bính gởi sang cho mình
Đêm nằm nhớ nụ cười xinh
Lá sen tơ ấy chúng mình cầm tay
Thế mà nay.. đau lòng thay
Cái con bướm trắng đã bay xa rồi
Mỗi người ở một phương trời
Vẫn không quên được cái thời xưa xa
Cho dù nay đã ông bà…
Lá sen tơ ấy vẫn là sen tơ
Ước gì trở lại tuổi thơ
Để… cùng đội lá sen tơ với mình…
Riêng tôi, một thằng lính lang thang dọc đường số 1, vậy mà trời xui đất khiến thế nào cũng đã từng lỡ dại yêu một cái quai nón tím Ninh-Hòa. Ngày ấy mỗi lần lái xe qua trường Trần Bình Trọng mà không tìm ra cái quai nón tím là tôi buồn đến..tím gan tím ruột. Mà cũng lạ, trường Trần Bình Trọng ngày ấy có biết bao quai nón đủ màu, đủ sắc, cớ sao tôi lại phải lòng cái quai màu tím. Hay tại tôi là lính chiến, nên cứ tưởng cái quai nón màu tím là.. “rừng tím hoa sim, tím những chiều hoang biền biệt”. May quá, có một nhà thơ gốc Khánh Hòa viết giùm tôi cái “thiên tình sử “đó:
O con gái tóc dài - quai nón tím
Chiều ni về - O có nhớ ai không
Guốc khua chi - cho đây nhói cả lòng
Áo trắng quá - khiến hồn đây khờ khạo
O cười duyên - khoe dăm ba hạt gạo
Cho đây vay một hạt - để no lòng
Sợ nửa khuya về bên ngọn đèn chong
O dẫm lấm những tờ thư đây viết
Cứ nguýt háy đi - cứ lườm cứ liếc…
Miễn O đừng biền biệt tháng năm xanh
Miễn sáng - trưa - chiều O cứ quẩn quanh
Sau cửa lớp - ngập ngừng như bụi phấn
Ngày hai buổi tan trường ngang mấy bận
Đứng bên đường đây cứ mãi ngó mong
Quai nón tím ơi - khói thuốc thả vòng
Không dám gọi - dù chỉ lời thăm hỏi
O cứ đi qua - chẳng chờ - chẳng đợi
Chẳng đoái hoài đến một gã khờ si
Những ngả đường cũng năm bảy lối đi
Sao lòng đây chỉ O quai nón tím…!
(Phan Thị Ngôn Ngữ)
Nhưng mà tội nghiệp cho cô nàng có quai nón tím, bởi đời một người con gái - ước mơ rất nhiều song trời cho không được mấy- đến khi đi lấy chồng chỉ còn một mối tình mang theo, mà khốn khổ thay thằng chồng ấy lại chính là tôi. Bởi vì sau đó nàng đành phải bỏ cái quai nón tím để khốn khổ mà làm vợ..lính. Và từ ngày thằng lính ấy chui vô cái ” trại cải tạo khoan hồng” của người anh em, thì cho dù nàng có mở mắt hay nhắm mắt gì thì cũng chỉ thấy có một… chân trời tím ngắt. Câu ca dao quen thuộc ở cái xứ thơ Ninh Hòa Trời mưa thì mặc trời mưa, tôi không có..nón trời chừa tôi ra đã không còn linh ứng với riêng nàng. Trong những người vợ lính ở cái xứ Ninh-Hòa hiền khô, trời đã không chừa nàng ra, nên phải làm thân con cò lặn lội bờ sông.. với đủ thứ trăm cay nghìn đắng. Nhưng cuối cùng ” người hại người, chứ ông Trời lại thương người vô tội “, nên bây giờ những cái quai nón.. ấy lại trở thành những “khúc ruột ngàn dặm của quê hương” nơi có “chùm khế ngọt, mà em… không được quyền trèo hái bao giờ” !!
Tưởng đâu chạy sang xứ người ta làm Việt kiều yêu…tự do, là thoát được bao điều hệ lụy bởi ông chồng gốc lính. Nào ngờ cái ông chồng ấy bây giờ cũng vẫn vô tích sự. Mấy lần nhớ con gái ở xa, nàng định khăn gói một mình sang thăm, nhưng thấy tội nghiệp ông chồng, nên đành phải trả vé máy bay. Nàng đã oán trách lầm Kách Mệnh. Nàng bảo là hơn tám năm cải tạo mà ông chồng vẫn không chịu tiến bộ. Kách Mệnh dạy: ” Có sức người thì sỏi đá cũng thành cơm”, còn khổ thay ông chồng tôi thì “gạo đổ vô nồi (điện) rồi mà vẫn không chín nổi thành cơm”.
Nhưng có một Chiếc Nón Lá khác, quai không màu không sắc, lại làm tôi xúc động mỗi lần nhớ tới.
Năm 1976, tôi bị chuyển tù từ Nam ra Bắc, mà lại tới một nơi xa tít mịt nùng: Lào Cai. Ba năm sau, ông anh bá quyền Trung quốc quên lời hẹn ước “môi hở răng lạnh”, dở trò muốn dạy người đồng chí Việt Nam anh hùng một bài học, bèn xua quân tràn qua biên giới, đám tù tụi tôi bèn làm một cuộc “hành quân” thần tốc xuống Yên Bái, rồi sau đó chạy một mạch vào tận Nghệ Tĩnh. Trại tù nằm sát biên giới Lào. Vào mùa hè gió Lào thổi sang nóng đến cháy gan cháy ruột.
Một hôm bọn tù tôi đuợc đi lao động để tìm “vinh quang”, nhưng trời nóng quá, nên cứ đi vài chục mét thì tất cả tự động chui vào mấy bụi cây ven đường. Đám tù có nhiệm vụ san mặt bằng trên một cái đồi trọc để chính quyền đưa dân dưới thấp lên, vừa “ổn định” đời sống vừa làm một cứ điểm chống quân “bành trướng Bắc Kinh”. Trời nóng hơn lửa đốt, mà cái đồi thì không còn một bóng cây, nên đám tù bọn tôi chỉ còn có ” đầu đội trời, chân đạp đất” như ông Từ Hải của nàng Kiều.
May mắn là tôi vừa qua một cơn kiết lỵ, nên được phân công nấu nước cho anh em. Phải xuống duới chân đồi mới có nước. “Đồng chí” quản giáo “đe” trước là phía dưới có khu nông trường mà đa số là đàn bà con gái. Chớ có bén mãn tới để “quan hệ” với nhân dân chân chính là bị cùm trong hầm núi. Tôi vốn nhát gan nên rất sợ mấy cái hầm tối trong hốc núi. Một lần có nhiệm vụ mang xác người bạn tù bị chết trong hầm núi ra, tôi mới biết cái địa ngục có thật này. Là một cái hang được moi ra từ chân núi đá, vừa đủ chỗ cho một thân người nằm. Khi kéo xác anh bạn tù ra, bọn tôi lạnh toát cả người. Không phải vì sợ thây ma, (vì chính những thằng tù còn sống cũng có khác cái thây ma là bao), nhưng vì bọn tôi nhìn thấy mấy con rắn, không biết có tội tình gì với Kách Mệnh mà đã tự giác chui vào để cùng “học tập cải tạo” với mấy anh tù khốn khổ nhất trên hành tinh này!
Trong lúc nấu nước, vừa cái nóng của trời, cái nóng trong gió lào thổi tới, cộng với cái nóng của lửa bốc lên, tôi bị choáng váng vì say nóng, bèn chui đại vào một lùm cây “cứt chồn” nằm. Chợp mắt vài phút, nghe có tiếng sột soạt, tôi giật mình tỉnh giấc. Ngồi dậy định chui ra thì bất ngờ thấy phía trước mặt có cái Nón Lá. Tôi dụi mắt tưởng nằm mơ, chứ tôi đâu có cây đèn thần để đọc ra ba điều ước bao giờ. Lúc này mà có cái Nón Lá, còn hơn cả mấy vị “cứu tinh của dân tộc”, nhưng nghĩ đến mấy con rắn trong cái hầm núi là tôi đành “bỏ của chạy lấy người”. Nhìn Chiếc Nón Lá nằm trong gang tấc mà với tôi sao xa thật ngàn trùng. Vừa bước đi, tôi nghe từ một bụi cây trước mặt, tiếng thỏ thẻ như chim:
- “Anh gì ơi ! Anh gì ơi ! Tôi cho anh chiếc nón, trong đó có mấy củ khoai luộc, anh cứ khẩn trương cầm lấy. Tôi đã cảnh giác kỹ rồi, chẳng có ai phát hiện đâu!
Bỗng dưng tôi trở thành một thằng tù vừa được no lại vừa lãng mạn: Thằng tù có nón !
Sau này khi được chuyển vào Nam rồi ra trại, tôi bàn giao Chiếc Nón ân tình này cùng cả câu chuyện cô gái nông trường cho người bạn tù trẻ hơn tôi bốn tuổi mà hai thằng đã từng kết nghĩa anh em. Sau ngày vượt biên, tôi tìm cách liên lạc với gia đình anh. Tôi nghiệp người bạn trẻ dễ thương đã chết sau gần một năm tôi chuyển trại.
Ở miền Bắc, người ta xem thường con gái nông trường nên ví von ” con gái nông trường như chiếc giường bệnh viện”. Sau này, mỗi lần nghe ai nhắc tới câu nói đó, tôi cảm thấy như chính mình bị xúc phạm. Tôi chỉ nghe tiếng nói, nhưng chưa thấy mặt người con gái ấy bao giờ. Nhưng Chiếc Nón Lá với cái quai chỉ bằng một sợi giây, có cái màu ướt đẫm mồ hôi, tôi không bao giờ quên. Cầu mong cho người con gái nông trường Thanh Chương ngày đó, giờ đây được sống yên lành, không phải bán mình sang Đài Loan, Hàn Quốc để nuôi cả một gia đình khốn khó.
Hôm rời Việt Nam, khi bước vào phi trường Tân Sơn Nhất, bất ngờ tôi nhìn thấy một lô Nón Lá. Nhưng mà tôi còn buồn hơn là “những ngày không tìm thấy.. nón”, Vì những chiếc Nón Lá này đang lắc lư trên đầu những bà đầm già đen, trắng. Có lẽ các công ty du lịch Việt Nam, ” những mũi nhọn xung kích của thiên niên kỷ mới”, giới thiệu Cái Nón Lá với khách bốn phương như là một giá trị văn hoá quê nhà, nhưng họ có biết là cái giá trị đó đang ngày mai một ngay trên chính quê hương của Nón ??
Tôi nhớ tới cái cảnh mấy ông nghị viên, dân biểu bên Mỹ, bên Tây trong những mùa tranh cử ở những vùng có nhiều cử tri gốc Việt, thường mặc áo dài, có khi đội cả khăn đống.. để vận động kiếm phiếu. Không biết bà con thì sao, có vui vì thấy thiên hạ “yêu” văn hóa ta hay không, chứ riêng một thằng có thói xấu bảo thủ như tôi thì không thấy đẹp chút nào mà còn hơi ngượng.. vì có cảm giác chiếc áo dài, khăn đống của mình bị người ta.. lợi dụng.
Về tới Nauy, tôi đem câu chuyện Cái Nón Lá bây giờ tự dưng biến mất ở các cổng trường.. bên quê nhà, kể cho mấy ông bạn già như là “món quà của một kẻ đi xa về”, thì lại nghe thêm được một chuyện buồn cũng về cái Nón:
Có một ông già Việt kiều gốc nhà quê yêu nước, được con cháu bảo lãnh sang đoàn tụ. Sống trên cái xứ Bắc Âu nhỏ bé nhưng vốn có đời sống cao hàng nhất nhì trên trái đất, ông già được nuôi nấng kỹ quá, bơ sửa thừa mứa, mỗi năm lại được cấp tiền đi du lịch vòng vòng, nên đâm ra.. rững mở nhờ thần dược Viagra.
Ông về Việt Nam liên tục, hết nói cất nhà từ đường, rồi xây mộ gia tộc. Hết chuyện tư ông lại mở tấm lòng bác ái.. làm chuyện công: xây đình xây miểu chưa xong lại sửa sang trường học,, giúp viện mồ côi..Kỳ thực thì ông đem tiền về xây nhà giữ trẻ, mà chỉ nuôi có mỗi một em. Đó chính là.. cô bồ nhí, tuổi đáng cháu nội của ông. Khốn thay cho những tên Việt kiều già mất nết. Cái tin này đến tai bà vợ già.. vốn mê đọc truyện Kiều nên có máu Hoạn Thư.. Bà huy động một đám con dâu, con gái đã từng có nhiều huy chuơng trong những cuộc chiến “đánh.. ghen cứu nước”, cùng về Việt Nam với bà chiến đấu. Ông già sợ quá, bèn đi tìm thầy bùa gốc Chàm còn sót lại từ lúc công chúa Huyền Trân về làm hoàng hậu cho vua Chế Mân của xứ Chiêm Thành. Theo lời dạy của ông thầy bùa, ông già Việt kiều đi tìm mua Cái Nón Lá có bài thơ tình.. xứ Huế, để ông thầy yếm bùa ” khờ ” vào Cái Nón.
Không ngờ bà vợ lại có tài “tình báo” còn hơn cả đám CIA của Mỹ chống khủng bố al Qaeda, nên nhất cử nhất động gì của ông chồng già.. dịch bà đều “nắm bắt” kịp thời !
Bà kéo đám quân thiện chiến về đúng vào mùa hè đỏ lửa. Ông chồng biết bà vợ rất sợ ông Trịnh Công Sơn xúi người ta ” Gọi Nắng…”, bèn mang Cái Nón Lá vào tận phi trưòng đón nữ tướng quân. Khi bà vợ vừa bước ra khỏi phi trường, ông chạy tới xum xoe, đưa Cái Nón lên âu yếm che đầu bà. Bà vung tay giật ngay Cái Nón vất xuống đất đạp tan tành. “Thừa thắng xông lên” bà cắt mái tóc mới nhuộm của ông già, rồi định cắt thêm…một cái gì nữa đó. Cả phi trường náo lọan, công an bảo vệ phải xông vào cứu ông già thoát nạn, trước sư hò reo của tất cả mọi người vừa chứng kiến một tấn tuồng hay..
Tôi nghĩ, nếu lỡ xui, hôm ấy có tôi, chắc tôi không thể nào mở miệng ra cười đuợc, mà có khi tôi còn khóc. Không chỉ khóc vì trong đám Việt kiều, có những gã già mất nết, mà khóc vì đau lòng và tội nghiệp cho.. cái Nón Lá. Vì nó có tội tình gì ?
Trong lúc ở quê nhà, cùng “tiến nhanh tiến mạnh” lên một nền “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, các em nữ sinh, các cô con gái dần dần bỏ rơi Cái Nón Lá, thì một ông già vừa mới xa quê mấy năm, vốn coi trọng truyền thống cha ông, lại sớm bán linh hồn cho quỷ, và dùng Cái Nón Lá vào một việc “cực kỳ″ kém văn hóa. Thử hỏi một thằng gốc nhà quê như tôi làm sao mà không buồn cho được.
Viết tới đây tự dưng tôi liên tường tới một điều, mà cứ mỗi lần nghĩ tới là lòng thấy nhói đau. Nói theo kiểu mấy ông nhà văn thì “dường như đang có những nhát chém hư vô” nào đó ở trong lòng.
Cũng kể từ lúc những nữ sinh, những cô con gái Việt Nam dần dần bỏ rơi cái Nón Lá, thì cũng là lúc số phận của những người phụ nữ một thời ” anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang” vốn là con cháu của các “chị ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh, chị hai năm tấn quê ở Thái Bình”đi đến chỗ cùng tận của nỗi…thê lương.
Trong lịch sử dân tộc ta, dường như chưa có thời kỳ nào mà số phận của nhiều người con gái, phụ nữ Việt Nam lại bi thương rẻ rúng như bây giờ.
Hơn một trăm ngàn ( xin nhắc lại: một trăm ngàn) các cô gái, mà trong đó có hơn 60% các em ở tuổi vị thành niên đã phải sang Campuchia và Thái Lan làm gái điếm. Hơn sáu chục ngàn cô gái bị lừa (và bị bán) sang Đài Loan, Hàn Quốc, nói là để làm vợ, nhưng thực ra chỉ làm nô lệ và nô lệ tình dục cho bọn lưu manh. Một số đông bị hiếp tập thể hay hiếp luân phiên bởi những gã đàn ông bệnh hoạn trong một đại gia đình, vốn cũng chẳng khấm khá gì. Rồi sau khi tả tơi, bị bán rẻ lại cho những ổ mại dâm mạt hạng. Oái ăm và đau đớn thay, bọn đàn ông khốn kiếp này lại là đám con cháu của ” bọn phản động Tưởng Giới Thạch và bọn Pác Chung Hy từng sang Việt Nam đánh thuê cho “đế quốc Mỹ″năm nào ! Hàng vạn cô gái vị thành niên sang hành nghề gái điếm bên Nga. Cái nôi của một chế độ mà đã có thời được đàn em cúc cung tung hô “vạn tuế “, nơi mà đã có một nhà thơ lớn viết một bài thơ để đời: “thương cha thì thương một mà thương ông (Stalin) thì thương đến mười”, để cho một ông nhà thơ đàn em hùa theo ca ngợi ” đồng hồ Liên Xô đẹp hơn đồng hồ Thụy Sĩ”, ” trăng nước Nga tròn hơn trăng nước Mỹ″ ! Bây giờ thì cái thành quả ” Kách Mệnh tháng 10 ” đó đang bày bán khắp các chợ trời ở biên giới các nước bắc Âu: từ huy chương, phù hiệu, cờ xí.. cho đến những cô con gái, mà cha mẹ ông bà vốn một thời là đồng chí của Stalin !)
Chưa bao giờ người con gái Việt nam lại đem bày hàng rao bán ở bên Singapore, Hàn Quốc, như là những cộng rau héo úa của buổi chợ chiều. Từng nhóm những cô gái quê, trần truồng như nhộng, sắp hàng đi tới đi lui, quay trước quay sau, để cho những gã Tàu già, nghiện hút, tàn tật tha hồ chọn lựa.
Trong nước, thì từ thành phô, đến thôn quê, từ vùng xuôi đến “vùng sâu vùng xa”, nơi nào cũng dẫy đầy gái điếm ! Điếm bây giờ có đủ hạng bậc, chẳng khác gì một đội quân gái với đầy đủ các cấp quân hàm: từ ca sĩ, diễn viên điện ảnh, người mẫu, hoa khôi, á hậu,,đến những cô sinh viên, đang còn theo học hoặc vừa mới ra trường. Bi thảm và thương tâm nhất là các em gái học trò nghèo, tuổi mới mười ba, mười bốn cũng phải bán dâm. Mà khốn nạn thay những kẻ mua dâm lại là những ông thầy và đám quan lại quyền thế của triều đình.
Từ vụ ông tiến sĩ TCP/TCTDTT Lương quốc Dũng hiếp dâm một bé gái 13, đến ông TGĐ/PMU18 Bùi tiến Dũng, cứ mỗi lần cùng bọn tham quan đánh bạc là có các cô xinh đẹp trần truồng ngồi sẵn một bên để các ngài xả xui ngay tại chỗ. Rồi đến ngài thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến rửa ghế với mấy cô người mẫu trần truồng ngồi trong những chậu sứ, rượu ngoại được thay nhau đổ từ trên đầu xuống khắp châu thân, chảy qua đủ ngõ ngách của các nàng kiều nữ, để đám nịnh thần cụng ly chúc mừng quan lớn ! Mới nghe, tôi cứ mơ hồ như chuyện chỉ có trong phim tàu của cái thời có nhiều bạo chúa.
Mấy năm trước, hơn mười em học trò nghèo, tuổi mới 14, 15 ở cái huyện Hòa An hẻo lánh trên tận Cao Bằng heo hút gió mưa bị ép bán dâm cho một ông thầy đang làm quan trong Sở Giáo Dục và Đào Tạo tỉnh. Rồi một ngài Trung tá Phó Trưởng Công An Thị Xã Cao Bằng cưởng bức mua dâm một em gái mồ côi tại Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội Tỉnh Cao Bằng chưa đến tuổi 15.
Và mới đây, tại tỉnh Hà Giang, hơn 15 em nữ sinh tuổi từ 13 đến 17 bị chính ông hiệu trưởng Sầm Đức Xương dụ dỗ, cưỡng ép, khống chế buộc phải quan hệ tình dục với ông và sau đó còn dâng lên làm quà cho ngài chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô và một đám quan lớn khác. Điều đặc biệt là sau khi thỏa mản thú tính, ngài chủ tịch đốn mạt còn nằm trần truồng cho các em “vô tư” chụp hình, quay phim thoải mái, bởi ngài nghĩ đã có bao cái lọng trên đầu!
Hèn gì một cô nghệ sĩ ưu tú Hát Chèo, bộ môn văn hóa cổ truyền đang được cổ võ hồi sinh, lại bỏ chèo để làm “má mì” chuyên cung cấp những cô gái loại “hàng xịn”. Một cô sinh viên của một trường đại học danh giá ngay giữa lòng thủ đô, ” Hà Nội.. niềm tin yêu và hy vọng của núi sông hôm nay và mai sau”, lại trở thành tú bà, chuyên cung cấp nữ sinh viên cho các ngài đại gia mà phần lớn là đám hôn quan lớn bé của triều đình thời mở cửa. Trong khi ấy thì các quan lớn dùng tiền nhà nước đánh bạc, cá độ cả tiền tỷ, cả đến gần ba triêu đô la! Đã vậy các qúy tử, công nương dốt nát của quí ngài còn được đi du học “ăn chơi ” đó đây bằng tiền của E-Việt Nam Giao Chỉ !
( Tôi cũng xin nói rõ: tất cả những tin tức này đã được đăng tải công khai trên các báo Công An, Thanh Niên, Tuổi Trẻ của nhà nước, chứ không phải từ những tên phản động, hoặc những phần tử ” diển biến hòa bình” nào đâu nhé ).
Trong một bài thơ khá dài và thật cảm động gởi cho một em bé nghèo phải sang bán mình cho các nhà chứa ở Bangkok, nhà thơ Trần Trung Đạo (một người trẻ có trọn tấm lòng với quê hương, đất nước, hiện tị nạn tại Hoa Kỳ) có một đoạn:
Lịch sử Việt Nam  
Vinh nhục thăng trầm bao nhiêu bận
Nhưng chưa bao giờ đen tối như hôm nay
Ông cha ta có khi phải xuống biển tìm ngọc trai
Lên non tìm ngà voi trầm hương châu báu
Có những lúc cả dòng sông thắm máu
Có nhiều khi xương trắng gởi rừng sâu
Nhưng chưa một lần trong bốn ngàn năm
Có những cô gái Việt nam
Phải sang xứ người bán thân nuôi miệng
Tủi nhục này không bao giờ rửa
Nỗi đau này không phải của riêng em
Mà của mọi người còn một chút lương tâm
Và còn biết như thế nào là quốc nhục
……
Trách nhiệm này xin hỏi thuôc về ai ? Câu trả lời thuộc quyền “sở hữu trí tuệ” của các bạn. Tuy nhiên nếu có bạn nào bảo trách nhiệm này thuộc về Nhà Nước là tôi cực lực phản đối.
Bởi cái thằng vốn “duy tâm biện chứng” tôi xin lý luận một cách rất “lô gíc” theo kiểu tam đoạn luận như sau:
Đây nhất định không phải là trách nhiệm của nhà nước ( hay là chính quyền ), mà đích thực là của nhân dân. Vì trong xã hội xhcn, nhà nước chỉ quản lý, chính quyền chỉ là“công bộc”, còn nhân dân mới làm chủ (chắc các bạn ai cũng cũng thấy ở Việt Nam ta, trừ duy nhất cái Kho Bạc Nhà Nước, còn tất tần tật cái gì cũng của nhân dân: Chính quyền Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân, Tòa Án Nhân Dân,…..) mà đã là làm chủ (nhất là làm chủ tập thể) là đích thị trách nhiệm phải thuộc về nhân dân rồi. Tôi xin đề nghị là: đưa nhân dân ra Tòa án Nhân Dân xét xử. Và nếu tôi vinh dự được làm bồi thẩm Nhân Dân (lại..nhân dân), tôi xin các đồng chí nhân dân nhất trí:-
- chiếu theo điều 1/HV của bộ luật dân sự thời vua Hùng dựng nước
- thi hành lời di chúc của cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ
- xét rằng, Chiếc Nón Lá là biểu tương cho phụ nữ Việt Nam, anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang
- xét rằng Chiếc Nón Lá là chứng tích của bao cuộc tình học trò dưới cành hoa phượng đỏ
- xét rằng Chiếc Nón Lá đã góp phần làm giàu cho thi ca và làm đẹp cho quê hương có bốn ngàn năm văn hiến
- xét rằng Chiếc Nón Lá đang có thành tích trong kế hoạch kinh tế vĩ mô: góp sức to lớn cho ngành Du Lịch nước nhà.
- Xét rằng chính các cô gái Việt nam đã phản bội, dần dần bỏ rơi Chiếc Nón Lá, nên đã đưa người con gái nước ta vào bao cảnh lầm than, khốn khổ, đoạn trường như hiện nay.
- Đề nghị hình thức kỷ luật:
- Em nữ sinh nào bỏ Nón Lá, khi vào phòng thi sẽ không được mua trước đề thi như ở Hà Tây và Cai Lậy (Tiền Giang), nơi có đến 536 bài thi giống nhau như đúc!
- Người đẹp nào bỏ Nón Lá sẽ không được mua chỗ vào học tiếp viên hàng không Giao Chỉ với giá rẻ 20.000 đô la Mỹ.
- Bà nào bỏ Nón Lá, sẽ không được làm bồ nhí cho các ông quan trong Pờ Mu 18.
Dù sao, tôi cũng xin cám ơn Cái Nón Lá, đã cho thế hệ chúng tôi thật nhiều kỷ niệm, để mỗi lần hồi tưởng về một quá khứ xa xăm, lại thấy trong lòng lâng lâng nỗi nhớ. Không chỉ nhớ những Cái Nón Lá có quai hồng, quai tím… hay mấy mối tình học trò vụng dại, mà nhớ một thời mà cả…đất trời và ai nấy cũng dễ thương. Thôi thì, xin mượn đỡ mấy câu thơ của ông Khoa Hữu mà thay cho lời tạ từ cùng Cái Nón Lá ngàn đời yêu dấu:
Trăm năm hạt cát vô cùng
Trăm năm ta vẫn một lòng nhớ em…
Bắc Âu,một ngày không có mặt trời.
phạmtínanninh



Tác giả là cư dân khu Little Saigon. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của cô kể về một hình ảnh rất quen tại các khu chợ Việt. Lời mở đầu là ý muốn chia xẻ...
***
(... chỉ là một trong muôn vạn cảnh đời thật mà tôi đã từng gặp sau năm 1975... Có thể chuyện sau đây, mức độ bi thương không đáng để kể. Nhưng hình ảnh bà cụ, chiếc nón lá trên tấm lưng còng vẫn đọng lại trong tâm trí tôi. Đẹp thanh cao. Xin được chia xẻ...)
*
Vừa bước chân ra khỏi cánh cửa của sở, tôi phải kéo vội mũ trùm đầu. Không kịp rồi! Cơn gió đã xộc tới. Lạnh buốt. Tôi lúng túng. Gió thổi tung tóc tôi, rối bời. Gió đuổi những chiếc lá khô lăn dài trên đường, xao xác. Gió hát thao thiết bài ca mùa đông, bài ca muôn đời của riêng gió.
Tám giờ tối. Trên vòm trời xanh xao thăm thẳm, nửa vầng trăng nghiêng nghiêng, treo chênh vênh. Mấy vì sao lung linh, run nhè nhẹ. Vài cụm mây không rõ hình thù điểm xuyết vào. Sự cố ý hay vô tình của nhát cọ trong bàn tay vị họa sĩ tài hoa?
Giữa mênh mông đất trời, chợt thấp thoáng hình ảnh chiếc nón lá trên tấm lưng còng... Những nếp gấp trên khuôn mặt hiền từ... Đôi mắt già hơi mờ đục như đang nhìn tôi, lặng lẽ và buồn rầu...  Linh cảm không lành khiến lòng tôi bất an.Tôi lắc đầu cố xua tan nhưng hình ảnh kia vẫn cứ luẩn quẩn, chập chờn nhập nhòa! Thật kỳ lạ! Linh ảnh? Hay ảo giác? Không thể giải thích được!
Tôi chui vội vào xe, đóng cửa, mở máy, mở nhạc. Bản Moonlight Sonate của Beethoven dịu êm vang lên nhè nhẹ. Hình như không thích hợp với tâm trạng tôi lúc nầy.Tôi thay đĩa. “Vườn rau, vườn rau xanh ngắt một màu. Có đàn, có đàn gà con nương náu. Mẹ quê, mẹ quê vất vả trăm chiều. Nuôi đàn, nuôi một đàn con chắt chiu. Bà bà mẹ quê....” Đó là lời bài hát "Bà mẹ quê" của Phạm Duy.
Đáng lẽ về thẳng nhà nhưng không hiểu sao tôi lại vòng qua Westminster, vào khu Bolsa, ghé cái chợ mà tôi đã gặp bà cụ. Vừa lái vòng vòng tìm chỗ đậu xe, vừa dõi mắt kiếm tìm. Không thấy bóng dáng ấy. Có thể bà cụ không đi bán vì rau trái chưa tới độ? Hoặc vì bà ốm?
Thôi thì, đã đến đây rồi, tiện vào chợ gặp món gì sale thì mua. Để dành.
Ngang qua chỗ bà cụ vẫn đứng bán rau, tôi hỏi thăm.
- Bà ấy mới mất tối hôm qua.
Tôi lặng người. Thẫn thờ. Mắt bỗng cay xè.
Đâu rồi?
Đâu rồi tấm lưng còng xuống bởi hành trang vô hình nặng trĩu và chiếc nón lá trắng lấp loáng đau đáu nỗi niềm dưới ánh đèn sáng trưng của phiên chợ trần gian? Vẫn biết đời người vô thường. Vẫn biết lẽ tử sinh là chuyện tất nhiên. Kiếp nhân sinh sống gửi thác về. Nay còn mai mất. Mà bà cụ kia chắc phải gần tám chục, không bà con ruột thịt với tôi, sao tim tôi thắt lại. Nhói đau?
Dãy xe shopping cart được xếp khít vào nhau, ngay ngắn gọn gàng trước chợ. Thỉnh thoảng có người lại đẩy tới chiếc xe trống không, áp khít vào. Biết đâu sáng nay, nhân viên vệ sinh thành phố vừa gom một chiếc xe đẩy về đây. Chiếc xe mà bà cụ đã để lại đâu đó trong thành phố nầy trước khi bà đi về nơi xa lắc, hóa thân vào cõi hư vô.
*
Đậu bắp, rau muống, rau lang, cà tím, chanh, ớt... Cả thảy chừng hơn chục pound, trong chiếc shopping cart. Cạnh đó, một bà cụ đội nón lá đang đứng bán.
Bà cụ người Việt, tôi nghĩ vậy, bởi chiếc nón lá thân thuộc, dáng dấp thanh mảnh nhỏ nhắn và tấm lưng còng. Chỉ khác chút xíu là cái áo khoác màu đen dày cộm lùng bùng tới gối thay vì áo bà ba. Mấy người xúm xít lại mua. Tôi đoán, có lẽ món nào cũng tươi hơn, rẻ hơn trong chợ.
Ngồi nhâm nhi ly capuchino trước thương xá, tôi dõi mắt theo bóng hình bà cụ, lòng chợt chùng xuống. Nhức nhối thương dáng mẹ, dáng bà. Rưng rưng nhớ bờ tre, bông lúa, cọng rơm... nhớ bóng núi chạy dọc theo dặm dài quê cũ, nhớ con sông nho nhỏ nước trong xanh êm đềm chảy ngang qua trước ngõ nhà.
Bỗng bà cụ lúp xúp đẩy xe chạy ra chỗ parking. Khách mua bỏ đi. À, thì ra bà sợ cảnh sát! Chừng mươi lăm phút sau, bà lại xuất hiện, trông khá lếch thếch, luộm thuộm với chiếc xe đẩy. Vài người lại xúm xít mua. Rau muống, rau lang, đậu bắp... Cảnh diễn ra trước một chợ Việt Nam, giữa lòng thành phố rộng lớn, nguy nga, tráng lệ, lộng lẫy của nước Mỹ văn minh! Trông thật kỳ cục! Bây giờ tôi mới để ý tới điều nầy.
Cảm giác lợn cợn khó chịu bỗng nhấn chìm xuống tất cả nỗi niềm xúc động trong lành ban nãy trong tôi, tựa như đĩa nhạc đang hay bỗng léo nhéo, lạch cạch do bị trầy xước. Một tiểu cảnh phi nghệ thuật, không hợp lý đem đặt vào tổng thể không gian vốn được thiết kế hợp lý và đậm chất nghệ thuật. Gam màu pha vụng về do lỡ tay trong một bức tranh sơn dầu. Nốt nhạc lạc điệu trong bản tình ca...
Cảm giác bực bội, khó chịu vây bủa tôi. Tôi đứng dậy, nóng nảy đi tới đi lui. Tại sao bà ấy phải làm vậy? Tôi thừa biết, ít nhất hàng tháng bà được hưởng welfare, được ở housing, được medicare... Người Việt Nam, lại là phụ nữ, lại chừng đó tuổi, sống ở xứ sở nầy, chắc chắn không rơi vào tình trạng homeless. Lý do nào? Bà ấy đang làm xấu đi vẻ mỹ quan chung của cộng đồng. Thêm nữa, bà còn bêu rếu hình ảnh con người Việt Nam ở xứ sở nầy! Thật quá đáng! Vậy cần phải nhắc nhở bà cụ về nếp sống nơi đất nước văn minh mới được!
Đợi bà cụ đẩy xe ra ngoài, tôi chạy theo, cố dùng ái ngữ:
- Bà ơi! Cháu đẩy xe giúp bà nhé!
- Cô cần mua gì không?
Tôi ráng kìm nén, ráng giữ lễ phép:
- Không ạ. Cháu chỉ muốn hỏi tại sao bà phải vất vả như thế này?
- Vì tôi thương con cháu tôi đang ở Việt Nam.
- Nếu không phiền, bà có thể kể cháu nghe về gia đình bà. Được không ạ?
- Cám ơn cô. Gia đình tôi qua đây diện HO... Thời điểm chúng tôi đi, con cái trên hăm mốt tuổi, dù độc thân, vẫn phải ở lại. Cho nên bốn đứa con lớn của tôi phải ở lại. Sau đó có luật con trên hăm mốt tuổi nếu chưa lập gia đình thì được đi theo, nhưng khổ nỗi, chúng đã lấy vợ lấy chồng cả rồi! Khổ thân chúng! Tôi già cả lẩm cẩm, nói năng vậy cô có hiểu không?
- Dạ... cháu hiểu ạ.
Bà cụ quay sang tôi. Gật gù. Khuôn mặt già nua, hao gầy trong chiếc khăn nhung đen trùm đầu.
Tôi thoáng giật mình.
- Rồi khi có quốc tịch, ông nhà tôi liền làm hồ sơ bảo lãnh chúng. Bảy năm đợi chờ ròng rã... Ủa, hình như hơn bảy năm thì phải... Nhưng lúc hồ sơ vừa được mở thì ông ấy mất... Thế là hồ sơ bị hủy! Cô biết không, người ta nói chỉ còn chừng một năm... một năm nữa thôi... chúng sẽ qua đây... đoàn tụ... Vậy mà...  Tôi già cả lẩm cẩm, nói năng vậy cô có hiểu không?
- Dạ... cháu hiểu ạ.
Bà cụ chép miệng, cay đắng:
 - Giờ bốn đứa nó vẫn ở bển... Cộng với bầy cháu lít chít. Chúng đều nghèo... nghèo lắm cô ạ! 
Im lặng khá lâu.
Hỡi ôi! Tôi đã chạm vào nỗi đau muôn thuở của phận người. Tôi nhận ra mình thật tồi tệ.
Bây giờ thì không cần phải cố gắng kìm nén gì nữa, tôi cúi đầu, thở dài, nhỏ nhẹ:
- Dạ... cháu hiểu ạ.
Giọt nước mắt lăn xuống đôi má nhăn nheo, có lẽ chảy ra từ nơi sâu thẳm trong tâm can bà. Đôi mắt hơi mờ đục, xa vắng bỗng ánh lên niềm xót xa và ăm ắp thương yêu:
- Tội nghiệp bầy cháu lít chít ở bển. Tôi chắt bóp tiền già, gửi về. Tôi cố trồng những gì có thể trồng được trên chút đất sau nhà, bán kiếm ít tiền, gửi về. Chừng một tháng nữa tới giáng sinh, rồi tới tết, phải không cô?
Cổ tôi dường như bị vướng. Nghèn nghẹn.
- Dạ...
Những nếp gấp của thời gian thoáng giãn ra. Giọng bà cụ trầm xuống, đôi mắt già hơi mờ đục, buồn rầu:
- Sau năm bảy lăm, gia đình tôi đi kinh tế mới, sống bằng nghề trồng rau củ. Giờ mấy đứa bển cũng tiếp tục trồng rau củ. Nghèo lắm cô ạ!
- Dạ...
- Cô ở đâu?
- Dạ... Anaheim.
- Thôi, tôi phải về ngay cho kịp trước khi con tôi đi làm về, kẻo nó không bằng lòng. Rất mong được gặp lại cô, tôi sẽ nói chuyện với cô nhiều hơn.
- Dạ... Cháu... muốn mua tất cả các món còn lại...
Bà cụ lắc đầu:
- Xin lỗi! Những gì còn lại đều bị bầm dập rồi. Cám ơn tấm lòng của cô. À, tôi biếu cô vài trái ớt nè. Giống ớt nầy ở Việt Nam mang qua, cay và thơm dữ lắm.
- Cháu cám ơn... Nhưng... thưa bà... cháu muốn mua...
- Tôi hiểu! Cô thương cho thân già nầy. Cô thật tốt bụng. Nhưng tôi không thích thế!
Tôi bối rối:
- Cháu... cháu xin lỗi bà. Cháu không có ý gì hết. Cháu chỉ muốn mua đem về ăn.
- Vậy chừng tuần lễ, mươi ngày nữa cô ra đây mua nhé! Chào cô.
- Dạ... Cháu chào bà.
Bà cụ đẩy chiếc xe đi. Nói chính xác hơn, bà vịn vào chiếc xe mà đi, như người già vẫn thường làm vậy để tránh bị té ngã. Tôi có thể hình dung bên trong đôi găng tay màu xám là đôi bàn tay già cỗi, nhăn nheo, khô héo, trổ chi chít những đốm đồi mồi.
Bà cụ đẩy chiếc xe đi. Chậm chạp, liêu xiêu, đơn độc.
Tôi đứng mãi, nhìn theo cho đến khi tấm lưng còng trĩu nặng yêu thương và chiếc nón lá lấp loáng nỗi niềm mất hút sau làn xe ken dày chỗ ngã tư đèn xanh đèn đỏ. Chiếc nón lá trên tấm lưng còng của người già quê tôi mới đẹp làm sao! Những nếp gấp của thời gian trên khuôn mặt hiền từ, buồn rầu mới thanh cao làm sao!
*
Sau đó, những hôm đi làm về cần ghé chợ, tôi được gặp lại bà cụ mấy lần. Vẫn chiếc xe đẩy của supermaket, vẫn rau muống rau lang.... Và vẫn chiếc nón lá trên tấm lưng còng. Trong những lúc mua hàng của bà, tôi được bà thổ lộ tâm tình thầm kín. Bà tâm sự rất nhiều. Rất nhiều. Như thể chưa bao giờ bà được tâm sự. Chuyện của bà buồn lắm. Tôi không biết làm gì hơn là lắng nghe, chia xẻ và nói vài lời an ủi bà. Dường như có sợi dây vô hình nào đó khiến tôi cảm thấy rất gần gũi, đồng cảm với bà, thấu hiểu nỗi đau câm lặng của bà.
Tiểu cảnh không hợp lý giữa không gian hợp lý? Một tiểu cảnh phi nghệ thuật? ... Trời ơi! Tôi ghét tôi. Tôi ghét cái tật cầu toàn của tôi. Tôi chán cái thói rởm đời, vẽ vời, sĩ diện hão của tôi, cái tính tự ái dân tộc một cách nông cạn hời hợt của tôi. Trời ơi! Mọi sự chẳng nghĩa lý gì hết trước hình ảnh chiếc nón lá trên tấm lưng còng. Trước những bất hạnh. Trước cái chết, trước ánh sáng bí ẩn cuối đường hầm.
*
Tôi trở ra xe, lục tìm cuốn phone book. Dò đường tới nhà bà cụ.
"Cô giúp tôi việc nầy nhé! Chuyện là, mỗi lần tôi mới vừa nhắc tới, con tôi gạt phăng ngay, cứ phàn nàn là tôi toàn nói toàn điềm gở. Tại nó quá thương mẹ đấy thôi. Nhưng già thì phải chết. Đúng không cô? Nên tôi cậy cô... lỡ tôi mất đi... cô nói hộ với nó là tôi muốn được hỏa táng rồi gửi bình tro về quê nhà... Tôi già cả lẩm cẩm, nói năng vậy cô có hiểu không?..." Bà cụ đã tha thiết nhờ tôi như vậy.
Bà ơi, cháu đang tìm nhà bà đây nè. Dẫn đường cho cháu bà nhé! Cháu tin rằng bà sẽ rất thanh thản với hai tấm vé khứ hồi- Một tấm vé phải mua bằng tiền và một tấm vé ai cũng được biếu không khi bước đến cuộc đời nầy- Cháu tin bà sẽ an lạc nơi có vườn rau, có bầy con cháu lít chít khó nghèo mà bà hết lòng lo lắng thương yêu. Bà sẽ tha hồ chiều chuộng, ôm hôn, nựng nịu chúng. Cháu tin bà sẽ hạnh phúc như đã từng hạnh phúc khi tỉ mẩn chăm chút từng cọng rau muống, rau lang, vun xới cây chanh, cây đậu bắp ở chốn quê người....
Nửa vầng trăng vẫn đang chơi vơi giữa trời. Vài ngày nữa trăng sẽ tròn trịa. Rồi sẽ hao khuyết. Sẽ lặn. Và sẽ mọc. Cái chu kỳ miên viễn. Bầu trời vẫn bao la vời vợi. Và những vì sao vẫn lấp lánh như những viên ngọc... Vũ trụ huyền nhiệm. Trường cửu.
Tôi lái xe về nhà. Không lên freeway mà thong thả chạy trong local. Chọn lane phải. Chăm chú, thận trọng tiếp tục cuộc hành trình của đời người. Cuộc hành trình có cỏ hoa và gai góc, có niềm vui và nỗi buồn, có nhọc nhằn và sung sướng, có hạnh phúc và khổ đau, có nụ cười và nước mắt....
Xe đã chui gọn vào garage nhưng tôi chưa muốn vào nhà ngay. Tôi tắt máy, ngồi im. Suy nghĩ miên man về cái vĩnh hằng vô cùng vô tận ở trên cao và cái hữu hạn chông chênh dâu bể dưới cõi trần.
Tôi biết, ngày mai tôi sẽ chúi mũi vào công việc, vào những lo toan cố hữu thường nhật... Tôi sẽ tất bật chạy theo dòng đời. Những ám ảnh hôm nay rồi sẽ dần lắng xuống...
Nhưng tôi cũng biết, thỉnh thoảng tôi sẽ dừng lại... Ngoái nhìn... Sẽ khắc khoải. Xúc động: Hình ảnh cái lưng còng và chiếc nón lá của bà mẹ Việt Nam.
Tịnh Tâm