Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

Nhạc - Thơ - Văn Trái tim Bồn bồn

Bồn Bồn Trắng 

ALBUM NHẠC TRỮ TÌNH QUÊ HƯƠNG


Nhớ mong
Bồn bồn trong nắng sắc xanh rì...
Rập rờn quấn quýt vướng chân đi,
Nhưng sao khó giữ người năm ấy ?
Đã mấy mùa hoa ta chia ly ?!

Quê cũ bao năm vẫn đợi chờ,
Dẫu có muộn màng luôn ước mơ.....
Con thuyền neo bến trên sông vắng,
Em giữ tình anh chuổi ngày thơ....!

Bồn bồn hát khúc nhớ mong,
Người đi xa khuất còn mong chi về ?
Hoa bay khắp nẻo đường quê,
Tìm người nhắc nhở câu thề ngày xưa...
Ngày sớm nắng, chiều về mưa,
Tháng năm chờ đợi mãi chưa nguôi sầu !!
Thương về đâu, nhớ về đâu,
Người xưa quay lại nhắc câu ân tình....?!
Bao nhiêu ước nguyện ba sinh ,
Héo mòn theo ký ức tình xa xưa !!
NM
Trái Tim Bồn Bồn
Nắng. Nắng gắt. Nắng hại. Nắng cháy da, cháy thịt. Cháy cả những bờ áo nhạt màu đang dật dờ trước ruộng. Nắng đến mức nước như muốn sôi lên bất cứ lúc nào. Ừ thì nắng, nhưng nắng dường như đã như bị “bại trận” trước cái thoang thoảng của những cây bồn bồn tươi rói đang chễm chệ mọc xiên qua từng hạt nắng. Cái dáng nho nhỏ chông chênh trước ruộng, chông chênh trước những cơn “gió mặn” đang thổi ào ào rát sâu cả mặt. Vậy mà họ vẫn đứng đấy hằng ngày, cúi mặt để bán lưng cho trời. Cái ruộng rộng ghê gớm, nó đã làm cho con người ta thấy thật nhỏ bé khi đối mặt với chính nó. Cuộc sống được bao bọc trong hai chữ…”bồn bồn”.
Hằng ngày, những cây bồn bồn được nhổ lên để bán. Những đồng tiền bé nhỏ đó cũng chẳng thấm đâu để nuôi những “miệng ăn” trong nhà và cả những “cái đầu” đang đi học. Với tôi, bồn bồn đã ăn sâu vào thân xác, tâm hồn và cả trái tim của mình…
Tôi quen nhỏ trên ruộng bồn bồn. Hai bờ ruộng chỉ cách nhau một dải đất hẹp, nụ cười mát như xua đi cái nóng bức của một trời khắc nghiệt, đôi môi cười như những bông hoa dại xinh xinh mọc giữa ruộng bồn bồn. Đẹp và vững. Rồi đôi nhà cũng chẳng cách nhau là bao, tôi qua bên “ấy” nhiều lắm. Siêng ra ruộng hằng ngày, hằng giờ. Bắt đầu cảm nhận được cái ngọt ngào, dìu dịu của hương bồn bồn dưới ruộng. Bồn bồn nay “khác” rồi đậm đà bởi hương mặn của nước ruộng êm nhẹ bởi những giọt mồ hôi lặng lẽ của nhiều người. Nó chống chọi được cái khắc nghiệt nhất của đời mình mà nó vẫn trắng tinh và đẹp vô cùng. Có lẽ nhỏ cũng vậy. Bờ áo bà ba nhem nhuốc màu đất. Mồ hôi  trên trán đổ vội vàng trên khuôn mặt. Vậy mà nhỏ vẫn xinh lắm. Đôi mắt như cuốn sâu con người ta vào tận trong đó. Nước da trắng như những cọng bồn bồn tươi nhất được tước đều cả vỏ. Ôi khó mà kềm lòng được. Trên những khuôn ruộng tưởng như rộng thênh thang lại là những tâm hồn như khít lại gần nhau hơn. Trên ruộng bồn bồn bao nhiêu là ước mơ, bao nhiêu là khát vọng và bao nhiêu là tiềm lực về một cuộc sống đổi đời. Người dân ở đây đã khổ đủ rồi mà!
Mùa bồn bồn lặng lẽ trôi qua nhường chỗ cho những con tôm vô hồn chìm mình thế chỗ. Bóng dáng thân thương ngày nào vắng dần và mất hẳn. Trái tim con người có vậy chăng? Ngày nay, tôi được cho lên thành phố để học và để tiếp thu những cái xa xỉ mà trước đây tôi chưa từng biết tới. Cuộc sống như thu hẹp dần. Ba mẹ cũng đã quằn lưng gánh mãi gánh nặng thị thành mà tôi cũng chẳng tiếp được gì. Rồi những thứ xa hoa đã làm tôi quên đi mùi vị của nắng. Quên hẳn đi cái hương của đất cứ xộc lên mỗi khi mùa bồn bồn đến. Và quên luôn cả những cây bồn bồn đang ưỡn mình trước ngàn giọt nắng. Mùa bồn bồn khi nào nhỉ? Tôi quên nó mất rồi. Hình ảnh cô bé ruộng bên đang nhạt dần trước phấn son lòe loẹt của những cô gái thị thành hiện đại. Bồn bồn ở đâu, bồn bồn làm gì? Tôi phớt lờ dần với nó. Ký ức bồn bồn đẹp lắm cơ mà, nó đâu rồi nhỉ.
Trở về nơi xưa, vẫn mùi vị ấy, vẫn hạt nắng ấy và vẫn những cây bồn bồn tươi tốt ấy. Cảm nhận này quen lắm. Có quen thân không nhỉ? Rời quê lâu thế này cơ à? Cô bé có trái tim “bồn bồn” đâu rồi nhỉ?. Hàng cây ven đường cứ rập mình chào đón. Thấy thèn thẹn với chính bản thân mình, với quê hương mình. Cô bé có nước da trắng tinh, đôi mắt sâu thẳm ngày nào đang hòa mình với nắng. Hỏi thăm cô còn nhớ tôi không. Cô bé nói rằng “trái tim bồn bồn đã chết theo ký ức của anh rồi anh ạ”
Nguyễn Phước Huy
(*)loài cây màu trắng có nhiều lớp xốp bao quanh. 
 

Áo Mới Cà Mau

Tình anh đất mũi  

Anh mộc mạc nhưng lòng anh chung thuỷ,
Tình mênh mang như đồng ruộng bồn bồn...
Bao năm qua anh vẫn sống cô đơn,
Luôn nhung nhớ bóng hình người yêu cũ !
Xin hãy quên mảnh tình si ấp ủ,
Xin nhớ về người em gái cao nguyên....
Ước mong anh vui đẹp mối lương duyên,
Quên đi hẳn bóng hình người xưa ấy !
NM
Kết quả hình ảnh cho chuyện tình quê

CHUYỆN TÌNH CHÀNG CUA

          Phải nói thật là ngày còn học phổ thông, tôi học rất yếu môn sinh vật, nên những vấn đề về đặc tính của các loài vật tôi không được rõ lắm. Ngày ấy các đĩa nhạc còn rộ lên những ca khúc mang âm hưởng dân ca của các ca sĩ trẻ, trong đó có ca khúc Đau xót lý con cua (1). Tôi nghe mấy bạn nam trong lớp nghêu ngao hát mà trong lòng vẫn luôn tự hỏi lời bài ca sao nghe lạ quá vậy? Tại sao lại có câu “Con cua đực suốt đời tình chung”, tôi nghe hoài không hiểu. Thắc mắc đó cũng chỉ vu vơ, cho đến một ngày tôi được về Cà Mau, được ngồi ghe gỡ cua đồng, thì tôi mới hiểu chuyện tình của các chàng cua.
          Ngày còn là sinh viên, tôi vô tình quen được một chàng trai gốc miền Tây, học tập tại thành phố Hồ Chí Minh. Hai anh em kẻ Nam người Bắc, chỉ trò chuyện qua điện thoại và những cánh thư nhưng khá hợp tính. Tôi kể cho anh nghe mùa đông xứ Bắc, anh kể tôi nghe về tiết trời đỏng đảnh của Sài Gòn, về những buồn vui trong môi trường đại học. Tôi không có anh trai nên xem anh như một người anh thân thiết, những vui buồn, hờn giận vu vơ tôi đều kể cho anh nghe, đôi khi tôi nhận được những lời khuyên rất chân thành. Có một lần, anh kể cho tôi nghe về chuyện tình của anh, đó là một câu chuyện buồn. Anh vẫn giữ trong lòng hình ảnh về một mối tình đầu thơ ngây, nhưng người ấy đã không bao giờ quay lại bên anh. Mỗi ngày trôi qua mang theo sự tuyệt vọng, anh chờ đợi trong mỏi mòn. Nhiều lúc tôi thấy anh thật khờ, muốn nói với anh rằng hãy quên người ấy và tìm cho mình một người con gái yêu anh, nhưng có lẽ phải nhờ đến một phương thuốc mang tên thời gian.
Chúng tôi cùng hẹn nhau đến một ngày sẽ gặp mặt, nhưng ngày ấy cứ mãi là một cuộc hẹn, khi mỗi người có những công việc và ước mơ, dự định cho riêng mình. Thời gian cứ thấm thoát trôi, anh cũng đã bắt đầu một cuộc sống mới sau khi tốt nghiệp. Anh về làm tại tỉnh nhà và không quên mời tôi về thăm miền quê sông nước của anh. Tôi thì còn bận bởi những chuyến đi dài vô định. Tôi hỏi anh về chuyện xưa, anh chỉ cười và nói người xưa đã lấy chồng, anh vẫn lẻ bóng nhưng sẽ cố gắng tìm cho mình một hạnh phúc.
          Bảy năm sau khi quen nhau, tôi quyết định xuống thăm anh. Chặng đường về miền Đất Mũi trải dài theo dọc tuyến miền Tây, tôi sợ đi xe ban đêm sẽ không ngắm được hết phong vị xứ lạ nên dù biết sẽ rất mệt, tôi vẫn chọn đi xe đò chuyến ban ngày. Qua cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, qua xứ dừa, mỗi cảnh vật nhìn thấy đều mang một vẻ đẹp đến nao lòng. Trên xe còn được nghe những bài hát mang đậm hình ảnh sông quê, tôi lại ngân nga câu hát mà tôi đã thuộc lòng từ ngày quen anh: “Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam. Ngại chi đường xa không tới, về để nói với nhau mấy lời”(2), lòng tôi hân hoan cho một cuộc gặp gỡ một người quen bao năm nhưng chưa gặp bao giờ.
Đón tôi là một chàng trai ngăm đen mang đậm chất miền Tây, không khác nhiều so với tôi tưởng tượng. Khi nghe nói tôi quyết định đi Cà Mau một chuyến, bạn bè tôi hoài nghi, đứa nào cũng hỏi có phải đi để xem cái xứ muỗi nó ra làm sao không. Tôi kể lại chuyện đó cho anh nghe thì quả đúng như vậy, nhưng đó là chuyện của mấy năm trước. Ngày đó đất Cà Mau nhiều muỗi lắm, huyện nào cũng phát động phong trào diệt muỗi, nhất là lực lượng đoàn viên thanh niên. Bây giờ thì muỗi đã ít đi nhiều, nên anh nói tôi cứ yên tâm, tôi khá nặng để muỗi có thể khiêng đi mất. Anh hài hước hơn tôi nghĩ, tôi phì cười.
          Trên đường về nhà anh là những cánh đồng ngập mặn, một số người dân đang lặn lội hái rau bồn bồn. Anh nói người dân quê anh giờ đây cuộc sống khá hơn trước cũng nhờ cây bồn bồn, một vị rau rất giòn, ngọt mát mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tôi hỏi về những cây cầu khỉ thì anh cười: “Bây giờ đường đi lại đều bê tông hóa hết rồi, hiếm lắm mới có một số vùng còn cầu khỉ, mà nếu còn cầu khỉ chắc gì em đã dám xuống thăm anh? ”, anh lại trêu chọc tôi.
Anh là con trai út trong một gia đình thuần nông, trên anh là 5 anh trai đã lập gia đình. Điều khiến tôi thấy vui nhất là khi biết tôi lên chơi, nhà các anh trai mặc dù ở khá xa nhưng các chị dâu đều về quây quần bên bếp lửa, người làm bánh, người lặt rau thấy ấm áp lạ. Mẹ anh hỏi chuyện tôi, cười đùa không nghĩ rằng đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau. Anh hỏi tôi có muốn đi xuồng ra gỡ cua không, tôi hơi chần chừ. Một cô gái Tây Nguyên, từ khi lớn lên chỉ biết có đồi núi thì đi xuồng ghe thế nào được, nhưng tôi quyết định thử một lần, đã đi một chặng đường dài mà cái xuồng bé xíu lại không dám lên? Nhưng không phải dễ, nó chòng chành làm tôi suýt té mấy lần, anh thì cứ đứng cười rồi chèo chiếc xuồng thành thạo như tôi đang hít thở vậy. Anh bảo ở cái vùng sông nước này, trẻ con đã phải tập bơi, tập chèo xuồng rồi nếu không sẽ rất nguy hiểm, vì xung quanh nhà toàn sông và ao hồ.
          Hai bên bờ là những cây dừa nước, quả như một bông hoa gỗ, vừa gỡ cua tôi vừa đòi anh phải chặt cho tôi ăn thử quả dừa nước coi nó khác “dừa cạn” ra sao. Vị mát và thanh, tôi đòi ăn hết trái thì anh ngăn lại: “Em mà ăn nữa là xíu không có bụng ăn món cua luộc đâu đó nghen”. Tôi đành nhìn trái dừa thòm thèm: “Thôi để em mang vào cất dành, khi nào đói em ăn”, anh chỉ còn biết lắc đầu.
          Hai anh em ăn được vài cái bánh chuối hấp nước dừa thì cua đã chín. Anh ngồi bên cạnh đập mình cua cho tôi, gạch cua vàng, ngọt. Anh vừa cười vừa hỏi tôi:
- Ăn cua dậy chớ có biết sự tích con cua hông đó?
- Ủa, sự tích gì anh? – Tôi vừa ăn, vừa ngạc nhiên hỏi.
- Chớ bộ em chưa nghe bài hát “Đau xót lý con cua” hả?
- Em nghe rồi, bài đó em thấy nó… không đúng thực tế.
- Không đúng chỗ nào, nói anh nghe coi.
- Thì đó, em thấy con trai tụi anh đào hoa lắm chớ bộ, mà bài hát đó nói “con cua đực suốt đời tình chung”, em không tin.
- Vậy chớ em nói con cua đực làm sao?
- Thì em nghĩ con cua đực… nó không… chung tình.
- Cô bé ngốc ơi là ngốc, thôi ăn cua đi, ngon không?
- Dạ có.- Tôi vừa ăn vừa khen ngon, lại ngồi bên cạnh gốc dừa mát rượi. Quay sang nhìn thấy anh buồn buồn, tôi ăn đến cái càng thứ hai thì hỏi anh:
- Chớ bộ con cua đực nó chung tình thiệt hả anh?
- Ừ, cua là động vật giáp sát mà. Mỗi lần cua cái thay vỏ là nó sẽ ở bên cạnh bảo vệ cua cái, nên khả năng cua cái bị làm con mồi trong thời kỳ lột xác là rất thấp. Còn mỗi khi con cua đực thay vỏ thì…
- Thì sao anh? Thì cua cái đi tìm mồi cho nó hả?
- Không, cua cái sẽ dẫn một tình nhân đến ăn thịt nó. Nên mới có câu “Khi gió lạnh mùa đông sang, anh thay vỏ nằm đau” là vậy đó.
Tôi im lặng không biết nói sao, chuyện của thế giới loài vật cũng ly kì và buồn vậy đó, nhưng ấy là quy luật của giống nòi và tạo hóa mà. Bất chợt tôi nghĩ đến anh, có phải được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, anh cũng thật thà và chung tình như một chàng cua không. Sau một hồi tư lự, tôi hỏi anh:
- Vậy, anh… đã tìm được nàng cua nào dành cho mình chưa?
Anh nhéo tai tôi, kêu tôi giỏi chuyển chủ đề lắm, rồi anh nhìn ra bờ sông, nơi mang đậm dấu ấn về người con gái anh đã từng yêu tha thiết ấy. Có lẽ thời gian sẽ trả lời câu hỏi của tôi, và mang đến cho anh một người để xoa dịu vết thương lòng trong anh, để anh biết bắt đầu một yêu thương cùng một người yêu anh chân thành.
Tôi tạm biệt anh, và hẹn ngày trở lại. Hi vọng ngày ấy sẽ là một ngày vui, ngày ấy anh không ra đón tôi một mình, ngày mà anh sẽ được là một chàng cua chung tình hạnh phúc.
Lâm.Hạ (ĐăkLăk)

Bồn Bồn Miền Tây 

Tân cổ Bông Bồn Bồn Rụng Trắng 

Bông bồn bồn rụng trắng

Cây bồn bồn còn được dân gian gọi là cây nến hoặc nói chữ cho đẹp là Thủy hương, bởi loài cây này có bông khi già nhìn giống hình cây nhang cắm ở dưới nước.
Bồn bồn thường mọc hoang ở vùng đất thấp như bưng, biền hay các đìa lạn, có nhiều phèn mặn. Bồn bồn thuộc họ lau sậy, mọc trên nước, rễ thả nổi như rau muống, lá dài giống sả, có khả năng chịu ngập sâu.
Loài cây mọc hoang này một thời gian làm vướng bước chân của những người mở đất, bởi nó cùng với cỏ năn lát thay nhau mọc… cạnh tranh sự sống quyết liệt với lúa, nếp. Muốn có đất trồng lúa, những người xuôi phương Nam về vùng tận cùng của Tổ quốc phải dùng phảng chế bỏ bồn bôn. Loại cây này ngày nay vẫn còn mọc nhiều ở Sóc Trăng nhất là ở Cà Mau, Bạc Liêu…
 Bồn bồn vừa hái về


Dưa bồn bồn
Tình cảnh của người dân quê ngày xưa dường như còn phảng phất trong câu ca:
Gió đẩy gió đưa bông bồn bồn rụng trắng
Thương em một đời dải nắng dầm mưa
Người ta sử dụng bồn bồn để chế biến thức ăn từ phần non của thân cây, người bình dân kêu là củ hủ. Hễ vào mùa nước nổi mênh mông trên đồng cũng là lúc người ta chống xuồng đi nhổ bồn bồn. Việc hái bồn bồn cũng đơn giản, chỉ cần cầm ngọn rồi tước phần lá ở ngoài, bẻ lõi màu trắng bên trong cho vào rổ.
Bồn bồn tươi hái về có thể chế biến thành nhiều món ăn dân dã rất ngon như: xào tôm thịt, nấu canh chua, nấu lẩu chua, làm gỏi, nấu canh dừa.
Bắc chảo nóng cho mấy con tép đã rửa sạch, ngắt bỏ đầu, đuôi vào chảo xào cho thấm, nêm nếm vừa ăn rồi trút bồn bồn vào. Đậy kín nắp lát sau bồn bồn chín. Rắc ra đĩa, rắc thêm ít tiêu xay lên trên. Bồn bồn xào tép, khi ăn chấm với nước mắm chua, cay, …

Đĩa dưa bồn bồn
Gỏi bồn bồn trộn tép
Cọng bồn bồn cũng có thể dùng làm rau bổi để nấu canh chua cá rô, canh chua lươn,… Độc đáo nhất của bồn bồn là đem đi làm dưa. Dưa chua bồn bồn làm khá đơn giản nhưng lại rất ngon.
Trước hết phải chọn phần non trắng của bồn bồn, dùng dao nhọn bén chẻ làm hai hoặc tư tùy độ lớn của ruột bồn bồn. Sắp bồn bồn vào hũ, pha muối và đường vào nước vo gạo. Sau đó, đổ hỗn hợp này ngập kín bồn bồn rồi đậy chặt hũ lại, khoảng vài ngày là ăn được.
Dưa bồn bồn có thể biến tấu thành những món ăn với cơm nóng không chê vào đâu được. Chỉ cần mấy con ba khía trộn với chanh chua, ớt cay, gắp thêm dĩa bồn bồn là cơm ăn hết nồi cũng không biết.
Dưa bồn bồn chấm cá kho, mắm kho vừa làm ngon miệng vừa như phảng phất hương vị đồng quê miệt bưng biền.
Người ta cũng có thể bắt tép luộc rồi lột vỏ trộn gỏi với bồn bồn. Nhiều khi túng quẩn không có tép thì ốc luộc, hay con khô các sặc rằn, khô cá lóc trộn gỏi bồn bồn cũng ngon lành chẳng kém món ăn nào khác.
Đến đây, người viết chợt nhớ đến mấy câu thơ trong lời bài ca vọng cổ Bông bồn rụng trắng của nghệ sĩ ưu tú Trúc Linh, xin mượn nó để thay cho lời kết:
"Tưởng anh đi xa rồi anh mau quay trở lại
Để em bán bồn bồn em bỏ ống em chờ anh
Gió xứ Đầm năm nay xao động
Để bông bồn bồn rụng trắng như sương"
ST 

  (Hình chỉ có tính minh họa)

Đất Mũi Cà Mau

CHUYỆN VỢ CHỒNG HAI GỒ

I
Tự nhiên, sáng nay lại nhớ Hai Gồ, rồi lại nhớ tới người phụ nữ miệt Cà Mau, to con, nói năng rổng rảng, tánh tình rộng rãi, vô tư, khoáng đạt như sông nước miền Nam, là vợ Hai Gồ. Hai Gồ lớn hơn tất cả bạn học toàn con trai, cùng lớp trung học ngày xưa chừng vài ba tuổi, tướng to con bặm trợn, nhưng tính lại rất hiền và bộ dạng y chang nông dân thứ thiệt. Năm nay, Hai Gồ hơn 60 tuổi rồi. Anh là lớp trưởng của tôi mấy niên cuối trung học đệ nhị cấp, vào những năm 70- 72 thế kỉ trước… Cả lớp bọn tôi kêu Hai Gồ bằng anh, xưng em tự nhiên, nên kêu luôn vợ anh bằng chị, lại xưng em, mặc dù tuổi vợ anh còn nhỏ hơn nhiều đứa trong lớp. Tôi không biết tên thật của vợ Hai Gồ là gì. Quen miệng cứ kêu chị Hai, không cần tìm hiểu thêm. Có điều tôi phải tâm sự một chút. Không biết sao, tôi và tất cả bạn bè cùng lớp, hễ mỗi lần gặp chuyện bất như ý trong cuộc sống, phát sinh buồn tình, chán đời, cứ thường thử đặt vợ chồng Hai Gồ vào hoàn cảnh của mình để hình dung ra cách ứng xử như thế nào, thì, tự nhiên lòng thấy nhẹ nhàng như không. Không ai nói ai, nhưng bạn bè đều cảm thấy vợ chồng Hai Gồ có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của mình biết dường nào. Vợ chồng Hai Gồ không bao giờ khuyên bảo người khác về cách sống, về đạo đức ở đời và có lẽ cả vợ chồng anh, không ai biết cách để khuyên bảo người khác…
Hiện nay, anh em cùng lớp phần lớn là ở Phan Thiết. Nhà Hai Gồ ở Cua Chuối Hột trên quốc lộ 1A, cách Phan Thiết 10 cây số, lại nằm sâu trong động cát, đường ngoằn ngoèo khó đi, nhưng bọn tôi lại thích tụ nhóm tại đây nhậu nhẹt, tán dóc, kể chuyện ngày xửa ngày xưa, rồi cười hả hả, thỉnh thoảng cũng có thằng uống chừng một xị đế, nhắc chuyện cũ khóc hu hu… Chỉ cần gọi điện thoại hỏi, gà vịt còn không chị Hai, mai tụi em lên. Hỏi “còn không”, vì đám bạn tôi hay lên bày nhậu thét, sợ gà vịt lớn theo không kịp. Chị Hai nói liền, giọng muốn bể loa điện thoại:
- Mai mấy chú nhớ lên đó nghen, không lên tui đem gà vịt luộc xong sắp ra sân thắp nhang “dzái” mấy chú đó!
Vậy là bọn tôi lên nhà, có gì xách theo thứ nấy, có rượu đem rượu, có bia xách bia, không rượu bia thì mua bánh kẹo lên cho cháu ngoại, chỉ là để khỏi mắc cỡ hai tay thôi.
Hai Gồ có mấy sào ruộng “nước nhỉ”. “Nước nhỉ” là nước mạch ngầm từ trong động cát mênh mông trời đất chảy ra quanh năm. Nước trong vắt và rất mát. Nhờ nguồn nước mạch trời cho này, nên hai vợ chồng Hai Gồ trồng rau thoải mái. Ngoài trồng các loại rau mà mấy bà nội trợ mua hằng ngày ở chợ, vợ chồng anh còn trồng các thứ rau đặc sản Nam Bộ. Trong đó, tôi khoái nhứt là rau nhút, bồn bồn (làm chua). Rau nhút bỏ vào nồi lẩu cá đồng, thêm bồn bồn chua và bông điên điển nữa thì chỉ có nước đem đổ hết nồi lẩu… vô bụng. Kha kha!
Có lần tôi hỏi chị Hai:
- Cây bồn bồn trồng ở lao (cù lao) miệt dưới chắc làm chua ngon nhứt xứ phải không chị Hai?
- Ừa, bồn bồn nước nhỉ không có phù sa làm sao bì được bồn bồn lao!
Tôi cười thầm trong bụng đồ đi đồ lại “bồn lao”:
- Dzậy là bồn lao nhứt xứ, hèn chi anh Hai…
Hai Gồ ôm bụng cười quá xá:
- Bà bị thằng Mười Miên nó nói xạo đó!
Chị Hai hiểu ra la lên:
- Đồ quỷ, chú này nói bậy bạ không hà.
Chị lại cười ha hả, khoái. Tôi cũng cười he he!
Nói vậy, nhưng nhiều khi thấy những cây điển điển mọc nơi mép ruộng quanh nhà Hai Gồ cao quá đầu người trổ bông vàng hườm, tự nhiên thấy lòng mình nao nao. Cái nao nao đó là tự nhiên của sự đồng cảm khi nghĩ đến lời nói tâm sự của Hai Gồ:
- Nhiều khi thấy bả ngồi ngó trân mấy cây điên điển trổ bông, rưng rưng nước mắt. Bả nhớ hồi còn con gái dưới quê chống xuồng ngắt bông điên điển trên đồng nước mênh mông mùa nước nổi... Tao thấy cũng thắt ruột.
Học chung lớp tôi có mấy thằng hiện nay ở Mỹ. Trong đó có thằng ở Cali. Nó chuyên trồng rau bán cho người Việt ở bên đó. Thằng này biết tính toán, nên đất nhà nó chỉ trồng rau vừa đủ lớn là cắt bán rồi trồng lứa khác ngay. Hột giống rau ở bên đó rất mắc tiền, nó không tự lấy giống vì trồng rau giống chiếm dụng đất thời gian lâu không có lợi. Nó biết mấy đám đất của Hai Gồ rất phù hợp để trồng rau lấy hột giống cho nó. Vậy là nó gởi một số hột giống về Việt Nam, vợ chồng Hai Gồ trồng giúp, thu hột giống gởi qua Mỹ cho nó. Nó cười he he thu lợi. Tất nhiên là nó có đưa lại cho Hai Gồ một số tiền với lời cảm ơn kèm theo, coi như là trả công, nhiều gấp mấy lần tiền công ở đất động nước nhỉ này. Vợ chồng Hai Gồ cũng cười he he nhận tiền. Tôi đã thấy các cây rau giống Mỹ trồng tại đất Hai Gồ. Hình như cái gì của Mỹ cũng to bự, từ xe hơi, tới tủ lạnh, tới… Thấy lá mồng tơi Hai Gồ trồng bằng hột giống Cali to bằng 5, bằng 10 cái lá… cây đa, tự nhiên lại nhớ câu chuyện tiếu lâm về dân Texas. Dân Texas lúc nào, ở đâu cũng tự hào về xứ Texas của mình cái gì cũng to bự nhứt nước Mỹ. Một hôm chàng Texas bán bầy bò lên New York chơi xả láng sáng về sớm, gặp một em chân dài vú bự, thích mê, tán tỉnh xong dắt vô hotel… Sáng hôm sau, chàng chăn bò Texas thức dậy, chưa kịp rửa mắt, đã ôm mặt khóc hu hu. Em chân dài thức giấc, nói giọng ngái ngủ:
- Sao mày khóc?
Chàng Texas nói tiếng Mỹ pha tiếng Đan Mạch:
- Đ. M. tao cứ tưởng cái gì của Texas tao cũng bự nhất nước Mỹ. Ai dè, hu hu, vừa lên New York ngủ một đêm, thấy của New York còn bự hơn của Texas… Hu hu!
- Tưởng chi, nín đi, tao cũng là người Texas mà, khóc gì!
- Hả?!
Hi hi!
II
Năm học đệ tam (lớp 10 bây giờ), tui và mấy thằng bạn chí cốt cùng lớp đã nghiện cà phê và nghiện cả thuốc lá rồi.
Thời đó, ngồi quán cà phê rất dễ sanh sự đánh lộn, vì choai choai với nhau, chỉ cần một ánh mắt nhìn không thân thiện là có thể bị hỏi độp ngay:
- Kênh(1) hả mày?
Nếu nhắm bắt nạt được thì đứng dậy cầm cái ghế bước qua phang thẳng vào bàn của nhóm vừa hỏi xấc. Nếu bọn kia xin lỗi hoặc bỏ chạy thì tốt, còn ngược lại thì mình phải chạy trước, lơ mơ ôm mặt máu về nhà là thường. Chuyện đó xảy ra hoài. Vì vậy để tăng cường khả năng đánh lộn, bọn này rủ nhau đi học võ và khi đi ngồi quán cà phê, phải tìm cách kéo Hai Gồ cùng đi. Thấy tướng Hai Gồ ô dề, cao một thước tám, nặng trên tám chục kí, mặc dù coi cái bản mặt hiền khô, nhưng không đám du côn nào dám động tới.
Bọn này “ngồi đồng”(2) quán cà phê Nhất Phương thường xuyên, lấy nơi này làm nơi tập hợp nhóm. Đây là một trong vài quán cà phê khá nhất của thị xã bằng lổ mũi này. Cà phê phin tuyệt hảo. Âm nhạc được phát ra từ hai loa của chiếc máy quay băng AKAI hiện đại. Nghe nhạc bằng âm thanh stereo là thuộc loại hot (như cách gọi bây giờ) nhất thời đó. Ngồi mơ màng trong khói thuốc thơm Capstan, hớp từng ngụm nhỏ cà phê cứt chồn Ban Mê Thuột, nghe những giai điệu trữ tình của các bài hát tiền chiến, nhạc tình của Phạm Duy… và của Trịnh Công Sơn, rồi tự ám thị mình sống hiện sinh trong thế giới tràn ngập sự chết chóc, giết người và bị giết này. Chủ quán là một cô gái tóc dài đen mượt, da trắng, khuôn mặt bầu bĩnh, không đẹp nhưng có duyên, tính tình ăn nói dễ thương, tên là Lan. Chỉ tội là mụn to mụn nhỏ thi nhau trồi lên lớp da hồng hồng trên hai má. Lan lớn hơn bọn tôi chừng vài ba tuổi, nhưng lại ngang bằng hoặc nhỏ tuổi hơn Hai Gồ. Tôi kêu Lan bằng chị, Lan xưng bằng tên với tất cả bọn tôi. Một hôm, tới quán một mình, quán vắng khách, Lan ra ngồi với tôi nói chuyện chơi. Đột nhiên Lan hỏi:
- Miên thấy Lan có dễ thương không?
- À… ừ… à…
Tui lóng ngóng không biết trả lời ra sao hết. Chắc chết, tự dưng lại hỏi kì ta, hay là… Lan thương mình, mụ nội ơi! Ừ mà mình là thằng đẹp trai nhứt nhóm mà (he he), lại có cả xế Dame(3) nữa, không thương cũng uổng.
- Miên cứ nói thiệt đi, có sao nói vậy người ơi.
Tui làm một hơi hết li cà phê, kéo mấy hơi thuốc nữa mới đủ gan đáp lời:
- Mình thấy chị Lan… đẹ… ẹp đẹp lắm!
- Sao lại cà lăm vậy Miên. Nhưng nè…
Ngập ngừng một chút, hai má Lan hồng lên, chắc sắp tỏ tình với mình đây. E hèm, lúc đó tôi nhớ mình nín thở chuẩn bị tâm thế để nghe lời tuyên án, tiêu đời trai rồi thằng tôi ơi.
- Nè, Miên thấy… anh Hai có để ý gì tới chị không?
Nghe Lan xưng chị với mình ngon lành, tui như quăng được tảng đá to đội trên đầu. Tui thở một hơi phì phì như trâu ngợp nước vừa ngoi lên bờ, ngả người ra sau, rít thêm mấy hơi thuốc nhả khói lên trần nhà. Chà, vậy là mình thoát nạn. Kha kha, tôi cười thầm trong bụng và cái đầu u mê của tôi bỗng thông minh đột xuất đã nghĩ ra cách xử lí tình huống vừa làm mát lòng cô chủ quán, vừa có lợi cho cả bọn nghiện cà phê này, chỉ tội cho Hai Gồ, phen này dính đạn rồi.
- Có… có mà, anh Hai khen chị miết!
Hai má Lan đỏ chín như bồ quân, mắt chớp chớp. Phải công nhận Lan có đôi lông mi cực đẹp, cong vút, mấy lâu nay mình không để ý. Người con gái có lẽ đẹp nhất là lúc nghe lời khen của người mà mình yêu thích, dù có khi chỉ qua miệng người khác.
- Miên này, chị nói cái này, đừng cười chị nghe. Chị thương anh Hai thiệt đó, Miên ơi.
Lan nói rất nhanh như sợ nếu nói không kịp thì lưỡi bị thut lại vậy. Mình cười hi hi trong bụng, có chuyện vui rồi.
- Chị Lan có muốn mình nói lại với anh Hai không?
- Không, không, đừng nói, mắc cỡ chết, Miên đừng nói với anh Hai và đừng nói với ai hết nghe. Miên mà nói là khỏi ghé quán uống cà phê nữa đó.
- Ừa, biết rồi, nhưng không nói làm sao anh Hai biết chị Lan thương…
- Miên rủ anh Hai tới quán thường xuyên nghe. Chị chỉ cần có anh Hai ngồi ở quán chị là thấy sướng rồi.
Trời ạ, chỉ cần bi nhiêu đó thôi mà đủ thấy sướng, khó hiểu, con gái, đàn bà thật khó hiểu… Sau này, kinh nghiệm chiến đấu tình trường đã dạy cho tôi biết sự khó hiểu đó của đàn bà cũng đơn giản, dễ hiểu, có thể giải được hầu hết những khó hiểu đó, giống như khi mình học toán phải thuộc và lấy định lí ra giải toán vậy thôi.
Tôi vô đề:
- Ừa, được rồi, nhưng… đâu phải lúc nào mình cũng có tiền để ngồi quán?
Lan chồm tới đập tay lên vai mình, cười lích rích:
- Hơi đâu mà lo chuyện tiền bạc, quán nhà mà.
Nghe hai tiếng “quán nhà” tôi như được uống li nước mát lúc khát khô cổ họng. Vậy là cả bọn có chỗ uống cà phê “chùa” rồi, he chỉ cần Hai Gồ chịu xáp vô… Kha kha kha!

III
Sau 1975, Hai Gồ cưới vợ. Vì chưa có nhà riêng nên hai vợ chồng ở chung với ông bà già và mấy đứa em. Tánh chị Hai bộc trực, thẳng tuột như cái máng hứng nước mưa. Chị ăn khoẻ, làm mạnh, công chuyện làm nông của nhà, chị và anh Hai đội mưa đội nắng làm khoẻ “ge”(4). Chị có cái tánh không để bụng được chuyện gì lâu, giận ai là hùng hùng hổ hổ rồi quên tấp lự, như nước tạt xuống đất khô không thấy nữa. Thương ai nói thương, ghét ai nói ghét (sao mà giống “Lời mẹ dặn”(5) của Phùng Quán quá), hàng xóm có chuyện hiếu hỉ, xăn tay áo liền liền, chân bước tấp tả tới nơi miệng nói tay làm. Nhưng khổ nỗi, chính cũng vì cái tánh đó mà sanh sự. Bà già Hai Gồ tánh khó giàng trời, ông già còn chịu hổng nổi. Trong nhà, bà già là “sếp” như mấy nhà người dân tộc trên núi theo mẫu hệ, lời của bà nói ra là chiếu chỉ vua ban. Mấy lần Hai Gồ nhắc chị là đừng để ý, má nói sao làm vậy, không cãi, chị nghe làm theo.
Hồi Hai Gồ chưa dẫn chị Hai về, bà già ở nhà có nhắm một cô cùng xóm Cua Chuối Hột định chờ Hai Gồ về là cưới ngay. Nhưng ai dè, bất đồ Hai Gồ chơi ngẵng không thèm hỏi ý kiến ông bà già, dẫn chị Hai từ Cà Mau về nhà giới thiệu rồi làm đám cưới luôn. Bà già Hai Gồ buồn. Từ buồn chuyển qua giận. Giận ai? Giận Hai Gồ chẳng nhằm nhò gì, vậy là trút giận lên vợ Hai Gồ cho biết mặt… Cũng có lúc chị Hai nói lại, nhưng nói lại đúng ba lần, và nói chỉ một câu ba tiếng như nhứt không sai một tiếng:
- Dạ, con biết!
Nấu cơm, ai cũng vậy, có bữa này bữa khác, khi ngon, lúc dở. Vợ Hai Gồ nấu ngon, bà già không hề khen một tiếng, nấu dở, bà già “gầy gà” cả một buổi. Chị Hai có tật, hễ lúc làm công chuyện, miệng thích hát hò mấy câu cải lương hay bản nhạc của Vinh Sử, Thanh Sơn… mà Thanh Tuyền, Chế Linh… hay hát. Bà già nghe gắt liền:
- Làm không lo làm, cứ lo hát hát hò hò!
Chị Hai đi chợ. Chợ nông thôn ít đồ bán. Cá chạy chợ phụ thuộc hoàn toàn vào một, hai bà bán cá. Họ bán gì mua nấy, lấy đâu mà lựa mà chọn ngon dở. Vậy là vợ Hai Gồ, mỗi lần đi chợ mua cá về, hầu như đều bị bà già “giả cua” rôm rốp. Thấy vợ khóc, chồng an ủi vợ theo đúng kiểu Hai Gồ chánh hiệu:
- Nín đi, khóc làm gì, hàng xóm người ta cười nghe chưa!
(He he, thua luôn…)
Nghe bà già chồng chửi mắng, nhịn được không sao hết, nhưng còn cái chuyện này là nhịn hổng nổi à nghe. Cái “em gái” cùng xóm Cua Chuối Hột kia, hình như được bà già cho phép, nên cứ lui lui tới tới nhà hoài, miệng thì thưa hai bác con mới tới, nhưng mắt thì liếc Hai Gồ muốn lủng mặt, như ngầm nhắn nhe, anh Hai ơi, lúc nào em đây cũng chờ anh Hai hết đó nghe... (Hai Gồ sướng thiệt, be he he!). Tội cho chị Hai, cái cảnh ứa gan đó cứ diễn đi diễn lại, chịu sao thấu hở trời. Rồi tới một bữa, đi chợ sáng, chị Hai gặp “em gái” Cua Chuối Hột đang mua mít. Em gái tĩnh bơ như nai tơ ôm trái mít bự chãng chín thơm lừng đưa cho chị Hai:
- Bác gái với anh Hai thích ăn mít nghệ lắm, em nhờ chị đem về nhà giùm. (kha kha, gan cùng mình!)
Cho đến tận bây giờ, qua ba mươi năm, nghe kể lại chuyện này không biết bao nhiêu lượt, nhưng lúc nào tôi cũng vẫn có cảm giác như mới nghe lần đầu. Chuyện diễn ra như sau:
Thấy cái bản mặt câng câng, miệng cười cười nói nói như giỡn chơi, như thiệt lòng của “em gái”, máu nóng sôi rùng rùng dồn lên mặt muốn say xẩm, chị Hai nổi sùng, nhưng cố dằn xuống, chị lầm bầm lẩm bẩm như mấy bà già mắc bịnh “nói lịu”: “cù nèo cù né bồn bồn điên điển lục bình cá hú cà kèo cá tra Năm Căn Đất Mũi bần bần đước đước…”. Sau khi kêu hết những thứ quê kiểng xứ Cà Mau, như nhờ đất đai linh thiêng phò hộ, chị kéo tay “em gái” ra khỏi chợ, rồi bình tĩnh nói nhẹ nhàng rành rọt như không, giống như đã chuẩn bị sẵn kịch bản:
- Nè, cô em, cái cục muốn anh Hai của cô em chạy tới háng rồi hả? Chịu hết nổi rồi phải hông? Được, chị Hai đây sẵn lòng nhường anh Hai cho cô em cái “gụp”, không nói chơi đâu, chị “chống xuồng”(3) quay dzề Cà Mau liền tay. Nhưng mà cô em phải có giao ước với chị Hai đây. Cô em với anh Hai, kẻ có mồi, người có “gụ” (rượu) hùn dzô nhậu chơi, nhậu chán tràn họng thì thôi, lo mà mần ăn, cấm say xỉn quậy quọ xóm làng. Hai năm sau, chị Hai dzề lại, chừng đó nếu thấy hai người ở dzới nhau được, thì chị Hai đây đi luôn, dzĩnh biệt Cua Chuối Hột này. Được chưa? Còn nữa, cô em ôm trái mít theo chị Hai dzề nhà, chị Hai nói chuyện với anh Hai cho “gõ gàng” rồi chị đi…
Vậy là, miệng nói, chân đi liền…. Chị dắt tay đứa con gái đầu lòng bỏ Cua Chuối Hột về lại Cà Mau, không khóc một tiếng, không có giọt nước mắt nào nhỏ xuống Cua Chuối Hột, miệng cắn chặt suốt dọc đường từ nhà ra quốc lộ đón xe. Đứng trên lề đường trước khi bước lên xe đò, chị chỉ hát đúng một câu: “Ngày xưa hai đưa thương nhau, bây giờ hai đứa trầu cau lỡ làng” (tui hổng biết nhạc của ai mà chú thích) …
Hu hu, thương chị Hai quá, anh Hai Gồ ơi!

IV
Tính từ cái hôm chị Hai tay dắt đứa con gái đầu lòng bước lên xe đò đi thẳng về Cà Mau “chống xuồng”, không biết trong bụng Hai Gồ có ray rứt nhớ vợ nhớ con không, mà không thấy Hai Gồ ra đồng ra ruộng gì hết, chỉ nghe bà Tư bán quán nhậu cóc kẻng ở xóm khuyên lơn Hai Gồ:
- Cái thằng, có thương vợ, nhớ con thì bắt xe mà đi tìm con gặp vợ, chớ mày cứ uống rượu hoài, vợ mày nó dẫn con về chắc?
Chỉ thấy Hai Gồ hết vò đầu lại bứt tai, có lúc lại lấy cả bàn tay to như cái quạt đập lên cái đầu bù xù không thèm chải nghe bộp bộp, thấy mà thương tâm. Bên hiếu bên tình, bên nào cũng nghĩa, đạo phu thê, tình phụ tử…, ông bà xưa dạy người đời sau thuộc nằm lòng, nhưng khi chính mình ngộ cảnh, ông bà nào đâu biết cách chi mà chỉ bảo xử cho đẹp, cho vẹn đôi đường. Nghĩ càng thương cho Hai Gồ, thân này khó xẻ làm hai.
Ông già thấy Hai Gồ bỏ ăn cả tháng, chỉ uống rượu với mồi trái cây tổng hợp cóc- ổi- khế- me- chùm ruột, chắc bị “sỏ”(7) chừng chục kí lô, thương thằng con trưởng ăn ở hiền hậu, lo lắng sợ nó sống thất đức, nên lén lén ra quán bà Tư đập tay Hai Gồ hai chỉ vàng và một ít tiền, nói gọn lỏn:
- Thằng Hai mày xuống Cà Mau đi!
Hai Gồ đang xỉn, nhưng nghe được hai tiếng “Cà Mau” là tĩnh như trời đang nắng nóng trâu được dầm xuống ao, sướng hung, không kịp nói một câu nào với cha, chạy một hơi ra đường quốc lộ. Bộ quần áo mà Hai Gồ bận gần cả tháng nay chẳng cần thay, cứ vậy mà leo lên xe đò đi vô, bụng sướng hết biết, chắc tới nơi cách một cây số chị Hai đã nghe mùi rồi… He he!
Chị Hai từ hôm về tới nhà, giao con cho đứa em gái, nói mày giữ gùm chị, rồi chạy thẳng ra rặng trâm bầu sau nhà khóc một thôi một hồi chừng một tiếng đồng hồ, vắt nước mũi, chùi nước mắt, khóc thêm ba tiếng hu hu hu, mặt nghinh lên trời bước vào nhà, chào má, chào tía… Thật là kính phục chị Hai!
Em gái chị Hai có đứa con gái cũng bằng tuổi con chị Hai, nên hai đứa chơi với nhau suốt ngày. Nhờ đó, ngay ngày hôm sau, chị Hai đã chống xuồng ra chợ nổi mua mua bán bán, chiều tối mịt mới về tới nhà.
Tối, ăn cơm xong, mẹ con hủ hỉ, một hôm con nhỏ nói:
- Má ơi, trưa nay, ông dượng “oánh” dì, dì quên nấu cơm, ngồi khóc miết.
Hỏi ra mới biết, thằng em rễ bỏ bê vợ con, chạy theo con nhỏ bán trái cây trên chợ nổi. Gặng hỏi, em gái mới chịu khai tên con nhỏ kia, tên là Sáu Sầu Riêng, vì chuyên bán sầu riêng trên chợ nổi lâu nay.
Sáng hôm sau, chị Hai bới tóc gọn gàng, bận quần bó, áo cụt chống xuồng ra chợ. Chỉ cần hỏi một câu là biết ngay xuồng của Sáu Sầu Riêng đậu ở chỗ nào. Chị Hai cầm đuôi tôm(8) chạy lạng lách cặp sát xuồng con nhỏ liền. Chị Hai tính trước sẽ chỉ nói chuyện nhỏ nhẹ với con nhỏ cho nó biết phải quấy thôi, nhưng khi tới nơi, nhìn thấy thằng em rễ đang giỡn hót với Sáu Sầu Riêng trên xuồng, máu nổi lên rần rần chịu hết thấu, chị thả đuôi tôm, nhảy một phát qua xuồng con nhỏ. Chị Hai nặng hơn tám chục kí, nhảy trúng be xuồng, xuồng nghiêng lật úp luôn. Chị Hai rớt xuống nước, định chụp tóc con nhỏ nhậng nước cho biết mặt, không ngờ, con nhỏ như rái cá, lặn một hơi mất biệt, không biết nó nổi lên chỗ nào.
Tối đó, thằng em rễ biết sợ, gặp chị Hai cười bẽn lẽn:
- Chị Hai, em biết lỗi của em, em bỏ nó luôn rồi, chị tha cho nó nghen chị Hai!
- Ừa, cái đó là do dượng thôi, nếu dượng bỏ nó, thì tui không để bụng nữa.
Sáng mai, chị Hai ra chợ mua bán bình thường, vừa tới nơi, chị nghe tiếng nói lớn trên một chiếc xuồng:
- Mẹ nó chớ, bả ghen giùm cho em gái, làm gì tao, em rễ bả dính chặt với tao rồi, dứt ra hổng dễ đâu, em gái bả trước sao cũng bị chồng bỏ…
Chị Hai lầm bầm, mày chết với chị rồi nghe em. Lần này, chị cẩn thận lách xuồng phía sau lưng con nhỏ, khi cặp sát nách, chị nhẹ nhàng bước qua.
- Sáu! Chị Hai !
Có ai đó la lên, Sáu nhảy qua xuồng kế bên và chạy một hơi qua chục chiếc. Chị Hai nhảy bám sát, làm cho cả chục chiếc xuồng này đều chìm nghĩm. Tới xuồng thứ mười một, Sáu và chị nhảy cùng một lượt, sức nặng của hai người làm chiếc xuồng lật ngang, chị Hai túm được chiếc áo bà ba của Sáu.
- Chết nghe em!
Sáu liều nhảy ùm xuống sông, chị Hai túm chéo áo nhảy theo. Vừa rớt xuống nước là chị Hai ngoi lên, lật ngữa Sáu lên và cho Sáu mấy cái bạt tai. Tay phải chị Hai nắm cổ áo Sáu, tay trái bơi. Chị Hai kéo Sáu nhẹ như kéo cái phao vô bờ. Sáu bị uống nước căng bụng xỉu luôn trên tay chị Hai…
Cái chuyện đánh ghen của chị Hai làm chìm mười một chiếc xuồng nổi tiếng khắp xứ Cà Mau. Từ đó, cứ hễ có thằng chồng nào lẹo tẹo, chỉ cần nghe con vợ nói sẽ mét với chị Hai, là ngay tấp lự vừa le lưỡi vừa thun cha nó cái “quyền trượng” của đàn ông liền liền…
Sau này, có lần tôi hỏi chị Hai:
- Bộ cha nào có bồ nhí, vợ nó nhờ, chị cũng xử hết sao?
- Hổng có đâu, phải phân biệt chớ chú. Thằng chồng nào có bồ bịch mà đàng hoàng với dzợ con, và con dzợ không than phiền gì, thì thôi. Còn thằng chồng nào ăn mánh rồi dzề nhà hành hạ, đánh đập, hắt hủi dzợ con, khi con dzợ nó nhờ tui là tui xử ngay, xử thiệt thà, cho tởn tới già!
Khâm phục chị Hai quá! Nếu mọi người cũng khâm phục chị Hai như tôi, thì hãy cùng tôi đề nghị ghi tên “Vợ Hai Gô” vào ghi- nét Việt Nam về “tinh thần nhân văn đánh ghen”. Ghen cở Hoạn Thư không đáng một cọng lông… măng dưới… bắp chân chị Hai.
Khơ khơ khơ!

V
Hai Gồ vừa xuống xe, nghe mấy bà bán hàng thúng bánh trái ở bến xe Cà Mau ca ngợi hết lời một người tên “Chị Hai” về tinh thần nghĩa hiệp giúp đỡ phụ nữ bị chồng hắt hủi, thấy hay hay, không biết “hiệp sĩ bà bà” nào trùng thứ với vợ mình, định bụng về tới nhà sẽ hỏi chị Hai cho rõ.
Tới nhà, không thấy chị Hai, chỉ có con Ba em vợ ở nhà. Nhỏ con gái nhà anh chạy ra mừng ba quấn quíu, nói ngọng nghịu:
- Ba… ba… ba ơi…
Bắt cười con nhỏ, chỉ nói được bi nhiêu đó rồi cười lòi hai hàm răng sún trống hoác để gió chạy vô bụng ào ào, hổng biết nói gì nữa hết trơn, anh Hai chỉ sợ con nhỏ đau bụng. Cha con ôm nhau chảy nước mắt. Thương cho tình cha con cách biệt tháng trời, giờ mới gặp lại. Nếu có tui ở đó chắc khóc theo quá.
Con nhỏ vừa bình tình trở lại, la lớn:
- Sao quần áo ba thúi quá dzậy?
Lúc này, anh Hai mới sực nhớ mình bận bồ đồ cả tháng không thay, hổng biết cái lần mình tắm rửa gần đây nhứt là bao lâu. Hi, nhớ vợ chạy lẹ về Cà Mau, quên cả chuyện thúi thơm. Hai Gồ cười một mình rồi ra sông, cái dáng gù gù như con gấu với bước đi chậm rãi in bóng lên lưng trời lừng lững. Hai Gồ để nguyên cả quần áo nhảy ùm xuống sông phía trước nhà, vừa tắm mình mẩy vừa giặt luôn quần áo. Hai Gồ vừa tắm vừa nhớ tới cái khuôn mặt bầu bầu, nước da mướt rượt, mềm nhũn dướn bàn tay thô ráp sần sùi như vỏ cây ngủ chiều của mình, Hai Gồ lẩm bẩm “tối nay, tối nay”. Hi hi!
Rồi tới tối nay, chập tối thui, lên đèn đường, chị Hai mới về tới nhà. Gặp anh Hai, hổng biết bụng dạ chị Hai làm sao mà không thấy chị rối rít ngọng nghịu như con gái chị khi gặp ba, mà chỉ nghe chị Hai tĩnh rụi hỏi đúng hai câu trống không với anh Hai:
- Mít nghệ ngon lắm hả?
- Thịt với “gụ” hùn dzô nhậu đã hông?
Anh Hai ngó trân vợ, như không nghe chị Hai hỏi cái gì hết. Ừa, đúng là cái mặt tròn quảo này, cái eo lưng đầy đầy chắc nụi êm êm như cái bao bột nè, cái bàn “tạ” tròn ủm như cái mủng gieo(9) nè, cái giọng nói nghe tưởng như trống không nhưng lại bùi ngùi chùi nước mắt, lọt vô tai chạy xuống dưới thủng tim Hai Gồ luôn nè! Ui, tối rồi…
- Có đoàn cải lương “Sống Giang” dzề hát ngoài chợ, tối nay cả nhà đi coi luôn nghe!
Nghe vợ thông báo tối đi coi cải lương, Hai Gồ chưng hửng bật ngửa luôn. Tối rồi nè trời! Bổng dưng Hai Gồ thấy ghét cải lương vọng cổ dễ sợ. Miệt sông nước, hát cải lương dưới ghe, sân khấu trên sông coi sướng lắm. Đào kép có người quê tại đây, nên thường hát theo hứng thiên thu đại hải khỏi cần giờ giấc, có khi lên diễn hát tới mờ sáng luôn. Nghe nói hồi nẫm, má của bầu đoàn hát “Sống Giang” này đẻ ổng trên ghe tại bến này, chút nữa rơi sông. Vậy là tiêu rồi, tối nay hát sáng đêm là chắc như ăn bắp rang rồi. He he, thương anh Hai quá!
Tối đó, anh Hai ra coi chút xíu, kệ tuồng “Lá sầu riêng” thiệt hay, tính bỏ về. Thằng em rễ vừa mới rã bồ, lòng cũng thấy buồn, rủ anh Hai qua ghe của thằng bạn nó nhậu chơi, sẵn dịp tâm sự chuyện của mình cho anh Hai nghe luôn. Nghe thằng Ba giới thiệu chồng chị Hai mới xuống, đám bạn thằng Ba dòm lom lom vô mặt anh Hai với con mắt vừa tò mò vừa thương cảm, vừa như kính nể. Một thằng tuổi còn nhỏ, đầu trọc lốc, để bộ râu dài cả tấc đen hin có dáng chủ xị cầm li đế nâng hai tay ngang mặt hướng về anh Hai nói như hát tuồng:
- Chúng đệ đệ kính mừng đại huynh quay trở lại giang hồ… Khà khà, em mời anh Hai cưa(10) với em cái!
- Ừa, anh chào mấy chú!
Hai Gồ tiếp li rượu lớn hơn li cà phê quứt phát đúng y nửa li. Phục trình độ cưa chính xác của anh Hai, phải là người chiến đấu trường kì trên chiếu nhậu mới có được kinh nghiệm như vậy. Ở miệt này, gặp nhau lần đầu trên chiếu nhậu, người ta thường nhìn cách cầm li, cách uống rượu để đánh giá nhân cách người. Người can trường mã thượng cầm li bằng năm ngón tay, vừa nhấc khỏi chiếu là hả miệng thì rượu đã vào cổ, không kịp thấy nuốt xuống lúc nào, mắt sáng lên, mĩm cười hoặc e hèm rồi nói câu gì đó lí thú. Kẻ tiểu nhân bủn xỉn, tay cầm li rượu thật chặt như sợ rớt lại xuống chiếu, miệng nói lời cảm ơn hoặc xin mời, mắt thì he hé nhìn người đối diện rồi nhìn chung quanh vẻ láo liên …, cánh tay co lại, cả bàn tay cầm li rượu chỉa thẳng vào miệng, cùi chỏ chìa ra phía trước như phòng khi người ta chơi xấu mình thì có cùi chỏ đỡ đòn, miệng mở vừa phải, uống rượu như sợ người khác thấy mình uống rượu.
Li rượu chạy qua chạy lại được mấy tua liền lạc không bị đắp mô(11), tự nhiên chú em râu dài hỏi anh Hai:
- Coi tướng anh Hai như dzầy chắc có thêm bà giá(12) anh Hai hén?
Hai Gồ chưa kịp trả lời, có người nói xen:
- Hổng dám đâu, anh Hai hén, chị Hai…
Nói kiểu lửng lơ, rồi cả chiếu nhậu cười ồn ào làm Hai Gồ lờ mờ đoán hình như có chuyện gì đó liên quan tới mình. Hai Gồ quay qua hỏi thằng em rễ, nhưng cũng là hỏi cả chiếu:
- Dượng Ba mày nói nghe có chuyện gì phải hông?
Thằng em rễ mặt buồn buồn, kể lại từ đầu tới cuối chuyện chìm mười một chiếc xuồng trên chợ nổi. Hai Gồ ôm bụng cười quá xá quà xa:
- Bộ anh Hai hổng ngán chị Hai sao mà còn cười?
- Anh Hai đây có cái gì đâu mà ngán, mấy chú. Chị Hai mày nếu có dẫn bà giá dzề cho anh Hai, anh đây cũng hổng chịu, làm chi mấy chuyện kia.
Thấy mấy bạn nhậu của mình chưa tin lời anh Hai nói, thằng em rễ liền kể chuyện “trái mít nghệ” ở Cua Chuối Hột cho nghe, cả chiếu bái phục quá chừng chừng. Chủ xị râu dài chắp hai tay vái anh Hai mấy cái, kêu hai tiếng: “tổ sư” mấy lần rồi rót rượu cung kính mời anh Hai như kiểu Phật tử dâng trà cúng Thích Ca Mầu Ni.
- Dzậy chớ anh Hai có thích em nào ngoài chị Hai hông?
- Mấy chú hỏi lạ, đàn ông ai cắt tay lại không chảy máu. Máu còn chảy là còn thích gái. Nhưng léng phéng rồi lại không biết giấu như mèo giấu cứt mà còn dzề nhà hắt hủi dzợ con thì anh Hai đây rất ghét. Thôi, hà hà, nhậu đi, hỏi chuyện đó “quài”…
- Thưa anh Hai, em giơ tay xin hỏi câu cuối: “của” anh Hai chắc “giàu” lắm nên nhiều em theo phải dzậy hông, anh Hai?
- Mấy thằng trời đánh này, nhậu dzô nói tầm bậy tầm bạ trúng tùm la tùm lum không hà. Nhưng anh Hai cũng trả lời, mấy chú phải thuộc nằm lòng câu tục ngữ: “mồm miệng đỡ tay chân” này nghe. Khe khe!
Tiếng loa phát giọng hát thật ấm của kép nào đó đang xuống xề nghe não nề. Giọng ca trôi trên sông hoà cùng tiếng bập bờ của sóng tạo thành những âm thanh vừa lạ vừa quen như tiếng hát vọng về từ kí ức ngàn xưa của lưu dân sông nước trôi dạt về xứ sở đồng bưng “muỗi bay như vãi trấu, cá lềnh như bánh canh” này.
- Anh Hai, biệt danh Hai Gồ từ đâu có dzậy anh Hai?
Ai đó cắt ngang dòng suy tưởngcủa Hai Gồ, kéo Hai Gồ trở về với chiếu nhậu.
- Để em đoán coi có trúng hông nghe anh Hai?
- Ừa, chú nói đi!
- Có phải thời anh Hai đi học mô đen là quần bó xệ đì(13) hông?
- Ừa, có, nói tiếp đi!
- Anh Hai bận quần xanh áo trắng bỏ dzô quần, cái chỗ đó bị bó chặt nên gồ lên một đống, nên mấy nữ sinh khoái quá tặng cho anh biệt danh “Gồ”….
Ha ha ha! Ai cũng cười chảy nước mắt, muốn nín thở luôn, có mấy người đứng dậy nhảy loi choi cùng lúc làm chiếc xuồng úp mẹ nó xuống sông.
Vậy là liên quan với vợ chồng Hai Gồ, có tổng cộng mươi hai chiếc xuồng bị chìm tại bến chợ nổi Cà Mau này.
Hai Gồ vừa bơi vô bờ vừa lầm bầm “hết cha nó một đêm rồi”. Hai Gồ chỉ còn nước kêu trời.
Hu hu! 

NGÔ ĐÌNH MIÊN