Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2016

Nhạc - Thơ - Văn Mẹ làm ra Tết

    
     Mẹ làm ra Tết
     Ôi những mùa Xuân đã qua đi,
        Lòng cứ hỏi lòng có mấy khi....
     Ngắm đoá mai vàng tươi trước ngõ,
     Không nhớ mai xưa buổi xuân thì ?!

    Xuân của ngày qua Xuân ước mơ,
     Tất bật đâu rồi Xuân tuổi thơ....?
    Mẹ tôi vun quén cho ngày Tết,
    Tôi vẫn như xưa, vẫn cứ chờ...!

    Xuân đến và rồi Xuân lại qua,
     Mẹ tôi còn đó chưa đi xa...
   Có Mẹ mùa Xuân tôi có cả,
    Mẹ làm ra Tết, nở vàng hoa...
NM 
 

    MẸ LÀM RA TẾT

Những ngày cuối cùng của năm, ai cũng sống trong không khí hối hả, ngược xuôi, cố cho hết những lo toan cuối cùng để năm mới thực sự là một khởi đầu mới.

Giữa bao bộn bề, chạnh lòng nhớ mẹ, nhớ những ngày xưa khi còn trong vòng tay mẹ. Tết là điều kỳ diệu được đón chờ, bởi Tết thỏa mãn tất cả những mong ước ngây ngô của đám trẻ con như không phải đi học, được mua cho quần áo mới, được bố mẹ đưa đi chơi, đi thăm thú họ hàng. Chẳng đứa nào biết, với mẹ, Tết là lo toan.
Cả năm làm việc vất vả nuôi các con ăn học, mẹ có thói quen dành dụm, mua sắm đồ Tết từ rất sớm. Trước đó cả tháng mẹ đã mua kẹo bánh cất vào cái thùng bằng gỗ trong góc nhà. Mẹ bảo để dành đến Tết đem ra đãi khách. Nhưng hai anh em thèm quá, cứ thậm thà thậm thụt, chốc nhát lại chạy ra cái thùng, mở nắp, lúc thì nhón miếng mứt, khi thì cái kẹo. Cứ hít hà mãi cái mùi mứt thơm, vừa dẻo vừa ngọt, nghĩ đến nước miếng đã chảy lòng ròng quanh miệng. Tết càng đến gần, bên cạnh những miến, những măng, những thứ đồ khô mẹ mua thêm chất vào thùng, thì gói bánh kẹo càng lúc càng vơi. Chẳng có năm nào sáng mùng 1 mở ra mà chỗ bánh kẹo không vợi đi quá nửa. Mẹ khi ấy sẽ cười đến nhăn cả khóe mắt: “Nhà có hai con chuột đầu đen to quá, ăn hết cả bánh kẹo của tôi…”. Hai anh em lại nhìn nhau tủm tỉm, rồi đủng đỉnh lỉnh đi chỗ khác dù biết rằng chẳng đời nào mẹ mắng.
Khoảng 2 tháng trước Tết, mẹ sẽ vác ở đâu về cho hai anh em mấy cuộn len to. Từ hôm ấy, cứ tối đến, khi đã xong hết việc nhà, mẹ lôi len ra đan. Bàn tay mẹ thoăn thoắt, đôi kim đan cứ nhảy múa theo từng nhịp. Con em có thể ngồi nhìn mẹ miệt mài như vậy cả tối không biết chán, còn thằng anh thiếu kiên nhẫn chốc nhát lại chạy vào hỏi “mẹ xong chưa, mẹ xong chưa?”. “Vào đây mẹ ướm xem, sắp có áo mới rồi. Gớm, anh cả năm nay dài quá nhỉ”. Câu nói ấy, mẹ nói hết năm này đến năm khác. Giờ trưởng thành, sinh con rồi mới hiểu, trong câu nói của mẹ ngày ấy chứa ẩn nhiều nỗi tự hào. Mọi bà mẹ đều tự hào, hạnh phúc nhìn con cái lớn khôn, đứa con là thành quả từ biết bao nhọc nhằn, chắt chiu nuôi nấng của mẹ.
Từ 23 tháng Chạp là trong nhà đã vui như Tết về. Sáng mẹ dậy rất sớm, làm gà, nhặt rau, hì hụi cả buổi để có lễ thắp hương tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời. Những ngày cuối cùng của năm, tấm áo mới mẹ đan cũng đã xong. Hai anh em hồ hởi mặc vào trước ánh mắt vui tươi phảng phất mệt mỏi của mẹ.
Bây giờ chẳng ai còn đan áo nữa. Đồ dùng lúc nào cũng sẵn, siêu thị ngay cạnh nhà, dịch vụ hàng Tết chào đến tận nơi, không còn cảnh chắt chiu sắm sửa như mẹ ngày xưa. Dạo qua siêu thị một vòng là đã có tất cả, thấy cái Tết trở nên thiếu ý nghĩa và quá vội vàng.
Mẹ vẫn theo nếp cũ, sắm sanh từ rất sớm, như thể sợ nếu không làm vậy, Tết không thể thấm dần. Con gái bận bịu lu bù việc cơ quan chẳng có thời gian chăm sóc cho cái tổ ấm riêng ngày đầu xuân, mẹ điện thoại bảo để mẹ mua giùm cho cái này, cái nọ. Mẹ nhắc con nhớ một năm lại sắp đi qua. Bất chợt nhận ra, không phải Tết tự về, chính mẹ là người mang Tết đến.
Huyền Anh (muatocroi) 


Album Guitar những ca khúc về Mùa xuân

Nụ cười Xuân

Một chút quà Xuân mang chút vui,
Nụ cười thơ trẻ thấy Xuân tươi...
Ngoài hiên Xuân đến mai vàng nở,
Hạnh phúc nào hơn những nụ cười ?!
 NM
   Quà tết
  Từ tối, bọn trẻ đã được báo, sáng mai đi nhận đậu. Chúng mừng lắm. Mấy đứa nhỏ hỏi chị:
  - Chừng được mấy hở chị?
  Khuya, chị nó vẫn còn thái gốc chuối nuôi heo. Như mọi lần bận việc, bị em hỏi, thế nào nó cũng gắt. Bây giờ  đang vui mừng, nó nói nhỏ cho hai em đủ nghe:
  - Bác trưởng xã dặn, phải đem một cái thúng lớn đi đựng.
  - Một thúng được mấy tiền?
  - Nhiều đó, đậu xanh bây giờ đang đắt. Bán đậu, chị mua cho một đứa một bộ áo quần mới, đi chơi tết với trẻ làng.
  Đứa em lớn nhanh miệng, vòi:
 - Mua cho em một cái cặp sách. Cặp của em rách bét. Nhiều hôm sách cứ tuột ra đường, bọn chúng cười em, xấu hổ.
  Đứa nhỏ cũng vòi:
 -  Chị mua cho em mấy cuốn vỡ. Em viết bút chì, rồi viết bút mực đè lên, mà vẫn hết giấy.
 - Khuya rồi, đi ngủ đi. Còn nhiều việc chi tiêu, để chị tính.
 Như sực nhớ ra, con chị nhìn hai em nhỏ:
 -  Đã đóng chuồng gà chưa?
 -  Rồi.
 - Đặt lên cửa chuồng mấy cái ống bơ. Trộm mở cửa chuồng làm rơi, biết mà la làng.
 - Hôm nào chị cũng nhắc cái câu đó.
 - Hay quên thì phải nhắc. Gia sản được ngần đó, mất thì khốn.                                                   
 
      Con chị, tức Rơi, năm nay mới 16 tuổi. Cái tên: "Rơi", mẹ nó đặt cho nó, có sự tích. Sắp đến ngày ở cử, mẹ nó vẫn theo cha nó làm đồng. Thấy đau bụng dữ dội, biết là sắp sinh, mẹ nó chạy vội về nhà nhưng không kịp. Nó bị đẻ rơi trên ruộng. Rơi tức đẻ rơi. 
Chẳng biết vì cái tên ấy ám nó không. Cuộc đời nó liên tục bị rơi. Đầu tiên là rơi cha. Một hôm cha nó nói với mẹ
-  Người ta bới đất kiếm củ khoai, củ sắn, vẫn hì hục bới. Mình ngu chi mà không bới đất tìm vàng với người ta. Mẹ con ở nhà, rau củ qua ngày, tui phải tìm cách cho gia đình mình hết khổ.
Ông khoác lên vai một cái sàng bằng sắt, gò bằng vỏ thùng đựng nhựa đường, rộng như cái chảo nấu cám heo, và mấy bộ áo quần vày vò, lên núi đãi vàng. Ông không về nữa. Người đi đãi vàng trên đó về, nói rằng: Ông đào vào ruột núi sâu quá, đất sập, chôn sống. Người ta không có cách gì đào được xác ông, thắp vào đó ba cây nhang, kéo nhau ra về.
Tiếp đến là mẹ nó rơi. Bà làm việc suốt ngày, đêm về, thái rau heo, khâu vá. Khuya, bà vác nơm ra đồng kiếm vài con cá nhỏ nấu canh cho con. Bà úp phải một con rắn tràu. Loại rắn này rất hiếm, giống hệt con cá tràu, rất độc. Bà bị rắn cắn chết, nằm úp bụng lên miệng nơm.
Cái sự học của nó bị rơi. Cha mẹ chết, khóc hết nước mắt, nó bỏ học, không còn cách nào khác nó phải thay cha mẹ nuôi em. Mới mười sáu tuổi đầu nó đã phải làm tất cả công việc của người lớn. Ban ngày nó làm đồng: Cày, bừa, gặt, hái. Tối về nó thái chuối nuôi heo, khâu vá áo quần, mắng các em về tội nhác học. Hai đứa nhỏ nấu ăn, nuôi gà, hái lượm rau ốc
Đêm ấy, sau tết vừa qua, ông chủ tịch xã kéo cả ba đứa nhỏ đến trụ sở ủy ban. Cả ba đứa gầy nhom, áo quần cũ xỉn, chân đi dép nhựa rách đồng nát. Sân trụ sở đầy người cả xã. Ông nói :
- Bà con biết đó, gia đình ba đứa nhỏ này nghèo nhất xã. Ngần này tuổi đầu mà phải tự kiếm sống, nuôi nhau ăn học. Tôi đề nghị từ nay, mỗi ngày, mỗi người góp một hạt đậu, bỏ vào một cái hủ, cuối năm gom lại, giúp chúng nó ăn tết, mua sắm áo quần.
Nhiều tiếng ồn ào, người ta không tán thành cái sáng kiến của ông Chủ tịch xã. Thiếu gì cách giúp đỡ mà làm theo cách đó. Nhưng mọi người cùng chung ý nghĩ: Vài hạt đậu, hơi đâu mà cải nhau, không khéo người ta cho là nhỏ nhặt. Họp hành càng ngắn càng tốt, ruộng trưa còn phải cày bừa, rau heo cháo chó còn phải đun nấu. Biểu quyết nhanh mà về cho xong.
Và sáng mai, 28 tết, cả xã góp đậu cho chị em con bé Rơi.

*
Không ai nghĩ rằng ông Ngó làm Chủ tịch xã. Chữ nghĩa trong đầu ông chẳng có bao nhiêu, ăn không nên đọi, nói không nên lời. Ông có cái tên thường gọi là Ngố. Khi ông làm Chủ tịch xã, nể ông có cái địa vị, người ta gọi là Ngó.
Kỳ bầu cử năm ngoái, lãnh đạo xã đề nghị ông ứng cử.
-  Tui ứng cử mần chi? Ai bầu tui? Mấy ông âm mưu bêu rếu tui à? Mà trúng cử Chủ tịch, tui biết răng mà lãnh đạo
Ông Chủ tịch nhiệm kỳ trước nổi đóa: 
-  Trúng cử cái củ khoai hà, ai bầu mi mà lo lãnh đạo. Đưa vô để loại, để  đủ số lượng, để hợp lệ. Ứng cử sẽ được một bữa nhậu tổng kết, được năm chục ngàn bồi dưỡng. Mần không? 
Nghe tới nhậu và năm chục ngàn mắt ông sáng lên như ai đấu điện vào hốc mắt. 
Dạo đó, lãnh đạo xã chia năm bè bảy cánh. Trước bầu cử, cánh nào cũng tích cực vận động dân chúng bầu cho cánh mình. Mọi lá phiếu đều không bầu cho "chúng nó". Để hợp lệ, mỗi phiếu phải bầu ba người, người cánh nào cũng phải ghi thêm tên ông. Họ nghĩ rằng, đó là cái thằng vô thưởng vô phạt. Kiểm phiếu, ngoài dự kiến của lãnh đạo, ông  trúng cử cao nhất, 98%. Ông lên làm Chủ tịch xã.
Không để ông làm Chủ tịch thế nào được? Cầm lá phiếu đi bầu là phải tôn trọng quyết định của mình. Bầu bán có luật, không phải muốn bầu là bầu, muốn hủy là hủy. Ông cán bộ chỉ đạo bầu cử thở dài:
- Cứ để ông ấy làm Chủ tịch, có ngố, có ngu, thì đã có các phó "Buông rèm nhiếp chính"
Nhận chức Chủ tịch, ông lo nhưng cũng mừng. Trúng cử cao những 98%, cao chưa từng có trong lịch sử bầu cử của xã nhà. Hay là mình có tài, có đức mà mình không biết?
Ông ló đầu vào cửa, định báo cho mẹ tin vui, rằng mẹ cứ chê con hoài, rằng mẹ có thể mở mày, nở mặt, rằng...Bà cụ vứt cái cối giã trầu xuống chiếu:
- Cha tổ cái thằng mất dạy kia. Ai cho mi đi ứng cử, ai cho mi làm Chủ tịch hử.
- Mẹ cứ nói, dân bầu, xã cử.
- Dân bầu xã cử cái củ ráy. Tau cho mi đi học, hò hét khô cả cuống họng, gãy cả lưỡi. Mi đi theo cào cào, châu chấu, làm ná bắn chim. Cái đồ ăn trộm khoai, trộm bắp, để nướng, bây chừ đọc một trang giấy, mất một buổi sáng, làm Chủ tịch cái ngữ chi. Tao sống đến chừ đã 84 tuổi rồi, chưa thấy ai như mi làm Chủ tịch. Đồ thằng ngu. Đồ hại dân, hại nước.
                                                     * 
Cái sáng kiến hạt đậu là hoàn toàn của ông nghĩ ra. Làm Chủ tịch không thể hoàn toàn làm theo lệnh trên, phải có sáng kiến, ít ra để cho cán bộ cấp dưới khỏi cười mĩa; để bà già ở nhà khỏi mắng hoài cái câu "Đồ thằng ngu". Một lần xem phim tài liệu trên Tivi, ông biết, năm1946, dân ta có hủ gạo kháng chiến. Mỗi lần xúc gạo nấu cơm, bớt lại một nắm, cho vào hủ, góp lại, ủng hộ kháng chiến. Bây giờ chỉ giúp vài đứa trẻ, nắm gạo phải nhỏ lại thành hạt đậu là vừa. Ông chỉ vào lũ trẻ, lần đầu tiên nói rõ được ý mình muốn nói: 
- Bà con coi đây, lũ nhỏ này khổ lắm. Ngần này tuổi mà phải tự làm ăn kiếm sống nuôi nhau ăn học. Một hạt đậu, một ngày, với một người, không đáng là bao. Một năm sẽ thành đấu, thành chai. Cả làng góp lại sẽ thành rá, thành thúng. Lũ trẻ sẽ có cơm ăn, áo mặc trong ba ngày tết. Nhân đạo lắm.
Nghe người làng đi họp về kể lại, mẹ Ngố tức lắm. Mờ sáng, khi hắn đang còn ngủ, bà đã phát vào đít hắn, lôi dậy
- Đồ thằng ngu. Ai cho phép mi xúi cả làng làm cái việc rờ rờ như vậy hả. Đời thủa nào thời bây giờ mà học lại nguyên xi cách làm cách đây cả trăm năm. Mi muốn nhân đạo, tại sao không bảo cả làng góp gạo, góp tiền , cho ngay lũ nhỏ, hử? Mi ngu thì ngu một mình, đừng kéo theo người khác cùng ngu. Tao đã bảo rồi, không làm được Chủ tịch thì đừng làm, bầu cũng không nhận, cử cũng không nghe. Đồ hại nước, hại dân.
Ngó tức lắm. Nhưng đã có thói quen chịu trận mẹ chửi, hắn vùng vằng ra khỏi cửa, chỉ nói với lại một câu:
- Mẹ cứ đợi cuối năm sẽ rõ
                                    *   *  *
Bây giờ là cuối năm. Bà già lục hòm, mang mấy tấm vải hoa điều đi bán. Bà đến cửa hàng bán cổ hậu sự, nhờ mua lại cổ hậu sự của bà. Ông chủ cửa hàng kinh ngạc:
- Ai lại bán cổ hậu sự  đã mua về nhà!
- Không ai bán thì tui bán. Con tui mua ở đây thì tui bán lại ở đây. Tui còn lâu mới chết. Để hoài ở nhà cho nó mục à? Cứ coi như tui gửi lại chỗ ông, ứng ít tiền. Nay mai tui đi, con tui trả lại tiền, mua cổ hậu sự khác. Ông mua đi bán lại, có lãi là được, căn vặn, mệt chuyện
Ngó biết tin, hắn vội chạy về nhà. Lần đầu tiên hắn dám to tiếng với mẹ:
- Mấy tấm vải và cổ hậu sự, con mua toàn là đồ tốt, để lo cho mẹ việc cuối. Sao mẹ lại bán đi? 
- Thằng con mất dạy. Bây giờ mày làm Chủ tịch là có quyền to tiếng với mẹ mày phải không? Mày ưa tao chết sớm hay sao mà mua cổ hậu sự về nhà. Đi vào, đi ra, trông thấy, gớm chết. Tao cần tiền làm chi a? Mặc kệ tao. Người sống chưa lo nổi, lo chi người chết.
                                  *    *    *
Ba đứa nhỏ mượn cái thúng lớn của hàng xóm, đến trụ sở Uỷ ban. Sau một năm xuất hiện trước đông đảo cô bác, hình như chúng chẳng lớn hơn được tý nào. Vẫn là những thân hình gầy tre nứa, áo quần xài xạc. Chúng đứng thành một vòng cung quanh nữa miệng thúng, hương mặt về bà con cô bác, chờ đợi. Bên cạnh chúng, ông Ngó, Chủ tịch xã, nghiêm trang đứng.
Sáng nay, nghe tiếng loa của xã, người ta sực nhớ ra việc ông Chủ tịch đã sáng kiến đầu năm. Không ai đủ trí nhớ, đủ kiên nhẫn, làm cái việc rườm rà là mỗi ngày nhặt mấy hạt đậu bỏ vào chai, vào hủ. Họp về, để khỏi quên, người ta vốc mấy nắm đậu cho vào chai lọ, để ở góc bếp, thế là xong việc. Bây giờ nghe loa, người ta lục tìm chai lọ, phủi bụi, mang tới trụ sở Uỷ ban. Người ta lũ lượt đi tới, dốc ngược chai lọ vào thúng. Ai cũng muốn làm cho mau để về đi chợ tết, sắm tết.
Bụi bay lên mù mịt phủ cả miệng thúng. Kỳ lạ thay, bụi có cánh. Nhiều người dốc xuống bao nhiêu, bụi càng bay lên, loang rộng , loang cao, trùm cả một vùng trụ sở, bu bám đầy mặt lũ trẻ, đầy mặt ông Ngó. Ông Ngó kinh hải kêu lên: Mọt! Trời ơi, mọt! Nhiều người cũng kinh hãi, sững sờ. 
Thì ra, gần bốn trăm ngày qua, người ta cho đậu vào chai lọ, để đấy, vì ít quá, không ai phơi phóng gì. Mọt đã ăn hết tất cả những gì có thể ăn được. Các chai lọ đều trở thành những tổ mọt nhung nhúc. Mọt của cả xã được tập trung lại, dốc vào thúng. Ngợp ánh sáng, mọt bay lên thành một quầng bụi đen có cánh.
                         *   *    *
Bà mẹ của Ngó lưng còng, chống gậy, qua nhà lũ trẻ. Thấy bà, hai đứa nhỏ chạy ra. Con chị ngồi yên nhưng mặt vẫn quay về phía bà. Cả ba đứa nhòa nhện nước mắt. Bà vẫn thường lọm khọm qua với chúng, khi thì một miếng mít non, khi thì một miếng bầu, nắm lạc, cho chúng nấu canh, rang muối. Bà chửi yêu:
- Cha tổ chúng mày, đời đã nghèo, người ta không cho được gì thì cũng chẳng nghèo hơn, việc chi mà khóc. Sông có khúc, đời có lúc, lớn lên chúng mày sẽ hết khổ. Đi tắm cả đi, bà cho mấy chị em quà tết.
Bà lôi trong bọc ni lông ra rất nhiều quà: 
- Này, đây là áo quần của chị, đây là áo quần của hai em, đây là cặp sách, đây là vỡ. Còn một ít tiền, bà cho, sắm gì cho các em ăn tết
 Trẻ con thường là vậy, tình cảm thay đổi rất nhanh. Chúng đang buồn,  bỗng nhiên vui. Khuôn mặt trở nên rạng rỡ. Chúng súng sính trong những bộ đồ mới, nhiều màu sắc. Chúng ôm cặp, ôm sách, ghì chặt vào lòng. Chúng nô đùa xung quanh bà. Chúng cười tươi như hoa. Bà cười móm mém.
Lê Văn Thê
Kết quả hình ảnh cho Gió xuân
Thoang thoảng hương Xuân, ươm ước mơ,
Nhớ về quê cũ, Xuân tuổi thơ !...
Tôi luôn nhung nhớ, thầm ao ước,
Đâu gió mùa Xuân vẫn ngóng chờ ?
NM
 
               Đi qua những mùa gió Tết
Mùa đông hương gia đình ấm áp. Mùa thu hương cốm. Mùa hạ hương sen. Mùa xuân bình yên những nén nhang ngày Tết. Nắng buông xuống con đường lặng lẽ, đâu đó đã lấp lánh những nụ mai vàng. Một chút ấm áp khi cơn gió nhẹ vừa thổi qua. Hình như là gió xuân.
***
Sáng nay, tôi dậy sớm. Đã thấy ngoài phố những ánh nắng chiếu lọt qua những tán lá dày. Chúng đùa giỡn với nhau. Tiếng còi xe réo inh ỏi trên con đường vắng, đầy xao động. Đó là một ngày cuối đông. Bầu trời Tokyo nhuộm một màu trắng lãng đãng. Tôi đã rời xa nơi mình sinh ra và lớn lên trọn vẹn bốn năm rồi, hay nói cách khác tôi đã làm quen với miền đất này được bốn tháng mười hai, bốn mùa gió Tết.
Tôi vẫn còn nhớ tháng mười hai đầu tiên của mình ở Tokyo, đọng lại trong tâm trí tôi là những bông tuyết rơi lả tả dày đặc các lối đi, tôi co ro trong mấy cái áo khoác mà vẫn không đủ ấm. Buổi sáng mở cửa sổ nhìn ra ngoài là những đám mây ảm đạm, những tán cây ảm đạm. Dòng người qua lại dường như cũng vắng vẻ và im ắng. Tôi ngồi cạnh chiếc bàn gỗ nhỏ quen thuộc đã ngửi được mùi thơm nghi ngút bốc khói. Lần nào cũng vậy ông ngoại tôi thường dậy rất sớm để nấu nước pha trà. Lúc ông ngồi nhâm nhi từng ngụm một, hương trà sen thoang thoảng mát đến tận cổ họng, khói trà bay lên lan khắp nhà, một mùi thơm dìu dịu ấm áp nhưng cũng đậm đà khó quên. Là tôi đã có thể tưởng tượng ra quê hương của mình, dải đất hình chữ S cong cong. Ông ngoại nhìn tôi mỉm cười.
– Cháu lại nhớ bố mẹ rồi đúng không ?
Tôi bẽn lẽn gật đầu.
– Vâng, nhưng sao ông biết hay vậy ạ !
Ông nheo mắt nhìn tôi có vẻ tự hào.
– Thì ông là ông ngoại của cháu mà. Thế Tết này cháu có định về Việt Nam thăm bố mẹ không ?
– Vâng, nếu ông cho phép thì cháu sẽ về.
– Ừ, ông cho phép đấy !
Tôi ôm hai vai ông cười ngất ngư.
– Ông nói thật không ạ !
– Thật, ông có nói dối cháu bao giờ đâu.
– Cháu yêu ông nhất trên đời.
Nói rồi tôi nhe răng cười. Cảm giác hạnh phúc. Tôi không thuộc về nơi này nhưng tôi đã có những kỷ niệm thật đẹp ở đây và cả một tình yêu mãnh liệt với nó, với những mùa gió Tết ở Tokyo.
Bố tôi là nhà báo. Một lần sang Tokyo làm việc trong một chương trình hợp tác giữa hai nước, bố đã gặp mẹ tôi. Bố yêu mẹ từ cái nhìn đầu tiên và cũng chính tại nơi này tình yêu của bố mẹ tôi đơm hoa kết trái. Tôi vẫn còn nhớ đó là mùa hoa anh đào nở kín những con đường Tokyo. Có lẽ vậy mà tôi yêu nơi này, yêu hoa anh đào một cách kỳ lạ. Thâm trầm nhưng cũng rất xa xôi.
Mười sáu tuổi tôi đã sang đây ở với ông bà ngoại và anh họ. Nhà ông ngoại tôi có một tiệm tranh tại thị trấn ở ngoại ô thành phố Tokyo. Ngoài giờ học, những lúc rảnh rỗi tôi thường ghé qua phụ ông những việc lặt vặt. Tôi không vẽ đẹp như ông nhưng lại rất thích nhìn ông vẽ. Trong căn phòng nhỏ, khắp tường sơn màu xanh nhạt và treo những bức vẽ bằng than chì hoặc sơn dầu. Tất cả đều là tranh phong cảnh hoặc chân dung. Một bình hoa khô khá lớn treo gần cửa sổ. Trên giá sách cạnh phòng ông có rất nhiều sách về hội hoạ. Mặc dù tôi chẳng phân biệt nổi những tác giả hay bất cứ một trường phái hội hoạ nào nhưng tôi biết ông rất hay đọc những tác phẩm của Van Gogh và Picasso, còn tôi thì thích được lắng nghe ông nói. Đặc biệt nhất là khi cơn mưa buổi sáng bất chợt rơi, rì rào trên phố và trên những vòm lá xoè rộng ngoài ban công. Dù là tiết trời vừa chớm đông, càng tăng thêm cái lạnh buốt vốn có nhưng không hiểu sao tôi lại cảm thấy tiếng mưa của một ngày mùa đông như thế mới trong trẻo và dịu dàng làm sao.
Tôi gặp Fumi cũng vào khoảng thời gian đó khi tôi đăng ký đi hái thảo dược ở vùng quê, trang trải chuyến du lịch cho kì nghỉ Xuân sắp tới. Fumi Koyuki là một chàng trai đặc biệt. Anh học cùng trường phổ thông với tôi nhưng trên hai năm. Tôi vẫn còn nhớ lúc đó anh đã giúp tôi hái mấy loại cỏ cho đến hết ngày trong trời gió tuyết. Fumi cười rạng rỡ, nắm nhẹ cánh tay tôi. “Thế là tuần sau chúng ta đã có kì nghỉ Xuân thật vui rồi”. Tôi cũng cười không giấu niềm hứng khởi. “Năm mới anh có kế hoạch gì chưa”. Fumi nhìn sang tôi.
– Anh cũng chưa biết nữa, chắc là vẫn như mọi năm.
Tôi chợt nảy ra ý định và đề nghị anh.
– Vậy đón Tết cùng em và HiJi đi, em nghĩ là sẽ rất vui.
– Ừ, hay đấy. Có thể đây là cái Tết khó quên khi em về Việt Nam.
Fumi cầm đôi găng tay màu hồng đưa cho tôi. Tôi xỏ tay vào găng, áp lên má. Ấm thật. Mùa đông chẳng còn thấy lạnh nữa.
Đường phố những ngày cuối năm dường như tất bật hơn bởi gió thổi vi vút và những dáng người vội vã. Những sạp hàng ngổn ngang lúc nào cũng nhộn nhịp người qua lại. Tôi vừa đi vừa xoa hai bàn tay vào nhau, mấy ngón tay đỏ ửng vì lạnh. HiJi nhanh chân chạy lên trước đang vẫy tay ríu rít gọi tôi và Fumi tới chụp ảnh hoa anh đào. Trong khi Fumi giơ máy ảnh lên bấm liên tục thì tôi và HiJi sà vào một sạp hàng nhỏ bán đồ lưu niệm. Mấy tấm thiệp handmade khá lạ mắt. Tôi cũng chọn mua vài cái để tặng bạn bè. Một đặc điểm trong những ngày cuối năm, đặc biệt là vào buổi tối, là mọi người sẽ viết thiệp mừng năm mới (tiếng Nhật là nengajou ). Ngày đầu năm mở cửa hòm thư đã ào ra không biết bao nhiêu là nengajou. Cảm giác được chia sẻ năm mới của người Nhật là như vậy.
Những ngày giáp Tết, tôi và HiJi còn được phụ bà ngoại làm mochi, một loại bánh dẻo làm từ gạo nếp ngọt, ăn trong năm mới để đem lại may mắn. Buổi chiều đó, HiJi dẫn tôi đi mua sắm Tết đồng thời mua hoa và vật liệu để làm Kadomatsu, một loại hình trang trí kết hợp bởi hoa, lá và tre, giống như ở Việt Nam thì phải có đào, quất, mai vậy. Tôi cảm nhận không khí Tết đang đến rất gần. Ở đâu đó đang lấp lánh những ánh sáng tươi vui và tràn ngập yêu thương. Tối Tất niên mọi người lại quay quần bên nhau trò chuyện, xem tivi, sau đó là chờ Mặt Trời mọc cho ngày đầu tiên của năm mới. Thường thì tôi sẽ viết một cái gì đấy vào đêm giao thừa, một câu chuyện mới hoặc là một bài thơ mới và người thưởng thức tác phẩm của tôi là Fumi.
Đôi khi chúng tôi cũng nói về hội hoạ, về những bức tranh của ông ngoại tôi hay về những tác phẩm của một tác giả nào đó rất mới trên giá sách. Những mùa Tết cứ thế trôi qua rộn ràng hạnh phúc. Kỷ niệm dịu dàng bên Fumi tựa như những áng mây trắng xốp nhẹ bẫng trên bầu trời. Và không biết từ lúc nào tôi đã yêu anh. Sự ấm áp của anh sưởi ấm tôi, từ tận trong sâu thẳm.
Valentine năm ngoái, tôi và Fumi đi dạo quanh công viên thành Tokyo. Những cánh hoa anh đào khoe sắc rực rỡ, một màu trắng lãng đãng đẹp mong manh và tinh khôi đến lạ. Tôi thích vẻ đẹp của hoa anh đào. Cánh hoa tung bay như chưa hề héo tàn, chưa hề nhuốm chút sầu li biệt. Trước khung cảnh đẹp và buồn ấy, Fumi khẽ thì thầm vào tai tôi “Sukiyo”. Anh nói chữ đó trong tiếng Nhật có nghĩa là “Anh yêu em”. Ngồi bên anh, tựa vào vai anh, nhìn những cánh hoa anh đào tung bay trong gió, tôi thấy mình nhẹ bẫng hệt như những áng mây trắng xốp trên nền trời xanh kia. Hôm ấy, bầu trời Tokyo xanh tươi và đẹp hơn rất nhiều.
“Fumi ơi, thật may vì luôn có anh bên cạnh em”. Tôi nhìn vào mắt anh và thì thầm câu nói đó bằng tiếng Nhật.
Fumi nắm tay tôi, cùng ngước lên bầu trời, cơn gió thổi những cánh hoa anh đào bay khắp nơi, càng lúc càng cao, càng lúc càng xa dần. “Mình sẽ gặp lại nhau em nhé, vào mùa hoa năm sau”.
Tôi nhớ Việt Nam nhưng cũng không quên Tokyo, nơi những bông tuyết trắng muốt như mối tình đầu trong sáng. ..
Mùa đông hương gia đình ấm áp. Mùa thu hương cốm. Mùa hạ hương sen. Mùa xuân bình yên những nén nhang ngày Tết. Việt Nam đang ở trước mắt tôi. Nắng buông xuống con đường lặng lẽ, đâu đó đã lấp lánh những nụ mai vàng. Một chút ấm áp khi cơn gió nhẹ vừa thổi qua. Hình như là gió xuân.
Phong Lin

Cái tết của những nhà đại văn hào

      Lê sực nghĩ ra một ý. Anh vội vàng tung chăn, vùng dậy. Anh rửa mặt mũi, mặc quần áo, vừa huýt sáo rầm nhà, vừa xếp lại những chồng báo bầy la liệt trên ván gác. Anh cuộn bản thảo cuốn tiểu thuyết PHÁ SẢN vừa viết xong được hai hôm.
Anh vui vẻ đứng nhìn xung quanh. Căn gác ấy không còn bày đồ đạc gì để phải dọn thêm nữa. Anh cúi xuống, cuộn chiếc chiếu nằm giải ở mặt sàn, rồi cắp cuốn văn vào nách.
Bỗng tiếng giày rầm rộ ở cầu thang làm Lê nhìn ra.
Chưa thấy người, anh đã nghe tiếng hỏi:
- Lê đã dậy chưa, mày?
Nhận ra tiếng Vũ, Lê mừng rỡ, đáp:
- Tao sắp đi đây.
Vũ đẩy cửa vào. Theo thói quen, không ai bắt tay ai. Vũ thấy bạn áo quần chỉnh tề, thì ngạc nhiên, hất hàm hỏi:
- Đi đâu?
- Tao đi Hà Đông, ăn tết với thằng Trần.
Vũ còng lưng, cười bò ra, nói:
- Thế thì đen tao. Tao định đến đây ăn tết với mày. Vì tao chẳng còn đồng xu nhỏ?
Lê vênh váo, đập tay vào túi:
- Tao còn những một hào. Thế thì tao là nhà văn có giá trị hơn mày.
Vũ giơ cánh tay phải, cúi gập lưng, chào một cách cưng kính:
- Phục ngài lắm? Chừng thằng Trần viết giấy mời ngài vào với nó? Nó có tiền nhuận bút của bài viết cho số báo tết hay vừa lấy tiền bản quyển cuốn kịch ĐOẠ ĐẦY.
Lê lắc đầu:
- Nó kiết hay có tiền, cái đó tao không cần biết. Nhưng tao đoán ít ra túi nó cũng có từ hào mốt trở lê, nghĩa giàu hơn tao.
Vũ ngăn:
- Nhưng tao định đến đây ghẹ mày cái tết, mày nghĩ sao? Tao chẳng còn lấy một trinh Bảo Đại. Cái món tiền bán đứt cuốn thơ MƠ MÀNG, tao lấy tháng trước chúng mày xâu xé hết nhẵn cả rồi.
- Thế thì về Hà Đông với tao.
- Nhưng mày mượn cái bồ, nhét tao vào, giả vờ làm bồ hàng, chứ chả lẽ mày đi xe, tao đi bộ à?
- Không cần, hãy chịu khó cuốc xuống Thái Hà, rồi hãy diện xe điện.
                           ***
Đôi bạn hăm hở đi. Trời quang tạnh. Gió lạnh rít qua tai. Rét như cắt. Phố xá ngày ba mươi tết, ngổn ngang về người với xe. Chiếc cao-su lù lù hoa cúc vàng, và ngất nghểu cành đào phớt, chạy ì ạch về phía ga.
Ông nhà quê, nách cắp bánh pháo, câu đối, đầu ngón tay lủng lẳng củ thuỷ tiên hàm tiếu, dừng chân lại, ngắm cái khăn xếp bày trong tủ kính. Các bà ở chợ về, ôm thúng đậu hoà lan, bong bóng, tay còn xách con gà thiến nặng trĩu. Những cậu nhỏ, quần xắn đến bẹn, dội uôm uôm từng thùng nước vào ván cửa để cọ, bất chấp cả người đi trên hè. Một vài thằng nhãi, nén hương cầm tay, nắm pháo trong túi, thi thoảng lại đốt đánh đẹt làm anh phu xe giật nảy mình.
Lê và Vũ xoạc thật dài cẳng, nện gót giày xuống vỉa hè cồm cộp, đi như lính ra trận. Bỗng Vũ vê hai ngón tay, hỏi:
- Mày còn thuốc lá không?
Lê mỉm mép:
- Tao cũng sắp hỏi mày câu ấy.
Tiếng cười tung ra, làm ngoái cổ cả những cô tiểu thư xinh nhất và lười nhất trần đời, thẳng tay cầm một tập những sách tết và báo tết.
- Này, Vũ, chúng nó sắm tết như chửi vào mặt chúng mình vậy.
- Kệ.
(Bị xoá một đoạn bởi Ty kiểm duyệt của bọn thống trị Pháp)
- Tao hận nghề lắm, lúc nào cũng nghèo xơ nghèo xác. Trông bọn văn sĩ, thăng nào cũng gầy như con mắm. Thế mà độc giả, nhất là các cô kia, họ tưởng mình ghê gớm như thần như thánh!
- Chẳng hơn những thằng làm nghề khác à? Có ai thèm đếm xỉa đến chúng nó.
- Mà bạn bè đứa nào cũng một tuồng như mình. Động hở ra đồng nào là xúm nhau lại phá cho kỳ hết.
- Còn hơn những thằng nhà giàu, bọn mình có ai thèm bạn với đấy? Mày phải tự kiêu ở chỗ nghèo. Cái nghèo của nhà văn là cái nghèo thanh cao, cái nghèo đáng trọng, cái nghèo phải ghi vào lịch sử văn học của thế giới. Chúng ta nghèo, vì có bao nhiêu ở trong tim trong óc, chúng ta trút cả ra để làm giàu cho tim óc thiên hạ.
Lê nắm tay bạn, thụi rõ mạnh vào vai:
- Tao chúa ghét những loài thi sĩ như mày. Chỉ biết sống mơ mộng. Mày phải nhớ rằng hiện giờ này, mày không dính một trinh trong túi, ba mươi tết, mày mò đến nhà tao, định ăn phò tao cái tết, rồi mày với tao phải lần đến nhà thằng Trần. Có đúng thế không?
- Nhưng văn học sử ngày sau, người ta nói đến tên nhà tiểu thuyết Lê, nhà thi sĩ Vũ, nhà kịch sĩ Trần, vân vân... Chúng ta sẽ bất tử.
(Bị xoá một đoạn bởi Ty kiểm duyệt của bọn thống trị Pháp)
- Mày nói câu ấy, tỏ ra mày khá thông minh. Nghĩa là sau khi chết, nhà văn còn bất tử, và chỉ bấy giờ nhà văn mới bình tĩnh được sống vẻ vang hơn vua chúa vì nhà văn không phải lo cơm áo nữa!
                             ***
Chẳng mấy chốc, hai anh em đã đứng ở trước cửa chùa Đồng Quang, chờ xe điện vào Hà Đông.
Để mặc Lê và Vũ xem cuốn kịch của mình mới viết xong, Trần nhìn làn khói thuốc lá cuồn cuộn, yên lặng nghĩ ngợi. Bỗng anh vỗ tay cười, và tuyên bố:
- Không cần, tao nghĩ ra rồi. Đồng bạc của tao để làm tiền hành lý, chúng ta kéo đến nhà thằng Nguyễn. Mấy năm nay, nó in nhiều sịch, thế nào cũng rộng tiền hơn chúng ta.
Lê đứng phắt dậy:
- Ừ phải đấy, có cái kho tiền ấy mà tao quên béng đi mất. Nó vừa bán sức cho nhà nước, vừa bán văn cho nhà xuất bản, thì làm gì nó không giàu.
Vũ ngậm ngùi, lắc đầu:
- Tao không muốn đến nhà thằng Nguyễn, vì cuộc bút chiến giữa nó với tao chưa kết thúc. Sợ cuộc gặp gỡ mất vui.
Lê cười:
- Thế ra mày thông minh hơn tao thật? Mày phải hiểu mày với thằng Nguyễn, mà cả làng văn chúng ta nữa, nhiều khi chính kiến, tư tưởng không gặp nhau, nhưng gặp nhau ở chỗ nghèo kiết. Mày không nhớ năm ngoái, thằng Trần với tao bút chiến trên báo, chắc người ngoài tưởng hai đứa có thể ìm dao đâm chém nhau được, nhưng chính trong thời kỳ cãi nhau kịch liệt ấy nó với tao vẫn ở chung với nhau một nhà?
Trần sung sướng, đáp:
- Phải, chúng ta chỉ hơn người có chỗ ấy. Việc văn đi việc văn, mà tình bạn vẫn là tình bạn, không bao giờ chúng ta thù hằn nhau nhỏ nhen. Nhưng mời các ông nhổ rễ lên thôi chứ. Các ông triết lý với nhau mãi, thì lỡ mất tàu.
Ba anh em đứng dậy. Lê nhìn Trần, hỏi:
- Mày cũng đi đầu truồng như chúng tao thôi à?
Trần mỉm cười, vuốt tóc, rồi gật.
- Vừa kinh tế, vừa đúng mốt, tội gì không theo thời!
                             ***
Ba nhà văn đến bến ô-tô. Lúc ấy, xe đã chật như nêm cối. Lê bị xếp lên lòng một ông cụ. Vũ bé nhỏ, ghé một tí vào cái thành đệm. Trần, chủ tịch cuộc trả tiền, bằng lòng đứng lỏng lẻo ở bục ngoài. Không ai thèm nhìn lại cảnh xán lạn vui tươi của Hà Thành hoa lê đương tấp nập vì tết.
Chiếc xe nhô lên, thụp xuống trên đường trái đá đã về già tung ra những tiếng còi khàn khàn, nhưng tiếng máy phành phạch và những tiếng kêu oai oái. Bụi như mây. Mùi dầu xăng khét lẹt.
Đi độ nửa giờ, xe đỗ lại. Ba anh em xuống, giũ quần áo rồi rẽ về phía làng.
Những cây tầm xuân dại đầy hoa, nhuộm trắng hai bê đường cỏ xanh rì. Ruộng tồng màu, xen vẻ xanh tươi của rau diếp tây với vẻ xanh mốc của rau cải bắp.
Luống khoai lang tím làm nổi bật dãy cải hoa vàng.
Cảnh tết ở nhà quê kín đáo hơn thành phố. Những cây nêu dựng lên la hệt, loè xoè cụm lông gà, phấp phới ngọn cờ đỏ, và lanh lảnh chùm cá khánh. Người ta sửa soạn tết bằng những mảnh giấy đỏ mới, dán ở cột hiên, những bàn cờ, cánh cung, hình vuông tròn, vẽ la liệt bằng vôi bột trắng xoá trên sân gạch màu gan gà.
Chợt nghĩ ra, Lê nói:
- Chả biết Nguyễn nó có về không. Tao chỉ sợ nó ăn tết ở ngoài ấy, thì rồi ai khênh chúng mình về Hà Nội?
- Thế nào nó chả về. Và ít ra nó cũng nhiều tiền hơn bọn mình. Vả nó chả chịu an trí ở ngoài đảo ấy đâu.
- Đành vậy, nhưng nó có đủ thì giờ mà về được đến nhà ăn tết hay không?
Vũ cau mày:
- Được đến đâu hay đến đó. Chúng mình đi đâu mà chết đói được. Nó không có nhà, đã có anh em nó tiếp chúng tao. Vả nếu không gặp ai, chúng mình cứ vào bừa một nhà nào đó, chẳng lẽ người ta nỡ hắt hủi ba nhà đại văn hào à?
Lê khen:
- Mày khá đấy. Chắc là nếu không ặp nó, mày sẽ cõng anh em tao về Hà Nội.
Ba anh em đắc chí, phá ra những chuỗi cười giòn tan.
                             ***
Lúc ấy, Nguyễn đang ngồi xổm trên hè. Chừng buồn quá không biết làm gì để giải trí cả. Bỗng thấy ba bạn ở cổng bước vào. Nguyễn mừng như bắt được của, vội chạy ra đón. Anh đứng khuỳnh tay như ông tướng, hất hàm, hỏi:
- Ai đưa cái chú đến nhà anh?
Vũ nói:
- Cái nghèo của nhà văn nó đưa các cụ lớn đến, chứ ai? Các cụ lớn đã ra nghị định đến báo cô tên tiểu thuyết Nguyễn cái tết. Không ai có thể trái lệnh!
Lê ngắt lời:
- Chúng tao hết cả tiền, không biết ăn tết bằng cái gì được, mới rủ nhau đến sát mày một mẻ.
Nguyễn cau mặt:
- Tao tưởng chúng bay đến chơi với tao, thì tao mới tiếp. Chứ chúng bay đến chơi với cái bánh chưng nhà tao thì tao tống cổ bây giờ. Chúng bay kém quá. Chúng bay còn nghĩ đến Tết, không trách chúng bay khổ một đời. Tao đây lúc nào viết xong cuốn sách, ấy là cái tết của tao đấy. Thành thử mỗi năm, tao hưởng ba bốn cái tết. Còn như cái năm nó hết, thì mặc kệ nó, can gì đến mình mà mình cũng nhắng nhít lên?
- Nhưng thấy thiên hạ họ náo nức về tết, tự nhiên trong mình nó cứ thế nào ấy.
- Tao ước gì người ta cứ vứt hết lịch đi, không ai biết ngày nào tháng nào nữa. Để cho những bọn ngu như chúng bay khỏi làm tao bực mình.
- Thế thì mày nói rõ ngay rằng mày cũng đếch có đồng tiền nào để ăn tết, nghĩa là mày không hơn gì chúng tao, có dễ hiểu hơn không?
Nguyễn đánh vào vai Lê, gật gù khen:
- Thằng này bao giờ cũng ranh mãnh nhất.
Nguyễn rủ các bạn vào trong nhà, mở ngăn kéo ra, lấy hai bức thư:
- Tao còn nguy hơn chúng mày. Chúng mày tuy kiết, nhưng không nợ. Tao bị nợ mới tai ác chứ. Đây, hai thằng chủ nợ nó gửi thư cho tao.
- Chúng tao tưởng một có lương của nhà nước, lại có những tác phẩm xuất bản luôn luôn, thì mát mặt hơn chúng tao mới phải.
- Đành vậy, nhưng nếu tao không làm văn sĩ, có lẽ tao giàu to rồi, không biết chừng. Đằng này, tuy có tiền nọ tiền kia, mà tao cứ lúng túng thế nào ấy. Thì ra tao mới nghiệm ra rằng đã là cái kiếp nhà văn, chả đứa nào thoát được sự long đong. Đến tao mà còn sống xo sống giụi như thế này, nữa là chúng bay. Phâi đã là văn sĩ, tất phải kiết, nếu không kiết, sao gọi là văn sĩ?
- Nhưng hai đứa nó thúc nợ mày? Coi không khéo tám hôm nữa, hẹn hết, chúng tao lại tiễn mày vào hoả lò nhé.
Nguyễn lắc đầu:
- Không sợ. Chúng nó doạ nếu trong tám hôm, tao không trả được nợ, chúng nó sẽ kiện. Nhưng tao cứng hơn, đã trả lời thách lại rằng trong mười lăm hôm, đứa nào không kiện tao, thì tao trả tử tế, nhược bằng kiện, thì tao sẽ ỳ ra cho mà biết tay. Nghĩa là, có anh hùng gì đâu tao làm kế hoãn binh, để thì giờ cho vợ tao đi xoay chỗ khấc.
Trần giơ nắm tay doạ vào mặt Nguyễn:
- Mày dại như con cầy? Nhận được thư thằng chủ nợ, sao mày không xé mẹ nó đi, còn đọc làm đếch gì cho phải bận tâm? Một là nó chửi mày, hai là nó doạ bỏ tù mày, chứ có đời nào nó lạy van mày để xin xi xoá nợ cho mày đâu?
Bốn anh em lại rũ ra mà cười. Lê nói:
- Cho nên lắm lúc nghĩ đến nghề cầm bút, tao đâm ra cáu kỉnh. Vì lợi ích chung, mình phải nạo đầu nạo óc. Thế mà mình cứ bị người ta nghi kỵ, khinh miệt, chèn ép. Người ta muốn mình nghèo kiết suốt đời để chán mà bỏ nghề.
Nguyên cau mặt:
- Thế thì mày phải cáu với bọn mà mày gọi là người ta ấy. Còn với nghề, mày phải yêu quí, tự hào. Nghề của mình là nghề cao thượng nhất, vì nó thật thà nhất. Bởi vì giá trị của mình ở mức nào, thì nó thể hiện ngay tới mức ấy bằng giấy trắng mực đen. Ai muốn nâng nó lên, hay muốn dìm nó xuống, đời cũng không nghe. Mình không như những đứa làm bất cứ nghề gì khác ở xã hội này. Ở xã hội này, họ không cần giỏi nghề bằng giỏi khen rắm quan thơm, và giỏi nói dối với nói phét. Để họ được ăn không ăn hỏng danh lợi quan ban cho họ.
Bỗng Trần cười khanh khách:
- Ừ nhỉ. May mà làng văn mình chưa có quan. Chứ tao tưởng tượng giá làng văn mà nảy sinh ra hạng cụ lớn hạng quan lớn, thì tất phải đẻ ra lũ nha lại, tổng lý, lính tráng, thì sẽ có vô thiên lủng những cái quái thai mót cười! Này thơ ca tán tụng, nào phê bình nịnh hót. Rồi những truyện ngắn, truyện dài trào phúng tha hồ mà chua chát...
Không để bạn nói hết câu, Vũ đập vào vai Nguyễn:
- Đúng là mày còn nhiều tướng tinh nghèo kiết, Nguyễn ạ. Thôi, nhưng mà không bàn luận suông cho mất thì giờ. Tao hỏi mày một câu ngắn thôi. Có phải tết này mày cũng nhịn như chúng tao phải không?
Nguyễn cười mỉm, gật đầu:
- Ý thế. Nhưng tao còn đủ tiền nuôi chúng bay trong những ngày tao còn được nghỉ ở nhà.
- Chúng tao định ở đây đến mồng bốn.
- Được chẳng định thế, thì đến hôm ấy, tao cũng tống cổ. Vì mồng năm, tao phải cuốn gói lên đường.
- Nhưng mày cho chúng tao ăn tết bằng gì?
- Thì tao đã bảo, tao chẳng có gì cả. Tao chỉ sẵn giường sẵn chăn, cho chúng bay ăn tết bằng những giấc ngủ ngon lành.
Lê gật:
- Thế cũng đủ an nhàn rồi.
- Và nói những chuyện văn chương.
- Thế thì càng vui. Bởi vì chúng ta là những nhà đại văn hào, chúng ta không cần gì hết.
                              ***
Sáng mồng một đầu năm. Từ mờ sáng đến lúc tám chín giờ dần dần, nhà nào cũng lẹt đẹt một bánh pháo ngắn để đón xuân. Duy nhà Nguyễn, vẫn cửa đóng then cài im ỉm.
Vợ Nguyễn đi lo xoay món nợ khẩn chưa về. Mà bốn vị đại văn hào, vì đêm trước thức khuya, nên vẫn còn ngủ say như chết.
Trong bóng tối của gian nhà, hai bộ ghế ngựa mới kê giáp nhau, bốn thân hình nằm lù lù như bốn cái mả.
Cạnh đó, là cái bàn, trên để những bản thảo, hoặc sách đã in. Đia chén ngổn ngang, cáu những ngấn chè đặc.
Bỗng tràng pháo điện quang của bên hàng xóm nổ, bắn những tiếng xé màng tai, làm Trần tỉnh giấc. Trần cựa. Rồi lại nằm im. Nhưng lẹt đẹt một lượt nữa, anh không thể ngủ thêm được. Anh ngáp, khục tay, ngẩng dậy nhìn các khe cửa, rồi với ở trên bàn, lấy bản thảo cuốn NGƯỜI ĐÀN BÀ.
Trần mở sách, ghé ra ánh sáng khe cửa để đọc. Thấy Nguyễn cựa, anh lay vai hỏi:
- Không ngủ nữa à? Này, thật đấy, mày nói phải đấy, nước Nam mình không hiếm gì nhân tài đâu. Duy chỉ vì cái nghèo làm hại, không cho cái tài nó nảy nở ra được.
Và còn những sức đè nén khác làm thui đi nữa.
(Bị xoá một đoạn bởi Ty kiểm duyệt của bọn thống trị Pháp)
Lê mơ màng, nghe các bạn nói chuyện thì chêm vào:
- Phải, đại khái như tao, một thức giả kiêm “ngủ giả” đại tài thế mà chúng mày cứ bô bô bên cạnh tai, khiến cho tài của tao không thể phát triển được.
Nguyễn đạp chân vào lưng Lê, nói:
- Dậy mà nghe tiếng pháo họ ăn tết, vui đáo để!
Trần vung hai cánh tay lên không, đáp:
- Ừ nhỉ, hôm nay mồng một. Ở Hà Nội tha hồ vui.
Bọn trưởng già thi nhau cái sang trọng, họ ăn uống chơi bời thật hả hê. Lúc này, quần áo nhan nhản ở phố, ngoài đường ô-tô như mắc cửi.
Một tràng pháo lại nổ liên thanh. Vũ nói:
- Sướng thật, vui thật, cảnh tết thật nên thơ.
Ngoài đường làng, người thì mặc quần áo mời, đội khăn mới, đi giày mới, người thì nhai trầu bỏm bẻm, thuốc lá phì phèo, sột soạt đi lễ tết nhà nhau. Các cô con gái thì yếm đỏ, thắt lưng tím, áo nâu non đổi vai lên chùa hái lộc. Họ gặp nhau, chúc nhau bằng những câu rất hoang phí.
Vũ cảm khái, nói:
- Cả nước Nam, mà có lẽ cả nước Tàu nữa, nghĩa là một góc địa cầu, đương vui vẻ về tết. Duy có bốn anh em mình phải nằm khàn, đắp chăn xù xù, chưa thèm dậy.
- Bởi vì chúng mình là những nhà đại văn hào. Chúng mình góp tâm trí chúng mình vào ho cái tết của họ được thêm vui. Thế là chúng ta cũng ăn tết, cái tết tinh thần.
- À, đánh thức thằng Lê đi, nó ngủ nhiều khiến mình phát ghen. Lại không đến chín mười giờ rồi à? Cá một phần địa cầu người ta tấp nập, mà nó còn như thằng chán đời.
Nguyễn lay Lê:
- Dậy, mồng một tết rồi! Mười giờ rồi? Dậy mà ăn cái tết tinh thần với đời!
Bị động mạnh, Lê cựa. Anh nhăn nhó cái mặt ngái ngủ, ngóc cổ lên, nhìn nhà cửa, nhìn bạn bè, nhìn xung quanh. Rồi không biết nghĩ thế nào, anh lại nằm xuống, kéo chăn kín gáy, đáp:
- ăn cái tết tinh thần là ăn cái cóc khô gì, chúng mày?

Nguyễn Công Hoan
2-1940
 
 Hoài hương
Vẫn còn đó tấm tình quê ngày cũ,
Luôn nhớ nhung da diết lúc Xuân về...!
Dẫu bao năm lưu lạc cách xa quê, 
 Sao không thể nguôi quên lòng nhớ mãi ?!
 NM
 
THƯƠNG LẮM, TẾT NHỮNG NGƯỜI XA XỨ
Từ hàng ngàn đời nay, Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống Việt Nam. Đó là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Từ buổi “khai thiên lập địa”, Tết đã tiềm tàng những giá trị nhân văn thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ qua bốn mùa xuân hạ thu đông. Tết còn là dịp để mọi người Việt Nam tưởng nhớ, tri tâm tổ tiên, nguồn cội; giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và tình làng nghĩa xóm. Tết là thời gian sum họp gia đình, là sự quây quần đầm ấm bên nhau. Dù đi đâu, ở đâu, ngày Tết ai cũng tìm về quê hương, gia đình, tìm về nguồn cội, nơi chôn nhau cắt rốn.

          Một cái Tết nữa lại về. Mùa xuân tới mang theo hơi ấm của yêu thương và tiễn đưa những ngày cũ. Dù những người vô tư nhất, “lãnh cảm” nhất thì những ngày này cũng đều cảm thấy xốn xang, rạo rực lạ thường. Đó là thời điểm đặc biệt, rất nhạy cảm không nghĩ không được. Và lẽ thường, những sự nghĩ đó đều là vui. Dù khó khăn đến mấy, nghĩ đến Tết là nghĩ đến niềm vui. Vui như Tết mà lị. Háo hức như đón chờ Tết mà lị.
         Thế là mười năm rồi em làm dâu xứ người, tha phương nơi đất lạ. Cứ mỗi năm Tết đến, Xuân về em lại hướng về Tổ quốc mà nghẹn ngào nhớ mong. Thèm lắm mùi Tết quê hương. Xứ Kim Chi giàu có đủ đầy cũng không khỏa lấp nỗi nhớ quê ngày Tết. Có cái gì đó mộc mạc thân thương bỗng chợt ùa về trong em những ngày giáp Tết này. Em nhắc nhớ những buổi chiều hai mẹ con xách làn ra chợ sắm đồ, những đêm cả nhà quây quần trong phòng khách để cùng gói bánh chưng, những ngày bố thay ba mẹ con dọn dẹp nhà cửa, thổi vào trong căn phòng bao nhiêu hơi ấm yêu thương.
         Mấy hôm nay, trước không khí những ngày cuối năm tất bật, đã thấy lất phất mưa xuân phơi phới bay mà lòng tôi nhớ em da diết quá chừng. Cả mấy anh bạn có vợ đi lao động hợp tác, mấy bác có con đi lao động xuất khẩu cũng thế. Ai cũng bồn chồn, cũng bâng khuâng nhắc nhớ người đi xa. Ngàn trùng cách trở không biết Tết nhất này ra sao?
         Ngày nào em cũng điện thoại về hỏi thăm việc chuẩn bị Tết. Em bảo nhớ vô chừng không khí Tết quê hương. Nơi em ở có quá ít người Việt. Thế cho nên em thèm tiếng Việt biết chừng nào. Đã bao đêm trong mơ em gặp lại ngày xưa, được nói tiếng mẹ đẻ thoải mái để rồi khi chợt tỉnh giấc, em bỗng trào nước mắt khi thấy mình vẫn đang ở xứ người. Những ngày giáp Tết này, em nhớ quay nhớ quắt một bữa cơm với một bát nước mắm, một món dưa cải và đậu phụ sốt cà chua đến thế nào. Thèm lắm bếp lửa hồng đêm cuối năm cùng cả nhà đun bánh chưng, bánh tét.
         Những cuộc điện thoại giữa em và tôi, và những người thân trong gia đình tôi nhiều hơn, dài hơn. Chuyện trò ríu ran không muốn dứt. Có lần giữa đêm em lại gọi. Nghe em nói, em cười nhưng tôi biết là em đang khóc. Em để những giọt lệ rơi cùng với những bông tuyết rơi phủ trắng trời Hàn Quốc. Dẫu chẳng nhìn thấy em do ngàn trùng cách trở nhưng tôi cũng hình dung ra như vậy. Giọng em nghẹn ngào. Tiếng cười em đứt quãng. Em ước giá có thể gắn vào đôi bờ vai của mình một đôi cánh nhỏ để bay về sà vào lòng của những yêu thương. Tết đối với em, có lẽ chỉ cần như thế là đã đủ lắm rồi.
Quê nhà đang háo hức, tấp nập chuẩn bị đón Tết. Kinh tế những năm gần đây khá lên nhiều lắm, em biết không. Làng quê đổi mới từng ngày. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đem đến cho quê ta một bộ mặt khác lạ. Đường làng ngõ xóm phong quang, bê tông hóa rộng rãi, sạch sẽ. Nhà cao tầng, biệt thự mọc lên nhiều lắm. Không còn nhà tạm như ngày em còn ở quê đâu. Làng quê mình giờ như phố. Có nhà đã mua được ô-tô rồi đấy. Những ngày nghỉ họ đã đưa cả nhà đi du lịch đó đây chẳng kém gì công chức và dân thành phố. Tết đang tràn về từng ngõ, từng nhà. Hàng hóa nhiều vô kể, tha hồ mua.
          Bố mẹ tuy già những vẫn minh mẫn và luôn nhắc nhớ về em. Mẹ bảo không biết bên ấy có Tết như bên mình không? Có bánh chưng, bánh tét, có dưa hành, măng miến không? Bố thì nhắc chẳng biết em có lo liệu Tết nhất cho nhà người ta chu đáo không? Còn các cháu ngoại nữa? Chúng nó lớn bằng từng nào rồi? Có đứa nào nói tiếng Việt Nam không? Ôi, nỗi lo của mẹ, của cha, của những người già sao mà thân thương, thiêng liêng đến thế!
Đừng buồn nhé em khi thêm một Tết nữa xa quê. Thế giới hội nhập, phát triển, mình cũng phải hội nhập, phát triển cùng chứ. Đường em đã chọn, lối em đã đi, hãy kiên định mà bước. Hãy vui lên khi Tết đến Xuân về. Em là chiếc cầu hữu nghị nối nhà mình với nhà người ta bên ấy. Phúc nhà ta nở nhà người, nước người để mùa Xuân mãi mãi thêm Xuân. Ra giêng, sang năm tới, vợ chồng con cái em về Việt Nam và bố mẹ, anh chị có điều kiện sang bên đó. Thế là hạnh phúc, là Tết đó em. Việt Nam luôn là quê hương, là cội nguồn, là tất cả trong cuộc đời của chúng ta em nhỉ. Nào vui lên em ơi, chúng ta cũng chào Tết, đón Xuân! 
Đỗ Xuân Thu  

 

Người Tình Quê

Quà quê   

Một chút quà quê nhỏ, 
Sao đậm đà thân thương ? 
Chân quay vđến ngõ... 
Mà lòng còn vấn vương !
   NM


Món quà quê

     Tối mùng 3 Tết Ti hỏi : 
-Như vậy hết Tết rồi sao ? Có còn cúng ông bà như mấy hôm nay nữa không? 
     Tôi nói với cháu 
 -Năm nay đơn giản hơn nữa, buổi sáng cúng mùng 3 rồi cho nên xem như cúng tất và mình có thể đi đâu đó cả ngày  
     Nhìn nét mặt Ti biết là cháu thích đi xa, lang thang qua những con đường đầy cây xanh, ngắm và thưởng thức mùi thơm của rơm rạ, những ngày cuối năm lúa đã gặt hết, đâu đó thấp thoáng trong vườn nhà ai những đụn rơm vàng ươm cao ngất, mùi rơm mới lan toả trong sương thật nhẹ nhàng và thân thiết 
      Ti hỏi:
-Chương trình Tết có còn không ?
-Vẫn còn nếu muốn ! 
     Chiều hôm qua tôi nhận được lời chúc Tết từ Gò Công của Đông, sau khi chúc xong Đông hỏi Tết hai cô cháu có đi đâu chơi chưa, vẫn còn mỏi mệt do dư âm của những ngày chuẩn bị đón Xuân, tôi nói khéo : "Chị và Ti chỉ đi chùa lòng vòng trong thành phố, qua nhà mấy đứa em và cũng chưa biết đi đâu vì hãy còn mệt quá " thấy vậy Đông ngại không rủ về Gò Công nữa 
     Chỉ vỏn vẹn 2 ngày nữa là Ti đi làm, không đi chơi xa cũng tiếc cho công sơn cửa, dọn dẹp tất bật chuẩn bị Tết, tôi nói: 
-Hay là ngày mùng 4 đi Gò Công thăm Thầy Kinh ở chùa Thái Bình xong rồi ghé nhà bác Đông (Thầy Kinh trụ trì chùa là anh ruột của Đông), hôm qua bác Đông gọi điện chúc và có ý muốn mời mình xuống chơi đó ! 
     Ti mừng rỡ hưởng ứng liền, tôi vội sửa soạn chút quà và tập vỡ cho hai cô con gái nhỏ của Đông để sáng sớm lên đường, tranh thủ thời gian ghé biển Tân Thành hóng gió !! 
     Gọi điện thoại báo cho Đông hay hai cô cháu sẽ xuống chơi và dặn dò đừng lo lắng chuẩn bị tiếp đón gì hết, qua điện thoại nghe giọng Đông vui hẳn lên.... 
***  
     Hơn 5g sáng hai cô cháu khởi hành ẳm theo Lucky, con chó nhỏ vì hai con gái Đông rất yêu thích, những lần đi không mang Lucky theo tụi nhỏ cứ hỏi và dặn dò khi nào có về nhớ mang theo Lucky
     Đến Gò Công hơn 7g30 sáng, ghé tiệm mì gần chợ ăn sáng rồi Ti mới chở đến nhà Đông, con đường dẫn đến nhà Đông hai bên vẫn còn rộn ràng không khí Tết... Những cây mai hoa vàng còn nở đầy, chen với sắc rực rỡ đủ màu của hoa giấy, màu đỏ thắm của hoa mồng gà làm vơi bớt phần nào làn gió se lạnh của buổi sáng sớm mùa Xuân
 Nghe tiếng gọi, cả nhà chạy ra đón, có cả Nga và con gái về chơi, Nga là em gái út của gia đình ở Biên Hoà, vì có dặn Đông không nói trước cho cả nhà biết  bất ngờ ai cũng vui...Sau khi thăm hỏi nhau rối rít, hai cô cháu tạm biệt đi ra biển, cô vợ Đông và Nga dặn nhất định phải quay về ăn cơm trưa
     Trong những ngày này biển Tân Thành thật đông vui, hai cô cháu vào quán uống nước dừa và nhìn ra biển, hôm nay biển cạn du khách tha hồ lội bùn cào tìm nghêu và ốc, đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến nước biển rút ra xa cho nên vừa trên bờ, vừa trên biển đâu đâu cũng có người ...Gió mát thổi từ biển vào mang theo mùi của biển miền tây, không có vị mặn của muối như biển miền đông nhưng vị của phù sa, của mùi bùn thân thuộc !! Gần 12g trưa Ti hối quay về nhà Đông vì sợ cả nhà trông 
     Vừa đến nhà Lucky chạy vội ra sau bếp, mon men đến chuồng gà, có lẻ nhìn lạ mắt nó cứ đưa mặt sát vào chuồng mà nhìn làm các con gà hoảng sợ "cục tác" om sòm. Bữa cơm được dọn dưới đất gần sân sau có ruộng, gió mát thổi liên tục mang theo hương mạ non thật dễ chịu vô cùng !
     Bữa ăn trưa ở nhà Đông duy nhất món lẩu cá diêu hồng và nuôi xào bò cho trẻ em thế mà vui và rôm rả, rau gồm có những cọng súng mập tròn, những đọt rau muống non hái vội trong ao nhà và vị ngọt dòn của đậu bắp tươi xanh mới hái sau vườn... Chỉ có bấy nhiêu thôi mà ngon miệng, hương vị dường như xa lạ với rau thành phố... 
     Vợ chồng Đông giữ lại nghỉ trưa chiều mát hãy về, thế nhưng Ti vẫn còn ham mê "khám phá", nó rủ về sớm để đi vòng tìm ngõ tắt qua Mỹ Tho chuẩn bị cho ngày Thanh Minh về Sóc Trăng tảo mộ , vợ Đông cố giữ lại không được nên vội vã soạn quà cho hai cô cháu
 
     Món quà quê là một keo dưa cải chua có kiệu và hoa cà rốt, vợ Đông cẩn thận gói từng quả trứng của gà nhà, những quả trứng gà ta không to lắm nhưng khi ôm bọc trứng gà cho Ti bỏ vào cốp xe cho an toàn, tự nhiên tôi cảm thấy thân thương và ấm lòng, chợt nhớ lại thuở bé, mỗi lần gà cục tác khi đẻ trứng xong là tôi vội chạy đến bên chuồng chờ cho trứng cứng cáp nhè nhẹ thò tay lấy trứng, với đôi bàn tay bé nhỏ sợ trứng rơi tôi nâng niu và ấp chúng trong đôi tay, cảm giác hơi nóng của quả trứng làm tôi vui mừng nghĩ rồi đây chị em tôi sẽ có đàn gà con chạy khắp sân ... Vợ Đông nói kỳ nầy sẽ không cho gà ấp trứng nữa mà để dành trứng cho con ăn...

 ***
     Mùa Xuân vẫn còn trải dài trên con đường từ Gò Công về thành phố, trước sân nhà nào cũng có ít nhất một cây mai vàng đang khoe sắc, ngồi sau lưng Ti tôi cứ miên man nghĩ về món quà quê, về hủ dưa cải vợ Đông kể mót lại những cây nhỏ làm dưa sau khi tỉa những cây cải lớn, về những quả trứng dành dụm cho con, nãi chuối xiêm mới cắt còn tươm mũ, những vắt me chín màu vàng nâu không hạt cặm cụi làm khi con còn say ngủ.... 
     Ti quay lại hỏi ;
-Cô hai nghĩ gì mà con hỏi không nghe ?
-Nghĩ về những món quà quê, thật vui và thân thiết gợi nhớ lại một thuở bé thơ có mẹ có cha,.. 
     Hai cô cháu không hẹn mà cùng nói Tết năm sau sẽ về lại Gò Công, ăn món bánh giá mà năm nay chưa được thưởng thức, ngồi trong quán uống nước dừa nhìn mọi người vui chơi..., ngắm hàng đống nón rơm đủ màu sắc chồng chất trên bờ biển được bán thật nhanh cho du khách dùng che nắng, và nhất là nghe tiếng cười reo vui, mừng rỡ của ba cháu bé đón chào...
     Ôi! chỉ có món quà quê đơn sơ như vậy mà làm cho mùa Xuân thêm thi vị và ấm áp hơn biết bao nhiêu ?!
     Gò Công ơi, hẹn sẽ trở lại vào mùa Xuân năm sau nhé....!
NM Phan thị Ngọc Diệp                     
  Kết quả hình ảnh cho Quà quê