Thứ Hai, 22 tháng 8, 2016

Nhạc - Thơ - Văn Dáng xưa !


            Mùa Vu Lan năm nay chợt nhvề Tân Định "quê nội" với lòng nuối tiếc và hoài niệm những tháng ngày hạnh phúc đã xa không bao giờ quay trở lại, cũng xin được tưởng nhớ những bóng dáng thân yêu xưa...
           Kính dâng hương linh Ba bản nhạc "Trở về mái nhà xưa" mà Ba luôn yêu thích......NM

Dĩ Vãng

Dáng Xưa

Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân

Trở về mái nhà xưa

Em có nhớ căn nhà xưa

Tân Định ơi !
Hơn bốn mươi năm giờ trở lại,
Hồn cũ ngày xưa sầu chắc đầy ?
Lối ấy tìm đâu hình bóng nội...?!
Kỷ niệm xa rồi sao khó phai !!

Đây con đường nhỏ nhiều thương nhớ,
Tôi đã từng qua thuở ấu thơ...
Giờ có còn ai hoài đứng đợi ?
Tựa cổng trong sân nội ngóng chờ !

Tiếng cười vui vẻ sân trường đó,
Mà chừ ngơ ngẩn sao khác xưa ?
Em tôi giờ đã phai màu tóc...
Đi ngang trường cũ thấy bơ vơ !

  Căn nhà kỷ niệm vẫn còn đây,
    Người muôn năm cũ đã xa bay !
      Hận đời, tiếc nhớ vàng son mất....
     Một thuở Xuân nào hoa chóng phai ?!
 NM

Dáng xưa ...!
          Hơn bốn mươi năm kể từ ngày nội mất, tôi chỉ quay trở lại thăm Tân Định được hai lần ! Cùng trong một thành phố mà ngỡ như là xa mù tít tắp !! Từ quận ba cho tới quận nhất, rồi xa hơn nữa từ quận Tân Phú đến vùng kỷ niệm xưa sao mà khó có thể tìm về chốn cũ dù chỉ đi ngang qua để nhìn và để nhớ mà thôi !
           Tôi đã viết và dành biết bao thiện cảm cho miền Tây quê ngoại, nhưng sâu thẳm trong tôi lúc nào tôi cũng cảm thấy một nỗi niềm riêng vương vấn, một nỗi nhớ nhung khôn nguôi cũng chỉ vì tôi chưa bao giờ nói về "quê nội" với biết bao hạnh phúc thân thương của những tháng ngày sum vầy vui vẻ !
     ***
            Lần thứ nhất tôi về Tân Định vào năm 1996, sau khi ba tôi qua đời, sự ra đi đột ngột của ba tôi làm cho tôi hụt hẩng, tôi không tin rằng tôi đã thật sự mất ba, lúc ấy Ti chỉ mới 11 tuổi, tối nào hai cô cháu cũng đi tới chùa Phật Đà để tụng kinh hồi hướng cho ba, tôi cứ tự dằn vặt về việc ba mất bất ngờ không một lời trăn trối.... Rồi tôi lại băn khoăn không biết ba tôi như thế nào sau khi chia tay với con cháu mà một đời ba yêu quý ?!
            Sư thầy trụ trì chùa Phật Đà có quen biết với ba tôi, ông cũng trạc tuổi ba, vì ở chung quận và thường đi họp chung nhóm người cao tuổi nên ông rất ân cần  trong tang lễ ba tôi, ông khuyên tôi cách tốt nhất mà tôi có thể làm được cho ba là tụng kinh cầu nguyện và phóng sanh...
          Tôi đã cùng cháu đi chùa cho đến một trăm ngày....Nhưng trong lòng vẫn nhớ ba, tôi muốn nhìn lại hình dáng ba với quê nội, tìm chút hình ảnh xưa của bà nội đứng trước sân chờ mỗi cuối tuần khi cha con tôi qua chơi, hay nội đứng ngóng trông hai em trai tan học ở trường Les Lauriers gần đó....Tôi nhớ bóng dáng nội với ba trò chuyện vui vẻ bên nhau trong sân vườn nhỏ trước nhà...
            Và tôi quyết định chở cháu về Tân Định trong buổi chiều sâm sẩm tối, thắm thoát mà đã 24 năm từ ngày nội mất và từ khi hai em trai tôi không còn học ở đây, mặc dù đã biết trước căn nhà của nội, nơi tôi được sinh ra và lớn lên sau năm 75 đã bị chiếm dụng, nhưng khi đi ngang qua tôi không khỏi ngậm ngùi và buồn tủi vì giờ nó đã hoàn toàn thay đổi. Căn nhà và khu vườn nhỏ biến mất thay vào đó là ngôi nhà mới với ba tầng tráng lệ, có lẻ người CA chiếm dụng đã sang tay cho  người chủ mới rồi !!
            Kế căn nhà của nội là nhà chị Lê con gái thứ ba của bác Ba, tiếp theo nhà của ông Tư Trí, em trai của bác Ba gái, sau đó đến biệt thự của bác Ba rồi mới tới trường Les Lauriers (trường học nầy cũng của Bác Ba), bây giờ đổi tên là Đuốc Sống....Nhà chị Lê vẫn còn nguyên vẹn nhưng đóng cửa im ỉm, nghe đâu bên ông Tư Trí cố gắng giữ lại tài sản của cháu mình nhưng không được, ngay cả bản thân nhà ông cũng không yên vì người ta cho rằng đó là tài sản của bác Ba để lại ! Mặc dù bác Ba không có ân oán hay làm ăn bất chính, tất cả tài sản không hề bị tịch thu, vợ chồng bác Ba chính thức đi Pháp trị bệnh chỉ tạm thời và căn biệt thự có hợp đồng cho Công ty Tơ Tằm thuê!!
Đây là căn biệt thư đẹp nhất trên con đường Calmette (Đinh Công Tráng), với sự chăm sóc của bác tôi lúc nào cây cỏ cũng xanh tốt, hai cây bạch mai cổ và cái hồ nuôi cá ngoài sân không còn nữa, và dĩ nhiên những món đồ cổ quý giá trong nhà chắc cũng chia tay với chủ cũ từ lâu !!
       Tuy biết rõ như thế nhưng tôi không thể không ngậm ngùi khi nhìn tấm bảng của công ty ! Cái bảng to của Công ty Tơ Tằm nằm chắn ngang cổng lớn và cái bảng nhỏ hơn nằm ngay cánh cửa chính căn nhà trong buổi chiều tà sao ảm đạm lạnh lùng nhưng không kém phần ngạo nghễ thách thức ! Tôi chợt nhớ tới lời chị Lài, con gái thứ năm của bác Ba kể lại vì chị là người được vợ chồng bác tin tưởng giao cất giữ hết toàn bộ giấy tờ nhà cửa sở hữu của gia đình ....Chị tâm sự với tôi qua nước mắt rằng khi chị về VN muốn xin lại toàn bộ tài sản của ba mẹ, nhất là căn biệt thự của cha mẹ và nhà của nội, chị chỉ mới đứng ngoài đường chụp hình thì người chủ công ty đã ra nghênh ngang chào đón bằng câu trịch thượng là chị muốn gì? Muốn đòi nhà hả ?
            Chị đã ra tận Hà Nôi khiếu nại thì người ta lại bênh vực cho dân Hà Nội thuê nhà, họ ra giá phải đóng cho chính phủ 300.000USD, đồng thời tìm một căn nhà lớn bằng căn bác Ba cho thuê để dời công ty đi, và nhất là phải chịu một số tiền "đền bù" cho công ty đã có công ở giữ nhà trên mười mấy năm !! Đó là "luật của kẻ thắng cuộc" Chị chia tay với tôi thật đau buồn chị nói nếu có tiền thà mua nhà khác chứ đâu xin lại làm gì, và gần 20 năm công ty ở đó có đóng tiền cho bác Ba đâu ?! Chị cùng trạc tuổi với mẹ tôi và có một thời gian thân thiết với mẹ cho nên gặp chị tôi càng nhớ mẹ hơn và càng buồn. Lúc chị từ giã ra về chị nói có lẻ chị sẽ không quay về VN nữa, chỉ cầu xin Trời Phật che chở và cứu giúp cho đại gia đình mình  thôi....Từ đó tôi cũng không còn mơ ước được trở về ngôi nhà của nội (lúc còn sống bác Ba gái đã làm đơn gởi về Sở Nhà Đất xin lại căn nhà của nội để giao lại cho ba, căn nhà nầy là tiền của ông bà nội, nhưng vì lớn tuổi cho nên giấy tờ nhà Bác Ba giữ giùm!)....Bây giờ ba tôi không còn, tôi không can đảm đi qua ngang khu phố cũ vào buổi sáng, tôi không muốn mình sẽ bộc lộ xúc động trước Ti, trước những người xa lạ ở hai bên con đường quen thuộc ấy...
             Nước mưa hoà lẫn với nước mắt tôi trong buổi chiều tối khiến mắt tôi đau rát và hình ảnh nhạt nhoè, cửa sân nhà bác tôi còn hé mở, vẫn còn sót lại chiếc băng đá mà chiều chiều bác hay ngồi hóng mát trong sân cho cá ăn, tôi vẫn mường tượng ra bóng dáng hai vợ chồng bác lúc nào cũng bên nhau, bác Ba gái vừa là bác dâu vừa là đàn chị Gia Long thời áo tím cho nên bác rất thương tôi !! Tôi quay về nhà và nghĩ chắc cũng sẽ không trở lại Tân Định một lần nào nữa dù quận ba và quận nhất có cách nhau bao xa ?!
                                           ***
            Lúc Yến là con gái anh Hai Tường gọi điện cho hay anh Mười Kiệt (con trai út của bác Hai) vừa mới mất, tôi lại bàng hoàng, những người con lớn của bác Hai lần lượt ra đi,... Bây giờ ở Việt nam chỉ còn chị Bảy, anh Chín và anh Kiệt ! Bác Hai lớn hơn ba tôi nhiều vì thế anh Kiệt dù là con trai út nhưng vẫn lớn hơn  tôi mười tuổi và tôi là con gái đầu lòng của ba, người thứ năm nhỏ nhất nhà....Không hiểu sao thời còn trẻ lúc tôi hãy còn là sinh viên, anh Kiệt đã vào Không Quân ngành cơ khí, từ anh cho đến tôi một khoảng cách khá xa về vai vế và tuổi tác, tính ra tổng số con gái của bác Hai, bác Ba, cô Tư  có hơn 15 người, duy nhất ba tôi chỉ có hai đứa con gái, nhưng anh Kiệt lại thân gần với tôi và hay trò chuyện với tôi mỗi khi Tết về đại gia đình họp mặt ở nhà nội....Bản tính anh hiền lành ít nói và có lẻ hơi nhút nhát giống tôi, thành ra sau màn chào hỏi anh lui về phía sau và nói đùa "né" cho chắc ăn !! Hồi đó "nguời lớn" đối với chúng tôi là một cái gì thật tôn quý, ba tôi thấy anh hiền thường nói đùa với anh là anh mặc đồ lính mà sao vẫn còn vẻ thư sinh VC thấy anh làm sao sợ, có lẻ vì vậy mà tôi cũng cảm thấy thân gần với anh, tôi không có anh chị nên xem anh như anh trai của mình !
            Khi xem phim Hồng lâu mộng, chứng kiến ngày tan rã của một thế hệ gia đình huy hoàng thì tôi lại nhớ đám tang của nội !! Lúc đó nội đang sống một thời hạnh phúc vàng son sau bao sóng gió, nội chứng kiến được tất cả con cháu mình thành đạt dẫu rằng ba mẹ tôi chia tay nhau, bác Hai tục huyền từ khi con còn nhỏ, cô Tư lúc nào cũng than phiền về việc dượng Tư vì công chuyện làm ăn thường đi xa nhà cho nên có vợ bé....Nhưng tựu chung tất cả các con cháu đều có vợ chồng đề huề, nhất là vợ chồng bác Ba giàu có, con cái thừa hưởng được cả danh lẫn phận ...!
            Phòng khách rộng lớn của bác Ba là chỗ quàn quan tài của nội, ba mặt của phòng đều có cửa mở rộng thông ra ba phía hàng ba chung quanh nhà cộng thêm ngoài sân vườn rộng rải vẫn không đủ chỗ cho tất cả các con cháu quỳ lạy  mỗi lần thầy tụng kinh cúng cơm. Quần áo tang gia đình nào nhà nấy giữ thế mà khi thầy hô tụ họp thì hỗn loạn lại xảy ra, người nầy lộn áo, lộn quần người kia dù có đánh dấu ghi tên đầy đủ, thế là có màn đi tìm và đổi !! Những lúc đó đám con nít sợ khóc om sòm làm mẹ nó càng quýnh lên quay lại đánh ...Tiếng suỵt suỵt làm mọi người bỗng nhiên bật cười rồi bảo nhau dỗ con nít !! Anh Kiệt và chị em tôi lúc nào cũng lui về phía sau dù đã được căn dặn quỳ theo thứ bậc ....Chắc là những ngày đó nội có chứng kiến cũng vui và không buồn vì cảnh hỗn loạn đông đủ của con cháu và chắt !!
            Anh Mười từng bị đột quỵ hai lần và cuối cùng anh hôn mê, dạo sau nầy tôi có dịp gặp anh nhiều hơn từ hôm đám giỗ anh Tư ở Trung tâm Tịnh xá, bây giờ anh thường uống rượu và nói nhiều hơn lúc trước... Mỗi lần anh em có dịp gặp nhau anh luôn giới thiệu với mọi người tôi là em gái của anh, tôi rất vui và thông cảm vì biết anh nhớ chị Ánh là em gái út của anh đã mất từ lâu...
            Đưa tiễn anh Mười đi, bỗng dưng tôi lại nhớ da diết về Tân Định....Một tuần sau Ti chở tôi đi ngang qua "quê nội" cũ, ngày ba tôi mất tôi chở Ti lúc đó nó mới 11 tuổi ! Giờ anh Mười mất thì Ti lại chở tôi, một khoảng thời gian cách xa đúng 20 năm !! Nhà của bác Ba vẫn như cũ, màu vôi vàng như xưa, có điều Công ty....Tơ Tằm  giờ theo gió cuốn bay đi....Ngôi nhà nội có lẻ đã thay chủ lần nữa bây giờ là căn nhà lầu lớn gộp chung với căn của chị Lê, dãy nhà đối diện bên kia đường của vợ chồng chị Lựu có thay đổi nhưng vẫn còn giữ dạng cũ vì đó là những căn nhà cho thuê của bác Ba....
            Cổng sân nhà bác Ba mở toang tràn đầy nắng sáng, song tôi chỉ nhìn thấy cái trống trải vô hồn của căn nhà cổ tích xưa, hẳn là chủ mới cũng có xe hơi vì thế dãy nhà sau dành cho nhà bếp và gara vẫn còn, nắng vàng ấm mà sao dường như lạnh lẽo !?....Tôi nhận ra khoảng sân bên hông nhà mỗi lần về mấy chị em thường rủ nhau ra tìm hồ cá, chỗ đó anh Mười Kiệt cũng hay đứng......bâng khuâng không biết nói gì mà cũng không dám về vì "người lớn" hãy còn nói chuyện rôm rả trong phòng khách !!....
Quay trở về đây nhớ dáng xưa,
Một thời hạnh phúc thuở ngây thơ...
Dư âm ngày cũ đâu còn nữa ?
Chợt thấy trong tôi "một dáng thừa" !!
            "Về thôi !", tôi nói với Ti quay về vì cảm thấy mình trơ trọi, chỉ còn có tôi và bóng tôi dưới nắng, thời gian đã qua và trôi thật nhanh ! Tất cả những anh chị con của bác Hai, bác Ba và cô Tư người ở xa, người về với tổ tiên, người còn lại cũng già yếu và ngơ ngẩn....Chút tỉnh táo và thương nhớ nầy tôi xin ghi lại những hình ảnh xưa dù đã xa rồi nhưng dáng xưa chẳng bao giờ phai nhạt !! Mỗi khi buồn nhớ tôi lại nghe bản nhạc mở đầu của phim Hồng Lâu Mộng....
***
         Bây giờ, sau sự ra đi vĩnh viễn của anh Mười, nghe theo lời em cháu trong gia đình còn lại tôi chợt có suy nghĩ khác, tôi sẽ sớm quay lại nơi đây chụp hình kỷ niệm những căn nhà chốn cũ, cùng ngôi trường mang tên nghe thật cách mạng "Đuốc Sống"...! Cho dù tất cả đã khác xưa, nhưng trong tôi lúc nào nơi đây mãi mãi cũng vẫn là của gia đình tôi, là "quê nội" của tôi ! Những ngôi nhà ở đây dẫu có mang tên người chủ mới nhưng đối với tôi đó chỉ là một "trò chơi" đổi chủ thay tên ! Người ta có thể bôi xoá đi tên chủ cũ để ghi lên một cái tên mới khác, nhưng người ta không thể xoá đi tất cả hoài niệm hay nhân cách của bất cứ ai đó bằng sức mạnh của mình
Mây trời Tân Định có bao xa,
Cách mây Tân Phú mấy gang mà,
Bao nhiêu dâu biển, bao thương cảm,
Vời vợi nghìn trùng ôi xót xa!

Mấy mươi năm đã biết vàng thau,
Rũ sạch lòng ta bao nỗi sầu,
Thanh cao chắt lọc từ khô héo,
Thanh thản một trời yêu mến nhau.
Kim 
(Cám ơn Kim) 
Mây trời Tân Định chẳng đâu xa,
Nhưng mây Tân Phú mới là nhà....?!
Trải bao dâu biển giờ mới hiểu,
Đời là huyễn mộng, giấc Nam Kha !!      

Biết sống giữa đời, giữa vàng thau,
Hãy xem như đó chỉ chiêm bao.... 
Thanh cao ô trược đều không thật, 
Duy chỉ tấm lòng trân quý nhau !!
NM Phan thị Ngọc Diệp
( NM 2 - Gia đình tôi)

Bút ký: Tân Định, thức cả trăm năm… 

Nơi đây giữ lại những hồn cốt của đất và người Sài Gòn trong chặng hành trình trầm tích những giá trị bản thể hàng trăm năm; cũng như những giá trị tính cách khó thể nào mất đi của người dân Sài Gòn.
  Người ta nhớ thương về Tân Định nhiều khi không phải vì những giá trị lớn lao nào cả, mà người ta nhớ thương về những điều thân thuộc. Có khi, chỉ là một quán cà phê, một lối đi về; hay cũng có khi chỉ là một cơn mưa rất nhẹ của năm nào vương trên cây hoàng lan ngoài hiên cũ…
Với những người Sài Gòn xa xứ, Tân Định là một cái tên đủ nặng, đủ sâu như thế.
Theo dấu người năm cũ
Nhà ông bạn tôi nằm trên đường Thạch Thị Thanh. Căn nhà kiến trúc Sài Gòn cũ, với thép là ý tưởng chủ đạo ở cửa chính và các ô cửa sổ. Tường trét đá rửa, chia ô vuông trang trí theo họa tiết hình học, một thứ phong cách kiến trúc Âu Mỹ khá phổ biến ở Sài Gòn mấy chục năm trước.
Ông xa quê cũng đã hơn 40 năm, căn nhà vẫn để không như thế. Mỗi năm, cứ vào dịp giáp Tết ông lại trở về. Mỗi lần trở về, ông đứng trước nó thật lâu rồi khẽ khàng mở ổ khóa. Những tiếng thép vang lên lanh lảnh. Tiếng giày đinh lộp cộp gõ nhẹ xuống nền gạch. Bụi của ngày tháng cũ dửng dưng bay dưới chân người biệt xứ.
Ông đi một lượt quanh khu vườn nhỏ. Cây cỏ vẫn tự sống cái sức sống bản năng của nó. Cây hoàng lan đêm qua rơi từng khóm hoa vàng, vương lại những mùi hương cuối cùng trên mặt đất. Mấy khóm đại bò lê ra tìm sương, vẫn nở những đoá hoa màu hồng để chứng minh sức sống và khả năng chờ đợi. Luống cải hết mùa mưa sang mùa nắng, tự nở hoa rồi lại tự mọc. Những con ốc sên lười biếng nằm bất động dưới lớp cỏ hoa bất đắc dĩ ấy.
Hành trình đầu tiên của ông bao giờ cũng thế, bắt đầu với ngôi nhà xưa. Ông nói rằng, đời người phải có một điểm để về. Thế nên chẳng bao giờ ông có ý định bán căn nhà này dù ông biết đó là một tài sản không hề nhỏ, bán nó ông có thể có một cuộc sống khác hơn nhiều. Ông muốn giữ nó lại để về. Về mỗi năm một lần. Và về vĩnh viễn sau khi bước chân tha hương đã mỏi mệt.
Nhà tôi cách căn nhà xưa ở xứ Tân Định của ông mấy căn. Như một nhân duyên, chúng tôi biết nhau trên mạng xã hội, đồng cảm được với những chia sẻ đời thường thì nên duyên bạn bè. Mỗi lần về, tôi hay cùng ông lang thang ở những nơi mà tuổi trẻ ông đã thực sự đóng khung thời gian ở đó. Và tôi đã thực sự hiểu hơn cái nơi mà tôi đang ở, mà nhiều khi, chúng ta không một lần tự hỏi, vùng đất ấy thực sự mang một tính nết gì.
Theo bước chân ông, tôi biết, Tân Định là “một thời huy hoàng” trong nhịp sống của người Sài Gòn ngày cũ. Một Sài Gòn không chen lấn ồn ào dù ở đó không còn giới hạn ngày và đêm. Nó được mệnh danh là “khu nhà giàu” với những căn nhà thoáng, rộng. Những con đường cũng vắng vẻ và ít bị làm phiền bởi những xe cộ ồn ào.
Ông kể, hồi ấy, những thanh niên xuất thân từ Tân Định bao giờ cũng cảm thấy tự hào. Không phải kiểu tự hào “nhà giàu”, mà chính là tự hào về cái phong cách sang trọng để luôn giữ nề giữ nếp như người Hà Nội cổ tự hào về nơi họ được sinh ra chẳng hạn.
Ông là dân Văn khoa, đi “giày Trinh” theo mốt. Giờ “Giày Trinh” đã thành quá vãng, người chủ đã bao lần muốn tạo dựng lại hình ảnh cửa hiệu giày đã từng mê đắm một thế hệ thanh niên Sài Gòn hoa lệ, nhưng cũng đành buông tay bất lực trước sự phát triển như vũ bão của thời trang… giá rẻ hiện tại.
Có thể cả Sài Gòn cũng chẳng ai hiểu có một người của năm cũ ngồi lặng lẽ ở một sân cà phê nhỏ trên đường Trần Quang Khải. Đó chính là Café Văn Hoa mà ông cùng bạn bè đã ngồi suốt những tháng năm tuổi trẻ. Bây giờ, quán đã được đổi tên, nước uống cũng đã pha màu pha vị công nghiệp, nhưng ông vẫn muốn ngồi đó, chỉ để sống lại cái không gian xưa, mà nhiều khi, ngồi để dõi theo những đổi thay nào đã đi qua nó.
Ông kể, mấy chục năm trước, ai muốn mua những gì “Tây nhất”, “mốt nhất” thì qua Tân Định. Cà phê hương vị Pháp như Jean Martin, Meilleur Gout thì vẫn phải là đây, một minh chứng cho sự sành điệu của những chàng trai hào hoa chở phía sau xe những “cô Bắc Kỳ nho nhỏ” sau những chiều tan lớp.
Nguyên dọc đường Hiền Vương (nay là Võ Thị Sáu) khúc Tân Định là những cửa hiệu làm tóc. Tất cả những kiểu đầu mới nhất, thời thượng nhất được “ra lò” từ xứ này. Cũng như muốn tìm những cửa hàng thời trang độc đáo và lịch lãm nhất cũng phải là Tân Định. Ông bảo, nếu muốn ngắm phụ nữ đẹp thì mỗi chiều cứ đến khu Tân Định. Các cô đến đây chọn váy áo, làm tóc, uống cà phê và lang thang trên vỉa hè khuôn viên khu vực nhà thờ Tân Định.
Và ông cũng giữ một bóng hình đặc biệt của mình trong chiều tan lễ năm xưa. Nhưng rồi qua bao bể dâu thăng trầm thời cuộc, ông xa xứ. Người ấy ở lại, giờ cũng đã cháu con đề huề. Căn nhà của người ấy cũng ở khu Tân Định này, nằm yên ắng trong một con hẻm vắng trên đường Nguyễn Hữu Cầu, nơi mà chồng nàng vẫn dạy tiếng Anh mỗi ngày.
Đã có lần ông đi qua đó đúng lúc nàng đi chợ về. Trước khi bắt gặp lại ánh mắt ám ảnh một thời, ông đã kịp quay đi để rồi người ấy không kịp nhận ra ông. Như cơn mưa chưa kịp ướt kỷ niệm. Để rồi, hai cuộc đời vẫn cứ hồn nhiên trôi theo nhịp quên nhớ của ngày thường.
Những gì còn lại
Có lẽ, Tân Định là nơi vẫn còn giữ lại những phong cách, những nếp sinh hoạt cũ của người Sài Gòn dù bao năm tháng đi qua. Trong mắt những người đi xa như người đàn ông trên, có thể nhiều thứ đã biến thiên, không còn vẹn nguyên trong ký ức để rồi người ta tự nhận về nỗi buồn, thay vì phải chấp nhận mọi sự phát triển như lẽ thường của nó.
Chợ Tân Định sau mấy chục năm vẫn là “chợ nhà giàu”. Từ tất cả các mặt hàng đến thực phẩm, giá bao giờ cũng cao hơn những nơi khác vì những tiểu thương luôn lấy “hàng tuyển”. Nhưng đó là phía trước chợ. Nếu đi ra phía sau, vẫn là một khu bình dân với các chủng loại mặt hàng.
Dù giá không cao như phía trước nhưng khu phía sau lại phục vụ cho sự “sành ăn” của cư dân Tân Định như mấy chục năm qua. Ở đó, có những gian hàng chỉ bán những loại thực phẩm từ sông, từ đồng. Hay những hàng rau chỉ bán các loại rau sạch. Những hàng đồ ăn chỉ bán những đồ ăn Bắc như bánh đúc, bánh rán…
Dọc theo hai con đường Nguyễn Hữu Cầu và Hai Bà Trưng, bên hông nhà thờ Tân Định vẫn là những cửa hàng áo dài nổi tiếng. Mấy chục năm trước, tất cả những nữ tú Sài Gòn muốn có một tà áo dài đẹp nhất, cách điệu nhất thì đến Tân Định.
Để rồi mấy chục năm sau, dù bao nhiêu nhà thiết kế áo dài nổi tiếng trình làng nhưng cả Sài Gòn đều tìm về Tân Định để mua áo dài. Mà không riêng phụ nữ Sài Gòn. Các chị em ở miền Tây, miền Bắc, khi đến Sài Gòn muốn mua áo dài, họ tìm đến Tân Định. Họ bị chinh phục bởi những mẫu áo đẹp, phù hợp với mọi lứa tuổi, với đủ mọi chất liệu, kiểu dáng, màu sắc mà giá cả lại rất phải chăng.
Người ta tìm đến Tân Định cũng là tìm đến với bánh xèo Đinh Công Tráng, nổi tiếng từ trước năm 1975 và giờ vẫn nườm nượp khách; Người ta tìm đến với xe chè của người đàn ông “chảnh” nhất Việt Nam, chỉ bán từ 11 giờ trưa đến 5 giờ chiều trong một cái xe nhỏ dựng bên vỉa hè đường Nguyễn Phi Khanh, nhưng ai đã ăn chè ông thì không thể không tấm tắc rằng chưa một người nào nấu chè ngon như thế.
Tìm về Tân Định cũng là tìm về với hương thuốc Bắc của một người bốc thuốc gia truyền từ thời Pháp, hiện phát triển thành một cửa hiệu bề thế ngay góc đường Lý Chính Thắng; hay hương giò chả Phú Hương, với vị đặc trưng mà người Bắc cũng mê người Nam cũng đắm, vẫn được “nhân bản” và vẫn đang là đặc sản của khu Tân Định hiện nay.
Dọc trên đường Nguyễn Hữu Cầu vẫn còn rất nhiều tiệm tạp hóa “gia truyền”, nghĩa là bao đời nay họ sinh ra để làm nghề đó. Họ giữ nét cốt cách bán hàng của người Sài Gòn: chân thật, uy tín dù là bán một cái cúc áo hay một ống kim chỉ. Tiệm ông già ngay ngã ba Thạch Thị Thanh và Nguyễn Hữu Cầu, hàng bao giờ bán giá cũng thấp hơn trong…siêu thị.
Hay cửa hàng mỹ phẩm của hai chị em đối diện cổng chợ Tân Định với chủ trương: “Bán cho người ta nhớ chứ không phải bán cho người ta than phiền”. Một cửa hiệu rất nhỏ nhưng có một lượng khách trung thành được tính bằng khoảng thời gian hàng chục năm.
Khu Tân Định vẫn còn bóng dáng của nhiều ngôi nhà cũ mà ở đó các chủ nhân muốn giữ lại vẻ đẹp của kiến trúc Sài Gòn những năm 60 thế kỷ trước như nhà của người đàn ông Văn khoa một thuở. Đó là những khu biệt thự vẫn còn nguyên hình hài, nền gạch, ô cửa, cổng sắt và hàng rào thép gai. Những căn nhà không quan tâm lắm đến những “gió mưa” bên ngoài, đến những cập nhật xu hướng bên ngoài. Chúng im lìm nằm đấy ôm trong mình những thứ di sản của chính nó, trong hành trình song hành với thời gian.

Tân Định không giới hạn
Ông bạn tôi có một nhận xét rất hay về Tân Định: Xứ sở không giới hạn.
Quả đúng vậy. Giới hạn lớn nhất là thời gian thì nơi này, gần như không còn khái niệm đó. Tân Định có một cuộc sống cơ học ban ngày khá năng động với tất cả mọi hoạt động mua bán, hưởng thụ thì gần như Tân Định cũng có một cuộc sống ban đêm nhộn nhịp không kém.
Ngay dọc tuyến đường Nguyễn Hữu Cầu, ở đó, Sài Gòn không có ban đêm. Ông bạn tôi cho rằng, thực tế, nó vẫn “thức cả trăm năm như thế rồi”. Ở đó là những hàng ăn khuya bán cho đến sáng. Những quán cà phê vỉa hè dọc đường Hai Bà Trưng vẫn thức cùng thành phố cho đến sáng. Những người chủ hàng tự đổi lịch sinh học của mình để sống một thời gian biểu đặc biệt, vẽ thêm một nét vẽ thời gian khác cho đời sống của vùng đất đặc biệt này.
Giới hạn không gian cũng không. Bạn có thể thấy một cửa hàng xôi rất lớn ở góc đường nhưng bên cạnh nó là một gánh xôi nhỏ. Ai thích chọn tiệm thì vào tiệm ấy, ai thích dân dã thì ăn xôi gánh.
Hay trước cửa hàng thực phẩm lớn lại là một anh chàng bán rau. Đó là một thanh niên trẻ, đẹp trai, là cư dân Sài Gòn chính hiệu. Do sức khỏe không được tốt, anh đã nghỉ làm, mỗi sáng ra vỉa hè bán rau thêm để vợ đỡ cực. Khi được hỏi anh có cảm thấy sự sĩ diện của mình bị ảnh hưởng khi đứng ở hè phố bán rau thế không, anh cười hiền: “Người Sài Gòn không có kiểu sĩ diện hão vậy đâu. Kiếm tiền lương thiện không có gì tội lỗi cả tại sao không làm?”.
Có lẽ, ở khu Tân Định, rất nhiều người thợ may “xuyên không gian xuyên thời gian”. Cuộc sống của họ gắn liền với những chiếc máy khâu đặt ở vỉa hè cả mấy chục năm nay, may may sửa sửa đồ đạc mỗi ngày như thế nhưng chưa bao giờ hết khách hàng. Và bạn cũng chẳng bao giờ thấy họ rảnh rỗi một giây nào.

* **
Chiều cuối năm, Tân Định. Người bạn của tôi rủ tôi vào nhà thờ sau một vòng “công du” ở cái nơi mà chúng tôi đang sống. Mỗi bước chân dù chạm vào ký ức hay chạm vào hiện tại, chúng tôi đều cảm nhận được độ sâu trong hồn cốt của nó, để thấy rằng, đối diện với những giá trị hiện hữu cũng là cách điều chỉnh mình, để thấy cần sống giá trị hơn.
Chúng tôi đã gặp những người dân đến thỉnh cầu bình an nơi một ngôi miếu nhỏ cuối đường Huyền Quang, con đường chưa đầy 200m. Nhưng, cũng gặp những người dân đến quỳ trước Chúa hàng giờ trong nhà thờ Tân Định, để cầu xin sức khỏe. Họ vẫn nguyện cầu mỗi ngày như thế. Người dân Tân Định rất chịu khó cầu nguyện cho cuộc sống an bình.
Người bạn tôi sẽ trở lại Tân Định sống ổn định đến cuối đời vào cuối năm nay. Ông nói ngắn gọn về quyết định của mình: “Đôi khi, chỉ là để nghe chút mưa rớt nhẹ trong ly cà phê ngày cũ, để thấy mình cần trở về và cần ở lại

Hoàng Nguyên Vũ

Dáng Xưa

Nỗi nhớ !
Ray rứt trong tôi nỗi nhớ nhà,
Dấu quê dù đã phải cách xa...
Nhưng bao ký ức, bao hoài niệm,
Hiển hiện trong tôi chẳng nhạt nhoà !
NM

                         Nhớ Về Tân Định
Có vẻ như người ở phương xa nhớ về nơi chốn cũ, nhưng chúng tôi lại là cư dân Sài Gòn từ thuở nhỏ, tới nay tuổi đã ngoài sáu mươi vẫn sinh sống tại đây. Ðấy là tình cảm của chúng tôi với Tân Ðịnh, một vùng phố xá Sài Gòn, hàng ngày gặp mà vẫn nhớ thương như đã xa rời. Sài Gòn vốn có những vùng mang riêng địa danh: Ða Kao, Hòa Hưng, Ngã Ba Ông Tạ, Bà Quẹo, Khánh Hội, Ngã Sáu Chợ Lớn, Ngã Bảy, Thị Nghè... Giữa những vùng có địa danh riêng đó, Tân Ðịnh nổi lên như một gương mặt sáng láng, thị thành nhất. Tân Ðịnh như một trung tâm của Sài thành, từng là “Hòn ngọc Viễn Ðông.” Ðường Hai Bà Trưng, phía bên Chợ Tân Ðịnh thuộc quận 1, phía đối diện có nhà thờ Tân Ðịnh, thuộc quận 3. Con đường Hai Bà Trưng xem như huyết mạch của vùng Tân Ðịnh, và khu vực Chợ Tân Ðịnh là trung tâm điểm của vùng phố thị này. 
 
Trước 30 tháng 4, 1975, dọc dài hai mươi năm ở miền Nam, người uống cà phê sành điệu chỉ tới Tân Ðịnh để mua cà phê hương vị Pháp: Jean Martin, Meilleur Gout. Phục sức của thanh niên đúng điệu, hợp thời trang, không thể thiếu đôi giày đặt làm ở Trinh'shoes trên đường Hai Bà Trưng. Sau bao biến thiên, vật đổi sao dời, tiệm giày Trinh'shoes đổi chủ, nay cũng là một tiệm giày thời trang, chìm lẫn trong vô số tiệm giày ở Sài Gòn. Thuốc “Cam Hàng Bạc-Hà Nội”, tức nhà thuốc Nhân Phong Ðường, nổi tiếng thuốc hay từ lúc ở Hà Nội, chữa trị sài đẹn cho trẻ em, di cư vào Sài Gòn năm 1954. Nhà thuốc đặt tại Tân Ðịnh, trên đường Hai Bà Trưng, gần khúc rẽ vào đường Yên Ðỗ - đường Lý Chính Thắng bây giờ. Ngôi nhà cũ xưa, mái ngói rêu phong bao nhiêu năm của nhà thuốc Nhân Phong Ðường, mới được xây dựng cao tầng, vừa hoàn thành chừng một tháng nay.
Ðọc một bài nhớ thương Tân Ðịnh của một người hải ngoại trên báo Internet, tác giả là cựu nữ sinh trường Marie Curie ở Sài Gòn, nhắc nhớ quán cà phê Thu Hương, cà phê Văn Hoa-Ða Kao, bánh xèo Ðinh Công Tráng, giò chả Phú Hương... của Tân Ðịnh. Quán cà phê Thu Hương, cả một thời thu hút đông đảo thanh niên nam nữ Sài Gòn, sau biến cố 30 tháng 4, quán cà phê mất tích này là một trong những nỗi tiếc nhớ của nhiều người. Từ đường Hiền Vương - đường Võ Thị Sáu bây giờ, rẽ vào đường Hai Bà Trưng vài trăm mét: quán Thu Hương, cùng phía nhà thờ Tân Ðịnh, với vườn cây rộng rãi sau hàng chắn song sắt thưa. Bây giờ đi qua đó, không ai hình dung được thuở trước có một quán cà phê dễ cảm, mà chỉ thấy những nhà cao tầng chen chúc hôm nay.
Rạp chiếu phim Văn Hoa, quán cà phê ở đó gọi là cà phê Văn Hoa, nay vẫn còn tại chỗ, trên đường Trần Quang Khải, sát khu Ða Kao, hiển nhiên chỉ khác là chủ mới, cà phê mang tên Cát Ðằng, trên lầu của tòa nhà rạp chiếu phim mang tên “Cinéma Văn Hoa.” Giò chả Phú Hương thuở trước thì nay cửa tiệm biến dạng, chia năm xẻ bảy, một căn nhà còn trưng biển hiệu Giò Chả Phú Hương, lại thấy nhiều tủ kính bày trên hè đường, phía trước cửa tiệm, một trong những tủ kính ấy ghi chữ lớn đậm: “Giò Chả Phú Hương chính hiệu.” Ðường Ðinh Công Tráng, con đường nhỏ hẹp, từ nhiều năm được xem như “con đường bánh xèo,” đưa bánh xèo lên làm đặc sản của vùng Tân Ðịnh, vẫn ngày ngày nhộn nhịp khách tới. Chúng tôi thường ngồi uống cà phê tại một quán cóc, bàn ghế bày ra vỉa hè ở khúc đầu đường Bà Lê Chân. Con đường này cũng nhỏ hẹp như đường Ðinh Công Tráng, nối từ đường Trần Quang Khải tới khu Chợ Tân Ðịnh. Chủ quán cóc duy nhất trên đường Bà Lê Chân là anh Thái Kỳ, thứ nam của cố họa sĩ Thái Tuấn - họa sĩ Thái Tuấn mất năm 2007, ở Tân Ðịnh. Con đường Bà Lê Chân mặc nhiên trở thành một nhánh đường của Chợ Tân Ðịnh, đông đảo bà con bán hàng trái cây, các thứ rau củ quả... dọc hai bên đường. Sinh thời, họa sĩ Thái Tuấn định cư tại Pháp, về Sài Gòn ở lâu dài, tới ngày mất. Hàng ngày họa sĩ Thái Tuấn ra ngồi ở quán cà phê của thứ nam. Ông nói, “Tôi thích ngồi ở đây ngó người đi Chợ Tân Ðịnh, nhiều lần gặp lại người thân quen từ bao nhiêu năm trước... Tôi đã sống ở vùng Tân Ðịnh này từ năm 1954 di cư vào Sài Gòn. Thuở thiếu niên, vào những năm 1930, tôi cũng đã vào ở Tân Ðịnh mấy năm, sau đó mới ra Hà Nội. Lúc đó, một người bạn tôi sinh ra tại đây, bảo rằng từ nhỏ đã thấy có Chợ Tân Ðịnh. Nghĩa là Chợ Tân Ðịnh ít nhất đã được lập nên từ những năm đầu thế kỷ hai mươi. Anh đã thấy cái hầm tránh bom của Nhật ở sát bên Chợ Tân Ðịnh không? Cái hầm rất kiên cố, tôi mới vào nhìn lại, thấy mấy gia đình trú ngụ trong đó...” Chúng tôi thì thường gặp người khách hàng Chợ Tân Ðịnh, chị Mộng Tuyền (ca sĩ, diễn viên cải lương) từ hải ngoại về, sáng sáng đi chợ, lần nào cũng ghé quán nói chuyện vui vẻ, nhận lời khen của dân Sài Gòn chúng tôi, “Buổi sáng nào vắng chị Mộng Tuyền đi ngang đây, con đường Bà Lê Chân bớt hẳn vẻ thắm tươi...”
Họa sĩ Thái Tuấn nói về mái-nhà-xưa của ông, sâu trong một ngõ hẻm đường Yên Ðỗ, “Sau lưng nhà tôi ở là Bến Tắm Ngựa, khu đất rộng, dốc thoai thoải xuống con kênh Nhiêu Lộc, chỗ tắm cho ngựa của các mã phu xe thổ mộ. Ðặc biệt, các anh tài xế Taxi Sài Gòn thường tụ tập ở khu đất này, chơi thảy 'boule' - trái bi sắt, trò chơi truyền thống của người Pháp. Ði dọc lên con kênh là gặp ngôi chùa Miên, rồi đến ngôi trường Ðại Học Vạn Hạnh lập nên sau đó, như anh đã biết từ lâu rồi.” Chúng tôi đã biết từ thuở các bác tài xế Taxi còn chơi thảy bi sắt, các bác xe thổ mộ tắm ngựa, có lẽ hình ảnh này chấm dứt vào khoảng cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, khi Sài Gòn thưa thớt tới dần hết loại xe ngựa kéo.

Thời gian đó, chúng tôi cũng thường ghé Yễm Yễm Thư Quán ở đường Trần Văn Thạch - đường Nguyễn Hữu Cầu bây giờ - con đường phía sau Chợ Tân Ðịnh. Chúng tôi còn nhớ, những sách do Yễm Yễm Thư Quán xuất bản có hàng chữ tiêu đề: “Góp lại tự bốn phương / Tung ra khắp bốn phương.” Yễm Yễm Thư Quán mất tích, con đường Trần Văn Thạch nới rộng, mất đi vẻ xinh xắn cảm động của một con phố nhỏ. Tân Ðịnh còn một con phố nhỏ xinh xắn cảm động như vậy: đường Nguyễn Phi Khanh. Từ đường Trần Quang Khải mở ra như mũi tàu, hai bên sườn tàu là đường Trần Văn Thạch và đường Nguyễn Phi Khanh. Từ thuở trước, ở đầu kia của đường Nguyễn Phi Khanh có quán cà phê Thái Chi, quán nhỏ và rất sạch sẽ, chủ nhân rất khó tính, luôn cằn nhằn nhắc nhở nếu khách cẩu thả bừa bãi trong việc pha, uống cà phê. Quán không mang biển hiệu, khách gọi tên quán theo tên chủ nhân. Bà Thái Chi đã mất từ lâu, thân quyến của bà tiếp tục đứng bán. Về sau, một dãy quán cà phê cóc mọc lên, bàn ghế bày chật hai bên vỉa hè khúc đường này.
Khi họa sĩ Thái Tuấn, người họa sĩ sống với hoài niệm Sài Gòn - đặc biệt trong đó là Tân Ðịnh - đi về cõi thiên thu, chúng tôi lại càng nhớ về Tân Ðịnh.

Nguyễn Đạt
Trích trong nhật báo Người Việt, CA

Kết quả hình ảnh cho tranh vẽ đám cưới
                       Duyên tiền định
Ai có cho rằng tôi mê tín dị đoan nhảm nhí mặc kệ, tôi vẫn tin rằng có duyên "tiền định" mới nên vợ chồng. Chồng tôi người Việt nhưng quốc tịch Mỹ, lấy tên là Charle Lee, thường gọi là (Đít) Dick. Dick tốt nghiệp đại học Mỹ. Trong khi chờ ngày đi làm, bố chồng tôi có ý định đưa con trai về Việt Nam kiếm vợ. Anh ta học giỏi, đẹp trai, mặt mũi sáng láng nhưng khờ đặc trong việc giao tiếp với bạn bè. Ngay thời còn ở high-school, nhiều cô bạn cùng trường đến làm quen, anh ta cứ thụt lùi mãi, khiến các cô phát nản.
Trước năm 1975, bố anh ta là hạ sĩ quan an ninh phi trường Tân Sơn Nhất, ông có người bạn đồng ngũ rất thân. Sau khi mất nước, bố anh ta về quê, xoay xở đưa cả gia đình vượt biên, còn người bạn thì về nhà, kế nghiệp cha mẹ, làm chủ một tiệm hủ tiếu ở đường Hai Bà Trưng, trước chợ Tân Định. Người bạn nầy gốc Tàu, tính cần kiệm và kín đáo nên không bị đánh tư sản (bị tịch thu gia sản, đuổi đi kinh tế mới).
Ở Mỹ, bố anh chàng Dick thường thư từ cho người bạn bán hủ tiếu ở Tân Định. Khi biết ông ta có ý định về Việt Nam kiếm vợ cho con thì người bạn đồng ngũ nầy ngỏ ý muốn giới thiệu con gái của mình với anh Dick. Hai ông bạn trao đổi hình ảnh con của mình cho hai đứa nhỏ nghiên cứu, tìm hiểu nhau. Thấy hình cô gái cũng đẹp, chưng diện coi bộ còn thời trang hơn cả các cô gái Việt ở Mỹ nên Dick thích lắm, nhưng đỏ mặt, không có ý kiến. Thế là ông gọi cho người bạn, hẹn năm nay về ăn Tết, sẽ cho tiến hành lễ hỏi và lễ cưới cho hai đứa.
Hôm gia đình anh ta xuống phi trường Tân Sơn Nhất, cả nhà cô gái long trọng đón về. Vừa là bạn chí cốt, lại sắp thành thông gia nên hai gia đình rất vui vẻ, thân mật. Cô gái đẹp hơn cả trong hình, nên chàng Dick thích mê, nhưng mắc cỡ. Hễ đối diện với cô ta thì mặt đỏ lên, miệng ấp úng, nói không nên lời. Hơn nữa, vì không rành tiếng Việt nên anh ta cứ ngập ngọng, nhưng nhờ cô gái đang học đại học, ban Anh văn nên cả hai không đến nỗi khó khăn khi chuyện trò. Cô ta rủ anh chàng đi chơi Sài Gòn, đi mua sắm, đôi khi còn chở Dick sau xe gắn máy, vi vút ra ngoại ô hóng gió, ăn uống ở các nhà hàng đồng quê. Được ngồi sau, ôm eo người đẹp, anh ta thích quá, nhất là khi được người đẹp ngồi bên cạnh tựa ngực vào người, giọng thủ thỉ, nũng nịu khiến anh chàng chết mê, chết mệt. Thế nên, trong một buổi cơm tối, cô cậu được hỏi ý kiến, có bằng lòng nhau không? Chàng ta trả lời "Dạ chịu!" Còn cô gái chỉ liếc anh ta và tủm tỉm cười. Thế là đám hỏi diễn ra ngay hôm sau.
Thời đại hỏa tiễn, gì cũng tốc hành cho nhanh gọn. Buổi sáng, nhà trai đi sắm nhẫn đính hôn, nhẫn cưới, trang phục cô dâu, chú rể và các vật dụng cần thiết, ý là đám hỏi xong thì tiến hành đám cưới ngay. Buổi chiều hai họ kéo nhau ra nhà hàng nhậu nhẹt tưng bừng. Trong buổi tiệc gọi là tiệc đám hỏi đó, hai ông bạn nghéo tay nhau hẹn tuần sau nhà trai (từ dưới tỉnh) sẽ lên đón cô dâu về quê làm đám cưới cho xôm tụ. Nhà gái, dĩ nhiên phải o bế cho cô dâu thêm phần xinh đẹp để bà con dưới tỉnh rõ mặt gái Sài Gòn.
Dick về dưới quê nhưng đã bị cô gái hớp hồn rồi nên người cứ sững chừng, suốt ngày lơ ngơ, không nghe, không thấy gì chung quanh, rồi than buồn. Cha mẹ anh ta biết ngay là thằng con đã bị cô gái bắt mất vía nên gợi ý cho anh ta lên Sài Gòn, ở lại nhà cô vợ tương lai trước khi làm đám cưới. Biết con mình chánh hiệu con nai vàng ngơ ngác, nên ông bà dặn dò rất kỹ, nào là không được qua đường một mình (sợ xe tung), đi đâu phải có cô vợ tương lai bên cạnh để khỏi bị bọn bất lương lường gạt, cướp giật. Ở chơi đúng hai ngày sau thì về để chuẩn bị làm đám cưới.
Chiều hôm đó, Dick đón xe đò lên Sài Gòn. Về đến bến xe Miền Tây thì đã khuya, Dick là người lịch sự theo kiểu Âu Mỹ, không muốn làm phiền người khác nên anh chàng đến khách sạn qua đêm.
Sáng hôm sau, Dick đón xe đến tiệm hủ tiếu. Anh ta nghe người đẹp nói là thường đi học lúc tám giờ sáng, nên dự định đứng ngoài chờ, hễ thấy cô ta bước ra để đi học thì Dick sẽ bước vào tiệm, mục đích tạo bất ngờ với người đẹp, chắc chắn cô ta sẽ mừng rỡ, nghỉ buổi học để hai người cùng đi chơi. Vì thế, khi đến tiệm hủ tiếu, anh ta không vào mà đứng bên kia đường, chờ. Đúng tám giờ, thấy người đẹp đi ra, đứng trước cửa tiệm ngó quanh, Dick định băng qua đường nhưng xe cộ nhiều quá, cứ lúng túng, chưa dám bước xuống lòng đường thì bỗng nhiên có một thanh niên đi xe gắn máy, dừng lại trước tiệm hủ tiếu, và cô vợ sắp cưới của chàng Dick phóc lên yên sau, ôm eo ếch chàng thanh niên kia. Chiếc xe vọt đi. Cả hai chìm vào đám xe cộ, biến mất tiêu. Chàng Dick dại gái chưng hửng. Anh ta bèn bước lui lại lên lề đường, mặt bắt đầu nóng, tim đập thình thịch, chân tay bủn rủn, người run lên như bị bịnh sốt rét, ngực nặng trịch, thở không nổi. Đó là "triệu chứng lâm sàng" của người nổi cơn ghen. Nhưng vốn đã được giáo dục về phép lịch sự ở xứ Mỹ, lại nhút nhát, chàng Dick bối rối, không biết làm gì cho hạ hỏa. Giận lây bố mẹ vợ tương lai nên không vào tiệm hủ tiếu, anh ta cũng bước qua đường, nhưng tấp vào một hàng quà rong ngay bên hông tiệm. Đây là một con hẻm, được biến thành những "tiệm ăn chồm hổm" buổi sáng bán bún, mì, cà phê... Mỗi hàng ăn chiếm một khoảnh đất, đặt vài cái bàn thấp ngang đầu gối, chung quanh là mấy chiếc ghế nhỏ xíu, không vừa cái bàn tọa. Bình thường từ sáng sớm, người ta mang thức ăn, đồ uống ra, đến trưa, bán hết thì "dẹp tiệm", dọn về. Chàng Dick ngồi đại xuống một hàng cà phê. Chủ là một cô, tuổi đôi mươi, nhà nghèo, ăn mặc đơn sơ, không trang điểm, nhưng đôi mắt cô đen láy, long lanh, miệng cô cười thật tươi, phô bày hàm răng trắng đều, đẹp hết sức!. Nhờ đôi mắt và nụ cười nầy mà hàng cà phê của cô đông khách. Mấy cậu trai sáng nào cũng ra đây, gọi một ly cà phê, ngồi ngắm cô cũng đỡ buồn cảnh thất nghiệp của mình. Đôi khi tâm hồn rung động, vài cậu nói bóng gió để tỏ tình, cô chỉ cười không trả lời. Cô biết mình đẹp nên có quyền chờ đợi, tối thiểu cũng một anh chàng trông được con mắt, có công ăn việc làm kha khá, chứ thứ thất nghiệp, chỉ giỏi tán phét như mấy cậu khách hàng nầy, thì cô coi thường. Hơn nữa, ngay bên cạnh là hàng bún bò Huế của mẹ cô. Mẹ cô cũng biết giá trị con gái mình, nên thường xuyên nhắc nhở, kiểm soát cô rất chặt chẽ. Bà ta chỉ vẽ cho cô cách từ chối sao cho khách hàng biết nhưng vẫn vui vẻ, tiếp tục đến ăn uống để trồng cây si. Quán bún, cà phê của mẹ con cô hàng tựa vào vách tường của tiệm hủ tiếu của bố mẹ vợ tương lai chàng Dick. Sau tiệm có cửa hậu thông ra gần hàng cà phê, thỉnh thoảng nước dơ trong tiệm hắt ra, mấy con chó xúm lại nhặt nhạnh thức ăn thừa.
Khi Dick vừa ngồi xuống là cô hàng đã nhanh nhẩu hỏi "Anh uống gì? Ăn bún nghe!" Chàng Dick bối rối "Cô cho tôi lon cốc (Coca cola)" "Tôi không bán cóc. Anh ăn bún, uống cà phê nghe!" "Dạ, cô cho tô bún". Nghe cách đối đáp, giọng nói ngọng nghịu, cùng lối ăn mặc của Dick, cô hàng biết ngay là Việt kiều, nên cô để ý xem con cừu non nầy lạc lối đến đây làm gì? Có lẽ còn quá sớm nên mấy cậu thanh niên thất nghiệp chưa ra, nếu không, làm gì anh ta cũng bị mấy tay nầy tìm cách chọc ghẹo hoặc ăn hiếp ngay. Ăn xong tô bún anh ta mở cái túi nhỏ cột trước bụng, móc tiền trả rồi ngồi ngó mông ra đường. Dick chờ người đẹp trở về, nhưng không biết giờ nào nên thỉnh thoảng đứng lên, ra nhìn trước cửa tiệm rồi vào ngồi lại chỗ cũ. Dick dự định, nếu người đẹp về với thằng tình địch thì anh ta sẽ bước đến, hiên ngang nắm tay người đẹp dẫn vào nhà, coi như là cách công bố quyền sở hữu đóa hoa biết nói đó.
Có chí thì nên, khoảng mười hai giờ, quả nhiên cô vợ tương lai của chàng Dick trở về với thằng tình địch. Vừa thoáng thấy, cơn ghen lại nổi lên khiến anh chàng đứng chết sững, chưa kịp phản ứng thì cô gái xuống xe, hôn thằng kia đánh "chụt" một cái mới bước vào nhà, còn thằng kia thì rồ xe chạy đi. Chàng Dick lại ngớ ra, đành quay về chỗ hàng cà phê, kéo ghế, gọi một ly cà phê, ngồi suy nghĩ xem mình nên làm gì bây giờ? Lúc nầy, các hàng quà rong đang chuẩn bị dọn dẹp ra về, nhưng thấy cậu Việt kiều, cô hàng cũng nấn ná pha cho khách một ly. Thình lình chàng ta nghe từ cửa sau tiệm hủ tiếu vẳng ra tiếng la lối "Tao bảo mầy có từ thằng đó ra không? Ít bữa nữa mầy lấy chồng rồi. Thằng chồng mầy nó biết, nó cạo đầu mầy" "Tía đừng lo tía ơi. Người ta ở bên Mỹ làm sao biết được chuyện của con. Mà con đâu có làm gì mà tía phải la? Bạn bè chút chút mà tía"
Tiếng cãi cọ càng lúc càng cao giọng, càng nhanh khiến chàng Dick chịu thua, không nghe kịp, nhưng chừng đó cũng đủ cho anh ta mất tinh thần. Bao nhiêu hứng thú tiêu tan, Dick quyết về dưới tỉnh mét bố mẹ, không thèm lấy vợ nữa.
Tối đó, nằm trong khách sạn, Dick không ngủ được. Phần nhớ người đẹp, phần cảnh tượng lúc trưa khiến cho máu nóng bốc lên đầu nên anh ta lăn qua, trở lại mãi. Cuối cùng thì tình yêu và ghen tương sống chung hòa bình trong quyết định của anh ta. Nghĩa là cứ để đấy nhưng theo dõi, tìm hiểu, nhất là để ngắm lại xem, cô ta có đủ đẹp để mình tha thứ không?
Sáng hôm sau, Dick lại ra hàng cà phê ngồi, nghĩ cách hỏi cô hàng về cô gái, con chủ tiệm hủ tiếu. Cô hàng cà phê, thấy thằng con trai trắng nõn, ngây thơ như em bé, cô thích lắm, mặc dù anh ta là Việt kiều, cô không hi vọng gì, nhưng yêu là việc của quả tim, xin khỏi bình luận. Tuy nhiên cô hàng cũng phải giữ kẻ vì sợ mấy thằng con trai, khách hàng, sẽ mỉa mai vì ghen tức "Thấy Việt kiều như mèo thấy mỡ". Nhưng anh chàng Việt kiều nầy hỏi chuyện thì mình trả lời, còn có thể hỏi lại mấy câu để tỏ tình quen biết. Đại khái Dick nói là về Việt Nam chơi chứ không nói về cưới vợ. Anh ta bảo rằng thấy con gái chủ tiệm hủ tiếu đẹp nên hỏi thăm cho biết, và hình như cô ta có bồ thì phải? Cô hàng nói là không biết chắc đó là bồ bịch hay chỉ là bạn bè, dù cô thấy hai người chở nhau đi mỗi ngày.
Khi yêu, người ta dễ tha thứ. Nghe cô hàng nói vậy, dù thấy rõ ràng hai đứa hôn nhau, Dick cũng không thấy trở ngại trong việc hôn nhân của mình. Vả lại Dick đã nhiễm văn hóa Âu Mỹ, chẳng xem trinh tiết là quan trọng, thế nên anh chàng vừa tự an ủi vừa hãnh diện "Cho mầy chở đi, ít bữa nữa, tao cưới nó, đem về Mỹ thì mầy no way!". Và Dick lại vui vẻ nói chuyện với cô hàng cà phê. Anh ta bảo tuần tới sẽ về Mỹ nhận việc. Cô hàng thất vọng. Tình cảm của cô chỉ mới quen biết chứ chưa đủ thân mật để cho nhau địa chỉ, sau nầy còn thư từ, tặng ảnh nhau khi hai người cách xa nhau nửa vòng trái đất. Thật tâm, cô buồn vì không còn được gặp anh ta nữa chứ cô không hề nghĩ đến chuyện Việt kiều có nhiều tiền, sung sướng. Giá mà anh ta là một người Việt "nội địa" dù thất nghiệp, cô vẫn yêu như thường.
Khi về dưới tỉnh, bố mẹ hỏi, Dick chỉ trả lời có, gì cũng nói có chứ không giải thích. Tưởng con mắc cỡ, hai người không hỏi thêm. Họ cứ theo chương trình mà thực hiện. Ở dưới quê, cưới hỏi, giỗ quãi đều làm tại nhà. Ngã heo, vật bò cũng chẳng tốn bao nhiêu. Ông bà Việt kiều nầy chơi sang, mời bà con hàng xóm, kể cả xã ấp, tập trung một chỗ hẹn, sẽ có xe đến rước lên nhà hàng trên tỉnh dự tiệc cưới, còn dặn xin đừng quà cáp. Mấy khi được đi nhà hàng sang trọng dự tiệc cưới Việt kiều nên mọi người rủ rê, bàn tán coi bộ sôi nổi và sốt ruột lắm.
Đó là chuyện chuẩn bị tiệc cưới ở dưới quê, tức bên nhà trai. Trên Sài Gòn cũng có một bữa tiệc ở nhà hàng trong Chợ Lớn do con gái ông chủ tiệm hủ tiếu tổ chức đãi đằng bạn bè trước khi cô lên xe hoa. Cô ta nói "Thưa các bạn, ngày mai tôi sẽ lên xe hoa, hôm nay hai đứa tôi mời các bạn nhậu một bữa, xong lên lầu nhảy nhót"
Các bạn cô tưởng rằng đó là đám cưới của cô với người tình, không ngờ, sau đó mới vỡ lẽ là cô lên xe hoa với người khác. Bạn bè càng ngạc nhiên hơn khi thấy người tình của cô vẫn vui vẻ chứ không buồn bã hay ghen tức gì cả? Rượu ngà ngà, hai người mới thổ lộ âm mưu là cô sẽ làm đám cưới với anh chàng Việt kiều và qua Mỹ sống độ mấy năm, khi đã vô quốc tịch, cô sẽ li dị chồng rồi về Việt Nam cưới anh chàng tình nhân nầy. Đây là mánh thường làm của các cô lấy chồng Việt kiều.
Về phần nhà trai ở dưới quê, theo đúng ước hẹn, khởi hành từ bốn giờ sáng dự định trưa sẽ đến Sài Gòn. Cô dâu chú rễ làm lễ tổ tiên bên nhà gái xong, sẽ lên xe hoa về dưới tỉnh vừa kịp giờ đãi tiệc.
Tiệm hủ tiếu đóng cửa từ hôm qua để treo đèn kết hoa, thiết trí bàn thờ, mời bà con, bạn bè đến dự buổi đưa dâu. Đúng mười một giờ, phái đoàn nhà trai gồm ba chiếc xe lớn và một chiếc xe nhỏ có kết hoa dừng lại trước tiệm hủ tiếu. Bà con xuống xe, ẹo qua, ẹo lại cho đỡ mỏi lưng sau một chuyến đi dài. Mấy cô bưng quả, mấy cậu phù rể sắp hàng ngay ngắn chờ nhà trai vào xin giờ rước dâu theo đúng lễ nghi. Trong khi đó, nhà gái đã đứng chờ sẵn, vẻ mặt mọi người rất long trọng. Ông chủ tiệm hủ tiếu kêu vọng lên lầu "Hỏi A Muối sẵn sàng chưa? Nhà trai đã đến rồi đó nghe!" Tiếng mấy cô phù dâu trả lời "Tụi con kêu hoài mà cửa chị Muối đóng chặt, không nghe trả lời gì cả!" "Má nó đâu? Sáng giờ làm gì mà không kêu nó dậy? Người ta tới rồi kìa!" "Tôi đây. Có gì mà quýnh lên? Cứ nói chuyện đi. Nó dậy thay đồ, trang điểm là xong ngay" Rồi nghe tiếng lao xao trên lầu, một lát, cô phụ dâu xuống thì thầm báo cáo "Chị Muối không có trong phòng. Tìm khắp nơi cũng không thấy" "Chết cha! Vậy chớ nó đi đâu? Tìm về ngay. Coi thử nó có đến nhà bạn bè nào không? Đứa nào xách xe đi tìm nó coi. Lẹ lên!" "Thằng Tửng nói chiều hôm qua, bạn của chỉ đến đón đi ăn tiệc chia tay, khi hôm không thấy về" Ông chủ tiệm hủ tiếu, trước đây là lính kiểng, chưa hề đụng độ ngoài chiến trường bao giờ, nay bỗng lưỡng đầu thọ địch. Đối phương đã đến trước cửa mà mình thì không có gì để nghênh chiến! Ông muốn lên lầu để la hét cho hả giận nhưng nhà trai đã bước vào nhà rồi. Ông như Khổng Minh tọa lầu, cười nói vui vẻ mà bụng đánh lô tô. Nhưng Khổng Minh còn hi vọng lừa được đối phương chứ ông thì chắc chết! Ông giận mụ vợ cưng con mà vô tâm, không chịu nhắc nhở, dặn dò, để nó đi từ chiều hôm qua, đến nay vẫn không biết! Trong lúc đó, bà chủ cũng bấn xúc xích lên. Bà nhờ các cô cậu nào có xe gắn máy, tức tốc đến nhà các bạn của cô Muối để "Lôi cổ nó về đây ngay!". Nửa giờ sau, các đặc phái viên trở về lắc đầu "Không thấy A Muối đâu cả!" Bà cho một cô xuống thì thầm với ông chủ. Ông chủ lắng nghe, cười và gật đầu ra điều chẳng có gì quan trọng. Nhà trai thấy thế mới đứng lên có mấy lời. Đại ý đã chọn được ngày lành, giờ tốt, xin cho chú rể và cô dâu lạy bàn thờ tổ tiên. Ông vui vẻ gọi lên lầu "Má nó đâu. Cho con xuống làm lễ. Đến giờ rồi!" Đó là kế hoãn binh chứ ông biết tỏng là làm gì có A Muối. Thế rồi nhà trai, nhà gái lại tiếp tục vui vẻ chuyện trò. Nhưng chờ mãi chẳng thấy gì! Ông bạn nhà trai co tay xem đồng. Ông bạn hủ tiếu làm vẻ ngạc nhiên "Ủa. Sao lâu quá vậy cà?" Rồi ông bình thản đi lên lầu làm như tìm hiểu nguyên nhân, và ông lại xuống lầu, coi bộ hơi bối rối một chút. Ông khèo ông bạn sui gia tương lai vào nhà trong, lôi luôn ra sau hẻm, vì sợ mấy đứa người làm biết chuyện. Người ta xúm cả cửa trước xem đám cưới, chỉ có hai mẹ con bà hàng bún bò, cà phê đang lui cui dọn hàng về. Cô hàng cà phê, lúc nãy chạy ra dòm đã thấy anh chàng Việt kiều là chú rể, bèn chạy vào báo cáo với mẹ rằng đó là người khách "gà rù" thường đến mấy hôm trước, nay đi cưới cô A Muối, con gái ông hủ tiếu. Hai mẹ con đang bàn tán thì hai ông sui tương lai kéo nhau ra ngoài cửa sau xì xầm. Tuy nói nhỏ, nhưng hai mẹ con bà hàng nghe tất cả. "Chết tôi rồi anh sui ơi! Con A Muối nó đi từ hôm qua đến nay chưa về" Ông sui trai chưng hửng, rồi nổi xùng "Thật hay giỡn đó anh sui? Tụi mình nghéo tay nhau từ lâu rồi mà! Anh muốn "xù" tôi sao không nói trước? Báo hại tôi đặt tiệc mời bà con làng nước ngồi chờ ở nhà hàng dưới tỉnh. Bây giờ tụi tôi lên đây, anh nói một câu "bù chốc" !?" "Tôi lạy anh mà anh xui, anh thông cảm cho tôi. Tôi đâu ngờ con nhỏ trốn đi! Anh với tôi, bạn bè mấy chục năm rồi, anh biết tôi mà. Tôi đâu lòng dạ nào hại anh!" Ông sui trai cũng hạ hỏa "Nói vậy chứ, tôi với anh...Đơn vị mình còn ai đâu. Thôi, chuyện anh xù tôi vụ nầy cũng chẳng sao. Nhưng bây giờ mình tính sao đây? Không lẽ đi cưới vợ cho con mà không có cô dâu thì mất mặt tôi quá! Hay là anh tìm đại cho tôi một con nhỏ nào đó, đóng tạm vai cô dâu, khi về dưới tỉnh ra mắt bà con, làng xóm xong thì trả nó về. Không ai biết" "Anh tính vậy mà hay. Nhưng gấp quá. Chà! Khó dữ!" "Anh coi mấy đứa trong nhà, có đứa nào mặt mũi sáng sủa một chút, mướn nó, tôi sẽ trả khá tiền".
Hai mẹ con bà hàng bún bò, nãy giờ giả bộ làm việc nhưng dỏng tai nghe hết ráo. Đến khi ông kia nói "trả khá tiền", bà ta sốt ruột vọt miệng nói. "Ông trả bao nhiêu? Tôi cho con nhỏ nầy làm cô dâu giả được không?" Ông sui trai quay nhìn cô hàng cà phê, gật đầu. "Được quá đi chớ! Tôi trả hai trăm" "Hai trăm tiền gì? Được bao nhiêu?" Ông chủ tiệm hủ tiếu mừng rỡ. "Hai trăm là nửa cây vàng đó. Không ít đâu" "Vậy hả. Nhưng tôi giao hẹn trước, xuống đó, ra mắt bà con dự tiệc xong là tôi dẫn con nhỏ về Sài Gòn ngay chứ không có lộn xộn gì cả. Chịu không?" "Được mà bà chị. Bà chị đòi gì tôi cũng chịu hết, miễn là có cô dâu về dưới tỉnh là được" Thế là tất cả cứ rối lên như chạy giặc. Bàn ghế, nồi niêu, son chảo của bà bún bò Huế được lùa hết vào gậm cầu thang tiệm hủ tiếu. Mẹ con bà hàng bún được đẩy gấp lên lầu. Quần áo, phấn son, nữ trang, tròng vào, bôi trét hết cho cô hàng cà phê. Bà hàng bún bò thì diện bộ đồ vía của bà hủ tiếu. Chỉ mười phút sau là các diễn viên đã xong y trang. Tiền trao cháo múc, bà hàng bún đòi ngay hai trăm đô lận lưng cho chắc ăn. Thế là cô dâu giả cũng e lệ, lúng túng bước xuống thang lầu, theo sau là bà bún bò Huế và các cô phụ dâu. Rồi thì cũng lễ gia tiên, cũng diễn văn ngắn gọn của nhà trai, nhà gái, cũng nhẫn cưới đeo tay, đủ mọi thủ tục. Cuối cùng cô hàng cà phê bước lên xe hoa cùng với đoàn hộ tống của nhà gái. Bà chủ tiệm hủ tiếu cũng tháp tùng phái đoàn để khi xong bữa tiệc sẽ thu hồi trang phục, vòng vàng mà bà đã sắm cho con gái là cô Muối. Khán giả tụ tập trước tiệm hủ tiếu ngạc nhiên khi thấy cô dâu không phải là A Muối mà là cô hàng cà phê. Họ bàn tán rồi phịa chuyện nầy nọ để ra điều ta đây biết hết "từ lâu rồi"! Nào là cô Muối bị ép duyên, đòi tự tử nên phải thay người khác làm cô dâu, nào là cô hàng cà phê dụ dỗ được anh chàng Việt kiều, nhưng nhà nghèo quá mới thuê tiệm hủ tiếu làm nhà gái.
Khi xuống dưới tỉnh, quan khách, bà con đều trầm trồ cô dâu đẹp quá. Mà cô đẹp thiệt! Khi là cô hàng cà phê, cô đẹp một, giờ đây, đóng vai cô dâu, cô đẹp mười. Giá như tỉnh tổ chức một cuộc thi sắc đẹp, chắc chắn cả tỉnh sẽ bầu cô là hoa hậu. Hai con mắt và miệng cười của cô, đẹp đến độ anh chàng Dick ngắm mà chóng mặt, không nghĩ rằng đó là cô hàng cà phê. Trong bữa tiệc, theo đúng tập tục của người văn minh tiến bộ, cô cậu đến từng bàn cám ơn quan khách dự tiệc, uống chút rượu bà con ép mời và ôm nhau hôn trước mặt mọi người. Rồi cũng vỗ tay, gõ muỗng lên ly, chén leng keng, tiếng cười nói, la hét của mấy tay say rượu...đủ thứ. Dick đã hoàn toàn quên cô Muối rồi. So với cô hàng cà phê, cô Muối thua xa. Sắc đẹp của cô hàng cà phê hớp hồn chàng Dick còn mạnh hơn cô Muối rất nhiều. Nhưng giây phút thần tiên cũng qua mau. Tối đó, sau khi tiệc tan, ai về nhà nấy thì bà hàng bún bò bảo cô con gái cởi trả nữ trang, áo quần đẹp, (nhất quyết) ra ngủ phòng ngủ ở bến xe để sáng hôm sau về Sài Gòn sớm. Cô hàng cà phê nhìn chàng Dick rơm rớm nước mắt.
Ngay lúc đó lại xảy ra chuyện rắc rối mà không ai có thể ngờ được. Dick không cho cô hàng cà phê về lại Sài Gòn. Cậu lớn tiếng với cha mẹ cậu, đòi cưới thật cô hàng cà phê chứ không phải cưới kiểu giỡn chơi như vậy. Cha mẹ chàng ta lại phải điều đình với bà hàng bún bò Huế, xin cưới thật cô con gái của bà ta. Mấy người buôn bán bao giờ cũng linh mẫn chuyện đầu cơ. Bà ta lạnh lùng lắc đầu, vì bà biết con cá đã cắn câu rồi thì bà cứ thế mà kéo con mồi lên, chiên, kho là quyền của bà. Cha mẹ chàng Dick thấy cô hàng cà phê đã đẹp còn hiền lành, dễ thương nên lại càng quyết tâm cưới cô ta cho con mình. Sau khi được năn nỉ, bà bún bò Huế phán mấy câu. "Ông bà nói vậy chẳng khác gì bắt tôi bán con gái tôi cho ông bà. Mà vợ chồng tôi chỉ có nó là đứa con duy nhất, tôi chỉ muốn nó lấy chồng gần chúng tôi để sau nầy, về già còn nhờ vả được. Ngay hiện tại, nó cũng phụ giúp tôi trong việc buôn bán sanh nhai. Nay ông bà đòi bắt nó về Mỹ, tôi mất con mà chẳng còn ai để nương tựa lúc tuổi già. Hơn nữa, nếu tôi gả con gái tôi cho ông bà thì chẳng khác gì con tôi giành chồng của cô Muối. Thử hỏi tôi có yên ổn mà buôn bán ở đó không? Rồi tôi phải làm sao đây?"
Chỉ mấy lời thôi mà bà hàng đã nêu vấn đề một cách minh bạch. Câu đầu bà gợi ý cho đối phương thấy "chủ đề" ở đây là tiền, mấy câu sau bà quảng cáo món hàng của bà và bà bắt chẹt.
Cha mẹ chàng Dick hiểu ngay điều đó nên đưa ra một cái giá mà họ nghĩ có thể thuyết phục đối phương. Tuy nhiên họ cũng biết văn hoa một chút. Đại ý là họ hiểu tình cảnh bà hàng bún bò, nhưng xin bà yên tâm, khi cô con gái qua Mỹ, nó sẽ gửi tiền về nuôi bà, chồng nó là kỹ sư, tiền bạc dư dã, hiện tại, họ sẽ gửi bà một số tiền để bà tìm chỗ khác, hoặc có thể sang một sạp hàng trong chợ mà buôn bán. Nói trắng ra, họ chồng một số tiền lớn để mua cô gái cho con trai họ. Bà hàng bún không ngờ con gái mình lấy Việt kiều một cách ngon lành, khỏi tốn công, tốn thì giờ mà mình lại ẳm được mấy nghìn đô. Thế là nhà trai lại điều đình với bà sui hụt, mua lại tất cả nữ trang, áo quần mà họ đã sắm cho cô Muối.
Tối đó, Dick và cô hàng cà phê ngủ chung một phòng (riêng).
Kể câu chuyện chồng tôi lấy vợ trên đây để quí vị thấy, rõ ràng vợ chồng đến với nhau là do "tiền định!". Có ai nghĩ rằng cô Muối lại mất chồng sau bao nhiêu công sức, cố mồi chài cho được anh chàng Dick, để rồi "công trình kể biết mấy mươi" trở thành công cốc. Nhưng nguyên nhân vì đâu? Tại sao cô lại không về làm cô dâu để thực hiện chương trình đánh lừa anh chàng Dick ngơ ngáo kia?
Số là tối đó, sau khi nhậu nhẹt say sưa, nhảy nhót tưng bừng cho đến gần sáng, cô Muối cùng tình nhân thuê khách sạn ngủ, dự định sáng mai về cũng còn kịp chán. Muốn cho đêm ân ái thêm nồng nàn, họ phi một đợt xì ke (ma túy), sau đó họ lăn ra ngủ. Đến gần chiều cả hai mới giật mình tỉnh dậy. Cô Muối hối hả lên xe, chạy về.
Xe hoa đã lên đường được hơn nửa giờ rồi.

Phạm Thành Châu