Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2016

Nhạc - Thơ - Văn Hoa rau muống

Kết quả hình ảnh cho hoa rau muống tím lấp lánh trong đầm
Có ai nhớ ?
Có ai nhớ vườn sau hoa rau muống ?
Lá xanh tươi hoa tím phớt dịu dàng....
Giữa đất trời, hoa lá, gió mơn man,
Ta cảm thấy cõi lòng sao thanh thản !?

Có ai thấy bướm vờn hoa trong nắng,
Đủ sắc màu dung dị giữa thiên nhiên...
Giữa trần ai vơi bớt những luỵ phiền !
Bỗng chợt thấy yêu sao màu hoa muống !!

Hoa phớt tím nhạt màu nhưng thấm đượm,
Biết bao tình thầm lặng của hồn quê...?
Ai ra đi một thoáng có quay về,
 Hoa vẫn thế, mong manh buồn hiu hắt !!
NM
Hoa rau muống
Có ai thấy… Vườn sau… Hoa rau muống! Cái tự nhiên hiu hiu chờ đợi… Chiếc lá bàng rụng khỏi cành cây
Mấy dòng thơ của họa sĩ Chinh Lê “bắn” vào chiếc điện thoại di động của tôi, khi tôi vừa ngang qua một cánh đồng hoa rau muống, đang quẹo sang cây cầu Đà Rằng ào ạt gió nắng tháng ba rất đặc trưng của Tuy Hòa.
Có lẽ lúc ấy chị bạn của tôi đang ở một góc nhà quê nào đó, bất chợt nhìn thấy những bông hoa rau muống, rồi bất chợt thơ trên di động, ngẫu hứng gởi cho vài người bạn, trong đó có tôi.
“Có ai thấy… Vườn sau… Hoa rau muống!”.
Tôi thấy. Nhưng không phải ở một góc vườn sau, mà thấy cả những đám ruộng bạt ngàn hoa rau muống. Dường như, khi những cành rau muống đang oằn mình dưới cái nắng chang chang tháng ba thì những cánh hoa rau muống lại nở xòe ra. Nhìn đơn lẻ, từng cánh hoa có màu tím nhạt, nhưng ngắm cả một vạt đồng thì thấy sắc tím loang ra lấp lóa một màu trắng tím dưới ánh mặt trời. Nếu vừa chạy xe gắn máy vừa ngắm những vạt đồng hoa rau muống thì thấy thuần một màu trắng lóa ngợp mắt, đẹp nao lòng.
Rong ruổi tiếp đồng quê, tới đâu cũng thấy màu hoa rau muống, có khi bên cạnh những ruộng bắp đang ra hoa, có khi chen giữa những ruộng lúa đang trổ bông vàng trĩu, có khi dọc theo những con mương cạn nước… Hoa rau muống níu chân người bước lại gần để cùng ngồi trong thinh lặng, khoan thai.
Hóa ra, cũng đã lâu rồi tôi không nhìn thấy hoa rau muống, dù trong góc vườn ở phố cũng có một luống rau, dù vẫn khoái ăn món canh rau muống nấu nghêu, dù vẫn mê món bánh tráng chín nhúng nước cuốn rau muống chấm mắm… Hóa ra nỗi nhớ trong câu “Anh đi anh nhớ quê nhà/Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương” của Á Nam Trần Tuấn Khải cũng chỉ là một nỗi nhớ… hơi bị thực dụng; bởi chỉ nhớ những gì có thể “xơi” được, chứ đâu nhớ chi những cánh hoa rau muống mỏng manh, phớt tím, hiu buồn?!
Nắng nôi càng khiến cho hoa rau muống thêm đẹp. Dĩ nhiên không ai hái hoa rau muống về chưng trong nhà. Vẻ đẹp của hoa rau muống là vẻ đẹp của đồng nội, là cái đơn sơ thầm lặng của người nhà quê. Rau muống hay hoa rau muống cũng là điều thiết thân gần như không gì phải bàn luận. Nó không rắc rối như việc người Việt ở nước ngoài thèm ăn rau muống, hay gay cấn như việc chính quyền bang Texas (Mỹ) từng ra quy chế về việc cấm trồng và tiêu thụ rau muống vì cho rằng loại rau này làm hại môi sinh, gây tắc nghẽn các đường thoát nước. Ở tình huống như thế, rau muống được viện dẫn ra như một sản vật làng quê, một giá trị văn hóa, một biểu tượng quê nhà… Ăn rau muống đã “trầy vi tróc vảy” như thế, huống chi là chuyện ngắm hoa rau muống. Và, xin nói thêm một chuyện này, những người ở nước ngoài khi về quê rất muốn được ăn rau muống cho thỏa cơn thèm. Nhưng phải tìm những cọng rau muống “đèo”, tức những cành rau muống gầy nhỏ, mọc tự nhiên; cùng với đủ thứ rau dại khác làm thành một bữa canh rau tạp tàng ngọt mát đến tận tâm can.   
Có ai thấy… Vườn sau… Hoa rau muống!
Tôi đã thấy, đã ngắm thật thỏa thuê những cánh đồng hoa rau muống trong những ngày ngắn ngủi rời xa thành phố. Để rồi khi trở về, một chiều thơ thẩn mở lại những dòng tin nhắn, chợt băn khoăn: “Lúc ấy chị bạn của tôi đang ngồi ngắm hoa rau muống hay là đang ngồi với nỗi nhớ nhung những cánh hoa mỏng manh, phớt tím, hiu buồn”?! 
Trần Nhã Thuỵ

LK Tình Nhớ - Phôi Pha - Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên

Chuyện Tình Hoa Muống Biển


 Hoa muống biển
Bao nhiêu cay đắng riêng mang,
Trách sao số phận phủ phàng đắng cay...?!
Hoa muống biển, giữa cát bay,
Vẫn nồng hương biển vẫn say sóng tình !
Tình xưa câm nín lặng thinh,
Khép lòng tìm chút yên bình hoa ơi !!
NM 

Hoa muống biển 

Anh bảo chị ra đây ném hết thư điAnh khôngmuốn chị em mang theo thư của anh nhỡ đâu có sự hiểu lầm khiến chị em sẽ phải khóc...

***
Khi những cơn gió nam non đầu hạ đổ về làng chài thì những đám muống biển mọc thành dề đã bắt đầu trổ hoa. Ở Cồn Đen, trên từng doi cát trắng đến nhức mắt giữa trưa hè chói chang là sắc hoa tím bật lên kiêu hãnh.
Bọn trẻ con một thời cùng nắng cùng mưa cứ rủ nhau vượt qua từng bãi cát để bước chân lên đám muống biển. Cả bọn tung tăng đùa nghịch sau mỗi buổi bắt còng, bắt cáy hay đào don nứa, đào vọp.
Mới ngày nào... Hàng chục năm qua đi rồi, đứa trẻ ngày nào còn lẽo đẽo theo chị ra biển giờ đã lớn tồng ngồng, đôi vai chắc nở. Cuộc đời cũng có biết bao sự đổi thay. Lâu lắm rồi tôi mới có thời gian rỗi để đi dạo với chị trên bãi biển. Chị cầm nụ muống biển tím thẫm đến nao lòng rồi thở dài. Tiếng thở dài của chị nghe não lòng. Tôi lặng im để mình chìm vào miền kí ức xa xưa... .                 
Nhà tôi ở ngay cạnh cửa sông Trà Lí đổ ra biển. Bố tôi mất trong một lần ra biển gặp cơn giông bị lật thuyền. Năm ngày sau mới tìm thấy bố tôi đem về mai táng. Chị em tôi sống luôn nhớ lời mẹ dặn, phải mang ơn những người đã đưa bố tôi về... Cơn mưa giông ấy đã giáng bất hạnh xuống gia đình tôi và khiến đời con gái chị cũng đa đoan theo.
Chị tôi hai mươi mốt tuổi, vừa học xong cao đẳng sư phạm đã phải lấy chồng để nhà không lâm vào cảnh khốn cùng. Anh rể tôi là dân đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài nhiều năm về nước nghỉ phép nhờ người mai mối để lấy chị. Mẹ tôi mắc một căn bệnh, chữa mãi chưa khỏi mà trong nhà cũng hết sạch tiền. Đồng lương hợp đồng của chị ở quê không đủ đi dự vài đám cưới trong một tháng. Chị nhắm mắt lấy anh để có tiền lo thuốc thang cho mẹ và tôi không phải nghỉ học ngang chừng.
Ngày nhà trai mang lễ xuống làm lễ ăn hỏi là một ngày trời mưa tầm tã. Mây đen từ khơi xa kéo nhau về ùn ùn phủ kín bầu trời. Hơn chục người bên họ nhà trai ướt như chuột lột, đồ lễ ướt nhèm. Chị ngồi trong buồng khóc. Tôi tưởng như nước mắt chị rơi còn nhiều hơn mưa lớn ngoài trời. Bất ngờ, chị ôm một bịch gì rồi lao đi giữa trời nước bạc trắng. Tôi chạy theo, cổ rát bỏng gọi chị. Gió thốc lên rồi ném từng vốc nước vào người rát rạt. Chị chạy ra cồn cát rồi ào xuống biển, đoạn chị tung tất cả những gì cầm trên tay lên trời. Tôi đau xót, chết lặng nhìn chị gào lên trước biển cả bao la trong tiếng sấm xé rạch bầu trời. Dưới ánh chớp nhoáng nhoàng, tôi thấy những lá thư anh Tú gửi cho chị dập dềnh trên mặt nước rồi bị sóng cuốn đi.
Anh Tú và chị yêu nhau lắm nhưng bị hai gia đình ngăn cản. Anh là con một trong một gia đình giàu có, lại là trưởng họ nên mẹ anh muốn anh lấy người bà đã lựa cho theo bà thì đã " môn đăng hộ đối". Anh học đại học ở trên Hà Nội nhưng vẫn luôn viết thư về cho chị đều đặn tuần hai lá. Hình như tình yêu càng ngăn cản thì lại càng mãnh liệt. Những lá thư anh gửi về nhà bị mẹ " tịch thu" và đốt sạch. Mẹ đã hết lời phân giải nhưng chị vẫn yêu anh. Mẹ giận chị lắm, vì chị yêu anh Tú mà gia đình anh ấy tỏ ra coi thường nhà tôi nghèo nàn. Thế rồi anh Tú gửi thư về cho chị theo địa chỉ của chị Hạnh bạn thân của chị ở xóm trên. Và tôi là người chị nhờ lên lấy thư. Tôi trở thành " sứ giả tình yêu" của chị lúc nào cũng không hay nữa. Ở cái tuổi lên mười, được dúi vào tay vài cây kẹo mút hay mấy thứ đồ chơi mà anh mang từ thành phố về thì mọi chuyện còn lại thì " nhỏ như con thỏ". Tôi mong anh về còn hơn cả chị ấy chứ.
Những lá thư làm chị thao thức bao đêm không ngủ. Có lúc, chị ấp lá thư anh vào ngực mình chìm vào một miền hạnh phúc ngọt ngào. Lúc đó, chị thật đẹp. Vẻ mặt tròn đầy đặn thánh thiện như bừng thắm hơn bởi đôi mắt long lanh niềm vui sướng dâng trào. Chị cười, nụ cười toát ra từ trái tim. Chưa hiểu tình yêu là gì nhưng tôi vô cùng ngưỡng mộ tình cảm của hai người.
Tôi ôm chặt chị và cũng khóc: - Không yêu thì chị đừng lấy!- Tôi gào lên trong mưa. Chị trả lời, giọng đầy nước:
- Chị không được quyền sống cho riêng mình, khi nào lớn, em sẽ hiểu.
Với chị, tôi mãi là thằng em bé nhỏ luôn cần sự che chở từ nơi chị.
Ngày chị cưới chồng mưa cũng vần vũ bầu trời. Suốt từ đêm hôm trước đến lúc đưa dâu không lúc nào ngớt hạt. Đang mùa biển động nên sóng cứ gầm gào ném theo gió vào đất liền những âm thanh nghe càng não ruột. Dì tôi chép miệng:
- Con này chưa đi đã chạy rồi số chỉ khổ thôi...
Chị mặc váy trắng cầm ô qua chỗ tôi. Tôi mím chặt môi để khỏi bật ra tiếng nấc, chị cốc đầu tôi:
- Nhóc yên tâm, chị lập trình sẵn cho mình mọi thứ rồi.
Tôi nhìn theo chị bước lên xe hoa y hệt một con rô bốt. Cô dâu trong ngày cưới mà như kẻ vô hồn.
Mưa tạnh, buồn quá tôi lang thang ra cồn cát. Tôi nhận ra anh Tú đang ngồi như một pho tượng trên dạt muống biển. Trên tay anh là một vòng hoa tím được kết từ những dây xanh bò trên cát nóng. Anh nói giọng như khóc:
- Nhi bảo anh, hoa muống biển mọc lên từ biển mặn, từ cát nóng nên nó mới có màu tím son sắt như thế. Nó thuỷ chung như lòng người quê biển...
Tôi ngồi xuống bên anh:
- Anh có giận chị Nhi không?
Anh lắc đầu:
- Anh hiểu chị. Anh sẽ đợi chị thêm năm năm nữa. Nếu cuộc sống của Nhi tốt đẹp thì sẽ không sao. Anh linh cảm cuộc hôn nhân này có nhiều bất trắc...
Ngừng một lát, anh nói tiếp:
- Anh bảo chị ra đây ném hết thư đi. Anh không muốn chị em mang theo thư của anh nhỡ đâu có sự hiểu lầm khiến chị em sẽ phải khóc. Hoan là bạn anh, anh hiểu nó.
Giọng anh nghẽn lại: - Anh trách mình nhiều lắm. Anh yêu chị em mà không mang hạnh phúc đến được cho Nhi. Anh còn đang đi học, anh còn phải phụ thuộc gia đình...
Tôi siết nhẹ tay anh. Tôi còn bé, chắc khó khăn lắm để anh nói ra những lời vừa rồi nhưng không ai hiểu tình anh dành cho chị như tôi nên anh mới trút nỗi lòng mình như thế. Chúng tôi ngồi như vậy đến lúc trăng lên cao mới ra về.
Chả cần mang theo thư của anh thì chị tôi cũng phải khóc sau ngày cưới được một tuần. Chị về nhà tức tưởi. Hỏi mãi chị mới khóc lóc kể lại rằng, sau đám hỏi, em trai anh rể tôi đi biển nhặt được một lá thư của anh Tú gửi chị dắt trên dải rau muống biển, chữ nghĩa đã nhoè nhưng đọc cũng hiểu được nội dung. Đêm tân hôn, anh Hoan mang lá thư ra tra hỏi. Và những đêm sau nữa, bóng đêm với chị là một cực hình khi cơn ghen của chồng nổi lên. Mẹ vứt va li quần áo của chị ra ngoài ngõ đoạn lấy con dao mài chém mạnh vào cột cổng:
- Nhà này không còn bố nhưng vẫn còn nóc. Con gái xuất giá sướng khổ cũng phải chết ở nhà chồng. Tao cấm cửa.
Giữa lúc chị van xin mẹ cho chị trở về nhà thì anh Hoan rồ xe máy phi thẳng vào sân. Chả biết anh nói gì với mẹ mà mẹ dỗ chị:
- Chồng nó có yêu thì nó mới ghen. - Mẹ quay sang anh: - Mà con Nhi nó đã tự vứt hết đi rồi, nó đã đoạn tuyệt với quá khứ rồi thì anh đừng như thế nữa.
Anh cúi đầu vâng dạ rồi đưa chị đi. Mẹ nhìn chị vừa lên xe vừa gạt nước mắt ra khỏi đoạn ngõ thì ngồi phịch xuống sân. Mẹ khóc. Thứ nước mắt khô như muối rang chảy vào lòng.
Hết tháng phép, anh rể trở lại nước bạn làm việc. Chị có mang và ốm nghén rất khổ sở. Chị bị áp lực từ phía nhà chồng, nếu không sinh được con trai thì anh ấy sẽ lấy vợ khác. Chị buồn. Mẹ luôn động viên phải giữ cho tâm mình được vui vẻ để sinh được đứa trẻ khoẻ mạnh, thông minh. Hôm chị đi siêu âm, bác sĩ cho biết, đứa bé chị mang trong người là con trai thì mẹ tôi mừng lắm, mẹ như trút hết được nỗi lo đè nặng trong lòng.
Ngày Nhím chào đời cũng là một ngày mưa. Mưa tháng tám hễ đâu có cơn đen là giọt nước rơi ngay chỗ ấy . Cơn mưa giông của vùng này vẫn thế. Tưởng có bao nhiêu nước ở biển ông trời hút hết lên đổ xuống đất lìên. Chị ôm con trong tay mình sau những cơn đau vật vã lúc sinh nở rồi nhìn mưa qua ô cửa kính của nhà hộ sinh. Nước trắng trời. Dưới sân , nước chảy ngập ngang bắp chân:
- Từ nay trở đi, chị có con là mục đích để cố gắng rồi em à...
Giọng chị buồn, sũng nước. Có một bàn tay vô tình bóp mạnh tim tôi đau nhói. Sao những gì đáng nhớ xảy đến với chị đều có mưa thế này?
Nhím đầy tháng, mọi người nội ngoai đến chúc mừng. Bố chồng chị hỉ hả ôm đứa cháu đích tôn của mình kể lể chăm chị ở cữ thế nào. Qua lời ông ấy, có người buột miệng khen chị tốt số lấy được chồng có điều kiện. Chỉ mình tôi biết, chị quay mặt vào tường cắn môi đến bật máu để cố ngăn dòng nước mắt chực rơi.
Ngày giỗ bố tôi, mẹ gọi điện xin thông gia cho mẹ con chị về cúng giỗ rồi ở chơi vài hôm. Họ đồng ý, tôi đạp xe đón chị. Đến nơi, thấy chị đang cho con ăn đĩa cháo bột mà mắt đỏ hoe. Chị giục tôi về trước. Đầu giờ chiều, chị mới tới, vứt uỳnh xe đạp chạy vội vào nhà thắp cho bố nén nhang rồi hớt hải ra về. Chị bảo thằng nhỏ đang sốt lên chị không ở lại thêm được. Tôi nghi hoặc. Lúc tôi ở nhà chị về, Nhím vẫn còn khoẻ mạnh, tôi gọi nó còn cười toe toét cơ mà. Mẹ chép miệng, trẻ con thì nó thay đổi như thời tiết ấy...
Mấy tháng sau, chị Hạnh mới cho tôi biết, ngày nào ra trường chị cũng khóc với chị ấy. Chị tôi khổ quá. Anh Hoan nói dồn tiền làm ăn bên đó nên không gửi tiền về cho bố mẹ như trước nữa cũng chả cho chị được một xu để mua tã cho con. Bố mẹ chồng tưởng anh gửi về cho chị, sợ chị đem hết tiền về lo cho đằng ngoại nên hành chị ghê lắm. Hôm giỗ bố tôi, chị ấy phải nhờ người nhắn với chị Hạnh gọi điện đến nhà bảo lên trường họp hội đồng vì có việc gấp để chị được ra khỏi nhà. Bố mẹ chồng không cho chị về cúng giỗ. Quần áo của chị ấy không được giặt nước giếng mà phải mang ra sông. Điện ngủ không được thắp, ti vi không được mở xem còn chiếc xe máy thì đắp chiếu để đó không được tự ý lấy đi dạy học. Chị dè xẻn từng đồng lương ít ỏi của mình để mua tã, quần áo và sữa cho con, cũng may chị được vào biên chế, tiền ăn góp nửa lương còn lại một nửa với bao khoản chi tiêu chứ lương hợp đồng vài đồng bạc thì chị tôi không biết xoay sở thế nào. Những lúc thằng nhỏ ốm, chị phải vay mượn bạn bè để mua thuốc. Anh Hoan sợ chị " tình cũ không rủ cũng về" nên nhờ bố mẹ ở nhà quản lí chị khiếp lắm. Chị không muốn mẹ tôi biết, chị sợ mẹ buồn...
Tôi choáng váng như ở một khoảng trống không trọng lượng. Thương chị đến thắt lòng mà tôi không biết phải làm gì. Đêm đó, tôi không ngủ ra ngoài sân ngồi. Thỉnh thoảng, chị cũng tạt qua nhà nhưng chưa đầy mười phút chị đã ra về. Chị luôn nói là bận . Nhưng tôi đâu biết rằng, chị đã phải tranh thủ lúc ra chơi vào thăm mẹ....
Sinh nhật Nhím đầy tuổi anh rể về phép. Anh chở hai mẹ con chị về nhà tôi chơi mỗi tối mà chả thấy chị cười bao giờ. Chị đi lại làm việc gì đó y hệt một người máy ngày một héo mòn hơn. Mẹ cắt và sắc cho chị vài thang thuốc sản nhưng chị không chịu uống. Hôm anh lên máy bay trả phép, chị vét đến đồng tiền cuối cùng đưa anh để anh bù vào tiền thuê xe ô tô chở anh ra sân bay. Tôi ngập ngừng:
- Thế tiền của anh ấy đâu?
Chị im lặng bỏ đi. Thấy chị vậy, tôi cũng không hỏi thêm gì nữa.
Mấy đứa bạn rủ tôi đi uống cà phê trên phố huyện. Thằng Tiến đi lao động cũng ở cùng nước với anh rể mới về bô bô kể chuyện cuộc sống bên Tây thế nào. Tôi chả lạ gì tính nó, khi nó đã "phát" thì khó ai giữ lại miệng nó ngừng hoạt động được nhưng được cái tốt tính, không bao giờ nói xấu ai. Tôi hỏi:
- Thế có gặp nhiều đồng hương bên đó không?
- Có chứ nhưng "đồng khói " không phải ai cũng tốt. Xã mình có ông Hoan làm cùng công ti với tớ nhưng ở trên " tổng". Kiêu lắm. Tớ chả thèm thân thiện. Gặp mặt tớ chào chả bảo tớ sao, những lần sau gặp, tớ coi như không biết. Cũng chả ra sao cả, cặp với con ô sin người mình làm cùng bên đó lại cờ bạc thâu đêm được đồng lương nào hết sạch, hôm rồi hỏi vay tiền tớ....
Một đứa lấy tay bịt miệng Tiến lại, nó lúng túng thanh minh rằng nó không biết đó là anh rể tôi, rằng nó nói đùa... Tai tôi ù đặc đi, tôi đã nghe trọn những điều mà tôi không nên nghe rồi. Tôi nói lại với chị những mong chị tìm cách nào đó níu giữ hạnh phúc của chị vốn mong manh. Chị bình thản đến không ngờ:
- Chị biết hết rồi em ạ. Anh ấy còn thách thức chị cho chị xem tin nhắn và hình hai người chụp chung nhưng chị chả thèm nhìn. Anh lồng lên như một con thú hoang lao vào đánh chị. Chị sẽ sống cho con một cái vỏ gia đình em à. Chị em mình mất bố từ nhỏ, chị không muốn con chị phải thiếu thốn tình cảm. Con người ta sống khổ nhất là sinh li tử biệt. Thôi đừng để mẹ biết nghe chưa?
Mưa. Lại một cơn mưa như trút nước trong màn đêm đen đặc. Có một trận bão xa nên tàu cá tôi đi đánh thuê phải nằm bến. Mưa cùng gió đuổi nhau chạy qua hồi nhà ném nước lên mái tôn rào rào. Có tiếng xe máy vào sân, tôi hé cửa nhìn ra. Chị lùng xùng áo mưa xuống xe bế Nhím con đi vào nhưng đến cửa đã nằm vật ra. Tôi đưa chị vào nhà. Cả người chị lạnh cóng. Lúc mẹ thay quần áo cho chị tôi lao đi trong làn mưa gọi y tá ngoài trạm xá xã. Rồi chị cũng tỉnh. Cu Nhím khóc chán rồi ngủ. Mẹ vuốt tóc chị, thở dài sõng sượt:
- Bát đũa còn có lúc va chạm nữa là. Nhẫn nhịn rồi mọi chuyện sẽ qua thôi con à.
Chị vô cảm nhìn trân trân lên trần nhà.
Sáng sớm hôm sau, bố mẹ chồng chị đã có mặt ở nhà tôi đòi bắt thằng bé. Nó tỉnh ngủ ôm chầm lấy mẹ khóc ré lên. Chị không chịu. Ông bà ta tru tréo chửi rủa nhà tôi chả ra gì. Rằng nhà tôi nghèo hèn, bố tôi mất mẹ tôi phải đi làm thuê để sống, chị tôi không ai thèm lấy mẹ con tôi phải " lừa" con trai ông ấy vào tròng để có chồng, lương giáo viên ba cọc ba đồng không đủ ăn, họ bảo con trai họ bỏ chị để lấy người khác đi nước ngoài có nhiều tiền rồi đưa tiếp ba lá đơn li hôn anh rể đã kí sẵn gửi từ Quatar về bắt chị kí. Chị cầm bút kí hết, chả thèm đọc xem trong đó viết gì. Tôi ức lắm, cục uất lên tận cổ nhưng chị không cho tôi và mẹ nói gì, chuyện của chị, chị tự giải quyết. Khi ông ta đòi lại chiếc ấm điện mà anh Hoan mới gửi một người bạn từ bên đó về cho chị , chị trả luôn. Chiếc xe máy chị không trả vì giấy đăng kí xe mang tên chị. Đến lúc này, mẹ mới vỡ lẽ ra tất cả những gì chị đã cố chịu đựng. Mẹ gào lên đau đớn, tuyệt vọng:
- Cả đời tôi có làm điều gì thất đức đâu sao mà con tôi khổ thế này hả trời? Từ đời thượng cổ đến giờ, có ai đời bố chồng mang đơn li hôn bắt con dâu kí không?
Nói rồi mẹ quỵ xuống.
Đêm đó, trung tâm bão đi qua làng chài. Gió mưa quay cuồng gào thét. Những cơn gió điên giận ném xuống mái nhà những cành cây gãy. Mưa trút nước xuống , chảy lênh láng khắp nhà. Mặc. Không ai trong nhà tôi còn tâm trạng mà lấy thau hứng nước rồi đổ ra ngòai cho nền nhà khỏi ướt nữa.
Bốn tháng sau, anh rể về nước, quẳng vào mặt chị thêm một lá đơn li hôn nữa. Chị nghẹn ngào:
- Em muốn mình sống cho con một cái vỏ gia đình. Em biết hết những gì anh làm bên đó rồi. Con cần một gia đình đầy đủ. Khi con lớn, mình chia tay.
Anh ta nhếch mép cười, cái cười đểu giả và khinh nhược. Tôi đứng ngoài nhìn vào chỉ muốn đấm tan cái mặt đen nhẻm chả ra gì ấy ra làm trăm mảnh.
- Tôi không cần vợ cũng chả cần con. Không có tiền thì nghèo sẽ đi với hèn cô thừa biết rồi còn gì. Có tiền thích bao nhiêu vợ, bao nhiêu con mà chả được. Thân cô chỉ là một lời thách đố của lũ chúng nó ở nhà tán cô không nổi, tôi bỏ ra ít tiền, tôi có cô...
Chị hét lên, mắt nảy lửa:- Anh đưa đơn đây tôi kí. Hãy mau ra khỏi cuộc đời tôi.
Cầm lá đơn trong tay anh ta đắc thắng cầm luôn chìa khoá xe máy Nhím chơi để trên bàn uống nước:
- Tôi về không có xe đi lại tán vợ nên cô trả xe tôi.
Thằng nhỏ kêu lên thất thanh đòi chìa khoá xe có con khủng long bằng nhựa mà nó thích. Giọng chị đặc đi:
- Chiếc xe giấy tờ mang tên em, một nửa mua nó là tiền mừng cưới của em, có ra toà cũng thuộc về em. Hàng ngày em đưa con đi học, đưa con đi chơi, đưa con đi khám bệnh và em đi làm lấy tiền nuôi con bằng chiếc xe này. Anh không còn lương tâm làm người thì mới lấy đi...
Mặc cho tiếng con non nớt gào thét đòi xe cho mẹ, anh ta vẫn cứ lạnh lùng cúi xuống, tháo chiếc ghế xe chị đã buộc vào đó để chở con hàng ngày ra. Chị ôm con vào lòng, lấy tay che mắt con lại giữa sân trong làn mưa rét cắt da thịt của tiết đại hàn quất vào mặt.
Cả ngày hôm đó, chị không ăn uống , không nói một lời nào, nằm bất động như một xác chết ở trên giường. Đêm đó, mẹ tôi thi thoảng lại sờ vào người chị xem chị thế nào, mẹ sợ chị nghĩ quẩn. Rồi chị cũng nói:
- Con sẽ sống thật tốt vì Nhím cũng như mẹ đã sống vì chị em con. Mẹ yên tâm ngủ đi.
Mẹ suốt ngày nước mắt thương chị còn chị thì nước mắt đóng băng trong lòng rồi. Bố anh ta còn mang đơn lên trường chị công tác yêu cầu ban giám hiệu và cả lên phòng Giáo dục huyện nữa đuổi việc chị vì chồng chị không có nhà mà dám bỏ về nhà đẻ, để khi toà xử li hôn chị không được nuôi con.
Mẹ lo lắng. Chị trấn an mẹ:
- Con vẫn làm tốt công việc của mình không ai có thể đuổi việc con được. Dù có bị mất việc, con vẫn được nuôi con vì cháu chưa tròn hai tuổi. Con còn hai bàn tay, có nhiều việc con có thể làm để sống tốt mẹ à.
Chị tôi trở nên nổi tiếng trong vùng nhờ lá đơn kiện vô lí và tàn độc của ông nội con trai mình. Có nhiều lời bất bình của mọi người bênh vực chị tôi đã được nghe.
Chị chia tay chồng và giành quyền nuôi Nhím con. Một tháng sau, bố anh ta thăm cháu và vẫn đòi thằng bé vì nó là đứa cháu đích tôn thờ phụng hương hoả cả chi tộc họ Phạm ở thôn Bái Kiện. Chị đưa ra quyết định của toà án. Ông ta đành chịu và vứt lại một tờ giấy viết bằng mực đỏ đoạn tuyệt Nhím con. Đọc xong, chị cười, tiếng cười khiến tôi nổi da gà. Mẹ tưởng chị điên, ôm chầm lấy chị mà lay mà gọi...
Tôi kể cho chị nghe về cuộc gặp mặt vô tình với anh Tú trên chuyến xe buýt sáng nay khi anh từ thành phố về nhà. Giờ anh đã thành đạt, có công ty riêng. Anh vẫn chưa lấy vợ. Anh biết hết tất cả chuyện của chị nhưng anh hiểu tính chị, anh để thời gian cho lòng chị tự chữa lành vết thương. Anh muốn thực hiện lời hứa khi xưa. Chị thả vòng hoa tím vừa kết xong xuống biển rồi sẽ sàng:
- Yêu một người đã khó, quên một người lại càng khó hơn. Giờ chị thế này... Mọi chuyện cũng đã qua rồi em à. Chị không được ích kỉ. Với chị, anh sẽ phải trải qua rất nhiều khó khăn nữa. Chị tin anh ấy nhưng cũng không muốn anh ấy khó xử.
Vòng hoa lại càng trôi xa hơn khi có đợt sóng liếm vào bờ cát.
- Chị mong anh ấy hạnh phúc. Với người khác , anh ấy sẽ nhẹ lòng hơn nhiều. Chị sẽ sống vì con em à. Mặc dù một mình nuôi con sẽ vất vả nhưng được làm mẹ cũng hạnh phúc lắm rồi.
Chị chỉ xuống vạt muống biển:
- Em có thấy loài cây này đặc biệt không? Giữa thời tiết khắc nghiệt nắng to, cát nóng như chảo rang thế này mà nó vẫn xanh tốt và nở những nụ hoa thật đẹp. Cây cỏ còn biết vươn lên khó khăn thử thách để mà sống cho có ý nghĩa nữa là con người.
Thuỷ triều dâng cao, hai chị em cùng rảo bước về nhà.
Nắng nóng kéo dài, sự oi bức ngột ngạt ấy khiến cho con người cũng chẳng muốn gần gũi nhau. Trời âm u vật vã mấy ngày liền . Tàu cập bến đúng chiều ngày 1- 6 để tôi thực hiện lời hứa với Nhím con về đưa nó ra biển chơi. Rồi cũng mưa. Những hạt mưa đầu tiên rơi xuóng triền đê nóng bỏng, cháy xèo, bốc khói. Cái mùi nồng đậm của mưa gặp đất mặn bay xộc vào từng nhà. Tôi thích thú mở cửa đón mưa, hít căng lồng ngực hương nồng mát lạnh ấy. Từ trên gác cao của ngôi nhà mới xây, chị cùng tôi nhìn ra biển. Mưa chạy đùa cùng gió reo vui trên mặt biển, mưa đan trên rừng vẹt phía xa, mưa ào ạt trên mái hiên nhà. Chị đắm mình vào từng sợi nước. Có lần chị nói, chị thích được ngắm mưa như thế này, mưa là sự kì diệu của thiên nhiên, khi đó trời đất giao hoà, là cho và nhận. Chị khẽ rùng mình, cái rùng mình tinh tế của cảm xúc...
Mưa tạnh. Tôi cùng mẹ con chị thả bộ ra biển. Có nhiều đứa trẻ đang chơi đùa trên cát. Qua cơn mưa, mặt biển sáng và êm dịu lạ. Không khí trong trẻo và mát mẻ vô cùng. Mọi thứ như vừa được gột rửa sạch sẽ. Trong phút giây ấy, tôi thấy mình như lạc vào một thế giớ hư ảo, tinh khiết. Cầu vồng bảy sắc bắc ngang qua vòm trời in xuống mặt biển lăn tăn sóng. Nhím con reo mừng chỉ lên trời xanh. Và chị kể cho con mình nghe câu chuyện về cầu vồng. Lâu đài trên cát, công chúa, hoàng tử, bầy còng...lại hiện ra như ngày nào. Lũ trẻ con nô đùa trên cát, tiếng cười giòn trong như pha lê hoà vào gió mát lành. Và hoa tím, muống biển vẫn tím long lanh khoe sắc. Vốc hoa lũ trẻ vừa tung lên đang xoay tròn xoay tròn từng nụ tím trên mặt nước. Lần đầu tiên tôi được ngắm biển sau cơn mưa thật đẹp và bình yên như thế.
Hân Du    
                  
  CÁI AO RAU MUỐNG
Mảnh đất sau nhà lão Bảnh ở xóm này ai lại không biết. Từ khi hợp tác xã giao khoán đất canh tác cho xã viên, chẳng người nào chịu nhận mảnh đất này để canh tác bởi “ nó chẳng giống ai” vì quá nhỏ chưa bằng góc tư cái sân phơi lúa của nhà lão Bảnh, đất nhiểm phèn lại lởm chởm những sỏi, “pha không pha – thịt không thịt” trong khi qui định nộp lợi tức thu hoạch theo tỉ lệ lại khá cao! Không ăn! Thế rồi, mảnh đất ấy xem như bỏ hoang từ tháng này đến năm nọ, chẳng ai ngó ngàng, thậm chí làm ngơ khi nghĩ đến chuyện trồng mè, cầm cuốc vun lên vài vòng khoai hay thả xuống vài hom mì chống đói.
Con Vá sủa gâu gâu vài tiếng rồi chồm dậy chạy ra ngoài ngõ, vẩy đuôi mừng rỡ. Thằng Trọn – con lão Bảnh – bước vào sân. Nó vừa đi vừa cúi xuống vuốt đầu con chó, mắt nhìn vào nhà, giọng pha chút trịnh trọng:
- Ba ơi, có tin mới đây!
Lão Bảnh bước ra, vồn vã:
- Trọn đó hả? Có chuyện gì không con?
- Vào nhà hẵn nói… Chuyện lớn đây!
Ngồi trên bộ ván săn đá ngả nâu láng bóng, lão Bảnh thủng thẳng rót ly trà, cố gắng tỏ vẻ bình thường như không có chuyện gì xảy ra.
- Uỷ ban xã vừa thông báo cấp sổ đỏ cho các hộ gia đình…Ba khai báo đất thổ cư nhà mình nhanh đi! Giọng thằng Trọn thúc giục.
Ngụm trà chưa kịp trôi qua cổ họng. Lão Bảnh như muốn chồm dậy, nhìn thẳng vào đứa con đang ngồi đối diện, nói liền một hơi:
- Cái gì? Mấy năm rồi chờ có bao nhiêu đó! Chừng nào hết hạn? Người ta tới nhà mình hay mình lên xã khai báo?
- Lên đó mua hồ sơ rồi về nhà làm, xong, nộp. Lấy số hẹn ngày giải quyết!
Thằng Trọn vênh mặt trả lời với giọng kẻ cả, cộc lốc. Hình như nó đã quen rồi với thái độ tiếp xúc với dân từ khi nó được cử làm cán bộ địa chính của xã cho dầu hiện nay nó chẳng là gì cả - hưởng chế độ một suất dành cho nhân viên hành chánh- vì học vấn của nó không đến đâu, đang học lớp bảy hệ bổ túc văn hoá tại địa phương và cũng có lẽ nó đã bị “dính keo” vào cái tính “ coi Trời bằng nắp vung” của cha nó.
Lão Bảnh đốt chiếc đèn dầu, rón rén bước đến cái tủ thờ vì không muốn thằng Trọn thức giấc. Nhẹ nhàng mở cửa, lão lấy ra cuộn giấy được gói kỷ trong một túi ny-lon dày cộm. Dưới ánh đèn mù vàng hoe, lão lật từng tờ một và đặt sang một bên những gì cho là cần thiết kèm theo cái gật đầu tự hài lòng.
Con trăng lưỡi liềm chếch sang đầu ngọn tre. Ở góc nhà tối om, tắc kè kêu nấc lên những tiếng đơn độc quạnh hiu. Trời không một chút gió. Lão Bảnh không thấy ngột ngạt, trong lòng lại cồn cào trổi lên sự toan tính: Làm sao mảnh đất bỏ trống phía sau nhà trở thành vật sở hữu riêng. Mà đến bây giờ, chắc chẳng ai biết nó có từ lúc nào và cũng có lẽ ai cũng cho là nó đã thuộc về lão; ít nhất lão đã có công “ chăm sóc, trông nom” vì nó nằm sát sau nhà.
Lão xuệch xoạch bật lửa mấy lần, điếu thuốc bặm chặt trên miệng run rẩy, cuối cùng đám khói cũng nhả ra từ bàn tay u nần khô nhám. Hít một hơi thật sâu như muốn thu tóm cả màn đêm mù sương vào lồng ngực, lão thấy sảng khoái khi hình dung cái tương lai gần mình sắp có như một chiến tích hào hùng của một thời trai trẻ “ vỗ ngực xưng tên” đấy ra những cuộn giấy cũ. Lão nghĩ bụng: Tối mai sẽ tranh thủ biến mảnh đất hoang ấy thành một ao rau muống và xem đó là nguồn thu nhập chính của gia đình bấy lâu nay – một minh chứng hoàn hảo – nhằm cho việc hợp thức hoá diện tích đất ở vào trong sổ đỏ.
Ông bà xưa từng nói: “Tấc đất- tấc vàng” quả không sai chút nào, nhất là ở thời buổi này, nhà nhà có tiền đều thi đua kinh doanh bất động sản. Biết đâu, sang năm khu đất này được qui hoạch xây dựng đô thị, một xa lộ chạy ngang trước mặt nhà… lúc đó… “ đời lên tiên”, mảnh đất bị chối bỏ kia trở thành vài ba trăm lượng là chuyện nhỏ! Nghĩ đến đó, lão thấy như nóng bừng cả mặt, máu dồn cả lên đỉnh đầu, tim muốn ngưng đập, cơ thể muốn phồng ra, hơi thở hổn hển gấp gáp, một vùng sáng tung toé phía trước.
Lão Bảnh dang tay ngã người ra sau, nằm bẹp như bất động. Cái hơi lạnh bốc lên từ mặt thềm gạch phía dưới lưng không đủ sức đánh tĩnh sự hoan lạc đang choáng ngợp trong lòng lão.
2-
Những cơn mưa chiều liên tục, ông Trời như muốn phù hộ lão Bảnh. Suốt mấy đêm liền, chờ mọi người chung quanh tắt đèn đi ngủ, lão Bảnh lặng lẻ mang cuốc xà-beng ra mảnh đất hì hục đào bới. Mảnh đất lõm dần, để lộ một cái trũng trông giống một cái rỗ méo mó lọt thỏm giữa thảm ruộng xanh mênh mông. Mảnh đất “vô chủ” bây giờ trở thành “có chủ”.
Nhín lại những cọng rau già trong thức ăn của lũ heo, lão Bảnh cắm bừa vào cái ao vừa hình thành vội vã sau nhà. Lão thấp thỏm, lấm lét đảo mắt chung quanh xem có người nào chú ý đến nơi lão đang đứng hay không.
Những chiếc lá non lũ lượt vươn dài nhanh như thổi. Vài con ếch xuất hiện xì xụp dưới dưới đáy ao tìm nơi ở mới. Những bong bóng tròn nổi lên khỏi mặt nước màu vàng đục sâu tới mắt cá chân đánh dấu chú cua đồng mon men tìm đến săn mồi.
Lão Bảnh buông đủa, nhìn ra sau nhà, mỉm cười một mình. Cái thói quen mắt trông chừng phía ngõ biến mất từ khi thằng Trọn về báo tin làm giấy tờ đất. Bụng lão tự dưng muốn no dù ăn chưa đầy một chén. Sự mãn nguyện lộ rõ lên đôi mắt tham lam tủn mủn của lão như một kẻ thắng trận đi thu nhặt chiến lợi phẩm.
3-
Con Loan mếu máo chạy ùa vào nhà. Nó vất cây roi tre ngoài bụi chuối bên hiên nhà.
- Ông Tư Bảnh đánh con!
Bà Bảy – mẹ con Loan- trợn tròn mắt nhìn con, hỏi:
- Mắc mớ gì ổng đánh mày?
- Con lùa vịt vô ao rau muống của ổng … Con Loan vẫn mếu máo, thút thít.
- Cái gì? Ao rau muống của ổng?
- Ổng còn nói ... Hể mày còn để vịt vô đây là tao xuỵt chó ra cắn hết ráng chịu! - Con Loan kể lể.
Bà Bảy giận muốn tím mặt:
- Ai nói ao rau muống đó của ổng? Để tao!
Chẳng nói thêm, bà Bảy đi như chạy về phía nhà lão Bảnh.
… Câu chuyện cải vã đến mức gần như xô xát giữa lão Bảnh và bà Bảy không dừng lại ở phạm vi bìm giậu le chùm mà nó loang dần ra tận đầu làng đến cuối hẻm. Lão Bảnh khăng khăng cho là ao rau muống do mình khai phá và kiếm tiền chợ nhờ nó từ lâu. Bà Bảy một mực nó chẳng phải của ai cả. Thế mạnh nghiêng dần phía lão Bảnh. Bà Bảy không có chứng cứ bao biện. Lão Bảnh đắc chí tung ra đòn thí mạng “ Có gì không tin… lên xã hỏi!”. Vài người hàng xóm tụm lại thầm thì to nhỏ: “Đụng vào Tư Bảnh làm gì cho thêm mệt! Ai lại không biết thằng Trọn – con lão - đang “ xưng hùng xưng bá” nơi ấy!”.
Có hậm hực cũng đành chịu, bà Bảy bỏ bữa cơm trưa, đến nhà ông thư ký hợp tác xã trước đây hỏi cho ra lẽ. Trong lúc ấy, lão Bảnh cau có rặn óc tìm kế hoạch thu tóm nhanh mảnh đất ấy về mình. Lão “À” lên một tiếng, bụng nghĩ: “Ngày mai vào rừng kiếm mớ tre gai về rào quanh cái ao cho chắc ăn…”
4-
Nghe bà Bảy trình bày, ông cựu thư ký hợp tác xã trả lời bằng cái lắc đầu, giọng gọn lỏn:
- Chuyện nhỏ! Bỏ qua đi!
- Bỏ qua sao được?
-Miếng đất nhỏ xíu ấy mà! Lợi ích bao nhiêu!
-Nay mai ổng lấn sang nhà ông thì ông tính sao?
-Bà nói quá! Nhà tui cách nhà ổng cả mấy đám ruộng!
Thấy như “ Nước đổ lá môn”, bà Bảy tiu nghỉu trở về nhà. Nước mắt chừng ứa ra vì buồn và giận, ước gì ông Bảy còn sống! Trước đây, ông Bảy với ông Tư Bảnh đối xử nhau rất chí tình chí nghĩa. Không phải vì cùng độ tuổi, cùng kham khổ như nhau mà hai ông còn là đôi bạn chiến đấu, cùng nằm gai nếm mật, người canh gát- người xuống bàu lấy nước cho đồng đội. Tuy ông Bảy chết đi, hai nhà vẫn không bao giờ “ lời qua tiếng lại”. Thế mà…
Cái thói đời như vậy đó. Bao quanh biết bao nhiêu là kẻ cơ hội, thấy cái lợi nhỏ là quên ngay cái tình nghĩa lớn. Cái lẻ phải tuy rất cỏn con sẽ mãi “ không là cái đinh gì” trong muôn vàn cạm bẩy và cám dỗ trong thời buổi kinh tế thị trường này.
Bà Bảy than thở với con Loan :
- Sao Trời không sụp xuống đè chết hết cái lũ người tham lam như cha Tư Bảnh kia…”.
Con Loan ra giọng như một triết gia, nó an ủi mẹ:
- Cái gì đến, nó sẽ đến!
- Nói như vậy nghe được? Mày biết gì!
Bà Bảy thở dài. Căn nhà lão Bảnh bên kia đường thắp đèn sáng trưng như chuẩn bị một cuộc chiêu đãi lớn. Con Loan như hiểu mẹ mình. Nó bắt chước mẹ lắc đầu thở dài, nói đâu đâu:
- Có đèn phụ trăng!
Ôm con vào lòng, bà Bảy lấy tay vuốt mái tóc đen dày mùi khói nắng của nó. Bà lẩm bẩm, than thở:
- Tuổi đã mười lăm cứ như còn mười một…
5-
Nghe nói đâu trên xã cũng biết chuyện lão Bảnh lấn chiếm đất công. Thằng Trọn ra mặt kêu oan thay cha nó cũng bị cho ra làm dân phòng. Mỗi lần họp dân cũng đều nghe mấy ông uỷ ban bóng gió về chuyện này pha lẫn chút răn đe của luật pháp. Hôm mừng thọ bà Bảy, Hội Người Cao Tuổi của xã đến thăm, không thấy bóng dáng lão Bảnh như mọi năm, kể cả ông cựu thư ký hợp tác xã.
Cái ao rau muống nằm trơ ra lặng lẽ. Người dân cũng chẳng biết sử dụng nó vào mục đích gì. “ Bỏ thì thương, vương thì tội”, chi bằng cứ để đó, ai muốn hái rau về luộc thì hái, ai muống thả vịt tìm ốc thì cứ thả.
Cánh cửa sau nhà lão Bảnh đã đóng kín mít, chẳng ai thấy hé mở bao giờ. Mỗi vụ gặt, người ta nhìn về phía ao rau muống khen nức nở:” Hoa rau muống nở dày, màu tím trắng trông cũng hay hay !”
Bảo L

Người Tình Quê

Tình quê   
Thương sao mảnh đất quê nghèo !
Cùng nhau chia sẻ ngọt ngào tình thân...
Dẫu xa rồi cũng hoá gần,
Tình làng nghĩa xóm đỡ đần bên nhau....
Sống cùng tấc đất ngọn rau,
Sớm hôm kề cận biết bao vui buồn !!
NM
Kết quả hình ảnh cho gánh rau 
 Gánh rau muống
Chị Điển giặt xong mớ đồ của mấy đứa con, chị khchị đã gần ngày cho ra đời đứa bé càng làm cho chị thêm nặng nề.
Tiếng bà Thâu bên kia hàng rào:
-Mự Điển hôm nay có ra ruộng không? Nếu có cắt rau muống về để cho tui mấy bó nhé! Con bé nhà tôi đòi nấu bún riêu cua mà chẳng còn cọng rau muống nào nữa cả. Hôm qua con bé đi ruộng về bắt được một mớ cua đồng ngon lắm!
-Dạ, con cũng tính chiều chiều rồi ra cắt rau. Chà! Bún riêu cua đồng ăn với rau muống chẻ thật là ngon, bác cho con một tô với nhé! Chị Điển cười trả lời.
-Ừ, chiều đưa rau qua rồi mang canh riêu về cho mấy đứa nhỏ ăn nữa, mà này ghé qua chợ chiều nơi cổng chính mua thêm vài ký bún. Bên này bún đang còn mà chắc không đủ nữa!
Chị Điển đã treo xong mớ quần áo, nắng buổi trưa làm mồ hôi ướt đẫm vầng trán. Chị vui vẻ nghĩ đến bữa cơm chiều bằng bún riêu, có lẽ đây là bữa bún riêu cuối cùng trước ngày ở cữ, vì sau khi sinh chắc chắn chị phải kiêng khem mấy loại đồ ăn này cả mấy tháng. Nhà chị có đám ruộng sình, quanh năm nước đọng như cái đầm lầy, rau muống ăn quanh năm. Anh Điển đã đắp bờ chặn lại ngăn nước, nên bây giờ nó như cái ao, rau muống mọc nhanh bò lan rộng ra gần hết mặt ao, cứ mươi ngày chị lại cắt một lần gánh ra chợ bán. Rau muống nhà chị cọng to, nõn nà ai cũng thích, có hôm chị gánh về qua chợ chiều, ghé lại mua ít cá hay vài thứ lặt vặt, bà con xúm lại mua người vài bó hết sạch, chị khỏi phải gánh lên chợ trên. 
Cái đám ruộng sình vậy mà được việc, bây giờ ngoài rau muống lại còn có cá đồng nữa. Có bữa thằng con lớn dắc bò đi qua nghe cá lóc quẫy, nó nói ba tát ao bắt cá. Anh Điển cũng biết là có nhiều cá, nhưng còn chờ nắng lên cho nước rút bớt mới tát cho đỡ công.
Thằng con lớn đi học về trước, nó vào nhà hỏi mẹ:
-Có chi ăn không mẹ? Con đi bò đây.
-Mẹ lấy sẵn dưới bàn đó, ăn đi rồi tiện đường ra rẫy đưa cho ba thêm ấm nước chát. Ba mày giờ này mà hết nước chè xanh có lẽ ngồi ngáp rồi! Nói ba chiều nay có bún riêu nha!
Mấy đứa nhỏ cũng lần lượt đi học về, chị Điển dọn cơm cho tụi nó ăn. Lớp nhỏ nhà chị ăn khỏe như vâm, nhà nghèo chẳng mấy khi có thịt cá, bữa nào cũng canh rau lưa thưa mấy con tôm nhỏ, ngọn bù xào với chút mỡ, cà dưa chấm nước tương…nhưng chẳng đứa nào chê cả. Nhìn mấy đứa con ăn cơm húp canh xùm xụp, chị cảm thấy vui trong lòng, đứa nào cũng mạnh khỏe mặc dù chẳng no tròn gì lắm. Chị đưa tay sờ lên bụng, lại sắp sửa thêm đứa nữa, có lẽ vài ngày nữa là chào đời rồi. Chị tính nhẩm coi đã được mấy tháng mấy tuần, nhưng rồi cứ lộn đi lộn lại, chị chắt lưỡi:
-Chà! Tính làm chi cho mệt! Đến ngày rồi nó cũng phải ra thôi!
Nghĩ vậy chị cũng bật cười! Đã có lần chị nói với anh Điển:
-Nhà mình bốn đứa rồi! Có lẽ cai là vừa.
-Mẹ mày hay lo. “Trời sinh voi trời sinh cỏ”. Cai với cắt gì cho rắc rối lôi thôi! Anh Điển cười cười nhăn nhó.
 Chẳng là anh cũng không biết phải cai bằng cách nào đây. Tuy vậy, anh chị cũng bàn tính sau đứa thứ năm thì cũng phải “nhín bớt” lại, với cái đà này nội việc lo cái ăn, cái mặc là thấy mệt rồi, chứ đừng nói đến chuyện học hành sách vở.
Nắng chiều đã hanh vàng, không còn gay gắt như ban trưa nữa. Chị Điển sửa sọan gióng gánh để ra ruộng. Lác đác đã có vài người từ ruộng rẫy về sớm.
-Đi cắt rau muống phải không Chuyên?
Chị Điển ngó qua đám rãy bên đường, vườn cây tiêu rậm rạp, chị Hoành đang đứng trên thang cột dây tiêu. Chuyên là tên gọi hồi con gái của chị Điển:
-Ừ, đi cắt rau đây. Có nấu canh gì không chiều mình đưa cho vài bó?
-Gớm, đến ngày rồi mà không chịu nghỉ, coi mà nằm đẻ ngoài ruộng luôn đó!
-Chà! Lo chi, đẻ thì đẻ, mấy lần rồi chứ ít chi! Chị Điển cười.
-Nói vậy chứ lúc về đưa cho mình vài bó nha!
Chị Điển lội bì bõm trong đám ruộng, sình lầy có chỗ sâu đến đầu gối, bình thường đã khó lội trong cái vũng ao này, bây giờ cái bụng nặng nề lại càng khó khăn hơn. Tuy vậy, vốn là dân làm ruộng mấy đời, chị Điển cũng chẳng thấy khó nhọc gì lắm. Tay chị cầm liềm thoăn thoắt cắt ngọn rau muống, thỉnh thoảng chị giật mình vì tiếng quẫy nước của con cá lóc. Nhìn mớ rau đã cắt chị Điển ngẫm nghĩ chắc cũng đủ rồi, vừa gánh với cái bụng bầu của chị, chứ lúc trước thì từng này thấm gì! “Gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu”! Chị chẳng còn là mười bảy mười tám gì nữa, nhưng thực ra chị còn khỏe hơn cả đám con gái mới lớn đó nữa!
Gom rau lên bờ, chị bó lại thành từng bó nhỏ gọn gàng, đã nhiều lần làm công việc này nên chị Điển làm rất nhanh, chợt chị thấy cái bụng nhoi nhói, đứa bé có lẽ trở mình sao đó, mấy lần trước, chị cũng sinh mau lắm, có lần anh Điển chạy đi kêu bà đỡ, chưa về đến nhà thì chị đã sinh rồi. Chị ngồi xuống bờ ruộng, lấy tay xoa xoa cái bụng bầu:
-Rán đợi đi con, để mẹ về nhà đã!
Nghỉ một lúc, chị xếp rau gọn gàng vào rổ rồi gánh về. Gánh rau chẳng nặng nề gì ngay cả lúc này, nhưng chị cũng thoáng chút lo âu, nhỡ may sẩy thai thì thật tội, bà con lại nói là ham làm không biết kiêng tránh công việc nặng. Đã hơn nửa đường về nhà, cái bụng chị như trễ xuống, chị có cảm tưởng không tài nào chờ đợi thêm được nữa. Chị đặt gánh rau xuống bên vệ đường rồi ngồi nghỉ, cơn đau lại quặn lên. Chị mong có ai để nhắn về nhà
-Chị Điển phải không? Đau bụng đẻ hả?
Bà Huyễn trên vai với cái đòn xóc hai bó cỏ lớn, thấy chị Điển ngồi nghỉ có vẻ lo lắng, bà dừng lại hỏi thăm. Chị Điển mừng quýnh:
-Bác Huyễn, nhờ bác về ghé qua nhà con nói đứa nào kêu anh Điển về đánh xe bò ra đưa con về, con đau bụng lắm có lẽ không đi về được nữa!
Bà Huyễn vừa cười vừa đặt hai bó cỏ xuống:
-Để có đứa mô đi bò về qua tui nhắn cho, tui ngồi lại đây với chị, chứ coi bộ tui nghi là xe chưa ra mà con đã ra rồi!
Vừa lúc đó cu Liễng dẫn bò về ngang. Bà Huyễn nói:
-Liễng, con về qua nhà chú Điển nói đứa nào đó đưa xe bò ra chở mự Điển về, mự sắp đẻ rồi, đi không nổi nữa. Nếu như không có ai ở nhà, con chịu khó chạy qua nhà bà Thâu nhắn bà Thâu nói dùm cho.
Cu Liễng tò mò nhìn chị Điển trả lời:
-Dạ, để con nói cho. Mà hồi nãy con thấy xe bò anh Chiếu sắp về, nếu như chú Điển không ra kịp thì nhờ anh Chiếu chở về cho.
-Thật không? Nhưng cứ về qua thì nhắn nha Liễng. Cám ơn con nha!
Trời đã về chiều, người đi làm bắt đầu lũ lượt về, vài ba chị đứng lại hỏi thăm. Chị Điển biết có lẽ không rán được nữa nói với bà Huyễn:
-Bác Huyễn, có lẽ con đẻ bây giờ chứ về nhà không kịp nữa!
Bà Huyễn cũng lúng túng, thường tình ở nhà thì cũng chẳng có gì cho bà phải khó nghĩ, vì là chuyện đàn bà sinh đẻ thường quá, nhưng bây giờ ở giữa đường giữa sá bà chẳng biết phải làm sao. Chị Quỳnh đề nghị:
-Bác Huyễn, có lẽ đưa chị Điển xuống phía dưới ruộng, trải tấm ny lông cho chị nằm đỡ, trên đường như thế này bò me đi lại bụi bặm quá. Con nghĩ chắc chị Điển không về kịp đâu.
-Ừ! Vậy đỡ chị Điển xuống, đi qua cái mương cẩn thận nha!
Thấy mấy đứa nhỏ đi bò về qua đứng lại nhìn, bà Huyễn nạt:
-Bây lo coi bò về đi, nhìn gì mà nhìn! Chị Điển sắp đẻ thôi mà!
Lũ nhỏ vừa cười vừa chạy theo đàn bò đi đã khá xa. Chỉ mấy phút sau, có tiếng trẻ khóc oa oa chào đời, chị Quỳnh nói với chị Điển:
-Lại thêm một o nữa rồi Chuyên ơi! Vậy là ba trai hai gái đủ rồi!
-Nhà mình muốn một o mà chưa có, ba lần đều là thằng cu cả ba! Chị Dần cười.
Trong khi chị Quỳnh, chị Dần lo cho đứa bé. Bà Huyễn lo dọn dẹp cho chị Điển. Vừa lúc đó xe bò anh Chiếu về tới, bà Huyễn đã thấy từ xa nên đứng lên trên đường.
-Chiếu ơi! Xe bò có chở gì không chở dùm chị Điển về với, chị sinh rồi!
-Dạ, xe bò con thì chỉ có mấy bó cỏ thôi. Anh Chiếu ngừng xe lại.
Bà Huyến và mọi người dọn dẹp xe bò, trải tấm ny lông lên lớp cỏ, rồi dìu chị Điển lên xe. Xe bò tiếp tục lăn bánh trên đường về nhà. Chị Dần ôm đứa bé vừa đi vừa nói:
-Cho tui bồng con bé về để lấy hơi đẻ đứa con gái cho ông xã mừng.
Chị Quỳnh trêu anh Chiếu:
-Cỏ này về bò ăn là đẻ lia lịa đây Chiếu!
-Nhà em chỉ có con bò đực này, đẻ gì mà đẻ.
Bà Huyến còn chọc thêm:
-Hồi nãy cu Chiếu mà về sớm một chút là còn học được cách đỡ đẻ nữa. Mai mốt có vợ khỏi phải kêu bà đỡ.
Anh Chiếu đỏ mặt:
-Chà! Vậy là may cho con đó! Chứ đàn ông mà gặp như thế này thì chẳng biết phải làm sao?
Chị Dần đang bồng đứa bé cũng thêm vào:
-Chẳng biết làm sao hả Chiếu? Chứ mấy ông làm cho có con thì được mà đến lúc đỡ con thì lại chẳng biết “nàm thao”!
Mấy bà cười vang làm anh Chiếu mắc cở chẳng nói thêm được gì. Vừa lúc đó bà Thâu đang lật đật trên đường đi ra ruộng. Nhìn thấy chị Dần ôm đứa bé, bà vừa cười vừa nói:
-Ra sao rồi? Đẻ rồi hả? Con Niệm nhà tui chạy vô rãy gọi anh Điển, tui sốt ruột không biết chị Điển ngoài này thế nào nên đi ra. Lại con gái nữa hả, xóm này mẹt nhiều rồi!
Bà Huyễn cũng cười:
-Xóm trên tui toàn là đực rựa, chiều chiều tụi nó đá banh đá bóng gì đó bụi mù trời. Xóm dưới chị toàn là con gái, chiều chiều nghe mùi chè đậu, bánh chiên thơm lừng.
Bà Thâu nghe đến chuyện nấu nướng chợt nhớ ra nồi bún riêu chưa có rau muống chẻ, hỏi chị Điển:
-Thế mự Điển đã cắt rau chưa, hay chỉ mới vào đến ruộng là đau đẻ rồi?
Bà Huyễn la lên:
-Quên mất gánh rau muống của chị Điển rồi, tui xốc hai bó cỏ lên cũng thấy gánh rau đó mà rồi lật đật đi theo nên quên mất! Gánh rau đang nằm bên lề đường đó.
Chị Quỳnh đề nghị:
-Thôi để lát nữa anh Điển ra gánh về cũng được, về nhà thấy vợ đẻ bằng yên là mừng húm rồi, chạy ra ruộng gánh rau về ăn thua chi.
Bà Thâu đã quay về với mọi người nghe nói vậy bèn hỏi:
-Có xa lắm không, thôi tui quay lại gánh về cho chị Điển. Với lại nồi bún riêu tui phải có rau muống thì mới ăn được.
Ghé vào xe bò vẫn đang thong thả lăn bánh bà Thâu nói:
-Mự cứ yên chí nha, tui vô lại gánh mớ rau về. Tối nay tui nói con Niệm mang bún riêu qua cho cha con ăn.
-Dạ, con cám ơn bác, nhờ bác về ngang qua nhà chị Hoành đưa vài bó rau cho chị ấy dùm con, hồi chiều chị Hoành dặn rồi.
-Ừ, đừng lo, tối nay tui qua, có lẽ bà ngoại đám nhỏ cũng tới, tui têm trầu qua học chuyện cho vui.
Chị Quỳnh nghe nói đến bún riêu cũng dặn đùa:
-Bác Thâu nhớ để phần con và chị Dần nữa nhé, tối nay tụi con ở lại chờ ăn bún riêu rồi mới về!
Bà Thâu ngoái lại:
-Có ở lại không đó? Ăn bún riêu xong rồi về chồng lại cho ăn hèo rán chịu nhá!
Mọi người cười khúc khích bước theo chiếc xe bò vẫn đủnh đỉnh trên đường về nhà, ai cũng trò chuyện trong cái không khí bình thường như không có gì xảy ra cả. Tình quê thật giản dị mà đậm đà, cuộc sống quê thật nhiều khó khăn vất vả, nhưng với tình quê “tối lửa tắt đèn có nhau” làm cho cuộc sống dễ chịu, thật là thân thương!
Bờ Đá Xanh
 
Phiếm Luận Về Rau Muống
Hôm nay, trời thật trong và thật nắng khiến lòng thoáng nhớ đến những buổi trưa nắng ở quê nhà. Tự dưng, muốn viết đôi dòng theo dòng suy nghĩ vẩn vơ ....
Chẳng hiểu ai là người tìm ra rau muống nhỉ? Tại sao lại đặt tên là rau "muống" mà không phải bất cứ tên gì khác? Và cũng thật tình khâm phục những người đã khéo nghĩ ra cách biến chế những cọng rau xanh, cứng và giòn ấy thành những món thật giản dị, đơn sơ nhưng mà lại ngon tuyệt vời.
Này nhé, chỉ cần cho một vài lát gừng thái mỏng, nêm thêm chút tương bắc cho đậm đà vào nồi rau muống luộc xanh ngăn ngắt là đã có món canh rau muống tương gừng rồi đấy. Thật đơn giản quá phải không? Mà cũng thật là tuyệt vời đấy bạn ạ, cứ thư tưởng tượng mà xem. Những cọng rau xanh vừa đủ độ chín tới, mềm mà vẫn giòn tan dưới hai hàm răng, nước rau thoang thoảng nhẹ đưa mùi thơm ngọt dịu của tương bắc hoà quyện cùng mùi gừng tươi. Nếu điểm thêm một vài miếng cà pháo muối xổi, vài lát ớt cay cay thì càng làm tăng vị ngon hơn nữa.
Cũng vẫn với những cọng rau muống xanh mát mắt đó, nếu đem nấu với khoai sọ, tôm khô thì lại thành một món canh khác cũng tuyệt vời không kém: canh rau muống khoai sọ. Đơn giản thôi, khoai sọ (khoai môn) luộc vừa chín tới, đem lột vỏ, rửa sơ, rồi cắt thành từng miếng vừa vừa. Xong đem nấu cùng với tôm khô, nêm thêm chút nước mắm cho đủ vị đậm đà, rồi cho những cọng rau muống (đã cắt ngắn, rửa sạch) vào nấu vừa chín tới. Thế là ta đã có một món canh cũng ngon vô cùng. Vị giòn của rau, xen cùng vị ngọt của tôm khô, vị bùi bùi của khoai sọ quả thật là một sự kết hợp khéo léo tuyệt vời đấy, bạn ạ.
Cũng có khi muốn đơn giản hơn nữa, ta chỉ dùng tạm một món rau muống luộc ăn kèm cùng với những miếng cà pháo giòn tan cũng có một bữa cơm ngon miệng. Muốn tăng vị ngon hơn một chút, có người lại vắt chút chanh, dằm trái cà chua hay trái sấu, hay dùng lá me chua đánh vào bát nước rau luộc làm món canh. Giản dị mà ngon quá đi thôi, bạn cứ thử nếm một lần thì sẽ biết ngay.
Nhưng mà này, cái món rau luộc đơn giản như trên cũng đòi hỏi vài điều hơi cầu kỳ đấy bạn ơi. Này nhé, đĩa rau phải luộc sao vừa đủ độ chín, mềm mà vẫn giữ được độ giòn và vẫn còn giữ được màu xanh như ngọc thạch. Những cọng rau phải ngắt sao vừa đúng độ, không quá ngắn, không quá dài. Khi bày trong đĩa thì những cọng rau quấn quít lẫn nhau, nhưng mà vẫn phải tơi, không rối nùi khi dùng đũa gắp. Mới thoạt nghe diễn tả cứ ngỡ quá khó khăn, nhưng đừng lo bạn ạ, chỉ cần để ý tí ti thì mọi chuyện cũng không đến nỗi nào đâu.
Này nhé, chỉ cần nêm chút muối vào nồi nước thật sôi, cho những cọng rau đã cắt sẵn, rửa sạch vào, và nhớ đừng đậy nắp, kẻo rau đổi màu. Sau đó, liệu chừng rau vừa đủ độ chín thì hãy vớt ra liền. Thế là xong, đâu đến nỗi quá khó, phải không hở bạn ??
Vẫn với cái món rau muống luộc này, nếu đem ăn kèm với một tô canh bún, điểm thêm chút mắm tôm, chút ớt cay thì lại thành một món ăn thật ngon, và cũng thật đẹp vô cùng, bạn ạ. Cứ hình dung thử nhé, những cọng bún to sợi, trắng muốt, ẩn hiện dưới lớp cái cua sậm màu, lớp nước mầu cam đỏ óng ánh, xen kẽ với những cọng rau muống luộc xanh ngắt hòa lẫn với màu tím nâu đỏ nhạt của mắm tôm thì quả là một bức tranh đủ màu sắc.
Chưa kể đến mùi thơm dìu dịu, ngọt mà vẫn thanh của nước dùng khẽ thoảng vào mũi, khiến ta chỉ thoạt nhìn mà đã thấy thèm rồi, phải không ??
Cũng tương tự như món canh bún là món bún riêu. Cũng vẫn với ngần ấy thứ vật liệu, nhưng mà lại thành một món ăn khác hẳn nhưng không kém phần hấp dẫn vị giác, khứu giác và cả thị giác, bạn nhỉ. Hãy nhìn thử một tô bún riêu mà xem. Màu đỏ cam của những lát cà chua, màu vàng của những miếng đậu hũ chiên, màu gạch của cái riêu cua, màu trắng của bún, màu xanh của những cọng hành lá thấp thoáng dưới những váng màu của nước riêu quả thật là đẹp mắt vô cùng.
Nhưng vẫn chưa hết, hãy nhìn rổ rau tươi ăn kèm sẽ thấy biết bao nhiêu là loại rau nhỉ. Này nhé, những cọng rau bắp chuối màu tím đỏ lợt, những cọng giá trắng muốt, những phiến rau sà lách cắt nhỏ xanh mát mắt xen lẫn với màu trắng tinh khiết của những cọng rau thân chuối mảnh dẻ, xen lẫn với những màu sắc của nhiều loại rau khác nữa. Nhưng nổi bật nhất vẫn là những cọng rau muống chẻ. Chẳng hiểu có phải vì cái màu xanh ngắt của những cọng rau muống quá đặt biệt, át hết những màu sắc khác, hay chỉ vì cái hình dạng cong cong của những cọng rau đã đập vào mắt ta khi nhìn vào rổ rau, hay chỉ vì ta đã quá ưu ái cho loại rau này. Nhưng quả thật là cái vị giòn giòn, man mát của những cọng rau muống chẻ đã làm tăng hương vị ngon ngọt của tô bún riêu lên gấp bội lần, phải không hở bạn ....
Cũng vẫn những cọng rau muống chẻ đó, nếu đem trụng sơ để làm món gỏi rau muống thì lại thành một món ăn ngon và lạ miệng cho khách phương xa. Nhưng nếu cứ để nguyên như thế, đem ăn kèm vớicác loại rau khác khi ăn món chả giò thì cũng tuyệt vời vô cùng, bạn cứ thử mà xem.
Trong những mâm cơm gia đình thường ngày, rau muống lại được chế biến thành nhiều món khác nhau, và dường như món nào cũng khiến ta thấy ngon miệng cả, thế mới lạ chứ.
Đem xào rau muống vừa đủ chín, điểm thêm vài lát tỏi thế là đã có một món ăn thật ngon. Những ai thích ăn ngon hơn nữa, thì có thể ăn món rau muống xào thịt bò. Xào thịt bò ướp nước mắm, tỏi bằm nhỏ trong một chảo mỡ thật nóng, lửa thật lớn, vừa tai tái thì đem đổ ra đĩa. Rồi xào rau muống, nêm vừa ăn, điểm thêm chút tỏi và trộn thịt bò đã xào ở trên vào.
Đơn giản thế thôi, mà cũng ngon miệng vô cùng. Rau muống xào nêm nước mắm cũng ngon, mà nếu nêm bằng chao thì lại thành một món ăn chay cũng khá ngon miệng, chỉ tiếc là thiếu vị tỏi thì đĩa rau sẽ kém vị ngon đi nhiều.
Còn nhiều, nhiều nữa kể sao cho hết những món ăn dùng rau muống nhỉ, vả lại cứ càng kể thì lại càng thấy nhớ nhung, và tiếc nuối những cọng rau xanh ngát của quê nhà. Nên có lẽ cũng nên chấm hết bài viết này nơi đây, kẻo không hồn cứ mãi thả trôi theo những đoá hoa rau muống màu tím nhạt, mong manh theo gió thổi nhè nhẹ điểm tô vẻ đẹp cho những bè rau muống xanh ngắt, tươi mơn mởn đang bồng bềnh trong một vùng ký ức. Và rồi một nỗi buồn da diết lại len lén trở về trĩu nặng cả lòng của kẻ xa quê hương ...........

Sưu tầm
Tứ Diễm


Hôm nay trời nhiều gió
          Hai mẹ con đi chợ từ sớm. Bé Thương được mẹ cho đi chợ thì thích lắm. Lẽ ra hôm nay nó phải đến lớp mẫu giáo. Nhưng cô giáo bị ốm nên nó phải nghỉ học. Không thể để con bé ở nhà một mình cái ngôi nhà khuất sau làng toàn bọn nghiện hút lảng vảng nên chị đành cho nó cùng ra chợ.
          Mẹ quẩy gánh rau muống đi trước. Con bé lon ton chạy theo sau. Chân nó ngắn nên chốc chốc chị lại phải dừng lại chờ nó. Con bé cố chạy cho kịp để mẹ khỏi phải chờ. Nó biết gánh rau của mẹ nặng lắm. Hôm qua mẹ đã mất cả buổi chiều để hái từng ngọn bó từng mớ thận cẩn thật. Nó hỏi: "Sao mẹ không lấy liềm cắt cho nhanh ạ!". Chị bảo: "Rau cắt bằng liềm đem ra chợ người ta chê không mua con ạ!". Nó lại hỏi: "Sao thế ạ?". Chị lại phải giải thích cho nó là rau muống dùng liềm cắt cọng rau hay bị vỡ chẻ ra ngọn to ngọn nhỏ lẫn lộn  nhiều khi có cả cỏ nên thường rất khó bán. Con bé có vẻ hiểu. Nó thương mẹ lắm. Mới năm tuổi nhưng nó biết mẹ vất vả. Bố đi làm ăn xa quanh năm đảo về vài luợt. Mọi công việc đồng áng ở nhà đều do một mình mẹ nó đảm đương. Không biết bố làm ăn thế nào nhưng nó thấy có lần mẹ phải vét gần hết cái bồ lúa nhỏ mang ra chợ bán đưa tiền cho bố nó đem đi.                              
          Từ nhà ra đến chợ hơn một cây số. Con bé đã mỏi chân lắm rồi. Chị động viên: "Con có mệt không! Cố gắng lên! Lúc về mẹ sẽ không để con phải đi bộ nữa". Con bé gật đầu ra vẻ không mệt để mẹ yên tâm. Đến chợ chị tìm mãi mới có một chỗ trống để đặt gánh xuống. Hai mẹ con ngồi giữa gánh rau muống.
Trời bắt đầu trở gió. Gió bắc từng đợt tràn về. Một bà mua mớ rau nhìn thấy con bé ngồi thu lu thì mắng chị:
          - Hôm qua không xem thời tiết trên ti vi à? Đưa com ra chợ mà để nó ăn mặc phong phanh thế.
          Chị ấp úng. Nhà chị thì làm gì có ti vi mà xem. Tối nào chị cũng phải đưa con bé Thương đi sang nhà hàng xóm xem nhờ chương trình thiếu nhi. Khi con bé về nhà ngủ rồi chị mới một mình hì hụi ngồi gọt nạo sắn để ngày mai phơi cho kịp nắng.
          Đến giữa buổi chợ mà gánh rau muống chị mới bán được vài mớ. Thấy hàng hoa bên cạnh có người vừa mua vừa nói chuyện chị mới sực nhớ hôm nay là ngày rằm. Mùng một ngày rằm ở quê bây giờ người ta cũng thường cũng bái tổ chức ăn uống vì thế ít người mua rau muống. Chị ôm chặt con bé vào lòng cho nó đỡ rét và hỏi:
          - Con đói rồi phải không?
          Nó gật đầu. Chị bảo:
          - Để mẹ sang hàng bên cạnh mua cho con cái bánh rán.
          - Mẹ cứ bán hết rau đi đã...
          Con bé gàn mẹ. Chị lần túi áo. Mới chỉ có hai nghìn đồng của bà mua rau lúc nãy. Chị mua cho con hai cái bánh rán. Con bé đưa lại cho mẹ một cái. Mẹ cũng chưa ăn gì lại gánh rau nặng từ nhà lên chợ. Chị xoa đầu đứa con gái nhỏ hiếu thảo và nói:
          - Con cứ ăn đi kẻo đói. Mẹ không đói đâu. Bán được hết rau hôm nay mẹ sẽ khao con một bát bún riêu cua đồng thật ngon.
          Con bé nuốt nước miếng. Nó cầm cái bánh rán ăn nhỏ nhẻ như muốn tận hưởng hết cái vị ngon của bánh. Cái bánh còn nóng vỏ đường bọc bên ngoài ròn tan ngọt lịm.
          Phiên chợ vẫn ồn ào. Người qua người lại nói cười râm ran. Một vài bà cầm mớ rau của chị lên xem chê rau già không ngon rồi đi.
Trời mỗi ngày một gió to hơn. Gió giật phành phạch mấy tàu lá cọ che trên quán chợ. Chị khẽ rùng mình. Chị lo cho con gái bị lạnh. Nhưng chưa bán hết gánh rau hai mẹ con chưa về được. Chị lo lắng nhìn lên bầu trời. Buổi sáng lúc hai mẹ con đi ấm áp. Bầu trời còn có mấy ngôi sao muộn lấp lánh. Thế mà bây giờ mây kéo về sám xịt. Gió bắc thổi ào ào. Mưa lắc rắc. Nhiều người đi chợ đã nháo nhác ra về.
          Giữa lúc ấy thì phía cổng chợ có tiếng người hò hét kêu cứu. Tiếng ai đó quát to vẻ hốt hoảng: "Chạy... chạy... đi! Một thằng điên... nó cầm dao xông vào chợ đấy...". Mấy bà quẳng cả rổ rau bỏ chạy.
          - X... u... n... g... p... h... o... n... g....
          Tiếng chân chạy rầm rập. Chị hốt hoảng ôm chặt lấy con lùi lại.
          - Bắt... bắt... lấy... tước ngay con dao của nó...
          Tiếng nhiều người gào lên. Nhốn nháo. Xô đẩy đạp nhau mà chạy. Đúng là vỡ chợ.
          Một người đàn ông mặc độc một cái quần đùi "bà bô" tay cầm con dao chọc tiết lợn lao về phía dãy hàng rau. "Xung... phong... xung... phong...". Anh ta vừa chạy vừa hô vang. Lát lát anh lại nằm xuống bò lê dưới rãnh nước bùn bẩn lều phều những cọng rau và vảy cá. Con dao trong tay anh chém xỉa lung tung. Mọi người hốt hoảng chạy rạt ra. Chị ôm con gái rúc vội vào một góc quán. Người đàn ông lao đến chỗ gánh rau của chị phạt lia lịa. Những mớ rau bị chém làm đôi làm ba tơi tả.
          Một người bảo vệ chợ lựa thế lao vào quật ngã và tước được con dao của anh ta. Mấy người nữa ập vào đè nghiến anh ta xuống nền đất nhoe nhoét những bùn đất. Họ dùng dây trói chân trói tay anh ta lại như trói một con lợn. Anh ta vẫn luôn mồm hò hét: "Các... đồng... chí... xung... phong... xung... phong...". Một người đàn bà đầu tóc tả tơi từ đâu hớt hải chạy đến xoa xoa vào đầu anh ta vẻ an ủi. Anh ta dịu dần. Mọi người giúp người đàn bà đưa anh ta đi. Các hàng quán lại trở lại bán hàng. Tiếng nói cười lại râm ran như chẳng có gì xảy ra. Chị và con gái lúc này mới hoàn hồn. Con bé mặt mũi vẫn còn tái nhợt. Nghe mọi người lao xao nói chuyện chị mới biết đó không phải là một người điên. Anh ấy là một thương binh sọ não mới chuyển về ở thị trấn. Vì trời bất ngờ trở gió nên làm anh bất ngờ phát bệnh. Lúc phát bệnh anh cứ nghĩ là mình đang xung trận đánh giặc. Anh lao vào chợ cướp được con dao của bà bán thịt lợn ở cổng. May mà không chém vào ai. Nghe mọi người nói chị thấy thương xót cho người thương binh ấy. Chị nhặt những mớ rau muống bị chém tơi tả cho vào rổ để đem về. Bà bán bánh cuốn ở dãy đối diện đi sang đưa cho chị cái bao tải bảo:
          - Cho hết vào đây tôi mua cho mà về...
          Chị ngạc nhiên:
          - Rau nát cả rồi bà mua làm gì ạ?
          - Mang về chăn nuôi! Còn ba chục mớ phải không. Mỗi mớ ba trăm đồng như vẫn bán. Đây mười nghìn cho con bé một nghìn mua kẹo nhé!
          Chị lí nhí cảm ơn bà bán bánh cuốn rồi quẩy quang gánh dắt con gái ra cổng chợ. Bé Thương nắm chặt tay mẹ. Nó bước đi lập cập vẻ lạnh và vẫn còn sợ.
          Đang đi chợt bé Thương níu tay mẹ bảo:
          - Mẹ ơi dừng lại đã...
          - Gì thế con?
          - Có một thằng bé...
          - Thằng bé nào?
          Chị nhìn theo tay con gái. Có một thằng bé đang ngồi phệt ở gốc cây cạnh đống rác. Mặt mũi nó nhem nhuốc. Nó ngồi lẫn giữa các bao rác. Nó đang khóc. Thấy hai mẹ con chị đến gần nó mếu máo: "Đừng trói bố cháu... đừng trói bố cháu...". Thì ra nó là con của người đàn ông vừa cầm dao lao vào chợ lúc nãy. Bé Thương moi từ trong túi áo ra cái bánh rán bé xíu đưa cho nó bảo:
          - Em ăn đi...
          Thì ra nó vẫn để dành cái bánh phần mẹ. Thằng bé cầm cái bánh nín khóc. Hai mẹ con chưa biết làm thế nào thì thấy người đàn bà đầu tóc tả tơi lúc nãy đang nhớn nhác tìm gọi con. Thằng bé nhận ra mẹ. Nó đã chạy theo mẹ ra chợ tìm bố. Khi được mẹ bế đi nó còn ngoái lại nhìn cái Thương mãi. Cái Thương bảo mẹ: "Chú thương binh lúc nãy khổ quá mẹ ạ! Chú ấy bị người ta đè xuống chỗ bùn bẩn để trói... Con thương chú ấy lắm!".
          Hai mẹ con ra khỏi chợ. Chị bảo tìm một hòn đá cho cân để gánh con khỏi phải đi bộ. Bé Thương không chịu. Nó nói vẫn đi được. Hai mẹ con băng qua con đường trống giữa cánh đồng. Gió càng mạnh. Chị nhặt được một cái áo ni-lông loại hai nghìn bị rách toạc của những người đi xe máy vứt đi khoác cho con đỡ rét.
          Bóng hai mẹ con như hai cái chấm nhỏ liêu xiêu giữa cánh đồng. Hôm nay sao trời nhiều gió thế.
Trọng Bảo                                                                  
Kết quả hình ảnh cho truyện ngắn về rau muống