Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2017

Nhạc - Thơ - Văn Một khi còn Má


blank
Nhớ mẹ
Con ngồi ngắt cọng rau xưa,
Nhớ thời mẹ chịu nắng mưa cuộc đời...
Xa rồi mẹ đã xa tôi,
Ngày đi mây trắng về nơi an lành !
Nơi đây cũng có mây xanh,
Có rau ngày cũ mọc quanh bờ rào...
Vị chua sao thấy ngọt ngào ?
Khác chi tình mẹ dạt dào trong con !!
NM

Má nói, “ở đây cũng yên lắm”. Má nói, giọng rất chắc chắn, nhưng một hồi sau, má lại chậc lưỡi, “ờ, mà thỉnh thoảng buổi chiều thì có pháo kích”. 
Má ngó bâng quơ ra ngoài lộ, “nên chiều, đừng lên đây làm gì. Cứ ở dưới hầm cho chắc ăn nghe con”. 
Má nói “thỉnh thoảng”, nhưng chiều nào má cũng bắt ăn cơm sớm, quần áo chuẩn bị để tản cư phải sẵn sàng để bên cạnh, và muốn hay không, cũng phải chui xuống hầm. “Cho chắc ăn”. Má nói mình bắn canon bên này, tụi nó pháo từ phía bên kia. 
Cái quận má đang làm việc, má khen “yên tĩnh” vì má kể chung quanh đó có nhiều binh chủng khác nhau đang đóng quân và nhiều binh chủng khác ở xa hơn nhưng lúc nào sẵn sàng yểm trợ. Rồi má kể ra những binh chủng nào đóng ngay tại quận và binh chủng nào ở xa. Đì đùng là có tiếp trợ à con. Má nói vậy. 
Nhưng nghe má nói, chứ trong trí đám con nít ngồi bên cạnh má hồi đó, có hình dung cách gì đi chăng nữa, thì tất cả các binh chủng cũng đều... giống nhau. Họa chăng chỉ trừ một vài binh chủng có trang phục đặc biệt như hải quân mặc màu trắng, hay phi công mặc loại áo liền quần, chẳng hạn. Còn lại, biệt động quân, thủy quân lục chiến, biệt kích hay nhảy dù..., hình như binh chủng nào cũng quần áo vải hoa, đội nón béret, và đi... giày. Thì phải! Hoặc như bộ binh, pháo binh, địa phương quân có lẽ đều tương tự nhau trong quân phục màu xanh lá! 
Má đổi về cái quận lỵ xa xôi này cũng lâu lắm rồi. Hồi trước ba với má sống với nhau không có con, má cưới vợ cho ba, rồi má thôi ở với ba. Má theo đạo công giáo, đi làm công chức. Lâu lâu má về thị xã lãnh lương, ở lại nhà. Hàng xóm và người quen vẫn kêu má là chị Năm, vợ ông thầy. Má lãnh lương ở Hội An, sáng má đi chiều má về. Mua cao lầu cho ba và mì Quảng cho mẹ. Ngày hôm sau má dắt một bầy ra phố, sắm sửa, đi ciné và ăn quán ăn hàng. 
Gia đình má ngày xưa ở Vientanne. Má qua Việt Nam một mình, học làm nữ hộ sinh ở Nghệ An. Hôn nhân má trắc trở, má bỏ đi. Trên chuyến tàu từ Vinh ra Hà Nội, má gặp ba. Rồi má ở lại Việt Nam, nhận Việt Nam làm quê hương. Má nói tiếng Việt rất sõi, giọng Quảng Nam pha Nghệ An. Lâu lâu má bị chọc quê chữ ích đọc thành ít, mục đít, tìn địt, chim chít chòe. Ở nhà có chuyện gì quan trọng, ba, má và mẹ nói với nhau bằng tiếng Lào. Đám con trong nhà nghe được “bò mi ngân”, không có tiền, “kinh khầu”, ăn cơm...; và nghêu ngao hát “mè thầu ơi, lục khơi ma lèo...” mà không hiểu gì hết.Má không bao giờ kể chuyện quê hương thật của má. Mà nói, “má đi lâu rồi, quên hết chuyện cũ”. Nhưng có lần gặp một người Lào trước nhà, má đứng nói chuyện rất lâu, mặt má rạng rỡ, giọng nói giọng cười hân hoan như đang trẫy hội. Lớn lên, xa quê hương rồi, mấy chị em mới biết làm sao mà má quên được quê cũ, làm sao mà má không nhớ nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Ba có kể thuở má rời Vientainne, má sắp sửa hai mươi tuổi. 
Mùa hè năm đó, má thuyết phục, hiệp định Ba Lê ký rồi, ngưng bắn rồi, nên chỗ làm việc của má “cũng yên lắm”, rồi má năn nỉ cho mấy chị em lên chơi cho biết. Mẹ lo, hỏi có gì ở đó. Má không biết trả lời sao. Nhưng mấy chị em lao nhao đòi đi nên cuối cùng mẹ cũng phải đành đồng ý. Nhưng hình như phải mất cả hơn tuần sau, mấy chị em mới được xếp quần áo vào giỏ xách theo má rời khỏi thị xã. 
Từ thị xã, đón chuyến xe sớm, lắc lư trên chuyến xe đò chật cứng người, đến xế chiều mới tới nơi. Dọc đường, xe phải ngừng lại nhiều lần ở những trạm kiểm soát, và phải chờ xe rà mìn chạy trước. Nhiều đoạn, chừng như hai bên đường chỉ có cỏ khô và đồng ruộng hoang vu cằn cỗi, không thấy bóng dáng người. 
Lên đến chỗ má ở. Cái quận lỵ buồn hiu hắt, mỗi ngày chỉ có một chuyến xe đò chạy qua trước con đường đầy bụi. Xa xa cách trạm xá má làm việc, đìu hiu một vài căn nhà gỗ lợp tôle. Và hầu hết những người ở đó đều làm việc cho phòng hành chánh của quận. Má nói ngày xưa có mấy người biết chơi dominos, sau này họ đổi đi nơi khác, má không còn biết giải trí bằng thứ gì. 
Mấy chị em lên chỗ má cũng không biết giải trí bằng thứ gì. Má ở phía bên trái trạm xá, phía bên phải dành cho sản phụ. Lúc không có sản phụ, các căn phòng chỉ những chiếc giường trải drap trắng, vắng ngắt đến lạnh cả người. Mấy chị em không đứa nào đủ can đám léo hánh qua đến đó. Má có bàn cờ tướng và mấy bộ bài. Chơi tam cúc, chơi qua cạc tê chán, cả đám ngồi ngó nhau. 
Qua được vài ngày, má lùa xuống hầm sau giờ cơm chiều, hai con nhóc vớ được mấy cuốn truyện Tuổi Hoa không biết của ai để quên, và hai cuốn của Mai Thảo vẫn còn mới tinh. Nói truyện... ông kẹ này để cho “bả” đọc. Nhà ở thành phố nhiều truyện “ông kẹ”, ba và các anh không cho rớ tới. Sợ tiêm nhiễm thói lãng mạn. Lên ở với má, thích gì má cũng chiều, nên nói với má ngày mai tụi con ăn cơm dưới hầm luôn. Mười ba tuổi, đọc “Đêm giã từ Hà Nội”, “Sống Chỉ Một Lần”, mấy mươi năm sau mới hiểu tại sao thuở đó ba chưa cho đọc truyện người lớn. Má thấy, hỏi truyện này có lớn quá không con. Đáp con đọc chơi thôi mà. Má im lặng, rồi cười, leo lên mấy bậc thang. 
Đi chơi với má, thăm chỗ làm của má, suốt ngày nằm dưới hầm đọc truyện, lâu lâu má chạy xuống hỏi thích ăn gì. Những thứ ba không cho ăn ở thành phố, sợ độc, đòi gì má cũng mua, cũng làm. 
Kỷ niệm với má, có lẽ vui nhất là lần đi thăm má ở cái quận lỵ xa xôi và khá mất an toàn kia. Câu má hỏi nhiều nhất trong ngày là “ở đây buồn quá hả con?”. Đáp không. Má lại hỏi “không có truyền hình để coi con có buồn không?”. Trả lời không, má yên tâm đi làm việc, nhưng năm bảy lát sau lại trở về câu hỏi đầu tiên. 
Ở phía sau bịnh xá má làm việc có khoảng đất trống, má nói đất đai cằn cỗi quá chỉ trồng được mấy bụi khoai mì và mấy luống rau muống khô. Mà thật ra cây ăn trái lâu năm ở đây không ai dám trồng, sợ “tụi nó pháo vào”. Hỏi má chỗ nào có cây trái là nhà dân mà má. Má cười, nhà dân tụi nó mới pháo. Mười ba tuổi, con gái thành thị, làm sao mà hiểu nổi trên đời lại có loại người “nhà dân tụi nó mới pháo”. 
Một xế chiều, nghe má băn khoăn hoài câu “tụi con có buồn không”, mấy chị em kéo nhau ra sau bịnh xá ngắm mấy đọt khoai mì mỏng mảnh, ngó đám rau muống ốm nhách đang cố rướn mình lên khỏi đám đất cằn khô. Má nói không có thứ gì cho tụi con ăn chơi cho vui. Hôm qua má lùi khoai lang và nấu xôi bằng ống tre, loại xôi đặc biệt của người Lào. Má nướng cả con gà gói trong lá chuối, bên ngoài bọc đất sét. Con gà lúc mở ra thơm phưng phức và ngọt lịm. Không lẽ đòi má làm cái món phức tạp hoài, nên trả lời tụi con đâu có cần gì. Má ngồi nghĩ tới nghĩ lui một hồi rồi nói tối má gói bánh nậm và làm bánh bột lọc cho ăn. Xong má đuổi trở vô nhà, nói sợ tụi nó pháo vào. 
Tới bữa cơm, má kho thịt gà. Nồi thịt kho sệt, bóng nước màu và thơm mùi tiêu làm khi không chợt nhớ đến đám rau dền mọc dại ngoài vườn sau của má. Nói con thèm ăn rau dền luộc chung với rau sam. Má chậc lưỡi, rau dền thì dễ, mà rau sam ở đây đất khô quá không biết có hay không. Con nhóc em nói con thấy giữa đám rau muống có rau sam. Nghe, má lật đật chạy ra vườn. Trời chiều sắp sập tối, nắng còn nhiều lắm một vài giọt rớt trên hàng rào kẽm gai phía trước nhà. Vài tiếng cắc bụp bắt đầu nghe loáng thoáng ở đâu đó vọng về, và tiếng muỗi bắt đầu vo ve. Vậy mà ra ngoài, hồi lâu má trở vô với mớ rau dền và một mớ rau sam. Má dặn hai con em, luộc chung, nhưng phải để dành riêng cho chị. 
Má làm việc ở đó cho đến năm má bị thương. Bị pháo kích. Đức Dục mất, Thường Đức mất, má về thị xã dưỡng thương. Con đường từ thị xã đến chỗ má ở bằng phẳng, không trạm kiểm soát, không đì đùng canon, không trọng pháo, không cả M16, K54 tạch đùng bắn lẻ, nhưng chẳng mấy đứa đi thăm má thường. 
Má dưỡng thương, rồi vết thương má lành, má làm việc trở lại. Cuộc đời trôi đó đây, thời cuộc đẩy con người trôi đó đây. Mấy mươi năm sau, má đi xa hơn, xa tít xa. Về ngàn. Chỗ má ở nương rẫy xanh cây trái. Lần cuối cùng đi thăm má đã có xoài, có mít ăn cho vui. Nhưng hình như đã tới lúc không còn muốn ăn cho vui. Đứa con xa nhà sợ mập. Sợ đủ thứ. Má đuổi bắt con vịt. Lúc ăn thịt vịt luộc chấm nước mắm gừng, không phải cho vui mà cho má vui, nhắc chuyện ngày xưa đi thăm má. Nhắc xôi nướng ống tre. Và gà nướng đất sét. Má nói má làm hết nổi rồi. Và má cười, bảo lần này gặp con chắc rồi thôi. Chậc lưỡi với má, đáp thôi sao được. Nói, con ở bên kia một mình, hiểu má đã cô đơn ra sao. Má cười. Hàm răng rụng gần hết. Móm mém.
***
Cuối cùng má đi xa hơn. Về tận bên kia cõi người. Ngày má đi, nghe kể lại má bình yên. Ngày má đi có mây trắng bay. Có trời xanh biếc. Và không có súng đạn. Má nằm một chỗ rất an lành, ở vùng đất đỏ. 
Bao nhiêu năm lưu lạc phương trời, những lần trở lại, chẳng bao giờ nghĩ má xa xôi đến vậy. Lúc đi viếng má, không thấy má vào ra ở ngôi nhà gỗ lim, cứ tưởng như má đang lui cui hái rau ngoài vườn. Rau sam. Dẫu dường như chỉ được ăn bữa rau ấy là lần cuối cùng. Ở quê hương. 
Má đi bao nhiêu năm. Buổi chiều ở thành phố miền trung bắc Mỹ, nơi chỉ vài ba tháng nắng còn suốt năm trường giá lạnh, những ngọn rau màu hồng tia tía tím vươn mình ra cuối chân rào đã làm sững người đứa con lưu lạc chân trời. Thật không thể nào tưởng tượng cái thứ cây chỉ mọc dại bên kia chân trời lại có mặt, lại hiện diện ở vùng trời này. Như huyền thoại. Như cổ tích. 
Thật không thể nào tưởng tượng được những ngọn rau với thân mập mạp lòa xòa đám lá nhỏ, dày, và căng đầy nhựa sống dường chỉ sống ở miền nhiệt đới lại có thể tồn tại sau nhiều tháng giá tuyết lạnh lùng. 
Cũng thật chẳng thể nào tưởng tượng bao nhiêu năm ký ức về má lại rõ nét, lại ngọt ngào hiện ra như một giòng suối mát, như một áng mây xanh tươi giữa trời như vậy. 
Đã có rất nhiều năm đứa con xa nhà đan chiếc áo, móc chiếc khăn quàng, nhớ đến má đã dày công chỉ vẽ. Khi nấu miếng cơm nếp mềm mại không đong nước mà không cần dùng chõ xôi, khi kho miếng thịt tươm màu nâu bóng loáng mà không cần thêm dầu ăn, cũng chỉ nhớ đến má đã ân cần dạy dỗ... 
Nhưng buổi chiều nay khi hái ngọn rau sam vào luộc, nghe vị chua chua trên đầu lưỡi, và nghe giọt nước mắt tràn ra thật nóng trên vành mi, lòng hỏi lòng, thật xót xa, không hiểu bây giờ má có biết con đang nhớ má

 HOÀNG NGA  
Mẹ ơi !
Suốt một đời mẹ luôn tận tụy,
Lo cho chồng chăm sóc cho con...
Dẫu rằng thân mẹ héo hon,
Nhưng tình thương mẹ sắt son biển trời !
NM
Một khi còn má 
Má 70 tuổi, lâu lâu lên thành phố thăm con. Vừa giở chiếc nón lá nhà quê úp lên giàn bếp là má quay sang cầm vội cái chổi lông gà dựng ở mé nhà quét khoảng hành lang chung. 
“Bây không quét bụi tấp vô nhà con cái bây ngửi chớ ai”, vừa quét má vừa càm ràm vậy. Nói thôi thôi má, má lâu lên chơi cứ nằm nghỉ đi nha má, xe cộ đã mệt, má mắc khó chịu chi với mấy cọng rác, lát có lao công họ dọn rồi. Đồ ăn con đã mua sẵn, má ăn sáng rồi nằm chơi. Đồ ăn trưa con bỏ sẵn tủ lạnh, má lấy ra hâm nóng, con đi làm chiều về chơi với má. 
Má ừ ừ, biểu để đó cho má, lo đi làm để trễ người ta phiền chết. Con cười rần, ai mà phiền đến chết được vì chuyện con đi trễ đâu má. 
Vậy đó mà chiều về nhà sạch như lau li, bếp núc bóng loáng. Quần áo ngoài sào thấy xếp sẵn để ngay ngắn đó, kệ sách không miếng bụi, quyển sách tối qua đọc dở để đại trên đầu giường cũng gọn vào góc. Ngay cả mấy cái cây ngoài ban công cũng ướt rượt nước. Cơm canh sẵn sàng. Má chẳng chịu chờ con về nấu cả bữa cơm. 
Vậy là con chỉ biết ngửa mặt kêu trời trời, sao má không chịu nghỉ cho khỏe, vất vả chi, con về làm chừng vài chút đã xong thôi mà. Má nói má quen tay rồi, má làm chút ít cho con đỡ cực lúc chiều về, chớ bây đi làm gì cả ngày, má đâu đành lòng nằm nghỉ con. 
Sự không đành lòng của má làm má cực từ thuở còn son. Mười chín tuổi nhà bắt lấy chồng, hơn hai mươi một nách hai con, rồi ba, rồi bốn. Những đứa con lần lượt ra đời, má gánh một mình chuyện nuôi con để ba yên lòng lo những công chuyện gì đó mà trong dự tính của ba không hề có má, có đám con nheo nhóc. Má không đành lòng để đám con khổ sở thiếu ăn thiếu học. Má nói má khổ quen rồi, bị quen rồi nên má nhìn mọi sự đơn giản, lúc nào lòng cũng bao dung. Kiểu như ba sai đường đi lâu quá, bữa nhớ ra quay về bên má, đám con đứng xớ rớ ngó lơ, má nói kệ đi tụi con, nhà của ba thì ba quay về, lo gì đâu. 
Và đám con lớn lên cũng tha hồ xa má. Các con đứa nào cũng có khoảng trời riêng, mà khoảng trời riêng của chúng dường như quá rộng, nên có đứa đi miết đi miết mấy năm chưa thấy quay về ngôi nhà xưa nơi chúng lớn. 
Không đành lòng nên ban đầu má thắt thẻo đợi, đợi miết. Đâu phải chỉ mình má ngồi đợi, từ quày chuối xiêm bữa nay vừa căng tròn, trái mít vừa giãn gai, chùm nhãn mây mẩy thơm, mấy trái xoài thanh ca giấu trong đám lá cũng bắt đầu thò ra đánh gió. 
Trái đợi đến chín dần, rũ ra. Má đợi đến tiếng thở ngày càng dài. Sau rốt má khăn gói đùm túm bắt xe lên với đám con. Lũ con đứa đằng đông đứa đằng tây, má đi hết giáp vòng, phân phát đủ số quà mọn quê nhà, hun đứa cháu này một cái, phát đít đứa cháu nọ một cái, mắng yêu ba má chúng nó chẳng chịu dắt bây về chơi với bà. Vậy đó rồi quày quả về. 
Không đành lòng nên hồi đứa con dâu này đẻ, đứa con gái kia sinh, má bỏ đất bỏ quê ở lại chăm nom con cháu, bó chân trong những căn nhà bí rị, tối ngày chỉ biết mở cái tivi cho có tiếng người. Má chịu cực cho từng đứa con đề huề gia cảnh, xếp đặt đâu vào đấy từng chuyện từng chuyện trong căn nhà của chúng rồi má mới an tâm về. 
Má 70 tuổi, sau mấy tiếng đồng hồ ngồi xe hỏi má mệt hông má. Má nói mệt mồ tổ cha bây, không lên thăm bây, biết chừng nào bây mới về thăm tao.  
Nghe má mắng mà sướng. Sướng mà mắc khóc. Ừ thì nay còn má, con có bôn ba chi nữa, gót vẫn cứ còn son.
 Minh Phúc
Kết quả hình ảnh cho Lòng mẹ

Lòng Mẹ 2

trong lòng mẹ 
Mẹ ngủ trên chiếc ghế sa-lon 
Người ta nói rằng gả con ở nơi gần còn có bát canh mà ăn, ai nói không đúng chứ với bà Mỹ thì điều đó chắc chắn như là hạt bắp khô. Con gái mà, Thùy lấy chồng tận Sài Gòn, còn bà thì ở tận Hà Nội.
Khoảng cách để đi thăm con là 1.145,94km - tính theo đường chim bay, đó không phải là một khoảng cách gần. Bà nhủ, tại sao trai Hà Nội, trai Hà Nam hay trai Phú Thọ, Thái Bình… nói chung là trai gần không lấy mà lấy một anh chàng Sài Gòn? Muốn thăm con đi nhanh thì đi máy bay, cũng mất một giờ rưỡi bay, nhưng chưa kể chuyện phải ra sân bay sớm cả tiếng, chưa kể chuyện trục trặc thời tiết, máy bay không đúng hẹn. Đi rẻ thì đi xe lửa, phải mất cả mấy chục tiếng đồng hồ cho cuộc hành trình. Nói chung là xa quá.
Thùy gọi điện cho bà vào buổi tối, rất hồn nhiên, vì dù sao con nhỏ cũng là con gái rượu. 
- Mẹ à, con mua máy bay giá rẻ cho mẹ rồi, tuần sau mẹ vào Sài Gòn chăm con giúp con nhé. Mẹ chăm cháu chừng một tháng giúp con mẹ nhé. 
Nó không cần bà trả lời là bà có đồng ý không? Gác cái máy kêu một cái “cụp” sau khi đã chuyển tải đủ nội dung cần tìm. 
Bà hưu cách đây năm tháng. Ngôi trường bà dạy không phải là ngôi trường lớn, nhưng lại là ngôi trường nằm ngay trong lòng phố. Đó là cái chỗ mà ai cũng muốn có một chân để dạy, cho nên việc bà về hưu khiến cho nhiều người vui. Cũng một buổi tiệc chia tay bình thường, sau đó là còn một mình bà với ngôi nhà rộng 40m2, đó là ngôi nhà được cấp nhờ thuở chồng bà còn sống được phân chia. Căn nhà này đầy ắp kỷ niệm của bà với gia đình hai vợ chồng và hai đứa con. Nhưng thời gian cứ như con sóng biển, phả lấp mãi những dấu chân người vội qua trên thềm cát, khiến cho tất cả đều thay đổi. May mà chồng bà chết khi hai đứa con đã xong đại học, chứ nếu lương giáo viên của bà thì bà không biết xoay xở làm sao. Thằng con trai lớn đi lao động ở Hàn Quốc rồi ở biệt bên đó luôn, bà còn mỗi cô con gái. 
Rồi khi Thùy bảo rằng Thùy đã nhận việc ở Sài Gòn, bà chợt trống vắng. Bà cũng thầm mong là có một chàng trai Hà Nội nào đó đang làm việc ở Sài Gòn làm gục ngã trái tim nó, để kéo nó về lại gần bà. Nhưng điều hy vọng đó đã không xảy ra. 
Thùy đưa Hân từ Sài Gòn ra Hà Nội gặp bà. Chàng trai cao ráo, nói giọng miền Nam rặt ấy dễ thương, dịu dàng. Hai đứa lấy xe chở nhau ra chợ, mua đồ ăn về nấu bữa cơm gia đình, bà buồn. Hai đứa ríu rít trong căn nhà, bà buồn. Bà buồn vì bà biết những vui tươi đó chỉ diễn ra thoáng chốc, nhưng bà giấu kín trong lòng.
Bà Mỹ không có nhiều bạn bè, sau khi hưu bạn bè lại càng ít hơn. Bà cũng không có nhiều quan hệ gia đình theo truyền thống. Bà sống theo một thời gian quy định của mình. Đó là nếu tiết trời không lạnh, bà sẽ thức dậy sớm, đi bộ một vòng phố, ra hồ Thuyền Quang, ngang ngay con đường Quang Trung có những cây hoa sữa cổ thụ cao vòi, rồi về nhà thu xếp chuyện gia đình, bà dành thời gian để viết một số bài viết cho tờ báo giáo dục mà bà yêu thích. Buổi tối bà thường xem ti-vi hoặc đọc sách. Bà sợ bóng tối nên hay bật đèn phòng khách sáng choang. Rồi cũng từ ngày con gái lấy chồng, bà có thói quen ngủ trên chiếc salon, ở đó như giấc ngủ của bà trọn vẹn hơn, như bà được che chắn hơn.
Vợ chồng Thùy làm ăn thành đạt. Chỉ mới ở Sài Gòn chưa tới chục năm, hai vợ chồng đã mua được nhà, căn nhà của con bé rộng trên trăm mét, dẫu là nhà ở chung cư nhưng rất đầy đủ tiện nghi. Thùy thiết kế sẵn một căn phòng cho mẹ, căn phòng có hành lang nhỏ nhìn ra bầu trời rộng của thành phố, để nhìn thấy bên dưới những con đường, những mái nhà, và để ngắm những cơn mưa bất chợt đến bất chợt đi. Rồi lần lượt hai đứa cháu ra đời: Susu và Suchi. Susu là con gái và Suchi là con trai. Hai đứa cháu kháu khỉnh ấy lấy hết tâm trí của bà.
Mấy lần Thùy thúc giục bà bán căn nhà 40 mét vuông ở Hà Nội vào Sài Gòn. Bà lắc đầu: “Mẹ quen rồi”. Nhưng mỗi lần con gọi điện, bà lại lên máy bay vào với nó mới được, có khi bà lại leo lên một chuyến xe lửa, làm cuộc hành trình dài dằng dặc để thăm con… Mà đi thăm con đâu phải để thăm vườn bách thú, thăm Dinh Thống Nhất hay đi Suối Tiên, Đầm Sen? Bao nhiêu bận đi Sài Gòn gần như bà chỉ biết bấm nút từ tầng 15 của tòa nhà, xuống siêu thị đi chợ, hoặc bà đi bộ thong dong ra khu chợ nhỏ gần đó để mua đồ. Một ngày của bà ở Sài Gòn là một ngày chăn dắt hai đứa cháu, bà giống như một oshin hạng sang, vì Thùy nói: “Mẹ lo cháu giùm con đi. Có mẹ con mới tin. Oshin bây giờ lương cao, nhưng không tin tưởng được”. Bà thương hai đứa cháu của bà, dẫu bận rộn, nhưng lòng bà vui vì bà được cận kề bên cháu.
Nhưng giờ thì bà giận con gái thật sự rồi. Bao nhiêu năm bà chắt chiu nuôi nó khôn lớn, bao nhiêu năm bà che chở cho nó, từng nửa đêm thức trắng cùng nó khi nó trở trời khó chịu. Bao nhiêu năm ấy đã qua, còn bây giờ thì bà lại trở thành một người làm công không lương phụ việc. Sáng bà đi chợ, bà nấu ăn, cả hai vợ chồng chỉ gọi một cuộc điện thoại về: “Tụi con không ăn cơm”. Thế là công sức làm bếp của bà vứt xuống sông xuống biển. Buổi sáng, hai vợ chồng ngủ dậy trễ, bà cặm cụi lau nhà. Con gái thức dậy, nhăn mẹ: “Lần sau mẹ đừng dùng mùi hương này lau nhà nữa”. Bà giận đến muốn khóc.
Bà thương hai đứa cháu, cái tuổi thơ sống trong nhung lụa khác với tuổi thơ trên những cánh đồng. Thùy dặn mẹ không cho cháu ăn kem, mà con nít thì thích ăn kem. Bà dắt cháu xuống siêu thị, mua cây kem cho cháu ăn lén, hai đứa ăn ngon lành. Buổi tối hai đứa nhỏ bỏ bữa, con gái bà truy hỏi: “Chiều mẹ cho cháu ăn gì?”. Susu hồn nhiên kể với mẹ: “Bà ngoại cho con ăn kem. Kem sữa ngon lắm mẹ ơi”. Thế là Thùy nhăn mẹ: “Con đã nói với mẹ rồi, nó bỏ cơm đó mẹ thấy chưa?”. Bà bỏ ra ngoài, bà bấm nút thang máy, bà xuống dưới phố. Nhưng bà chẳng biết đi đâu trong Sài Gòn rộng này. Bà ra công viên gần đó, ngồi ở ghế đá nhìn người ta tập thể dục.
Tình yêu của một người mẹ, giờ là một người bà làm cho bà bỏ qua tất cả. Thật ra thì bà đâu có phải là người đàn bà nhà quê, nhưng con của bà đã sống ở một môi trường mới, cách sống của nó đã khác. Nó cần bà, bà cũng cần niềm vui bên cạnh hai đứa cháu kháu khỉnh. Vì thế mà bà vào Sài Gòn để tối ngày trở thành một người làm không lương, mà mấy bà bạn già của bà mỗi lần khăn gói đến nhà con gái hay nói vui: Tụi mình là oshin thứ thiệt. 
Bà đón chiếc xe thồ ra ga xe lửa. Bà phải về Hà Nội, bà thích nằm ngủ trên chiếc salon trong phòng khách nhà của bà. Nhưng lạ cho bà, thỉnh thoảng bà lại lấy chiếc điện thoại ra xem thử có cuộc gọi nhỡ nào không? 
Bà đứng đợi tới lượt mình mua vé thì điện thoại reo, đó là điện thoại của Thùy. Tiếng bên kia máy là cháu gái lẫn cháu trai: “Bà ngoại ơi, mẹ nói mẹ xin lỗi bà ngoại. Con nhớ bà ngoại lắm”. Bà tần ngần trước phòng vé một chút, rồi bà bước ra khỏi sân ga. Bà đã thấy con gái bà đứng đó với hai đứa cháu ngoại. Vậy là bà vẫn chưa thể về Hà Nội, để ngủ trên chiếc salon quen...
 Nhược Quân

Mẹ Tôi

Mơ Giấc Mơ Xưa

Tôi ít khi nằm mơ. Những giấc mơ còn sót lại trong trí nhớ, tôi thường thấy má tôi ngồi bên thềm nhà cũ chờ các con. Thềm nhà là ba bậc thang tiếp nối khoảng sân rộng vào nhà. Thềm nhà là nơi tôi hay ngồi hóng gió mỗi chiều. Thềm nhà là nơi chị em tôi tụ tập ríu rít quây quần bên má. Tôi chợt nhớ má tôi vô cùng. Nhớ cái bậc thềm xa xưa vô tri vô giác. Nhớ cánh cửa lá sách sơn xanh bạc màu. Nhớ tia nắng cuối ngày vướng vít trên những tàng lá. Nhớ ánh trăng vàng vọt hiu hắt bên song. Nhớ lối nhỏ vào nhà hai hàng mai vàng rực rỡ. Nỗi nhớ khắc khoải, mênh mông. Đến tuổi này, tôi nhớ má da diết. Nỗi nhớ đằm thắm, dịu ngọt
“Mẹ ơi con đã già rồi, con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con. Mẹ ơi, con đã già rồi, con ngồi ngơ ngẩn nhớ ngôi nhà xưa.”
Má và ngôi nhà xưa chất chứa đầy kỷ niệm của tuổi thơ tôi. Thời gian tôi sống ở đó có thể chỉ hơn hai mươi năm. Ôi chao, 20 năm ít ỏi so với chuỗi ngày lê thê phiêu bạt nhưng vẫn để lại trong tôi yêu dấu khó phai. Má và ngôi nhà xưa của tôi đã mất dần theo năm tháng nhạt nhòa. Tôi mơ ngày nào đó có một thửa đất nhỏ, tôi sẽ dựng lại ngôi nhà thơ ấu, cũ kỹ. Ở đó có hàng hiên ngập tràn hoa nắng. Ở đó có ngày mưa lướt thướt kéo lê nỗi buồn triền miên, xa vắng. Ở đó có má, có khoảng trời riêng rực rỡ trong tôi. Ở đó là hồi ức, là hoài niệm đủ ru tôi an yên trong tuổi già.
“Thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình. Tuổi thơ như chiếc gối êm, êm cho tuổi già úp mặt.” 
Tôi tiếc cho những ngôi nhà cũ của thời thơ bé bị rào chắn, tranh giành chờ đổi chủ. Tôi tiếc cho chút tình thân còn sót lại rách toạc dửng dưng bởi nhát chém của tiền bạc. Đôi khi tôi tự hỏi người ta xây dựng gia đình chẳng lẽ cuối cùng chỉ để chờ ngày xâu xé, tranh nhau từng thước đất, từng đồng bạc thừa kế?
Thanh Thủy Võ