Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2017

Nhạc - Thơ - Văn Hoa Huệ trắng

Hình ảnh có liên quan

Hoa Huệ

  Khi huệ nở

Hình ảnh có liên quan

Nhớ mẹ
Hoa huệ trắng con dâng lên từ mẫu,
Giữa mưa chiều con lặng lẽ cô đơn...
Trắng tinh khôi hương thắm giọt lệ buồn !
Con nhớ mẹ biết bao giờ lại gặp ?!
NM
HOA HUỆ TRẮNG 1
  Buổi trưa , tôi thường ra coi tiệm cho vợ về ăn cơm. Vợ chồng tôi có một tiệm nhỏ bán hoa tươi ở chợ. Gọi là tiệm cho sang, thật ra đó chỉ là một cái sạp nhỏ mấy mét vuông nằm lọt thỏm giữa khu chợ suốt ngày đông đúc và lắm tiếng ồn. Được cái, sạp nằm ngay ngã tư con lộ chính nên khá đông khách. Và, với một thằng viết văn làng nhàng như tôi, nhờ vậy cũng sống tạm qua ngày cùng người vợ giỏi giắn và sạp bán hoa tươi đắt khách quanh năm.
Quả chính cái sạp nầy nuôi cả nhà tôi nhưng điều tôi thích hơn vẫn là hàng ngày, cứ mỗi buổi trưa ra sạp lại được nhìn ngắm thỏa thích những đóa hoa tươi thắm, đủ màu sắc khoe rực rỡ trên bước chân người qua lại. Một gian nhà đầy hoa, có loại tôi biết tên, loại không biết tên cứ như làm lòng tôi dịu hẳn lại trong cơn kiếm sống tất bật hàng ngày, trong những trang viết đầy gai góc. Không gì làm lòng ta thanh thoát, dịu êm và lắng đọng hơn bằng hoa, hình như R. Tagore bảo vậy. Tôi tin ông thi hào Ấn Độ nầy khi nói về hoa như là một thứ tôn giáo trong đời sống. Nó cũng làm người ta mê mải, đam mê, đắm đuối tôn thờ.. Chẳng phải các loài hoa đều được đặt những nơi cao quý nhất đó sao? Chẳng phải những tình yêu thuần khiết nhất đều bắt đầu từ biểu tượng một loài hoa. Và các đôi trai gái yêu nhau. Có lời tỏ tình nào êm dịu, tuyệt vời hơn khi tặng nhau một đóa hồng hay hoa “ Xin đừng quên tôi” chớm nở
… Nhưng thôi, tôi chỉ mơ mộng tí chút khi ngồi chễm chệ trên chiếc ghế thật cao, đảo mắt nhìn quanh xem có ai đi ngang qua mà mời mọc : “ Hoa tươi đây, hoa Đà Lạt mới đem về đây… Mời anh chị ghé mua… Bảo đảm giá cả và chất lượng…” Vợ tôi bảo tôi mời khách như vậy, giọng nói phải nhẹ nhàng, từ tốn người ta mới chịu vào. Cái thằng tôi đôi khi cũng được việc. Thần sắc tôi trông tội nghiệp thế nào không biết nhưng cứ hễ ai ghé vào sạp, nghe tôi chào mời, nỉ non một hồi, không ít thì nhiều, thế nào họ cũng mua hoa giúp tôi.
Khách hàng quen thuộc nhất của tôi lại là một thằng bé. Vâng, một thằng bé đâu chừng mười bốn, mười lăm tuổi dáng lêu khêu, gương mặt hiền lành, dễ thương, hầu như trưa nào cũng đến chỗ tôi mua hoa. Nó mua không nhiều, mỗi lần một bó nhỏ giá chỉ có vài ngàn nhưng lại lựa rất kỹ, mà chỉ đặc biệt mua hoa huệ trắng. Lúc đầu, tôi cũng ngạc nhiên. Hỏi nó mua hoa làm gì, nó chỉ lắc lắc đầu không nói không rằng một câu. Riết rồi tôi thây kệ! Mắc gì đến tôi. Nó có tiền nó mua, tôi có hoa tôi bán. Cứ ba ngàn một bó sáu chiếc mà đếm tới. Ngữ nầy chắc mang tặng bồ, tặng bịch gì đây. Ôi, cái thằng con nít ranh hỉ mũi còn chưa sạch, mới chừng ấy tuổi chưa nứt mắt đã tí tởn làm người lớn, tôi nhủ thầm trong bụng như vậy.
Trả tiền tôi lúc nào cũng là những tờ giấy bạc nhàu nát như bộ đồ thằng bé đang mặc. Nó đến và đi lặng lẽ, đôi mắt đen mở to lấp lánh niềm vui và bước đi như chạy lẫn vào trong khu phố đông người. Tôi cứ băn khoăn tự hỏi không biết nó làm gì, mua hoa tặng ai… Thi thoảng, có vài cánh hoa đẹp còn dôi ra trong chậu, tôi nhã ý tặng nhưng nó nhất định không lấy. Buổi trưa, dù trời nắng hay mưa, cứ như đến giờ hẹn, nó lại đến tôi mua hoa huệ trắng với những đồng tiền nhàu nát rồi bươn bả bước đi không nói một lời nào…
***
… Bẳng đi một thời gian khá lâu, tôi không gặp thằng bé. Vợ tôi lúc nầy bán hoa luôn vào buổi trưa nên tôi không phải trông chừng sạp. Tôi có hỏi về thằng bé mua hoa huệ trắng thì cô ấy lắc đầu quầy quậy:
- Thằng bé nào thế, sao em không biết? Mà trăm người bán vạn người mua, hơi đâu để ý. Nó mua hoa làm gì? Hay là nó lại gạ ông rồi ăn cắp hoa đấy! Trẻ con bây giờ táo tợn lắm…
Tôi không biết nói gì thêm và quên bẵng chuyện mua hoa huệ trắng. Mãi cho đến một hôm, tôi nhớ là chiều thứ bảy, sẵn mới lãnh tiền nhuận bút, tôi hào phóng dẫn vợ con đi ăn tiệm. Quán đông nghịt người. Tôi đang cắm cúi ăn thì một giọng trẻ con rụt rè phát ra từ sau lưng:
- Cháu… Cháu mời chú đánh giày…
- Không! Tôi lạnh lùng đáp.
- Chú làm ơn! Từ sáng giờ cháu chưa đánh được đôi giày nào! Tiếng thằng bé khẩn khoản.
- Đã bảo là không mà, tôi gắt.
Tôi bực mình ngoái nhìn lại và chợt nhận ra thằng bé. Cặp mắt lóng lánh thơ ngây và gương mặt dễ thương kia thì không lẫn vào đâu được nhưng nụ cười hạnh phúc mỗi lần mua hoa của tôi thì biến đâu mất. Nhường lại là gương mặt buồn thiu như chực khóc
- Cháu có phải là thằng bé vẫn thường mua hoa của chú! Tôi hấp tấp hỏi mà lòng xốn xang.
- Dạ.. Là cháu. Thằng bé lí nhí.
- Thì ra… cháu làm nghề đánh giày! Mà sao lâu lắm chú không thấy cháu đến mua hoa! Tôi hỏi.
- Dạ…Thằng bé ngập ngừng hồi lâu mới trả lời. Dạo nầy cháu đánh giày ế quá chú ạ! Có khi cơm còn không đủ ăn!
Miếng đồ ăn trên miệng tôi bỗng đắng ngắt. Tôi nghẹn như không nuốt nổi, thương cảm nhìn thằng bé gầy rộp đi so với lần đầu tôi gặp. Tôi nhìn kỹ nó. Vẫn bộ đồ cũ nát, nhiều chỗ rách hơn và nước da nhợt nhạt chắc vì thiếu ăn thiếu ngủ. Nhìn các con tôi đang nô đùa, vui vẻ tíu tít trò chuyện quanh bàn ăn thừa mứa, bất giác tôi thấy chạnh lòng.
- Thế ba mẹ cháu đâu? Tôi hỏi.
Như chạm vào nỗi đau nào đó,thằng bé không trả lời, cặp môi mím chặt lại. Mắt nó ngân ngấn nước. và chẳng nói thêm một câu nào, thằng bé lửng thửng ôm thùng đánh giày bước đi trước khi tôi kịp kêu nó lại. Buổi ăn tiệm của tôi xem như đã hỏng. Trên đường về, tôi cứ ân hận là không kịp hỏi chỗ ở của nó để may ra, tôi còn gặp lại nó, ít ra cũng giúp được nó tí gì. Nhưng tôi chắc rằng, điều ấy thằng bé cũng chẳng nói ra đâu…
***
Lúc nầy, cửa hàng bán hoa của vợ tôi ế ẩm. Tôi bỏ ngang công việc viết lách buổi trưa ra trông chừng cửa hàng. Với lại, tôi cũng có ý đợi thằng bé với nỗi cồn cào khôn tả. Bao nhiêu câu hỏi trong đầu của tôi về thằng bé chưa giải đáp được. Nó con nhà ai, ở đâu? Sao nó lại cứ để dành mua hoa với đồng tiền đánh giày ít ỏi? Tôi chỉ biết chắc một điều tiền nó dành dụm mua hoa là những đồng bạc lẻ nhàu nát. Ở đâu ra nếu không phải là tiền của nó chắt chiu từ những lần đánh giày hiếm hoi trong ngày? Và câu hỏi lởn vởn nhiều nhất trong đầu tôi là nó mua hoa để làm gì trong khi nó phải nhịn ăn, nhịn mặc… Nó xuất hiện trước tôi như những điều bí ẩn mà cho dù có cố cách nào, tôi cũng không giải đáp nổi…
Ơn trời, trưa nay tôi lại gặp nó. Cũng cái dáng lêu khêu, nước da đen sạm và đôi mắt long lanh và trên người là bộ đồ rách rưới. Trên tay cầm chiếc hộp đánh giày, nó xăm xăm tiến về cửa hàng, moi ra những đồng tiền cũ nát và chìa ra cho tôi:
- Chú bán cho cháu bó hoa huệ trắng như mọi lần. Nó nói, mắt ngời hạnh phúc.
Lần nầy thì tôi không hỏi nó nữa. Tôi đã có cách của mình để khám phá bí mật của thằng bé. Lựa hoa cho nó xong, tôi lặng lẽ kín đáo nhìn nó. Đôi mắt nó như nở bừng lên với niềm vui vô hạn. Sau tiếng cám ơn ngắn ngủi, thằng bé tung tăng bước lẫn vào giữa đám đông với bó hoa trên tay đung đưa trước mặt.
Tôi nhanh nhẹn rảo bước theo thằng bé. Chút nữa thì tôi mất hút nó trong đám đông khu chợ. Nó bước đi như chạy mà không hề hay rằng tôi đang hấp tấp theo sau. Một ngã quặt, rồi một ngã tư, tiếp đến là đường ra ngoại ô. Nó ra đây làm gì nhỉ? Trời đang chuyển cơn mưa lớn… Mặc! Tôi cứ đi theo nó mà trong lòng ngổn ngang bao nhiêu là câu hỏi…
Cái nghĩa trang thành phố hiện ra trước mắt tôi. Thằng bé vẫn xăm xăm tiến bước như đã quá quen các đường ngang ngõ tắt quanh các ngôi mộ. Mưa đã bắt đầu rơi. Sau một hồi quanh quất, nó đứng trước một ngôi mộ thấp lè tè cỏ mới lên xanh. Tôi đứng nấp sau chiếc mộ lớn, tò mò xem nó sẽ làm gì.
Nó đứng đấy, trước ngôi mộ không bia kia, nghiêm trang, thành kính, mắt ngời hạnh phúc, miệng mấp máy như khấn nguyện điều gì. ..Mưa rơi mỗi lúc một nặng hạt. Nó cứ đứng như thế, co ro trong chiếc áo cũ mỏng manh, rách nát với bó hoa huệ trắng, run rẩy cầm trên bàn tay gầy guộc đặt bó hoa tươi trước ngôi mộ thấp bé, cỏ đã ướt đẫm nước mưa.
Không thể chờ lâu hơn, tôi bước gần đến nó. Thằng bé như không hề biết đến sự hiện diện của tôi, hai chân quỳ trước mộ và tôi nghe nó nói tiếng được, tiếng mất giữa màn mưa :
- Con lại đến thăm mẹ đây, mẹ ơi! Con mang cho mẹ những đóa huệ trắng mà mẹ rất thích khi còn sống! Xin mẹ phù hộ cho con trong cuộc đời nầy… Con nhớ mẹ lắm…. Mẹ ơi…
Tôi lặng người nhìn thằng bé. Nó vụt lớn lên trong tôi, cao sang, thanh khiết như những bông huệ trắng khẽ rung lên, tuyệt đẹp, tinh tuyền.
Mưa xối xả rơi trong nghĩa trang mà lòng tôi cứ ấm áp đến lạ kỳ. Những đóa huệ trắng như sáng rực lên giữa màn mưa đen kịt ./.
Nguyễn Minh Phúc
Hình ảnh có liên quan

 Về thăm xứ huệ Lai Vung

HOA HUỆ TRẮNG 2

Hôm nay tôi đi chợ Dandenong mua hoa Huệ về chưng, đây là một thói quen không hiểu vì sao, Mỗi khi thấy Huệ là nhất định mua dù mắc và chẳng có màu sắc nhiều như những loài hoa khác. Ở nhà tôi có cả một vườn Lan lớn nhưng bây giờ tàn nhiều lắm vì ít chăm sóc (một phần gì chán, một phần vì tuổi già và nhất là bây giờ mê cô em gái mặn mà tên FB). Tôi thích Lan, thích Huệ chớ không bị ảnh hưởng gí đến câu ca dao:
"Lan Huệ sầu ai Lan Huệ héo
Lan Huệ sầu đời trong héo ngoài tươi"

Bây giờ ở Úc là gần 3 giờ sáng, tôi vẫn tìm xem có bài nào liên quan đến Huệ không? Có nhiều truyện ngắn rất cảm động nhưng hơi dài mà kinh nghiệm cho tôi biết post bài dài thì ít người đọc đến hết mà chỉ like cho có lệ. Thôi thì giới thiệu loài hoa này đến các bạn, nhất là bạn trẻ sinh ở nước ngoài có thể chưa biết hay chưa thấy loài hoa tinh khiết này nhé.
Ý NGHĨA CỦA HOA HUỆ TRẮNG

Huệ hay còn gọi là dạ lai hương (thơm ban đêm) hoặc vũ lai hương (thơm lúc mưa), là một loài hoa đặc biệt, nở về đêm, có khả năng tỏa hương về ban đêm với mùi hương ngào ngạt. Ở Việt Nam, hoa huệ dùng để cắm trong các dịp cúng, lễ, còn gọi là huệ ta, để phân biệt với hoa huệ trong bức tranh nổi tiếng "Thiếu nữ bên hoa huệ" là huệ tây (Lilium longiflorum), hay còn gọi là hoa loa kèn.
Huệ có thể là:
* Tên một loài thực vật có hoa: Polianthes tuberosa, thường để cắm trong các dịp cúng, lễ,...;
* Tên một số loài thực vật có hoa khác như huệ tây (còn gọi là loa kèn - Lilium, trong đó có loài huệ tây nổi bật Lilium longiflorum trong bức tranh "Thiếu nữ bên hoa huệ"); lan huệ (Hippeastrum); huệ da cam (Clivia miniata)...
* Một khái niệm trong Phật giáo: bát-nhã (có nghĩa là huệ, trí huệ)
 Phân loại khoa học
Giới (regnum): Plantae
(không phân hạng): Angiospermae
(không phân hạng) Monocots
Bộ (ordo): Asparagales
Họ (familia): Agavaceae
Chi (genus): Polianthes
Loài (species): P. tuberosa
Tên hai phần: Polianthes tuberosa L.
Ý nghĩa - Biểu trưng
Hoa Huệ - Biểu trưng cho Sự thanh khiết .

Đặc điểm
Hoa huệ thuộc họ Thùa (Agavaceae), hình giáng giống cây tỏi. Hoa huệ có hai giống, huệ đơn còn gọi là huệ xẻ, cây thấp hoa ngắn và thưa. Huệ kép còn gọi là huệ tứ diện, cây cao, hoa dày và bông dài hơn.
Hai giống này có thể phân thành nhiều loại trong đó có huệ trâu cao khoảng 1,5- 1,6 mét bông dài. Huệ ta bông ngắn, thường nở trên cây, có mùi thơm, ngoài ra còn có huệ đỏ.
Hoa huệ có màu trắng, bao hoa hình phễu, hương ngào ngạt, toả hương về ban đêm. Nhiều người cho rằng hương thơm của huệ không tốt cho sức khoẻ nên ít ai cắm huệ trong phòng ngủ.

Cây hoa huệ là cây ưa ánh sáng, cho hoa quanh năm. Tuy nhiên, hoa huệ nở chủ yếu vào mùa hè còn mùa đông cho ít hoa, hoa nhỏ, bông ngắn hơn.
Hoa huệ có cấu tạo cánh khá đặc biệt, khi không khí có độ ẩm cao, những khí khổng (lỗ trao đổi khí) trên cánh hoa tự động mở to để dầu thơm thoát ra ngoài. Ban đêm tuy không có nắng, nhưng độ ẩm không khí lại cao hơn ban ngày, cho nên các khí khổng mở to cho mùi thơm thoát ra (mở túi thơm). Chính vì thế, ban ngày hoa huệ chỉ toả hương thoang thoảng, nhưng ban đêm nó lại thơm ngào ngạt.
Hoa huệ toả mùi thơm theo độ ẩm, vì vậy không chỉ ban đêm, mà vào ban ngày, kể cả khi trời mưa, độ ẩm không khí cao, hoa huệ cũng thơm hơn ngày nắng.
Tập tính nở về đêm của huệ hình thành qua quá trình tiến hóa tiến hoá. Do hoa tỏa ra mùi thơm để thu hút côn trùng đến thụ phấn, duy trì nòi giống, vì vậy hoa thụ phấn nhờ vào các loại côn trùng hoạt động vào ban đêm đặc biệt là hoa huệ thụ phấn nhờ bướm đêm, nên phải nở vào ban đêm để thu hút những loài côn trùng này.
Cây hoa huệ thuộc họ thuỷ tiên, trông từa tựa cây tỏi. Hoa huệ có hai giống, huệ đơn còn gọi là huệ xẻ, cây thấp hoa ngắn và thưa. Huệ kép còn gọi là huệ tứ diện, cây cao, hoa dày và bông dài hơn.
Cây hoa huệ là cây ưa ánh sáng, cho hoa quanh năm. Tuy nhiên, hoa huệ nở chủ yếu vào mùa hè còn mùa đông cho ít hoa, hoa nhỏ, bông ngắn hơn.
Văn hóa
Người ta cho rằng hương thơm của huệ không tốt cho sức khoẻ nên ít ai cắm huệ trong phòng ngủ, nếu có thì ban đêm phải đưa ra ngoài sân. Huệ là thứ hoa được dùng nhiều trong việc cúng, lễ mà ít dùng để tặng nhau. Cắm huệ vào bình nên rửa chân hoa và thay nước hàng ngày để giữ hoa được lâu. Nước cắm hoa nên nhỏ vài giọt thuốc tím hay thuốc đỏ để diệt khuẩn gây thối chân hoa.

Ở Việt Nam, hoa huệ là thứ hoa được dùng nhiều trong việc cúng, lễ mà ít dùng để tặng nhau. Cắm huệ vào bình nên rửa chân hoa và thay nước hàng ngày để giữ hoa được lâu. Nước cắm hoa nên nhỏ vài giọt thuốc tím hay thuốc đỏ để diệt khuẩn gây thối chân hoa.
Hoa Huệ được trồng nhiều tại miền Bắc và một số vùng ở miền Trung. Hoa huệ được tiêu thụ nhiều nhất vào mùa lễ hội, đi chùa sau tết âm lịch ở Việt Nam.
Hiện nay, huệ đang được trồng chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam, đặc biệt là các vùng trồng hoa lân cận Hà Nội.
Nguồn gốc hương thơm
Những ngày trời mưa, huệ cũng toả mùi thơm ngào ngạt.

Tục ngữ ta có câu "hoa không phơi nắng không thơm", ấy là vì khi ánh nắng rọi xuống, nhiệt độ tăng lên, làm dầu thơm trong cánh hoa thoát ra nhiều. Nhưng đêm thì làm gì có nắng, vậy mà hoa huệ lại toả mùi thơm hơn cả ban ngày. Tại sao vậy?
So với các loài hoa nở ban ngày, hoa huệ có cấu tạo cánh khá đặc biệt. Mỗi khi không khí có độ ẩm cao, những khí khổng (lỗ trao đổi khí) trên cánh hoa tự động mở to để dầu thơm thoát ra ngoài. Ban đêm tuy không có nắng, nhưng độ ẩm không khí lại cao hơn ban ngày, cho nên các khí khổng mở to cho mùi thơm thoát ra. Vì vậy, tuy ban ngày hoa huệ chỉ toả hương thoang thoảng, nhưng ban đêm nó lại thơm ngào ngạt.
Cũng vì hoa huệ toả mùi thơm theo độ ẩm, nên nếu chú ý bạn sẽ thấy không chỉ ban đêm, mà ngay cả ban ngày, vào những hôm có mưa, độ ẩm không khí cao, hoa huệ cũng thơm hơn ngày nắng. Vì lẽ đó, hoa huệ còn có tên là dạ lai hương (thơm ban đêm) hoặc vũ lai hương (thơm lúc mưa).

Mặt khác, hoa huệ thơm về đêm cũng vì một lẽ rất đơn giản, ấy là đa số các giống huệ đều nở về đêm. Tập tính này của huệ có lẽ đã hình thành qua nhiều thế hệ tiến hoá. Bình thường, hoa tỏa ra mùi thơm để mời côn trùng đến thụ phấn, duy trì nòi giống. Đa số hoa thụ phấn nhờ vào các loại côn trùng hoạt động vào ban ngày, vì vậy chúng nở vào ban ngày để quyến rũ ong bướm. Tuy nhiên, hoa huệ thụ phấn nhờ bướm đêm, nên nó phải chuyển giờ nở sang đêm để chiều lòng "khách" vậy.
Seminoon
(Sưu tầm trên mạng)

Huệ trắng 3

Vừa đến đầu phố, tôi giật thót mình. Ông cụ mất thật rồi sao? Cổng nhà giăng ngang băng vải đen, lá cờ tang rủ xuống, mấy vòng hoa dựng bên cạnh… Mới cách đây ba bốn hôm tôi còn gặp ông cụ, tuy lúc ấy trông ông cụ đã yếu lắm. Cụ kéo ghế bảo tôi ngồi, tay run run rót nước đưa tôi uống rồi mua cho tôi hai tờ vé số. Cụ đưa năm ngàn đồng, xua xua tay không nhận một ngàn tiền thừa tôi gửi lại. Cụ thở dốc, nói thều thào nghe không rõ, chỉ lắc đầu ra hiệu, ý muốn nói cho tôi số tiền lẻ đó. Đã nhiều lần như thế rồi. Hình như ông cụ mua vé số chỉ cốt để có cơ hội giúp tôi chứ không hề có ý trông chờ vào cơ may trúng số. Cụ chỉ mua một cách hờ hững, không hề lựa chọn và tôi chưa thấy cụ dò xem các con số sai đúng bao giờ. Tôi đi ngang qua nhà cụ luôn. Lần nào thấy tôi, cụ cũng gọi vào. Nhiều lần cụ mua giúp tôi. Cũng có lần cụ không mua mà lại cho tôi tấm bánh, gói kẹo hoặc có khi chỉ là dăm ba câu hỏi han chân tình hoặc một li nước lạnh giữa lúc tôi đang khát cháy cổ. Vậy mà hôm nay ông cụ đã mất! Tự nhiên tôi thấy buồn ghê gớm. Sẽ chẳng bao giờ tôi được thấy ông cụ nữa! Chẳng bao giờ được cụ cho uống nước, cụ an ủi, động viên…

Thấy nhiều người mang hoa đến viếng, tôi nảy ý định cũng sẽ mua một vòng hoa thật đẹp đến viếng ông cụ. Tôi chạy thật nhanh đến cửa hàng bán hoa. Tôi không ngờ hoa đắt đến thế. Vét hết túi trong túi ngoài tôi chỉ có chưa đầy ba chục ngàn đồng. Buổi sáng mới đi bán được dăm tờ vé số, tiền chưa có là bao… Đắn đo mãi, tôi quyết định mua một bó hoa huệ. Đó là loài hoa mà tôi thấy người ta thường dâng lên bàn thờ cúng ông bà tổ tiên. Đã có lần tôi đang ngồi bên ông cụ, đưa xấp vé số cho cụ chọn mua thì cô Út, con gái cụ xách giỏ đi chợ. Cụ dặn với theo, bảo cô nhớ mua chục bông huệ về thắp hương cho mẹ. Rồi cụ rỉ rả nói chuyện với tôi, cứ y như tôi là một người bạn lớn tuổi của cụ. Cụ bảo cụ rất thích hoa huệ, nó vừa đẹp vừa thơm. Hương của nó thật dịu nhẹ, thật thanh khiết… Vậy là giờ đây tôi mua hoa huệ viếng cụ là đúng quá rồi. Thấy bó một chục bông hơi ít, tôi mua liền hai bó, nhờ người bán hoa bọc giấy bóng kính lại cẩn thận.

Quay trở về, tôi hơi hoảng vì thấy suốt từ ngoài cổng vào sân, đến tận thềm nhà, hai bên dựng san sát có đến năm sáu chục vòng hoa lớn. Vòng cườm có, vòng hoa thật có, vòng nào vòng nấy to lớn, rực rỡ, có dải băng tang với những lời chia buồn cảm động cắt ngang. Nhìn lại bó huệ trắng của mình, tôi thấy sao nó nhỏ bé thế, đơn sơ thế, lẻ loi đến thế. Tôi ngần ngừ không muốn vào. Thôi, để hôm khác vắng người, tôi sẽ rẽ qua hỏi thăm người nhà cụ vậy. Tôi sẽ xin phép đến bên bàn thờ cụ thắp một nén hương… Tôi ôm bó huệ định quay đi thì đúng lúc đó cô Út trông thấy tôi. Cô chạy vội ra, nắm lấy tay tôi khóc nấc lên: “Ông mất tối qua cháu ạ. Cháu vào nhà đi. Lúc còn sống ông thương cháu lắm đấy!”. Tôi ứa nước mắt, nói ấp úng: “Cháu mua bó hoa viếng ông. Nhưng bó hoa của cháu bé quá, không được đẹp…”. Cô Út nói gần như la lên: “Trời ơi! Sao cháu lại nghĩ thế? Cháu có lòng đến viếng ông là quý hóa lắm rồi. Cái chính là tấm lòng cháu ạ…”. Vừa trách yêu tôi, cô vừa dẫn tôi đến bên bàn thờ. Cô giúp tôi đặt cẩn thận bó huệ trắng dưới chân linh cữu, cạnh mấy vòng hoa lớn rồi cô thắp ba nén hương, đưa cho tôi khấn trước vong linh cụ. Cô cúi đầu đứng bên cạnh tôi, nước mắt lã chã.

Khi ra nghĩa trang, bó huệ trắng khiêm nhường của tôi chìm khuất trong cả một lùm to lớn cao chất ngất những vòng hoa khác. Sau khi những nghi lễ tiễn đưa cuối cùng chấm dứt, mọi người lục tục ra về. Những vòng hoa cườm phủ trên mộ trong chốc lát được người nhà trân trọng đưa lên xe mang về. Mấy chục vòng hoa thật cũng chỉ e ấp trên mộ được một lát. Khi đoàn người đi viếng còn chưa ra hết khỏi nghĩa trang, một số người chực sẵn từ trước, xô vào tranh giành nhau lấy những vòng hoa lớn ấy, chắc là mang đi bán lại. Tôi đã nghe nói có chuyện như vậy từ lâu nhưng không tin, giờ mới được tận mắt chứng kiến, lòng thấy nhói đau chua xót.

Tôi và cô Út là hai người cuối cùng rời nghĩa trang. Hai cô cháu tôi bùi ngùi từ biệt ông cụ. Chợt toàn thân tôi thoáng run lên khi nhận ra trên ngôi mộvừa mới đắp, không ngờ chỉ còn lại duy nhất bó huệ trắng nhỏ bé của tôi. Rốt cuộc, bó huệ đơn sơ của tôi vẫn là niềm an ủi cuối cùng ở bên ông cụ. Tôi chợt nhớ lại, trong nhiều lần gặp gỡ trước đây, khi chia tay, bao giờ ông cụ cũng níu kéo tôi ở lại với ông cụ vài ba phút. Chẳng có gì quan trọng cả. Chỉ là để ông cháu được gần nhau thêm chốc lát. Có phải linh hồn ông cụ giờ đây cũng mong muốn như thế không mà bó hoa kia, chẳng biết vô tình hay hữu ý, đã còn sót lại trên mộ, như thay tôi nán lại bên mộ cụ để cụ khỏi cô đơn giữa nghĩa trang hoang vắng này?...

Trần Hoài Dương

Kết quả hình ảnh cho huệ mưa GN

GN - Người Huế hay gọi là Huệ mưa, cây ngải, một loài lan đất, cây dã rượi; ngoài miền Bắc gọi là hoa tóc tiên.

Hoa đẹp như bông tuyết, tuyết thật đẹp nhưng quá lạnh. Ở xứ nóng, bạn muốn có một chút tuyết lạnh để cảm nhận mình đang rất ấm áp thì bạn phải mất tiền mua vé vào nơi người ta trang trí con đường và hàng cây bằng tuyết nhân tạo. Và bạn không ngờ rằng, con đường tuyết đó chỉ là bọt xà phòng làm sự hấp tấp vì quá vui mừng của bạn trượt ngã. Và bạn sẽ đau.

huemua.jpg

Thông thường cô thở bằng miệng mỗi lúc cảm thấy ngột ngạt. Cô thường đứng nhìn và đếm từng bậc thang xuôi, từng đường mòn ký ức, nhìn từng bước đơn điệu với tầng áp suất thấp dần. Cảm nhận từng cơn áp thấp đang trì hoãn nỗi buồn. Cô đang cố mỉm cười rằng mình đã chạy không ngừng nghỉ suốt bao nhiêu năm. Lại có điều gì đang nói với nhau trong đêm. Có thể chúng nói với cô về một điều đã quên mất từ dấu delete của cái bản thảo rất dài mà cô đã mê mải viết ra, cắt gọt chúng đến khi trời gần sáng. Trân trọng, thẳm sâu, tựa như nhìn một bức ảnh chụp những ngôi nhà khuất nửa sau con đường ở những miền xa xa lắm.

Hôm nay cô đọc “Thiên thần và ác quỷ”, cô hình dung ra những gương mặt thiên thần đang lướt đi trên đôi cánh của giấc mơ. Cô lo sợ mình sẽ hắc xì vì những hạt bụi đang bám vào cánh mũi, giấc mơ sẽ nảy thành những đom đóm trong mắt và bị đốt cháy. Những gương mặt thiên thần sẽ tan chảy trên sự nuối tiếc, và cô sẽ phải nhìn thấy thế giới này chỉ còn lại những gương mặt của ác quỷ, những ngón tay của cô sẽ cùn đi trong sự chới với, cô đang cố níu vào giấc mơ để đào thoát khỏi nỗi lo sợ hãi hùng.

Cô đang ngồi trên tầng 50, nó thật gần với mây, cô nghĩ như vậy, thân mây đã bổng bểnh trôi qua một cuộc hôn nhân như mơ của cô và người họa sĩ thường vẩy màu cả trong giấc ngủ. Cô nghe mây ghé lại thầm thì vào tai. Cô thấy tựa như chúng đang sờ vào đôi tay nàng, mỏng mảnh, cả mùi hơi thở. Rất quen thuộc. Nhưng hiện tại những bức họa đâu còn mây nữa chứ, chúng có màu rực rỡ, chúng chảy dài từng sợi và óng ánh trong những đôi tay đang vây lấy ai kia. Cô phải trôi đi thôi, mình đã như là một đám mây xám, cô nghĩ vậy.

- Này bạn, bạn có muốn nhìn ảnh mình chụp từ tầng 50 tòa nhà Bitexco không? - cô gọi điện cho một người bạn gái.

Những bức ảnh Sài Gòn về đêm lung linh. Cô gửi chúng đi, và xóa trong máy. Cô chỉ muốn lưu lại chúng bằng ánh mắt của mình bây giờ. Ở trên cao kia, trên bầu trời ấy, có lẽ có ba mẹ, và cả ai đó đang nhìn cô. Cô mỉm cười. Một ngày thu đẩy những đám mây màu bạc phớt qua mái tóc. Cô muốn trở về nhà. Về Huế.

Ở xứ này mùa mưa ướt dầm dề, lạnh cóng. Sáng sớm tinh mơ cô có thể nhìn thấy người người ngược xuôi trong làn sương mù. Con đường còn ướt đẫm và đâu đó có xác một con chuột cống bị xe cán chết máu vẫn còn tươi. Cái lạnh len lỏi vào những góc quán hàng ăn ở vỉa hè. Những nồi bún bò bốc khói thơm lừng. Những tiếng xì xoạp húp vội vàng của những người đàn ông sợ trễ giờ làm.

Một chiếc xe taxi lao tới và đỗ xịch, nó dừng sát một chiếc xe máy của một bà mẹ trẻ và đứa con, từ vũng nước đọng lại từ cơn mưa tối qua văng lên tung tóe. Ướt nhèm lên cả mặt. Đứa bé khóc ré. Lời qua lại. Người chỉ chỏ. Cô thấy buổi sáng đã quá nhiều hình ảnh và âm thanh.

Phố vẫn mưa lạnh lất phất. Lạnh lắm. Cái lạnh thấm tê xương. Con đường mới đã bị nứt qua một mùa phố dầm dề. Vẫn lê thê những câu chuyện rong ruổi đi và về. Chuyện của người đi kẻ ở chứ chưa hẳn là chuyện của một người đi làm công sở ngày hai buổi. Kẻ nóng bức từ buổi sáng nhặt nhạnh, người đi lạnh cóng sương mù. Xứ này là như thế. Bởi vậy nên khi người ta buột miệng: phố chợ man di, kiểu như tiếng chó ẳng ẳng và tấm thân bị kéo riết trên lề đường cùng với tiếng xe máy rú như điên dại, mặc tiếng người ta la hét phía sau. Hoặc như người ta thấy anh dẹp trật tự lôi xềnh xệch cái quang gánh của một mệ già ốm yếu bán mấy mớ rau ớt ven đường làm mệ ngã, người ta làm ngơ và im lặng. Cái im lặng có vẻ sợ hãi, có vẻ mong cho điều xui xẻo đừng dây dưa với mình... Có người không yên phận lại đứng ra bênh vực và chửi lũ du côn thì lại có người phản ứng: “Đang yên đang lành, cầu mong Trời Phật lượng xá cho con cháu lỡ lời”. Đúng là nói như anh bạn tôi: “Đúng là phố chợ man di”, còn cô ấy thì bảo: “Cái thời này thì não cũng bị phun thuốc tăng trọng nên phù nề”. Nhưng ở mảnh đất này vẫn còn có sự ngủ yên của những mảng ký ức của cô với những người thân yêu. Cô nhận ra rằng, cuộc sống cần có một chút lạnh và đau thì mới là đầy đủ. Cô đang thèm một chút cốt cách của tuyết để chực tan ra.

Ngoài kia phố xá vẫn nóng bức, vẫn ồn ào. Cô nghe đâu đây mùi của tuyết, cái tuyết nhiệt đới có mùi sao mà quen thuộc đến thế.

Mấy ngày nay thời tiết càng nóng dần. Tuyết đang tan, cô nghĩ vậy.

Cô đang điểm tô cho ngày mới, hôm qua đã quá phiền muộn. Cô phải chờ đợi nó đã từ lâu. Bây giờ đã gần hết tháng Bảy, đã bắt đầu mùa mưa cuối hạ.

Cô đang chọn màu sơn cho những chiếc móng tay, hôm nay cô có hẹn hò với mấy người bạn. Đã từ lâu, cô ít ra khỏi nhà nếu không vì công việc. Cô ở lì trong nhà, rồi gặm nhấm với nỗi nhớ về ba mẹ, về thời gian đã quá vãng. Cô sửa lại gọng mắt, hình như cảm thấy đôi mắt cô to hơn khi tháo cặp kính ra. Kệ. Cô vẫn là con bé ngày xưa nũng nịu và cố chấp. Hôm nay cô chọn màu sơn màu hồng phấn, cô nhớ về màu móng tay ngày xưa mẹ hay sơn. Cô cố hình dung thật cụ thể, thật gần, đường sơn quét bóng trên đôi tay kiêu sa đã sần sùi vì mấy chị em cô. Màu hồng tươi, chúng mơn mởn sắc. Thuở bé, cô hay được về thăm ngoại với ba mẹ. Nhà ngoại trồng hoa này nhiều lắm, chúng mọc trong những kẽ đất - chỗ khít những viên gạch lát sân, chúng mọc quanh gốc cây mai già. Mẹ kể: “Ngày xưa bà ngoại con gọi những chậu hoa này là chậu ngải, những chậu ngải hoa nở đầu mùa mưa, chúng thật đẹp nhưng cũng đầy bất trắc”. Cô chẳng biết ngải là gì, chỉ thấy chúng thật đẹp, cô hay hái và dán lên đầu những móng tay. Nhìn chúng thật muốt dài, và đầy cám dỗ.

Ngày ấy, cô được hơn mười tuổi, cái tuổi đã bắt đầu cho sự lớn khôn.

Một ngày mưa, café một mình. Quán Chiêu Ê thật yên tĩnh. Những giọt tranh bện vào đôi mắt. Chúng huyền hơn. Một ngày đã ổn hơn nhiều so với hôm qua.

Một âm thanh nào đó cho linh hồn. Tuyệt. Cô đang tận hưởng nó đang rót vào đôi tai. Đó là bản hòa âm tuyệt vời mà cô đang lắng nghe. Từng ngày, từng giờ. Chúng vọng lại ở đâu đó là một tiếng cười nhỏ, lời tạm biệt, lời xin lỗi. Vẫn vui nhé bạn, cô thầm thì, cô đã buông bỏ những dấu chân trên cái bóng cũ của mình đã lâu. Những cánh hoa rung rinh đọng lại những cảm xúc mà cô vừa chợt sờ thấy. Mưa. Vẫn là mưa cuối hạ. Hôm nay cô thấy nó có vị ngọt ngào.

- Ai bảo “nước mưa cưa trời” ? - cô lại thầm thì.

Từng bước chân sải dài. Bóng chiếc áo đỏ loang loáng dưới lòng đường đầy mưa. Cô nhìn. Tựa như một sinh linh của đất đang đi về phía ngôi nhà thân yêu của mình. Huệ mưa đã nở rực.

Chúng bắt đầu mưa. Một khoảnh sân bắt đầu nhú lên những nụ hoa búp hồng mỏng mảnh. Huệ mưa đang đưa những búp tay hồng. Cô lặng yên, nghe từng hạt mưa nở trên cánh nhỏ.


Kết quả hình ảnh cho hoa huệ trắng