Thứ Bảy, 20 tháng 1, 2018

Nhạc - Thơ Văn Hương tháng chạp

Về quê 20 tháng chạp 

Ở Một Nơi Tháng Chạp Gọi Mưa Về


Hương tháng chạp,
Hơi gió lạnh của mùa Đông tháng cuối,
Làm sắt se bao nỗi nhớ mẹ ơi...
Biết bao mùa Đông giá sống chơi vơi ,
Sao vẫn tiếc thương hoài hương tháng chạp !!
Còn có mẹ mùa Đông dường ấm áp,
Tiếng cười vui bên bếp lửa thơm nồng...
Mặc ngoài kia gió lạnh thổi qua song,
Hương của bánh khiến mùa Đông dịu ngọt !
Tháng Chạp của mẹ có chan chứa những yêu thương và đầy niềm tin mãnh liệt.
Tháng Chạp về, mẹ thở dài cái thượt, than thời gian trôi nhanh quá! Mọi việc ngoài kia dở dang đang chờ mẹ vun vén, thu xếp mà chỉ có ba mươi ngày ngắn ngủi.
Tháng Chạp của mẹ bắt đầu từ vụ lúa Đông Xuân. Bấy giờ trời hãy còn đang rét đậm, cầm dẻ mạ trên tay mẹ lo gần lo xa, lo cây lúa còn hơn lo cho bản thân. Tay mẹ tách mạ non nhẹ nhành như sợ đau, sợ thân mạ khẳng khiu không chịu nổi cái giá lạnh cuối đông. Mặc bùn nâu quyện chặt, sỏi đá lấm chấm dưới chân mẹ vẫn miệt mài cùng những thửa ruộng sớm hôm.
Tháng Chạp mẹ ươm sẵn một vườn rau xuân chuẩn bị cho vụ Tết. Vườn của mẹ đủ đầy các loại giống rau từ mùi, hành, tỏi cho tới các loại cải... Mẹ tưới tắm, bón phân, nhổ cỏ làm chẳng bao giờ hết việc. Những đứa con xót mẹ khổ, gàn rằng, nhà ăn hết bao nhiêu mà mẹ trồng chi cho mệt. Mẹ khoát tay, mắng yêu “cái lũ ăn hại này, không làm thì thôi để mẹ làm, cứ ngăn cản là sao?”. Đấy là chúng tôi lo lắng cho mẹ nên mới nói thế! Chứ thực ra mỗi người đều xúm một tay giúp mẹ. Mà cũng khoái cái khoảnh rau xuân lắm lắm. Tết nhất thịt thà, bánh kẹo ngầy ngậy mà không có khoảnh rau của mẹ dung hòa thì coi như mất ngon. Ăn không hết mẹ biếu hàng xóm, mang chợ chiều bán gom chút bạc lẻ. Anh em tôi học hành cũng từ những đồng tiền ấy chứ đâu.
Tháng Chạp của mẹ toan lo cho chồng cho con, cho những đấng sinh thành hai bên nội ngoại. Dù bận rộn cỡ nào mẹ cũng dành thời gian đi sắm sanh, mua quà cho những người thân yêu của mình. Chúng tôi vui sướng khi nhận từ tay mẹ bộ quần áo mới còn thơm mùi vải, đôi dép vẹn nguyên trong túi bóng lấp lánh những niềm vui. Nhưng chẳng bao giờ tôi thấy mẹ quần mới áo đẹp xúng xính hay đơn giản là một đôi dép “tử tế” đi trong dịp Tết. Lớn lên tôi mới hiểu rằng vô tình tháng Chạp đã hằn lên trán mẹ những nếp nhăn nặng gánh cũng bởi chỉ mong muốn chồng con, người thân hạnh phúc!
Tháng Chạp của mẹ có chan chứa những yêu thương và đầy niềm tin mãnh liệt. Thiếu thốn, đói kém nhưng mẹ chẳng bao giờ bộc lộ những âu lo, thể hiện trên khuôn mặt. Mẹ khéo co kéo để gia đình ấm cúng, hạnh phúc. Mẹ bảo chỉ cần Xuân sang thôi là mọi chuyện sẽ ổn. Và tôi thì luôn tin rằng điều mẹ nói là đúng.
Rồi những tháng Chạp chỉ có mình mẹ ở nhà. Bầy con đã vỗ cánh bay xa tới phương trời khác. Tháng Chạp của mẹ có những giọt nước mắt ngồi bên hiên mùa Đông thưa thớt nắng ngóng trông đàn con phương xa…
Bên mẹ trong những ngày cuối Chạp lòng bình yên vô ngần. Rũ bỏ những âu lo, bon chen phố thị, chúng tôi về với người, xắn tay áo chăm luống rau nghe mẹ kể chuyện. Mẹ khoe khoảnh rau năm nay tốt hơn năm ngoái, bầy gà cũng chóng lớn hơn... Mẹ đang vui và lòng chúng tôi cũng đang hân hoan.
Tháng Chạp của mẹ năm nào cũng thế! Ngồn ngộn đống việc và chưa được một phút thảnh thơi…
Quyền Văn

Phiên chợ Mường tháng Chạp

Tháng Chạp một sáng ngày cạn mùa, gió chợt nồng nã hơn khi lùa qua vách sàn, trời cũng phai sắc màu bàng bạc để len lén những ánh vàng âm ấm giao mùa. Cây mận cuối vườn nhu nhú nụ căng ngần, như chỉ đợi một cơn mưa phùn thôi sẽ bung trắng gọi Giêng về. Đầu đường, cuối dốc đã nghe rộn rã tiếng nói cười của trẻ nhỏ í ới gọi hẹn của trai gái đợi nhau xuống chợ. Từ gầm sàn, mẹ tất bật gánh lưng nếp nương cùng vài đon lá dong, lạt giang vội vã cho kịp đoàn người. Tết ở Mường bắt đầu vào một ngày như thế trong tháng Chạp.


Đó là phiên chợ ngày hai lăm Tết, phiên chợ lớn nhất trong năm đối với người ở vùng Mường tôi. Chợ có từ bao giờ không rõ nữa, chỉ nhớ rằng, khi lớn lên, tôi đã biết đến phiên chợ này như một lễ hội đặc biệt, báo hiệu cho Tết và Xuân về. Sáng ngày hôm ấy, trẻ già, gái trai sẽ diện cho mình bộ quần áo đẹp nhất, hẹn hò từ chiều ngày hôm trước, đợi đến sáng thì xếp thành từng đoàn rồi thư thả ra phố huyện. Người ta đi chợ, ngoài việc mua bán vài thứ gì đó còn là cái cớ đi tìm một thú vui, hương vị cho ngày Tết.  
Thời đó, trẻ con mong phiên chợ Tết để được mặc quần áo đẹp, để được ra chợ xuống phố xem bày bán những thứ lạ mắt, thật đẹp, rồi ăn vài thứ bánh kẹo lạ mà cả năm chẳng mấy khi được thấy, rồi được mua một vài quả bóng bay xanh đỏ khoe với nhau. Từng ấy thứ thôi mà xa xỉ đến độ, cứ trở đi trở lại trong giấc mơ cả bao ngày tháng dài.
Tôi còn nhớ rất rõ cảm giác hồi hộp, nôn nao, rạo rực của những đêm ngày chợ phiên. Bọn trẻ chúng tôi hầu như không ngủ được, bị người lớn ép đi ngủ nhưng lòng cứ thao thao mong trời sáng. Nằm như đếm được từng canh gà thức ngày và trở dậy khi ngoài cửa voóng vừa có chút ánh sáng len qua.
Quần áo mới từ đêm hôm trước được gấp sẵn để ngay cạnh chiếu ngủ, tỉnh dậy là quờ vội thay ngay vào người. Tháng Chạp trời lạnh lắm, quần áo mới đẹp nhưng mỏng manh. Ngày Tết mẹ không thể sắm cả quần áo ấm cho tất thảy, nên mỗi đứa chỉ được một bộ mong mỏng.
Chúng tôi ngày đó không có nhiều đồ mặc ấm, một chiếc áo khoác hay áo len mặc đến độ vàng nâu lấm cặn, giặt bữa nào thì hong vội bếp lửa cho kịp khô bữa ấy nhưng ngày chợ Tết sẽ chỉ mặc quần áo mới thôi, trời lạnh bao nhiêu cũng chịu được.
Hôm ấy, mẹ trở dậy sớm hơn mọi khi, nhóm bếp lửa cho chúng tôi ngồi đợi sáng. Cả nhà cũng thức theo vì tiếng nói cười ồn ã. Chỉ đợi nhìn rõ mặt đường, sương còn đặc trĩu trên cỏ trên lá, ngoài ngõ, đầu bản đã ríu rít ồn ã tiếng trẻ con cười nói, gọi nhau. Con đường làng như một luống hoa rực rỡ màu xanh xanh, đỏ đỏ của quần áo mới, môi lũ chúng tôi đứa nào cũng thâm tái nhưng nụ cười thì không ngưng tắt bao giờ…
Phiên chợ ngày hai lăm tháng Chạp ấy, người già cũng rủ nhau đi chơi, họ muốn nhìn phố xá, hàng quán nhộn nhịp, xem thiên hạ vui chơi thế nào. Hơn cả, xuống chợ phiên họ cũng mong được gặp gỡ lại những người quen, bạn già cũ.
Người già xuống chợ vào giờ muộn hơn. Đợi trời tan sương, đường vãn trẻ nhỏ, họ mới bắt đầu chống gây, đeo dón ra đường, họ cũng hẹn hò nhau, đợi nhau ở góc làng, đầu bản. Cụ nào có bộ váy, áo mới nhất đẹp nhất cũng đem ra diện. Trong nhà dành dụm được đồng nào từ tiền bán măng, bán lá, bán củi cũng đem hết để đi chơi, có khi chẳng mua gì nhưng gọi là có tiền đi chợ. Con đường từ các thôn bản đến chợ huyện rộn rã tiếng hỏi han cười đùa. Người già đôi khi chào hỏi nhau bằng những đoạn Đang, đoạn Xường đối đáp, nên chợ phiên ấy chỉ thiếu tiếng cồng chiêng nữa là thành một lễ hội Mường đặc biệt.
 Trai làng, gái bản thì đi chợ như đến một lễ hội duyên, để mong được gặp gỡ, hội ngộ bạn bè khắp Mường quen Mường lạ, để mong tìm lại người cũ nào đó đã thất lạc từ lần vừa kịp biết tên ở chợ phiên trước, hay để mong tìm được người tri kỉ, bạn trăm năm trong một ngày rong chơi.
Có khi họ chẳng kịp bước chân vào chợ để xem quán hàng hay mua gì đó, mà chỉ tụm năm, tụm bảy để hàn huyên, hẹn hò, làm quen với nhau cho đến khi vãn chiều rồi bịn rịn chia tay. Nhiều cuộc hò hẹn đã được bắt đầu từ một buổi chợ như thế và biết bao nhiêu cuộc duyên đã thành đôi lứa từ những lần chợ phiên này.
Đàn ông có gia đình thì thường đi chợ để mua rượu, có khi họ xách theo chai rượu ngô, rượu củ dành dụm lâu nay để xuống chợ, gặp hẹn bạn bè anh em ở đâu là say đến cạn ngày. Chỉ có các mẹ, các cô bận bịu với những gánh hàng đơn sơ, đủ mua quà bánh cho lũ nhỏ.
Bây giờ người ở Mường có thể một tháng vài lần ra phố, phố chợ không còn quá lạ lẫm và thiếu thốn. Người đi chợ Tết không còn giữ được những nét đẹp như trước kia, thế nhưng phiên chợ Tết cuối tháng Chạp vẫn là phiên chợ được người ở Mường mong mỏi, hào hứng nhất trong cả một năm dài. Chỉ bởi đó là một nơi để rong chơi, cho lòng mình thanh thản, nguôi vơi, tạm quên đi những lo toan nhọc nhằn suốt bốn mùa nương núi.
Cũng bắt đầu từ ngày chợ phiên ấy trở đi, người trong Mường gác hết việc ruộng rẫy để lo chuẩn bị cho Tết nhất. Tôi thích những buổi trưa ngồi ở cửa voóng hướng mắt theo phía âm thanh ồn ã, nhộn nhịp bên con đường dưới chân núi sau nhà, nhìn đoàn người trong bản theo nhau vào đồi hái lá dong, kiếm củi, chặt giang tước lạt bánh, tiếng cười đùa hân hoan, háo hức cho đến khi hút bóng phía thung rộng.
Tôi thích những lưng chiều tất bật bên bờ suối, cùng các chị các cô đánh rửa nồi niêu, bát đĩa, rộn ràng, hoặc ngồi trên bếp nghe tiếng người ta chia chác nhau những phần thịt lợn dưới sân lớn. Chẳng biết nhiều ít ra sao, nhưng giọng nói câu cười nào cũng ấm áp vui tươi.
Đêm ba mươi thiêng liêng chầm chậm trôi trong tiếng khấn lởi của cha bên bàn thờ gia tiên và ngồi dưới bếp bên nồi bánh chưng của mẹ nghe những giai âm tâm linh thấy ấm áp và thanh tịnh đến lạ. Cha khấn xong, mâm cơm cúng đó sẽ được dọn xuống để cả gia đình cùng quây quần hưởng lộc.
Xong bữa cơm tất niên, cha đốt đóm, xách cồng ra nhà văn hóa thôn vui đêm múa hát pồn pông đón giao thừa cùng đoàn thanh niên và bà con. Tôi ở lại bên bếp lửa cùng mẹ. Bếp lửa lặng lẽ cháy, nồi bánh đều đều lục bục sôi, mẹ rủ rỉ kể tôi nghe chuyện nương núi bốn mùa gió nắng. Tháng Chạp đi qua nhè nhẹ trong tiếng mưa xuân rích rắc chái thềm lẫn vào tiếng chiêng đêm vọng lại từ đâu đó.
THY SƯƠNG

LK Nhạc Miền Tây Dạ Cổ Hoài Lang

Vá nồi ngày tháng Chạp ở quê tôi

 Ngày trước, mỗi khi tết đến, người dân quê tôi (Vũng Liêm, Vĩnh Long) ngoài việc trang hoàng nhà cửa, tất bật làm các loại bánh mứt, các món ăn truyền thống thì còn một việc tuy nhỏ nhưng phải làm cho xong trước ngày đưa ông Táo về trời đó là chà rửa nồi, chảo thật sạch, rồi lựa những cái nào bị sứt quai, lủng lổ đem ra chợ vá lại

Hồi tôi còn nhỏ, khoảng chiều 20 tháng Chạp là mẹ tôi xắn tay dọn dẹp góc bếp. Ngày đó, góc bếp của mẹ nhỏ bé, đơn sơ với mấy cái nồi, chảo và cái bếp cà ràng do chính tay cha tôi nắn. Mẹ thường nói với cha tôi làm ra nó với tất cả tâm huyết của mình, cha phải lựa chọn đất sét mềm, dẻo, mịn rồi trộn với trấu để tạo độ kết dính; khi làm xong cha tôi còn nắn hoa văn, đường viền cho cà ràng thật bắt mắt. Vậy nên, mẹ tôi quí nó lắm, mỗi khi thấy tôi đụng chạm mạnh tay vào bếp là 
mẹ rầy rà ngay.
Người thợ vá nồi ở quê tôi. (Ảnh: Nhất Huỳnh)
Thương nhất là lúc mẹ đem mấy cái nồi, cái chảo dính lọ đen sì ra chùi, cực khổ vô cùng vì ngày trước làm gì có các loại nước rửa chén như bây giờ, mẹ  phải lấy xơ dừa khô để chùi nồi. Mẹ chùi đến mồ hôi nhễ nhại, mặt dính đầy lọ nghẹ cho đến khi cái nồi, cái chảo đã trắng tinh; mẹ tươi cười xếp chúng gọn gàng lên kệ, ngắm nghía hồi lâu.
Sáng hôm sau, mẹ lựa những cái sứt quai, lủng lổ đem ra chợ. Tôi ngây thơ hỏi mẹ: “Nó bị hư, mẹ bán lấy tiền mua kem cho con ăn nghe mẹ!”. Mẹ tôi cười, xoa đầu tôi ngọt ngào: “Không đâu con, những cái nồi này sửa lại là dùng được, chưa đến mức bỏ đi đâu con!”. Thế là mẹ cóc cách đạp xe chở tôi đi chợ.
Tôi ngồi sau xe, tay cầm một cái chảo, còn hai cái nồi nhỏ mẹ để vào rổ xe đạp. Chợ quê những ngày gần tết thật náo nhiệt, người dân quê dù nghèo khó nhưng cũng ráng sắm sửa để có một cái tết đàng hoàng. Mẹ dừng xe ở góc chợ, nơi có một người đàn ông chắc cỡ tuổi cha tôi, đang gõ gõ với rất nhiều nồi, chảo.
Vậy là không phải chỉ có tôi mà rất nhiều người cũng đem nồi, chảo ra chợ cho ông ấy vá lại. Tôi nhìn quanh, thấy đồ nghề cũng khá đơn giản, mấy cái kéo, cái kềm, mũi khoan cùng với một tấm tôn phẳng khá lớn. Ông ấy đang miệt mài gọn dũa, đụt đẽo cái nồi, khéo léo cắt miếng tôn cho vừa vặn rồi đắp vào lổ thủng. Đâu chỉ vậy, từ miếng tôn đó, ông tỉ mỉ cắt ghép thành cái quai mới gắn vào những cái nồi, chảo bị sứt quai. Ngồi cạnh ông là một đứa trẻ chắc lớn hơn tôi mấy tuổi, tôi độ là con trai ông, đang nhìn ông làm không chớp mắt. Hết người này đến người kia mang nồi, chảo đến, cái to có, nhỏ có, ông làm không kịp tay…
Đó là chuyện của những ngày xưa, tôi nhớ đến tận hôm nay. Giờ đây, kinh tế khá giả, việc mua cái nồi, cái chảo mới rất dễ dàng nhưng người dân quê tôi ít nhiều vẫn giữ thói quen tự thuở nào: mang nồi, chảo thủng ra chợ vá lại chứ không bỏ đi. Hình ảnh người thợ vá nồi với đôi tay khéo léo, đôi mắt tinh tường, kiên nhẫn làm mới từng cái nồi, cái chảo hư có thể sau này không còn nữa nhưng lại là ký ức khó quên, là nét đẹp chất phác, mộc mạc, đơn sơ của quê tôi mỗi khi tết đến, xuân về.
Nhất Huỳnh


Nhớ Tết quê
Tha hương mấy độ tủi thân con
Dấn bước phiêu du kiếp mỏi mòn
Kỷ niệm một thời xuân sắc ấy
Tết quê hoài nhớ mãi trong con

Phơi phới mưa Xuân rắc bụi mờ
Căng tràn nhựa sống búp non tơ
Hương bưởi vườn nhà thơm ngào ngạt
Áo, quần khoe mới các em thơ

Con nhớ ngày xưa thuở thiếu thời
Mẹ ngồi đun bánh tối Ba Mươi
Mồng Một đường làng vang tiếng guốc
Người đi chúc Tết rộn Xuân tươi

Ruộng chùa mấy cặp đua bay bổng
Sân đình trống vật thúc liên hồi
Trai gái hẹn hò đêm hát hội
Tích truyện Lưu Lang diễn tuyệt vời

Cánh chim lưu lạc bốn phương trời
Khắc khoải ngày về quê hương ơi
Ước gì trở lại… ngày xưa ấy
Tết của quê ta thuở thiếu thời

Doãn Hải

Tháng Chạp - Thương về cố xứ

Mấy hôm trước, lần giở tờ lịch năm mới, mẹ tôi bần thần, nhẩm tính hồi lâu. Thì ra, tháng Chạp đang chậm rãi đến. Gần chạm ngưỡng “thất thập”, đối với bà, Tết chỉ khiến mái tóc bà nhiều hơn một sợi bạc, lại bớt đi một ít thời gian sống cùng con cháu. Không mong Tết, nhưng bà trông ngóng tháng Chạp!
Hơn 20 năm trước, ông ngoại tôi mất vào giữa tháng Chạp, sau cơn bệnh nặng. Con cháu bỏ dở công việc bề bộn của thời điểm cuối năm. Lo đám tang xong, chẳng ai còn tâm trạng ăn Tết. Tháng Chạp năm ấy buồn bã trôi qua, khắc sâu nỗi mất mát vào ký ức mọi người. Khi thương tiếc phai nhạt dần theo thời gian, những tháng Chạp sau đó trở thành dịp hội tụ con cháu, đông đủ hơn cả ngày Tết.
Gần đến ngày giỗ ông ngoại, mẹ vừa chuẩn bị quần áo, vừa dặn dò cha con tôi đủ thứ, rồi lặn lội đi xe đò, vượt cả trăm cây số về quê. Chẳng có điều kiện góp tiền tổ chức giỗ, bà dùng tấm lòng hiếu thảo để dọn dẹp phủ thờ, quét dọn sạch sẽ, tham gia nấu nướng, dọn dẹp cùng cánh phụ nữ trong bếp. Đàn ông thì lo dọn mâm cúng kiếng, tiếp khách, khề khà bên ly rượu để chia sẻ chuyện nhà, chuyện đời.
Đám giỗ hầu như đủ mặt mọi người, trở thành dịp đoàn tụ cả nhà trước năm mới. Mấy chục năm trôi qua, cũng là ngần ấy năm mẹ tôi sống xa quê. Có một ngày đặc biệt của gia đình như thế, nên bảo sao, mẹ tôi không thể không bần thần vì tháng Chạp!
 
Ông James Nguyen rời Việt Nam 35 năm trước, khi vừa tròn 12 tuổi. Bao nhiêu năm xa quê, ông vẫn không thể quên hình ảnh đồng ruộng mênh mông, tiếng trâu cày vất vả. Tâm sự với tôi, ông cẩn thận lục lại ký ức: “Tôi nhớ, sáng sớm tôi đi học ở trường, khi về là quăng cặp, ra ruộng giúp gia đình. Quê hương vẫn nằm sâu trong tim, khi mẹ già và người thân của tôi còn sinh sống”.
Mỗi lần về Việt Nam, ông nôn nao, hạnh phúc vì được trở về xứ sở, được nghe tiếng nói của đất nước mình, được nhìn thấy vùng sông nước miền Tây đậm đà tình nghĩa. Mấy tháng trước, mẹ ông qua đời. Bởi vậy, Tết này ông không về Việt Nam, không nghe lòng nôn nao Tết như trước nữa... Nhưng ở xứ người, ông vẫn tham gia các hoạt động đón Tết. Hiện giờ, ông đang tập hát bài “Hình bóng quê nhà”, chuẩn bị cho buổi tiệc tân niên sắp tới. “...Nghe quê hương tiếng gọi mời thương những ngày tha phương/ Trong cõi đời ta, giữ bên lòng hình bóng quê nhà” - câu hát như thay tiếng lòng của ông và những người con xa xứ khác, cất lên trĩu nặng nỗi nhớ mông lung!
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người thương nhớ tháng Chạp. Anh Huỳnh Tiến (ngụ phường Châu Phú A, TP. Châu Đốc) chia sẻ: “Tôi xa quê, đến TP. Long Xuyên lập nghiệp hơn 20 năm. Nhà chỉ còn mẹ tôi sống cùng họ hàng lân cận. Lúc ấy, thu nhập có được, vun vén lắm mới đủ dùng. Nhưng năm nào cũng vậy, cứ đến tháng Chạp là tôi về nhà thường xuyên hơn.
Tuần này, tôi lau dọn nhà cửa, chỉnh lại mái hiên trước sân. Tuần sau, tôi ra chợ, chọn chậu mai đẹp chưng Tết, mua ít bánh kẹo, dây kim tuyến, đèn nhiều màu. Tuần sau nữa, tôi đem quà tặng, lịch của cơ quan về cho mẹ... Nhà dẫu nghèo, dẫu nhỏ, nhưng cũng phải có Tết như ai. Bây giờ, cuộc sống đỡ hơn trước, tôi lập gia đình và sinh sống ổn định ở Long Xuyên. Chỉ có điều, mẹ vắng bóng, tôi chẳng còn dịp về quê để chuẩn bị Tết như xưa. Nhưng dù thế nào đi nữa, tôi đã có những tháng Chạp rất ý nghĩa, không thể nào quên”.
Có người bảo, tháng Chạp đôi khi còn vui hơn cả Tết. Ngoài việc sắm sửa, chuẩn bị mọi thứ cho ngày Tết cận kề, người ta còn khắc khoải trở về nhà, làm tròn bổn phận con cháu bằng 2 lễ cúng lớn: đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), rước ông bà (30 tháng Chạp).
Chợ Tết đông nườm nượp, người mua kẻ bán tất bật. Đi chợ xong, phải về bày biện, nấu nướng, chuẩn bị cúng kiến theo phong tục. Chính những phút giây tất bật ấy mới làm người ta cảm nhận rõ ràng nhất không khí tháng Chạp - những ngày cận Tết. Và tháng Chạp cũng chất chứa đầy đủ mong ước cho năm mới: Ai ai cũng mong ông Táo cưỡi cá chép về trời, trình tấu với Ngọc Hoàng mọi điều tốt đẹp của gia đình mình, nguyện cầu cho năm mới suôn sẻ, bình an. Ngày rước ông bà, con cháu làm mâm cơm cúng. Bữa cơm tất niên - đầy đủ người thân trong nhà lẫn tổ tiên đã khuất - trở thành hoạt động tống tiễn tháng Chạp, nghênh đón tháng Giêng.
Tháng Chạp bịn rịn trôi qua, chắc chắn sẽ khiến người ta nuối tiếc. Bởi, mấy ngày Tết qua nhanh như gió thổi, họ phải chia tay quê nhà, trở lại xứ lạ, tiếp tục hành trình mưu sinh. Lúc ấy, người ta lại ước: phải chi, bây giờ vẫn còn tháng Chạp!
Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG













 








 

Thứ Sáu, 12 tháng 1, 2018

Nhạc - Thơ - Văn TRONG NỖI NIỀM CỦA HẠ

Hoa Khế

Chùm Bông Hoa Khế 

 

Lưu luyến

Em lưu luyến kỷ niệm rồi sẽ mất,
Gió biển về đêm, hoa khế bay bay...
Nhớ ngày qua sao thương tiếc lắt lay,
Và nơi ấy biết bao giờ trở lại !?
NM

TRONG NỖI NIỀM CỦA HẠ

 Đó là ngôi nhà gần biển tới mức lúc nào ở đó cũng nghe thấy tiếng sóng, lúc thì ì ầm giận dữ lấn lướt xô đẩy nhau, lúc lại nhẹ nhàng mơn man như hơi thở trẻ thơ... Nhà có khoảng vườn nhỏ. Chính giữa sân, ông lão chủ nhà đã trồng một cây khế cành lá nom sum suê. Không biết cây khế đầy những quả ngọt kia có từ khi nào, lúc Hạ quen Thuyên, cô đã thấy nó đứng ở đó vươn dài những cành lá xanh đung đưa cơ man nào là những chùm trái tròn căng mọng. Người ta hay bảo khế ngọt thường ít nõn nà hơn khế chua, thế nhưng cây khế nhà Thuyên thì ngược lại: Nó vừa mướt mát mà vừa ngọt thanh dễ chịu. Thủa còn đi học, mỗi bận Hạ đến nhà chơi, Thuyên thường làm quà và lấy lòng Hạ bằng những trái cây vườn nhà Thuyên trồng. Vườn cây ấy nhỏ thôi, song cha Thuyên đã trồng khá nhiều cây ăn trái: Những quả ổi xanh cắn vào giòn rụm, lựu thì ngọt lịm hạt lại đỏ hồng trông thật hấp dẫn. Có cả những quả mảng cầu to tướng nên Hạ khó lòng mà...từ chối. Thế nhưng chẳng hiểu sao cho đến khi Hạ và Thuyên đã cưới nhau rồi cô vẫn còn mê mãi với cây khế nhà Thuyên.
 Hồi bé Mi còn nhỏ xíu, những buổi chiều mùa hè có gió nồm mát rượi, Hạ thường treo võng, hai mẹ con nằm ru nhau dưới tán cây tỏa bóng xanh dịu, che khuất hẳn cái nắng chói chang. Một cơn gió thoảng qua cũng làm hoa khế rụng tím trùm lấp cả mặt sân. Rồi những đêm rằm, trăng sáng phả màu vàng lấp lánh xuống mặt biển. Phía sau nhà Thuyên, từ trên gác qua cửa sổ, cô mới thật sự tận hưởng vẻ đẹp của biển về đêm. Tiếng gió lùa xào xạc vào những nhánh lá thoáng qua tóc Hạ, càng làm tăng thêm hương vị đặc biệt của đêm trăng ở ven biển. Mùi tanh nồng pha vị mặn chừng như hòa quyện với hương hoa khế thơm dìu dịu làm cho Hạ như ngây ngất lâng lâng...
Thời gian Thuyên còn dạy học ở Mỹ Thắng, nhờ hương biển, hương cây giúp Hạ cảm giác lúc nào cũng có Thuyên bên mẹ con Hạ. Ngôi nhà đó, sân vườn đó đối với Hạ khắc đậm biết bao là kỉ niệm. Thế rồi sau khi bé Đa ra đời được ba hôm thì ba Thuyên mất. Ông lão chăm sóc vườn cây tận tình không còn nữa. Hạ nghe má Hạ nói rằng người chủ cây chết mà không cho cây để tang thì trước sau gì cây đó cũng sẽ chết theo! Không hiểu má Hạ nói đúng hay do thiếu bàn tay chăm bón của cha chồng Hạ mà dần theo thời gian: cây ổi tàn héo, cây lựu trụi lá, rồi cây mảng cầu đang độ sung sức cũng biến mất khỏi khu vườn nhỏ nhà Thuyên. Tuy nhiên điều Hạ lo lắng nhất cho số phận cây khế đã không xảy ra. Cô xiết bao vui mừng khi từng ngày trôi đi, cây vẫn xanh tốt, không có biểu hiện gì chứng tỏ nó sẽ rời xa nơi nó đã từng đâm chồi nãy những nhành lá đầu tiên.
Hai đứa con gái lớn của Hạ đã bao lần đùa chơi dưới bóng cây thân quen ấy. Những ngày nhà Thuyên có đám giỗ, xong đám, cánh đàn ông ung dung ngồi uống trà trong ánh nắng nhảy nhót xuyên qua bóng lá, mấy người phụ nữ cùng quây quần ngồi núp dưới gốc cây tránh nắng vừa trò chuyện vừa rửa chén bát.
Hạ nhớ như in có một đêm khu vực nhà Thuyên bị cúp điện, bầu trời hôm ấy không có trăng, ngay cả chút ánh sao nhấp nháy cũng chẳng thấy. Mấy đứa cháu gọi Thuyên bằng chú, tụi nhỏ nhát gan có tiếng, cùng cả nhà xúm xít lại bên nhau. Chính giữa là rổ khế đầy nhóc, bên cạnh còn có một chén muối ớt đâm nhừ- mới nhìn đã muốn chảy nước miếng! Ngoài sân trời tối đen, cây khế với cành lá bỗng trở nên xám xịt và mờ ảo, chừng như rờn rợn...tất cả như bao trùm lên những con người bé nhỏ đang cố thu mình lại. Gương mặt chị Giao, chị ruột của Thuyên, phảng phất khi tỏ khi mờ qua ánh sáng leo lét của cây nến nhỏ, càng làm tăng vẻ ghê sợ: Chị đang kể chuyện... ma! Những hình người máu me, những chiếc răng nanh nhọn hoắt, những cái đầu lâu treo lơ lửng đầy kinh sợ. Câu chuyện kết thúc đã lâu thế nhưng mấy đứa cháu và Hạ vẫn không sao chợp mắt. Cành lá đu đưa nhập nhoạng trong đêm làm mọi người cứ tưởng tượng đến gương mặt méo mó đẫm máu của con ma trong câu chuyện chị Giao kể. Đêm cứ thế trôi dần chậm chạp, tưởng như có tiếng bước chân ai đang lướt nhẹ ngoài sân. Ngoài xa những con sóng nhỏ xô nhau vào bờ nhẹ nhàng liếm cát.
Tất cả và tất cả những hình ảnh xung quanh cây khế: Bao lần vợ chồng Hạ và gia đình ngồi ăn cơm, bao lần mấy đứa con Hạ chạy đuổi nhau dưới vuông sân ấy đã trở nên quá thân quen đến sâu đậm. Khi đứa con út ra đời, nhóc này lúc nhỏ nghịch và quậy hết biết! Nó từng một mình leo lên gác nhà để vươn tay ra ban công hái khế, công việc mà trước đây chỉ có mình Thuyên thường làm. Đến tuổi đi học, có chút thời gian rảnh rỗi, mấy đứa nhỏ còn rủ bạn về nhà nội để ăn khế. Theo suy nghĩ của tụi nhỏ, chắc không nơi nào có khế ngọt như nhà nội. Những điều đã diễn ra, Hạ tưởng như sẽ và vẫn còn tiếp tục. Cho đến một ngày... Chiếc xe hai vợ chồng Hạ vừa dừng trước cổng, chị Giao từ trong nhà đã lên tiếng trước:
- Nhà mình ở trong diện giải tỏa, có giấy ở phường mời đi họp kìa!
Rồi tiếp theo đó là ở ngay đầu ngõ xuất hiện một cột ghi rõ ranh giới phần đất nằm trong khu vực giải tỏa. Cái cột vôi nhỏ màu trắng chữ đỏ lạnh lùng và dửng dưng trước những ánh mắt của bao người qua lại, soi mói vào nó. Con đường Nguyễn Lạc chắc chắn nằm ngoài ranh giới bị san phẳng, đột nhiên được nới rộng. Những ngôi nhà sửa sang lại, xây cao thêm. Từng ngày Hạ về lại mỗi đổi thay. Từng lớp nhà nhỏ nằm sát biển trước đây lần lượt biến mất. Hạ, cho tới bây giờ khi mà thằng em Thuyên đã chuẩn bị nhận đất nhận tiền đền bù, cô vẫn khó có thể hình dung trên vùng đất quá quen thuộc này lại chẳng có sự hiện hữu ngôi nhà của gia đình Thuyên, càng không tưởng tượng nỗi nơi đây về sau, cô sẽ mãi mãi mất đi hình ảnh cây khế mà bao lâu nay nó vốn đã in đậm trong tâm trí cô.
Con Phai cháu Thuyên đã nhận tiền đền bù và giấy tờ nhà. Nghe chừng nó sẽ đi lên xóm Tiêu. Hạ nghe em Thuyên nói nhà mình chắc sẽ chuyển tới vùng đất mới trên đường Võ Thị Sáu. Nơi này rồi sẽ như thế nào? Chắc chắn sẽ được thay vào đó là một cảnh quan đẹp hơn, thoáng đảng hơn phù hợp với du lịch biển hơn. Thẳng đường tới nhà Thuyên có trường tiểu học- trước kia là Trần Phú giờ là Ngô Văn Sở- trường có vẻ như được giữ lại. Hạ thấy sau thông báo qui hoạch, trường vẫn giữ nguyên thậm chí còn xây lầu cao thêm, khang trang và đẹp hơn nhiều. Mai này khi đến đoạn đường Nguyễn Huệ, đoạn có nhà thờ Hòa Ninh, nếu có ai hỏi thăm nhà, câu trả lời sẽ như thế nào? Có còn cái điệp khúc quen thuộc: đi thẳng đến trường Trần Phú, rẽ trái thấy nhà có cây khế đích thị là nhà Thuyên...Và cái giếng nước lâu nay cả xóm vẫn dùng chung, mỗi năm cứ cận Tết lại có một ngày cảo giếng. Những cánh tay vung lên rồi hạ xuống. Những cái gầu được sử dụng hết lực, tiếng gầu va đạp xen với tiếng đùa ghẹo của mấy anh chàng miền biển cứ oang oang...Cây khế hiền lành dễ tính, cứ thế che chắn bóng râm cho bao con người dưới cơ thể khỏe mạnh lực lưỡng của mình, cho cả cái giếng nước ngọt ở sát bờ biển mặn ấy.
Hạ không sao hiểu được cô có thể thản nhiên nói với mọi người rằng: Hôm nay là lần giỗ cuối cùng của ông nội các cháu ở trong chính ngôi nhà này. Ngôi nhà cũ với sân vườn bé xinh đã lưu giữ trong cô bao điều ấm áp. Mai rồi Hạ sẽ tìm ở đâu được chứ? Hết thảy: ngôi nhà ngói nhỏ cũ kỹ và cây khế dịu dàng ấy, nơi Thuyên và Hạ đã từng sống qua thời son trẻ đẹp đẽ nhất.
Mọi thứ chỉ còn lại qua vài tấm ảnh hiếm hoi và trong trí tưởng của Hạ mà thôi. Hạ thoáng một tiếng thở dài...
Đào Thanh Hoà (Bình Định)

Thuyền rời bến ra khơi theo sóng vỗ,
Mang bên mình ước vọng của tình yêu....
Vượt qua bao trở ngại vẫn cô liêu,
Trong thoáng chốc chợt tiếc thời hoa mộng !

Bạn thoả sức vẫy vùng trong biển rộng,
Ta ngồi đây thương nhớ khoảng trời xưa..
Hội ngộ nhau ấm áp buổi chiều mưa,
Cà phê đắng nhưng mang bao vị ngọt ?!

Quay tìm lại thuở bình minh chim hót,
Thật giản đơn, thanh thản lẫn vô tư...
Luôn bên nhau như muôn thuở bấy chừ,
Tâm trong sáng ta cùng vui bến đỗ
NM
Kết quả hình ảnh cho Miền ký ức
 
 

Tôi là một đứa nhà quê đúng nghĩa, được chuyển lên thành phố học khi bước vào cấp phổ thông trung học. Vào lớp với bao bỡ ngỡ vì lạ bạn, lạ trường, cái cảm giác lạc lõng trong đám bạn thành phố vừa xinh đẹp, vừa sành điệu làm tôi thấy mình muốn bật khóc. Bổng “rầm”…một vật thể nhỏ nhắn xinh đẹp va vào tôi và hắn ngã nhào.
Dù thấy hắn lần đầu nhưng sao cảm giác thân quen đến lạ, trông hắn giống tôi nhiều thứ, cũng vóc dáng nhỏ bé, cũng điệu bộ quê mùa và hình như hắn cũng lạc lõng (tôi đọc được trong mắt hắn). Tôi như mở cờ trong bụng vì giống như tình yêu sét đánh, tôi nhận ra đây là người tôi có thể chọn để làm bạn, để chia sẻ trong suốt thời phổ thông nhàm chán và dài đằng đẵng này (lúc đó tôi nghĩ vậy).
Tôi và hắn như có duyên trời định, đều là những đứa sống nội tâm và có chút lãng mạn, đặc biệt lại thuộc tuýp người không chịu thay đổi. Với hắn dù là người thành phố, nhưng gia đình hắn cũng là gia đình công nhân viên chức nên hắn cũng giản dị như tôi và hắn cũng không quá đề cao đến vẽ bề ngoài của mình. Tôi thì khỏi phải nói, một buổi học, một buổi chạy hàng cho mẹ. Nhà tôi cách trường gần 20km, mà cứ học xong là tôi phi thẳng ra chợ với chiếc xe đạp cà tàng, mua tất cả các thứ hàng hóa mà mẹ cần nào nước mắm, miến, tép khô và thậm chí cả mắm tôm. Có hôm đi học thêm tôi còn buộc nguyên cả một can nước mắm loại 20l để kịp chở về vì sợ nếu để sau khi học mới lấy hàng thì sẽ về muộn (mà về muộn thì trời tối, tôi sợ nhất phải đi khi trời tối vì tính tôi sợ ma chứ không sợ xấu hổ).
Rồi có lần giờ học kéo dài, trời đã về chiều, mặt trời đã bắt đầu tắt dần, nhìn mặt tôi lúc đó chắc lo lắng lắm nên hình như hắn thương tôi, hắn bảo tôi về nhà hắn để xin phép bố mẹ cho hắn về quê cùng tôi. Hai đứa đánh liều về nhà hắn, tôi nhớ mãi gương mặt nghiêm khắc của bố mẹ hắn, nhưng tôi cũng hiểu ẩn sau trong đó là tấm lòng nhân hậu…và tôi nhớ, đó là lần đầu tiên tôi khóc trước những người không phải là bố mẹ mình vì tôi cảm nhận được tình yêu thương từ họ.
Đó cũng là lần đầu hắn về quê tôi, và tôi biết cái tâm hồn lãng mạn của hắn được thỏa lòng khi cùng tôi rong ruổi đạp xe trên triền đê bên dòng sông Lam xanh trong, thơ mộng. Hắn và tôi mang theo tập vở về để làm bài, nhưng khổ nỗi hắn không ngăn được cái cảm xúc đang dâng trào trong hắn khi hắn được ngắm trăng lên trên dãy tre xanh ven bờ sông, trăng lấp ló sau khóm tre rọi xuống in hình những chiếc lá xinh xinh lên mặt sông gợn sóng. Quê tôi ở một vùng eo rất đặc trưng là vừa gần sông lại vừa gần núi, nên vào những đêm trăng thì tuyệt đẹp, mà tôi biết bọn bạn thành phố của tôi hơn tôi tất cả nhưng lại thua tôi ở điểm đó. Nhiều khi không có gì để so sánh, tôi tự an ủi mình bằng hạnh phúc được sinh ra ở một làng quê thanh bình và mộng mơ đến thế. Hai đứa tôi đã hầu như không ngủ vì mãi chuyện trò và cùng nhau đọc những bài thơ tình. Tôi yêu thơ tình và truyện ngắn từ hồi cấp 2 nhưng nhóm bạn thân của tôi chẳng đứa nào giống tôi nên một mình tôi đọc thơ đến thuộc lòng, một mình tôi ngâm nga cho đến khi hắn xuất hiện, hắn khiến tôi được thể trãi lòng mình, hắn lắng nghe tôi và tôi cũng bị hấp dẫn bởi nhiều bài thơ hắn thuộc, những bài thơ tôi chưa từng biết đến. Ghen tỵ hơn là hắn biết rất nhiều bài thơ tình của các tác giả nước ngoài. Hắn đọc tôi nghe bài “Mùa hè rớt” của Olga Berggoltz, lòng tôi se lại khi hắn đọc đoạn
Ôi cái mùa độ lượng rất thân thương
Ta tiếp nhận vì người sâu sắc quá
Nhưng ta nhớ, trời ơi, ta vẫn nhớ
Tình yêu đầu. Rừng lặng… bóng sao im
Sao ơi sao, sao sắp rụng vào đêm
Ta biết lắm thời gian đang tiễn biệt
Nhưng mãi đến bây giờ ta mới biết
Yêu thương – giận hờn – tha thứ – chia li…
Cứ như thế rồi hai đứa chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay…
Sáng hôm sau chị tôi gọi dậy, mơ màng như vẫn còn đang đàm đạo về thơ, tôi quay sang thì hắn đã không còn đó nữa. Chị bảo hắn đã dậy từ sớm, từ khi mẹ dậy chuẩn bị hàng ra chợ, trời ạ! Mẹ bao giờ chả dậy từ 5h sáng kia chứ, thế là hắn gần như không ngủ? Tôi hỏi chị, chị bảo hắn đi ra bờ sông từ lâu rồi. Sau nay tôi mới biết, hóa ra đó là thói quen của hắn, dậy sớm và lang thang một mình đâu đó. Tôi ra bờ sông thấy hắn ngồi bên khóm lau trắng, hắn đi hái bông lau vì hắn bảo hắn mê nét uyển chuyển dịu dàng và màu trắng tinh khiết của loài hoa đồng nội này. Sao hắn giống tôi đến thế, càng ngày tôi càng thấy hắn giống như chị em sinh đôi với tôi vậy. Cảnh sông thanh vắng êm đềm, hai đứa bắt đầu thấy hứng chí như trẻ lên 5, chạy đuổi nhau trong các khóm lau và cười khúc khích cho đến khi tiếng chị tôi réo gọi. Đã đến giờ phải đi rồi, còn phải ăn cơm và đạp xe 20 cây số để kịp giờ học buổi chiều. Hai chiếc xe đạp chạy song song cùng nhau, thỉnh thoảng tôi liếc nhìn hắn và tôi thấy hình như hắn không nhìn đường mà mãi nhìn những hàng rào có dàn hoa tím trãi dài dọc đường đi. Người quê tôi rất cầu kỳ trong việc chăm tỉa hàng rào, nhà ai cũng trồng hàng rào bằng cây có hoa và cắt ngang tầm mắt trông rất gọn và đẹp. Tôi biết hắn đang ước ao điều gì đó, rồi bất chợt hắn lại cất tiếng ngâm nga :
“Những đàn sếu bay qua. Sương mù và khói toả.
Matxcơva lại đã thu rồi!
Bao khu vườn như lửa chói ngời,
Vòm lá sẫm ánh vàng lên rực rỡ
Những tấm biển treo dọc trên đại lộ
Nhắc ai đi ngang dù đầy đủ lứa đôi
Nhắc cả những ai cô độc trong đời:
“Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng”
Tôi cười và hỏi hắn “Bà yêu rồi à?” Hắn không trả lời mà im bặt từ đó, đôi mắt hắn không nhìn ngang nhìn dọc nữa, tôi thấy hắn chú ý nhìn đường đi. Cảm giác hơi lạ, nhưng lúc đó với tôi thế lại hóa tốt, dù sao cũng phải kéo hắn về với thực tại để tránh tai nạn rủi ro…
Rồi cái vụ yêu đương của hắn bị lộ tẩy vào năm lớp 11, khi một lần gã bạn cùng lớp của tôi dại dột đốt pháo trong sân trường. Đoàn trường phát hiện người thực hiện vụ đốt pháo là từ lớp tôi, họ tập trung vào lớp để khám xét, tôi chợt thấy gã bạn thò tay xuống gầm bàn và đưa cho hắn cái gì đó, mặt hắn biến sắc, tái nhợt nhưng cũng nhanh như cắt hắn ném nó ra ngoài cửa sổ, vụ đó gã bạn tôi thoát thân. Hết giờ học tôi bắt hắn khai và hắn đã không thể nào dấu tôi, rằng hắn đã có cảm tình với gã bạn đó từ lâu, còn cái vật mà hắn ném ra là cái bật lửa gây ra vụ nổ pháo. Bây giờ thì tôi đã hiểu lý do vì sao hắn buồn cả tuần vào tháng trước khi mà gã bạn tôi ốm nằm viện, tôi cũng hiểu lý do vì sao có lần hắn đã đòi chuyển lớp, tôi hiểu vì sao hắn cần mẫn chép bài lên cả hai quyển vở…Vậy mà tôi đã không mấy nhạy cảm trong chuyện của hắn, thay vì nhận lỗi về mình, tôi quay qua giận hắn, tôi giận vì hắn đã giấu tôi, giận vì cho rằng hắn đã không coi tôi là bạn thân, cứ như thế tôi giữ gương mặt lạnh tanh khi gặp hắn. Hơn nữa, lúc này tôi cũng đã có thêm vài ba người bạn thân khác trong lớp, tôi cười đùa và chơi với các bạn đó nhiều hơn. Tôi chỉ trả lời nhanh gọn khi hắn hỏi, chứ không nhiều lời như trước kia. Rồi một ngày hắn nhận ra, hắn gửi cho tôi một lá thư đầy cảm xúc kèm trong đó là một đoạn thơ hắn sáng tác, hình như hắn cũng đang ghen tuông, hay là tiếc nuối nhỉ?
“Trâm có còn là của riêng tôi
Để tan học có chung con đường nắng
Để đôi lúc nhìn nhau và nín lặng
Một khoảng trời mây trắng ngủ quên trôi”
Nước mắt tôi chợt chảy dài trên má khi đọc thư hắn, hắn chạy đến bên tôi ôm lấy tôi thật chặt như thể xa nhau lâu ngày gặp lại. Từ đó tôi và hắn càng gắn kết nhau hơn. Mà cũng như định mệnh, vào thời điểm này bố tôi được cơ quan cấp đất và gia đình tôi xây một ngôi nhà nhỏ ở ngay gần trường. Bố mẹ hắn về quê có việc nên lên nhà tôi gửi hắn để đảm bảo việc học hành được liên tục. Tôi và hắn như mở cờ trong bụng, còn gì bằng khi hai đứa bạn thân được học hành cùng nhau, ăn ngủ cùng nhau trong suốt một tháng trời. Bao nhiêu kỷ niệm đếm sao cho xuể, kỷ niệm cũng như cuốn tiểu thuyết, như những bài học để rồi khi buồn ta giở ra xem, xem những trang vui để cười, những trang buồn để khóc, nuối tiếc cho một thời đã qua. Ngày đó bọn học trò chúng tôi không như bây giờ, dù rất tinh nghịch nhưng không có nhiều tệ nạn xã hội để bố mẹ phải lo lắng. Hai đứa tôi dù cũng đủ trò để phá, nhưng đến giờ học vẫn mỗi đứa một góc rất cần mẫn, hoàn thành bài tập rồi mới bắt đầu vẽ ra chuyện để mà trêu chọc nhau.
Nhớ những ngày cuối tuần bố tôi về quê (vì mẹ và anh chị tôi vẫn chưa chuyển lên thành phố) hai đứa bắc thang leo lên sân thượng ngủ và hàn huyên. Hắn nghe đâu ra câu chuyện về một người ngủ trên sân thượng bị ngã chết vì có bệnh mộng du, vậy là hắn bắt tôi tìm dây cột chân tôi với chân hắn lại với nhau. Có lần đến nửa đêm, muỗi tấn công tôi và hắn, tôi đỗ lỗi cho hắn ở bẩn, vậy là hắn giận tôi ôm gối leo xuống nhà. Hắn biết tôi sợ ma chẳng dám ngủ một mình nên hắn làm vậy, mà tôi cũng không đủ gan nên đành lẳng lặng đi theo hắn. Hắn vào giường nằm quay lưng lại với tôi, tự dưng tôi ghét hắn kinh khủng. Người đâu mà hâm hâm, lúc nào cũng giận, không phân biệt đùa hay thật. Tôi quyết không xuống nước lần này, tôi cũng nằm quay lưng lại với hắn và ngủ luôn. Sáng ra tôi tỉnh bơ khi nhìn thấy hắn dưới bếp đi lên, tôi quyết tâm giận hắn lâu dài. Thế mà hắn lại cười toe toét, ghét thế không biết! Thấy bộ dạng tôi lạ lắm hay sao mà hắn cười ra tiếng rồi nắm lấy tay tôi lôi xồng xộc xuống bếp. Hóa ra, hắn dậy sớm nấu cơm nếp để làm lành với tôi, nhưng khổ thân hắn chưa bao giờ làm việc đó nên cơm nếp hắn nấu nữa trên thì như cháo mà nữa dưới lại khê. Tôi không nhịn được cười vì sự vụng về của hắn, vì hắn chúng tôi đành gặm tạm bánh mì đi học.
Thời gian hắn ở với tôi có lẽ là thời gian để hắn – một đứa con gái thành phố hiểu được sự vất vả của một đứa bạn nhà quê, kể ra thì nhà tôi cũng quê nữa vời thôi vì bố tôi là giáo viên dạy trong trường, còn mẹ là công nhân nhà máy nghỉ hưu. Nhưng môi trường sống đã tạo nên chất quê và tính ham thích lao động thấm đậm trong con người tôi. Đất thành phố dù không rộng, nhưng tôi vẫn cố trồng rau để có cái ăn, hơn thế nữa là để bán kiếm tiền. Có thời gian, quả mướp đắng đang còn hiếm và đắt đỏ, tôi trồng và cho leo bất cứ chỗ nào có thể. Tôi chăm chút tưới nước, bắt sâu cho cây những khi không phải học bài. Đến khi quả lớn, tôi thu hoạch và mang ra chợ bán từ tờ mờ sáng. Tôi kiếm được kha khá nhờ vào vườn rau. Hắn thấy tôi làm, hắn cũng muốn làm, có lần hắn theo tôi vãi hành tăm. Nhưng tội nghiệp, thời tiết đã không ủng hộ hắn, hành mới nhú mầm thì một trận mưa kéo đến, sáng ra hắn nhìn hành trồi hết lên mặt đất mà buồn rười rượi. Hắn thất bại, nhưng hắn kiêu hãnh rằng hắn không sinh ra để làm nông dân, đời hắn sẽ mãi gắn với bảng đen phấn trắng. Ôi, cái ước mơ giản dị đó của hắn cũng giống tôi luôn.
Quay lại chuyện tình yêu của hắn, tôi biết hắn thích gã bạn cùng lớp kia vì gã học khá và lại có vẻ ngoài điển trai. Tình yêu thuở học trò thật đẹp và trong sáng, chỉ những cử chỉ nhỏ thể hiện sự quan tâm đến nhau cũng có thể giúp nhau học tốt hơn. Bây giờ nghĩ lại tôi nuối tiếc cho mình, vì tôi đã không có được những phút giây như vậy, tôi già ngay từ khi còn trẻ đó chăng? Nhưng dù sao tôi cũng đã có những giây phút hạnh phúc cùng hắn, khi hắn vui tôi cũng vui lây. Tôi còn nhớ cái lần đoàn trường tổ chức thi đá bóng nữ, hắn đăng ký tham gia chỉ vì hắn biết gã là một trong những người hướng dẫn. Có lần, một cậu bạn trong lớp vô tình đá mạnh vào tay hắn trong giờ tập bóng làm tay hắn bong gân, tôi biết hắn đau điếng nhưng vẫn hạnh phúc vì thấy gã bạn luýnh quýnh chạy đi tìm lá ngãi tướng quân về cho hắn, và nhìn mặt gã hậm hực với cậu bạn kia mà hắn đã bật cười dù nước mắt đang giàn giụa.
Cứ như thế mà ba năm học cũng trôi qua, ra đi một cách nhanh chóng khiến chúng tôi ngỡ ngàng tiếc nuối. Tôi những tưởng thời trung học sẽ dài đằng đẵng và chán ngắt, vậy mà giờ đây đứng trước thời khắc chia tay tôi như người mất thăng bằng, tôi tự chất vấn mình vì sao không dành thời gian để kết bạn nhiều hơn, vì sao không sống thật vô tư cho đúng tuổi học trò và hình như có chút luyến tiếc về một mối tình đầu tự mình đang thêu dệt. Như tất cả các bạn bè mình, tôi và hắn bắt đầu làm sổ lưu niệm, chúng tôi muốn lưu lại những kỷ niệm về từng thành viên trong lớp A2 thân yêu này. Tôi trang trí sổ của mình bằng chữ màu tím, học trò mà, ai chẳng yêu mực tím. Tựa đề sổ lưu bút của tôi là hai câu thơ :
“Tuổi 19 phượng hồng chừng sắp tắt
Tiếng ve đầu như xé nát lòng ai”
Tôi cần mẫn ép cánh phượng thành hình con bướm và ghi thêm phía dưới một dòng chữ “Sắp qua rồi thời để nhớ, để thương”
Người đầu tiên tôi đưa sổ lưu bút là hắn. Vẫn cái tính khác người, hắn không viết đầu sổ mà hắn chọn giữa sổ để viết, những dòng lưu bút đầy tình cảm, hắn viết đến phút cuối cùng hắn vẫn không tin là sẽ phải chia tay, rằng với hắn tôi là người đã khắc dấu ấn trong tim hắn sâu sắc nhất chứ không phải gã bạn kia. Tôi biết thừa hắn nói dối, nhưng tôi đã khóc thật to ngay giữa lớp, tôi không ngờ rằng tiếng khóc của tôi lại mở đầu cho dàn hợp xướng. Tất cả bạn bè ai cũng cố kiềm chế trong lòng cho đến khi nhìn tôi và hiểu rằng thời khắc chia tay thực sự đã đến, ai cũng muốn níu giữ nó cho riêng mình và ai cũng luyến tiếc những điều chưa làm được. Một số bạn khóc vì rồi đây sẽ phải xa người đã đánh thức trái tim mình, dạy cho nó biết rung động. Có bạn khóc vì phải xa người bạn thân yêu nhất của mình, có bạn khóc vì lo lắng về hành trang mang theo vào đời chưa đầy đủ, có bạn ân hận vì đã lỡ có những trò tinh nghịch thái quá khiến thầy cô buồn lòng….tất cả cảm xúc ấy trộn lẫn vào nhau, nhưng ai cũng có chung một nỗi buồn khi biết rằng mình phải chia tay với tuổi thơ, chia tay với thời cắp sách đầy mộng mơ.
Ngoài sân trường những cành phượng hồng nở rộ, cánh bằng lăng tím ngắt một khoảng trời, tiếng ve kêu hòa cùng với những tiếng sụt sùi khiến lòng người càng xao xuyến lạ. Mắt tôi sưng húp, hắn cũng thế, hai đứa đang cố dấu đi những giọt lệ cuối cùng thì bất chợt tôi thấy một cành phượng tuyệt đẹp nằm nguyên vẹn trên bàn hắn, gã bạn vừa đi hái về tặng hắn, mắt hắn đỏ hoe mà vẫn kèm chút long lanh của niềm hạnh phúc, nhưng hỡi ôi, hắn chưa kịp nói lời cảm ơn với gã bạn thì một đám con trai xông tới, hái từng cánh hoa ăn một cách ngon lành. Hắn nhìn cành phượng trơ lại còn mỗi một bông với vẻ mặt đau khổ, đành ngậm ngùi ngắt nốt cánh hoa dấu vội vào cặp. Tôi biết hắn buồn lắm, vì thường khi hắn buồn đôi mắt luôn hướng về phía cửa sổ với ánh nhìn xa xăm.
Buổi học cuối cùng đầy ắp kỷ niệm, ai cũng muốn hưởng trọn những giây phút này với tất cả tấm chân tình, những dòng lưu bút ghi vội thật ý nghĩa, các bạn đã cho tôi hiểu rằng tập thể này đã thực sự gắn bó với nhau dù đã có lúc tôi nghĩ mình lạc lõng. Lưu bút của những đứa bạn thân thì nhắc nhiều đến kỷ niệm đã có với nhau, nhắc về những buổi trốn tiết ra ngoài ăn quà vặt, về những hôm đến nhà tôi nấu chè, làm bánh, hay những buổi lừa mẹ đi học nhóm chỉ để đến nhà ngủ cùng tôi. Còn một số bạn bè khác chỉ ghi lại những gì chúng nghĩ về tôi, một cô bạn hiền lành, thùy mị nhưng hơi nhút nhát. Khác hơn cả là vài dòng lưu bút viết vội của cậu bạn cùng tổ, tôi đọc mà thấy sao giọng văn của cậu ta già dặn đến thế, rất triết lý. Cậu ấy gọi tôi là “Trâm hâm”
"Trâm hâm à!
Năm kỉa năm kia đọc sổ lưu bút của chị, mình còn cười mấy ông bà này lắm chuyện. Nay cầm sổ Trâm mới giật mình ngoảnh lại hay rằng mình đối diện với mình rồi.
Xem nào, ba năm học là cái gì?
Năm thứ nhất đứa nào cũng ngơ ngác, mắt trong veo (nói rứa chơi hồi nớ ai dám nhìn)
Năm thứ hai đứa nào cũng ngây ngây thơ thơ
Năm thứ ba ai cũng ngẩn ngẩn ngơ ngơ, mắt quầng như trăng tháng 6.
Mới hay, càng nhỏ càng thích Trâm nhỉ?
……còn ngày mai???

Ai chắc thắng thì đã thắng một nửa cộng với một nửa ở mình là hai. Gom hai nữa đó vào những cửa ải sắp qua để mãi mãi giữ màu trong Trâm nhé"
Tất cả những dòng lưu bút đó đến nay tôi vẫn còn lưu giữ như một kỷ vật của đời người bằng tất cả tình cảm tôi dành cho bạn bè mình.
Chia tay rồi mỗi đứa một nơi, mỗi đứa một lựa chọn. Tôi và hắn đi đúng con đường mà hai đứa từng mong ước, hắn sinh viên khoa toán còn tôi học ngoại ngữ. Hai đứa ở hai trường khác nhau nhưng vẫn trong cùng một thành phố, tuy vậy chúng tôi khó có cơ hội gặp nhau thường xuyên như trước vì lịch học ngày một dày, hắn và tôi chỉ còn cách trao đổi bằng thư, những bức thư hắn viết cho tôi da diết như thư tình. Hắn kể với tôi về trường, về lớp, về những người bạn mới của hắn và đặc biệt lá thư nào cũng có bóng dáng của gã bạn kia. Thỉnh thoảng khi lịch nghỉ của hai đứa trùng nhau hắn rủ tôi xuống biển không kể hè hay đông, đến bây giờ tôi cũng chưa hiểu được vì sao hắn yêu biển đến kỳ lạ, chỉ nhớ có lần hắn nói hắn thích nghe tiếng sóng vỗ bờ và thích nhìn chân trời nơi mây và nước gặp nhau. Trong hắn có điều gì đó thuộc về một miền ký ức tôi không chạm tới được nhưng tôi không giận hắn như trước mà giờ đây tôi cảm nhận ở hắn một thứ tình cảm lớn lao hơn, sâu sắc hơn.
Hắn ra trường khi tôi học năm thứ 3, rồi quyết định cưới chồng khi mới 21 tuổi. Tất nhiên là tôi mừng cho hắn vì hắn lấy được một người chồng tốt bụng, chững chạc đủ để lo cho cuộc đời hắn. Thế nhưng đôi khi tôi tự hỏi chuyện gì đã xẩy ra giữa hắn và gã bạn? Có lẽ tình yêu đầu khó ai giữ được giống như bài thơ “Hoa Sữa”
“Tình yêu đầu mang hương sắc mùa thu
Mùi hoa sữa tan trong áo em và mái tóc
Tình yêu đầu tưởng không gì chia cắt
Vậy mà tan theo sương gió mong manh
Tại vầng trăng ,tại em hay tại anh
Hay tại mùa đông không còn hoa sữa
Tại siêu hình , tại gì không biết nữa
Tại con bướm vàng có cánh nó bay”
Giống như tình yêu đầu của hắn, tôi và hắn đã lạc mất nhau vì cuộc sống, vì gia đình, vì nhiệm vụ làm vợ làm mẹ. Đến một ngày như bao ngày bình thường khác, gặp lại hắn trong quán café, ngồi một mình với đôi mắt xa xăm ấy. Hắn vẫn vậy, khi buồn hắn vẫn thích một mình trầm tĩnh…và tôi, stress trong công việc cộng với chút chênh vênh trong cuộc đời đã dẫn tôi đến đây – cũng một mình.
Chúng tôi quay lại với nhau như ngày đầu, trong sáng và giản dị. Dù hơn nữa đời người đã trôi qua nhưng lúc ta gặp lại tình bạn thuở học trò thì lòng ta trở nên thanh thản và vô tư đến lạ. Tôi và hắn tìm về với nhau để lúc vui buồn có thể neo bến đỗ trong nhau.
Sưu tầm
Kết quả hình ảnh cho tiếng rao đêm

 Tiếng rao đêm
Thương thay những tiếng rao đêm,
Cô đơn lạnh lẻo qua thềm trong mưa...
Dẫu khi trăng lặn sao thưa,
Một mình một bóng vẫn chưa quay về...
Đôi vai quang gánh nặng nề,
Quản gì mệt nhọc ê chề một thân....
Đôi khi ao ước một lần,
Giờ nầy ấm áp quây quần bên con !
NM

Một tiếng rao đêm canh cánh một nỗi lòng

Ai biết được đằng sau xe hàng rong ấy là cả một gánh nặng trên vai, có thể là những đứa con đang học hành dang dở, có thể là người nhà bệnh tật, có thể là nỗi lo cơm áo, gạo tiền hằng ngày. Thế nên
mới có những tiếng rao đêm.
- Ai xôi lạc, bánh khúc đây?
- Chắc tiếng rao này là đặc sản của Hà Nội chị nhỉ? – Con bé cùng phòng với tôi cất tiếng hỏi.
- Ừ, tiếng rao đêm...
Đã 12h30 đêm rồi, tiếng rao quen thuộc của các cô chú lại vang lên đều đặn. Chúng tôi nghe nhiều đến mức như cái gì đó quen thuộc. Có những đêm thức đến tận hơn 1h sáng vẫn nghe xuất hiện tiếng rao ấy. Ban đầu tôi còn thắc mắc với đứa bạn cùng phòng là:
- Ê mày! Ở Hà Nội có kiểu rao hàng đặc biệt thế? Mày có nghe người ta rao “Tôi là bánh khúc đây không?
Nhỏ bạn nhìn tôi phì cười:
- Xôi lạc, bánh khúc đây, con ngố ạ! - Rồi hai đứa bật cười.
Thấm thoắt gắn bó với Hà Nội 4 năm, đó là những ngày tháng nuôi dưỡng tâm hồn tôi không còn ngây dại, bâng quơ như hồi mới từ quê ra. Tôi chứng kiến nhịp sống nơi đây tấp nập, hối hả, bon chen,… Nhưng giờ thì tôi thấm thía hơn nữa cái nhịp sống về đêm ở Hà Nội – im lặng, yên ắng và cực nhọc mưu sinh.
Rồi một ngày tôi bắt gặp câu hỏi: “Thế nào là miền đất đáng sống?”. Tôi chợt nghĩ ngay đến những tiếng rao đêm của Hà Nội – tiếng rao mà theo bé cùng phòng tôi bảo là đặc sản của Hà Nội.
Tôi chưa vội nói thế nào là một miền đất đáng sống, tôi ngẫm một chút về tiếng rao đêm, ngẫm một chút về những người bán hàng rong nơi phố phường tấp nập, nơi thủ đô phồn hoa này.
Về đêm, con người ta dường như ước muốn được về nhà, ăn bữa cơm với gia đình, được ngả lưng vào chiếc giường nghỉ ngơi sau ngày dài mệt nhọc. Thế nhưng những con người ngoài kia vẫn lặng lẽ với chiếc xe chở xôi, bánh khúc, ngô luộc, bánh rán đi khắp mọi ngõ ngách phố phường Hà Nội.
Về đêm, con người ta nhà nhà ấm cúng, chốt cửa cài then như thể đoàn viên. Vậy mà những người bán hàng rong vẫn lặng lẽ, âm thầm đạp chiếc xe 
trên con đường tĩnh lặng.
 
Ai biết được đằng sau xe hàng rong ấy là cả một gánh nặng trên vai, có thể là những đứa con đang học hành dang dở, có thể là người nhà bệnh tật, có thể là nỗi lo cơm áo, gạo tiền hằng ngày. Thế nên mới có những tiếng rao đêm.
Những đêm đi dạy thêm về, ngồi đợi xe bus, có cô lại mời gọi:
- Cháu ơi! Mua giúp cô mấy cái bánh với để cô còn về”.
Nhìn hình ảnh cô ấy gầy guộc, giản dị, ăn mặc chân phương và khuôn mặc khắc khổ, lòng đột nhiên se lại. Trộm nghĩ: “Làm thế nào để không còn những con người khắc khổ như này nữa đây?”
Rồi ngày lễ 8/3, con đường tràn ngập sắc hoa và quà. Đó là ngày mà tất cả phụ nữ trên thế giới được tôn vinh, được nhận những món quà tuyệt vời. Tôi cũng xúng xính váy áo đi chơi, đang mải miết phấn khởi với cuộc vui, đột nhiên nhìn qua lớp kính xe bus, thấy bóng dáng người phụ nữ tầm 40 tuổi gì đấy đang cầm chiếc xẻng xúc từng xẻng đất bồi vào đường. Có gì đó nhói trong lòng, thiết nghĩ: “Cái quan tâm của người phụ nữ ấy đâu phải là hoa, là quà, mà đó là sự ấm no, bình yên cho gia đình họ”.
Có một tối trời mưa tầm tã, tôi vội vã cầm chiếc ô phi nhanh ra bến xe bus về nhà kẻo muộn. Vừa chạy, tôi đột nhiên khựng lại khi thấy trên cầu đi bộ Nguyễn Chí Thanh có một người phụ nữ thân hình bé nhỏ, gầy rộc đang gánh một gánh ổi đi rất nhanh, không áo mưa, không ô, chỉ có độc chiếc nón cũ kỹ nhuốm màu sương gió. Trái tim tôi như có gì đó chặn lại, cổ họng nghẹn ứ. Tôi nghĩ về số phận những con người bé nhỏ kia.
Rồi có những sáng đi học thể dục rất sớm, 5h30 đã lọ mọ đi mua xôi còn lấy sức học. Gặp cô bán xôi cười nói xởi lởi:
- Ôi! Các con đi học sớm thế?
Thiết nghĩ: “Cô dậy để chuẩn bị xôi còn sớm hơn bọn con nhiều mà”.
Và còn nhiều lắm những khuôn mặt khắc khổ mà tôi gặp trên đường hàng ngày, tất cả như phơi bày ra một cuộc sống mưu sinh đầy vất vả.
Tôi chẳng phải chính trị gia, chẳng am hiểu nhiều về chính trị, chẳng vội bận tâm đến những chính sách vĩ mô mà nhà nước đề ra.
Tôi chỉ biết rằng miền đất đáng sống là nơi không còn những con người lầm lũi, mưu sinh trong đêm đông lạnh giá, trưa hè oi ả. Là nơi không còn những con mắt ráo hoảnh dành cho nhau.
Mỗi ngày trôi qua, tiếng rao đêm tôi vẫn nghe đều đặn, có lẽ những người cất lên tiếng rao đêm vẫn cứ âm thầm và đầy cam chịu. Cứ nghĩ đến cảnh mình được cuộn tròn chăn ấm, nệm êm giữa mùa đông lạnh giá, còn những con người ngoài kia chân tay ê buốt vẫn phải lăn lộn để bản thân, gia đình được ăn no, mặc ấm. Họ chẳng quan tâm đến cái gì gọi là “ăn ngon, mặc đẹp” như người ta vẫn nói về cuộc sống của thế kỷ hiện đại cả. Ấm cái thân, no cái bụng nghe tưởng chừng như đơn giản nhưng nhiều người vẫn còn không có được điều đó. Nghe mới bi ai làm sao?
Nhiều lúc sực nghĩ mình có trái tim ấm nóng nhưng có làm được gì cho những con người ngoài kia không? Trong khi mình cũng đang vất vả làm việc lo cho chính bản thân và gia đình. Chỉ khác biệt với những con người khắc khổ kia đó chính là mình không phải cất lên những tiếng rao đêm…
Chẳng có một ai muốn đêm đông lạnh giá phải lọ mọ đi rao hàng kiếm tiền cả, chẳng ai muốn giữa cái nắng gắt gỏng đến bỏng da, bỏng thịt phải ngồi ngoài đường để kiếm kế sinh nhai cả. Mồ hôi rơi, nước mắt rơi, dáng người cứ thế hao mòn, liệu bạn có muốn mình có cuộc sống như vậy hay không? Hiện thực vẫn là hiện thực, trốn tránh hiện thực nghiệt ngã chỉ tội làm cho bản thân mình thêm vô cảm và ích kỷ hơn thôi. Ta ấm no, người khác cũng muốn ấm no. Ta hạnh phúc, người khác cũng muốn hạnh phúc. Nhưng đó lại là khát khao cháy bỏng của cơ số người ngoài kia.
Một tiếng rao đêm canh cánh một nỗi lòng...