Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2018

Nhạc - Thơ - Văn Những cánh chim bay

Những cánh chim bay,
Cánh chim bay vút lên cao,
Cánh tiên thiên quyết trút bao bệnh tình...
Thương cho số phận sinh linh,
Đem ân đức đến phóng sinh cứu đời.
Lòng nhân lay động lòng trời,
Biết bao chim đến giúp người khổ đau.
Chim trời bay vút lên cao,
Mang theo tật bệnh khổ đau dương trần !
Tạ người mang đến hồng ân,
Xoá tan khổ nạn muôn phần an vui
  
Bà cụ Cần và bầy chim sẻ
“Những cánh chim sẻ quạt gió, như đang quyết trút bỏ tất cả khổ nạn nhọc nhằn của cõi trần gian. Như đang quyết rũ bỏ ốm đau bệnh tật rủi ro đeo bám rắp tâm hủy hoại sinh mệnh mỗi nhân quần. Những cánh chim nhỏ bé đại diện của sức sống tiên thiên. Những cánh chim hiện thân của những sinh linh bất tử, biểu trưng cho một trạng thái cao đẳng của công cuộc sinh tồn. Những cánh chim, hình ảnh của thiên sứ mang thông điệp thiên định về một hy vọng kỳ diệu và thật sự lớn lao…”.
Thực tình là thoạt đầu, trong lũ sinh vật có cánh biết bay, bà cụ Cần đâu để ý đến những con chim sẻ.
Bà cụ Cần, một người đàn bà nhà quê, tính tình hóm hỉnh, thực tình chỉ quan tâm đến con quạ, gã lang thang ranh mãnh, chuyên ăn trộm trứng gà; và sau nữa là con diều hâu, tên biệt kích mặc áo nâu, cao thủ trong nghề bay liệng, chuyện bắt cóc gà con. Diều hâu mày lượn cho tròn. Đến mai ta gả gà con cho mày. Nhưng đó là thời gian bà sống ở làng quê. Một làng quê Việt điển hình. Nơi có đồng ruộng làm ra hạt lúa. Có lũy tre xanh. Nơi trầm tích một nếp sống văn hóa cổ xưa. Nơi có nhiều đình chùa miếu mạo, sầm uất một đời sống tâm linh. Ngày xuân có lễ tịch điền, tháng năm giã bánh dày ăn Tết Đoan Ngọ, tháng bảy mở lễ Vu Lan, có tục cúng cháo thí, đốt vàng mã và lễ phóng sinh thả chim cứu khổ cứu nạn mỗi khi con người bệnh tật ốm đau. Còn các bà già khi mất thì được các con cháu làm lễ triệu vong đưa lên chùa để thành vãi làng và vãi nhà chùa.

Còn bây giờ thì bà cụ Cần lên thành phố ở với anh con trai tên Thuận, một bác sĩ, một tín đồ của chủ nghĩa thực nghiệm và duy lý triệt để. Mẹ bỏ ngay cái túm lá hương nhu gài trên khăn đi. Đau ở đâu thì bảo con cho đi chụp chiếu xét nghiệm và cấp đơn. Thuốc âu Mỹ thiếu gì mà cứ chườm ướp ba cái lá lẩu hương nhu với ngải cứu xằng xịt là thế nào! Lý do anh con trai quyết đưa bà mẹ nâu sồng lên thành phố là để cho mẹ được hưởng thụ trọn vẹn một đời sống thật sự văn minh sung sướng. Còn động cơ bà cụ lên ở với con trai là để đỡ đần anh. Bốn mươi tuổi rồi mà anh vẫn còn mải mê lặn lội trong nghề cứu người, vợ con chưa hề nghĩ tới.

Ở thành phố tất nhiên là không còn thấy bóng dáng quạ và diều hâu, hai tên đạo tặc dạn dày quỷ quyệt ấy nữa. Nhưng các giống chim thì không thiếu. Thành phố vẫn không xa rời gốc gác thiên nhiên của mình. Nhà nhà, nếu không nuôi yểng, họa mi, thì cũng sáo, bạch yến. Còn khi mùa xuân về thì đầy trời đan dệt đường bay của những con én cánh nhọn. Chưa kể bồ câu thì lúc nào cũng nghe thấy tiếng gù ấm áp của các cặp uyên ương và tiếng vỗ cánh rộn ràng của chúng.

Chim sẻ là giống chim bà lão Cần biết chậm nhất. Cũng là một sự tình cờ. Thuận, bác sĩ đi chống dịch sốt rét ở Tây Bắc về, đem theo một túi gạo đồng bào Thái tặng. Gạo nương giã dối. Vẫn là cái thói quen từ ngày ở làng, bà cụ Cần đi chợ mua một cái giần, một cái sàng và một cái mẹt về. Từng nắm gạo được bốc ra. Việc sàng sảy bắt đầu. Nắm gạo xoay tròn trên cái giần cái sàng rồi tiếp đó nẩy rào rào trên cái mẹt. Để rồi cuối cùng, các hạt thóc lép, các vẩy trấu cùng bụi cám và các hạt tấm li ti lần lượt dồn hết ra bờ rìa; và sau một cái hất tay nhẹ nhàng của bà cụ, đồng loạt rơi xuống và phủ lên khoảng sân một lớp bụi ưng ửng sắc vàng.

Chính lúc ấy bà cụ nghe thấy những tiếng vỗ cánh mềm mại và sau đó là tiếng kêu lích rích rất vui tai của những con chim bé xíu, lông nâu điểm những sọc đen. Những con chim sẻ quen thuộc từ ngày bà còn ở làng quê.

* * *
Những con chim sẻ bé nhỏ quen thuộc từ hốc nhà bay xuống khi bà cụ Cần sàng sảy gạo. Những con chim sẻ hằng ngày ríu ran trong các mảnh vườn ổi, vườn cam, vườn nhãn. Những con chim có bộ lông nâu pha xám treo mình như những quả chuông trên những cọng lúa đang chín vàng. Những con chim mỏ sừng đen nhánh túc tích trong những chân rạ ải tìm bắt sâu bọ. Những con chim tụ họp cả bầy, đông như một nắm bụi bay tung tóe lên từ những vườn hoa thành phố, từ những thảm cỏ xanh trên dải phân cách giữa đại lộ mỗi khi có một chiếc ô tô rú còi inh ỏi chạy qua. Những con chim sẻ từ các khu đồng sau vụ gặt ở ngoại thành bay về, đậu cả loạt làm thành một hình tượng trang trí trên các mái nhà cao tầng, yên bình rỉa lông cánh, để lộ lớp lông tơ trắng mờ ở phần bụng. Những con chim sẻ tắm cát, một dấu hiệu của cơn bão lũ sắp về. Những con chim sẻ đã giúp cô Tấm nhặt thóc ra thóc gạo ra gạo để cô kịp đi dự lễ hội vua mở trong cổ tích Tấm Cám. Những con chim sẻ hiền lành tốt bụng.

Ôi, những con chim thân thuộc, đông đảo và tầm thường như đại đa số chúng sinh. Nhìn chúng mải mê nhặt những hạt tấm hạt cám, phần lương thực loại bỏ mà bà cụ Cần bỗng chạnh lòng. Đồng ruộng trong xu thế đô thị hóa đang thu hẹp dần, nhường chỗ cho đường sá và các khu công nghiệp. Thóc gạo hiển nhiên sẽ chẳng còn dư dật. Và như vậy là từ hôm ấy, trong khi thực hiện một công việc hữu ích là chăm chỉ sàng sảy phần gạo ăn hằng ngày của hai mẹ con và tiếp đó, khi tình thương mến đã thành một nếp sống, lại đóng thêm vai kẻ chăm lo việc sàng sảy cho các gia đình láng giềng, bà cụ vẫn thầm lặng đóng thêm vai: kẻ cung đốn lương thực cho bầy chim. Chà! Lương thực cho bầy chim! Thì tấm cám sàng sảy ra đấy. Và cả những hạt cơm nguội ăn chẳng hết của mình, của hàng xóm, phơi khô để dành nữa đấy còn gì! Người đi châu âu về thường ca ngợi cảnh bọn bồ câu, chim sẻ bên đó dạn người đến mức có thể sán đến mổ hạt kê hạt lúa mạch hay bỏng ngô trên tay du khách. Thì ở đây, bồng lai tiên cảnh nọ hằng ngày chẳng vẫn diễn ra trên mảnh sân nhà bà cụ Cần đó sao!

Cho đến một hôm. Đang cho lũ chim ăn, bà Cần bỗng nghe thấy một tiếng quất rất đanh trong gió. Đàn chim nhận ngay ra tiếng động cùng mối hiểm nguy, đồng loạt vụt bay. Giật thót mình, quay lại bà cụ nhận ra một gã đàn ông cao lớn râu ria xồm xoàm như người nguyên thủy, mặc đồ rằn ri, tay cắp một khẩu súng hơi Tiệp Khắc đang đủng đỉnh đi vào vuông sân nhà mình.

– Chào bà cụ có tấm lòng thơm thảo.

– Không dám, chào ông. Ông nói kháy gì tôi vậy, hả ông chuyên nghề sát sinh?

– Hừ, đàn bà lanh lảnh tiếng đồng. Một, hẳn chiều chồng, hai, thật quý con. Tôi tin, bà là người như thế!

– Vậy tôi hỏi ông…

Không để bà cụ nói hết, gã săn chim đã ngả cái mũ cát két da, xoa cái đầu hói, cười hà hà đầy vẻ tự tin:

– Nói ngay không cần chỉnh đây. Bà lão ơi, bà nuôi bầy chim sẻ, bà có biết như thế là bà đang nối giáo cho giặc không? Người xưa gọi chim sẻ là một lũ tiểu nhân để phân biệt với người quân tử. Chúng là một lũ bất trị. Người Nhật Bổn có câu thành ngữ: Chim sẻ biết chọi nhau là lũ chim chẳng biết sợ ai. Ưu điểm duy nhất của chúng là khi chúng lên đĩa, lúc ấy chúng có tác dụng bổ thận tráng dương, bà ạ.

Lui lại một bước, hai con mắt bà cụ Cần nghiêng nghiêng nhó nháy:

– Ông nói gì mà nghe ghê răng thế! Nhưng ông đi săn chim ơi, ông có biết ông đang ở cái thế nguy cấp không?

– Thế gì mà nguy cấp vậy, hả thơm thảo bà lão ăn thừa?

– Thế thì ông không biết chuyện cổ này rồi. Con ve sầu đang bị con bọ ngựa rình ăn thịt. Nhưng con bọ ngựa đâu có biết nó đang bị con chim sẻ sắp bắt làm mồi. Trong khi đó, con chim sẻ đâu có biết một gã đi săn đang giơ súng ngắm nó. Nhưng cuối cùng, ác hại chưa, gã đi săn ngu đần quá vì không biết có con cọp đang sắp vồ mình.

– Ha ha… Xem ra bà lão quê mùa cũng là con người ứng biến khôn ngoan đây. Vậy thì hôm nay tôi chịu thua bà. Nhưng cuối cùng thì tôi cũng có trách nhiệm nói cho bà biết. Rằng lũ chim sẻ hoang dã này chính là giống chim phá hoại mùa màng khủng khiếp nhất. Thành ra, có nơi cả nước người ta hơn một tỷ dân đã đồng loạt mở chiến dịch tiêu diệt chúng. Cả tỷ tỷ con đã bị người ta giết chết đấy, bà ạ. Mà chúng đâu phải là loài chim đẹp đẽ mỹ miều gì cho cam. Tổ tiên chúng cách đây một trăm tám mươi triệu năm chỉ là loài bò sát gớm guốc như con cá sấu, con thằn lằn ấy, bà có biết không?

Trút một hơi ra mấy câu nọ, gã săn chim quay đi, nhưng được vài bước đã quay lại, trề môi:

– Mà nói cho bà biết, liệu bà có chống nổi những kẻ bẫy chim đang bán cả lồng chim mấy chục con ở đầu phố nhà bà không? Đó, ở ngay đầu phố bà ở đấy. Ra mà xem!

* * *
Tất nhiên là bà cụ Cần có lạ gì những con chim sẻ. Nhưng làm sao bà biết được tất cả những điều mà gã đi săn chim nói về giống loài chim này. Có được học hành nhiều nhặn gì đâu mà bà biết rằng cách đây một trăm tám mươi triệu năm, để thích nghi với sự biến đổi của hoàn cảnh sống, loài bò sát trên trái đất này đã dần dần biến hóa thành loài chim hiện nay. Khi đó, những chiếc vảy của chúng biến thành lớp lông vũ và các chi trước thì biến thành đôi cánh. Còn để bay được xa, toàn thân của chúng phải trở nên một khối gọn nhẹ. Và như vậy, chúng cần có một bộ xương rỗng, trong khi đôi cánh sẽ được nối liền với bộ xương nơi bả vai bằng những đường gân chắc khỏe.

Bà cụ Cần xấp xỉ bảy mươi, người nhà quê cũng làm sao mà biết được những con chim sẻ này thuộc bộ sẻ, theo sự phân loại của các nhà điểu học. Bộ này gồm rất nhiều loài sống phổ biến ở nước Anh. Rằng sẻ là giống chim ăn tạp, cả thóc lúa lẫn sâu bọ. Chúng là loài sinh vật khá thông minh. Bắt bảy con sẻ, cho đi xa 650km, thế mà có đến năm con tìm được về tổ cũ. Các nhà khoa học đã làm thí nghiệm như thế! Chưa hết! Sẻ là loài chim bay đường trường rất giỏi. Khi mùa xuân về, hàng vạn hàng ức con bằng đôi cánh nhỏ bé của mình đã làm cuộc lữ hành từ Nam Phi về tận Anh, và kỳ lạ là chúng về đúng nơi chúng đã làm tổ năm trước.

Tất nhiên là từ hồi còn trẻ bà cụ Cần có nghe người ta nói tới một thảm họa rất kỳ quái đã xảy ra với bầy chim sẻ ở một đất nước phương bắc nọ. Nhưng chuyện cũng đã lâu rồi. Và bây giờ thì bà đâu có biết, chính là nhờ tập tính bay xa mà trong lũ chim đến ăn ở sân nhà bà có nhiều con là hậu duệ của những con chim đã thoát chết sau chiến dịch tiêu diệt chim sẻ ở đất nước nọ. Chính xác là bầy chim sẻ thoát chết này đã làm cuộc tháo chạy có một không hai trong hành trình lịch sử giống loài, một cuộc thiên di ai oán chưa từng có. Chúng đã vượt hàng ngàn cây số. Trời ạ! Là bởi vì đó là những ngày náo loạn ở thế gian. Từ đâu không biết tung ra cái thông tin rằng chúng là đầu sỏ của mọi sự thất bát mùa màng. Và thế là khắp mặt đất liên tùng tục như có sấm giật chớp rung. Trống chiêng, thanh la, não bạt cho đến nồi niêu xoong chảo, tất cả những gì có thể phát ra âm thanh đe dọa đều lên tiếng. Hoảng loạn và trên thực tế là không còn nơi cư trú neo đậu, hàng tỷ tỷ con chim sẻ đã chết. Chết vì sợ hãi, vì đói khát, vì không có một hốc cây bụi rậm nào để trú ẩn, để nương thân. Chao ôi, trận tàn sát kinh thiên động địa kinh khủng đâu có thua cuộc đại hồng thủy tiêu diệt hoàn toàn lũ khủng long khổng lồ, hiển nhiên là sẽ dẫn đến họa diệt chủng, tuyệt diệt hết giống nòi, nếu không có những con chim hiểu ra sứ mệnh duy trì nòi giống của mình, đã vượt qua cuộc vây ráp sát hại bạo tàn của đế chế, thực hiện một cuộc viễn du quả cảm bằng đôi cánh, bay qua những ngọn núi băng tuyết, những sa mạc nắng cháy, về được tới phương nam này; và bây giờ con cháu chúng đang được hưởng ân huệ từ tấm lòng hiền thảo, nhân từ của bà cụ Cần.
Không hay biết những điều rắc rối của khoa học và lịch sử, bà cụ Cần chỉ biết lũ chim sẻ là những con vật bé bỏng, yếu đuối, hiền lành, vui vẻ, rất đáng yêu đáng thương vì chúng thường xuyên bị đói. Bà là một phụ nữ giàu lòng thương yêu. Chồng là liệt sĩ. Bà một mình nuôi con trong tình yêu thương nọ. Và Thuận con trai bà, học hết trung học, chọn nghề y lập nghiệp cũng là thực hiện ý nguyện chia sẻ tình thương, cứu nhân độ thế của bà. Cuối cùng, trong những điều gã thợ săn nói, bà chỉ quan tâm tới một chi tiết: có những kẻ chuyên nghề bẫy chim đang bán cả chục con chim sẻ ở đầu phố của bà. Và bà tức tốc đi ngay tới đó.

* * *
Không ngờ là có một ông lão bẫy chim sẻ rồi đem bán làm mồi nhắm cho những quán ăn thật! Cũng không ngờ công việc bẫy chim lại đơn giản như thế. Công cụ chỉ là một tấm lưới giăng trên hai chiếc cọc bất thình lình ụp xuống lũ chim háu đói đang ham ăn. Hừ, hóa ra để hủy diệt một sự sống cũng chẳng khó khăn gì thật. Nhưng cũng thật không ngờ, cuộc gặp gỡ giữa bà cụ Cần và ông lão bẫy chim lại chuyển đổi, tạo nên một tình thế thật bất ngờ. Bất ngờ, đến nỗi, gã thợ săn chim lần này đến sân nhà bà Cần để quyết hạ thủ mấy con sẻ làm thức nhắm, liền há hốc mồm và đứng như trời trồng. Góc sân nhà bà Cần đang giăng một tấm lưới ni lông mảnh như tơ và trong cái lồng để ở hiên đã lúc rúc cả mấy chục con bị bắt làm tù binh rồi.

– Ha ha… Trăm cái hay xoay cả vào lòng là thế đấy! Có phải không, hỡi mụ đàn bà đạo đức giả, miệng nam mô bụng một bồ dao găm kia!

Không một lời đáp trả, bà cụ Cần cứ lẳng lặng với công việc đang làm của mình, như không hề nghe thấy những lời giễu nhại của gã thợ săn. Mặc gã, việc cần làm thì sá gì những kẻ đã vụ lợi lại quen nghề đâm bị thóc chọc bị gạo. Công việc giăng lưới bắt những con chim sẻ của ông lão chuyên nghề bẫy chim từ hôm ấy được sự trợ giúp của bà cụ Cần ở ngay trên mảnh sân bà cụ vẫn sàng sảy, rải thóc gạo và cơm nguội nuôi lũ sẻ ăn hằng ngày.

* * *
Đó là những ngày thật nặng nề. Bác sĩ Thuận đến bệnh viện từ sớm bửng đến tối mịt mới trở về. Một căn bệnh lạ, thật nguy hiểm vừa xuất hiện ở trẻ em. Trong vòng một tuần lễ đã cướp đi sinh mạng của hai đứa trẻ. Cả ngành y lao vào cuộc nghiên cứu mà chưa tìm ra nguyên nhân và thuốc đặc trị.

– Thuận à. Con ăn cơm đi. Trông con hốc hác quá. Mẹ biết rồi. Con đang lo. Mẹ có thể giúp gì được con lúc này?

Bác sĩ Thuận bơ phờ trong công cuộc chống trả căn bệnh lạ nọ quay lại, sửng sốt khi nhìn thấy trên tay người mẹ già hiền hậu của mình là những chiếc lồng chim sẻ nho nhỏ, trong đó mỗi chiếc nhốt chừng chục con một.

Cuối cùng thì không chỉ là sửng sốt mà còn là vô cùng kinh ngạc, khi thấy bà mẹ xách mấy cái lồng chim đó đến bệnh viện. Và sau khi hỏi han các cô y tá, bà cụ liền đi đến nơi ba đứa trẻ bị bệnh nặng nhất đang nằm thoi thóp trước tử thần trong lo sợ vô phương cứu chữa của cha mẹ chúng. Tất cả ba đứa trẻ đều mới chỉ tám chín tuổi.

– Bà! Bà làm gì thế, bà?

Các cô y tá cùng kinh ngạc và đồng thanh cất tiếng hỏi khi thấy bà cụ Cần bế từng đứa trẻ ra ban công. Và sau khi làm điểm tựa cho chúng ngồi thì bà cụ lần lượt bảo từng em mở cửa từng chiếc lồng, thả ra tám con chim sẻ đúng độ tuổi của mình, cho chúng bay lên trời.

– Mẹ làm cái trò vớ vẩn gì thế! – Anh con trai bà cụ, bác sĩ Thuận, là người cuối cùng trong bệnh viện biết sự việc này. Chạy đến, khi bà mẹ quê mùa vừa cho đứa trẻ cuối cùng mở cửa chiếc lồng thứ ba và từ đó những con chim sẻ vụt bay ra như những ánh chớp, định trách cứ bà mẹ bằng một câu nói cửa miệng quen thuộc đại loại như thế, nhưng may mắn anh đã kịp thời ngậm miệng.

Lễ phóng sinh, cứu khổ cứu nạn của tấm lòng mẹ từ bi nhân ái khiến anh ngây người, nín lặng. Ngây người nín lặng trước hết vì đang đối diện với một hiện thực siêu tầm, sau nữa là cảnh tượng vỗ cánh bay lên của bầy chim.

Bay lên, bay lên nhẹ nhàng mà khỏe khoắn, những cánh chim sẻ quạt gió, như đang quyết trút bỏ tất cả khổ nạn nhọc nhằn của cõi trần gian. Như đang quyết rũ bỏ ốm đau bệnh tật rủi ro đeo bám rắp tâm hủy hoại sinh mệnh mỗi nhân quần. Những cánh chim nhỏ bé đại diện của sức sống tiên thiên. Những cánh chim hiện thân của những sinh linh bất tử, biểu trưng cho một trạng thái cao đẳng của công cuộc sinh tồn. Những cánh chim, hình ảnh của thiên sứ mang thông điệp thiên định về một hy vọng kỳ diệu và thật sự lớn lao. Hy vọng, sự tròn đầy của cuộc sống, không có nó sao có được sự trọn vẹn nơi cõi đời.

Từ ban công căn phòng bệnh nhân nhìn ra bầu trời, cảnh tượng càng lúc xem càng trở nên huyền hoặc và kỳ vĩ. Vì lúc này không chỉ là những cánh chim sẻ hiền lành, thậm chí tầm thường đã mắc vòng oan nghiệt, đang trong cuộc cởi thoát, biến hóa thành những ảo thể ảo hình. Hòa vào khúc hoan ca của bầy chim sẻ đang thay bà cụ Cần thể hiện tấm lòng nhân ái bao la còn là những con chim thuộc giống loài khác. Đan dệt ngang trời là những sải cánh dài và nhọn như hai mũi tên của bầy chim én. Vi vút những đường bay kỷ hà học là những con nhạn cánh đen ức trắng. Còn những con sáo mỏ vàng, cánh in vệt vôi trắng và lũ chào mào chóp lông nhỏm cao trên chỏm đầu. Và không thể thiếu bồ câu với đôi cánh dày nặng nhưng êm ái và tiếng gù ấm áp thân thương. Những con chim, những sinh vật có cánh đẹp nhất thế gian, các ca sĩ chuyên nghiệp bẩm sinh, đem lại niềm vui, hy vọng và tình yêu cuộc đời cho con người.

Ma Văn Kháng

Út Quyên và Tôi

Trứng chim sẻ
-Nghi ơi! Nghi à!
Nghi vừa bỏ mấy trứng chim sẻ vào túi áo, định leo xuống, bỗng giật thót người khi nghe tiếng dì Miên . Vừa nhỏm dậy, nó đã vội dán người xuống mái ngói, im thít .
- Nghi ơi, mày nấp ở đâu đấy ? Có chịu chui ra ngay đi không! - Tiếng dì Miên lại vang lên, lần này tiếng nói đã ra tới ngoài hiên .
Nghi vẫn nằm im, không động cựa . Không phải nó sợ gì dì Miên . Dì Miên hiền nhất nhà, chẳng bao giờ đánh nó . Ngay cả khi dì cố làm ra vẻ hung dữ, Nghi vẫn cười khì, thậm chí nó còn nghịch ngợm nháy mắt trêu dì . Nhưng kẹt một nỗi, lúc này nó đang ở trên mái nhà .
Bố bảo: Con không được leo trèo . Không được leo lên lan can, bệ cửa sổ và cây cối trong vườn . Bố sợ nó té ngã . Té ngã thì u đầu, sứt trán, có khi còn gãy cổ . Bố định mức phạt: hễ trèo cửa sổ lãnh ba roi, đu người trên lan can lãnh năm roi, còn trèo cây là mười roi . Bố không bảo leo lên mái nhà là bao nhiêu roi .Không phải bố quên, chỉ tại bố không nghĩ Nghi lại dám làm chuyện động trời đó . Nếu bố biết, hẳn mình lãnh hai mươi roi là ít, Nghi hồi hộp nhủ bụng và lại cố ép mình xuống .
Dì Miên bây giờ đã ra tới giữa sân . Một tay cầm cuộn len, tay kia vung vẩy cây que đan, dì vừa lê dép lẹp xẹp vừa dòm dáo dác:
- Nghi ới ời! Mày ở đâu về trông nhà cho dì đi chợ này!
Suýt chút nữa Nghi đã phì cười . Nó phải đưa tay bụm miệng lại . Nghi biết thừa là dì chỉ bịa . Sáng nay, nó đã thấy dì xách giỏ đi chợ . Dì giả vờ nói thế để Nghi ló mặt ra đó thôi . Nhưng Nghi nhất định không mắc bẫy . Nó tiếp tục dán người xuống mái ngói .
Nhưng Nghi đã vội nhỏm người lên ngay . Nó sực nhớ đến những quả trứng trong túi áo và sợ chúng sẽ vở nát nếu bị ép chặt .
Nếuthế, nó sẽ chắng biết ăn nói làm sao với nhỏ Trang hàng xóm. 
             
 
Cách đây một tháng nhỏ Trang bảo Nghi:                                                                                                 
- Mấy hôm nay em thấy chim sẽ về làm tổ trên mái ngói nhà anh.
Nghi "ừ". Nhỏ Trang lại nói:
- Hôm nào anh trèo lên lấy trứng chim xuống cho em xem với!
- Không được! - Nghi hừ mũi - Như vậy thì ác lắm!
Nhỏ Trang chớp mắt:
- Em chỉ xem thôi chứ bộ! Xem xong mình trả lại!
Nghi lại "ừ". Nhưng rồi nó quên bẫng đi mất. Chỉ đến hôm qua, thấy nhỏ Trang sốt nằm thu lu trên giường, chăn quấn tận cằm, Nghi thấy tội tội, bèn nói:
- Trưa mai tao sẽ lấy trứng chim xuống cho mày chơi! BIết đâu nhờ vậy mày sẽ chóng hết bệnh!
Nhớ đến cặp mắt long lanh đầy vẻ biết ơn của nhỏ Trang, Nghi khẽ mỉm cười và nhướng cổ liếc xuống sân.
Dì Miên đang lò dò đi về phía cổng, đầu nghiêng nghiêng ngó ngó. Chắc dì nghĩ Nghi đang nấp đâu đó sau bờ rào. Chốc chốc dì lại kêu:
- Nghi ơi! Nghi à!
Rồi vẫn không thấy thằng cháu yêu quý đâu, dì thở dài, đe dọa một cách bất lực:
- Mày cứ trốn kỹ đi! Phen này dì mà tóm được, mày chết với dì!
Nghi vẫn ngậm tăm, đợi cho dì đi xa. Đến khi thấy dì mãi lúi húi vạch vạch tím tìm bên bờ rào, nó nín thở và thận trọng tụt xuống.
Bỗng một tiếng "cạch" đột ngột vang lên khiến Nghi tái mặt. Âm thanh rõ to làm dì Miên quay phắt lại. Nghi biết mình vừa dẫm phải một viên ngói vỡ nhưng nó chưa kịp hụp đầu xuống, dì Miên đã trông thấy.
- Ối giời ơi! - Dì tròn mắt sửng sốt - Mày làm gì trên ấy thế hở thằng ôn dịch?
- Cháu lấy trứng chim! - Nghi ấp úng đáp và đảo mắt tìm chỗ đặt chân.
Dì Miên nắm chặt hai tay, giận dữ và lo sợ. DÌ tính quát thằng cháu nghịch ngợm thêm vài câu cho hả nhưng thấy Nghi đang loay hoay tìm cách tụt xuống khỏi mái ngói cao nghều, dì đành tặc lưỡi hạ giọng:
- Này, cháu từ từ mà xuống nhé! Coi chừng ngã đấy!
Rồi dường như thấy cách xưng hô chuyển từ "mày" qua "cháu" vẫn chưa có tác dụng thiết thực lắm, dì chớp chớp mắt cố nghĩ ra một câu thật ngọt ngào để trấn an Nghi:
- Con trai là phải biết leo trèo cháu ạ! - Dì ngừng lại, khẽ nhăn mặt vì lời nói trái ý muốn của mình - Bố cháu hồi bé cũng leo trèo giỏi lắm! - Bố cháu còn leo cao hơn cháu nhiều! Nhưng bao giờ bố cháu cũng bình tĩnh!
Nghi hơi ngạc nhiên về những lời dì Miên nói. Nhưng bận dọ dẫm trên mái ngói, nó chẳng có thì giờ đễ nghĩ ngợi sâu xa. Nếu không, Nghi đã phát hiện ra hàng đống sơ hở của dì. Dì Miên chẳng thể nào biết bố khi bố còn bé. Mãi khi bố đã cưới mẹ, dì mới biết bố là ai.
- Bố cháu hồi bé cũng thích trèo lên tổ chim lấy trứng như cháu vậy! - Dì Miên tiếp tục đòn tâm lí - Trứng chim luộc lên, ngon ngon là! Lát nữa cháu đưa trứng cho dì, dì sẽ luộc cho cháu ăn!
Lúc này Nghi đã chạm được chân vào đầu cầu thang áp sát mái ngói phía sau vườn . Ở phía dưới, dì Miên đang ghì chặt chân thang . Nhưng vừa đặt chân xuống nấc thang thứ nhì, nghe dì Miên nói vậy, Nghi bỗng rụt chân lên .
- Cứ xuống đi cháu! - Dì Miên nói - Đừng sợ, đã có dì giữ chắc đây rồi!
Nghi lưỡng lự, không biết có nên nghe lời dì hay không . Thực ra Nghi đâu có sợ ngã . Lúc nãy ở trên mái nhà cao chót vót Nghi còn không sợ, huống hồ bây giờ đã xuống tới đầu cầu thang, Nghi chỉ sợ dì Miên giành lấy những quả trứng và đem luộc chín . Như vậy thì những quả trứng xinh xinh kia sẽ chẳng bao giờ nở ra những chú chim con được nữa . Nghi bần thần nhớ đến những tiếng ríu rít của lũ chim sẽ nơi đầu hồi mỗi buổi sáng vẫn đánh thức Nghi dậy, bỗng thấy nhói nơi ngực .
- Sao cháu cứ đứng ì mãi trên đó vậy ? Xuống đi chứ - Dì Miên lại giục .
Chẳng còn cách nào khác, Nghi lưỡng lự một hồi rồi tặc lưỡi rón rén leo xuống . Dì Miên vừa giữ chân chân vừa dán mắt vào từng cử động của thằng cháu, chờ đợi .
Nhưng dì chỉ hoài công . Khi còn cách mặt đất khoảng ba nấc thang, bất thần Nghi bắn vọt người ra xa và rơi huỵch một cái xuống đất .
 Này, này! - Dì Miên hét lên sau một thoáng sững sờ - Mày làm gì thế, thằng ôn dịch ?
Vẫn một tay túm chặt những quả trứng nơi túi áo, tay kia chỏi đất lồm cồm bò dậy, Nghi quay về phía dì Miên thè lưỡi một cái rồi lật đật chạy biến qua nhà nhỏ Trang .
Ra tới bờ rào, Nghi vẫn còn nghe tiếng dì Miên hốt hoảng đuổi theo:
- Này, này, đưa mấy cái trứng cho dì để dì trả lại cho lũ chim! Lúc nãy dì nói đùa đấy! Trứng chim sẻ ăn dở lắm, chả ngon lành gì đâu!
"Hóa ra dì muốn cứu lũ chim con!", Nghi hơi khựng lại vì bất ngờ . Nó thở ra một hơi dài nhẹ nhõm rồi co giò chạy tiếp . Lần này nó vừa chạy vừa cười . 
Nguyễn Nhật Ánh 1994 
Phóng sinh
Hai lần thân được phóng sinh,
Hai lần thoát khỏi, một mình bay xa...
Không ngờ đến lúc thứ ba,
Thân đành xa chốn ta bà thế gian !
Bây giờ mới thật thiên đàng,
Mấy ai hiểu cõi vĩnh hằng là đây...
NM

Con chim nhỏ hai lần được phóng sinh

Lần đầu tiên trong đời được sung sướng bay lên bầu trời bao la, nó muốn bay đến các đám mây..., rũ tung những chiếc lông bẩn thỉu và rác rưởi...
Con chim nhỏ xíu bằng ngón tay cái, mắt to màu nâu nhạt, cứ thích nhìn phía xa xăm lúc ngừng nhảy nhót trong lồng chim. Mỏ màu đen rất to so với cơ thể của nó, toàn thể lông màu mun đã ngả màu, chỉ có ở cổ và quanh mắt ngoài màu mun còn viền những lông nhỏ mịn màu vàng xanh, trông giống như những chiếc cườm vòng quanh cổ và mắt. Suốt ngày, suốt tháng nó được nhốt trong chiếc lồng nhỏ làm bằng tre và mây xinh xắn với cả chục con khác cùng loài, chúng được ăn uống no đủ... 
Nó được sinh ra từ lò ấp và lớn lên chẳng có một tí gì khái niệm về mẹ. Cứ sáng sớm tinh mơ và chiều muộn, nó thi nhau hót líu cha, líu chíu, rồi lại tập bay trong khoảng không chật hẹp, làm lông cánh và lông đuôi bị xơ ra tua tủa. lúc nào cũng mơ ước được bay cao, bay xa trên bầu trời bao la dưới ánh sáng chói chang của Mặt trời.
          Một mùa thu sắp sửa ra đi, những quả sấu cuối cùng còn lại đã ngả sang màu vàng sẫm, lá sấu rơi nhẹ nhàng trên các ngã phố. Những hàng cây sữa vẫn xanh rì, những quả sữa dài buông thõng, gió mát rượi làm những lông chim nhỏ bay nhẹ nhàng không một chút âm thanh. Hôm nay, chúng đã tròn bốn tháng, chủ lò chim chở những lồng chim nhỏ ra chợ  bán. Những con chim cứ nhốn nha, nhốn nháo, bồn chồn không muốn ăn, muốn hót ngỡ ngàng nhìn dòng người đông nghịt ngoài phố, trong chợ, giật mình nghe tiếng nổ bình bịch, tiếng còi xe máy, ô tô, tàu hỏa...  
        Có một nhà văn nổi tiếng nhưng rất nghèo, chẳng có vợ con suốt cả đời cặm cụi viết chỉ mong có cái để ăn hàng ngày, thỉnh thoảng mong có vài ba xị rượu quê uống, để nhâm nhi cho đến lúc say ngủ lúc nào chẳng biết, khi tàn canh tỉnh dậy mong được có những phút thăng hoa, để sáng tạo, để viết. Cả cuộc đời chưa biết làm hại ai bao giờ nhưng trước khi mất, nhà văn có nguyện vọng là họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp…, đến viếng hãy đừng mang hoa mà đưa những con chim, con cá sẽ được phóng sinh lúc làm lễ truy điệu để may ra rửa hết tội lỗi của mình khi còn sống trên cõi đời. 
        Lồng chim được bán cho một người bạn của nhà văn, lúc tiễn bạn về cõi vĩnh hằng con chim nhỏ cùng cả đàn được phóng sinh, được bay về Trời. Lần đầu tiên trong đời được sung sướng bay lên bầu trời bao la, nó muốn bay đến các đám mây, sau đám mây có ông mặt Trời sáng chói để hít không khí trong lành, rũ tung những chiếc lông bẩn thỉu và rác rưởi… 
         Mới bay chưa cao được trăm mét nhưng không thể bay cao hơn nữa, với đôi cánh bé nhỏ và yếu đuối của nó lại mới tập bay  xa, cao lần đầu trong đời không thể thắng nổi sức hút của Trái đất đành phải xà xuống, nó nhìn thấy phố xá ở đâu cũng đầy người đông nghịt, nhà cửa chen chúc nhau, cây cối thưa thớt... Nó muốn bay về rừng nhưng rừng ở quá xa, đành bay ra phía sông Hồng, thấy dòng sông cuộn đỏ phù sa, nó chao mình trên mặt nước vài phút rồi xà xuống nương ngô xanh mướt, đang mùa trổ đòng, phấn hoa bay lả tả. Nó sung sướng hạnh phúc tràn trề, từ nay được tự do muốn bay đi đâu cũng được, thả sức hót cả sáng, cả chiều. Nhưng cái ăn, cái uống phải tự tìm lấy. Nó nhảy từ cây nọ sang cây kia, gần hết cả luống ngô, rồi cả vườn rau bên cạnh vẫn không tìm thấy một con sâu nào. Bởi con người đã phun thuốc trừ sâu từ lúc ngô và rau hãy còn non. Đói quá nó đành ăn phấn ngô và uống nước sông vậy.
         Đêm đến lại tìm đến những cây cao ven sông để ngủ. Có đêm đang ngủ, nghe tiếng động, gặt mình tỉnh dạy thấy một con chuột to lù lù đang đi về phía nó, nhưng chuột vẫn chưa nhìn thấy nó vì bé tẹo nằm sau chiếc lá, với phản xạ sinh tồn nó liền bay vút lên cao trong đêm tối làm chuột gặt mình ngơ ngẩn nhìn theo.
          Một buổi chiều đang say mê tìm kiếm thức ăn bổng cơn dông ập đến, những đám mây mộng nước màu chì, gió thổi ào ào cây cối ngã nghiêng, bụi với lá bay mù mịt, nó vội vàng bay đến một cành cây gần nhất không kịp tìm chỗ trú mưa thì những hạt mưa đã rơi xối xả, gió lại càng hung dữ hơn làm nó không thể bám được vào cành cây rơi xuống đất, nó vội vàng chui vào bụi gai gần đó. Mưa lại càng to hơn làm toàn bộ lông ướt sũng, lông cánh tả tơi không thể bay được nữa, thân mình nó run lên bần bặt. Lớn lên trong lồng không có mẹ nên chẳng biết rỉa lông. 
          Sau cơn mưa lần đầu tiên trong đời mới tập rỉa lông bằng  chiếc mỏ yếu ớt lấy phấn từ phao câu ở đuôi của nó. Sau mấy giờ bộ lông vẫn không khô, không bay được đành nhảy vào bụi gai chờ hết đêm để lông khô. Suốt cả tuần nay nó cảm thấy vắng bạn, thiếu đàn. Ngủ trên cành to ở thấp thì sợ những con mèo hoang đi ăn đêm, sợ chuột. Ở những cành cao thì sợ mưa to, sợ gió lớn, sợ cú mèo, sợ những các loài chim to… Cái chết luôn rình rập nó. 
          Bây giờ nó thật sự buồn và nhớ đàn da diết, ít hót, ít chao lượn trên bầu trời, suốt ngày cần mẫn tìm kiếm thức ăn, khát lại bay ra sông uống nước và quyết tâm đi tìm đàn, tìm bạn. Nhưng suốt cả tuần bay nhiều nơi luôn hót tiếng hót gọi đàn, nhưng không hề gặp một con chim nào cùng loài đành nhập vào đoàn chim sẻ. Những con chim sẻ to hơn bay nhanh hơn, lại không thích tìm mồi ở trên cây mà chỉ thích sà xuống đất, ăn những thức ăn mà nó không thích, được mấy hôm con chim sẽ đầu đã đuổi đánh nó đi. 
         Nó lại bơ vơ một mình, mong ước được gặp lại những bạn ở trong lồng trước đây với nó, đành bỏ bãi bồi sông Hồng bay về phố xá. May lại tìm được khu chợ bán chim ngày nào, nó mừng quá, quên cả sợ người, liền xà đến lồng chim cùng loài với nó. Đương nhiên người bán chim vui lòng bắt lấy nó và cho vào lồng cùng với các bạn mới. Nó lại tha hồ ăn uống, vui đùa, nhảy nhót cùng các bạn… Cũng ngày hôm đó, lồng chim có nó lại được bán cho gia đình có con vừa chết đuối chưa tìm được xác ở miền quê xa lắm, nơi những dòng suối lớn đổ về thành một dòng sông.
         Người mới chết là cậu bé lên mười tuổi, khỏe mạnh, đẹp trai lại học rất giỏi và ngoan ngoãn. Cách đây ba hôm tan học theo các bạn cùng lớp ra bơi ở dòng sông. Bình thường cậu bé bơi giỏi lắm, nhưng hôm ấy bị chuột rút, nước sông lại chảy xiết. Làm lễ cầu hồn vào buổi sáng, nơi khúc sông bên lở, nước chảy xiết, đục ngầu, tiếng than khóc của người nhà thảm thiết buồn đến não lòng, hương khói nghi ngút, những cánh hoa huệ trắng bị cuốn theo dòng nước lúc nổi, lúc chìm. Nó và cùng cả đàn lại được phóng sinh. 
         Lần này nó không muốn bay theo đàn mà muốn ở lại trong lồng chim, đôi chân nhỏ cố bám chặt lấy lồng, nhưng người ta vẫn cứ đuổi và bắt nó phải bay ra. Cũng như nó lần đầu, những con chim vừa được thả tự do cứ bay tán loạn, mạnh con nào con nấy bay, bay vút lên cao. Rồi cuối cùng nó cũng phải bay ra khỏi lồng, bám theo một con có vẻ bay yếu nhất trong đàn. Bay được một lúc, may cả hai con tìm được một cánh rừng bạt ngàn, xanh ngát, nơi mờ xa là những dãy núi trùng điệp, thỉnh thoảng lại có những đồng cỏ mênh mông đầy các loại bướm to có, nhỏ có, đủ các màu sắc sặc sỡ. Phản xạ tự nhiên của nó cho biết ở đây có nhiều loại sâu bọ, tha hồ thức ăn. Nó sung sướng được về lại với thiên nhiên, với rừng, nơi tổ tiên nó được sinh ra. Lúc mới nhập đàn nó to nhất đàn, màu lông sặc sỡ đẹp khác thường, bởi người ta lai tạo, nuôi trong lồng, cho nó ăn những thức ăn tăng trọng, nên tính thích nghi và nhanh nhẹn lại kém nhất đàn.
        Có một hôm buổi chiều, trời trong xanh rất đẹp, không một gợn mây, gió thổi làm xào xạc lá rừng, uốn cong ngọn cỏ non. Cùng các bạn ăn uống no say, chúng nó liền bay lên cao vút, vừa bay vừa hót những âm điệu quen thuộc nhất, hay nhất của loài nó. Bỗng một con chim cắt xuất hiện từ trên cao, các bạn nó thét lên vội vã lao vào những đám cây rậm rạp. Linh cảm điều nguy hiểm đang đến, nó cố bay thật nhanh theo cùng các bạn, phát ra những tiếng kêu chiêm chiếp cầu cứu, nhưng không kịp nữa rồi. Con chim cắt nhanh như chớp, cái mỏ sắc nhọn như một mũi tên đâm thẳng vào mình nó, hai móng vuốt sắc nhọn ghì chặt lấy nó trong giây lát rồi bay đến một gò đất cao. Chưa đầy vài phút, con chim cắt xé xác con mồi ăn ngon lành, những lông chim nhỏ nhẹ tả tơi bay theo gió.
Rừng vẫn xanh rì, nắng vẫn ngập tràn, gió vẫn thổi, tiếng xào xạc lá rừng, tiếng của chim, tiếng của côn trùng... tạo nên bản nhạc thiên nhiên hùng vĩ không bao giờ dứt, nhưng từ nay trên cõi đời không còn con chim nhỏ. Hình như mỗi cá thể sinh vật đều có một số phận riêng, nhưng tất cả đều có một cái chung: Được sinh ra từ vô hư, cát bụi lại trở về với cát bụi, hư vô. Sống chỉ là khoảnh khắc vô cùng nhỏ bé, chết là vĩnh hằng- đó là thời gian, không gian và vũ trụ, điều mà chưa sinh vật nào trên Trái đất hiểu được và mãi mãi chẳng bao giờ biết được!
Budapest, mùa Thu 2015./.
Nguyễn Lam Thủy
 
Chim sẻ là loài tiểu nhân? 
        Trong một lần đi làm phóng sự về cây nhãn da bò, một đồng nghiệp đã chộp được những tấm ảnh nói lên tấm lòng cha, mẹ của gia đình chim sẻ. 
        Cậu con trai đang tuổi thiếu niên của chủ vườn nhãn đã bắt một con chim sẻ chưa biết bay về nuôi, nhốt trong lồng. Chiếc lồng treo dưới gốc xoài ở mé sân. Đôi chim bố mẹ ngày nào cũng bay đến mớm mồi cho con, bất chấp mọi hiểm nguy. 
         Con chim mẹ nhỏ hơn chim bố, miệng ngậm mồi, nó bay cuống quýt chung quanh nơi nhốt con chim non. Có lúc, nó nhào xuống chiếc lồng một cách liều lĩnh nhưng chỉ liệng xuống rồi vút lên ngay tức thì như một mũi tên xé khoảng không. Nó chưa mớm được mồi cho con chim nhỏ. Nhiệm vụ của nó chưa hoàn thành. Nó bay rối rít đâu đó rất gần trên vòm lá, miệng không ngớt kêu những tiếng kêu xé lòng chứa đựng cả sợ hãi lẫn âu lo.  
         Con chim bố lớn hơn chim mẹ tí chút. Có lẽ, cái lớn hơn của con chim bố là lá gan liều mạng cứu con. Nó sà bên chiếc lồng, hót lanh lảnh như an ủi, như vỗ về đứa con rằng mọi chuyện rồi sẽ qua nhanh thôi… 
         Trời vẫn xanh. Mây trắng vẫn la đà bay trong buổi sáng đôi chim nỗ lực vượt bật làm cuộc thăm viếng đứa con nhỏ....Một ngày nhiều nắng đẹp cách đây ít lâu, tôi ngồi trong quán cà phê tại khuôn viên Dinh Độc Lập. Trước mặt tôi là bãi cỏ xanh ngọt lịm trải rộng và mát rười rượi nhờ bóng lá dày của những cây dầu đại thụ đứng rải rác khắp vườn. Bỗng từ đâu đó trong vòm cây, mà cũng có thể  từ giữa không gian  bắn xuống mặt cỏ một đôi chim sẻ. Chúng cuộn tròn, cuộn tròn  xoắn xít yêu thương, lăn vòng trên cỏ vài giây rồi hân hoan cùng một nhịp bay lao vút vào không trung, tiếng ríu rít hân hoan của chúng vang lên không ngừng.  
        Ban đêm, nếu bạn có cơ hội bạn có thể ngắm đôi chim sẻ ngủ trong tình yêu của chúng dành cho nhau, vì khi ấy, hai chú chim nhỏ đầu áp vào nhau vô cùng dịu dàng, đầm ấm dù cành cây bên dưới chân chúng gió không ngừng đong đưa.Trong luyến ái, loài chim dành cho bạn tình những cử chỉ trìu mến, nồng nàn khiến con người phải ngưỡng mộ. 
        Cũng tại Sài Gòn tôi lại gặp bầy sẻ đông hàng trăm con nơi sân hoa của nhà thờ Đức Bà. Chúng sà xuống kiếm ăn, nhảy tưng tửng trên mặt sân. Chúng nô đùa cùng nhau và cùng tung mình lên cao như đám mây khi có người đến gần. Mà không hề thấy con nào mổ hay cắn xé nhau để giành ăn dù chúng đông mà thức ăn ít. Mỗi con đều cố  gắng siêng năng từ kiếm hạt, đến nhặt cọng cỏ, cọng cây làm tổ…Vậy mà người ta từng nói, chim sẻ là loài tiểu nhân? 
         Quân tử, chắc chắn là người tử tế. Mà tử tế thì trong lòng chứa nhiều yêu thương. Sống lương thiện và chăm chỉ.Chim sẻ rất chăm chỉ, thân thiện và vui vẻ. Tôi chưa từng thấy chim sẻ làm hại ai, hay làm hại đồng loại của nó.Nó tiểu nhân chỉ vì nó có hình dáng nhỏ bé thôi sao? Loài chim hay bất kỳ loài nào khác, đang đối mặt với nạn diệt chủng, nhất là ở đó là nỗi lo sợ của muôn loài. Còn lại, chúng không buồn để ý loài người nói gì về chúng. Kể cả đôi chim đang bị loài người bắt mất đứa con yêu kia. Chúng chỉ bận tâm làm sao cho đứa con được yên lòng, được ăn no chứ không màng có được gọi là quân tử hay không...
Minh Đăng
 


Thứ Hai, 5 tháng 3, 2018

Nhạc - Thơ - Văn Chùa Xá Lợi....bây giờ !

Thương tặng Thu Giang và các bạn Đệ Thất 6 GL

Lời Nguyện Đêm Nay

Cát Bụi Cuộc Đời

Tiếng chuông chiều mùng một Tết
Trong hoàng hôn tiếng chuông chiều vang vọng,
Nhắc nhở người chìm đắm cõi trầm luân...

Thời chuông thôi thúc bâng khuâng,
Giục người tỉnh thức như gần như xa...
Quẩn quanh trong cõi ta bà,
Nhớ người xưa đã một thời phong lưu
Giờ chừ đỗ bến hoang vu,
Hay còn phiêu lãng thiên thu chốn nào ?
Thương thay một kiếp xôn xao,
Cuối đời chen chúc với bao đoạ đày !!
Sen vàng một đoá trên tay,
Xin người cứu độ bao người trầm luân...
NM

Chùa Xá Lợi....bây giờ !
          Trước Tết, hàng ngày tôi vẫn có dịp đi ngang qua chùa Xá Lợi, nhìn thấy chùa đang sữa chữa....Rồi lại thấy hai cây "Bò cạp vàng" ở góc sân bên phải được bỏ đi khiến lòng tự nhiên buồn buồn tiếc nuối vì đã có lần kêu cháu dừng xe chạy vô chùa lượm những trái rụng lấy hột đem gieo dưới chân mộ phần của ba, phải tới 4 năm cây mới ra hoa, và vỏn vẹn chỉ nở hai mùa hoa thì cây bị sâu tàn phá !....
          Và cứ thế hàng mấy tháng, cho đến khi gần Tết bỗng chợt nhận ra tượng Quan Âm xuất hiện ngay góc phải của sân chùa, tuy rằng cũng có cửa, nhưng thoạt nhìn có cảm giác như rộng mở  thật đẹp và uy nghi....!
          Tượng Phật màu trắng được đặt ngay góc đường bà Huyện Thanh Quan và sư Thiện Chiếu. Nếu ta đứng từ bên kia lề đường của trường GL, ta có thể nhìn thấy cảnh quang trọn vẹn hơn,ta có thể chiêm ngưỡng nét trang nghiêm của Đức Quan Âm và nhìn rõ được vẻ rực rỡ của chánh điện chùa Xá Lợi trong buổi chiều tà ! Chắc hẳn không phải là một sự sắp đặt ngẫu nhiên, bởi vì đây cũng là góc của đường Bà Huyện Thanh Quan và đường Sư Thiện Chiếu! Bên đây đường là chùa, bên kia là trường học, ngoài tiếng xe qua lại và giờ học sinh tan trường, còn lại không gian rất yên tịnh....Một không gian êm đềm và gần gũi của bảy năm trung học, của tuổi thơ và tuổi hoa niên !
          Có lẻ sự yên tịnh trang nghiêm nhưng thân thuộc của ngôi chùa đã làm cho đại đa số nữ sinh Gia Long có một dáng vẻ thuỳ mị và ôn nhu, một tâm hồn sâu lắng trước biển đời dâu bể !! Đại đa số nữ sinh ngày đó yêu chùa không khác gì yêu ngôi trường thân yêu của mình ! Và chắc chắn rằng trong album ngày còn đi học bất cứ nữ sinh Gia Long nào cũng có ít nhất một tấm ảnh chụp cùng bạn bè trong sân chùa Xá lợi
          Hai năm nay do hoàn cảnh thực tế, tôi không đến viếng chùa Xá Lợi ngay sáng mùng một, mà đổi lại hai cô cháu đi viếng chùa vào buổi chiều ngày mùng một...Khoảng thời gian hoàng hôn của chiều mùng một Tết thật thoải mái và dễ chịu, xe cộ ít đi rất nhiều vì không còn giờ tan sở, tan trường và dân tạm cư thành phố cũng đã về quê ăn Tết, được chạy xe giữa buổi chiều mát không hanh nắng và không đầy mùi khói xe làm cho người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản thật đúng là ....
          Tôi ơi, mùa Xuân đến rồi đó !!
          Từ cổng chánh đi thẳng vào Thiền đường đã được mở rộng hơn, hai bên được trang trí những bức tượng nhỏ màu trắng, hình ảnh bé xinh của chú tiểu nhỏ, người thì đọc sách, kẻ chống càm, những hình tượng nầy được đặt giữa những khóm hoa lá trông thật vui mắt đáng yêu
          Phía bên trái ngay sát góc tường là một tiểu cảnh nhỏ có tượng bán thân của ông Mai Thọ Truyền, tức cư sĩ Chánh Trí, người có công cất lên chùa Xá Lợi đồng thời quảng bá tư tưởng Phật giáo trở nên phổ biến và rộng lớn, người có công sáng lập Hội Phật học được lưu truyền cho đến bây giờ...
Cây mai màu trắng năm nay không đầy hoa như mọi năm nhưng dưới ánh hoàng hôn cây mai trắng trở thành một hình ảnh dịu dàng thân quen
           Sau khi dạo một vòng nhìn khuôn mặt mới của chùa Xá Lợi, tôi lại trở vào sân sau của chùa bái lạy tượng Quan Âm nhỏ được đặt ở đó, đặc điểm đáng ghi nhớ là nơi đây lúc nào cũng đông người đến cúng vái, hoa quả, đèn hương lúc nào cũng toả sáng !
          Cuối cùng là lên chánh điện, nơi đây vẫn như cũ và không hề thay đổi, một khung cảnh thật gần gũi và không hiểu tại sao mỗi khi vào đây chiêm ngưỡng Đức Phật tôi luôn cảm nhận một sự êm đềm tĩnh lặng, ngay cả không gian cùng các vị Phật tử ai cũng cho tôi một cảm giác thân quen cho dù tôi chưa hề biết một ai...
          Những năm trước đây, ngoài thời gian còn đi học thì khoảng thời gian sau khi ba tôi mất đi hai cô cháu thường đến chùa đọc kinh vào những hôm trời không mưa, được ngồi ngoài sân cũng thoải mái và dễ chịu....Những buổi tối mưa dầm chùa thanh vắng hơn nhưng êm đềm tĩnh lặng ! Bây giờ thì không biết bao giờ được trở lại cảm giác thanh thản của những ngày xưa cũ đó, thoắt một cái mà đã trên hai mươi năm trôi qua...!
           Hôm nay là chiều mùng một Tết cho nên Phật tử đến đọc kinh tương đối vắng, ngược lại khách đi viếng chùa lại đông, tôi cảm thấy yêu thích sự yên tĩnh nầy, mùi hương của nhang lan toả trong không gian thật ấm áp đượm đầy không khí của mùa Xuân nơi cảnh Phật
          Trời đã bắt đầu tối, từ trên cao ngoài sân chánh điện nhìn xuống sân với cảnh quang mới tôi có cảm nhận sân rộng ra hơn, khang trang và đẹp hơn, nhưng sao vẫn thấy yêu và nhớ khoảng sân chùa thân quen của những ngày còn đi học !
          Điểm đặc biệt không thay đổi của chùa Xá Lợi là người ăn xin thật nhiều, trẻ khuyết tật, người mù, người già, có người bán vé số có người không...Trong khi nhưng chùa khác bây giờ không còn một bóng người ăn xin nào...Hai bên lối đi vào, hai bên thềm tượng Quan Thế Âm, hai bên cầu thang dẫn lên chánh điện....
        Trong ánh hoàng hôn nhá nhem, tôi lại tưởng nhớ đến hình ảnh của Dì Ba, một người dì bà con, một người đàn bà đẹp giàu có một thời cũng đã từng ngồi chen chúc ăn mày cửa Phật nơi đây !!
          Đêm đến trên con đường nhỏ bên hông chùa Xá Lợi mang tên nhà sư Thiện Chiếu, phía bên kia đường là hàng loạt nhà hàng và quán nhậu rực sáng ánh đèn màu... Giờ nầy cũng là giờ thực khách tấp nập
         Đâu rồi những căn nhà xinh xắn với hàng bông giấy rực rỡ đủ màu dưới ánh nắng trưa giờ tan học ?
NM Phan thị Ngọc Diệp

Lạy Phật Quan Âm

Album Trái Tim Bồ Tát

Bồ Tát trên cao !
Lung linh đèn sáng lung linh,
Trên cao Bồ Tát cúi nhìn thế gian.
Buồn cho bao kiếp gian nan,
Kẻ thì toà án, người trong sân chùa...
Hoa sen đâu nở bốn mùa,
Làm sao cứu khổ độ nàn chúng sinh ?
Sen vàng rọi chốn U minh, 
Thuyền Từ đón khách tội tình bến mê...
Cùng nhau chung một lối về,
Trái tim Bồ tát là quê hương mình !
NM
Lần đầu tiên viếng Việt Nam Quốc Tự
         Hôm nay là ngày mùng năm nhưng không khí Tết vẫn còn tràn ngập, nhất là ở các ngôi chùa trong thành phố. Năm nay số ngày nghỉ Tết nhiều, ngoài những người có quê phải về thì dân Sài gòn, nhất là những người lớn tuổi thường đi chùa viếng Phật và cầu phúc vì "ba ngày Tết" cùng lễ nghi đối với gia đình đã qua rồi. Hội hoa xuân cũng đóng cửa chuẩn bị cho một năm làm việc mới !!
         Chợt nhớ đến lời một cô Phật tử người Huế mà tôi đã có dịp gặp trong lúc viếng chùa Quảng Đức rằm tháng bảy năm ngoái khi ngồi cùng bàn thưởng thức bún bò Huế chay, cô tự giới thiệu mình là người Huế vô Sài gòn thăm bà con, nhân dịp rằm lớn cô đi viếng tất cả những ngôi chùa lớn ở Sài gòn. Cô hỏi tôi ở đâu và có biết Việt Nam Quốc Tự không... Tôi cho biết mình là dân Sài gòn mấy đời, tuy chùa gần nhà và hay đi ngang qua nhưng tôi chưa một lần có dịp  đặt chân tới đó. 
         Tuy còn trẻ nhưng cô cũng khá rành cô lại hỏi tôi có biết tên trước kia của Việt Nam Quốc Tự không, tôi trả lời là Viện Hoá Đạo do Thầy Thích Tâm Châu trụ trì trước năm 75, và hình như chùa có nuôi trẻ mồ côi. Thời đó tôi chỉ biết lo đi học cho nên những nơi nào có dính líu về đấu tranh thì không dám lui tới....Và rồi những biến động thời thế, những lo toan cho cuộc sống làm tôi không còn nghĩ đến nữa, sau nầy khi đi chùa tôi chỉ quen theo một lộ trình quen thuộc vì thế chưa một lần đến viếng thăm Việt nam Quốc Tự ! Cô Phật tử người Huế khen ngôi chùa rất đẹp đang xây dựng và cũng sắp sắp xong rồi, cô gợi ý tôi nên đến viếng một lần cho biết...Ti xen vô nơi đây sẽ lưu giữ trái tim của Bồ tát Thích Quảng Đức !
         Ăn cơm chiều xong đi một vòng dạo mát, hai cô cháu đồng ý ghé Việt Nam Quốc Tự viếng Phật vì chùa đã hoàn tất trong năm 2017 rồi. Trong buổi tối ngôi chùa sáng lấp lánh dưới ánh đèn...
        Điểm đặc biệt nhất là cây mai trong sân chùa thật to và cao đầy hoa vàng nở rộ, mọi người ai bước chân vào sân cũng phải ngước mắt nhìn, không gian thoáng đảng rộng lớn và ánh sáng lung linh khắp mọi nơi
        Từ ngoài nhìn vào thì bên tay trái của chùa là ngôi bảo tháp đang lưu giữ trái tim của Bồ tát Thích Quảng Đức, tất cả các tầng đều sáng rực rỡ và Phật tử đến viếng thật là đông, chỗ giữ xe cũng nườm nượp khách ra vào. Cả hai cô cháu đều đồng ý vào lạy Phật trước
        Chánh điện thờ Phật ở trên lầu, được trang trí rất đẹp mắt, giờ nầy có lẻ đã qua thời tụng kinh tối, vì thế có nhiều Phật tử mặc áo tràng xám sau khi viếng Phật thì tự ngồi đọc tụng với quyển kinh mà mình đem theo....
        Hai bên vách là tượng của các vị La hán, những bức tượng có màu sắc rất đẹp và đường nét thật sinh động ! Tất cả mọi nơi đều được trang trí bằng hoa tươi, ánh sáng luôn chan hoà !
        Lễ Phật xong hai cô cháu trở ra sân để ngắm hai gác chuông và trống thì bất ngờ tôi thấy một sư thầy bước đi vội vã từ dưới cầu thang đi lên, mặt thầy nghiêm và có vẻ hơi giận ai đó ? Tôi cũng không hiểu tại sao mình lại có cảm giác như vậy...
 
        Trước sân chánh điện có chuông, trống hai bên và được lưu giữ trong hai ngôi gác nhỏ có kiến trúc tinh xảo, nhưng tôi thích nhất tượng Di Lạc ở mặt tiền chùa tầng trệt, pho tượng uy nghi rất đẹp, đó là một bức tượng bằng gỗ chạm khắc thật tinh xảo, đặc điểm khác lạ với các chùa khác là tượng đặt ngay giữa mặt tiền của chùa chứ không để ngoài trời, có lẻ vì đây là tượng bằng gỗ ! Tuy nhiên vẫn có một hàng rào giả định phía sau lưng tượng
       Đứng thơ thẩn dưới sân chờ cháu lấy xe ra từ dưới tầng hầm của chùa, tôi lại thấy đám đông hiếu kỳ đang đứng gần cây mai, nhưng không phải chiêm ngưỡng hoa mai mà lại vây quanh một thanh niên ăn bận khá lịch sự, điều làm cho tôi bất ngờ là thanh niên nầy bị trói gô cả hai tay và hai chân, hai tay quặt ra sau lưng, nằm sấp mặt dưới đất, gần thanh niên là một vị sư thầy của chùa, thầy hãy còn trẻ nét mặt căng thẳng không vui, thầy đang bấm điện thoại trên tay có lẻ liên lệ với công an để xử lý
        Không hiểu sao khi nhìn thấy tư thế của người thanh niên bị lật úp xuống đất như vậy trong sân chùa tôi lại có cảm giác bất nhẫn dù đoán biết rằng anh ta đã có hành vi pham pháp gì đó, tôi chỉ cho cháu xem và nói suy nghĩ của mình, cháu nói có lẻ tái phạm nhiều lần nên bị như vậy và với tư thế đó sẽ không chạy được! Cột cả hai tay và chân trong tư thế khác như ngồi dựa vào vách hay gốc cây thì cũng không thể nào chạy được, tôi nghĩ như vậy...vì đây là chùa thì có một cái gì hơi chua chát !
        Bất chợt tôi ngước lên nhìn qua bảo tháp đèn vẫn sáng lung linh....!!
      Cháu lại hỏi có qua viếng xá lợi bên tháp không, tôi nói thôi về vì năm nay chân đau khớp chắc không leo lên cao nỗi, tôi muốn nói thêm với cháu là tự dưng  tôi cảm thấy nhói trong tim trước hình ảnh của "tội phạm trong sân chùa"....! Chắc hẳn với trái tim Bồ tát trên cao ngài Thích Quảng Đức cũng thấy và không vui với nỗi đau của chúng sinh. Còn biết bao nhiêu khổ nạn của thế nhân trên quê hương nầy!?


Xuân Quê Hương 2018

Xuân quê hương 
" Xuân du phương thảo địa", 
Nhớ câu thơ cổ xưa... 
Về đây viếng cảnh Phật, 
Ngắm mai vàng đong đưa !

Như ngày trong cổ tích, 
Long lân múa tưng bừng... 
Cùng người tạ ơn Phật, 
Xa rồi nỗi bâng khuâng !

Biết bao người trẫy hội, 
Du khách tự phương xa... 
Cúi đầu Nam Mô Phật, 
Con đã trở về nhà !!

 Thương sao ôi thương quá, 
Mùa Xuân nơi quê hương... 
Âm thầm con rơi lệ,
Lòng con luôn nhớ thương!! 
NM 

Rằm tháng giêng 2018 
         Mới Tết đây mà đã đến ngày rằm! Người ta thường nói "Tháng giêng là tháng ăn chơi " nhưng đối với tôi tháng giêng không chỉ là tháng ăn chơi mà là tháng của an lành và hạnh phúc....! Từ đêm 30, sáng mồng một cho đến ngày mùng năm hai cô cháu cùng gia đình có dịp đi viếng chùa và dạo cảnh ngắm Xuân, vì thật ra bây giờ ông bà cha mẹ không còn ai nữa, đây là thời gian hồi tưởng về những kỷ niệm đẹp của quá khứ, kính nhớ gia tiên đồng thời cầu an cho mọi người trong gia đình cùng bạn bè hiện tiền
         Như một chu kỳ không thay đổi, hai cô cháu ghé chùa cổ Hội Sơn trước, năm nay con đường vô chùa được tráng ciment sạch sẽ, chùa vẫn đãi tiệc buffet như thông lệ, khung cảnh thật đông vui và ấm áp. Buffet được bày biện trong sân sau của chùa, món ăn khá phong phú, bánh cuốn, bánh mì bì, bún riêu, bún măng, cơm chay thập cẩm, bánh xèo, bún xào, có cả nước rau má, xôi và chè....Khách thập phương thuê xe du lịch đến viếng Phật, tham quan cảnh thiên nhiên và thưởng thức món ăn ngon! Phật tử chùa Hội Sơn thật hiếu khách phục vụ luôn tay và họ cũng thường hãnh diện khoe rằng chỉ có chùa Hội Sơn là nấu món chay ngon nhất và đa dạng nhất ! Tuy nhiên chùa vẫn còn nhiều Phật sự cần hoàn tất vì thế mà không chụp hình lưu lại...
         Gần chùa cổ Hội Sơn là chùa Bửu Long, phong cảnh đẹp đẽ đông vui, vì chùa đẹp cho nên khách viếng phương xa rất đông, ngay từ cổng chùa đã có một nhóm thiếu nữ mặc áo dài cầm hoa chụp ảnh, cười nói tíu tít, gia đình và Phật tử các tỉnh cũng rất nhiều...
         Ảnh chùa Bửu Long quá nhiều cho nên khi ngồi ở băng đá nghỉ chân tôi chỉ chụp vội vài tấm trước mắt đồng thời là những góc ảnh yêu thích, thương nhất là hàng cây sứ đỏ thắm bên đường dẫn vào chùa,và cũng  thương ngôi nhà bằng gỗ khang trang trông thật mát mắt
         Năm nay sân chùa còn điểm xuyết thêm những bức tượng đá mỹ thuật khiến khung cảnh càng thêm sinh động!
        Đây là con đường dẫn vào nhà ăn của chùa đối diện với ngối nhà gỗ, những hôm chùa đãi khách chắc hẳn đông vui nhưng không ồn ào náo nhiệt như những chùa khác 
         Một ngôi chùa có kiến trúc đẹp với không gian yên tĩnh, nên thơ...!
        Hôm nay thật là vui, bước chân vào chùa Quảng Đức thì gặp ngay đội lân đang chuẩn bị chào sân....Ông địa và ông lân sau khi đi một vòng thì lạy cúi chào ba pho tượng Phật to lớn ngoài sân. Năm nay chắc hẳn là hên lắm đây, ai nấy cũng đều hào hứng, người chụp ảnh, kẻ bế con trẻ lên cao để xem cho rõ, một số thanh niên thiếu nữ đi nối đuôi theo sau đám múa lân đến chào tượng Phật Quan Thế Âm rồi lại quay trở về múa dưới chân ba pho tượng Phật rồi mới chia tay
         Thời gian của đội lân múa không kéo dài, nhưng tất cả mọi người đều háo hức vì đó là một niềm vui bất ngờ và cũng là điềm mang đến sự may mắn trong mùa Xuân mới
Mọi người chăm chú ngắm nhìn từng động tác nhanh nhẹn và khéo léo của đội lân, vui với cái vui bất ngờ cho nên quên mất mình gặp cô em gái cũng đang đi chùa, đến lúc nhớ lại thì cô em cũng đâu mất tiêu rồi !
         Chùa Quảng Đức còn có một món ngon đặc biệt là món bún bò Huế chay thật độc đáo nhưng sa tế cũng thật là cay...Sân sau của chùa rất rộng sức chứa cũng khá nhiều, nhưng thật khó tìm được một chỗ để ngồi thưởng thức ! Chùa lại rất nhiệt tình chào mời... Vẫn còn tiếp tục đi nữa nhưng cũng phải thưởng thức món bún bò ở đây đã rồi mới yên tâm ...lên đường !
        Đây mới chỉ là nửa tháng đầu của mùa Xuân mà!!
NM Phan thị Ngọc Diệp
(Một ngày Như Ý)
trướcXem trước