Hiển thị các bài đăng có nhãn Guốc gỗ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Guốc gỗ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

Nhạc - Thơ - Văn Tiếng guốc gỗ

Ve Day Nghe Em

Tiếng guốc gỗ
Thương sao tiếng guốc gỗ,
Giòn giã dưới chân người...
Đưa tôi về kỹ niệm,
Chuỗi ngày thơ vui tươi...
NM
Thỉnh thoảng tôi mới về quê, thăm bên nội, bên ngoại và bà con chòm xóm. Mỗi lần về quê là mỗi lần được tận hưởng không khí chân tình, ấm áp, nhớ làm sao. Như chợt thấy tuổi thơ trong veo hiện về trong ký ức, rằng ngày xưa thế này, thế kia… Nhớ đến nao lòng…
Năm nay thời tiết thất thường. Ở miền Trung quê tôi, hết thang Giêng, ra tháng hai rồi mà chỉ được mươi hôm nắng, còn lại, toàn những ngày mưa rả rích và trời lạnh lắm. Từ dạo Tết đến giờ, tôi mới về lại quê nhà. Những cánh đồng lúa đang thì con gái xanh  mướt đồng hiện ra, xa xa cò trắng bay chấp chới. Chủ Nhật, sẵn dịp có hai đứa nhỏ được nghỉ học, tôi đưa cháu về thăm ông bà. Chỉ mới đi trên đường rẽ vào ngoại, hai đứa nhỏ thích lắm, giơ tay chỉ hết cái này đến cái khác, rồi thầm trồ đủ thứ, rằng sao ở quê cái gì cũng đáng yêu hết, mẹ nhỉ? Tôi mỉm cười, rằng các con cũng đáng yêu như thế đó.
Tôi tắt máy xe từ ngoài cổng, chợt nghe tiếng guốc gỗ gõ vào nên sân gạch vang lên những âm thanh giòn giã. Mẹ tôi đã mừng rỡ chạy ra dang tay ôm chầm hai đứa cháu ngoại vào lòng. Thú thực, tôi tự nhiên lặng người đi, bần thần bởi âm thanh tiếng guốc gõ kia ám ảnh; và, như bị “thôi miên”, tôi trở về với những tháng ngày thơ ấu, như chạm đến sâu trong thẳm tâm hồn tôi về kỷ niệm ngọt ngào êm đềm…
Còn nhớ, con đường làng dẫn tôi và chúng bạn đồng lứa đến trường ngày nào cũng vang vọng tiếng guốc trẻ con đi học. Thường cha mẹ đứa nào cũng mua hoặc tự đẽo gọt cho con, nhất là con gái, một đôi guốc mộc đơn sơ. Tôi nhớ một buổi trưa đi học về, cha tôi nhuễ nhại mồ hôi vừa “hoàn thành” đôi guốc gỗ cho tôi, ba bảo tôi ướm thử, xem có vừa vặn không và có thích đôi quai guốc không? Ba bảo ba đẽo gọt từ cây gỗ xoan đó, loại mang nhẹ và nếu rửa chân ướt thì guốc cũng mau khô, mát đôi chân. Ba tôi khéo tay lắm, ba cần mẫn đẽo gọt cẩn thận sao cho mỗi chiếc guốc đều có độ cong, nhìn thật duyên dáng, mặc dù chỉ được làm ra từ gỗ mộc đơn sơ. Rồi ba bào đến bóng láng, lại đóng quai cho từng đôi guốc và còn đóng thêm vào đế guốc một lớp cao su để đi dễ dàng hơn. Ba kỳ công đục đẽo, bào vuốt cẩn thận từng đôi guốc cho bà, cho mẹ, cho tôi và cả cho chị Hai nữa, sao cho mỗi đôi guốc đều vừa khít đôi bàn chân của người dùng; cả chiếc quai vắt từ bên này qua bên kia cũng được tính toán để ôm chặt lấy mu bàn chân. Còn nhớ ban đầu, đi đôi guốc ấy hơi gượng gạo, trật lên chật xuống nhưng cũng quen dần. Và âm thanh tiếng guốc vang lên trong suốt những năm tháng tuổi thơ tôi, bên mẹ bên chị yêu dấu. Trên nền sân gạch trong nhà ngoài hiên, mỗi ngày tiếng guốc gõ vang lên nhịp nhàng, như sự đoàn tụ ấm cúng của gia đình tôi trong thời tuổi thơ tôi đã qua đi. Riêng tôi, tiếng guốc gỗ của tôi đã theo chân ba, chân mẹ vào lớp học trường làng ngày nào, rồi có lúc ríu ran theo chị ra đứng đầu ngõ đợi mẹ, đợi bà đi chợ về… Tiếng guốc gỗ ấy, gợi lên trong tôi biết bao kỷ niệm thiêng liêng gắn với quê nhà.
Chao ôi! Bây giờ tiếng guốc gỗ bình thường ấy lại vang lên trong lòng tôi, tôi trở về hồi ức tháng ngày đã qua, nhớ cả một vùng quê, một ký ức xa xưa chợt về. Tôi thắp nén nhang lên bàn thờ ba, ba không còn nữa nhưng còn đó đôi guốc mẹ đang mang đến độ cũ mòn. Tôi về lại đây, trong ngôi nhà ba gian cổ kính, đầy ắp thời tuổi thơ nơi chị em tôi lớn lên trong tình yêu thương của ba mẹ. Không gian thanh tĩnh, tất cả như trầm mặc, lặng lẽ… để tôi có thể cảm nhận những tiếng guốc gỗ vang lên từ bước chân của mẹ, như những nốt nhạc ngân lên từ từ cho tôi nghe rõ dần nhịp điệu thời gian, tôi như thấy hiện lên hình ảnh ba ngày nào nhẫn nại, chăm chút cho mọi người trong gia đình từ bất cứ việc gì. Tiếng guốc gỗ ấy… bây giờ là cả một vùng ký ức xa xăm, là một chứng nhân của thời gian, là mạch sống… trong tâm tưởng tôi. Tôi ngước nhìn lên di ảnh cha, và thầm kêu thảng thốt trong lòng hai tiếng “Cha ơi…!”.
THẢO NGUYÊN  

Mùa Xuân...im lặng !!
Dấn thân vào chốn trần gian,
Cùng người lê bước gian nan khắp vùng
Hương thơm toả ngát chân trần,
Ngày đêm lặn lội ân cần bên nhau....
Chịu đựng, nét đẹp thanh cao,
Giúp ta sức mạnh thêm yêu gia đình...
Thật thà nuôi dưỡng an bình,
Đường may nhẫn nại nối tình thương yêu !
Đồng hành cùng mẹ sớm chiều,
Giờ thì mới hiểu tình yêu vững bền...
Lòng mẹ biển cả mông mênh,
Chạm vào gỗ đá làm mềm trái tim,...
Nắng Xuân chưa đến bên thềm,
Mà tình Xuân đã dịu êm nồng nàn !
Người đi, dứt kiếp lang thang, 
Còn đây guốc cũ, âm vang bao tình... 
Nằm nơi xó tối lặng thinh,
Âm thầm một bóng một mình với Xuân !! 
NM

Mùa xuân im lặng trong đôi guốc

Con cái đã quên, không còn ai nhớ đến đôi guốc mộc. Sau đám tang của mẹ, mấy người con gom quần áo của bà đốt hết. Riêng đôi guốc gỗ nằm nơi xó tường nên chả người con nào để ý. Mấy tháng, kể từ ngày bà nằm trên giường bệnh, đôi guốc lúc bị đá vào xó tường này, lúc bị đẩy sang góc tối kia, đến độ người nhà không còn để ý nó là đôi guốc của ai.
Từ ngày theo người mẹ đó về nhà, đôi guốc giã từ những tháng ngày thong thả, mơ mộng trên quầy hàng.
* * *
Thủa xưa, khách vào ra, ngắm nghía, nâng niu, chủ hàng chẳng bao giờ để đôi guốc bám bụi. Ðôi guốc chả phải làm gì, sống như thế thật nhàn hạ. Nhưng nếu nghĩ cho cùng, cũng không thiếu nhàm chán, chả có gì mới mẻ trong cuộc sống cả. Ðôi lúc, đôi guốc nghe như có hai tiếng nói thì thầm trong hồn nó. Một là bảo nó cứ nằm yên ở đây cho nhàn hạ, hai là bảo nó hãy bỏ đây xuống đời tìm cho cuộc sống một ý nghĩa. - Chả nhẽ cứ tiếp tục là đôi guốc nằm trên quầy hàng như thế này mãi sao? Nó không phải là đồ trang sức, không phải là bức tranh cho người ta ngắm. Có nhàn hạ, nhưng nằm mãi ở đây thế này nó bắt đầu thấy chán, càng ngày càng thấm thía những suy nghĩ về một cõi sống trên những nẻo đường của cuộc đời. Nhưng mỗi khi nhìn đôi guốc dưới chân các bà mẹ, nó lại nghe tiếng nói khác thì thầm: “Vất vả quá!” Có đôi guốc sứt mẻ. Có đôi guốc mòn xác xơ. Ðiều đó làm nó nghĩ ngợi.
Ðời là một chọn lựa. Cứ tiếp tục suốt đời giam mình ở đây hay bước xuống đường để ra đi đây đó? Sau cùng nó quyết định ra đi.
Một trưa xế nắng kia, có người thiếu phụ vào tìm mua đôi guốc. Chủ hàng đem nó ra giới thiệu. Nhìn dáng người thiếu phụ, đôi guốc biết người đàn bà ấy thật thà, nhưng thấy dáng bà có vẻ nghèo. Những người nghèo thường vất vả. Bước chân của người nghèo là bước chân khổ. Làm thân guốc cho một người nghèo vất vả lắm. Thật thà mà nghèo chắc cũng chả hạnh phúc. Cuộc sống bây giờ chẳng ai quý người nghèo. Càng suy nghĩ, đôi guốc càng lưỡng lự, cứ sợ người đàn bà ấy chọn mua mình.
Nó phân vân không biết có nên theo chân bà ta hay không. Ðời luôn là phải chọn lựa như thế. Vất vả, nghèo mà thật thà, đặc tính của người muốn mua nó có vậy thôi. Ðôi guốc nghĩ thầm: “Ðến lúc muốn ra đi, lại gặp phải người đàn bà nghèo thế này. Hay ta chờ một người đàn bà khác giàu có. Theo chân người giàu sẽ sung sướng hơn?”
Trong lúc nó phân vân, người đàn bà cầm đôi guốc ngắm nghía, cho xuống chân ướm thử. Một làn hương thơm huyền nhiệm toát ra từ đôi chân bụi đường. Ðôi guốc vô cùng kinh ngạc, làm sao điều ấy có thể xảy ra được. Nó đã được nhiều đôi chân đẹp ướm thử mà chưa bao giờ có hiện tượng lạ lùng như thế. Phải là đôi chân dịu dàng mới toát ra vị thanh tao được chứ. Ðôi chân trần của người đàn bà nhà quê mốc thếch. Làm sao đôi chân lấm lem lại có thể toát ra một hương nhân đức kỳ bí được. Nó không ngờ. Ðiều huyền diệu ấy, tiếng lương tâm đôi guốc bảo cho nó biết rõ là đến từ lòng thật thà, bao dung, vất vả hy sinh của người mẹ kia. Bấy giờ, nó hối hận vì quá vội nghi ngờ đánh giá khi nhìn sự nghèo khó bên ngoài. Lòng hối hận ấy làm nó bừng lên một ước ao mãnh liệt là được theo chân bà. Linh tính cho nó biết nơi dấu chân người mẹ này có một thế giới huyền diệu. Nhưng người mẹ băn khoăn đặt nó vào kệ gỗ vì bà không đủ tiền.
Ðôi guốc gỗ mím môi tiếc xót vì từng bị thử dưới bao đôi chân, chưa thấy bước chân nào kỳ lạ như bước chân của người mẹ này. Giữa lúc nó muốn theo chân người đàn bà để khám phá thế giới linh thiêng kỳ bí đó, bà lại không đủ tiền mua nó. Bà tần ngần đặt đôi guốc lại kệ gỗ.
Người chủ hàng chỉ bán rẻ những đôi guốc bị nứt thôi. Ðôi guốc nghĩ thầm: “Hay là ta đánh đổi đời mình thành đôi guốc nứt?” Nếy vậy, còn gì dáng vẻ, vì cả một đời sẽ mang dấu vết nứt đó. Ðôi guốc suy nghĩ quay quắt về một chuyến đi trong đời.
Người đàn bà lại cầm nó trên tay, tiếc vì không đủ tiền. Ðôi guốc giật mình nghĩ rằng đời không có nhiều cơ hội. Nếu bà không đủ tiền mua nó, bao giờ bà sẽ quay lại? Có thể sẽ không bao giờ. Nếu bà đặt nó trở lại quày hàng, biết đâu nó sẽ vĩnh viễn không bao giờ gặp lại bà? Nó lấy hết can đảm theo tiếng gọi thâm sâu của linh hồn, chấp nhận một thương đau cho khởi đầu một chân trời kỳ bí kia đang chờ đón. Nó quyết định chấp nhận đời mình thành đôi guốc nứt. Tức khắc, ngay khi quết định xong, nó nghe như trong linh thiêng có một trận chiến vô hình. Tiếng nói của Bóng Tối gục xuống. Tiếng nói của Ánh Sáng bừng lên. Cũng trong lúc ấy, như chiều cao thập giá đổ xuống, một vết thương xước ra, chạy dài toàn thân. Nó ngất lịm. Thế là nó thành một đôi guốc nứt.
Người đàn bà giơ lên nhìn kỹ. Bà ồ lên một tiếng thở nhẹ, vui mừng vì một khám phá: - Ông chủ tiệm ơi, nhìn kỹ đi, đôi guốc có vết nứt đây này. Người chủ tiệm tiếc rẻ. Ngần ngừ, ông đành bán tống nó đi. Lúc tỉnh dậy, đôi guốc đã về đến nhà người đàn bà. Bà xoa xoa vết nứt, tìm mũi đinh đóng lại. Một lần nữa, nó đau buốt thân mình. Nhưng trong mỗi nhát búa, nó thấy mùa xuân đang về trên những nhánh gai. Nó bắt đầu cảm thấy ý nghĩa của nước mắt và hạnh phúc. “Tôi sẽ theo chân bà ta đi đâu bây giờ?” Trời đang vào hạ hanh nắng hay cúc vàng nhuộm xuân. Nó hồi hộp tự hỏi.
Ngày hôm sau, ngay chuyến đi đầu tiên nó đã mệt rã rời. Trời xuống tối, bà vẫn chưa về đến nhà. Quẩy gánh nặng trên vai. Con đường cứ dài thăm thẳm, toàn thân mình đau ê ẩm. Ðường đất miền quê sỏi đá gồ ghề, ngay chân bà cũng trượt té trầy da huống chi đôi guốc. Nó bị nện xuống gập ghềnh. Như vậy mà đã từ bao lâu nay người mẹ này cứ bước chân không, nghĩ đến nỗi đau, nó thấy xót xa cho bà. Nhìn xuống nỗi đau của mình, nó muốn chia sẻ với bà nỗi đau kia. Lạ lùng quá, khi mới chợt có ý nghĩ ấy, nó thấy toàn thân nóng bừng, và trên nỗi đau nó thấy ý nghĩa ngọt ngào của hy sinh.
Qua một buổi chiều mà đôi guốc đã khám phá bao nhiêu bí mật đời sống dưới bàn chân một người mẹ: - Hy sinh bao giờ cũng có hương thơm có thể bay ngược chiều gió. - Chịu đựng bao giờ cũng cho tâm hồn nét đẹp cao thượng. - Gánh nặng vì tình yêu luôn luôn đi đôi với sức mạnh. - Thật thà là mật ngọt nuôi dưỡng bình an. - Nhẫn nại là những đường may nối dài tình thương.
Quá mệt, đôi guốc ngủ thiêm thiếp lúc nào không hay. Lúc ướt lạnh, nó co người rùng mình thì người mẹ đã đang ở bờ giếng kéo nước đổ vào nồi cám nấu cho heo. Ðôi guốc bàng hoàng không biết trời đang vào khuya hay đã về sáng. Chung quanh chỉ là đêm tối lần mò. Nó lắng nghe bước chân. Người mẹ hết quanh quẩn trong góc bếp lại ra cầu ao. Khuya thế này rồi sao bà không nghỉ ngơi? Ðôi guốc mệt đừ.
* * *
Thời gian thấm thoát thoi đưa. Thoát chốc đã đến ngày đôi guốc mòn quá rồi. Bây giờ nó không còn là hình dạng đôi guốc ngày xưa trong cửa hàng nữa. Xấu xí, lem luốc, nứt nẻ. Nhìn lại quãng đời, đôi guốc không thể biết được nó đã bước bao nhiêu đường dài. Nếu mỗi ngày bà mẹ quẩy gánh 10 cây số, thì 365 ngày một năm, đã trên 3 ngàn cây số rồi. Trời ơi! Ðôi guốc không ngờ nó đã đồng hành với bà trên một dặm đường dài hơn cả đất nước của người đàn bà như thế.
Ðôi guốc không hiểu sao nó có sức chịu đựng trung thành theo chân bà. Nó còn nhớ ngày xưa nằm trên quầy tủ cửa hàng, mới chỉ nghĩ đến ra đi đã ngao ngán quá rồi. Vậy đâu là sức mạnh? Gần đến cuối đời, đôi guốc nhìn lại những bến bờ đã đi qua, nó thấy cộng lại những cây số ngàn ấy, không bước chân nào của bà mẹ không có tình thương. Từ sớm tinh mơ đến tan chợ chiều, bà vất vả cũng vì các con mà thôi. Từ đó, đôi guốc khám phá ra khi nó được chia sẻ đời nó trong tình yêu, tình yêu cho nó sức mạnh. Bất cứ nơi nào có tình yêu thì có sức sống. Bất cứ gỗ đá nào chạm vào tình yêu cũng thành trái tim mềm mại thiết tha. Và nó hiểu, nó không đi tìm mùa xuân vì chính nó đang làm nên mùa xuân cho cuộc đời.
* * *
Thưa mẹ, con còn nhớ một đêm kia, khuya quá khuya, mẹ ngồi bên con, nhìn con trong cơn sốt. Làm sao mẹ có đôi đũa thần của bà tiên quyền phép làm cho con hết cơn đau. Mẹ cứ ngồi bên con vậy thôi. Mẹ không an lòng rời xa con. Mẹ đặt tay lên trán con chờ mong từng giây cho con hết bệnh. Muốn uống một ly sữa, con chỉ cần đưa chiếc ly lên miệng uống là xong. Bây giờ nhìn lại, con thấy đêm đó, khi chợt nghe con muốn một ly sữa, mẹ vội thắp thêm đèn, chiếc đèn dầu con tù mù, lệch kệch ra sau vườn kéo gầu nước, nhóm bếp củi mù than đun nước. Mẹ hối hả không ngại ngùng gõ cửa hàng vào những giờ người ta không muốn thức giấc để mua, hòa cho con một ly sữa.
* * *
Sau khi bà mẹ chết, đôi guốc nằm im lặng nơi góc tường tối. Không người con nào để ý. Nó âm thầm một đời theo chân người mẹ, hy sinh, vất vả, chịu đựng. Lúc người mẹ còn sống, đôi guốc đã âm thầm như thế. Bây giờ bà chết rồi, nó vẫn tiếp tục cái âm thầm của bao tháng ngày về trước. Chẳng lẽ bất cứ điều gì liên quan tới mẹ đều lặng lẽ như thế sao?
Tình yêu của những người mẹ dường như bao giờ cũng âm thầm. Xin những người con hãy khua động tình yêu âm thầm ấy của mẹ bằng một cánh hoa linh hồn. Kìa, ngoài kia đất trời đã đang chuyển mình tìm mùa xuân.
Lm Nguyễn Tầm Thường, sj.

Đôi Guốc Lạ

Đôi Guốc Ngô Nghê

Đôi bạn

Ta với mình tuy hai là một,
Trên đường trần  bước một thành hai....
Trách ai chẳng nghĩ lâu dài,
Bạn đi lẻ bóng đành thôi phải tìm !!
Trôi theo sóng nước nổi chìm,
Vẫn mong  gặp lại để cùng có đôi....?!

NM
Tình bn ca đôi guc 
Đêm hôm sau trời mưa to, nước ào ào trút xuống mái nhà, nhảy múa trước hiên. Căn phòng lạnh và có vẻ buồn.
Chỉ có một mình bác Ô đen hân hoan. Bác chờ đợi im lặng suốt một mùa nắng. Có những con nhện hỗn hào leo lên thân bác tính chuyện ở lâu dài. Thật là một điều không tha thứ được. Nhưng ngày mai, khi bình minh tới, ông chủ sẽ trịnh trọng nhờ tới bác. Khi ông ở xe hơi bước xuống, bác sẽ che đầu ông. Khi ông ở sở ra xe, bác lại che đầu ông lần nữa. Bác sẽ ngửa mặt nhìn trời, chống trả những giọt mưa một cách oai hùng. Một đồ vật cảm thấy sung sướng khi thấy mình có ích. Bác Ô muốn nói thật nhiều về ngày mai. Nhưng bác đành phải im lặng.
Căn phòng cũng im lặng đến nửa đêm. Đó là lệnh của ông Cung tên, kẻ quí phái nhiều tuổi, nhiều kinh nghiệm chiến trường này cho biết đấy là cách tưởng niệm bác Đèn xếp đẹp đẽ nhất. Ông Cung tên bảo vụ mặc niệm không có tính bắt buộc, ai muốn tỏ lòng cám ơn bác Đèn xếp thì cứ im lặng, có thế thôi. Nhưng cả phòng không có vật nào lên tiếng.
Vật thành khẩn nhất dĩ nhiên là cụ Sách. Cụ đã được nằm trong tủ. Con chuột nguy hiểm đã được đem đi, nhưng ngọn lửa cháy rực rỡ trên mình bác Đèn xếp thì tưởng như được ghi chép thành một thiên anh hùng ca trong lòng cụ. Sau cụ Sách, những bông hoa trong bình cũng bắt đầu héo úa vì nỗi tiếc thương.
Quá nửa đêm, hết giờ mặc niệm, kẻ lên tiếng trước tiên lại là ông Bàn. Ông lên tiếng là càu nhàu ngay:
-Khổ quá! Khổ quá! Vì lòng kính trọng bác Đèn xếp, tôi đã chịu im lặng không dám than thở gì. Nhưng thật là quá sức tôi. Cứ cái đà này chắc chắn tôi sắp tới ngày què cẳng và xụm xuống.
 Anh Ghế thở dài:
-Tội nghiệp! Chắc cụ lại bị mọt hành chứ gì.
Ông Bàn nói:
- Không phải! Lũ mọt thì tôi chịu quen rồi. Cái kẻ làm hại mình lại chính là cái kẻ ở ngay trong bụng mình mới đau chứ, thật quá đáng. Thật không ngờ!
Mọi vật biết liền là ông Bàn muốn ám chỉ ai. Chú Ngăn kéo cũng biết điều đó, chú vội lên tiếng:
- Ông Bàn ơi, ông hiểu lầm cháu rồi.
Ấy thế là ông Bàn làm toáng lên:
- Hiểu lầm cái gì? Anh ở nhờ trong bụng tôi, anh rinh về đủ thứ. Thằng già này chịu nặng hết nổi. Bây giờ anh lại còn mời thêm bạn bè về nữa.
Chú Ngăn kéo cãi:
- Anh Búa đinh đâu phải bạn cháu.
- Thế sao nó nằm với anh trong bụng tôi?
Búa đinh ậm ừ lên tiếng:
- Ông Bàn lôi thôi gớm. Tôi có nhà đàng hoàng, trong tủ đồ mộc dưới bếp, ai thèm ở nhờ ông. Cậu bé lôi tôi ra đóng đinh cái xe của cậu ấy rồi tống bừa vào đấy. Mai ông chủ thấy thế nào cũng đưa tôi về. Đừng có làm khó, ông lão rỗ ơi!
Búa đinh dám gọi ông Bàn là " ông lão rỗ "! Thật hỗn xược. Về già mặt ông có xấu xí, loang lổ chút đỉnh, nhưng vật nào cũng kính trọng ông. Chưa có vật nào trong phòng lại hỗn láo đến thế. Các vật nhao nhao lên phản đối Búa đinh:
- Anh ăn nói lỗ mãng quá.
- Phải biết kính trọng tuổi già chứ.
Búa đinh cãi:
- Tôi nói thế còn lịch sự chán, phải tay thằng Dùi đục coi, nó chửi liền.
Dùi đục thì quả có tiếng là thô lỗ. Hắn ăn nói nhấm nhẳng khó nghe nhất nhà. Búa đinh ở chung với Dùi đục nên lâu ngày quen tật xấu.
Nghe Búa đinh lôi Dùi đục ra khoe, ông Cung tên khó chịu, ông nói chậm rãi:
- Này, cậu Búa đinh, cậu nên nhớ đây là phòng khách, toàn những vật đàng hoàng lễ độ. Cậu nên dành cái giọng đó để nói chuyện với bạn Dùi đục của cậu.
Ông Cung tên không quát tháo, nhưng giọng nói thật nghiêm khắc, đáng sợ. Lời nói của ông có tuổi tác, có nhiều năm kinh nghiệm và một sự can đảm phi thường hỗ trợ, Búa đinh có vẻ ngán. Tuy nhiên, anh ta vẫn càu nhàu.
Anh Ghế phát cáu. Anh nói:
- Chú Ngăn kéo ơi! Chú hất quách cái thằng lỗ mãng đó xuống đất đi.
Một tiếng " huỵch " nặng nề đột ngột nổi lên dưới chân bàn. Tên Búa đinh thiếu lịch sự đã nằm thẳng cán dưới đất. Chú Ngăn kéo nghe lời anh Ghế, chú cũng không ưa kẻ dám nói hỗn với ông Bàn.
Hất Búa đinh đi rồi, chú Ngăn kéo đột nhiên có vẻ cương quyết, chú hỏi to:
- Nào! Còn mấy thằng Đinh ranh con này! Có đứa nào muốn lôi thôi lộn xộn cái gì không?
Lũ đinh nhỏ hoảng hốt:
- Dạ không! Xin chú Ngăn kéo cho chúng em ở nhờ, mai chúng em về. Trời mưa ẩm ướt thế này mà phải nằm đất nằm cát chúng em sẽ ốm hết.
Ông Bàn dịu giọng:
- Thôi chú Ngăn kéo, có cái thằng Búa nặng chình chịch ấy thì mới phải tống nó đi chứ Đinh thì tha. Trời này mà phải nước mưa chúng sẽ bị sốt vàng da, chả mấy lúc mềm ra mà chết, tội nghiệp lắm!
Lũ đinh được tha cảm ơn rối rít. Chúng nằm sát vào nhau và cố giấu cái cẳng nhọn hoắt đi để khỏi làm phiền ông Bàn, chú Ngăn kéo.
Vụ lộn xộn làm mọi vật tạm quên cái chết anh hùng của bác Đèn xếp. Mưa ngớt dần, chỉ còn tiếng nước xối ào ào trong các ống cống trước hiên.
Bỗng nhiên, mọi vật trong phòng nghe tiếng khóc nỉ non từ ngoài hiên vọng vào. Ông Tủ hốt hoảng:
- Chết chửa! Có chuyện gì vậy? Có cụ Sách nào lạc ra ngoài ấy không?
Các vật nhốn nháo. Chú Con Quay đã đứng dậy xoay tít, sửa soạn cuộc dò thám. Nhưng thềm cửa quá cao, dù quay tít hết cỡ, chú cũng không sao nhảy ra ngoài được. Chú nói:
- Tôi chịu. Chị Bóng bay ráng xem chuyện gì ngoài đó.
Bóng bay đã được cậu bé thổi phồng trở lại. Nhưng trước kia mặt mũi chị trong, đẹp và thân hình hoàn toàn nhẹ nhõm vì khinh khí. Giờ thì hết rồi, chị căng lên sống đỡ qua ngày vậy thôi. Chị không sao nhấc mình khỏi mặt đất được nửa thước. Nhờ gió xô đẩy, chị Bóng bay lê la suốt ngày trong phòng một cách buồn bã, làn da lại nhăn nheo, thân thể lại mềm dần. Khi trời bắt đầu mưa, làn gió lạnh đã xô chị vào gầm tủ, tại đây nếu không né kịp thì chị đã bị một cây kim gút ám hại. Cái cẳng chân nhỏ xíu nhưng nhọn hoắt nhưng thừa sức làm chị toi mạng.
Nghe chú Con Quay gọi, chị Bóng vội rời gầm tủ, lê tới gần cửa. Sau cái gương sáng của bác Đèn xếp, vật nào cũng tỏ ra biết hy sinh cho vật khác. Chị Bóng bay ham làm việc thiện hơn tất cả vì chị biết mình chả còn ở đây lâu, chưa biết xẹp lúc nào. Chính cây chổi sẽ đưa tiễn chị tới nơi an nghỉ cuối cùng là cái giỏ rác. Ra đi như thế mà không để lại một kỷ niệm đẹp nào thì tệ quá.
Dựa theo chiều xô đẩy của hướng gió, chị Bóng bay tự để cho mình va chạm vào chân ông Bàn rồi nhảy phắt ra ngoài hiên.
Chị thấy ở đó một chàng Guốc Mộc, đang đứng dầm mình trong mưa và nức nở khóc.
Lập tức, chị Bóng bay thông báo cho mọi vật trong phòng. Chàng Guốc nghẹn ngào vẫn chưa nói được. Bóng bay hỏi gặng mãi:
- Sao anh khóc?
Một lát sau, Guốc Mộc mới trả lời:
- Chị không biết gì sao?
- Chuyện gì vậy?
- Chị có bao giờ thấy tôi đứng một mình chưa?
Chị Bóng bay như hiểu ra:
- À, phải. Thế còn anh kia đâu? Sao anh lại đứng một mình? Bao giờ tôi cũng thấy hai anh có đôi như bóng với hình mà?
- Trên đời chắc có ít vật thân nhau như chúng tôi?
- Đúng vậy.
- Thế mà thằng kia bỏ tôi, đi rồi đó.
Chàng Guốc lại nghẹn ngào. Nỗi cô đơn của chàng chắc ghê gớm lắm. Chị Bóng bay giữ yên lặng trước nỗi khổ đau của Guốc. Đó là thái độ vừa lịch sự vừa khôn ngoan. Quả nhiên, sau đó, chàng Guốc kể lể hết:
- Thằng kia với tôi giống nhau như anh em sinh đôi. Chúng tôi là bạn thân. Tôi biết tính nó, suốt ngày nó chỉ mơ được phiêu lưu.
- Chuyện đó có gì xấu?
- Vâng. Nó muốn phiêu lưu quá khả năng của nó. Nó say mê nghe chuyện các bác Giầy, bác Dép. Nó muốn được đi khắp nơi như họ. Thế mà, chị biết đấy, nhiệm vụ của chúng tôi là chỉ đi quanh quẩn trong nhà, ngoài sân, hoặc xuống bếp. Tôi thích cuộc đời quanh quẩn nhàn hạ. Trời cho sức mình đến đâu thì mình làm đến đó. Tôi khuyên nó nhiều lần nhưng nó không chịu. Cả ngày nó nằm mơ tới những chân trời xa lắc, những con đường trải thảm nhung theo lời bác Giầy kể. Tôi nghi bác ấy thêu dệt nhiều, nhưng thằng bạn tôi thì tin lắm. Có lần, nó điều đình với một bác Dép, đứng thế vào chỗ bác. Nó hy vọng ông chủ sẽ lầm lẫn và vốn đãng trí, ông sẽ lôi nó đi khắp nơi. Nhưng ông chủ vừa đặt chân lên nó là biết liền, lầm gì được! Tội nghiệp, nó thất vọng quá, ỉu xìu, trong một tuần bị đứt quai hai lần.
Mưa ngớt nên những lời chàng Guốc kể các vật trong phòng đã nghe rõ. Giầy, Dép khúc khích cười. Ông Cung Tên nạt ngay:
- Đừng kiêu căng thế.
Giầy, Dép im lặng, nhưng vẫn cười thầm. Đối với chúng, Guốc thật là quê mùa cục mịch, vậy mà lại có một tên quê mùa học đòi phiêu lưu. Thật là lố bịch.
Chàng Guốc kể tiếp:
- Càng ngày, sự mơ ước được phiêu lưu càng khiến nó ngơ ngẩn. Nó bảo muốn cái thân nó được mòn đi ở những nơi xa lạ. Cái mặt đất quen thuộc này đã khiến nó mòn mất gần nửa cuộc đời rồi.
- Hôm nay, trời mưa to, chúng tôi đứng ngoài hiên, tiện thể tắm luôn. Lúc nãy đột nhiên nó nhìn thấy dòng nước chảy trên đường mương. Đường mương đầy, nước chảy xiết. Nó hỏi bác Giầy: " Nước chảy về đâu? ". Bác Giầy cho biết nước chảy đi khắp nơi. Ấy thế là nó hét lên: " Dịp may của ta đã tới ". Rồi nó hỏi tôi: "Đi không? ". Tôi hỏi lại: "Đi đâu? ". Nó có vẻ khoái trá: "Đi khắp bốn phương trời ". Tôi chưa kịp lên tiếng cản ngăn thì nó đã nói: " Tao biết! Mày nhát như cáy, mày đâu có dám rời cái xó bếp. Thôi mày cù lần mày cứ việc ở lại, ông đi phiêu lưu đây ". Ấy thế là nó nhào ngay xuống đường mương, nước cuốn nó đi băng băng, thoáng một cái chả thấy nó đâu nữa.
Chàng Guốc lại ngậm ngùi. Giây phút chia ly kinh hoàng ấy thật ghê gớm. Chàng không hiểu sao tên bạn thân của mình lại có thể mang một tâm hồn sắt đá như thế. Guốc hỏi chị Bóng bay:
- Chị đã từng được lên cao, đi xa, chị có biết dòng nước chảy về đâu không?
- Nước chảy ra sông, sông về biển.
- Không biết giờ này nó đã ra tới biển khơi chưa?
Một bác Giầy xen vào:
- Làm sao mà ra tới biển!
- Tôi thấy nó đi lẹ lắm.
- Lẹ cũng chưa chắc đã ra tới sông. Chưa biết chừng hắn bị mắc kẹt ở đường cống nào rồi. Xưa nay có ai dại dột phiêu lưu theo cái kiểu kỳ cục vậy.
Chàng Guốc lặng thinh. Tưởng chàng đã nguôi thương nhớ, chị Bóng bay dựa theo một làn gió, bay vào phòng. Nước mưa làm chị thấy lạnh. Bỗng Guốc lên tiếng, giọng rất bình tĩnh:
- Bác Dép ơi! Đời tôi như thế này kể là tàn rồi phải không?
Dép hốt hoảng:
- Sao anh lại nghĩ vậy?
Chàng Guốc cay đắng:
- Thôi, bác giấu tôi làm gì. Chúng ta dù sao cũng có họ hàng xa gần với nhau. Số mệnh của chúng ta chả khác nhau mấy. Một chiếc dép, một chiếc guốc chỉ còn một mình trên đời là hoàn toàn vô dụng, không sớm thì muộn tôi cũng bị đưa về nghĩa địa thùng rác.
Bác Dép lúng túng. Chị Bóng bay vội lên tiếng:
- Anh Guốc nghĩ quẩn rồi. Phải can đảm lên chứ.
Guốc vẫn điềm tĩnh:
- Tôi có sợ hãi gì đâu. Nếu thằng kia không bỏ đi tôi sẵn sàng chăm chỉ làm bổn phận cho đến khi mòn quá nửa thân mình. Các bác biết đấy, suốt từ ngày về đây chưa bao giờ tôi chịu đứt quai. Nhưng bây giờ tình thế khác hẳn. Một chiếc guốc cô đơn là chiếc guốc hoàn toàn vô dụng. Tôi tự coi như đã bị tàn phế.
Chị Bóng Bay lúng túng nốt. Các vật trong phòng xúm lại an ủi Guốc, nhưng không ai bác bỏ được những điều Guốc suy nghĩ. Số phận một chiếc Guốc cô đơn rõ rệt quá!
Guốc đột ngột gọi to:
- Cụ Sách ơi! Tôi nghĩ đúng phải không?
Không có tiếng cụ Sách trả lời. Guốc gọi to hơn, vẫn im lặng. Ông Tủ vội nói:
- Cụ Sách ngủ say rồi.
Ông Bàn càu nhàu:
- Sao lại cứ phải hỏi cụ Sách. Làm như cái gì cụ ấy cũng biết.
- Trường hợp của tôi chắc có ghi rõ trong lòng cụ ấy.
Ông Bàn vẫn công kích:
- Ôi chao! Chắc gì ở cái lão gàn ấy. Tôi hỏi bác, có biết bao điều rắc rối mà cụ Sách không kịp ghi trong lòng? Chẳng hạn như các bác không có cái chân nào sao các bác được đi cùng khắp, còn tôi sơ sơ cũng có tới bốn cẳng mà đứng đâu đứng đó, cả năm chả nhích được một phân. Sự đời là vậy. Ta cứ can đảm chịu đựng số phận là quí nhất.
Ông Cung Tên lên tiếng:
- Chuyện gì rồi cũng quen cả, anh Guốc ơi. Sự cô đơn mới đầu có vẻ ghê gớm sau cũng tầm thường. Anh chịu được những phút đầu là chịu được mãi.
Mưa dần dần trở lại nặng hạt. Tiếng chàng Guốc lẫn trong tiếng mưa reo trên mái ngói.
- Xin cám ơn quý vị đã có lòng thương mà khuyên bảo. Thực ra, tôi đâu có sợ sự cô đơn, tôi chỉ thất vọng vì bỗng dưng mình thành vật vô ích. Phải đứng cạnh thằng kia đời tôi mới có ý nghĩa, số mệnh đã xếp đặt như vậy. Tôi rất ghét phiêu lưu, không muốn làm việc ngoài khả năng, phạm vi mình. Nhưng tôi phải đi tìm thằng bạn, dù nguy hiểm cũng phải đi tìm. May mắn gặp lại nó, chúng tôi trở lại là đôi guốc có ích. Nếu không gặp lại nó, tôi cũng yên tâm rằng những ngày cô đơn tôi không sống như một kẻ tàn phế. Xin vĩnh biệt quý vị.
Nói xong, chàng Guốc lặng lẽ phóng mình xuống đường mương. Dòng nước lại cuồn cuộn kéo đi một chàng Guốc phiêu lưu. Chàng biến mất rất nhanh trong mưa mù và bóng tối.
Mọi vật trong phòng sững sờ. Họ ngẩn ngơ im lặng, lặng nghe tiếng nước, tưởng theo dõi được tiếng thân chàng Guốc trôi bập bềnh trên sông.
Hai đêm chứng kiến liền hai thảm kịch, bông hoa trên bàn xuống như sắp tàn.
Bỗng có tiếng thở dài:
- Tội nghiệp!
Đúng là tiếng cụ Sách. Mọi vật nhao nhao lên:
- Cụ Sách thức.
- Ê! Lúc nãy cụ Sách giả vờ ngủ.
Ông Bàn càu nhàu:
- Này ông lão gàn. Sao lúc nãy ông không trả lời anh Guốc, còn vờ ngủ, chơi xấu vậy hả?
Giọng cụ Sách trầm trầm:
- Anh Guốc đã nghĩ đúng. Tôi muốn an ủi anh ấy thì phải nói dối. Một quyển sách tự trọng như tôi không có quyền nói dối. Tôi đành phải im lặng.
Ông Cung Tên nói:
- Cũng là phiêu lưu, nhưng cuộc phiêu lưu trước là do sự tò mò, háo thắng, dại dột. Cuộc phiêu lưu sau do ý muốn tìm ý nghĩa cho đời mình. Chúng ta không thể cản chàng Guốc được.
Có đôi dép tí hon nằm dưới gầm tủ rụt rè lên tiếng hỏi cụ Sách:
- Cụ Sách ơi. Bây giờ họ ra tới biển chưa?
Cụ Sách dịu dàng:
- Chưa đâu. Chắc họ mới gặp nhau và hẹn hò nhau cùng bơi ra sông, các cháu ạ.
Lê Tất Điều

Lịch sử đôi guốc mộc potx

Xưa kia, trong điều kiện khí hậu nóng ẩm, cùng với thói quen trồng lúa nước của người Việt, giỏi dùng thuyền, người Việt thường để chân trần. Vào cuối thế kỷ thứ X, vua Lê Đại Hành còn có lúc cởi trần, đóng khố, đi chân đất, đến đời nhà Trần người dân đều đi chân không, da chân rất dày khiến họ trèo núi rất nhanh nhẹn và không sợ chông gai. Chỉ có người quý tộc mới đi giầy bằng da, nhưng khi đến cung điện thì lại phải tháo giầy. Nói chung người Việt xưa kia ít dùng guốc.
Thế nhưng theo sử sách thì đôi guốc đã xuất hiện ở Việt Nam khá sớm. Các sách cổ của Trung Quốc như Nam Việt Chí, Giao Châu Ký có ghi rằng, Bà Triệu ở thế kỷ thứ III có đi guốc bằng ngà voi. Ngày trước ở nông thôn, vào những ngày giá rét, phụ nữ và đàn ông chỉ khi nào đi dự hội hè đình đám thì mới đi guốc tre, guốc đi trong nhà thường được người đàn ông đẽo bằng gỗ, có mũi uốn cong cong để bảo vệ ngón chân, quai dọc thì tết bằng mây chứ không phải bằng quai da đóng ngang như kiểu guốc thời cận đại.
Trước kia ở Phú Yên (Nam Trung Bộ), đôi guốc bình dân nhất là đôi guốc do người dân quê tự đẽo lấy. Loại guốc này cao hơn đôi guốc sản xuất để bán, mũi hơi cong lên, trước mũi có dùi một lỗ thủng từ trên xuống, phía sau dùi một lỗ ngang. Quai guốc là một sợi dây, có thể dùng vải xe lại mềm, êm cho khỏi đau chân. Guốc xỏ quai lỗ ngang, đưa tới trước rồi đưa xuống lỗ phía dưới, giống như quai dép Nhật thời nay. Chỗ cong lên tránh cho quai không bị giáp đất để khỏi bị mòn nhanh, chóng đứt.
Bên cạnh guốc tự đẽo, ở tỉnh này cũng đã có bán guốc gỗ dành cho đàn ông và phụ nữ. Guốc cho phụ nữ hơi eo ở chính giữa, còn guốc đàn ông thì không eo nên gọi là guốc xuồng.
Guốc sản xuất ở Phú Yên không sơn, giữ nguyên màu trắng của gỗ, thường là cây lồng mực. Còn guốc nhập từ Huế thì có sơn hoặc đều một màu hoặc sơn hai màu (thường là màu đen và màu nâu), thường phía lòng bàn chân là một hình tam giác màu nhạt.
Xưa kia chỉ những người khá giả mới đi guốc sơn, một số nơi gọi là guốc dòn, vì thế người ta mới nói “Chân giầy chân dòn” để chỉ những người giàu có và sang diện. Cho mãi đến năm 1940, học trò nam trường công ở tỉnh Bến Tre mặc bộ bà ba trắng, chân đi guốc. Trước năm 1945, guốc sản xuất ở kinh đô Huế gọi là Guốc Kinh. Đây là loại guốc làm từ dừa hay gỗ nhẹ, sơn trắng, mũi thêu và kim tuyến.
Ở Hà Nội có kiểu guốc gọi là phi mã, đế cao dành cho phụ nữ, hay được quảng cáo trên báo chí hồi những năm 40:
Bấy lâu đáy bể mò kim
Kiểu giày phi mã nay tìm đã ra
Sang đến năm 50, 60, người ta đem guốc mộc được sản xuất ở làng Đơ Đồng (tức Yên Xá, thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội), ở Kẻ Giày (xã Liên Trung, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây) về số nhà phố 12 Hàng Gà, nay chuyển về phố Bạch Mai ở Hà Nội để sơn, xì hoa và sau đó mới đem đi bán. Đi guốc dưới màu xanh của những hàng cây sấu cổ thụ đã là nét đẹp một thời của những thiếu nữ thủ đô.
Vào cuối những năm 70, bên cạnh guốc gỗ, guốc nhựa đã ra đời. Cùng với giầy dép chức năng chính của đôi guốc là để trang trí cho đôi chân. Tuy vậy cũng có trường hợp đôi guốc được khoét rỗng gót để cất giấu vàng bạc và các thứ nữ trang
quý hiếm khác mỗi khi đi đâu xa.
Nếu như chiếc nón, chiếc yếm là những vật gợi cảm hứng cho hồn thơ dân gian và thường được nhắc đến trong các câu ca dao tục ngữ, thì đôi guốc hầu như bị các thi sĩ dân gian lãng quên.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng đôi guốc đã gắn bó với đời sống người Việt lâu đến thế nào. Thậm chí có thời gian việc dùng guốc, làm guốc đã bị lắng xuống. Cho đến bây giờ thì cái thú dùng guốc đã được khôi phục trở lại. Mấy năm gần đây sự phục hưng này đã chứng tỏ một điều rằng quan
niệm về cái đẹp đang ngày càng đa dạng hơn, và việc dùng guốc trở lại đã phần nào gìn giữ và trân trọng những gì được gọi là vật dụng giản dị của lớp người xưa.
Guốc gỗ thời hiện đại được sơn vẽ, thiết kế theo thời trang và thẩm mỹ hiện nay.
ST 

Đôi guốc ngù ngà
Kỳ trước, các bạn đã thấy ta tranh giành nghề guốc với người Trung-Hoa.  Nhưng thật ra, loại guốc ấy chính là của họ phát-minh ra.  Ta đã thắng, nhưng thắng trong việc bắt chước.
Đôi guốc đặc-biệt Việt-Nam khác xa: đó là guốc ngù.
Không biết ở Bắc và Trung có guốc ngù hay không, chớ guốc ngù ở Nam ngày xưa độc-chiếm thị-trường.
Guốc ngù được khai-sanh ở Sàigòn.  Dĩ-nhiên là như vậy.  Ở thôn-quê các cụ đi đất với hai bàn chơn không, có tiệc-tùng, lễ-lạc, các cụ đi giày.
Guốc ngù cũng đại-khái giống guốc ngày nay nhưng không có quai.
Một cây trụ nhỏ được chôn ở đầu guốc để người đi guốc kẹp lại giữa hai ngón chơn cái và ngón chơn kế đó.
Trụ cao lối hai phân rưỡi, đầu trên to (đó là cái ngù) hơn đầu dưới để chiếc guốc không ở lại khi chơn bước tới, vì sự kẹp bằng ngón chơn không đủ sức làm dính guốc vào chơn.
Ngù của guốc bình-dân bằng đồng cho êm chơn, thành-thử đôi guốc rất là nặng.
Các cô đánh ghen, đập nhau bằng ngù đồng, phun máu đầu có vòi.  Đó là thứ khí-giới ghê-gớm của phụ-nữ Sàigòn thuở ấy.
Guốc thường thì như vậy, nhưng các bà các cô nào có chịu như vậy đâu.  Trời sanh các bà các cô ra để làm đẹp cho ta ngắm thì ngàn năm các bà các cô vẫn làm dẹp, muôn năm trước, muôn năm sau.
Ngày nay, cứ sáu tháng một là các bà các cô đổi mốt giỏ xách tay đi chợ hết dây sợi nhựa to, đến dây sợi nhựa nhỏ, món đựng cá, đựng rau, mà các bà các cô còn thi-vị-hóa nó, huống-hồ chi là guốc, bởi guốc thuộc vào y-phục, trang-sức đấy.
Vậy các bà các cô phát-minh ra ngù ngà, vẫn y hệt như ngù đồng nhưng làm bằng ngà.
Bấy giờ thì đánh ghen không dữ-tợn như trước nữa, bởi ngà voi tương-đối mềm hơn đồng nhưng được cái là mang guốc ngù ngà, đôi chơn trắng đẹp hơn, các ông bớt lập phòng nhì, nên cũng khỏi phải đánh ghen nữa.
Chỉ phiền là các ông bị phá-sản.  Một bà sắm đến bốn đôi guốc ngù ngà, một đôi thông-thường để đi trong nhà, một đôi chạm sơ-sịa để đi chợ, một đôi chạm rắc-rối để đi xem hát và một đôi chạm thật mỹ-thuật có nạm vàng để đi dự tiệc thì quỹ gia-đình đã hao-hụt biết bao nhiêu !
Ôi, quí bà quí cô ơi, ngày xưa không có Chanel số 5, sáu trăm đồng một lọ nhỏ bằng ngón tay cái, quí bà quí cô cũng đã tìm được cách làm cho phái đực rựa của chúng tôi thất-điên bát-đảo rồi thì ngày nay bọn mày râu của chúng tôi còn xuội râu đến đâu nữa !
Nhưng đã tu-mi nam-tử, lãnh-đạo đàn bà từ mấy mươi ngàn năm rồi, phái khỏe nhứt-định phải thắng.
Một tờ nhựt-trình, không nhớ rõ là tờ nào, đăng bài khảo-cứu láo rằng chất ngà voi chạm vào da thịt ta lâu ngày, hút máu người dùng ngà voi, để « lên nước ».
Còn bé quá, tôi không biết làng báo, nhưng chắc là báo ấy hôm đó bán chạy như tôm tươi, bởi đức phu-quân nào cũng mua về một số cho các bà coi.
Quả-nhiên các bà sợ-hãi, bỏ ngù ngà, và bỏ luôn ngù đồng, chỉ mang guốc quai và mang giày thôi.
Ắt hẳn ông chủ-bút tờ báo ấy đã mang nợ vì ngù guốc của bà chủ-bút nên mới lăng-xê tin vịt đó ra, và thì ra, báo-bổ ngày xưa cũng đã biết lăng-xê tin vịt rồi đó.
Tiện đây, cũng xin cho quí bà quí cô ngày nay biết rằng máy uốn tóc hút máu người, nước hoa Chanel số 5 gây bịnh ung-thư da, áo đầm làm cho quí bà quí cô ho lao, giày muyn khiến quí bà quí cô đau khớp xương, áo dài may bằng Soie Bangkok sẽ làm quí bà quí cô cùi phung hủi, năm tới đây coi cải-lương ngồi thượng-hạng sẽ mắc bệnh gù lưng, đòi đi Đàlạt là nhà quê, ăn nho tươi một ngàn hai một kí-lô sẽ bị ung-thư lưỡi, xem vô-tuyến thu-hình sẽ nổ con mắt, sắm máy lạnh nó nổ thì sập nhà, sắm máy giặt sẽ rụng tóc thành sói đầu.  Tóm lại, quí bà quí cô mà tiêu xài như cái đà ngày nay, thì nếu quí bà quí cô không mắc những chứng bịnh trên thì bọn mày râu chúng tôi sẽ mắc bịnh điên mất.
Hồi ký Bình Nguyên Lộc 
           Đôi Guốc Gỗ
 Chuyện xảy ra đã lâu nhưng nỗi ám ảnh khủng khiếp cứ đeo đẳng bám theo tôi mãi. Đã gần bốn mươi năm trôi qua, từ lúc tôi còn là thằng bé đầu để chỏm ở đợ nhà bá hộ họ Lê để trừ nợ, đến nay tôi đã đến ngũ tuần, con cháu đầy đàn nhưng ký ức năm nào vẫn còn tươi rắm rói cứ như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua.
    Hôm nay trong lúc trà dư tửu hậu. Chủ xị đề nghị mỗi người kể một câu chuyện đáng nhớ nhất trong đời. Đến phiên mình, tôi xin kể chuyện kỳ lạ này. Tôi cam đoan không phóng đại, không thêm mắm muối gia vị để tăng thêm kịch tính. Các bạn tin cũng được mà không tin cũng chả sao, điều quan trọng là tôi đã nói lên sự thật, một sự thật kinh hoàng mà tôi nguyền sống để bụng, chết mang theo. Tôi có một thỉnh cầu, trong lúc tôi kể, mọi người phải tuyệt đối im lặng, mọi thắc mắc xin gác lại hồi sau phân giải. Này, anh bạn rót cho tôi một cốc. Đầy vào. Chà, rượu ngon gặp bạn hiền uống bao giờ mới say. Bây giờ, tôi xin bắt đầu vào chuyện..
    ..Năm ấy, tôi mười một tuổi. Do hạn hán mất mùa không đủ lúa nộp tô, cha tôi bất đắc dĩ phải để tôi ở đợ nhà bá hộ Lê trong hai năm trừ nợ. Gia đình bá hộ Lê xuất thân từ dòng dõi khoa bảng. Ông nội từng làm quan hưởng hàm tứ phẩm triều đình nhà Nguyễn. Cha từng làm tri huyện Kim Sơn. Đến đời ông tuy lụn bại chữ nghĩa thánh hiền, song tài sản, đất đai thì nhiều vô kể, hầu hết người làng Đông Xuân đều canh tác trên ruộng đất nhà bá hộ Lê.
    Bá hộ Lê lập gia đình năm mười sáu tuổi. Vợ ông tên Ngoan, cũng xuất thân trong gia đình danh giá chẳng kém, nhan sắc tuyệt trần, đoan trang hiền thục. Cuộc hôn nhân xem như môn đăng hộ đối. Đôi vợ chồng trẻ chung sống với nhau rất tâm đầu ý hợp, hương lửa mặn nồng, tuy nhiên có một điều đáng buồn, mãi sau gần mười năm ăn ở họ vẫn chưa có con.
    Trong tứ đại bất hiếu, không sinh con nối dõi tông đường là tội nặng nhất. Nàng Ngoan vừa buồn vừa lo, ngày quên ăn, đêm quên ngủ, lúc nào cũng mặt ủ mày châu, rồi thì thở ngắn than dài. Không khí trong gia trang nặng nề u ám. Đám gia nhân nô bộc sợ vạ lây, chỉ biết cắm cúi vào công việc, chẳng dám trao đổi với nhau dù chỉ một lời, thậm chí ngứa cổ cũng chẳng dám ho. Luật lệ ngày trước rất vốn hà khắc; phụ nữ lấy chồng sau ba năm mà không sinh con sẽ bị xuất. Đàng này đã gần mười năm dài đăng đẳng còn gì.
    Mẹ bá hộ Lê đã nhiều lần có ý định đuổi con dâu ra khỏi nhà vì tội không biết đẻ. Nhưng ông bá hộ vốn rất yêu vợ, hết lời van xin. Nể tình con trai, và cũng vì tiếc một nàng con dâu tài sắc vẹn toàn, người mẹ thôi ý định nhưng buộc con trai phải lấy vợ hai. Có vẻ, đây là lối thoát duy nhất vẹn vẽ đôi bên.
    Tất nhiên chẳng người phụ nữ nào muốn chồng mình có thêm người đàn bà khác, nàng Ngoan cũng không ngoại lệ. Từ lúc hay tin dữ, nàng chỉ biết khóc và khóc. Tiếng khóc không bật thành tiếng. Nước mắt chảy ngược vào bên trong.
    - Tôi thật sự không muốn lấy vợ lẽ. Nhưng lời mẹ dạy tôi không dám cải. Với lại nhà họ Lê cần một đứa con nối dõi tông đường. Tôi không muốn là kẻ đại nghịch bất hiếu. Hãy thông cảm cho tôi.
    Đoạn người chồng nắm chặt tay vợ:
    - Cho dù có thế nào đi nữa, tình yêu của tôi đối với em không bao giờ phai nhạt. Tôi chỉ yêu một người duy nhất mà thôi.
    Mẹ bá hộ Lê gọi con dâu đến, bảo:
    - Mẹ thương con dâu như con đẻ. Vạn bất đắc dĩ, mẹ phải làm cái việc chẳng đặng đừng này. Con hãy gắng làm tròn phận sự, đừng để mẹ phải thất vọng. Dù sao con cũng là chính thất.
    - Thưa mẹ, lỗi là ở do con. Con còn được ở lại đây để sớm hôm phụng dưỡng mẹ, chăm sóc chồng, quán xuyến việc nhà đã là phúc phận. Chuyện lấy vợ lẽ cho chồng, con sẽ tự lo liệu.
    Đích thân nàng Ngoan đi hỏi vợ lẽ cho chồng. Vợ hai là con một tá điền canh tác trên đất nhà bá hộ Lê, nhan sắc mặn mòi, thắt đáy lưng ong nhìn thoáng qua rõ là mắn đẻ. Mẹ bá hộ Lê, nhìn con dâu mới mà ưng tấc dạ.
    Nàng dâu thứ tên Phi. Phi có tính hay lam hay làm, siêng năng chịu khó, lại biết kính trên nhường dưới nên nhà chồng càng yêu. Thời gian đầu bá hộ Lê còn năng lui tới với vợ cả nhưng từ khi hay tin Phi cấn thai thì hầu như quên bẵng. Nhiều đêm, nàng Ngoan ngồi thẫn thờ bên bậu cửa vò võ chờ chồng. Nước mắt giọt ngắn giọt dài.
    Ớt nào mà ớt chẳng cay, nàng Ngoan cũng không ngoại lệ. Cái ghen của nàng nén vào bên trong. Băng tuyết từ những dãy núi cao tan chảy thành dòng, thành suối, thành sông cuồn cuộn như con thủy quái húc thẳng vào con đê lý trí và con đê mỏng mảnh ấy sắp vỡ ra rồi.
    Sự việc có lẽ sẽ không trở nên tồi tệ vì dù sao nàng Ngoan cũng là người xuất thân từ truyền thống Nho gia, từng đọc sách thánh hiền, biết phân biệt điều hay lẽ phải. Hiểu rõ phận mình, từ đầu nàng đã chịu, dốc lòng quán xuyến công việc nhà chồng, xem đó, là niềm vui còn lại. Nhưng khổ nỗi, nàng Phi được chồng cưng yêu ngày càng trở nên quá quắt, thậm chí còn tỏ thái độ khinh thường vợ cả ra mặt. Nhân bữa cơm họp mặt, Phi còn nói bóng gió nếu sinh đặng con trai, nàng không chấp nhận vị trí hèn mọn. Vị trí chính thất phải thuộc về nàng.
    Vì ghen, vì sợ mất vị trí mong manh danh gia vọng tộc, nàng Ngoan ngày đêm đau buồn, lo nghĩ quẩn mà đổ bệnh. Chứng tâm bệnh không thầy thuốc nào chữa khỏi. Nàng nằm liệt giường cả tháng mà chồng đến thăm hỏi chỉ có một lần. Lời hứa ngày xưa bay đi theo gió. Lúc ấy, nàng lại nghe tin dữ, vợ lẽ mang thai quý tử.
    Vợ lẽ sinh con đích tử, dù muốn dù không, nàng phải sớm thăm tối viếng, tỏ thái độ ân cần giả tạo với tình địch, kẻ đã cướp mất chồng mình. Nhìn thấy đứa trẻ trai nối dõi tông đường khóc loe ngoe trong tã lót, ruột gan nàng đau quặn thắt. Đêm ấy, nàng khóc như mưa. Dấu chân giẫm nát mảnh vườn đẫm sương.
    Sau một đêm thức trắng, nàng, người đàn bà đức hạnh vẹn toàn, đã nghĩ ra cách trả thù tàn bạo nhất, độc ác nhất trong lịch sử tội ác loài người.
    Đứa trẻ được hai mươi ngày tuổi đáng yêu như Thiên thần. Như thường lệ, sáng hôm ấy nàng đến thăm hai mẹ con vợ lẽ. Đứa trẻ đang ngủ say trong tấm chăn mỏng.
    - Em có đủ sữa cho con bú không?
    Người vợ lẽ gật đầu.
    Nàng Ngoan nói:
    - Để chị mua giò lợn hầm đu đủ mang đến cho em. Đấy là thức ăn giàu sữa.
    Hai người trò chuyện nhát gừng. Thừa lúc vợ lẽ không để ý, nàng Ngoan lấy chiếc kim khâu thủ sẵn trong tay áo đâm xuyên qua cái thóp phập phồng. Đứa trẻ chết ngay sau đó, các thầy thuốc không sao tìm được nguyên nhân. Tất nhiên mọi tội lỗi đều trút xuống đầu người vợ lẽ.
    Tuy nhiên tội ác của nàng Ngoan đã bị con hầu phát hiện. Lẽ ra, mọi việc mãi mãi vùi lấp trong nấm mồ quá khứ nếu như không xảy ra chuyện; con hầu này phạm tội ăn cắp bị người vợ lẽ bắt quả tang. Để đoái công chuộc tội, nó phun ra tất tật. Tin dữ lan nhanh như cơn đại hồng thủy. Mẹ bá hộ Lê sai người quật mộ và chẳng khó khăn tìm thấy trong hộp sọ đứa con nối dõi một chiếc kim khâu.
    Bà mẹ chồng sai người trói nàng vào thân cây và đánh cho đến chết, bỏ ngoài tai lời can gián của mọi người. Sau khi vợ cả mất, bá hộ Lê cảm thấy ân hận. Đau đớn khôn nguôi. Nghĩa tử là nghĩa tận, chung sống với nhau một ngày cũng là đạo tào khang, vả lại, xảy ra chuyện đau chuyện này, ông cũng có phần trách nhiệm.
    - Bọn bây hãy đem xác nó vất vào rừng làm mồi cho muôn thú!
    Bá hộ Lê quỳ sụp xuống chân mẹ. Nước mắt lã chã:
    - Dù sao con với Ngoan đã hơn mười năm chung sống. Cô ấy đã dốc lòng phụng sự nhà ta. Xin mẹ hãy cho nàng ấy được mồ yên mả đẹp.
    Ngại tiếng đời thị phi và cũng nể lời con trai, bà mẹ khắt khe miễn cưỡng đồng ý. Bá hộ Lê sai người lấy loại gỗ tất nhất đóng quan tài. Thân thể nàng Ngoan nát nhừ. Máu đỏ bầm thớ gỗ.
    Vài tháng sau mẹ bá hộ Lê từ trần do tuổi già sức yếu. Nàng Phi nghiễm nhiên trở thành chính thất. Bá hộ Lê bị ám ảnh bởi các chết vợ cả, buồn rầu, chểnh mảng việc chiếu chăn, chính vì thế, mãi sau nhiều năm vẫn chưa có con nối dõi tông đường.
    Sau ba năm, đến kỳ bốc mộ. Khi lật nắp quan tài, mọi người bỗng ồ lên kinh ngạc; thi thể nàng Ngoan hầu như còn nguyên vẹn. Bá hộ Lê càng chạnh thấy đau lòng. Ông cho hỏa táng rồi xây mộ phần trên ngọn đồi cao, sớm thăm tối viếng.
    Nói về nàng Phi. Thấy gỗ quan tài còn tốt, nàng sai thợ đẽo thành đôi guốc gỗ vừa vặn chân mình. Quai guốc được làm bằng loại da quý tốt thêu hoa sặc sỡ. Nàng rất vừa ý. Nhân buổi dạo chơi, nàng bèn đi thử. Nhưng lạ chưa, vừa xỏ chân vào đôi quai đã thít chặt lấy bàn chân như cánh tay của quỷ, đau đớn không sao kể siết. Nàng Phi quýnh quáng, gào khóc thê thảm nhưng không cách nào cởi ra được. Những miếng da bỗng trở nên cứng như thép nghiền nát đầu các ngón chân. Trong khi đám gia nhân đang nháo nhác như đàn ong vỡ tổ, tìm cách giải thoát nàng Phi, bỗng từ đâu phát ra chuỗi cười rùng rợn, kèm theo là vô số lời khóc than kể lể về thân phận người đàn bà bị cướp mất chồng. Giọng nói của nàng Ngoan!
    Kể từ lúc ấy, đôi guốc ma ám bám chặt vào người nàng Phi như một bộ phận trên cơ thể không cách chi cởi bỏ ra được. Nàng Phi nhiều lần mời thầy pháp đến yểm bùa trừ ma nhưng đều thất bại. Đám gia nô sợ quá bỏ đi gần hết. Bình thường đôi guốc có vẻ vô hại nhưng mỗi khi bá hộ Lê chạm đến người vợ, lập tức nàng Phi cảm thấy đau buốt dưới gan bàn chân như có hàng vạn mũi kim đâm vào. Rồi thì những âm thanh ma quái rùng rợn lại trỗi lên rợn cả người.
    Kết thúc thời gian ở đợ nhà bà hộ Lê, tôi theo gia đình đến nơi khác tìm kế sinh nhai. Thời gian thắm thoát thoi đưa. Cha mẹ tôi lần lượt qua đời. Tôi đã có gia đình riêng. Và bằng lòng với hạnh phúc đang có. Tôi đem chuyện này lể lại cho vợ nhưng cô ấy không tin bảo tôi khéo vẽ vời bịa đặt.
    Một lần, tôi mang lợn ra chợ bán, tình cờ gặp lại nàng Phi. Nàng thay đổi nhiều quá, suýt nữa tôi không nhận ra. Qua trò chuyện, tôi mới biết, nàng Phi đã rời nhà bá hộ Lê về sống với cha mẹ ruột sau khi tôi rời nhà khoảng một tháng. Bá hộ Lê vẫn sống một mình trong gia trang lạnh lẽo ghê người. Chẳng người phụ nữ nào dám lấy ông làm chồng.
    - Còn đôi guốc? – Tôi vừa nói, vừa nhìn xuống đôi guốc gỗ xinh xắn dưới chân.
    Nàng Phi thở dài, mỗi ngày ba lượt đôi guốc gỗ lại hóa thành hàng vạn mũi kim đâm xuyên da thịt, kèm theo là những lời khóc than kể lể không thôi.
    - Có lẽ, tôi sẽ lánh thân nơi cửa Phật mới hy vọng thoát khỏi nạn tai này.
    Chúng tôi chia tay nhau. Và bặt tin luôn từ đó.
    Tôi đã kể xong toàn bộ câu chuyện kỳ lạ này. Bây giờ đến lượt người khác.
Khúc Thuỵ Du