Rồi bác lặn lội về tận một vùng quê nổi tiếng là nghèo và các cô gái muốn đổi đời thì nhiều vô kể. Rồi bác cũng kiếm được một cô đạt đúng “tiêu chí” ba “cực”, đó là cực nghèo, cực lành và cực trẻ. Chị Quyến về làm con dâu bác trong một chiều mùa đông gió bắc rét cắt da cắt thịt. Có lẽ đây là chuyến ra thủ đô đầu tiên của bố mẹ cô dâu – thông gia của bác. Nhìn họ ngơ ngác trong bộ quần áo chắc là đi mượn để diện trong ngày cưới của cô con gái đầu, mọi người trong họ xì xào hình như bố mẹ chị Quyến là người dân tộc, nói còn không “thõi” tiếng Kinh nữa. Cô dâu hơn 18 tuổi mặt non choẹt, phấn son lòe loẹt nhìn rất hài hước trong bộ váy cưới mầu trắng đục lờ với hàng đăng ten cũ kỹ. Nhưng hàng xóm láng giềng thán phục lắm. Làm dâu thủ đô kia mà. Bố mẹ cô dâu ngây ngô như thế chắc cũng chả biết gì, còn khen thằng con rể đàn ông nên ít nói. Đám cưới huyên náo cả một vùng quê hẻo lánh trọn vẹn 3 ngày đêm rồi cũng hết, trả lại sự im ắng muôn thuở hệt như chưa từng có nhạc xập xình, chưa từng có đám rước dâu đi dọc đường làng. Nhanh hệt như một bông hoa chớm nở đã vội tàn trong một sớm mai.

Người trong nhà ai cũng ái ngại cho nàng dâu mới của bác. Trẻ người, non dạ, quê mùa, sẽ thế nào với người chồng bệnh tật trong một gia đình lạ lẫm chốn thành thị. Còn cả chuyện làm vợ của chị ý nữa, một ông chồng bị tâm thần liệu có thể làm chồng? Nhưng đó chỉ là thời gian đầu thôi, sau dần những câu hỏi đó không ai còn hỏi nữa, giống như một sự kiện đã hết tính thời sự, không ai còn quan tâm.

Bác đối xử với chị Quyến không tệ, cũng chăm sóc, mua sắm và lo cho mọi thứ ở mức khá tốt. Chỉ có điều bác hầu như không cho chị tiếp xúc hay đi ra ngoài với ai. Cả ngày chị ở nhà bận rộn bán hàng xén với mẹ chồng và chăm sóc người chồng lẩn thẩn. Thời gian thấm thoắt trôi…

Thế rồi tin chị Quyến có bầu lại khiến mọi người được dịp xì xầm. Bác thì hoan hỉ lắm. Như vậy là thằng con trai dở hâm dở hê của bác cũng làm được cái việc của một thằng đàn ông phải làm. Ấy là bác nghĩ thầm trong bụng thôi chứ hàng xóm láng giềng mà nói thế bác chửi cho rẽ đất. Dở hơi đâu mà dở hơi, con trai bác chỉ hơi chậm và buồn thôi. Mọi người cũng phập phồng hy vọng bệnh không di truyền đến đứa trẻ. Nhưng người nhiều kinh nghiệm sống thì chép miệng bảo: “Chả biết được bao lâu”.

Đúng là chả được bao lâu thật. Khi thằng bé con vừa tròn 1 tuổi thì chị Quyến ôm con bỏ đi, không ai biết đi đâu. Chồng chị, người đàn ông lẩn thẩn vẫn chậm và buồn vậy, không hơn. Sự biến mất của vợ và con không tác động gì đến khuôn mặt vô cảm của anh ta. Mẹ anh thì như cây chuối bị đốn gốc đổ gục tưởng như không bao giờ có thể dậy được nữa. Nhà cửa chả ai ngó ngàng…

Mãi bác mới gượng dậy được. Phải đấy, con người ta sốc mấy rồi cũng hết sốc thôi, ấy là do người ta đã quen. 2 tuần sau khi chị Quyến đi, bác mới tìm thấy lá thư chị để lại. Đọc xong mà bác khóc tu tu làm cả phố lại một phen nhốn nháo.

Bức thư rất ngắn, chỉ mấy dòng thôi nhưng làm bác đi từ nỗi ân hận này sang nỗi ân hận khác. Nét chữ của chị Quyến khá đẹp.

“Mẹ ơi, nhẽ ra con rất giận mẹ khi con nhận ra là chồng con bị tâm thần. Nhưng khoản tiền mẹ cho nhà con đã cứu sống mẹ con khỏi trận ốm năm ấy. Nên con không nghĩ gì nữa mẹ ạ, coi như đó là số phận. Con xin phép mẹ đi khám bệnh cho cháu xem nó có bị giống bố nó không. Rồi con đưa cả bác sĩ về để khám cho chồng con nữa. Hình như mẹ chưa bao giờ cho anh í đi khám thì phải? Vài hôm nữa con cho cháu về. Mẹ đừng giận con nhé”