Tiếng Thu.....
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?

Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô....

Lưu Trọng Lư
 
(Thân tặng Vân, Thu Giang , Tố Lang và anh Tiểu Vũ là những người bạn luôn khuyến khích NM viết....) 
Mẹ cho con ánh trăng vàng,....
Mẹ cho con cả Thiên đàng tuổi thơ 
NM
Ký ức mùa Thu...!
         Chỉ còn vỏn vẹn hai tờ lịch cuối cùng của tháng chín là mùa Thu chính thức lại ra đi ! .......
          Hơn bảy năm nay tôi hầu như đã quên hay không còn một chút ý thức gì về mùa Thu, nhất là sau năm 1996 là năm ba tôi vĩnh viễn không còn nữa , vì từ năm đó dường như mùa Thu không tồn tại cho dù vẫn có mưa ngâu trong đêm rằm tháng tám, và tôi vẫn bày bánh Trung Thu chờ tạnh mưa cúng rồi. ....ngắm trăng sao, cố nhìn cho thấy dãy Ngân Hà huyền thoại mà ba vẫn kể đây là đêm Ngưu lang Chức nữ được gặp nhau mỗi năm sau những hạt mưa ngâu rả rích !.....Hình như đã có lần tôi đã cùng ba nhìn được một vệt trắng mờ nằm vắt ngang trên bầu trời của đêm rằm tháng tám, và câu chuyện chia ly đó cũng đi vào ký ức tuổi thơ của tôi !
             Mãi mãi tôi vẫn không quên bài học đầu tiên về con người , về thời gian và thời tiết mà ba mẹ tôi đã dạy lúc tôi còn bé thơ khi chưa đến trường, đó là thân thể người ta gồm ba phần : đầu , mình và tứ chi....Điều tôi luôn nhớ là bên trong thân người có những bộ phận khác nhau , nhưng quan trọng nhất là trái tim ! Không có trái tim , hay tim ngừng đập con người sẽ chết !....Tôi chưa ý thức được cái chết, nhưng tôi muốn biết làm thế nào mình biết được sự hiện diện của trái tim, cậu Ba tôi nói đặt tay lên ngực phía tay trái tôi sẽ biết và cảm thấy trái tim mình đang có mặt ! Tôi đã làm theo và lần đầu tiên tôi xúc động vô cùng , trong trí óc nhỏ nhoi non nớt bỗng dưng tôi nhận ra đây chính là người bạn duy nhất hiện hữu cùng tôi hàng ngày và không bao giờ rời xa ! Tim cho tôi sự sống, giúp cho cơ thể tôi lớn lên từng ngày , tôi yêu quý và vui với " người bạn" của mình.....Và khi trưởng thành nhờ quả tim tôi đã trãi qua biết bao tình cảm, thương yêu, nhung nhớ, hạnh phúc lẫn đau khổ...Ôi, trái tim đáng yêu của tôi , nó đã giúp cho cuộc sống của tôi phong phú và đa dạng biết chừng nào ?! Và tim tôi đã cảm nhận lần đầu tiên thế nào là mùa Thu với sông Ngân, với mưa ngâu , với sự hôi ngộ đau buồn hàng năm của vợ chồng Ngưu lang Chức nữ !..
            Mẹ tôi nhắc hoài và bà cho là không bao giờ ngạc nhiên khi tôi học Sư Phạm cũng như thi đậu Gia Long và tôi cũng chưa bao giờ biết thế nào là thi rớt ! Mẹ nói lúc thôi nôi tôi đã chọn cây viết và cây thước , đẩy hai món đó ra xa tôi vẫn cố chồm với cho được, lại còn ôm thêm cuốn tập ! Mẹ nhìn những ngón tay ốm gầy mà dài không búp măng nuột nà thì lại càng quả quyết con gái mình sau nầy sẽ là cô giáo !
          Mẹ còn kể lúc tôi mới hơn hai tuổi mẹ đang xem báo , tôi ghé nhìn mãi mê, thấy vậy mẹ ôm tôi vào lòng chỉ tay vào hàng chữ to đọc từng mẫu tự rồi kêu tôi lập lại, tôi đã đọc rõ từng chữ , hôm sau mẹ thử lại tôi cũng lập lại rành mạch không quên..!..Thế là ba mẹ và cậu vui mừng , gặp cái gì cũng dạy cho tôi, tôi đã có những bài học đầu đời sống động khó quên ! mẹ khoe tôi "sáng dạ" nhờ khi tôi còn đang ở trong bụng mẹ , cứ đến ngày trăng rằm mẹ theo lời khuyên của bà nội, mẹ ra nhìn trăng xoa bụng và ước sao nếu sinh con gái thì con mẹ sẽ có một gương mặt tròn , một trí thông minh trong sáng như ánh trăng !! Mẹ chỉ làm được điều đó khi mang thai tôi, còn về sau lúc ra riêng, cuộc sống bận bịu mẹ không còn làm được như vậy cho các em..! Tôi nghe và cảm động vô cùng cho nên tự hứa sẽ thương yêu mẹ và sẽ lo cho các em suốt đời !!

           Từ ngày nghe mẹ kể lúc nào cũng tôi cũng quanh quẩn theo mẹ, nhưng tôi không bao giờ dám ôm mẹ nhỏng nhẽo như các em, nhất là từ khi tôi có em trai....Mùa Thu khí trời dịu mát , tôi thường nằm trên giường ba mẹ , nhìn mẹ trang điểm chờ ba về để cùng đi dạo xem lồng đèn khi thì Chợ Cũ, khi thì Chợ Lớn....Mẹ chuẩn bị thật kỹ cho ba mẹ con để chờ ba về . Mẹ rất đẹp , không phải nét đẹp rực rỡ như hoa hồng nhưng mẹ có nét đằm thắm mặn mà của cô gái miền Tây, mẹ luôn mặc hàng lụa nhìn càng mềm mại nữ tính, những lúc nằm chờ và ngắm mẹ ngồi trước bàn phấn tôi  mơ màng nhìn ánh nắng chiều rọi qua khung cửa sổ mẹ ngồi, nghe mẹ khe khẻ hát, giọng mẹ dịu dàng thanh nhẹ, mẹ chậm rải chấm nhè nhẹ bông phấn trang điểm , dưới ánh nắng dịu mát của mùa Thu nhìn mẹ tôi chợt nghĩ mẹ tôi sao giống cô Tấm trong quyển truyện cổ tích xưa mà ông Ba Ưu trước nhà cho tôi , và tôi đã thiu thiu ngủ theo tiếng hát của mẹ ...  
Anh mong chờ mùa Thu
Trời đất kia ngã mầu xanh lơ
Đàn bướm kia đùa vui trên muôn hoa
Bên những bông hồng đẹp xinh.


Anh mong chờ mùa Thu
Dìu thế nhân dần vào chốn Thiên Thai
Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay
Mùa Thu quyến rũ Anh rồi......
.............

Anh mong chờ mùa Thu
Tà áo xanh nào về với giấc mơ

Mầu áo xanh là mầu Anh trót yêu
Người mơ không đến bao giờ.....
( Thu quyến rũ)
         Mẹ chỉ hát ba đoạn trên, có lẻ đây là thời gian hạnh phúc, cho nên mẹ yêu bản nhạc nhưng chỉ chọn những đoạn mong chờ mùa Thu, vì thế tôi không nghe thấy mùa Thu của mẹ hát có lá vàng rơi như ba tôi nói, "mùa Thu lá rụng đầy sân, lúc đó quét lá vàng thật cực, hàng ngày cả nhà phải phụ với bà nội quét và vun lá khô thành đống để đốt làm phân bón chuẩn bị cho mùa Xuân sắp đến..." ba kể khi nói về mùa thu lúc còn ở nhà cũ của nội , căn nhà ba gian hai chái, với khu vườn trồng đủ thứ cây trái miền Nam.....
           Bài hát thứ hai mẹ hát là "Tà áo xanh " sau nầy lớn lên tôi mới biết tựa của nó, và mẹ vẫn hát đi hát lại những đoạn mẹ thích....
Gió bay từ muôn phía
tới đây ngập hồn anh,
rồi tình lên chơi vơi
Thuyền anh một lá ra khơi
về em phong kín mây trời
đêm đêm ngồi chờ sáng, mơ ai...


Mộng nữa cũng là không
ta quen nhau mùa thu
ta thương nhau mùa đông
ta yêu nhau mùa xuân
để rồi tàn theo mùa xuân
người về lặng lẽ sao đành

Anh còn nhớ em nói rằng
Sao mùa xuân lá vẫn rơi?
Sao mùa xuân lá vẫn bay?
Em ơi, có hoa nào không tàn
có trời nào không mây
có tình nào không phai?

Em còn nhớ anh nói rằng
khi nào em đến với anh
xin đừng quên chiếc áo xanh
Em ơi, có đâu ngờ đến rằng
có màu nào không phai
như màu xanh ái ân.....
(Tà áo xanh)
           Trong hai bài hát nầy lúc nào cũng có màu áo xanh, hèn chi tôi thấy mẹ hay mặc áo dài lụa màu xanh da trời ; sau nầy tôi biết thêm bài "Tà áo xanh" còn có tên "Dang dở" có phải là điềm báo trước sự dở dang của ba mẹ tôi ?
            Mẹ chỉ lớn hơn tôi có 18 tuổi ! Càng sinh con mẹ càng đẹp ra ! Năm nào đến mùa Thu là tôi cũng được nghe mẹ hát hai bản nhạc nầy, tôi chưa hiểu hết lời bài hát nhưng nó như là một lời ru êm đềm của mẹ trong những buổi chiều Thu xa xưa, khoảng thời gian gia đình tôi thật hạnh phúc !!
            Mẹ và ba quen nhau lúc mẹ rời bỏ Bạc Liêu ra đi, ban ngày ba mẹ đi làm, ban đêm dạy học cho người nghèo mù chữ, ba mẹ tham gia hội Khuyến học của Bình Dân Học Vụ, ngoài những đêm dạy học ba mẹ còn gặp nhau trong sinh hoạt văn nghệ, ba mẹ cùng một thời với Thái Thanh và Hoài Trung, Hoài Bắc, chiều chiều tiếng hát của mẹ được truyền qua đài phát thanh. Theo lời mẹ, tên của tôi là do ba mẹ chọn giống tên cô bé nhà mẹ trọ, cô bé đã giúp chuyển thư của ba mẹ gởi cho nhau , cô gái là cầu nối cho ba ở Tân Định và mẹ ở Cầu Kho, để nhớ kỹ niệm nên thơ đó cả hai quyết định đặt cho tôi tên nầy, khi tôi mới lớn mẹ đã cho xem hình cô bấy giờ đã trở nên một ca sĩ khá nổi tiếng...! chắc cô ngưỡng mộ tiếng hát của mẹ tôi nên lớn lên theo nghề nầy ? Một cái vòng lẩn quẩn dễ thương.....
            Sau khi lập gia đình, ba mẹ đã lo vun quén cho tổ ấm, không còn tham gia đàn hát như trước, chị em tôi thực sự sống trong hạnh phúc của bốn mùa ! Tôi chỉ thấy mùa Thu thật đáng yêu qua ánh đèn cầy lung linh trong những chiếc lồng đèn màu sắc rực rỡ, cùng thích thú khi được thưởng thức bánh Trung thu thơm ngon.... Ba lúc nào cũng mua ba hộp bánh , một để biếu cho bà nội còn lại là cho cả nhà !
Ba mẹ còn có quà của bác Vạch, bác là người Hoa bác chịu ơn của ba việc gì đó tôi không nhớ, nhưng đến dịp Trung Thu là bác luôn tặng gia đình tôi nguyên một cái bánh nướng tròn to, bác cười hề hề và nói tặng cho ba mẹ tôi cả một "ông trăng" , có lần chị em tôi được bác cho một hộp bánh nướng có mấy mẹ con nhà heo trông thật dễ thương ! Em gái tôi còn nhỏ chả thấy đẹp, món quà vừa trao qua tay em là nó đã mở ra, bốc ngay con heo mẹ lớn nhất mà ngoạm cái đầu ! Tôi đã khóc thật nhiều vì thương đàn heo con mất mẹ !! Có lẻ điều nầy đã vận vào chị em tôi , khiến cho mẹ không còn gần chị em tôi nữa ?!....
           Đèn Trung Thu mà tôi chọn lúc nào cũng là chiếc lồng đèn con cá, tôi thích lồng đèn con cá vì cậu ba kể cho nghe sự tích cá vượt vũ môn, sau ba lần vượt qua ba cửa ải cá sẽ thay đổi vây,  vẫy rồi cuối cùng hoá rồng bay lên cao ! không biết có phải vì lời kể hấp dẫn hay hình ảnh của con cá "anh dũng" kia, tôi đâm ra thích con cá, ba cũng đồng ý đèn Trung Thu "đúng điệu " nhất là đèn xếp bằng giấy và đèn con cá .....Để không trùng nhau năm thì tôi chọn con cá đuôi tròn , năm lại đuôi nhọn, khi màu vàng, lúc màu cam.... Trước sân nhà ba mẹ còn treo hai đèn lồng tròn to hai bên mái hiên.....Khi có em trai ba còn lấy lon sữa bò cắt ra gắn vào một cây dài để đẩy bên trong cái lon có gắn đèn cầy, em tôi cười thích thú mỗi lần ba đẩy cái lồng đèn, nó quay  có đèn cháy sáng lại kêu lóc cóc vui tai nhờ cái nút khoén ba gắn !
          Chị em tôi cùng bọn trẻ hàng xóm như anh em Quân , Thuyên, Nhu và Ánh... được chơi đón Trung Thu cả tuần trước và sau Trung Thu. Ngay đêm Trung Thu ba nói lúc nào cũng có cơn mưa ngâu nhỏ và sau đó trăng sẽ ló dạng tròn và đẹp hơn bao giờ hết, theo ba trăng rằm tháng tám lúc nào cũng tròn to , đẹp và sáng nhất so với các đêm trăng rằm khác...Vui biết bao nhiêu khi cả nhà quây quần ngoài sân ăn bánh uống trà ngắm trăng, có hai bạn thân của cậu Ba và ông ba Ưu ở nhà đối diện nói chuyện râm ran tới khuya,...!
          Bác Ba tôi đi thăm con ở Pháp về , quà Trung Thu của bác cho chị em tôi là  con búp bê to bằng một em bé sơ sinh, búp bê biết khóc khi lật úp nó , mái tóc dài vàng óng với đôi mắt xanh trong vắt có hai hàng mi cong chớp chớp, đặt nằm xuống thì nó nhắm mắt....Em gái tôi thích lắm, nhất định giành riêng cho mình, thấy vậy ba mẹ tôi chiều chủ nhật dắt chị em tôi đi chơi bàn nhau ghé Charner mua cho tôi thêm con lật đật màu đỏ, cũng nhập từ Pháp. Nhìn ba tôi kéo ngã nghiêng con lật dật về mọi phía thế mà sau vài lần chao đảo con lật đật vẫn bật dậy , khuôn mặt tròn xoe vẫn giữ nụ cười tươi đứng vững như chưa hề bị lật ngã...Tôi bỗng yêu thích con lật đật nầy, hình ảnh món đồ chơi đã nhen nhúm trong tôi một ý thức vươn lên dù lúc đó tôi yếu đuối hay khóc, và tôi đã nhường con búp bê cho em gái ! Con lật đật. lồng đèn con cá ....đó là những bài học  đầu tiên nâng đỡ ý chí cho tôi sau nầy mỗi khi tôi thất bại sa sút tinh thần....
           Được sở hữu con búp bê, đêm Trung Thu em tôi lại không thích chơi lồng đèn, nó bắt Quân cho búp bê nằm ngủ lột áo búp bê ra, gắn cây đèn cầy lên bụng... Quân không làm thì nó khóc, không có em gái lại hiền lành nên Quân làm cho nó, không biết em tôi  loay hoay thế nào cây đèn cầy ngã xuống ! Cả đám chỉ nghe một tiếng  "Phùm" và một vòng chớp loé sáng, con búp bê hoàn toàn biến mất không để lại một dấu vết tồn tại nào !! Tôi đã khóc cho sự mất mát của lần đầu tiên nầy, mùa Thu bắt đầu không còn trọn vẹn hạnh phúc.....Rồi tôi lại nhường con lật đật cho em, tuy nó ít khóc, nhưng đã khóc thì thật là dai dẳng.....Mãi hoài hai món đồ chơi thân yêu đó tôi không hề quên , cho tới bây giờ dù lớn tuổi nhưng tôi vẫn hay đứng thật lâu nhìn những con búp bê hay con lật đật trong cửa tiệm trong mỗi lần có dịp đi mua sắm ...nhưng không bao giờ tôi tìm thấy được những món đồ chơi giống như ngày xưa.....Trái tim tôi đã thổn thức vì mưa ngâu nay lại khóc vì đau buồn khi phải chia tay với những gì mình yêu thích !...
         Tuổi học trò của tôi cũng thay đổi trong mùa Thu nầy, ông Ba vốn là Hiệu trưởng trường Tiểu học công lập Trương minh Giảng cho biết năm sau ông sẽ về hưu, ông thuyết phục ba mẹ cho tôi vào học trường của ông, lúc đó tôi mới tám tuổi đang học lớp nhất trường tư thục Trí Tri gần nhà, ông nói tôi học sớm quá, vào trường ông tôi sẽ phải học lùi lại lớp nhì mà vẫn còn non choẹt ! Ba mẹ thích tôi học sớm nhưng ông cố thuyết phục học lại như vậy sẽ vững , sau nầy thi vào Gia Long dễ đậu hơn, ấy vậy mà vẫn còn nhỏ tuổi, năm thi đầu tiên vào Gia Long ba phải làm đơn xin thi thử và xin miễn tuổi cho tôi !
            Đám rước đèn Trung Thu của chúng tôi đi từ đầu xóm đến chặn cuối là nhà tôi, mỗi khi đi ngang qua nhà bà Tư Bình An (bà có hai con trai tên Bình và An xấp xỉ tuổi cậu Ba tôi), lúc nào bà cũng chạy ra ôm em gái tôi nựng nịu, đã vậy bà còn chọc tôi  : " Mai ơi , má mày đẹp, sinh ra em gái mày cũng đẹp, hai mẹ con mặt trái soan....Còn con mặt....bánh bèo chẳng đẹp chút nào, mai mốt lớn lên học Gia Long mặc áo dài, tóc dài bới củ tỏi, bảo đảm con sẽ ....già giống bà Tư !! Chắc má con lượm con ở đâu đem về nuôi, hay má con là "má ghẻ "...! "
            Lần đầu tiên nghe bà Tư nói đêm Trung Thu đó tôi không còn niềm vui nữa, trái tim nhỏ bé của tôi có nỗi buồn vương vấn, có lẻ bà Tư nói đúng ? Rõ ràng mẹ tôi đẹp, em gái tôi xinh như búp bê, nó còn có cặp mắt mí lót y  như đôi mắt mẹ.... Tôi đã lén lấy album gia đình ra xem, trong album chỉ duy nhất tôi có hình chụp lúc bé được rọi lớn ra, tôi tự lý luận nếu là con nuôi sao mẹ kể đã cầu xin cho tôi vào mỗi đêm trăng rằm khi còn trong bụng mẹ ? Lúc nhỏ tôi cũng trông dễ thương có đôi mắt toàn tròng đen và lại hai mí, chắc là tôi giống ba, vì ba mắt cũng hai mí....Tôi tủi thân tự hỏi sao mẹ không ước nếu tôi là con gái , thì sẽ xinh đẹp như chị Hằng Nga, xin làm gì cả một mảnh trăng tròn để giờ bà Tư nói mặt tôi giống....bánh bèo !! Đã vậy cung Trăng có cả chú Cuội, không chừng tôi lại xấu và ngu ngơ như chú Cuội ? Chỉ có vậy mà trái tim bé nhỏ của tôi thổn thức, vì thế khi thi đậu vào Gia Long , ngoài cây bút máy Pilot có ngòi viết mạ vàng và chiếc đồng hồ Olma cũng mạ vàng của ba tôi cho ,  mẹ hỏi tôi muốn mẹ thưởng món gì, tôi không ngần ngại trả lời liền cho tôi đi uốn tóc . tôi không thích mặc áo dài lại thắt hai bím tóc.....Lời nói của bà Tư Bình An vẫn còn ám ảnh và tôi sợ tôi sẽ giống bà Tư khi mặc áo dài ....!! Bây giờ nghĩ lại , tôi tự cười một mình, trái tim của tôi quả là non nớt làm sao ?!!...
             Mùa Thu có ba tháng cho ba vầng trăng, trăng tháng bảy, trăng tháng tám và trăng tháng chín...Tôi cũng yêu ngày rằm tháng bảy, nhớ những đêm rằm lễ Vu Lan mẹ dắt hai chị em đi chùa Phật Bửu Tự ở gần nhà, lúc đó nhìn những pho tượng Phật to lớn hai chị em tôi không dám đến gần, sợ nhất là ông Thiện và ông Ác, thế nhưng không khí đông vui và được sư thầy cho quà làm hai chị em bớt sợ, càng về đêm tiếng đọc kinh và chuông mỏ ngân nga êm tai khiến hai chị em tôi thiu thiu ngủ, nằm gối đầu trên đùi mẹ , sau khi mõi mệt vì đứng lên ngồi xuống bắt chước lạy sám hối với mẹ...
          Vui nhất là trong tháng bảy cả nhà tề tựu đợi mẹ bày biện cúng cô hồn, vào thời điểm này trẻ con rất hiền không có ai giựt quà, cho nên cúng xong người lớn trẻ con trong nhà tha hồ chọn quà mẹ phân phát, cậu Ba cũng rủ bạn bè tới ăn uống cho vui...
          Gia đình tôi dọn về nhà mới ngay rằm tháng bảy là rằm đầu tiên chúng tôi xa mẹ, chị em tôi quây quần chơi với nhau trước cửa nhà với nhiều bỡ ngỡ, cái sân nhỏ xíu không còn rộng rãi như sân nhà cũ !....Bây giờ tôi đã biết sự mất mát và chia ly của mùa Thu, đi làm về ba lại để nhạc mùa Thu, tôi được nghe trọn vẹn phần sau của hai bản nhạc mà mẹ thường hát vào những ngày Thu xa xưa.....Hẳn là ba buồn lắm đây ! Tôi thương ba, thương cho các chị em tôi, ba đưa tiền cho tôi dắt các em ra chợ chọn lồng đèn, tôi  không còn là con bé con nằm nghe mẹ hát và thiu thiu ngủ, đi làm về ba vẫn ghé Chợ Cũ mua ba hộp bánh như xưa.....Không hiểu sao bác Vạch cũng không đến nữa, ba nói bác về Hồng Kông làm ăn rồi ! Thế là mất đi thêm một vầng trăng, mất thêm nguồn vui của gia đình.... 

           Lâu dần do sự biến đổi của cuộc sống mẹ tôi không còn nhắc đến việc xoa bụng nhìn trăng cầu phúc cho tôi, nhưng lời mẹ nói , câu chuyện cá vượt vũ môn của cậu và hình ảnh dễ thương luôn bật dậy của con lật đật đã làm điểm tựa cho tôi mỗi khi tôi vấp ngã.....Tôi cám ơn mẹ đã ao ước cho con gái mình cả một vầng trăng tròn và sáng ! Cho dù đó không phải là ánh trăng rằm tháng tám, là vầng trăng sáng và đẹp nhất, nhưng đó là vầng trăng kỷ niệm của tình cha, nghĩa mẹ, có cả tấm lòng thương yêu của cậu, ....
             Ngày tháng qua đi tôi lại đau khổ khi phải khóc chia ly với người mình thương mến, anh đã chọn ngày rằm tháng bảy, ngày lễ Vu Lan, ngày Xá tội vong nhân để ra đi vĩnh viễn như một lời...tạ lỗi vì đã sống không trọn vẹn một kiếp người, không đền ơn phụ mẫu và đã bỏ lại sau lưng một lời hứa từ mười năm trước với ngoại tôi tại tỉnh nhỏ Bạc Liêu xa xôi....Mùa Thu thật sự là Thu với bao mất mát chia lìa .....!!
            Sau năm 75, ba tôi không còn mua bánh nữa, tối Trung Thu tôi dắt cháu ra chợ gần nhà mua một hộp bánh về bày ra trước cửa cúng, cuộc sống khó khăn không còn ánh sáng lung linh của lồng đèn  như xưa nhưng vẫn còn chút ấm áp vì tôi còn có ba, lúc nào ba cũng nhắc trước khi tôi đi mua bánh nhớ mang theo dù vì đêm rằm Trung Thu nào cũng có mưa, hết mưa hãy dọn ra cúng đón trăng.....Mẹ tôi mất từ 1980, những đêm Trung Thu còn ba, có cháu bên cạnh với tiếng cười giòn khi đốt đèn chơi với trẻ hàng xóm, nhìn lên cao thấy ánh trăng tôi lại như thấy mẹ, giờ tôi mới hiểu ra mẹ cho tôi cả một vầng trăng sáng, trong đó có nét đẹp dịu dàng vĩnh cữu trong sáng của chị Hằng Nga, sự chân chất thật thà của chú Cuội dưới gốc cây đa và Hằng Nga mãi mãi  không bao giờ cô độc vì lúc nào cũng có thỏ ngọc bầu bạn !! Thật ý nghĩa biết bao ! Thế mà vì lời nói đùa của bà Tư Bình An sau nầy tôi không dám gần mẹ và cũng chưa bao giờ cám ơn mẹ đã cho tôi cả một vầng trăng !
            Với đêm Trung  Thu tôi có ba, với ánh trăng tôi có mẹ, nhưng với rằm tháng bảy tôi sẽ nguyện cầu cho tất cả những người thân yêu của tôi đã ra đi mà không bao giờ gặp lai !! Người ra đi ngày Vu lan không  biết có thể nhờ chim Ô thước bắc cầu như Ngưu lang Chức nữ để hàng năm được gặp lại nhau trong mùa mưa ngâu tháng tám  không nhỉ ?!
               Riêng tôi, tôi chỉ cần được gặp lại anh một lần thôi chim Ô thước ơi !!

NamMai Phan thị Ngọc Diệp



Những Ca Khúc Về Mùa Thu
Mùa Thu Xôn Xao
Trường mới nằm cạnh một con đường lớn, suốt ngày xe cộ chạy qua ầm ầm, nom nó thật chật chội và ngột ngạt, không có lấy một khoảnh sân hay một cọng cỏ dại chứ nói gì đến "cây to bóng mát". Cái nhà giữ xe thì tối om như tầng hầm, đông nghẹt, cộng thêm mấy cô giữ xe mặt mày cau có nữa thì hết chịu nổi. Ngày đầu tiên tới trường, tôi nhận ra mọi thứ đều khác hẳn với những gì tôi đã tưởng tượng. Tối, ghi thư về nhà: “Ba mẹ ơi! Trường mới của con giống như cái rạp hát cũ ấy. Buồn lắm!”. Những lúc như thế, tôi lại nghĩ về những trường đại học ở Huế, với những lối đi rải vàng hoa điệp, giảng đường có bằng lăng tím chìa vào cửa sổ, bên ngoài thì dòng sông Hương êm ả, xanh ơi là xanh! Rồi tôi hối hận vì đã chọn vào ngôi trường mà chẳng giống trường tý nào này.
Khai giảng, trường mới có thêm dãy băng đỏ kéo ngang cổng: "Nhiệt liệt chào mừng sinh viên K34…", nom đỏm dáng hơn ngày thưóng chút ít.
Người ta ra vào đông đúc. Sinh viên cũ mặt mày hớn hở, cười nói oang oang với nhau ra vẻ tự tin lắm, bọn sinh viên mới chúng tôi quần áo tinh tươm, cười mỉm chi ngại ngùng, dè dặt. bảng thông báo ghi thêm: "Khoá mới khai giảng tại hội trường A, lầu 2". Đó là nơi sáng sủa nhất trong ngôi nhà có vô số ngóc ngách và lối đi hẹp này. Hội trường rộng, cửa kính sáng loáng có sân khấu với hai tấm màn nhung đỏ, mấy cái loa ở các góc tưòng phát ra ầm ĩ. Tôi lại nghĩ: "Đích thị là một cái rạp hát chứ còn gì nữa!", chọn chỗ ngồi gần cuối, tít trong góc xa tôi bắt đầu tưởng tượng nếu như bây giờ mình đang ở Huế, xung quanh là bạn bè… rồi thấy nhớ và tiếc.
- Chào cô bé! Đúng là em đây rồi.
Có hai gã con trai đang tiến về phía tôi, miệng cười toe toét - cái kiểu tự tin của ma cũ đây mà. Định gởi trò, "ma cũ bắt nạt ma mới" chắc? Để coi, mặt mày sáng sủa, hiền lành… nhưng mà "tri nhân, tri diện bất tri tâm" - câu này ngày nào ông nội tôi chả nhắc. Nếu quanh tôi có thêm vài người bạn thì chưa biết ai "bắt nạt" ai. Kẹt nỗi, ở đây ai cũng lạ…
- Đừng sợ! Anh thấy không có con ma-cà-rồng nào ở đây cả. Anh là Công Thịnh, sinh viên năm 3, thằng này là bạn anh - thủ khoa của khoá tới. Hai năm vừa qua bọn anh đã học hành rất là đàng hoàng, đạo đức cũng rất tốt, vậy nên… qua nhiều cuộc họp, nhà trường quyết định cử anh tới đây để chào mừng em vào trường.
Học hành xuất sắc, đạo đức tốt thì chưa thể tin đựơc. Nhưng mà tôi nghe nói sinh viên trường này rất mồm mép, đúng là rất mồm mép!
- Ừm! Để coi… hồ sơ phòng giáo vụ gửi cho anh có ghi em 18 tuổi, da trắng, tóc đen, hơi bị nhỏ con… Ừm! Trông có hơ rụt rè. Hộ khẩu thường trú: Đà Lạt.
Trật lất. Tưởng giỏi giang gì, hoá ra cũng đoán mò. Tôi kêu lên:
- Như vậy là nhầm người rồi!
- Á, a… cũng tại phòng giáo vụ làm ăn bê bối. Không sao, anh sửa lại ngay. Hộ khẩu thường trú: Thành phố Huế.
- Không phải.
- Ối dào! Ở đâu cũng không quan trọng lắm. Em nói giọng Huế thì anh bảo em ở Huế. Em nói giọng Huế thì phải mang họ Tôn Nữ, phải là con gái Diễm Xưa. Đúng rồi, họ tên Tôn Nữ Diễm Xưa phẩy.
Họ hàng với Diễm Xưa thì hơi bị tuyệt nhưng… tôi có xinh đẹp đâu. Gọi thế chẳng khác nào chọc tức tôi. Lão "ma cũ" này cũng thật quá đáng.
Ai bảo tôi không tức cho chứ? Nhưng tôi hay lẫn lộn thay vì hét thật to cho đỡ tức thì tôi lại rớm nước mắt. Và tôi lại thấy tức mình hơn. Hai con "ma cũ" im lặng một hồi, bảo:
- Nếu mà em buồn thì tôi xin lỗi. Thực ra tôi chỉ muốn làm cho em vui và thấy tự tin hơn thôi. Ngày mới nhập trường tôi cũng rất sợ…
Buổi tối, tôi ghi thư cho bạn bè: "Tụi mày đã nhập trường chưa? Hôm nay trường tao khai giảng vui ơi là vui!"
Đó là bạn mới đầu tiên của tôi ở trường này. Nhưng đôi lúc nghĩ mình lại nhầm lẫn nữa rồi. Thực ra, câu chuyện cũng chỉ từng ấy. Mà chỉ gặp một lần đâu phải là bạn được. Sau này, tôi biết thêm, cái anh "ma cũ" ấy học ngay cạnh lớp tôi. Dạo mới vào trường, chiều nào tan học tôi cũng sang lớp bên để đợi chị Thu - học cùng trường cấp ba hồi trước - về cùng. Khi thấy anh "ma cũ" ở đó, tự nhiên tôi đâm ra ngại. Rồi tôi không sang đợi chị Thu nữa nhưng thỉnh thoảng, tôi bâng quơ: "Ở lớp chị có cái anh gì vui lắm, mà trông quen quen như đã gặp ở đâu rồi". Thực lòng, tôi cũng muốn nghe nói về anh.
Lớp trên hay liên hoan, có khi anh "ma cũ" mang sang lớp tôi thật nhiều kẹo, bảo tôi: "Để bù cho chuyện hôm khai giảng ấy mà". Lúc đó, tôi không nói nổi một tiếng "cảm ơn" nhưng cảm thấy có điều gì đó thật ngọt ngào ở trong lòng. Rồi tôi nghĩ vẩn vơ hay là anh "ma cũ" … mến tôi. Nếu không, tại sao hôm khai trường anh lại làm quen với tôi, còn mang kẹo cho tôi nữa? Hay là tại tôi giàu trí tưởng bở nhỉ?
Bẵng đi mấy tuần, tôi không thấy anh "ma cũ" đi ngang cửa lớp. Thu bảo:
- Nó nghỉ học luôn. Ba nó mất rồi, mẹ thì bệnh hoài. Tao nghe lớp trưởng nói vậy:
Tôi không dám hỏi gì thêm, trở về nhà bần thần mãi. Vậy mà hôm sau lại thấy anh cười toe toét ở nhà xe:
- Chào em! Vui vẻ chứ? Có đứa nào ăn hiếp em không?
- Em không ăn hiếp ai thì thôi chứ ai mà ăn hiếp em!
- Khá đấy! Thảo nào Phòng Giáo vụ vừa báo cáo dạo này em có tự tin hơn chút.
Chỉ từng ấy thôi cũng để cái đầu óc giàu trí tưởng bở của tôi nghĩ vẫn vơ mãi. Tôi ước, giá như mình có thể nói thêm điều gì, nhiều hơn một câu thông thường để chứng tỏ tôi cũng quan tâm, muốn làm bạn của anh. Nhưng con gái thì vẫn là con gái, dù tôi có mến anh bao nhiêu cũng chỉ để mình tôi biết điều đó mà thôi.
Tháng sáu, nào là lịch ôn tập, lịch thi… bao nhiêu việc phải chuẩn bị để kết thúc một năm học. Cái "quyết định" mới toanh đựơc dán ngay ngắn ở bảng thông báo làm cho người ta đứng lặng đi. Danh sách sinh viên bị đình chỉ học tập vì "Cố ý gây cản trở cho công việc quản lý" thật dài. Thu bảo:
- Lần này họ làm căng rồi, tụi nó nợ học phí đông quá. Rồi kéo tay tôi:
- Lên lớp mà học đi, đứng ngây ra đó mà làm gì.
Nhưng mà tôi chẳng thể nghe được chữ nào. Tôi đã nhìn thấy tên anh "ma cũ" trong cái danh sách đó với mở ngoặc đơn "3 kỳ". Cuối buổi học, tôi đợi Thu ở cầu thang, hỏi:
- Cái anh gì vui vui ở lớp chị đó, sao em không thấy đi học? - Nó nghỉ rồi. Nghe nói đang chạy bán cho nhà hàng…
Chị Thu tốt nhưng mà dữ lắm, thỉnh thoảng vẫn "quát" tôi vì tôi "nông nổi, bồng bột", bởi vậy tôi không dám hỏi thêm gì. Tôi thật sự không biết mình phải làm sao. Bởi vì tôi không phải là bạn của anh, bởi vì tôi là con gái nên tôi rất sợ vô duyên. Rồi ngày thi đang đến gần, tôi không dám mình phải làm gì nữa. Chỉ đôi lúc tan trường, tôi vẫn đạo xe ngang chỗ anh làm. Cuối cùng tôi đã gặp được anh:
- Chào em!
Vẫn cái điệu hớn hở đó làm con bé nông nổi trong tôi quên hết mọi điều định nói. Tôi nhìn anh, áo quần chỉnh chu từ đầu đến chân, cố buộc thêm cái nơ màu xanh nước biển…
- Anh đây mà! Có phải là con khủng long nào đâu.
- Em ghé nhà đứa bạn, tình cờ đi ngang qua đây… hoá ra anh đã đi làm rồi à?
- Công việc ấy mà….
- Nhưng đi làm luôn thì làm sao anh đi học được. - Tôi thực sự cảm thấy lúng túng. Tôi không biết phải bắt đầu như thế nào và phân vân không biết có nên nói rõ hay là không - Em nghe nói… nghe nói anh nghỉ học rồi…
- Chuyện nhỏ đó, em để ý làm gì? Hiểu nhầm nhau đấy thôi. Rồi nhà trường sẽ phải cử đại diện đến thương lượng với anh thôi mà. Họ sẽ xin lỗi vì làm tổn thất uy tín của anh này, năn nỉ anh tiếp tục đến trường này… Ừm! Để coi… tất nhiên anh sẽ bỏ qua và vui vẻ đi học trở lại. Anh mà nghỉ học thì cả khoá của anh cũng sẽ phải giải tán mất… Còn em, học hành thế nào? Hồ sơ mới nhất Phòng Giáo vụ gởi cho anh bảo em dạo này "hơi bị tròn" đấy!
Rồi cười nhẹ tênh, tựa như chẳng có chuyện gì xảy ra. Mà người ta có thể đem chuyện riêng tư của mình để nói với một người không thân lắm không nhỉ?
Tôi ngại nói rằng nếu tôi nói thêm điều gì nữa thì sẽ hoá vô duyên mất. Tôi bảo rằng, tôi đang rất vội rồi đạp xe về. Tôi đã không nói ra cái điều duy nhất mà tôi muốn nói với anh rằng tôi rất mong lại được gặp anh tại trường học.
Rồi tháng chín. Sài Gòn như có chút thu se sẽ trên những đường phố có lá vàng. Nắng nhẹ và trời thoáng lạnh. Sáng nay khoá mới lại khai giảng. Sáng sớm tôi gọi điện đến nhà học trò xin được nghỉ dạy để tới trường. Vẫn tấm băng đỏ có chữ trắng kéo ngang cổng chào mừng sinh viên khoá mới. Những gương mặt vừa vui tươi vừa ngại ngùng với những nụ cười mím chi - sinh viên mới nhập trường bao giờ cũng thế. Tôi đi giữa mọi người không ngại ngần như năm
cũ nhưng cũng chẳng thấy tự tin thêm, trong lòng xôn xao cái cảm giác vừa quen vừa lạ. Chọn chỗ ngồi gần cửa sổ, tôi nghĩ không biết năm nay anh "ma cũ" có về tựu trường không? Tôi ước được nghe giọng nói quen thuộc: "Chào em! Anh là sinh viên năm thứ 4…" và khi ngoảnh lại, tôi sẽ nhìn thấy nụ cười đầy tự tin, cởi mở dù là cười nói với một cô "ma mới" nào khác. Thế là mùa thu lại xôn xao.....
 Nga Mi 
 Mùa Lá Vàng     

Những năm Thơ còn chưa đau, gần đến thời gian lá đổi màu, nàng vẫn hay nhắc nhở tôi: 

- Anh phải nhớ đưa em đi xem và chụp ảnh mùa lá vàng nhé. Đừng quên như năm ngoái khi đưa em đến nơi thì cây chỉ còn toàn cành khẳng khiu như những cánh tay ghẻ.
    Thơ rất thích lá vàng và lại thích cả chụp ảnh nữa. Nàng khoe ngày còn bé, chịu nhịn ăn
    nhịn mặc để có tiền chụp ảnh bất cứ lúc nào. Tôi trêu hỏi thế bây giờ đám ảnh ấy đâu rồi thì cô nàng đấm tôi thùi thụi nhõng nhẽo: ý, anh lại nói diễu em, em hổng chịu đâu.
    Thơ đi theo tôi sang đây với thằng con út, những đứa khác phải kẹt lại vì chờ lâu quá nên lấy vợ lấy chồng ráo. Đứa dứt khoát không đi đã đành, còn cái con bé kề cận thằng út cũng đã thuận theo bố mẹ, đến giờ chót dở chứng giở giói yêu đương rồi nhấm nha nhấm nhẳng đòi không đi nữa.
    Thơ giở đủ trò, hết khuyên lơn lại sẵng giọng, thậm chí còn dỗ ngon dỗ ngọt để con gái chịu đi rồi vài tháng quay về làm đám cưới sau, như vậy thằng rể cũng có cơ hội đi sang xứ người luôn thể. Song hai đứa rủ rỉ rù rì, bàn ra tán vào, sợ ông bà già gài bẫy để hai nhỏ phải xa nhau, nên nhất quyết chọn con đường ở lại.
    Tôi tính ba phải nên để mặc, đứa nào khôn thì hưởng, đứa nào dại thì chịu, nhưng Thơ thì dứt dạt bắt con cái phải răm rắp tuân theo. Cho nên, cô nàng đã đem cả cái lý sau cùng dọa dẫm mà cũng chẳng ăn thua. Con bé lậm tình yêu dữ quá, nên nhất quyết nói liều: con chọn lựa ở lại nên khổ đau gì con chấp nhận hết. Con hứa sẽ không bao giờ hé răng than vãn với bố mẹ.
    Đến nước này thì trời chịu đất là phải rồi nên ồ ạt làm ngay cái đám cưới cho hai đứa để còn yên tâm lo sắp đặt tếch. Từ lúc đó, mặt Thơ cứ dàu dàu, đôi khi vợ chồng nhấm nhẳng với nhau, ông chằng bà chuộc, tưởng lúc tức giận cô nàng dám xé toạc hộ chiếu để
    “ không đi đâu nữa hết, ai thích thì cứ đi, để kệ thây tôi “.
    Tôi cũng đau đầu theo hết biết. Người ta sắp ra đi thoát khỏi vòng bao vây thì hí hửng, còn vợ chồng tôi cứ bí xị bì xì. Vậy rồi, cũng rị mọ kéo nhau ra khỏi chốn quê hương 20 năm trời sống quá thân con chó.
    Hôm chia tay ở phi trường Tân Sơn Nhất, lũ con tề tựu đủ mặt, cứ như đưa người sang sông chẳng còn có ngày về. Nước mắt nước mũi đâu mà lắm thế, ai nấy đều đỏ hoe, sụt sịt , nghẹn ngào, bịn rịn, đủ cả. Giờ chia tay vào phòng cách ly, người đi chẳng nỡ rời, kẻ ở lại cũng thấy như đứt từng đoạn ruột.
    Vợ chồng con nhỏ lì ké né đứng riêng ở mãi góc xa xa, đến lúc mẹ đi cũng liều chạy đến khóc toáng lên mà chỉ kịp nói được một câu “ con xin lỗi mẹ “ là đổ gục xuống, làm bọn anh lẫn chị phải đến đỡ kéo lôi ra.
    Từ đó, Thơ nước mắt ngắn, nước mắt dài. Chiếc phi cơ Boeing đảo một vòng chót chào giã biệt phi trường làm tôi đổ tóe nước mắt ra thì tôi thấy Thơ giúi giụi vào tay ghế mà rung hai vai dữ tợn.
    Xuống đến phi trường Minneapolis/St Paul, sau khi đã ghé Seattle làm thủ tục nhập cảnh và nhận thẻ I-94, Thơ vẫn lử đử lừ đừ không tỉnh. Ông anh rể và cả đại gia đình ra đón nhìn cô em dâu và bà mợ đã tưởng chưa gì nhớ nhà. Bởi vì Thơ đã nhịn suốt 2 chuyến bay từ Saigon đến Hong Kong và lại từ đó tới Mỹ nên người quá nhừ.
    Suốt thời gian 4 tháng ở tiểu bang miền cực Bắc, không lúc nào Thơ không khóc. Trong lá thư hay những cuộc gọi về, chẳng lần nào Thơ không than với sắp nhỏ: người ta nói đi Mỹ vô cùng sung sướng, nhưng mẹ thì chẳng ngơi một lúc khóc nhớ lung tung. Cô nàng còn rên là đã ướt đến mấy cái khăn rồi mà vẫn chưa nín được.
    Thế rồi, đùng cái ông anh ngả ra chết, lũ cháu mất cái đầu tầu có vẻ nhốn nháo lo toan. Dù tôi là em ruột của mẹ các cháu, nhưng chị em ở xa nhau từ nhỏ nên các cháu nào đã biết rõ rành liên hệ thắm thiết thế nào. Trước mắt chỉ thấy mấy mạng lao nhao, chữ nghĩa chẳng rõ đong được mấy hột, nghề ngỗng liệu làm được cái thứ gì nên miệng thì nói nói cười cười, nhưng trong bụng đứa cháu nào cũng đánh lô tô thùm thụp.
    Năm đó Minnesota lao nhao kháo nhau mùa tuyết về sớm. Dự báo thời tuyết đã cho hay ngày 26 tháng 10 tuyết sẽ rơi lần đầu. Nỗi mất anh đã buồn, lại lo mùa băng lạnh sẽ làm cho vợ chồng tôi khốn khổ vì chưa quen. Ngày ngày mọi người đi vắng, loanh quanh trong nhà chỉ có mấy mống loe hoe, lâu lâu còi hụ nghe inh tai nhức óc, thằng cháu từ sở hốt hoảng gọi về chỉ dẫn cách tìm nơi trú ẩn vì còi báo động là có cơn lốc đang kéo tới.
    Sáng sáng tôi lãnh cái việc lên thay cà phê sữa, đốt một điếu thuốc ở bàn thờ anh chị ở tầng trên, nghe u u cũng trợn. Nhớ ngày nào mới cùng anh dăm điều ba chuyện, dù chưa có bằng lái mà anh dám tin nhường xe để lái loăng quăng. Bây giờ anh đã đi mất, dù biết anh rất thương yêu mà vẫn hồi hộp sợ trong lòng.
    Lên lo lắng phục vụ anh mà run bằng chết. Nhìn hai di ảnh anh chị kế cận nhau mà cứ nghĩ chợt nghe anh chị hỏi: em đấy à. Đem hai cái tách đi mà nghe lách cách chao từ bàn tay run quầy quậy. Đứa cháu gái kế út còn độc thân với đứa em ở với bố, vẫn nán giữ nỗi ưa thích của anh tôi nên tối nào cũng mua một vé số lotto đặt ở mỗi bàn thờ bố mẹ mình. Tôi lẩm rẩm hỏi con cháu hoạch định gì trong việc làm đó và thấy thương bởi vì sự ra đi của ông anh còn mới quá nên cháu chưa quen ngỡ bố vẫn ở với mình.
    May sao, ngày 26 tuyết không về, tuyết còn ngủ quên đâu đó cũng nên. Gia đình tôi ở dưới basement nhà anh thật mừng hùm. Âu thế cũng được, còn hơn nhớ lời ông anh mà ớn vô cùng, ông nói với tôi mới hôm nào đây: ở đây tuyết nhiều lắm, cậu ạ. Năm nào cũng đùn kín đến tận cửa sổ, trông ra trắng nõn như bông, sáng lóa cả mắt. Tôi đã lo, nhưng vá víu bằng ý nghĩ: ấy ai sao mình vậy, riết rồi cũng quen.
    Bây giờ thì gia đình tôi sợ thực sự. Mùa đông vốn đã buồn, lại thiếu anh và lúc nào cũng giăng giăng một màu tuyết lê thê chịu sao cho nổi. Tuy không hé ra, nhưng tối tối vợ chồng đã bàn nhau tính chuyện chạy.
    Chúng tôi đem tâm tư ra nói với các cháu, đứa nào cũng một hai giữ cậu mợ và em. Thực quả tôi cũng hoang mang hết sức, đắn đo giữa thị phi và đánh giá ngoài đời. Thế nhưng chỉ riêng cô cháu dâu là có vẻ nói thực. Cô nhân lúc chỉ còn riêng tư với chúng tôi đã dấm dúi nói: cậu mợ không ở được đâu, các anh chị em nói thế mà không phải thế. Cậu mợ đi được cứ tình đi, may ra tình cảm còn giữ được lâu bền.
    Vậy là, chưa gì đã một lần chuyển chỗ ở. Bọn tôi liều lĩnh về Cali vì đặt niềm tin thời gian trợ cấp 8 tháng chưa hết, cứ liều đi rồi tính. Chúng tôi bỏ Minnesota đột ngột, cho dù vẫn còn canh cánh bên lòng sự ớn sợ lẫn cái háo hức muốn qua một mùa lạnh cho biết tuyết như thế nào.
    Tôi đi làm, Thơ ở nhà, thằng út bò đi học. Xong cái AS hai năm, nó lục cục leo lên đại học tiểu bang, chúng tôi đã khấp khởi trong lòng lần đầu có đứa con vào bậc cao học so với cả họ. Thế nhưng mộng lại không thành, chỉ còn hơn năm nữa ra trường thì út bỏ ngang, rên là học ban Computer Science chua quá, ra trường lại không chắc vớ ngay được việc làm vì dạo đó kinh tế xuống thảm thương.
    Bôn ba không qua thời vận, Thơ ạch đụi rồi cũng xin được một chân làm việc dây chuyền cho một hang điện tử. Ba cọc ba đồng, ai cũng có lương, dù mỗi người đi một ngả khác nhau. Tôi làm ngày nào có lương ngày đó, chẳng có lễ lạc, thưởng khen. Thơ thì làm mỗi tuần có lĩnh thêm một vài giờ nghỉ dự trữ, cuối năm có thể lĩnh một lần để giung giăng giung giẻ đi đây đi đó, còn không thì lĩnh như lương vậy. Riêng thằng út thì đi học lấy cái bằng bảo hiểm rồi cũng ì ạch đi làm cho một hang nổi tiếng bậc nhất của Mỹ quốc.
    Dạo này Thơ đã hết khóc, nhưng giận con bé thì vẫn giận. Nhiều lần, cô nàng tránh mặt khi đến phiên nó xin được gặp qua đầu dây. Thơ đùn cho tôi cái việc hàn huyên với con bé. Năm lần bảy lượt, mãi mãi Thơ mới chịu tha, con bé mừng húm. Tôi nghĩ là nó sẽ tổ chức tiệc mừng xẻ chia với các anh chị nó về niềm vui mới nhận.
    Hai đứa tôi đều làm việc 5 ngày/tuần, thi thoảng mới có một lần OT, tôi có năng nỗ nhận thì được ăn gấp rưỡi, còn Thơ thì gấp đôi. Thế nên, lai rai chúng tôi có giờ đi dạo với nhau. Cái xe cà ạch cà đụi từ đời 1990 cũng đưa chúng tôi đi được khắp nơi, khi San Francisco, khi Los Gatos, khi San Bruno, đủ chỗ. Lắm khi hai đứa cao hứng chạy bạt mạng xuống những vùng sâu thăm thẳm, lỡ nhào vô rồi chỉ lo lúc bò lên xe chợt đình công ngang. Vậy mà ở đâu cũng trót lọt, nên càng ẩu nhiều hơn.
    Chỉ có đi đến các công viên hay các vùng có mùa lá vàng là cả hai không sợ. Dù gì đường cũng bằng phẳng, lại giữa thành phố, chả lo vượt dốc leo đèo. Thơ lại thích đi giữa con đường lác đác có những cánh lá con vèo vèo rụng khắp. Nàng nhí nhảnh bảo tôi: anh cố chụp làm sao thấy rõ từng chiếc lá vướng trên áo em để gửi về sắp nhỏ nó mừng. Rồi chỗ này thì nàng ngồi trên xác lá, chỗ kia thì đứng dưới nắng che xiên, chỗ nọ thì vôc từng nắm lá đưa lên thả rơi như cánh bướm. Hẳn nhiên là ảnh nào nàng cũng nhỏn nhoẻn tươi cười.
    Khốn nỗi là cái máy ảnh của tôi cà cộ không kém, người ta xài tới mốt digital rồi trong khi tôi vẫn sử dụng thứ phải gắn phim. Có thể khi chụp, Thơ hình dung là ảnh nào ảnh ấy đều nhất cú hết, nên nàng lẩm bẩm trong miệng: chuyến này bọn nhỏ thấy mà ham phải biết.
    Đến chừng tôi đưa ảnh rửa về, nàng xem lộ thất vọng thảm não: chèn ơi, tưởng ông chụp thế nào, gì mà lá vàng đâu chẳng thấy lụm cụm như mớ rác dễ ghê. Cụt hứng phải là tôi vì thế gian cái khó bó cái khôn, tôi có muốn hay hơn, đẹp hơn cũng chẳng thể làm khác được. Tôi lúng búng “ xo rì ‘ với Thơ và ngầm hứa hẹn một bữa nào học chữ liều mua cái máy cho ngon để chụp lại đẹp hơn.
    Thứ gì đã là lời hứa xem ra khó thực hiện, tôi chưa kịp động đậy gì thì Thơ bị sụm cái ào. Cô nàng trải qua một trận thập tử nhất sinh, nhiều lúc tưởng như đi đứt. Sau cả năm trời trị hết thuốc này sang thuốc khác, nàng trụ lại được, nhưng nhan sắc đã lạt phai. Trải qua một cuộc bể dâu, nàng hết còn ham gì nữa, tôi có rủ đi đâu nàng đều từ chối.
    Nhiều khi thấy vẻ nàng rầu rầu và chợt thấy mùa lá vàng trở lại, tôi hé lời gạ nàng: năm nay mình đi chụp ảnh mùa lá rụng nhé. Thơ lắc đầu quầy quậy: thôi, chán rồi. Đau với ốm, người chẳng ra gì, chụp để dọa trẻ con chắc. Tôi nghe mà chua xót vô cùng. Tính tôi vẫn hay lần khân như vậy, nên lúc nào cũng là người lỡ tầu. Khi tôi đến sân ga vừa vặn tầu bắt đầu tăng tốc để rồi đứng ngẩn ngơ nhìn lá cờ vàng và ngọn đèn đỏ chưa châm gắn ở toa cuối để thấy buồn tênh.
    Mùa lá vàng năm nay đến quá chậm, cuối tháng 10 đến nơi mà cây vẫn chùng chình trở dạ hườm vàng. Hôm qua lướt xe ngang con đường xưa, lề vẫn vắng hoe chưa có đám lá nào vun gọn lại. Tôi có chợt thoáng thấy dáng Thơ len lách giữa những chiếc băng đá hay ở con đường nhỏ vào khu nhà mà ngỡ chút phù du nào còn sót lại sau một mùa phai đi.
    Tôi hình như nghe cay cay nơi đuôi mắt. Không rõ có phải là tôi đang khóc hay lá đang buồn. Ôi, thời gian…
Đỗ Thành 
 

Thu hát cho người

Mùa Thu Vàng Rực Rỡ

Có tiếng chuông điện thoại. Bà nhấc lên. Bà đợi cái tiếng chuông ấy rất lâu, rồi ông hẹn: “Nó ngủ rồi. Tôi đang chờ xem dự báo thời tiết ngày mai thế nào. Sáng mai, tôi sẽ gọi bà sớm. Bà có đi ăn sáng với tôi không?”. Bà cười: “Chắc là không đi được. Thằng cả bảo hôm nay nó không về ăn cơm. Tôi phải lo thức ăn để vợ chồng con cái nó về ăn tối”. Ông bảo: “Thế thì tôi cũng ăn mì vậy”. Bà cười chúc ông ngủ ngon. Ông chúc bà ngủ ngon. Họ thì thào. Họ run rẩy. Họ cùng thở nhẹ. Cả hai cùng chờ đợi bên kia bỏ máy điện thoại xuống. Nhưng chẳng ai chịu bỏ cả. Bà cười rinh rích: “Ông bỏ đi”. “Thì bà bỏ trước đi”. “Không, ai lại làm thế”. Ông cười “Ừ, thì tôi bỏ trước vậy”. Và bên kia khi một tiếng “cạch” vang lên, thì ở bên này bà mới từ từ hạ máy xuống. Ngoài trời. Đêm đen thẳm. Bà nhìn ra xa, cố nhìn thật xa để xem sau cái vầng màu đen sẫm, đen sì rung rinh trong gió kia nó là cái gì.
Đấy là ngày mai.
Ông bảo: “Bà ơi, tôi thu xếp được rồi. Thời tiết tốt. Tôi vừa nghe đài báo thời tiết ngày hôm nay xong. Chúng nó bảo bố cứ đi vô tư, tuần này chúng nó được nghỉ phép. Thế còn bà?”. “Chúng nó cũng bảo bà đi vô tư”. Ông cười “Chúng nó tốt thật”. Bà bảo “Ừ, chúng nó tốt thật”. “Mấy giờ hả bà?”. “Tuỳ ông”. “Theo tôi thì mười một giờ”. “Mười một giờ đường vẫn còn đông lắm”. “Hay là mười hai giờ?”. “Mười hai giờ là chính ngọ”. “Thôi thì mười một giờ ba mươi”. “Tôi phải mang cái gì?”. “Tuỳ bà. Tôi mang đủ hết rồi”.
Bà cười: “Thế thôi nhé, tôi đi lo chuẩn bị các thứ cho chúng nó đây. Vừa mới mua được cân rưỡi thịt làm ruốc, rồi lọ muối vừng nữa. Sẵn mấy quả bí, muối vại dưa thế là yên tâm”.
Ông bảo: “Thế là được rồi. Bên này cũng thế. Tôi thì không biết làm ruốc”. “Để tôi làm luôn, mang sang chia đôi cho ông một nửa”. “Tôi chỉ cần một lọ nhỏ nhỏ thôi. Chúng nó trưa ở cơ quan. Chiều về ăn nháo nhào. Con dâu thì sợ béo nhịn bữa tối. Con rể thì uống bia. Thằng con trai thì cũng bia. Chỉ lo cho thằng Kim đang sốt thôi…”.
Buổi chiều. Ông hiện ra ở cửa nhà bà. Bà giật mình trố mắt: “Ối giời. Ông đeo cái túi gì mà to thế kia?”
Ông cười, nụ cười sáng rực trên khuôn mặt của một người đàn ông đã sáu mươi tuổi. Tóc ông bạc, cái dựng lên, cái rạp xuống. Những sợi tóc đen tự nhiên thấy yếu kém chui tụt xuống dưới, chỉ còn những sợi tóc bạc là ngoi lên. Cái miệng rộng, đôi mắt đầy tình cảm của ông nhìn bà. Bà chợt rùng mình. Đấy không phải là ánh mắt, nụ cười của một người đàn ông đã sáu mươi. Cũng như bà, cái rùng mình cũng không phải cái rùng mình của một người đàn bà ngoại ngũ tuần. Mà là cái rùng mình của một bà quả phụ ba mươi tuổi.
Còn nhớ, lần đầu tiên khi anh cười đưa cho chị một bức thư và nói: “Chị đừng kiện chúng tôi. Tôi có thể mời chị đi uống một cốc cafe không?”. Chị lừ lừ nhìn anh đầy phẫn uất bởi vì anh dám làm một cái việc phạm đến nguyên tắc và ảnh hưởng đến cơ quan của chị. Hai cơ quan cùng chung nhau một việc làm ăn. Anh là đại diện bên kia cũng như chị là đại diện bên này. Chi chờ đợi cả một buổi sáng để người phía bên kia mang giấy xin lỗi sang phía bên này. Và người mang đến là anh. Rồi chả hiểu thế nào chị lại theo anh ra hàng cafe. Chị có biết uống cafe đâu nhưng cố nghiến răng nghiến lợi uống để cho anh thấy là chị chịu chơi chứ chả kém gì. Nhưng rồi sau đấy bắt đầu chị thấy mình nằm trên một chiếc tàu mỏng mảnh như lá tre, trước mặt là những con sóng cuộn chị đi. Lòng dạ chị nôn nao, cồn cào. Mặc dù đầu óc chị tỉnh như chưa bao giờ được tỉnh nhưng bụng thì réo gọi. Người chị lả đi, mặt đờ đẫn tái dại. Anh bảo: “Chị làm sao thế?”. Chị cười nhạt. Phẩy tay: “Cho xin cốc nước lọc”. Anh vội gọi chủ quán không những cốc nước lọc mà có cả lát chanh và mấy viên đá. Chị uống một hơi hết sạch. Uống xong. Cái chất cafe trong dạ dày cộng với nước lọc pha loãng cafe thấm dần li ti ăn vào người. Chị say đứ đừ. Chị nhìn anh thành bốn người, năm người, sáu người. Chị hoa mắt. Chóng mặt và đổ gục xuống. Trong vòng tay của anh, chị lả đi và mọi người sững sờ không hiểu cái kẻ phía bên kia đã mang đơn sang xin lỗi mà lại còn làm thế nào để chị phát ngất đi như thế. Anh cười hiền lành: “Chị ấy không biết uống cafe, tôi dại quá lại mời chị ấy một cốc cafe đen ít đường”. Tất cả cười phá ra và bảo rằng phía bên địch quá mạnh đã đánh phía bên ta bằng cả hình thức lẫn nội dung, cả vật chất lẫn tinh thần thế này thì chắc bên ta sẽ đổ mất thôi.
Xung quanh chị. Trong tóc của chị. Trong áo của chị phảng phất mùi của một người đàn ông lạ. Nó ấm áp truyền li ti trong kẽ tóc. Chị rùng mình. Lâu lắm rồi mới có một người đàn ông ôm chị vào lòng từ khi chồng chị chết. Bốn năm rồi còn gì. Người đàn ông duy nhất trong đời chị đã đi xa. Đấy là một trận sốt cao kéo dài và anh đã ra đi để lại thằng bé con không một lời nhắn lại. Cũng chẳng ai hiểu nguyên nhân của cái chết, chỉ biết rằng chị đã cố hết sức không cứu lại được anh. Ba mươi tuổi. Người chị đẫy đà hơn nhưng gương mặt ngày càng đẹp và đằm thắm, mặn mòi. Tóc chị dài, cuốn cao lên, phô cái cổ trắng. Ở đấy có những ngấn mỡ, ngấn lên phía đằng sau, xuôi xuống đôi vai êm ái mịn màng. Lâu lắm rồi không có ai đặt tay hay thổi nhẹ vào đấy.
Và chị đi về với cảm giác lâng lâng. Một cái cảm giác như mình thất tiết với chồng, pha lẫn sự sung sướng. Buổi tối, khi cơm nước xong cho thằng con trai mười hai tuổi. Chị ra cửa sổ ngồi một mình. Căn hộ của chị ở tầng một của khu chung cư, trên đầu là bốn tầng nữa. Ngoài vườn chị trồng mấy cây doi nhỏ và một bụi tóc tiên rung rinh nở hoa. Thằng con ngồi bên kia học bài. Nó bảo: “Mẹ ơi, hôm nay con tưới cây rồi đấy. Tóc tiên lại ra thêm mấy nhánh nữa. Mẹ có trồng hoa nhài không? Bạn Nhài ở lớp con bảo bạn ấy tên là Nhài nên chỉ trồng hoa nhài thôi”. Chị cười và bảo: “Thế mẹ tên là Hồng chẳng nhẽ mẹ chỉ trồng...”
“Bạn ấy bảo thế mẹ bạn có thích hoa hồng không? Con bảo mẹ tớ cắm hoa hồng quanh năm. Bạn ấy bảo thế mẹ có trồng hoa hồng ở vườn không? Con bảo mẹ tớ có trồng nhưng rồi sau này những bông hoa hồng mẹ trồng nó cứ gầy, hương hoa của nó buồn lắm và mẹ không trồng nữa. Bạn ấy bảo thế thi tớ sẽ tặng mẹ cậu một khóm nhài vì hoa nhài sẽ thơm hơn, mẹ cậu có thể ướp trà để uống. Con trồng hoa nhài mẹ nhé? Bạn ấy còn bảo con là niềm vui của mẹ. Nếu con để mẹ buồn, mẹ đi lấy chồng thì con mồ côi. Mẹ có lấy chồng không?”. Chị cười nhưng nước mắt chảy quanh: “Ừ, bảo bạn ấy cho mẹ xin một bụi, mẹ sẽ trồng hoa nhài. Mẹ sẽ không lấy chồng để nuôi con khôn lớn và mẹ con mình sẽ vui”.
Buổi tối trôi qua. Mỗi khi con học bài xong. Đi ngủ. Chị chào nó và sang buồng của mình. Chị lại mở túi ra. Trong đó có cái phong bì màu tím. Một tờ giấy ở công ty anh gửi lời sang xin lỗi công ty chị sau khi đã mua mất lô hàng của công ty chị. Tờ giấy đơn giản nằm trong cái phong bì dày. Những hàng chữ tên của công ty. Số điện thoại. Số fax lạnh lùng vô cảm nhưng đấy là anh. Tại sao lại thế nhỉ? Người ta thường nói đàn bà yêu bằng mũi còn đàn ông thì yêu bằng mắt. Hình như đàn ông mỗi người đều mang một cái mùi vị riêng mà chị không biết đấy thôi, chỉ có điều những cái mùi vị ấy không bao giờ đến gần chị cả. Còn anh. Anh đã ôm chị. Đã dìu chị từ hàng cafe ở ngoài cổng vào trong phòng làm việc trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người.
Có tiếng chuông điện thoại reo. Chẳng lẽ lại là anh? Có ai gọi điện cho chị vào giờ này đâu nhỉ? Tim chị đập rộn ràng. Đầu dây bên kia tiếng người đồng nghiệp lảnh lót vang lên: “Hồng ơi, khoẻ chưa?”. “Cũng đỡ rồi”. Chị đáp. “Giời ơi, hôm nay tất cả mọi người đều sợ…”. “Sợ cái gì cơ?”. “Mặt mày tái ngắt đi, người mày lả ra trong tay người đàn ông ấy”. “Lả ra như thế nào?” - Chị hồi hộp hỏi. “Chân mày lết trên đất. Thực ra lão ta có thể bế bổng mày lên nhưng mà lão ấy ngượng”. “Ngượng cái gì?”. “Ngượng vì mày mày ngất. Tại sao đi với nhau ra hàng uống cafe lại ngất?”.
Chị cười: “Thì tao tinh tướng. Đối phương sang thì mình cũng phải tỏ ra chịu chơi thì uống”.
Lại tiếng cười vang lên. Hoa bảo: “Nhưng mà khá đẹp đôi đấy. Mày biết tao mê nhất của lão cái gì không?”. “Mê cái gì?”. “Hàm răng. Khi lão cười, phô hàm răng trắng xoá đều tăm tắp, bảo: “Tôi… tôi… tôi không thể tưởng tượng được. Hình như Hồng không biết uống cafe mà cô ấy đã làm hết một cốc. Một là cô ấy bị tiền đình cho nên khi cafe vào…”. Anh Hoàng bảo “Ông nhầm, nếu mà bị tiền đình cafe vào càng tỉnh”. “Thế thì cô ấy say cafe rồi”. Cả lũ quây lấy hắn, bảo: “Ông cho cái gì vào cafe của nó? Chưa bao giờ nó ngất như thế này. Ông phải ở đây để chịu trách nhiệm”. Lão ta cười và đưa số điện thoại. Bàn tay ngón dài thẳng tắp run run ghi số điện thoại, ghi tên, ghi địa chỉ và ngồi tần ngần ở bàn làm việc. Lão đi rồi. Bọn tao nhìn mày nằm thiêm thiếp trên giường không thể tưởng tượng nổi trong đời lại có những chuyện như thế. Mày khoẻ rồi chứ gì?
Chị cười: “Khoẻ rồi”. “Thôi thì say lão ấy đi cho bọn tao mừng. Bốn năm rồi còn gì? Ở dưới suối vàng bố thằng Tùng cũng mồ yên mả đẹp. Mày thủ tiết với ông ấy thế là đủ rồi. Bây giờ mày mới có ba mốt tuổi, không ai đi thờ chồng từ năm ba mốt tuổi cả”. “Thôi mày đừng nói đến chuyện ấy”. “Tao nói thật đấy. Lão ấy có một cái gì đấy mà người ta nhìn dễ tin ngay. Bọn tao đều tin và nghĩ rằng tại sao công ty bên kia lại mọc ra một thằng cha dễ thương đến thế? Và tại sao chúng mày lại ở trong vòng tay nhau trong một hoàn cảnh như thế? Thôi trời định rồi. Yêu đi”. “Mày làm tình yêu cứ như là đùa ấy. Quá bằng đi ăn bát phở. Chọn một hàng phở ngon bây giờ còn khó nữa là đi tìm một tình yêu”. “Ờ thế đấy. Có khi cả bốn năm, có khi cả đời mày đi tìm nhưng không gặp, thế mà bỗng dưng lại gặp đấy”.
Chị im lặng. Trong người chị nhói lên một cảm giác lâu lắm rồi không có. Nó hồi hộp. Nó vui. Lại buồn. Lại xót xa, lại chới với mong manh như có thể có. Có thể không.
Chị bần thần. Lại ra cửa sổ ngồi. Mọi thứ đến nhanh như một cơn gió. Hàng nghìn cơn gió đã thổi qua suốt cuộc đời chị. Nhưng cơn gió này thì khác. Cơn gió này không lành lạnh, không mát mát như gió của một ngày hè, không phải là cơn gió của đầu mùa đông đến xao xác đuổi lá trên hè phố. Mà là một cơn gió mang hương vị của một người đàn ông. Chị rùng mình. Cái mùi ấy đang trở lại quanh chị. Quanh quất đâu đây. Bủa vây như những cái kim tiêm nhỏ châm chích vào người chị.
Lại có chuông điện thoại. Chị nghĩ là Hoa gọi lại: “Gì đấy hả? lại cái gì đấy hả?”
Bên kia im lặng, chị chợt giật mình. Một giọng đàn ông khàn khàn vang lên : “Alô, cho tôi gặp chị Hồng.”
Chị rùng mình: “Vâng, tôi Hồng đây . “Sức khoẻ của chị thế nào?”. Giọng anh run run cố làm vẻ bình tĩnh.
“Dạ, tôi bình thường rồi ạ”. “Tôi xin lỗi chị, tôi thấy đồng nghiệp của chị nói chị không biết uống cafe nhưng tôi không tin. Từ đứa trẻ con đến người già đều biết uống cafe”. “Vâng. Nhưng tôi thì không. Người ta thường uống cafe với những người bạn, với tri âm, tri kỷ, với những người đồng hành. Còn tôi, tôi là phụ nữ…”. “Nếu có chuyện gì xảy ra với chị, thì tôi ân hận lắm. Tôi xin lỗi chị cả việc tôi đã đường đột bế chị vào phòng ngày hôm nay”. “ Không, anh dìu tôi vào phòng chứ?”. “Không, tôi dìu chị vào phòng, nhưng đến gần cái giường tôi có bế chị lên”.
Chị lại rùng mình. Hoá ra là thế. Hoá ra là ngưòi đàn ông ấy đã bế mình và từ đầu đến chân mình là mùi của người ấy.
“Nếu có thể... chúng ta gặp lại nhau chứ?”. “Vâng”. “Tôi muốn mời chị đi uống cafe nhưng pha loãng để chị quen từ từ. Khi mà nghiện rồi, chị sẽ thấy thiếu nó chị không thể chịu được”. “Thế à? Tôi chả nghiện cái gì bao giờ”. “Ôi thế à? Còn tôi thì nghiện cafe, thuốc lá. Sáng ra chỉ cần một cốc thôi và một điếu thuốc thì tôi sẽ tỉnh táo đến trưa. Nếu không tôi rất cáu. Nhiều khi tôi cứ cáu lung tung, mọi người không biết tôi cáu vì chuyện gì. Mãi đến chiều thì tôi phát hiện ra tôi cáu vì thiếu cafe”. “Thế à? Nghiện cái gì sẽ khổ vì cái đấy”. “Vâng, tôi biết thế. Bây giờ chả biết làm thế nào để bỏ được”. “Anh biết thế mà anh lại xui tôi nghiện à?”. Chị lại hăng máu lên.
Bên kia, một giọng cười vang lên: “Cũng nên nghiện một cái gi đấy chứ?. Mà nghiện cafe đâu phải là xấu?”.
Chị cười: “Thôi được rồi, chào anh. Cảm ơn anh vì lời hỏi thăm.”. “Chào chị. Chúc chị ngủ ngon”.
Tiếng gió xào xạc từ xa thổi về. Hình như có cơn mưa đang đến. Có tiếng sấm ì ầm phía xa và gió rung lên ngoài vườn. Trong không khí hơi mưa mát lạnh. Trước khi mưa, bao giờ gió cũng mát., cũng ngai ngái một cái mùi không gian như thế. Hôm nay, gió mát, nhưng gió không ngai ngái mà gió có mùi. Mùi của đàn ông...
Bà ngồi lên xe.
Đằng trước, đằng sau lỉnh kỉnh những túi to, túi bé. Ông vòng tay ra kiểm tra xem bà đã ngồi chắc chắn chưa, hai chân bà đã đặt lên chỗ để chân chưa. Và chiếc xe phóng đi.
Gió ù ù thổi bên tai.
Xe đi như lướt trên đường cao tốc phẳng lì. Hai người như nhẹ bẫng và bay lên khỏi mặt đất. Đến Hồ Ngọc là ba giờ chiều.
Nắng cuối thu ong vàng. Những cây điệp bông vàng dài rũ xuống như những sợi vàng ròng ngả nghiêng trong gió. Mặt hồ xanh. Mênh mông sâu hiền hoà. Phía xa, bên kia hồ là những dãy núi, mây trắng viền xung quanh.
Xe dừng lại trên đỉnh dốc.
Bà thốt lên: “Yên bình quá”.
Ông quay lại nhìn bà. Ánh sáng từ đôi mắt, nét tươi tắn của hạnh phúc làm khuôn mặt đầy bụi của bà bừng sáng, trẻ thơ.
Hai con bé lễ tân chạy ra, trố mặt ngạc nhiên, giọng véo von: “Ông bà máu nhỉ. Phi bằng xe máy lên đây”.
Bà nhăn mặt vì lời lẽ bặm trợn của chúng.
Ông cười hiền hoà: “Đã muốn thì đi được hết. Hai cháu lấy cho ông bà buồng nào nhìn ra hồ nhé”. “Có mà đầy. Chỉ sợ chiều tối ông bà rét run cầm cập thôi”.
Bà im lặng không nói gì. Ông biết bà không thích kiểu nói năng như thế. Ông vội nói nhỏ vào tai bà: “Nó ở quê đi làm kiếm tiền từ bé. Nói năng như thế nhưng mà ngoan”.
Y như thể chứng minh lời ông nói, hai đứa xông vào tháo dây buộc các túi rồi xách đi phăm phăm, dẫn họ vào một buồng trên tầng hai.
Bà mở toang tất cả các cánh cửa. Đằng sau. Ông đang dỡ túi đồ đạc và bày ra. Quần áo, vỏ chăn, vỏ gối, máy sấy tóc cho bà và một cái phin pha cafe. Sau lần đầu tiên ấy, bà trở nên nghiện và họ gọi đấy là thuốc độc… Ông dọn dẹp như đấy chính là căn phòng riêng cho họ lần đầu tiên được ở với nhau. Sau hơn hai mươi năm chờ đợi. Bà đến đằng sau ông. Ôm lấy ông và bảo: “Cảm ơn ông. Tôi không nghĩ là mình có những ngày hạnh phúc như thế này”.
Ông cười, ôm bà vào lòng, thì thầm: “Mình chờ đợi ngày này gần nửa cuộc đời. Con cháu đã lớn, mình không phải ân hận gì cả. Mẹ chúng nó ở nước ngoài khi biết có một người đàn bà nhân hậu đến với tôi cũng thấy yên tâm thanh thản.” Bà cười và nói: “Đi ra hồ đi. Nắng đang đẹp”.
Gió và nắng ùa vào làm tóc bà bay tung.
Mắt bà đập vào một rừng hoa điệp vàng đang bay theo gió.
Sau hoa là hồ. Sau hồ là núi. Nắng mùa thu nhuộm vàng óng tất cả.
Hai người đi ra hồ. Từng gốc cây, ngọn cỏ đều như có tiếng nhạc lẫn trong tiếng gió chiều. Quanh họ là tiếng cười của bọn trẻ. Từng đám túm tụm nhau lại trên những bãi cỏ. Chúng bày bánh trái, hoa quả và đồ uồng ra liên hoan. Đứa đánh đàn ghita. Đứa hát. Một đội khác bật cát xét và nhảy múa từng đôi.
Chúng trông thấy ông bà đi dạo trên hồ, đều cất tiếng chào như chào ông bà chúng ở nhà: “Ông bà ngồi đây liên hoan với cháu. Ông ơi. Ông hát tặng bà một bài đi ông. Hay bà hát tặng ông vậy…”
Từng đám. Từng đám mời chào thành thực. Mặt đứa nào cũng tươi rói niềm vui, của tuổi trẻ. Ông cười hồn hậu: “ Các cháu ở đâu đến đây?” “Bọn cháu ở trường Thương mại”, “Còn chúng cháu ở trường Sư phạm...”.
Sát bờ hồ. Một nhóm sáu đứa khoảng hơn hai mươi tuổi đang ngồi hát đồng ca. Đồ ăn đồ uống chúng để ở giữa. Ba cô gái và ba chàng trai. Mặt chúng trong veo, thánh thiện đến nỗi bà phải dừng lại nhìn.
“Đẹp quá” Bà nói. “Ừ, có tuổi trẻ là có hết” Ông nói.
Một cô bé tóc buộc hai bên bằng hai cái nơ vàng, đôi hoa tai vàng tây mảnh mai có đính hạt ngọc trai nhỏ lúc lắc theo gió cười, mắt ánh đầy nước, mặc áo vàng bỏ trong quần bò đứng dậy chào: “Ông bà ngồi đây hóng gió với chúng cháu: “Thế các cháu ở đâu đến đây?”. “Bọn cháu ở trường Sư phạm ạ” “Nghỉ cuối tuần bọn cháu đi dã ngoại ạ”.
Chúng nhao nhao trả lời.
Ông bà cười. Bà nói: “Ông bà muốn đi dạo một lúc. Các cháu cứ ngồi chơi đi” “ Vâng ạ. Chốc trăng lên ông bà về đây phá cỗ với bọn cháu nhé.” - Cô bé đeo đôi hoa tai cười tít mắt, mời.
Và chúng nó lại gõ vào chiếc đàn oóc điện tử, hát váng lên.
Tiếng hát chạy lô xô theo những cơn sóng trên hồ. Xa mãi.
Chiều muộn dần.

Hai người đã đi dạo nửa vòng hồ và quay lại.
Và trăng lên.
Trăng mười bảy vàng ối trên trời. To và rực rỡ tưới ánh sáng xuống sóng nước như thác vàng ròng chảy mãi đến tận bờ.
Bên đảo. Có đống lửa cháy bập bùng. Tiếng đàn tiếng hát từ bên đó vọng sang bên này. Còn bên này. Không gian bỗng yên ắng một cách kì lạ. Không còn một tiếng hát, tiếng đùa cười. Chỉ có mỗi tiếng gió lùa lá cây xào xạc, hoang vu.
Bà nắm lấy tay ông, hồi hộp như thiếu nữ: “Tôi muốn ra hồ và ở giữa luồng ánh trăng kia quá”.
Mặt bà đầy ánh sáng và niềm khát khao cháy bỏng. Ông cười. Gật đầu: “Bà đợi ở đây, để tôi đi thuê tàu”.
Rồi ông dắt tay bà đi về phía mép hồ. Một chiếc tàu du lịch nổ xịch xịch đợi sẵn. Ông đỡ bà đi qua miếng ván trèo lên. Cậu thanh niên lái tàu cười, mặt khuất tối, chỉ chỉ thấy hàm răng trắng loá: “ Ông bà xuống khoang cho đỡ gió”.
Bà lắc đầu: “Gió mới mát. Đứng trên boong mắt nhìn được hết cảnh.”
Và chiếc tàu rẽ sóng ra giữa hồ.
Bà nói to và tai cậu lái thuyền: “Đến đúng chỗ ánh trăng kia thì dừng lại nhé!”.
Cậu lái tàu gật đầu. Tắt máy. Chiếc tàu tắm mình trong luồng sáng vàng chảy thẳng từ trên trời xuống. Xung quanh là những con sóng vàng rượi đuổi nhau ra xa.
Mặt bà rạng ngời hạnh phúc: “Cuộc sống của mình chỉ cần một lần thế này là đủ”. “Phải tôi cũng chỉ cần nhìn thấy bà một lần như lúc này là mãn nguyện lắm rồi”.
Ông đáp và che gió. Châm một điếu thuốc. Mùi thuốc lá thơm bay loang trong gió hồ trong vắt quyến luyến. Ông bước lên và chìa bao thuốc cho cậu lái tàu Cậu ta ngồi. Lưng gù xuống và đăm đăm nhìn về phía đảo. Nơi có một nhóm đang đốt lửa trại.
Bà hít mạnh vào lồng ngực mùi gió hồ man mát, mùi lá cây xa xa ngai ngái và mùi khói củi từ đảo đưa lại.
Mặt đầy hạnh phúc, bà đến bên ông và cậu lái tàu, bảo: “Hồ này nước càng ngày càng trong. Hồi chiều tôi nhìn thấy cả rễ cỏ”.
“Hồ nằm giữa núi nên được lọc và nước ở các khe suối lưu thông nên sạch lắm.” - Cậu lái tàu đáp và lại tự châm một điếu thuốc. “Khách đến đây càng ngày càng đông nhỉ?” - Ông hỏi. “Vâng. Đường đẹp, không khí trong lành, cuối tuần đông lắm.” - Cậu ta vẫn gù gập ngồi rít thuốc.
“Tôi nghe nói, năm ngoái hồ này có người chết đuối. Hồ này có sâu lắm không?” - Bà hỏi vu vơ “Hồ có chỗ sâu, chỗ nông. Năm nào cũng một hai người đi bác ạ” - Cậu lái tàu trả lời.
“Năm nay có ai bị không” - Bà quay lại hỏi. Mặt bà tràn trề ánh trăng. Cả ông cũng thế. Chỉ có cậu lái tàu là tối om, như một bóng ma. “Có ạ” - Cậu lái tàu châm thuốc, nối điếu này sang điếu kia chứ không để thuốc tắt hẳn. “Trẻ hay già” - Bà tò mò. “Trẻ. Vừa lúc nãy xong” - Cậu lái tàu nói, nhẹ như không. “Cái gì? Vừa lúc nãy?” - Bà thất sắc, chợt so người lại vì lạnh.
Giọng cậu lái tàu trầm xuống: “Phải hơn hai tiếng mới kéo được xác lên”. “Hồ sâu thế cơ à?” - Ông hỏi và đi đến gần bà. Ôm bà trong vòng tay của mình. Ông thấy bà đang run. “Con bé mặc nguyên quần áo, lại quần bò nên nặng quá đâm chìm sâu”.
Giọng bà lạc đi: “Nó bao nhiêu tuổi?”. “Hai mươi mốt. Thằng người yêu ngất lên ngất xuống”. “Trời đất” - Bà nói.
“Sáu đứa thuê tàu này đưa sang đảo chơi. Cứ ngồi đàn hát một lúc rồi về thì không đến nỗi. Thấy nắng đẹp. Bọn chúng hứng lên thuê phao bơi. Ba cô bám vào một cái phao rồi kéo nhau ra xa. Quần áo mặc nguyên, lại ngấm nước nên nặng. Đùa cười thế nào lật phao. Một đứa hơi biết bơi thì gào thét kêu cứu. Thằng bé trên bờ biết bơi lao xuống cứu được hai đứa. Quay lại người yêu mình thì con bé đã chìm rồi.”
“Sáu đứa? Có phải ba thằng bé và ba con bé học Sư phạm không? Buổi chiều chúng nó ngồi hát ở bên hồ?” . “Đúng rồi. Chúng nó đấy”. “Thế... thế con bé chết là đứa nào?” - Bà khóc.
“Con bé xinh nhất ấy. Nó buộc tóc đôi, tai đeo hoa tai vàng tây có viên ngọc trai”. “Trời ơi... Vừa lúc nãy, nó còn hẹn mình đi dạo xong đợi trăng lên phá cỗ... Thế mà bây giờ trăng đã lên tròn, đẹp thế kia còn nó thì nằm lạnh ở bãi cỏ rồi về với đất...” Bà tựa vào ông như quỵ ngã.
Trăng lên cao và vàng rực góc trời. Ánh sáng vàng chảy như dải lụa từ trời cao mênh mông gió trải xuống mặt hồ. Bà ngôì xuống chiếc ghế sắt. Người cứng lại. Ông châm thuốc và ôm chặt bà hơn.
“Một đội thợ lặn mò xác nó mà không được. Sau đó bọn em phải dùng tàu thả lưới móc câu kéo khắp hồ mới tìm được con bé... Lưỡi móc móc vào tóc nó kéo mãi mới lên vì người nó chìm hẳn xuống bùn rồi”.
Tự nhiên nói đến đó, cậu lái tàu thở dài và đứng dậy: “Vừa chở xác nó lên bờ thì anh chị gọi, em bế nó đặt lên bãi cỏ kia kìa rồi chở anh chị luôn”. “Cái gì? Chở bằng tàu này. Còn nó thì nằm ngoài bãi cỏ kia?”. - Bà chỉ tay theo hướng cậu lái tàu. “Vâng. Nó nằm trên boong này này”. Cậu giậm mạnh chân xuống chỗ họ vừa đứng: “Còn bầy giờ thì nằm kia, chỗ có ngọn đèn sáng mà mấy người đứng kia kìa!”. “Giời ơi. Sao không cho nó vào nhà mà để nó nằm ngoài cỏ lạnh thế?” - Bà lau nước mắt. “Ở đây làm gì có nhà xác. Toàn khách sạn nhà hàng người ta kiêng. Ai lại cho xác chết vào nhà mình?”
Bà run rẩy: “Anh cho chúng tôi lên bờ đi. Tôi lạnh”. Cậu ta gật đầu, ra đầu tàu nổ máy. Tiếng động cơ máy nổ làm mặt hồ êm ái vàng rượi như vỡ tung ra.
Bà ngồi lặng ngắt trong tay ông như pho tượng. Mắt bà nhìn dõi về phía bờ tối có một ngọn đèn vàng treo trên chiếc sào và bóng vài người thấp thoáng.
Bà thầm thì vào tai ông: “Mình về Hà Nội luôn nhé?”
Ông cúi nhìn bà, mặt già sọm: “Bà có mệt không?”.
Bà lắc đầu: “Tôi không chịu được nếu đêm nay ở đây. Tự nhiên tôi nhớ bọn trẻ ở nhà. Không biết giờ này chúng làm gì?”. “Tôi cũng lo thằng Kim sốt lại. Đêm qua nó bỏ tiêm kháng sinh. - Ông thở dài - Bố mẹ nó chả để ý gì, để thằng bé thích làm gì làm đấy.”
- Anh chị định ở đây bao lâu? - Cậu lái tàu cho tàu cập bến, ném tấm gỗ ván ra làm cầu cho họ lên bờ.
- Có lẽ chúng tôi về luôn - Ông đáp.
- Về luôn? Đường tối nguy hiểm lắm. Sáng mai ăn uống xong hẵng về.
Bà lắc đầu:
- Tôi nhìn đâu cũng thấy con bé ấy.
- Thấy bảo cuối năm ra trường là cưới. Đi xem thầy, bảo số nó may mắn lắm. Thế mà... Tội nghiệp. Lúc vớt nó lên, chưa bị no nước vì nó chìm xuống bùn. Mấy người rửa mặt cho con bé, da nó chỉ xanh thôi chứ cứ như người ngủ ấy. Đúng là chỉ trong tích tắc, chẳng biết thế nào. - Cậu lái tàu trầm ngâm.
Chỉ trong nửa tiếng là ông lại thu dọn xong tất cả đồ đạc vào hai chiếc túi. Mọi thủ tục trả phòng đều nhanh như thể họ đang trốn chạy.
Xe chạy ra đường. Gần đến chỗ bãi cỏ có cô bé nằm. Ông đi chậm lại. Họ cùng nhìn vào. Có một tấm ga trắng đắp dài theo người con bé. Ai đó đã thắp một bó hương to đang nghi ngút cháy. Một chiếc xe mười hai chỗ màu trắng đỗ cạnh. Và một chiế quan tài dưới đất. Tiếng khóc, tiếng kêu của năm đứa bạn còn lại theo gió ạt ra phía ông bà đứng. Thỉnh thoảng trong gió có cả mùi khói hương nồng nàn vời vợi.
Ông quay sang nhìn bà, hỏi: “Mình vào thắp cho con bé nén hương?”

Bà lắc đầu: “Thôi. Dù sao nó cũng đi rồi. Có thắp hương cũng không gọi được hồn nó về. Người chết đuối muốn hồn về thì người nhà phải làm lễ bắc cầu hồn mới về... Tôi sợ không chịu nổi nếu vào đó... ánh mắt, nụ cười, gương mặt nó ám ảnh tôi hết đời rồi...”
Đường vắng vì mọi người mải xem đá bóng.
Gió ù ù hai tai bà và ông. Bà so người lại vì lạnh và buồn, nỗi buồn như rách ruột gan.
Cứ mỗi lần đằng sau có ánh sáng một chiếc ô tô là bà so người lại, và lén quay lại nhìn xem có phải chiếc xe màu trắng chở xác cô bé kia không.
Không phải. Bà lại thở dài.
Bỗng nhiên trong không gian ầm vang tiếng reo hò. Ông bảo: Việt Nam thắng rồi.
Lúc đó, họ đang đi qua cầu Thăng Long để vào Hà Nội. Hà Nội đón ông bà bằng tiếng trống. Tiếng gõ. Tiếng reo hò từ tứ phía. “Việt Nam muôn năm”, “Việt Nam chiến thắng”, và những tiếng hát vang: Alê ... alế ... àlê ... khắp trên các ngõ phố.
Và từ lúc nào ông bà cũng không biết là mình đã hoà vào dòng đua xe vủa bọn trẻ. Chúng mặc áo màu cờ đỏ sao vàng, thắt nơ đỏ, tay trống tay cờ, gào, thét ầm vang khắp các ngả đường đổ về trung tâm. Không khí bỗng nhiên đặc quánh lại vì khói xe toả ra.
Người bà nóng rực lên. Bà nhăn mặt, tay ôm lấy đầu như muốn giữ cho nó khỏi nổ tung ra vì tiếng động.
“Sao bọn trẻ ở đâu ra mà lắm thế?” - Bà thốt lên.
Ông vẫn cần mẫn đi. Chậm và dè dặt giữa một dòng thác người và xe.
Một đám con trai con gái chỉ bằng tuổi thằng cháu ông ở nhà chợt sà sát vào xe ông bà, cười to và gí một chiếc cờ vào tay bà.
- Ông bà già máu nhỉ. Cũng đi cổ vũ cho Việt Nam thắng Thái Lan.
- Thắng mấy không? - Ông quay sang hỏi.
- 2-0. Oách chưa?
Bỗng nhiên trong lòng bà có hai cái cờ. Nhìn sang bên thì bọn trẻ đã vượt lên phía trước. Bà cười buồn, tay cầm hai chiếc cờ đỏ sao vàng thõng xuống. “Ông cứ đi thẳng, bọn đua xe đi đâu mình theo đó thì không sao, mình mà tách chúng ra là bị đâm đấy.” - Bà nhắc. “Nhưng chúng đổ về Bờ Hồ, còn mình thì phải rẽ phố khác. Đi theo mãi thế nào được.” - Ông đáp. “Cứ phải theo. Đấy là kinh nghiệm của bọn trẻ bảo tôi”. “Bọn nào?”. - Ông hỏi. “Cháu ông và cháu tôi đều nói thế”.
Bỗng nhiên, trong đoàn đua xe có hai ông bà già tay cầm cờ và chỉ thiếu trống là đủ. Từng dòng người như những tấm bè đủ màu sắc trôi lừ lừ trên sông đổ về những phố lớn. Khói xe đặc quánh quẩn lại như khói của những đám cháy rơm rạ đốt nương.
“Bà cứ ngồi yên, tôi sẽ đưa bà về”. “Nếu khó rẽ, cứ đua cùng chúng nó cho an toàn.” - Bà nói, giọng run run vì sợ.
Dòng sông người vẫn ầm ì trôi. Thỉnh thoảng có một vài đứa rồ máy, tẹt ga, bốc đầu xe rú lên bứt khỏi đoàn đua. Và sau đó là cả một hội gần trăm chiếc xe bắt chước theo.
Ông bảo: “Đợi nó thưa thưa là tôi rẽ”
Bà im lặng. Vòng tay ôm ông. Bà áp mặt vào lưng ông. Cảm giác ấm áp bình tâm trở lại. Mùi hương từ người ông lại bủa vây lấy bà. Xua đi mùi lạnh của hồ. Mùi khét của khói xe máy. Bà nhắm mắt lại.
Rồi ông cũng đưa bà về đến đầu ngõ.
Bà thở mạnh: “Thế là cũng về đến nhà”.
Ông cười, nhìn bà. Mặt ông già sọp vì căng thẳng: “Đi với tôi thì bà không bao giờ phải lo”. “Tôi có lo đâu. Chỉ sợ cứ đua cùng chúng nó đến sáng thì ông mệt thôi.”. “Bà vào nghỉ đi. Thật tiếc là không ở được đến mai. Tôi thấy dù có thế nào, tôi và bà còn may mắn hơn con bé kia”. “Ông đừng buồn nhiều. Ai cũng một lần phải chết. Chỉ tội nghiệp con bé còn trẻ quá, cuộc sống của nó mới là bắt đầu.”. “Tôi chỉ sợ bà buồn. Bao nhiêu năm ao ước lo xong cho con cháu để yên tâm đi với nhau trọn một ngày. Vậy mà, có mấy tiếng đã về.”. “Không sao. Lúc nào ông cũng nghĩ đến tôi là đủ lắm rồi”. “Tôi cũng thế”. “Ông về. Nhớ đi cẩn thận nhé”. “Bà yên tâm. Bọn trẻ đi chưa gấu bằng tôi đâu”. - Ông đùa.
Ra khỏi ngõ nhà bà. Một mình ông lại hoà vào một dòng đua mới. Chúng vê côn, rồ ga và luồn lách phóng. Có những xe mài chân chống toé lửa dưới đường. Xe nào cũng đèo ít nhất một đến hai đứa. Chúng bỏ tay để reo hò, có những đứa đứng trên yên xe gõ trống.
Ông đi chầm chậm. Ông thấy trước mặt mình là ngày 2-9 cách đây mấy chục năm. Ông đèo thằng út đi bằng xe đạp. Thằng cả đi một xe bên cạnh. Tay chúng nó cũng cầm cờ đỏ sao vàng vẫy rối rít, hét loạn đường như những đứa trẻ đang gào thét cổ vũ bóng đá kia. Rồi đến con của chúng nó - là cháu nội ông bây giờ cũng bằng bọn trẻ kia. Bố mẹ có tiền hơn ông ngày xưa nên mua xe cho chúng đi từ khi chúng 15 tuổi. Tóc thằng Kim cũng nhuộm mấy màu mốt Hàn Quốc. Hàng ngày chúng ở đâu mà sao không thấy. Cứ đêm là đổ ra cuồn cuộn như thế này. Mà khuya thế này không về, bố mẹ cũng không hỏi nhỉ? Ông miên man nghĩ: Rồi ông thấy khuôn mặt bà rười rượi dưới ánh trăng vàng. Bà vẫn như ngày đầu tiên ông thấy. Ông thở dài và lại thấy con bé buộc tóc đôi có hai hạt ngọc trai lúc lắc bên tai nhoẻn cười với ông bên bờ hồ, hẹn ông bà đi dạo rồi quay lại phá cỗ... Ông rùng mình. Tay lái ông chợt loạng choạng.
Và “rầm”. Một chiếc xe từ đằng sau đâm thẳng vào xe của ông. Ông chưa kịp hiểu điều gì vừa xảy ra thỉ “rầm rầm” thêm vài tiếng nữa. Những cú va mạnh liên tiếp dội vào ngực ông. Ông bay ra khỏi xe. Chỉ thấy tức ngực. Thấy choáng váng. Thấy đau ở đâu đó ông không biết. Ông nằm dưới đường. Đầu ông đập lên bờ vỉa hè và người thì vắt qua rãnh cống. Ông cảm giác có một luồng nước lạnh và đặc âm thầm mềm mại chảy dưới lưng.
Ông thấy nhiều tiếng nói bên mình. Tiếng la hét. Tiếng gọi nhau. Tiếng chửi thề của bọn trẻ. Có tiếng ai như tiếng thằng cháu nội ông - Thằng Kim bé bỏng ốm yếu: “Mày làm tan cái xe năm mươi vé của tao rồi”. “Tại tao đâu, tại ông già tự nhiên rẽ ngang ấy chứ”. “Khổ. Mày xem ông ấy thế nào mà nằm im thế?”. “Xem chó gì. Bùng ngay không cớm đến để vào ngục à? Kiểu gì thì cũng xong rồi”. “Thì biến. Ông ơi ông có chết thì đừng oán bọn cháu. Tại ông rẽ ngang chứ không phải tại bọn cháu đâu.” - Tiếng một thằng.
Ông nhận ra đúng tiếng thằng Kim. Ông mở mắt và cố đẩy các cục gì đó rất nặng đang đè nặng lên ngực để gọi thằng Kim. Để bảo nó phải đi xe cho cẩn thận, về nhà ngay và sao giờ này còn ra đường.
Ông nằm im giữa tiếng mặt đất ầm ĩ rung chuyển bởi hàng ngìn chiếc xe máy chạy. Dưới lưng ông. Dòng nước vẫn thao thiết chảy. Càng chảy càng êm ái và ấm áp như cuốn ông từ từ trôi đi.
Bà ngồi bên máy điện thoại.
Ngoài kia là đêm.
Cứ một lúc bà lại bấm điện thoại cho ông. Mới chia tay nhau có mấy tiếng mà có bao nhiêu chuyện để nói. Chuyện con, chuyện cháu, chuyện con mèo bỏ đi không về mà rõ ràng là bà nghe thấy tiếng nó kêu. Cả ông nữa. Chắc là ông cũng nhêìu chuyện để kể lắm. Chuông nhà ông đổ liên hồi nhưng không ai nhấc máy. “Chắc lại mất điện hay tuột đường dây rồi”. Bà lẩm bẩm và đi ra cửa sổ đứng nhìn xuống đường.
Mấy chục năm họ nói chuyện với nhau, chia sẻ với nhau mọi chuyện của cuộc sống nhưng chưa có ngày nào dài như ngày hôm nay. Bà tỉnh táo một cách lạ lùng. Bà nghĩ. Nếu bà không gọi được điện cho ông thì ngày mai. Bà sẽ phải đến ông sớm để nói với ông rằng dù họ có phải chờ đợi nhau suốt đời bà cũng thấy yên lòng vì ít ra, họ còn được sống, nhât là sống cùng những người thân...
Khi những ánh nắng ban mai đầu tiên thấp thoáng qua tán lá cây cũng là lúc bà tỉnh dậy sau một giấc ngủ ngắn và chập chờn. Bà đi ra cửa. Và bàng hoàng khi thấy tất cả ngoài vườn nhuộm một màu vàng rượi của nắng cuối mùa thu. Những luồng nắng cuối thu bỗng rực lên, như muốn thiêu đốt tất cả bằng sự cháy sáng của mình. Bà cảm thấy một ngày mới đã bắt đầu và những gì khủng khiếp nhất ngày hôm qua của ông với bà cũng đã qua.
“Cuộc sống thật là vô giá. Tôi có thể sống vĩnh cửu ngay cả sau khi chết vì có tình yêu của ông dành cho tôi”.
Bà muốn ôm tất cả mùa thu vàng rực rỡ này vào lòng và nói với ông điều đó.

Nguyễn Thị Thu Huệ 

Những ca khúc về mùa thu  Playlist : Nguyễn Hữu Quảng 

NỖI BUỒN MÙA THU
Có lẽ những chiếc lá mùa thu đã nhuộm vàng phần lớn thi ca nhân loại. Và dường như nếu không có mùa thu thì những cuộc tình sẽ không còn lãng mạn, thế gian này sẽ không có mặt của thi nhân. Ông Văn Cao đã khởi đầu sự nghiệp của mình bằng “Buồn Tàn Thu” để rồi cuộc đời của người nghệ sĩ tài hoa này cũng tàn theo Giai Phẩm Mùa Thu (trong Nhân Văn Giai Phẩm). Ông mất đi trong cảnh khôn cùng để lại cho đời một kho tàng âm nhạc quí giá, cùng sự thương tiếc ngậm ngùi và bao điều suy ngẫm. “Cây đại thụ” Phạm Duy phỏng theo một bài thơ Tây, phổ bản “Mùa Thu Chết”, để rồi tên tuổi cũng đã chết theo mùa thu ở cái “thị trấn giữa đàng” bên tận xứ Cali, bởi cái tính kênh kiệu và tấm lòng phản trắc, chỉ để lại cho những người từng hâm mộ ông sự chua xót, bẽ bàng. Ở Việt nam ta, nếu “con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô” đã làm nên Lưu Trọng Lư, thì bên Tây “Les Feuilles Mortes” đã khắc sâu tên tuổi Jacques Prévert trong lòng những người mê thơ, yêu nhạc.
Riêng cái thằng vừa nhà quê vừa ít chữ như tôi dĩ nhiên không thể nào làm nỗi một câu thơ và cũng chẳng mò ra được một nốt nhạc, vậy mà tâm hồn lại rất dễ bị đắm chìm trong những lời thơ tiếng nhạc - đặc biệt có Mùa Thu trong đó. Nhưng trong tất cả những tác phẩm có bóng dáng Mùa Thu trên thế gian này, cái bài làm tôi xúc động nhất, thuộc lòng từ thời tấm bé, không phải là thơ, là nhạc, của ta hay tây, mà lại là một bài văn xuôi rất …học trò của ông Thanh Tịnh.
“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. Tôi quên thế nào được……….
Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp…….”
Không biết ngày ấy ông Thanh Tịnh ở tận nơi đâu, mà sao cái cảnh ngày đầu tiên ông đi học giống tôi như đúc. Tôi cũng được mẹ nắm tay dẫn đi trên con đường làng Phú Hội, cũng vào một buổi sáng có (một chút) sương thu và gió lạnh.
Một năm sau mẹ tôi qua đời, bỏ lại tôi một mình đi trên con đường dài và hẹp đó với bóng dáng yêu dấu của bà. Rồi cũng một năm sau nữa, cha tôi đang dạy học ở trường Pháp Việt thì bị Việt Minh bắt đưa ra Liên Khu Năm làm “công tác xóa nạn mù chữ”. Tôi trở thành thằng bé mồ côi, phải về ở với ông bà nội. Mỗi ngày tôi vẫn đi trên con đường làng ấy, nhưng bây giờ tôi đến trường cùng một đám anh em bà con trạc tuổi. Sau này, trong đám học trò dưới mái trường làng ngày ấy có vài thằng lên núi đi làm... kách mệnh, có đứa sớm thành liệt sĩ; nhiều đứa làm quan làm lính cộng hòa, cũng có lắm thằng đuợc Tổ Quốc Ghi Ơn; đám còn lại là nông dân năm tháng soi mặt với ruộng đồng, nhưng cũng có thằng trở thành giáo sư, bác sĩ, lấy vợ rồi đóng đô luôn ở chốn thị thành, chỉ lâu lâu dắt díu nhau về thăm làng cũ.
Vậy mà cái tình đồng môn của thời thơ ấu đó lại keo sơn gắn bó đến không ngờ. Mấy ông nông dân có con cháu đi lính, được mấy ông bạn nhà binh nhận về đơn vị chở che, xuống thành phố đi học có mấy ông bạn thầy giáo hướng dẫn lo trường lo lớp, nơi ăn chốn ở; đau bệnh thì có mấy thằng bác sĩ chăm sóc thuốc men, xin vào nhà thuơng miễn phí. Mấy thằng làm quan lâu lâu về quê chở cả đám nông dân ra thành phố tập tễnh ăn chơi cho biết cái sự đời. Quân với dân còn hơn cả cá với nước.
Rồi đùng một cái, tháng 4/75, bão tố bất ngờ ập xuống, kéo theo cơn lốc đổi đời bi thảm: Mấy ông bạn trên núi nghênh ngang về nắm chính quyền, mấy ông nông dân vốn bao năm an nhàn với đồng áng bây giờ lại được mấy ông bạn chính quyền ưu ái lấy hết ruộng đất đưa vào hợp tác xã, giúp những thằng bạn cũ sớm trở thành vô sản, hầu cùng nhau “tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc” lên thế giới đại đồng (!). Mấy ông lính, ông thầy, ông bác sĩ tự dưng trở thành “những con nai vàng ngơ ngác”, cuốn gói về quê nương náu để đợi chờ số phận, lại được mấy ông bạn nông dân ngày trước cho gạo cho tiền, chí ít cũng đãi đằng được một chầu thịt gà rượu đế, tiễn đồng môn cũ đi vào “trường cải tạo”. Một ít vào trường sơ cấp, trung cấp trong nam, số còn lại được ưu ái ra trường cao cấp tận vùng núi rừng Việt Bắc.
Sau sáu, tám, rồi mười năm, thằng nào còn sống mang tấm thân tàn tạ ra tù, kẻ thì vượt biển, người thì đi diện HO, lưu lạc tha phương, bỏ lại sau lưng con đường quê, ngôi trường làng cũ với biết bao kỷ niệm êm đềm. Đất khách gặp nhau, chỉ còn biết vỗ vai an ủi:
Qua cơn mờ mịt binh đao
đứa còn đứa mất ba đào tang thuơng
Lạc loài trên chính quê hương
thôi thì gió cuốn mười phương cũng đành
Định cư xong, lo góp tiền gom bạc gởi về cứu đói mấy ông bạn nông dân, bây giờ đã bạc cả mái đầu mà còn trắng cả đôi tay. Còn mấy ông bỏ trường lên núi hồi còn son trẻ bây giờ phục viên về nằm nghỉ mát, mỗi ngày uống trà ngắm mấy cái “bằng khen”, mấy cái huy chương “dũng sĩ” treo tòn ten trên vách mà ngẫm nghĩ con đường cách mệnh đã bỏ gần cả một đời theo đuổi mà sao cái làng quê của mình vẫn cứ xác xơ và những bạn bè ấu thơ giờ thì đã chết hoặc điêu linh tan tác.
Rồi cũng vào một mùa thu, từ đất khách tôi về lại quê hương. “Mùa thu năm ấy tôi ra đi, mùa thu này nữa tôi..trở về”. Khoảng cách giữa hai mùa thu... vậy mà cũng đã hai mươi năm. Tôi về để tìm lại ngôi mộ của cha tôi được mấy người bạn tù chôn cất sơ sài trên núi bên ngoài trại cải tạo Đá Bàn. Ông đã chết sau hơn một năm bị giam trong trại tù này, cũng vào một ngày cuối thu ảm đạm. Tôi nhờ người cải táng, đưa ông về nằm bên cạnh mẹ tôi và ông bà nội trong nghĩa trang gia tộc.
Tôi đi một vòng thăm lại làng xưa. Cái làng Phú Hội của tôi một thời đông vui giàu có như cái tên gọi, bây giờ sao trở nên vắng vẻ điêu tàn. Đám bạn bè cũ bây giờ chẳng còn mấy đứa, thằng chết, kẻ ra đi, gởi thân khắp bốn phương trời. Hôm nay, tôi lại đi trên con đường làng cũ, vẫn con đường dài và hẹp mà ngày xưa mẹ tôi âu yếm dắt tay tôi tới lớp. Hôm nay cũng có nhiều sương thu và gió lạnh, tôi đi một mình trơ trọi, chỉ còn đâu đây bóng dáng, tiếng nói tiếng cười của đám bè bạn ngày xưa rì rào trong gió. Tôi chợt nhớ tới bài thơ của một ông bạn già thân thiết:
Tôi về đứng trước ngôi trường cũ
Nhìn xuống làng xưa chạnh nỗi niềm
Nhấp nhô những mái nhà rêu phủ
Thương hải tang điền mấy biến thiên

Tôi về xuôi một dòng sông chảy
Con nước vô tình lặng lẽ trôi
Hiểu nghĩa cuộc đời đành không thể
Hai lần tắm ở một dòng sông

… Tôi về - có phải sông về biển
sao nghe từng con sóng não nề
như thể bây giờ là cổ tích
tôi về - chỉ gặp lại mình... tôi
Bây giờ nhờ tiền tài trợ của mấy ông tư bản, nên ngôi trường vừa được xây cất lại khang trang. Có lẽ học sinh cũng vừa mới tựu trường, nên cờ xí khẩu hiệu còn đỏ cả sân trường. Cái trường mang tên làng Phú Hội ngày xưa bây giờ đã được đổi tên thành “Trường PTCS Lê văn Tám”. Nhìn các em bé sắp hàng vào lớp mà lòng tôi cứ bâng khuâng. Không phải vì vừa mới tìm lại được bóng dáng của mình ngày trước, mà vì thấy thương và tội nghiệp cho các cháu học trò. Không biết mỗi ngày phải học thuộc lòng những bài “thơ trong tù”của bác, thơ “Khóc ông Lê Nin” của nhà thơ lớn Tố Hữu, có bao nhiêu em đã “từ ấy trong tôi bừng nắng hạ, mặt trời chân lý chói qua tim”(thơ T.H), và liệu các em có còn nhớ đuợc cái bài văn xuôi “hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc…” hồn nhiên và dễ thương của ông Thanh Tịnh mà thế hệ cha ông ai cũng nằm lòng? Các em có xót xa khi biết trường của các em mang tên “anh hùng Lê văn Tám” mà các em được dạy như là một tấm gương, lại là một người không hề có thật, mà chỉ là nhân vật trong phim truyện của đạo diễn Phan Vũ (xem Báo Thế Giới – Hà Nội số 39 (154) ngày 27.09.04 trang 22-23, website Talawas ngày 11.10.04 / Quang Hùng, đài BBC chương trình ngày 15.10.04)
Rồi mới đây bà hiệu trưởng Trần Thanh Vân đầy quyền uy (dưới những ô dù) kéo theo một nhóm thầy cô vây cánh của trường chuyên Lê Quí Đôn nào đó ở “thành phố mang tên bác” thản nhiên lấy tiền đô la, làm hồ sơ ma nhận cả một đám học trò dốt nát, con cháu của những đại gia và các ngài quan lớn (trong đó có con trai của đồng chí chánh thanh tra sở giáo dục thành phố) vào ngôi trường chuyên một thời có tiếng.
Tội nghiệp, chẳng lẽ mới lớn lên, các em đã phải học những điều gian dối, và tương lai các em sẽ ra sao với một nền giáo dục và văn hóa “phong bì”?
Cũng may mà các em còn bé và ở tận một vùng quê, nên không biết nhiều về đạo đức của các nhà “mô phạm”, những “nhất tự vi sư bán tự vi sư” một thời được dân chúng trải chiếu hoa mời ngồi dưới mái đình làng.
Ngoài Hà Nội, có lẽ vì thành phố thủ đô trử tình với mùa thu và hương hoa sửa, nên ông thầy già trưởng khoa Đỗ Tư Đông “khả kính” ở trường Cao đẳng Truyền Thanh Truyền Hình nhà nước “lấy điểm gạ tình” một số nữ sinh viên. Thầy chỉ cho điểm cao khi nào trò hoàn thành nhiệm vụ “trả bài” cho thầy trong khách sạn!
Dưới cái tỉnh Bình Phước mới toanh, nên thầy Lê Hoàng Sang, hiệu trưởng trường Lê văn Tám (lại Lê Văn Tám!) cũng vừa làm một điều vô cùng tân tiến: bắt các cô giáo chưa chồng phải uống rượu cùng các quan lớn địa phương, bất kể trưa chiều hay trước giờ lên lớp. Nếu lỡ gọi các quan già bằng “chú” mà không phải bằng “anh” thì bị thầy hiệu trưởng nạt nộ đòi kỷ luật.
Mới đây trên đài BBC, ông Tạ Phong Tần, cán bộ sở thuơng Mại Du Lịch Bạc Liêu, sau một khóa được đào tạo tại chức, đã công khai tuyên bố: “Không ít tiến sĩ, thạc sĩ là những người biết diễn đạt những điều đơn giản trở thành khó hiểu hoặc không ai hiểu nỗi.” (nguyên văn)
Cầu mong cho các em học trò nhỏ ở quê tôi không nghe được mấy cái tin “vui” này đăng đầy trên báo mỗi ngày, để còn thấy mùa thu trên quê nghèo vần còn một chút thơ mộng dễ thương.
Trước khi rời khỏi quê hương, tôi ghé lên thành phố thăm thằng bạn học cũ, trước tháng 4/75 là một giáo sư toán-lý-hóa nổi tiếng của một trường trung học lớn. Bây giờ ngồi bán thuốc lá ở vỉa hè. Con cái nó cũng đã nghỉ học từ lâu để lăn vào cuộc sống, nên mấy cái bằng cử nhân toán từ cái thời 63-64 chỉ còn cùng để... gói thuốc lá. Bỗng dưng tôi nhớ tới bài thơ của một ông nhà thơ nào đó trong nước mà lòng thấy ngậm ngùi.
“Thầy có nhớ con không...?”
Tôi giật mình nhận ra người đàn ông áo quần nhếch nhác
người đàn ông gầy gò ngồi sau tủ thuốc ven đường.
“Thầy còn nhớ con không...?”
Câu lặp lại rụt rè rơi vào im lặng
hoa phượng tháng Năm rơi đầy vỉa hè
rụng xuống trên vai người thầy học cũ
“không... xin lỗi.. ông lầm...
Tôi chưa từng dạy học
Xin thối lại ông tiền thuốc... cám ơn!”
Cuộc sống cho ta nhiều quên, nhớ, vui, buồn
Thầy học cũ mười năm không lầm được
Thầy học cũ ngồi kia giấu mình sau tủ thuốc
giấu mình sau hoa phượng rụng buồn tênh.
Con biết nói gì hơn, đứa học trò tôn sư
người Thầy cũ lại chối từ kỷ niệm,
chối từ những bài giảng dạy con người đứng thẳng,
biết yêu anh em - đất nước - xóm giềng.
Đứa học trò vào đời với trăm nghìn giông bão,
Bài học ngày xưa vẫn nhớ mãi không quên.
Bên hè phố im lìm,
vành nón sụp che mắt nhìn mỏi mệt.
Câu phủ nhận phải vì câu áo rách
trước đứa học trò quần áo bảnh bao?
Tôi ngẩn ngơ đi giữa phố xá ồn ào,
những đứa trẻ con tan trường đuổi nhau trên phố.
Mười năm nữa đứa nào trong số đó,
sẽ gặp thầy mình như tôi gặp hôm nay?
Ngày rời khỏi quê hương, ngồi trên máy bay nhìn xuống, mùa thu Sài gòn không có lá vàng rơi, cũng không có con nai vàng nào ngơ ngác, mà sao tôi thấy như vàng cả không gian, ảm đạm cả đất trời. Tôi bỗng ngộ ra một điều ngộ nghĩnh: Đâu phải chỉ có mấy ông nhà thơ, mấy ông nhạc sĩ mới nhuộm buồn được mùa Thu, mà có những “đỉnh cao” đang ngự trị trên quê hương tôi, dù chẳng có một chút xíu tâm hồn nào, có khi không có cả quả tim, cũng có thể làm cho mùa thu quê tôi... buồn chết được.
phạmtínanninh