Hiển thị các bài đăng có nhãn Mùa Xuân. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Mùa Xuân. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 30 tháng 1, 2020

Nhạc - Thơ - Văn Tin vào mùa Xuân


Những Ca Khúc Hay Về Mùa Xuân


                               Xuân dạo
                                 Xuân vừa dạo bước bên thềm,
                       Hương Xuân rạo rực ủ mềm dángxưa.
                              Trời Xuân hong nắng cho mưa,
                    Mong tìm dấu tích người xưa năm nào....!
                        Quản chi tuổi hạc đã cao,
                     Tâm tình dàn trải khác nào thanh xuân?!
                           Đôi dòng tình tự bâng khuâng,
                       Như mầm non nhú hân hoan gọi mùa...
                       Hoa về dạo chợ Xuân xưa,
                       Lời buồn liệu có Xuân ưa bây chừ ?!
                  NM

 Tin vào mùa Xuân
Nghe tin ông già mới được một tờ báo nào đó đặt bài, mà lại là bài tết khiến cả xóm nháo nhào.
Cái tin ấy từ miệng thằng nhỏ đánh giày được truyền nhanh khủng khiếp. Nhanh đến mức mới xế chiều mà cả xóm dạo đã từ khắp mọi nẻo đường trở về đông đủ. Chỉ chờ nhân vật chính xuất hiện là nhao nhao hỏi. Nhuận bút báo tết chắc là cao lắm hả? Đủ tiền mua vé vào nam thăm cháu ngoại không ông? Ủa mà báo nào vậy nhỉ? Mày không biết chữ thì hỏi để làm chi? Thì để hôm đó đi bán báo tui còn rao: “Cô chú mua báo đi. Báo có bài của ông bạn già xóm dạo viết chơi. Mua đi! Mua đi! Bảy mươi năm mới có một lần”. Rao gì mà kỳ vậy mày, sao lại bảy mươi năm? Thì không phải năm nay ông già vừa tròn bảy mươi cái xuân xanh hay sao? Ông cứ nói khơi khơi là ông viết báo mà tụi mình đâu có thấy bài đăng. Hy vọng lần này tụi mình không mừng hụt. Hay là cược cái gì đó cho vui? Một chầu bia đã đời có kèm thêm mực nướng, chơi không? Ủa mà bài báo tên gì? Ai là nhân vật chính vậy ông ơi? Sau câu hỏi đó thì đám người lại nhao nhao: “Tui này! Tui này! Viết về tui đi này”. Ông già nãy giờ vẫn ngồi cười, gió lùa vào hàm răng đã có nhiều chỗ trống. Hỏi chỉ để vui vậy thôi chứ cả xóm này ai cũng biết nhân vật chính đâu có đến lượt mình. 
 
Nhân vật chính là bà già từng bán xôi dạo nhưng giờ có khi không còn bán nữa. Chú Bảy xe ôm nói: “Hôm nọ đứng bắt khách ở bến xe tình cờ chở một người cùng quê với bà già. Nghe đâu bà già đã tìm thấy con trai ở mãi tận Sài Gòn nên bà gồng gánh vào đó cho gần con cháu”. Ông già nghe thấy thì vui lắm nhưng đêm vắt tay lên trán lại nghĩ ngợi hoài nghi. Giữa biển người mênh mông này muốn tìm lại người thân đâu có dễ. Nhất là khi bà thất lạc con từ lúc nó còn đỏ hỏn. Mà manh mối kiếm tìm chỉ dựa vào một nốt ruồi son ở đằng sau gáy. Có khi theo thời gian nốt ruồi đã mất đi, vài cái sẹo nào đó lại chen ngang trên mặt. Nhiều đêm ông mường tượng ra cảnh người đàn bà mình thương đang rong ruổi ở ngõ chợ, bờ sông hay đoạn đường vắng ngắt. Trên chiếc quang gánh là thúng xôi nóng hổi chỉ chờ cất tiếng rao là dậy lên hương vị. Bà già ấy lúc xới xôi cho khách luôn tìm cách nhìn vào gáy người ta. Đến cả lúc khách quay gót đi xa bà vẫn dán ánh nhìn vào gáy họ trút một tiếng thở dài khe khẽ. Thỉnh thoảng bà cũng kể câu chuyện về đứa con mất tích như một cách hỏi dò. Trong đó có đoạn “nó quấn chiếc tã được cắt từ chân quần cứng còng queo. Mắt nó đen láy tròn xoe. Hai bàn tay bụ mẫm như hai nải chuối mắn. Lúc nào cũng chỉ thích rúc vào ti mẹ. Ngày đó tôi ăn toàn sắn, sữa vừa ít vừa nghèo chất. Tội nghiệp thằng nhỏ…”. Người ta nghe cũng chỉ biết tặc lưỡi xót xa chứ kể như bà làm sao biết thằng nhỏ là đứa nào trong hàng trăm, hàng ngàn đứa trẻ thất lạc gia đình.
Hồi xưa ông hay chở xe ôm thuê trong nhà ga thành phố. Hành nghề lâu đến mức cái gốc bàng già được dân xe ôm mặc định đó là “nhà” của ông. Ngoài giờ đón khách mỗi khi tàu về ga, còn lại thời gian ông dựng chiếc xe cà tàng rồi nằm vắt vẻo trên đó đọc báo, ngắm người qua lại chờ một cái vẫy tay của khách. Ông ở đó suốt bốn mùa. Từ khi cây bàng khoác lên mình bộ áo già nua với những chiếc lá bám đầy bụi bặm. Cho đến khi cây bàng thay lá trụi trơ ông vẫn ngồi đó ngửa mặt nhìn trời qua cành nhánh khẳng khiu. Ngủ một giấc mùa đông, mở mắt ra đã thấy những chồi non bừng nở. Ngồi cho đến khi bà già xuất hiện thì ông bỏ nghề xe ôm đi bán nước trà. Thiên hạ hỏi đang làm xe ôm kiếm cũng được mà sao lại bỏ nghề? Ông cười bảo “già rồi, xương khớp yếu đi. Đâu có thể luồn lách ngoài đường mãi”. Vẫn gốc bàng xưa, vẫn chiếc xe máy cũ dọn thêm vài cái ghế cho khách ngồi thế là thành quán nước. Người đi tàu thường ghé qua quán của ông bắn điếu thuốc lào, làm cốc trà nóng. Ai cũng mê ông chủ quán hóm hỉnh, chuyện trên trời dưới đất đều thấy tỏ tường. Đâu ai biết ông thường nhòm vô gáy người ta đăm đăm kiếm tìm một cái nốt ruồi màu đỏ. Nhưng dễ gì mà thấy. Bà già nói nốt ruồi chỉ bằng cái đầu tăm. Mắt ông thì mờ. Đôi lúc muốn chạy lại vạch gáy từng người nhìn cho thật kỹ. Người trong xóm dạo bảo nhau “hèn gì ông bỏ nghề xe ôm. Nghề xe ôm thì suốt ngày ngồi phía trước cho người ta nhìn gáy của mình. Chứ có mấy khi ngó được gáy người ta”. Ừ nhỉ…
Ông già tính làm cái bảng ghi dòng chữ “tìm nốt ruồi son sau gáy” rồi treo dưới gốc bàng. Nhưng làm vậy kỳ lắm. Người có nốt ruồi son đã chắc gì người ta muốn nói. Nhiều khi chính họ cũng không biết gáy mình có nốt ruồi nhỏ xíu ấy hay không. Mà giờ giả dụ tìm được người có nốt ruồi son sau gáy cũng chẳng biết bà già ở đâu mà báo tin. Ông để thất lạc bà từ mùa đông ba năm về trước. Một sáng trước khi gánh thúng xôi đi bán bà có dặn “tối cứ ăn cơm trước, đừng chờ”. Thế rồi bặt tin nhau đằng đẵng. Manh mối tìm lại người thương không có gì nhiều ngoài “bà già bán xôi đi tìm nốt ruồi son”. Xóm dạo nghĩ thể nào ông già cũng bỏ việc cất công đi tìm bà khắp nơi. Nhưng không, ông vẫn ngồi đó dưới gốc cây bàng già ngóng về phía nhà ga thành phố. Bởi ông biết có tìm thấy cũng không giữ nổi bà. Một người mẹ chừng nào chưa tìm thấy con mình thì làm sao còn tâm trí sống những ngày thanh thản. Thỉnh thoảng ông có kể về bà với những người xuôi ngược bắc - nam. Ông tin rằng rồi sẽ có ngày một ai đó gặp bà, họ kể về ông già ngồi dưới gốc bàng già để đợi một bà già quay lại. Bọn nhỏ trong xóm dạo bảo nhau “chuyện tình già còn mùi mẫn hơn chán vạn tụi trẻ bây giờ. Cần gì phải yêu đương thề thốt mà vẫn giữ chặt được tim nhau”. Ừ thì…

* * *
Xóm dạo nằm lọt thỏm trong lòng thành phố. Từ đường lớn ồn ã rẽ vào một con ngõ nhỏ, đi quanh co chừng hút xong điếu thuốc là đến xóm dạo thôi mà. Gọi là xóm dạo vì cả xóm làm nghề bán dạo. Vé số dạo, báo dạo, cà phê dạo, đánh giày dạo đến thúng bánh đúc, bánh khoai, hàng hoa, mẹt quả cũng đều đi bán dạo khắp đường cùng ngõ hẻm. Yên tĩnh như một ốc đảo giữa thành phố, chui qua chiếc cổng vòm là hiện ra những mái nhà cấp bốn nối nhau. Gọn gàng, sạch sẽ chứ không giống như mường tượng về một khu ổ chuột dành cho những người lao động nghèo. Ngay cả những chiếc áo cũ sờn cũng thơm tho mùi nắng. Phòng nào cũng đơn sơ, đồ đạc chẳng có gì ngoài những vật dụng thiết yếu. Tủ đồ đã cũ, vài chiếc bát ăn cơm, những đôi giày được xếp ngay ngắn trong góc nhà. Chiếc đài cát sét thỉnh thoảng lại lẹt xẹt dò sóng. Cũng có phòng tậu được chiếc ti vi cũ sóng nhiễu nhập nhằng, mặt cô diễn viên bị kéo dài méo xệch từ góc này đến góc kia màn hình. Ngoài giếng những người về sớm ngồi quây lại nhặt rau, thái thịt. Họ hỏi nhau hôm nay kiếm được nhiều không? Khách có đông không? Thằng nhỏ đánh giày nói mai nó phải ra bưu điện gửi ít tiền về nhà đóng tiền học cho em. Chị bán vé số tính đi mua ít quần áo ấm cho chồng con, shop hàng thùng đầu ngõ mới mở kiện đẹp mà cũng hợp với túi tiền. Ông già ngồi nhìn cây đào bích đang khẳng khiu thay lá, đặt bút viết những dòng truyện tết đầu tiên.
Thực ra ông già đâu phải dân viết chuyên nghiệp. Ngày trẻ cũng thơ phú ra trò nhưng chỉ để bạn bè đọc cho vui. Hồi còn chở xe ôm, những lúc rảnh chẳng biết làm gì ông hay mua báo đọc chơi. Hôm bà già xuất hiện đến ngồi nhờ dưới gốc bàng bán xôi ông cũng đang đọc đi đọc lại tờ báo chi chít chữ trên tay. Bà già ngồi tỉ mẩn cắt những tờ báo cũ thành từng mảnh nhỏ bọc xôi cho khách. Ông để ý thấy bà cắt lạ lắm, chẳng theo hình khối gì. Như thể bà không nỡ cắt đôi một bài thơ hay chia năm xẻ bảy một trang truyện ngắn. Mỗi mảnh báo gói xôi là trọn vẹn một tác phẩm, một chân dung nào đó. Ông cười: “Cắt báo gói xôi thôi mà bà. Cần phải cắt có tâm đến vậy không? Bà cắt vậy để người ta vừa ăn xôi vừa đọc thơ tình yêu chắc? Trời ơi, sáng ra người ta bận trăm công ngàn việc. Nhiều khi cố nhét ít xôi vào bụng để có sức chiến đấu. Chứ còn thời gian, tâm trí đâu mà thưởng thức thơ văn”. Bà chép miệng “Ừ thì…”. Bà cứ hay “ừ thì” như thế, ông nghe cứ thấy xót lòng. Có bữa ngồi đọc Coi tay vào sáng mưa của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, bà già lấy tay áo lau nước mắt. Như thể từng câu chữ là muối trắng xát vào lòng người mẹ mất con. Tư kể về câu chuyện người đàn bà rất giỏi coi tay đoán vận mệnh cuộc đời. Do từ bé đã được đọc mười ba cuốn Thuật pháp nhân tướng học của ông nội. Sau này vì mải coi tay cho người ta mà bà để lạc mất con ở một cái chợ Sương nào đó. Người đàn bà ấy sau này đã bỏ nghề coi tay vì không chịu đựng được ý nghĩ “mình níu người dưng đây mà buông bỏ máu thịt của mình”. Đến một ngày có người mang đến một bàn tay đã bị chém đứt lìa đặt trước mặt bà nhờ coi thử. Bàn tay xanh và lạnh ngắt ấy có một chiếc bớt đỏ trên cổ tay và lóng cuối cùng của ngón út bị gù do một lần đứt sâu băng bó cong queo. Đó là bàn tay đứa con mà bao năm nay bà chờ đợi, kiếm tìm. Cũng là bàn tay của tên tội phạm bị mã tấu chặt đứt trong một cuộc thanh trừng băng nhóm. Bà thầy bói già trong câu chuyện sau bao năm thất lạc con cuối cùng cũng chỉ tìm lại và níu giữ được một bàn tay đã chết. Ông già nhớ khoảnh khắc bà già bán xôi bo chặt lấy ngực mình. Như thể một cơn đau tim vừa mới chạy qua, nó mang theo hình ảnh nốt ruồi son sau chiếc gáy của một đứa trẻ còn thơm tho mùi sữa. Bà già lạc nó ở sân ga quê nhà. Lúc đặt nó nằm ngủ trong chiếc thúng, còn bà thì đội mẹt bánh gai, ngô luộc trên đầu chạy khắp các toa tàu mời khách. Tàu chạy, bà quay lại đã không thấy con đâu. Mấy chục năm qua bà chỉ biết lần theo nốt ruồi son bé xíu mong tìm thấy máu mủ của mình. Bà già từng ước ao: “Giá mà tôi cũng biết viết truyện như cô Tư thì có lẽ tôi sẽ viết về nốt ruồi son đằng sau gáy. Như một ngôi sao luôn lấp lánh ở phía trước, giúp tôi đi qua bao chặng đường tăm tối mịt mù”. Ông già nhủ thầm “có khó gì đâu...”. Kể từ đấy người xóm dạo thấy đêm nào ông già cũng chong đèn ngồi bên trang giấy. Họ không biết ông viết những gì? Viết gửi cho ai? Thằng nhỏ đánh giày từng ghé tai nói nhỏ với chị bán vé số: “Chiều nay thấy ông già đứng tần ngần trước cửa một tòa soạn báo. Tay ông cầm mấy trang giấy chi chít những dòng chữ ngoằn ngoèo”.
Biên tập viên cầm bản thảo của ông khẽ rụt cổ, lắc đầu. Thời đại công nghệ mấy ai còn viết văn bằng bút mực trên giấy trắng như ông. Bản thảo gửi đến tòa soạn chủ yếu qua hòm thư điện tử, được đánh máy sạch sẽ, trình bày đâu ra đấy. Ấy thế mà có khi còn bị bỏ xó vì lượng bài cộng tác gửi về nhiều quá, sức nào đọc nổi. Nhưng tác phẩm nào của ông già ban biên tập cũng phải phân công nhau đọc, không bỏ sót một chữ nào. Vừa đọc vừa dịch những nét chữ xô đẩy lẫn nhau. Vừa mường tượng ra một ông già run tay đêm nào cũng dồn hết tâm trí và sức lực vào cây bút. Có chỗ nét bút ghì xuống giấy hằn sâu như vết sẹo. Lại có chỗ nét bút bỗng dưng nguệch ngoạc như thể ông già vừa viết vừa chống chọi lại một cơn ho rạc cổ. Trong phòng khách của tòa soạn luôn có một ấm chè được pha sẵn chờ ông già ghé đến chơi. Người ta nói “văn mình, vợ người”. Nhưng chẳng ai như ông già, văn bị chê tả tơi mà vẫn cười hào sảng. Chê đâu sửa đó, ông già cần mẫn nhặt chữ dành dụm vốn liếng cho mình. Chắc vì đồng cảm với một ông già yêu chữ nghĩa. Nên ban biên tập bảo nhau “hay là tìm một truyện được nhất rồi biên tập lại để đăng cho ông già vui?”. Nhưng ông già phẩy tay chối từ: “Thôi khỏi. Đời cầm bút của tôi chỉ cần được đăng một lần duy nhất. Kể một câu chuyện duy nhất mà thôi”. Họ tò mò hỏi đó là câu chuyện gì? Ông chậm rãi rót trà, chậm rãi uống, chậm rãi kể về bà già bán xôi và cuộc kiếm tìm một nốt ruồi son mọc đằng sau gáy. Nghe xong hình như mũi họ cay, hình như ai đó vừa buông tiếng thở dài hoặc cũng có khi chỉ là tiếng gió. Họ ngậm ngùi bảo báo xuân năm nay sẽ dành hẳn một trang khổ lớn để ông già đăng tin tìm dấu vết thương yêu qua truyện ngắn của mình.
Truyện của ông được mở đầu dung dị như một lời thủ thỉ thế này: “Thằng nhỏ đánh giày kiếm đâu được một đôi giày vải tuy đã cũ nhưng chất thì “ngon lành lắm”. Nó nói để phần bà già đi bán xôi mùa đông vừa ấm lại vừa mềm. Không lo tấy đỏ gót chân sau mỗi ngày gánh rong ngoài phố như đi đôi giày nhựa cũ. Chú Bảy xe ôm vừa cầm áo rách mà than “giá mà bà già còn ở đây thì đã có người khâu áo giúp mình”. Thực ra đâu phải không có người để nhờ khâu áo. Nhưng khâu mà từng đường kim mũi chỉ thẳng thớm trên thớ vải thì chỉ có bà già mà thôi. Tụi trẻ bây giờ khâu qua quýt cho xong. Đâu có để hồn mình trong vết sờn vết rách. Nên cũng không có cảnh vừa khâu áo vừa than “chú em mặc áo rách chắc là muốn để ai ngó mà thương. Nhưng trước khi người thiên hạ xót lòng thì mình đã xót da xót thịt. Mình không thương mình thì còn mong ai thương hả chú em”. Có nhiêu đó thôi mà vẫn thường nhắc nhau. Như hôm gió mùa về, trong bữa cơm “chú em” bỗng dừng đũa chống cằm bảo: “Chẳng biết bà già đang ở đâu? Nơi ấy hôm nay liệu gió mùa về? Nếu chỉ một thân một mình không biết bà già có ăn uống điều độ hay không? Nói vậy thôi chứ bà già chắc biết tự thương mình”. Cây bàng già chỗ tôi với bà từng ngồi hình như nó vừa mới cựa mình. Những chồi non ẩn sâu trong lớp vỏ xù xì thức giấc vươn vai gọi mùa xuân đến. Bà từng ví chúng giống như những mầm yêu thương chồi lên trong tâm hồn già nua, cằn cỗi của mình.
Mùa xuân về thật rồi bà ơi. Mùa này người ta hay quàng khăn ấm cho nhau nên tôi ít nhìn thấy gáy...”.
Ông viết đến đó thì dừng bút vì vừa ngửi thấy trong gió xuân có mùi của hoa đào, hoa cúc. Xóm dạo có thêm người bán dạo vừa mới chuyển đến mấy hôm. Cũng một đôi quang gánh, mấy bộ quần áo rét và ít nồi niêu xoong chảo. Y như ngày bà già theo ông đến đây, đồ đạc không có gì ngoài một đôi quang gánh. Người mới đến đang đảo những mẻ mứt nóng hổi để sáng sớm còn kịp mang đi bán. Chị ta nói mình là người đàn bà bán mùa. Mùa thu bán cốm, mùa hè gánh bán hoa sen, mùa đông cần mang hơi ấm chuyền tay nhau trong mùi hạt dẻ. Đến mùa xuân thì để từng vị mứt kể câu chuyện vùng miền. Nhìn cái dáng lom khom nhóm bếp than của người hàng xóm mới khiến ông già nhớ tới bà. Dù ngày hè nóng bức hay mùa đông lạnh cắt da cắt thịt thì cứ bốn giờ sáng là bà đã thức dậy lụi cụi thổi xôi. Chiếc bếp ngoài trời được ông mua mấy tấm fibro xi măng lợp lên để che chắn mưa dầm sương lạnh. Mấy năm trước cũng vào những ngày này, cũng lất phất mưa bay. Ông dậy cùng bà nhóm bếp, hơ hai bàn tay lạnh cóng trên lửa ấm rồi chờ nồi xôi của bà vừa kịp chín. Giữa lúc ông mải đắm chìm trong ngọn lửa đầy ma mị thì bất chợt thấy gáy mình nóng ran. Bà từng bảo gáy ông cũng có nốt ruồi son nên mắt bà có đôi lần vướng víu. Trong ánh lửa bập bùng nốt son như một hòn than ấm. Âm ỉ và nung nấu tâm can…
Ông già viết xong truyện lúc người ta chở hoa về khắp phố. Những chợ hoa tự phát mọc lên, đào từ rừng xuống phố vẫn còn e ấp nụ. Trên sạp báo đã thấy có vài ấn phẩm báo xuân bày bán sớm. Thư ký tòa soạn nheo mắt qua cặp kính, khẽ thở dài:
- Viết buồn vậy làm sao đăng báo tết chú ơi? 
Vũ thị Huyền Trang



 Mùa chim én bay
Chim én bay trong ngày Xuân vĩnh cữu,
Ánh thiều quang ủ ấm gió lạnh căm...
Đông dẫu qua còn giá rét âm thầm,
Xuân vẫn đến với mai vàng rực rỡ
Hãy trả lại những gì Xuân khai mở
Cánh én chao bay liệng giữa mênh mông..
Xuân thiêng liêng hiện diện ở trong lòng..!
Sẽ rủ bỏ những ngày Đông u ám...
NM
Đinh bằng hữu, người bạn của tôi nói về buổi xuất hành đầu năm đầy thi vị của anh. Chuyện kể trong một ngày lạnh căm sau Tết. Đợt giá rét lê thê, dài hơn so cơn rét Mậu Thân lịch sử…
Thành phố Huế vào xuân. Hai bà cháu nhà quê và một chiếc lồng tre đầy chim én. Họ ngồi bên vệ đường, mắt đăm đăm nhìn mặt người qua lại.
– Đầu xuân. Mua én phóng sinh làm phước…
– Ồ, én mô nhiều rứa mệ hè.
– Dưới đồng quê. Mưa lạnh dài ngày, làm ruộng mất mùa cực lắm chú ơi.
Anh bạn dừng lại nhìn những con én ngơ ngác, đang chen chúc nhau đứng ủ rủ trong lồng. Các sứ giả của mùa xuân đây ư? “Vòm trời nan tre” và chút thức ăn ân huệ. Ruột bánh mì lăn lóc và những cú mổ xuống đầu nhau xù lông, rướm máu. Vâng, khi mà chung quanh chúng – bên ngoài – trăm hoa đang mãn khai, khoe sắc…
“Từng bầy én tung bay muôn ngàn lối” Bản nhạc xuân từ một quán bên đường vẫn không ngừng nhịp Fox rộn rã. Phải chăng, lắm lúc sự vô tình cũng làm nên hạnh phúc? Thứ hạnh phúc mặc nhiên sau cánh cửa mỗi nhà…Gió thổi buốt từng hồi làm hai tay tê cóng. Dòng sông Hương lặng lờ, vắng khách hơn ngày thường. Đây đó một đôi dáng thuyền rồng còn nằm yên, neo bến.
Anh bạn ngó quanh, bắt gặp nhiều đôi mắt đang ngời lên tia giễu cợt. Những đôi mắt như những câu chữ vô hình ẩn hiện trên mặt người qua lại…“Mua làm gì? Càng khiến người ta đi bắt” “Phóng sinh ư? Cái vòng lẩn quẩn” “Thấy chưa, chính bạn cũng đang mắc bẫy luôn rồi”. “Này nhé, nhân đạo là tự sát”. Những câu đàm tiếu kiểu ấy cơ hồ đã cũ kỹ, chẳng có gì mới mẻ hơn chăng?
Lạ thay, mọi người dường như sẵn sàng hào phóng sự khôn ngoan để mặc nhiên quên đi điều cần thấy. Vâng, ở đây còn có lý công bằng. Thuận được mua, vừa sẽ bán. Không có ai ức ép ai để sau rốt, chẳng bên nào là nạn nhân hoặc là kẻ nghiễm nhiên mưu lợi trên nỗi đau đồng loại. Có chăng, tất cả đều được chút niềm vui thanh thản… Kể cả mấy con vật nhỏ bé kia, bất đắc dĩ phải lệ thuộc trước con người.
“Chim trời, cá nước”. Thực ra, những kẻ giễu cợt sự phóng sinh kia chưa hẳn đã tự tại dưới vòm trời nhân thế? Vâng, khi mà sự cứu rỗi cứ vẫn luôn là khát vọng muôn đời trong bản tâm nhân loại. Tham vọng chính đáng ấy khiến người và vật vẫn còn có chỗ cảm thông nhau hơn nữa. Nhà Phật từng giáo huấn trẻ thơ “em hãy thương yêu người và vật”. Lời khuyên ấy đi đôi với kiêng cữ sát sanh, hại mạng.
Anh bạn cảm nhận điều gì đó không nói đủ nên lời, vừa gợn lên trong câu khẩn khoản của hai bà cháu nhà quê khốn khó :
– Chú ơi chú. Phóng sinh làm phước chú ơi….
– Lụt lội mới đó chừ tới lúa chết lạnh. Nhà nông bòn chài đôi xu biết lấy mô ra…
Quả thực một đôi cánh én không làm nổi mùa xuân. Nhưng sẽ còn lại gì ngoài mấy tầng mây tro xám? Bầu trời xuân vô cảm kia đã không còn tìm ra cánh én. Rộng lớn như trời đất mà sao những con én lạc loài nầy còn đây, vẫn co ro cụp cánh? Ngày xuân vốn tươi vui biết bao với những cõi lòng rộng mở? Sao người không đến với người bằng chút ánh mắt sẻ chia? Và tại sao đất – đến cả ngàn năm quen thuộc từ ông cha, tiên tổ – vẫn cứ mãi nhọc nhằn dẫu đã đi qua hàng trăm, ngàn thế hệ…
Hai bà cháu ngồi dựa vào nhau trong cùng một tấm áo mưa đầy bùn lầy đất ruộng. Chắc chắn họ phải cách nhau không dưới nửa thế kỷ tuổi trời. Vẫn có điều đồng bộ trong một ngày nguyên đán lạnh căm. Cả hai đều đang cố níu vào nhau để che đi run rẩy…
Trong chỉ một giây, anh bạn mua nguyên lồng chim với giá đầu tiên, không mặc cả.
Hai bà cháu sáng mắt lên nhìn nhau, không nói nên lời. Bà già nhà quê đứng dậy chấp hai bàn tay nhăn nheo vào nhau, con mắt hướng lên trời “Cầu cho chú căn an, mạng vững. Vô bệnh vô hoạn, tật nạn tiêu trừ. Sự lành đem đến, sự dữ lánh xa. Phước thọ quan gia, đầy nhà con cháu. Cầu cho chú bạc đấu vàng thoi, ngựa quỳ voi cỡi… Bước tới vận thời, đi chơi che lọng. Cầu cho chú trước cổng lân chầu. Ngoài hiên phượng đậu…”
Câu chúc dài đến nổi anh bạn bật cười sốt ruột kêu lên :
– Được rồi, thôi mệ ơi. Mệ thả ra đi.
– Nì, chú tự tay phóng sinh chơ răng rứa. Phước ai, mua nấy.
– Ai cũng được. Hề chi mệ. Én bay ra đâu cần biết ai thả.
Khi con én cuối cùng vút khỏi lồng tre do chính bà già nhà quê tự thả, anh bạn quay lưng đi còn nghe hai bà cháu mãi thầm thì chuyện may mắn ngày xuân :
– Mệ hỉ. Chú nớ điên… điên lạ hè.
– Đừng có nói. Nhờ rứa đó, không thì ngồi thấu tối chưa chắc có xu mô.
– Người khôn chỉ có tốt giả đò thôi. Người dại mới là người tốt thiệt, mệ hỉ.
– Ừ, người khôn ăn hết cho ai cái chi mô. Người dại rứa mà có đức.
Những đợt giá rét kéo dài qua Tết. Câu chuyện xuất hành của Đinh bằng hữu, bạn tôi đem lại chút dư vị trong một thoáng cười vui, ấm áp. Đợi nắng Huế lên. Ai cũng mong chờ chút ít ánh thiều quang trở lại :
“Ngày xuân con én đưa thoi”
“Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”
Ba tháng xuân trong truyện Kiều chưa hề trọn vẹn, song hơn sáu mươi ngày vẫn tràn ngập ánh thiều quang cho tới khi cuộc bể dâu khai mở…
Chim én bay liệng giữa trời xuân nào khác chiếc thoi đưa ngày tháng. Biểu tượng ấy dệt nên đường đi vĩnh cửu giữa vũ trụ vốn vô chung, vô thuỷ. Hãy trả lại những cánh én cho mùa xuân tự nhiên như trả lại từng chiếc thoi vốn không thể rời xa khung cửi…
Trần Hạ Tháp
Thành nội – Huế 2008
Đăng lại từ tạp chí Chim Việt Cành Nam (Chimviet.free.fr)

  
Ngõ hoa vàng
Ngõ hoa vàng Rốn Bão,
Giờ đây sao khác xưa...
Chỉ có hoa vàng nở,
Trong nắng vàng đong đưa...!
Bao nhiêu kỷ niệm cũ,
Của một thời trẻ thơ..
Âm thầm luôn ấp ủ,
Biết tìm đâu bây giờ ?
NM

Mùa xuân hoa vẫn nở vàng

GN - Tôi trở lại nơi chốn ấy vào mùa xuân như một cách nhớ về một thời thơ ấu đầy vui buồn, và bên cạnh đó còn có một người. Mọi thứ đều đã khác, bởi thời gian vẫn theo quy luật tự nhiên, cuốn mọi vật lao theo dòng xoáy của nó. 
Tôi trở lại một ngôi trường nhỏ ở làng quê. Làng quê nơi ngày xưa tôi ở, được mọi người đặt cái tên rất lạ: Rốn Bão. Bởi bất cứ cơn bão nào đi qua, nó cũng nhắm vào ngôi làng dựa vào hai vách núi, mặt nhìn ra biển kia mà đổ. Mỗi năm có khi làng hứng tới gần chục cơn bão. Bão đổ vào suốt nên rồi cả làng cũng quen. Quen nhìn những bao cát chắn trước nhà để ngăn những cơn sóng biển giận dữ đổ vào, để tránh những cơn mưa tạt rát cả mặt. Quen những đôi chân trần đen vì nắng táp cứ chạy trên cát biển, cứ lội xuống biển mà leo lên những chiếc thuyền thúng bơi ra ngoài khơi, đón những chiếc thuyền đánh cá trở về. 
Làng Rốn Bão của tôi cũng khá đặc biệt vì chỉ có một con đường độc đạo từ quốc lộ đi vào. Đó là con đường rất buồn, được làm bằng đất sét trộn với sỏi trải ra cho dễ đi lại. Con đường đi qua một cánh rừng thông đã bị chặt gần hết, những gốc thông còn sót lại cố bung ra những mầm mới. Con đường đi qua một đồi cát trắng, mỗi khi gió bay, cát tràn xuống lấp con đường, thế là dân làng lại phải tập trung lại để dọn cát. 
Vì đi lại khó khăn, vì thời tiết khắc nghiệt mà làng có một thời gian dài không có trường. Lũ trẻ chúng tôi đi học bằng xe đạp, có khi đi bộ trên con đường buồn tênh đó để tới ngôi trường cách làng cả 6 cây số. Nếu thời tiết không thuận tiện, chúng tôi phải ở nhà mà không đến trường.
 Đó là câu chuyện ngày xưa. Ngày xưa luôn gợi nhớ những kỷ niệm. Ngày xưa của chúng tôi lại bắt đầu từ ngôi trường được dựng lên sát vách núi. Và ngày xưa lại nhắc cho tôi nhớ về cô giáo Liên, người đã truyền dạy cho những đứa trẻ ở Rốn Bão những bài học vỡ lòng. 
Ngôi trường được huyện đầu tư xây dựng chỉ vỏn vẹn có 3 phòng học. Nhưng ngày khánh thành ngôi trường là niềm vui ngợp trời của cả làng. Vì dẫu ngôi trường nhỏ, nhưng mấy chục học sinh ở làng có thể học cho hết cấp I. 
Tôi có cả một thời gian dài học ở ngôi trường dựa vào vách núi đó. Nhưng vì làng của tôi buồn tênh, đêm xuống chỉ nghe tiếng sóng biển vỗ, chỉ nghe tiếng gió hú lồng lộng cho nên dẫu không phải là hải đảo hay miền núi, các cô thầy đến trường dạy dẫu chỉ dăm người, nhưng chỉ trọn một niên khóa là họ tìm cách về huyện hay về tỉnh, chẳng có ai chịu khó ở lại với lũ học trò làng biển, đi học với mái tóc khét nắng và đôi chân trần đến lớp. 
Cô Liên đến làng tôi vào một buổi chiều nhòa nhạt nắng, khi đó mọi gia đình đã vào trong căn nhà của mình, ngoài khơi xa chỉ có một màu biển đục. Cô đạp chiếc xe đạp với một túi xách đồ đạc, chiếc xe đạp của cô sau khi đi hết con đường đất đã bị lún vào trong cát biển. Tôi là người nhìn thấy cô đầu tiên trong buổi chiều đó. Lúc đầu tôi tưởng cô đi đến nhà một người quen, nào ngờ lại là một cô giáo tình nguyện. Bởi gần như tất cả thầy cô giáo đến làng họ đều đi xe máy hoặc có người thuê xe ôm chở vào, chẳng có ai đi xe đạp bao giờ.

Hôm đó tôi đã gọi thêm mấy đứa trẻ trong làng phụ mang vác đồ đạc của cô Liên, rồi đưa cô đến nhà ông tổ trưởng dân phố. Cũng từ ngày đó, cô Liên đã trở thành công dân làng Rốn Bão của chúng tôi. Mà làng có cái lạ là nhà nào có đám cưới, đám giỗ hay tiệc tùng gì đó thì gần như trở thành ngày hội, cứ ới ới gọi nhau mà đến, mỗi nhà lại góp một ít thức ăn hoặc bia rượu để cùng vui. Cô Liên khá khéo trong cách chế biến các món ăn lạ, cho nên mỗi lần như thế cô trở thành đầu bếp.
Cho đến khi tôi rời làng, ngôi trường 3 lớp học kia vẫn chỉ có mình cô Liên trụ lại, thỉnh thoảng cũng có dăm thầy cô đến, nhưng họ cũng mau chóng rời làng. Cuộc sống của cô giáo Liên với lũ học trò chân đất ở làng biển của chúng tôi chính là những ngày vui. Lúc đầu cô ở nhờ căn nhà của tổ dân phố, sau đó cô dọn về trường ở, cả làng cùng phụ xây cho cô một căn phòng khá khang trang. Chúng tôi gọi căn phòng nhỏ đó là: “Nhà của cô Liên”. Đặc biệt, cô đi tìm về rất nhiều hoa hoàng anh, vàng cả một đoạn đường vào ngôi nhà nhỏ của cô. Tụi học trò chúng tôi gọi đùa đó là: ngõ hoa vàng. 
Mỗi ngày, sau những giờ đứng lớp, cô Liên lại đi trồng rau xanh, đó là loại gia vị hiếm hoi của làng chúng tôi. Vì ít người nghĩ ra là phải trồng cây ớt, cây húng quế, cây xà-lách…, để khi cần chỉ cần ra vườn nhón hái. Rồi cũng từ vườn rau nhỏ của cô Liên, cả làng rộ lên phong trào trồng rau xanh trong những thùng xốp. Vào những đêm thứ Bảy, Chủ nhật, cô Liên tụ tập đám học trò của mình lại tập hát, bày những trò chơi. Chúng tôi gom những cành khô đốt lửa giống như mọi người sinh hoạt lửa trại. Nhiều khi người lớn cũng tham gia góp con cá tươi mới lưới về, nướng trên lửa củi ấy để cô giáo cùng ăn với học trò.
 Trong tuổi thơ của tôi, tôi nhìn thấy cô Liên giống như bà tiên trong truyện cổ tích. Cô gần như ở lại trong làng, chỉ khi nào đi họp hoặc đi lãnh lương, mua thêm lương thực cô mới đạp chiếc xe đạp của mình đi trên con đường đất của làng ra lộ đón xe về huyện. Dáng cô đi trong cái buồn buồn ấy là một hình ảnh gần như đã đọng mãi trong trí nhớ của tôi. Vui nhất là vào ngày Tết năm đó, cô Liên cùng ở lại với làng. Cô Liên ăn Tết một mình, hay nói đúng hơn là ăn Tết với cả làng Rốn Bão. Cô đã làm cho lũ trẻ chúng tôi vui khi cô nghĩ ra lắm trò chơi trên bãi biển vào ngày xuân khiến cho không gian trở nên rộn rịp. Rồi đêm mùng một Tết, cô Liên uống rượu thật nhiều, cô về lại căn phòng nhỏ của mình mà khóc. Tôi theo cô, cứ lấy củi châm cho cháy bùng trong đêm Tết, mà không hiểu tại sao cô buồn. 
Sáng mùng 7, một mình tôi chèo chiếc thuyền thúng ra vũng nước xoáy câu cá với ý nghĩ là câu con cá ngon tặng cô Liên vào ngày đầu năm. Hôm đó biển động. Nơi vùng nước xoáy khi biển động có rất nhiều cá to tụ về, việc câu cá rất dễ dàng. Tôi mải mê chạy theo đàn cá nên bị một con sóng lớn bất ngờ đổ ập lên, hất tôi ra khỏi chiếc thuyền thúng, nhấn chìm xuống nước. Lúc đó tôi gần như kiệt sức thì cô Liên xuất hiện. Cô đã bơi thuyền ra cứu tôi thoát chết trong gang tấc. Tôi không hiểu tại sao một người con gái nhỏ con như cô lại có thể có sức mạnh phi thường như thế? Cô đưa tôi vào bờ mà nói: “Em khờ lắm. Ai biểu em câu cá làm gì? Em chỉ cần tới nhà đốt lửa cho cô ấm là được”.
Việc xây dựng một nhà máy ở ngay đụn cát, nơi đoạn đường vào làng mà các cây thông bị chặt sát gốc đã làm cho làng Rốn Bão của tôi trở nên phồn thịnh. Một công ty du lịch cũng đã chọn khu vực nhiều mỏm đá, nơi tôi bị tai nạn thành một khu du lịch. Làng Rốn Bão nay trở thành một điểm du lịch với cái tên hấp dẫn: Bãi Tiên. Nhưng đó là chuyện xảy ra gần 15 năm sau khi tôi xa làng, đi học. Cả nhà tôi cũng đã chuyển đi, nên ngần ấy thời gian, tôi đã không trở lại làng. 
Tôi trở lại làng đón Tết, trước sự thay đổi ấy, chỉ một mình tôi. Tôi muốn tìm gặp cô giáo Liên của tôi. Chiếc xe ô-tô chở tôi đã có thể thong dong phóng xe trên con đường nhựa tới thẳng sát ngay ngôi trường cũ. Trường giờ đây đã trở thành trường cấp 1, 2 khang trang và đẹp đẽ. Mùa xuân như đang rộn rã. Tôi nhủ sẽ đốt lửa như ngày nào đốt lửa cho cô ngồi khóc trong đêm Tết. 
Nhưng cô Liên đã rời trường từ 7 năm về trước, không ai biết cô đi đâu. Ngay cả căn phòng nhỏ mà dân làng xây dựng cho cô nay cũng không còn. Còn lại duy nhất là con đường nở rực một màu vàng hoa hoàng anh. Trong nắng mai lộng lẫy kia, tôi tưởng chừng như cô Liên đang đi qua ngõ hoa vàng ấy. Hoa vẫn rực vàng trong mùa xuân.
 Khuê Việt Trường

 

Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

Nhạc - Thơ - Văn Thư Ngày Xuân


Thư Xuân
Anh đã quên hay là em vẫn nhớ ?
Mỗi đầu Xuân là mỗi một lá thư....
Gom nhớ thương và đôi chút ngại ngần, 
Thư không tới khiến lòng thêm bỡ ngỡ !  
 
Mình xa nhau không gian ngàn cách trở, 
Chỉ gần nhau trong hương vị đầu Xuân....
Tình dẫu xa bỗng chốc lại hoá gần ! 
Quên hết cả tiết Đông sầu lạnh giá...

Dĩ vãng vàng theo lá Thu rơi lả tả,
Hè đâu còn vũ điệu tuổi hè vui ?
Em mãi hoài trông ngóng nhớ khôn nguôi,
Thư Anh đến mang theo mùa Xuân mới !!
NM


Thư Ngày Xuân
     Ngày..., Tháng..., năm...
  Anh, Mỗi năm một lá thư. Nó đã trở thành một thông lệ . Một thông lệ mà cả Anh và Em chưa hề giao ước với nhau !
Thế mà bản giao ước chưa ký kết ấy lại được cả Anh và Em tôn trọng triệt để . Vậy rồi mỗi khi nàng Xuân chớm bước sang thềm năm mới, ta thêm một lần  đón gần, đợi xa ... Một lá thư ! Khi  lá thư đến chậm,  Em ấm ức, khó chịu , sự đợi chờ kéo dài như một thử thách vô hình chung ngạo nghễ quậy phá Em ! Nó đưa đường dẫn lối em đến ý nghĩ Anh đã quên và quên hết tất cả rồi ! Và Em tự nhủ sẽ ngâm thư Anh thật lâu cho đỡ tức, cho hả dạ, cho đáng đời ...., vẫn nông nổi quá đi ! Hoặc là việc gì đã xảy ra cho Anh ? Có lúc trong đầu Em thoáng qua một tưởng tượng là Anh không còn hiện diện trên cõi trần này nữa, chỉ có vậy thôi mà Em đã thấy cả một hố sâu hun hút ngay dưới chân mình ... Em không muốn nghĩ xa hơn , vì sợ chính mình sẽ rơi vào cái hố ấy ! Ngược lại, có lần Anh đã gởi cho Em một bì thư thật dày . Em mở ra thì ba tờ giấy viết thư được gấp nếp ngay ngắn, màu ngà , loại giấy quý Anh chuyên dùng mà em đã quen vân vê trên tay , vì Anh biết Em yêu thích từ tờ giấy lan ra chữ viết của người viết thư , và hơn thế nữa !  Ba tờ giấy ấy hoàn toàn không có gì ngoài : trang một ở góc cuối bên  phải chỉ có chữ " Em  " . Em lật qua trang thứ hai , cũng ở ngay vị trí đó, vỏn vẹn chỉ có chữ  " Đã " . Bàn tay Em lúc đó lạnh toát, hấp tấp lật qua trang thứ ba , thấy ngay góc phía dưới chữ  " Quên " mà anh tô thật đậm kèm theo một  dấu chấm phá . Và Em biết thêm một điều : Anh cũng có cảm giác y như Em khi thư chưa vội đến! Anh nói với Em, đây không phải là thư tình! Em khẳng định với Anh đó chỉ là  "bản phúc trình " của riêng Anh, riêng Em , của ba trăm sáu mươi lăm ngày vừa kết thúc . Ba trăm sáu mươi lăm ngày ,cả Anh và Em đều bận rộn với cuộc sống, với những vui buồn. Với những giờ khắc trống rỗng hay với  niềm vui đầy ấp ,khả dĩ nào đó đến bất ngờ . Mình cũng chỉ là những con người sống với ham muốn, đam mê, hy vọng, thất chí, khao khát, cưu mang những gi tự nó đến rồi lẳng lặng ra đi . Nhưng tại sao ta không viết lá thư ấy vào mùa khác ? Giả dụ như mùa hè , mùa với nắng ấm, cỏ cây rực rỡ màu hoa. Mùa ta thảnh thơi , an nhàn  , không phải chạy theo nhịp điệu của thời gian , không sợ việc đến trễ hay đi sớm . Ta có được những thời khắc lười biếng nằm dài dưới một tàn cây che bóng mát, nghe tiếng ve sầu rên rĩ đến lùng bùng cả màn nhĩ . Anh thường nói ve ở miền nam nước Pháp còn đông dân số hơn bên quê nhà của mình rất nhiều .  Em không biết bây giờ muốn nghe tiếng ve tấu khúc Sầu ở sài - gòn có được hay không ? Mùa, mà mỗi khi nhắc đến thì Anh lại nhớ về thời mới lớn : thuở đó anh hay để tim đập sai nhịp khi thấy ai đó quá dễ thương . mát rượi con mắt tham lam của chàng trai áo trắng Hay một cái nhìn xanh ngát màu yêu thương, e ấp tuổi dậy thì làm con tim anh muốn rớt ra ngoài (  câu anh hay kể ! ) . Thời mà anh rất siêng năng, rất chịu khó phơi nắng trước cổng trường để chờ mấy tà áo dài tha thướt bước ra .... Thời Anh sống xa lắc, xa lơ đối với tuổi đời của Em , và nếu đem so sánh thì tỷ lệ thuận của khoảng cách ấy cho ta rất ít phần trăm được gặp gỡ ! ... Hoặc viết thư ấy vào mùa thu . Anh nói mùa này, tâm hồn con người ta dễ rúng động vì sự chuyển màu, thay sắc của vạn vật . Gợi cho ta nhớ , ta nghĩ , ta trầm, ta nuối tiếc dĩ vãng hơn hết ! Không một thi sĩ , nhà văn nào làm ngơ được với mùa Thu, phải không anh ?! Anh biết Em yêu thích màu thu đến dường nào, nhưng Anh lại cho rằng mùa này là mùa tàn, mùa đi vào cái chết của một phần nào thể vật . ... Thư mùa Đông thì anh sợ nó đóng thành những tảng băng đá lạnh muôn thuở, trôi nổi mãi tận vùng Bắc hoặc Nam Cực. Anh bảo sợ con chữ sẽ ngủ vùi trong giá lạnh như những chú gấu trắng . Mùa Đông vạn vật đều khẳng khiu, chịu đựng âm thầm sự khắc nghiệt của thời tiết . Vì thế ,Anh sợ không đủ đem lại hơi ấm để sưởi đôi bàn tay cầm giữ thư Anh! Thư không là ngọn lửa thực thụ , không là hơi ấm hiển nhiên, nó chỉ là những ý tưởng trải lên tờ giấy vô tư, đem lại cho tâm hồn người đọc một thi vị khác xa với đời sống vây quanh . Đưa từ người viết đến người đọc đi vào một thế giới khác , chỉ có hai nhân vật này hiểu được nhau dưới ngòi bút của chính họ mà thôi. Người ngoài sẽ cho là  cảm thức ấy thật lạc đề , không thực tế . Nó như sự bám víu vào ảo vọng của những người có tâm hồn đang chết đuối , cố nuôi một hy vọng quá mong manh ! Nó lãng xẹt và hoàn toàn không phù hợp với lối sống của ngày hôm nay, nó giống như sự xa hoa, phung phí thời giờ một cách vô bổ . Không biết người ta đúng hay sai, nhưng Anh và Em đâu cần phải chạy theo thời đại này, hay thời đại nọ . Mình chỉ làm chuyện mình yêu thích, dành riêng cho nhau mà thôi . Viết một lá thư "phúc trình " như thư của Anh và Em đâu mất trọn một ngày , đâu kéo dài một tuần hay lệch  thệch ra một tháng. ... Và không biết tự lúc nào, Anh đã bắt đầu viết thư cho Em vào mùa Xuân ? Nếu em không lầm thì thư mùa Xuân của Anh và Em đã bắt đầu từ lâu lắm . Em  cho rằng nó xưa hơn thời Thượng cổ, cũ hơn những dãy núi già tuổi nhứt trên trái đất ta đang sống . Nói đúng hơn là số tuổi của Anh và Em cộng lại rồi ta nhân lên gấp vạn lần mới là giải đáp gần đúng nhứt với móc điểm khởi đầu ! Mỗi mùa Xuân đến, Anh và Em đều thêm một tuổi , hay nói đúng hơn là già đi thêm một tuổi . Ta không còn  háo hức, xôn xao khấp khởi chờ xuân mới như thời son trẻ, mà bắt đầu nhìn Xuân với một tâm trạng trầm lắng hơn ! Làm sao không trầm lắng được khi mà cuộc sống đã dạy cho ta bao thăng trầm không tránh khỏi . Đặt bút viết thư mùa Xuân đối với Anh và Em như một lần ta thay áo mới , màu sắc chiếc áo không sặc sỡ , không nổi bật , không cuồng nhiệt, sôi nổi như thời tuổi trẻ ! Mà nó thay dần với những gam màu rất nhẹ nhàng , thanh tao , siêu thoát một cách khó mà đặt đúng tên . Thư Xuân lần này anh nói là tóc anh đã muối hiều hơn tiêu. Thư xuân của Em có câu : đuôi mắt Em đã nhiều vết chân chim . Cầm lá thư của Anh trên tay là Em đã thấy Xuân về !
Em . 
Nguyễn Mỹ Hạnh 
 
Một Thoáng Mùa Xuân

Diễm ơi...
đã lâu không gọi diễm
diễm của tôi ngày xưa
diễm ơi còn trang điểm
bằng chuỗi hạt mưa thưa?

đã lâu không gặp diễm
chắc lạ lẫm nhau rồi
đường xa khôn tìm kiếm
bận rộn đời, chơi vơi

đã lâu...chợt lại nhớ
diễm xưa, một thuở nào
từng nhìn nhau ú ớ
từng chết cùng chiêm bao

(Dzi.)

Hắn quen Diễm trong trường hợp thật bất ngờ, hy hữu. Diễm là con gái lớn của bạn hắn. Người bạn mà hắn quen cùng đơn vị, cùng từng nhau chiến đấu chung một giao thông hào. Chắc các bạn lại nói :" Úi giời ơi , thế thì có gì lạ lẫm, hy hữu chứ ! "Vâng lẽ ra thì là chuyện thường ,nhưng cái thường ở trong trường hợp của hắn lại chẳng thường chút nào...
Này nhé , nói là bạn cùng chiến đấu chung một giao thông hào , nghe cho có vẻ dao to búa lớn thôi , chứ thiệt ra là họ có cùng một chí hướng khẩu chiến với những người hàng xóm chung quanh , không đồng …., chính kiến , chỉ là thế.
Cái làng chài ven song Cửu này vẫn thế . Hình như không một phút nào yên . Chẳng chuyện con gà nhà này qua bới vườn nhà kia thì cũng con chó nhà nọ qua ị … bậy trước ngõ nhà bên . Tiếng cãi nhau đều như tiếng mưa rơi, dòn như tiếng pháo nổ . Hình như nếu trong ngày không có một cuộc thượng mồm trên, hạ mồm dưới thì hình như xóm chài này buồn lắm, nhất là những ngày biển động, cư dân ngồi ngáp dài nhìn ra biển, bụng cồn cào . Người ta lại muốn gây nhau nhiều hơn, làm như để quên cái bao tử lép kẹp đang thét gào .
Có một hôm thuyền neo nơi bến đỗ . Hắn ngồi ngủ gục bên tay lái . Biển về chiều gió thổi hiu hiu, hắn vứt bỏ tất tật những lo toan hàng ngày xuống đáy nước, hắn quăng tuốt tuột những mộng mơ tình ái vào khoang thuyền tanh mùi cá, ẩm mùi nước mặn. Hắn đánh một giấc vô tư ….Đang mơ màng về những ngày thơ bé, đang mộng du qua những khung trời tuổi nhỏ có cha, có mẹ, có chị, có em …, xum họp bên nồi bánh chưng đêm 30 tết, đang tươi cười bên bếp lửa bập bùng, hắn như đang thoát tục, như lạc vào cõi thiên thai , vì từ lâu rồi hắn chưa bao giờ được vui như thế , thì hắn giật mình tỉnh giấc vì tiếng va chạm gì đó trên khoang thuyền . Hắn mở mắt nhìn quanh, đưa tay lên dụi mắt …Ơ …, một cô gái xinh đẹp quá đang mỉm cười với hắn ở trên bờ cách đó không xa . Hắn đưa tay dụi mắt lần nữa, để tỉnh ra xem có phải nàng cười mí hắn hay là mí ai …Rõ ràng mà , cô gái cười với mình mà. Hắn lẩm bẩm như thế và tự nhiên ngồi ngay ngắn trở lại, rà xét xem mình đã từng quen cô gái này ở đâu, cô ta không phải là cư dân ở đây, điều đó chắc như bắp vì cả gần năm nay khi hắn về tá tấp xóm chài này hắn chưa hề gặp cô bao giờ . Trông cách ăn mặc của cô ta cũng biết rõ cô không thuộc giai cấp thuyền chài tí nào . Hắn đang cố hình dung, tìm tòi trong ký ức nghèo nàn của hắn, để trả lời cho cái …,có vẻ như thân mật của cô gái, thì …trời ạ! Cô gái đưa tay ra vẫy vẫy và hắn nghe thánh thót bên tai :
- Này anh Miên, phẻ hông dị ?
Ôi lạy chúa tôi , Hắn kêu khẽ , lại còn biết cả tên mình nữa …Ai vậy cà …Hắn ngơ ngác đáp thiệt nhanh và nhảy xuống nước lội vào bờ :
- Phẻ, phẻ lắm . Mà ủa , ai zậy cà ?
Cô gái mỉm cười tinh nghịch :
- Thì là em chứ còn ai . Em con gái chú Út Min đây . Rồi nàng cười thiệt lớn. Tiếng cười dòn tan giữa khoảng mênh mông của biển, dội lại vang vang trong khoang thuyền .
- Dậy sao ? Con chú Út mà sao tui không biết kìa .
- Làm sao anh biết được . Em đâu có sinh sống ở đây mà anh đòi biết chứ . Anh biết mới là lạ đấy .
- Mà sao cô biết tôi , hay quá dậy ?
- Thì bố em kể về anh hoài mỗi lần ổng biên thư cho em
- Ủa , ổng kể chi dậy ?
- Ổng kể là …Anh là đồng chí của ổng . Mỗi lần bố em đôi co với thiên hạ, chẳng cần biết phải trái gì anh đều đứng về phía ổng , gân cổ lên cãi phụ ổng , đúng không ?
- Trời đất sao ổng lại kể cái chuyện tầm xàm đó với con gái mình chớ . Ông này thiệt kỳ .
Cô gái lại cất tiếng cười như nắc nẻ, làm hắn sượng sùng . Hắn đưa bàn chân di di trên cát , mắt nhìn ra biển hỏi nhỏ :
- Thế cô tên là gì nhỉ ? Cô ở đâu mới về thăm nhà ?
- Em tên Diễm, ngoài phố người ta hay gọi em là Diễm xưa , em ở ngoài phố mới dìa , định ăn Tết với gia đình .
Thế là hắn quen Diễm, kể củng hi hữu lắm chứ phải không các bạn
- Vậy chứ …, hồi nào tới giờ bố em không nhắc gì về em với anh sao ?
Cô bé vừa hỏì vừa ngúng nguẩy, cái điệu bộ thấy mà …ghét . Hắn cũng khớp quá trước cái bạo dạn của dân thành phố nên ấp úng :
- Không, chưa bao giờ tôi nghe nói về cô cả …Sao chú Út lại giấu tôi chi vậy nhỉ ?
Rồi hắn cười gượng gạo :
” Trời …có cô con gái đẹp, văn minh thành thị thế này mà định giấu tôi hen . Cái ông bạn già này . Thiệt tình …”
Diễm xưa cũng bẻn lẻn, đưa bàn tay thon nhỏ lên vén gọn mái tóc đang loà xoà trước mặt, làm duyên trước câu nói thiệt tình của hắn :
- Bộ anh là bạn của bố em sao ? Anh còn trẻ qúa mà …
- Thì gọi là vậy đó mà . Những lúc rảnh tôi hay chơi cờ tướng với chú Út, rồi hai chú cháu dô vài xị cho ấm bụng . Chú Út vẫn cứ hay kêu tôi là “người bạn trẻ” , miết rồi tôi tới luôn cũng kêu ổng là “ông bạn già “ hì hì …Xin lỗi cô nghen vì quen rồi .
Và từ đó hắn thân với Diễm. Những ngày Diễm về lại thành phố hắn thỉnh thoảng cũng biên thơ cho Diễm kể lể những chuyện không đâu của cái xóm chài hiu hắt ven sông này và đôi lần hắn cũng thổ lộ với Diễm về những nhớ nhung :
“ Diễm ơi hôm nay nhớ Diễm chi lạ . Biển hôm nay buồn lắm Diễm à, mưa to và gió lớn, sóng gào thét dữ dội át cả tiếng cãi cọ của anh ba Thẹo và chị Tư rỗ . Miên ngồi đây chán đến nỗi chả muốn nhấc tay lên đuổi ruồi nữa , cái con ruồi này lì lợm quá cứ bay vo vo đậu trên mặt Miên hoài .Ngồi đây nhớ Diễm ghê Diễm ơi . Lúc này Diễm đang làm gì ? Về quê thuyền chài này chơi đi Diễm . Miên tính đi bộ lên phố thăm Diễm đây , không biết con đường bao xa hả Diễm . Thôi hay để Miên đi vài chuyến biển nữa dành dụm ít tiền đi xe đò lên thăm Diễm cho oai một chút hỉ . …”
Đôi lần hắn cũng nhận được thơ Diễm. Diễm thường viết rất ngắn . Hắn cứ lẩm bẩm :
” Cái cô bé này sao hà tiện cả bút mực . Nhưng mà hà tiện như vậy mới làm giầu được chớ , sau này chung sống với nhau may ra mới tạo dựng được cơ đồ .”
Hắn cứ làm như là hắn sắp cưới ngay được Diễm làm vợ . Tháng ngày tiếp nối đã nuôi lớn cái giấc mơ cưới Diễm làm vợ của hắn . Tự dưng hắn biết làm đỏm hơn những ngày trước , hắn biết chải lại mái tóc cho gọn gàng, biết ăn mặc áo quần tươm tất hơn và nhất là những người hàng xóm đã nhận ra sự thay đổi nơi hắn ;
- Gớm , cái thằng Miên dạo này thấy bảnh ghê á
- Ừ ! Đôi khi còn thấy nó xịt nước hoa nữa đó , thơm phức .
- Hình như nó mê con gái lão Út rồi …Đúng là …hồn bướm mơ tiên mà
- Đâu có …Cái gì mà hồn bướm mơ tiên chớ . Con Diễm thì cũng xoàng thôi , có đẹp gì cho cam mà thím nói dậy chớ …
- Thì ít ra nó cũng là dân thành phố , còn cái thằng Miên chỉ là dân chài quê mùa …Bộ xứng sao
- Xứng chứ sao không xứng . Cái thằng này mà đóng bộ dô hả …, ăn khách lắm đó nha
Chỉ cái chuyện không đâu đó mà mấy thím thuyền chài cũng đã muốn gây gỗ nhau rồi . Hắn thì nghe những lời bàn tán miết rồi quen tai , chả còn vui buồn với những dèm pha trong lúc rảnh rỗi của bàn dân thiên hạ nữa . Mối tình của hắn và Diễm lớn lên theo ngày tháng . Hắn mừng như con nít được kẹo mỗi khi hắn nhận được thơ Diễm :
“ Anh thân thương của em
Dạo này anh thế nào , phẻ hông ? Có đi biển nhiều hông ? Ừ dành tiền để đi xe đò lên phố thăm em nha , đừng đi bộ xa lắm đó . Nhớ đừng có quen , đừng có nói chuyện mí mấy cô xí xọn, đít bự ở trong nha …Coi chừng em giận à …”
Hắn đọc lại lá thư :
” Bộ cũng biết ghen nữa sao cà”
Rồi hắn cười khúc khích, đứng dậy, vơ một nắm cát thẳng tay quăng xuống biển và nói to :
” Không đâu anh chỉ quen mình em thôi “ .
Hắn hét to quá làm mấy thím đang nhặt cá ở bãi giật mình nhìn lên lẩm bẩm :
- Đồ điên !

Hôm nay chiều 30 tết . Sinh hoạt trong xóm chài có phần bận rộn , nhà nhà đều chuẩn bị đón giao thừa . Hầu như nhà nào cũng nấu bánh tét , khói lên nghi ngút . Những đứa trẻ thì mặc thử những bộ quần áo mới mà mẹ chúng mới đi chợ tết mua về , chạy tung tăng khoe nhau . Có tiếng vài bà mẹ la lớn :
” Mặc thử chút thôi , thay ra đi để mai mồng một tết mới mặc con à “ .
Nhà chú Út có vẻ là ăn tết lớn hơn cả . Hắn thấy thím Út sáng nay đi chợ mua sắm nhiều lắm, gánh một gánh nặng . Còn hắn một thân một mình trơ trọi , tết hay không tết thì cũng thế thôi . Hắn đang nghĩ không biết ngày mai mồng một tết phải làm gì . Đi chúc tết từng nhà, dĩ nhiên . Nhưng sau đó …ngày đầu năm mà nhiều người kiêng cữ lắm chả lẽ mình lại ăn dầm ở dề nhà chú Út , hay giả bộ tới rủ chú Út đánh cờ tướng …,đâu có thể được chớ, ngày tư ngày tết người ta bận rộn xum họp gia đình vui chơi thì giờ đâu mà chơi cờ tướng . Hắn là rảnh rỗi nhất chả nấu bánh tét, chả làm kẹo bánh chi cả . Hắn mơ màng nghĩ tới ngày mai khi gặp Diễm ngày đầu năm mình phải chúc tết cô bé như thế nào nghe cho tình tứ một chút.
Hắn bấm đốt ngón tay, miệng lẩm nhẩm tính :
” Mình đã quen Diễm được hơn một năm rồi, đúng ra là một năm lẻ 4 ngày . Cũng một ngày cuối năm ngoái mình quen cô bé “.
Thời gian qua nhanh như thế mà cái cảnh heo hút của làng biển này vẫn trơ trơ, vẫn những con người quần xăn qua đầu gối, miệt mài với biển, biển thì không thuần khiết, lúc mưa lúc nắng . Con người nơi đây chỉ biết chịu đựng . Cũng có những người đã không kham nổi với cái khắc nghiệt của biển, đã bỏ biển mà đi . Cũng có những người đi chán rồi lại tìm về biển chắc vì cái số của họ ông Trời đã bắt phải gắn liền với biển rồi , thì trốn bỏ đi đâu cho được . Hắn ngồi mà nghĩ lại đời mình , sau ngày 30 tháng tư năm nào gia đình hắn sơ tán , thất lạc mỗi người một nơi . Hắn theo dòng người di tản từ “phố núi cao” tháo chạy về thành phố biển , rồi từ thành phố biển hắn lang thang vào vùng đồng bằng phía Nam này, tất bật lo miếng cơm manh áo mà đổi thay bao nhiêu công việc . Thế rồi một buổi nọ có người bạn rủ hắn về đây theo thuyền đi đánh cá . Được ít lâu sau thì người bạn một lần ra biển đã vĩnh viễn không về nữa , bỏ hắn lạc lõng nơi này một mình . May mà có chú Út Min, vui tính sẵn lòng làm bầu bạn với hắn . Hắn cũng nguôi ngoai phần nào . Hắn mong có được ít tiền về quê để tìm lại người nhà., nhưng dành dụm mãi mà vẫn chưa đủ, đành chịu xa rời cái ước mơ xum họp . Những ngày cuối năm nhất là chiều 30 như hôm nay , không khỏi làm lòng hắn trĩu nặng, xôn xao .
Hắn đang cố nặn óc nghĩ ra một câu chúc tết nào thật ý nhị để chúc tết Diễm ngày mai thì hắn nghe sao có nhiều tiếng ồn ào trong xóm , hình như phát ra từ khu nhà chú Út . Hắn để ý lắng nghe thì đúng là giọng thím Út :
- Con bà nó . Đứa nào, con nào mà ác nhân ác đức , đánh con mèo của tao gãy cẳng thế này ?
- Đứa nào ngon, dám vỗ ngực nhận đi , tao thì xé xác mày ra , tao thì đập cho mày cẳng cũng gãy như con mèo . Đồ ác độc .
Hắn chồm ra khỏi nhà chạy về phía đang có tiếng chửi . Hắn chợt thấy thím năm Thu vén quần xông xông lại phía thím Út
- Là tao đấy , mày ngon làm gì tao . Ai bảo mày để con mèo của mày đói đi ăn vụng . Tao chưa đập chết là may , còn to mồm
- Con mèo nhà tao ăn vụng cái gì của nhà mày chứ?
- Ăn vụng nồi cá kho tiêu của nhà tao . Nó ăn tham quá mà , ăn sạch sành sanh luôn. Mày không trông chừng nó có ngày tao đập nó chết luôn á.
- Mày giỏi, mày giỏi .
Thím Út vừa nói vừa xấn lại phía thím năm . Chú Út chạy lại can, kéo thím Út lại
- Thôi mà, nhịn đi , cuối năm rồi cãi nhau chi nữa …
Hắn đi lại bên cạnh Diễm, nói nhỏ :
- Diễm về hồi nào vậy ? Thiệt cái xóm mình là vậy đó , không cãi cọ, không yên
Diễm vùng vằng nói nhỏ đủ cho hắn nghe :
- Mạ em cũng thiệt kỳ. Con mèo nhà mình hư thì mình phải nhịn người ta chừ còn chửi nữa …Quê chi mà quê tệ .
- Ý trời ơi . Em đâu có thể nói vậy chứ . Dù sao em cũng phải binh mạ em chứ .
- Binh sao được mà binh …
- Cô Diễm nói đúng . Có lỗi là phải nhận , chứ đừng cãi ngang , kỳ lắm .
Hắn nhìn lên thấy một anh chàng lạ hoắc, mặt mũi coi trắng trẻo, cặp kiếng trắng chễm chệ trên khuôn mặt, trông thiệt xa lạ với dân xóm chài, dù nó có làm tăng cái vẻ thông minh, cái vẻ …bác sỹ của anh chàng . Hắn còn đang ngạc nhiên không biết là ai thì lại chợt nghe :
- Đúng là cô Diễm từ thành phố về có khác . Tánh tình hiền dịu như thiên thần, xinh đẹp như tài tử Hồng Kông, xử sự như những người học thức .
- Anh quá khen .
Diễm e thẹn nói lí nhí, rồi chạy lại kéo mẹ vào nhà . Khi đã vào tới nhà , Diễm nói với mẹ :
- Con đã bảo mạ mà mạ không nghe. Ngày tết đó mạ .
- Chưa tết, ngày mai mới tết
Thím Út vẫn nhất định không chịu thua, không chịu nhịn :
” Con mèo nhà tao mà có mệnh hệ gì thì biết tay tao . “
Diễm vùng vằng bỏ xuống bếp phụng phịu, dỗi hờn. Hắn chạy theo xuống bếp dỗ dành :
- Đừng buồn Diễm à. Cuộc sống nơi đây là vậy đó . Cãi nhau như cơm bữa mà. Không có gì đâu . Ngày mai đâu lại vào đấy …Mà em cũng lạ , dù sao cũng phải binh mạ mình chứ .
Rồi như chợt nhớ ra cái anh chàng đeo kính trắng mới gặp lúc nãy . Hắn ngập ngừng hỏi
” Cái anh chàng hồi nãy là ai vậy Diễm ?
- Thì là anh hai Hòn con thím năm Thu chứ ai . Nghe đâu ảnh học gì ở Sài gòn …Mạ em làm em quê với anh ta quá …
- Sao anh nói hoài mà em vẫn không hiểu . Em lại binh kẻ thù của mạ . Em có nghe người ta nói :” Bạn của kẻ thù, thì cũng chính là kẻ thù” không . Bộ em muốn là kẻ “thù” của mạ …!
- Anh nói gì ? Thôi đi …
Và thế là hai ý kiến bất đồng, tình cảm hai người sứt mẻ . Hắn lững thững đi về phía biển:
“Con mẹ nó, cái thằng đeo kiếng cận . Nó khen cô ta một cái là cô ta muốn xoay 180 độ ngay …Thôi thì thôi, đây cũng cóc cần” .
Hắn quyết định một lần nữa đổi nghề. Hắn sẽ xa biển như đã từng xa một vài nơi lúc trước . Hắn muốn xa xóm chài này vì hắn đã mơ hồ nhận ra sự đổ vỡ trong tình cảm của hắn ắt phải xẩy ra, chỉ là sớm muộn mà thôi . Hắn biết đang có kẻ thứ ba xen vào, có thể là một chiều , nhưng thật ra đã lay động một góc hồn nào đó của Diễm . Hắn tự ti để thấy rằng phần thua thiệt đang nằm trong tay hắn .
Ngày mai hắn sẽ ra đi . Ngày đầu năm, ngày mồng một tết, hắn sẽ từ giã những cuộc cãi vã, miết rồi lại thấy là thân thương chứ không là chán ghét . Rồi mai này ở một nơi xa nào đó không còn được nghe, được chứng kiến, được tham dự vào những cuộc đôi co của xóm chài nữa, chắc hẳn hắn sẽ buồn lắm . Ôi cái sinh hoạt rất bình thường của xóm chài này.
Sáng sớm hôm sau khi mọi người còn ngủ yên, có một gã tay xách túi đồ, lầm lũi bước đi . Khi đi ngang qua nhà chú Út Min, gã gọi thầm :
“ Diễm ơi ! Diễm xưa ơi !
… Tiếng pháo đầu năm chợt nổ đì đùng đâu đây .
 Lê Du Miên
Tản Mạn 3 Ngày Tết
Những cái tết lần lượt đến rồi qua đi. Lại một tết nữa sắp qua đi. Ngoài kia mưa xuân lất phất bay. Trời se lạnh. Ờ nhỉ, trời chẳng bao giờ quên bổn phận làm trời. Hết một vòng quay 365 ngày, rồi tết lại đến. Và rồi lại tiếp tục một vòng quay nữa. Cứ vậy, mãi mãi, không bao giờ ngưng nghỉ...
Với ta vẫn vậy. Có khác chăng là không mãi mãi. Hết một vòng quay của đất trời, cuộc đời ta đã khác rồi. Ngày còn bé, ta mong tết đến không khác mấy tâm trạng ngồi ngõ ngóng trông buổi chợ trưa của mẹ. Chỉ một miếng bánh nhỏ thôi, mà lòng ta rạo rực. Ta vạch lên tường 30 nét cuối cùng của năm. Rồi cứ vậy sốt sắng, nôn nao xoá dần đi từng gạch. Niềm vui chờ đón tết cứ đến dần, đến dần. Thời gian không dừng lại đâu, có điều nó bò như sên, như ốc.
Rồi tết đã đến. Ta có chiếc áo mới. Ta được ăn cơm no hơn với cá, với thịt. Ta không phải dắt trâu ra đồng trong cái rét da con trẻ. Ta thoả thích, vô tư, hồn nhiên đắm mình trong hạnh phúc của tết. Giá cuộc đời cứ vậy, mãi mãi.
Thế hệ ta, đứa nào chẳng phải qua những cái tết trong chiến tranh. Nhiều đứa đã một thời đón tết ngoài mặt trận. Có lẽ, tết đến thì nhiều, mà đón tết ngoài mặt trận thì ít, nên mấy người giờ này nhớ đến những khoảnh khắc ấy. Tết đến không biết. Nói chẳng ai tin. Có đấy. Khi mà cuộc sống cứ quay cuồng với vất vả, bom đạn, với sốt rét rừng..., làm gì còn nhớ ngày, nhớ tháng. Hết năm, tết dửng dưng đến, rồi lặng lẽ chuồi đi. Ta đã mấy lần như vậy, vô tình với tết. Vô tình nhưng lại nhớ đời.
Tết đến để gia đình sum họp. Cha mẹ, anh em, chú cháu quây quần bên mâm cỗ tết. Vậy mà ta trong một thời gian không ngắn, chẳng được thế. Gần 20 năm ta đón tết xa xứ. Cũng mâm cỗ cúng tổ tiên trên chiếc ban thờ sơ sài đêm 30. Con trẻ thì háo hức, mà người lớn thì đang thả nỗi buồn về chốn quê nhà, vì đã bao nhiêu tết biền biệt đất người.
Ta về quê cúng tết. Thẩn thơ đầu làng đến cuối xóm, ta muốn tìm lại hình ảnh tết xưa. Không còn nữa. Tất cả đã trôi vào dĩ vãng. Lũ con trẻ chẳng còn cái sân kho hợp tác để chơi ù, chơi đáo. Không gian tết của chúng giờ đây hình như chật hẹp hơn. Chúng đang chúi đầu vào quán nét kia. Trong đó có nhiều trò chơi hấp dẫn hơn trăm vạn lần trò chơi ngày ta còn bé. Trong túi chúng rỉnh rang tiền lì xì, đủ để chúng ngồi thâu đêm trong bảy ngày không đến trường.
Thú chơi tết của đám thanh niên cũng khác xưa rồi. Tết đến có đủ đầy bia rượu, có đủ đầy mồi ngon để cầm chân họ. Tôi vào, họ như càng bốc hơn, tưởng sẽ có thêm người "gánh" hộ.
Cái no đủ đến hầu hết với mọi nhà. Bếp lửa không còn đỏ rực suốt ba ngày tết. Khách đến nhà không còn mâm cao cỗ đầy. Cụng nhau li rượu chúc xuân, có khi lời chúc còn dang dở đã vội vã ra đi. Phải đi, để làm sao trong buổi, trong ngày khắp lượt hết làng trên, xóm dưới.
Điều làm ta thấy ấm lòng, đấy là nhìn những cây nêu sáng rực trước mỗi căn nhà. Cây nêu cao vút, sặc sỡ sắc màu. Mười nhà trồng nêu, có chăng chỉ một biết là trồng theo tục xưa. Còn nữa, dựng cây nêu như sắm bức tranh tết. Biết hay không biết tục dựng nêu ngày tết, không sao. Chỉ biết rằng, nhìn vào xóm, vào làng ta thấy đẹp hơn, ấm cúng hơn, và cả sang trọng hơn, vậy là lòng ta ấm áp hơn, và cả lòng người ấm áp hơn.
Tết sắp qua rồi. Những chùm pháo sáng rực trời đêm giao thừa chỉ còn lại trong máy tính của ta. Ngoài kia mưa xuân vẫn lất phất bay. Cảnh người ngược xuôi đi chúc tết tuồng như đã thưa hơn. Mấy cái khớp chân sưng tấy lên, làm ta bó gối. Mưa xuân đẹp với người, nhưng khổ với ta. Thời gian đang níu kéo, buộc ta chùng xuống.
Chẳng bù lại cái thời ta còn trai trẻ. Tết ơi, sao ngươi nỡ dửng dưng với ta, dửng dưng đến lạnh lùng!

 Lê Văn