Tắm Mưa
Tôi viết cho em vào một buổi trưa mùa hạ, buổi trưa không có nắng. Trời Đà Lạt bàng bạc môt cảm giác khó hiểu. Cảm giác của cô đơn, của nỗi buồn. Mà hình như không phải...hình như có cái gì đó như là nắng, nhạt lắm, le lói...lại biến mất rồi. Những đám mây không đen, không xám xịt, nhưng cũng không đủ trắng để gọi là sáng. Nó bẻ cong những tia nắng hiếm hoi của Đà Lạt, biến nó trở thành những hạt nhỏ rơi dài tới đường chân trời.
Không có cầu vồng để mà ước. Không đủ nắng để mà hy vọng, cũng không tăm tối để mà thất vọng. Tôi ngồi đây, một mình trong căn phòng vắng lặng với những thứ thân quen mà xa lạ. Tôi tìm kiếm gì hỡi em! Chút ánh nắng của cuộc đời hay là tàn dư của bóng tối. Lẫn lộn cả rồi. Ngày đêm đã hòa trộn thành một đống bầy nhầy. Cái mông lung của số phận hay là bãi rác cuộc đời.
Tôi thèm được nghe tiếng tắc kè kêu trong đêm thâu tĩnh mịch. Rừng núi Đức Linh ơi, em đâu rồi? Hãy cho tôi cái cảm giác rờn rợn khi em bắt những chú bọ bỏ lên người tôi! Hãy cho tôi còn được nghe cái mùi ngai ngái của cây và đất, được giật thót mình khi âm vang tiếng chim lợn trong đêm khuya...
Trước mắt tôi là một buổi chiều với nắng và gió.
Một cô bé lon ton chạy ra nghĩa trang, tìm, đào, bới, nhặt nhạnh những chú dế nhỏ rồi mừng rỡ reo lên khi thấy chúng chọi nhau. Đừng lục lọi nữa em! Đừng xới tung lên nữa! Đã hỗn độn lắm rồi! Em của tôi ơi! Đống đổ nát cuộc đời!

** *
_ Mưa to kìa! Tắm mưa Tèo ơi!
_ Đợi em với!
_ Nhanh lên! Chị ra trước nhé!
Mưa nhạt. Mưa nhòa. Trời đất Đức Linh như đang tan ra trong một màu trắng của nước. Đã thành lệ, mỗi khi trời mưa, người dân Võ Xu Đức Linh lại thấy những đứa trẻ không quần áo rủ nhau tắm mưa. Chúng thi nhau nhảy vào tất cả những nơi nào có nước, những mương, những rãnh...Chúng lôi nhau, vật nhau, bì bõm trong giòng chảy của nước. Chúng khát ư? Không. Hình như chúng cần một cái gì đó để rửa trôi, để cuốn phăng đi những ngang trái của cuộc đời. Dòng chảy kia sẽ đưa chúng về đâu, chúng không biết. Chúng chỉ biết những cơn mưa sẽ xua đi cái bỏng rát hàng ngày của số phận.
_ Đen ơi, ai làm gì trong nhà ấy? Đông lắm chị ạ!
_ Đâu? Ừ nhỉ! Về xem thôi!
Hai chị em cố len vào đám đông những người là người, không nhìn rõ mặt ai, chỉ dật dờ những chiếc bóng. Có những cái bóng dài lênh khênh, cũng có những cái bóng lùn tẹt. Những chiếc bóng tối sẫm quyện vào nhau làm thành những giọt mực như tô thêm một nét đậm vào trang loang lổ của đời người.
_ Ba kìa chị! Ai làm gì ba đấy!
_ Chị không biết! Ba nhắm mắt, chắc là ba ngủ!
_ Ha ha...ba nằm ngủ trên cái chõng tre! Em lên ngủ với ba chị nhé!
Đen nhìn em nhoẻn miệng cười. Bất giác cô bé đưa mắt nhìn lên. Mẹ đang khóc. Sao mẹ lại khóc? Ai bắt nạt mẹ?...Cô bé không biết vì sao mẹ cô khóc cũng như cô không biết được cuộc đời cô rồi sẽ ra sao. Làm sao hai chị em biết được rồi đây vĩnh viễn chúng mất ba.
Ngoài trời mưa đã tạnh nhưng những đám mây đen chưa chịu đi. Chúng luẩn quẩn, lờn vờn như chỉ chực nuốt chửng cuộc đời.
Sáng nay mẹ lại ngất. Mẹ ngất khi đang giảng bài trên lớp. Đen không biết mẹ bị bệnh gì, chỉ biết mẹ rất yếu. Thầy cô trong trường đưa mẹ đi bệnh viện, có khi cả tháng mới về.
Hai chị em đi ăn cơm nhờ nhà hàng xóm. Những đứa trẻ hàng xóm thích thật, được ba mẹ gắp thịt cho đầy chén. Đen ứa nước mắt. Cô chỉ ước cô có được miếng thịt ấy đem về cho mẹ khi mẹ cô trở về. Lâu lắm rồi mẹ không được ăn thịt. Người mẹ xanh như tàu lá, mỏng manh như khi cô nhận ra chính đó là cuộc đời. Những ám ảnh tuổi thơ đã làm già đi tâm hồn đứa trẻ.
Trong vườn mẹ trồng rất nhiều rau. Rau rền, rau ngót, rau lang...Những thứ rau ấy sẽ theo Đen đi suốt cuộc đời vì chính nó là những cố gắng cuối cùng mẹ cô có thể để nuôi hai chị em cô lớn lên. Ngày ngày Đen dẫn em lên rừng kiếm củi và nhặt hạt đào. Cánh rừng Đức Linh đã trở nên quá quen thuộc với cả hai chị em. Quen thuộc như mái tóc vàng hoe nhuốm một màu nắng, như nước da bánh mật đã trở thành tên trên con người cô. Cô yêu rừng, yêu tiếng chim líu ríu trên những cây đào cổ thụ, yêu cái mùi nồng nàn trong những buổi chiều tà ba mẹ con cùng nhau nước hạt đào. Thơm thật! Cái hương vị này cô phải đánh đổi bằng cả cuộc đời không một phút bình yên mới có được.
_ Đen ơi! Em qua nhà chú Lệ ăn cơm đây! Cơm nhà chú Lệ có thịt, cơm mẹ nấu chán lắm!
_ Không đi đâu hết! Ở nhà! Mẹ đã cố lắm rồi! Chị sẽ đi hái rau ngót về nấu canh cho em ăn!
_ Rau ngót, ngày nào cũng rau ngót, chán lắm!
Thằng Tèo phụng phịu, vùng vằng vào trong nhà. Đen nhìn em mà không cầm được nước mắt. Tèo ơi. chị cũng muốn có thịt cho em ăn lắm chứ! Chị xin lỗi nhưng nhà mình nghèo, mẹ còn đang bệnh. Đen khóc to, khóc nức nở, khóc như chưa bao giờ được khóc, như cơn mưa ngày nào hai chị em lôi nhau đi tắm. Đen không biết ở trong nhà mẹ cô nằm trên giường cũng đang khóc. Mẹ cô khóc một mình, khóc cho cuộc đời bà, khóc vì những gì bà không làm được cho những đứa con thân yêu.
Trời Đức Linh chiều nay không có nắng, chỉ nghe tiếng gió va vào nhau vun vút. Lại sắp mưa rồi đây...                    
Đen rời nhà lên Đà Lạt học đại học. Cô học du lịch. Cô muốn đi khắp mọi nơi. Cô muốn được tới những cánh rừng, được thấy những hạt đào nghi ngút khói. Và hơn nữa cô muốn kiếm tìm đâu đó trong cuộc sống này những đứa trẻ đang đằm mình dưới mưa. Thằng Tèo nghỉ học rồi, nghỉ từ lúc nó đang học dở lớp mười một. Nó nghỉ vì mẹ không còn đủ sức để nuôi hai chị em nữa. Nó phải đi làm để nuôi mẹ và chị.
Đà Lạt vào đông trời rét tợn. Những cơn gió mang theo hơi lạnh như cứa vào lòng những vết cắt. Những vết cắt hằn sâu những lo toan. Đêm nay cô gái ấy nằm đây trên chiếc giường sắt lạnh lẽo trong ký túc xá. Một chiếc chăn mỏng mang từ ở nhà lên không đủ làm ấm lòng một con người đã chịu quá nhiều đau khổ. Cô khóc, cô nghĩ đến thằng Tèo đang phải lăn lộn trên một đường phố nào giữa Sài Gòn bụi bặm. Cô nghĩ đến mẹ cô đang bệnh nằm ở nhà một mình. Và ngày mai, một sinh viên nữa của trường đại học Đà Lạt sẽ vào rửa chén tại nhà hàng, sẽ đi bán hàng ngoài đường phố...Giòng người vẫn cứ thế bước qua. Cuộc đời vẫn cứ thế trôi đi.
Một ngày nọ, Đen về thăm nhà. Cô mở vung nồi cơm đã mốc meo vì lâu ngày không nấu. Mẹ cô nằm một mình trên giường không ai chăm sóc. Mắt mẹ mờ rồi, mẹ không còn nhìn thấy rõ mặt cô nữa. Cô lại khóc. Cô khóc như cuộc đời sinh ra cô chỉ để khóc. Cô khóc tự nhiên như ngoài kia trời đang mưa.
* *
Tôi gặp em trong những ngày đầu tiên vào Đà Lạt học, thương em khi nhìn thấy giọt nước mắt rơi trên má em trong bữa cơm đầu tiên tôi nấu cho em ăn. Khóc vì em khi...
Tiếng chuông điện thoại reo vang giữa đêm khuya. Tôi giật mình, em gọi..."...Mẹ...Mẹ mất rồi anh ạ!..."...Tiếng em lẫn trong nước mắt. Từng tiếng nấc nghẹn ngào đứt quãng như những mảnh chắp vá của cuộc đời. Tôi thẫn thờ. Tiếng tút dài vang lên vọng mãi như tan vào đêm sâu tịch mịch rồi tắt hẳn.
Cuộc đời ơi phải chăng người đã tạo ra em bằng nước mắt! Tôi biết làm gì cho em bây giờ? Đen ơi! N. của tôi ơi! Tôi biết làm gì cho em bây giờ?...
Trời lại đang mưa. Xa xa trong cánh rừng già có bóng gì đó như là đứa trẻ thơ đang vùng vẫy.
Đen ơi! N. của tôi ơi! 
Nguyễn Duy Dương 

                   Còn ai tắm mưa ?      
 Hôm nay trời lại mưa, những cơn mưa dầm dề và dai dẳng trong những ngày bão nổi. Cây bằng lăng trước nhà vươn mình đón từng giọt mưa rơi, những cánh hoa tím biếc rơi rụng và trôi theo dòng nước ra phía con đường đất trước nhà. Quang cảnh trước nhà tôi mỗi khi mưa về dường như không có thay đổi gì so với cách đây hơn mười năm, ngày tôi còn là một đứa trẻ. Vẫn con đường đất luôn trở nên tù đọng, lầy lội trong mỗi mùa mưa; vẫn những bụi cỏ dại um tùm trở nên xanh mướt sau mưa; vẫn những khóm hoa dại và cả hoa nhà hàng xóm trồng, nép mình trong làn mưa nặng hạt; và vẫn những hàng nước mưa tuôn xối xả từ mái tôn trước nhà. Chỉ khác mỗi một điều: trong cơn mưa ngoài kia, dưới mái hiên những nhà hàng xóm và cả trên con đường đất đang cuồn cuộn chảy những dòng nước mưa, không thấy bóng dáng của lũ trẻ trong xóm ùa ra tắm mưa thỏa thích như năm nào.           
Ký ức của những ngày xưa tắm mưa chợt hiện về. Ký ức về một không gian xanh, um tùm những cây xoài, cây mít và con đường đất trước nhà luôn đầy những dấu chân trẻ con nô đùa mỗi khi trời mưa. Ngày ấy, con nít xóm tôi đông lắm, và chúng tôi luôn chơi cùng nhau. Mỗi lần trời mưa, không ai bảo ai, mỗi đứa đều nài nỉ bố mẹ cho được tắm mưa, rồi sau khi được phép thì liền ào ngay ra đường, nơi có những ‘chiến hữu’ đang đợi sẵn.
          Chúng tôi bày đủ mọi trò chơi dưới mưa. Hết rượt đuổi nhau trong mưa, ném bùn đất vào nhau, xây lâu đài, hoặc đào những hố nhỏ rồi đào kênh dẫn cho nước chảy vào lại đến trò thử thách sức bền khi thách thức nhau ngồi dưới làn nước đang đổ ầm ầm dưới máng xối nhà thằng Tèo cho nước đổ vào đầu, vào mặt, vào lưng đau nhức nhối. Đứa nào chịu được lâu nhất đương nhiên sẽ là người thắng cuộc.
 

................................
         Mười năm trôi qua, bọn chúng tôi giờ đã lớn, tất cả đều rời quê lên Sài Gòn học hành, làm việc. Mỗi khi về thăm nhà đúng dịp trời mưa, ngồi nhìn mưa rơi mà nhớ chuyện xưa và nghĩ chuyện bây giờ. Xóm tôi vẫn có một lớp trẻ con mới, nhưng còn ai tắm mưa. Những đứa bé lớn lên trong thời đại mới, cái thời mà người ta áp dụng đủ mọi phương pháp khoa học nhất, tiên tiến nhất để bảo vệ con mình khỏi những hiểm nguy tưởng như lúc nào cũng đang rình rập xung quanh chúng. Làm gì có chuyện để cho lũ trẻ chạy rong trên nền đất sình lầy, dưới cơn mưa lạnh lẽo. Làm gì có chuyện để con trần mình dưới làn nước ào ào như thác đổ, khi mà có biết bao nhiêu thứ dơ bẩn đang ẩn mình trong đó. Cha mẹ chúng hẳn cũng đã từng lớn lên với những ngày tắm mưa, nhưng biết làm sao được, cuộc sống bây giờ quả thật quá phức tạp và nhiều hiểm nguy hơn xưa rất nhiều, ngay cả mưa cũng không còn trong trẻo, mát lành như trước nữa. Và những đứa trẻ ấy, tiếc thay, có lẽ sẽ chẳng bao giờ có thể tắm mưa.
          Tắm mưa, chuyện tưởng như là đặc quyền của trẻ con ở quê, nhưng giờ đây chính chúng cũng không còn có thể tận hưởng điều đó nữa. Lỗi không phải do cha mẹ chúng. Cũng chẳng phải do mưa. Chỉ tiếc rằng, không biết mai này, có còn ai tắm mưa?
 
 Blog của Xu