Hiển thị các bài đăng có nhãn Núi quê hương. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Núi quê hương. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2020

Nhạc - Thơ - Văn Về bên kia núi

Rừng Xưa Đã Khép

Chị mãi rời xa,
Chị đã đi về phía bên kia núi,
Bỏ lại rừng nương rẫy dốc đồi cao...
Không còn ai bà ngắm giữa trời sao,
Con đường dốc bụi bay mình em khóc !

Mí một mình nuôi con trong cô độc,
Vẫn lặng im và đôi mắt sẫm buồn...
Tiếng sáo chiều bay bổng giữa không trung,
Mang trong gió mùi hoa lan thơm dịu .

Mí vẫn khóc và chờ bên kia núi,
Người đã đi nào có muốn quay về ?
Chị quên rồi miền đồi núi sơn khê,
Chị đi mãi biết bao giờ trở lại !!
NM

Về bên kia núi 

 Câu chuyện về thân phận những người đàn bà, ở một nơi mà tác giả gọi là xó rừng, được kể qua một giọng độc thoại buồn, rưng rưng những giọt nước mắt không rơi ra được, nhưng tinh khiết và trong veo. Niê-Thanh Mai có trong văn mình cái mãnh liệt của người dân vùng cao nguyên, thế nhưng cái mãnh liệt ấy lại được kìm nén rất giỏi khi cô diễn tả những day dứt và trăn trở của cuộc sống, những tình yêu vô vọng... để đến cuối chuyện, nỗi buồn không vỡ òa trong vài câu chữ, mà thấm dần thấm dần vào lòng người đọc. 

Em mặc yên bằng bàn tay gân guốc của mẹ. Yên cứng và còn thơm mùi hồ. áo tròng qua cổ, cổ tay em nhỏ và mềm ngọ nguậy dưới lớp áo đen thẫm. Áo mới, em theo chị đi dự lễ tối nay. 

Chị Xuân đẹp. Chị mặc yên mặc áo một mình. Cứ xoay trước xoay sau trước mặt bà để bà khen. Bà già rồi, nhưng bà muốn nhìn thấy ngày xưa từ dáng tròn mây mẩy hồn nhiên như lá của cháu gái. Vì vậy mỗi khi mặc yên mới, áo mới chị Xuân lại làm bà rơm rớm nước mắt. Nước mắt bà lăn từ những nếp nhăn xếp đều đặn trên mặt. Em thấy thương bà. 

Chị Xuân không muốn ở mãi một xó rừng. 

Chị nói với em điều đó khi chị em cặm cụi lên rẫy buổi sớm. Con đường mòn gập ghềnh và dốc. Mùa khô gió bốc từng nắm bụi ném vào mặt người. Mặt em lấm lem, mặt chị cũng thế. 

Chị ném những quả bắp to bằng bắp chân trẻ con của em vào bao, bực dọc. Trưa chị không ăn cơm, em ngồi một mình với nắm cơm gạo trắng. Cơm ăn với muối vừng. Chị ngồi mãi ở gốc cây muồng, mông lung nhìn về cuối chân trời. Chung quanh chị hoa vàng rụng kín. Em thấy chị lau nước mắt vào chiếc yên cũ kỹ và sờn hết gấu. 

Em thấy anh Plin nhìn chị. Ánh mắt anh sáng lấp lánh như vòng đồng bắt gặp ánh nắng buổi sớm. Anh nhổ củ mì cho em bằng đôi tay rắn như gỗ rừng, củ mì gãy đôi, sữa trắng lấm lem đất.

Anh nhặt cây khô nướng củ mì cho em ngay bên bìa rẫy. Em bẻ một nửa cho chị, nhưng chị không ăn. Chị bảo không thích ăn củ mì, chị thích ăn xôi nếp với thịt gà chấm muối ớt xanh. Câu nói của chị làm mắt anh hơi tối lại. Ngày hôm sau anh mang đến rẫy một con gà rừng. Gà bọc trong đất sét, trắng nõn khi anh lôi ra từ đống than hừng hực. Chị nhấm nhấm chiếc đùi gà rồi bỏ xuống, xách gùi đi bẻ đọt mây. Chị bảo chị không thích nữa. Em thương anh Plin. Nhìn theo dáng khập khiễng của anh, em thấy chạnh lòng.
Chỉ có em mới biết chị muốn gì.
Chị không nói chuyện với mẹ. Chỉ thì thầm hát với em.
Những hôm trời mưa, em nằm gọn trong lòng chị.
Tay vân vê những sợi tóc dài mượt đen bóng vì gội bằng bồ kết rừng. Em nghe chị hát. Giọng chị trong trong và ngọt như nước đầu nguồn tuồn trong ống lồ ô. Chị hay mân mê yên mới trong tay. Em thấy chị dệt túi mới, may áo mới. Mặt chị ngời ngời sáng.
Chị muốn lên phố. Bạn chị lên phố ba năm, quay trở về làng bằng đôi dép cao nghều nghệu, gót nhọn hoắt, chênh vênh như người ta chơi trò cà kheo. Áo xanh lông két, váy mềm lòe xòe bay bay khi bạn chị leo lên cầu thang.
Em nép sau cửa buồng nhìn chị gói quần áo vào túi xách. Hớn hở. Khi chị xách túi bước xuống cầu thang thì quay lại nhìn em, ngùi ngùi. Chị thơm em thật lâu ở má trái, má phải. Nước mắt chị thấm ướt má em. Vậy mà chị vẫn đi.
Chị giúi vào tay em tờ giấy nghệch ngoạc. Em nhỏ quá chẳng biết chị viết gì. Chỉ thấy mí trở về ngã xuống sàn nhà. Từ hôm ấy câm lặng cho đến khi em lớn.
Mí giận em. Nếu chị với em đều là núm ruột của mí có lẽ lại khác. Chị Xuân là con gái mẹ lớn. Mẹ lớn về với ông bà ngay sau khi sinh chị Xuân được hai giờ đồng hồ. Không có người chăm sóc trẻ con, không có người dỗ nó khóc lúc nửa đêm gần sáng, không có người bón nước cháo lúc nó đói. Cha nối dây với mí của em. Rồi cha mất, chị Xuân ở với mí. Mí không xem chị Xuân là con chồng.
Nhưng người làng mấy ai hiểu hết lòng mí.
Em lớn và biết mặc váy áo một mình. Em tự dệt váy cho mình. Mền cũng tự em dệt cho mình. Bà không còn ngồi bên khung cửi nữa. Chân bà run và yếu, bà không đủ sức duỗi chân để dệt áo cho bà nữa. Mí đi rẫy suốt và trở về đến nhà vào lúc chiều tối, khi ánh nắng là những vệt mờ xa tít ở chân trời. Mí chẳng bao giờ nói chuyện với em, cũng chẳng nói chuyện với bà. Mí nhìn em bằng cái nhìn sẫm buồn.
Em chẳng có bạn cùng lứa. Bạn em là những đứa trẻ con, tóc vàng hoe và cháy khét. Chẳng đứa nào mang dép. Chúng có những chiếc quần đùi mỏng thếch, áo thun nhàu nhàu mùi đất.
Chiều nào em cũng tắm gội cho chúng. Em lôi từng đứa xuống suối, vò đầu vò tóc và kỳ cọ. Chúng bám lấy vai em, hò hét om tỏi. Tắm xong chúng trèo lên trên bờ, lúp xúp trên những tảng đá và hát. Chúng chờ em giặt quần áo cho bà.
Em nhìn thấy Plin một mình
 Plin ngồi trên tảng đá với con chó nhỏ. Con chó có lông vàng và gầy tong teo. Anh thổi sáo bằng hai tay, bằng cả đôi mắt nhắm nghiền, một chân vung vẩy và mái tóc xoăn xoăn mềm.
Em đứng chôn chân nhìn. Cách Plin khoảng hai chục bước chân. Bỗng thấy trong lòng mình một cảm giác rất lạ lùng.
Tiếng sáo kéo em lên lưng chừng không gian. Từ trên đó nhìn xuống dưới mọi thứ thật nhỏ bé và thơm. Mùi cỏ, mùi bùn, mùi hoa lan nép mình dịu dàng trên những thân cây.
Khi em mở mắt thì Plin đang nhìn em. Ánh mắt anh buồn và mệt mỏi. Từ ngày chị đi, anh cứ ngồi mãi chỗ này mỗi buổi chiều. Anh đợi chị quay về bằng cây sáo sáu lỗ với những âm thanh da diết. Chân anh lấm đất, đầu anh khét mùi nắng nhưng hai tay anh lúc nào cũng ôm cây sáo.
Em mỉm cười rồi quay lưng đi, suýt vấp vào con chó vàng gầy tong teo đang quấn dưới chân.Ừ.
Bà đã ngủ một giấc trưa. Và không tỉnh dậy nữa.
Mí khóc vật vờ và dai dẳng. Người ta lôi cái trống lớn nhất, đánh bên phía bịt da con trâu đực. Sầm sầm và buồn. Trống báo tin làng có người mất. Chỉ chốc lát nhà em đã đông nghịt là người, đàn bà trong làng vừa leo lên cầu thang đã khóc, khóc từ cầu thang lết dần vào nhà. Những tiếng khóc buồn miết vào không gian não nùng.
Em ngồi ở bậc cửa sau, luôn phải nép người sang một bên cho người phụ nữ lo cơm nước đi lên đi xuống. Em không khóc, em mân mê chiếc yên mới tự tay em dệt mà bà chưa kịp mặc lần nào. Người ta đưa bà đến nghĩa địa. Ðến ở chung với những người đã chết. Người đi đưa đông. Nhưng không có chị. Chị không biết tin nên không về. Không ai biết chị ở đâu để báo tin. Em vùi xuống đất một chiếc ché mới, nắm ba nắm cơm gạo nếp đặt vào đó. Em khóc khi mọi người về hết. Em ngồi một mình cho đến khi không còn nhìn thấy mặt người. Plin đến đưa em về, ngọn đuốc của anh chập chờn ma quái đã mang em khỏi nghĩa địa của bà. Bà trở về nhà đêm ấy. Bà đi vào từ nhà trước và ngồi xuống bếp lửa. Bà bảo sao không vùi khoai vào bếp cho nhà có mùi thơm. Không khí trong nhà chết chóc quá. Bà mặc chiếc áo mới, yên mới. Cổ tay đeo đầy vòng đồng. Gót chân bà nứt nẻ và thâm sì. Bà bảo đau chân, đau cả lồng ngực nữa. Bà không thấy cháu gái về nên không đi đâu được. Bà nhớ cháu gái của bà, cháu xinh và người tròn đầy mây mẩy. Em tỉnh dậy khi mồi hôi ướt đẫm. Bà không có ở đây, chỉ có mí ngồi thờ thẫn bên bếp. Dáng mí còng và tội nghiệp. Gian nhà nhỏ xíu thơm thơm mùi khoai lang nướng. Có lẽ mí cũng nghe lời bà. Bà chẳng bao giờ ăn khoai nướng nhưng thích mùi thơm của nó. Em sờ lên má mình, thấy má ướt. Em đã khóc khi đang vùi trong giấc ngủ chập chờn. ...
Em không ngủ được vì tiếng giã gạo của mí mỗi đêm. Em nghe cả tiếng hát ư ử buồn buồn phía dưới sàn nhà. Nhà thênh thang và buồn. Em đi tìm Plin. Ừ. Em nói với Plin rằng muốn đi tìm chị. Plin nhìn vào mắt em. Không nói. Nhưng em biết Plin đang hỏi em có biết chị ở đâu không mà đi tìm. Em khóc, nước mắt làm khuôn mặt em mờ đi và nóng hổi. "Em không biết, nhưng em phải đi tìm chị về". Em chạy vào nhà. Em bỏ quần áo vào túi xách. Mí nhìn thấy không hỏi gì. Em đứng tần ngần trước mí, chào nghèn nghẹn. Mí không hỏi em đi đâu, vì sao lại đi. Em chạy xuống cầu thang, vừa chạy vừa khóc. Em hay khóc thế có khi nào em không còn thấy đường trước mặt nữa không. Em đi một mình trên phố. Em mặc áo vải hoa và quần tây. Em nhớ mùi hồ của yên, cái cấn cấn của tay áo em tự dệt. Nhưng em phải mặc quần áo người Kinh để đi tìm chị cho dễ. Em xuống chợ. Mỗi sáng gùi một gùi măng lấy lại của người cùng làng. Em mong gặp chị vì em chẳng biết chị ở đâu.
Chợ đông và ồn ã. Em không biết rao. Ai dừng lại ở hàng em, em cười và dịu dàng mời mọc. Tiếng em nhỏ. Em hay nhìn sâu vào mắt những người phụ nữ ngồi trên xe, bịt mặt kín mít. Họ mua hàng và luôn miệng kêu đắt. Có khi nào trong số đó có chị của em. Em bị xe đô thị hốt hai lần, cả hai lần em đều níu gùi lại cật lực và khóc. Họ sửng sốt nhìn em. Họ không biết em chẳng tiếc gì những cành măng trong gùi. Em chỉ sợ không gặp được chị khi vắng một buổi chợ. Nhưng em không gặp chị. Chị không đi chợ và không mua hàng của em. Em không gặp chị. Có lẽ chị của em đã đi mất rồi. Em đứng một mình giữa trời nắng. Khóc và thấy trống rỗng. Em phải về làng. Mí chắc không vui. Nhưng em chẳng biết làm sao.
... Em vào sâu trong chợ. Em muốn mua cho mí một cái gì đó. Em cũng sẽ mua cho Plin một cái mũ. Plin vẫn để đầu trần. Tóc xoăn và cháy nắng. Nhìn Plin hoang dã. Em thương cái hoang dã ấy của Plin. Em nhìn mọi thứ bằng con mắt lạ. Rụt rè và không dám dừng lại ở bất cứ hàng nào. Mọi người nhìn em cũng bằng con mắt lạ. Nhưng họ quên ngay em sau đó và đổ xô đến cuối chợ xem một đám cãi nhau. Tiếng gào thét ầm ĩ. Hình như hai người đàn bà đang túm tóc nhau. Họ hét vào tai nhau những tiếng tục tĩu lanh lảnh. Em nghe như tiếng hét của chị. Ðó là chị của em. Chị dừng cuộc vật nhau bằng bộ dạng tơi tả. Tóc chị rối tung. Quần áo có nhiều vết toạc. Em nép vào tường. Mép tường nham nhở. Em nhìn chị từ xa xa sau những vết nham nhở ấy. Chị của em. Có lẽ không. Chị em mặc yên mới, áo mới chứ không nhàu nhĩ như thế kia. Tóc chị em không xù và vàng rực như thế kia. Chị em không bao giờ nói với ai nặng lời, nhăn mày với ai quá một ngày. Em rời mép tường nham nhở. Rón rén đến gần đám đông bằng bước chân run run. Em sẽ ôm chị và khóc tức tưởi nhé. Em sẽ bảo chị về nhà. Mí không mắng chị vì chị bỏ nhà đi lâu đến thế. Em sẽ nói với chị rằng Plin đang đợi chị. Mà có khi không phải chị đâu. Em muốn thế. Em run run nghĩ thế. Lô nhô người. Họ xúm quanh người ngồi bệt dưới đất một cách hiếu kỳ. Nhìn quay vai của những người đang xúm đông ấy, em thấy vết sẹo dài và nhỏ như sợi chỉ vắt ngang trên thái dương bên trái. Dấu vết của lần cành cây rơi xuống khi chị và em đi rẫy về gặp giông. Chị nhìn em. Chị có thấy không mà mắt thảng thốt thế kia. Chị có nhận ra em không mà xoay người phủi đất cát dưới mông mà quay lưng đi thẳng một mạch thế kia. Chị quên mặt em hay chị không muốn em thấy chị như thế này. ...
Ðám đông tan ngay sau đó. Chỉ có em đứng thẫn thờ giữa lối đi. Có người đi ngang mắng em sao đứng nghênh ngang giữa đường. Chị không xuất hiện để bênh em. Có lẽ chị đi thật rồi. Em trở về làng vào một buổi sáng. Em đã đi bộ suốt đêm trên con đường nhấp nhô đá. Hai bàn chân em tê buốt. Nhưng không buốt bằng khi em nhớ về chị. Má em nóng rát vì nước mắt. Mí ôm chầm lấy em. Mí sờ soạng khắp người em như kiểm chứng rằng em có phải bằng xương bằng thịt hay không. Ðứng thật gần mí, em mới phát hiện ra mí già đi nhiều quá. Khóe mắt không đếm nổi có bao nhiêu vết chân chim. Mí không hỏi em có tìm thấy chị hay không? Em cũng không nói rằng em đã gặp chị và không nói được rằng chị nhất quyết không trở về làng. Chị không muốn sống cuộc sống của mí, của em. Chị muốn là người thành phố. Chị bảo có thể sống khốn khó nhục nhã ở đây cũng được. Chị quen rồi. Em nhìn thấy Plin trên đường ra suối. Plin ôm chầm lấy em, cái ôm của Plin chặt và nóng ấm. Em gục vào ngực Plin và khóc tức tưởi. Nước mắt em thấm ướt một vạt áo. Plin thầm thì "Em ơi đừng khóc. Em đừng đi tìm chị Xuân nữa. Chị Xuân trở thành người dưng của làng mất rồi. Chị Xuân không trở về nữa đâu".
"Chị đi mãi vì làng mình nghèo phải không Plin". "Anh không biết. Nhưng làng hết nghèo thì chị Xuân cũng không trở về nữa đâu em à".
Em im lặng. Chị không về Plin có đau lòng không Plin yêu chị Em im lặng. Chị không về mí có đau lòng không. Vì mí luôn thấy có lỗi khi chị rời bỏ làng. Nhưng chị không về, trái tim em nhói buốt. Mí tưởng rằng em không tìm được chị. Mí vẫn đợi cửa chị mỗi khi đi ngủ. Mí chờ chị rời phố phường và về bên kia núi. Em thương mí. Và em thương em.  
NIÊ THANH MAI (Dân tộc Ê Ðê)

Hoa Lya trắng,
Những đoá Lya trắng,
Mang tầm tình thiết tha...
Dường như không biết lạnh,
Khiến bao người xót xa....?!

Anh là chim Korai,
Quên cả đoạn đường dài
Bay đi và bay mãi....
Tìm em hoa Lya
NM

Chuyện tình trên đỉnh núi

Có một loài hoa đã từng tồn tại, đang tồn tại hay chẳng bao giờ tồn tại. Chưa ai dám chắc được, kể cả già làng. Nhưng câu chuyện về nó thì luôn được kể, hàng ngày, hàng tháng, hàng năm nơi bản làng Lammy. Trong những bữa ăn gia đình, ông kể cho cháu nghe. Trong những buổi họp làng, bên bếp lửa cháy rừng rực, bên ngôi nhà rông uy nghi, ông già làng Kai ngồi vút hàm râu dài trắng muốt, ánh lên dưới đám lửa, rồi cất giọng ồm ồm, khoan khoái kể. Ông kể về một loài hoa đã thành huyền thoại. Loài hoa Lya. Đám thanh niên nam, nữ, già, trẻ ngồi xung quanh, cùng nhâm nhi ché rượu Cần, lắng tai nghe như nuốt từng lời câu chuyện già làng Kai kể, dù họ đã nghe, đã thuộc nằm lòng về nó.
***
"Chuyện kể rằng ngày xưa, rất xưa, xưa đến nỗi Kai này chỉ là hạt cát, có một cô gái ở bản làng Lammy này rất xinh đẹp, xinh như nàng tiên của Giàng vậy. Nàng tên là Lya. Không chỉ xinh đẹp thôi đâu mà nàng còn là một cô gái thông minh, có trái tim nhân hậu, lại có tài hát hay, đàn cũng hay nữa. Như nụ hoa vừa mới nở, tài năng và sắc đẹp của nàng như loài hương ngây ngất, vẫy gọi bao nhiêu bướm ong tìm đến. Nhưng không một kẻ nào trong đám trai làng dám vào nhà ông phú hộ giàu có và đầy quyền lực, cha của nàng, để ngỏ lời. Họ chỉ loanh quanh, tụ họp trên ngon đồi gần đó, đốt lửa, nhảy múa, đàn ca những gia điệu núi rừng du dương, mong nàng nghe thấy và để mắt đến. Trong đám trai trẻ đó có chàng Korai, rất khỏe mạnh, vạm vỡ và cũng giỏi đàn ca. Mỗi lúc chàng cất giọng hát và gảy chiếc đàn Kok thì không gian nghe như có tiếng chim hót hòa lẫn trong tiếng suối chảy thánh thót. Và rồi những âm thanh trong trẻo ấy bay qua núi đồi, len qua các tầng lá rậm của đại ngàn, lọt qua khung cửa nhỏ, đến căn phòng mà Lya đang ngồi dệt vải, làm trái tim bé nhỏ của nàng cứ nhảy múa theo từng nhịp hoan ca. Và......." Cứ thế, già Kai kể, đôi lúc ông dừng lại để tu một ngụm rượu Cần, khà một tiếng sảng khoái rồi lại tiếp tục. "Họ âm thầm hò hẹn, đôi tim non đã hòa quyện làm một, không thể tách rời. Họ say đắm với những nụ hôn đầu đời trong những lần gặp gỡ lén lút, ít ỏi, đôi khi quên đi một thực tại rằng địa vị, gia cấp của hai người không môn đăng hộ đối. Chàng Korai tuy tháo vát, khỏe mạnh nhưng lại rất nghèo. Cả hai đều biết rằng họ sẽ chẳng bao giờ có kết cục viên mãn nhưng họ không thể dừng lại, đôi tim đã thuộc về nhau. Mọi việc rồi cũng đến tai ông phú hộ. Tay chân của ông, trong một cuộc tìm kiếm nàng, đã bắt gặp họ đang quấn quýt bên nhau trong nụ hôn nồng thắm. Và hậu quả là chàng đã bị gia đình nàng dùng quyền lực đuổi khỏi bản làng. Nghe đâu, chàng bị đày lên tận đỉnh núi để lao động khổ sai như hình phạt đền bù cho tội lỗi của mình. Nàng nhốt mình trong căn phòng trống rỗng, cô đơn, ngày này qua tháng khác. Từ bên ngọn đồi kia đã không còn nghe lời đàn ca như suối thánh thốt của chàng Korai nữa. Đau khổ, tuyệt vọng, phẫn uất và nhớ thương quay quắt, nàng đã lừa cơ hội, trốn khỏi nhà, vào tận rừng sâu, lên tận đỉnh núi mà người ta tin rằng chàng đang bị đày ở đó để kiếm tìm. Vừa đi nàng vừa gọi: - Korai! Korai! Thì trong rừng sâu lại có tiếng đáp lại: - Korai! Korai! Cứ thế nàng đi theo tiếng nói vang vọng của chàng đến tận đỉnh núi Takpor. Ngày qua, đêm xuống bao nhiêu lần nàng cũng không biết nữa, thực phẩm nàng mang theo đã cạn, mệt mỏi, đói khát, nàng thả mình trên phiến đá cạnh một cây cổ thụ. Cái bụng nàng đã to lên theo năm tháng, kể từ khi chàng ra đi. Nếu không phải là con phú hộ, chắc Lya đã bị hình phạt đòn roi để đuổi con ma hoang trong bụng ra, không biết sống chết thế nào rồi. Giờ nó lại đạp làm Lya đau thắt. Nàng mỉm cười nhìn cái bụng mình rồi vút ve, âu yếm nói: - Con sắp tìm được cha rồi đấy. Con có nghe tiếng cha gọi mẹ con mình không. Nói rồi nàng cất tiếng gọi. - Korai! Korai! Và lập tức có tiếng đáp lại rất gần: - Korai! Korai! - Anh ở đâu? Em đến bên anh rồi đây. Korai ơi. Bỗng đâu một chú chim lạ, với đôi chân và đôi cánh rất khỏe, bộ ngực vồng lên mạnh mẽ bay đến đậu trên cây cổ thụ gần Lya và hót: - Korai! Korai! Giọng rất giống chàng Korai. Chú chim nhìn nàng say đắm, đôi mắt ấy là của Korai, không thể nào nhầm lẫn được. Nàng bỗng khóc gào lên uất nghẹn. Mặt trời dần khuất sau đỉnh núi, cái rét năm ấy vốn cắt da, cắt thịt, về đêm trên đỉnh Takpor này càng lạnh không thể chịu nổi. Đói rét, kiệt sức và tuyệt vọng, nàng gục xuống bên tảng đá đầy rong rêu, cỏ dại. Hôm sau, những người săn thú rừng mạo hiểm, trên đường trở về, dừng nghỉ bên tảng đá quen thuộc, bỗng phát hiện loài cây lạ nở một bông hoa rực rỡ duy nhất trên nền tuyết trắng. Xung quanh, cây cối co cụm vì giá rét, không một loài hoa nào mọc nổi càng làm sắc hoa lạ lẫm kia bừng sáng giữa trời đông, cánh hoa trắng muốt, nhụy hoa đỏ thắm như làn môi con gái, mùi hương tỏa ra thơm ngát. Phút chốc những người thợ săn không còn cảm thấy cái lạnh nữa, bao đói khát, bệnh tật cũng tan biến. Họ thấy mình khỏe mạnh hơn bao giờ hết và tiếp tục lên đường trở về bản. Có người định hái hoa mang theo nhưng người lớn tuổi nhất trong đoàn ngăn lại. Ông nói đó có lẽ là hoa của Giàng, không nên đụng đến. Khi chuẩn bị lên đường, những thợ săn thấy một chú chim lạ to lớn, sà xuống bên đóa hoa, tựa đầu vào những cánh hoa buồn bã. Một người dương nỏ định bắn thì bỗng chú chim kêu lên mấy tiếng: - Korai! Korai! Họ giật mình lùi lại. Câu chuyện tình đẹp nhưng buồn của chàng Korai và nàng Lya, không những được dân làng Lammy truyền kể, tiếc nuối mà nó còn lan sang các bản làng khác. Vì vậy, khi nghe chú chim kêu lên thứ âm thanh quen thuộc ấy. Những người thợ săn tin rằng chú chim lạ kia là chàng Korai và đóa hoa thần tiên bên cạnh chính là nàng Lya. Và họ đặt tên loài hoa kỳ lạ là hoa Lya. Khi về bản, câu chuyện của họ truyền đi rất nhanh, nhiều người háo hức muốn tìm đến để tận mắt chứng kiến nhưng vì đường xa, nguy hiểm cộng với cái rét kinh người nên không nhiều người đến được. Có vài chàng trai làng Lammy rất khỏe mạnh, bạn của Korei đã quyết tìm đến tận nơi để gặp bạn mình. Và quả thật họ đã chứng kiến y hệt những gì được kể. Điều đó càng làm dân làng háo hức. Khi tiết trời nắng ấm, từng đoàn người lũ lượt tìm đến nơi tảng đá có loài hoa huyền bí nhưng họ không còn thấy gì nữa hết. Họ chỉ nghe những tiếng chim lạ như ai đó gọi tên Korai một cách buồn bã vọng lại từ xa. Có người nói rằng, loài hoa này chỉ nở trong mùa giá rét và ai may mắn ngửi được mùi hương hoa thì sẽ hết mọi bệnh tật và sống rất lâu. Vậy là mùa giá rét năm sau, những trai tráng làng Lammy lại lên đường nhưng không thấy, những năm sau nữa vẫn không thấy. Họ nghi ngờ, loài hoa này chỉ mọc và nở đúng một lần trên đời rồi thôi. Nhưng có một số người vẫn kiên trì với niềm tin sẽ lại tìm thấy nó và quyết hái mang về để chữa bệnh cho dân làng. Và rồi một mùa rét căm, rét đậm đến nỗi tuyết rơi dày mặt đất, không loài hoa nào nở được như mùa đông năm Lya ra đi, họ đã tìm thấy loài hoa huyền thoại đó và hái mang về. Thật kì lạ, những ai đang đau yếu, chỉ cần ngửi thấy hương hoa là lập tức khỏi bệnh. Loài hoa ban phát ân huệ một cách bao dung và rộng lượng như chính tấm lòng nhân ái và chung thủy của nàng Lya. Nó ở đó với bản làng suốt mùa đông, giúp biết bao người khỏi bệnh, chỉ tàn lụi và biến mất khi cái rét không còn."
***
2. - Vậy là mùa đông này anh có thể gặp được nó. - Anh tìm chắc không bao giờ gặp đâu. Hoài công thôi. Đó chỉ là huyền thoại. Lya chầm chậm nói. - Sao vậy? Mùa đông này đã chẳng rét đậm chăng? - Lâu lắm rồi, không có mùa đông nào lạnh như mùa đông đó cả. - Sao em biết? - Hì, em nghĩ thế. Lya bẽn lẽn. Vì chưa ai tìm thấy loài hoa đó lần nữa mà. - Anh nghĩ là anh đã tìm được. - Đâu? Cho em xem. - Đang nở cạnh anh nè, trắng muốt và làn môi đỏ thắm. - Anh! Chọc ghẹo không à. Dù cố làm cho cô bé vui nhưng mắt nàng luôn đượm một màu xám xịt. Tôi chuyển đề tài. - Sao em lại có tên là Lya? - Bố em đặt cho, mong em sau này xinh đẹp và nhân ái như hoa Lya. - Vậy là ông đã toại nguyện rồi? Lya không đáp, chỉ cuối mặt xuống, hai hàng lệ ứa ra chậm rãi. Tôi bối rối, không biết mình đã nói gì sai, hay đã làm gì phật ý nàng. - Em sao vậy? Anh làm em buồn à? - Không ạ! - Có gì buồn, tâm sự cùng anh, anh đang sẵn sàng lắng nghe. - Không ạ. Kể về anh đi. À mà anh tên gì nhỉ? Lúc nãy, anh giới thiệu với cha em rồi mà em không để ý. - Korai. - Anh thích đùa quá, thôi không thích nói chuyện với anh nữa. Lya giận dỗi bỏ vào bếp. Tôi ngớ người ra, chợt hiểu rằng người bản làng không thích đùa dai. - Lya, cơm nước xong chưa? Giọng ông chủ nhà, cha Lya sang sảng vọng vào từ đầu ngõ. - Ái chà! Anh nhà báo. Vào trong nhà ngồi uống trà cho ấm chứ sao ra đây vậy, rét lắm. - Dạ. Cháu ra ngắm đỉnh Takpor tí ạ. Đẹp quá bác ha? - Ái dà! Anh ngóng loài hoa đó chứ gì? Nó không nở đâu. Trời phải lạnh có tuyết rơi kia. Thời bây giờ, ở đây làm gì có tuyết nữa. Tôi sống từng này tuổi ở đây rồi mà còn chỉ nghe kể thôi chứ chưa thấy nữa là... - Dạ, cháu cũng nghĩ chỉ là huyền thoại thôi ạ. - Ừ. Vào nhà đi anh. Ông bày ché rượu cần vừa bê về từ đâu đó, có lẽ là nhà kho và gọi Lya dọn mâm. Tôi thấy trong mân bốc khói nghi ngút, ngoài cơm lam, có một món giống như da bò khô ngâm mềm rồi kho lên, một món nữa tôi biết chắc là mình sẽ nôn ngược khi "thưởng thức", đó là món chuột treo dàn bếp. Lúc nãy, Lya dặn dò là nếu không muốn phật lòng ông chủ nhà thì phải dùng món đó thật "nhiệt tình". Vì chỉ có khách quý mới được mời thôi. Lya là một cô gái thông minh, có thể đoán được ý của người khác. Tôi không thể hiểu tại sao cô lại không được đi học. - Mời anh nhà báo nhé. - Dạ, cháu mời bác. - Lâu lắm mới có cán bộ dưới xuôi lên thăm. Tôi vui lắm. Hết ché rượu cần này đi thôi. Mùi rượu cần thấm vào, ấm nóng, thơm phứt, xua tan đi cái lạnh đang băng giá. Rượu thì rất ngon nhưng mồi "quý" thì tôi phải cố hết sức để tỏ ra bình thản khi ăn. Thậm chí còn khen "ngon" để ông được vui. Trò chuyện hồi lâu, khi cả hai đã ngà say, tôi mở đề hỏi về Lya. - Bác à. Cháu thấy cô bé Lya nhà bác thông minh, lanh lợi, sao không cho em đi học ạ? - Ái dà! Ông thở dài. Anh đừng nhắc cái con bé hư đốn đó làm gì. Cả nhà tôi phải mang nhục vì nó đó. Đến trâu cày cũng phải đền cho làng nữa. - Cháu không hiểu ạ. - Đáng lẽ nó bị làng đuổi đi từ lâu rồi nhưng tôi phải đền trâu mới xin được ở lại đó. Bản làng cấm nó đi nữa, không cho xuống phố học nữa đâu. Ông thật thà kể lại không giấu một chi tiết nào. Người vùng cao, khi họ đã quý mến và tin tưởng ai đó, họ sống rất chân thành và thật thà chứ không trắc trở, nghi kỵ, lọc lừa như người miền xuôi.
***
"Lya học hết lớp chín ở trường phổ thông dân tộc nội trú huyện với thành tích xuất sắc và được tuyển vào trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh để tiếp tục học cấp ba. Tuổi mới lớn, em đẹp như loài hoa Lya huyền thoại. Làn da trắng, đôi môi đỏ thắm. Bên trong làn áo, đôi ngực thiếu nữ đã phập phồng chớm nở, thu hút bao ánh nhìn là lạ. Là hoa của núi rừng, quen với cảnh và người chân chất của núi rừng, tất nhiên khi xuống phố, ngoài vẻ lung linh chết người, với bản chất chân thành, thật thà, em không biết những cạm bẫy của xã hội hiện đại đang chờ mình phía trước. Tuổi mười sáu, tuổi chớm yêu, Lya gặp Tiến, một cậu ấm nhà giàu, lười học, chỉ dùng tiền cha mẹ làm quan to tiêu xài là giỏi. Quán bar, vũ trường nào hắn cũng biết, loại gái nào hắn cũng đã thử qua. Chỉ một loài hoa rừng là chưa có dịp hái, hoặc chưa đủ tầm để lọt vào mắt hắn. Nhưng khi gặp Lya, trái tim kẻ sát gái máu lạnh bỗng dưng đổ ngay lập tức. Hắn thấy nàng trong một khu chợ, khi Lya cùng bạn đi dạo chơi trong ngày nghỉ được ra ngoài hiếm hoi của trường nội trú. Hắn tiến tới tiếp cận, làm quen trước sự e thẹn, dè dặt của nàng. Để theo đuổi đối tượng, hắn nằng nặc đòi cha mẹ phải xin chuyển hắn vào trường nội trú, nếu không hắn sẽ nghỉ học. Thế là ngay tuần sau, hắn bỗng chốc trở thành học sinh trường nội trú. Với kinh nghiệm phong trần dày dạn của mình, dù mới chỉ mười bảy tuổi, cùng cái uy danh của cha mẹ, Tiến dễ dàng cưa đổ đóa hoa rừng xinh đẹp nhưng ngây thơ, cả tin mà không vấp phải sự kháng cự nào đáng kể. Và để có thể chiếm được Lya, Tiến đã nhờ phụ huynh xin cho hắn và nàng được nghỉ một tuần. Hắn đưa nàng đi đến một khu resort ở thành phố lớn để tham quan, nghỉ dưỡng. Mê mẫn với cảnh đẹp xa hoa và sự giàu có, chịu chơi của Tiến, Lya quên mất cách từ chối ... . Sau tuần "trăng mật", hắn biến mất tăm khỏi trường nội trú. Chắc là lại chuyển trường khác để tiếp tục "săn mồi"? Lya buồn và nhớ hắn đến suy sụp. Trái tim non lần đầu gặp bão, cơn bão quá mạnh, cuốn đi của Lya những hy vọng và cả niềm tin vào cuộc sống. Nàng càng sụp đổ hoàn toàn khi biết rằng mình mang thai. Không thể tiếp tục học, Lya đành phải ngậm ngùi quay về bản làng, mong được che chở. Nàng còn quá trẻ con, khờ khạo nên không biết điều khủng khiếp gì đang chờ mình phía trước. Về đến bản, trong vòng tay ấm áp của gia đình, Lya nghĩ rằng mình có thể yên tâm sinh nở. Khi người cha thấy con lâu ngày không trở lại trường, ông đã hỏi lý do vì sao. Nàng thật thà kể lại mọi chuyện. Cái đầu tiên nàng nhận được, không phải sự an ủi mà là cái tát trời giáng của cha mình. Nàng ngã quỵ xuống đất vì lực đẩy, vì đau, vì tuyệt vọng. Ông cũng quỵ ngã vì đòn đau quá bất ngờ mà đứa con gái thông minh, xinh đẹp, niềm hy vọng lớn nhât của mình vừa giáng xuống đầu. Ông đổ bệnh, nằm liệt giường suốt mấy tháng, của cải tích cóp bao lâu đều đội nón ra đi để thuốc thang và mời thầy cúng. Cuối cùng, ông may mắn khỏe lại. Nhưng cái bụng chửa hoang của con gái ngày càng lớn, không thể giấu được dân làng. Lya và cả gia đình bị già làng triệu lên nhà Rông để hội đồng làng xét hỏi. Làng đã không còn hủ tục đuổi con ma hoang trong bụng Lya nữa nhưng họ vẫn phải chịu hình phạt khắc khe nhất. Đó là, gia đình ông phải đền con trâu lớn để dân làng cúng tế trừ tà, và Lya phải đi khỏi làng để tránh gây họa vì đã xúc phạm đến thần linh. Ông đã phải khóc lạy, van xin già làng thương tình vì ông chỉ còn một đứa con duy nhất là nàng, hai anh nàng đã mất trong một tai nạn đổ cây khi đang khai thác lâm sản trên đỉnh Takpor, nhưng già làng vẫn không nghe. May mắn cho Lya, khi hay tin có vụ xử án của bản làng, bộ đội Can, người cán bộ, "giáo viên", "y tá".. được bản làng kính mến, đã có mặt đúng lúc để khuyên giải, nói lẽ phải cho già làng và bà con hiểu, họ mới chịu tha cho hình phạt đuổi khỏi làng. Nhưng bù lại, gia đình ông phải đền một con trâu nữa để tạ tội với thần linh vì đã làm trái ý đấng siêu nhiên. Và Lya từ nay về sau không được rời khỏi bản để tránh mang tai họa về lần nữa. Vậy là tài sản, cơ nghiệp nhà ông bỗng chốc tiêu tan ngay trước mắt. Mẹ Lya cũng vì thế mà ốm nặng, qua đời. Quá suy sụp, ông bắt đầu uống nhiều và lâu dần trở nên nghiện rượu. Khi say xỉn, nhớ lại chuyện cũ, ông bắt đầu chửi bới nàng không tiếc lời, có khi còn đánh đập. Mang thai mệt nhọc, cơ thể non yếu, lại hay bị cha la rầy, uất ức, sầu muộn chất chứa, Lya đổ bệnh nặng. Rất may được cán bộ Can đưa về bệnh viện tuyến tỉnh mới cứu được. Nhưng nỗi buồn tang tóc khôn tả lại đến khi đứa con của nàng vì không chịu nổi áp lực từ những cú sốc nặng và quá trình điều trị nên đã bị lưu thai. Các cán bộ y tế đành phải phẫu thuật để cứu lấy nàng. Sự việc xảy ra khoảng hơn một năm trước. Giờ Lya đã 18 tuổi."
***
3. - Hôm nay, vui,... vui... . Uống đi. Cho quên hết. Ông cất giọng khàn đặc. - Thôi, cháu mệt rồi để mai bác ạ. Biết ông đã say, tôi từ chối khéo. - Anh nhà báo, anh không nhiệt tình với già rồi. Anh không tốt. - Anh cố gắng đi, không thì không tốt đâu. Lya từ trong đi ra, thì thầm vào tai tôi. - Cái con hư đốn kia, mày vác mặt lên đây làm gì, xuống dưới bếp ngay. Đồ khốn nạn, quân ăn hại. Ông bất ngờ chửi xa xả vào mặt Lya là nàng xấu hổ không biết chui vào đâu được. Ôm mặt khóc rưng rức, nàng chạy xuống dưới nhà. Bữa rượu tiếp tục cho đến chiều chạng vạng. Khi đã say nhừ, ông cất giọng gọi: - Lya, Lya, lên dọn dẹp. Không nghe tiếng trả lời. - Lya, Lya. Lại im lặng. - Khò! Khò. Ông đã chìm vào giấc ngủ thật nhanh. Tôi dọn dẹp mọi thứ vào mâm và mang xuống nhà dưới gọi Lya nhưng vẫn không nghe hồi đáp. Ngoài trời đêm đã xuống và thật không ngờ! Tuyết rơi!? ... *- Lya còn đi học không? - Dạ, không ạ. - Vậy em dự định làm gì sau này? - Làm gì hả anh, em thế này... - Lya xinh thế này về thành phố xin việc dễ lắm. - Thành phố hả? Lya nở một nụ cười khó hiểu rồi nhìn về phía xa xôi. -Ừ, Thành phố? - Em không hợp với thành phố. - Sao lại thế? Vậy về làm người mẫu ảnh cho anh nè. - Thôi cho em xin. - Chứ em đợi chờ gì ở chốn này? - Em đợi mùa đông nào có tuyết và rất rét. - Làm gì? - Hoa Lya. - Lãng mạn quá ha. - Em muốn đền bù lại hết những tội lỗi mà em đã gây ra cho bản làng và ba mẹ. Em đã làm cho thần mưa lũ giận dữ, đến cướp đi nhiều mạng người, gia súc và thóc lúa. - ....* Bất chợt, những lời nói chuyện bâng quơ giữ tôi và Lya lúc ban trưa hiện về. Giờ tôi mới hiểu hết ý em muốn gì. Nhưng tôi đã quá say, trời lại đang tuyết rơi, tôi cũng chẳng biết đường đi trong đêm tối. Làm sao đây? Đi về phía nhà trên, bóng tối đã sập xuống một màu đen tuyệt đối. Tôi rút chiếc điện thoại soi sáng và lần đến chỗ cha Lya, ráng sức lay ông dậy nhưng không được. Cơn say rượu Cần nó đến từ từ nhưng mãnh liệt, tôi bắt đầu gục xuống... ... Trời lạnh thấu xương, tuyết rơi dày đặt. Tôi một mình dò dẫm trong đêm tối với ánh đuối trên tay, cùng chiếc máy hình treo lủng lẳng trên ngực. Tìm Lya? Động lực nào để tôi tìm Lya? Tình yêu? Tình người? Không phải, tôi đi tìm hoa Lya thì đúng hơn. Tôi là người may mắn khi đến đây đúng thời điểm tuyết rơi. Ai cũng một lần mong được thấy loài hoa huyền thoại ấy. Mỗi người một mục đích khác nhau, như cầu mong hết bệnh, cầu sống lâu... Riêng tôi, tôi chỉ cần ghi những tấm hình, thu trọn nét đẹp tiên sa của loài hoa hàng ngàn năm có một này để nó mãi tỏa sắc hương cho đời chứ không thể lụi tàn rồi lại trở thành huyền thoại. Thế là chết cũng mãn nguyện. Tôi là nhà báo, nhưng lại say mê sắc đẹp của thiên nhiên, của con người và muốn đóng khung những loài hoa quý để thỏa mãn đam mê của mình. Ban chiều, tôi đã chụp lén Lya mấy tấm hình tuyệt đẹp. Nếu tôi chụp được hoa Lya nữa thì tôi đã có thể so sánh đóa hoa nào đẹp hơn rồi. - Lya! Tôi bắt đầu gọi lớn, khi thấy mình đi sâu vào rừng rất lâu. - Korai! - Lya! Tôi tiếp tục gọi. - Korai! Lại là tiếng chim Korai đáp lời tôi. Cứ thế tôi gọi và đi theo tiếng đáp của loài chim lạ. Đi mãi tới mờ sáng, trời càng lạnh cắt thịt, thấu xương. Đã tới đỉnh Takpor, thấy cây cổ thụ và tảng đá gần nhau, tôi biết mình đã tìm đúng chỗ. Xa xa, trong ánh bình minh mờ nhạt của mùa đông lạnh giá. Một vầng hào quang sáng trắng tỏa ra ngay trên chính tảng đá huyền thoại. - Hoa Lya, tôi đã thấy nó rồi. Tôi reo lên nhưng phát hiện, chỉ có mỗi tôi ở đây. Phát rồ, tôi vứt bó đuốc, cầm chắc ống kính và lao như tên về phía loài hoa huyền thoại để rồi... sững sờ với vẻ đẹp không có ngôn ngữ, màu sắc hay hình ảnh nào ở trần thế có thể tả được. Mùi hương thơm ngất ngây rất giống mùi thân thể của nàng Lya ban chiều tỏa ra khi ngồi gần tôi. Tôi bỗng dưng không còn lạnh nữa, những cơn đau, nhức mỏi, và cả men rượu cũng không còn. Đưa máy lên, tôi bấm liên tục đủ mọi góc độ. Quá thỏa mãn, tôi định ngồi xuống nghỉ ngơi, ngắm hoa thêm tí nữa rồi đi tìm nàng Lya thì bỗng nghe tiếng nàng: - Anh nhà báo, xin lỗi, lúc chiều anh nói anh là Korai mà em không tin. Giờ em mới biết điều anh nói là sự thật. - Em đang ở đâu? - Em là đóa Lya này. Giờ em đã thỏa ước nguyện rồi. Anh hãy dùng đôi cánh của mình mang em về bản làng nhé. Em sẽ ban ân huệ cho bản làng để trả món nợ xưa. - Anh làm sao có cánh được? - Hi. Anh nhìn lại mình đi. Tôi bất chợt rùng rợn đánh rơi chiếc máy ảnh và mãi không cầm lên được. Hai tay tôi đã biến thành đôi cánh tự lúc nào. - Korai! Korai! Tiếng nói của tôi bỗng trở thành tiếng hót. Tôi bay lên theo bản năng và theo lời Lya, tôi quắp lấy bông hoa, bay về bản làng. 4. Khi mọi người đến được nhà Lya thì đã muộn, hai người đàn ông, một già là cha của nàng và một trẻ là nhà báo, nhà nhiếp ảnh trẻ Đăng Phước (theo thẻ hành nghề mang theo) đã tử vong do uống quá say, ngủ quên dưới trời tuyết lạnh, không giữ ấm, cơ thể đã bị tụt thân nhiệt. Nàng Lya thì dân làng không biết đi đâu, mãi mãi không thấy về. Có một điều kì lạ là trong mùa đông năm đó, cả làng đều khỏe mạnh, không ai đau ốm gì cả, mưa lũ cũng không hung dữ như năm trước. Thẻ nhớ trong chiếc máy ảnh của anh Đăng Phước được mang ra tiệm rửa ảnh. Ai cũng ngạc nhiên khi thấy những bức hình chụp một loài hoa đẹp tuyệt trần mà chưa ai gặp trong đời mình bao giờ. Và tuyệt nhiên, không có gì khác nữa, ngoài những bức hình về loài hoa này. Bùi Hữu Phúc

  Bóng núi
Hôn nhân của cha mẹ Huy đã chẳng thể cứu vãn thêm. Huy là con út, ngày nhận giấy báo đậu đại học cũng là ngày nó phải đối diện với sự đổ vỡ. Cha mẹ Huy sẽ ly dị. Nhà có ba chị em: hai chị và nó. Ba chị em đã có mặt đông đủ trong bữa cơm thì mẹ nó nói: “Đây là bữa cơm cuối cùng, nhà mình còn đông đủ. Cha mẹ đã rất cố gắng kéo dài cuộc hôn nhân này đến lúc các con có thể tự lập. Đến lúc các con phải chấp nhận sự thật. Cha mẹ đã hết tình cảm và sẽ ra tòa tháng tới”. Nó điếng người. Hạnh phúc gia đình bấy lâu chỉ là sự “cố gắng kéo dài” như mẹ nói thôi sao? Tất cả chỉ là vỏ bọc thôi sao?. Tại sao? Huy băn khoăn. Huy không muốn chấp nhận sự thật này. Nó không muốn ai đó phải thương hại, khi biết cha mẹ nó bỏ nhau. Nhìn bức hình gia đình về thăm quê nội ở quê Bác, Huy chảy nước mắt. Đó là bức hình cha Huy cõng chị Lâm và bế chị Lan bằng hai tay trên hai hông. Còn Huy thì được ông cõng ngựa trên đầu và hai tay nó bám vào đầu cha. Mẹ nó đứng phía sau, bên cạnh bốn cha con. Bạn đọc có thể hình dung ra ảnh này bằng cách vào google gõ chữ “Bài giảng cuối cùng” của Randy Pausch, tấm hình của gia đình họ ở bìa sách giống như tấm hình chung của gia đình Huy treo ở phòng khách nhà nó. Khách khứa, người quen người lạ khi vào chơi nhà, nhìn bức hình đều nói bức hình gia đình nhìn hạnh phúc quá. Riêng Huy, trong facebook nó chọn hình đó làm hình nền và gọi đó là bức ảnh Gia Đình Hạnh Phúc. Huy thường nói về cha, khi ai đó hỏi về thần tượng hay cái gì đại loại như người có ảnh hưởng đến nó. Huy tự hào gọi ông là thần tượng. Nó đâu ngờ chính cha nó mang lại cảm giác xấu hổ trong nó một ngày gần thế. Bữa cơm buồn thảm nhất của gia đình nó. Các chị mỗi người một tâm trạng, nhưng ai cũng buồn. Muốn níu kéo điều gì đó nhưng mẹ đã quyết thì khó thay đổi. Tính bà dứt khoát từ trẻ. Cha Huy bỏ bữa cơm, lái xe đi. Với ông, công ty là mái ấm thứ hai. Mẹ nó nói rồi bà khóc. Bà chỉ có một mái ấm duy nhất. Bà vào phòng. Bữa cơm cuối chung cả gia đình không ai ăn hết chén. Là con trai, Huy chưa từng rơi nước mắt một cách ròng rã như vậy. Nó không muốn nghĩ đến cảnh nó không được sống với cha hoặc mẹ. Nó có cảm giác như kì nghỉ hè hồi lớp 4, khi bị lạc trong sở thú trong buổi đi dã ngoại với lớp. Cảm giác sợ hãi trước nanh vuốt những con vật trong chuồng thú ám ảnh nó đến mãi tận giờ. Huy xông thẳng vào phòng mẹ nó, vội đến quên cả phép lịch sự tối thiểu là gõ cửa, chờ sự đồng ý của mẹ. “Mẹ không nghĩ cho con sao?”. Mẹ nó nói: “Nếu không nghĩ cho con thì con đã không ở trong nhà này”. Huy thì khóc ròng: “Không ở nhà này thì con ở đâu? Mẹ đang nói cái gì vậy?”. Trước nay nó cứ tưởng nó mạnh mẽ lắm nhưng nó đã ngộ nhận. Nó sợ đổ vỡ này quá. Còn mẹ nó tỉnh bơ. Bà đang ngồi hướng mắt ra phía cửa sổ nhìn về phía biển thì quay sang phía nó nhìn thẳng vào mặt Huy: “Là mẹ thương con nhất. Con không thắc mắc tại sao con lại khác nhất trong nhà sao? Tại sao các  chị con có vóc dáng khác. Con đã lớn nên con cần biết sự thật này: con không phải là con của đẻ của mẹ”. Mặc cho Huy tròn mắt, mẹ nó cứ bình thản, kể hết những nỗi uẩn khúc trong lòng người vợ bị phản bội. “Ngày mẹ ở bệnh viện chăm chị Lâm tai nạn mổ chân thì ở nhà, người đàn bà là mẹ đẻ của con bế con đến giao cho chị Lan, bảo con chính là con trai của cha con. Lúc đó con chỉ mới một tuần tuổi, mẹ không biết phải làm sao. Mẹ giận cha con lắm. Giận người đàn bà kia. Nhưng mẹ thương con. Khi đó, con đang khóc ròng trong tay chị Lan, nhưng nhìn thấy mẹ, mặc mẹ đang giận đến đỏ mặt thì con vẫn nín khóc. Và khi mẹ bế con thì con hoàn toàn nín khóc, đặt con xuống hoặc chị Lan bế, con lại khóc ròng. Mẹ không còn cách nào khác là nuôi con”. “Tại sao mẹ có thể làm thế?. Tại sao mẹ có thể chăm bẵm một đứa trẻ là con của tình địch và kẻ đã phản bội mẹ”?, Huy hỏi mẹ khi mắt nó không dám nhìn vào đôi mắt tỉnh queo của mẹ. Nó sợ mẹ nó thấy khuôn mặt tội nghiệp của nó. Mẹ nó lắc đầu: “Là vì con rất mẫn cảm, là vì con đã gửi gắm cuộc đời con vào mẹ. Rằng chính con đã tự lựa chọn người mẹ cho mình”. “Nhưng mà thôi, cha con cũng có nỗi khổ của ông. Còn mẹ, mẹ cam chịu đủ rồi”. Mẹ nó nói tỉnh bơ. Mặc Huy khóc ròng. Huy biết, mẹ tỉnh táo lúc này không phải vì mẹ không thương nó. Mà vì bà đã thương nó quá nhiều. Và chính bà đã tôn trọng cũng như yêu thương Huy đủ để có thể nói cho nó biết điều Huy cần biết. Huy nghĩ thầm trong bụng: nó hận cha. Ba chị em nó sẽ giải thoát cho mẹ. Họ sẽ cho ông biết cái giá của sự phản bội. Nó cảm thấy thần tượng trong nó đổ vỡ. Nó luôn tự hào về cha mình, nhưng nó không ngờ cha nó chỉ là kẻ phản bội. Huy sẽ bắt người cha bội bạc của mình phải trả giá. Ông ta có nghĩ đến con cái của ông nghĩ gì khi biết những việc ông đã làm. Những người con sẽ cảm thấy thế nào khi chúng biết những việc cha mình đã làm. Ông cứ mở miệng ra là “trách nhiệm” với “bổn phận”; “hiếu thảo” với “đạo nghĩa”. Thế mà những việc ông làm thì tệ quá. Bạc quá. Nó nghĩ đến mẹ đã tủi nhục thế nào khi nuôi con của kẻ bội bạc. Nó thương mẹ, giận cha. Phải làm gì đó chứ?. Huy tự vấn. Nó chạy thẳng đến chỗ công ty của cha, lao lên phòng giám đốc. Nó định hỏi: “Tại sao ông đã sống như vậy?”. Nhưng lâu nó không đến công ty, lại bận chuyện học thi tốt nghiệp và thi đại học nên Huy không biết công ty cha nó có chút thay đổi phong thủy. Phòng giám đốc đã đổi với phòng kinh doanh. Nó bước vào phòng không gõ cửa. Tiếng cô nhân viên đang tám điện thoại: “Bà nội có cháu đích tôn rồi nhé, con đã có thai 3 tuần rồi. Xin báo để bà mừng”. Huy chợt bước ra khỏi phòng. Nó bỗng nhớ, ông bà nội chỉ có cha là con trai. Cha mẹ chỉ có hai chị em, nó thôi giận cha, nó thấy thương mẹ. Người đàn bà cả đời chỉ biết chăm lo cho chồng con và nhận về phía mình sự thiệt thòi. Sao mẹ phải gánh nhiều thứ lên vai mẹ vậy. Huy không biết làm sao. Nỗi đau của người đàn bà chung tình bị tình bạc làm sao Huy hiểu được, nó chỉ mới mười tám tuổi thôi. Nó không biết… Nó nhớ lời bà nội: “Họ Nguyễn nhà mình có được Huy là phúc đức tổ tông để lại. Con phải học giỏi, sống thật tốt đó”. Nó trở xuống cầu thang thì thấy cha đang đi lên, nó chỉ thấy vẻ nhẫn nhịn, lầm lũi của cha nó. Nó cúi mặt bước, cha nó như mơ hồ hiểu được con trai của ông đang cảm thấy thế nào khi biết được sự thật. Nó không biết tại sao bao năm qua, cứ mỗi lần có anh em Huy ở nhà thì cha mẹ đều vui vẻ, còn Huy mà đi vắng, kiểu gì cha cũng bảo “bận việc công ty”, rồi chờ Huy về ông mới về nhà. Bấy lâu, tình cảm cha mẹ Huy chỉ là cái vỏ bọc. Nhưng nó không đủ sự quan tâm để hiểu hơn về về điều đó. Chính nó mới đáng trách. Huy quay sang hờn dỗi chính mình. Huy rời công ty, chạy thẳng về nhà: “Con có thể làm gì để bù đắp cho mẹ đây?”. Mẹ nó khác mọi ngày về cách giải bày: “Nếu cần sự bù đắp. Mẹ đã chối bỏ con từ nhỏ. Mẹ không có duyên đẻ ra con nhưng mẹ đã chăm nuôi con nên người. Điều đó có xứng để con gọi mẹ là mẹ suốt đời không, con trai”. Tiếng bà thủ thỉ, khác với giọng mệnh lệnh của những ngày thường. Huy không biết nói gì hơn ngoài sự im lặng. Im lặng cảm nhận sự hy sinh của mẹ vì nhà nội, vì cha, vì nó. Huy im lặng để hiểu hơn tại sao bao lâu mẹ lặng lẽ với nỗi đau riêng. Mẹ thật vĩ đại. Lẽ ra, người từ nhỏ Huy nên nói đến, khi ai đó hỏi về thần tượng phải là mẹ mới đúng. Đêm, Huy sang phòng mẹ, đã lâu nó không sang thăm mẹ khi bà ngủ. Chỉ có bà vẫn lặng lẽ mang thức uống cho nó khi nó học bài quá khuya. Phòng mẹ lạnh quá. Đó là cảm giác mà nó cảm thấy khi bước vào căn phòng lẽ ra là căn phòng hạnh phúc của cha mẹ nó. Huy nói: “Đêm nay bên phòng con hơi lạnh, con thấy phòng mẹ ấm hơn. Con có thể ngủ với mẹ đêm nay chứ”. “Tất nhiên rồi, con trai. Cũng lâu rồi, mẹ con mình chưa ngủ cùng nhau, con cũng sắp vào kí túc xá rồi”. “Con sẽ về mỗi cuối tuần”. “Nhưng mẹ sẽ không ở nhà này nữa. Nhà này sẽ là nhà của con. Mẹ sẽ ở bên bà ngoại”. Đêm đó, hai mẹ con Huy thức tận khuya, mẹ nó kể về Huy, hồi bé. Huy thiếp đi, lúc thức dậy thì nó không thấy mẹ bên cạnh. Huy cảm thấy phía vai áo nó ươn ướt. Chắc nó đã gục đầu vào cổ mẹ, ngủ tận sáng. Bữa sáng cho Huy đã có sẵn món bún Huy thích ăn. Nó chỉ cần đun lại nước dùng và nhúng bò. Huy gọi mẹ nhưng không có tiếng trả lời. Và nó biết tìm mẹ ở đâu. Những lúc buồn bà hay đến đó. Cả nhà chỉ có Huy là biết khi buồn, mẹ nó thường làm gì, ở đâu. Huy chế xong tô bún bò. Nó ngạc nhiên, sao hôm nay mặn thế, bình thường mẹ có cho mặn thế bao giờ đâu. Chắc là mẹ quên, nêm hai lần muối. Huy vội vã đến suối Rêu. Nó biết mẹ đang ngồi một mình ở đó. Suối Rêu hiện bóng nó phía dưới làn nước trong vắt, bình yên. Những tảng đá to, rêu bám xanh làm nền cho bóng nó dựa bên bóng mẹ, hình dáng như bức tượng Mẫu tử trong bảo tàng Mother mà nó biết. Mẹ nó vẫn ngồi lặng yên. “Con nhìn kìa. Bóng của con cao hơn bóng mẹ rồi”. “Phải, mẹ! Nhưng bóng mẹ đang che chở và bóng con đang dựa vào bóng mẹ đấy”. Mẹ ôm Huy, tiếng những giọt mưa làm động mặt suối kéo bóng hai mẹ con Huy lúc dài ra, lúc nghiêng hình sóng. “Mẹ, từ nay, ai hỏi về thần tượng của con, con sẽ nói là mẹ”. Chắc mẹ Huy nghĩ trong lòng, đúng là đồ trẻ con. Lúc nào cũng mẹ mẹ mà không sợ người ngoài cười, bảo con trai lớn mà cứ mẹ mẹ
 Trời đổ về chiều. Bóng núi đang buông dài và nghiêng về phía đông, kéo dài, lùi vào phía tây. Bóng mẹ và Huy cũng càng lúc càng nghiêng về bên mẹ. Vì mẹ ngồi bên hướng tây nên Huy càng lúc càng dựa sát, nghiêng hẳn về phía mẹ. Bóng Huy đang được che chở bởi bóng mẹ. Huy nghĩ trong lòng, bóng núi có thể khuất hẳn khi chiều đổ vào đêm nhưng bóng mẹ thì mãi vững chãi trong lòng Huy. Nếu dáng núi sừng sững kia, Huy thần tượng nó thì mẹ chính là bóng núi trong lòng. 
 
Trần Thị Thanh
(giáo viên Văn trường PTTH Huỳnh Văn Nghệ, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương)