Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhạc cụ dân tộc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhạc cụ dân tộc. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2017

Nhạc - Thơ - Văn Tiếng trống trường

13 TIẾNG TRỐNG TRƯỜNG

Đội trống nữ Đọi Tam

Tiếng trống trường

Tôi thấy yêu sao tiếng trống trường,
Âm vang dồn dập thật thân thương...
Hối ta nhanh chóng quay về lớp,
Giục trẻ ham vui ở cuối đường...

Trở về quê cũ thăm trường cũ,
Vẫn nhớ con đường trên lối xưa...
Mái trường vẫn thế màu rêu phủ,
Tôi chỉ còn tôi đi dưới mưa !!

Đâu còn tiếng trống chiều mưa đó,
Nhắc thời thơ ấu nay đã xa...!
Làm sao tìm lại âm vang cũ,
Của thuở hồn nhiên chẳng nhạt nh
NM

TIẾNG TRỐNG TRƯỜNG

Đang say sưa trò chuyện trao đổi với các em trong đội tuyển chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia môn Ngữ văn, tôi giật thót bởi một hồi chuông điện rít lên chói gắt. Ban đầu hơi ngỡ ngàng, cứ tưởng là có báo động gì. Hóa ra không phải. Đó là tín hiệu hết một tiết học. Ngôi trường tan òa, nhộn nhạo và bức bối bởi bị “nhốt” trong một không gian tù túng của những bức tường bê tông. Không một bóng cây. Chỉ có nắng và nóng, cho dù những chiếc quạt điện trên trần vẫn quay tít mù...
Chợt ao ước được ngồi dưới tán lá một gốc phượng già, một cây bàng hay dưới bóng xà cừ râm mát. Rồi bỗng lặng nhớ tiếng trống trường đầm ấm, rộn rã không gian. Tiếng trống từng cộng hưởng, da diết trong thơ: 
Có cả cuộc đời rồi bỗng nhớ 
Những đoạn đường xa lắc tuổi thơ đi 
Bàn chân nhỏ băng qua đồng, qua ruộng 
Tiếng trống trường giục giã những mùa thi. 

Vừa mới đó đã bao năm cách biệt\
Bạn bè ơi giờ ở những nơi đâu? 
Nghe tiếng trống sao không về tụ lại 
Trước sân trường ríu rít nắm tay nhau. 
(Chử Văn Long)
Vẫn còn trong tôi hình ảnh những ngày dưới mái trường phổ thông ở một vùng quê sơ tán, đơn sơ giản dị mà quá đỗi thân thương. Cho đến nay, trong ký ức cũng như trong hình dung tưởng tượng của tôi, một mái trường không thể thiếu bóng cây. Cây và “hoa học trò” quấn quýt. Cây bàng già tán tròn, quả xanh chen vàng chát chua, ngai ngái; cây phượng rực lửa gọi hè về, cây xà cừ uy nghi cao sững, tán xòe rợp một khoảng trời… Và, không thể thiếu tiếng trống da trâu, linh hồn của một mái trường. Tiếng trống náo nức buổi khai trường; tiếng trống hân hoan, xốn xang mời gọi giờ tan học; tiếng trống gấp gáp, khẩn trương giục giã những ai sắp chậm giờ; tiếng trống òa vỡ báo hiệu phút nghỉ ngắn ngủi giữa hai tiết học… Tiếng trống chan chứa điều muốn nói, thổi bùng lên bao mơ ước tuổi học trò…
Vậy mà nay, nhiều trường đã thay tiếng trống bằng hồi chuông điện kia, sắc lạnh và vô cảm. Hình như trường càng to, càng cao rộng, tiếng trống trường càng có nguy cơ bị bức tử. Tiếng trống đang lịm dần giữa các bức tường bê tông cốt sắt…
Giật mình tự hỏi, chỉ vài năm nữa thôi, liệu tôi có còn được nghe tiếng trống trường nữa không? Một ngày nào đó không gian học đường trong ký ức tuổi thơ không còn nữa… Sẽ mất mát một không gian học đường mang văn hóa truyền thống nước Việt của tôi, đặc sắc và sang trọng.
Đến thăm nhiều ngôi trường rất to đẹp, rộng rãi và khang trang, nhưng tôi vẫn thấy thiếu một cái gì đó. Cái thiếu ở đây không chỉ là không gian học đường: một hàng cây cổ thụ, một vòm phượng đỏ hay tiếng ve đầu hạ… mà còn là không gian mang ý tưởng, kích thích sự sáng tạo và niềm đam mê, một không gian buộc người ta phải suy ngẫm. Có dịp thăm các trường học đậm không gian văn hóa của một số quốc gia, tôi thấy mỗi ngôi trường đều được thiết kế theo một ý tưởng, một triết lý sâu sắc nhằm gợi ra trong mỗi thầy cô giáo và học sinh nhiều điều suy nghĩ. Trường Trung học bậc cao ở thành phố Thiên Tân (Trung Quốc) là một ví dụ. Ngoài diện tích rộng, có đầy đủ các sân bóng, bể bơi, nhà tập đa năng và nhiều phòng nghe nhìn, phòng studio chuyên dụng, hội trường kiểu nhà hát. Điều tôi chú ý nhất ở đây là “con đường mơ ước” bao quanh. Những bức tượng của các nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà văn, những nghệ sĩ nổi tiếng của thế giới và của Trung Quốc được dựng dọc con đường. Cuối “con đường mơ ước” này là một bệ tượng còn để trống... Một ý tưởng nhằm đốt lên ngọn lửa đam mê, gợi mở một ước mơ, một câu hỏi lớn trong mỗi HS: ai sẽ là người đứng trên bục tượng này? Liệu mình có phải là người đứng trên đó hay không?
Trước sân tòa nhà chính là chiếc gương tròn khổng lồ lát bằng đá hoa cương đen bóng. Theo lời ông Hiệu trưởng, những đêm trời trong, hàng ngàn ngôi sao hội tụ ở trong lòng tấm gương này. Không cần phân tích ai cũng có thể hiểu được ý tưởng sâu sắc của người thiết kế tấm gương. Quan sát kiến trúc và sự bài trí của ngôi trường, tôi cứ băn khoăn tự hỏi: không hiểu nhiều ngôi trường hiện nay của ta được thiết kế bài trí theo ý tưởng nào đây?
Tôi cũng đã thấy rất nhiều trường treo ảnh của các nhà khoa học được giải thưởng cao quý, chẳng hạn Đại học Humboldt (Đức). Ngay ở tiền sảnh Hội trường lớn họ treo hàng chục tấm ảnh các tác giả được giải Noben … Họ đều là những người đã từng giảng dạy hoặc thỉnh giảng ở mái trường này.
Bỗng chợt nghĩ, trong lịch sử 50, 70, 90 năm thậm chí hàng 100 năm của nhiều trường học nước ta hiện nay, chắc chắn đã có rất nhiều GS nổi tiếng từng là cán bộ của nhà trường; nhiều GS, những nhà khoa học, các nhà văn hóa, văn nghệ sĩ khác cũng đã về giảng dạy, cộng tác và rất nhiều thế hệ các thầy cô giáo tài năng đã cống hiến âm thầm, lặng lẽ cho trường. Bây giờ người còn, người đã ra đi vĩnh viễn. Chính họ đã làm nên thương hiệu của các mái trường này… Không biết trong phòng truyền thống của các nhà trường hiện nay có còn lưu giữ được hình bóng, chân dung của những con người ấy hay không? Hay, chỉ còn hình ảnh của một số đồng chí lãnh đạo của trung ương và địa phương đến thăm trường?
Ngày nay ở các nước phát triển, mỗi quốc gia đều đang đi tìm một triết lý mới cho nền giáo dục của riêng mình. Và từ rất lâu, mỗi trường học, nhất là những trường nổi tiếng, có lịch sử lâu đời, đều trăn trở, suy nghĩ để xác định cho riêng mình một tầm nhìn (the vision) như là sứ mạng mà nhà trường muốn tuyên thệ trước xã hội. Tầm nhìn – sứ mạng ấy thường rất ngắn gọn như một câu khẩu hiệu, đúc kết đúng bản sắc và tinh thần của ngôi trường. Và nó được viết to, treo cao ở vị trí trang trọng nhất…
Riêng mình, tôi vẫn ao ước một ngày nào đó, khi trở lại thăm phòng truyền thống của ngôi trường nơi mình đã học, bên cạnh bao tư liệu quý, bỗng nhận ra tấm chân dung bác lao công, người đã từng đánh trống lâu năm nhất, đánh trống hay nhất trong lịch sử của trường. Liệu trường tôi còn giữ được hình ảnh bác không?
Chỉ biết hôm nay, tôi vẫn hồi hộp theo dõi số phận của tiếng trống trường. 
Như rất gần lại như rất xa 
Như vừa đó lại vừa là dĩ vãng 
Tiếng trống của trường quê bình lặng 
Cứ âm vang náo nức bồi hồi 
Gợi nhớ về bao kỷ niệm xa xôi...” 
(Thơ Nguyễn Thành Trương)

 Đỗ Ngọc Thống

Nghe tiếng trống chầu, đâm đầu mà chạy
Ở quê tôi khi nói về hát bội, người ta thường nhắc tới một truyền thuyết nghe rất lạ, rằng: Ngày xưa, ở làng nọ trên đầu nguồn sông Thu Bồn có một gánh hát nổi tiếng. Vào một mùa đông, trời mưa lớn liên tục nhiều ngày, làm cho nước từ trên núi cao đổ xuống, tạo thành cơn lụt lớn tràn qua làng và cuốn trôi cái trống chầu của gánh hát ấy. Cái trống làm bằng da trâu trôi lình bình trên sông, hết dạt vào làng này, lại tấp sang làng khác, cuối cùng dạt vào phố Hội An rồi ra biển. Cũng từ đó dân ở hai bên bờ sông Thu bồn đâm ra nghiện hát bội. Không những nghiện xem mà làng này, làng kia còn rủ nhau dựng các gánh hát bội để hát.
*
Không biết truyền thuyết trên có sức tác động bao nhiêu, nhưng rõ ràng, nói tới hát bội thì không mấy người dân dọc hai bên bờ sông Thu Bồn lại không mê, trong đó có quê tôi. Tôi nhớ hồi tôi còn nhỏ, bao giờ cũng vậy, cứ mỗi lần có gánh hát bội về quê tôi thì y như rằng từ xóm trên đến xóm dưới tất cả rộn lên. Người lớn gặp nhau thì bàn tán, người khen đào xinh, kẻ khen kép có giọng hát ngọt. Đám trẻ con thì khỏi phải chê, khen, vì có gánh hát về là sướng rồi, đứa nào cũng xí xọn, chỉ mong trời tối. Dù rằng trẻ con không có tiền mua vé, nhưng bọn nhỏ thì nhanh chân lắm, có đủ cách để lách qua những bờ rào mà gánh hát đã che chắn. Hồi ấy, buổi tối ở quê, trẻ con có làm gì đâu mà không xem hát nên chẳng đứa nào lại dại dột chịu nằm ở  nhà. 
Những bếp cơm chiều trong những ngày có gánh hát bội dường như đỏ lửa sớm hơn, và khi trời tối, lúc tiếng trống tuồng “bùm bùm” xuất hiện ở đầu thôn thì trên các con đường làng tiếng cười đùa, tiếng gọi nhau vang lên í ới.
Tôi không còn nhớ được, ngày xưa mình đã xem bao nhiêu vở tuồng. Mà nhớ sao được, có bao gánh hát đã ghé qua làng, nhiều lắm, mà mỗi gánh hát đâu phải chỉ diễn một vở. Còn bọn nhỏ chúng tôi thì có vở tuồng dù đã xem đi xem lại mấy lần, nhưng hễ thấy có hát lại tìm cách chui vào xem tiếp. Nào vua, quan, quân lính. Nào áo mão, cân đai. Nào người trung mặt đỏ, kẻ nịnh mặt xanh. Nào những chàng hoàng tử cốt cách phong lưu bên những công chúa quần lụa, áo gấm thướt tha…
Những khúc hát ngân lên, khi trầm khi bổng, hòa trong tiếng trống chầu lúc nhặt lúc thưa… Rồi những tiếng giáo, tiếng gươm khua vào nhau loảng xoảng và từng tràng vỗ tay vang lên khi những kẻ hung ác bị những anh hùng đánh gục. Tất cả đã lôi cuốn, đã làm chúng tôi say mê, thậm chí có nhiều đêm, khi vở diễn kết thúc nhưng chúng tôi vẫn chưa muốn về, cứ mong vở diễn kéo dài thêm, và sáng hôm  sau đứa nào đứa nấy thi nhau mà kể,  mà bình về các nhân vật vừa mới được xem. Còn người lớn thì mê hát cũng không thua gì đám trẻ. Cứ sau mỗi buổi diễn, hễ gặp nhau là người ta lại bình luận,  lại khen, lại chê các giọng hát, khen chê ngay cả khi đang cấy lúa ngoài đồng, ngay cả trong lúc đang gặp nhau ở cái giếng làng.
“Nghe tiếng trống chầu, đâm đầu mà chạy”. Bọn nhỏ quê tôi có đứa nhỏ nào mà không biết câu nói ấy. Và với tôi, vào những đêm có hát bội, nếu bị cha mẹ bắt phải ở nhà thì đó là những đêm buồn không thể tả hết. Làm sao mà không buồn được trong khi ngoài kia, nơi sân đình gánh hát đang diễn và tiếng trống chầu thỉnh thoảng lại vọng tới, tùng, tùng, lảnh lót.
Nhờ những đêm hát mà chúng tôi biết được rất nhiều chuyện liên quan đến các nhân vật lịch sử nước nhà như Bà Trưng, Bà Triệu, như Đinh Bộ Lĩnh, Quang Trung… Có những vở diễn, chúng tôi xem nhiều lần,  thuộc lòng nhiều đoạn, nên sau đó, khi cho trâu ra đồng, mấy đứa xúm lại, bắt chước, đứa đóng quan, đứa đóng lính rồi  hát nghêu ngao. Tôi nhớ trong đám trẻ xóm tôi  ngày ấy, thằng Toàn là đứa có khiếu hát tuồng. Nó bắt chước các điệu múa tuồng và diễn giống như thật, cả đến động tác bê hia nó cũng có thể làm rất điệu nghệ y hệt những đào, kép chính. 
Cuộc sống ngày nay đã đổi thay, có nhiều phương tiện giải trí. Ở quê tôi cũng như các làng quê khác, những gánh hát về diễn ít dần. Dù vậy, tiếng trống chầu trong những đêm hát bội thật khó phôi pha trong tâm thức bao người. Riêng tôi, có đêm đang ngủ say lại nghe tiếng trống chầu đâu đó vọng tới, nhưng khi giật mình, mới hay mình nằm mơ, mới hay ký ức êm đềm của một thời đang thức dậy… 
HOÀNG NHẬT TUYÊN


Người đánh trống trường
Hắn nhớ, ngoại hắn thường nói, con người gắn kết với nhau bởi chữ duyên. Gặp nhau, kết bạn, học chung cũng nhờ chữ duyên. Thậm chí có duyên với nhau lắm thì ra đường mới đi lướt qua nhau được. Nói như ngoại thì hắn đã gặp lại cái duyên của mình, là một cái duyên lớn nữa mới đáng nói chứ!
*** 
Hắn cài cúc áo xong xuôi rồi vặn mình sang trái, sang phải như muốn tập thể dục tiếp dù đã chạy bộ bốn vòng quanh sân trường cách đó một giờ đồng hồ. Hắn khoan khoái nhìn ra sân trường lúc sáng sớm còn yên ắng. Chỉ mươi, mười lăm phút nữa thôi, khoảng không gian tĩnh lặng này sẽ bị hàng mớ tiếng ồn của học sinh phá vỡ. Hắn khép cửa phòng, khoan thai đi vòng quanh sân, vừa hít thở khí trời, vừa ngó nghiêng kiểm tra mọi thứ. Ngôi trường cấp ba hắn theo học trước đây đã thay đổi nhiều. Hắn cũng thay đổi, từ một đứa học trò thành người bảo vệ trường.
 Hắn đang lau cái dùi trống thì nghe có tiếng hỏ
Dạ, anh cho hỏi, khoảng mấy giờ chỗ gửi xe làm việc vậy anh?
Hắn quay lại, định xem ai lại đến trường sớm như vậy thì ngay lập tức mắt tròn mắt dẹt ngạc nhi
-Sáu giờ... Ủa, Thương phải không?
Cô gái mặc áo dài vàng nhạt cũng ngạc nhiên không kém, đáp lời hắn với nụ cười quen thuộc từ lâu lắm.
- Thương nè. Trung cũng làm ở đây hả?
Hắn gật đầu lia lịa, rồi tự nhiên bối rối không biết phải nói thêm điều gì. Thương tiếp lời bằng giọng điệu phấn khích của những người bạn tình cờ gặp lại nhau.
-Từ hôm nay Thương dạy ở trường mình nè. Môn tiếng Anh. Gặp Trung mừng quá chừng luôn. Lớp mình ít có bạn nào ở lại thị xã làm việc lắm.
Hắn nhớ, ngoại hắn thường nói, con người gắn kết với nhau bởi chữ duyên. Gặp nhau, kết bạn, học chung cũng nhờ chữ duyên. Thậm chí có duyên với nhau lắm thì ra đường mới đi lướt qua nhau được. Nói như ngoại thì hắn đã gặp lại cái duyên của mình, là một cái duyên lớn nữa mới đáng nói chứ!
Giờ học đã bắt đầu. Sân trường lại rơi vào thinh lặng. Trong căn phòng nhỏ ngay cổng trường, hắn ngồi nhớ mọi điều về Thương.
Ngôi nhà đầu tiên của gia đình hắn ở sát nhà Thương. Hồi nhỏ hắn không được học mẫu giáo. Lên sáu tuổi, ngoại dạy cho hắn nhận biết mặt chữ rồi cho vào lớp một luôn. Mấy đứa con nít trong xóm học chung một trường tiểu học. Hắn và Thương được xếp vào chung một lớp. Lúc đó Thương kén ăn nên ốm tong ốm teo. Ngày nào đi học, má Thương cũng bỏ vào cặp bánh kẹo hay trái cây để Thương ăn vào giờ chơi. Nhưng hầu như Thương cho hắn tất tần tật những quà bánh đó. Lí do đầu tiên để hắn thích chơi với Thương chỉ đơn giản như vậy.
Trong lớp Thương ngồi bàn đầu, còn hắn cao nhất lớp nên ngồi bàn cuối. Ngoài lúc Thương cho hắn quà bánh còn lại thì hai đứa không nói chuyện nhiều với nhau. Do Thương ít nói, còn hắn cũng chẳng biết nói gì với tụi con gái! Hai đứa học chung suốt năm năm tiểu học. Trừ những hôm Thương ở lại tập văn nghệ, những ngày khác hai đứa luôn về cùng nhau. Năm nào Thương cũng đứng nhất nhì lớp, còn hắn cứ lẹt đẹt xếp loại trung bình.
Năm đầu tiên của cấp hai thật sự là thời gian khó khăn với hắn. Ba hắn làm ăn thua lỗ nên bán căn nhà đang ở, dọn đến nhà khác nhỏ hơn ở cách xa trường học. Chiếc xe máy trong nhà giờ là phương tiện kiếm cơm của ba, chiếc xe đạp thì má vẫn hằng ngày chở đồ ra chợ. Hắn phải đi bộ đến trường, ngày nắng cũng như ngày mưa. Hắn không sáng dạ trong việc học hành nên gần như đánh vật với chương trình trung học phức tạp hơn nhiều so với những năm cấp một. Đồ đạc trong nhà có hư hỏng, ba chỉ bảo một vài lần là hắn nhớ ngay cách sửa chữa. Vậy mà không hiểu sao hắn cố gắng hoài mà mớ kiến thức ở trường không vào đầu được bao nhiêu. Hai năm lớp sáu, lớp bảy, hắn suýt đội sổ. Đó cũng là hai năm hắn học khác lớp với Thương.
Chắc cũng nhờ duyên mà sang năm lớp tám, hai đứa lại học chung. Không cần cô giáo phân công, Thương tình nguyện làm "gia sư" cho hắn. Cứ đi học về, cơm nước xong thì hắn sang nhà Thương cùng học. Chắc là do học chung từ nhỏ và Thương lại không có tính kênh kiệu như vài đứa bạn học giỏi khác nên hắn không thấy mắc cỡ khi để một đứa con gái cùng tuổi làm "cô giáo" của mình. Dù vẫn là học sinh trung bình nhưng nhờ cùng học với Thương mà kết quả học tập của hắn đã tiến bộ rõ rệt. Hắn không còn cảm giác lo ngây ngấy mỗi khi thầy cô gọi trả bài hay làm bài tập. Hắn làm theo cách Thương nói, bài nào không biết thì mạnh dạn nói là không biết để khỏi phải vò đầu bứt tóc hay đỏ mặt tía tai khi lên bảng nữa.
Được cái hắn cũng hiền và tháo vát nên cô giáo phân cho hắn phụ trách về lao động. Bạn nào trực nhật không tốt hay trốn tránh giờ lao động tập thể đều bị hắn thẳng thắn phê bình. Ngược lại, hắn hay trực nhật giúp Thương hay giành lấy phần việc Thương phải làm trong những lần lao động. Hắn chỉ nghĩ thật đơn giản là điều đó như một cách cám ơn Thương đã giúp hắn học tập mà thôi.
Lên cấp ba, Thương học ở lớp "chọn" còn hắn chỉ học lớp bình thường. Lớp Thương ở đầu dãy phòng học, còn lớp hắn ở đằng cuối. Ba đã mua cho hắn chiếc xe đạp. Ngày nào đi học, hắn cũng đạp xe ngang qua nhà Thương rồi đứng đợi đến khi thấy Thương ngồi sau xe để má chở đến trường thì hắn mới đạp xe đi. Thương mặc áo dài trắng, ôm cái cặp đen tuyền, tóc vẫn xõa ngang vai như hồi nhỏ, nhìn... dễ thương làm sao! Hắn nhớ, hình như từ lúc đó, hắn đã bắt đầu "thích thích" Thương rồi.
Cái đồng hồ báo thức reng từng hồi dài làm hắn giật mình. Đến giờ đánh trống ra chơi cho tụi nhỏ rồi. Nghĩ tới đó hắn tự cười mình. Lớn hơn tụi học sinh mười hai chưa đến sáu tuổi mà đã xem chúng là "tụi nhỏ" rồi. Hắn đến bên giá trống, rút cái dùi đã lên nước bóng loáng, đánh một hồi rộn rã lên mặt trống phẳng lì. Hồi trống chưa dứt đã nghe tiếng nói chuyện ồn ào của học sinh từ các lớp ùa ra. Hắn gác lại dùi trống, mỉm cười bâng quơ. Bao nhiêu năm rồi kể từ lần đầu nghe tiếng trống trường khai giảng năm học lớp một, thanh âm này luôn cho hắn cảm giác ấm áp một cách kì lạ.
Tốt nghiệp cấp ba, tự biết sức học của mình, hắn không thi lên tiếp mà đi nghĩa vụ quân sự. Hắn nhớ ngày khám sức khỏe đi nghĩa vụ cũng là ngày Thương thi đại học. Không lâu sau hắn nhập ngũ và không còn gặp Thương. Hết hạn nghĩa vụ, hắn về làm dân quân phường rồi khi biết tin bác bảo vệ trường cấp ba không còn làm việc nữa, hắn đã xin được làm bảo vệ ở đây. Công việc của hắn thật đơn giản, suốt ngày chỉ quẩn quanh trong trường. Thỉnh thoảng hắn cũng ghé tiệm tạp hóa nhà Thương mua đồ dùng mà cái chính là hỏi thăm tin tức của Thương. Má Thương bảo thỉnh thoảng Thương cũng về nhà, chỉ tiếc là không lần nào hắn gặp được cả.
Vậy mà bây giờ hắn với Thương lại làm việc cùng một nơi. Nhờ chữ duyên chăng?
Thương vẫn hiền và dễ thương như trước. Lúc nào đến trường hay hết tiết ra về, qua cổng Thương đều chào hắn. Có những hôm Thương đến sớm tặng hắn mấy món bánh Thương làm nữa. Hắn mà tỏ ra ngại thì Thương lại nói "Trung là chuột bạch ăn thử bánh Thương làm đó, lỡ có đau bụng thì Thương mới ngại chứ". Hắn thường nhân lúc đi sắp xếp lễ đài chào cờ hay phát thưởng, liếc nhìn vào lớp Thương đang dạy. Thỉnh thoảng hắn cũng hỏi thăm mấy đứa học trò. Đứa nào học cô Thương cũng khen cô dạy dễ hiểu và vui nữa. Hắn nghĩ có thể xem những nhận xét đó là thành công của cô giáo rồi và thấy vui như thể đó là thành công của hắn vậy.
Hôm nay Thương không đi xe đến trường. Buổi trưa tan học, hắn thấy Thương ngồi sau xe gã nào đó mặc áo sơ mi đóng thùng. Chiếc xe máy đắt tiền nổ máy chạy đi, để lại vệt khói mỏng trước cổng. Tự nhiên hắn thấy nắng trưa nay sao mà chói chang quá!
"Gã nào đó" là thằng Trực học kế bên lớp hắn hồi xưa chứ đâu. Dù bây giờ gã chải chuốt hơn, thân hình có vẻ phì nhiêu hơn thì hắn vẫn nhận ra gã tóc quăn đó. Có lần gã đến sớm đợi Thương, hắn bắt chuyện thì nhận ra người quen cũ. Gã này hồi xưa học cũng tàng tàng nhưng hắn nghe người ta nói những đứa tóc quăn thì khôn lanh lắm. Chắc nhờ vậy mà bây giờ gã đã là cán bộ địa chính. Má gã tóc quăn cũng buôn bán ngoài chợ, gần sạp hàng của má hắn. Từ ngày trở thành cán bộ, nhà gã cũng "phất" lên như diều gặp gió. Thỉnh thoảng má hắn thở than, nói về gã tóc quăn mà ý chừng so sánh về khoản "kiếm tiền" của gã và hắn. Qua những lời bàn ra tán vào của các bà nội trợ lúc rảnh rỗi thì hắn biết, gã tóc quăn này đúng thực là "cán bộ địa (là) chính". Chỗ nào có dự án ngon ăn, gã "địa" qua "địa" lại thể nào cũng kiếm được không cơm thì cháo. Gã tên Chính Trực mà hắn thấy gã chẳng chính trực tẹo nào. Cứ nhìn ngôi nhà bốn tầng và mấy chiếc xe xịn của cái gã mới một hai năm làm việc nhà nước, mức lương cũng ba cọc ba đồng thì biết. Người như gã sao lại quen Thương kia chứ!
Đêm, kiểm tra khắp trường mấy lượt, hắn lên giường ngẫm nghĩ. Lại do chữ duyên chăng! Tự nhiên hắn thấy tiếc cho Thương và tiếc cho hắn nữa. Ừ mà, tiếc làm gì. Hắn chỉ là người đánh trống trường chạy chiếc xe cub cà tàng thôi mà, còn người ta...
Bẵng đi một thời gian, cũng nhanh lắm, chừng hai tuần thôi, Thương không đi cùng gã tóc quăn nữa. Gã cũng đợi Thương trước cổng trường vài lần nhưng chắc rồi cũng nản nên không thấy gã xuất hiện nữa. Hắn lại thấy vui, bâng quơ!
Thêm một năm học mới nữa. Thầy hiệu trưởng đích thân đánh trống khai giảng. Tiếng trống trầm ấm vang khắp sân trường. Tụi học sinh lớp mười thả những chùm bóng bay lên trời, tiếng vỗ tay rộn rã. Đứng ở hành lang lớp học, hắn ngắm nhìn ngôi trường, ngắm nhìn học sinh và một khuôn mặt thân quen.
Hắn chỉ là người đánh trống trường, còn cô bạn thuở nhỏ sẽ là người viết tiếp giấc mơ chữ nghĩa cho hắn và cho những thế hệ đàn em sau nữa. Người đánh trống trường và cô giáo, yêu nhau được không nhỉ!
An Minh
 
Tiếng trống da trâu
Sau những năm sống cuộc đời lính, lúc ở rừng, lúc ở hang với rau rừng nước suối, có lúc hành quân qua những rừng cây trụi lá, đất bốc oi nồng, mùi thuốc khai quang, nóng rát, cứ như vừa qua một trận hỏa hoạn, không một con thú nào có thể sinh sống được, Vũ bị thương trong một trận đánh lớn, được đưa về tuyến sau chữa trị. Viên đạn đã được bác sĩ gắp ra từ ống xương đùi. Tuy vậy, vài mảnh bom li ti nằm bên sườn không gắp ra được…
Ngày kết thúc chiến tranh, anh giải ngũ với giấy chứng nhận thương binh, và trở về làng quê cũ… Mẹ già đã qua đời. Làng xóm tốt bụng vẫn coi giữ mái tranh nghèo có bàn thờ đơn sơ của mẹ anh…
Anh vội vã đi cám ơn làng xóm và hỏi thăm nơi mộ phần mẹ mình. Bà con cho biết nhà cửa anh được giữ gìn, mộ phần mẹ anh được vun đắp, vườn tược nhà anh được chăm tưới xanh tươi là nhờ bàn tay cô Vân - bạn anh năm xưa, vẫn thường xuyên lui tới với bà cụ trong bao năm anh vắng nhà, và cả sau ngày cụ mất.
Vũ bàng hoàng xúc động nhớ đến cô bạn thuở thiếu thời cùng nhau đi học mấy năm ở trường làng, cùng chăn trâu, cùng tắm suối, cùng thả diều trên rẫy - Biết bao kỷ niệm về cô bạn nhỏ có đôi mắt to tròn và chiếc răng khểnh duyên dáng. Cô bạn dễ thương ấy trước lúc anh lên đường nhập ngũ đã bạo dạn cầm tay anh và bảo: "Em chờ anh trở về…".
Chỉ có thế, một câu nói tưởng chừng bâng quơ đơn giản, người lính ở chiến trường đã bỏ quên trong bom đạn, nhưng người con gái mộc mạc quê mùa ấy lại vẫn nhớ, vẫn chờ…
Vũ tìm đến nhà Vân ở cuối xóm Đồi. Cha mẹ Vân đều đã mất trong thời chiến tranh chống Pháp, chỉ còn lại hai chị em làm nương làm rẫy nuôi nhau. Xuân - chị của Vân - chịu khó làm lụng, cố gắng cho em đi học trường làng. Vũ ngập ngừng đứng lại hồi lâu trước ngõ nhà Vân. Hàng dâm bụt năm xưa vẫn nở hoa đỏ thắm, chỉ có khác là trước ngõ giờ đã có thêm khóm trúc vàng và giàn bông giấy nở đầy hoa tím. Nhìn vào sân, cây mận già vẫn đơm nhiều quả. Ngày trước anh và Vân đã cùng hái mận biết bao lần.
Tiếng chó sủa, người phụ nữ thập thò trong cửa liếp nhìn ra. Vũ nghĩ có lẽ là chị Xuân bèn lên tiếng:
- Chị Xuân ơi, em là Vũ đây! Em đến thăm chị và cô Vân…
Câu chào chưa dứt thì anh đã đến cửa liếp. Người phụ nữ bưng mặt khóc òa, anh bối rối:
- Chị Xuân, có gì xảy ra không chị? Sao chị lại khóc? Còn cô Vân đâu?
Người phụ nữ đã đứng tuổi, đổ ập trên vai anh nức nở:
- Em là Vân đây… chị Xuân em đã vào thanh niên xung phong và hy sinh rồi anh ạ.
Vũ sững sờ, bối rối, cứ đứng trơ trơ như tượng đá. Trên vai anh ấm nóng và nằng nặng. Người con gái vẫn khóc như chưa bao giờ được khóc, để trút hết bao nỗi niềm chất chứa trong lòng. Chờ cho Vân nguôi đi, anh nhẹ nhàng nâng đầu cô bạn gái năm xưa nhìn thật gần để tìm những nét thân quen ngày nào… Anh đau đớn nhận ra khuôn mặt xinh xắn năm xưa, nay đã sạm màu mưa nắng, đôi mắt không còn to đen lay láy như ngày nào. Duy chỉ còn chiếc răng khểnh cho anh cảm nhận sự duyên dáng quen thuộc. Anh dịu dàng:
Anh không ngờ sau chiến tranh, làng xóm ta nhà nào cũng mất mát nhiều quá, nhà nào cũng có bàn thờ và bằng liệt sĩ, Tổ quốc ghi công. Ruộng rẫy xác xơ tiêu điều, có lẽ thiếu người lao động phải không em? Vân chỉ gật đầu, cô lặng lẽ nhìn ngắm thật kỹ khắp người Vũ xem anh có còn nguyên vẹn hay không. Vũ hiểu ý, anh dìu Vân đến ngồi trên ghế, rồi đến trước bàn thờ cha mẹ Vân và chị Xuân, đốt ba nén nhang cắm lên và chắp tay lâm râm khấn vái:
- Thưa hai bác, thưa chị Xuân, xin hai bác và chị cho phép Vũ và Vân được thành gia thất, xin hai bác nhận ở con lòng chân thành…
Vân đã đến đứng bên cạnh anh, cô hỏi khẽ:
- Bao nhiêu năm em không hề có tin tức anh, nên không biết anh đã có gia đình chưa? Tuy nhiên lời em đã hứa chờ anh, em vẫn chờ, em vẫn đến với mẹ và mẹ cũng coi em như dâu con, do đó em vẫn an lòng đợi anh…
Vũ quay lại nhìn Vân:
- Chiến tranh ác liệt, cái chết chực chờ, anh đâu có lòng dạ nào nghĩ đến chuyện lập gia đình. Bây giờ anh đã về, anh đã bị thương tật một chân nhưng may không què cụt. Anh cũng đã vừa xin hai bác và chị Xuân chấp nhận anh là con trong nhà, chẳng biết em có nhận lời không? Giờ cả hai ta cũng đâu còn ai nữa…?
Vân đưa cả hai bàn tay chai khô ráp đặt lên hai vai anh, nhỏ nhẹ trả lời:
- Em đã làm dâu mẹ bao năm rồi, khi mẹ mất em đã xin phép làng xóm cho em thọ tang để mẹ khỏi tủi thân. Sao anh còn gọi ba mẹ em là "hai bác".
- Ồ, anh thật vô ý. Em bỏ qua cho người lính vụng về. Từ đây anh gọi là ba mẹ…
Một nếp nhà tranh đơn sơ nhưng gọn gàng ngăn nắp, mái bếp tỏa khói ấm nồng, đôi vợ chồng anh thương binh sống chan hòa hạnh phúc. Cây cỏ vườn tược xanh tươi, họ cùng nhau ngày ngày trồng khoai, trồng lúa, đào ao thả cá, đời sống ngày một tốt hơn. Họ chỉ còn ao ước có một mụn con để chăm chút thương yêu. Họ cũng biết đã sắp hết khả năng sinh nở rồi. Bao nhiêu năm chiến tranh đã cướp mất quãng đời thanh xuân của họ. Mãi gần hai năm trôi qua Vân mới có bầu. Họ sung sướng vô ngần, thầm cám ơn Trời Phật, cám ơn cha mẹ đã phù hộ. Họ sắp được làm cha làm mẹ rồi. Họ cố gắng làm lụng tích lũy để sau này có thể nuôi con học hành nên người. Biết bao hy vọng tương lai. Những chiều muộn bên mâm cơm, họ nói về đứa con yêu quý sắp ra đời với bao lời trìu mến thiết tha.
Rồi ngày khai hoa nở nhụy cũng đến. Vũ đưa vợ ra trạm xá làng. Bụng Vân khá to, nhưng nhờ làm lụng hàng ngày nên cô vẫn nhanh nhẹn khỏe mạnh chứ không quá nặng nề.
Vũ gởi vợ ở trạm xá rồi trở về tranh thủ cuốc cho xong đám rẫy sắp xuống giống cho kịp thời vụ.
Vũ đang cắm cúi cuốc mong cho chóng xong còn về nấu cơm đem lên trạm xá cho vợ. Anh đồ chừng giờ này cô cũng bắt đầu chuyển dạ rồi. Bỗng thằng Tài con bà Thơm hàng xóm la oai oái trên đường làng:
- Chú Vũ, chú Vũ, mau lên trạm xá, cô Vân sinh rồi, mẹ cháu đang ở trên ấy, chú nhanh lên!
Vũ ném cuốc, vui mừng quá, bỏ quên cả bình nước bên bụi cây chạy như bay, quên cả cái chân đã bị thương thỉnh thoảng vẫn còn đau những lúc trái gió trở trời.
Trạm xá kia rồi, Vũ nhảy thoắt lên thềm. Bà Thơm đứng dang cả hai tay chặn cửa, miệng la bài hải không cho Vũ vào:
- Khoan vào đã Vũ! Nghe bác nói đã nào!
Vũ đứng khựng lại, vừa thở hổn hển vừa hỏi bà Thơm:
- Sao rồi bác? Vợ cháu sinh trai hai gái? Cô ấy khỏe không? May có bác ở đây chắc cô ấy cũng đỡ sợ. Cháu chỉ về cuốc chỗ vạt đất dang dở mà không kịp. Gớm! con so mà cũng nhanh quá bác nhỉ?
Mặt bà Thơm lạnh tanh, hai mắt bà cụp xuống. Vũ như linh cảm có chuyện gì, anh lay hai vai bà:
- Sao thế bác? Có chuyện gì à? Để cháu vào xem sao…
Bà Thơm lại ngăn Vũ:
- Khoan đã, nghe bác nói đây, nó sinh một lúc hai thằng cu, con ạ… Nhưng sinh khó quá, nó cũng lớn tuổi rồi mà… một đẻ ngược, một đẻ xuôi, băng huyết ồ ạt, đường từ đây lên huyện quá xa, giờ này làm gì có xe cộ nữa, ở đây chỉ là trạm xá làng, thiếu thốn mọi thứ, mặc dầu cô mụ đã cố gắng hết sức, nhưng con ơi… nghe bác nói đã… sống chết có số trời định cả rồi, con hãy bình tĩnh rồi bác đưa vào vuốt mắt cho vợ con…
Vũ gào lên:
- Sao? Vợ cháu chỉ sinh bình thường thôi sao lại chết được? Còn hai cháu bé sinh đôi đâu? Cháu phải vào xem vợ cháu ra sao, con cháu ra sao?
Anh xô dạt bà Thơm sang bên, kéo cửa bước vào phòng trạm xá. Mùi máu tanh nồng hắt tận mũi. Trên giường trạm, một thi thể đã được đắp tấm vải. Bên dưới gầm giường vẫn còn lênh láng máu.
Vũ giở tấm vải đắp, ôm lấy xác vợ hãy còn nóng ấm, đôi mắt vẫn mở nhìn anh, chờ anh tới. Tóc tai cô tung xõa rũ rượi, mồ hôi còn ướt đẫm cả mớ tóc mai. Vũ nói nghẹn ngào trong nước mắt:
- Vân ơi, em ơi, anh có ngờ đâu, một lần sinh con mà em đã bỏ anh, bỏ con. Rồi đây anh biết làm sao để nuôi con đây? Sao trời lại bất công với em quá, bao nhiêu năm chờ đợi anh... em ơi!
Bà Thơm đã đến bên cạnh. Cô mụ giục Vũ:
- Thôi, đây là trạm xá, đừng khóc gào quá bà con sẽ sợ hãi anh Vũ ạ. Anh hãy vuốt mắt cho chị yên nghỉ đi, rồi nhanh chóng ra làm thủ tục đưa vợ vê an táng và làm thủ tục khai sinh cho con anh.
Mãi đau đớn vì cái chết tức tưởi của vợ, anh quên mất con anh hiện ra sao. Anh chưa thấy nó. Anh nói với cô mụ:
- Cô làm ơn cho tôi thăm hai cháu.
Bà Thơm đưa mắt nhìn cô mụ như thầm hỏi có nên đưa Vũ sang xem hai đứa bé không? Cô mụ cũng lưỡng lự giây lát rồi đành nói rõ:
- Con của anh ấy mà, ruột thịt mà, dù sao cũng phải cho cha con gặp nhau chứ biết làm sao bây giờ hở bà?
Bà Thơm và cô mụ đi trước dẫn đường, Vũ theo sau. Cánh cửa phòng mở ra, ba người bước vào, tiếng Vũ thét lên:
- Con tôi đây sao? Trời ơi..., sao lại thế này?
Bà Thơm phải đỡ Vũ mới khỏi ngã quỵ xuống.
Trên mặt bàn trải tấm chăn bông trắng, hai đứa hài nhi đỏ hỏn, một đứa ngọ ngoạy hai tay, một đứa nằm im không nhúc nhích, cả hai đều dị dạng. Đứa ngọ ngoạy có vẻ khỏe mạnh hơn, chiếc đầu to không có mắt, hai hố mắt bằng phẳng, liền da như ai đã dán băng keo lên đó, hai tay có dạng bình thường ngo ngoe liên tục, nhưng lưng thì cong vẹo, xô chiếc bụng nghiêng lệch sang một bên, còn hai chân thì nhỏ xíu và teo lại hình như không có xương ở trong đó. Chỉ riêng bộ phận sinh dục minh chứng nó là con trai. Còn đứa thứ hai, không mắt không mồm, tay chân đều nhỏ xíu không có xương, nằm bất động chỉ còn thoi thóp thở nhè nhẹ rồi lịm dần chỉ vài ba phút sau đó, người nó lạnh dần và tím tái. Cô mụ bảo:
- Cháu đã không thể sống nổi rồi, còn cháu này may ra có sức khỏe hơn, anh cố nuôi cháu, trong nhà có tiếng trẻ thơ cũng vui. Cô mụ bỗng hỏi Vũ – Anh là thương binh phải không?
- Dạ!
- Anh ở chiến trường hay hậu trạm?
- Tôi đi tác chiến mới bị thương chứ ạ!
- Ừ nhỉ, xin lỗi, tôi quên. Thế nơi anh đóng quân là rừng núi hay đồng bằng?
- Dạ, toàn rừng là rừng, rừng trụi lá, chẳng có cây nào sống nổi, cũng chẳng có chim chóc hươu nai gì sống nổi, trơ sỏi đá, nóng hầm hập cứ như cháy rừng ấy cô ạ.
Cô mụ gật đầu:
- Ấy là bị rải thuốc khai quang diệt cây cỏ rồi… thảo nào… thảo nào…
Ấy thế mà cái khối thịt đỏ hỏn chỉ ngo ngoe hai tay ấy đã được anh Vũ chăm sóc, bồng bế đi xin sữa khắp làng… rồi cũng lớn dần… Nhưng cháu không đi được, không nhìn được, cháu chỉ nghe, chỉ nói ngọng nghịu, chỉ có hai tay là toàn vẹn nhất trong cơ thể. Lưng vẹo nên nó chỉ nằm một chỗ. Tuy vậy hai tai nó lại nghe rất thính, nghe rất xa.
Một hôm làng mở hội xuân, tiếng trống rộn ràng, nó lắng nghe rồi hỏi Vũ:
- Ba ơi, tiếng gì nghe rùng rùng, bùng bùng vậy ba?
- À, đó là tiếng trống hội làng đó con.
Nó ngạc nhiên:
- Tiếng trống hả ba? Trống là cái gì ba?
Anh Vũ tìm cách giải thích cho nó hiểu:
- Cái trống làm bằng gỗ, bên trong rỗng, hai đầu bịt bằng da trâu, đánh lên nghe to lắm con ạ. Khi nào có hội hè thì mới đánh lên cho cả làng đến dự hội.
Thằng bé vẫn còn thắc mắc:
- Hai đầu trống bịt bằng da trâu hả ba? Đánh bằng hai tay hả ba? Đánh vậy đau tay lắm phải không ba?
Anh Vũ ôm lấy con mà cười:
- Người ta làm hai cái dùi bằng gỗ để đánh mới kêu to vậy con ạ. Tội nghiệp con của ba không thể nào đi lễ hội để thấy cái trống làng.
Thằng bé lại cười hồn nhiên:
- A ha! Ba quên rồi, con đâu có thấy cái trống được, con chỉ nghe tiếng trống thôi!
Đó là những giây phút hai cha con cười đùa vui vẻ với nhau. Hàng ngày, Vũ bận rộn đi làm rẫy, đến hết buổi về nấu cơm hai cha con ăn với nhau rồi anh lại ra hồ cá chăm sóc đàn cá.
Riêng thằng bé từ khi được cha giải thích cho nó biết về cái trống, nó vô cùng thích thú, suốt ngày cứ dùng hai tay vỗ xuống giường, đánh trống mồm "Tùng tùng, cắc, tùng tùng…" không ngớt. Đó là trò chơi nó thích thú nhất.
Rồi mùa thu đến, bọn trẻ trong làng kéo nhau đi rước đèn, đánh trống, cười đùa ầm ĩ ngoài đường làng. Thằng bé lại hỏi cha về những cái trống bọn trẻ đang chơi ngoài kia với một vẻ thèm thuồng thích thú. Nó khao khát, mơ ước có một cái trống để đánh lên, kêu thật to, cho mọi người nghe thấy và biết có nó đang ở đây.
Trước nỗi khát khao tột cùng của đứa con bất hạnh, Vũ đành phải hứa liều sẽ làm cho nó một cái trống. Vì quá thương con, anh không quản khó nhọc, lò dò ra tận xóm Đình hỏi cụ từ giữ đình về cách làm trống. Rồi anh cất công đi kiếm gỗ tốt; lên tận lò mổ trâu bò trên huyện nằn nì xin được hai miếng da trâu. Dưới sự chỉ bày của cụ từ giữ đình, anh đã mày mò làm được một cái trống da trâu, cỡ bằng cái khạp gạo, mang về cho thằng bé.
Làm sao quên được nét mặt rạng rỡ vui sướng của thằng bé tật nguyền tội nghiệp ấy, khi cha nó hớn hở chạy về trao cho nó cái trống khá to so với cơ thể nó. Rồi sau đó cha nó đã dạy nó ôm cái trống trên bụng, một tay giữ trống, một tay cầm dùi đánh. Tiếng trống đầu tiên vang lên, hai cha con ôm nhau cười ha hả. Kể từ đó thằng bé như được sống trong một cõi thần tiên! Nó suốt ngày đùa vui với cái trống. Vũ lại ra công dạy con hát nhiều khúc đồng dao, nhiều câu hát lý để nó vừa hát vừa đánh trống nhịp nhàng.
Ít lâu sau, anh dạy thằng bé đánh trống theo ám hiệu. Thường anh phải đi làm ngoài rẫy, nó ở nhà một mình với cái trống. Anh dạy nó khi có ai đến nhà tìm anh thì nó đánh nhịp ba "Tùng tùng tùng, cắc, tùng tùng tùng…" để gọi anh về. Khi có việc cấp bách, như có chó vào nhà hay hỏa hoạn, thì nó đánh trống liên hồi cấp bách là anh chạy về ứng cứu ngay. Còn thường ca hát hay chơi một mình thì chỉ chơi nhịp hai,chầm chậm, nhẹ nhàng, anh ở ngoài rẫy nghe là yên tâm - Khi nào không nghe tiếng trống là anh biết nó đang ngủ.
Rồi tiến tới là anh dạy nó học chữ, học số bằng viên phấn cầm tay nắn nót cho nó viết trên mặt trống. Chủ đích của anh là chỉ tìm cho nó một niềm vui để quên đi kiếp sống dị dạng tật nguyền. Nhưng thằng bé rất chăm chỉ, nắn nót rờ rẫm trên mặt trống, nó ghi nhớ rất nhanh. Dần dà, nó đã viết được những câu ngắn trên mặt trống, mặc dầu nó không hề thấy chữ nó viết.
Một hôm đi làm rẫy về, anh bỗng sững sờ thấy trên mặt trống ghi dòng chữ xiên xẹo: "Ba ơi, con thương ba lắm" - Vũ đã khóc lặng đi vì quá xúc động.
Từ đấy, cái trống da trâu vừa để cho thằng bé đánh trống "tùng tùng" và hát những bài đồng dao, những bài ca dao, mặt trống cũng là cái bảng đen để nó vui học. Không những thế, nhờ có tiếng trống và những câu hát ngọng nghịu ngây ngô của mình, nó đã có rất nhiều bạn trong xóm lân la đến chơi. Trước đây không một đứa bé nào dám mon men đến nhà Vũ vì rất khiếp hãi thằng bé. Lỡ khi nào cha mẹ có việc gì dắt chúng đến tìm ba của thằng bé thì chúng sợ sệt nép vào người lớn chứ không dám đến gần. Nhưng từ khi có tiếng trống vang xa, đã mê hoặc, quyến rũ chúng đến chơi với thằng bé. Thằng bé dạy cho bạn hát và đánh trống. Có hôm Vũ đi làm về chợt thấy năm, sáu đứa bé hàng xóm đang say sưa vừa múa vừa hát, còn thằng con anh thì đánh trống nhịp - Chúng chơi với nhau thật vui vẻ hồn nhiên, như không còn cái ranh giới sinh động và nằm liệt. Thằng bé học tiến bộ rất nhanh, mặc dầu chỉ có đôi tay mò mẫm chứ không có mắt. Nó cũng mỗi ngày ca hát thêm nhiều bài. Ngoài những khúc đồng dao, ca dao do Vũ dạy, các bạn cũng dạy nó thêm những bài hát ở trường học. Thằng bé sống vui vẻ, hồn nhiên, yêu đời và sinh động hẳn lên. Nó như quên đi những bất hạnh đè nặng lên số phận nhỏ bé của mình.
Năm lên tám thì tự nhiên một cánh tay thằng bé yếu dần rồi mềm nhũn và teo lại. Thế là nó chỉ còn một tay, và sức khỏe nó cũng yếu dần đi, may mà niềm đam mê vào cái trống da trâu vẫn còn nguyên vẹn trong cái cơ thể điêu tàn ấy. Vũ rất lo buồn, anh đã bế thằng bé đi nhiều bệnh viện huyện và cả ở tỉnh, nhưng nơi đâu cũng không giúp gì được cho nó. Tội nghiệp thằng bé, sợ ba nó buồn lo, nên dù sức khỏe đã yếu đi nhiều, hàng ngày nó vẫn cố gắng đánh trống với cánh tay yếu ớt còn lại, đánh trống để ba nó ở ngoài đồng, trên rẫy nghe thấy sẽ yên lòng, đánh trống để các bạn nghe thấy may ra có đứa nào nghỉ học thì chạy đến chơi với nó.
Một hôm làm đồng cả buổi mà Vũ không nghe tiếng trống của thằng bé, anh nghĩ là nó đang ngủ, dạo này nó yếu nên ngủ nhiều. Nhưng càng đến trưa, đã đứng bóng rồi, vẫn không nghe tiếng trống, có bao giờ nó ngủ lâu như vậy? Anh lo lắng, bỏ cuốc chạy về. Nhà yên ắng không một động tĩnh gì, Vũ vừa chạy vào sân vừa gọi con:
- Con ơi, con ngủ hay thức? Sao không đánh trống cho ba nghe?
Nhà vẫn yên ắng, không có tiếng thằng bé đáp lại, khác hẳn với mọi khi, nghe tiếng ba về là nó líu lo ngọng nghịu hỏi đủ thứ, khoe đủ thứ nó làm gì, bạn nó vui chơi trò gì…
Thằng bé nằm im, co quắp rất tội nghiệp, cái lưng vốn đã vẹo vẹo, bây giờ như gồ hẳn lên, vẹo vọ hơn, đầu nó ngoẹo sang một bên, bọt mép sùi ra. Nó đã tắt thở từ lúc nào!
Vũ ôm lấy xác con, bế thốc thằng bé lên lòng, gục đầu vào ngực con khóc tức tưởi. Dù rằng anh biết ngày cuối cùng này rồi cũng xảy ra, vì thằng bé sức khỏe kém dần, nó ăn uống ít dần, nhưng anh không ngờ nó đi nhanh chóng quá, và lại ra đi lúc anh không có mặt bên cạnh nó. Vũ không biết lúc ra đi nó có đau đớn quằn quại gì không? Thôi đành vậy…
Khi Vũ đặt con nằm ngay ngắn xuống giường, kéo tấm chăn đắp lên mình con, thì bắt gặp cái trống nằm nghiêng trên đầu giường. Khi với lấy cái trống, Vũ kêu lên đau đớn:
- Trời ơi, con của ba, trước khi ra đi con còn nhớ thương ba nhiều thế này sao? Trên mặt cái trống, dòng chữ nguệch ngoạc bằng phấn trắng nổi bật trên màu xám của tấm da trâu: "Con thương ba lắm" - chỉ bốn con chữ cuối cùng đơn sơ nó để lại cho ba nó. Có lẽ với sức yếu ớt như thế, nó phải cố gắng lắm, đem chút hơi tàn lực kiệt để viết nên dòng chữ này.
Vũ đọc đi đọc lại dòng chữ trên mặt trống: "Con thương ba lắm… Con thương ba lắm", anh như trong cơn mê, trong nỗi đau đớn tột cùng.
Kể từ ngày đứa con dị dạng tật nguyền mà Vũ đã thương yêu hết lòng hết sức qua đời, ngôi nhà đã trống vắng như càng trống vắng hơn. Chiếc bàn thờ đơn sơ bằng gỗ tạp, nơi thờ Vân bây giờ có thêm một bát nhang và cái trống da trâu, vật kỷ niệm duy nhất của con anh để lại, trên đó vẫn mang dòng chữ "Con thương ba lắm" anh cố trân trọng giữ gìn cho đừng bị phai mờ nét phấn. Mỗi buổi đi làm rẫy về, anh lầm lũi nấu cơm, bữa ăn nào anh cũng xới một bát cơm đặt trước cái trống, rồi đốt nhang gọi con về ăn cơm. Mỗi khi nhìn đến cái trống, Vũ không khỏi rơm rớm nước mắt và lẩm nhẩm đọc: "Con thương ba lắm", rồi anh tự trả lời như đang nói với con: "Ba thương con lắm".
Từ ngày thằng bé dị dạng mất đi, trong xóm không bao giờ nghe tiếng trống da trâu nữa.
  Hoàng Hương Tran