Hiển thị các bài đăng có nhãn Quê hương. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Quê hương. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 20 tháng 4, 2021

Nhạc - Thơ - Văn Bình minh trên quê nội

Bông Mù U

Ánh bình minh của một ngày vui mới,
Thật thanh bình êm ả giữa tinh mơ...
Tôi đi tìm hoa trắng giữa trời thơ,
Hoa chưa nở chỉ gió lùa qua lá !

Quê nội nên thơ ruộng đồng vất vã,
Con đường quê dẫn lối mỗi khi về...
Mùa thơm rơm ngan ngát thật chân quê,
Tôi như thấy tuổi thơ mình ở đó !!
NM


Đây là quê hương xứ sở bên nội của Ti, bên trong ruộng chỗ có tháp mộ của ông sơ, bà cố và ông nội của Ti, Buổi sáng mỗi khi có dịp về tảo mộ, thường hai cô cháu đi rất sớm, khởi hành từ 6g sáng cho nên đến nơi khoảng 7g lúc đó quang cảnh thật dễ chịu, xa xa mới có 1 căn nhà...Mát mẻ... yên tĩnh chỉ có tiếng chim hót, chuồn chuồn bay, tiếng bìm bịp và chim cuốc buổi sáng không làm người nghe nặng lòng, thương nhất là tiếng gà gáy khiến ta có cảm giác thật thanh bình giữa đồng ruộng mênh mông !!
Điều đặc biệt nhất mà mình rất thích nhất là có cây mù u mọc gần sát bên, cây Mù u còn có tên là Nam Mai, cái tên hoa mai trắng lục tỉnh mà mình chọn làm bút hiệu NM Phan thị Ngọc Diệp, mùa nầy mù u đã kết trái cho nên khg còn một cái hoa nào cả !

Cây mù u con bướm vàng chưa đậu,
Nhưng em về nhớ mãi hoa mù u...
Bây giờ trời đã cuối Thu,
Thôi đành chờ ngắm mù u sang mùa !
Hai năm sau nầy các hủ tro cốt của Ông sơ, bà cố và ông nội Ti lại được thiếm Ba Cao dời vào thửa ruộng bên trong kế nhà bà con, nơi đó có 2 ngôi mộ của bà cố và bà dì chôn cất đã lâu và 3 hủ tro cốt được cất vào một tháp nhỏ trên dưới theo thứ bậc dòng tộc
Con đường đi từ con đường làng nhỏ vào thăm rất là khó khăn vì đây chỉ là đường đất men theo bờ ruộng, lần đầu tiên Ti chở đi thăm dịp Vu Lan, bờ ruộng nhỏ và chưa từng chạy xe như vậy, nhìn cỏ mọc hai bên Ti tưởng là đất chống chân ai ngờ bị hụt chân lọt 1 bên xuống ruộng, chiếc xe gắn máy nghiêng qua phía bên chân lọt xuống sình ! May mà Ti cao cho nên chỉ mất 1 chiếc dép, còn mình thì không biết có ai "độ" Ti chở ngồi phía sau, xe nghiêng qua suýt ngã xuống ruộng mà không hiểu tại sao mình lại đứng bình yên trên bờ ruộng nhỏ xíu vừa hết hồn vừa cười lại hoàn toàn bình tỉnh phụ với Ti kéo chiếc xe đang chực ngã đè lên chân Ti...
.Mãi đến giờ con đường mới được be thêm đôi chút do bà con biết hai cô cháu suýt lọt ruộng, ở đây trồng lúa sậy cho nên khoảng cách từ bờ xuống ruộng khá sâu ! Từ "biến cố" đó về sau mỗi lần đi thăm mộ thì Ti chạy xe một mình , còn KC đành xách giỏ lội bộ từ con đường làng vào. Cảnh thật nên thơ và bình yên , gởi xe nhà chú Ba Sum hai cô cháu lại băng ruộng qua thăm nếu nhằm lúc ruộng gặt xong vì vào mùa nắng ruộng khô, mùa mưa thì men theo bờ ruộng mà đi...!
Kể cho Thiếm Ba nghe, hỏi Thiếm sao Thiếm có tuổi chân đau khớp mà đi được trên con đường nhỏ đầy cỏ trơn trợt, Thiếm cười và nói mỗi lần về đó Thiếm đi theo ghe vào và "hú" bà con là những ông con trai ra "cõng" !! Thiếm nói mai mốt có đi thì con đi như vậy !! Hèn chi hai cô cháu lúc chưa biết thật ngưỡng mộ Thiếm Ba, Thiếm còn cho biết khi chỉnh trang và làm tháp Thiếm phải ở đó gần cả tháng ......Thôi chịu khó lội bộ vậy, cứ nghĩ kêu người cõng thấy....buồn cười làm sao ấy !
Ruộng nằm bên kia sông cho nên phải qua con phà nhỏ, chiều ngang sông không rộng vì thế khi đầy khách phà chỉ cần xoay đầu là đã đến bờ bên kia ! "Quay đầu là bờ" thêm một ý nghĩa cho việc thăm viếng, bờ thật gần đâu có xa xôi gì ?!! Thỉnh thoàng vẫn thấy khách ngoại quốc ngồi trên chiếc ghe máy chạy dọc theo sông ngắm cảnh xen với các ghe lớn chở gạo và nông sản, thật nên thơ vui tai với tiếng máy tàu, và cảm thấy sự thanh bình của thời không còn chiến tranh dù nơi đây vẫn còn nghèo nhà cất sơ sài, nhưng đâu đó có xen vào các ngôi nhà khang trang của chủ mới sau nầy...,
Hai cô cháu ước gì mở được 1 resort mini và dân dã ở đây kế bên nhà là hàng rào dâm bụt đỏ, có hàng hoa cát lồi vây quanh, sông nước hữu tình bên sông có chợ , cạnh ruộng vườn , trồng cây ăn trái, trồng rau làm vườn , đào ao thả cá, nuôi gà vịt chỉ làm cảnh thôi và nếu phục vụ thức ăn thì sẽ là món chay !!
Ôi, thật là Thơ mộng và mơ mộng ....?!!
NM PTND

Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2018

NTV - Tôi đi chợ nổi Cái Răng



Em Về Miền Tây

Những bài hát về Cần Thơ

Cần Thơ gạo trắng nước trong,
Người đi kẻ ở lòng không mong về...
Âm thầm ôm mối tình quê,
Nhớ ngày phiêu lãng, nhớ về ngày xưa,
Nhớ ngày gió, nhớ ngày mưa,
Trải bao năm tháng vẫn chưa nguôi sầu ?
NM
Tôi đi Chợ Nổi Cái Răng
Vì đã có dự tính trước cho nên hai cô cháu xuất hành từ 1g30 khuya để đi Cần Thơ, có lẻ đây là lần đầu tiên khởi hành sớm nhất cho kịp nhìn thấy giờ chợ nổi Cái Răng họp, quyết tâm xem chợ nổi CR buổi sáng sớm như thế nào để còn làm hướng dẫn viên rủ ông chú và bà thiếm của nó đi cho biết mặc dù thật là buồn cười vì hai cô cháu ở Sàigòn còn hai ông bà ở Cần Thơ !! 
Nhưng thật là thất vọng khi xuống đến nơi mới 4g khuya đi vòng vòng từ lúc trời còn tối thui, rồi ngồi chờ trên bờ sông trước chợ theo sự hướng dẫn của người dân địa phương vì đây là nơi các ghe thuyền sẽ tập trung chở hàng về để giao cho chợ đầu mối nhưng chờ hoài vẫn không thấy  chiếc ghe nào ! Chỉ nghe tiếng loa vang vang phát ra từ trạm bán vé mời gọi du khách đăng ký lên thuyền ngắm cảnh trên sông, và đã có vài chuyến bắt đầu khởi hành đa phần là khách ngoại quốc

Trời mưa lâm râm khg lớn cho nên đi 1 vòng trên bờ, xem người ta đặt "trúm" đây là do mình đặt tên thôi ! Cái trúm văn minh có hình ống dài bằng nhựa nylon bên trong người ta thả lá cây, cá lội từ sông sẽ theo nước chui vào rồi kẹt lại trong đó, ngồi một chút là thấy hai vợ chồng chủ trúm mang đèn xuống bắt cá lên bờ rồi phân loại...những con nhỏ quá thì được "phóng sinh" trở lại chờ lớn hơn mới....lên bờ vào chợ vì có mối đến lấy liền ngay tại chỗ!
Trên bờ trời hửng sáng, người đặt trúm cũng tạm dừng công việc và bắt đầu đi giao cá, nhà lồng chợ đèn vẫn sáng trưng thật là nhộn nhịp, thôi thì thay vì xem cảnh ghe thuyền tấp nập buôn bán  trên sông mình nhìn cảnh tấp nập của môt ngày mới nơi chợ đầu mối ở tỉnh cũng vui, Trời đã sáng mà bên trong chợ đèn vẫn chưa tắt,
 
Bây giờ ngoài hai cô cháu còn có những người dân cư ngụ gần đó ra đi bách bộ và tập thể dục, có một chị cũng lớn tuổi vừa tập vừa hỏi tôi từ đâu đến, qua chị mới biết được chỉ vào dịp cuối năm ở bến sông nầy mới đẹp, tấp nập hơn giống như hình chụp chúng ta thường thấy trên mạng, lúc đó hàng hoá, hoa quả nhiều đổ về để phân phối khắp nơi cho nên quy tụ đủ sắc thái của phiên chợ sớm chuẩn bị cho Tết, được biết chị cũng là một giáo viên đã về hưu và cô con gái còn đi học năm cuối trên Sài gòn, ngẫm nghĩ số mình vẫn còn duyên với nghề giáo dù "mất giáo" đã lâu, đi Đồng Tháp cũng gặp và ở đây cũng gặp, hai nơi xa lạ của hai tỉnh khác nhau, một chút như thế cũng đủ ấm lòng !! Chia tay với chị không hẹn sẽ gặp lại nhưng có duyên thì hội ngộ nếu như còn quay lại bến sông nầy vì hàng ngày sáng nào chị cũng ra đây tập thể dục...

Giờ nầy dưới sông các ghe thuyền lớn nhỏ cũng tấp nập đưa khách đi dạo! Thỉnh thoảng xuất hiện vài chiếc ghe nhỏ khoan thai tay chèo xuất hành bán hàng muộn trên sông, chiếc ghe có vẻ lẻ loi cho nên không lời rao bán không tiếng chào mời, hay còn một bến tạm nào đó cần đi đến?
Đã hơn 6g sáng rồi, đèn trên sông và trong chợ cũng tắt nhường ánh sáng lại cho buổi bình minh, tự dưng lòng cảm thấy hụt hẩng như vừa đánh mất đi một buổi tối đầy màu sắc và âm thanh, tiếng ồn ào vui vẻ của bạn hàng trong nhà lồng chợ cũng nhỏ lại nhường cho âm thanh xe cộ ngoài đường lớn vọng vào, bắt đầu cho một ngày làm việc mới...
Chạy một vòng quanh bờ sông, hai cô cháu bàn nhau ra bến Ninh Kiều, viếng chùa Ông, theo chỉ dẫn của Google Ti tìm cơ sở làm bún lâu năm....Đi đến nơi thì thấy tàu chở khách tham quan còn neo ngoài bờ kênh đành quay trở ra công viên, cảm thấy cũng vui vui dù chuyến đi không thành công như mong muốn, nhưng ít ra cũng có một đêm về sáng thật thú vị trên dòng sông Hậu nên thơ nầy...Chợt nhớ lại cách đây 43 năm mình đã từng sống tại thành phố Cần Thơ hơn 1 tháng nhưng với một tâm trạng luôn hoang mang và không ổn định, giờ thì thật là thoải mái vì đã được thong dong thăm viếng khắp mọi nơi và không còn mang tâm trạng của một người bị động nữa !!

Thứ Tư, 11 tháng 7, 2018

Thăm Sa Đéc giữa năm 2018

Chiều Qua Phà Hậu Giang

Sóng xa
Dòng sông xưa dịu êm,
Cảnh cũ thật êm đềm...
Mà sao luôn nhung nhớ,
Bao kỷ niệm không quên !

Sóng đưa thuyền nhấp nhô,
Người thì xa vạn nẽo.
Hoa ngoài sân cũng héo...
Tất cả vào hư vô ?!
NM
 Thăm Sa Đéc giữa năm 2018
Ngày 20/6 Ti rủ về Sa Đéc chơi, ăn sáng, đi chợ mua bánh phồng tôm xong, nói với Ti hai cô cháu tìm nhà Dì Hai để xem phong cảnh bây giờ thay đổi ra sao, mấy lần về trước muốn tìm mà khg nhớ đường và cũng buồn vì Dì Hai giờ khg còn !
Bây giờ Vân đã cung cấp rõ ràng về địa chỉ rồi thì khg phải lo lắng nữa
Cây cầu sắt ngày trước giờ đã được tráng nhựa, con đường vô nhà phẳng phiu hết còn lởm chởm đá gạch và việc tìm nhà Dì Hai thật dễ dàng vô cùng ! Có điều khi đứng trước cổng rào thấy buồn buồn vì nhà cửa đóng then cài, hàng xóm phơi ké quần áo trên hàng rào, cây xoài xơ xác lá khg còn xum xuê trái như lúc về thăm Di Hai với chị em Tâm... 
Hôm nay trời khg nắng gắt, nhờ ánh sáng mặt trời ấm áp khiến cho lòng bớt ảm đạm ngậm ngùi vì chỉ còn hai cô cháu đứng bên ngoài nhìn nhìn ngó ngó chụp hình rồi....thôi !!
Khoảng cách từ nhà Dì Hai ra bờ sông chỉ hơn chục bước chân, cảnh quang hoàn toàn thay đổi, đây vừa là bờ sông vừa là công viên, cây cỏ xanh mướt và nở đầy hoa dành cho những ai thích tản bộ vừa hít thở gió mát vừa ngắm cảnh sông nước hữu tình...
 
Người ta vẫn còn giữ lại những bậc thang đi xuống sông mà lần về trước nhìn thấy những người dân ở đó xuống sông giặt quần áo hay vớt lục bình xắt cho gia súc và gia cầm ăn....
 Chỗ có bậc thang thông xuống sông có cắm cờ cứu hộ, vì dân ở đó còn thói quen giặt giũ, cũng như chiều mát hay ngày hè vẫn còn người thích thú tắm sông, nhất là bây giờ khg còn lục bình trôi nổi sông trở nên sạch đẹp hơn nhiều !
Dòng sông sạch với gió mát làm hai cô cháu thích thú muốn ngồi hóng gió nhưng tiếc rằng khg có cái băng đá nào! Ước gì trong căn nhà nhỏ bằng cây cảnh nầy có một vài cái ghế đá nhỉ ?!
Dù thường xuyên về Sa Đéc vào những dịp cuối năm để ngắm hoa và dạo mát trong làng hoa, nhưng lần về nầy hai cô cháu cũng đi thăm đại lộ cây cảnh của Sa Đéc, một phần vì thích, một phần muốn tìm mua thêm cây trà hoa nữ tím.....
Đại lộ lớn nơi tập trung những địa điểm bán cây cảnh và phân bón, con đường nầy còn kéo dăi cặp theo bờ sông, những hoa lá cây cảnh trong làng hoa được tập trung ra đây, người ta chuyên chở bằng ghe lớn đi phân phối khắp nơi như ở Sài gòn có bến Bình Đông là trạm cặp bến của ghe thuyền chuyên chở cây cảnh về đó rồi mới tãi đi đến các làng hoa của thành phố như Gò Vấp,.Nguyễn Trải...
 Bến phà Sa Đéc nối "hai bờ vui", đây có lẻ là tiếp nối của phà Mỹ Thuận, bên nầy là Sa Đéc qua bên kia bờ là đường đi đến Đồng Tháp, con đường nhỏ nhưng mát vì trồng nhiều cây, lâu lâu có người bày bán cây trái của nhà vườn như xoài, ổi với giá thật rẻ đến ....tội nghiệp ! Xoài cát 10.000d/3 kgs, Ổi ngon cũng vậy. Trên đường từ Mỹ Tho về Sa Đéc thì thanh long giá chỉ 1 hay 2 ngàn 1 kg nhưng rất vắng khách !
Lâu thật lâu mới có dịp đi phà, cảm xúc lẫn lộn, nhớ những ngày chờ phà của hơn 40 năm trước, bây giờ khg còn hàng quán, không người bán vé số hay rao bán hàng rong, nhất là khách qua phà cũng thưa thớt không còn đông đúc như ngày xưa !!
Ti giục " đi thôi " vì nó hứa sẽ dẫn đi ăn cá lóc nướng trên ao sen Đồng Tháp...Quay nhìn lại căn nhà Dì Hai trong nắng ước thầm giá mà Dì Hai còn đang ở trong nhà chắc Dì sẽ vui lắm, Ti nhắc tô hủ tiếu mà lần về thăm đó Dì Hai vui mừng nhưng không quên kêu hủ tiếu cho đám con trai ăn liền vì sợ đói khi chờ cơm trưa...! Nhớ và nhớ đủ thứ nhưng cũng vui vì não bộ của mình vẫn chưa bị lão hoá ...
Về nhà định post liền cho Vân xem, nhưng đủ thứ chuyện linh tinh ập đến thành ra cho đến hôm nay mới hoàn tất được "trọng trách" nầy, đừng buồn nha Vân ! Nói với Ti hẹn lần sau đi chụp hình tiếp những ngôi nhà cổ trong thành phố Sa Đéc cho đủ bộ 🌹🌺


Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2016

Nhạc - Thơ Văn - Nhớ mùa nước nổi

Nhớ mùa nước nổi
Thương sao mà thương quá,
Mùa nước nổi xa xưa...
Nhớ sao mà nhớ lạ,
Đong biết mấy cho vừa ?!

Một thuở thời niên thiếu,
Ngày thơ trên bến xưa...
Con nước ròng nước lớn,
Con theo cha sớm trưa !

Bây giờ con trở lại,
Mang nặng nỗi niềm thương...
Xa dù xa mấy đổi,
Luôn nhớ về quê hương !!
NM

Mùa cá linh về

1. Chị tha thẩn nhìn sông Hậu vẫn còn nước đục chảy về mùa lũ.  Bầu trời vẫn nhiều mây bay. Vầng trán rộng mịn màng của chị ngày nào đã khác: hơi nhăn nhúm dù chị cố níu lại sức trẻ trung của kiếp người mau qua như bóng câu thoắt ngang cửa sổ.
Ngày thôi nôi chị, nghe mẹ kể, chị “bắt” cục đất, cha không mấy vui lòng vì ông muốn con gái chọn cây viết để sau làm cô giáo cho sạch sẽ hơn. “Nó bắt đất, lớn lên cạp đất ăn chớ làm gì!”, cha chị buồn nói như thế. Mẹ chị lại khác, giận câu nói chồng mấy ngày không ăn cơm, chê con gái cạp đất ăn bà ức lắm.
Sau nầy đi dự các đám thôi nôi, chị lấy làm lạ, có bé “bắt” cục đất thì được cha mẹ mừng ôm nhảy tưng! Hỏi ra chị mới hiểu, người ta vừa khôi hài vừa thể hiện tính thực dụng hơn trong ước mơ: “Bắt đất sau lớn lên nó làm xáng cạp, làm địa chính, làm cò nhà... Có thổ cư thì ở đô thị loại một loại hai... giàu lắm hi hi!”.
2. Khác dự đoán ngày thôi nôi, lớn lên chị đi làm cô giáo như ước nguyện của cha.
Trận lũ lụt năm 1978 tràn về tàn phá đồng bằng sông Cửu Long, lúa chết sạch, rau màu bị lũ càn quét, cả làng đói, gia đình chỉ dựa vào mười ba ký lô gạo chế độ của chị cơm cháo qua ngày. Mỗi bữa ăn, cha chị nhìn thấy nồi cơm ít ông giả vờ đi ra vườn tưới cây nhường phần cho các con đang sức lớn! Bây giờ khá giả rồi, hồi tưởng lại những năm tháng ấy chị nghe não lòng. Năm đó cha chị theo đoàn ghe chở nước mắm cá linh xuống Cà Mau len lỏi vào Năm Căn, Đầm Dơi... bán kiếm tiền về mua gạo cứu đói gia đình.
Ngày xưa mỗi lần đi chợ, mẹ chị thường mua “nước mắm biển” nấu sẵn từ tiệm tạp hóa của người Hoa, hồi đó người ta dùng cá biển nấu nước mắm, xong cho vào cái tỉnh nhỏ hàn miệng lại bằng xi-măng tránh bị nhiễm trùng và bốc hơi, mẹ chị dựa vào hương vị nghiên cứu nấu nước mắm thủ công bằng nguyên liệu cá linh, bà nấu nhiều lần ngày càng thơm ngon.  Mỗi mùa nước nổi, cha chị chèo ghe ra Vàm Thới An giáp mé sông Hậu mua cá linh non về ủ mắm. Chị thường theo cha ngồi trước mũi ghe để cái đầu trần tóc phất phơ nắng gió làm khét lẹt. Cha chị tâm sự với con nhiều chuyện trên trời dưới đất, thỉnh thoảng ông cho ghe ghé vào gốc bần trú nắng nghỉ tay, bần đan xen với lác hình thành một vùng sinh thái chạy dọc theo sông trông rất nên thơ, hình ảnh những trái bần chín rụng để lại trong mắt chị mãi tới giờ. Chị ăn bần chua mà nghe “ngọt”. Cái tâm linh nặng trĩu ân tình xứ sở cho phép người ta nhận định sai về vị giác: quê hương cái gì cũng ngọt kể cả chanh, ớt, khổ qua...!
Mỗi ngày đi học về, chị rót nước mắm cá linh nặn chanh chan cơm ăn ngon lành. Làn khói mỏng tỏa ra từ mái bếp mỗi sáng, mỗi trưa, mỗi chiều quyện vào không trung trở thành hồn quê luôn ập vào mắt chị suốt những tháng năm dài.
Giờ cha mẹ chị lần lượt qua đời, mỗi lần ra vườn nhìn lại hai ngôi mộ song song, chị nhớ đến hình ảnh ông bà đầu tắt mặt tối lao động nuôi con, mà ngùi ngùi, chị nghe âm vang hồn cha bên sóng nước vỗ về nặng nề đôi tay chèo chở cá linh non. Nhiều kỷ niệm tuổi thơ cũng về trong ký ức, lắm lúc chị chiêm bao thấy mình còn quanh quẩn bên chân mẹ chân cha, bên bầy vịt con được mẹ gà ấp ủ, bên vồng khoai lang chưa tới vụ đã moi lên nấu sớm, bên đám học trò ngỗ nghịch mà hiếu nghĩa nặng tình...
Đi đâu chị cũng nghe hương lòng thời thanh xuân sống lại. Đến Vàm Thới An, chị nghe mùi cá linh non lai vãng nơi sống mũi mình, mùi cá đưa tâm hồn chị bồng bềnh với nỗi nhớ thương da diết vằng vặc, những cây bần xưa theo thời gian dâu bể đã biến bớt thay vào thế hệ bần mọc sau còn sức lớn. Chị ghé vào một quán nhỏ ven sông Hậu, gọi món cá linh non nấu canh chua bần và kho lạt với lá mía, chị nhắm nháp hương vị ngày nào, nghe nằng nặng nỗi niềm sông nước miên man.
Ăn xong, chị ra bờ sông ngồi gục đầu khóc, hai tay ôm gốc bần nghe gió phe phẩy thổi.  Hình ảnh người cha thân thương hiện về trong ký ức khi chị nhìn ngoài sông dường như có bóng dáng vài con cá linh non ẩn hiện theo bọt thủy triều. 
Một bé gái từ đâu bước tới hỏi:
- Cô có sao không?
Chị lắc đầu nghèn nghẹn, con bé hiểu ngay chị đang có nỗi đau về một chuyện lòng xâu xé, nó choàng tay ôm hông chị:
- Cô có cần con trợ giúp?
Chị nhìn kỹ con bé, tay lau mắt:
- Không, cô chỉ cảm động thôi.
Một hồi, tạm lắng cơn đau, chị thâm trầm nói với con bé:
- Quay về vùng sông nước nầy, nhìn những gốc bần làm cô nhớ chuyện xưa, lúc nhỏ theo cha ra đây mua cá linh non về ủ mắm...
Chị linh cảm con bé có gì thân thiện dễ hòa nhịp, chị hỏi: 
- Quê con ở đâu, cuộc đời sao kể cô nghe?
- Gốc con phương xa trôi dạt về đây cô à, theo cha mẹ qua nhiều vùng sông nước sống bằng nghề chài lưới, cha con giỏi nghề câu lắm, năm nào vào mùa nước nổi ông cũng câu được nhiều cá lăng, cá cóc... to cho mẹ lên ngồi các chợ bán. Rồi một hôm cha bị bệnh chết trên chiếc ghe nhỏ làm phương tiện mưu sinh ấy, có  người thương tình cho vài thước đất cặp mé sông cái chôn cất cha, năm đó con mới vài tuổi.  Yêu cha, mẹ đậu ghe cạnh mồ ông suốt mấy năm trời, hằng ngày dậy sớm đón ghe các ông bạn thương hồ đồng nghiệp mua cá lên chợ tiếp tục ngồi bán. Đêm về con và mẹ sống chung với đàn đom đóm dầy đặc “mở đèn” lớp chớp trên các ngọn bần, thỉnh thoảng vài chiếc ghe thô kệch xuôi ngược đậu lại gần gũi cho vui một “xóm giềng” lưu lạc. Mẹ cố nuôi con nhưng bà còn trẻ quá không thể ôm hoài cái định số... đành gởi con lại cho một bà bạn bán cá chung ở đây, bà nhận con làm dưỡng tử, nuôi con học hết lớp mười hai, cho đất con cất tiệm bán tạp hóa...
Chị ôm con bé khóc, không muốn tìm hiểu thêm đời tư nó, con bé cảm động khóc theo. Một hồi con bé nói:
- Đời nuôi mình chồng chềnh trên đầu sóng cuối gió, mình phải biết tạ ơn sông nước cô à!
- Cô giống con, con cái của sình lầy, khi trăm năm phải trả về cho nó cái mà ngày thôi nôi cô đã “bắt”: đất.  Đất quê hương khi xa ai cũng trông về mòn mỏi...
Vài chiếc sà lan, vài chiếc ghe to nhỏ vẫn chở nhiều thứ của cải cần thiết về khắp nơi. Sông vẫn chở cá từ Biển Hồ nhưng mất đi mật độ xưa. Sự hủy diệt nguồn thủy sản do con người đánh bắt, gây ô nhiễm quá ư tàn tệ, mấy mươi năm thôi đã làm cạn kiệt mạch sống của sông. Ngày xưa bình quân mỗi mét khối nước các nhánh sông ở đây chứa cả chén cá tép nhỏ chưa kể các loài lớn, nay cả một khúc sông trôi nếu gom lại chưa được tô cá tươi! Dòng sông trở nên quạnh quẽ thủy sinh.
Chị đứng dậy vuốt tóc con bé nói lời giã từ:
- Thôi cô về, chúc con nhiều hạnh phúc!
3. Chị nghe lưu luyến cái Vàm Thới An đến tận cùng. Sông Hậu vẫn miên man một dòng phù sa đỏ đục khi mùa nước lớn đổ về, mặt nước năm xưa có những “con nước” hình thù giống loài đỉa dại, mang đủ màu sắc, lội loăn quăng nhởn nhơ dầy kịt theo mé, chị cho tay đụng vào thân chúng, từng con tan ra như sữa đục mà cha chị nhìn tiên đoán: “Năm nay nước lớn!”.
Chiếc ghe đưa chị ra khỏi chợ Vàm Thới An. Những người đánh bắt cá cho biết dưới lòng sông cá linh non thưa thớt. Chị nghe thương sao, sông muôn thuở vẫn chở cá linh về.
Trên dòng nước trôi cuộn mùa lũ, chị nhớ trong đầu một câu ai đã nói: “Làm nguời có những điều không cho phép ta chọn trước khi sinh ra, như chọn cha chọn mẹ, chọn quê hương... nhưng những cái không biết chọn trước ấy lại là điều quí giá nhất”...
THÀNH NAM
Biết dến bao giờ ?!
Số kiếp phong trần trót mượn vay,
Phù sinh trôi nổi lắm chông gai....
Vượt bao mùa lũ chờ con nước,
Sao mãi gian nan chồng chất đầy ?!

Hạnh phúc dường như vẫn quanh đây,
Chỉ mong hôm sớm tay trong tay... 
Nào ngờ phận bạc đành câm nín, 
Chấp nhận cô đơn ngày nối ngày !

Bao con nước lớn nước ròng,
  Bao lần tháng đợi ngày mong bên người... 
 Ước sao có được nụ cười,
 Như hoa nở muộn bên đời quanh hiu !?
NM

   Vịt chạy đồng mùa nước nổi
Cánh đồng Thoại Sơn (tỉnh An Giang) vào mùa nước nổi, nước dâng cao trắng xóa, mênh mông như biển cả. Buổi chiều nơi đây thật êm đềm lặng lẽ, gió nhẹ nhàng như đưa cái lạnh từ núi Ba Thê trên vùng đất Óc Eo lan dần trên mặt nước. Nhìn từ xa, ngọn núi ẩn hiện một màu xanh nhạt nhòa, chao nghiêng trên sóng nước dập dềnh đến tận chân trời.
Nhà của Ba Lung xây dựng theo kiểu vượt lũ, vậy mà nước cũng lé đé sàn nhà. Ba Lung chuẩn bị đưa đàn vịt đi chạy đồng mùa nước nổi ở tận miệt Cái Ngang huyện Tam Bình tỉnh Vĩnh Long. Trước khi đi, Ba Lung thắp nén nhang lên bàn thờ vợ lâm râm khấn nguyện: “Má con Bé Hai sống khôn thác thiêng, phù hộ cho cha con tui bình yên trong mùa vịt này. Quê Thoại Sơn của mình đang vào mùa nước nổi mênh mông, không còn gò đất nào để vịt đẻ, nên tui phải đưa bầy vịt chạy đồng trở về quê của bà ở Tam Bình. Má nó cũng theo chăn giữ phụ với cha con tui cho vui, để nhớ lại cái thưở tôi thả vịt chạy đồng về Tam Bình rồi tui gặp bà. Từ đó tôi là rể Tam Bình, còn bà là dâu Thoại Sơn”.
Khấn nguyện xong, Ba Lung cắm 3 nén nhang vào lư hương, đứng tựa cửa nhìn ra cánh đồng mênh mông nước, lòng bồi hồi nghĩ ngợi: “Cánh đồng Thoại Sơn năng suất lúa cao lắm, có năm đạt từ 6-7 tấn/ha. Lúa trúng trĩu bông nên khi gặt lúa bị rụng nhiều, bởi vậy từ lâu nơi đây nổi tiếng là trung tâm của nghề nuôi vịt chạy đồng. Cứ vào những ngày giáp tết, dân chăn vịt từ khắp các tỉnh thành miền Tây đổ xô về đây thả vịt, chỉ cần khoảng 2 tháng là vịt mập trươu trướu. Nhưng hôm nay thì ngược lại, từ “thủ đô” của vịt chạy đồng, mình phải di tản đàn vịt sang xứ khác”.
Nhìn cảnh nhà không có thứ gì đáng giá, nghèo xơ xác, khiến Ba Lung không khỏi chạnh lòng, tội nghiệp con gái mình bị người ta chê nghèo không thèm cưới. Gần 30 năm nhọc nhằn với nghề nuôi vịt chạy đồng, vậy mà vẫn không đủ sức xua đuổi cái nghèo ra khỏi cuộc đời. Ba Lung bèn tự giải đáp bài toán nghèo của mình, xem coi có phải do mình không lo làm ăn: “Không có vốn, mọi thứ đều vay mượn. Chính vì vậy, lãi mẹ đẻ lãi con cao lút đầu, bán vịt xong, đôi khi không đủ tiền trả nợ.”
Ba Lung kê khai rạch ròi: “Tiền hốt vịt con, ít lắm cũng 20 triệu đồng. Vay. Tiền dự trù ăn uống trong hơn 3 tháng nuôi vịt 4 triệu đồng. Vay. Tiền vận chuyển vịt bằng tàu đến chỗ thả đồng 2 triệu đồng. Vay. Tiền bãi nuôi khi vịt còn nhỏ chờ gặt xong mới thả xuống ruộng và thức ăn cho thời gian này 20 triệu đồng. Vay. Tiền thức ăn dậm khi vịt thả đồng 10 triệu đồng. Vay. Càng nghĩ, Ba Lung nghe càng buồn: “Tiền bán vịt cao lắm cũng ở mức 40.000đ/con. Đó là loại 1, còn loại 2 thì chỉ có 30.000đ/con, mà đâu phải nuôi bao nhiêu là còn đủ bấy nhiêu, chẳng may nó bị đạo ôn, hay cúm gia cầm là kể như… ăn mày”. 
Xuôi theo con nước lớn, Ba Lung chở 3.000 con vịt về Cái Ngang Tam Bình, nơi thả đàn vịt chạy đồng trên ruộng của người anh họ bên vợ. Phía sau là chiếc tàu chở cũng 3.000 con vịt của chị Năm Sen, người hàng xóm cũng là đồng nghiệp nuôi vịt chạy đồng với Ba Lung, cùng về Cái Ngang. Ba Lung bùi ngùi nhìn làng quê mình toàn nước nổi mênh mông, nhiều ngôi nhà bị ngập tới nóc quá tang thương. Những em bé lẻ loi ngồi trên chiếc xuồng con bé nhỏ, thả lưới, giăng câu, cũng như mình đang vất vả chạy theo cuộc mưu sinh giữa muôn trùng sóng nước. Tàu chở vịt tới Cái Ngang cập bến nhà người anh họ của Ba Lung là Bảy Địa lúc trời nhá nhem tối, Ba Lung mời hai mẹ con Năm Sen lên nhà Bảy Địa ăn cơm chung cho vui.
Trong bữa cơm, Ba Lung kể chuyện… tình cảm của mình cho Bảy Địa nghe: “Mùa vịt chạy đồng năm trước, không nhờ cô Năm Sen đây chắc tui theo má con Bé Hai về với ông bà rồi”. Vừa nói, Ba Lung ý tứ nhìn Năm Sen bằng cái nhìn chan chứa, giọng chậm rãi. “Bệnh nặng mà tui không có đồng xu dính túi, một tay cô Năm Sen lo toan hết. Ơn nghĩa sâu nặng quá làm sao trả nổi. Tui chỉ còn biết xin theo chăn vịt… cho cô Năm”. Năm Sen lườm Ba Lung sắc lẹm mà mặt đỏ bừng. Không nói Bảy Địa cũng biết là từ dạo đó hai người phải lòng nhau, hẹn là xong mùa vịt này sẽ tuyên bố với lối xóm bà con. Bảy Địa hỏi chị Năm Sen là nuôi vịt chạy đồng cứ nghèo hoài sao không đổi nghề khác? Suy nghĩ một hồi, chị Năm Sen từ tốn: “Đôi khi tôi cũng nghĩ vậy, nhưng cứ tới mùa vịt chạy đồng mà ở nhà thì thấy nó nhớ làm sao. Nhớ tiếng vịt kêu, nhớ gió lùa lạnh buốt, nhớ bạn bè cùng chia ngọt sẻ bùi trên cánh đồng khi chiều về. Nhớ con cá lóc nướng trui, cả đám ngồi bên nhau hát vọng cổ thâu đêm suốt sáng… Cái gì cũng nhớ, bởi vậy không bỏ nghề được”.
Mới đó mà đã qua mùa vịt chạy đồng, chiều chiều vắng tiếng vịt kêu về chuồng. Sau khi bán xong bầy vịt, Ba Lung tìm Bảy Địa với vẻ mặt đau khổ, ngồi yên lặng với chung trà nóng hôi hổi trên tay. Bảy Địa đoán chắc Ba Lung có điều gì đó ngổn ngang trong lòng khó nói nên cũng im lặng. Lát sau, Ba Lung giọng nghẹn ngào: “Tôi với Năm Sen buộc lòng phải chia tay”. Bảy Địa chưng hửng, Ba Lung chậm rãi từng lời như đang đứt từng khúc ruột: “Tụi tui cũng tính… chấp nối cho những ngày tuổi già bóng xế có người hủ hỉ. Nhưng đùng một cái, trước khi về quê Thoại Sơn, con gái tôi với con trai của Năm Sen đến trước mặt chúng tôi xin tác hợp cho chúng nó được cưới nhau. Hai đứa đã yêu nhau 3 mùa vịt chạy đồng rồi, bây giờ không thể sống thiếu nhau. Tôi với Năm Sen chỉ biết nhìn nhau trân trối, không nói được nên lời. Suốt ngày đó, chúng tôi như kẻ mất hồn, lòng đau tựa dao cắt như sắp mất một cái gì quý báu lắm. Mà chúng tôi mất thật, mất những ngày già hủ hỉ bên nhau…”. Ba Lung vẫn trôi theo ký ức đau buồn của mình: “Tui nói với Năm Sen là mình già rồi, thôi thì hãy hy sinh những tình cảm tư riêng của mình, tất cả vì hạnh phúc của con cái. Năm Sen gật đầu đồng tình với tui mà nước mắt ràn rụa. Hôm nay tui đến thăm anh là để nói lời chia tay, đồng thời cũng báo cho anh biết để chuẩn bị tinh thần về Thoại Sơn dự đám cưới con gái tui”.
Bảy Địa bùi ngùi tiễn Ba Lung ra về trong cơn gió chiều se lạnh, càng xót xa hơn khi thấy tóc Ba Lung đã quá nhiều sợi bạc. Cả đời cần cù lo cho con, nay còn hy sinh cả hạnh phúc vừa mới nhen nhúm trong những ngày cuối đời, phút chốc lụi tàn cũng vì tình thương con vô bờ bến. Chợt Ba Lung đứng lại, vụt ôm chầm lấy Bảy Địa nghẹn ngào: “Chắc là từ đây tui không còn theo vịt chạy đồng nữa, vì có con rể nó làm thế tui rồi”.
Nhật Chinh

Ký ức miền Tây: Mùa cá linh và bông điên điển

Mùa cá linh
(Kính dâng lên hương hồn ba tôi)
Phần 1
Đang đi chợ VN ở Orange County với bà xã tự nhiên thèm một chén canh rau dền, tôi bèn đẩy xe đi kiếm rau. Rau mồng tơi, mướp khía thì có. Rau dền hôm nay kiếm không ra. Thường thì ở chợ hay bán loại rau dền tím, cọng dài, lá lớn, bó lại thành từng bó, nhưng hôm nay thì không thấy. Kiếm một hồi, tôi mới để ý thấy có mấy bọc rau lặt sẵn giống như đọt đậu, nhưng nhìn kỹ thì không phải. Lật qua lật lại, coi tới coi lui một hồi, tôi chợt reo lên:
– Rau dền cơm!
– Sao giống đọt đậu quá vậy? …..
Nhưng tôi không còn nghe tiếng bà xã tôi nói nữa. Nãy giờ thấy cá linh, cá lòng tong đông lạnh từ VN qua, rồi bây giờ thấy đọt rau dền cơm, tự nhiên hình ảnh thời thơ ấu lại hiện về.
Phần 2
Lúc đó tôi còn nhỏ lắm, khoảng năm 1959. Gia đình ở dưới quê Tịnh Thới, Cao Lãnh. Ngay sau mùa nước nổi, ba tôi lên Sài Gòn để thi tú tài 2 thì bị công an bắt, ngay tại bến xe Phú Lâm. Cô năm Cam, người cô họ đi chung chuyến xe đò Huê Mỹ với ba tôi sáng hôm đó lật đật đón chuyến xe chiều ngược về báo cho mẹ tôi hay. Mẹ tôi tay chân rụng rời, mặt xanh như tàu lá chuối.
– Làm sao bây giờ chị năm? Mà tại sao họ lại bắt ảnh vậy?
Cô năm kề tai mẹ tôi nói nhỏ:
– Hồi xưa nó theo Việt Minh mà bây giờ không chịu tập kết ra Bắc. Chắc là họ nghi nó nằm vùng!
Mẹ tôi chắc không nghe thấy gì, đứng nhìn trân trân ra trước sân nhà lúc trời đã sẩm tối. Từ lúc hai người lấy nhau tới giờ, mọi chuyện quan trọng đều có ba tôi lo. Mẹ tôi chỉ bếp núc nuôi con, không phải lo toan chuyện tiền nong thóc lúa. Nhà lại ở vùng quê hẻo lánh, cộng sản quốc gia bắt đầu lộn xộn, phải có người đàn ông trong nhà, mà bây giờ một thân một mình với hai đứa con thơ làm sao xoay sở.
– Có con tiếp, mợ ba đừng lo.
Nghe chị Phi, chị giúp việc nhà, lên tiếng, mẹ tôi mới hoàn hồn. Chị là người Miên, nước da đen đúa, tay chân vạm vỡ như đàn ông nhưng tính tình trung hậu, giúp đỡ ba mẹ tôi rất nhiều. Tối hôm đó mẹ con tôi sợ lắm. Lần đầu tiên trong đời không có ba bên cạnh nên động tịnh gì ai nấy cũng đều giựt mình. Sợ nhất là khi có tiếng chó sủa hay gà vịt nhốn nháo dưới sàn nhà, mà ngoài trời thì tối đen như mực. Chị Phi thì thản nhiên ngủ ngáy khò khò.
Mấy hôm đầu cá mắm có bà con tiếp giúp. Gạo thì mẹ tôi không lo vì dưới quê nhà nào cũng có một bồ lúa đủ ăn quanh năm. Mẹ tôi chỉ không dám đi chợ hay mua sắm gì hết, ráng dành dụm tiền bạc để tìm manh mối chạy lo cho ba tôi. Mà người ta cũng giấu, đâu có cho mẹ tôi biết tin tức gì. Chỉ có ông ba Dần, bạn ba tôi, người có thế lực trên tỉnh là có thể lên Sài Gòn dò la tin tức. Nghe ông kể lại là ba tôi không bị đánh, ngoài ra thì ông không biết gì thêm. Mẹ tôi nghe vậy cũng an lòng. Sau đó thì ngày nào cả nhà cũng giở mắm ra ăn. Mắm sặc, mắm lóc, chuối chát, đọt xoài trong vườn chấm húp qua ngày. Hai anh em tôi còn nhỏ, ăn riết ngán gần chết không muốn ăn cơm nữa.
Tháng 6 trời mưa, nước lên trắng đồng. Đến tháng 9 tháng 10 thì nước giựt. Con nước sổ đồng theo sông chảy xiết ra biển. Một buổi sáng theo chị Phi xuống con sông nhỏ trước nhà gánh nước, hai chị em thấy màu nước khác thường. Nguyên một khúc sông lấp lánh bạc. Nhìn kỹ thì thấy cá lội đặc ngừ.
– Cá linh! Trời ơi! Hùng! Chạy lên nói mợ ba lấy cho chị cái rổ.
Mẹ tôi nghe nói liền xách rổ chạy xuống, quơ theo một lon cám. Cám vừa rải trên mặt nước là đàn cá bu lại. Lấy rổ nhanh tay xúc một cái là được gần chục con cá nhảy soi sói. Con nào con nấy vảy bạc lóng lánh, mập và lớn hơn con cá lòng tong, thứ cá có quanh năm suốt tháng mà không ai thèm ăn, như câu ca dao con nít hay hát:
Chèo xuồng bán cá lòng tong
Mủi chảy lòng thòng hỏi chẳng ai mua
Mấy con cá linh rất khỏe, nhảy một hồi văng hết ra khỏi rổ. Chị Phi chạy trở lên nhà lấy cái thúng và cái nắp lu chạy xuống. Hai mợ cháu xúc cá đổ vô thúng lấy nắp lu đậy lại. Một hồi thấy cái thúng nặng chịch hai người mới thôi. Hôm đó mẹ tôi một mớ thì kho lạt chan húp, một mớ thì kho mặn với xả chấm xoài tượng bằm. Cá linh xương mềm, không cần đánh vảy hay cắt đầu cắt đuôi. Chỉ cần mổ bụng bỏ ruột là nấu ăn được. Ai thích ăn mật đắng như chị Phi thì có thể để nguyên con nấu như cá bóng kèo.
Mà đâu phải chỉ có cá linh không. Mấy tháng sinh sôi nảy nở trong đồng sâu miệt biển hồ hay Đồng Tháp Mười mênh mông nước, rồi tới khi nước rút đủ thứ cá lần theo con nước ra sông bé sông lớn, như cá lóc, cá trê, cá he, cá chốt, mè vinh, thác lác, cá rô, cá sặc. Thời đó cá lội đầy sông, chỉ cần lấy rổ xúc hay kéo vó là có cá. Người dân cũng chống xuồng vô ruộng đặt ống bắt lươn, chạch lấu, đặt lợp bắt cá trê, cá lóc. Con nít thì xách nơm lội đồng bắt cá rô. Khi nước ròng người ta xách rổ lội sình đi cào hến, hay giậm cho cá chạch ngoi ra bắt về kho nghệ. Tối thì đi soi ếch. Ai có ghe chài thì ra sông quăng chài, hay kéo đáy, đóng đăng bắt được cá rất nhiều. Một đêm có ghe lớn kéo đáy được cả ngàn vạ cá linh, bỏ cho mấy vựa cá gài mắm.
Buổi trưa đó chị Phi chống xuồng chở tôi len lỏi ra đồng bắt cua bắt ốc, giữa đám cò vạc đang tranh nhau bắt cá, con này rượt con kia kêu quang quác. Cua thì chỉ có cua đồng, nhưng ốc thì có ốc bưu, ốc lác, ốc đắng, ốc gạo. Tôi không dám bắt cua vì cua đồng kẹp rất đau. Cua lại bơi nhanh nên con nít như tôi không dễ gì bắt. Xúc cá thì chậm tay không dính con nào. Cua thì không đụng tới được. Chỉ có bắt ốc là tôi thích nhất vì nó nằm một chỗ trên ngọn lau cọng cỏ, bám theo rễ lục bình hay gốc bình bát, trâm bầu. Tôi chỉ gỡ nó ra thảy vô xuồng là xong. Nhìn tôi mải mê bắt ốc, chị Phi cười nói:
– Từ rày trở đi, hễ có bị đòn thì Hùng nhớ hát, “Má ơi đừng đánh con đau. Để con bắt ốc hái rau má nhờ.” Nghe không? Nhờ được rồi đó!
Chống xuồng về nhà luộc ốc lên, mấy chị em bẻ gai bưởi lể ra chấm nước mắm ăn ngon lành.
Sáng hôm sau, chị Phi xách rổ dẫn tôi xuống sông định xúc cá tiếp thì bác bảy Mừng bên kia sông gọi qua:
– Con Phi qua đây kéo vó nè. Xúc chi cho mệt!
Hai vợ chồng bác bảy Mừng rất tốt bụng. Bác bảy trai chạy xe lôi. Chúa nhật nào, bác cũng chở gia đình tôi qua chợ đi nhà thờ, bất kể trời mưa hay trời nắng. Mới mấy hôm trước, con đường 2 cây số từ nhà lên lộ đá lầy lội quá sức, bác cố gắng kềm chiếc xe nhưng không xuể. Xe trợt qua trợt lại một hồi rồi quăng cả nhà tôi xuống mương, ai cũng ướt như chuột lột. Bác áy náy lắm nên lúc nào cũng muốn kiếm cách để đền bù. Mùa này hai bác bận rộn kéo vó xúc cá linh đem ra chợ bán hay ở nhà làm mắm để dành ăn.
Hai chị em băng qua cây cầu khỉ xuống bờ sông nhà bác bảy tháo dây đạp cần vó xuống, rải cám trên mặt nước một hồi rồi đạp cái đuôi cần để nhấc miệng vó lên. Cái vó khá lớn, lại có cá nên hai chị em nhấc không nổi. Bác bảy gái phải nhào ra vừa đạp vừa nắm dây kéo tiếp. Cá linh, cá chốt rất nhiều, nhảy lưng tưng trắng xóa. Tôm tép búng lạch tạch. Chen lẫn trong đó thêm một mớ cá sặc, lòng tong, lìm kìm. Bác bảy lấy vợt xúc được cũng gần một thúng vạ. Chị Phi xúc một rổ đầy cá lẫn tôm. Năn nỉ trả tiền nhưng bác bảy không chịu. Năn nỉ riết cuối cùng bác mới chịu lấy năm cắc, vì chị Phi cương quyết nằm vạ không về.
Rồi khi ráo sình, mặt đất liền phủ một màu xanh. Tự nhiên ở đâu rau dền nhú ra rồi lớn lên như thổi. Loại rau dền cơm màu xanh cọng nhỏ nhưng nấu canh với cua giã nhuyễn hay với tép vừa xúc dưới sông lên thiệt ngọt. Chung quanh nhà tôi năm đó không hiểu sao mọc toàn loại rau dền này. Mẹ tôi và chị Phi bận rộn cả ngày với nguồn thức ăn trời cho. Vui vì có thể tự nuôi con. Buồn vì không biết ba tôi mệnh hệ thế nào, sống chết ra sao. Chỉ biết thầm cám ơn và vái van trời đất.
Trời nuôi gia đình tôi được khoảng một tháng thì một hôm trong lúc mẹ tôi hái rau, chị Phi xúc tép, hai anh em tôi ngồi chơi trong chõng thì chiếc xe thông tin của dượng sáu Thục trờ tới ngừng lại trước cổng. Đường quê chật hẹp lầy lội, năm thì mười họa mới có chiếc xe hơi chạy xuống nên con nít hiếu kỳ chạy theo coi đông lắm. Người đầu tiên bước ra khỏi xe là ba tôi. Mẹ tôi mừng rỡ quăng hết mọi thứ, hét lên “Ba về! Ba về!” Lật đật dẫn hai anh em tôi chạy ra cho ba tôi bồng, rồi đứng khép nép một mình nhìn ba tôi khóc sướt mướt mà không dám ôm lấy người chồng của mình, vì lúc đó cả xóm bà con bu lại đông nghẹt. Dượng sáu đem đồ trên xe xuống nhiều lắm. Chị Phi và tôi để ý thấy có một cái thùng vuông vức thiệt ngộ nhưng không biết nó là cái gì.
Chiều lại ăn uống xong xuôi bà con thân quyến lại kéo tới. Ba tôi thắp sẵn cây đèn dầu ống khói, ngồi trên bộ ván phía trước nhà kể lại những gì đã xảy ra. Quả thực là họ nghi ba tôi nằm vùng, nhưng ba tôi nói ba tôi là con đỡ đầu của đức cha Ngô Đình Thục. Do đó họ không dám đánh để tra khảo nhưng nhốt để điều tra hư thực. Sau khi xác nhận lúc trước ba tôi chỉ theo Việt Minh chống Pháp chứ không tập kết ra bắc hay ở lại nằm vùng hoạt động cho cộng sản, có theo học khóa Cần Lao Nhân Vị trên Đà Lạt, nhờ đậu thủ khoa, lại là người công giáo nên được đức cha Ngô Đình Thục nhận làm con đỡ đầu, thì họ thả. Ra tù lỡ kỳ thi tú tài 2. Tiền trong túi hổm nay không xài ba tôi lấy mua cái máy hát, là cái hộp mà chị Phi và tôi để ý. Về đến Cao Lãnh, ba tôi liền đi báo tin cho ông trung tá Phát, tỉnh trưởng Cao Lãnh, người bạn công giáo và cùng là Cần Lao Nhân Vị. Lúc ở Cao Lãnh, ba tôi dạy học có ông che chở, công an mật vụ không dám bắt. Đợi tới khi ba tôi ra khỏi Cao Lãnh lên Sài Gòn họ mới thộp cổ. Sau khi nghe nói về tình cảnh dân trong xóm Tịnh Thới, ông liền kêu xe thông tin chở ba tôi lại trạm y tế lấy thuốc chủng đậu mùa về “trồng trái” cho bà con.
Sau đó, ba tôi đem cái máy hát dĩa ra mở cho mọi người nghe mấy tuồng cải lương vọng cổ với hề Minh và Thanh Nga, và mấy vở kịch vui của Trần Văn Trạch. Vừa nghe tiếng trong máy phát ra hai chị em hết hồn bỏ chạy. Cha sanh mẹ đẻ tới giờ mới nghe máy hát lần đầu tiên nên hai chị em tưởng đâu có ai nằm trong đó.
Sáng hôm sau, nhờ xe thông tin của dượng sáu Thục bắt loa kêu gọi, bà con lối xóm tề tựu lại nhà cho ba tôi trồng trái. Ba tôi cầm cây viết có ngòi lá tre, hơ lửa trên chiếc đèn hột vịt rồi chấm vô thuốc, kêu chị Phi lại trước, rạch rạch vài cái trên cánh tay chị đến rướm máu cho thuốc thấm. Chị không sợ nhưng thắc mắc hỏi ba tôi:
– Rồi nó trổ ra trái gì vậy cậu ba?
Chị thắc mắc thiệt tình. Dầu cho ba tôi giải thích, trấn an cách gì đi nữa chị cũng không hiểu. Đối với chị, hễ trồng trái là phải ra trái. Làm tôi cũng phát sợ theo. Vậy là hai chị em bị cả xóm xúm lại chọc.
Ba tôi về, mẹ tôi vui lắm, lăng xăng nấu nướng cho ba tôi ăn để lại sức. Cũng cá linh kho, xoài bằm, tô canh rau dền nấu tép, nhưng mấy hôm nay còn có thêm mồng tơi, mướp khía, gà xé phai hay nồi cháo vịt. Gia đình quây quần bên mâm cơm ấm cúng. Tuy đơn sơ mộc mạc nhưng thấm đượm hạnh phúc gia đình, tưởng đã mất đi nay tìm lại được.
Ngày hôm đó tôi đích thân nấu nồi canh rau dền tiếp bà xã cho bữa cơm chiều, vẫn miên man nghĩ tới những kỷ niệm xưa. Cả nhà ăn ai cũng thích. Đứa con gái út của tôi hỏi:
– Ba thích canh nào nhất?
Tôi trả lời không đắn đo suy nghĩ:
– Canh rau dền.
Đúng ra con tôi nên hỏi bây giờ tôi thích ăn cái gì nhất. Để tôi có thể trả lời là canh rau dền với cá linh kho.
ST

Nhạc trữ tình về miền tây sông nước


Sen mùa nước nổi
 Đúng hẹn, Thanh, Lân và một cô gái khoảng ba mươi tuổi đến. Thanh giới thiệu bông đùa với chúng tôi: - Đây là Liên, “người giúp việc” của mình bữa nay.


Liên cười e thẹn, nhanh nhảu nâng thùng sơn cũ đựng cái gì đó khá nặng cùng một bình đựng trà đá lên mũi vỏ lãi. Rồi cô phóng gọn lên đó, khệ nệ lần hai chiếc thùng đưa tuốt xuống đuôi vỏ. Chúng tôi lần lượt lên vỏ, mỗi người ngồi dựa ngửa một ghế nhựa màu xanh sậm. Vỏ nổ máy xình xịch rồi lạch bạch chết máy.
Máy lại nổ, tiếng chân vịt quậy nước ràn rạt nhưng không sao lui vỏ được. Liên lần ra đầu vỏ nhảy xuống nước đẩy vỏ ra giữa kênh. Vỏ nổ máy ngon lành, băng ào ào trên dòng nước đỏ ngầu màu tràm, lướt qua hàng bao nhiêu vạt bông súng ma trắng ngà phơn phớt tím, lúc lúc bắt gặp những cánh bông súng đỏ thẫm hòa màu đỏ hồng tinh khiết của những cánh sen vượt trên nền lá xanh phủ tràn mặt kênh.
Bên trái hàng tràm xanh lả ngọn trong gió. Bên phải hàng bao nhiêu năn chông đưa mũi nhọn như muốn chĩa lủng bầu trời đầy mây của một ngày nắng nóng. Rồi những cánh đồng lúa ma liên tiếp nhau chạy hoài mút mắt. Cảnh quan hoang dã khiến ai nấy tranh thủ bấm máy ảnh. Trong lúc đó Liên với tay nắm nhanh những chiếc bông súng rập rờn trong sóng nước. Cọng bông súng đứt rễ dài thậm thượt được Liên cuộn tròn một cách điệu nghệ thảy vào lòng vỏ. Rồi những búp lá sen non cũng được bàn tay trắng xinh của Liên với hái. Cô nói:
- Cái thứ bẹn sen này ăn với cá lóc nướng trui thay bánh tráng hết sảy.
Anh Nhựt trong đoàn nghe tiếng bẹn lạ lẫm hỏi Liên là gì. Cô đỏ mặt. Thanh cười ha hả:
- Ông dòm hình dáng nó và tưởng tượng ra coi giống cái gì.
Anh em cười thích thú.
Chừng một tiếng, vỏ ghé vào một nơi gọi là ruột rừng. Cũng là Liên nhanh nhảu đứng trước mũi vỏ níu thân tràm già giữ yên vỏ, thân tràm đong đưa rơi lả tả những cánh bông trắng thơm thơm mùi hoang dã. Mùa nước nổi. Nước dâng cao nhưng không tới chân cầu xi măng, để lên cầu phải bước qua khúc đòn dài mềm oặt. Ngâm chân trong làn nước đỏ ngầu, Liên nắm tay từng người, gượng đưa chúng tôi lên cầu. Rồi cô khệ nệ xách thùng sơn đưa vào nhà thủy tạ.
Liên lấy từ trong thùng ra nào bếp lò, củi, than. Chẻ nhỏ củi xong Liên đặt vào bếp lò, xé tờ giấy báo làm mồi nhúm. Lửa cháy, cô chất xéo vài thanh củi lớn. Khi củi cháy phừng, cô chất nhẹ lớp than đước lên, vừa quạt vừa đưa tay áo chùi mồ hôi túa đầy mặt. Đặt bọc nilông cá lóc lên sàn gạch, Liên cầm thanh củi nhắm vào đầu từng con đập mạnh. Lấy từ thùng ra bọc rắn ri voi, cô nắm đuôi từng con quất mạnh đầu nó vào lan can nhà thủy tạ. Xong xuôi, cô đặt mấy con cá lóc bự xổn lên ngay mặt than đước cháy đỏ rực.
Cá chín một mặt, vẫn bàn tay không Liên trở mình từng con một. Cô lột vỏ từng cọng bông súng, vặn từng khúc ngắn vừa ăn, trộn mớ bông điên điển vàng hươm màu nắng rồi lấy trong thùng ra nào muối ớt, chanh, rau sống... bày trên mâm dã chiến là những tờ giấy báo cũ. Xong xuôi đâu đó cô ra chiếc cầu dẫn vào nhà thủy tạ, vòng hai tay quanh miệng hú gọi chúng tôi đang đứng trên chiếc đài cao say mê ngắm cảnh rừng tràm rộng bao la.
Ngồi vào mâm, theo Liên chỉ dẫn, chúng tôi vừa cầm bẹn sen banh phần lá non cuộn sâu kèn ra, nhét vào đó nào bún, nào rau, nào thịt cá lóc trắng ngần tỏa hơi nóng hổi rồi cuốn lại chấm nước mắm me. Những miếng ngon còn đậm chất khẩn hoang, theo kiểu Đồng Tháp Mười. Ly cụng ly. Càng uống càng rôm rả tiếng nói cười. Liên vẫn nướng phần cá, phần rắn còn lại, cũng trở chúng bằng tay không, rồi nướng mấy con khô cá lóc để chúng tôi đổi món. Mãi mới xong, Liên nhẹ chen vào đám nhậu, than:
- Nãy giờ khát nước muốn chết mà hổng thấy anh nào cho em uống miếng!
Rồi tiếp: “Phạt anh này nè”.
Cô uống ngọt ly rượu đánh “ót”, rót tràn ly đưa anh bạn ngồi kế bên, kế bên... Không khí xôm tụ hẳn lên. Liên lấy giấy lau tay phát cho từng người, riêng cô chùi tay bằng mẩu giấy báo trải làm bàn. Nhựt đùa:
- Ê, chữ nghĩa không đó để người ta đọc nhe. Bộ hổng biết chữ sao?
- Dốt đặc cán me - Lân khẳng định.
Liên cười cải chính:
- Dốt nhưng biết đọc à nghen. Trưa nào nằm võng em cũng lấy tờ báo che mặt. Hổng biết chữ sao.
Cả bọn cười rân.
Liên nhắc:
- Rắn bông súng nè mấy anh.
Rồi ngắt khúc con rắn đưa tận tay từng người. Cô “tiếp thị”:
- Đừng có chê nhe. Rắn bông súng nướng lèo là món ngon độc đáo mỗi năm chỉ có một lần vào mùa nước nổi. Chấm nước mắm me, cắn rồi nhai luôn xương ngon te tua.
Ngon “te tua” thật. Khúc rắn bông súng nhỏ cỡ ngón tay cái cháy đen giòn tan lớp vỏ. Thịt rắn đỏ hồng như còn máu ngọt lừ thẩm thấu tận dạ dày. Còn xương rắn kêu rau ráu trong răng. Nhờ Liên mà chúng tôi mười người cạn hết ba chai rượu ngâm ổ ong vò vẽ. 
Ngật ngừ say. Xuống vỏ. Lại mắc kẹt bờ đất. Liên nhảy xuống nước đẩy vỏ ra giữa kênh. Vỏ lại phóng như bay về nơi xuất phát, chấm dứt buổi du ngoạn của chúng tôi. Chia tay hai anh bạn, chúng tôi hẹn ngày gặp lại. Nắm chặt bàn tay Liên, tôi nghe hơi nóng bếp lò vẫn còn tỏa ra từ những vệt chai tội nghiệp. Cả bọn ai cũng khen Liên duyên dáng, là người nội trợ tuyệt vời, nên cánh đàn ông mơ tưởng... ra mặt. Lân cười, kề tai tôi nói nhỏ: 
- Liên từ nơi khác tới đây bán quán bia kiếm tiền nuôi đứa con trai đang học lớp bốn. 
Buổi xế chiều tự nhiên buồn, không vì chia tay.
PHÙ SA LỘ