Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2017

Nhạc - Thơ - Văn - Cổ tích trường xưa

  Đây là truyện ngắn "tự sự" của NM, tất cả tên trong truyện đều là tên thật, duy chỉ có sư thầy Nhật Tâm và chùa Pháp Huệ đã không còn nữa, vị trí chùa nằm trong khu quy hoạch nên chùa cũng theo luật Vô thường mà đi vào hư vô !! 

Theo như trí nhớ của NM thì hình như chùa Thích Ca vẫn giữ nguyên trạng và chỉ tu sữa khang trang hơn, và đặc điểm tôn quý của chùa là không thấy một thùng phước điền hay cúng dường nào cả....
Hàng năm sau đó NM vẫn ghé chùa trong những ngày đầu năm và những dịp lễ lớn, không biết giờ có thay đổi vì những Phật sự cần thiết không ? NM

Những Ngày Thơ Mộng

Hạ buồn

Kết quả hình ảnh cho tranh vẽ tuổi thơ
 Tìm lại
Tôi đi tìm lại tuổi thơ tôi,
Chùa cũ trường xưa chẳng đổi dời...
Những hình bóng cũ đâu còn nữa.?!
Tôi chỉ còn tôi, "cổ tích" ơi !
NM
Hình ảnh có liên quan
Cổ tích trường  xưa
          Năm lên sáu tuổi tôi được ba mẹ cho đi học như bao đứa trẻ cùng trang lứa. Ở gần nhà cũng có trường Tiểu học Công lập Bàn Cờ, nhưng tôi lại được ba mẹ chọn học trường Tiểu học Tư thục Trí Tri  So sánh khoảng cách giữa hai trường thì trường Trí Tri rất gần, mẹ nói để sau nầy khi lớn lên chút nữa tôi có thể tự đi học một mình và cậu ba sẽ không phải đưa đón
          Nhưng thật ra đó chỉ là một nguyên nhân phụ, lý do chính vì tôi là con gái đầu lòng, mẹ nói đứa con đầu tiên nào cha mẹ cũng quan tâm chăm sóc kỹ hơn mấy đứa em sau , ba mẹ lại không phân biệt nam hay nữ. Trước khi đi học mẹ dắt tôi qua chùa Phật Bửu nhờ sư ông xem này lành tháng tốt mới cho cậu chở đi vì trong nhà cậu Ba là người học cao. Cậu theo chương trình Pháp sắp thi tú tài, nhưng lý do chính là tôi tuy sáu tuổi bắt đầu đến trường lại không xin học lớp vỡ lòng hay lớp năm (bây giờ là lớp một) mà tôi xin học lớp tư....!
          Số phận cho tôi biết chữ rất sớm, vì thế lúc đến trường thì tôi đã biết viết chánh tả, thuộc lòng cửu chương và làm toán khá rành. Ba mẹ cho học trường tư vì muốn sau nầy tôi học sớm và học chương trình Pháp như cậu !
***
          Trường Trí Tri nằm ngay góc ngã tư con hẽm lớn với đường Bàn Cờ, gọi là trường nhưng thật ra đó chỉ là căn nhà lớn có lầu bằng gỗ  chắc chắn, tầng dưới có ba dãy bàn, một dãy dành cho lớp vỡ lòng, một dãy lớp năm và một dãy lớp tư. Học sinh thời đó rất ít cho nên tầng dưới chỉ có hai cô, một cô dạy vỡ lòng vì lớp nầy phải dạy từ đứa và phải cầm tay tập viết, ...  lớp năm và lớp tư chỉ có một cô phụ trách. Tầng trên cũng có ba lớp : lớp ba, lớp nhì và lớp nhất, cũng có hai cô giáo phụ trách, một cô dạy lớp ba và lớp nhì, một cô dạy lớp nhất....
          Ngày đầu tiên lúc cậu Ba dắt tôi vào xin học lớp tư thì thầy hiệu trưởng cho làm bài tập kiểm tra, thầy bằng lòng cho tôi vào thẳng lớp tư, học được một tuần thì thầy gặp cậu nói sẽ cho tôi lên lớp ba, chứ bắt học cả năm lớp tư rất uổng ! Và giống như vậy, một tuần sau tôi lên lớp nhì....!! Lần nầy có lẻ vừa với sức học của tôi và cũng không thể nào cho một con bé con sáu tuổi học lớp nhất , vì thế tôi học suốt năm cho đến hè...sau đó tôi lại tiếp tục lên lớp nhất tại trường Trí Tri
          Trường  không có sân cho nên giờ ra chơi học sinh được tự do quanh quẩn trong lớp, sau những dãy bàn ghế, hay chung quanh tấm bảng gần bàn cô giáo. Cái sân nhỏ ở mặt tiền trường chỉ dùng để xe của nhân viên và giáo viên. Lớp học rộng nên cũng không đến nỗi tù túng, đèn bật suốt ngày cộng thêm ánh sáng từ hai cửa sổ lớn giúp cho lớp sáng và thoáng. Duy nhất làm cho lớp học sinh động và có niềm vui là cây bông giấy được trồng sát bên tường cạnh cửa sổ quanh năm nở hoa đong đưa theo gió....Giờ ra chơi tôi thường ngồi ngay bàn học tay chống cằm ngắm những chùm bông giấy đỏ rực lung lay không biết chán
           Tôi không bao giờ quên năm học lớp nhất ở đó. Cô giáo lúc ấy khá lớn tuổi, cô thường mặc áo dài màu tối, nếu áo hoa thì cũng là hoa nhỏ mang sắc u buồn, cô đi dạy đem theo một đứa cháu trai khoảng ba, bốn tuổi, đứa bé thường ngồi vào ghế cô giáo, có khi nó nằm bò trên bàn, cô còn mang theo quà bánh vào lớp bán cho học trò. Mỗi khi tôi làm bài xong nộp cho cô,  cô bận hay nhờ tôi bán hàng, thối tiền có lúc lại phụ cô chấm bài các bạn lớp thấp hơn !!...Tôi được làm "cô giáo nhỏ" từ thuở đó, giống như tôi làm "cô giáo" phụ với ba mẹ trong lớp học bình dân, không hiểu sao tôi cũng chưa bao giờ kể cho ba mẹ nghe việc nầy !
          Học gần hai năm ở trường Trí Tri tôi không có bạn thân có lẻ lúc đó vì đi học sớm, tính tôi không chạy giỡn nô đùa như các bạn nhưng tôi thường được cô giáo nhờ phụ giúp dò bài cho các bạn lớp nhỏ cho nên tôi  không cảm thấy lẻ loi, vì thế khi rời trường Trí Tri tôi không buồn mà cũng không nhớ, chỉ háo hức mong qua học trường mới
***
          Đối diện nhà tôi ở lúc bấy giờ là nhà ông Ba Ưu, ông làm Hiệu trưởng Trường tiểu học Công lập Trương Minh Giảng, trường tọa lạc trên con đường cùng tên, ông hay sang nhà tôi chơi. Ông thấy những khi rảnh rổi tôi thường đọc báo, xem truyện thiếu nhi của mẹ mua cho, tôi đọc rất nhanh, nhất là ba tháng hè ba mẹ tìm không kịp sách cho tôi đọc. Ông Ba mang cho tôi thật nhiều sách truyện thiếu nhi của nhóm Tự Lực Văn Đoàn như Cái ấm đất, Dế mèn phiêu lưu ký, sự tích trầu cau,Thạch Sanh Lý Thông.... Có cả tiểu thuyết như Hồn Bướm mơ tiên,  Gánh hàng hoa, Gió đầu mùa, các tập thơ của Thế Lữ, Xuân Diệu, bộ sách các Nhà Văn Hiện Đại....Ông nói đây là sách của nhà trường dùng để phát thưởng hàng tháng cho học sinh học từ hạng nhất đến hạng năm
          Hè năm đó tôi say mê đọc và hay suy nghĩ về ngôi trường tiểu học của ông Ba, tôi mơ ước được học ở đó, được thưởng sách hàng tháng khi đứng thứ hạng cao...nhưng tôi biết mình không thể vào học nửa chừng với số tuổi nhỏ hơn số tuổi quy định
          Trời cũng chìu lòng người, khi tôi lên lớp nhất được một tháng thì ông Ba cho hay ông sắp về hưu. Ông khuyên ba mẹ hãy cho tôi vào trường của ông đang phụ trách, nhưng vì tuổi quá nhỏ tôi phải học trở lại lớp nhì, như vậy vẫn còn nhỏ hơn số tuổi quy định, ông hứa sẽ xin giảm tuổi cho tôi và dắt tôi vào lớp nhì dù đã bắt đầu năm học ! Nghe lời ông Ba phân giải nhất là ông nói khi học đủ điểm tôi sẽ được miễn thi Tiểu học, ba mẹ vui vẻ và bằng lòng cho tôi vào học trường Trương Minh Giảng...
.          Lần đầu tiên tôi không ngủ được, tôi luôn suy nghĩ về ngôi trường vừa xa lạ vừa thân quen nhờ những cuốn sách truyện hấp dẫn kia, nhưng cũng lo vì mẹ bắt buộc lúc nào cũng phải  xếp hạng trong năm người đứng đầu của lớp. .Mẹ nói vì tôi học lại hai lần, cứ tuột một hạng mẹ sẽ phạt năm roi... ! Ngược lại hạng cao mẹ sẽ thưởng quà. Với lứa tuổi non nớt tôi vừa vui mà cũng rất lo lắng !
***
          Ngôi trường mới quá xa đối với nhà tôi, cậu đi học, ba đi làm, mẹ lại có em nhỏ. Ba mẹ quyết định cho tôi đi cyclo tháng của chú Hai gần nhà, Chú Hai là người Tàu to con vui tính lại cẩn thận, chú vui vẻ nhận đưa rước tôi hàng ngày và chú luôn giữ đúng giờ nên ba mẹ rất yên lòng
          Ngày đầu tiên tôi đi học ở trường mới có ông Ba đi chung, hai ông cháu ngồi trên xe chú Hai. Ông Ba dặn dò đủ chuyện và rất vui vẻ cho tôi an tâm, tôi theo ông vào phòng Hiệu trưởng chờ cho các lớp vô học xong ông mới dắt tôi vào giới thiệu với cô và các bạn. Ông thật oai với bộ đồ vest bốn túi, ống pip cầm trên tay, tiếng ông to và rõ, ông dõng dạc nói chuyện nghiêm trang nhưng vui vẻ làm tôi hãnh diện vô cùng khi được ông dắt đứng kế bên nói với các bạn :" Đây là "cháu gái" của "ông đốc", cháu "nhỏ" và hiền lắm các trò đừng ăn hiếp cháu ông nha..." Bao nhiêu cặp mắt đều nhìn về phía tôi vừa tò mò vừa có vẻ e dè nhưng các bạn đồng loạt dạ thật to
          Tôi đã thật sự bước vào cánh cửa thần tiên trong ngôi trường Tiểu học Trương Minh Giảng, nơi mà tôi từng mơ ước.! Trường có hai dãy dài, khang trang, sân trước và sân sau thoáng rộng, học sinh  đông nhưng nề nếp và ngoan ngoãn, các cô giáo ai cũng mặc áo dài thật đẹp đủ màu sắc trang nhã. Chung quanh trường là những cây gòn cao xanh ngắt xen lẫn với những bụi bông bụp hoa đỏ thắm. Cuối sân trường có trồng một cây hoa phượng đỏ giờ vẫn còn đầy hoa rực rỡ, tôi rất vui và hài lòng, tự hứa sẽ cố gắng học để được cô giáo thưởng sách...
        Nhưng điều mà tôi yêu thích nhất là tiếng trống trường ! Cái trống to treo ở cuối sân có âm thanh rất lớn, tiếng trống ấm, vang xa thúc giục học sinh nhanh chóng tụ họp về lớp ...Chú Tám lao công là người phụ trách đánh trống nầy. Lúc ông Ba còn làm Hiệu trưởng vào những ngày thứ hai đầu tuần làm lễ chào cờ thì đích thân ông đánh trống khiến không khí càng thêm trang nghiêm, không hiểu sao những lúc đó các bạn thường quay ra nhìn tôi ?!
***
      Trường Trương minh Giảng là trường tiểu học công lập, dạy từ lớp năm cho tới lớp nhất, mỗi cấp lớp có hai lớp A và B, lúc tôi vào học lớp nhì thì học buổi chiều, sỉ số của lớp rất cao trên 60 học sinh, nhưng tất cả chúng tôi đều rất ngoan ngoản, không ồn ào hay phá phách...
           Cô giáo mới của tôi là người Huế, cô cũng họ Thái giống như họ của mẹ. Tánh cô nhu hoà nhỏ nhẹ nhưng nghiêm trang, lúc nào cô cũng mặc áo dài lụa màu thanh nhã, tóc cô búi cao cài trâm, trông vừa sang vừa gần gũi...Ông Ba nói chồng cô là sĩ quan ít ở nhà, ngày ngày cô cũng đi xe cyclo tháng đến trường. Nhà cô ở cư xá Yên Đỗ cho nên mỗi khi chú Hai chở tôi đến trường hơi trễ vừa chạy đến cổng cư xá thì thấy xe cyclo của cô cũng vừa quẹo ra...
          Chỉ trong môt thời gian ngắn không đầy nửa tháng mà hai ông đạp cyclo đã quen nhau! Tôi ngại nhất là lúc chú Hai đón trễ vì hay gặp xe của cô. Thường thì tôi nói với chú Hai hoặc là chạy nhanh lên để tôi đến trường trước cô, hai là chậm lại sau xe cô, nhưng chú gạt ngang vì thích vừa đạp xe đi song song vừa trò chuyện vui vẻ...Những lúc đó tôi  có cảm giác như mình trịch thượng, một con bé học sinh nhỏ tí mới tám tuổi ngồi trên xe chạy ngang hàng với xe của cô, cho nên thỉnh thoảng tôi cứ len lén liếc sang nhìn nhưng cũng cảm thấy yên tâm vì cô luôn mỉm cười nhìn thẳng....
          Sỉ số học sinh trong lớp tuy khá cao nhưng các bạn rất chăm, ngoan. Hàng tuần đều có xếp hạng, cuối tháng có bảng danh dự và phần thưởng sách vỡ kèm theo như lời ông Ba kể. Trưởng lớp của tôi là con gái dù đây là lớp hỗn hợp vừa trai vừa gái...Tôi vào học vài tuần thì mới rõ được tình hình lớp mình và mới hiểu vì sao cô cho Đường làm trưởng lớp. Đường rất thuỳ mị nghiêm chỉnh, học lại giỏi ra dáng cô thiếu nữ hiền thục. Dậu là con trai cũng học giỏi nhưng hay giỡn, nhanh nhẩu và lí lắc phải chịu làm phó .Cả hai là đối thủ bất phân thắng bại thay phiên nhau nhất nhì trong lớp, vì vậy muốn giữ lời hứa với mẹ đối với tôi thật là khó khăn dù tôi rất chăm và cố gắng. Ngoài ra còn có Tạ Tất Quang, Ánh Tuyết, Xuân Nhật.... Chúng tôi thay nhau xếp hàng sau.... đuôi của Dậu và Đường, hoạ hoằn lắm mới vọt lên hạng nhì của tuần, còn hạng nhất thì rất hiếm !
***
         Gần cuối năm lớp nhì cô giáo có bầu bụng khá to, thỉnh thoảng cô đi trễ hoặc nghỉ dạy. Đường và Dậu cùng nhau giữ lớp trật tự và im lặng, nhưng khi chú Tám vô báo tin cho về là cả lớp vui mừng như vỡ chợ, các bạn cùng hô "Ông vua Dậu, hoàng hậu Đường" làm Đường cũng phải bật cười hối chúng tôi ra về để giữ yên tĩnh cho các lớp khác đang học. "Biệt danh" nầy dùng để xưng tụng cho tài học giỏi của Dậu và Đường !!
          Tuy thích trường và bạn mới, nhưng bản tính tôi khá rụt rè, giờ ra chơi chỉ đứng nhìn các bạn vui đùa...Nhưng lý do lớn nhất có lẻ tôi còn nhỏ hơn các bạn ít nhất vài ba tuổi, lại đi xe cyclo đưa đón cho nên khó thân gần, may nhờ sức học kề nhau nên tôi được các bạn lưu tâm đến. Ánh Tuyết là cô bạn rất xinh da trắng, tóc cắt bum bê, cũng be bé đẹp như hình công chúa Bạch Tuyết. Nhà Tuyết ở trong đầu hẽm ngang trường. Trong lúc chờ chú Hai, Tuyết hay rủ tôi sang chơi, lúc nào Tuyết cũng dặn chờ Tuyết nhốt mấy con ngỗng rồi mới vào sân, mấy con ngỗng nhà Tuyết rất khôn biết giữ nhà, hễ có người lạ vào sân là chúng đuổi theo mỗ !....Căn nhà của Tuyết thật nên thơ với hàng rào cây sơn màu trắng, trong sân có trồng hai cây chùm ruột và mận thật sai trái...Gần đến giờ tan trường thì Tuyết lại đưa tôi qua đường đứng trước cổng trường chờ chú Hai.
          Dần dần chúng tôi càng gần nhau hơn, tôi không còn cảm thấy cách biệt với các bạn, tuy vậy giờ ra chơi tôi vẫn đứng ở góc sân nhìn các bạn nô đùa với nhau. Quang trong lớp không nghịch ngợm, nhưng giờ chơi thì thật là tếu, hết đá cầu rồi đuổi bắt rồng rắn....Quang thường quay lại nhìn tôi và ngoắt tay kêu "Nhỏ ơi, ra đây chơi ..." Quang chưa bao giờ gọi tên tôi !
***
          Cô giáo lại nghỉ, tin báo vào đầu giờ, chú Tám cho về và dặn Đường, Dậu giữ trật tự cho lớp, bỗng dưng Quang đề nghị tụi mình qua chùa chơi đi...!Tất cả các bạn đều hưởng ứng, riêng tôi ngại ngùng đứng làm thinh vì không biết chùa ở đâu, gần hay xa ? Chưa gì các bạn đã chạy túa ra cổng và quẹo vào con hẽm lớn bên cạnh trường. Đường, Dậu, Quang và một số ít bạn lại đi vòng ra sân sau của trường có cửa thông qua hẽm....Quay lại không thấy tôi đi theo Quang kêu "Nhỏ ơi, qua chùa đi, chùa đẹp lắm mà mấy sư cô hay cho quà vì chùa có trồng cây trái ..." Quang vừa đi vừa quay lại chờ, còn hơn ba tiếng nữa chú Hai mới đón cho nên tôi đi theo...
          Bây giờ tôi mới khám phá ra con hẽm rộng dẫn vào chùa thật đẹp, yên tĩnh và nên thơ ! Ngoài những cây gòn cao đầy trái ra , nhà nào cũng trồng hoa ven hàng rào, không bông bụp thì cũng hoa giấy, hoa cúc, có nhà trồng cả ớt và khổ qua....Chuồn chuồn và bướm bay từng đàn, đẹp nhất là bướm trắng, vàng hay quấn quýt nhau tìm hoa hút nhuỵ, chúng thường sà vào những chùm bông trang đỏ....! Tôi thích thú nhìn ngắm khiến Quang vừa đi vừa quay lại nhắc chừng...
          Sau một lúc theo chân Quang và các bạn đi loanh quanh trong chùa, Quang dắt tôi ra sân sau chỉ ngọn đồi cao có trồng chuối, mận và rau.... Thật là ngạc nhiên vì không ngờ ở ngay thành phố lại có đồi đất cao  như vậy trông rất thôn dã! Các sư cô rất quý học sinh đem chuối và trái cây ra cho... Nhưng từ lúc bước chân vào chùa, hình ảnh làm cho tôi chú ý nhất là cái chuông cổ được đặt bên tay trái sát gần cửa chánh điện, trước chuông là một người đàn bà mặc áo dài the đen lớn tuổi đang ngồi lần tràng hạt, đọc kinh rì rầm...Thỉnh thoàng bà lại dộng chuông nhè nhẹ, tiếng chuông trầm ấm ngân nga vừa phải làm xao động tâm hồn nhỏ bé của tôi và như một phản xạ tự nhiên, tôi đến chắp hai tay, ngồi xếp bằng sau lưng bà cụ lắng nghe tiếng đọc kinh nho nhỏ, nhìn bà lần chuỗi hạt và đánh chuông...!
          Bà cụ cảm nhận có người ngồi phía sau mình nên quay lại, tôi rất ngại ngùng vì sợ mình làm xao lãng thời kinh của bà, nhưng bà vui vẻ từ tốn nói bà nghỉ ngơi một chút rồi đọc tiếp, bà vô chùa công quả và thường xuyên đọc kinh trước chuông nầy từ lâu. Sau khi thăm hỏi bà dạy tôi niệm Phật trước khi đi ngủ và trong những lúc rảnh rỗi, câu tôi nhớ nhất và tâm nguyện nhất mà bà dạy tôi trong lúc ấy là "Xin cho con trí tuệ sáng suốt, học đâu nhớ đó, thi đâu đậu đó, luôn gặp điều lành, lánh xa điều dữ...." Lời nguyện cầu nầy tôi nhớ mãi và đọc hàng ngày....
***
          Chúng tôi cùng nhau quay về trường cũng theo con đường đã đi, các bạn vừa đi vừa giỡn nhìn chúng tôi lại hô to, vỗ tay từng chập "Ông vua Dậu, hoàng hậu Đường" thật vần điệu... Không hiểu sao cả đám dừng lại nói với nhau gì đó rồi lại hô tiếp " Hoàng tử Quang, công chúa Mai..." Thật là bất ngờ, Đường cười và nói các bạn trêu theo "thứ hạng trong lớp". Quang cũng như tôi thay nhau xếp hạng sau Đường và Dậu, tất cả các bạn đều vui cười rất hồn nhiên mà không chút ganh tị ....!!Lúc đó tôi biết mình đã thật sự được hoà nhập với "gia đình" của các bạn
           Trở lại sân trường vẫn chưa đến giờ tan học, Quang chạy vội ra xe kem rồi quay lại với bốn que kem trên tay, khi đưa cho tôi Quang dặn phải ăn nhanh kẽo nó chảy rồi chạy đi tìm Đường và Dậu, đang lúc vui các bạn nhìn thấy Quang cầm nhiều que kem lại vỗ tay la lên "Tạ Hầu Đôn, Tạ Hầu Đôn" Tên vị tướng ăn rất nhiều và cũng vì Quang họ Tạ !!....Một mình Quang có hai "chức danh"! Từ đó cho đến hè  năm lớp nhì trong những buổi nghỉ học tôi thường theo các bạn qua chùa, lần nào tôi cũng chắp tay ngồi sau lưng bà cụ mặc áo dài the, lắng nghe tiếng đọc kinh của bà xen lẫn tiếng chuông với thanh âm thanh thoát ngân nga cùng mùi hương của nhang trầm tạo cho tôi sự thành kính thân gần
          Bây giờ chúng tôi thân nhau hơn, buổi chiều khi chú Hai chở tôi về  chạy ngang qua cầu Trương minh Giảng, những lúc đó Quang chạy xe đạp song song, khi thấy tôi Quang thường giơ tay vẫy vẫy, Quang có nước da ngăm đen, tóc hơi hoe hoe nâu nhưng nét mặt luôn vui tươi, khi cười trông rất có duyên. Quang là người bạn trai dễ gần gủi và không hề e dè khi thấy ông Ba giới thiệu tôi là cháu... Câu đầu tiên Quang làm quen là "Nhỏ ơi, Nhỏ là cháu ông đốc hả?"  Quang luôn thân thiết với tôi, không bao giờ Quang để tôi lẻ loi một mình, lúc nào cũng vẫy tay gọi tôi dù đang tham gia trò chơi với các bạn
          Cuối năm lớp nhì buổi chiều ngày chia tay nghỉ hè, khi chú Hai đạp xe đổ xuống dốc cầu quẹo sang đường Kỳ Đồng, lúc đi ngang nhà thờ Chúa Cứu Thế thì Quang cũng chạy xe đạp song song, đến con hẽm lớn trước khi rẻ vào, Quang quay lại đưa tay ngoắt tôi và gọi "Nhỏ ơi, nhà Quang trong hẽm nầy nè" rồi gò lưng chạy nhanh thỉnh thoảng quay lại cười !! Hình ảnh cuối cùng mà tôi luôn ghi nhớ là cái áo sơ mi trắng của Quang căng trong gió, mái tóc phất phơ hoe hoe màu nắng, Quang chạy một tay, một tay đưa cao vẫy vẫy....
          Sang năm lớp nhất chúng tôi học buổi sáng, chú Hai chân đau nên không chở tôi được và tôi đi xe taxi tháng với Dượng Tư, Dượng là chồng của chị Tư nấu bếp...Cô giáo sinh em bé trong hè, vì cô dạy giỏi cho nên chúng tôi lại tiếp tục học với cô, tôi rất mừng vì tôi thương quý cô. Cô là thần tượng thứ hai trong đời sau mẹ đã khiến tôi ngưỡng mộ và ảnh hưởng rất nhiều đến nhân cách của tôi sau nầy, cô dịu dàng và chưa bao giờ to tiếng với học sinh !!....Vì là năm thi và học buổi sáng cho nên chúng tôi ít có dịp trò chuyện hay qua chùa chơi, mãi cho đến sau nầy tôi cũng chưa biết chùa tên là gì chỉ nhớ chùa nằm sâu ở cuối con hẽm lớn....!
 ***
      Ông Ba hướng dẫn ba tôi làm đơn xin miễn tuổi cho tôi được thi thử vào Gia Long cho quen không khí trường thi, tôi không còn gặp lại các bạn nữa và hình ảnh ngôi chùa chỉ tồn tại trong ký ức....Ba mẹ chính thức chia tay nhau, nhà tôi cũng dọn đi nơi khác! Tôi học lớp đệ thất trường Kiến Thiết gần nhà mới, nhưng chỉ được nửa năm ba lại đổi ý buổi chiều cho tôi học thêm Toán để luyện thi vào Gia Long cũng ngay tại trường Kiến Thiết...
           Tôi đậu vào Gia Long nhưng khi đi học cũng không gặp lại một người bạn nào ở trường Trương Minh Giảng, mãi cho đến năm đệ tam tôi mới gặp lại Đường trong sân trường Gia Long, lúc đó Đường vào học Đệ tam sau khi  đậu bằng Trung học đệ nhất cấp ở trường ngoài. Thấy Đường ngại ngùng cho nên tôi không thăm hỏi về bạn cũ. Từ đó chưa bao giờ tôi gặp lại bạn bè nào khác trong "vương quốc" dễ thương của mình nữa, nơi mà tuổi thơ thần tiên có vua, hoàng hậu, hoàng tử và trong đó tôi được làm công chúa.....Tôi luôn nhớ ngôi chùa với hình ảnh người thầy khai sáng cho tôi biết niệm Phật và  âm thanh tiếng chuông chiều năm xưa!!
         Tuy trường không xa nhưng tôi ít đi lại con đường cũ,  ký ức thì không sao phai nhoà.... Ba và mẹ cũng lần lượt qua đời, lời khấn nguyện hằng đêm tôi không quên nhưng có điều lời khấn thay đổi theo tuổi tác, thời gian và những dâu bể của cuộc đời ! Tôi vẫn thờ phụng bức tượng Quán Thế Âm và tượng Di Lạc của mẹ ngày xưa....Trong lòng không nguôi quên lời sư thầy Nhật Tâm ở chùa Pháp Huệ có lần nói với tôi khi tôi thỉnh tượng Đức Thích Ca lên chùa nhờ Thầy khai quan điểm nhãn. Lúc đưa tôi ra cửa Thầy nói "Tượng đẹp quá con, nét lại sáng và trẻ..." Thầy nói tiếp "Mọi người ai cũng nói phụ nữ thì Phật Quán Thế Âm Bồ Tát là mẹ đỡ đầu và hộ trì, nhưng đối với con lại khác, Đức Từ Phụ của con là Đức Thích Ca đó con !"...Lời Thầy nói thật nhẹ nhàng và giản dị nhưng bỗng dưng tôi thấy lòng tràn đầy cảm xúc
       Tết Nguyên Đán 2008, sau khi trải qua ca phẫu thuật thành công, tôi lại nhớ về ngôi trường xưa....Bây giờ gia đình đơn chiếc không còn bà con đông như trước cho nên tôi và cháu thường đi thập tự trong ba ngày đầu năm. Có một điều gì gợi nhớ và thôi thúc trong tâm, tôi nói với cháu năm nay mình về trường cũ, ghé ngôi chùa mà thuở bé thơ thường theo bạn qua chơi, xem tên chùa là gì và nhìn lại cái chuông cổ ngày xưa....
          Thật là bất ngờ ! Điều đầu tiên tôi nhìn thấy  ngay đầu con hẽm lớn vô chùa là tấm bảng thật to với cái tên " Chùa Thích Ca" !!Không kịp nhìn thấy ngôi trường cũ thay đổi ra sao, tôi vội vã nói với cháu hãy đi thẳng vô chùa mong tìm lại những hình ảnh xưa....
***
           Tôi bước qua cổng tam quan với tâm trạng bồi hồi và xúc động! Cái chuông cổ vẫn còn đặt ngay chỗ cũ, chỉ tiếc là không còn hình ảnh bà cụ mặc áo dài the đen. Phía sau chùa vẫn còn ngọn đồi cao, bây giờ các sư cô đã cất lên một dãy nhà nhỏ. Chùa sạch sẽ khang trang và không còn trồng cây trái như trước. Cảnh vật vẫn còn đây nhưng người năm xưa thì hẳn đã về chốn khác ?
          Con hẽm lớn giờ trở thành con đường nội bộ, nhà cửa văn minh, hai bên đường không còn cây gòn và hàng rào trồng hoa... Tôi đã được nhìn ngắm lại trường xưa và ngôi chùa cũ, tuy không còn bạn bè thân quen nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự ấm áp nhờ cái tên "Thích Ca" của ngôi chùa.Và bây giờ tôi mới hiểu lời Sư thầy Nhật Tâm nói đúng, tên chùa là tên Đấng từ phụ của tôi, người đã khai tâm cho tôi qua hình ảnh nhân từ hiền hậu của bà cụ mặc áo dài the đen ngồi trước chuông đọc kinh niệm Phật
           Người ta thường nói chuyện cổ tích thì không bao giờ có thật giữa đời thường, nhưng tôi đã được trải qua một tuổi thơ ngọt ngào, thần tiên đầy hạnh phúc như thế đó....Và đây chính là cổ tích ngày xưa của tôi, tôi đã có dủ tất cả những gì thật thơ mộng, không chỉ là vương quốc, vua quan mà chuyện cổ tích của tôi còn có những bà tiên dịu hiền đôn hậu. Chỉ tiếc rằng thời gian quá ngắn ngủi không trọn vẹn được hai năm học, nhưng đó là những hoài niệm đẹp nhất trong cuộc đời mà tôi không thể nào quên !!
NamMai- Phan thị Ngọc Diệp
(Thời Thơ ấu-Đạo Phật và Tôi)

Hình ảnh có liên quan 
Về thăm nhà cũ
Xa đã xa rồi nơi chốn xưa,
Đâu căn nhà cũ dưới chiều mưa....
Đâu hương ngâu ngát thơm vườn cũ ?
Ta trở về đây một bóng thừa !!

Hoa giấy bên thềm nhung nhớ ai,
Người đi hoa cũng khóc chia tay....
Rời sân nhà cũ lòng vương vấn,
Nơi đó không còn dấu trúc mai ?!

 Chỉ thương ngọn gió lắt lay,
Hắt hiu lưu luyến những ngày đã qua !!
NM
 
Nhà cũ
Mua bán nhà cửa phải có duyên. Huệ thấm thía câu này lắm khi muốn bán cái nhà đang ở, mua cái nhà khác để có thể dư ra chút tiền kinh doanh, rao hoài mà không được. 

Người vào coi thì nhiều, có kẻ còn trả giá rốt ráo, nhưng đến lúc đặt cọc thì biến không tăm tích. Đến nỗi sau một thời gian rao bán, Huệ đành hủy bỏ ý định.
Nhà có hai cha con nên khi cha mất, cảnh nhà thật quạnh hiu. Sau bốn chín ngày của cha, cây mai chiếu thủy bỗng nhiên chết khô đến gần sát gốc. Cả cây xoài cũng có vẻ đang chết dần dần.
Chú Bảy, bạn cha, tới thắp nhang cho cha, bảo: “Chắc hồi đám tang không ai cột cho mấy cây này miếng vải trắng, nên giờ tụi nó muốn đi theo cha con luôn”. Chiều đó, Huệ xách xô nước ra tưới vào gốc xoài. Cô kéo chiếc ghế mây lại gần, ngồi xuống, sờ tay lên lớp vỏ xù xì của nó, lẩm bẩm:
“Mày đừng chết khi tao còn ở cái nhà này nghe xoài”. Rồi cô cầm kéo ra cắt cây mai chiếu thủy tới sát gốc, ngậm ngùi: “Ráng sống lại ở với tao nghe mai”.
Đùng một cái, hai ba bữa sau, có tiếng chuông cổng reo từng hồi dài, đầy vẻ sốt ruột. Một phụ nữ có vẻ sang cả, hỏi Huệ ngay khi cô hé cổng: “Tôi nghe nói nhà này bán phải không?”.
Huệ bán nhà cho bà chủ tiệm vàng với giá cao hơn giá cô định bán rất nhiều. Đầu tiên, Huệ chỉ nói thách để bà ta bỏ đi. Người gì hách dịch thấy ghét.
Vô nhà chê bai đủ thứ, nói sẽ đập bỏ hết để xây mới hết. Đã mua được nhà đâu mà chê tùm lum? Huệ nóng máu, tính mở miệng mời bà ta ra khỏi nhà, nhưng rồi cố nuốt cục tức xuống họng, nín thinh. Tuy nhiên khi bà ta hỏi giá, cục tức của Huệ lại trồi lên.
Cô thản nhiên nâng giá để rồi chưng hửng khi bà ta mở túi xách, lấy ra một cọc tiền: “Thôi được. Nhà quá mắc so với giá thị trường, nhưng tôi sẽ mua. Cô làm giấy nhận cọc đi”.
Ngôi nhà trệt, mái ngói âm dương, có võng treo đu đưa dưới gốc cây hoàng hậu từ đó trở thành quá khứ. Khi giao nhà, Huệ chỉ đem theo duy nhất chậu mai chiếu thủy mà sự sống chỉ còn khoảng một tấc cao.
Cô đặt nó trên khoảng sân nhỏ xinh trước phòng thờ, nơi đôi mắt cha từ di ảnh có thể nhìn thấy nó hằng ngày. Cô mua thêm chậu hoa ngâu nhỏ để bên cạnh. Khi còn sống, cha chỉ uống trà với hoa ngâu tự ướp.
Vừa tưới nước cho hai chậu hoa, Huệ vừa nói chuyện rì rầm: “Giờ tao chỉ còn tụi bay thôi đó. Ráng sống tốt rồi ra hoa cho cha con tao ngắm, nghe không?”. Chậu ngâu có vẻ nghe lời, ra hoa liên tục.
Cây mai chiếu thủy, sau bao ngày tháng rụt rè, cũng đã vươn lên mấy nhánh non bé bỏng. Hôm nhìn thấy mấy tược non, Huệ vui rớt nước mắt.
Tối đó, Huệ hái mấy chùm hoa ngâu, pha trà, đặt trên bàn thờ của cha kèm thêm đĩa bánh đậu xanh: “Cha coi nè, cây mai chiếu thủy sống lại rồi”. Không hiểu sao, Huệ có cảm giác ấm áp lan tỏa xung quanh.
Có thể vì mùi nhang trầm nhè nhẹ phảng phất trong không gian chăng? Huệ như sống lại khoảnh khắc ở nhà cũ. Rồi chợt như bừng tỉnh, cô lắc đầu, lầm bầm: “Bán rồi thì thôi đi. Nhớ nhung gì nữa?”. Cô tưới thêm gáo nước vào hai chậu cây rồi bỏ vô nhà.
Nói thôi, nhưng không hiểu sao hôm sau, trên đường đi làm về, Huệ lại chạy xe một hơi tới con đường dẫn về nhà cũ. Cách khoảng vài trăm mét, chỗ chợ nhỏ, Huệ ngừng xe bên một sạp vệ đường, nơi cô vẫn ghé mua trái cây.
Chị bán hàng đang tay cân, tay gói cho khách, vui vẻ nói theo quán tính: “Mua cam đi cô. Cam bữa nay ngọt lắm”. Rồi ngửng đầu, chị kêu lên khi nhìn thấy Huệ: “Ủa em. Lâu dữ mới thấy ghé. Đi đâu mới về hả?”. Huệ cười: “Dạ. Em dọn nhà qua chỗ khác rồi chị. Bữa nay có việc ghé ngang thôi”.
Mua cam xong, Huệ tần ngần một lúc trước khi chạy xe rề rề về phía nhà cũ. Thì mình ngó chút thôi, có gì mà ngại? Cô tự dỗ mình.
Nhưng nhà cũ đã biến đâu mất rồi. Cánh cổng gỗ xanh có giàn hoa giấy trắng tím lòa xòa, cây xoài từng xum xuê trái vươn ra khỏi cổng cũng biến mất. Thay vào đó là cánh cổng inox mở rộng, phía trong sân đặt hai con sư tử đá mắt gườm gườm nhìn ra đường.
Huệ giương mắt nhìn tòa nhà nhiều tầng to nghễu nghện có tấm bảng đèn xanh đỏ nhấp nháy: Hotel Hoàng Gia. Người Huệ chênh chao, tim hẫng như đập hụt một nhịp. Họng khô cháy.
Cô dựng xe trước quán cà phê vỉa hè xéo góc, bước lên thềm kéo ghế ngồi. Cô chủ quán reo lên: “A, chị Huệ. Chị đi đâu mà ghé đây? Lâu dữ”. Bưng ly cà phê ra cho Huệ, chủ quán tự nhiên kéo ghế ngồi cạnh: “Nhà chị giờ thay đổi 
ghê chưa?”.
Ừ. Huệ biết bà chủ khách sạn cũng là chủ tiệm vàng mà. Cái kiểu hách dịch, khinh người của bả, Huệ cũng biết luôn.
Cô chủ quán cà phê kể lể: “Trời ơi, bả tới lui chỗ này hàng tỉ lần mà không hề liếc con mắt nhìn chung quanh đâu nghen chị. Anh Minh sửa xe ngồi dưới gốc cây kế nhà chị hồi xưa đó cũng bị bả cho người đuổi, không cho làm, nói ảnh hưởng bộ mặt khách sạn của bả...”.
Tối đó, khi lên lầu thắp nhang cho cha, Huệ thủ thỉ: “Cha có đi chơi, đừng thèm ghé qua nhà cũ của mình nghe cha. Ghé là buồn đó.
Nó không còn xíu gì gợi nhớ ngôi nhà của mình hồi xưa đâu cha. Nó thấy ghét lắm...”. Trong ảnh, đôi mắt cha nhìn Huệ thật bình thản. Như thể cha nói: “Mình hết duyên với ngôi nhà đó rồi thì thôi, con bận lòng làm gì?”.
Mùi hoa ngâu thoang thoảng ngoài sân nhắc Huệ pha một bình trà. Rồi cô lúi húi mở túi cói to đùng chở về lúc chiều lôi ra một chậu cây.
Cô chủ quán cà phê nói: “Bữa bả cho phá cổng, chặt giàn bông giấy, em chạy qua lấy mấy nhánh gốc về găm, giờ nở đẹp lắm chị. Em tặng chị một chậu nè”...
  PHẠM THỊ NGỌC LIÊN


Quy y
          Mẹ gọi điện cho Thuần chỉ để bảo 'mẹ quy y rồi'. Thuần im lặng vài giây, thoáng chút bất ngờ. 
- Mẹ quy y Tam Bảo bao giờ? 
- Mới chiều hôm qua thôi. Mẹ cùng mấy bà trong xóm lên chùa trên núi quy y. Mẹ nghe sư thầy nói chuyện hay quá. Nhẽ ra mẹ nên chăm vào chùa và sống theo đạo lý nhà Phật từ lâu rồi mới phải. 
          Mẹ từng nhiều lần nói với Thuần về mong muốn được thảnh thơi đi chùa lễ Phật. Điều đó có khó gì với người khác đâu nhưng lại vô cùng xa vời với mẹ. Vì mẹ còn nặng nợ với chồng con, với cơm áo gạo tiền. Mẹ còn gần mẫu ruộng, bốn con bò, đứa cháu nội ở với bà từ khi còn ẵm ngửa và khoản nợ ngân hàng mấy trăm triệu đồng hằng tháng sấp ngửa lo trả lãi. Mẹ thức khuya dậy sớm làm lụng quần quật suốt ngày. Buổi trưa mệt quá muốn đặt lưng xuống giường nghỉ vài phút cũng không yên vì còn phải trông đứa cháu nghịch như quỷ sứ. Mười hai giờ đêm còn có người gọi điện đến đòi nợ, dọa báo công an. Mà đâu phải mẹ nợ gì người ta. Đấy là món nợ chơi bời của thằng con cả đã bốn mươi tuổi đời, lớn mà vẫn dại. Mẹ bòn mót từng đồng tiền lẻ bán mớ rau khoai, gánh củi khô, mấy con gà, vài quả trứng. Vậy mà anh Thuần phá toàn tiền trăm bạc triệu. Mỗi lần người ta báo nợ về nhà là mẹ bủn rủn tay chân, khóc đứng khóc ngồi. Khoản tiền vài trăm triệu biết kiếm đâu ra? Không có trả thì người ta đánh đập bắt bớ con mình. Giận con thật đấy nhưng mẹ vẫn thương lắm chứ. Cá chuối đắm đuối vì con…
          Mẹ chạy vạy khắp nơi để lo đắp đậy nợ nần hết lần này đến lần khác cho đứa con nghịch tử. Vay sổ hộ nghèo, quỹ trồng rừng, quỹ hội phụ nữ, quỹ nước sạch. Trong nhà không gì nhiều bằng sổ nợ và bình rượu. Những bình rượu to vật vã cứ vơi lại đầy. Bố Thuần say ngất ngư từ ngày này qua ngày khác. Mà hễ cứ say là chửi. Giận con nhưng chửi vợ. Bố đay nghiến mẹ chuyện vay mượn trả nợ nần thay cho thằng con cờ bạc. Thỉnh thoảng bố ngồi ăn cơm nguội ở xó bếp rồi rưng rức khóc. “Đời bố phải đi phụ hồ vôi vữa ăn mòn mười đầu ngón chân để lấy tiền nuôi con ăn học. Vậy mà nó ra ngoài xã hội, cái hay không học lại đi học cái mất dạy”. Cũng có khi bố ngồi húp từng thìa cháo, tay bo cái răng đau mà than rằng: “Ngày xưa đói khổ, nhảy tàu đi mót sắn trên Yên Bái bị ném gãy răng. Một cái gãy là những cái xung quanh xô nhau gãy. Giờ chẳng còn mấy cái răng, ăn cái gì cũng phải hầm nhừ. Vậy mà con cái nó không thương mình. Nó phá cả nửa tỉ bạc mà vài triệu tiền trồng răng mình không có nổi”. Hết chửi bố lại quay sang đập. Đập gà, đập chó, đập con mèo đang chửa, con bò sắp đẻ và có khi đập… mẹ. Nhà lúc ấy loạn lên. Cháu khóc vì hoảng sợ. Mẹ khóc vì thấy đời mình sao khổ cực trăm đường. Bố vẫn rít lên từng hồi rằng “tiền nhà này tao làm còng lưng gãy xương giờ đi đâu hết?”. Lần nào về thăm nhà Thuần cũng thấy nghẹt thở. Đó là nơi Thuần yêu thương nặng lòng nhất mà sao lại là nơi thiếu ô xy nhất?
          Mẹ từng nhiều lần có ý nghĩ ngủ một giấc và không bao giờ thức dậy để thoát khỏi những khổ ải đầy đọa này. Thuần hiểu cảm giác một buổi sáng mở mắt lòng bỗng nhiên nặng trĩu. Ngày mới mà nỗi lo toan cũ vẫn đè nặng lên vai. Gần hai mươi năm qua số phận dúi vào tay mẹ cả nghìn buổi sáng lo sợ và hoang mang như thế. Những cục nợ không biết đẩy đi đâu? Xoay xở thế nào? Sau cục nợ này sẽ còn bao nhiêu cục khác? Cứu nó lần này liệu có còn lần sau nữa hay không? Cả thiên hạ không còn ai tin nó, mình là mẹ lẽ nào mình cũng quay lưng? Thuần từng xót xa bảo: “Mẹ không quay lưng lại thì làm sao anh ấy thấy được lưng mẹ đã còng rồi?”. Mẹ khóc. Thuần không chịu được cảm giác nghe thấy tiếng mẹ khóc hu hu trong điện thoại. Tim Thuần như vỡ vụn. Đau đớn và bất lực.
          Mẹ bắt đầu lẩn thẩn. Đã có lúc mẹ quên cả tên Thuần, quên chỗ vừa cất tiền, quên điều mình muốn nói. Đến bữa mẹ chỉ gắp vài cọng rau, nuốt cố lưng bát cơm rồi chống gối đứng dậy. Những ngày nhiều gió ngồi ngó dáng mẹ gầy liêu xiêu khắc khổ, Thuần thấy tim mình nhói lên từng nhịp thở. Mẹ nói khổ thân xác không bằng khổ tâm. Ban đêm nằm lo toan nợ nần đã đành. Ban ngày đi ra đường không dám ngẩng mặt nhìn bà con hàng xóm. Đi đâu thấy người ta chụm đầu xì xào cũng nghĩ chắc người ta đang nói đến con mình. Đám cưới quê ngoại, nhìn các mợ các dì mặc áo dài thướt tha, làm tóc trang điểm cầu kỳ. Chỉ mình mẹ nhàu nhĩ ngồi một xó. Mặt mẹ buồn xo, mắt lúc nào cũng như sắp khóc. Nhà người ta con cái ngoan ngoãn trưởng thành nên đi đâu cũng mở mày mở mặt. Mẹ vất vả nuôi con học hành đến nơi đến chốn mà u mê lầm lạc. Thử hỏi lòng người mẹ sao có thể cất lên những tiếng vui? Thuần từng nhiều lần tần ngần nâng lên đặt xuống mảnh vải áo dài thêu công thêu phượng. Rồi ước ao được ướm nó lên người mẹ, sẽ đẹp biết bao. Ngày trẻ mẹ đẹp lắm, vẻ đẹp mũm mĩm của da trắng, tóc xoăn. Đấy là Thuần nghe các dì kể vậy. Những người từng thầm yêu trộm nhớ mẹ khi xưa bây giờ thỉnh thoảng vẫn ghé thăm. Có lần mẹ chạy trốn sau nhà không ra gặp. Vì mẹ không muốn mình tiều tụy trong con mắt những kẻ si tình. Họ thường thốt lên xa xót: “Em khác quá em ơi…”. Mẹ đối thoại với họ bên tách trà nguội ngắt. Thuần đứng trong buồng nhìn ra thấy mẹ đang thu mình mỏng manh như lá…

* * *
- Tối nay mẹ không xem “Góa phụ nhí” nữa ạ?
- Mẹ không. Dạo này tối nào mẹ cũng bận đọc sách. Mẹ mượn được mấy cuốn sách Phật hay lắm. Giá mà có đài “A di đà Phật” để nghe giảng Phật pháp thì thích biết mấy. Chỉ tiếc chùa trên mình không bán. Nghe nói chỉ những chùa lớn có nhiều phật tử thì mới bày bán thôi.
- Để con tìm mua rồi gửi về cho mẹ.
- Mẹ dặn thằng Út rồi nhưng chắc gì nó nhớ.
          Thuần có hơi bỡ ngỡ trước mẹ của hiện tại, khi đã quy y nhà Phật. Vẫn là người mẹ tảo tần, nhẫn nhịn, hy sinh của Thuần đấy thôi nhưng có gì đó hơi khang khác. Thuần phải tập làm quen với những bữa cơm mẹ chỉ gắp rau xanh. Những ngày cuối tháng mẹ ra chợ mua cặp chim bồ câu hoặc cua, cá phóng sinh. Chim bay lên trời, cá bơi dưới nước. Mẹ cũng phóng sinh dần từng chút nỗi buồn. Thuần gọi điện về thấy mẹ hay cười hơn. Những tiếng thở than đã bớt đi dù gánh nặng trên vai thì vẫn vậy. Khác hẳn với mẹ của ngày xưa hay nói về cái chết. Đời mẹ từng khất lần khất lữa hai thứ. Đó là khất nợ và khất chết. Nợ thì mẹ khất quanh năm. Chết thì mẹ khất theo mùa. Như lúc ngó những lộc non mùa xuân nảy nở, mẹ hẹn: “Chừng nào cả khu vườn được bao phủ bởi những tán cây thì khi đó mẹ sẽ chết. Các con thiêu mẹ rồi xây mộ trong vườn. Thỉnh thoảng con cháu tụ về tìm mùa quả chín”. Mùa hạ, khi thấy người ta nghễu nghện chở xe bò phông bạt bàn ghế qua cổng, mẹ hẹn: “Mẹ cố sống để được nhìn Thuần mặc váy cô dâu rồi nhắm mắt xuôi tay”. Rồi thì Thuần cũng lấy chồng, cũng làm cô dâu trong ngày trọng đại. Mẹ khóc nhiều lắm. Mùa thu, thấy nhà người ta phơi tã lót trẻ con phấp phới trước sân, mẹ lại hẹn: “Chừng nào Thuần được làm mẹ, Thuần sinh con, mẹ bế cháu ngoại trên tay là có thể thanh thản hóa thành cát bụi”. Mỗi một cái hẹn là một lần tim Thuần đau. Suốt bao nhiêu năm Thuần cứ đau đáu mãi câu hỏi phải làm sao để mẹ chỉ muốn hẹn với Thuần về sự sống? 
          “Mẹ quy y rồi”. Câu nói ấy cứ vang mãi trong đầu Thuần. Có lúc Thuần nghe như một tiếng reo. Có lúc nhẹ nhỏm như vừa trút một tiếng thở dài. Mẹ nương nhờ nhà Phật là từ nay tâm thức mẹ sẽ được an ổn thoát mọi khổ não trên đời. Là mẹ có đạo để tin, có nơi để vịn, có niềm vui để sống. 
- Chắc kiếp trước mẹ nợ nhiều quá nên kiếp này còng lưng trả nợ. Chẳng nên oán trách ai. Con cũng nên chăm đi chùa, sống theo đạo nhà Phật để cho tâm thanh tịnh. 
- Con bận quá mẹ ạ. Cứ quay cuồng từ sáng đến đêm vẫn chưa hết việc. Đến thời gian nghỉ ngơi con còn không có.
- Ừ thì... Phật tại tâm. Mỗi tuần ăn một vài bữa chay là thấy người nhẹ nhõm. Chăm nghĩ việc thiện, chăm làm điều hay để kiếp sau không phải gặp khổ đau ách nạn con ạ. Luật nhân quả chẳng chừa một ai. Đêm nào mẹ cũng nghĩ, anh con cứ sống như vậy mãi rồi cũng gặp những chuyện không hay. Cái khổ tâm lớn nhất của mẹ là đã không lôi nó ra khỏi những u mê tăm tối. Nên mẹ phải chăm ăn chay niệm Phật, thương người thương vật để cầu đức Phật gia hộ, soi đường chỉ lối cho các con.
          Thuần về thăm nhà, đêm thường nằm im nghe tiếng mẹ đọc kinh. Mẹ chỉ đọc kinh về đêm khi bố đã ngủ say. Đó là khoảng thời gian yên tĩnh hiếm hoi trong nhà. Mẹ không muốn giữa chừng bài kinh phải nghe thấy tiếng chửi bới nồng mùi rượu. Bố là người vô đạo, ông không tin vào bất cứ điều gì ngoài rượu. Không tin bất cứ ai ngoài bạn rượu. Nhưng Thuần biết bên trong cái vỏ bọc cục cằn ấy là đau đáu yêu thương và nhọc nhằn bất lực. Bố thường ngủ rất ít, thậm chí có những đêm thức trắng. Đêm là lúc bố tỉnh táo nhất, men rượu trong người bay hết. Bố nằm nghĩ về cuộc đời mình, về đứa con có lớn mà không có khôn. Một hôm nào đó ngồi cùng bạn rượu, bố nói như muốn khóc:
- Sau này chết đi, tôi muốn bán nội tạng. Chết là hết, thân thể mình rồi cũng chỉ còn lại nắm xương. Mình bán nội tạng vợ con có thêm chút tiền trang trải nợ nần, mà những người bị bệnh cũng được cứu sống. Nhưng vợ con tôi chẳng đời nào đồng ý.
- Anh già rồi. Lại suốt ngày rượu. Lục phủ ngũ tạng hỏng hết. Ai thèm mua.
- Chú chẳng biết gì cả… 
          Trong lời nói của bố vảng vất hơi men nên Thuần thấy mắt mình cay nhòe. Người say không biết nói lời hay nhưng lại là lời thật. Những câu nói của bố cứ vảng vất trong đầu Thuần lúc nằm nghe mẹ đọc kinh. Câu kinh bay lên thì tiếng bố lại ghì chặt xuống. Bố hay ngáy ngủ. Tiếng ngáy vang khắp mấy gian nhà. Nó nhắc Thuần nhớ những ngày xưa cũ. Bố đi phụ hồ về thường để cả quần áo lao động và hai bàn chân dính đầy vôi vữa leo lên giường ngủ. Ánh nắng xiên qua mái ngói thủng chiếu vào mặt bố cả mảng to. Máy bay quân sự tập dượt bay ầm ầm trên trời át cả tiếng ngáy của bố. Vừa tỉnh dậy bố lại vội vã gò lưng đạp xe giữa trời nắng như đổ lửa. Thuần đứng dưới gốc cây vú sữa nhìn theo mãi cho đến khi bóng bố chỉ còn là chấm nhỏ nhoi giữa cánh đồng khô hạn mênh mông. Tối muộn trở về nhà với tấm lưng ướt đẫm mồ hôi. Bố chìa cho anh em Thuần mỗi đứa một chiếc kẹo cao su làm quà. Bố nhấc bổng Thuần lên quay vòng tròn bằng đôi tay rắn chắc. Thuần ngửa cổ lên trời thấy những vì sao lấp lánh đang ở rất gần tưởng như có thể chìa tay là với tới…
* * *
Sáng sớm Thuần nằm im trên giường nghe ngoài vườn tiếng chim líu lo bay tìm quả ngọt. Những chú gà con tìm mẹ kêu chiêm chiếp, thỉnh thoảng lại chạy tán loạn khi con mèo già õng ẹo đi qua. Một cơn gió ùa đến lay vài chiếc lá rụng xào xạc bên ngoài cửa sổ. Bố đang cuốc đất trồng rau sau khi tráng miệng buổi sáng bằng một chén rượu ngâm thuốc bắc. Mẹ rủ Thuần lên chùa sau khi đèo đứa cháu đi nhà trẻ. Mẹ ngồi sau lưng Thuần, nhỏ bé. Thuần bỗng nhớ đến những ngày thơ ấu ngồi sau xe mẹ. Mẹ chở Thuần đi chợ. Dốc chợ dựng đứng, Thuần ngồi trên xe để mẹ gò lưng dắt. Những ngày ốm mẹ chở Thuần đi bệnh viện. Bệnh viện cách xa nhà hơn chục cây số. Cột Thuần vào lưng mẹ bằng một chiếc áo, phía trên che nắng bằng chiếc lá cọ to. Mẹ cứ thế xuyên qua cánh đồng nắng đổ lửa mà đi. Giờ con đường đưa mẹ lên chùa rợp bóng cây xanh và tiếng chim ca. Mẹ ngày càng gầy đi còn Thuần thì ngày một béo lên. Nhìn ngấn mỡ trên bụng Thuần, mẹ lắc đầu than: “Béo thế nhiều bệnh tật lắm con ơi. Phải xem lại chế độ ăn uống đi thôi”. Thuần không sợ bệnh bằng sợ xấu. Có lúc soi gương Thuần thấy mình giống con gấu ngủ đông, giống một gã khổng lồ bụng phệ. Thuần tha thiết giảm cân nhưng lại không kiềm chế nổi nhu cầu ăn uống của mình. Những người ăn chay như mẹ khi nhìn cơ thể Thuần là thấy ngay mỡ động vật, thịt động vật, đồ ngọt dư thừa. Mẹ ngồi sau vòng tay ôm lấy eo Thuần khẽ bảo: 
- Con nên ăn nhiều rau xanh và chăm chỉ vận động
          Đừng ngồi bàn máy suốt ngày. Từ khi ăn chay mẹ thấy khỏe ra, giấc ngủ sâu hơn, những cơn đau đầu cũng dần thuyên giảm. 
- Rau ở dưới thành phố xanh mà không sạch. Ăn nhiều rau có khi còn nhanh chết sớm. Con đi chợ nhiều hôm không dám mua rau. Dù bữa cơm không rau, ăn toàn thịt cũng cồn cào ruột gan lắm.
- Thì tranh thủ thời gian trồng rau mà ăn. Nước gạo, nước rửa bát mình tiết kiệm mang tưới tắm.
- Đấy là mẹ không biết đấy thôi. Đất dưới phố đắt hơn vàng. Người ta xây nhà trọ cho thuê như xây phòng giam vậy. Có chỗ ở là tốt rồi, làm gì có đất trồng rau. Con xin được mấy hộp xốp trồng ít rau cải mầm nấu cháo cho cháu hằng ngày thôi mẹ ạ. Người lớn thì khuất mắt trông coi, cứ mua rau chợ đầy thuốc trừ sâu hoặc là nhịn thôi mẹ ạ.
- Hay là từ giờ mẹ trồng thêm mấy luống rau. Thỉnh thoảng cắt thành từng bó đón xe trên đường cao tốc gửi xuống cho con?
- Thôi mẹ ạ. Xe chạy xuống chỗ con chỉ có chuyến lúc chín giờ tối. Giờ đấy mẹ còn ru cháu ngủ mà.
          Xe trôi qua cánh đồng mùa lúa non thơm mùi sữa rồi rẽ vào con đường nhỏ chạy dọc hai bên đồi bạch đàn. Mẹ ngồi sau bé nhỏ nơm nớp lo từng chỗ xóc. Mẹ bảo:
- Nếu ông trời cho mẹ sống lâu thì sau khi các cháu lớn khôn mẹ sẽ lên chùa ở hẳn. Nương náu dưới gốc bồ đề, dưới chân đức Phật mà sống những tháng ngày cuối đời thanh thản.
- Lúc ấy con chắc cũng đã thảnh thơi hơn. Con sẽ thường xuyên về thăm mẹ. 
          Mẹ lặng im nhìn những hàng cây lùi lại phía sau. Thuần bỗng nhiên cay mắt khi nghĩ đến ngày đưa mẹ lên chùa sống. Ừ, nếu có ngày ấy thật thì con đường này chắc sẽ dài hơn. Mẹ ngồi sau xe chắc sẽ nhẹ như một chiếc lá khô, một áng mây trời. Hẳn sẽ như khúc Tống biệt hành của Thâm Tâm: “Đưa người ta không đưa qua sông/Sao có tiếng sóng ở trong lòng”. Lúc ấy Thuần không biết sẽ chuẩn bị những gì cho mẹ mang theo. Mà người tu hành có khi chẳng cần mang theo gì. Thuần cũng chỉ mong khi ấy mẹ có thể bỏ lại mọi thứ mà đi. Để vào chùa thấy lá rơi không buồn, nghe mưa rơi không nhớ. Liệu có ngày đó thật hay không mà chưa gì Thuần đã thấy hình như mình mất mát. Đúng lúc Thuần đưa tay lau khóe mắt thì mẹ bảo: 
- Nói thế chứ dễ gì mà lên chùa sống yên. Còn bố con nữa, sao nỡ bỏ mà đi. Phật ở trong tâm. Mẹ ở đâu cũng đều có Phật. Phải không con? 
          Thuần khẽ gật đầu trước khi xe rẽ vào còn đường rừng um tùm tế mọc hai bên. Vài tiếng chuông chùa thong thả vang lên, Thuần thấy mình như đang trôi vào một thế giới khác lạ, bình yên đến không ngờ. Lâu lắm rồi Thuần không có được cảm giác ấy. Nơi Thuần ở chật chội, xô bồ. Đến cả giấc ngủ cũng chật ních tiếng còi xe inh ỏi. Thuần từng ước được rơi tõm vào một thế giới khác chỉ có màu xanh của cỏ cây và những tiếng chim chuyền. Tránh xa thành phố bị ô nhiễm không khí ở mức độ báo động. Sáng nào thức dậy Thuần cũng tự hỏi “ta bon chen ở đây để làm gì?”. Con người đa phần đến một thời điểm nào đó đều nhận ra mâu thuẫn và bi kịch của chính mình. Nhưng lại không có đủ can đảm thoát ra khỏi nó. Thật ra người ta hoàn toàn có thể tĩnh tâm ngay cả khi thế giới xung quanh đang ngày càng hỗn loạn. Giây phút này Thuần thấy được là mình nhất. Đấy là do đang đứng giữa không gian tĩnh mịch hay là do lòng Thuần đang hướng về chốn thiền? Tự nhiên Thuần nhớ đến một ngày cách đây sáu năm. Lúc Thuần lái xe lang thang trên đường không biết đi đâu về đâu sau một ngày quá nhiều đổ vỡ. Cơn mưa đầu mùa hạ ập đến hòa lẫn những giọt nước mắt tủi hờn của Thuần. Thuần cứ đi cho đến khi vô thức dừng trước cổng chùa. Sư thầy gióng lên những tiếng chuông chùa cả không gian bỗng như ngưng đọng. Tiếng còi xe im bặt. Tiếng gầm gào của đời sống đô thị tự nhiên biến mất. Thuần chỉ còn nghe thấy tiếng lá xào xạc dưới chân và tiếng chú tiểu đang gõ mõ tụng kinh. Hôm nay Thuần lại thêm một lần dừng xe trước cổng chùa. Như thể tiếng chuông chùa năm xưa đang ngân lên trong thực tại. Thuần đi sau, nhìn theo dáng mẹ thảnh thơi bước vào chùa. Thảnh thơi như chưa từng bao giờ lận đận. Thuần bước vào chánh điện, thấy ai đó đang chắp tay cúi đầu quỳ lạy.

           “Lạy Phật con đã trở về”…

Vũ Thị Huyền Trang
 
Bóng người xưa
          Trong lò sưởi, trên một đám than hồng; ngọn lửa nhẩy múa reo cái vui lách tách của củi khô, mặc bên ngoài gió lạnh và mưa bụi của mùa đông. Một hơi nóng tỏa ra, thấm dần vào mọi vật trong căn phòng nhỏ. ấm cúng quá! Không còn gì thú hơn được ngồi bên lò sưởi mà nghĩ những chuyện vẩn vơ 
           Vân vừa xoa tay trên ngọn lửa vừa hưởng thong thả như thấm thía cái thú ssơn sơ ấy. Chàng để người lọt sâu vào chiếc ghế bành; ngoảnh đầu ra nhìn Mai ngồi trên phản gần đấy, bên ngọn đèn, đang thái mấy thứ rau trên thớt. Nàng làm việc chăm chú và cẩn thận, như xưa nay nàng vẫn làm. Ngày mai là ngày sinh nhật đứa bé con đầy tuổi; hai vợ chồng Vân đã bàn định làm một bữa tiệc nhỏ để mừng, nên tối nay vợ chàng sửa soạn sẵn các thức ăn. 
          Thấy lò sưởi ấm cứng, Vân cất tiếng bảo vợ:
- Ra đây mà ngồi cho đỡ lạnh.
          Vợ Vân không ngừng tay đáp:
- Ðể em thái nốt chỗ này đã.
- Thì mang lại đây mà làm có hơn không, ngồi đấy rét chết.
          Chiều ý chồng, nàng đứng lên lấy một cái chiếu giải trước lò sưởi, rồi mang chiếc đèn đến.
          Vân rụt chân lại để nhường chổ. Mai thu xếp đồ làm, bỏ giầy bước vào chiếu rồi vén áo cúi quỳ xuống bên chồng, vừa nhìn chàng hỏi:
- Em ngồi đây nhé?
          Vân gật đầu, rồi chàng vội bảo vì thấy nàng sắp sửa đổi dáng ngồi để quay về phía đèn:
- Không, không cứ ngồi yên như thế...
          Nàng nhìn Vân ngạc nhiên hỏi:
- Làm sao?
          Vân mỉm cười, trả lời thong thả:
- Không làm sao cả, anh bải em cứ ngồi như thế
          Mai ngồi trước ngọn đèn chiếu qua mái tóc, làm nổi một vùng ánh sáng chung quanh khuôn mặt đều đặn của nàng. Dưới ánh lửa yếu của than hồng trong lò sưởi, trong bóng tối mờ, Mai trông khác hẳng; Vân không thấy trước mắt mình nét mặt hàng ngày của vợ nữa, chàng chỉ thấy một người vợ trẻ hơn, đẹp hơn. Những vết răn của người đàn bà luống tuổi đã mất đi trong bóng tối; khuôn mặt trở nên đều đặn, cái miệng hơi trề trên hàm răng nhỏ muốt, đôi mắt loan thấy long lanh sáng. Hình ảnh đó làm Vân nhớ lại Mai lúc trước, Mai ngày mới gặp chàng, ngày là một thiếu nữ mà vẻ xinh đẹp đã làm chàng cảm động.
          Vân lặng yên cả người, nhìn vợ vẩn thản nhiên như thường, chăm chú vào công việc trong trí chàng, cả một dĩ vãng nổi lên với rõ rệt một hình ảnh xinh tươi của Mai còn trẻ; ấy là tất cả cái lịch sử tình yêu của chàng. trời, chàng đã yêu mến biết bao nhiêu người thiếu nữ ấy? Dáng điệu và vẻ đẹp của Mai lúc bấy giờ đã khiến cho lòng chàng bao lần rung động; chàng đã yêu đắm đuối thiết tha, mà Mai cũng yêu chàng như thế. Nhưng vì sự nghiêm khắc của gia đình, mai không lấy được chàng mà về tay người khác. Vân bỏ ra đi, và sự đau đớn của chàng sâu xa đến nổi bây giờ nghĩ lại Vân còn thấy nỗi đau giẫy giụa trong lòng.
       Năm năm sau chàng trở về thì Mai đã góa chồng. Hôm gặp nhau, hai người cùng khóc; nhưng Mai bây giờ không còn đâu vẻ xinh tươi nữa, năm năm héo hon bên người chồng ác nghiệt đã đổi thay nàng. Những sự đau khổ đã in vết răn trên trán, hai mắt nàng mất vẻ sáng tươi, và đôi môi chỉ còn nở một nụ cười an phận và buồn rầu, hình bóng của nét cười duyên thắm mà chàng đã yêu mến ngày xưa.
          Lòng thương Mai đến khiến Vân lại lấy nàng. Hai vợ chồng bây giờ được một đứa con. Nhưng trước kia, một vài tháng sau khi lấy nhau, Vân thành ra hối hận đã lấy Mai. Một sự chua chát thấm vào tâm hồn chàng. Vân trở nên lãnh đạm, rồi ghen ghét. Chàng thành ra tàn ác đối với vợ; nhiều khi, trong lúc giận dữ, chàng đã thốt ra những lời cay đắng mỉa mai, chàng hưởng cái thú lạ lùng làm đau xót người công còn gì chống đở được cho mình. Có lần chàng đã bảo:
- Mày tưởng mày còn quý hóa lắm đấy. Tao lấy mày nghĩ mà dại, lấy cái của thừa!
           Mai chỉ khóc Vân nhìn mà không thương; chàng để cho cái giận chiếm lấy lòng, cho rằng lấy Mai là đã làm ơn huệ cho nàng lắm rồi.
          Mai chịu hết những tủi nhục như thế; nàng không hề oán trách chàng. Dần dần Mai nhẫn nại sống bên cạnh chồng, sợ hãi và trung thành như một đứa ở, sẵn sàng cúi đầu trước những lời chửi mắng. Ðứa con ra đời làm Vân trở nên dịu dàng và tử tế hơn đối với nàng, nhưng lòng chàng thì vẫn hờ hững dửng dưn
***                                                                                                                                                                                                                                  Nhớ lại những việc đã qua, lần này Vân thấy xúc động trong lòng. Chàng cúi xuống nhìn Mai, nhìn nét mặt hiền từ và hơi buồn bã trước ánh lửa. Chàng bỗng thấy như vẻ buồn ấy là một sự trách móc cái tàn ác của chàng bấy lâu nay. Một tấm tình thương rung động và nẩy nở trong thâm tâm chàng. Vân dịu dàng đặt tay lên vai vợ, nói khẽ. Tiếng chàng run, và lạ hẳn đi đối với tai chàng:
- Khuya rồi đấy, thôi em đi nghỉ đi, để mai làm.
         Lần thứ hai, Mai trả lời:
- Ðể em thái nốt chỗ nầy đã cho xong một thể.
- Không, em cứ cất đi. Lúc nào làm chả được vội gì.
          Mai ngừng tay, thu dọn. Nàng thôi vì quen nghe lời chồng xưa nay, và không dám trái ý. Nhưng đến khi ngửng lên nhìn Vân, nàng thấy trong mắt chàng một vẻ âu yếm khác thường. Một nụ cười nở trên môi, nàng vui vẻ nói:
 - Ừ nhỉ, thôi em cất đi nhé.
         Vân cho thêm củi vào lò sưởi, khỏi cho ngọn lửa sáng lên. Chàng bảo:
- Xong em vào ngồi đây cho ấm.
          Mai ngồi xích lại bên chân chồng, tựa vào thành ghế. Hai người yên lặng ngồi nhìn ngọn lửa reo; ánh hồng trong lò tỏa ra làm xinh đẹp khuôn mặt của nàng.
- Em bé bây giờ chắc đương ngũ kỹ đây.
- Mai nó dậy thấy ngựa anh mua chắc nó sung sướng lắm anh nhỉ?
        Vân gật đầu, yên lặng – Dĩ vãng lại xâm chiếm ý nghĩ của chàng. Vân nhớ đến Mai ngày còn xinh và trẻ tuổi, đến cái tình yêu mến của lòng chàng. Nếu không có sự ngáo trở sẩy ra chàng đã lấy cô thiếu nữ thơ ngây và trong sáng là Mai, trước khi nàng biết nững sự đau khổ vì chồng. Chàng sẽ âu yếm giắt nàng cùng đi trong cuộc đời... Lòng nhớ tiếc những ngày sung sướng có thể có ấy rồn đến chàng như một lớp sống vào bờ. Nhửng kỷ niệm cứ hiện lên trong trí nhớ của chàng rõ rệt. Vân ngập ngừng cúi xuống Mai:
- Em còn nhớ trước ngày em về nhà chồng không
         Cũng rét như hôm nay, chả khác gì. Có phải hôm ấy em bận chiếc áo nhung đen không?
Mai khẽ lắc đầu:
- Lâu nay em cũng không còn nhớ nữa.
         Nàng ngạc nhiên: từ khi lấy nhau, nàng không thấy chồng nhắc đến những chuyện cũ về trước bao giờ.
- Thấm thoát thế mà đã bẩy, tám năm rồi, chóng quá em nhỉ. Ðộ ấy, chúng ta khỏ biết bao nhiêu; anh trông em khóc anh buồn quá. Có phải thế không, em Mai.
          Mai yên lặng nhìn ngọn lửa chập chờn, nàng thấy hiện dần ra trong ấy những hình ảnh nàng tưởng đã mờ. Tiếng nói âu yếm của Vân xúc động đến những mối đau khổ của nàng... dần dần, những ngày qua sống lại, đè nén trên tâm can. Nàng thấy bàn tay Vân lần xuống nắm chặt lấy tay nàng; âu yếm, Mai ngả người dựa hẳn vào chân chồng. Vân tưởng như sống lại bao nhiêu năm về trước, chàng tưởng ngồi dưới chân chàng chính là Mai khi xưa, lòng chàng lại thiết tha yêu mến.
          Cái kỷ niệm êm đềm ấy đến lần với những buổi đau khổ của Mai, những lúc chàng hành hạ, tàn ác với chàng. Vân thấy mủi lòng, nước mắt bỗng nhiên ứa lên cổ khiến chàng nghẹn ngào thương xót. Chàng kéo Mai vào lòng thổn thức:
- Em tha lỗi cho anh nhé.
         Mai lặng lẽ ngước mắt nhìn chồng. Khóe mắt nàng đẫm lệ; bao nhiêu nỗi buồn trong lòng nàng tan đi, chìm đắm trong tình yêu mến.
         Nàng giờ tay quàng lên vai Vân, gục đầu vào ngực chồng, Vân sẽ hôn trên vừng trán đã răn của nàng, nhưng chàng tưởng ôm Mai khi xưa.
         Hai người đều yên lặng không nói, cùng nhìn ngọn lửa reo hồng trong bóng tối, Vân thấy sung sướng như vừa mới yêu, và từ dĩ vãng xa xăm bóng người xưa lại trở lại bên chàng, tươi tắn và xinh đẹp như buổi gặp gỡ ban đầu.
         Chàng bỗng thấy một ý muốn khêu gợi tro tàn, cái quá vãng của Mai từ khi đi lấy chồng, chưa bao giờ Vân hỏi đến. Hai người cùng lặng lẽ và đồng ý mà không nhắc đến chuyện cũ. Nhưng tối nay Vân muốn biết. Chàng bắt Mai kể lại cuộc đời của nàng bên người chồng trước, những nỗi đau khổ, lo nghĩ nàng đã trải qua, Mai vâng lời, thuật lại với một giọng nói trầm buồn bã, một giọng nói khẽ, như nàng sợ làm trở dậy trong thâm tâm những vang động đã lặng yên.
          Vân thấy một cảm giác lạ. Chàng tưởng như có mũi lạnh trích vào tim mỗi khi Mai kể đến một hành vi tử tế hay âu yếm của người chồng cũ; không xót thương, chàng đợi nghe những cái tỉ mỉ, rõ rệt vẽ lại trong trí dáng điệu thân ái của hai người. Lòng chàng đau đớn như chảy máu; chàng nắm chặt lấy Mai ghì nàng sát vào người. Mai kể những nổi tủi nhục, những lúc bị đánh đập, Vân thấy khổ sở như chính chàng bị hành hạ; Vân lại nghĩ đến những lúc, chính chàng đã hành hạ, tàn ác với Mai. Chàng rùng mình cho sự tàn ác ấy, tự giận mình đã ích kỷ và tự ái nhiều.
         Khi Mai đứng nói, Vân ôm đầu nàng quay lại trước mắt mình, chàng nhìn vợ qua nước mắt, hôn vào má nàng:
- Anh thương em quá. 
        Rồi muốn ghi nhớ một sự thay đổi từ đây, Vân âu yếm nhắc: 
- Ngày mai em bé được đúng một tuổi rồi. 
        Mai không đáp, tin cẩn nép vào người chồng. Ngọn lửa trong lò bừng sáng và rởn múa trên thân hồng, củi khô lách tách nổ như vui cùng với cái vui của vợ chồng.
Thạch Lam