Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2016

Nhạc - Thơ - Văn - Mặt trời mùa Đông

Người Em Sầu Mộng

Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa

Hạnh phúc mùa Đông
Trong sương giá em thấy tình đằm thắm,
Mặt trời cao mang nắng ấm cho đông...
Mưa vẫn rơi lấm tấm lướt qua song,
Đôi má chị luôn tươi màu hạnh phúc !

Đông sẽ qua, Xuân hồng thôi thúc giục,
Nắng vàng ươm xanh mướt lá thầu đâu...
Chị theo người nào ngó lại phía sau,
Em lầm lủi cô đơn trên đường vắng !!

Trời mùa đông, mặt trời không có nắng !
Tiếng hát người sưởi ấm trái tim yêu...?
Trương Chi nay không mang kiếp cô liêu,
Hoa hạnh phúc thay mộng vàng tan vỡ !?
NM

Mặt trời mùa đông
1. 
Không biết từ bao giờ, chị Như không còn tham dự vào những trò chơi trẻ con với tôi nữa. Từng chiều, thay vì ra vườn bẻ cọng bông cẩn làm gương đeo mắt hoặc tước bẹ lá dừa khô làm xe kéo chạy đua từ hàng chè tàu đến gốc cây sầu đông trước nhà, chị lại ra thềm đứng vẩn vơ, khi thì lắng tai nghe tiếng chim hót chuyền cành, khi thì thả hồn theo đám mây trắng lang thang. Mấy lúc gần đây, chị thường ra đứng bên cửa sổ, nghiêng mái tóc mượt mà, kín đáo nhìn sang vườn nhà bên cạnh, đôi mắt đẹp của chị khẽ chớp, không hiểu chị đang chờ đợi ai. Có nhiều lúc chơi buôn bán một mình buồn quá, tôi dẹp bộ nồi niêu bằng đất vào hộc bàn, chạy đến bên chị Như, tựa đầu vào vai chị, tò mò theo dõi hướng mắt chị. Nhưng tôi chả thấy gì cả ngoài mấy bụi lá gai và hai cây trần bì quen thuộc bên vườn bác Phán Tần. Vườn nhà bác hẹp và xấu hơn vườn tôi nhiều, không biết chị Như đã nhìn thấy gì bên đó? 
Mấy hôm nay trời chuyển mùa, ông mặt trời cứ mãi giấu mình sau những đám mây xám đục làm áo quần tôi giặt phơi hoài chẳng khô. Rồi những hạt mưa mỏng bắt đầu rải nhẹ bụi phấn lăn tăn trên mặt sông Bến Ngự, mưa bay vào hòn non bộ vườn nhà tôi làm ướt áo các ngư ông, mưa lấm ấm rắc hoa lên chiếc dù xanh của chị Như đi học về, miệng vừa run vừa hát: Mưa rơi… chiều nay vắng người…(*) 
- Lạnh quá. Lạnh vô hậu. 
Chị Như quăng cặp xuống ghế, leo lên giường kéo mền quấn hai chân lại. Một lát, đã đủ ấm, chị giở mền ra, vói tay lấy chiếc cặp căng phồng: 
- Tâm ơi, tới chị cho coi cái ni. 
Đang chán trước bài sử dài dòng tụng mãi không trôi, tôi xếp vở lại: 
- Chi rứa bà? 
Chị lôi trong cặp ra hai cuộn len màu xanh đậm: 
- Nì, dễ thương chưa? Chị sẽ đan cho Tâm và chị hai cái áo kiểu dài tới đầu gối
 Tôi giật cuộn len, săm soi: 
- Màu chi mà giống mụ tra. Răng chị không mua màu đỏ? 
Cụt hứng, chị Như nguýt:
- Mi nhà quê quá, màu ni mô đen nhất Huế đó. 
- Màu hủ lậu nhất Huế thì có, em không ưa mô. 
Chị Như cất cuộn len dưới gối rồi đứng dậy: 
- Tâm còn con nít lắm, chả biết cảm thụ màu sắc chi cả. Không thèm cãi với Tâm nữa, chị đi nấu cơm đây. 
- Chị nhớ rang bắp tối ni ăn học bài cho mau thuộc nghe
 Chị Như cốc vào đầu tôi: 
- Không để cho cái miệng đâm da non.
2.
Bụi mưa càng lúc càng dày mang theo sương lạnh. Đêm xuống dần. Mùa đông xứ Huế bắt đầu trong cái rét ngọt ngào thấm vào da thịt vừa tê tái vừa bâng khuâng. Hai chị em cuộn mình trong mền, bật thêm ngọn đèn 100W cho ấm, vừa học bài vừa ăn bắp rang nóng giòn tan
 - Tâm nì, tuần sau lớp chị đi cắm trại ở đồi Vọng Cảnh đó. 
Tôi rùn vai
 - Lạnh bắt chết mà cắm trại chi. Chờ ra Tết trời đẹp rồi tổ chức có hơn không? 
- Khi đó không có thời gian mô. Tụi chị còn phải thi học kỳ, thi tốt nghiệp, rồi còn ôn thi đại học nữa. 
- Em sợ mai mốt mưa gió dầm dề, mấy chị lên đồi Vọng Cảnh hóa thành heo đông lạnh hết. 
- Thành chi cũng được. Quan trọng là có những tấm ảnh kỷ niệm ba năm chung học dưới mái trường. Tụi chị bàn với nhau
 Đôi mắt tôi ríu lại, hàng chữ trước mắt nhảy múa lung tung
 - Chị Như ơi, em buồn ngủ quá. Chị cất vở cho em đi. 
- Ừ. Xích vô trong một chút để chị đằng mùng. 
Tôi kéo mền tận cằm. Hơi lạnh len qua khe cửa lùa vào phòng buốt giá. Tôi thấy những hạt bắp nở bung ngàn bông trắng, tôi thấy chị Như nô đùa cùng các bạn trên đồi Vọng Cảnh tím ngắt hoa mua… Tôi chìm vào giấc ngủ say cho đến khi đầu mũi tôi chợt lạnh buốt, đôi má cứng ngắt như biến thành nước đá, tôi mở choàng mắt ra. Gió lùa vào từ hai cánh cửa kính mở toang, tràn ngập căn phòng nhỏ. Đưa tay sang bên tìm chị Như, cảm giác trống không khiến tôi hoảng hốt ngồi dậy. Kìa chị Như! Chị đang đứng im lìm bên tấm màn cửa phất phơ, áo măng tô dày cộm phủ từ đầu đến chân. Chị điên rồi sao. Nửa đêm không chịu ngủ lại ra cửa sổ hóng làn gió đông lạnh buốt. Tôi định la lên thì bỗng… Từ phía vườn nhà bác Phán Tần, trong đêm khuya tĩnh lặng, một tiếng hát tình tứ bay sang: Em là gái trong song cửa, anh là mây bốn phương trời…(*) Giọng ca thật ấm hòa vào tiếng đàn guitare bay bướm lắng sâu vào không gian tím ngắt. Tôi trùm mền kín đầu, chừa hai con mắt quan sát chị Như. Chị vẫn đắm vào giấc mơ màng bên cửa sổ, đôi mi cong khẽ chớp. Dù trời càng lúc càng lạnh, nét mặt chị vẫn tươi như hoa. 
3.
Buổi sáng đi học, tôi mặc nính chiếc áo len vàng của chị Như. Áo còn mới tinh, vậy mà chị định bỏ để đan áo màu xanh đậm già ơi là già. Mấy người lớn sao nhiều chuyện ghê. Gió từ mặt sông thổi lên lạnh buốt. Trời tạnh nhưng vẫn không thấy ông mặt trời. Ông phiêu du nơi nao cho cỏ cây buồn nhớ nắng, cả tôi nữa, vắng ông rồi tôi chả muốn ra vườn chơi. Chợt có hai điểm sáng màu đỏ lập lòe trước mắt tôi rồi vụt băng qua đường. A, đôi bướm! Chưa bao giờ tôi thấy loài bướm có màu sắc rực rỡ như vậy. Phải lại gần xem mới được. Không nghĩ ngợi, tôi chạy theo, không để ý chiếc Honda từ xa trờ tới. Két… két… Chiếc xe thắng kịp nhưng bánh trước chạm vào ống chân tôi đau điếng
 - Ui da
 Tôi ngồi bệt xuống đường trước đôi mắt lo ngại của người thanh niên cầm lái. Người phụ nữ lớn tuổi ngồi phía sau lật đật nhảy xuống: 
- Trời đất, cháu Tâm đây 
 Tôi nhận ra bác Phán Tần nhưng hoảng quá, tôi không nói được tiếng nào. Người thanh niên hấp tấp dựng xe bên đường, chạy lại: 
- Em có sao không
 Bác Phán Tần đưa tay nắn bắp chân tôi: 
- Đau nhiều không cháu?  
Tôi thử co duỗi chân. Không việc gì. Tôi hoàn hồn trở lại: 
- Dạ… cháu đau sơ sơ thôi. 
Bác Phán Tần nhìn người thanh niên
 - Chi à, đây là Tâm em của Như đó. 
Hình như cái tên của chị Như đã làm cho anh chàng Chi xúc động. Anh bối rối lượm chiếc cặp văng cạnh đó đem đến cho tôi: 
- Em đi có được không? Để anh chở em đến trường nhé. 
Bác Phán Tần gật đầu tán thành: 
- Phải rồi. Cháu Tâm lên xe anh chở đi học, đừng ngại chi hết. Anh Chi là cháu ruột của bác đó.
Bây giờ thì tôi đã hiểu được lý do chị Như hay đứng bên cửa sổ nhìn sang vườn bác Phán Tần. Tôi cũng đã thấy được mặt mũi anh chàng có giọng hát truyền cảm đã chiếm trọn tâm hồn chị Như xinh đẹp của tôi. 
Ngày xưa có gã Trương Chi,
Người thì thật xấu, hát thì thật hay
  Mỵ Nương đã tương tư tiếng hát Trương Chi, đến khi gặp mặt chàng thì mộng vàng tan vỡ. Đằng này, khác hẳn chuyện cổ tích, tuy anh chàng này cũng mang tên Chi nhưng lại chẳng xấu trai tí nào. Dáng người cao ráo, mắt sáng mũi thẳng, giọng nói đầm ấm dịu dàng, hỏi làm sao chị Như chê cho được? Ghét ghê! Nghe nói anh Chi ở tuốt bên Vỹ Dạ, nay nhà anh cơi thêm lầu nên bác Phán Tần gọi về “tạm trú” cho tiện đi học. Bác khoe với mẹ là anh đang học Y khoa năm thứ tư. Anh học giỏi đâu tôi không biết, chỉ thấy anh có mắt tinh đời, mới chân ướt chân ráo về đây đã trồng cây si thật đúng chỗ. Từ năm học lớp mười, chị Như đã nổi tiếng là hoa khôi Bến Ngự, càng lớn, chị càng đẹp, càng nết na. Mỗi lần chị đi học về có hàng chục “cái đuôi” bám theo, nhưng chị không để ý đến ai cả. Chị chỉ lo học hành, phụ ba mẹ làm công việc nhà và kèm cho tôi học. Nhà chỉ có hai chị em nên bao nhiêu tình cảm chị dồn hết cho tôi. Vậy mà khi không từ bên Vỹ Dạ vèo sang một anh Chi mày râu nhẵn nhụi đáng gờm. Nếu anh không có giọng ca thiên phú ấy thì đừng hòng gạt tôi ra khỏi trái tim chị Như. Lạy trời cho quỉ tha ma bắt anh Chi đi! 
4.
Cả tuần nay ông mặt trời cũng lạnh hay sao mà cứ đắp chăn mây ngủ mãi cho cây sầu đông trước sân nhà tôi rụng lá miên man. Người Huế tôi gọi đây là cây thầu đâu. Vào mùa hè cây rất xanh tốt, lá sum xuê mang nhiều hơi ấm nên mẹ thường dùng lá lót ổ cho gà ấp. Tôi thích chơi dưới bóng mát của cây và đến mùa thu, khi cây bắt đầu nhú những nụ hoa màu tím nhạt, tôi lại bắc thang lên hái bày hàng buôn bán. Bây giờ trên cây chỉ còn lại những chùm trái tròn đong đưa trong gió lạnh, chắc chúng cũng buồn theo tôi kể từ ngày chị Như bỏ tôi để đi vào thế giới mộng mơ chỉ có chị với anh Chi mà thôi.
Lá rụng khắp vườn. Chỉ có hàng dừa là vẫn xanh tươi đón chào những hạt mưa rơi tí tách. Mưa khóc giọt vắn giọt dài trên mặt hồ đầy bèo tấm, mưa dầm dề từ ngày này sang ngày khác cho trời đất âm u, đường sá bùn lầy. Những sợi mưa trên đường tôi đi học châm buốt thịt da, chả biết có phải lòng tôi đang rầu rĩ hay không mà sao thấy vườn nhà ai cũng xám xịt, buồn thiu. Vậy là chị Như sắp về nhà người ta rồi. Nghe mẹ nói Tết này chỉ làm đám hỏi thôi, chờ anh Chi ra trường mới cho cưới. Dù sao, chị Như cũng đã thuộc về nhà khác, càng nghĩ tôi càng ghét cay ghét đắng anh Chi.
Chiều hôm qua mưa rất to, vậy mà anh Chi vẫn chạy xe về Vỹ Dạ lo đám giỗ. Bỗng dưng tôi có một mong ước rất độc ác, lạy trời cho xe anh Chi đi ngang Đập Đá bị nước lụt dâng lên lôi cả xe lẫn người ra cửa Thuận An cho đáng đời! Ai biểu khi khổng khi không tới cướp mất chị Như của người ta.
Sáng nay nghỉ hai giờ sau, một mình thả bộ về nhà sao mà nghe cô đơn theo từng bước. Qua khỏi cầu Ga, trời đang lâm râm bỗng đổ mưa lớn. Quên đem áo mưa, tôi đành đội cặp lên đầu chạy ù về nhà. Đường trơn ướt làm tôi suýt té mấy lần. Đến trước cổng, chiếc dép tôi bị bung quai, bùn văng đầy áo, dính cả vào mặt, tóc tai nước chảy thành dòng. Chưa kịp tìm khăn lau, tôi đã nghe tiếng cười vui rộn ràng nơi phòng khách Vậy là chẳng có dòng nước lụt nào lôi anh Chi đi cả, chỉ có dòng nước mắt tủi thân chảy tràn trề trên má tôi. Ba mẹ đi làm hết, còn mỗi chị Như ở nhà cũng chả thèm chạy ra hỏi thăm tôi đang như con mèo ướt. Buồn quá, tôi nằm vùi xuống giường, mặc cho mái tóc sũng nước, quần áo lấm lem. Vẳng ngoài nhà, tiếng đàn cùng giọng hát anh Chi: Có hay lúc em về, gót chân bước gieo âm thầm trên đường một mình ngoài mưa, mưa như mưa trong lòng anh…(*) Tôi bịt tai lại. Không thèm nghe. Tôi ngủ quên trong tiếng mưa rơi đìu hiu trên mái ngói, cho đến khi có tiếng kêu của chị Như: 
- Trời ơi, Tâm để đầu ướt mà ngủ hả? Đau đầu chết. 
Tôi mở mắt nhìn chị Như lăng xăng đi tìm khăn lông lau tóc cho tôi, đầu óc lâng lâng không cảm giác. 
- Dậy ăn cơm với chị rồi đi xi nê. 
- Em không đi mô hết.
- Rứa thì ra ăn cơm. Bữa ni có chả tôm ngon lắm.
- Em không ăn chi hết 
- Ủa, Tâm lạ thiệt đó. 
- Em mà lạ với quen chi. 
- Bộ Tâm giận chị hả? 
Tôi lắc đầu rồi nằm yên nhìn những hạt mưa lăn dài ngoài cửa kính. Có tiếng anh Chi: 
- Như ơi, Tâm làm sao vậy? 
- Nó không chịu ăn cơm, không chịu đi xi-nê anh nờ. 
 - Như xem Tâm có bị cảm mưa không?  
Chị Như luống cuống đặt tay lên trán tôi: 
- Anh Chi ơi, trán nó lạnh ngắt. Anh mau xuống bếp làm giùm Như một cái lồng ấp để sưởi cho n
  - Được rồi. Như lấy dầu xoa tạm cho Tâm đi
 Tôi nhắm mắt hít lấy mùi hương bạc hà dễ chịu đang tỏa ra từ bàn tay mềm mại của chị Như. Sao nghe lòng rưng rưng. Bỗng một làn khói đen mù mịt từ bếp xông thẳng vào phòng làm hai chị em ho sặc sụa. Chị Như vừa thở vừa la 
- Anh Chi, bộ anh đốt nhà hả? 
Anh Chi xuất hiện nơi cửa phòng, nước mắt nước mũi ràn rụa: 
- Than còn nhiều củi quá, lại bị ướt, anh thổi hoài mới cháy được. Chờ nghe. 
Anh biến đi một thoáng rồi trở lại với chiếc lồng ấp tròn trịa trên tay, màu than hồng ửng lên ấm áp. Chị Như loay hoay: 
- Để Như sưởi đôi bàn chân của Tâm trước. Anh bắt mạch cho nó thử xem. 
Nhìn nét mặt lo lắng của chị Như, cả anh Chi nữa (anh cũng tỏ ra quan tâm đến tôi quá đấy chứ), tôi bỗng hối hận. Đúng tôi là một con bé ích kỷ, không xứng đáng với tình thương của chị Như chút nào. Tôi thương chị Như có nghĩa là tôi muốn cho chị được hạnh phúc. Vậy thì anh Chi đó. Anh có học, con nhà đàng hoàng lại đàn giỏi hát hay, rất hợp với tâm hồn bay bướm của chị Như. Hạnh phúc chắc chắn sẽ đến với anh chị, tại sao tôi lại cản ngăn một mối tình đẹp như thế? Rồi mai đây, tôi sẽ lớn, tôi sẽ có những phút giây mơ mộng như chị Như và tôi cũng sẽ yêu… Tình yêu dẫn dắt con người vào một thế giới lung linh muôn màu sắc và chị Như đang say sưa trong vầng hào quang đó. Tôi đã sai lầm khi muốn giữ mãi chị trong vùng trời thơ ấu của tôi. Tôi hư quá. Vậy mà chị Như không trách tôi một lời, còn lo cho tôi đủ thứ. Nghĩ mà thương chị Như ghê. À, mà cũng… hơi hơi thương anh Chi nữa 
Anh Chi nắm cổ tay tôi một lát rồi buông ra: 
- Không sao. Mạch vẫn bình thường 
Tôi ngồi dậy, hơ hai bàn tay lên lồng ấp, xoa xoa vào nhau rồi ép tay vào má. Ấm ghê. 
- Tâm còn mệt không? 
- Em khỏe rồi. 
Nét mặt chị Như tươi lại. Chị vén những sợi tóc lòa xòa trên trán tôi, rồi vuốt má tôi âu yếm. Tôi được thể 
- Chị Như ơi, em đói bụng. 
- Thì ra ăn cơm với ch
- Em đi xi nê nữa. 
- Hay quá. Rứa mà mai chừ Tâm làm chị lo bắt chết
 Tôi theo chị ra phòng khách. Anh Chi đưa cho tôi viên thuốc và ly nước lọc. 
- Em không đau mà. 
- Em cứ uống để phòng xa. Ngoan. 
Thuốc không đắng nhưng tôi vẫn giả vờ nhăn mặt. Anh Chi và chị Như cùng nhìn tôi thương yêu. A, có thể vậy mà hên. Tôi sẽ có thêm một người anh nữa để tha hồ nhõng nhẽo. 
Chị Như sửa soạn bàn ăn. Anh Chi cầm cây đàn vui vẻ bảo tôi: 
- Anh hát tặng Tâm một bài nghe, để mừng Tâm đi học về bị mắc mưa mà không sao cả. 
Giọng anh Chi lúc nào cũng hay như ca sĩ: Em bước vào tuổi mười lăm, bao mới lạ đến dần theo tháng năm, bao ước vọng và mộng mơ…(*)
Tôi ngồi im trên ghế dựa, vui vui nhìn lên cây sầu đông đang rung rinh những chùm quả trơn bóng trẻ trung. Mưa đã tạnh hẳn, lần đầu tiên trong mùa, ông mặt trời len ra khỏi đám mây, soi ánh mắt rạng ngời xuống trần gian làm cây lá trong vườn tôi như mướt xanh hơn...
Thuỳ An
Kết quả hình ảnh cho  mùa đông nghèo

Nắng lên xóm nghèo

Mẹ đem ấm áp cho đời,
Mẹ là ánh sáng tuyệt vời trong con...
NM


Áo vá mùa đông  
Gió thổi rét mướt len qua cây cối, len qua nhà cửa, len đến thấu xương thịt. Những ngày đầu đông, ruộng đồng quạnh quẽ, đường sá thưa thớt. Người ta ngại ra đường vì sợ lạnh và ướt át. Nếu bắt buộc phải ra thì ai nấy đều trùm lên mình một chiếc áo bông dày cộm, to tướng. Tần chẳng thế. Không hiểu vì sao mà vào những ngày này, khi lớp nó ai nấy đều chui vào những chiếc áo ấm đủ màu sắc, thì nó vẫn mặc quần xanh áo trắng mỏng manh đến trường, cứ như nó vẫn đang nhung nhớ mùa hạ, không nỡ rời xa tiết trời nóng bức vậy.



Ban đầu, khi cơn rét mới chập chững tới làng quê này, nước chưa lạnh và không khí vẫn còn trong suốt, bạn bè Tần nghĩ chuyện nó không mặc áo ấm là bình thường. Có thể người này thấy lạnh, nhưng người kia lại không. Cho đến khi trời ngày càng buốt, người ta nói không ra hơi vì miệng đông cứng và không dám rớ tới nước dù chỉ một giọt thì chuyện thằng Tần vẫn tiếp tục không mặc áo ấm là chuyện lạ lùng. Người lớn thấy nó cứ chơn chơn mình không manh giáp đi qua thì chậc lưỡi lo lắng. Bạn bè nó hít hà nhìn nó ngỡ ngàng, còn cô Kim Chi thì liên tục nhắc nhở vì sợ nó đổ bệnh. Nhưng Tần cứ trơ trơ, nó vẫn đến lớp mà không mặc áo ấm, không ai nghe nó than lạnh nhưng môi nó ngày càng tím và khuôn mặt thì tái không còn tí máu. 
Ban đầu, cô Kim Chi còn nhỏ nhẹ nhắc nhở kiểu
 - Tần, sao em không mặc áo ấm? 
Hoặc:  
- Tần! Em không thấy lạnh sao?  
Có khi lại:
 - Trời lạnh lắm rồi, các em phải mặc ấm vào, đổ bệnh thì khổ ba mẹ lắm! Các em lại mất bài, sắp thi đến nơi rồi còn gì! 
Nhưng Tần không thèm nghe, những câu trả lời của nó làm cô Kim Chi giận tím người: 
“Em không lạnh, thưa cô!” hoặc “Em bỏ quên áo ở nhà ạ!” hay “Áo em giặt chưa khô cô ơi!”... 
Cô Kim Chi ức lắm. Cô giận nó thì ít mà giận mẹ nó thì nhiều. Cô tự hỏi tại sao một người mẹ lại không lo lắng chuyện con mình có được đủ ấm, được an toàn hay không nhỉ? Nhất là trong thời tiết rét buốt như thế này, chẳng phải hình ảnh chiếc áo khoác to sụ sẽ luôn phải hiển diện trước mắt sao? Sao thằng Tần không không vậy hoài mà mẹ nó chẳng quan tâm gì cả? Cô nghĩ ra trong đầu mình chục câu hỏi và dán đôi mắt mình vào Tần mỗi giờ lên lớp. Một hôm, cô nói nhỏ với Cẩm Lệ: 
- Ngồi gần Tần, em có hỏi sao Tần không bao giờ mặc áo ấm không? 
Cẩm Lệ xịu mặt xuống, nó nói như oan ức dữ lắm: 
- Em hỏi rồi cô ạ! Lần nào Tần cũng nạt em “nhiều chuyện”!
Chủ nhật, cô Kim Chi một mình chạy xe đến tận cuối làng. Cô hỏi nhà Tần, mọi người bảo cứ đi hết con đường đất lầy lội này cho đến khi nào không đi được nữa thì đến. Cô đi mãi rồi cũng tới. Căn nhà tranh nhỏ xíu, mặt trước thõng xuống vì gió quật. Cô bước vào nhà, trong nhà trống trơn, cả người, cả vật. Một lúc sau, mẹ Tần từ dưới bếp đi lên. Nhìn thấy cô Kim Chi, mẹ Tần cuống lên: 
- Ôi, cô giáo! Mời cô ngồi!  
Cô Kim Chi ngồi xuống trên chiếc ghế chòng chành duy nhất giữa nhà. Mẹ Tần vội vã đi châm nước, pha trà gừng. Vừa làm, mẹ vừa húng hắng ho. Những cơn ho kéo dài, nặng nề khiến cô Kim Chi thở dài thườn thượt.
Mẹ Tần độ chừng bốn mươi. Vốn dĩ tuổi đó vẫn còn trẻ khỏe lắm, nhưng chính cái nghèo, cái khổ sở nơi miền quê này khiến chị già nua hẳn đi. Chị khoác chiếc áo len mỏng manh trên người, lặng lẽ ngồi xuống trên phản gỗ, khẽ khàng hỏi: 
- Cô giáo đến chơi hay đến có việc gì ạ? 
Cô Kim Chi nhoẻn miệng cười: 
- Em tới thăm chị thôi! Chị bệnh lâu chưa? Nghe chị ho nặng quá! Chắc phải đi trạm xá xin thuốc. 
Mẹ Tần cười ngại ngùng. Chị không giấu vẻ xúc động trên khuôn mặt trắng bệch vì mệt của mình: 
- Cảm ơn cô giáo quan tâm! Tôi đỡ nhiều rồi! Thằng Tần nhà tôi học hành thế nào hả cô? 
Cô Kim Chi muốn nói chuyện chiếc áo, nhưng không nỡ.  
Cô sợ nói ra, mẹ Tần sẽ buồn, sẽ tự ái. Người nghèo chỉ có lòng tự trọng là quý giá nhất, cô không muốn chạm vào ranh giới ấy. 
- Tần vẫn ngoan chị ạ! Chị đừng lo! Cố giữ gìn sức khỏe nha chị! 
Lúc cô quay xe ra về, mẹ Tần đứng mãi ngoài cửa ngóng theo với đôi mắt ươn ướt. Bỗng cô thấy Tần đi ngược lại. Nó đang chăm chăm nhìn vào cái gì trên tay nên không trông thấy cô. Điều kỳ lạ là Tần đang mặc một chiếc áo ấm màu xám to sụ. Không giấu nổi sự ngạc nhiên, cô suy nghĩ một hồi rồi tự nhủ chắc Tần có áo rồi, ngày mai khi đi học nó không phải co ro nữa. 
Nhưng chẳng có gì thay đổi cả. Tần vẫn vậy, chỉ có cô Kim Chi là càng thấy khó hiểu. Cô định sau giờ học sẽ nói chuyện với Tần, nhưng chưa kịp thì... Tần ngất. Tần bị cảm lạnh, run bần bật. Cô Kim Chi và các bạn vội vã đưa Tần về nhà. Hôm ấy trời rét đến cùng cực. Mẹ Tần hốt hoảng lấy chăn, áo đắp lên cho con, đôi mắt chực khóc vì lo lắng. Sau khi Tần thiếp đi vì mệt, cô Kim Chi và các bạn xin phép ra về. Đến cổng, cô nán định hỏi mẹ Tần chuyện chiếc áo thì mẹ Tần nắm lấy bàn tay cô: 
- Cảm ơn cô nhiều lắm! Thằng bé này đúng là hư
Đi học mà bỏ quên áo ấm ở nhà. Mọi hôm ngày nào tôi cũng nhắc nó mặc áo ấm rồi mới được đi học, hôm nay mệt quá quên nhắc một cái là y như rằng có chuyện... Nếu không có cô
 Mẹ Tần không nói hết câu được bởi những cơn ho bỗng làm chị đứt quãng. Cô Kim Chi đứng chôn chân trước cửa nhà Tần. Cô chẳng hiểu, chẳng biết phải làm gì.
Đúng thật là ngày nào Tần cũng mặc áo ấm đến trường, nhưng chỉ là lượn qua một vòng trước mặt mẹ cho mẹ nó an tâm thôi. Vừa khuất mắt mẹ là nó cởi ngay ra nhét vào trong cặp mặc gió thốc thấu xương. “Giá như áo không vá lỗ chỗ thế này thì tốt quá!”, Tần vẫn hay tự nhủ như thế. Tần ghét cay ghét đắng mùa đông. Mùa này đến trường, Tần thấy mình lạc lõng, cô đơn đến rợn người. Nhìn những chiếc áo ấm đủ màu, dày cộm, mới tinh của các bạn, Tần không khỏi tủi thân. Nó chỉ mong sao áo nó không phải vá, sờn cũ cũng không sao, chỉ cần lành lặn thì nó đã không sợ xấu hổ đến mức thà chịu lạnh như thế này. Tần cũng không dám xin mẹ mua cho áo mới. Nó biết mẹ nó khổ lắm, lại ốm đau liên miên. Nhìn mẹ hục hặc ho suốt đêm, thở không ra hơi làm sao nó nỡ lòng nào xin mẹ chuyện đó. Nhưng nó không muốn mặc chiếc áo vá víu ấy đến trường. Tần không muốn bạn bè nhìn mình bằng con mắt thương hại. Tụi nó không nói trước mặt, nhưng đằng nào về nhà chúng chẳng kể lại với ba mẹ chúng rằng: “Ở lớp con có bạn Tần mặc áo cũ ơi là cũ, nhìn rất tội nghiệp”. Nghĩ vậy nên đi học Tần tuyệt nhiên không mặc gì khác ngoài bộ quần xanh áo trắng. 
Sau trận bệnh, Tần vẫn tuyệt nhiên không mặc áo ấm. Trời lúc này lạnh hơn hẳn. Cô Kim Chi bực quá, gọi Tần lên mắng. 
- Cô hỏi thật em, tại sao em đi học mà không mặc áo ấm! Trời lạnh thế này, em mà bị bệnh lần nữa thì sao? 
Tần cúi đầu lí nhí: 
- Thưa cô! Em...  
- Đừng có nói với cô là em bỏ quên nữa! Mẹ em nói ngày nào em cũng mặc ấm trước khi ra khỏi nhà! Vậy giờ áo ấm em để đâu mà không mặc tới trường. Bộ em muốn làm khổ mẹ em lắm sao
 Tần lặng lẽ, nhìn chằm chằm xuống đất, không cất lên được một câu. Cô Kim Chi chậc lưỡi: 
- Nếu như ngày mai em tiếp tục như vậy thì cô sẽ tới tận nhà nói với mẹ em đấy! 
Nhưng cô Kim Chi không cần nói thì hôm ấy mẹ Tần cũng biết cả. Chị lo con còn mệt nên ráng dậy đến đón con. Chờ con trước cổng trường, chị ngắm hết đứa học trò này đến đứa học trò khác. Đứa nào cũng kín mít trong những chiếc áo lạnh đủ màu sắc. Trông vừa ngộ ngộ vừa đáng yêu. Chị nhìn mãi mà không thấy Tần đâu cho đến khi phát hiện nó đang lọt thỏm giữa một mớ áo bông to sụ của bạn bè. Nhìn Tần mặc áo trắng quần xanh đứng liêu xiêu trong cơn lạnh, chị gọi to: 
- Tần! 
Thấy mẹ, Tần giật mình, nó chầm chậm miễn cưỡng tiến về phía mẹ. Mẹ nó hỏi giọng lo lắng: 
- Áo con đâu? 
Tần lí nhí: 
- Dạ, trong cặp! 
- Sao con không mặc? - Mẹ Tần bắt đầu lớn tiếng. 
Tần cúi gằm đầu: 
- Tại con không thấy lạnh
 Mẹ Tần gằn giọng vì vừa tức vừa lo: 
- Trời này mà con không thấy lạnh sao? Con muốn bệnh ra đó hả? Con thấy nhà mình nhiều tiền lắm hay sao mà muốn bệnh đau hoài vậy hả? 
- Vậy mẹ mua cho con cái áo mới đi! 
Tần hét lên rồi bỏ chạy thật nhanh. Mẹ Tần chết sững. Chị nhận ra rằng, thì ra, đó là lý do nó không chịu mặc áo ấm dù trời rét đến run người như thế này. Chị muốn chạy đi tìm Tần, nhưng vì quá ngỡ ngàng, quá đau lòng, chị không bước nổi. 
Cô Kim Chi vừa bước ra cổng trường đã chứng kiến hết cả. Cô ứa nước mắt vì đau lòng, còn mẹ Tần lê từng bước về nhà, xuống bếp, chị ngồi thẫn thờ thật lâu
 Tần chạy ra ngôi nhà hoang đầu làng. Nó ngồi ở đó và khóc tấm tức. Tần biết nó vừa hỗn với mẹ nó. Hơn ai hết, nó biết mẹ nó khổ lắm. Ba nó mất sớm, mẹ lại đau ốm luôn. Nghĩ đến chiếc áo khoác mong manh, vá lỗ chỗ của mẹ, Tần không khỏi đau lòng. Càng nghĩ, nó càng khóc to. Nó ước sao nó có thật nhiều tiền, nó sẽ mua cho mẹ nó một chiếc áo dạ ấm áp, còn cho nó một chiếc áo ấm to sụ. Chỉ cần bao nhiêu đó thôi, hai mẹ con nó sẽ sống hạnh phúc suốt đời. Nhưng biết làm sao bây giờ, cuộc đời là vậy, Tần còn nhỏ quá. Bây giờ nó chỉ biết khóc và nhớ đến nỗi buồn khổ của nó, của mẹ mà thôi 
Trời sẩm tối Tần mới lò dò về nhà. Bước vào nhà, nó nhìn thấy mẹ đang ngồi bên ngọn đèn dầu leo loét. Tần lí nhí: 
- Mẹ! 
Mẹ nó không đáp lại. Màn đêm tĩnh lặng khiến Tần sợ hãi. 
- Mẹ ơi! Cho con xin lỗi! 
- Không! mẹ phải xin lỗi con mới đúng! Mẹ xin lỗi con, Tần à! - Giọng mẹ Tần nghẹn ngào. 
Tần chạy ào vào lòng mẹ. Nó khóc tức tưởi: 
- Con sai rồi! Con không dám đua đòi mua áo mới nữa! Con sẽ mặc áo cũ, mẹ tha lỗi cho con nha mẹ! Nước mắt mẹ Tần rơi lã chã: 
- Con ráng đợi mẹ thêm một thời gian nữa! Khi nào nhà mình khá thêm chút, mẹ sẽ mua áo mới cho con! Được khôn
 Tần lắc đầu nguầy nguậy: 
- Con không cần áo mới nữa! Con chỉ cần mẹ đừng buồn, đừng giận con, đừng bệnh là được rồi! 
Mẹ Tần ôm con vào lòng, chị đưa tay xoa xoa lên mái tóc con mình, lòng đau nhói. Đêm đó, khi Tần đã chìm vào giấc ngủ, mẹ Tần chong đèn dầu vá lại những mảnh rách tươm trên áo con mình. Vừa khâu, chị vừa nhìn con. Trông Tần ngủ ngon quá. Chị kéo chiếc chăn dày lên đắp kín thân con mà nước mắt ứa ra
Hôm nay Tần đã mặc áo ấm đi học. Bước ra đường, Tần không còn ngại ngùng, xấu hổ nữa. Nhìn những mảnh vá trên áo mình, Tần thầm nghĩ đến mẹ, lòng hạnh phúc khôn nguôi. Đến lớp, Cẩm Lệ xinh xắn ngồi bên cạnh ngạc nhiên: 
- A, Tần mặc áo ấm rồi! 
Tần cười cười, gãi đầu. Cẩm Lệ chỉ lên vai mình hỏ
 - Tần thấy gì đây không? 
- A, một mảnh vá - Tần ngạc nhiên hỏi: 
- Bạn cũng vá áo sao?  
Cẩm Lệ cười tít mắ
 - Ừ! Có nhiều nữa cơ, tại Tần không để ý thôi! Bà mình vá cho mình đó. Mình rất yêu quý những mảnh vá đó. Bởi vì đó chính là những mảnh vá mà bà đã dành tất cả yêu thương khâu cho mình! 
Tần nhìn Cẩm Lệ thật lâu. Thấy cô bạn sao dễ thương quá, cuộc đời cũng dễ thương quá. Mùa đông đang chầm chầm đến bên Tần, vậy mà Tần quay sang cười toe toét: 
- Mùa đông cũng ấm áp quá nhỉ? 
Cô Kim Chi đứng trên bục giảng nhìn gương mặt rỡ ràng của Tần, mỉm cười tự nhủ: “Chắc không cần đưa chiếc áo mới này cho em ấy nữa rồi!”.
Phan Mai Thư N

Sương Lạnh Chiều Đông

Tuy thơ trẻ cảm thông đời cơ cực,
Kiếp hàn vi không áo ấm che thân....
Giúp người chẳng chút bâng khuâng,
Quý thay con có lòng nhân thương người !!
NM
Gió lạnh đầu mùa
Buổi sáng hôm nay, mùa đông đột nhiên đến, không báo trước. Vừa mới ngày hôm qua giời hãy còn nắng ấm và hanh, cái nắng về cuối tháng mười làm nứt nẻ đất ruộng, và làm ròn khô những chiếc lá rơi. Sơn và chị chơi cỏ gà ở ngoài cánh đồng còn thấy nóng bứt, chảy mồ hôi. 
Thế mà qua một đêm mưa rào, trời bỗng đổi ra gió bấc, rồi cái lạnh ở đâu đến làm cho người ta tưởng đang ở giữa mùa đông rét mướt. Sơn tung chăn tỉnh dậy, nhưng khôg bước xuống giường ngay như mọi khi, còn ngồi thu tay vào trong bọc, bên cạnh đứa em bé vẫn nắm tay ngủ kỹ. Chị Sơn và mẹ Sơn đã trở dậy, đang ngồi quạt hỏa lò để pha nước chè uống. Sơn nhìn thấy mọi người đã mặc áo rét cả rồi. 
Nhìn ra ngoài sân, Sơn thấy đất khô trắng, luôn luôn cơn gió vi vu làm bốc lên những màn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo. Trời không u ám, toàn một màu trắng đục. Những cây lan trông chậu, lá rung động và hình như sắc lại vì rét.
Sơn cũng thấy lạnh, vội vơ lấy cái chăn trùm lên đầu rồi cất tiếng gọi chị. Mẹ Sơn nghe thấy, đặt chén nước chè xuống, bảo chị Lan: 
- Con vào buồng lấy thúng áo ra mẹ mặc cho em, đi. 
Rồi quay lại bảo Sơn: 
- Con sang đây mà ngồi cho ấm. Bước khéo để cho em bé ngủ. 
Sơn kéo chăn lên đắp cho em, ngồi xếp bằng bên khay nước. Mẹ Sơn rót cho một chén, Sơn cầm lấy chén chè nóng ấp vào mặt, vào má cho ấm, rồi để mặt vào miệng chén cho hơi bốc lên. Bà Sơn thường vẫn bảo làm thế cho tỉnh mắt. 
Người vú già xù xù cái áo bông cánh rách, xách siêu nước từ dưới nhà lên, vừa xuýt xoa vừa nói: 
- Rét quá! Múc nước cóng cả tay.
Vú giơ tay hơ trên hỏa lò. Mẹ Sơn hỏi: 
- Năm nay rét sớm hơn mọi năm vú nhỉ? 
Người vú già ra vẻ nhớ lại, đáp:
- Cũng chả bằng cái năm mợ đi cân gạo bên Sông. Gớm, mới rét làm sao! Sáng tôi dậy, bà sai đi chợ, cứ run lên cầm cập.
Sơn cũng nhớ cái rét năm ấy rõ rệt lắm, như mới đây thôi. Buổi sớm hôm ấy, mẹ Sơn cũng ngồi uống nước chè như sáng hôm nay và cũng lấy áo rét ra mặc.
Chị Lan từ trong buồng đi ra, khệ nệ ôm cái thúng quần áo đặt lên đầu phản. Mẹ Sơn đặt cái vỉ buồm lục đống quần áo rét. Sơn nhận ra cũng những cái áo Sơn đã mặc năm ngoái, năm kia: một cái áo vệ sinh màu nâu sẫm với một cái áo dạ khâu chỉ đỏ. Sơn cầm giơ những cái áo lên, thấy mát lạnh cả tay. Từ bộ quần áo thoảng ra hơi mốc của vải gấp lâu trong hòm, làm Sơn nhớ lại những buổi đầu mùa rét từ bao giờ, lâu lắm, ngày Sơn còn nhỏ.
Mẹ Sơn giơ lên một cái áo bông cánh đã cũ nhưng còn lành lặn, nói: 
- Đây là áo của cô Duyên đây. 
Duyên là đứa em gái bé của Sơn, chết từ năm lên bốn tuổi. Mẹ Sơn nhắc đến làm Sơn nhớ em, cảm động và thương em quá. Vú già là người đã nuôi Duyên từ lúc mới đẻ, với lấy cái áo lật đi lật lại ngắm nghía,tay mân mê các đường chỉ: 
- Giá bây giờ em nó có còn cũng chả mặc được. 
Mẹ Sơn yên lặng không nói gì. Nhưng đến lúc nói với Sơn lại để mặc áo, Sơn thấy mẹhơi rơm rớm nước mắt. 
Sơn đã mặc xong áo ấm áp: cả cái áo dạ chỉ đỏ lẫn áo vệ sinh, ngoài lại mặc phủ cái áo vải thâm dài. Sơn đứng trên giường trước mặt mẹ, đã quay đi quay lại ba, bốn lần để mẹ Sơn ngắm áo. Sau cùng, mẹ Sơn vuốt các tà áo cho phẳng phiu, rồi đẩy Sơn ra, bảo: 
- Thôi, con đi chơi. 
Sơn xúng xính rủ chị ra chợ chơi. Nhà Sơn ở quay lưng vào chợ, cạnh một dãy nhà lá của những người nghèo khổ mà Sơn quen biết cả vì họ vẫn vào vay mượn ở nhà Sơn. Sơn biết lũ trẻ con các gia đình ấy chắc bây giờ đương đợi mình ở cuối chợ để đánh khăng, đánh đáo. 
Không phải ngày phiên, nên chợ vắng không. Mấy cái quán chơ vơ lộng gió, rác bẩn rải rác lẫn với lá rụng của cây đề. Gió thổi mạnh làm Sơn thấy lạnh, và cay mắt. Nhưng chân trời trong hơn mọi hôm, những làng ở xa Sơn thấy rõ như ở gần. Mặt đất răn lại, và nức nẻ những đường nho nhỏ, kêu vang lên lanh tanh dưới nhịp guốc của hai chị em.
Đến cuối chợ đã thấy lũ trẻ đang quây quần chơi nghịch. Chúng nó thấy chị em Sơn đến đều lộ vẻ vui mừng, nhưng chúng vẫn đứng xa, không dám vồ vập. chúng như biết cái phận nghèo hèn của chúng vậy, tuy Sơn và chị vẫn thân mật chơi đùa với, chứ không kiêu kỳ và khinh khỉnh như các em họ của Sơn.
Thằng Cúc, con Xuân, con Tý, con Túc sán gần giương đôi mắt ngắm bộ quần áo mới của Sơn. Sơn nhận thấy chúng ăn mặc không khác ngày thường, vẫn những bộ quần áo nâu bạc đã rách vá nhiều chỗ. Nhưng hôm nay, môi chúng nó tím lại, và qua những chỗ áo rách, da thịt thâm đi. Mỗi cơn gió đến, chúng lại run lên, hàm răng đập vào nhau.
Thằng Xuân đến mó vào chiếc áo của Sơn, nó chưa thấy cái áo như thế bao giờ. Sơn lật vạt áo thâm, chìa áo vệ sinh và áo dạ cho cả bọn xem. Một đứa tắc lưỡi, nói: 
- Cái áo này mặc thì nóng lắm. Chắc mua phải đến một đồng bạc chứ không ít, chúng mày nhỉ. 
Đứa khác nói:
- Ngày trước thầy tao cũng có một cái áo như thế, về sau bán cho ông lý mất.
Con Túc ngây ngô giương đôi mắt lên hỏi Sơn:
- Cái này cậu mua tận Hà Nội phải không?
Sơn ưỡn ngực đáp:
- Ở Hà Nội, chứ ở đây làm gì có. Mẹ tôi còn hẹn mua cho tôi một cái áo len nhiều tiền hơn nữa kia.
Chị Lan bỗng giơ tay vẫy một con bé, từ nãy vẫn đứng dựa vào cột quán, gọi:
- Sao không lại đây, Hiên? Lại đây chơi với tôi. 
Hiên là đứa con gái bên hàng xóm, bạn với Lan và Duyên. Sơn thấy chị gọi nó không lại, bước gần đến trông thấy con bé co ro đứng bên cột quán, chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay. Chị Lan cũng đến hỏi: 
- Sao áo của mày rách thế Hiên, áo lành đâu không mặc? Con bé bịu xịu nói:
- Hết áo rồi, chỉ còn cái này.
- Sao không bảo u mày may cho?
Sơn bây giờ mới chợt nhớ ra là mẹ cái Hiên rất nghèo, chỉ có nghề đi mò cua bắt ốc thì còn lấy đâu ra tiền mà sắm áo cho con nữa. Sơn thấy động lòng thương, cũng như ban sáng Sơn đã nhớ thương đến em Duyên ngày trước vẫn cùng nói với Hiên đùa nghịch ở vườn nhà. Một ý nghĩ tốt bỗng thoáng qua trong trí, Sơn lại gần chị thì thầm:
- Hay là chúng ta đem cho nó cái áo bông cũ, chị ạ.
- Ừ, phải đấy. Để chị về lấy.
Với lòng ngây thơ của tuổi trẻ, chị Lan hăm hở chạy về nhà lấy áo. Sơn đứng lặng yên đợi, trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui.
Nhưng cái vui của Sơn không được bao lâu. Bữa cơm về tới nhà, Sơn không thấy mẹ đâu cả, hỏi vú già
- Mợ tôi đi đâu hở vú?
- Chị Lan và cậu cứ ăn cơm trước đi. Mợ còn đi ăn giỗ đến trưa mới về.
Rồi vú già nhìn rõ vào mặt Sơn, hỏi:
- Có phải cậu đem cho con Hiên cái áo bông cũ phải không?
Sơn ngạc nhiên đáp:
- Phải. Nhưng sao vú biết?
- Con Sinh nó nói với tôi đấy-Sinh là đứa em họ của Sơn, vẫn hay nói hỗn với vú già, nên vú ấy ghét-Nó lại còn bảo hễ mợ về nó sẽ sang mách với mợ cho cậu phải đòn. 
Sơn lo quá, sắp ăn, bỏ đũa đứng dậy, van: 
- Thế bây giờ làm thế nào, hở vú? Mợ tôi biết thì chết.
- Ai bảo cậu dại dột đem cho áo nó? Bây giờ cậu sang bảo cái Hiên trả lại thì không việc gì. 
Sơn vội vàng ra chợ tìm cái Hiên nhưng không thấy con bé ở đó. Đến nhà cũng không thấy ai, mẹ nó cũng không có nhà. Hai chị em lo sợ, đi ra cánh đồng tìm cũng không gặp. Gần đến buổi chiều, Sơn và chị chưa đòi được áo. Lan trách em: 
- Sao em lại nghĩ đem cho nó cái áo ấy, có phải bây giờ me mắng chết không. 
- Ai bảo chị về lấy? Nếu chị không về lấy thì em biết đâu. 
Chị Lan đấu dịu: 
- Thôi, bây giờ phải về nhà vậy chứ biết làm thế nào. 
- Nhưng mà em sợ lắm. 
Chị Lan thở dài, nắm chặt lấy tay em, an ủi: 
- Đằng nào cũng phải về cơ mà. May ra có lẽ me không mắng đâu. 
Hai chị em lo lắng dắt nhau lẻn về nhà. Đến cửa, Sơn nghe thấy tiếng mẹ nói ở trong với tiếng một người đàn bà khác nữa, nghe quen quen. Lan dắt tay Sơn khép nép bước vào, hai chị em ngạc nhiên đứng sững ra khi thấy mẹ con Hiên đang ngồi ở cái ghế con trên đất trước mặt mẹ, tay cầm cái áo bông cũ. 
Thấy hai con về, mẹ Sơn ngửng lên nhìn rồi nghiêm nghị bảo:
- Kìa, hai cô cậu đã về kia. Thế áo bông của tôi đâu mà tự tiện đem cho đấy?
Sơn sợ hãi, cúi đầu lặng im, nép vào sau lưng chị
Bác Hiên vừa cười vừa nói:
- Tôi về thấy cháu nó mặc cái áo bông tôi hỏi ngay. Nó bảo của cậu Sơn cho nó. Tôi biết cậu ở đây đùa, nên tôi phải vội vàng đem lại đây trả mợ. Thôi, bây giờ, xin phép mợ tôi về.
Mẹ Sơn hỏi:
- Con Hiên không có cái áo à? 
- Bẩm nhà cháu độ này khổ lắm, Chẳng để dành được đồng nào may áo cho con cả. Thành thử vẫn cái áo từ năm ngoái nó mặc mãi. 
Mẹ Sơn với cái âu đồng, lấy tiền đưa cho bác Hiên: 
- Đây, tôi cho mượn năm hào cầm về mà may áo cho con.
Khi bác Hiên bước ra khỏi cửa, mẹ Sơn vẫy hai con lại gần, rồi âu yếm ôm vào lòng mà bảo :
- Hai con tôi quý quá, dám tự do lấy áo đem cho người ta không sợ mẹ mắng ư

 Thạch Lam

DÒNG ĐỜI TRÔI MÃI

Chúc Giáng Sinh An Lành ...

Dòng đời vẫn trôi   

Tiếng cót két của chiếc xe đẩy làm Tình thức giấc. Hôm nay chủ nhật mà sao ai dậy sớm thế nhỉ ? Tình lồm cồm bò dậy chui ra khỏi màn. Qua khe cửa chớp của căn phòng trọ, Tình nhận ra ngay dáng đi của hai mẹ con chị Năm bán hủ tíu mà cả khu nhà trọ vẫn quen gọi là “chị Năm hủ tíu”. Chị Năm là hàng xóm với Toàn trong khu nhà trọ “liên hợp” này. Sở dĩ được gọi như thế vì ở đây có khoảng độ hơn chục phòng trọ nhưng gồm đủ mọi thành phần: từ sinh viên đến thợ nề, người buôn chuối, người bán tàu hũ, thợ cắt tóc, vá xe…

Hình như hai mẹ con chị Năm hủ tíu cũng vừa mới chuyển đến khu nhà trọ này trước Tình độ vài ba hôm. Nghe đâu nhà chị ta ở mãi dưới miền Tây. Chị lấy chồng từ năm mười sáu hay mười bảy tuổi gì đó. Hai vợ chồng có với nhau được ba mặt con rồi thì anh chồng bỗng dưng lại sinh ra cái tật nát rượu. Suốt ngày, anh ta chẳng chịu làm ăn gì cả, đã thế sau khi uống rượu vào lại còn hay đánh vợ đánh con. Có những hôm, chị bị chồng đánh sưng húp cả mặt, phải ở lì trong nhà mấy hôm liền, vì sợ ra đường hàng xóm người ta cười cho. 
     Mấy lần, chị đã cố nhờ họ hàng khuyên bảo, nhưng anh chồng chỉ tu tỉnh được vài  hôm rồi lại chứng nào tật ấy. Lắm lúc cực quá, chị định làm liều nhưng rồi nghĩ đến tương lai của những đứa con, chị chỉ còn biết làm ngơ giả điếc cho qua chuyện. Có những hôm, chị nước mắt lưng tròng, định bụng dắt mấy đứa nhỏ về nhà mẹ đẻ, rồi muốn ra sao thì ra. Nhưng ở vùng quê lam lũ này làm gì có cái lệ như vậy. Chị nghĩ: Nếu mình mà về bên ấy thì trước tiên, các con thiếu vắng tình cảm của người cha, còn bản thân mình thì sẽ bị mang tiếng là gái chê chồng, cũng cực lắm.  
    Sau nhiều lần cân nhắc thiệt hơn, rồi lại nghĩ đến các con, chị đành đánh liều một phen. Sau khi thu xếp công việc nhà, chị quyết định đưa hai đứa nhỏ sang chỗ ông bà ngoại, rồi dắt cái Thảo là đứa con gái lớn lên Sài Gòn với mình. Chị nghĩ, nếu cứ ở nhà mãi với anh chồng nát rượu thì lấy gì ra mà ăn? Lên Sài Gòn rồi, hai mẹ con cố gắng làm lụng, may ra dành dụm được tí tiền thì các con mới có cơ may được đến trường, được học hành cẩn thận; phần nữa, là phòng những lúc ốm đau, ngộ nhỡ… 
     Từ ngày lên Sài Gòn, chị cũng thử đủ các nghề khác nhau. Ai nhờ gì thì làm nấy. Có lúc chị đã từng đi làm ô-sin, giặt giũ, lau nhà, rồi trông trẻ, thu gom ve chai, bán bánh giò… Sau khi dành dụm được ít vốn liếng, chị chuyển sang bán hủ tíu. Vì theo chị, phần vì bán hàng này cũng kiếm được, phần vì đỡ phải đi xa, còn có thì giờ thì dạy dỗ đứa con
      Cái Thảo - đứa con gái lớn của chị - năm nay đã mười hai tuổi đầu rồi mà vẫn chưa biết đọc, biết viết. Nhưng được cái con bé rất ham học. Những lúc rảnh, nó hay đến chỗ các anh chị sinh viên cùng khu nhà trọ để nhờ các anh chị giúp nó tập đọc. Nó còn mơ ước, nếu được đi học, thì sau sẽ làm cô giáo để về giúp cho các em nhỏ ở dưới quê nó. Theo lời nó nói thì những đứa bằng tuổi nó ở quê chỉ biết mò cua, bắt ốc và bẫy chim là giỏi, chứ chẳng đứa nào biết chữ cả. Nghe nó kể cách hồn nhiên thơ ngây mà lòng Tình chợt trào lên một nỗi thương cảm
     Món hủ tíu của mẹ con chị Năm thế mà đắt hàng. Khách hàng của chị chủ yếu là những người lao động, các sinh viên, học sinh và những người bán hàng trong cái góc chợ Thị Nghè này. Có khi chỉ cần hai hay ba ngàn đồng là có một tô hủ tíu. Riêng đối với đám sinh viên trong khu nhà trọ “liên hợp” lần nào ra ăn hàng, chị Năm cũng đều thêm cho một miếng tiết luộc bằng độ ba đầu ngón tay và một đĩa rau sống to. Chị bảo: các cậu cố gắng ăn vào còn lấy sức mà học. Thời buổi bây giờ, người không được học hành như chị đây khổ lắm
      Chị Năm vốn tính tình vui vẻ nên Tình mới gặp chị lần đầu mà như đã quen biết nhau từ lâu rồi. Có hôm đang ở chỗ đông người, chị hỏi: Cậu Tình có người yêu chưa? làm Tình ngượng chín cả mặt. Chị lại bảo: đàn ông con trai gì mà cứ e thẹn như con gái ấy. Hay là chưa có đám nào thì để chị làm mối cho đứa em gái của chị ở dưới quê. Năm nay nó cũng chừng độ mười tám đôi mươi rồi, đang là thợ may. Nó đẹp gái mà còn hoạt hơn chị nhiều. Tình lại càng ngượng hơn, cậu đành phải ậm ờ cho qua chuyện, chứ thực lòng cậu chưa nghĩ đến chuyện đó
      Quê Tình ở tận Bùi Chu, thuộc tỉnh Nam Định. Tốt nghiệp phổ thông xong, vì hoàn cảnh gia đình, nên Tình phải theo mấy người cùng làng vào trong này kiếm việc làm. Vừa đi làm, Tình vừa cố gắng ôn thi đại học. Năm nay Tình đã là sinh viên năm thứ hai của trường Đại học Văn Lang – Tp. Hồ Chí Minh. Sau khi chuyển năm bảy chỗ trọ, bây giờ mới kiếm được chỗ này ưng ý. Tiền thuê nhà vừa rẻ lại vừa gần chỗ học. Bà chủ nhà trọ cũng là người gốc Bắc di cư từ năm 1954, nên thấy cảnh ngộ của người đồng hương, bà cũng thương tình bớt cho chút đỉnh… 
     Hàng ngày, từ ba rưỡi sáng hai mẹ con chị Năm đã trở dậy quạt bếp, bắc nồi nước dùng, rồi nhặt rau sống. Mặc dù còn ít tuổi, nhưng cái Thảo rất thương mẹ. Nhiều sáng thức dậy, thấy con đang ngủ say, chị Năm không nỡ gọi, nhưng khi vừa ra đến ngoài sân, đã thấy cái Thảo đứng ở đằng sau rồi. Mắt nó còn nặng trĩu, nhưng không muốn mẹ nó phải làm một mình
      Mặc dù sáng nay chủ nhật, nhưng đối với hai mẹ con chị Năm thì cũng như mọi buổi sáng khác. Hai mẹ con bắt đầu một ngày mới bằng việc đẩy chiếc xe bán hủ tíu ra khỏi nhà rồi nhẹ nhàng khép chiếc cổng sắt lớn lại. Cái Thảo ngoan ngoãn đẩy chiếc xe giúp mẹ. Bên cạnh chiếc xe, lò than đang hồng rực
      Bây giờ đã là tháng mười hai dương lịch. Chỉ còn mấy ngày nữa là đến lễ Giáng Sinh. Tiết trời Sài Gòn se se lạnh, giống như cái lạnh đầu đông ở miền Bắc vậy. Tình định chui vào màn ngủ tiếp, nhưng không sao chợp mắt được. Những ý nghĩ cứ vẫn vơ, quẩn quanh trong đầu chàng sinh viên trẻ. Thế ra, trên đời còn có nhiều mảnh đời thật éo le. Biết bao giờ những em thơ mới được hồn nhiên cắp sách tới trường? Bao giờ những người phụ nữ mới được đối xử cách bình đẳng, được hưởng một hạnh phúc cỏn con mà họ đáng được hưởng? Có lẽ sự hy sinh của chị Năm cũng giống như biết bao người phụ nữ Việt Nam khác. Suốt đời chỉ: Lặn lội thân cò khi quãng vắng. Eo xéo mặt nước buổi đò đông… nhưng vẫn một lòng thủy chung thờ chồng, nuôi con
      Từ khi biết mẹ con chị Năm hủ tíu, Tình thấy hình như cái Thảo chỉ có độc một chiếc áo hoa đã cũ mèm, trên lưng áo còn có vài ba miếng vá. Đã mấy lần chị Năm định mua cho nó chiếc áo mới, nhưng con bé không chịu, nói rằng ở hoàn cảnh của mẹ con nó bây giờ, ăn mặc như vậy là được rồi. Chị Năm thương con lắm, nhưng nghĩ lại, thấy nhiều khoản khác cần phải chi tiêu hơn nên đành thôi. Biết hoàn cảnh của gia đình chị Năm như vậy, Tình định bụng sẽ cố dành dụm số tiền công làm gia sư ít ỏi của mình để mua tặng cho cái Thảo chiếc áo mới vào dịp Giáng Sinh này
      Mấy hôm nay, đột nhiên, Tình thấy nét mặt của chị Năm buồn hẳn. Chị lầm lũi đi về. Suốt ngày chẳng nói năng gì cả, khác hẳn với tính tình vốn rất vồn vã mọi ngày của chị. Thỉnh thoảng chị lại thở dài thườn thượt. Nếu có ai hỏi gì thì chị trả lời nấy, không thì lại thủi thủi một mình trong căn phòng trọ rộng chừng tám hay chín mét vuông
      Chiều hôm đó, bỗng nhiên cái Thảo chạy sang phòng của Tình mếu máo như muốn bày tỏ điều gì. Từ trước tới giờ, hễ có chuyện gì, nó cũng đều kể cho Tình nghe. Nó coi Tình như người anh, còn Tình cũng xem nó như đứa em gái ở nhà. Nó nói như muốn khóc. 
     - Anh Tình ơi, mẹ con em sắp phải xa anh rồi
     - Có chuyện gì thế hả Thảo ? – Tình hỏi vẻ ngạc nhiên. 
     - Hình như vì chuyện của gia đình, nên mẹ em bảo hai mẹ con phải về quê ngay
     Thì ra, đấy là lý do mà mấy hôm nay chị Năm buồn chăng? – Nghĩ vậy, Tình chạy sang phòng chị Năm. Thấy chị đang thu xếp mấy bộ quần áo nhét vào trong một chiếc túi xách đã cũ. Tình hỏi
     - Có chuyện gì thế chị Năm
      Chị Năm ngước lên, vẻ mặt buồn bã
     - Chắc là cái Thảo nhà chị nó đã kể cho cậu rồi phải không
     - Nhưng mà làm sao mà chị lại phải về gấp thế. Hay là gia đình chị có chuyện gì
    - Thôi, chị chẳng dấu cậu làm gì. Gia đình chị có chuyện thật. Mấy hôm rồi chị nhận được thư của nhà gửi lên. Chồng chị bị ốm phải nhập viện trên tỉnh. Bác sĩ kết luận là anh ấy bị ung thư giai đoạn cuối. Chẳng biết còn sống được bao lâu nữa. Mà em biết đấy, nhà chị nghèo lắm, chẳng có gì cả. Nên chị đành mang đi cầm những đồ đạc mà chị đã sắm trước đây, để lấy ít tiền về chạy thuốc thang cho anh. Chị đã nghĩ kỹ rồi, có khi hai mẹ con chị phải về quê ngay hôm nay. Nghĩa vợ chồng mà! Thôi thì còn nước còn tát. Những lúc như thế này anh ấy cần có chị ở bên cạnh
      Nhìn chị Năm mắt ngân ngấn lệ, Thìn vội quay đi, giấu giọt nước mắt sắp trào ra. Sao mà cuộc đời của chị lại khổ thế?
     - Chị nhờ cậu một việc, chiều nay cậu đưa hai mẹ con chị ra bến xe đò dùm được không
     - Nhưng mà bây giờ đã muộn, hại mẹ con chị về lúc này có tiện không? Về đến nhà chắc là trời đã tối muộn, nguy hiểm lắm chị ạ
    - Cám ơn cậu, nhưng chị đã quen bôn ba rồi. Mấy lại, tối về đến làng mình rồi thì còn sợ gì nữa, toàn bà con mình cả
      Chiều hôm ấy, Tình đưa hai mẹ con chị Năm ra bến xe miền Tây. Suốt quãng đường đi, hai chị em chẳng nói với nhau lời nào. Dường như mỗi người đều có những tâm sự riêng. Chỉ tội nghiệp cho cái Thảo. Trên khuôn mặt ngây thơ ấy vẫn chưa khỏi ngơ ngác vì quyết định về quê cách đột ngột của mẹ nó. Bởi một lẽ đơn giản là nó chưa hình dung được căn bệnh nguy hiểm mà cha nó đang mang trong mình lúc này. Đôi lúc, nhìn thấy những cảnh lạ mắt, nó quay sang định hỏi một câu gì đó nhưng nhìn thấy gương mặt đang đăm chiêu của hai người lớn, nó lại không dám nữa
      Hôm ấy, bến xe miền Tây vắng khách hơn mọi ngày. Một vài người lơ xe ra mời chào, nhưng chị Năm đều từ chối mà vào tận quầy để mua vé. Cái Thảo từ nãy tới giờ vẫn nắm chặt tay Tình như không muốn rời ra. Đến phút cuối cùng, khi xe sắp chuyển bánh, chị Năm mới nói được lời cảm ơn. Tình dúi vội vào tay cái Thảo một chiếc hộp nhỏ – là món quà mà Tình định sẽ tặng nó vào dịp Giáng sinh này. Thế là những dự định sẽ đưa cái Thảo đi dự lễ Giáng Sinh và nghe hát Thánh ca đã không thực hiện được - điều mà cái Thảo cứ thao thức đợi chờ từ cả tháng qua
     Chiếc xe đò đi miền Tây từ từ chuyển bánh. Tình đứng lặng người trông theo. Hai mẹ con chị Năm về quê lần này chẳng biết có ngày còn trở lại?
      Khi xe đã chạy được một quãng, cái Thảo còn thò cổ ra ngoài vẫy vẫy bàn tay nhỏ bé để chào Tình. Tình thoáng thấy hình như chị Năm đang lấy khăn tay lau nước mắt. Tương lai đối với chị lúc này thật mờ mịt. Mọi gánh nặng gia đình đang chất chồng lên đôi vai gầy của chị. Trong lúc chia tay, Tình cũng chỉ biết chúc chị can đảm vượt qua được những thử thách này
     Xe đã đi xa rồi mà trong đầu Tình lúc này vẫn còn chất chứa nhiều tâm trạng. Trên môi Tình chợt nở một nụ cười khi nghĩ đến việc cái Thảo sẽ rất ngạc nhiên khi mở gói quà của Tình. Trong gói quà đó, ngoài chiếc áo mới, Tình còn mua cho nó một cuốn sách tập đọc, một quyển vở tập viết và một chiếc thiệp Giáng Sinh đề dòng chữ
    “Chúc em luôn chăm ngoan, học tập tốt và hy vọng rằng niềm vui Giáng Sinh sẽ đến với em
      Anh: Tìn
     Để có được món quà mà Tình đã tặng cho bé Thảo, có thể ngày mai Tình sẽ phải vất vả hơn đôi chút, nhưng Tình lại cảm thấy trong lòng rộn ràng một niềm vui. Quả thật, không một tình yêu đích thực nào lại không đòi hỏi một sự dâng hiến. Không một trao ban đích thực nào lại không đòi hỏi một sự hy sinh
     Nhìn dòng người hối hả ngược xuôi, Tình chợt nghĩ tới những mảnh đời mà Tình đã từng biết đến. Có những người giàu sang, hạnh phúc; lại có những người nghèo khó, bất hạnh. Mỗi người một cảnh huống khác nhau. Nhưng cuộc sống này sẽ đẹp hơn biết bao khi con người biết cảm thông và chia sẻ. Bởi vì dẫu thế nào thì một sự động viên, một lời an ủi của đồng loại trong cơn gian nan khốn khó luôn là món quà quý giá đối với những người vốn đã chẳng có được một cuộc sống bình yên
     Nắng chiều trở nên nhạt dần, những tia sáng yếu ớt còn vương trên lối về. Tình đi giữa lòng thành phố Sài Gòn mà như quen, như lạ. Đường phố lúc này đã bắt đầu lên đèn. Thỉnh thoảng, có dãy phố được tô điểm bằng những cây thông Giáng Sinh lấp lánh ánh đèn màu trông thật vui mắt. Đâu đó đã bắt đầu vang lên khúc nhạc thánh ca “Noel an bình”
     Ngang qua một vài cửa hiệu bán quà Giáng Sinh, Tình nhìn thấy những đứa trẻ đang nói cười ríu rít, với món quà trên tay, chúng đang vui vẻ bước đi trong vòng tay âu yếm của cha mẹ. Chợt Tình lại nghĩ đến hai mẹ con chị Năm. Ước gì cái Thảo cũng sẽ có được niềm vui như vậy khi Giáng Sinh về     
Hương Lúa 

Tình Chết Theo Mùa Đông & Giọt Lệ ...

Những mùa đông Paris 
Trong đời được yêu một người là may mắn không phải ai cũng được may mắn như vậy. 
***
 (Tặng Sài Gòn, với tất cả yêu mến) 
Tôi gặp Khang là vào một buổi sáng mùa đông. Đó là một ngày cuối tháng Mười, tuyết đã phủ khắp lối đi trên tất cả các con đường ở Paris. Gió không đủ mạnh và nắng cũng không quá hanh vàng. Những cơn mưa bụi lất phất bay như sương mù ảm đạm. Những tán cây cũng ảm đạm. Cảnh vật hai bên đường dường như cũng vắng vẻ và im ắng. Tôi gặp Khang khi tôi đi bộ qua con phố trồng đầy những cây Muguet. Vào mùa này hoa Muguet chưa nở rộ. Những tán lá nhỏ vàng ươm vươn ra buồn tẻ và cô đơn. Chẳng bù lại những lúc hoa phủ kín cả thân cành khiến người qua đường phải ngỡ ngàng dừng chân nhìn ngắm, chỉ một làn gió nhẹ cũng có thể thổi bung những cánh hoa rơi xuống gần trạm xe bus trông thật đẹp mắt. Tôi ngồi vu vơ suy nghĩ gì đó chợt cảm thấy mình cô đơn, thật sự cô đơn. Cảm giác ở một nơi nào đó đã không còn người chờ đợi mình khiến tôi thấy lạc lõng, mọi thứ càng trở nên ảm đạm.
Mail của đứa bạn thân cách đây một tuần lại làm tôi nhớ đến Đăng. "Cậu biết tin gì chưa, Đăng sắp kết hôn rồi đó". Tôi mỉm cười một mình, thì ra đó là lý do tại sao những e-mail của Đăng dành cho tôi ngày càng thưa và nhạt nhẽo dần. Tôi không thể bắt anh sống trong cô đơn, bắt anh chờ đợi tôi trong những năm dài đằng đẵng như thế, nếu vậy thì tôi ích kỷ quá. Yêu người ta nghĩa là mong người ta hạnh phúc nhưng sao mắt tôi lại cay thế này. Có thể trước lúc kết thúc tình yêu, mọi thứ đến rất nhẹ nhàng nhưng khi buông tay tôi mới nhận ra, thì ra mình đã yêu một người nhiều như vậy. Tôi đã giữ tình yêu ấy trong một khoảng lặng yên dài. Đôi lúc cũng có giận dỗi, cũng có cãi nhau nhưng đằng sau đó là hiểu nhau hơn, lắng nghe nhau hơn và lại thương nhau hơn. Có lẽ vậy, không quá bình lặng, không quá sóng gió, tình yêu của tôi và Đăng rất nhiều màu sắc và mùi vị. Kể cả vị chia tay
Thỉnh thoảng tôi vẫn mơ thấy Đăng nói, nhẹ như gió: "Anh yêu em, dù có thế nào anh vẫn yêu em". Một đời có yêu mấy người đi chăng nữa cũng không phải chuyện quá quan trọng, quan trọng là bản thân mình đang sống yêu thương, mỗi ngày đều yêu thương. Mối tình đầu của tôi đọng lại trong ký ức đầy những kỷ niệm đẹp đẽ. Và chẳng bao giờ quên được, như những mùa đông Paris đang trôi.
Tôi cứ ngồi lặng im như thế cho đến khi một chiếc xe bus đến. Rồi bước đi và không nhớ là mình để quên cuốn truyện manga ở trạm. Một chàng trai đến trước mặt tôi. Tôi đã không ngẩng đầu lên để nhìn anh. Chỉ cảm nhận ở anh một mùi hương rất đặc biệt, nó phảng phất mùi hoa sữa và ngọc lan tạo cảm giác ấm áp rất dịu dàng. Anh nhìn tôi nở một nụ cười tươi. Tôi cầm cuốn truyện, lời cảm ơn lí nhí thốt ra khỏi miệng nhưng vẫn còn ngượng ngùng lắm. Chỉ đến khi anh khẽ khàng lên tiếng, tiếng nói nhỏ cũng trầm ấm như mùi hương hoa sữa dịu dàng.
- Em không sao chứ?
Khang là một chàng trai kỳ lạ, xa xôi một cách kỳ lạ nhưng cũng dịu dàng một cách kỳ lạ. Tôi chưa bao giờ hiểu anh đang nghĩ gì. Sự kín đáo dường như trở thành bản tính của người Hà Nội có thể đã thấm sâu vào con người anh khiến tôi cảm giác đôi khi anh thật gần mà cũng thật xa vời. Nhưng mỗi lần nói chuyện với Khang tôi lại thấy rất thoải mái và dễ chịu. Khang không nói nhiều, cũng hoàn toàn không quan tâm đến một ai đó quá mức. Đó không phải là sự vô tâm, đơn giản đối với một người Hà Nội như anh thì đó là nét thanh lịch khi quen với một người bạn mới. Mãi đến sau này tôi mới biết, đặc tính rất riêng biệt ấy chỉ thuộc về Khang. Những ngày cuối tháng Mười mưa bụi lạnh lẽo trên đất khách, thật may mắn vì tôi đã gặp Khang. Nó khiến ngày hôm ấy của tôi trở nên ấm áp và nhiều niềm vui. Và cả những ngày tháng sau này ở Paris nữa tôi vẫn thầm cám ơn Khang vì một tình bạn thật kỳ diệu.
Nhà ngoại tôi và nhà Khang chỉ cách nhau một bến tàu điện ngầm. Chúng tôi thường hẹn nhau ở một quán nhỏ nào đó và ngồi cùng nhau, đơn giản chỉ là ngồi cùng nhau. Khang thích mùa đông Paris, có lần anh đã nói với tôi như thế. Mà cũng đúng. Tôi vẫn còn nhớ tháng Mười đầu tiên của mình ở Paris, đọng lại trong tâm trí tôi là những con đường ngập tràn xác lá vàng, những bông tuyết rơi phủ khắp lối đi. Bên dòng sông Seine, những chiếc lá bay rồi nép mình trên dòng nước, tôi chăm chú ngắm nhìn mà chẳng bao giờ thấy chán. Khang nói những con đường ở đây rất giống với những con phố nhỏ của Hà Nội. Có một buổi sáng cuối tuần nào đó, tôi và anh lại rong ruổi trên đai lộ Champ Elysee hay ngồi trong góc quán nhỏ nhâm nhi cốc cappuccino và ngắm nhìn dòng người qua lại. Cảm giác quen thuộc ấy đôi khi gần gũi nhưng cũng ấm áp lạ kỳ như có một ai đó luôn bên cạnh sẽ khiến người ta vững tâm và vui vẻ vì biết rằng mình không cô đơn.
Đầu tháng mười hai, trận tuyết thứ ba đến phủ kín những con đường của Paris. Hôm ấy Khang rủ tôi đi ăn mì Fettuccine Funghi. Đó là quán mì nằm trên một con phố nhỏ. Lúc nào cũng có khách ra vào nhộn nhịp. Những sợi mì Funghi thơm và bốc khói nghi ngút. Xung quanh tôi là những đôi vợ chồng, họ ngồi với con cái vừa ăn vừa kể cho nhau nghe những câu chuyện thú vị sau một ngày dài bận rộn. Tôi lặng im không nói gì để vị giác tận hưởng hương vị mì Paris. Chẳng biết Khang nhìn thấy điều gì đó từ tâm trạng của tôi mà anh đột nhiên lên tiếng.
- Em có nhớ Việt Nam không?
Tôi nhìn Khang, hình như anh cũng có tâm trạng giống tôi.
- Thế còn anh, anh có nhớ không ?
Khang nở một nụ cười tươi. Rất gần gũi và ấm áp.
- Con người mà, ai đi xa cũng đều nhớ về quê hương của mình hết. Thậm chí ngay lúc này đây ngồi ăn mì với em thì anh đang nhớ về Hà Nội. Những món ăn ngon nhất của Hà Nội đều nằm trên những con đường nhỏ xíu, những ngóc ngách nhỏ xíu, quán cũng nhỏ xíu. Nghĩ rồi lại thấy sống mũi mình cay cay. Hình như có một Hà Nội giữa lòng Paris, em có thấy vậy không.
- Em không nghĩ vậy đâu. Chắc tại anh nhớ Hà Nội nhiều quá nên mới có cảm giác này.
- Có lẽ vậy.
Tôi và Khang cũng giống nhau thôi, lúc này tôi cũng đang tưởng tượng có một Sài Gòn giữa lòng Paris. Quán nhỏ, góc cafe, những con đường nhộn nhịp nhưng rốt cuộc tôi cũng đi chỉ để quên một hình bóng. Khang thường kể cho tôi nghe nhiều về phố Núi Trúc nơi anh sinh ra và lớn lên, nơi hương hoa sữa ngọt ngào những ân tình trải đều và đượm nồng trên từng vòm cây góc phố. Hương hoa lặng lẽ trong hơi gió mùa mỏng manh, mơn man những nhớ thương, một chút lưu luyến như muốn níu bước chân người ở lại. Những ngày tháng sống đời sinh viên giản đơn và không quá nhiều lo toan bận rộn ấy vẫn còn vương vất đâu đó chưa xa.
Rời khỏi quán mì, tôi và Khang đi bộ qua những con phố nhỏ, tuyết không ngừng rơi xuống làm lạnh cóng bầu không khí xung quanh. Tôi nhớ hồi ở Sài Gòn, khi đi ra đường vào mùa đông tôi hay cho tay vào túi áo khoác để cảm thấy chút ấm áp dễ thương mà mùa đông mang lại. Nhưng đi với Khang tôi không có cơ hội làm thế vì lúc này tôi thấy đôi tay mình đang nằm trong túi áo khoác của anh. Tôi ngước lên nhìn Khang để xem phản ứng, nhưng thấy anh khẽ cười. Tôi cũng cười. Và chẳng ai nói thêm gì nữa. Bàn tay tôi và Khang đã đan vào nhau trong túi áo khoác của anh. Tuyết vẫn không ngừng rơi nhưng chẳng hiểu sao tôi vẫn không thấy lạnh.
Những mùa đông paris
Đêm Giáng sinh sau khi ăn tối xong. Tôi và Khang đi ra biển. Anh mang thêm vài cành củi khô và một bao diêm, chúng tôi chọn chỗ ít tuyết, đặt mấy hòn đá lên trên. Sau khi nhóm lửa Khang kéo tôi lại gần anh hơ bàn tay cho khỏi giá buốt. Khang nhìn tôi, đôi mắt anh phản chiếu ngọn lửa đang cháy bập bùng.
- Còn mấy tháng nữa kết thúc khoá học rồi, em có định về Việt Nam không ?
- Chắc là em sẽ về. Còn anh?
Khang ngập ngừng, giọng nói trầm ấm có vẻ hơi buồn một chút.
- Anh cũng chưa biết nữa. Mà có thể chúng ta sẽ gặp lại nhau ở Việt Nam.
Đôi lần tôi thấy Khang định quay sang nói với tôi điều gì đó nhưng khi nhìn vào mắt tôi anh lại thôi. Tôi không thắc mắc cũng không muốn hỏi lý do. Có lẽ như vậy sẽ tốt hơn.
Trước kỳ nghỉ hè tôi về Việt Nam, hoa Muguet nở kín những con đường Paris. Bên dòng sông Seine, công viên thành Paris, những cánh hoa màu trắng rũ xuống như chiếc chuông khoe sắc rực rỡ như muốn níu chân những người lữ khách. Tôi thích vẻ đẹp của hoa Muguet. Đó là loài hoa may mắn, hạnh phúc. Nó khiến tôi muốn ngắm nhìn một cách đầy nâng niu trân trọng. Suốt mùa hoa Muguet nở, tôi ít gặp Khang hơn, chúng tôi đều bận rộn với những công việc riêng. Thi thoảng cũng nhắn tin hỏi thăm nhau. Một ngày cuối tháng Bảy, tôi và Khang đi dạo quanh bờ sông Seine. Những cánh hoa Muguet tung bay trong gió tạo nên một khung cảnh đẹp lạ lùng. Giọng Khang nhỏ và trầm, anh nói chậm rãi như cố giấu nỗi hoang mang.
- Mình còn có ngày gặp lại nhau nữa không em?
Tôi đáp lời Khang nói rằng mình sẽ gặp chứ nhưng thực ra tôi đang nói dối bản thân mình, có ngày đó không, tôi cũng không biết.
Khang tiễn tôi ở sân bay. Hôm ấy bầu trời Paris xanh trong, nó khác xa với lần đầu tiên tôi gặp anh - bầu trời màu chì. Thì ra chúng tôi đã cùng nhau đi qua những mùa đông Paris, đầy kỷ niệm và nhiều niềm vui như vậy. Khang khẽ nắm tay tôi, anh nói vài câu tạm biệt trước khi tôi mỉm cười đi vào trong. Bóng Khang khuất dần sau bức tường sơn trắng hòa lẫn trong màu nắng vàng dịu nhẹ. Tạm biệt nhé ! Paris.
Một mùa đông nữa lại về. Đường phố Sài Gòn đêm nay dường như khác hẳn. Mọi thứ không quá rực rỡ nhưng dịu dàng và thật bình yên. Cảm giác được trở về quê hương không hề lạnh lẽo mà rất ấm áp, ít ra là với tôi trong lúc này. Chẳng biết giờ này Khang đang làm gì, ở một nơi nào đó anh có hạnh phúc không. Tôi chưa bao giờ tự hỏi tình cảm của tôi và Khang là như thế nào, không nhất thiết phải gọi tên tất cả, đặc biệt là tình cảm khi lòng mình đã tự do, thư thái rồi. Có xa xôi gì đâu khi trong tâm tưởng người ta vẫn luôn nhớ về nhau. Điện thoại bất chợt ren lên. Tôi ngạc nhiên vì tin nhắn của Khang. "Em khỏe không, anh đang ở Hà Nội. Giáng sinh vui vẻ em nhé, mình sẽ gặp lại nhau". Như những tin nhắn trước đây nhưng đó là những dòng cảm xúc rất đặc biệt về một chàng trai đến từ Hà Nội. Dòng tin nhắn gần đây nhất, chỉ ngắn ngủi ba chữ. "Anh yêu em". Ba chữ ấy thật kỳ lạ, cảm giác với tôi vẫn nguyên vẹn như ban đầu. 
Trong đời được yêu một người là may mắn không phải ai cũng được may mắn như vậy.
Phong Li


Kết quả hình ảnh cho Hai cây thông
Cây Giáng Sinh sinh đôi
Chị Bông nấu nướng xong chuẩn bị dọn cơm trưa mà anh Bông vẫn còn miệt mài ở trong phòng với computer. Từ lúc thức dậy anh pha ly cà phê vừa nhâm nhi vừa lên net cho tới giờ…
Anh Bông bị lay off cả tháng nay, anh rơi vào tình trạng buồn rầu và lo âu, lúc nào cũng nôn nóng tìm việc làm trên net...
    Chị nhớ năm ngoái đọc báo thấy tin một ông kia bị lay off ngay vào thời điểm gần lễ Giáng Sinh, ông ta buồn phiền thất vọng đã bắn chết cả vợ con và tự sát luôn.
    Chị Bông bỗng lo lo, chỉ sợ anh Bông cũng... dại dột như thế, chị vội len lén đi đến bên cửa phòng nhìn vào. Thì cũng vô tình là lúc anh Bông quay ra, bắt gặp thái độ thập thò của vợ, anh Bông khó chịu:
  - Em rình mò gì thế?
    Chị nói dối không quen nên lúng túng:
  - À… em… em… chỉ tình cờ đi qua thấy anh ngồi đây nên… nhìn vào… cho vui...
  - Có gì mà vui? Trông mặt em kìa, y như một người đang theo dõi một người.
    May qúa anh Bông vẫn đang ngồi bên chiếc máy computer. Thế là chị yên lòng rồi.
  - Nhưng anh làm gì mà lên net lâu thế? Tin tức ở đâu cho anh xem cả ngày chứ…
    Chị ra tới bếp vẫn tìm cách làm cho chồng vui nên léo nhéo với chồng:
  - Anh ơi, em nhờ anh xem giùm em thời tiết chiều nay nhiệt độ bao nhiêu?
    Anh Bông lạnh lùng đáp vọng ra:
  - Anh đang online tìm việc, tối qua em cũng đã coi mục thời tiết cho cả tuần rồi mà.
    Chị vẫn cố tình quấy rầy chồng:
  - Mùa Đông năm nay thời tiết bất thường lắm, có hôm nắng đẹp như mùa Thu còn ở lại, có hôm mưa dữ như cơn bão nào sắp về. Tin vào thời tiết như tin người tình bốc đồng và nông nỗi đổi trắng thay đen bất ngờ. Anh xem lại giùm em đi.
  - Thì đây, buổi chiều không mưa, nhiệt độ 60. Thật là đẹp trời, vừa lòng em chưa?
    Chị Bông nũng nịu:
  - Em coi thời tiết để em mặc quần áo ấy mà.
  - Thì có khi nào em không mặc quần áo đâu.
  - Ơ kìa, anh ăn nói lạ nhỉ…
    Dù không mấy quan tâm đến chuyện thời tiết và vợ, anh Bông cũng phải rời khỏi máy computer, trách yêu:
  - Em chỉ lắm chuyện.
    Chị Bông tươi cười:
  - Để em mặc áo khi ra ngoài đường, trời có gió thì em quàng chiếc khăn cổ sơ sơ, để gió bay phất phơ cho đẹp, trời lạnh vừa thì em khóac áo len mỏng tanh mỏng tang cho mảnh mai thơ mộng, còn trời...
  - Biết rồi, trời lạnh nhiều thì em mặc chiếc áo da ấm áp như vòng tay người tình che chở như em đã từng nói. Mà chiều nay em định đi đâu? Em lúc nào cũng nhởn nhơ trong khi...
    Anh Bông ngừng nói giữa chừng và khẽ buông tiếng thở dài, chị Bông đi vào vấn đề:
  - Nãy anh nói đang tìm việc trên net, ngày lễ ngày tết đến nơi rồi, cuối năm công ty, hãng xưởng tổng kết sổ sách, ai thuê mướn mà anh tìm việc cho mất công?
    Anh Bông vẫn buồn buồn:
  - Những ngày lễ lộc đang đến, nhu cầu sắm sửa nhiều mà anh lại không làm ra tiền, anh áy náy quá.
    Chị làm bộ dỗi hờn:
  - Hãng cho anh nghỉ việc chứ có phải anh lười biếng không làm việc đâu. Anh đừng buồn kẻo em buồn lây đấy.
    Anh Bông lại băn khoăn:
  - Còn một điều nữa, anh tiếc là chưa thực hiện được một món quà bí mật anh định dành tặng em cho bất ngờ.thì bị nghỉ việc, bây giờ anh chẳng còn lòng dạ nào mà nghĩ đến nữa.
    Chị Bông tò mò:
  - Món quà gì vậy anh? Quan trọng với anh đến thế sao? vẫn còn thiếu gì cách có thể làm vui lòng em mà, nói cho em nghe đi.
  - Em khéo dụ dỗ anh lắm, mà anh cũng khai ra cho em hiểu để anh nhẹ lòng luôn. Anh định rủ em đi cruise với anh một chuyến, hai con đem gởi bên nội, chỉ hai vợ chồng mình đi cho rảnh rang và thơ mộng, em thích chuyến hải hành dài ngày hay ngắn ngày?
    Chị Bông thản nhiên cười:
  - Cám ơn anh, nhưng anh chọn lầm quà cho em rồi, đi cruise là thứ mà em ghét nhất trên đời, cho dù bỗng dưng có cái vé miễn phí rơi vào túi mình em cũng không đi. Vì như nhỏ bạn em kể lại, nó phải mang theo thuốc say sóng, mang theo cả... mì gói vì không thích hợp với các món ăn đủ kiểu Tây, Tàu, Nhật Bản v..v…ê hề trên tàu 24/24 . Đi du ngoạn trên biển mà khổ cực như ngày xưa người ta... đi vượt biên thì đi làm gì?
  - Anh biết là em sẽ say sóng, đi Taxi em còn bị chóng mày chóng mặt mà, và em lại là người khó có thể chấp nhận các món ăn dân tộc khác ngoài món ăn quê hương Việt Nam. Nhưng anh muốn em thử cho biết với người ta.
  - Chắc anh lên net đọc mấy cái quảng cáo đi cruise làm anh mê hồn chứ gì? Em đơn giản lắm, anh muốn cảnh sông nước thì dẫn em ra hồ hay ra biển là đủ rồi, em chỉ thích… đứng trên bờ mà ngắm cảnh nước sông. Anh Bông buộc miệng:
  - Công nhận nuôi em dễ thiệt, cái gì cũng đơn giản, từ ăn uống đến cách sống.
  - Nếu thế thì anh không còn gì phải khắc khỏai lo lắng nữa nhé, cứ thong thả hưởng tiền thất nghiệp, vui đón mùa Giáng Sinh, đón năm mới. Sang năm rồi tính, anh Nam kỳ mà lo xa hơn cả em đây Bắc kỳ nữa. Anh hãy cười lên đi!
    Anh Bông mỉm cười nhưng khuấy lấp:
  - Chắc anh lây nhiễm máu Bắc kỳ nhà em từ lâu rồi, cứ ngồi không thấy một mình em đi làm anh không đành lòng. Kiếp sau tái sinh chắc anh sẽ là Bắc kỳ lo xa tính kỹ.
    Chị Bông an ủi:
  - Kinh tế toàn cầu xuống thấp, thất nghiệp như bệnh dịch lan tràn khắp nơi trên thế giới, có riêng gì anh.Tụi Tây thất nghiệp thì còn lo mất nhà mất xe, chứ đối với nhiều người Việt Nam chúng ta nhân dịp này coi như… nghỉ xả hơi. Mình sống căn cơ, có của tích lũy để dành và còn có em đây, có một đầu người đi làm vẫn vững như kiềng 3 chân.
  - Em... ngon lành nhỉ, em học đâu ra tính tự tại an nhiên thế?
  - Trong kinh Phật đấy, để tâm hồn thanh thản khỏe mạnh sống lâu còn qúy hơn bạc tiền. Chiều nay là chiều thứ Bảy chúng ta sẽ đi shopping cho mùa Giáng Sinh, sẽ có một món đặc biệt làm cha con anh bất ngờ...
    Đến lượt anh Bông tò mò:
  - Em khai trước cho anh biết được không?
  - Không, em không dễ dụ như anh mà khai trước mất linh Đi chợ với em rồi biết.
    Anh Bông bật cười:
  - Anh lúc nào cũng... dại gái, phải thua em. Nghe một Phật tử chuyên luyện kinh, nghe bài giảng Phật Pháp nói về Giáng Sinh cũng hớn hở không kém.
  - Giáng Sinh là mùa lễ của Thiên Chúa giáo và cũng là của tất cả mọi người trên thế giới. Còn 4 tuần nữa mới là ngày Giáng Sinh, nhưng mình sắm sửa sớm cho hai con vui, chúng nó xem ti vi hay đi học, ra đường phố thấy đâu đâu cũng hân hoan đón chờ ngày này nên chộn rộn lắm.
    Anh Bông vui vui:
  - Và anh đợi cái bất ngờ em sẽ mang vào trong ngôi nhà này.
    Anh chị Bông lấy nhau gần chục năm trời chị Bông vẫn không thể mang thai, đi khám bác sĩ hiếm muộn nhiều lần thì chị mới mang thai và trời thương đền bù cho chị sinh đôi ra hai thằng con trai khỏe mạnh. Thằng Tuấn và thằng Tú năm nay 9 tuổi.
    Hai đứa con ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ, nhưng tính nết mỗi đứa mỗi khác, thằng Tuấn mạnh mẽ, hay lý sự còn thằng Tú yếu đuối hơn, ít nói hơn.
    Hồi nhỏ hai đứa đi học lớp Mẫu giáo, cô giáo cho bài tập tô màu, thằng Tú chăm chỉ tô màu xong, còn thằng Tuấn thì không. Khi chị Bông đến đón thì cô giáo kể lại với chị Bông để khuyên thằng Tuấn thì nó khoe ra để bào chữa:
  - Tôi không biết tô màu, nhưng tôi biết đếm từ 1 đến 100...
    Sợ chưa đủ thuyết phục thằng Tuấn khoe thêm:
  - Tôi biết đếm từ 1 đến một ngàn luôn.
    Cô giáo cương quyết:
  - Cho dù con biết đếm từ 1 đến một triệu thì con vẫn phải tập tô màu như em con, như mọi người.
    Đến nước này thì thằng Tuấn mới chịu thua và lo tập tô màu.
    Hai đứa đều mơ ước lớn lên sẽ vào đại học, dù nghề nghiệp thì chúng thay đổi soành soạch. Tuấn nói với bố mẹ:
  - Khi nào con vào đại học con sẽ ở trong dorm giống như cậu Tùng nhà mình.
    Còn thằng Tú thì an phận hơn nhiều:
  - Con sẽ học ở gần nhà mình và ở nhà với bố mẹ, mẹ vẫn nấu đồ ăn cho con.
    Chị Bông hớn hở nói riêng với chồng:
  - Chắc mai mốt thằng Tú có hiếu hơn thằng Tuấn anh ạ, vì nó không muốn xa nhà, xa bố mẹ.
    Anh Bông thực tế suy đoán:
  - Em à, vì thằng Tú bản tính nhút nhát sợ ma, nên không dám đi xa, không dám ở dorm một mình chỉ muốn ở nhà với cha mẹ cho an toàn, lại được mẹ cưng chiều nấu những món ngon mà nó ưa thích và mang vào tận phòng phục vụ nó khi nó bận chơi game không ra phòng ăn đúng giờ với mọi người.

*****
   Buổi chiều, vợ chồng chị Bông và hai con cùng đi mall mua sắm. Mới vào tháng 12 mà trời đất và con người như ngây ngất với ngày lễ Giáng Sinh đang đến, có lẽ niềm vui từ Lễ Tạ Ơn kéo dài cho đến giờ. Nhiều nhà đã lên đèn, đã trưng bày những hình ảnh Giáng Sinh thật đẹp ở bên ngoài hay chung quanh nhà.
Các mall các cửa hàng thì tưng bừng hẳn lên, đã dựng cây Giáng Sinh lộng lẫy, hàng hóa bày tràn ngập và khách ra vào tấp nập cho dù ngày thường hay cuối tuần.
    Chị Bông hôm nay diện chiếc quần đen bó sát và chiếc áo hoa nhỏ màu cam đỏ có sợi dây thắt nhẹ nhàng nơi lưng, nhiệt độ này đủ cho chị khoe chiếc khăn quàng tím nơi cổ.
    Hai thằng con sinh đôi cũng diện bộ cánh ưng ý của mình.
    Anh Bông đơn giản áo sơ mi bỏ vào quần.
    Vừa bước đến trước cổng mall cả nhà đã trông thấy người đứng rung chuông bên cạnh một thùng để nhận tiền. Tuấn nhanh nhẩu reo lên trước:
  - Mẹ ơi, cho con xin tiền lẻ.
    Thằng Tú cũng hào hứng:
  - Bố ơi cho con nhiều tiền, con muốn giúp người nghèo nhiều hơn năm ngoái.
    Hai thằng đã được chị Bông dạy từ hồi mới 3-4 tuổi cho đến giờ, mỗi năm vào mùa Giáng Sinh chị dẫn chúng đi mall, đi chợ, nơi nào có người đứng rung chuông xin tiền thì chị đều đưa tiền cho con, chỉ nó bỏ tiền vào thùng và khi người rung chuông nói cám ơn thì chúng sẽ lịch sự đáp lại “You are welcome”.
    Thuở lên 3 lên 5 ấy Tuấn và Tú đã không ngớt hỏi bố mẹ:
  - Mẹ ơi, những người nghèo đáng thương quá, nhà họ có cây Giáng Sinh không? Có lò sưởi để ông già Noel chui xuống cho qùa trẻ con không?
  - Bố ơi, có phải con cho tiền giúp đứa trẻ nghèo nào đó có tiền mua bánh và mua đồ chơi không?
    Cho đến năm nay hai đứa đã nhiều kinh nghiệm, đã hiểu được ý nghĩa việc chúng làm và lấy làm hãnh diện sung sướng khi ngày lễ Giáng Sinh đến, chúng được hưởng tình thương trong gia đình, chúng sẽ chia sẻ niềm hạnh phúc ấy đến những người kém may mắn, sự đóng góp dù nhỏ bé của chúng cũng có thể sưởi ấm được cõi lòng ai đó.
    Vào trong mall không khí thật náo nhiệt trong các ánh đèn màu sáng sủa, hàng hóa và quần áo thời trang của mọi người như cùng nhau khoe sắc...
    Anh Bông trông hai con trong những khi chị Bông mải mê lựa chọn quần áo cho chị và cho chồng con, thử quần áo và đổi kiểu này kiểu nọ nên thời gian mua quần áo là lâu nhất...
    Rồi chị Bông mua sắm thêm nhiều thứ đồ dùng trong nhà, càng đi càng mỏi chân thì hai con chỉ chờ mong giây phút được đến food court để ăn hàng, chúng chạy lăng xăng từ hàng này đến hàng kia, món nào cũng muốn ăn, muốn uống, cuối cùng hai đứa cũng chọn được món mình thích và bưng khay thức ăn ra bàn ngồi thưởng thức ngon lành khi xung quanh chúng người ta cũng ăn uống vui vẻ và đi qua đi lại nhộn nhịp. Hình như ai cũng rộn ràng, hớn hở hẳn lên vì những ngày lễ sắp đến này.
    Sau khi rời khỏi mall chị Bông nói chồng lái xe đến Home Depot để mua cây Thông Giáng Sinh và mua thêm các vật dụng trang trí.
    Ba cha con ngạc nhiên và không ngớt thắc mắc khi chị Bông mua 2 cây thông cùng kiểu cùng kích thước. Nhưng chị nhất định không giải thích và nói với hai con:
  - Về nhà dựng xong hai cây Giáng Sinh thì mẹ sẽ nói ý nghĩa cho hai con và bố biết.
    Cả nhà cùng xúm lại góp ý, trước hết chọn chỗ rộng rãi để hai cây thông, vì chị Bông muốn hai cây thông đứng cạnh nhau. Đó là phòng khách gia đình, vừa ấm cúng vừa riêng tư.
    Anh Bông cẩn thận kê từng cây thông cho thẳng thắn, ngay ngắn giữa căn phòng.
    Hai đứa con sung sướng đổ thùng vật dụng trang trí cây thông ra và cả nhà mỗi người một tay giăng đèn, treo giây kim tuyến , treo những hộp qùa be bé xinh xinh màu đỏ, màu xanh, những tấm thiệp lên xung quanh hai cây thông...
    Trang hoàng xong đã thấy mùa Giáng Sinh đang ở đây rồi.
    Thằng Tuấn nhắc bố:
  - Bố ơi, gần đến ngày Giáng Sinh bố chở hai đứa con đi khắp khu phố nhà mình xem đèn và hang đá nhé?
  - Ừ, bố không quên đâu, bố biết hai con thích điều ấy từ hồi nhỏ đến giờ mà.. Thế là bây giờ chúng ta đã có hai cây Giáng Sinh đẹp tuyệt trong nhà.
  - Sao năm nay mẹ lại thích 2 cây Giáng Sinh hả mẹ?
  - Giáng Sinh này nhà mình giàu hả mẹ?
  - Bố dám chắc với hai con là chỉ có nhà mình bày 2 cây thông, không có nhà nào giống mình đâu.
    Chị Bông mỉm cười trước những khuôn mặt thân yêu đang ngồi trước mặt chị và ân cần nói:
  - Hai con ơi, có phải hai con là anh em sinh đôi không? Hai con giống nhau đủ thứ, sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm. Hai con ngoan ngoãn như nhau, cùng yêu thương nhau. Mẹ đã mua sắm từ quần áo, đồ dùng của hai con đều giống nhau, cha mẹ thương yêu hai con như nhau. Năm nay rất đăc biệt, chúng ta cần hai cây Giáng Sinh giống nhau trong nhà, là hình ảnh của hai con, là niềm mơ ước, là hạnh phúc của bố mẹ. Và...
    Nói đến đây chị Bông quay sang anh Bông:
  - Và với anh, em muốn nói rằng dù trong cuộc sống bất chợt vui buồn, lúc suông sẻ hay trắc trở khó khăn thì chúng mình cũng như hai cây thông kia là biểu tượng của cuộc sống, vẫn thơm tho mùi lá, vẫn xanh màu vì nhau, và nhất là vẫn đứng cạnh bên nhau.
    Anh Bông cảm động:
  - Ừ, anh hiểu rồi.
  - Vậy anh đừng buồn, đừng lo vụ đang thất nghiệp nữa nghe, trưóc sau gì anh cũng sẽ xin được việc khác thôi. Anh hứa đi...
  - Cám ơn em, anh xin hứa không để em buồn lây nữa...
    Anh Bông cười vui:
  - Hoan hô hai cây Giáng Sinh này, hai cây Giáng Sinh của bố và mẹ...
    Thằng Tú reo lên:
  - Hoan hô cây Giáng Sinh của anh em con nữa.
    Thằng Tuấn vui thích:
  - Con muốn đặt tên nó là “Cây Giáng Sinh sinh đôi”.
    Anh Bông nắm tay hai con và mỉm cười:
  - Ừ, “Cây Giáng Sinh sinh đôi” của cả nhà mình.
    Tú hỏi mẹ:
  - Mẹ ơi, thế ông già Noel sẽ phải cho quà cả hai cây Giáng Sinh hả mẹ? con sẽ đặt lá thư con gới ông Santa Claus dưới hai cây thông luôn.
    Thằng Tú vẫn ngây thơ mơ ước, vẫn tin có ông gìa Noel cho quà trẻ con trong đêm Giáng Sinh khi chúng còn đang say ngủ.
    Thằng Tuấn thì không tin nữa, vì bạn nó cũng nói ông Santa Claus chỉ có trong truyện cổ tích, nhưng nghe thằng em nói sẽ gởi thư xin quà ông già Noel thì nó lại sốt ruột, lo mất phần. Lỡ thằng bạn nó nói sai? lỡ ông già Noel vẫn có thật trên cõi đời này? Vì năm nào hai anh em Tuấn và Tú chẳng nhận được những món quà mơ ước khi buổi sáng ngày lễ Giáng Sinh chúng thức giấc và chạy ra cây Giáng Sinh đã thấy quà ông gìa Noel đem đến tặng từ lúc nào chúng không hề hay biết.
    Thằng Tuấn nói với em:
  - Anh sẽ nghĩ và viếr ra một cái list dài xin ông đủ thứ...
  - Thích qúa, em cũng thế…
    Anh Bông nhìn chị Bông, hai vợ chồng mỉm cười kín đáo nháy mắt cho nhau, vì năm nào vợ chồng chị chẳng thay mặt ông già Noel mà bí mật mua quà tặng hai con.
    Chị Bông âu yếm khuyên hai con:
  - Hai con đừng xin nhiều hoặc thứ gì hiếm có trên đời nhé, vì ông Santa Claus bận rộn với hàng triệu triệu trẻ em trên thế giới, để tiền bạc và thì giờ ông còn mua quà và đến tặng cho khắp mọi người nữa chứ.
 Nguyễn thị Thanh Dương