Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2016

Nhạc - Thơ - Văn Buổi học cuối cùng

 
Kỷ niệm 43 năm rời xa trường Sư Phạm

Tình Ca Tiếng Nước Tôi

Tình Ca Tiếng Nước Tôi

Những bài hát về Ngày Nhà giáo Việt Nam

Tôi yêu Việt Nam !
Tôi yêu đất nước "Việt Nam",
Như yêu bóng rợp tre làng quê tôi...!
Ngọt ngào giọng hát đưa nôi,
Mẹ ngân nga khúc "À ơi" trưa hè...
Râm ran đầu ngõ tiếng ve,
Cha về trong nắng vàng hoe bên thềm...
Thương hoài những buổi chiều êm,
Sáo vi vu thổi êm đềm chiều thu !
Bên hiên khói toả mịt mù,
Ngoại ngâm nga khúc Nguyễn Du truyện Kiều ...
Ngàn năm tôi vẫn mếu yêu,
Dẫu lời ru mẹ gi liu xiu buồn !!
"Việt Nam" hai chữ cội nguồn,
Nhắc người xa xnhớ nhung quay về ! 
NM

Buổi học cuối cùng

(Câu chuyện kể lại của một cậu bé Sóc Trăng)
Ngủ dậy trễ, tôi uể oải không muốn đến trường. Thầy Hinh nói hôm nay Thầy kiểm tra về cách giải toán chuyển động mà Thầy đã giảng hôm trước. Tôi dốt toán nên rất sợ buổi học hôm nay. Tôi quyết định bỏ học, vội xách cặp vở chạy băng ra đồng theo các bạn con nhà nghèo, đi tát cá.
Hôm nay mát. Bầu trời trong xanh. Hít gió đồng thật thú vị.
Chạy qua một cánh rừng tràm, thấp thoáng bên kia bìa rừng một đồn lính Pháp. Mấy ông hạ sĩ quan người Pháp đang tập cho những người lính trẻ Việt Nam đi "một hai". Nghĩ sự lười biếng trốn học sẽ đưa mình vào đồn lính, tôi bỏ ý định đi tát cá, chạy vội lại trường.
Chạy qua trụ sở xã tôi thấy nhiều người dân đang chen nhau đọc một thông cáo dán trong một thùng có lưới sắt. Cái thùng dán thông cáo này là nơi mang đến cho dân trong xã mọi thông tin, thường là không vui. Tin Đức gây chiến bên trời Tây, tin phong trào Văn Thân ngoài miền Trung bị dẹp tan, tin về thuế gạo gia tăng… Tôi tự hỏi "Tin gì nữa đây?"
Ông Ân, một nông dân và cậu con 15 tuổi, đang đứng đọc thông cáo nói với tôi: "Đừng vội. Mày đến lớp chưa trễ đâu". Tưởng ông Ân nói khích tôi, tôi không trả lời, vừa chạy đến lớp vừa thở hỗn hễn.
Ngày thường lớp học bắt đầu ồn ào, đi ngoài cổng trường đã nghe tiếng ghế xê dịch và tiếng nói chuyện lao xao như một đàn ong vỡ tổ. Thầy Hinh thường nhịp nhịp cây thước lên bàn ra lệnh "Im! Im đi các con" . Tôi tính sẽ lợi dụng sự ồn ào đó để lén vào lớp khỏi bị Thầy mắng.
Nhưng hôm nay lớp học im lặng khác thường . Nhìn qua cửa sổ tôi thấy học trò đã ngay ngắn vào chỗ, thầy Hinh kẹp cái thước dưới nách đi qua đi lại nhìn học trò một cách trìu mến. Cứ nghĩ phải mở cửa bước vào lớp tôi run lên.
Nhưng, sau khi tôi mở cửa, Thầy Hinh nhìn tôi bằng đôi mắt hiền từ, bảo: "Về chỗ ngồi nhanh đi con. Xuýt nữa thầy bắt đầu buổi học thiếu con".
Tim bớt đập, tôi ngồi quan sát lớp học. Thầy Hinh hôm nay mặc áo dài đen, quần trắng, mang giày da, bộ áo quần thầy chỉ mặc vào dịp thanh tra, phát phần thưởng hay đi dự đám tang. 
Cuối lớp nơi hàng ghế thường ngày bỏ trống tôi thấy ông Viên, xã trưởng, ông Công, người chạy công văn xã và vài viên chức xã ăn vận chỉnh tề im lặng ngồi, nét mặt ai cũng trầm tư. Tôi đang thắc mắc chưa biết chuyện gì thì thầy Hinh đã kéo ghế ngồi vào bàn thầy giáo, ôn tồn nói với chúng tôi:
Photo: vov
"Các con! Hôm nay là buổi học cuối cùng bằng Việt ngữ. Chính phủ Pháp từ Ba Lê đã ra lệnh rằng: Ngày mai tất cả trường học ở Nam Kỳ bắt đầu dùng tiếng  Pháp làm chuyển ngữ. Thầy sẽ đi. Thầy mới của các con ngày mai sẽ tới. Hôm nay thay vì kiểm tra toán chuyển động thầy giảng cho các con về Truyện Kiều của văn hào Nguyễn Du. Các con ráng nghe vì các con không còn dịp nghe giảng Truyện Kiều ở lớp nữa.
Tôi choáng váng.Thì ra hôm nay dân chen chúc xem thông cáo ở xã là vậy. Hôm nay là buổi học bằng Việt ngữ cuối cùng!  Tôi bỗng hối tiếc đã bỏ những buổi học chạy theo tổ chim, đầm cá. Tôi hối tiếc thời gian đã mất. Tập văn ghi chép Kiều, ghi chép các giai đoạn lịch sử Việt Nam thường ngày tôi thấy nặng chĩu trên lưng hôm nay tôi cảm thấy quý hiếm như sắp rời xa một người thân. Và thầy Hinh, nghĩ đến Thầy sẽ bỏ chúng tôi ra đi tôi quên hết những hình phạt của Thầy, những chiếc thước nặng nề vào đít mỗi lúc tôi bỏ lớp.
Tội nghiệp thầy Hinh!
Chính vì hôm nay là buổi học cuối cùng Thầy đã ăn mặc như những ngày vui buồn trong thôn xóm và bây giờ tôi hiểu tại sao các viên chức xã có mặt. Họ không có cơ hội đến  lớp học này nữa. Họ đến cũng để tiễn biệt và cám ơn thầy Hinh đã ròng rã 40 năm chăn dắt con cái trong làng xã. Họ đến để một lần cuối giả từ nhiệm vụ đối với triều đình.
Đang miên man với những ý nghĩ lộn xộn trong đầu tôi nghe thầy Hinh gọi tên tôi. Thầy bảo tôi đọc một đoạn Kiều. Giở tập văn tôi tự hỏi làm sao tôi có thể đọc trôi chảy mấy vần thơ lục bát kia. Tôi lắp bắp không thành tiếng, cố gắng đứng thẳng mặt cúi gầm, trái tim nặng chĩu .
Thầy Hinh từ tốn: "Thầy không mắng con đâu. Sự lúng túng của con đã là một hình phạt cho con. Ngày này qua ngày khác ai cũng tự nhủ: Còn chán thì giờ, ngày mai học muộn gì!  Thế rồi con thấy đó, bây giờ muốn học cũng không được quyền học nữa. Còn gì nhục nhã cho bằng người Việt Nam mà không biết Truyện Kiều! Nhưng không phải chỉ một mình con có lỗi. Mọi người đều có phần trách nhiệm của mình. Nhiều gia đình bố mẹ không cho con đi học. Bắt con đi cuốc đất làm thuê đem chút tiền về là tốt. Thầy cũng lắm tội. Khi các con đến thăm Thầy, thay vì giảng bài cho các con Thầy bảo các con đi tưới cây hay nhỗ cỏ vườn hoa cho Thầy. Và mùa cá trê Thầy thường kiếm cớ cho các con nghỉ học để đi câu."
Từ chuyện này qua chuyện khác thầy Hinh nói đến tiếng Việt và Truyện Kiều mà Thầy cho là một ngôn ngữ trong sáng nhất và là những vần thơ trác tuyệt nhất thế giới. Thầy nói chúng ta có bổn phận giữ gìn ngôn ngữ. Một dân tộc bị nô lệ mà vẫn bảo tồn được ngôn ngữ của mình thì vẫn còn cầm chiếc chìa khóa nhà tù trong tay.
Rồi Thầy đọc một đoạn Kiều, giảng giải văn phạm, phân tích ngôn từ và ý nghĩa của nó. Thầy Hinh để cả tâm hồn vào đoạn văn như cố đem tàn lực trong buổi học cuối cùng nhồi nhét kiến thức vào đầu óc chúng tôi. Tôi ráng nghe và bỗng thấy thương Thầy và hiểu những điều Thầy nói
Giảng bài xong thầy Hinh bảo chúng tôi nắn nót chép bốn câu Kiều, và ghi chú ở dưới : "Truyện Kiều còn, tiếng Việt còn; tiếng Việt còn, nước Việt còn". Ngoài sân mấy chiếc cờ tam tài nhỏ tô điểm cho buổi  học cuối cùng bay phe phẩy theo gió. Trong lớp im phăng phắc tưởng như có thể nghe được tiếng bút sắt rào rào trên giấy. Trên ngọn cây bên kia sân mấy chú bồ câu đang ghé mỏ gù nhau. Một ý nghĩ khôi hài chợt đến, tôi tự hỏi không biết mấy con bồ câu có hỏi nhau  "Từ nay chúng mình có phải gù bằng tiếng Pháp không?
Thỉnh thoảng nhìn lên tôi thấy thầy Hinh ngồi nơi bàn thầy giáo, nét mặt ưu tư lướt nhìn lớp học, sân trường và nhìn chúng tôi đang cắm cúi viết  như cố thu vào trí nhớ của Thầy khung cảnh hôm nay. Bốn mươi năm Thầy ở trên gác và dạy học tại lớp học này. Học trò đến rồi đi, thỉnh thoảng có đứa trở lại thăm trường, nhưng thầy vẫn ngồi trong khung cảnh quen thuộc này. Khác chăng bàn ghế  qua năm tháng nước gỗ láng hơn, mòn hơn. Các cửa sổ được nới rộng để thêm ánh sáng, ống gíó được đặt để lấy thêm gió vào lớp học mùa hè, nhưng lớp học vẫn vậy. Ngoài kia là sân cỏ, trên gác là nhà ở của Thầy với người con gái trọng tuổi chưa chồng. Vợ thầy mất đã lâu. Lớp học im lặng, Thầy nghe được cả tiếng đóng vali của cô con gái đang chuẩn bị hành lý. Ngày mai Thầy đi sớm, nhường nhà cho Thầy mới.
Giảng Kiều xong, thầy Hinh bảo chúng tôi mở sách sử. Thầy giảng về các triều đại Trần, Lê, đánh Nguyên, diệt Minh, và ngừng khá lâu với người anh hùng áo vãi Quang Trung với trận đánh lẫy lừng nơi gò Đống Đa. Ở cuối lớp, ông xã trưởng và các chức sắc xã cũng mang kính đọc sử với chúng tôi. Thầy Hinh vận dụng sức mạnh tinh thần để đi đoạn cuối cuộc đời dạy học của Thầy. Giọng thầy run run vì xúc động làm tôi chỉ muốn khóc. Tôi biết rằng tôi sẽ không bao giờ quên được buổi học cuối cùng hôm nay.
Bỗng tiếng chuông chùa sư nữ trong làng ngân vang báo hiệu giờ thọ trai của các ni sư. Ngoài đường một đoàn lính Tây đi tập trở về đồn với tiếng kèn inh ỏi.
Thầy Hinh đứng dậy, sửa lại vạt áo.
Thầy bắt đầu: "Các con … các con …" rồi giọng Thầy tắc trong cổ không phát thành lời. Để nén nước mắt Thầy cầm một viên phấn màu viết lên bảng đen hai chữ  "Việt Nam".
Thầy Hinh gục đầu vào tấm bảng đen, khoát tay ra hiệu bảo chúng tôi ra về.
Trần Bình  Nam
Kết quả hình ảnh cho tranh vẽ ngày nhà giáo việt nam
Người học trò cũ của thầy Thân
Mùa mưa năm ấy thật khắc nghiệt. Mưa tầm tã hết ngày này qua ngày khác. Sông suối đầy ắp. Nước lũ bao vây chúng tôi hàng tháng trời. Không đi cõng gạo được, khẩu phần ăn cứ rút xuống dần, đến bữa mỗi người chỉ nhận được một mẩu sắn luộc. Khổ nhất là khi có người ốm nặng, không cáng đi bệnh viện được.
Bộ phận của tôi, mọi người đi công tác cả, chỉ còn hai người: Thân đang ốm và tôi là lính mới vào chiến trường. Hai đứa mắc võng hai bên một bếp lửa râm rỉ cháy ngày đêm, dưới một mái lá sơ sài chỗ nào cũng dột. Trời mưa lạnh, ướt át, bụng lại đói, chúng tôi gần như suốt ngày nằm co ro trong võng. Ngủ chán lại thức dậy, nếu không hí hoáy nhật kí lại tán chuyện tầm phào để quên cái thèm ăn và khuây nỗi nhớ nhà.

Thân người miền Bắc, tôi là dân tập kết quay về. Nhưng hai đứa có nhiều cái giống nhau: cùng tuổi thân, đều đã có vợ và con gái đầu lòng, cả hai bên đều là giáo viên văn. Thân vào chiến trường trước tôi mấy năm. Tạng người Thân vốn không khoẻ lại trải qua cảnh cực khổ, thiếu thốn, anh ốm đau luôn, khi tôi vào thì trông anh đã suy sụp lắm, cư vài ngày lại lên cơn. Nhưng bên trong thân hình gầy yếu và tiều tuỵ ấy, là một quả tim nhân hậu và một cái đầu đầy mộng tưởng. Những khi nói về mình, thân thương nhắc lại câu tôi nghe đã quen tai "nếu còn sống đến ngày ấy, mình sẽ..."

Một đêm lạnh giá không ngủ được, tôi nằm chờ trời sáng. Bỗng có tiếng Thân hỏi sang:

- Thức đấy chứ?

-Thức.

- Mình cho cậu xem cái này vừa nói Thân vừa chồm người dựa sang một tờ giấy nhỏ - Cậu chỉ cần đọc câu đầu, rồi mình kể cho nghe.

Tôi bấm đèn bin đọc:

"Ôđetxa, ngày...

Thầy kính mến,

Chắc thầy ngạc nhiên lắm khi nhận được thư này của em. Em vừa sang đây được ba hôm, và đây là những dòng chữa đầu tiên em viết trên đất bạn để gửi về tổ quốc. Hôm tiễn em ra ga mẹ em cứ dặn đi dặn lại: sang bên ấy thế nào con cũng phải đánh thư về cho thầy ngay, không có thầy thì con không có được như ngày nay đâu. Rồi mẹ em khóc..."

Tôi liếc nhanh xuống cuối thư:

"Học trò cũ của thầy, Ninh Thị Vữa".

Tôi vừa tắt đèn bin thì Thân kể:

"Em Vữa này là một trong học sinh giỏi của lớp mình vừa dạy văn vừa chủ nhiệm, khổ nỗi nhà quá nghèo, lại gặp nạn - bố làm thợ xây, một viên gạch bê tông rơi từ trên cao xuống, đập nát cả bàn chân, phải nằm bệnh viện suốt mấy tháng. Mẹ làm cấp dưỡng ở trường sư phạm tỉnh. Sau Vữa lại còn hai đứa em. Thấy cảnh nhà khốn khó quá, em quyết định nghỉ học, xin làm phụ nề để giúp mẹ. Mình nhớ mãi hôm ấy. Cuối buổi học là giờ trả bài tập làm văn của mình. Bài của Vữa được điểm cao, được đọc cho cả lớp nghe. Khi tan lớp học sinh ra về cả, mình thấy Vữa vẫn ngồi lại, vẻ mặt rất buồn khổ. Mình bước xuống hỏi, em cắn môi một lát rồi đứng dậy chỉ nói được hai tiếng "thưa thầy" lại ngồi thụp xuống gục đầu trên bàn khóc nứa nở, hai chiếc đuôi sam cứ rung lên bần bật trên vai áo. Mình đã hiểu hoàn cảnh của Vữa nên đứng đợi cho em đỡ xúc động để tìm lời an ủi. Nhưng bỗng nhiên em đứng bật dậy, chìa vội cho mình lá đơn xin thôi học rồi ôm sách vở chạy vù ra khỏi lớp.

Đêm đó mình không ngủ được. Thương và tiếc cho nó quá. Hôm sau mình đến nhà. Mẹ Vữa thấy mình đến vội nói ngay: Cảnh nhà em nó "hoàn cảnh" quá, không nói thì thầy cũng đã hiểu cả rồi. Nói thực bụng thì gia đình em chưa có ý định cho cháu thôi học. Nhưng nó thấy cảnh nhà túng bấn quá, lại không muốn cho hai đứa em nó học hành dở dang nên cứ nằng nặc bảo mẹ phải ký vào đơn. Nên rồi cũng chiều cháu. Mình biết tuy ngoài miệng bà nói vậy nhưng thực bụng thực bụng cũng muốn cho Vữa nghỉ học để phụ giúp bà, nhà cực quá, nó lại là con gái học chi cho cao. Nên mình nói đại ý: cái khó của gia đình là tạm thời, tương lai con cái là quan trọng. Vữa lại học rất tốt, rất có triển vọng, vả lại cũng chẳng còn bao lâu nữa là hết cấp III. Rất thông cảm với khó khăn của gia đình, vợ chồng chúng tôi cũng chẳng dư giả gì nhưng còn đỡ hơn hai bác, chúng tôi xin được giành ra mỗi tháng mười đồng để giúp thêm cho Vữa học hết cấp III. Nếu hai bác ngại thì coi là tôi cho vay, sau này em Vữa trả lại cũng được.

Nghe mình nói thế, mẹ Vữa lặng đi một lúc rồi rưng rưng nước mắt nói: Xin hết sức cảm ơn thầy cô và cũng không dám phiền đến thầy, thôi thì rau cháo qua ngày, chúng em cố gắng động viên cháu tiếp tục đi học.

Và bây giờ thì ... như cậu thấy đấy. Cậu không thể tưởng tượng nổi khi nhận được thư Vừa, biết nó được đi học nước ngoài, mình sung sướng đến mức nào đâu. Con bé này triển vọng lắm. Mình tin những đưa trẻ như vậy sau này sẽ rất khá. Nếu mình còn sống đến ngày ấy, mình sẽ..."

Đang nói sôi nổi bỗng nhiên Thân dừng lại. Và dừng lại rất lâu. Tôi hiểu là Thân đang xúc động. Một lúc sau, anh mới nói chậm rãi, giọng buồn buồn.

- Bác này, chẳng may mình đi theo thằng Nghĩa, mà cậu còn sống cậu cố ghé thăm vợ con mình, xem con cún nhà mình có được học đến nơi đến chốn không. Và nhớ hỏi thăm Vữa.

Nghĩa là một cán bộ trong cơ quan vừa hy sinh tháng trước trong một chuyến đi công tác xuống các tỉnh. Không hiểu sao, gần đây Thân cứ nhắc đến Nghĩa như một nỗi ám ảnh.

Và thật đau đớn, điều mà Thân gửi gắm cho tôi đã trở thành lời trăng trối một cái chế hình như được linh tính báo trước. Chỉ sau đó dăm hôm, sau một đêm vật vã, quằn quại với cơn sốt ác tính, Thân đã vĩnh biệt chúng tôi. Cả cơ quan Ban Giáo dục khu 5 lúc đó còn ở nhà không đầy 10 người. Chúng tôi xúm lại sửa soạn cho Thân. Trời rất lạnh. Trong ba lô của Thân có bao nhiêu áo quần chúng tôi lấy ra mặc cả vào cho anh rồi gói anh vào tấm võng dù. Trời vừa tạnh mưa, chúng tôi khiêng Thân ra bìa rừng. Nhưng vừa đào huyệt xong, mưa lại xối xả, chúng tôi phải vừa tát nước dưới huyệt lên, vừa mai táng Thân trong đất nhão.

Sau ngày giải phóng, nhân những chuyến công tác ra Bắc tôi tranh thủ lên thăm gia đình Thân mấy lần. Nhưng lần nào cũng vội vội vàng vàng chẳng hỏi han gì được nhiều. Mãi đến chuyến thăm vừa rồi sau khi đã nghỉ hưu, tôi mới biết cô học trò cũ của Thân. Vừa nghe tôi nói đến cô Ninh Thị Vữa, vợ Thân nói ngay, giọng không ra vui cũng chẳng ra buồn:

- Ối dào, cô ấy giờ thì khác lắm. Chồng cũng học ở Nga về, mấy năm nay bỏ nhà nước buôn hàng Tây, giàu sụ. Nhà vừa lên tầng. Còn cô ấy vẫn dạy toán ở trường cấp III thị xã, cái trường ngày trước, anh Thân nhà tôi dạy và cô ấy học đấy. Dạy ở trường để có cái chân biên chế thôi. Chủ yếu là cô dạy thêm ở nhà. Được cái, cô dạy cũng khá nên học sinh học rất đông, kiếm lắm!

Nói xong chị dẫn tôi ra cổng chỉ ngôi nhà mới xây bên kia hồ. Tôi vừa đi bộ đến nhà Vữa, vừa miên man nghĩ lại những ngày cuối cùng của Thân với những tình cảm tốt đẹp của anh về người học trò cũ. Tự nhiên bước chân tôi trở nên hối hả, lòng ham hở như mình mang một món quà quý đến cho một người mà chắc khi nhận được, họ sẽ vui sướng lắm.

Tôi đến nhà Vữa đúng lúc cua học thêm sắp tan. Đứng ngoài cửa sổ, tôi nghe tiếng cô giáo vang lên the thé, trong tiếng ồn ào của học sinh vào cuối buổi học.

- Xin mời ba em ... (tôi không nghe rõ tên) ở lại gặp tôi!.

Khi học sinh đã ra khỏi lớp, tôi liếc nhìn vào thấy hai em trai, một em gái đến đứng trước mặt cô, đầu hơi cúi vẻ tội lỗi. Tôi ý tứ quay mặt ra đường nhưng áp sát lưng vào của sổ lắng nghe xem việc gì đang diễn ra.

- Sao đó? Hôm nay đầu tháng sau rồi mà tiền học tháng trước các vị vẫn chưa nộp? Riêng cô này thì nợ cả hai tháng rồi...

Hai em trai nói gì đó tôi không nghe rõ. Riêng em gái thì giọng van vỉ:

- Xin cô thông cảm, mẹ em tháng trước bị xe tông, lâu nay phải nghỉ chợ ...

- Thôi thôi thôi! Tôi chẳng hơi đâu nghe đủ thứ lý do lý trấu của các vị cuối tuần này không nộp tiền học thì tuần sau nghỉ, để chỗ cho khác ngồi. Thế nhá!

Ngay sau đó, nghe tiếng gót giày nện mạnh lên sàn, tôi vội quay lại nhìn qua cửa sổ, chỉ kịp nhìn thấy tấm lưng của cô giáo sau rèm cửa. Còn ba em học sinh thì tiu nghỉu, tủi cực bước ra. Tôi chú ý đến em nữ sinh đi sau, tóc em chẳng tết đuôi sam nhưng không hiểu sao tôi cứ tin là nó rất giống hình dáng của bé Vữa tội nghiệp trong tâm tưởng của Thân trên 20 năm về trước.

Như bị tạt nước bẩn vào mặt, tôi bỏ ý định vào gặp người học trò cũ của Thân, tôi thắp ba nén hương lên bàn thờ để tạ lỗi với bạn. Từ trong khung ảnh, Thân nhìn tôi, đôi mắt hiền từ phảng phất một chút lãng mạn, vẻ mặt vẫn bình thản như không hề tin vào chuyện vừa xảy ra có thật.
Khuyết danh

Tiễn Đưa

Thầy Dạy Triết

Phượng cho xe vào garage. Trước khi bước xuống xe, nàng nhìn vào gương chiếu hậu lần cuối cùng, hất hất mái tóc vừa mới uốn ngắn, mỉm cười thỏa mãn.
Ðẩy cửa vào nhà, Phượng nhí nhảnh đến trước mặt chồng hỏi:
- Mình xem em cắt mái tóc ngắn thế nầy có đẹp không?
Cường đang đọc lại cuốn sách “Rèn Nhân Cách” của tác giả Hoàng Xuân Việt mang từ Việt Nam qua Mỹ bỏ nằm ụ trên kệ sách mấy năm rồi mà không có thì giờ rảnh rỗi để nghiền ngẫm. Hôm nay nhân ngày lễ, ông lấy được một tuần lễ Vacation đầu tiên sau bao năm lận đận với công việc làm ở hãng. Nghe vợ hỏi, Cường đăt cuốn sách lên bàn, ngước mắt nhìn vợ đang tươi tỉnh chờ đợi ở chồng một lời khen.
Tỏ vẻ khó chịu, Cường nhíu hàng lông mày rậm như hai con sâu róm bám trên đôi mắt sáng quắc đầy cương nghị mà ngày xưa lũ học trò trung học sợ ông Thầy Dạy Triết còn hơn sợ Thầy Giám Thị. Thấy ánh mắt chồng nhìn mình, Phượng biết ngay là ông ấy không bằng lòng. Nàng cắn môi bước vào phòng đóng cửa lại. Những giọt nước mắt tủi thân rơi lả chả trên ngực áo nàng. Lấy nhau đã mười mấy năm rồi, Phượng lạ gì cái tính bảo thủ của chồng dầy như lớp khiên chống đỡ đường tên mũi dáo của lính trận thời trung cổ. Cuộc sống trên đất nước văn minh mà cứ co mình trong vỏ ốc. Ðành rằng công việc làm hàng ngày đã cuốn hút ông. Nhưng tại sao ông buộc vợ phải sống lệ thuộc theo ý mình như thời đại của mấy ông thầy đồ hủ nho. Bạn bè ở hãng cứ chê nàng ăn mặc quê mùa. Ðầu tóc thì búi cao trông như mụ chủ tịêm cầm đồ bệ rạc ở tỉnh lẻ. Ðã mấy lần Phượng xin chồng cắt tóc ngắn nhưng nhất định Cường không cho lại còn lên giọng triết lý:
- Xin em để lại cho anh chút gì dáng dấpViệt Nam, đó là hình ảnh ngày xưa của cô bé “Phượng Hồng”. Với mái tóc dài của em đã một thời khiến cho tim anh xao xuyến.
Khi nghe chồng nhắc đến kỷ niệm thuở còn trung học ở quê nhà là nàng mềm lòng ngay. Nhưng dưới sự tác động khá mạnh mẽ của bạn bè hàng ngày tại sở làm nhiều lúc khiến cho nàng xiêu lòng. Chúng nó bu quanh, đứa bàn để tóc cách nầy, đứa cho ý kiến kiểu kia.
Con bé Kim ngắm nghía khuôn mặt Phượng hồi lâu, bảo:
- Khuôn mặt trái soan của bồ mà cắt tóc ngắn, uốn úp vào sẽ tôn thêm vẽ đẹp thùy mị ra đấy.
Con Mai, bạn thân nhất tự động xổ mái tóc Phượng xuống, gom phần tóc dài dấu phía sau gáy của nàng rồi tiếp:
- Ðúng đấy, uốn theo kiểu nầy thì “Phượng Hồng” sẽ biến thành “Phượng Ðỏ có chàng tới hỏi”. Con nhỏ Mai nhái theo đầu đề cuốn tiểu thuyết của Viên Linh: “Hạ Ðỏ Có Chàng Tới Hỏi” rồi cười ha hả.
Phượng cũng thường tâm sự với chúng bạn:
- Ông xã mình khó tính lắm. Từ vấn đề ăn mặc cũng như trang điểm hễ khác một chút là ông ấy cằn nhằn mãi.
- Ôi, ở Mỹ mà, Lady first. Nhỏ Kim tán vào - Bạn cứ làm trước báo cáo sau. Biết đâu mái tóc mới làm bồ trẻ ra càng khiến cho ông giáo sư triết lại mê vợ “ngất ngư con tàu đi”.
Ðã mấy tháng qua nàng cố tình tránh né. Chiều nay lũ bạn đẩy Phượng vào tiệm uốn tóc gọi là “đi tham khảo”. Cuối cùng, nàng quyết định hớt ngắn mái tóc. Quả thật, chúng nó nhận xét không sai, trông Phượng trẻ ra, tươi mát và thêm phần nhí nhảnh.
Khi thầy Cường bước vào lớp học, tiếng ồn ào như vỡ chợ chợt im bặt. Chỉ một vài tiếng nói lẻ loi còn sót lại ở cuối lớp là đủ cho đôi lông mày thầy nhíu lại cùng với ánh mắt nghiêm nghị phóng về hướng có tiếng ồn là trật tự lập tức vãn hồi.
Ðứng trên bục giảng thầy bảo:
- Trước hết tôi khen các em đã giữ được tính tự trọng mà thầy đặt niềm tin lớp thầy không nằm trong nhóm “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”. Các em là lớp đàn anh, đàn chị của trường . Hết niên khóa nầy các em sẽ thực sự trưởng thành chuẩn bị bước vào đời trên mọi nẻo đường. Hãy làm gương cho các lớp đàn em noi theo.
Thầy Cường áp dụng luật lệ trong lớp của thầy phụ trách rất khác lạ. Em nào vi phạm kỷ luật, không làm đầy đủ bài tập, thầy không hề cho zero trong sổ điểm mà bắt nhảy xỏm, hít đất hoặc chạy vòng quanh sân trường. Tùy theo lỗi sai phạm mà các em tự ấn định số lượng hình phạt sao cho xứng hợp. Riêng bài tập thiếu, thầy buộc ngồi tại lớp làm cho xong mới được ra về. Ðó là hình phạt đặc biệt “rất lính” của lớp thầy Cường đã được Ban giám đốc nhà trường chấp thuận.
Sau bốn năm phục vụ trong quân ngũ, Cường được biệt phái về dạy lại trường cũ. Ông thấy hình phạt đó vừa tăng sức chịu đựng cho học sinh vừa khiến cho các em ngại ngùng trước mặt học sinh toàn trường. Nhờ thế mà các em luôn luôn tự nguyện giữ kỷ luật và chuyên cần học tập .
Hồi còn là học trò, biết bao nam sinh mê mệt mái tóc Phượng. Mái tóc đen dày chảy mượt mà quá thắt lưng. Làn da hồng hào trắng mịn càng làm nổi bật thêm đôi mắt bồ câu đen lay láy giữa đám nữ sinh tuổi còn mơn mởn. Cái giọng “Bắc Kỳ” như chư chim hót đã làm cho lắm kẻ trồng cây si. Mấy anh chàng đệ nhất A1 đã làm thơ dán trước cửa lớp ca ngợi mái tóc nàng:
“Ôi, mái tóc mượt mà tràn lối mộng.
Ðể hồn thơ đậu bờ bến si mê.
Cõi trời hoang réo gọi áng mây về
Cũng lặng lẽ, tần ngần bên suối tóc...”.

Nữ sinh cùng lớp có lắm người ganh tỵ trước những câu thơ tán tỉnh đó. Riêng Phượng chẳng hề rung động. Vậy mà vài câu thơ tình của thi sĩ Nguyên Sa được đọc lên từ giọng trầm ấm của thầy Cường đã khiến cho con tim Phượng phải nhiều đêm thao thức:
“Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Anh thay mực cho vừa màu áo tím...”.
Từ đó, mỗi tuần Phượng thay một màu áo. Lần lượt áo dài màu vàng, đến màu xanh và tuần kế là màu tím. Bạn học cùng lớp ít người để ý nhưng có lẽ thầy Cường là người nhạy bén về Tâm lý, hiểu rõ tình cảm kín đáo của cô học trò.
Buổi học đầu tiên, học sinh tỏ ra chẳng thiện cảm chút nào với ông thầy có cặp chân mày chữ nhất trông khó đăm đăm. Tuy nhiên, nội tâm thầy lại rất dễ cảm xúc. Có lẽ Phượng đã nhìn thấy một tâm hồn thi nhân nằm trong lớp vỏ khô khan, chai lỳ của ông thầy dạy triết.
Lớp Ðệ nhất A2 có hai nữ sinh trùng tên. Ðó là Nguyễn Thị Phượng và Trần thị Phượng. Ðể phân biệt hai Phượng, bạn bè trong lớp gọi Phượng họ Trần là “Phượng Ðỏ” còn Phượng họ Nguyễn là “Phượng Hồng”. Phượng Ðỏ có mái tóc cắt ngắn thoạt trông như nữ minh tinh Thẩm Thúy Hằng. Phượng Hồng thì tóc dài như nữ nghệ sĩ Thanh Nga. Cả hai cô nàng được sắp hạng hoa khôi nên kỵ nhau như nước với lửa. Ngày đó Phượng Hồng yêu thầm thầy Cường. Ngược lại, Phượng Ðỏ thì trề môi trước cái cung cách “rắn như thép”của ông thầy chẳng khác gì một anh chàng lính trận.
Chỉ còn hai tháng nữa là hai lớp đệ nhất dự thi lấy bằng Tú Tài. Ðột nhiên trường đóng cửa và sau đó là cảnh chạy loạn. Rồi miền Nam Việt nam thay đổi hoàn toàn nếp sống theo chế độ mới. Ðời sống ngày một khó khăn. Bố mẹ mất hết tiền hưu trí, Nguyễn thị Phượng bỏ học theo bạn bè đi buôn hàng chuyến để giúp đỡ gia đình trong thời gạo châu củi quế.
Một hôm, trên chuyến xe đò đi Ðà lạt, bất ngờ Phượng gặp thầy Cường. Cả hai đều xúc động.
Thầy trò ngồi trong một tiệm giải khát tại Ðịnh Quán lúc xe ghé vào ăn trưa. Phượng nêu thắc mắc:
- Sao thầy không bị tập trung cải tạọ như những giáo viên biệt phái khác mà đến giờ nầy họ vẫn chưa được thả về?
Thay vì trả lời, Cường hỏi:
- Phượng còn nhớ trò Nguyễn Văn Bảy đệ nhất A2 không?
Phượng nhìn đăm đăm thầy Cường:
- Làm sao quên được. Cùng lớp với em mà thầy.
Nàng nhớ lại một ngày đầu năm học đệ Nhất. Thầy Cường đang giảng bài, chợt hai người cảnh sát và một an ninh quân đội xuất hiện trước cửa lớp đòi vào khám xét. Thầy Cường chận lại yêu cầu họ phải xin phép Ban giám đốc trường trước đã. Trong lúc thầy đưa quý vị đó xuống văn phòng thì trò Nguyễn Văn Bảy bất ngờ phóng qua cửa sổ chạy mất dạng. Khi toán an ninh được phép vào lớp kiểm tra từng học sinh thì không tìm được tên Nguyễn Văn Bảy mà họ cho biết là tên hoạt động nội tuyến VC. Cả lớp đều sửng sốt nhưng chẳng một ai dám hé môi.
Chủ quán bưng hai ly nước chanh đặt trên bàn khiến cho Phượng sực tỉnh. Nàng mời thầy uống nước rồi lên tiếng hỏi:
- Có phải Nguyễn Văn Bảy nhảy qua cửa sổ không thầy?
Cường gục đầu:
- Ðúng. Sau ngày “giải phóng” Bảy về giữ chức vụ Trưởng phòng Giáo dục huyện. Tôi trình diện gặp anh ấy.
Bảy nói:
- Diện giáo chức biệt phái phải cải tạo 6 năm. Nhưng thầy đã có công cứu thoát cán bộ cách mạng nên em đề nghị cấp trên cho thầy đi học lớp chính trị một năm. Sau đó thầy được tiếp tục dạy trở lại.
- Hiện giờ thầy dạy ở đâu? Phượng hỏi.
- Chẳng được dạy đâu cả. Sau sáu tháng học chính trị, họ chuyển qua trại cải tạo, ngồi tù thêm ba năm, lý do "sĩ quan ngụy" biệt phái. Hiện giờ tôi và người bạn làm đường kết tinh tại khu kinh tế mới Tân Hội thuộc huyện Ðức Trọng.
- Thầy có mang theo vợ con lên đó?
- Tôi vẫn chưa lập gia đình.
- Thế thầy đợi đến bao giờ nữa?
- Ðến khi nào mộng ước của tôi thực hiện xong.
Cái mộng ước thầm kín của thầy Cường đã được sự tiếp tay của cô học trò ngày xưa. Hai người tổ chức vượt biển thành công và đã làm lễ thành hôn tại đảo Pulau Bidong. Hiện giờ họ đã có hai mặt con trên đất Mỹ nầy.
***
Cường đẩy cửa bước vào phòng thấy vợ ôm mặt khóc, ông bực mình quát to:
- Cô còn chưa thỏa mãn sao. Muốn đi thẩm mỹ viện nữa chắc?
Phượng lấy giấy tissue lau nước mắt, nhìn chồng giận dữ:
- Tôi cấm ông hạ nhục tôi đấy nhé. Ðã mười mấy năm nay tôi nhường nhịn ông đến kiệt sức rồi. Ông chồng nào cũng chiều vợ, chỉ có ông bắt vợ chiều chồng. Ông độc đoán, khắt khe đến tàn nhẫn.
Cường biện giải:
- Ðó là nghệ thuật giáo dục con cái. Mẹ cha phải làm gương cho chúng nó trong nếp sống hàng ngày.
- Ông đòi hỏi người mẹ phải sống khổ hạnh như người tu hành sao?
- Có cả tôi trong đó nữa, Cường xen vào.
- Cô nên nhớ tôi không hề ăn chơi buông thả, trụy lạc. Tôi cố giữ cốt cách của một giáo sư ngày xưa nữa đấy, Cường gằn từng tiếng.
Phượng cười chế giễu:
- Cái đầu ông chỉ gôm lại một cục: “Giáo sư”, cái tước vị hào nhoáng mà không có thực lực ở đất Mỹ nầy. Muốn làm giáo sư đích thực hãy học lấy cho được bằng Ph.D.
Câu nầy đã xúc phạm lòng tự ái của Cường không ít. Chàng cau mặt, quay lưng đóng sầm cửa lại. Những ngày mới định cư ở đất nước nầy, chàng có ý định vào đại học để lấy cho được bằng cử nhân Triết, nhưng rồi bận rộn với con cái và công ăn việc làm. Vốn liếng Anh ngữ của Cường rất giới hạn, chỉ vừa đủ giao dịch hàng ngày với những người bản xứ. Cường và vợ ghi tên vào học College được một năm nhưng cái bầu của vợ càng ngày càng lớn gây nhiều trở ngại, hai người đành bỏ học.
Phượng biết câu nói vừa rồi đã xúc phạm khá nặng nề đối với chồng. Nhưng tại ông ấy miệt thị nàng. Người vợ nào lại không muốn làm đẹp cho chồng.
Với dáng hình thon gọn cùng với gương mặt thanh tú, loại áo quần nào Phượng mặc vào đều hợp cả. Những lần tham dự tiệc tùng cưới hỏi, nàng rất muốn mặc bộ áo đầm dạ hội hở vai để hợp cùng chúng bạn. Nhưng Cường nhất định không cho, buộc nàng phải mặc áo dài. Ông ấy lập luận:
- Trong các loại áo quần phái nữ trên thế giới, chỉ có chiếc áo dài Việt Nam là đẹp hơn cả. Nó vừa kín đáo vừa khoe trọn vẹn dáng nét mỹ miều của người phụ nữ . Phơi bày cái sắc đẹp da thịt của người đàn bà chỉ là kích thích thị hiếu dục tính trong phần rất nhỏ của khía cạnh thẩm mỹ mà thôi. Còn mình đang có mái tóc dài, đẹp mượt mà óng ả tại sao không giữ lấy mà cắt bỏ đi thay vào mái tóc uốn khô khốc, cong queo. Phượng biết đó là cách lý luận của người đặc sệt óc thủ cựu nên lặng thinh cho qua chuyện. Lần nầy thì quá lắm. Ông xem vợ như đứa học trò tiểu học, cướp hết cả quyền tự chủ. Càng nhìn cảnh bạn bè được chồng chiều chuộng, được mua sắm tự do chẳng có một ràng buộc nào, càng khiến Phượng tức tối thêm.
“Mặc kệ, muốn ra sao thì ra”, nàng nghĩ thầm, rồi lên xe dạo quanh một vòng đến nhà Mai để tinh thần bớt căng thẳng. Nàng xem như làm một “cuộc cách mạng” trong đời sống vợ chồng.
“Quả thật mình đã quá khắt khe với vợ. Nhưng hôm nay sao cô ta tỏ ra bướng bỉnh lại bỏ nhà đi trong giờ dùng cơm tối. Có hẹn hò với ai chăng ?” Cường nhủ thầm rồi nằm dài trên ghế sô-pha chờ đợi. Mãi đến 12 giờ khuya Phượng mới quay về. Vừa bước vào trong nhà là bị Cường mắng ngay:
- Cô không phải là người vợ hiền, không xứng đáng là bà mẹ gương mẫu. Cô đã bị bè bạn rủ rê làm hư hỏng cả rồi!
Phượng đốp chát:
- Hư hỏng thì bỏ tôi đi. Không còn xứng đáng làm vợ ông thì ly dị!
Cường trố mắt nhìn Phượng trước thái độ thẳng thừng và cách trả đũa bất ngờ của vợ mà từ xưa không hề có. Ông lặng lẽ lấy va-li xếp một ít áo quần mang ra xe rồi lái xe đi giữa đêm khuya.
Nàng gieo mình trên ghế sô-pha, tê điếng cả tâm hồn.
Cường đi rồi, mỗi buổi sáng Phượng phải dậy sớm hơn để chở con đến trường học. Chiều đi làm về phải thay Cường đến đón chúng. Cảnh trống vắng, cô đơn đã làm cho nàng mất ngủ. Mỗi lần con hỏi sao bố chưa về là lòng nàng càng thấy xót xa.
***
Một tuần lễ sau, bất ngờ Phượng nhận được cú điện thoại của Cúc, cô em gái từ Việt Nam gọi sang. Bên kia đầu giây tiếng Cúc vang lên khẩn cấp:
- Chị Hai ơi, chuyện gì đã xảy ra mà vợ chồng chị đi đến ly dị?
Phương ngạc nhiên hỏi:
- Ai nói với em thế?
- Anh Cường chứ ai.
- Ông ấy gọi em à?
- Không, anh Cường về Việt Nam.
Phượng khựng lại một giây, rồi tiếp:
- Thấy chán nhau mà phải ép mình sống chung thì trở nên cực hình.
- Hèn chi mà anh Cường bảo em gọi chị gởi đơn ly dị về Việt Nam để anh ấy ký. Sẵn dịp anh tìm vợ ở đây luôn thể.
- Ôi, đầu đã hai thứ tóc, muối nhiều hơn tiêu mà đòi cưới vợ, ham hố! Muốn làm trò cười cho thiên hạ chăng.
- Lầm to rồi chị Hai ơi, chưa gì mà đã có người bám chân anh Cường rồi đó.
Họ có tiền, sẵn sàng nuôi anh ấy năm nầy qua năm khác, chỉ cần bảo lãnh họ qua được Hoa Kỳ thôi.
- Mầy nói thật hay đùa vậy Cúc.
- Chuyện một đời người em đâu dám đùa cợt với chị Hai.
- Thế con đĩ nào níu kéo anh ấy?
- Của chị buông ra thì người ta hứng có tội lỗi gì đâu mà bảo níu với kéo. Anh ai ở đây là vàng ròng đấy, Việt kiều mà!
- Nhưng tao hỏi mầy đứa nào muốn lấy ảnh, nói nhanh?
- Người đó có xa lạ gì với chị đâu!
- Nó tên gì?
- Chị Phượng, Trần Thị Phượng, hồi học cùng lớp 12 với chị.
Phượng cười mũi:
- Tưởng ai. Ngờ đâu con “Phượng Ðỏ Mõ Dài”! Ngày đó, mỗi lần thấy ông ường là nó trề môi trước mặt tao chê anh chàng thô kệch như nông dân.
- “Ðừng tin những gì con gái nói...” Biết đâu ngày đó chị Phượng Ðỏ nói ra nói vào để chị Hai tránh xa thầy Cường cho bà ấy thế chân, chẳng hạn như bây giờ vậy.
- Ông Cường về Việt Nam bao lâu rồi?
- Gần một tuần lễ. Chị Hai ơi, thế nào chị cũng phải gởi gấp đơn ly dị cho anh Cường nhé.
- Hay nhỉ, mầy là em gái tao lại đi bênh vực người ngoài.
- Sao lại người ngoài. Dù thế nào đi nữa anh Cường cũng là “cựu” anh rể em, là cha đẻ hai đứa cháu thân yêu của em bên Mỹ mà.
- Nhưng tại sao mầy xúi anh Cường lấy con quỷ Phượng Ðỏ. Tao mà thấy mặt nó ở trên đất Mỹ nầy chắc tao tự tử chết để lại hai đứa con côi. Mầy nói với anh Cường lấy ai cũng được trừ cái bản mặt con đó ra. Tao sẽ không gởi đơn ly dị, ông ấy phải về Mỹ giải quyết.
- Nhưng mà chị Phượng Ðỏ thúc anh Cường tổ chức buổi tiệc ra mắt đấy.
- Nhất định không được, mầy bảo ông Cường gọi điện cho tao gấp.
Phượng gác điện thoại, lòng rối bời. Chỉ một cơn giận hờn mà sinh ra đổ vỡ. Khuya hôm ấy nếu Cường không bỏ đi, thế nào nàng cũng xin lỗi chồng để làm hòa. Suốt ba đêm, Phượng trằn trọc không hề chợp mắt. Nàng nghĩ đến những ngày tháng không chồng. Cảnh cô đơn, lạnh lẽo trong gia đình sẽ đưa đến hậu quả nào đây. Nhất là hai đứa con bỗng nhiên không cha khiến tim nàng quặn thắt. Mình có bước thêm bước nữa, thì lại cảnh con anh, con em, con của chúng ta. Rồi lại sinh ra những bất hòa mới.
Từ hôm đó, ngày nào Phượng cũng gọi về Việt Nam để gặp Cường cho kỳ được, nhưng không có ai bắt phôn.
Ðêm nay, cơn rét chợt đổ về. Ngoài đường tuyết bắt đầu rơi. Hai đứa con đã ngủ từ lâu, Phượng cố dỗ giấc ngủ để lấy sức cho ngày mai đến sở làm. Nhưng mắt nàng cứ mở thao láo hết nhìn trần nhà lại nhìn đồng hồ. Chợt tiếng điện thoại reo vang. Phượng với tay lên đầu giường bắt phôn:
- Alô, tôi nghe.
- Xin cho gặp cô Phượng Hồng.
- Anh Cường, sao anh không về, em gọi anh suốt mấy ngày nay mà chẳng ai bắt phôn.
- Thì bây giờ anh gọi lại em đây.
- Anh đang ở đâu vậy?
- Ở trước cửa nhà.
Phượng vất điện thoại vội vàng ra mở cửa. Cường vừa bước vào nhà, chưa kịp đặt va-li thì Phượng đã nhào đến ôm lấy chồng, gục mặt vào ngực Cường khóc rấm rứt. Dòng nước mắt vừa mừng vui, vừa hối hận của vợ đã khiến cho Cường mỉm cười. Tiếng tít tít liên hồi của tổng đài điện thoại báo hiệu điện thoại chưa off. Phượng lau nước mắt nhìn chồng rồi đến tắt phôn:
- Anh về sao không báo cho em đến phi trường đón.
- Có đi đâu xa mà cần đến hãng hàng không.
- Anh về Việt Nam mà.
- Cô Phượng Hồng cản mũi kỳ đà thì làm sao Phượng Ðỏ dám đụng đến thầy Cường. Ðó chẳng qua là sáng kiến của Cúc. Cô em biết rõ bài tẩy của bà chị ruột mình mới được cái màn đối thoại vô cùng hấp dẫn qua điện thoại đấy chứ.
Phượng sà vào lòng chồng, bẹo vào má Cường mắng yêu “Ông già mắc dịch”, rồi hai người hôn nhau.
Ngoài trời tuyết rơi trắng xóa dưới cơn bão tuyết từ lục địa Canada thổi qua như đánh bạt cơn bão trong nhà vợ chồng Cường để trở về với cảnh yên ấm. Hạnh phúc lại được vun bồi nhờ vợ chồng hiểu rõ nhau hơn.
Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích
Kim Quy st

Thầy Giáo Đi Gạo 
     Sau năm 1975, đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Các nước tư bản bao vây cấm vận và chính sách kinh tế bao cấp làm cho cuộc sống người dân vô cùng khốn khó. Cơn lũ đói nghèo đã ập xuống. Sản xuất công nghiệp như khựng lại vì thiếu vật tư nguyên liệu. Mọi nhu cầu vật chất thông thường đều hạn chế, từ cây kim, sợi chỉ, viên đá lửa … Không phải chỉ người thất nghiệp mà cả những cán bộ, công nhân viên chức cũng thiếu thốn mọi bề, ngay đến cái ăn hằng ngày. 
   An là giáo viên chế độ cũ được lưu dụng. Hằng tháng anh lãnh 54 đồng (sau đợt đổi tiền lần đầu), mua trợ giá 13 ký gạo và một ít nhu yếu phẩm như xà bông, bột ngọt, mắm muối … Gia đình với vợ và hai đứa con gái mới lên năm, lên ba thì thu nhập ấy không thể nào đủ, ngay cả chỉ riêng bản thân anh. Điều lo lắng nhất là gạo nấu hằng ngày. Thức ăn có thể qua quít với tương chao, rau đậu, nhưng gạo thì không thể thiếu. Mười ba ký gạo, dù có dè xẻn độn thêm khoai bắp cũng chẳng thể đủ cho bốn miệng ăn trong tháng. Mua gạo ở thị trường chợ đen bên ngoài giá rất cao, tiền đâu để An kham nổi. Vợ anh mua rau cải bán dạo trong xóm, đồng lời rất ít, chủ yếu kiếm thêm chất độn cho bữa ăn.  
     Mới giữa tháng, nhà đã hết gạo. Chiều hôm qua, vợ An vét mót hủ còn gần nửa lon. Chị mang về một rổ lớn rau đắng, thứ rau lá nho nhỏ, mặt dưới màu tím, thân rễ trắng, thường mọc hoang nơi chân ruộng góc vườn, vị rất đắng. Vợ An nấu nồi cháo lõng bõng. Rau rửa sạch cho vào tô lớn trộn với ít mỡ nước và rắc thêm chút muối, chút bột ngọt. Xong múc nước cháo nóng vào tô. Cần ăn nóng vì để lâu rau chín sẽ rất dai và càng thêm đắng. Đứa nhỏ không thể nào nuốt được thứ ấy, còn chị nó vì cơn đói cồn cào nên phải cố ăn. Nhìn con trợn trạo nhăn mặt nuốt nhúm rau trong miệng, lòng An xốn xang. Cả ba đều ăn rau để chút phần cháo đặc cho đứa nhỏ. An ăn nhiều lần nên đã quen, rồi cảm thấy ngon. Từ vị đắng tiết ra chất ngọt ngọt. Lòng thấm thía vị ngọt cơ hàn ẩn trong cái đắng nghét cuộc đời. Nhưng An chẳng thể cầm lòng nhìn hai con đói thèm dù chỉ là cơm lạt. An nghĩ đến chuyện về quê xin gia đình ít gạo. Anh cũng biết chuyện mang gạo từ thôn quê ra tỉnh là vi phạm chủ trương chính sách nhà nước, nhưng đâu còn giải pháp nào khác. Và anh cũng hy vọng có thể giải bày tình cảnh của mình nếu bị chận xét. 
     Gạo bấy giờ là mặt hàng lương thực bị quản lý và kiểm soát rất gắt gao. Mỗi tỉnh đều lập ra các chốt trạm ngăn cấm người dân mang lúa gạo rời khỏi địa phương. Một trạm nổi tiếng mà tất cả xe đò miền Tây đều ngán ngại là trạm T.H. của tỉnh T.G. Ngoài trạm cố định, còn có những toán du kích lưu động đột xuất. Có quyền khám xét tịch thu tất cả mọi nhu yếu phẩm từ gạo, bắp, cá thịt đến cả vài xấp bánh tráng, vài đòn bánh tét. Chính việc ngăn cấm nầy làm cho giá gạo mỗi nơi mỗi khác và biến động hằng ngày. Từ quê An cách thị xã chỉ hơn 30 cây số mà giá gạo chênh lệch gấp bốn lần (có lẽ cái câu: Một uốn bốn lời phát sinh từ đó). 
     Sự chênh giá quá lớn nầy tạo ra đội ngũ đông đảo người buôn chuyến, đi gạo lậu. Họ là dân thành thị, không nghề nghiệp, không việc làm và đa số thuộc thành phần vợ con các quân nhân, công chức chế độ cũ. Nạn thất nghiệp tràn lan đã sinh ra những nghề chưa hề có trước kia: Bơm mực viết bi, bơm quẹt ga, vá dép, chạy xe đạp ôm, quấn thuốc lá … 
     Dọc theo quốc lộ khi ấy, người ta chứng kiến từng toán người thường là phụ nữ, có cả trẻ em và người già. Họ mang đội những bao gạo đi bộ giữa trời chang nắng, Các xe đò không dám nhận chở họ vì sẽ bị phạt nặng, giam xe nếu cán bộ bắt gặp có gạo trên xe. Gần đến trạm kiểm soát, cả toán tách lộ, lội ruộng băng đồng, đi luồn lách trong vườn để vượt qua trạm. Có những cảnh tượng mắc cười mà đau thắt: Những phụ nữ gầy gò hóa thành mụ robot phì nộn bởi nhiều bịch gạo hoặc các tản thịt heo độn vào bụng, bó vào tay vào đùi, che phủ bên ngoài bộ áo quần rộng thùng thình. Và các chị chạy nhanh như vận động viên khi gặp quản lý thị trường, du kích chận xét. Cũng có điều cay xót ở các trạm thường thấy cả đống thịt hôi thối chưa kịp mang chôn hoặc nhiều bao gạo bị vứt đổ tung tóe, ẩm ướt mốc meo. Và những chuyện tiêu cực thì thời nào cũng có. Cán bộ mắng nhiếc, tịch thu người mang năm mười ký gạo, nhưng có kẻ chở cả tấn gạo qua trạm dễ dàng trót lọt. Đó là những tay buôn lậu gộc, đã móc nối chung chi với trưởng trạm hay có trong tay giấy phép của ông lớn nào đó!
*  * * 
     Buổi trưa trên quốc lộ xuôi về miền Tây, trời nắng đổ lửa. Nhựa đường như tan nhão dưới sức nóng rang rang. An lầm lủi đạp xe, phía sau ba ga cột chặt bao gạo 15 ký mà gia đình gởi cho. Trên đường xe cộ ngược xuôi ít hơn ngày trước. Xăng dầu khan hiếm nên phương tiện vận chuyển cơ giới hạn chế. Người dân có khi phải xếp hàng chờ đợi hơn nửa ngày mới mua được chiếc vé xe đi năm sáu chục cây số. Đã xuất hiện những chiếc xe cải tiến chạy bằng than đá, phun khói bụi mịt trờ
    Thỉnh thoảng An gặp từng toán năm bảy người đi dọc lề lộ, người nào cũng vác một bao trên vai hoặc tay xách chiếc giỏ đệm. Phía trên giỏ ngụy trang chất vài nải chuối, mấy trái đu đủ. Chắc chắn bên trong bao và dưới giỏ đệm ấy là gạo. Đi hơn nửa đường, An thấm mệt, mồ hôi rịn khắp người. Anh tưởng tượng đến khuôn mặt hí hửng của con lúc anh về và nỗi vui mừng được ăn bữa cơm không độn thật no. Sự tưởng tượng giúp An thêm sức, anh nhấn mạnh bàn đạp. 
     Bỗng xuất hiện hai cậu du kích trờ ra chận ngay trước xe An. Họ đứng khuất sau một thân cây ven đường nên trước đó An không nhìn thấy. Một người cầm cây gậy nhỏ đầu nhọn chọt đâm vào bao gạo phía sau nói: 
- Ông đi gạo lậu, bị tịch thu. Mời sang bên kia đường lập biên bản. 
     Đã lường nghĩ đến trường hợp nầy nên An bình tĩnh dắt xe qua lộ, lòng hy vọng gặp người tổ trưởng sẽ trình bày và xin lại gạo. Đẩy xe vào sân căn nhà nằm ven lộ, thấy phía trước thềm nhốn nháo nhiều người. An biết họ là dân đi gạo lậu bị bắt. Có lẽ đây là trạm kiểm soát đột xuất của địa phương nên họ bất ngờ và không kịp thông báo cho nhau. Bên trong nhà phía góc sau chất đầy các bao lớn nhỏ, các túi đệm đựng gạo. Chệch phía ngoài, một cán bộ còn rất trẻ, tay mang băng vải đỏ, vẻ mặt nghiêm nghị đang ngồi trước chiếc bàn nhỏ. Có nỗi mừng khi An nhận ra đó là Dứa , đứa học trò lớp 9 của mình trước năm 75. Sự gặp tình cờ càng vấy lên nỗi hy vọng tràn đầy mình sẽ nhận lại được gạo. Anh bước đến bàn, cũng có chút e ngại của người phải xin xỏ. Dứa ngẩng lên, khẽ gật đầu nhận ra thầy mình nhưng nét mặt vẫn lạnh lùng. Cậu ta nói ngay: 
    - Ông là thầy giáo có hiểu biết về chủ trương, chính sách nhà nước mà còn đi gạo lậu, tiếp tay phá rối thị trường. Vậy ông còn dạy ai! 
    An như bị xối gáo nước lạnh vào mặt. Tiu nghỉu, lòng quặng nỗi đau. Bao ý định giãi bày tan biến, An im lặng bước vội ra ngoài, thấy bao gạo của mình bị anh du kích vụt chồng lên đống gạo. An suýt đụng một bà lão ngồi lom khom quét bằng tay, gom những hạt gạo rớt vãi ra đất do các bao bị lủng rách lúc mang vào góc chứa. Nét mặt bà buồn buồn, lo lắng. An đoán bà cũng là người đi gạo bị bắt? 
     Từ đám người đứng trước hiên nhà, một cô gái bước lại bên An. Có lẽ cô nghe câu vừa rồi của Dứa, hỏi An: 
      - Thầy còn nhớ em không? Em là Liên, học trò cũ của thầy. 
     An quay lại, nhận ra cô học trò trước đây. Anh gật đầu và nói: “Liên Miên” để xác nhận mình nhớ cả đến biệt danh của em. Liên có nước da ngâm ngâm, nét mặt rất có duyên. Cái duyên khó tả, dễ gây cảm tình người đối diện. Có thể nhại câu thành ngữ để bảo: Cái duyên đâm xuyên cái đẹp. Các bạn trong lớp chọc đùa, đặt biệt danh là “Liên Miên” (Người Campuchia có da ngâm đen gọi là người Miên). 
     Liên hỏi :         
   - Thầy còn đi dạy không? 
     Câu mỉa mai của Dứa: “Vậy ông còn dạy ai” vẫn âm vang trong đầu nên An trả lời như một phản ứng cay cú: 
     - Không, thầy nghĩ rồi
    - Chắc thất nghiệp nên thầy đi gạo, phải đến nông nỗi nầy? 
    An chẳng muốn kể lể tình cảnh của mình với đứa học trò mới gặp nên khó trả lời, bèn hướng câu chuyện: 
      - Hoàn cảnh gia đình em ra sao? Em cũng bị bắt gạo? 
     Giọng buồn buồn, Liên kể: 
       - Mẹ đang bệnh, nhà còn hai em nhỏ. Em phải liều đi buôn. 
     Liên lấy một túi nilông, sớt từ chiếc giỏ đệm ra chừng hai ký gạo đưa ấn vào tay An: 
       - Thầy cầm lấy về dùng. Cho em chia sẻ với thầy 
     Liên nói tiếp như để An không kịp phản ứng, không kịp từ chối: 
        - Em bị tịch thu 50 ký, năn nỉ van xin đủ cách họ mới cho lại 10 ký … Thôi, em chào thầy
      Liên vội bước nhanh ra lộ. Cầm bịch gạo trong tay, An xúc động, nói với theo: 
         - Thầy cảm ơn em. 
   Tiếng cảm ơn như ép con tim làm An bật ứa nước mắt. Chẳng biết nước mắt vì nghĩa cử của Liên hay vì câu trọ trẹ của đứa con nhỏ chiều hôm qua bỗng vang lên: Con đói bụng quá ba ơi
      Máng bịch gạo vào tay cầm xe, An đạp đi. Tấm lòng của Liên làm An nhớ lại mới vừa tháng rồi, cũng vào ngày cuối tháng, nhà hết gạo. An đến Sang, người bạn rất thân ở cùng khu phố, cùng học chung rồi dạy chung một trường. Tình bạn gần 20 năm, đủ dài lâu để hai gia đình khắn khít thân tình. Vợ Sang cũng quý mến An, nhà có đám tiệc đều mời gọi nhau. Lúc bạn hữu sự thiếu kẹt tiền bạc, An sẵn sàng cho mượn mà chẳng hề suy tính. 
     Lúc qua nhà Sang, gặp chị vợ. An hỏi mượn đỡ hai lít gạo. Chị có vẻ suy nghĩ, lưỡng lự rồi nói: 
       - Nhà tôi cũng hết gạo rồi. Anh thông cảm
      An khựng cả người nghe vợ Sang từ chối. Mới hôm qua, lúc ngồi uống trà, Sang còn hồ hởi khoe: Có thằng em vợ làm trong ban quản lý thị trường. Nó tịch thu gạo của dân buôn, mang cho tao hơn hai chục ký. Lặng nỗi buồn thế thái nhân tình, An tự biện bác: Trong thời buổi khó khăn, người đàn bà nào cũng lo xa, phòng thủ cho gia đình chồng con mình. 
     Lúc bình thường dư giả người ta có thể giúp nhau dễ dàng, nhưng trong tình cảnh khốn khó thể hiện được tấm lòng chia sẻ với nhau mới thật trân trọng đáng quý. Thế nên đôi lít gạo của Liên đã làm An xúc động, rưng rưng …

* **     
     Dù không nghĩ nhiều về chính trị, nhưng sự thay đổi của đất nước hôm nay đã minh chứng một điều: Trong một chính thể có những lãnh đạo sáng suốt, luôn lo nghĩ đến dân, biết trăn trở với những khiếm khuyết sai lầm. Mạnh dạn tìm cách thay đổi, không bảo thủ giáo điều thì chắc chắn đất nước ấy sẽ tiến bộ, chính thể ấy sẽ được lòng dân, được dân tin tưởng. Lòng tin nơi chế độ đã thể hiện khi một số người trước kia từng vượt biên đôi ba lần, nay lại tuyên bố: Nếu được cho ra đi tự do không điều kiện thì cũng chọn ở lại quê hương nầy, và nhiều Việt kiều đã trở về sinh sống làm ăn. 
     Vâng, sau hơn 20 năm đổi mới, từ nền kinh tế bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường có định hướng, mở cửa hội nhập với các nước, xã hội thay đổi rất nhiều. Bộ mặt đô thị phát triển mở rộng đến ngỡ ngàng người xa xứ. Cuộc sống người dân sung túc đầy đủ. Chuyện sắp hàng chen lấn, chờ đợi cả buổi chỉ để mua ký đường, mét vải nghe như trong cổ tích. Các vật dụng từng là cao sang quý giá trước kia như máy lạnh, máy giặt, xe gắn máy … trở thành tiện nghi thông thường của cư dân đô thị. Lúa gạo dồi dào, xuất khẩu gạo đứng hạng nhì thế giới. Nhiều gia đình kén chọn, chỉ ăn gạo ngon gạo thơm đặc sản. 
     Giờ đây, tuổi đời gần xế bóng, đôi lúc An bùi ngùi nhớ lại chuyện ngày xưa, chợt thèm tô rau đắng nước cháo thuở cơ hàn. Vị đắng của thứ rau tầm thường như thấm sâu vào ký ức kéo nhớ đến lần bị bắt gạo, đến cô học trò tốt bụng. Từ đó đến nay An chưa gặp lại Liên, anh suy đoán có thể Liên đang định cư ở Mỹ vì ba em là sĩ quan chế độ cũ. Còn với gia đình Sang, An vẫn giữ thân tình như thuở trước. 
     Cứ nghe An nhắc chuyện khó khăn thời bao cấp, hai đứa con gái cho rằng An lẩm cẩm, bảo: Phải sống theo thời, khi có điều kiện thì cứ tiêu xài thỏa thích, việc gì phải ép mình tiết kiệm, chết có mang theo đâu! Nhưng sự thiếu đói của ngày ấy và chứng kiến hiện nay còn không ít người vẫn khó khăn làm An luôn tiếc xót, bức xúc trước thói xa hoa, tiêu xài hoang phí. Trong nhiều tiệc liên hoan, cưới hỏi ở nhà hàng, những tô cơm trắng, những dĩa thức ăn vung đầy cá thịt bỏ thừa mứa, mang đổ bỏ. Hình ảnh đứa con mếu máo vì đói, hình ảnh bà lão ngồi lượm từng hạt gạo rơi rớt lại hiện ra trong trí tưởng của An.
 Lâm Thanh Nghiêm