Chủ Nhật, 17 tháng 12, 2017

Nhạc - Thơ - Văn Con dốc mù u

Hình ảnh có liên quan
Thương con dốc nhỏ 
Về thăm con dốc mù u,
Tuổi thơ xa lắc, tình thu vẫn còn...
Đường đời trăm dạ héo hon,
Dốc Mù u đó đâu còn như xưa !?
Nhớ khi sáng nắng chiều mưa,
Hàng tre dốc cũ sớm trưa vui đùa...
Hỏi lòng ta đã quên chưa,
Chìm trong ký ức ngỡ vừa thương vay !
Thương sao tro trấu bụi bay,
Lấm lem mà cứ mê say vô ngần...
Liu xiu nghiêng ngã bước chân,
Biết bao cơ cực tủi thân nhọc nhằn...? 

Đường trần giờ lấm bụi trần,
Ngỡ quên sao lại muôn phần vấn vương ?!
Ơi, con dốc nhỏ bên đường,
Vẫn luôn còn đó tình thương ngày nào !!
NM

Con dốc mù u

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
 Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Con dốc mù u, con dốc mù u. Lâu quá rồi không ai nói với tôi về con dốc ấy. Tôi cũng sắp quên cái tên ấy rồi, dù nó cách nhà tôi có mấy bước chân, lần nào về quê, tôi cũng dắt cậu nhóc con của mình lên đầu dốc hái hoa, bắt bướm.
Con dốc mù u, mà chẳng có cây mùa u nào dọc theo dốc. Chỉ có rặng tre già rợp bóng bên ni đường, bên kia là bờ đất cao ngút mắt đứa trẻ tôi bảy tuổi. Men theo rặng tre là tuổi thơ tôi với những trưa hè trốn ngủ đi bẻ vít quay chơi. Chẳng biết có lứa trẻ thơ nào ở đâu đó trên dải đất nhiều tre này cũng chơi vít tre như chúng tôi ngày đó. Quay sao cho vít không đứt mà càng dẻo càng dai, sẽ thắng. Trò chơi ấy có gì mà vui thế, thắng cũng có được quà gì đâu. Mà giữa phố phường đông đúc, nhiều khi thèm đến run người một bờ tre, để rúc vào, bẻ một cái vít. Và nắn nót quay.
Con dốc ấy, là cao lắm, với đôi chân trẻ con lũn cũn. Ngỡ như vo mình lại, thả từ đầu dốc, sẽ lăn cù tới tận giếng Đàng Truông. Dốc cao thế, nên mỗi khi xuống dốc cứ vừa đi vừa chạy, khi ngược dốc thì… vừa bò vừa thở, muốn đứt hơi.
Ấy thế mà có phải đi không đâu, anh em tôi phải khiêng một thùng nước đầy từ giếng Đàng Truông về. Khi anh Hai tôi đi học xa, tôi lại thế chỗ đứng sau, phía trước cây đòn gánh là con bé Nhỏ. Những mùa hè khô hạn, chị em tôi phải thức thật khuya mới mong múc được nửa gàu nước trong mà đổ thùng khiêng về. Đường tối đen, ánh đèn pin hiu hắt, hai chị em cứ bặm môi leo dốc. Leo đến đầu dốc coi như có thể thở phào.
Đầu dốc mù u là nhà chú Hào máy gạo. Nhà chú Hào ở trên bờ đất cao thật cao, phải leo mười mấy bậc tam cấp mới tới. Chị em tôi hầu như ngày nào cũng leo lên những bậc tam cấp, sục vô buồng trấu, tranh giành từng mẻ trấu với lũ trẻ cùng xóm.
Nhiều khi, chúng tôi cứ hồn nhiên giành nhau khi trấu từ máy gạo cứ phun ra không dứt, mặt đứa nào đứa nấy dính đầy hoa trấu. Trẻ nhà quê mà, ngại chi mấy chuyện xót ngứa cỏn con đó. Trấu xúc được, cho vào bao hay mủng nén chặt, lại còng lưng vác về. Không cẩn thận là ụp luôn cả trấu cả người xuống đất, coi như bữa đó khỏi nấu ăn. Nhiều khi bị té, tôi giậm chân, ấm ức khóc, nhà chú Hào chi mà cao thiệt là cao.
Tôi ngỡ đã xếp gọn những ký ức về con dốc vào ngăn quên của lòng, khi dòng đời đẩy vào tôi bao nhiêu điều lo nghĩ khác. Mà có lẽ tôi cũng sắp quên thật, chỉ là một con dốc thôi mà. Nhưng cứ mỗi độ đông về, giữa những giấc ngủ chập chờn hay những giấc mơ sâu êm đềm trong chăn ấm, tôi lại thấy mình quẩn quanh bên những bao than to, rón rén nhặt những cục than rơi vãi.
Đó là những buổi chiều đông, dốc mù u nhộp nhịp tiếng nói cười. Người lớn lớp đi lớp đến, họ gồng người cân những giỏ than to trên chiếc cân đòn, rồi giở than ra, xếp vào bao chất lên xe bò. Con nít chúng tôi thì chờ những vụn than rơi xuống, lựa những cục không quá nát cho vào bao.
Cũng có khi tôi vớ được cục than to cỡ bắp chân, mừng khôn xiết. Trời mùa đông, chưa chi đã sập tối. Tôi hí hửng chạy về nhà giữa tiếng ếch rộn vang khắp xóm làng, tay giữ khư khư bao báu vật của riêng mình, lòng vui như vừa làm được điều gì to lớn lắm.
Niềm vui trẻ thơ, giản dị là vậy. Chị em tôi mang những bao than vụn ra, cho vào nồi tro, nhen lửa rồi phùng má lên thổi. Vậy là có ngay một nồi than hồng đặt dưới gầm giường, tha hồ mà ấm áp dù mưa đêm tỉ tê hay gió rít qua khe cửa, dù áo con nhà nghèo thì sao đủ ấm, đủ dày.
Con dốc mù u. Con dốc của tuổi thơ tôi hớn hở chạy theo xe bắp bung để chăm chú nhìn chiếc máy thần kỳ hô biến vốc hạt bắp trộn đường thành dây bánh dài thơm, hay những ngày giáp Tết, tôi chàng ràng bên nồi gang của thím Trà để nhặt những hạt nổ trắng như bông. Con dốc mỗi lần đi xe đạp, cả xuôi hay ngược dốc, tôi đều phải trèo xuống dắt bộ. Con dốc tôi đẩy xe bò cho ba chở lúa về nhà.
Vậy mà tôi suýt nữa quên tên nó. Chỉ vì lâu không nghe ai nhắc đến? Hay vì con dốc tôi dắt con trai đi chỉ lá chỉ hoa không còn là con dốc cao với đất mềm cỏ ướt dưới chân mà đã là đường bê-tông thẳng tắp?
May mà, còn những giấc mơ, dịu dàng lay gọi tôi giữa đường đời mê mải. Để tôi lại nghe như tiếng ai thì thầm bên mình đầu con dốc mù u. Rằng những hòn than nhỏ, sưởi ấm cả chặng đường thăm thẳm gập ghềnh…

NGÔ THỊ THỤC TRANG
Kết quả hình ảnh cho Mù u trên sông
  Nỗi buồn mù u
Mù u hoa trắng nhuỵ huỳnh,
Gió lay hoa rụng linh đinh sông buồn !
Chiều quê con nước sầu tuôn,
Nhớ người viễn xứ tha hương chưa về...
Còn đây một tấm chân quê,
Mù u soi bóng lê thê nỗi buồn !!
NM
Dưới cội mù u 
Mấy dòng này tôi viết cho bà ngoại, cho má, cho những người thân yêu nhất đời tôi, và cho những miền ký ức đã xa. Đó là miền ký ức có cội mù u nghiêng mình dưới dòng kinh xáng, có những mùa nước nổi linh đinh trái mù u chín rụng và có những đêm leo lét dưới ánh đèn mù u thuở khó nghèo. Chuyện đời, chuyện tình dưới cội mù u.
Hồi còn sống, thỉnh thoảng ngoại lấy gói đồ gói trong chiếc khăn tay được giữ kỹ trong lòng chiếc lư hương lâu đời, lau chùi cẩn thận. Đó là đôi bông mù u nghe đâu đã truyền 3- 4 đời. Giờ, ngoại để lại cho má tôi, má vẫn thiêng liêng gìn giữ. Tôi cứ thắc mắc hoài sao gọi là bông mù u khi mà làm bằng vàng y 2 chỉ. Và rồi nhìn những trái mù u rụng trắng sân nhà, tôi tự trả lời cho mình. Mấy hôm rày, con dâu út về thăm má, má lụi hụi lấy đôi bông mù u trao lại cho vợ tôi, dặn kỹ: “Cất nghe con, cất cho kỹ. Nghèo khổ tới đâu cũng phải giữ”. Dâu út vừa mừng vừa lo, cái mà má kêu giữ là giềng mối, gia phong của dòng họ.
Tôi lớn lên, cây mù u đã cao lớn trước nhà, gie ra mé kinh. Giờ, mấy mươi năm sương gió đời người, về lại quê, mù u vẫn đón tôi bằng những chùm hoa trắng ngần, hương đưa ngào ngạt. Tôi gọi đó là mùi của quê hương. Xứ tôi có điện hơn chục năm nay, trước kia phải thắp sáng bằng đèn dầu nhưng không phải lúc nào cũng có tiền để mua dầu. Tôi được má cắt cử đi lượm trái mù u già chín rụng trôi trên dòng kinh. Má và các chị đem về đập vỏ, lấy ruột bên trong giã nhuyễn, trộn với bông gòn, “xỏ lụi” thành từng xâu, đem phơi khô để dành đốt. Đèn mù u cháy, tỏa ra mùi dễ chịu chính là ánh sáng má dành cho tôi trong những buổi tối ê a con chữ, trong những câu chuyện cổ tích quê mình. “Lục lăng” như tôi thì mê nhất là trò bắn đạn “cu li”. Thật ra, đạn cu li làm bằng thủy tinh, bán nhiều ở chợ nhưng thằng nào có trong tay chục viên đạn được coi là “đại gia” trong nhóm. Tôi cùng thằng Cò, thằng Thanh… rủ nhau đi vớt mù u già làm đạn. Những ngón tay thuần thục, dẻo quẹo bắn đạn mù u xa phải biết. Đạn mù u còn được lũ trẻ chúng tôi dùng để làm đạn ná bắn chim, ai bắn giỏi được mấy cô bạn gái đi chung để ý ít nhiều. 
Nhắc đến cây mù u, tôi lại nhớ da diết tấm thớt mù u của ngoại, nhớ dáng ngoại liêu xiêu trong khói bếp chiều tà. Tấm thớt mù u có từ năm nào chẳng rõ mà ngoại dùng riết lên nước bóng ngời. Ngoại nói, thớt mù u không lên dăm, xài hoài tốt hoài, tốt nhứt trong các loại thớt. Từ tấm thớt mù u, ngoại vun vén cho con cháu những bữa cơm ngon, những âm ba dư vị mà giờ chỉ con trong ký ức. Ngoại xa rồi…

Trẻ quê với trò bắn đạn mù u. Ảnh: DUY KHÔI 
Dưới cội mù u trước nhà, mỗi bận tôi đi học xa ở huyện về đều thấy cô nàng gánh nước mỗi chiều. Hỏi má, má nói cô Hai, cháu của bà dì kế bên, cha mẹ rủi sao bị bệnh mất hết nên về ở với ngoại. Cô gái có nụ cười duyên, gương mặt đượm buồn. Mỗi đêm, chẳng biết cô đọc sách gì mà ngồi chăm chăm dưới ngọn đèn mù u. Tôi thương rồi hình dáng ai đó mỗi chiều gánh nước ở bến sông bên gốc mù u già. Hồi còn sống, ngoại hay nói vui mấy câu này
 “Đèn mù u khi lu khi tắt 
  Đèn cầu sắt khi đỏ khi xanh  
Anh có thương em đừng dỗ đừng dành  
Gái ngoan thì chọn trai lành, lo chi” 
Những buổi chiều về, tôi cắt tỉa mấy cây kiểng của cha, cô gái lại gánh nước, vẫn nụ cười duyên làm xao xuyến lòng tôi. Vậy mà sao một đợt đi học nữa về, nghe tin cô đã có chồng, lấy anh Sến chủ nhà máy chà gạo bên kia sông. Tôi buồn mà chẳng đau bởi đó chỉ là những mộng mị tuổi học trò. Má tôi thấy con buồn buồn, liền dỗ dành: 
“Mù u bông trắng, lá quắn, nhụy huỳnh 
  Người ta không nghĩ tới mình thì thôi” 
Cha tôi thì tánh hay cà rỡn: 
“Mù u bông trắng, lá quắn, nhụy huỳnh  
Thấy em gánh nước một mình anh thương” 
Mới hay, đi hết cuộc đời, cha má vẫn hiểu tôi ngọn ngành hơn cả. Hơn năm sau, tôi đã là sinh viên năm nhất, về quê, buổi tối ngó sang nhà bà dì, vẫn leo lét ngọn đèn mù u, nhưng cô Hai không còn đọc sách mà nằm đưa võng ru con, chẳng biết giọng buồn hay vui: 
“Bướm vàng đậu đọt mù u  
Lấy chồng chi sớm tiếng ru thêm buồn” 
Mối tình đầu của tôi là vậy, dưới cội mù u dậy hương bông trổ. Mối tình đi theo tháng năm dần quên lãng mà gốc mù u và cô gánh nước năm nào vẫn là hình ảnh đẹp trong tôi.
* *  * 
Nhà tôi ở một doi đất, cây mù u già tôi kể không biết có tự khi nào. Bà tôi nói thời còn con gái đã thấy cây mù u cao lớn; bà dì hàng xóm còn lớn tuổi hơn, nói khi về làm dâu xứ này đã lượm mù u dưới gốc cây. Rồi không biết hồi nào, doi đất ấy gọi là doi Mù U. Nhà tôi ở doi Mù U, đi đâu xa về nhác thấy bóng mù u vờn khuất là biết đã đến xứ nhà. 
Dân xứ tôi có câu đố rất hay về loài cây này: 
“Một mình hai tật đành cam
Trời sinh phải chịu biết làm sao đây”
 

Chẳng thể nào lý giải được cái tên mù u: “đã mù mà còn u”- bọn trẻ chúng tôi thường nói vậy. Tôi nhớ linh đinh mùa nước nổi quê mình, cùng các bạn trèo lên cây mù u rồi nhảy ùm xuống kinh, dòng nước đỏ phù sa như tưới mát tâm hồn tuổi thơ. Vì suốt ngày vào rừng, tắm sông, lội sình nên chúng tôi thường bị ghẻ nhọt. Những lúc ấy trái mù u như cứu tinh. Má lấy ruột trái mù u đâm nhuyễn lấy nước thoa lên vết thương, vậy là một hai ngày vết thương ráo mặt rồi lành ngay. Những lúc gặp mùa mề đay, má đốt bếp un trước nhà, bỏ lá và trái mù u vào đốt cho ra khói rồi hơ lên người. Hay thật, lúc sau những mụn mề đay “lặn” mất tiêu. Những tri thức dân gian đó giờ được khoa học ghi nhận, đã có nhiều nhà máy ra đời chỉ để chiết xuất tinh dầu mù u quê nhà. 
Ông ngoại tôi thường đốn mù u để đóng xuồng, xài dưới nước rất bền. Xuồng mù u cũng là loại rẻ tiền nhưng 5-7 năm vẫn chưa thấm tháp gì. Ngoại nói cây mù u có chất dầu nên mối mọt “ngán”. Những gốc mù u quê tôi chằng chịt thẹo vết vì bom đạn chiến tranh, những vết hằn thời gian của một thời khói lửa. Ông ngoại còn kể cho tôi nghe chuyện đời xưa, hồi trào Tự Đức, khi quân Pháp đổ bộ lên cửa Thuận An, kéo binh vào thành Huế, quân ta mai phục hai bên đường vào đàn Xã Tắc, lấy trái mù u đổ ra đầy đường. Bọn giặc té sấp úp sấp ngửa, chạy tán loạn. Bởi thế mà có câu ca rằng: 
“Văn Thánh trồng thông
Võ Thánh trồng bàng
Ngó lên Xã Tắc hai hàng mù u”
Mù u theo tôi bằng câu chuyện ngày xưa ông ngoại kể, thân thuộc với người miền Tây đến đỗi đi đâu cũng thấy. Cây mù u chẳng ai trồng mà vẫn xanh tốt, thẳng đứng giữa bão tố phong ba. Vậy rồi chẳng hiểu lẽ nào, cái tên mù u lại gợi chút nỗi niềm, một sự bẽ bàng, lỡ làng nào đó. Thử chiều chiều ra đứng hàng ba, ngó đám ong bầu vờn đọt mù u, nghe hương đưa trong gió trong mưa mà lặng lòng đến lạ. Nỗi u hoài chắc chỉ có ở người lữ thứ, tha phương. 
Miền Tây một thuở mà cái gì nhiều, đông cũng được ví như mù u rụng. Cố nhà văn Sơn Nam từng có những ví von rất hay trong truyện ngắn của mình: “Cá sấu nhiều như mù u chín rụng”, “Cá gom lại nổi đầu khít rịt như trái mù”… Mù u quê tôi giờ đi vào câu ca, điệu hát, vào những vần thơ, dòng văn như hình ảnh đẹp của ký ức quê nhà, của hoài niệm chuyện xưa tích cũ. Tôi thì vẫn nhớ cội mù u trước nhà, nhớ doi Mù U quê hương và nhớ cô Hai gánh nước thuở nào, xin gửi trôi theo mù u chín rụng, tan quyện vào hương bông trắng nhụy huỳnh.
Dưới cội mù u, chuyện đời miền Tây tôi xin kể…

ĐĂNG HUỲNH

Ca dao Me
Mù u nhỏ rễ ăn lan
Sợ mình nói gạt qua đàng đấy thôi
Phụng hoàng chấp cánh bay xuôi
Liệu bề thương đặng, mình ơi, tôi chờ.
Nước lên khỏi bực tràn bờ,
Thương mình thương vậy, biết chờ đặng không?
Đặng không tôi cũng gắng công
Đợi cho con cá hóa rồng sẽ hay
Gặp mình may quá là may
Trông cho trời tối bắt tay đặng về
ST
MÙ-U NĂM NGOÁI
Trái gì bằng trái cau mà lại đau hai tật?
Là trái mù u: vừa mù lại vừa u! Mù u! Cái tên thật nôm na, bình dân, có gì nói nấy, phơi bày không một chút giấu giếm hình ảnh của một sự tối tăm, mùa lòa, bệnh tật.
Nhưng xin đừng tưởng cây mù u là một cây tầm thường. Một anh bạn của tôi, bác sĩ Nguyễn Hy Vọng, cho biết ở Huế có câu tục ngữ:
Văn thánh trồng thông, võ thánh trồng bàng
Sơn hà xã tắc hai hàng mù u.

Nghĩa là cây thông và cây bàng được dùng để trồng trước cái miếu thờ quan văn và quan võ, còn cây mù u thì lại được trồng ở cung điện của vua chúa. Cái lý do sâu xa thì không ai rõ, chỉ biết rằng cây mù u có tên khác rất đẹp là bạch mai. Nhà văn Nguyễn Văn Ba cho biết ở Hà Tiên có loại mù u bạch mai này và ngay trước lăng Mạc Cửu có trồng một cây bạch mai cổ thụ (Chính phu nhân của anh Ba là nhà văn Nguyễn Bạch Mai cũng đã dùng cái tên đẹp của mù u làm bút hiệu).
Gọi là bạch mai có phải vì bông mù u có những cánh nhỏ bao quanh nhụy vàng ở giữa giống bông mai chăng? Dù sao, ngoài màu trắng tinh khiết, bông mù u còn tỏa ra một hương thơm nhè nhẹ. Trong một chùm bông mù u, bên cạnh những bông còn hàm tiếu và những bông đã mãn khai là những trái mù u nhỏ, mỗi trái tròn bằng đầu ngón tay út, xinh xắn. Với thời gian, những trái mù u ấy dần dần trưởng thành, vóc dáng nẩy nở, tròn trịa hơn, lớn bằng ngón chân cái hay hơn, nước da xanh mơn mởn pha chút màu vàng khi trái mù u sắp chín.
Thật không có trái cây nào tròn như trái mù u. Nhãn, dâu ta và bòn bon cũng tròn, nhưng mù u vượt tất cả về điểm này. Nó tròn như một quả cầu kỷ hà học. Ẩn dưới lớp vỏ mỏng của mỗi trái mù u là một cái hột cứng (có thể gọi là cái sọ như sọ dừa) cũng tròn không kém. Phía trong cái hột cứng là cái nhân tươi, giòn, màu vàng xanh, chứa nhiều dầu. Chính nhờ ở chất dầu này mà trái mù u được nhiều người biết và nhớ tới.
Dầu mù u tên tiếng Anh là tamanu, cây mù u tên là Poon tree (theo tiếng Mã Lai là Punna). Tên khoa học của cây mù u là Calophyllum Inophyllum. Cây mù u là một loại đại mộc cao tới 20 thước, có họ hàng với cây măng cụt (lá mù u giống lá măng cụt, dày và có nhiều gân). Tên theo sách thuốc Đông y là Hồ Tòng Lệ.
Thân cây mù u cũng chứa nhiều mủ màu xanh thường thấy rịn ra ở vỏ. Cũng nhờ thân cây mù u có nhiều dầu nên gỗ mù u khó thấm nước và được dùng đóng ghe, xuồng. Tôi có một người dượng ở làng Nhơn Nghĩa cả ngày chỉ một mình cặm cụi cưa một thân cây mù u thật lớn và xẻ ra thành từng miếng ván mỏng, để rồi sau đó, cũng không nhờ ai giúp, đóng ra cho được một chiếc xuồng xinh xắn.
Mủ mù u có dược tính là có thể chữa được các bệnh ghẻ, nhọt, nhất là những mụn nhọt nổi từng cục lớn như cục u trên đầu. Không biết có phải tại vì mủ cây ấy trị được u nên gọi là cây mủ u rồi lâu ngày đọc trại ra mù u chăng? Cũng có người gọi cây mù u là cây dầu u, và cũng không biết có phải dầu cây ấy trị được các cục u nên gọi là cây dầu u hay không. Dù sao đó cũng chỉ là những phỏng đoán, không bằng cớ đích xác. Điều chắc chắn là mù u là một loại cây rất quen thuộc và thông dụng với người Việt miền Nam.
Ở thôn quê miền Nam, mù u thường mọc theo bờ sông, rạch. Có lẽ từ một bờ rạch nào đó một trái mù u rụng xuống nước rồi theo dòng sông trôi đến đây để nảy mầm, mọc rễ. Các sông rạch ở nước ta đa số theo thủy triều lên xuống mà có nước lớn và nước ròng mỗi ngày hai lần. Vì vậy nên khi nước lớn, có những trái mù u từ ngoài sông cái trôi vào và khi nước ròng có những trái mù u khác từ trong các ngọn ngành trôi ngược trở ra. Những trái mù u này, nếu gặp thuận duyên thì trôi ra đến tận biển và biết đâu trong số đó chẳng có những trái sẽ viễn du qua các xứ Mã Lai, Nam Dương...
Ở vùng Hậu Giang, chẳng những trái mù u trôi lênh đênh để mặc sóng nước đẩy đưa, người ta còn có thể vớt được những trái mù u do những chiếc "bè súc" đem đến.
Bè súc là những chiếc bè bằng tre cặp theo những thây cây đủ loại thật lớn đã cắt bỏ nhánh và ngọn gọi là cây súc. Tre dùng làm bè là loại tre rừng rất lớn, đường kính rộng bằng cái chén ăn cơm hay lớn hơn, ruột bộng, tre khô thả xuống nước nổi phêu như một cái phao. Nhiều cây tre như vậy kết lại thành một cái bè. Mỗi cây súc được hai bè tre cặp hai bên để cho khỏi chìm. Một chiếc bè súc lớn do tàu kéo trên sông có khi gồm vài chục cây súc. Những bè súc này từ những khu rừng rậm ở thượng lưu sông Hậu được tàu sà-lúp kéo theo hướng Đông Nam về Cần Thơ, để rồi từ đó phân phối cho các trại cưa ở ven các sông rạch nhỏ hơn như Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền hay là xa hơn nữa như Cầu Nhiếm, Ba Xe, Rạch Gòi v.v...
Những buổi trưa nắng, một mình tung tăng chạy nhảy trên một bè súc cặp dưới bến một trại cưa để lượm mù u là một cái thú. Dưới chân là thân những cây súc đã lột vỏ, bóng láng, mặt trời chiếu nóng như nung. Lấy tay vớt những trái mù u lên ngửi, một mùi chua chua, thiu thiu đặc biệt của lớp vỏ mục nghe thoang thoảng. Có những trái mù u còn nguyên vỏ, có những trái bị tróc hay dơi gậm một miếng vỏ lớn để lộ cái sọ mù u bên trong. Có những trái ngâm mình dưới nước ướt sũng, những trái khác bị sóng đánh nhảy vọt và vướng vào dây mây dùng cột bè trên cao, vỏ đã khô đen, nhăn nhúm. Mà chẳng những lượm được mù u không thôi, người ta còn có thể lượm được nhiều thứ trái cây khác trôi tấp vào bè: bần, cam, bưởi, cau v.v... Cũng có nhiều thứ bông như bông sứ, bông chúa, bông phù dung, bông tra, bông cây sao với hai cái đuôi, bông gòn với những sợi lông mịn giống như tai của một con mèo con. Có những chiếc lá rất lạ, hình dáng kỳ dị, chiếc còn xanh, chiếc đã vàng úa, lốm đốm những vết nâu. Rồi còn bèo nữa. Những cánh bèo lớn nhỏ đủ thứ bị giạt vào bè giờ đây nằm phơi nắng, những bông tím rung rinh và héo dần dưới làn gió sông có lúc nóng hừng hực.
Mù u lượm từ những chiếc bè như trên có khi vừa lượm vừa chơi một lát đã đầy rổ. Kể cũng là nhiều rồi đó, nhưng không bằng lượm ngay dưới gốc cây mù u mọc ven sông. Chỉ dưới một gốc cây mù u thôi, người ta có thể lượm được vài chục trái. Nhiều khi trái mù u rụng do nước mưa chảy hay nước sông dâng lên làm cho trôi và lăn lại nằm gần nhau như những cái trứng trong một ổ trứng, tha hồ mà hốt! Ngoài ra cần phải nhớ tìm lượm thêm những trái đã rụng từ lâu nhưng nằm khuất dưới lớp lá mục
Mù u lượm về được đem đổ ra phơi ở sân như phơi lúa. Ở thôn quê, nhà nào cũng có một cái sân phía trước, nền đất nện cứng, quét dọn sạch sẽ, và thường thì nhà nào cũng có mù u, trải phơi ở sân.
Trẻ con chơi trong sân hay quanh nhà cứ ra chỗ phơi mù u lựa lấy những trái thật tròn và thật lớn để làm đồ chơi. Muốn làm một món đồ chơi nào đó, trước hết phải lấy một con dao nhỏ cạo cho sạch lớp vỏ bao bọc chung quanh cái sọ mù u. Đoạn mài cái sọ ấy xuống nền xi măng hay dùng giấy nhám đánh cho láng. Thế là có một hòn đạn (hòn bi) dùng chơi bắn đạn. Một đứa trẻ có thể có hàng chục hòn đạn như vậy. Muốn làm một món đò chơi khác như làm một cái ống điếu chẳng hạn thì lấy dao cưa phần trên của sọ mù u rồi moi cho hết cái nhân ở bên trong, xong khoét một lỗ nhỏ bên hông và gắn vào đó một cái ống trúc dài độ bảy, tám phân là thành cái ống điếu. Cũng có thể làm một cái chong chóng bằng một miếng tre mỏng, trục chong chóng là một cọng tre cho đâm xuyên qua trái mù u đã moi ruột. Đoạn dùng một sợi dây nhỏ quấn vào trục rồi kéo mạnh làm chong chóng quay tít.
Trẻ nhỏ thì chỉ chơi với mù u đại khái như trên, nhưng người lớn thì dùng trái mù u để làm một món đồ thực dụng: một cái gáo nhỏ dùng múc nước mắm. Lựa một trái mù u thật tròn và thật lớn, gáo còn tươi màu vàng, cưa miệng và moi ruột như vừa nói, đoạn khoét hai lỗ nhỏ gần miệng để tra vào một cái cán tre là xong. Cái gáo mù u giống hệt cái gáo dừa thường dùng để múc nước, nhưng nhỏ xíu và trông thật dễ thương. Hình ảnh một cái gáo mù u nhỏ xinh xắn do một cô bán hàng rong dùng múc chút nước mắm tỏi ớt chan lên dĩa thức ăn trước khi trao tận tay mình một buổi trưa hè là một hình ảnh không thể quên được.
Nhưng mà trái mù u không phải chỉ được dùng để chơi hoặc để làm đồ dùng trong việc ăn uống thôi đâu. Còn nhiều công dụng khác nữa. Ở nhà quê không có đèn điện, nhà nào nghèo không có tiền mua dầu lửa đốt đèn thì dùng đèn dầu mù u. Mù u phơi khô đập lấy ruột rồi dùng máy ép để ép lấy dầu. Máy ép dầu mù u rất đơn sơ, cốt yếu chỉ là hai khúc gỗ lớn ép lại với nhau, có khi hai khúc gỗ ấy lại chính là gỗ mù u!
Cây đèn dầu mù u lắm khi thật là giản dị: một cái chén hay một cái dĩa đựng dầu có cọng tim nằm vắt lòng thòng ra vành miệng để đốt. Đèn dầu mù u có lẽ hưởng tâm lý của tên gọi nên ánh sáng lúc nào trông cũng có vẻ lù mù. Vả lại dầu mù u khi đốt lên có khói xanh bốc lên bay khắp nơi làm không khí đục mờ. Một căn nhà lá nghèo nàn trống trước hở sau mà đêm đốt lên một cây đèn dầu mù u càng làm tăng thêm vẻ nghèo khổ, cơ cực. Tuy nhiên, nếu bên cạnh ngọn đèn có vài mái đầu trẻ thơ cặm cụi tập đọc, tập viết thì đó là một cảnh tượng cao đẹp, trông thật cảm động.
Ngoài cách đốt đèn bằng dầu, người ta có thể làm những cây rọi để đốt. Mù u ép xong, lấy xác còn lại trộn với một chút bông gòn, tẩm vào một chút dầu mù u rồi quấn vào một cọng tre như làm một cây nhang lớn: đó là được một cây rọi. Một buổi tối nếu đi ngủ sớm chỉ cần đốt một hoặc hai cây rọi là đủ. Cũng có thể đập lấy ruột mù u phơi cho héo rồi xắt ra từng miếng mỏng, đoạn xỏ xâu vào một cọng tre: thế là có một cây rọi kiểu khác. Gặp những năm kinh tế khó khăn, dầu lửa khan hiếm, nhà khá giả ở nơi không có điện thì đốt đèn với mỡ heo, dầu phọng; còn nhà nghèo thì thường đốt với dầu mù u hay dùng cây rọi.
Ngoài việc dùng để đốt lấy ánh sáng, dầu mù u còn được dùng để xức các loại ghẻ, nhọt, mụn u. Đốt một trái mù u cho cháy thành than, đoạn tán than ấy cho nhuyễn và trộn vào một chút dầu mù u là có được một thứ thuốc xức ghẻ hoặc nhọt hay tuyệt.
Nhà nghèo thiếu phương tiện, ăn ở kém vệ sinh, lại gặp lúc xà-bông thiếu thốn không đủ để tắm giặt như trong những năm trước 1945 thì ghẻ chốc tràn lan, nhiều khi cha mẹ con cái ai cũng bị nổi u nổi nhọt đầy đầu đầy cổ. Nhưng không sao, đã có thuốc làm bằng than mù u trộn với dầu mù u để xức! Những mụn nhọt sưng lớn mà chưa bể thường làm nhức nhối, nhưng sau khi xức thuốc như trên thì tụ mủ rất nhanh và mụn nhọt sẽ bể, cái cùi được tống ra ngoài và sau đó vết thương được lành chóng vánh.
Ngoài ra và sau hết, xin nói thêm là trái mù u còn được dùng trong việc hết sức đặc biệt, về quân sự: rải xuống đường cho quân giặc đạp nhằm và trượt té! ai cũng biết là trái mù u tròn và rất cứng, ban đêm đi đạp nhằm những trái mù u phơi ở sân, nhất là khi chân mang guốc, thì trợt té dễ dàng như đi giày trượt có bánh xe! Một anh bạn giáo sư nhắc lại là trong lịch sử kháng chiến chống Pháp, nghĩa quân miền Nam đã rải mù u ngoài đường rồi nằm chờ lính Pháp đi qua trợt té để ào ra bắt sống! Bác sĩ Nguyễn Hy Vọng, người đã cho tác giả hai câu tục ngữ trích trên đây, cũng cho biết thêm là ở vùng Huế có lưu truyền một bài vè gọi là Vè thất thủ trong đó kể việc quân của triều đình ta đã rải trái mù u ở cửa Ngọ Môn khiến lính Pháp té ngã.
Xem như trên, cây mù u và trái mù u thật là phổ cập, dính liền với đời sống dân Việt, nhất là ở thôn quê hay miệt vườn miền Nam. Người ta có thể tưởng tượng ra một căn nhà cột bằng gỗ mù u, trong nhà đốt đèn dầu mù u, ngoài sân phơi một đống trái mù u và có một đám trẻ chơi với trái mù u, cạnh đó là một thanh niên vạm vỡ đang cưa cây mù u để lấy ván đóng xuồng, và chiếu xuồng đậu ở đầu cầu dưới bến sông cũng làm bằng gỗ mù u! Cái gì cũng là mù u cả! Cho đến trên một chiếc ghe chở hàng đi buôn nào đó cặp bến chờ con nước, người khách thương hồ nằm trong ghe cũng nghe trong lùm cây mù u trên đầu tiếng cánh đập lạc xạc của con dơi bay tìm cạp những trái mù u chín, hoặc thỉnh thoảng nghe được tiếng trái mù u rơi "bộp" xuống khoang thuyền hay "tõm" xuống mặt sông. Và người khách thương ấy bỗng cảm thấy một nỗi buồn nhớ mênh mông dâng lên trong lòng, cảm hứng cất giọng khẽ hát một bài hát theo điệu lý, lý mù u:

Trăng đã lên chơi vơi rừng u
Mù u đã chín ơ
Soi bóng trong khoang ghe rường ơ
Mù u đã rơi...

Đến đây quý bạn độc giả đã thấy nói nhiều về mù u nên chắc hẳn muốn biết tại sao bài này lại có tựa "Mù u năm ngoái".
Xin thưa là nguyên gần đây, trong một chuyến viếng thăm Á châu, người viết có dịp đến dưới một gốc mù u để tìm lượm trái. Lúc đó tôi chợt nhớ lại câu thơ bất hủ trong truyện Kiều: "Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông". Sở dĩ có sự liên tưởng đó vì tôi thấy hoa đào trong câu thơ và trái mù u có một cái gì phảng phất giống nhau. Hôm ấy thật không thấy một trái mù u nào rụng quanh gốc cây cả. Có lẽ vì những người đi trước lượm hết hoặc vì chưa tới mùa có trái chín rụng. Tuy nhiên theo kinh nghiệm, tôi bới tìm trong bụi cỏ và dưới những lớp lá mục thì tìm ra được vài ba trái mù u còn đang nằm ẩn trong đó. Đó là những trái mù u đã rụng từ lâu, từ những mùa năm trước, năm ngoái, và vì liên tưởng tới những cánh hoa đào năm ngoái trong câu thơ Kiều nên người viết xin được gọi những trái mù u ấy là mù u năm ngoái cho có phần thi vị.
Và nói rộng ra, người viết nhận thấy những trái mù u lượm được dưới gốc cây hôm ấy mang hình ảnh của thời ấu thơ ở quê nhà, và có cảm tưởng là chúng đã nằm chờ người bạn cũ tìm đến lượm lên. Vì vậy, nếu trọn câu thơ trong truyền Kiều là "Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông" thì tại sao đây không phải là "Mù u năm ngoái còn chờ cố nhân", phải không quý bạn?

Huỳnh Hữu Cửu
                         Mù U quê tôi
Ong bầu vờn đọt mù u
Lấy chồng chi sớm lời ru thêm buồn...

Không biết những hàng cây mù u soi bóng bên dòng sông quê tôi có tự bao giờ, có lẽ từ thuở người xưa đi mở đất đã gieo trồng rồi cây bám đất sinh sôi.Thú thật với cán anh chị em rằng , mù u chả ăn được , chả làm gì hết…mà không hiểu sao nó lại đi vào thơ ca , đi vào cuộc sống ngọt lịm và chứa chan tình người như thế , nó len lỏi vào cuộc sống chúng tôi , lủ trẻ chỉ biết ăn rồi chơi không lo toan phiền muộng với cơm áo gạo tiền
Nhánh mù u con bướm vàng không đậu
Anh bao chiều về thờ thẫn qua sông
Sông quê trường làng con đò bên cát lỡ
Chỉ vì em sang mà thành điệu nhớ nao lòng…

Ông nội tôi kể thời ông mới đến cù lao này, ngọn mù u đã cao xấp xỉ mái đình. Thân cây tròn thẳng, có thể cao trên chục mét; lá mọc đối, thon dài, phía gần cuống hơi thắt lại. Hàng năm cứ vào đầu tháng hai, lẩn trong vòm lá xanh rộng là những chùm hoa trắng tinh nở rộ. Hoa mù u lớn, thơm dịu và có nhiều cánh như hoa mai. Lúc ấy, lúa cũng vừa vàng đồng, thế là hương hoa, hương lúa cùng hoà quyện theo làn gió xuân lan toả khắp nơi nơi…
Hình ảnh có liên quan
Rồi khoảng giữa tháng mười, quả mù u bắt đầu ửng chín. Quả căng tròn cỡ quả nhãn. Lúc này vỏ của chúng không xanh mà dần ngả sang màu vàng nhạt, và mỗi khi gió giật, quả lặng lẽ xa cành… 
Gặp những năm cơ khổ, ông nội tôi cùng những người dân trôi nổi, tìm nhặt quả mù u đem về giã nhuyễn, đắp dính vào mảnh tre khô, thắp sáng thay đèn. Lợi ích khác là gỗ mù u còn dùng để đóng ghe, làm cột nhà…rồi làm cái thớt , vì gổ mù u rất chắc . Chất dầu trong quả nếu nấu cô đặc lại sẽ là thứ dùng thay xà phòng hay làm thuốc trị ghẻ lở, thấp khớp… ở những nơi xa thầy, xa chợ…
Nghe ông kể vậy nhưng mãi về sau, khi lần đầu về thăm quê nội, tôi mới có dịp ngắm kỹ càng cây mù u và còn nhặt trái nhờ nội làm đèn. Đêm ấy bên ánh đuốc chập chờn, bốc khói cay xè… Tôi không hiểu ông bà và cha tôi nghĩ gì, nhớ gì hay là do chất cay nồng ấy mà khoé mắt ai nấy đều đọng lệ…
Cây mù u , lá mù u
Vợ chồng cắng đắng , thằng cu làm hòa...

Đã bao nhiêu năm rồi , tôi lại về thăm quê , mái đình ngày xưa vẩn còn đó , cây mù u sát đình vẫn còn , nhưng nó đã mang hơi hướng của hiện đại , bê tông đã trải dài trên sân , không còn nền cỏ ngày xưa , nơi chúng tôi hay chơi nhảy , chơi nhảy dây , bắn cu li…và nằm dưới tán lá mà kể chuyện tây tàu . Tôi rón rén bước chân khẻ nhẹ để tìm lại kí ức như ngày xưa , nhưng cảnh củ thì đây mà kí ức ngày xưa không tài tình nào quay lại
Dưới cội mù u già này đã chứng kiến biết bao nhiêu cảnh đời , biết bao nhiêu kiếp lầm than , để rồi vẫn hiên ngang theo năm tháng…..không hiểu sao biết bao nhiêu phận gái chồng xa và biết bao nhiêu kí ức buồn man mác lại gắn vào cây mù u ấy , vào thơ ca . tôi hỏi nội sao lại vậy , nội nói không biết nữa con …chắc tại cái tên của nó kết bằng chữ u , u của u buồn , u của u sầu con à
Kỷ niệm tuổi thơ của tôi gắn chặt với ruộng đồng nơi có dòng nước mát lành, ruộng vườn xanh ngát với những con người thật thà, cần mẫn lắm lúc chỉ là nỗi nhớ mông lung…
Mấy hôm rày không hiểu sao chị bà chị hai hay đt về , út ơi gần tết , chị nhớ nhà quá xá ?.....lòng tôi như quặn lại , mắt cay cay….giờ tôi mới nghĩ ở phương trời xa xuôi ấy , chị ở một mình , nhớ gia đình , nhớ quê là phải ……. và trong kí ức của tôi cây mù u kia nó ngọt lịm như những quả mận , quả xoài để rồi khi xa nơi ấy tôi luôn nhớ về quê nhà , về quê hương , nhớ vê cội nguồn…bạn nhỉ
U Trang


 


Thứ Ba, 28 tháng 11, 2017

Nhạc - Thơ - Văn Bìm bịp tiếng kêu thương

Hình ảnh có liên quan
Hình ảnh có liên quan
Bìm bịp kêu !
Bìm bịp kêu nước lớn nước ròng,
Như than số phận, kiếp long đong...
Có ai hiểu được, đời gian khổ ?!
Khắc khoải ngày đêm trên bến sông ?

Bìm bịp kêu nước lớn nước ròng,
Tiễn người trên bến sắp sang sông.
Ngắm thu vàng lá chờ đông lạnh,
Chạnh lòng lữ khách nhớ mênh mông !

Bìm bịp kêu nước lớn nước ròng,
Tiếng như thanh thản giữa thinh không...
Nước lên gọi bạn chiều hoang vắng,
Tha thiết tìm nhau trong nhớ mong !

Bìm bịp kêu nước lớn nước ròng,
Yêu làng yêu tổ yêu bến sông...
Một đời son sắt tình chung thuỷ,
Sưỡi ấm cùng nhau mặc gió Đông
NM

Bìm bịp tiếng kêu thương!
1. Mấy ai sinh ra và lớn lên mà không có quê hương? Quê hương đó, có thể là phố phường, là nông thôn đồng bái! Mỗi nơi ở mỗi người, đều có một kỷ niệm đầu đời chẳng thể quên.
Thời gian cõng tuổi thơ vào cuộc đời và cuộc đời thì, vốn đã buồn vui trăm mối! Nhà nội nghèo nên má con tôi thối về ngoại. Thức ngủ mười năm theo tiếng bịp...b...ị...p...” kêu con nước lớn trên sông Tiền miền châu thổ Cửu Long.
Tôi nhớ tiếng kêu thương của bìm bịp vì, nó chẳng vô tình bạc nghĩa xứ sở. Nó hoàn toàn đối nghịch với chim cu đất. Bởi, chim cu đất sẵn sàng bỏ ổ, bỏ con, bỏ lãnh địa, một khi nó ngửi mùi bất an đến bản thân!
Hồi nhỏ được ngoại nuông chìu, tôi thường nghịch phá nhất là rình chim bìm bịp tìm ổ để lấy trứng bắt con. Thiệt ra không dễ, bìm bịp tha mồi nuôi con không bao giờ bay thẳng đến ổ. Nó bay lủi vô bụi cây ngụy trang phía trước và nó lặng lẽ bay ngõ sau bụi cây nhằm đánh lừa đối phương.Đôi ba chập bay lủi như vậy, bìm bịp mới về ổ nuôi con.
Bìm bịp màu lông giống nhau ở trống và mái. Màu nâu chấm đen khi còn nhỏ. Lúc đủ lông đủ cánh, rời ổ ra riêng, đôi mắt đỏ au; đầu mỏ, cổ ngực và đuôi có màu đen lợt, thân và đôi cánh lông màu nâu sòng như chiếc áo nhà sư. Có lẽ vì vậy, người đời gọi bìm bịp là chim Thầy Chùa (?). Hình như có một sự tích về màu lông, về thân phận của nó do thiên hạ truyền miệng nhau. Tôi nhớ hoài lời ngoại nói:
- Bìm bịp, một loài chim cam chịu sống bìm, đồng nghĩa với bầm mà, bầm ở quê mình được hiểu ngầm là bầm dập! Dù vậy, nhưng chưa bịp ai, kể cả người bạn đời của nó!
Rồi những trưa hè buồn miệng, ngoại kiến giải:
- Người nhà quê hiểu nôm na, bìm có nghĩa sống “ăn nhờ ở đậu” an phận thủ thường, nhút nhát và không ác với đồng loại, không nham hiểm với láng giềng. Trời cho đôi cánh để bay xa, bay vào trời rộng như muôn loài chim khác, nó ngại ngùng quên sử dụng. Chỉ là, bay ngắn nếu không muốn nói, chuyền cây. Suốt đời sống bụi bờ, làm ổ bằng rơm cỏ trên cao và hỏng mặt đất. Đi đâu cũng có đôi có bạn, không đi lẻ vợ chồng. Nước lớn vợ gọi, chồng kêu!
Con mái lớn hơn trống, đuôi ngắn và lông màu lợt; trống đuôi dài và lông màu đậm. Bàn chân bốn ngón, mỗi ngón có móng và vuốt. Chân cặp ngắn cặp dài và trước sau đối xứng. Dẫu nó thuộc loại bìm bịp lớn hay nhỏ, thảy đều sống thủy chung với bạn tình mà nó đã ăn nằm, sinh con đẻ cái. Mỗi con trống hoặc mái, nó có riêng mùi đặc trưng. Và, mùi đặc trưng đó, giúp nó nhớ thương, ân ái, không phản bội nhau. Mùa xuân, dù bìm bịp sống chốn gò cao hay nơi bưng biền, mương rạch, nó rững mỡ qua tiếng kêu ‘Cu-ra-ua... Cua- ra-ua... vang vọng miền quê, ai nghe mà chẳng động lòng? Đầu hạ, bìm bịp đẻ. Đầu thu, cả vợ lẫn chồng cùng gánh vác việc nuôi con, nó chẳng ly thân ly dị bao giờ. Mái nhường miếng mồi ngon cho chồng cho con, nó nhịn ăn trong niềm vui của sự nhường. Tôi đã rình coi bữa ăn chiều sum hợp của “gia đình bìm bịp” ở đám biền thí thời bom đạn. Tôi nhớ mẹ, nhớ nhà và thèm về, ngay bây giờ nhưng, không thể. Bất chợt, tôi thốt lên câu hò ở quê nhà:
Phần thịt thì để cho chồng
Phần xương em gặm, phần lòng cho con 
2. Nhà ngoại có khu vườn chạy ra bến sông, có cầu ao nằm dưới giàn mướp hoa vàng rực mỗi sớm mai. Chốn ấy là, giang sơn của bìm bịp. Nó yêu giang sơn của nó chẳng khác người yêu đất nước của mình. Mảnh đất nó đang sống là lãnh địa bất khả xâm phạm. Nó trở nên hung tợn và chiến đấu bảo vệ lãnh địa không sợ chết đối với kẻ xâm lấn.
Ngày xưa, ngoại nói đó là tập tính thuộc căn tính bìm bịp; đồng thời với phản xạ có điều kiện. Tôi hỏi, điều kiện gì hở ngoại? Ngoại rằng, sau mỗi lần đánh đuổi và chiến thắng kẻ thù, nó thích khen thưởng bằng thức ăn ngon. Vì vậy, con mái lúc nào cũng trữ mồi ngon tặng trống sau trận chiến.
Bìm bịp khắc tinh lũ rắn, kể cả rắn cực độc. Lãnh địa của bìm bịp, rắn không thể sống, kể cả sống sót! Mùi da thịt, mùi lông và phân của bìm bịp khiến rắn khớp đèn, mất hoàn toàn khả năng chiến đấu... thúc thủ quy hàng, nằm chờ bìm bịp đến gắp mang về ổ làm thức ăn dự trữ nuôi con!
Con tạo lá lay, bày trò: Bìm bịp diệt rắn. Rắn diệt chuột. Thế nên, chuột ngày đêm ngóng đợi bìm bịp lởn vởn gần hang ổ của mình như nắng hạn đợi mưa rào. Có mùi bìm bịp, rắn cụp đuôi không dám ho he, hó hé! Rắn sinh ra và lớn lên lột da sống đời nhưng, không có hang ổ! Hang ổ rắn, chính là hang ổ chuột bị rắn cưỡng chiếm với phương châm: Diệt chuột đoạt hang ổ!
Tôi trở về khu vườn nhà ngoại sau bao năm đi xa. Những đóa mai vàng bung nụ khoe cánh dưới nắng xuân, không gian im ắng như chờ tiếng gọi bạn tình: Cu-ra-ua... C...u...r...a...u...a.. của bìm bịp tự thuở nào. Tôi chỉ nghe tiếng lá rơi trên thềm nhà cũ. Cầu ao, bến nước, bãi biền... còn nằm trơ đó, bìm bịp thì “tuyệt chủng” rồi!
Chỉ một lời đồn thổi bá vơ, người săn đuổi và tận tuyệt giống nòi bìm bịp, ngâm rượu tráng dương bổ thận cho mình. Họ biết đâu rằng, chính họ đã giết chết tiếng kêu thương của một loài chim đáng sống!
TRẦN BẢO ĐỊNH
(SHSDB21/06-2016)

Về quê nghe bìm bịp kêu

Do hồi chiến tranh lang thang nhiều ở Nam Bộ, có thời gian ở cạnh sông Vàm Cỏ Đông, nên tôi không hề xa lạ với tiếng bìm bịp kêu. “Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi/Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê/”(ca dao).
Cái tiếng kêu của con chim bìm bịp thật đặc trưng, nói là buồn thì nghe ra rất buồn, nhưng nói thanh thản thì nghe cũng thanh thản lắm. Mà lại tình cảm. Chỉ có điều nó không vui, không hớn hở. Nó trầm trầm, đều đều, và rất vang. Cũng do được nghe bìm bịp kêu ở miền sông nước Nam Bộ, nên tôi cứ ngỡ chỉ ở sông nước đất Chín Rồng mới có bìm bịp.
Tôi đã nhầm. Sau hòa bình nhiều năm, về lại quê mình ở Mộ Đức-Quảng Ngãi, tôi mới biết: Hóa ra, ở quê mình, ở ngay trước nhà mình cũng không thiếu… bìm bịp. Và không thiếu những âm thanh đặc trưng của giọng trầm bìm bịp mỗi sáng hay mỗi chiều. Do là ngay trước nhà tôi có một dòng sông nhỏ. Sông nhỏ nhưng trên bờ vẫn có những lùm tre rậm. Tôi không nghĩ con sông nhỏ trước nhà mình có nước lớn nước ròng như các con sông ở Nam Bộ, do con sông này bị lấp nghẽn dòng đã nhiều năm.
Nhưng bìm bịp kêu có lẽ cũng không đơn giản vì nước lớn. Bìm bịp kêu như một nhu cầu tự thân của loài chim sống bên sông nước, vậy thôi. Người ta nói thức ăn khoái khẩu của bìm bịp là… rắn. Tôi thì chưa thấy cảnh con bìm bịp bắt con rắn cho bữa trưa, nhưng nếu như thế thật, thì may cho quê tôi quá.
Dạo này không biết nảy nói từ đâu ra, kẻ thì bảo do biến đổi khí hậu, người thì nghi do bọn “người lạ”  thuê người mình thả rắn cắn dân mình… chơi, mà rắn lục đuôi đỏ-một loại rắn cực độc và hay tấn công người  khắp nơi. Bệnh viện Quảng Ngãi trong thời gian ngắn đã phải tiếp nhận ba chục ca cấp cứu người dân bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Nếu bây giờ mà có thật nhiều con bìm bịp bắt rắn lục đuôi đỏ, chắc dân quê tôi sẽ được nhờ.
Nhưng hỡi ôi, từ nhiều năm nay, bìm bịp đã nằm trong “sách vàng” săn bắt của những người ham mê “rượu ngâm bìm bịp” chữa bá bệnh. Chưa kịp bắt rắn cứu người thì đã bị người bắt cho vào hũ rượu ngâm. Có cầu thì có cung. Người ta đổ đi “truy sát” từng con bìm bịp, khiến loài chim lành hiền và rất có ích này rơi vào nguy cơ  tuyệt chủng.
Nói vậy, chứ vườn nhà tôi cây cối rậm rà, “thợ săn” cũng khó vào, nên mỗi khi tôi về quê, ngồi ngay trong nhà mình vẫn nghe được bìm bịp kêu. Vẫn giọng trầm thanh thản, như không hề biết nguy cơ đang chờ chực mình.
Nghe bìm bịp kêu ở vườn nhà mình, có cảm giác thật khó tả. Cứ như cây vườn nhà mình cũng góp phần che chở cho loài chim cực dễ thương này. Cứ như con bìm bịp chọn vườn nhà mình là chọn sự an toàn nào đó, còn chọn mình là chọn bạn, nó kêu mình nghe, như hát cho một người bạn. Và cho cả nó nữa. Bởi bìm bịp đích thực là một nghệ sĩ. Một nghệ sĩ của làng quê, sông nước.
Thanh Thảo

Bìm bịp kêu chiều 1

Hồi nhỏ tôi hay theo ba đi giăng lưới, cắm câu, đặt lờ. Chiều, ba bơi xuồng chở nào câu, lưới, lờ ra cánh đồng mênh mông nước. Lúc này bìm bịp kêu vang, tôi rất thích âm thanh được lặp đi lặp lại như điệp khúc dài. Tôi hỏi ba, con bìm bịp đứng đâu mà con không thấy? Ba tôi cố gắng giải thích nhưng tôi không hiểu nhiều, chỉ nhớ câu “Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi/ Mua bán không lời, chèo chống mỏi mê” mà má tôi hay hát đưa em, nghe buồn xa xăm. 
Khi mặt trời sắp lặn, tiếng bìm bịp càng rõ mồn một, như xoáy vào lòng tôi cảm giác vời vợi, miên man. Mái dầm ba cứ đều đều, đến vạt đất có nhiều năn và ngang dọc mương phèn, ba cắm giềng giăng lưới. Xong công đoạn này là ba bơi xuồng đến gò đất giữa đồng cắm nốt số câu rồi mới tìm chỗ đặt lờ. Tôi nhảy ùm xuống ruộng mang từng chiếc lờ đặt những nơi ba chỉ và làm đúng hướng dẫn của ba, tôi vui và tự hào lắm.
 Cứ đến chiều không cần nhìn đồng hồ chỉ nghe tiếp bìm bịp âm vang là ba tôi đem lưới, đem câu xuống chiếc xuồng ba lá. Ba khoan thai đẩy mái dầm lướt trên đám năn mới mọc. Tiếng bìm bịp mỗi lúc dồn dập gần hơn, tôi căng mắt nhìn để tìm chỗ con bìm bịp, khi xuồng đến gần bụi rậm thì một vết xám vụt bay lên. Ba tôi chỉ: “Bìm bịp đó con!”. Không chỉ chiều hôm ấy mà tiếng bìm bịp kêu đã theo tôi suốt những buổi chiều tuổi thơ nơi đồng chua.
 Con nít thường hay ngủ nướng, nhưng tôi lại siêng dậy sớm để theo ba đi thăm câu. “Ba! Cho con giở lờ trước nghen!”, tôi nói. Mũi xuồng vừa tới họng đìa là tôi nhảy ùm xuống nước lội băng băng rồi nhấc bổng chiếc lờ. Một tiếng “rào” của đàn cá sặc trắng phếu rộ lên, trong lòng tôi cũng rộ lên niềm vui khôn tả. “Nhiều quá ba ơi!”, tôi hí hửng. Rồi cái thứ hai, thứ ba… còn mấy tay lưới và câu cắm của ba nữa. Ôi thôi, cá là cá…
Thời gian trôi, kinh tế khấm khá lên, nhưng môi trường cũng bị ảnh hưởng, các nhà khoa học đã nói nhiều đến việc xâm nhập mặn, mất cân bằng sinh thái, đất bạc màu… Còn tôi, với tình cảm của người gắn bó tuổi thơ cùng đồng ruộng, tiếng bìm bịp kêu chiều và tiếng rộ lên của đàn cá sặc trong chiếc lờ bánh ú làm tôi không khỏi nuối tiếc cái yên ả của ngày xưa.
Bây giờ, những đứa trẻ ít được nghe mẹ ru “Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi…”, thay vào đó là những bài hát thu sẵn trong điện thoại, chỉ cần “quẹt” một cái thì bài gì cũng có. Quê tôi cũng thưa thớt tiếng bìm bịp vọng vang trên cánh đồng loang loáng nước, những điệp khúc muôn thuở của loài chim mà tiếng kêu của nó khiến người ta buồn khôn nguôi.
LÊ NGỌC
Bìm bịp kêu chiều 2
Ba Rái đã bước vào tuổi trung niên, mái tóc đã có những sợi bạc. Thời gian đã đi rất mau qua sự chuyển đổi màu tóc mà nhiều khi con người ta không nhận ra cho đến khi vô tình đứng trước tấm gương nhìn thấy những sợi tóc ấy, nó làm vướng mắt và đưa tay nhổ. Ba Rái chỉ còn lại cánh tay phải, cánh tay trái chỉ còn một nửa, đến khuỹu thôi, nửa cánh tay còn lại đã được bác sĩ cắt bỏ khi anh bị mảnh đạn pháo găm trúng xương vào chính buổi trưa ngày 30 – 4 – 1975 lúc Ba Rái theo một cánh quân tiến về Sài Gòn.
Hình ảnh có liên quan
Chỉ còn một cánh tay, là thương binh. Nhưng dạo ấy Ba Rái là một chàng trai, rất khỏe, với cánh tay còn lại anh có thể làm bất cứ việc gì mà một thanh niên còn nguyên vẹn hai tay chưa chắc đã theo kịp. Ba Rái đập lúa, giựt dừa, chèo ghe, cầm cày…chỉ với một cánh tay và bốn mùa vận độc nhất bộ quần áo màu cỏ bộ đội bạc thếch, sờn vai, rách gối. Ở xã biển này hồi đó bộ đội giải ngũ về làng nhiều lắm, nhưng trụ lại chẳng bao nhiêu, phần lớn đi ngược trên lên những vùng quê khác sinh sống. Riêng Ba Rái được xã cấp năm công vườn, năm công ruộng từ quỹ đất tịch thu của địa chủ bỏ đi vượt biên. Anh dễ dàng lấy vợ, một cô gái xinh đẹp con nhà khá giả trong xã tên Hai Nỉ. Vợ chồng cất nhà trên mảnh vườn được sở hữu, lần lượt sinh hai đứa con, một trai, một gái hiện chúng đã vào cấp hai. Gia đình Ba Rái tuy không giàu có, nhưng với khoản lương hưu cán bộ, chế độ thương binh và năm công vườn, năm công ruộng cũng có thể gọi là một gia đình có kinh tế ổn định, bậc trung so với phần đông những hộ nghèo khác.
Sáng nay, như thường lệ, Ba Rái cũng vận bộ đồ màu cỏ bạc thếch, tay cầm chỉa đi rảo qua những bờ vườn để chĩa những trái dừa khô, dừa chuột khoét rụng từ dưới mương lên, gom thành đống. Dừa khô thì bán ngay, vì dừa đang được giá, còn dừa chuột khoét bỏ phơi trự nhiên, chỉ một vài nắng Ba Rái dùng rựa bổ ra từng mảnh cho vợ làm củi chụm. Trong các thứ củi ở vườn, củi dừa chuột khóet cho lửa than rất tốt, nóng dai, không chỉ nấu cơm, đun nước mà nướng cá, nướng khô cũng rất nhanh, ít khói. Đã qua rồi thời trai trẻ, nên chỉ đi rảo được ba bờ vườn Ba Rái đã thấm mệt, đứng lại thở, kẹp nách cây chỉa bên cánh tay cụt, tay còn lại Ba Rái móc túi áo lấy gói thuốc rê quấn một điếu to, bật cái quẹt lạch xạch đốt thuốc và rít khói. Vừa nhả ra những ngụm khói khét lẹt, Ba Rái vừa nhìn những bông dừa theo gió sớm rụng xuống lộp bộp quanh đám cỏ đã mọc chen lên những vết nứt đường chân chim của thảm bùn non bồi vườn cách đây chưa đầy tháng vào tầm con nước kiệt. Những bông dừa tỏa mùi thơm nhẹ, tan loãng vào mùi bùn đất, xương lá mục dậy lên từ chỗ đứng của Ba Rái trong buổi sớm mai.
Không hiểu sao, bỗng dưng Ba Rái lại thở dài. Bên kia ranh vườn nhà Chín Ơn đã mở cửa, có tiếng tằng hắng quen thuộc của Chín Ơn chứng tỏ ông bạn hàng xóm bị vợ bỏ, thui thủi trong căn nhà giữa vườn đã nấu nước pha trà uống cử sớm. Ba Rái cắp chỉa theo bờ ranh, đi về hướng nhà Chín Ơn. Bởi vì, nếu không thấy Ba Rái qua uống trà với mình, chút nữa thế nào Chín Ơn cũng lớn giọng gọi í ới, đây là một cái lệ bất thành văn.
Chín Ơn người cao lòng lòng, đầu bạc trắng, lớn hơn Ba Rái vài tuổi đã ở một mình, cu ky với mảnh vườn mua lại trên đất Sáu Nhật, từ trước khi Sáu Nhật vượt biên.Và tất nhiên trước khi Ba Rái về đây cất nhà. Nhưng từ khi hai nhà ở sát ranh đất, Ba Rái và Chín Ơn thân thiết nhau lạ lùng, còn hơn anh em ruột. Uống trà cũng hai người, nhậu cũng hai người, rủ rỉ tâm sự đầu hôm sớm mai, chiều mưa trưa nắng cũng chỉ hai người. Chín Ơn có cô vợ rất trẻ, cưới sau giải phóng một thời gian, bỗng một ngày đẹp trời khi Chín Ơn từ ruộng về thấy nhà trống hoác, cô vợ đã bỏ theo một anh ghe cào vượt biên. Không con nên Chín Ơn ở một mình trong căn nhà vắng với con chó cò đã quen hơi Ba Rái như quen hơi chủ. Trước đây Chín Ơn có ngón đàn kìm tuyệt kỹ, nghe Chín Oûn rao đàn kìm và chơi một lúc sáu câu vọng cổ gọi là đàn “ độc chiếc” khi ngà ngà say con gái, đàn bà giá cũng…muốn bỏ nhà theo anh ta. Nhưng không hiểu sao với ngón đàn tuyệt kỹ này Chín Ơn lại không giữ được nổi cô vợ trẻ, để anh ghe cào chẳng tài cán gì, chỉ có thân hình vạm vỡ, da đen như bồ hóng quyến rũ dẫn đi mất. Từ đó ngón đàn của Chín Ơn như càng buồn hơn, thê thiết hơn, nghe như có nước mắt.
Ba Rái dựng cây chỉa sát mép cửa nhà Chín Ơn, quăng cái tàn thuốc như con sâu róm xuống rảnh nước trước nhà, bước vào. Chín Ơn như đã ngồi chờ sẵn, thấy Ba Rái ngồi xuống chiếc ghế đối diện liền rót ly trà nóng, bốc khói đẩy tới trước mặt, giọng hào hứng:
– Hôm nay đặc biệt, uống trà với khô đuối, mà là loại “ hắc cáy” nghe chú mày.
– Ở đâu ông có thứ đặc sản này thế?- Ba Rái nhón một sợi khô, nhấm nháp hỏi.
– Của thằng đệ tử học đàn nó cho.
Ở vùng này người ta không uống trà khơi khơi, mà uống trà có “ mồi”, là đường tán hoặc khô, mà khô đuối loại “ hắc cáy” thì quả là cự kỳ sang. Mới đầu về đây Ba Rái chưa quen uống trà theo gu kèm “mồi” mà lại là “mồi” khô. Nhưng khi gặp Chín Ơn, được cho uống trà với khô, Ba Rái cũng đâm ghiền vì uống trà với khô có hương vị rất đậm đà, khó diễn tả.
– Nghe nói xã đã có chủ trương xây nhà tình thương cho dì Bảy?- Chín Ơn hỏi với vẻ quan tâm.
– Ờ…thì…hôm nay xã mời tôi ra bàn chuyện đó đây. Chắc vụ cái nền.
– Nền thì khó gì, năm công vườn của ông đó, bờ mương nào mà không làm nền cất nhà cho mẹ ông được?
Ba Rái lúng túng, thở dài:
– Đúng là như thế, nhưng phải chi tôi quyết định được chuyện này thì đâu còn gì để phải bàn tới bàn lui.
– Đất nhà nước cấp cho ông, dì Bảy là mẹ ông, nay ở nhờ nhà người này, mai ở nhờ nhà người kia, sống lang thang cả xã này ai cũng biết, cũng kêu rêu. Ông không quyết định được chứ ai?
Chín Ơn chợt khựng lại trước cái giọng chất vấn hơi gay gắt của mình. Đúng là một câu hỏi khó cho Ba Rái vì hàng xóm quanh đây ai cũng biết dì Bảy Tố đã từng ở chung với vợ chồng Ba Rái nhưng Hai Nỉ, vợ Ba Rái đã xem mẹ chồng không ra gì, cảnh cơm không lành canh không ngọt giữa nàng dâu với mẹ chồng xảy ra như cơm bữa từng là đề tài đàm tếu cho cả xóm. Bị con dâu đối đãi như người ăn, kẻ ở mà con trai không dám can thiệp, dì Bảy Tố đã xách cái túi đệm đựng mấy bộ quần áo bỏ đi. Ba Rái có mấy người em, trai gái đủ cả, có người làm ăn xa giàu có, người có chồng ở xã kề bên nhưng không ai nuôi được mẹ. Bây giờ đến lượt Chín Ơn thở dài.
***
Ở xã về, bên cánh tay cụt Ba Rái cắp chai rượu đế, tay còn lại cầm một xâu khô hố. Vợ và đứa con gái kế không thấy đâu, chỉ có đứa con trai lớn là thằng Đức đang ngồi học bài. Ba Rái lên giọng ra lệnh:
– Đức, đốt dừa chuột khoét nướng mấy con khô cho cha.
– Ông tự nướng đi, tui mắc học bài không thấy sao?- Đức gân cổ nói.
– Mẹ mày và con Hạnh đâu?
– Ngoài chợ.
– Sao chưa về nấu cơm, bếp núc lạnh tanh vậy?
– Chà, bữa nay có chuyện gì mà ông nhậu một mình vậy?- Đức ngạc nhiên hỏi.
– Ừ, tao buồn, tao nhậu một mình.
Ba Rái lui cui bật quẹt nhóm lửa, nướng khô. Hì hụi thổi lửa vã mồ hôi, quạt than một lúc mấy con khô chín. Ba Rái rót rượu uống tì tì mấy ly, khi đã ngà say Ba Rái nhướn nhướn cặp mắt đỏ ngầu, lờ đờ nhìn Hai Nỉ và đứa con gái bước vào. Thấy Ba Rái say, Hai Nỉ tru tréo:
– Chà, cha của tụi bây bữa nay ngon, dám…lên đời, ngồi nhậu thảnh thơi trong khi vợ con đầu tắt mặt tối ngoài chợ. Ông nhậu được sao không nấu cơm được?
– Tôi chờ bà về nói chuyện- Giọng Ba Rái lè nhè.
– Chuyện gì?
– Chuyện cái nền cất nhà cho bà già.
Hai Nỉ nhảy dựng lên, the thé:
– Không có nền nhà, nền miễu gì cả. Tôi không đồng ý. Đất của tôi, vườn của tôi, không có xã, huyện gì can thiệp được hết. Tôi với mẹ ông không hợp thì không thể ở chung được.
– Không ở chung, nhà ai nấy ở. Bà già cất nhà ngoài bờ ranh, gần với nhà Chín Ơn.
– Tôi nói không, bà già về đây mẹ con tôi bỏ nhà đi, cho ông ở với mẹ ông, tha hồ làm mưa làm gió cái xóm này.
– Bà không thấy cả xóm này, cả xã này người ta kêu rêu bà là con dâu độc ác, chửi tôi là…cán bộ mà bỏ mẹ sống lang thang à? Tôi hết chịu nổi rồi, thà chết quách đi cho xong chuyện.
Hai Nỉ vừa khóc vừa tru tréo, giọng rít lên từng hồi:
– Ừ, ông muốn chết mẹ con tôi sẽ cho ông chết theo nguyện vọng chứ đừng đem cái chết ra hù dọa, áp lực mẹ con tôi nhé?
Thế là cuộc hỗn chiến xảy ra. Tiếng đập vỡ đồ đạc trong nhà, tiếng la hét nhừa nhựa của Ba Rái, tiếng tru tréo chửi rủa hổn láo của Hai Nỉ. Tiếng đánh nhau thình thịch (mà Hai Nỉ đánh Ba Rái nhiều hơn). Tiếng anh em thằng Đức góp phần làm cho sự việc thêm nhốn nháo, căng thẳng thêm, nhưng chẳng biết chúng nó bênh cha hay hùa theo mẹ. Mãi một lúc sau cái âm thanh nhốn nháo hoảng loạn từ nhà Ba Rái mới lụi dần. Chín Ơn ngồi bên nhà mình suy đoán, rồi buông miệng thở dài.
Bất chợt cơn mưa đổ ập xuống, cơn mưa chỉ báo trước bằng một trận gió thổi thốc qua vườn dừa, mang theo hơi lạnh và tiếng sấm động trong bầu trời. Chín Ơn ngồi trên bộ ván nhìn ra mưa, những giọt mưa trắng nhợt nhạt đan kín ngọn dừa, buông xuống khoảng không nhờ nhờ. Chín Ơn với tay lấy cây đàn kìm treo trên đầu cột, vặn trục lên dây nghe kẹt kẹt… Cứ hễ trời mưa hoặc những đêm trăng sáng trong vườn dừa là Chín Ơn với lấy cây đàn, lên dây và chìm đắm trong ngón đàn sầu não, réo rắt đầy tâm trạng của một người sống cô độc. Những lúc ấy Chín Ơn nhớ cô vợ trẻ đã bỏ đi. Phải chi trời đừng có những cơn mưa bất chợt và không có những đêm trăng sáng.
Xen lẫn trong mưa là tiếng bìm bịp kêu. Con bìm bịp này lẻ bạn nên cứ kêu một mình vang con rạch xẻo lá, tiếng kêu bồi hồi, đổ nhịp và buồn rười rượi lúc nước lên. Chín Ơn sực nhớ tới những cái rập cua, vội buông cây đàn, quàng cái giỏ đựng cua lên vai rồi tất tả dầm mưa đi về hướng rạch. Ngoài ngón đàn kìm tuyệt kỹ, Chín Ơn còn có tài rập cua, dọc con rạch xẻo lá Chín Ơn thường đặt rập cua mỗi tháng theo hai con nước. Và khi nước bắt đầu lớn, từ sông cái đổ vào rạch là giờ cua đánh hơi mồi bò vào rập. Mỗi con nước Chín Ơn bắt được hơn chục ký cua, mang ra chợ bán, trừ vài con để lại cùng nhậu với Ba Rái.
Nhưng chiều nay khi vừa bước tới bờ rạch, chỗ bến gánh nước có cây cầu dừa bắc qua xẻo lá, Chín Ơn sững người suýt kêu lên vì chợt nhận ra Ba Rái đang lóp ngóp dưới rạch trong tư thế bị trói cả tay chân, nước đã dâng lên tới mặt, Ba Rái cố ngửng mặt lên, miệng thở phì phì như hụt hơi. Chỉ một chút nữa thôi, con nước lớn đầy Ba Rái sẽ bị chết chìm. Chín Ơn vội quăng cái giỏ, nhảy xuống nước kéo Ba Rái lên.
Ba Rái nằm dài trên bờ rạch, hơi thở dồn dập, mặt mũi tái xanh như người sắp chết. Một lúc sau Ba rái cố gượng, giải thích:
– Hai Nỉ lệnh cho hai đứa nhỏ…trói tôi quăng xuống rạch. May…ông ra kịp.
Dì Bảy Tố tóc bạc trắng, bước đi chậm chạp vì với cái tuổi trên 80 có muốn dì cũng không thể đi nhanh được. Ngang qua nhà Chín Ơn, dì dừng lại, ngước cặp mắt đã không còn nhìn rõ người đối điện, mệt nhọc hỏi:
– Chú Chín vớt thằng Rái dưới rạch lên phải không?
Chín Ơn ngập ngừng:
– Dạ, con đi giở rập cua, phát hiện Ba Rái bị trói, ngồi thoi thóp dưới rạch…
– Nó sao rồi?
– Con vớt lên kịp, giờ đang ở bên nhà.
– Cái thằng…quá ngu. Số nó không chết trong chiến tranh, chắc chết vì vợ, mà bị trói dìm dưới rạch cho chết chìm thì tức thật.
Nói xong dì Bảy Tố quay lưng đi thẳng về hướng nhà Ba Rái. Ít phút sau giọng bà cụ gay gắt cất lên: Con Hai Nỉ mày giỏi ra đây trói bà già này dìm xuống rạch nè, trói chồng mày làm gì. Nó cụt tay, tật nguyền, là thương binh, nó không hy sinh ngoài chiến trường thì thôi, sao lại có thể chết vì con đàn bà ác độc như mày chứ?
Giọng Hai Nỉ cũng gay gắt không kém:
– Bà thương con lắm hả? May mà nó chưa tới số nên có người cứu. Bà về đi, không ai hơi sức đâu nói chuyện với bà.
– Mày là con quỷ cái…thằng Ba Rái có mệnh hệ nào thì mày cũng ở tù rụt xương nghe con…
Nói tới đó dì bảy Tố chợt khụyu xuống. Chín Ơn thấy vậy vội chạy sang đỡ bà cụ tội nghiệp lên, hai tay bế chạy riết về nhà. Khi mấy bà hàng xóm chạy sang xoa dầu, đốt lửa lên hơ ấm hai bàn chân dì Bảy cho dì dần dần hồi tỉnh thì Chín Ơn không dằn được cơn tức giận đi vội qua nhà Ba Rái định làm dữ với Hai Nỉ một trận. Nhưng mới bước vào sân Chín Ơn chợt nghe tiếng bìm bịp kêu, tiếng kêu của con bìm bịp lẻ bạn lại vang lên trong chiều nước lớn nghe khắc khoải, bồi hồi thì lòng Chín Ơn chùng xuống, bước chân khựng lại…
Từ Kế Tường
Hình ảnh có liên quan
 Con chim bìm bịp
GN - Được nghỉ học buổi chiều, thằng Khang bày dụng cụ ra hàng ba ngồi làm nạng giàn thun. Một cây kéo, một khúc ruột xe đạp, một miếng vải kaki cũ, một chùm dây thun khoanh, một nhánh cây cỡ ngón tay cái, hình chữ Y, được cắt ngắn gọn và lột vỏ sạch sẽ.
Nhìn thằng cháu ngoại cặm cụi cắt buộc, tôi chợt mỉm cười. Hình ảnh của nó là bản sao của tôi hơn năm mươi năm trước. Hình ảnh của nó đã đưa tôi trở về với những cảm xúc và kỷ niệm vui buồn thời thiếu niên
Năm 1958, tôi mười hai tuổi, học lớp Nhứt (lớp 5 bây giờ). Nói đến bắn chim bằng nạng giàn thun, không phải khoe chứ tôi là tay thiện xạ. Bạn bè trang lứa và kể cả người lớn trong xóm ấp cũng không có ai là đối thủ của tôi. Hồi mới tập bắn, tôi cũng bằng tuổi thằng Khang bây giờ (mười tuổi) và cũng xài cái nạng nhánh cây như nó nhưng cặp giàn bằng giây thun khoanh kết lại, chớ hồi đó ruột xe đạp cũ rất hiếm.
Sau khi bắn rành, tôi thay cái nạng nhánh cây bằng hai ngón tay trỏ và giữa của bàn tay mặt. Bắn kiểu này chính xác hơn kiểu trước nhưng đôi khi đường bắn cũng bị lệch, trật mục tiêu do hai ngón tay bị so le dưới sức kéo mạnh của cặp giàn. Anh Năm tôi bèn cắt một khúc cây tròn, mày mò đục đẽo, bào gọt cho tôi một cái nạng rất đẹp, cặp giàn bằng giây thun bản. Nhờ nó tôi mới trở thành tay thiện xạ nổi tiếng.
Đạn vò cũng ảnh hưỏng đến đường bắn. Đạn càng tròn càng láng, đường bắn càng ngay, càng hiệu quả. Đạn méo mó như sỏi đá, trái ổi non… bắn mười cục trật hết bảy tám. Đạn vò bằng đất thông thường rất bở, bắn trúng mục tiêu dễ bể cho nên tôi chỉ vò đạn bằng đất sét vàng, vò rất kỹ, tròn vo, láng lứt, cứng như cục đạn keo. Thấy tôi phơi đạn ngoài sân, ai đi ngang cũng trầm trồ khen tôi khéo tay, chịu khó. Vài người còn hỏi xin ít cục về cho con họ bắn cu-li, tôi vui vẻ cho họ để quảng cáo tài thiện xạ và sự khéo tay của mình.
Hồi đó, ở nông thôn lúa thóc vàng đồng, vườn cây trĩu quả, tôm cá đầy sông, là môi trường lý tưởng cho vô số chim chóc sinh sống. Nhỏ có chim sâu, chim sắc, chim sẻ, lớn có trau trảu, sáo sậu, cu gáy, cò trắng, cúm núm, tu hú, quạ diều… Trong vườn, ngoài ruộng, ven sông rạch, kinh mương nơi nào cũng có. Hồi đó bắn chim cũng thoải mái lắm, không ai ngăn cấm, không ai bảo vệ, không ai cho là phá hoại môi trường, không ai cảnh báo loài này loài kia đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, được đưa vào Sách đỏ cần phải bảo tồn. Tôi xách nạng giàn thun đi chừng vài tiếng đồng hồ là có chim rô-ti cho cả nhà ăn thoải mái.
Một hôm, anh Sáu Đẻn đến nhà tôi chơi đúng lúc cả nhà đang ăn cơm. Ba tôi mời anh Sáu theo kiểu xã giao:
- Gặp bữa ăn cơm với chú, Sáu ơi!
Anh Sáu lắc đầu, bước đến gần bàn ăn, nhìn dĩa chim khìa nước dừa vàng tươi, giòn rụm, chép miệng, nói:
- Chim khìa nước dừa mà để ăn cơm thiệt uổng!?
Má tôi cười, nói:
- Nhà tui đâu có ai biết nhậu.
Anh Sáu bước đến vịn vai tôi, nói:
- Mơi mầy bắn cho tao vài con nhậu chơi nghen Út, anh cho tiền đi học?
Được anh Sáu “đặt hàng” tôi vô cùng hãnh diện với gia đình. Hôm sau, tôi bắn cả chục con trau trảu, sáo sậu, cu đất, tu hú, cò ma, hí hửng đem đến cho anh Sáu. Anh Sáu mừng rỡ trả tiền công cho tôi rồi hú anh hai Lạc qua phụ nhổ lông chim làm mồi nhậu. Dượng Tư Lâu khen tôi:
- Thằng nhỏ bắn giỏi như Dưỡng Do Cơ bách phát xuyên dương.
Tôi không biết Dưỡng Do Cơ là ai, bách phát xuyên dương là gì nhưng trong bụng rất vui trước lời khen của dượng Tư và nhất là trước những đồng bạc do tôi kiếm được lần đầu tiên trong đời.
Anh Hai Lạc vừa nhổ lông chim vừa nói với tôi:
- Mầy ráng kiếm cho tao vài con bìm bịp coi, Út Nho?
- Bìm bịp khó kiếm lắm anh Hai ơi! Tôi đáp.
- Kiếm bìm bịp chi vậy? Chim gì nhậu cũng được chớ cần gì bìm bịp? Có của mà còn đèo bồng? Anh Sáu trách anh Hai Lạc.
- Hổng phải! Đặng ngâm rượu. Anh Hai Lạc phân bua. Bìm bịp ngâm rượu trị bịnh đau nhức gân cốt, phong tê bại xuội đại tài.
Dượng Tư Lâu xua tay nói:
- Mầy lầm rồi Lạc ơi! Thịt bìm bịp lớn cũng như thịt gà chớ có thuốc men gì ở trỏng mà ngâm rượu? Muốn ngâm phải ngâm chim con còn trong ổ chưa biết bay và làm như vầy nè…
Theo kinh nghiệm dân gian thì chim bìm bịp biết kiếm bài thuốc trị gãy xương rất hay. Để lấy được bài thuốc đó, người ta tìm ổ của nó, bẻ gãy xương ống, xương đùi, xương cánh chim con. Chim cha mẹ sẽ tha thuốc về xức đắp cho con, trong ba ngày những chỗ xương gãy sẽ liền lại như cũ. Người ta tiếp tục bẻ lần hai, lần ba cho được nhiều thuốc mới bắt chim con về ngâm rượu.
Học được cách làm bài thuốc hay, tôi ráo riết săn lùng ổ chim bìm bịp, bắt chim con về ngâm rượu cho ba má tôi uống. Bìm bịp thường sống và làm ổ ven sông rạch nên tôi càn lùm lướt bụi, lội sình, dang nắng dầm nước, bất chấp vất vả hiểm nguy, rình rập tìm kiếm gần nửa tháng mới gặp được một ổ trong đám bần và ô rô cóc kèn rậm rạp. Lòng hiếu thảo của tôi được đền đáp xứng đáng. Để món quà cho ba má có thêm ý nghĩa, tôi chưa vội ra tay mà ngồi núp trong lùm đợi chim cha mẹ tha mồi về cho con ăn bắn luôn một thể. Nhưng… nếu bắn chết chim cha mẹ thì con nào tha mồi tha thuốc về nuôi nấng chữa trị vết thương cho lũ chim non?
Nếu không có mồi ăn, không có thuốc chữa trị lũ chim non sẽ chết đói, mình sẽ không lấy được thuốc chẳng phải hoài công vô ích sao? Nghĩ vậy nên tôi không chờ bắn chim cha mẹ, leo lên nhánh bần có ổ chim. Trong ổ có ba con chim non chưa mọc lông vũ đang nằm ngủ vô tư hồn nhiên. Nghe tiếng động, ba con chim non tưởng cha mẹ tha mồi về, vui mừng ríu rít, nghểnh cổ lên, hả hoác miệng chờ miếng mồi tươi ngon chứ chúng đâu có ngờ đó lại là tên hung thần ác sát sắp giáng họa lên đầu chúng!
Tôi bắt một con cầm gọn trong lòng bàn tay. Hồi nãy nó vui mừng bao nhiêu, bây giờ hoảng loạn bấy nhiêu. Nó vùng vẫy, chòi đạp thoát thân một cách yếu ớt, miệng kêu lên chíp chíp liên tục như báo cho cha mẹ nó nghe biết, đến bảo vệ cứu giúp nó. Tôi dừng tay ngẫm nghĩ. Mình sơ ý bị trặc khớp, bong gân còn đau nhức thấu trời huống gì nó bị bẻ một lượt đến sáu khúc xương! Nếu có ai đó bẻ chân bẻ tay mình như vậy liệu mình chịu nổi không? Ba má mình sẽ nghĩ gì? Nếu bài thuốc không hiệu quả thì có phải mình đã giết oan ba sinh linh bé nhỏ không đủ sức kháng cự hoặc chạy trốn! Tôi đặt con chim trở lại ổ, cả ba con đều nằm im thin thít trông thật tội nghiệp, đáng thương.
Tôi rời ổ chim bìm bịp với nhiều ý nghĩ lung tung. Loài vật cũng có gia đình, cha mẹ, con cái, anh chị em và thương yêu, đùm bọc, chia sẻ mọi thứ với nhau như loài người. Chúng cũng biết sung sướng khi được sống bình yên, cũng biết khổ đau khi bị săn bắt, giết hại. Báo hiếu cho cha mẹ là chuyện nên làm bằng nhiều cách khác nhau nhưng không thể lấy khổ đau bất hạnh của chúng để mưu cầu sung sướng hạnh phúc cho mình. Để có những món ăn thơm ngon khoái khẩu cho gia đình, thời gian qua tôi đã bắn chết nhiều loài chim, trong số đó chắc chắn có không ít chim cha hoặc chim mẹ đang nuôi con và có thể cả hai, gián tiếp giết chết lũ chim non chưa đủ sức tự lực cánh sinh vì thiếu mồi. Tôi đã phạm phải sai lầm đáng trách, sung sướng trên sự đau khổ của các loài chim. Từ đó tôi đốt bỏ cái nạng giàn thun và thề sẽ không bắn chim nữa.
*
Ngày nay, tiến độ thành thị hóa nông thôn khá nhanh khiến ruộng đồng vườn tược bị thu hẹp dần, môi trường sinh thái bị hủy hoại, ô nhiễm nên chim chóc không còn nhiều như xưa. Thằng Khang cũng không phải tay sử dụng nạng giàn thun chuyên nghiệp, không phải tay thiện xạ nhưng tôi vẫn không cho nó chơi nạng giàn thun, không cho nó có điều kiện tập nhiễm tính sát sinh hại vật rồi phạm phải sai lầm như ông ngoại nó hơn năm mươi năm trước. Hơn nữa, cái nạng giàn thun của nó cũng có thể gây phiền toái cho xóm giềng và bạn bè trang lứa bởi tính khí nghịch ngợm, hiếu thắng của trẻ con.
Trương Hoàng Minh 

Hoa Tím Đợi Chờ

Đợi chờ
Em đứng mình em,
Bên đây sông !
Bìm bịp kêu xa,
Suốt cánh đồng...
Xuân qua, hè đến, thu vàng đợi....!
Em vẫn ngóng chờ mặc gió Đông !!
Thôi nhé chia tay,
Người viễn xứ...
Bìm bịp kêu chiều,
Hoa tím bay....
Anh đi có nhớ nơi nầy,?
Dòng sông bến cũ khi đầy khi vơi 
Em về em nhớ cánh đồng,
Thương con bìm bịp bến sông gọi buồn !
NM
Nỗi buồn bìm bịp
Truyện ngắn này em viết để tặng Thầy Gerard Sasges, một người Thầy em luôn yêu quý và kính trọng. Với một trái tim chứa chan tình cảm dành cho con người và đất nước Việt Nam, Thầy đã dạy cho em hiểu thêm rất nhiều điều về quê hương của em.
Lớp học ở nhà quê. (Nguồn: Google)
Cô gái quê trong truyện là một hình ảnh đất nước Việt Nam tuy mộc mạc, nghèo nàn, nhưng chân thật và tràn đầy tình cảm. Em biết đây chính là một Việt Nam trong mắt Thầy. Chỉ còn vài tuần ngắn ngủi nữa thì Thầy sẽ rời xa hình ảnh thân thương này, nơi mà Thầy từ lâu đã coi như nhà. Em mong Thầy sẽ luôn nhớ về nơi này và những con người ở đây. Và hy vọng một ngày nào đó em lại được gặp Thầy ở ngôi nhà Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Cũng mùa Hè năm ngoái, cả cái xóm Trại Cưa này rộn lên khi nghe tin có một thầy giáo nước ngoài đến đây để dạy cho con nít xóm tôi tiếng Anh. Nghe đâu anh chỉ khoảng ngoài ba mươi, có thân hình cao to, và một đôi mắt xanh rất đẹp. Anh được xã cho ở nhà bà Mai, có lẽ vì nhà bà khá tiện nghi so với những căn nhà khác ở cái xóm này. Hôm đầu tiên anh đến, con nít ở xóm ùn ùn kéo đến nhà Bà Mai để “coi mắt” anh. Hôm sau tôi nghe đám con nít cứ xít xoa nào là anh thầy giáo Tây đẹp trai y chang tài tử điện ảnh, anh thầy giáo Tây nói tiếng Việt giỏi như người Việt Nam mà anh còn tốt bụng cho tụi nó kẹo sô cô la quá trời. Thằng Tèo nhà tôi thì kể về anh như là thần tượng, còn say mê hơn lúc nó nói về anh Hai Lam Trường của nó. Vậy là “thầy giáo Tây” được cả xóm bàn tán rất sôi nổi suốt cả tuần. Sau này khi quen với anh rồi thì tôi mới biết thì ra anh là người Ca-na-đa (mà tôi cũng đâu biết Ca-na-đa là cái xứ gì đâu).
Ðang cùng thằng Tèo thẫn thờ dước gốc cây mận để tìm trái chín thì nghe tía kêu, “con Hồng mày nướng miếng khô cá lóc đem qua cho ông thầy giáo Tây ăn, từ hồi ổng về xóm mình tới giờ mình hổng có quà gì cho người ta hết.”
Tôi ậm ừ gật đầu, lật đật đi nướng khô, không quên bỏ vào bao ni lông một chút nước mắm me do tía làm sẵn đem qua nhà bà Mai. Vào bên trong thì thấy anh đang ngồi đong đưa trên cái võng đọc sách một cách rất chăm chú, tôi rụt rè đưa khô cho anh.
“Cái này tía em biểu đem qua cho anh ăn. Tía em là chú Tư Thẳng, nhà ở cuối xóm. Nhà em có thằng Tèo cũng học trong lớp tiếng Anh của anh.”
Anh vừa ăn vừa không ngừng tấm tắc khen khô ăn lạ quá. Anh hỏi tôi làm gì, sao không vào lớp anh học cho vui.
Tôi thì học tiếng anh với tiếng u gì, tôi học được hết lớp 7 ở trường xã thì theo tía đi chăn vịt rồi. Ðược dịp nói chuyện với anh, tôi không ngừng khoe về đàn vịt bầu mập mạp mà tôi nuôi mỗi năm từ hồi nước chưa lên. Lúc ruộng còn khô, ngày nào tôi cũng lùa tụi vịt từ đồng này qua đồng nọ để chúng kiếm ăn. Có khi tụi nó ăn trụi lúa vừa chín của người ta, làm tôi phải hớt ha hớt hải đuổi chúng đi, sợ chủ ruộng biết được sẽ bắt đền tía. Mà nuôi vịt vui lắm đó nghen. Tôi nhớ hồi tụi nó còn nhỏ, có chút xíu, lông vàng óng ánh, đi còn chưa vững, cái dáng đi thì khập khiễng rất dễ thương. Khi mà tụi nó đã cứng cáp, đủ lông đủ cánh, thì ngày nào tôi cũng đi lang thang với chúng khắp nơi. Vậy mà bây giờ tôi lại sắp xa tụi nó rồi.                                                                  
Cũng hổng biết cái chuyện chăn vịt của tôi nó hấp dẫn đến cỡ nào mà thấy anh vừa nghe kể chuyện vừa nhìn tôi đăm đăm.
Bắt đầu từ hôm đó tôi hay qua nhà bà Mai, lúc thì đem theo một vài củ khoai lang lùi, lúc thì một miếng khô cá lóc hay vài ba trái mận. Mỗi lần qua như vậy tôi hay líu lo kể cho anh nghe những câu chuyện của xóm tôi: Từ chuyện thằng Hưng bị té sông nhưng nó hên ôm được trái dừa khô để bì bõm bơi lên bờ, cho tới chuyện con vện nhà ông Hai A đi đâu mất tiêu hổm rày, ông Hai già khập khựng đi khắp xóm tìm hoài mà hông thấy.
Ngược lại, anh kể cho tôi nghe những câu chuyện về nơi anh ở, một cái chỗ nghe rất văn minh, giàu có, với hằng hà xa số xe ô tô và các ngôi nhà lầu (có nằm mơ chắc tôi cũng không bao giờ mơ ra được một nơi như vậy). Nhưng má anh nói ở quê anh tuy giàu có nhưng ít ai nói chuyện hay quan tâm đến ai như ở cái xóm này. Tôi nghe anh kể mà thấy chỗ đó sao buồn da buồn diết.
Có lần ngồi ở bờ sông, tôi hỏi anh ở bên Ca-na-đa sướng vậy sao anh hông ở mà về cái vùng nghèo xơ xác này của tôi làm gì (tôi nghĩ là rất nghèo so với lời anh kể về quê anh). Anh nhìn mơ màng ra sông, nói hông hiểu sao anh rất thương Việt Nam, thương những con người Việt Nam, đặc biệt là mấy đứa con nít như thằng Tèo em tôi. Anh nói người Việt Nam rất thông minh, nhưng tụi tôi lại không có cơ hội để vươn lên và phát huy cái thông minh của mình.
Tôi nghe anh nói mà thấy sống mũi mình cay cay. Tự nhiên cảm thấy thương mấy đứa con nít ở xóm quá trời quá đất luôn.
***
Ðang định cùng anh ra vườn nhà bà Mai để coi mít chín chưa thì thằng Tèo ở đâu lù lù xuất hiện với một bọc trứng kiến để rủ anh đi câu tép. Thấy cái môi nó đen y chang như kẹo sô cô la anh tặng làm tôi ôm bụng cười ngặt nghẽo. Cái thằng này lớn đầu rồi mà còn thích ăn ô môi như hồi còn con nít. Cười xong chúng tôi dẫn nhau đi tìm lá dừa để làm cần câu. Thằng Tèo nhí nha nhí nhảnh chỉ anh cách dùng cọng kẽm để làm lưỡi câu. Còn anh cũng hào hứng búng vào nước nhè nhẹ theo cách tôi chỉ để dụ tép đến ăn mồi. Mỗi lần câu tép là tôi và thằng Tèo chỉ thì thào với nhau, vì sợ tép bỏ mồi. Nhưng hôm nay tụi tôi cứ nói chuyện oang oảng, chắc vì được làm thầy anh một bữa. Vừa ngồi câu tép với anh và thằng Tèo vừa nghe gió chiều thổi hiu hiu, không hiều sao lòng tôi lại thấy nao nao.
Thấy tôi chơi với anh thân quá mấy bà trong xóm thường hay rù rì với nhau, “con Hồng xóm mình sắp được đi Tây rồi bây ơi.”
Tía tôi nghe được chỉ cười cười không nói gì. Tôi thì bực mình quá trời luôn. Tôi có ham đi tây đi ta gì đâu. Nghe kể nhiều về quê anh nhưng sao tôi vẫn thích cái xóm Trại Cưa của tôi hơn. Có rất nhiều các chị trong xóm đã bỏ ra đi. Tía nói tại mấy chỉ đẹp quá, ở lại đây thì uổng.
Trong xóm này hông ai khen tôi đẹp bao giờ, nhưng mọi người hay nói tôi có duyên giống như má tôi hồi còn sống. Tôi thấy tự hào lắm. Ðẹp làm chi như chị Hoa hay chị Lén rồi cũng bỏ xóm lên thành phố. Cũng không biết cái thành phố kia có cái gì hay ho mà các cô gái xóm tôi ai cũng lần lượt vì nó mà ra đi. Tôi thì cứ muốn ở hoài chỗ này, hàng ngày dẫn đám vịt bầu của tôi đi từ ruộng này qua ruộng kia. Rảnh rỗi thì đi bắt ốc hay hái mận với thằng Tèo.
***
Có một buổi tối đang ngồi thổi bếp ở ngoài sau nhà thì nghe tía nói là có thầy giáo Tây đến chơi. Tôi bỏ nồi cơm đang nấu dỡ chạy đi tìm rơm để lùi khoai, món mà anh thích ăn nhất. Vừa lên nhà thì thấy anh ngồi ở cái đi văng để lại từ hồi cố tôi còn sống. Mỗi lần động đậy thì nó kêu ken két, nghe riết tôi cũng thấy tiếng kêu này hay hay. Tía thấy anh qua thăm nên vui ra mặt, liền chạy qua nhà bác Hai kế bên xin một con cá rô để nướng làm mồi nhậu với anh. Lâu rồi không thấy tía vui như vậy. Ông kể chuyện không ngừng, kể một hồi kể ra luôn chuyện má tôi bị nước cuốn trôi ra làm sao…
Năm đó đúng vào mùa nước lớn, tôi chỉ mới tám tuổi, thằng Tèo thì còn ẵm trên tay. Nước ngập lênh láng ở ngoài ruộng vào tới trong nhà. Vì thiếu thức ăn nên tía và má đem tụi tôi qua nhà bác Hai gởi rồi chèo xuồng ra ruộng bắt cá. Không ngờ chiều hôm đó mưa tầm tã, sóng lớn thì nổi lên cuồn cuộn. Tía cố chèo về nhà nhưng không may giữa đường thì xuồng bị lật. Má tôi chới với trong dòng nước lớn. Lúc đó tía gắng sức kéo tay má để bơi đến một căn nhà sàn nằm ở mé sông. Nhưng má biết ông trời hông thương mình. Sợ tía sẽ cầm cự hông nổi với dòng nước dữ, má đã cắn tía một cái nhớ đời để ông buông tay má ra. Vậy là má gieo mình vào dòng nước trong cái nhìn đau như cắt của tía. Tía hay nói với tụi tôi, “má bây mà hông hy sinh thì giờ chưa chắc tao còn ngồi đây với bây.”
Kể tới đây thì tía tôi rưng rưng nước mắt. Tôi biết ông đã say nên đi lấy tấm chiếu trải ra cho ông nằm ngủ.
Trời càng về chiều tự nhiên tiếng bìm bịp trầm trầm ở đâu cứ kêu “bịp bịp bịp…” Anh hỏi là tiếng con gì kêu mà nghe bồi hồi quá. Tôi kể cho anh nghe về con bìm bịp. Loại chim này dựa vào thủy triều để kiếm ăn, cho nên mỗi lần nghe tiếng bìm bịp là biết nước lại sắp dâng lên. Bìm bịp thường đi có đôi. Nghe người ta nói bìm bịp kêu khoắc khoải như vậy vì nó đang lẻ bạn tình. Anh không nói gì nhưng tôi cảm giác được một nỗi buồn man mác trên mặt anh.
“Em đã từng yêu ai chưa?” Anh bất chợt hỏi tôi.
Tự nhiên bị anh hỏi ngang xương tôi đâm ra lúng túng. Tôi chợt nghĩ mang máng đến mấy thằng con trai mà tôi chơi thân trong xóm từ hồi còn học tiểu học. Hồi còn đi học ngày nào chúng tôi cũng ra đồng đá banh với nhau rồi dẫn nhau đến mấy con rạch bắt ốc. Nhưng cũng đâu có ai là người yêu tôi đâu. Mà tụi nó bây giờ đã lấy vợ hết ráo.
“Em chưa có người yêu. Tía nói mai mốt gặp ai coi được thì tía sẽ gả em cho người đó, không cần yêu đương chi cho mệt.”
“Còn anh thì sao?”
Anh uống cạn chén rượu trên tay, với một nỗi buồn lìm lịm trong giọng nói, “anh đã có vị hôn thê rồi, cô ta hiện vẫn đang sống bên Ca-na-đa.”
“Sao chỉ hông về đây cùng với anh cho vui?”
“Cô ấy không thích Việt Nam em à.”
Tôi hông hỏi thêm gì nữa, tự nhiên cầm chén rượu của tía để lại mà uống hết. Không biết bình đế hôm nay tía pha là bình thứ mấy mà sao tôi thấy cổ họng mình nghèn nghẹn một cách kỳ lạ.
***
Ðêm nay nhà bà Mai làm tiệc để từ giã anh. Ba tháng vậy mà qua cũng lẹ thiệt. Mọi người ai cũng vui vẻ cụng tới cụng lui trăm phần trăm. Tôi thì cứ chạy lăng xăng để múc thức ăn cho mọi người.
Ðang rửa chén ở sau nhà thì bất thình lình ở đâu anh đi xuống.
“Sao Hồng không lên ăn cùng mọi người?”
“Em phải rửa xong đống chén này trước cái đã.”
“Anh ngồi chơi với em nha?”
Tôi dạ nhẹ.
Tôi hỏi anh, “Ngày mai anh về rồi có còn quay lại đây hông?”
Anh trầm ngâm một hồi nhưng không trả lời tôi liền.
“Hồng có muốn anh quay lại không?”
Tôi cười nhẹ nhưng tự nhiên cảm thấy như có cái gì đó đang chận ngay cổ họng mình.
“Thôi anh lên nhà trên. Em rửa chén lẹ rồi lên ăn cùng mọi người cho vui.”
“Mai mốt đi rồi anh sẽ nhớ Hồng nhất đó.” Anh vừa nói vừa đứng dậy bỏ đi rất lẹ.
Tôi gật đầu, muốn nói thêm vài câu nữa nhưng anh đã quay lưng đi.
Nếu anh không đi, không biết tôi có dám nói với anh là “anh nhớ trở lại nghen, nếu anh về đây em có thể lùi khoai hay nướng cá cho anh ăn mỗi ngày, em có thể dẫn anh đi bắt tép về rồi xào hẹ…”
Tự nhiên ở đâu mấy con bìm bịp lại kêu lên những tiếng rất thê lương.
* Hồng Thuận
Tri Tôn (An Giang), 19 tháng 11, 2009