Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

Nhạc - Thơ - Văn Trường xưa


Cho tôi trở lại thăm trường cũ,
Tìm chút ngày xưa nay đã xa....
Để cùng thầy, bạn ôn kỷ niệm,
Của thuở vàng son tuổi gấm hoa !?
NM
Tháng 11  nhiều kỷ niệm....nhắc lại thời SV đã qua ...
Kính tặng Thầy , luyến nhớ Cô và các bạn SP (NK 70-73) ngày xưa.....! 

"Hoa Mưa" ơi !
"Hoa Mưa" ngày ấy nay xác xơ,
Chắc vì thương nhớ kỷ niệm xưa ?
Của tuổi thanh xuân thời hoa mộng....

Bốn mươi năm chẳn vẫn đợi chờ ?!
***
Năm tháng qua đi giờ trở lại,
Chao ôi thương quá cây còng xưa...
Chứng kiến tình thân cùng mộng đẹp,

Nay đành cam phận kiếp "Hoa Mưa" !!
NM

Thầy ơi ! Thầy có nhớ trường xưa không?
Hôm nay, tôi đi học. Tôi đến một nơi có thầy và bạn nhưng không phải trường mà đến một nhà hàng.
Thầy tôi bây giờ già nua: tóc bạc phơ, da nhăn và giọng nói nhỏ và yếu hơn. Thầy vẫn trong chiếc áo sơ mi màu nhạt và giản dị như ngày nào. Thầy bước chân chậm chậm, giọng nói trầm hơn.
Một trường bao nhiêu là thầy cô nhưng bây giờ chỉ còn dăm thầy cô. Ai cũng phai tàn theo thời gian. Một lớp bao nhiêu là trò, nam có, nữ có nhảy chân sáo với dáng thanh mảnh. Môi cười tươi xinh với ánh mắt trong vắt nhìn về tương lai đầy hứa hẹn nhưng trò chỉ còn mươi người tóc cũng bạc và cũng có cháu nội ngoại... đầy nhà.
Lớp học của thầy trò già không học trong lớp học ngày xưa dưới mái tôn nóng bỏng giữa trưa hè. Lớp học đơn sơ thầy trò cùng nhau đổ mồ hôi như tắm dệt tương lai cho trò và cho quê hương này. Không ai than trời nóng, không ai chê trời mưa không nghe được thầy giảng... thầy chăm chỉ dạy và tất cả trò chăm chỉ học... nhưng bây giờ lớp của thầy ở một nhà hàng, đoàn tụ thầy trò cùng nhau ôn lại chuyện cũ.
Dạy và học cứ theo thời gian chảy thành dòng sông ký ức vào tim thầy và trò. Trên dòng sông thơ ngày ấy thầy là ông lái đò và trò như khách đi đò ghé vào đoạn nhỏ của dòng sông. Nhưng kỷ niệm ai đậm hơn ai, nào ai có hay? Thầy một thời trai trẻ đầy nhiệt huyết với đám trò nhỏ không những truyền dạy kiến thức mà cả tấm lòng của cha đến với con, chú với cháu, anh với em... Trò sống một thời thơ mộng mới lớn - lớn chưa đủ - con nít thì không phải - thời nghịch ngợm hơn tất cả mọi thời trong đời người. Trêu bạn và ghẹo cả thầy rồi khúc khích cười... Thầy dạy trò nhỏ hát, thầy và trò lại cùng nhau ngồi làm báo, thầy và trò làm huyên náo cả góc trời làng đại học.
Cuộc cắm trại do các thầy tổ chức ngày em chập chững bước vào trường sao mà đơn sơ mới lạ với đứa bé vừa thoát khỏi bậc tiểu học. Căn lều đầy hoa và hôm sau các thầy nghe hàng xóm quanh trường than vãn: ”Ngày Tết mà học trò hái hết cả hoa”. Học trò nghe thấy thì rúc rích cười... Rồi văn nghệ, làm báo... những hoạt động mới lạ với tuổi học trò... chẳng bao giờ quên. Những điệu hát mộc mạc, những câu văn ngốc nghếch đâu còn nữa...
Rồi thầy và trò xa nhau vì trò ra trường và thầy không còn ở lại trường xưa… nhưng không nơi nào thầy trò có thể găp nhiều tiếng cười đến thế. Gặp nhau trên đường đến lớp là bao chuyện để nói để cười... cười nói đến nỗi không nghe bài giảng. Thầy đi qua khẽ cốc vào đầu thì trò la toáng lên: ”Thưa thầy, thằng T... đánh em”. Cả lớp cười ồ. Thầy cũng cười nhưng không dám cười giả làm mặt nghiêm mắng trò.
Thầy cũng không gặp ở đâu có những mái tóc dài và óng ả như học trò gái ngày ấy. Tóc xanh màu trẻ thơ hay màu thiếu nữ? Buổi sáng đi học sớm chải chuốt mái tóc đen nhánh trước guơng. Em mỉm cười với mình với đời cùng mái tóc ai cũng khen xinh. Khẽ vén tóc sang một bên - hình như thế này hay hơn! Rồi đến cổng trường với bước chân sáo em tung tăng khoe tóc đẹp hay tuổi em em đẹp... Chợt nhìn lên thấy thầy đứng trước mặt vội cúi đầu chào, chân sắp chạy thì thầy hỏi: Phù hiệu em đâu? Mái tóc đẹp che phù hiệu? Em mở to mắt và chợt nhớ ra vung mái tóc và phù hiệu lộ ra một cách nghiêm chỉnh. Em phá lên cười và chạy nhanh vào lớp. Ngày hôm sau nữ sinh đi học vén tóc sang một bên khi đi qua cổng... Thầy có nhớ gì không thầy?
Lớp học của thầy trò già ngồi im lặng nhìn nhau. Bao năm rồi thầy mập ra nhiều, tóc trắng ra cả rồi nhưng giọng nói không thay đổi - thỉnh thoảng cà lăm mấy chữ - có lẽ những lúc ý nghĩ không kịp với lời nói… thầy vẫn như xưa hay sờ lên dây thắt lưng khi bối rối... thầy vẫn là thầy xưa ấy...
Ai đã có tình thầy trò tuyệt vời như chúng tôi không? Hơn 30 năm gặp lại thầy trò chúng tôi vẫn tình nghĩa như xưa: kính trọng và cung kính trước thầy mặc dù bây giờ thầy không phạt ai cả, không cho ai điểm xấu cả. Thầy vẫn vui cười như ngày xưa. Trò hỏi thăm sức khoẻ thầy. Thầy hỏi trò có đi làm không - làm gì ở đâu - còn làm chỗ cũ không? Rồi thầy trò ôn câu chuyện xưa trong tiếng cười vang.
Em muốn xin được ngồi trong lớp mà thầy trò ta vẫn như xưa. Thầy dạy “Kiều” như độ nào. Nhưng bây giờ trường lớp cũ không còn nữa thay vào đấy là ngôi trường khang trang mới và đẹp không còn dấu vết xưa… Chúc cho thế hệ sau được hưởng điều tốt đẹp. Một lần nhớ trường, trò dậy sớm chạy đến trường bắt gặp gương mặt tươi xinh như mình ngày xưa mà lòng cứ nao nao không hiểu vui cho lớp trẻ hay buồn cho tuổi đời mình đã rêu xanh.
Thầy ơi! Thầy có nhớ trường xưa không? Một lần đến thăm thầy về hưu được vài năm. Thầy tâm sự: Thầy nhớ trường lắm. Hơn ba trăm ngàn học trò thầy đã dạy - cả một đời vui buồn có học trò. Thiếu trò thầy cảm thấy cuộc sống cứ thiếu thiếu gì đó. Thầy điện thoại cho trò người nối nghiệp thầy đang là Hiệu Phó một trường trung học cơ sở: cho phép đến trường và thăm trò nhỏ. Nhưng thời gian ấy thầy vừa ốm dậy với vóc dáng tiều tụy và y phục không tươm tất. Ngẫm nghĩ rồi từ chối lời đề nghị của thầy. Đến hôm nay thầy già yếu lắm rồi không còn đi gặp bạn bè hay người quen thân... Thầy có còn dịp nào đứng trước cổng nữa không??
Lối đi từ thị trấn lên trường ngày xưa nhiều cây cỏ vướng bước chân nhỏ dại mà nay nhà cửa san sát thềm lát gạch loang loáng xanh đỏ đẹp biết bao. Ngày xưa trò ít đi xe mà đi bộ nhiều nên buổi tan trường Thủ Đức có con đường trắng và trên con con đường này có bao mối tình học trò ngây thơ rồi thoáng qua đi chỉ còn lại chút dư âm trong gió.
Bạn thân yêu ơi có lần nào bạn đi bộ đến trường tìm lại khoảnh khắc xưa?
KIM DUNG
Nhớ trường cũ
Trường cũ cho ta bao niềm vui,
Bạn cũ thân quen giọng nói cười....
Ký ức ngỡ quên chừ sống lại,
Quyến luyến lòng ta mãi khôn nguôi !!
 
NM

Mong Ước Kỷ Niệm Xưa - Tam Ca 3A

Phấn Trắng Bảng Đen Và Lòng Biết Ơn
Dương Hà 
"Nhất tự vi sư bán tự vi sư
Phi sư phụ bất thành nhân
Dù chỉ học thầy một chữ
Hay nửa chữ cũng ghi ơn"
Chuyện cổ tích ngày xưa kể rằng khi nước Nam chưa có chữ quốc ngữ theo hệ thống mẫu tự  ABC mà còn dùng Hán tự viết nét bằng cọ: Có một anh học trò thấy một đàn kiến khi kéo nhau bắc cầu qua sông, cả lũ kiến đó sắp bị dòng nước lũ cuốn đi, anh động lòng từ tâm liền bẻ một cành cây bắc cầu cho kiến di chuyển. Kỳ thi Hương năm đó anh làm bài thi, rủi ro một chữ anh viết thiếu một nét nên nếu đọc thì khác nghĩa nên giám khảo có thể đánh rớt, nhưng chữ thiếu nét đó có những con kiến bám chặt vào nét chữ thiếu đó nên trở thành đủ, giám khảo đã cho anh đậu khoa thi năm đó. Người đời cho rằng kiến đã trả ơn cưu mang của anh học trò từ tâm ấy nên công danh anh được hanh thông. Mặc dù câu chuyện trên đây chỉ là dụ ngôn, mà đã là dụ ngôn thì không có thật, nhưng điểm tối hậu nó cũng đem đến cho ta một ý nghĩ "biết ơn" nào đó trong đời.
Trên sân khấu của nhà hàng Hoàng Sa, tôi nhìn người nam ca sĩ có gương mặt quen thuộc, có cái nhân dáng quen thuộc và lời ca tiếng hát đó cũng quen thuộc nốt.  Xin thưa đó chính là giáo sư trước đây cách hơn phần tư thế kỷ đã là thầy tôi. Tôi vui lắm khi nghe tiếng ca ngọt ngào, du dương mang một ước mơ về tình yêu mà người thi sĩ gửi gấm trong thơ, người nhạc sĩ ký thác nỗi cảm tác trong từng nốt nhạc, cũng như người ca sĩ cố gắng lột tả trọn vẹn nỗi bâng khuâng khi là tình nhân, hay nỗi dịu dàng khi gần người yêu nhớ đến ánh trăng khuya của một thuở hẹn họ tình tự có Sài Gòn trong ký ức dấu yêu. Trong nỗi cảm nhận miên man của cử tọa đang lắng nghe, tôi cho là cả bộ ba Du Tử Lê, Phạm Đình Chương và thầy cũ của tôi đang đứng hát thật là một sự kết hợp tuyệt diệu. Bài "Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn", hình như nó là một trong những nhạc phẩm mà ông thích thú khi hát, nên ông thường ca bài này. Ca sĩ tài tử này bắt nhịp ca trong nỗi say đắm, ông ngân dài như đưa chúng tôi về với Sài Gòn trong quyến luyến, y như cái tâm trạng mà lúc chúng tôi rời nơi này:
"Đêm về trên bánh xe lăn
Tôi trăng viễn xứ, hồn thanh niên vàng
Tìm tôi đèn thắp hai hàng
Lạc nhau cuối phố, sương quàng cổ cây
Ngỡ hồn tu xứ mưa bay
Tôi chiêng trống gọi, mỗi ngày mỗi xa

Đời tan, tan nát chiêm bao
Tôi trăng viễn xứ, sầu em bến nào ..."
Thầy tôi, người mang bản tính năng động, ông luôn luôn vui vẻ và thích dí dỏm khi làm MC, ông trẻ trung trong giọng nói, và ông cũng trẻ trung trong tâm hồn. Ban nãy ông ông đã tâm tình về những kỷ niệm quê hương như:
"Các anh chị em thân mến, ngày xưa tôi đứng trước các anh chị em và đằng sau là bảng đen và phấn trắng, ngày hôm nay phía trước tôi đây cũng là các anh chị em, nhưng đằng sau tôi không còn phấn và bảng nữa, thay vào đó là ban nhạc đệm cho chúng ta những giây phút ân tình của tình đồng hương, của tình hoài hương, của dĩ vãng còn rong ruổi trong vùng ký ức cũ của chúng ta. Chỉ tiếc rằng những ngày cũ đó không dược kéo dài lâu hơn mà phải đợi hơn một phần tư thế kỷ sau mới được nối tiếp. Thú thực rằng ngày nào tôi còn gặp lại các anh chị là ngày đó sẽ là hạnh phúc cho tôi. Cái hạnh phúc kế tiếp là tôi được ca những ca khúc mà anh chị em thích. Như thế thì chúng ta có những hạnh phúc chung vì sở thích chung hay văn hóa chung phải không các bạn?"
Có bao giờ quý vị nhớ đến cái bảng đen đầy phấn trắng có lần đã rơi trên tóc thầy cô giáo của chúng ta? Tôi không được may mắn như vậy vì học ở trường đời nhiều hơn trường lớp, và tôi cũng học được lòng biết ơn các nhà mô phạm từ những câu chuyện nhỏ, như câu chuyện của Fred Bauer kể sau đây:
"Một hôm, tôi nhận thức rằng dường như tôi ít khi bày tỏ lòng biết ơn đối với những người thân sống quanh tôi, dành cho tôi nhiều điều ưu ái. Tất nhiên là chúng ta không nên đợi đến những ngày lễ lộc, kỷ niệm… để nói lời cảm ơn đối với những người thân mà mình đã từng mang ơn. Giá như tôi học được điều gì đó về nghệ thuật cám ơn thì đó chính là: Hãy cám ơn ngay tức thì. Nói lên lời cám ơn không chỉ làm rạng rỡ, làm mát lòng ân nhân mà còn thể hiện tính văn minh lịch sự của người thọ ơn. Nếu bạn cảm thấy bị hắt hủi, xua đuổi, bạn đừng vội bi quan, yếm thế mà hãy ra tay cứu vớt người khác. Rất có thể đó là phương thuốc giúp bạn tìm lại niềm lạc quan, yêu đời.
Trước khi trở thành nhà văn nổi tiếng, A.J. Cronin từng là một bác sĩ. Hồi ấy, có nhiều bệnh nhân đến yêu cầu Cronin điều trị cho họ chứng bệnh lo âu, hồi hộp, sợ sệt, mất niềm tin và luôn nghi ngờ. Cronin ghi cho họ toa thuốc thật lạ thường: "Toa thuốc cám ơn" rồi căn dặn bệnh nhân: ‘Trong vòng sáu tuần, quí vị phải nói lời cám ơn mỗi khi nhận được sự giúp đỡ của bất cứ ai dù đó chỉ là việc mọn. Và để tỏ ra rằng lời cám ơn kia xuất phát từ tấm lòng thành, quí vị hãy mỉm cười với ân nhân khi thốt lên hai tiếng "cám ơn". Sau 6 tuần điều trị, hầu hết bệnh nhân của Cronin đều cảm thấy thuyên giảm rõ rệt. Trong nhiều trường hợp, chúng ta không thể bày tỏ ngay lòng biết ơn của mình. Nếu rơi vào tình cảnh ấy, bạn không nên thụ động và giữ im lặng mãi mà hãy mạnh dạn nói lời cám ơn ân nhân ngay khi gặp lại họ sau đó.
Vừa mới đây, tôi có dịp về thăm lại quê nhà trong một thời gian ngắn. Trong khi tôi đếm bước dọc theo đường làng quen thuộc, kỷ niệm thời thơ ấu bỗng ùn kéo đến lấp đầy dòng suy nghĩ của tôi. Trên đường, tôi gặp lại cô giáo Violet Bible. Cô đã gợi trong tôi thời tôi còn mài đũng quần trên ghế trường trung học. Năm ấy, tôi ngồi lớp chín. Tôi mê chơi thể thao hơn là chú tâm vào việc học. Hậu quả là tôi bị tụt hậu môn tiếng La Tinh. Khi phát giác ra môn yếu kém của tôi, cô giáo Bible nói: "Ồ, học tiếng La Tinh có khó khăn gì đâu, rất thú vị nữa là đằng khác. Sau bữa cơm chiều nay, em sang nhà cô, cô sẽ chứng minh cho em điều đó".
Trong nhiều tuần lễ kế tiếp, cô dạy kèm tôi học tiếng La Tinh cho đến khi tôi theo kịp chúng bạn. Năm ấy tôi tròn 14 tuổi. Lần đầu tiên trong đời, tôi nhận ra rằng cô giáo Violet Bible khả kính, vừa tích cực giảng dạy ở trường vừa làm tròn nhiệm vụ trong gia đình, lại còn dành riêng mỗi ngày một giờ để dạy kèm tôi học tiếng La Tinh. Sự cố gắng giúp đỡ tôi của cô Bible lúc ấy, tôi xem như là chuyện hoàn toàn bình thường. Nhưng giờ đây, khi gặp lại cô, tôi bỗng nhận thức một cách sâu sắc rằng cố gắng của cô dành riêng để dạy tôi học tiếng La Tinh trước đây quả là sự hy sinh vô bờ bến mà hàng năm dài tôi hầu như quên lãng. Tôi chạy đến ôm choàng lấy cô, giọng thổn thức: "Những điều mà cô dành cho em trước đây đã vượt xa nhiệm vụ bình thường của một cô giáo. Xin cô nhận lòng biết ơn chân thành của người học trò cũ, dù cho lời cám ơn được thốt lên muộn màng." Cô đáp lời tôi bằng nụ cười ấm áp, mãn nguyện và đôi mắt rạng rỡ niềm tin.
Nếu nhà văn lớn A. J. Cronin viết ra những cám ơn ân nhân đã dạy dỗ mình nên người thì tôi lại sực nhớ câu chuyện của người bạn Ba Tư mà tôi quen. Anh ta kể sau khi Shah hoàng bị lật đổ, chính quyền mới hồi giáo lên thay thế, người lôi thầy giáo ra tra tấn, mà trong đó anh là nạn nhân. Người thầy cố dạy những đứa trẻ tinh nghịch, ông xử phạt chúng của kỷ luật nghiêm túc của nhà trường. Khi đất nước thay đổi thì người bạn tôi, người thầy giáo của đám học trò tinh nghịch đã là nạn nhân của sự trả thù thất nhân tâm, họ gây cho người thầy cũ cái cảm giác chán chường, khi thoát ra xứ ngoài ông về sống ẩn dật ở vùng băng tuyết phía bắc Gia Nã Đại. Người Việt chúng ta có những câu nói mà người học trò nhỏ đều được giáo huấn như "Không thầy đố mày làm nên", lên cao hơn người học sinh lại tìm hiểu ý nghĩa của câu nói tôi cho là chí lý: "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư".
Thật ra mọi việc trong cuộc sống con người cũng tùy thuộc khung cảnh của đứa trẻ vốn tinh nghịch khi lớn lên như tình trạng gia cảnh, xóm giềng. Có đứa thay đổi tâm trạng hiểu thầy cũ, thì cũng có đứa ương ngạnh, vẫn cố chấp những chuyện cũ trong vùng ký ức. Làm con người đã khó rồi, mà làm đám học trò tinh nghịch, lêu lổng lại càng khó hơn, chỉ vì sự hẹp hòi, ích kỷ đã in hằn sâu trong tâm thức.
Cùng với cái tâm tình dành cho những ai đã thất bại vì nạn đổi đời để họ chịu đựng nỗi cay đắng lắm truân chuyên, thầy tôi ca bài hát mang nhiều tính chất triết lý của cuộc sống. Đó là bài "Bông Hồng Cho Người Ngã Ngựa", nhạc của Lê Uyên Phương sáng tác, lời thơ Nguyễn Hoàng Đoan. Tôi nghe trong nỗi chua xót và đắng cay, tôi cảm thấy cay đắng vì lũ học trò xưa phản thầy, họ vong ơn với vị thầy cũ, hình như tôi đã cay mắt khi nhớ về vị thầy trong khung cảnh băng giá kia vẫn chập chờn trong ý nghĩ của tôi. Giọng ca của thầy tôi bây giờ lại chuyên chở cả một kiếp nhân sinh mà hai người thi sĩ và nhạc sĩ đã đưa vào bài hát này:
"... Không phải là bông hồng
Dành cho người hạnh phúc
Những người không biết khóc
Nhũng người không biết cười
Những người tim bằng đất


Không phải là bông hồng
Dành cho những búp bê
Những búp bê biết khóc
Những búp bê biết cười
Búp bê tim bằng nhựa
Đây là một bông hồng
Gửi về người ngã ngựa."
Sống tại Hoa Kỳ hằng năm người ta có ngày lễ Tạ Ơn (Thanksgiving), mục đích của nó như tên gọi chúng ta tạ ơn đối với những ai giúp đỡ, cưu mang cho cuộc sống này được khá hơn. Nó có thể bao gồm cho tình thầy trò. Bởi vì: "Không thầy đố mày làm nên". Người bạn láng giềng nhà tôi lúc trước, nay cư ngụ trong vùng Little Saigon, nam Cali thuật cho tôi nghe chuyện cũ tại Sài Gòn là một sinh viên sư phạm kể rằng những "buồn nhiều hơn vui" trong đời dạy học của mẹ mình:
"Tôi còn nhớ rất rõ lúc tôi ngồi trầm ngâm trước lá đơn xin thi vào trường đại học, cách đây ba năm. Mẹ tôi (một nhà giáo tóc đã bạc, gần ba mươi năm trong nghề) đứng cạnh tôi, nói nhỏ nhẹ: "Con ạ, dẫu sao nghề giáo vẫn là một nghề cao quí". Mẹ tôi nói hai chữ "cao quí" thật nhỏ và mắt mẹ rưng rưng. Tôi thấu hiểu ước muốn của mẹ tôi. Không cần đắn đo, tôi ghi vào lá đơn: Trường Đại Học Sư Phạm. Tất nhiên trong chọn lựa cũng có phần của tôi.
Sau ngày 75, nhà tôi dọn về ở trong một con hẻm sâu. Có đêm, gần chín giờ, một người đàn ông tóc muối tiêu dắt chiếc xe đạp vào hẻm và hỏi tìm nhà cô giáo Hạnh. Khi mẹ tôi mở cửa, người đàn ông cúi hẳn người xuống, rụt rè: "Thưa cô, cô còn nhớ em không, em là Huân đây mà...". Mẹ tôi ngờ ngợ, có lẽ không nhớ ra. Khi vào nhà nói chuyện, chú Huân kể lại: "Hồi em học đệ tứ (tức lớp 9 sau này), ngồi đầu bàn, thường tinh nghịch để chân ra ngoài. Cô đi lên đi xuống giảng bài say sưa, đụng phải chân em, cô vấp té, đầu va vào bàn... Cô nhớ không? Hồi đó, sợ quá em không nói được một lời xin lỗi với cô. Vậy mà em ân hận mãi. Hơn 25 năm rồi, cô ạ...". Ở ngoài Trung chú Huân chạy xe ôm, có dịp vào thành phố chú quyết tìm cho được người thầy cũ là mẹ tôi. Để thăm và nói một lời... và chỉ một lời để xin lỗi. Khi trao những chiếc bánh nổ của quê hương miền Trung cho mẹ tôi, chú Huân bùi ngùi nói: "Có chút quà của miền Trung... để cô nhớ đến tụi em". Đêm đó là một trong những đêm vui của mẹ tôi.
Có một lần mẹ tôi bị bệnh nằm ở bệnh viện Gia Định, một bác sĩ khoảng 40 tuổi cứ ở bên mẹ tôi. Khi mẹ xuất viện, mỗi đêm người bác sĩ ấy lại lội vào con hẻm đến nhà theo dõi sức khỏe cho mẹ tôi. Đó là một học trò cũ của mẹ. Anh ấy cứ nhắc đi nhắc lại: "Không có cô, đời em chưa biết ra sao...". Anh ấy kể: hồi học cấp III, gia đình quá khó khăn, đã nhiều lần anh quyết định nghỉ học, nhưng mẹ tôi đã đến, giúp đỡ, động viên và anh lại tiếp tục đi học... Thỉnh thoảng mẹ tôi nhận được những lá thư, những thiệp chúc tết, thiệp báo hỉ... từ phương xa gửi đến. Tất cả đều ghi những lời trân trọng, ân tình. Mẹ tôi dành riêng một ngăn tủ gìn giữ tất cả và thỉnh thoảng mẹ tôi lại giở ra xem, và tôi thấy bà mỉm cười hạnh phúc.
Nhưng đời dạy học của mẹ tôi cũng có quá nhiều những đắng cay, ngậm ngùi thậm chí đến tủi nhục. Có một lần đi dạy về, vừa bước vào cửa mẹ ôm mặt òa khóc. Tôi hỏi mãi, mẹ mới chịu kể: "Mẹ đang dạy trong lớp thì một người sang trọng đến hành lang, gật đầu ra hiệu muốn gặp mẹ. Mẹ bước ra, người ấy trao cho mẹ một xấp vải và chiếc phong bì, nói: "Xin cô cho cháu nó vào học lại". Mẹ từ tốn trả lời: "Trường hợp cháu đã quá nhiều lần vi phạm kỷ luật, ban giám hiệu đã quyết định cho nghỉ học. Có gì xin ông gặp ban giám hiệu". Người ấy cứ dúi quà vào tay: "Cô nhận đi, không sao đâu, miễn là lo được cho cháu". Mẹ nghiêm giọng: "Xin lỗi, tôi không lo được, ông cứ mang lên ban giám hiệu". Người ấy bỏ đi và thòng theo câu nói: "Rách mà làm phách!".  Mà đúng vậy, mẹ càng đeo đuổi nghề, càng ngày càng rách thật. Rách đến mức hồi tôi còn nhỏ, mẹ đã từng phải cắt chiếc áo dài cưới của mẹ để may cho tôi một chiếc áo mới, để tôi đến trường ngày khai giảng... Lần ấy mẹ tôi xót nhưng không đau. Lần này đau vì có người xúc phạm đến danh dự của bà.
Tôi băn khoăn tự hỏi sao ngành giáo chức của mẹ tôi thê lương và bẽ bàng đến thế. Sách vở thì lại cho là nghề giáo cao quí lắm mà. Tôi tự hỏi và rồi tự hỏi.
Một lần khác, một phụ huynh tổ chức đám cưới cho con ở một nhà hàng sang trọng đã mời mẹ tôi. Xung quanh những khách khứa hào nhoáng, mẹ tôi trao chiếc phong bì mừng đám. Vị phụ huynh ấy đẩy tay mẹ tôi từ chối và nói một câu tự nhiên: "Tiền bạc đâu mà cô mừng cho cháu. Mời cô cốt là để cô bồi dưỡng cho sức khoẻ". Mẹ tôi tái mặt, xấu hổ đến chín người và mẹ đã tìm cách ra về. Đến nhà, vào buồng, mẹ kéo chiếc chăn đắp lên ngực, mắt mở lớn nhìn lên trần nhà, và nước mắt cứ trào ra...
Tôi không nhớ hết được bao nhiêu lần mẹ tôi đã khóc như vậy. Cứ sau mỗi lần ấy, mẹ lại kéo chiếc hộc tủ có nhiều kỷ niệm đẹp của đời dạy học của mình ra và mẹ im lặng đọc từng lá thư, ngắm từng chiếc thiệp. Hình như lòng mẹ thanh thản trở lại. Nhưng cuộc sống cứ không để yên cho lòng mẹ thanh thản. Lại muôn vàn đắng cay, muôn vàn nhức nhối. Vậy mà mẹ vẫn muốn tôi trở thành cô giáo. Một năm nữa tôi sẽ ra trường, sẽ đứng lớp. "Dẫu sao mẹ nói rằng đó vẫn là một nghề có ích nhất cho đời. Người thầy luôn mở rộng tấm lòng bao la, quảng đại để chấp nhận những thử thách khó khăn nhất xảy ra cho đời mình, và với tấm lòng vị tha, người thầy luôn để lại những dấu ấn đẹp cho mỗi cuộc đời..."
Trong những ý tưởng bâng quơ, buồn vơi, tôi ngẫm nghĩ sống mà không biết yêu thương, ơn nghĩa thì "Sanh Bất Nhược Tử" (Sống mà như chết), chết mà còn để lại cho đời những tấm gương sáng thì "Tử Bất Nhược Sanh" (Chết mà như sống). Vậy thì người ta tri ân những nhà triệu phú hay tri ân những nhà giáo nghèo? Hỏi tức là đã trả lời, nhà triệu phú cũng sẽ được tri ân như vậy nếu như họ biết làm việc từ thiện mà không khoe khoang cho mọi người biết. Riêng tôi, cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì còn được nói hai tiếng "cám ơn" chứ không phải là "rất tiếc".
Đó là đôi dòng về người thầy cũ của tôi, về vị thầy giáo oan khiên bôn ba sau thời vận Shah hoàng, về cô giáo Violet Bible và về cô giáo Hạnh, mẹ của người bạn tôi. Nếu ở đời có những đứa trẻ tinh nghịch, lớn lên bằng ý tưởng hẹp hòi và cố chấp thì xã hội cũng có người học trò cũ tinh nghịch của cô giáo Hạnh lớn lên trong ý thức biết ơn và bao dung.
Tôi nhìn về hướng vị thầy cũ mang dáng trí thức với đôi kính cận như dạo nào, ông bước xuống sân khấu sau khi trình bày hai nhạc phẩm nhắc nhớ những kỷ niệm quê hương. Thông thường ai cũng có những vị ân sư để mình nhờ về dĩ vãng và để tạ ơn. Nhân đọc sách của nhà văn A.J. Cronin viết, tôi có ngẫu hứng viết bài này kính tặng các nhà giáo Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, Nguyễn Văn Sâm và các anh chị trong văn đàn Tạ Xuân Thạc, Trần Anh Dũng, Trần Việt Hải, Tôn Thất Phú Sĩ, Vũ Đình Trường, Vũ Tiến Thăng, Hoàng Định Nam và Hoàng Huy Giang và còn nhiều... mà tôi không kể hết tên trong nhóm Đồng Tâm tại Houston.
Lời sau cùng tôi muốn cám ơn ba mẹ sinh thành dưỡng nuôi, cám ơn các cô thầy dạy dỗ bảo ban, cám ơn quê cha đất mẹ cho tôi những tình tự văn hóa Việt Nam và cũng như cám ơn phấn trắng bảng đen cho tôi những dòng cảm nghĩ trong bài viết này.
Dương Hà, 

  Vẫn còn đó "Ngày khai trường" trong tâm tưởng,
Với ước mơ trong mưa bão dập vùi !
Thương xiết bao những thân phận nổi trôi,
Không no ấm còn mơ gì cặp sách ?!

NM 
Ngày Khai trường trong mơ

Quân nắm tay em len lỏi vào giữa đám đông đang đứng lố nhố trên bãi biển.Toàn những người quen trong làng chài.Tất cả đều ngóng nhìn ra ngoài khơi tít xa. Từ nơi ấy ,các con sóng theo nhau hăm hở vào bờ.Sóng sủi bọt trắng đầy mặt biển.Bầu trời vẫn nhờ nhờ một màu buồn bã.Không ai nói với ai câu nào,trừ một vài tiếng khóc dỗi của mấy đứa bé còn bú mẹ.
    - Anh Hai ,chưa có ghe về. Em đói bụng.
    Thằng Quân nhìn em ,giọng nó run rẩy, đắng ngắt:
    - Ừ , đợi tí chút.Có khi ba về …
    Trời sẫm tối dần.Gió nổi mạnh. Biển đen hơn như có một màn mây xám trải trên mặt nước che lấp cả những đợt sóng. Mọi người lặng lẽ ra về.Chỉ còn hai ông lão,tóc bạc trắng đang loay hoay nhóm lửa.
    - Về đi.
    Một ông lão nói với Quân như ra lệnh.Quân dắt tay em,vừa đi vừa ngoái nhìn. Một nấm khói cuồn cuộn bay lẩn khuất với ánh lửa nhảy múa. Trái tim Quân thắt lại.
    Căn nhà nhỏ của hai anh em ở tận cuối xóm chài.Mọi ngày,nơi đây chẳng thiếu tiếng cười. Nhưng hôm nay,nhà nhà đều lặng lẽ. Những đoàn thuyền đánh cá ra khơi,quá ngày hạn định mà vẫn chưa về bến.Tin báo bão đưa về cùng với vài con thuyền lẻ tẻ,xơ xác ,ngơ ngẩn tiến vào bãi vắng. Đó là những gia đình may mắn.
    Quân cũng giống như mọi người,chờ đợi trong tuyệt vọng. Có điều hai anh em Quân chỉ là hai đứa trẻ. Quân 14 và bé Ba mới tròn 5 tuổi. Mất mẹ ,chỉ còn cha. Quân thay cả cha lẫn mẹ chăm nom em vào những đợt đi biển dài ngày của cha mình. Giờ đây, sự hoang mang ,lo lắng ,tuyệt vọng như một gánh nặng mới mẽ oằn lên vai Quân mà chẳng biết chia sớt cùng ai. Bé Ba còn bé ,quá ngây thơ và cũng quá quen với sự vắng mặt của hai người cha lẫn mẹ. Cạnh nó chỉ có Quân,và nếu có Quân bên cạnh,thế là đủ.Vì vậy con bé vẫn líu lo,vui vẻ nói,kể luôn mồm.
    - Anh Hai à , ba nói hết hè nầy ba cho em đi học,
    - Ừa …
    - Học ở trường đàng hoàng …
    - Ừa …
    - Chỗ con Dĩnh,thằng Sún ,thằng Bí học đó anh Hai.
    - Ừa …
    - Em sẽ học chữ anh Hai hén? mà mới đầu cô dạy mình chữ gì hở anh Hai?
    - Ừa …
    Bé Ba ngừng nói trố mắt nhìn anh:
    - Ủa ,anh Hai ,sao anh ừa hoài vậy?
    - Ừa …
    Bởi Quân vừa nấu cơm vừa trả lời em mà đầu suy nghĩ đến chuyện khác. Không lẽ bất hạnh lại đến với hai anh em Quân? Quân chẳng mong,chẳng cầu như vậy. Phải cố gắng nghĩ đến điều vui. Ngày mai ,có thể ghe lại về , hai anh em Quân sẽ tha hồ lục lọi tìm trong đống lưới rối những con cá nhỏ, dồn đống, rồi đem bán cho bà Dĩ cháo trắng. Mấy đồng bạc nhỏ bé ít nhiều cũng đổi được nắm kẹo hoặc mấy cái bánh qui ngọt lịm cho bé Ba.
    - Anh Hai … Ba về , kỳ nầy đừng đổi kẹo nghe anh Hai ,mình đổi bút lá tre để em đi học …
    - Ừa..
    - Dư tiền, anh Hai mua cho em cục gôm nè ,thêm tờ giấy thấm màu hồng.Em sẽ tập viết chữ , sẽ học giỏi nè , mai mốt em đi làm cô giáo nuôi ba,nuôi anh Hai, anh Hai chịu không?
    Quân cười với em.Ước muốn của bé Ba làm Quân nao nao. Ừ đã có một thời Quân đã nói như vậy với ba với má. Ngay cả giây phút hiện tại ,dù trường ốc đã trở thành xa lạ với Quân ,nhưng Quân vẫn không vơi niềm ao ước đó. Chỉ khác ,là giờ đây,Quân tự biết mình không thể.
    - Thôi cơm chín rồi ,mình ăn cơm đi.Em ăn cho khoẻ để học cho giỏi.Khi nào sắp vô trường ,anh xin ba sắm cho em đầy đủ hết trọi ,chịu chưa?
    - Chịu …anh Hai nhớ nhen..Vở nè ,sách tập đọc nè ,viết mực nè ,gôm nè …Bộ quần áo mới nè.À..anh Hai ,con Dĩnh có đeo cả huy hiệu nữa ,oai ghê , mà nó làm phách lắm. Còn nữa ,anh Hai nhắc mua cho em đôi dép mủ.Đi học đâu có được đi chân không anh Hai hé …
    - Ừ , anh Hai sẽ xin ba mua dép,mua cả mũ cho em..
    Quân không thể thực hiện lời hứa của mình. Biển đã xanh ,sóng đã không gầm thét nữa ,nhưng đoàn thuyền vẫn biền biệt. Nhiều người bắt đầu chít khăn tang và thả những tờ giấy vàng ,giấy bạc xuống biển.
    Sóng đưa những tờ giấy trĩu nước ,rối nhau ,tấp vào chân bờ. Quân nhặt lên vò nát trong lòng tay. Nổi lo về những ngày đói khổ trước mắt khi không còn cha lớn hơn cả nổi đau mất cha.Quân không khóc mà chỉ sợ ngày nào đó phải dẫn em đi xin ăn khắp bãi.Bé Ba như linh cảm điều gì cũng ít nói ít cười..Ngày nào nó cũng đòi theo Quân ra bãi.
    - Em đi đón ba …
    Nó nói gọn lỏn làm Quân sợ. Hai anh em lại ngồi trên bờ cát cho đến khi chiều xuống.Vẫn không thấy cánh buồm nào trở về.Đống lửa không còn được đốt lên hằng đêm…Bão đã lặng ,những người đi biển nếu còn cũng đã lạc sang một vùng biển nào rồi. Họ không cần những đốm lửa vì sao trên trời đã giăng hằng hà sa số.
    Quân không còn nuôi chút hy vọng nào nữa.Nổi sợ đói mạnh hơn bao giờ hết.Quân , đứa trẻ 14 tuổi già xọm như một thanh niên trưởng thành.Nó rà lại lưới nhà rồi bắt đầu công việc bằng cách thức dễ nhất mà nó vẫn làm vào những ngày biển tốt: cạy hào trên bãi đá.
    Bé Ba bắt đầu khóc rấm rức mỗi đêm.Biển vẫn còn nuôi sống hai anh em qua ngày,nhưng căn nhà hiu quạnh làm con bé sợ hãi.Nó gầy xọp hẳn đi, ít nói, ít cười.Quân thương em lắm nhưng mãi lo ăn nó chẳng còn hơi sức đâu để trò chuyện nhiều với em.
    Trời lại trở gió.Biển kêu rêu khi những cơn mưa bắt đầu thường xuyên và dai dẳng.Quân ở nhà.Ngọn đèn cạn dầu lù mù.Cát biển thốc từng hồi vào nách nhà nghe rào rạo như mưa.Quân đưa cho em một củ khoai vừa nướng còn nóng hổi. Bé Ba có vẻ vui hơn ,nó ăn khoai ngon lành.Khi được khoảng nửa cũ,nó chìa phần còn lại cho Quân rồi nói:
    - Anh Hai ,hết hè rồi phải không?
    Quân bỡ ngỡ trả lời:
    - Ừa ,đến mùa mưa rồi …
    - Em thấy trường tiểu học mới quét lại vôi..
    - Vậy hả?
    - Bao giờ em được đi học?Anh Hai đi xin cho em học đi.Tụi con Dĩnh,thằng Bí sửa soạn xong hết trọi rồi.Anh Hai để dành được tiền mua vở với viết cho em chưa?
    Nhìn gương mặt háo hức của em, Quân đành trả lời cho qua:
    - Anh Hai đang tính đây, để coi, viết, mực , gôm ,viết chì nè…cũng được.anh Hai sẽ cố,nhưng nói trước là áo quần mới thì chưa …
    - Không sao,  áo quần thì đợi ba về.Chỉ mua cho em đôi dép thôi.
    Ngực Quân nhói đau. Nó liếc nhìn lên bàn thờ.Nén nhang nhỏ cháy dở dang vẫn còn giữ lại được một vành tro hình cong lơ lửng.
    - Anh Hai à, mai mốt nầy mình học giỏi, có việc làm , sẽ hết nghèo, hết cực phải không anh Hai?
    - Đúng vậy …
    - Nếu vậy, khi nào học xong, em sẽ sắm cho ba cái ghe to thiệt to để ba đi lưới nè.Em sắm cho anh Hai cái xe bình bịch để chạy ra chợ, đi đây đi đó…Em cũng sắm cả tủ lạnh để làm nước đá nhận nè …Anh Hai thích không?
    Quân cười với em, lòng nó cảm thấy vui vui. Ừ , cũng có thể lắm chứ. Ba nó thường nói ,cái nghèo sinh cái dốt, nhưng cái dốt lại đẻ ra cái nghèo.Nếu bé Ba được học hành tử tế, chắc chắn cuộc đời của nó sẽ không cực như Quân ,như ba.Mà nếu như vậy tội gì không mơ ước nhỉ. Bất chợt ,Quân nói với em về cái mơ ước của chính nó thông qua niềm mơ ước của em mình:
    - Em sẽ được vào lớp nè, học chữ ,học viết ,học toán.Nếu em chịu khó học giỏi, cô giáo khen, sẽ cho em phần thưởng.Em lên lớp, học tới, học tới hoài…
    Bé Ba vổ tay:
    - Đúng rồi. Bữa khai trường anh Hai đi với em nghe.Em sẽ chải tóc suông, cột giây thun.Em sẽ ra biển lấy đá cọ chân thiệt kỹ, mang dép mới.Tay em cầm cuốn sách như vầy nè. Em vô lớp, xin cô ngồi bàn đầu. Cô giáo hỏi tên em.À, mà anh Hai ,có phải em tên là Nguyễn thị Thu không? Đó , em nhớ như in mà, tên em là Thu..Mà lúc đó anh Hai đừng gọi em là bé Ba nghe ,tụi nó cười em đó …
    - Tất nhiên rồi …
    Bé Ba nằm sải tay trên giường. Mắt nó đã nhíu lại nhưng miệng vẫn còn lải nhải:
    - Lần này tụi con Dỉnh hết chọc em,thằng Bí hết làm cao.Em vô lớp đàng hoàng chớ không đứng ngoài hàng rào dòm vô nữa …
    Bé Ba nói nhỏ dần. Quân nghe có tiếng ngáy nhẹ nhàng của em từ đôi môi đang mỉm cười. Lần đầu tiên từ khi cơn bão dứt, Quân thầm khấn vái Ba mình hãy giúp đỡ phù hộ hai anh em Quân.
    Quân chỉ thiếp đi được một lúc rồi thức dậy trằn trọc. Cơn mất ngủ khó thấy ở tuổi như Quân. Nhưng nó thương em quá đỗi.Quân biết khoảng hai tuần nữa, lễ khai giảng bắt đầu cho tất cả trường ở khắp nơi.Nếu bé Ba không được đi học ,nó sẽ ra sao? Quân có thay nổi ba để lo cho em? Mười mấy tuổi đầu, dốt nát, chỉ có cái kinh nghiệm non nớt của một đứa trẻ sớm lam lủ, xuất thân trong một gia đình ngư dân. Quân không biết mình phải làm gì để có thể có chút tiền hầu nối dài niềm mơ ước của em và cũng của chính mình. Tuyệt vọng ,Quân tấm tức khóc.Những giọt nước mắt cứ âm thầm lầm lủi trong đêm đen.
    Gà gáy sáng. Đã có những tiếng chân vội vã xuống bãi của những người đi ghe câu. Quân vội vàng đắp lên người em tấm chăn mỏng ,dằn lại liếp cửa,vơ lấy đồ nghề ở góc nhà rồi nhẹ nhàng đi ra.
    Trời vẫn còn tối.Gió thổi gây gây lạnh. Ngôi sao Mai sáng rỡ ở góc trời báo cho biết hôm nay trời sẽ quang đảng. Cát lốp xốp ươn ướt hơi sương.Quân đi thẳng ra bãi quen.Thủy triều đã xuống. Những mỏm đá đen nối tiếp nhau dẫn ra tận ngoài xa.Bãi cũng kéo rộng và sóng thì như chìm trong đáy biển. Quân tự nhủ:
    - Hãy đợi trời sáng …
    Nhưng những mỏm đá nối tiếp thật quyến rũ. Thêm vào đó ,ánh lửa của những thuyền câu lừng lửng ngoài xa làm Quân háo hức. Càng xa bờ ,càng dễ săn bắt được nhiều.Đó là quy luật của biển. Quân hơi sợ,nhưng Quân cũng cần tiền để sống và giờ đây Quân còn cần tiền để thực hiện giấc mơ của bé Ba ,Quân cương quyết đứng dậy, mò mẫm ,xốc lưới lên vai, nắm chặt cán dao rồi chạy nhanh trên các mỏm đá.
    Những con hàu tươi nguyên vỏ ánh màu lục biếc nằm phơi trên mô đá ẩm ướt như chờ sẵn.Chưa bao giờ Quân thấy nhiều hàu như vậy.Những con cá quẩy trắng lưng khi vướng vào lưới làm tròng trành sóng biển.Quân vừa cạy hào vừa canh lưới.Cái bao tải nặng dần lên cùng lúc với mặt trời dâng cao từ lòng biển.Quân mải mê cạy hào,lòng phơi phới khi nghĩ đến những đồng tiền đổi được sẽ biến những ước ao của bé Ba thành hiện thực.
    Mãi mê cạy hào Quân không biết thủy triều bắt đầu lên tự bao giờ.Và Quân cũng ra khá xa bờ.Khi sóng dội tung tóe trên lưng ,Quân mới giật mình đứng dậy.Đằng sau,bờ như xa tít và những mỏm đá không còn liền lạc mà cách nhau như các hòn đảo nhỏ.
    Lo lắng ,Quân vội vàng thu lưới ,thắt lại miệng bao, thối lui vào bờ.Cái bao căng phồng và lưới cá quẫy lộn phần nào làm Quân phấn khởi. Vào bờ, chỗ cá và hào này dư sức đổi lấy cho bé Ba bút ,vở,dép và không chừng có thể mua được một bộ quần áo mới nữa. Chưa bao giờ Quân kiếm được nhiều như hôm nay. Bằng bất cứ giá nào Quân cũng phải mang được những thứ ấy vào bờ.
    Vừa đi vừa nương theo các tảng đá ngầm, Quân kéo theo bao hào nặng càng lúc càng nặng.
    - Hay mình bỏ bao hào ,giữ lưới cá. Cá bán được nhiều tiền hơn.
    Quân đứng lên một tảng đá vừa thở vừa suy nghĩ.
    - Nhưng không được ,bé Ba phải có mặt vào ngày khai trường sắp tới. Mình phải cố gắng thêm một chút …một chút nữa thôi.
    Thế rồi Quân lại bơi tiếp, nghỉ trên một tảng đá rồi lại bơi. Có một mỏm đá cao,Quân mừng rỡ bíu lấy.Như vậy là sắp đến bờ rồi. Nhưng qua đầu một con sóng.Quân kinh hải khi thấy bờ vẫn xa như là Quân chưa hề dời khỏi chỗ lưới cá.
    - Vất bỏ tất cả để bơi vào bờ.
    Một tiếng nói khác trỗi lên từ trái tim:
    -Đừng ,hôm nay là dịp may, ngày mai,ngày mốt, nếu biển động làm sao có được
    Quân ngồi trơ người trên mỏm đá lắng nghe cuộc chiến đấu thầm lặng giữa trái tim và lý trí trong lòng mình.Trên cao, mặt trời soi qua kẽ mây , chiếu vài tia nắng quái lên gương mặt đen đủi hốc hác của Quân.Đằng xa xa,vài chiếc thuyền cá mãi mê công việc ,họ đâu nhìn thấy cái bóng nhỏ rất nhỏ của Quân giữa biển sóng mênh mông
    Khi Quân tỉnh lại đã thấy mình đang ở trên bãi cát.Quân không hiểu được tại sao mình có thể vào đến bờ.Lưới vẫn quàng trên vai,tay còn nắm thật chặt cái bao tải.Mọi thứ vẫn còn đó.Quân mỉm cười sung sướng rồi ngồi phắt dậy. Không ,không còn gì cả.Trên vai,lưới đã rách,chỉ còn duy nhất một con cá nhỏ im lìm giương đôi mắt đỏ ngầu nhìn Quân. Và cái bao hào nặng nề giờ xẹp lép,dán chặt trên nền cát. Quân liếm môi. Muối đắng chát. Biển xa lạ và bờ cát chao đảo. Quân chuệnh choạng đứng dậy, lầm lủi đi.Lưới vẫn trên vai và cái bao vẫn nắm trong tay.
    Hình như bé Ba đã thức dậy, ăn nốt củ khoai trong chiếc đĩa vỡ trên bàn ,rồi lại thiếp ngủ yên lành.
    Quân nhìn em ,lặng lẽ nằm xuống cạnh bên. Bé Ba đang mơ, miệng úng ắng những tiếng đứt quảng:
    -Anh Hai…vở..viết..cho em…đi học …
    Quân đưa cánh tay lên che mắt và khóc. 

 Kim Hài

Ba tháng tạ từ

                   Bao giờ cho đến nghỉ Hè
    Ngày...
    Trời bắt đầu chuyển sang hè. Nắng to. Vô cùng mệt mỏi. Mệt vì thời tiết một phần, mệt vì học sinh chín phần. Hơn 15 năm dạy học, mình thấy học sinh càng ngày càng hư. Sắp thi cử đến nơi mà chúng chẳng học gì cả.
    Giờ học thì nói chuyện râm ran. Nhoài lên, ngoái xuống, ngọ ngoạy không yên. Mình hết dỗ dành rồi lại quát, đủ kiểu, vậy mà không ăn thua. Vừa dạy bài mới, vừa giữ trật tự, chỉ nửa tiết là đã đuối sức. Mệt quá, thế là đành buông xuôi. Nhiều hôm, xong 3-4 tiết dạy là mình phờ phạc cả người, thở không ra hơi. Mà chẳng riêng gì mình. Ai cũng có vẻ chán nản, gặp nhau là lại buột miệng: "Bao giờ cho đến nghỉ hè?". Chợt nhớ hồi đi thực tập mà phì cười. Sao hồi đó lại hăm hở thế? Tràn đầy lòng nhiệt tình, sinh viên sư phạm nào cũng vẽ ra cho mình một viễn cảnh tươi đẹp về nghề giáo. Chắc bây giờ mà gặp lại nhau thì đứa nào cũng đầy một bồ tâm sự, vui ít buồn nhiều...
    Thực ra, cũng không hẳn mình không có những kỷ niệm đẹp với học sinh. Nhớ những ngày này cách đây mấy năm ôn thi cùng 9H, cũng rất mệt, nhưng vui. Hay vì chúng là lớp chọn, nên ngoan hơn, thông minh hơn? Giờ học thêm làm bài tập thật nhanh, rồi xoay ra buôn chuyện. Mình có nhắc thì chúng lại rền rĩ điệp khúc "Không sao đâu cô ạ, có xả được strees thì học mới vào chứ ạ!". Chúng trổ tài hài hước khiến mình cũng cười ngả nghiêng. Lớp trưởng Hà Trần - người đầu têu mọi trò nghịch ngợm, rồi "nhạc sĩ" Hoàng Việt chuyên chế thơ Đường thành bài hát, "hoạ sĩ" Hiệp "gà" chuyên "sáng tác" biếm hoạ... Mình cứ chuẩn bị dạy là chúng lại bày trò chọc cười kéo dài thời gian giải lao. Cũng may, lúc thi cả lớp đều đạt điểm cao. Bọn nó ra trường rồi mà mình nhiều khi nhớ lại cứ nuối tiếc. Người ta hay nói "có mới nới cũ", nhưng với mình thì có mới lại càng nhớ cũ. Lứa học sinh nào ra trường mình cũng nhớ, thầm so sánh với lứa đang học để rồi lại thất vọng vì sao bây giờ học sinh ngày càng hư và dốt hơn xưa. Mình mắc bệnh hoài cổ chăng? Hay tại mệt mỏi của tuổi tác đã khiến mình trở nên khó tính?
    Ngày...
    Vừa buông người ngồi xuống ghế trong phòng hội đồng thì Ngân ló mặt vào, vẫy vẫy: "Chị ơi, ra hàng chè nhớ!". Hàng chè là "tụ điểm" mấy đứa bọn mình thường ngồi chuyện trò cho bớt căng thẳng sau những giờ dạy mệt tưởng đứt hơi. Chị bán chè đâm ra thuộc sở thích ăn uống của mấy đứa bọn mình, thuộc luôn cả những câu chuyện bọn mình hay nói với nhau. Ngân rất hay kể về những câu văn ngô nghê đến tức cười của học sinh, Thi lại hay ca cẩm, than vãn hết về trường lớp lại về gia đình. Hôm nay chắc hẳn Ngân lại có nỗi niềm gì đây...
    Quả nhiên, chưa kịp kéo ghế ngồi xuống Ngân đã hỏi, giọng đầy bức xúc: "Chị có tưởng tượng được học sinh bây giờ tệ đến mức nào không?" Mình nhìn Ngân chờ đợi. "Em vừa bước vào lớp, lớp ồn như chợ vỡ. Chưa kịp cho học sinh ngồi xuống sau khi cô trò chào nhau thì nghe thấy một câu chửi rất tục từ phía cuối lớp. Cả lớp lặng phắc. Em hỏi: "Ai vừa chửi?" thì không ngờ lại nghe thấy câu ấy một lần nữa, lần này còn rõ ràng hơn. Cả lớp im lặng. Chắc hẳn chúng cũng bất ngờ. Tức đến phát khóc lên được. Em nhìn những gương mặt im lặng của mấy chục đứa học trò, không hiểu nổi gương mặt nào trong số đó có thể phát ra cái câu tục tĩu đó. Rồi tự dưng thấy mình như bị đẩy tới một hành tinh xa lạ. Suốt tiết học ấy, em không còn tâm trí đâu mà dạy nữa, chỉ ngồi im. Trong lòng thấy đổ vỡ ghê gớm...".
    Mình hiểu Ngân. Em là một cô giáo trẻ, mới đi dạy được 2 năm. Những ước mơ đẹp đẽ của em về nghề giờ đây chạm phải sự thật phũ phàng khiến em không chịu nổi. Mình hơn em cả tuổi đời lẫn tuổi nghề mà còn không chịu nổi khi ngày ngày phải chứng kiến sự xuống cấp về đạo đức của lũ trẻ. Nào có phải là chúng không được dạy dỗ? Sinh ra trong những gia đình tử tế, nhiều đứa bố mẹ là giáo viên, tiến sĩ hẳn hoi, thế mà sao chúng vẫn xểnh ra là trốn học, hễ mở miệng là văng tục, hỗn láo với người lớn? Nhiều phen mình loay hoay tìm câu trả lời. Mà chẳng thể nào trả lời được...
    Tự dưng mình nhớ đến truyện "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư (nghe nói hiện giờ tác giả đang gặp rắc rối gì đó). Rõ ràng mình đang sống ở thành phố, được hưởng thụ những tiện nghi của cuộc sống văn minh, thế mà mình lại có tâm trạng gần giống với cô gái chăn vịt rong trong truyện. Nỗi hoang hoải, chán chường ngấm vào tận chân tơ kẽ tóc. Nhiều khi mình thấy mất phương hướng, và rất hoang mang. Có một gia đình yên ấm, một nghề nghiệp ổn định, vậy mà tại sao đôi khi mình vẫn thấy lạc lõng? Vì bây giờ ai cũng quá bận bịu không thể còn thời gian để chia sẻ tâm sự chăng? Vì cuộc sống quá sôi động và gấp gáp cuốn tất cả đi khiến những lo lắng ưu tư của mình trở nên quá xa xỉ và phù phiếm chăng? Con đường dạy học của mình, học trò của mình rồi sẽ đi đến đâu khi ngành giáo dục đang trong tình trạng rối rắm, bùng nhùng, không biết đâu là chuẩn như thế này?
    Những khẩu hiệu "tiên học lễ, hậu học văn" treo ở khắp các trường học liệu còn ý nghĩa gì không? Mình lo cho cả hai đứa con. Biết đi lối nào đây?
    Ngày...
    Hôm nay có một chuyện làm mình vui vui. Trên đường từ trường về mình gặp lại Cương. Cương là học trò lứa đầu tiên của mình. Bây giờ trông Cương chững chạc quá, dáng vẻ cao to, rắn rỏi, và rất phong độ. Cậu đi ngay bên cạnh mình và cất tiếng chào làm mình hơi bất ngờ: "Em chào cô! Cô còn nhớ em không?". "Cô nhớ chứ, lớp trưởng lớp 6D ngày xưa phải không?". Cương bật cười: "Vâng, cái lớp nhiều học sinh cá biệt nhất trường ấy ạ". Lũ học trò nghịch ngợm lớp 6D ngày ấy làm cô giáo chủ nhiệm mới ra trường đúng là nhiều phen điêu đứng. Nhưng chúng cũng vô cùng tình cảm. Mình nhớ mãi ngày 20 tháng 11 đầu tiên trong cuộc đời làm giáo viên, cả lớp 6D ầm ầm kéo đến nhà, đem theo quà là một bộ son phấn (ngày đó, phấn "Bông lúa" là xịn nhất rồi, cộng với thỏi son gió và hộp nhũ mắt Sài Gòn) cùng một túi bỏng ngô to tướng. Chúng nhao nhao bảo cô còn trẻ mà chẳng son phấn gì cả, phải "đánh đấm" vào sẽ đẹp hơn. Rồi mấy đứa con gái bôi bôi quét quét thử cho mình (trông lem nhem như hề). Rồi chúng ăn bỏng và ném bỏng vào nhau, nói cười chí choé đến tận hơn 10 giờ khuya, làm hàng xóm phải sang phàn nàn với bố mẹ mình. Chúng về rồi, căn phòng không khác gì bãi chiến trường, mình và cô em gái phải dọn dẹp gần một tiếng mới xong. Nhắc lại cùng Cương kỷ niệm ấy, mình thấy trong lòng xốn xang. Cương cũng kể cho mình nghe về các bạn cùng lớp, nhiều bạn đã lập gia đình, một số bạn đi du học nước ngoài rồi ở lại định cư luôn, liên lạc với nhau toàn qua email.
    Còn bản thân Cương giờ đã làm giám đốc một công ty cổ phần ngành bưu chính viễn thông, đã có vợ và có cậu con trai vừa được 1 tuổi. Trước khi chia tay, Cương bảo: "Em thấy cô vẫn trẻ như hồi xưa dạy chúng em, dù có mập hơn chút ít. Khi nào em sẽ tập hợp các bạn lại, làm hội lớp, thế nào cô cũng đến nhé". "Nhất định cô phải đến chứ. Để xem các em trưởng thành như thế nào".
    Buổi tối cơm nước xong, mình kể lại với chồng chuyện gặp học sinh cũ. Hai đứa nhỏ cũng dỏng tai nghe. Rồi mình thấy cô con gái vào bàn học hí húi ghi chép gì đó. Có lẽ nó cảm nhận được điều gì mới mẻ về tình thầy trò chăng? Thỉnh thoảng nó vẫn kể với mình chuyện cô giáo với các bạn ở lớp. Nó sợ cô, nhưng không thích cô. "Vì cô giáo con hay mắng quá đáng những bạn học dốt, những bạn con trai nghịch ngợm". Mình chợt nghĩ nếu một lúc nào đó có học sinh của mình cũng kể với gia đình như thế, thì sao nhỉ? Ôi, cái nền giáo dục chạy theo thành tích này khiến những cô giáo khó lòng mà "như mẹ hiền" được nữa rồi! Hình như không chỉ lũ học trò, mà chính mình cũng thay đổi mà không biết...
    Ngày...
    Câu nói của cu Tôm làm mình buồn cười suốt quãng đường đến trường. Chả là ông cụ nhà mình bị tai biến mạch máu não, gần như nằm liệt tại chỗ suốt một năm nay. Bây giờ tình trạng trở nên nặng hơn, những vết loét ở lưng bắt đầu xuất hiện. Bởi thế mà chị giúp việc - Tôm gọi là bác Phương - hàng ngày khá mất thời gian vào việc rửa vết thương và bôi thuốc cho ông. Tôm xem bác làm, và thấy trên mình ông nội những đám thuốc khi xanh khi nâu, chạy lại nói với mình: "Mẹ ơi, bác Phương tô màu cho ông kỹ thế? Mà sao ngày nào cũng phải tô lại?". Cả nhà phì cười. Trẻ con thật là dễ thương. Chúng có những câu nói bật ra từ sự liên tưởng vô cùng chính xác mà lại rất ngộ nghĩnh. Giá mà chúng cứ mang cái nhìn trong sáng ấy vào trường học, và giữ được cho ngày càng lớn lên! Giá mà những chuyện chẳng hay ho gì của người lớn không làm vẩn đục được tâm hồn non nớt của trẻ! Mà mình mắc bệnh mất rồi! Tại sao lúc nào cũng liên hệ mọi chuyện đến vấn đề giáo dục thế này? Bệnh nghề nghiệp ư? Đang vui vì sự nhí nhảnh đáng yêu của con lại chuyển sang lo về tương lai của nó. Còn hai năm nữa nó mới vào lớp 1 kia mà. Biết đâu đến lúc ấy tình hình sẽ khác? Hy vọng thế...
    Hôm nay mình dạy một trích đoạn của vở chèo "Quan Âm Thị Kính" cho lớp 7A. Giáo án thì đã soạn kĩ, nhưng mình vẫn thấy lo lo. Vở chèo này ngày xưa mình đã xem nhiều lần, và rất thích. Nhưng mình lo là học sinh bây giờ thậm chí chẳng biết "chèo" là gì. Sân khấu, đối với chúng chỉ là những tiếng la hét, những ca từ chẳng đâu vào đâu, những điệu múa giơ chân giơ tay loạn xị....
    Làm sao chúng có thể hình dung nổi sân khấu dân gian với những sân đình, mặt ao, những điệu hát sử, bình tiểu,... vô cùng điêu luyện của chèo? Đấy là chưa nói đến phần nội dung thường là những mâu thuẫn giai cấp thời phong kiến, đề cao những chuẩn mực đạo đức theo cách nhìn của xã hội phong kiến, rất xa lạ với bọn trẻ bây giờ. Dẫu biết rằng các nhà cải cách có ý đồ tốt đẹp là giáo dục toàn diện cho học sinh, nhưng mình e rằng họ chưa nghiên cứu đến tâm lý lứa tuổi (12-13 tuổi, lớp 7, vẫn có những đứa trẻ thậm chí chẳng phân biệt được đâu là ngan, đâu là vịt, nói gì đến làm quen với sân khấu dân gian; cùng lắm thì biết Xuân Hinh hay diễn hài, chứ chẳng biết Xuân Hinh vốn là một hề chèo xuất sắc), cũng chẳng để ý gì đến không gian văn hoá bao bọc quanh học trò. Thế là giáo viên bọn mình cứ è cổ ra hứng chịu cùng lũ học trò. Cuối chương trình, đánh đùng một cái, đưa một trích đoạn chèo vào, dạy sao thì dạy, học sao thì học, không hề có sự chuẩn bị dần dà gì từ trước (cái mà các nhà giáo dục gọi một cách hay ho là "chuẩn bị tâm thế tiếp nhận và cảm thụ tác phẩm văn học")! Xong, hết chương trình, ôn thi học kì II!
    Trẻ con mồ hôi mồ kê nhễ nhại đọc như đánh vật với những câu "Trách lòng ai nỡ phụ lòng/ Đang tay nỡ bẻ phím đồng làm đôi/ Nhật nguyệt rạng soi/ Thấu tình chăng nhẽ..." mà chả hiểu mình đang đọc gì. Nhìn mà thương! Và khi chúng vừa hiểu được chút ít về nỗi oan của Thị Kính, vừa thương cảm chút ít trước số phận bi kịch của người phụ nữ thời phong kiến nói chung thì những tình cảm, hiểu biết mong manh ấy bị dập tắt ngay bởi một lô những văn bản nào là biểu cảm, nào là nghị luận, nào là thơ Đường luật, thơ lục bát... phải ôn trong bài tiếp theo. Thế đấy, hoan hô SGK!
    Ngày...
    Ngẫm ra, thấy mình thật là vô lý khi cứ mua lo vào người. Cuộc sống tươi đẹp ngoài kia, mình đâu đã thưởng thức hết? Kỳ nghỉ 30.4, 1.5 năm nay được những 4 ngày. Người ta háo hức bàn về những chuyến đi, nào Sa Pa, Tam Đảo, nào Trà Cổ, Hạ Long... Còn mình lại chỉ lo phân chia mấy tiết học trước khi thi học kỳ, tiết nào ôn Văn, tiết nào Tiếng Việt, tiết nào Tập làm văn.
    Thấy vui vui khi nghĩ đến lời hẹn của lớp 9H cũ: "Sáng 1.5 bọn em sẽ đến rủ cô đi chơi". Chắc là chúng quá hiểu cái tính hay lo của mình - chả gì cô trò cũng đã ở bên nhau 4 năm mà - nên tìm cách lôi mình ra khỏi mớ công việc để xả hơi đây. Mình háo hức mong đến ngày ấy y như học trò nôn nao chờ đợi ngày được đi cắm trại. Xét cho cùng, dù còn không ít điều bất như ý về nghề, mình vẫn thấy một cái được rất lớn, đó là tình cảm thầy trò. Lại nhớ ngày bế giảng năm học trước, sau những thủ tục ở sân trường, học sinh đến chật nhà, chúng chia sẻ với mình bao ước mơ, bao suy nghĩ của tuổi mới lớn. Những dòng lưu bút tươi rói vẫn còn đây, trong số đó có của cả những đứa học lực yếu, khi học làm mình bực suốt, vậy mà giờ đọc lại lại nhắc nhở mình về những năm tháng đẹp đẽ mà chắc chắn mình sẽ lưu giữ mãi.
    Một năm học nữa lại sắp kết thúc, những ngày mệt mỏi vì học sinh sắp sửa chấm dứt. "Tạm thời chấm dứt". Bây giờ chỉ mong: "Bao giờ cho đến nghỉ hè?". Nghỉ hè rồi thì lại bụng bảo dạ: "Bao giờ vào năm học mới?"...

Phùng Ngọc Châm

Kết quả hình ảnh cho trường xưa