Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2023

NTV - Ấm áp ngày rằm tháng Giêng


Phiên Gác Đêm Xuân

Rằm Tháng Giêng

Ngày xưa còn nhỏ, ngày xưa

Tôi đeo khánh bạc, lên chùa dâng nhang

Lòng vui quần áo xênh xang

Tay cầm hương, nến, đinh vàng mới mua

Chị tôi vào lễ trong chùa

Hai chàng trai trẻ khấn đùa hai bên:

"Lòng thành lễ vật đầu niên,

Cầu cho tiểu được ngoài giêng đắt chồng!"

Chị tôi phụng phịu má hồng

Vùng vằng suýt nữa quên bồng cả tôi

Tam quan, ngoài mái chị ngồi

Chị nghe đoán thẻ, chị cười luôn luôn

Quẻ thần, thánh mách mà khôn:

Số nàng chồng đắt, mà con cũng nhiều.

Chị tôi nay đã xế chiều

Chắc còn nhớ mãi những điều chị mơ

Hằng năm tôi đi lễ chùa

Chuông vàng, khánh bạc ngày xưa vẫn còn

Chỉ hơi thấy vắng trong hồn

Ít nhiều hương phấn khi còn ngây thơ

Chân đi, đếm tiếng chuông chùa

Tôi ngờ năm tháng thời xưa trở về...

Hồ Dzếnh

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

Ấm áp ngày rằm tháng Giêng

Ngày mai dậy sớm một chút đi chợ với mẹ nghe con!

Ngày mai là thứ bảy, mình đi chợ trễ trễ một chút được không mẹ.

Nhưng ngày mai chợ sẽ đông, sợ đi trễ đông người quá thì con lại cằn nhằn. Lo ngủ sớm rồi dậy sớm đi cô hai. Đã gần ba mươi mà như con nít.

Dì Năm thở dài bỏ lại một câu rồi khép cửa. Nhà dì Năm có hai đứa con, đứa con gái lớn đã gần 30 tuổi mà tính tình vẫn như trẻ con. Mỗi lần Tết đến Xuân về nhìn con gái thêm một tuổi mà vẫn còn chưa có chồng dì lại rầu lại lo. Con trai dì ngược lại kết hôn sớm, vừa ra trường đã kết hôn rồi sinh con. 27 tuổi đã có con trai ba tuổi. Mỗi lần nhìn thấy gia đình con trai vui vẻ hạnh phúc bà lại mong con gái sớm có gia đình.

Mẹ lại vào phòng chị hát bài ca chồng con à! Mẹ đừng hối thúc chị nữa, kệ đi mẹ à. - Tâm thấy mẹ đi từ phòng An ra nên vội vàng lên tiếng.

Kệ là kệ làm sao. Bây muốn chị bây ở giá lắm à! Mẹ vào dặn sáng thức sớm đi chợ với mẹ thôi. Bé Bình nó bệnh, con Linh chăm sóc nó cả ngày cả đêm thì nên để nó nghỉ ngơi. - dì Năm nhíu mày giải thích.

Từ hôm trước Tết Nguyên đán, việc đi chợ bếp núc trong nhà đều là Linh làm với dì Năm. Linh là đứa con dâu dì Năm rất hài lòng. Linh vừa hiền lành, lại giỏi giang tháo vát, vậy nên An luôn ỷ lại vào Linh. Những ngày chuẩn bị cho Tết cũng như những mâm cúng ngày Tết đều do Linh quán xuyến. An chỉ chủ động giữ bé Bình để Linh rảnh tay làm việc. An thích con nít và cũng biết cách chiều chuộng cho nên bé Bình cũng thích chơi với An. Nhưng mấy hôm nay bé Bình bệnh, Linh phải chăm sóc con, không có thời gian phụ dì Năm việc bếp núc cũng như đi chợ nữa.

Rằm tháng Giêng này mẹ muốn lên chùa nào? Ngày này người ta đi chùa đông lắm, chen chúc con sợ chị An không đi đâu. Chỉ không thích chỗ đông người mẹ biết mà. - Tâm nhớ lại rằm tháng Giêng năm trước mà ngán ngẩm.

Rằm tháng Giêng là Tết Nguyên tiêu, đêm trăng tròn đầu tiên của năm mới, ngày này người ta đi lễ Phật đông cũng không thua kém những ngày đầu năm. Dịp này mọi nhà thường làm mâm cơm chay để cúng bái, kính nhớ ông bà tổ tiên cũng như đi lễ Phật cầu xin một năm mới bình an. Tâm còn nhớ rõ Tết Nguyên tiêu năm trước, mẹ bắt chị An cùng đi lễ chùa hy vọng chị gặp gỡ được nhiều người, có thể sớm gặp được duyên phận của chị. Nhưng không ngờ vừa đến cửa chùa nhìn mọi người đông đúc chen lấn, chị An lại viện cớ trong người không khỏe rồi chạy bỏ mẹ ở lại chùa một mình. Cuối cùng Tâm phải đi đến chùa đón mẹ về.

Mùng 1 Tết nó cũng đi với mẹ lên chùa rồi. Lần này nó cũng sẽ đi thôi. - dì Năm dứt khoát.

Hai hôm trước dì Năm trùng hợp gặp lại người bạn cũ, hai người chào hỏi rồi mới biết cả hai đều có đứa con trạc tuổi nhau mà chưa có gia đình. Cho nên cả hai hẹn nhau rằm tháng Giêng đi lễ chùa để giả vờ gặp gỡ lại lần nữa, cho hai đứa trẻ gặp mặt nhau. Dì Năm hy vọng lần này Phật sẽ xe duyên cho An.

Tâm nhớ ra mấy ngày Tết An điều nằm ở nhà, ngay cả đi họp lớp chị ấy cũng không đi. Họ hàng bà con đến nhà chơi chị ấy cũng trốn luôn trong phòng. Có lẽ bởi vì chị sợ mọi người sẽ hỏi đến chuyện chồng con, và có lẽ năm nay chị chịu đi chùa lễ Phật vào ngày đầu năm là để cầu duyên cho mình. Những năm trước chị không tin nhưng cô đơn quá lâu cũng đã đến lúc chị gieo niềm tin nơi cửa Phật một lần.

***

Bên ngoài trời vẫn còn tối, sương vẫn còn đọng trên phiến lá, tiếng ếch nhái vẫn còn đang vang vọng thì dì Năm đã vào phòng An gõ cửa. An muốn ngủ thêm cũng không được với dì Năm.

Chợ cách nhà An cũng không xa lắm, nhưng đi bộ thì khoảng 15 phút mới đến. Đi xe máy thì sẽ nhanh hơn và cũng tiện cho việc chở đồ. Vậy mà dì Năm nhất định không chịu cho An đi xe. An cứ nghĩ chỉ hai mẹ con An đi bộ trên đường nào ngờ đi khoảng một đoạn liền gặp được vài người khác cũng xách giỏ đi bộ ra chợ. Không khí yên tĩnh vắng lặng của buổi sớm mai nay đã náo nhiệt rôm rả tiếng cười nói của các cô các dì.

An và dì Năm ra chợ mua rất nhiều đồ, khi về cả hai đều xách nặng cả hai tay. Khi cả hai về đến nhà, An còn chưa kịp nghỉ ngơi thì dì Năm đã bắt An vào bếp phụ dì nấu nướng.

Làm hôm nay cho xong ngày mai lên chùa lễ Phật với mẹ. - dì Năm nói với An.

Con không đi có được không mẹ? Mùng 1 con đã đi rồi mà. - An không vui thử thương lượng.

Không được. Ngày mai nhất định phải đi với mẹ. - dì Năm nghiêm nghị.

***

Sáng sớm, sau khi đã dọn mâm cúng đâu vào đấy, dì Năm cùng An đi lên chùa. Ngày Rằm đầu tiên của năm mới cho nên người ta đi lễ Phật rất đông, cứ như ngày mùng 1 Tết vừa rồi. An nhìn dòng người tấp nập bên trong sân chùa chỉ muốn được quay xe chạy về nhà. An nắm tay mẹ từng chút một chen vào bên trong. Đúng lúc này, một giọng nói mừng rỡ gọi tên mẹ An làm An giật mình.

Thúy Nhạn?

Thu Liễu?

Sau đó An mới biết người phụ nữ trung niên gọi tên mẹ An ở chùa là bạn học cũ nhiều năm không gặp của mẹ. Hai người mừng rỡ nắm tay nhau cùng nhau đi vào bên trong chùa thắp hương. An vì sợ lạc mẹ nên vội đuổi theo bà bất ngờ bị người phía sau đâm trúng suýt thì ngã, cũng may có người nhanh tay kéo giữ An lại.

An không sao chứ?

Không, không sao. An cảm ơn. - An ngượng ngùng đến nói lắp.

Hưng là con trai của cô Thu Liễu bạn của mẹ An. Khi hai bà mẹ đang vui vẻ nói chuyện với nhau ở phía trước thì An và Hưng cũng đã ngượng ngùng làm quen bắt chuyện. Hưng lớn hơn An một tuổi hiện là kiến trúc sư làm việc ở Sài Gòn. An chưa bao giờ tin vào tình yêu sét đánh mà trên phim hay chiếu nhưng hôm nay ngay từ ánh mắt đầu tiên Hưng nhìn thẳng vào mắt An. Trái tim An đập thình thịch, má đột nhiên ửng hồng như vừa uống vài ly rượu.

Sau khi bốn người cùng nhau thắp hương thì lại cùng nhau ra phía sau chùa dùng cơm chay. Vì quá đông người cho nên không tìm được bàn cho cả bốn người cùng ngồi một chỗ. Khi hai bà mẹ muốn có nhiều thời gian nói chuyện với nhau cho nên để An và Hưng tìm chỗ khác. Hưng tinh mắt liếc nhìn một vòng rồi nhanh chóng tìm được chỗ cho cả hai. Suốt buổi cơm chay, An chẳng dám động đũa nhiều, phần vì An ngại chỗ đông người, phần vì có Hưng bên cạnh.

Rằm tháng Giêng người ta ăn chay nhiều quá An nhỉ?

Rằm tháng Giêng là một trong ba dịp dùng chay lớn nhất trong năm. Người ta ăn chay cũng như không sát sinh để cầu bình an, may mắn cho gia đình trong năm mới mà. - An thì thầm giải thích.

Hưng ngoài cầu bình an, may mắn còn muốn cầu duyên không biết có được không? - Hưng mỉm cười nhìn An hỏi.

An sững sờ vội vàng cúi mặt, không biết vì sao mặt An lại ửng hồng.

***

Chị An sao vậy mẹ? Từ lúc lên chùa trở về con thấy chị lạ lắm. - Linh hỏi dì Năm.

Có lẽ Rằm tháng Giêng sang năm nhà chúng ta có thêm thành viên nữa. - dì Năm mỉm cười.

Trong lúc này An đang ngồi ngẩn ngơ bên cửa sổ, nhìn mây trắng trôi An nhớ đến câu nói của Hưng trước khi hai người tạm biệt.

Hẹn gặp lại An vào ngày 14/2 nhé!

An bất giác mỉm cười, An nghĩ thầm năm nay có lẽ lễ tình nhân An không còn phải cô đơn nữa.

TUYẾT LUÔN VÕ

Tháng giêng Út về,
Út về tìm lại tuổi thanh xuân,
Cho cả hai ta trả nợ trần !!
Ngày qua ngày cứ bâng khuâng
Người đi xa mãi ta dần lãng quên !?
 Tháng giêng bát ngát cỏ gà,
Hương cau, hương ổi bên nhà nở hoa...
Người về rồi lại đi xa,
Bỏ ta ở lại phôi pha tháng ngày !!
NM

Lời hẹn tháng Giêng

1. Chị Lan về lại xóm Hưng Hòa trong âm ỉ những tiếng thì thầm. Những tia mắt nanh nọc như có đạn.

2. Chuyện chị Lan chịu làm vợ ông Hùng lại thật đau mình cả xóm, đi đâu cũng nghe hăm hở, rỉ rả, lầm bầm chuyện con Lan.

- Con bé vậy mà khôn, thằng chồng có néo nhưng được hàng quan mới, no cơm ấm cật. Lại cứu cha khỏi tù khỏi tội, huê lợi trăm đường… Đám đàn ông nói.

- Đồ mặt đ… cái con ngon nhức mắt chưa ngậm đã thấm tận răng lại nộp cho thằng già sốt rét, phí của. Đám thanh niên lầm bầm.

- Sướng cái ăn mằn cái ấy, rồi cả đời chả biết gì là… đáng đời. Đám các bà rủa thầm.

Giải phóng đã hai năm rồi, xóm làng ai cũng biết chị Lan chờ anh Phường trở về. Ảnh là lính cộng hòa, thất tung ngày 30.4. Ai cũng khuyên chị đi có chồng, đời lính héo như con cờ, tàn cuộc rồi, cần chi hàng tốt. Mà có sống thì cũng chẳng dám mò về quê đâu, ngóc đầu sao nổi. Đám thanh niên làng từ lâu thậm thụt lại thấm niềm hy vọng. Chỉ thấy mỗi chiều chị một mình trên con đường kiệt vắng ngắt, nước mắt lưng tròng.

Rồi dăm đối tượng mới, lính Trường Sơn xuất ngũ, thanh niên xung phong, cán bộ xã rồi cán bộ huyện… Cái xóm Hưng Hòa sau hơn hai năm yên tĩnh lại trở nên tưng bừng.

Tội nghiệp bác cả gái, chồng đi cải tạo vì tội xã trưởng khu dồn, thân cò tha cơm tháng đôi lần đã kiệt sức, lại phải canh chừng đám giặc vườn héo lánh, khéo nhục cả đời, khôn ba năm dại một giờ. Nhưng chị Lan thì không mơ màng đứa nào trong đám lao xao ấy. Mắt vẫn cười tạnh ngắt. Miệng khéo cả đám mà không thân một ai.

Vậy mà, không báo trước một ai, chị chịu ông Hùng, làm phó trưởng ban gì gì đấy. Cũng không mấy già, chỉ tội nằm rừng hết mùa trai trẻ nên giờ nước da tái mét, răng chiếc còn chiếc mất, không biết thứ kia có còn không?

3. Đám cưới chị có lẽ tôi là người buồn nhất. Vậy là chị không giữ lời hứa với tôi rồi, chị nói ngày cưới chị sẽ cho tôi làm chú bé bưng quả đưa dâu. Tôi ra sau gốc mít, nhìn theo đám chị khóc tấm tức. Xóm này chị thương tôi nhất, chắc tại tôi là đứa trẻ thơm thảo, có trái ổi nào ngon ngon tôi thường dành phần cho chị. Những chiều vắng chị thường tha thẩn theo tôi lên đồi thả trâu, chị bảo ở nhà buồn lắm. Thích nhất khi hai chị em bứt cỏ gà đá nhau, ai thua chịu cõng. Thích nhất được chị cõng địu trên lưng, đầu tôi cứ vập vào tóc chị thơm lừng. Thích nhất khi thua lại được tập tò cõng chị, cứ rướn cả người lên mà chân chị còn chấm đất, rồi hai chị em té lăn cù, người chị cứ vô ý đè lên mình tôi ấm lạ.

Từ ngày có chị tôi đâm ra tư lự như người lớn, như người lớn theo từng câu hỏi của chị.

- Út Hoàng ơi, út thương ai nhất?

- Thương chị nhất.

- Thế đố út Hoàng, chị thương ai nhất?

- Chú Phường chứ ai mà không biết.

- Ừ, út giỏi ghê!

Đại loại những câu đối đáp của chị em tôi là thế.

Cũng có lúc tôi bạo dạn hỏi chị:

- Chị Lan ơi, lỡ chú Phường không về, chị có lấy chồng không?

- Thế út có muốn chị lấy chồng không?

- Út thì không, út muốn chị ở chơi với út.

- Ừ, mà lỡ chị ế chồng làm răng?

- Thế lớn lên út cưới chị nghe.

- Ừ, ừ, lớn mau chị chờ. Rồi chị váng lên cười, tay cù cù vào nách tôi thật nhột.

Vậy mà chị không chờ chú Phường về, không chịu chờ tôi lớn, chị đi lấy chồng, có buồn không?

4. Số chị Lan vậy mà sướng. Chồng chị rất biết chiều vợ, lại lắm tiền. Từ bữa có chồng, chị đi cái xe đạp mới toanh màu xanh. Xóm này duy nhất chị có cái xe đạp. Ngày giỗ ngày quảy ông Hùng đèo chị về, thơm đến cả làng. Các cụ bảo chị tốt số. Cánh thanh niên bảo thằng già tốt số. Tôi đâm băn khoăn tợn, hỏi chị. Chị cười cười bảo trẻ nít biết gì. Ai cũng một lần mà thôi, chị đã trót một lần rồi, ai dại lấy chị làm vợ hả út, được vậy cũng xuôi rồi. Tôi ngơ ngơ ngẩn ngẩn chẳng hiểu mô tê. Càng lớn tôi càng phổng phao. Chị cũng chưa chịu già. Mà ông Hùng thì hết gượng nổi cái tuổi, đã hom hem chiều. Tôi hết cho chị theo trâu lên đồi. Mỗi bận chị về, chiều lại tôi đèo chị đi chơi bằng cái xe đạp của chồng chị. Chị trắng phau ra, càng màu mỡ. Mắt chị càng đằm thắm hơn, nhất là mỗi khi ngắm nghía tôi rồi cười. Chị hỏi út răng chưa cưới vợ, tôi nói chờ có ai đẹp như chị Lan mới chịu cưới. Chị hỏi út có biết chị ước gì không? Chị chỉ ước được theo út theo trâu lên đồi như xưa thôi. Tưởng ước gì, dễ ợt.

Chiều hôm ấy đồi vắng ngắt. Chỉ vài con chim cúc cu trên ngọn mít phía xa. Trâu thẩn thơ gặm cỏ. Chị em ngồi bó gối. Không còn cái tuổi chơi cỏ gà đá nhau. Làm sao cõng nhau bây giờ? Bỗng chị giật mình thảng thốt, út ơi, về thôi, tối rồi. Tôi cũng giật mình thảng thốt, liều lĩnh ôm choàng lấy chị. Nóng rẫy. Chị nhũn người, ngã vật sóng soài. Tôi trườn lên người chị, thằng con trai không ai dạy dỗ nuôi nấng cứ bản năng tìm tòi. Phát hiện ra đường vào chị khó khăn chật chội. Như phát một con đường cỏ mới, thưa người qua lại. Thở rốc. Lúc chị em phủi cỏ bám trên người bước ra khỏi lùm cây dủ dẻ cũng là lúc ông Hùng lên đồi đón chị.

5. Chị ôm khăn gói về lại nhà cha mẹ. Ông Hùng ly dị, không biết lý do gì, chỉ thấy ông lầm lũi dắt chị về, rồi lầm lũi một mình trở ra, khuất dần, từ đó về sau không lui tới nữa. Trẻ nít làng không biết ai dạy ác cứ ông ổng hát rao: “Đứa này chẳng phải thiện nhân, chẳng phường trốn chúa cũng quân lộn chồng”. Đám đàn bà rỉ rả: “No cơm ấm cật rậm rật theo trai”. Đám đàn ông chép miệng thương dùm. Chỉ bác Cả già quen chịu đựng an ủi con: “Hồng nhan đa truân con ạ, thôi ở vậy có gì đã có mẹ có cha; tau già rồi, có đứa cháu ngoại bế bồng càng đỡ buồn”. Chị không buồn không vui, không một lần nhìn tôi. Duy một lần nhà vắng, chị nhắn tôi hái dùm chị mấy quả xoài.

6. Hồng nhan chẳng chịu đa truân bao giờ. Bỗng dưng ở đâu chú Phường lại nghênh ngang về làng. Sau hơn mười năm trở về, chú trắng lốp, đẹp như Tây. Chú Phường chẳng còn ai thân thích, hiển nhiên nhà bác Cả là nhà. Ngôi nhà tưởng tan nát heo hắt lại ồn ã hẳn lên, bà con tới lui tấp nập. Chú Phường kể, hè năm Bảy Lăm, tướng quân tan tác, lại độc một thân, không biết về đâu, chú bèn lên tàu viễn dương. Người ta thì lựa đường sống chết, riêng chú chỉ thỏa chí tang bồng, thêm một cuộc ngao du, vậy thôi. Cũng vì chán chuyện đánh nhau, nên qua bển chú chỉ chí thú làm ăn. Bây giờ chú trở nên giàu có. Ai cũng bảo nhà bác Cả có phước, trong mơ cũng không tìm ra người bà con thế ấy được.Vậy mà chị Lan lại tịnh như không, không buồn không vui. Chú Phường đòi cưới chị làm vợ, đòi được làm cha khi đứa bé ra đời. Chú nói không có chị thì chú đã không lặn lội về đây làm chi. Chú nói chú nhớ Lan ngày xưa quá. Ngày ấy chị mười bảy má hây hây. Tuổi trẻ như hoa thơm, tại chú. Chị lặng lẽ nấu cơm mời chú suốt tháng trời khi chú ở thăm, tận tụy như em nuôi anh, vợ nuôi chồng. Rồi chú lại ra đi, cả làng theo tiễn, chị thì không, chú vừa đi vừa ngoái cổ nhìn lại.

Chú Phường không cưới được chị Lan làm vợ, đáp lại cái tình tìm về, chị chỉ nhận chú làm anh, dở dang cả rồi. Ngày có chú Phường về làm con, nhà bác Cả đã thôi neo nghèo, cuộc sống có màu khác hẳn. Thằng cháu ngoại được hưởng cái tình ông bà ngoại yêu thương bồng bế, vô tư dễ thương lạ. Thỉnh thoảng vắng người, tôi len lén bên này nhìn sang chỗ hai mẹ con đùa nhau ở sân bên, ước gì được cùng mẹ con chị vui đùa.

7. Rồi dường như càng lớn con người ta càng không chịu nổi cái không khí chật chội nhà quê, nhất là khi con người ta là một thanh niên trai tráng, tôi bỏ nhà quê lên phố. Lần hồi lăn lóc kinh kỳ, kịp làm cái chân quản đốc cho một công ty, cái ăn cái ngủ vậy là tạm ổn. Đám con gái thành phố đánh giá được cái thân vạm vỡ, lại được lòng tin ông chủ, nên cứ bám riết trêu cợt, chỉ tại tôi tịnh ngắt không mơ màng một ai. Thỉnh thoảng chiều về lại nhớ mẹ con người chị bên hàng xóm quá. Thư từ về nhà tôi đều tránh gọi tên hay hỏi thăm chị.

Tháng Chạp, như mọi năm tôi chẳng chịu về quê, ngày buồn tha thẩn với mấy dòng thư gia đình bạn bè thăm hỏi. Năm nay cầm trên tay tờ thư không địa chỉ người gửi, lòng lại bồi hồi. Nét chữ tròn như thân góa phụ, chị nhắn nhe chú Hoàng sao chưa có vợ, bộ muốn học chị ở góa hết đời sao? Chị nói con lớn rồi, có người nối dõi rồi. Chao ôi chị! Thèm được làm trẻ nít ngày xưa quá, thèm được đá cỏ gà với chị, thèm được cõng chị đi cùng trời cuối đất, cùng ngã đứ đừ, ấm áp. Hết thời trẻ nít rồi, làm sao lại dắt chị lên đồi thả trâu? Chao, thèm được về quê thăm bà con họ hàng một lần, thăm chị. Thèm lúc vắng người thỏ thẻ cùng chị rằng út thương chị nhất, chị cũng đừng thương chú Phường nữa nghe. Út chẳng thèm cưới vợ đâu, nối dõi đã có chị lo rồi. Rồi trong mắt tôi bỗng bát ngát một bầu trời tháng Giêng, bát ngát cánh đồng cỏ gà, bát ngát bờ vườn thơm lừng hương cau hương ổi, hoa ổi rụng trắng bên nhà người hàng xóm, dáng chị cung cúc cầm cái chổi tre, thằng cu lúc thúc…

Tôi viết vội vã những dòng thư: … tháng Giêng út về!

NGUYỄN TẤN ÁI 
 
Chào Tháng giêng
Tháng giêng hoa đào nở,
Nhặt từng chiếc lá dong...
Dịu dàng em bỡ ngỡ,
Ngắm hoa đào bên song,

Tháng giêng nắng đẹp trời trong,
Hoa đào nở rộ bên song đón mời...
Bên song hoa rụng tơi bời,
Như chào đón khách viễn khơi xa v
NM

Chuyện tháng giêng

(HBĐT) - Mẹ tôi gọi zalo cho tôi không được liền để lại tin nhắn: "Năm nay 26 Tết nhà mình gói bánh”. Gớm, sớm thế! Tôi tự nhủ. Mọi năm đến 28, 29 bố tôi mới rửa lá, mẹ ngồi tính toán bao nhiêu cân gạo, mấy cân đậu, rồi thịt vai hay thăn… Tôi thì chỉ tham gia cái chân trông bánh, chỉ ngửi hơi lá dong mà cái mặt đã tròn phinh phính…

Năm nay Tết ấm, tôi ngồi trông nồi bánh ở sân sau nhìn ra dòng sông lấp lánh ánh đèn và tiếng nhạc. Một bài hát mùa xuân vu vơ đã nghe đến cả trăm lần bỗng lọt vào tai: "Xuân đã đến bên em…”. Tôi buột miệng: "Xuân đã đến bên anh chưa?”. Lời vừa ra khỏi miệng, bỗng thấy giật mình với chữ "anh” vô định. Mẹ tôi ở sau lưng cất giọng: 
- "Anh” thì chả thấy đâu mà năm nào đôi già cũng lọ mọ vớt bánh đấy…
Tôi vẫn hoàn toàn làm chủ tình hình "phản công” lại:
- Con tự vớt được bánh nhé, mẹ yên tâm, hì hì.
- Ai khiến - mẹ tôi không chịu thua - nhà này phân công rõ ràng rồi: Mẹ đãi gạo, thổi đỗ, cái Thu ướp thịt. Bố mày gói, ông bà nội giám sát, còn vớt bánh á…, từ năm sau phải là chàng rể. Phong tục là vậy…
Tôi khiếp cái "phong tục” của nhà tôi quá, vừa xếp bánh nóng hổi vào rổ vừa thấp thỏm. Cứ đà này, biết đâu bố mẹ tôi lại làm mạnh như nhà cái Thùy bạn tôi, mỗi ngày giới thiệu 2 anh. Vị chi về ăn Tết 6 ngày là có đến 12 cái mặt khi đến hí hửng khi về thì hụt hẫng.
Nhưng hết mùng 1 rồi mùng 2 nhà tôi vẫn yên ắng. Cái khay bánh mứt còn đầy ắp chưa một lần được mở ra. Gói chè Tân Cương của bố tôi vẫn chưa được bóc. 
- Căng thật - cha tôi nhón chút hạt bí vào lòng bàn tay, tăng volume tivi. 
- Gì thế anh, chiến sự ở Ù cà à?
- Anh em gì, đã bảo từ giờ ông tôi cho ra dáng music đại nhân (bố nhắc mẹ).
- Thế là cái gì mà ông cuống lên thế? 
- Thằng rể tương lai đấy, nó đang trả lời phỏng vấn kìa.
Tôi thật chả hiểu bố kiếm đâu ra cái "chàng rể” nhưng vì tò mò cũng thò đầu ra khỏi chăn ngó xem nhưng chỉ kịp thấy máy quay lướt đến cảnh người đó đang nấu nướng, rửa bát. Hóa ra nhà đài cũng lắm chuyện, giờ khai thác cả chủ đề mấy ông mọt sách vào bếp. Mà kể ra anh ta cũng khéo thật, riêng cái khoản rửa bát siêu thế kia cô nào lấy được thì...
Lúc cái Thu, em gái tôi dọn cơm ra, bố tôi lên mặt thật sự với hai mẹ con:
- Đấy, ra giêng cô cả đi thực tập thì liệu mà đối tốt với người ta, mới có tí tuổi mà đã làm đến cái chức ấy, khá thật!
Khi tôi còn đang thắc mắc với bố mới "tí tuổi” ấy băm mấy thì "Tào Tháo” đã hiện ra ngay trước mặt. Anh cất tiếng chào làm tôi suýt nữa giật mình tuột tay khi đang bưng bát nước mắm tỏi ớt. Nhưng khác với cái dáng vẻ sang trọng mà tôi hình dung, anh chàng này nhìn ngô ngố, chắc cũng mới được lừa đến đây chưa rõ âm mưu của bố mẹ tôi.
Bỗng (lại bỗng dưng) mẹ tôi hốt hoảng:
- Ối, ngồi vào chỗ ghế ướt à Đức. Khổ, em nó vừa thay nước cho hoa quên lau đấy, con gái con lứa bằng đấy tuổi rồi… À không, từ hôm bị Covid mới thế chứ trước đây nó khéo lắm…
Anh kia nhìn thấy tôi thì bắt đầu đỏ mặt nhưng vẫn tỏ ta khá lạnh lùng:
- Thế mà cháu cứ tưởng… nhà mình có cháu bé vừa tè ra ghế.
- Làm gì có, em Huyền nhà cô học báo chí năm nay còn đang xin thực tập chỗ anh đấy…
Lúc ấy tay tôi đang gắp một miếng nem, nghĩ thế nào lại bỏ tọt vào miệng, định bụng sẽ đá khéo một câu nhưng hóa ra Đức lại "ra tay” trước:
- Cô cứ nói thế chứ em Huyền vừa xinh đẹp lại năng động thế này khối chỗ mời đến thực tập ấy chứ. Nhưng mà cơ quan cháu lại cũng có "luật” riêng...
- Luật gì anh? - Tôi bật nhanh hơn tôm nhảy trong chảo.
- "Luật” quy định là nếu cô nào đến thực tập mà chưa có người yêu thì khi đến cơ quan phải hát một bài, uống 3 chén rượu. Còn nếu… thì thôi.
Sáng mùng 8, ngày đẹp, nắng vàng, trời trong, tôi diện chiếc váy đẹp nhất đến cơ quan anh. Đập vào mắt tôi là một cây đào hoa nở rất đẹp. Sau khi làm việc với văn phòng, phòng biên tập, tôi được mọi người mời đến văn phòng để uống rượu vang và ra mắt. Chị văn thư nhắc khéo tôi: 
- Nay sếp trưởng đi vắng, Phó Tổng biên tập là nữ rất xì tin, chỉ cần khen chị ấy mặc váy đẹp là ok. Nhưng anh Trưởng Ban Biên tập thì hâm lắm, toàn bắt nạt gái trẻ. Cún liệu mà ứng xử cho vui vẻ nhé.
- Vâng, thế có phải anh Đức không ạ?
- Không nó thì ai, băm hai rồi đấy.
Khác với lúc đến nhà tôi ăn cơm, hôm nay mặt Đức lạnh tanh như một vị quan "thiết diện vô tư”. Sau khi chào hỏi tất cả mọi người, anh hỏi tôi:
- Thế bạn Huyền đã có người yêu chưa, tức là có bạn trai chưa, nếu chưa có thì...
Bắt đầu có những tiếng cười rồi rộ lên cả phòng họp, không hiểu sao lúc đó tôi lại nhanh nhảu đến thế, một ý nghĩ thoát hiểm lóe lên:
- Em thuộc dạng không phải uống 3 ly vang và hát một bài đâu ạ.
Lần này, mọi người còn cười to hơn đầy vẻ thích thú và tất cả các cặp mắt đều soi vào khuôn mặt Đức. Anh ta vội cười rồi nâng ly uống cạn. Tôi hả hê tột độ, hả hê như người nông dân trong câu chuyện "Trí khôn của ta đây”. 
Những ngày sau đó tôi ít gặp Đức, anh hình như có ý lánh mặt nên toàn nhờ các chị biên tập đến trao đổi với tôi. Một tháng thực tập đầu tiên qua đi, tôi nhận ra những chiếc váy, những đôi giày của mình không còn thích hợp nữa. Nó chỉ hợp với phong cách trẻ con, hợp với những cuộc đàn đúm bạn bè. Thế nên, từ khoản nhuận bút bài báo đầu tiên, cộng với tiền mừng tuổi tôi đã dành mua một đôi giày cao gót mới. Đôi giày ấy làm tôi thật sự tự tin từng bước chân, hình như cũng vì thế mà từ sáng đến giờ tôi toàn được các chị khen, nào là "viết khá hơn”, "sửa lỗi kỹ”, ngay cả đến chị lao công còn phải thốt lên: "Cún hôm nào nhìn điệu đà thế!”.
Tôi thế đấy, vậy mà lượn qua phòng Đức cả chục lần với tiếng gót giày vang trên đá lát nền mà chẳng làm anh bận tâm. Cửa phòng "giai tân” luôn mở một cách đường hoàng (các chị bảo lúc nào cũng thấy vậy) nhưng anh ta thì vẫn chăm chăm nhìn vào màn hình máy tính như một kẻ đã đắc đạo. 11 giờ, nắng tháng giêng trải vàng ấm áp, tôi đi qua phòng Đức lần cuối, hôm nay là trưa thứ Sáu, nghe nói chiều anh có chuyến đi công tác dài ngày đến khi tôi thực tập xong cũng chưa về. Đang mơ hồ nghĩ xa xôi thì bỗng cắc một tiếng, dưới chân tôi đất như sụp xuống. Không đúng, là cái gót giày của tôi gãy, chân tôi khụyu xuống, cái cổ chân chẹo đi đau nhói tận óc. Tôi nhăn nhó nhìn xung quanh thì một cánh tay kịp đỡ lấy tay tôi, một đống giấy tờ rơi tứ tung. Tôi bất ngờ nhận ra Đức, anh dìu tôi ra chiếc ghế đợi ở sảnh:
- Em có sao không, hay anh gọi bố em đến đón nhé.
- Bố em đi vắng (tôi cố gắng nói thật nhỏ nhẹ mà không thể).
- Hay, em gọi bạn trai đến đưa em đi khám nhé...
- Khám gì mà khám em không có...
- Ấy, em đừng chủ quan, bây giờ không sao nhưng đêm về nó xưng tấy đấy.
- Em không có bạn trai...
Mắt Đức bắt đầu sáng lên rồi lại ấp úng:
- Thế sao hôm nọ em không...?
- Em có uống được rượu đâu mà dám nói thật. Tết đến nhà em còn chưa có người vớt bánh đây này...
  Bùi Việt Phương 

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Nhạc - Thơ - Văn Tết đến rồi, về nhà đi con!

Hoàng Oanh - Hoa Xuân


 

Trở về thôi
Hoa mai chừ nở rộ.
Đón mừng Chúa Xuân về...
Mong chờ con nhđến,
Xa lìa khỏi bến mê

Khúc Xuân chờ sum họp,
Ngoài sân kìa gió Xuân.
Chờ người xa về đến,
Vui Xuân biết bao lần !?

Hoa đào chúm chím nở,
Đợi chờ phút Xuân sang...
Chờ phút giây hạnh ngộ,
Ôi, tình Xuân nống nàn !!

Ta về nơi quê cũ,
Lòng đau đáu nhớ quê...
Liệu người xa xôi ấy,
Chừ biết ta quay về ?!!
NM


 

 

 

  

 

Tết đến rồi, về nhà đi con!

1. Đã bao lâu rồi kể từ lúc Luân về nhà lần cuối?

Giữa lúc ngớt việc tạm thời trong một ca làm thêm, Luân bất chợt nghĩ đến điều ấy. Cậu trai mới lớn bỗng chốc cảm thấy kì lạ với những cảm xúc đang len lỏi trong lòng mình.

Gia đình Luân cũng chẳng phải kiểu khá giả gì nhiều cho cam, chỉ thuộc dạng đủ ăn đủ mặc trong xóm. Ba má chỉ có mình Luân. Ngày trước, nhà nội Luân nghèo lắm, ba lại là con cả trong gia đình, bỏ học sớm, quần quật sớm hôm phụ giúp ông bà, để rồi đến khi giật mình lại, thì tuổi xuân đã trôi xa lắm rồi. Đến lúc cô Út tự lo được cho cuộc sống của mình, cũng là lúc bà nội ngỡ ngàng nhận ra thằng con cả nhà mình vẫn phòng không chiếc bóng.

Bà thương lắm, thế là bà đi hỏi người mai mối, bà dò hỏi khắp làng trên xóm dưới, xem có ai chịu thương thằng con số khổ của bà không. Bà chẳng dám hi vọng chi nhiều, vậy mà có thật, có cô thợ may cuối xóm chịu về với thằng con trai bà. Đám cưới của ba má Luân ngày ấy chẳng có chi nhiều, chỉ có vài ba mâm cơm ra mắt gọi là có lễ. Thế là xong.

Trong những câu chuyện sau này ba kể, mỗi khi nhắc về má, ông luôn không ngại ngần che giấu sự biết ơn của chính mình. Luân ra đời khi ba đã ngoài 40, nên có lẽ vì thế mà trong tình yêu thương của ông luôn mang theo sự nghiêm khắc và âu lo. Lo Luân chưa kịp lớn thì ông đã già, lo không bên Luân được lâu dài trên chặng đường sau này. Nên ngay từ những ngày tấm bé, Luân luôn có phần gần gũi má hơn ba.

2. Má Luân là người phụ nữ tuyệt vời. Bà dịu dàng và hiền dịu đến nỗi thằng Tèo trong xóm ngày ấy luôn tị hiềm cùng Luân, vì sao cả hai đứa cùng nghịch dưới ruộng, cả hai đứa đều lấm bẩn đầy mình, mà chỉ mình nó bị má rượt đánh khắp xóm, trong khi má Luân lại chẳng hề nói nặng một lời. Trong kí ức thơ dại ngày ấy, với Luân, má là người có nụ cười đẹp nhất, có bàn tay đẹp nhất, là người khéo nhất cả xóm. Mỗi lần có ai đó hỏi, Luân vẫn luôn ưỡn chiếc ngực nhỏ bé của mình lên rồi dõng dạc giới thiệu má mình.

Tuy nhiên má Luân bệnh nhiều, những căn bệnh nặng có, nhẹ có cứ khiến má cậu gầy yếu hẳn đi. Có những thời điểm, ba phải gửi Luân lại nhà cô Út để đưa má đi chữa bệnh khắp nơi. Má luôn cười và trong những kí ức về khoảng thời gian cuối cùng ấy, chưa bao giờ Luân thấy nụ cười tắt trên môi má. Má đi khi Luân vừa tròn 15, cái tuổi vừa đủ để biết khoảng trống một người thân yêu để lại là hoang vu và đớn đau đến nhường nào.

Đã từng có khoảng thời gian, Luân giận ba ghê gớm, giận ba đã không thể giữ má lại, giận ba đã không cố gắng hết sức, mặc dù Luân cũng hiểu được những điều ấy là vô lí đến chừng nào.

Đến mãi sau này Luân mới hiểu, cậu giận ba như một cách để trốn tránh sự dằn vặt của bản thân mình. Dằn vặt khi không kịp hiểu chuyện sớm hơn, dằn vặt khi không kịp lớn để mang đến cho má nhiều điều tốt hơn, dằn vặt khi chưa bao giờ nói với má rằng cậu thương má biết chừng nào.

Lần đầu tiên Luân thấy ba khóc ấy là khi cậu đột ngột trở về nhà sau khi đã xin phép ở nhà bạn. Giữa màn đêm thăm thẳm, cậu thấy ba đứng trước bàn thờ má, nâng niu lau tấm di ảnh má một cách chậm rãi và từ tốn, mặc cho khóe mi hoe đỏ những dòng lệ chảy dài.

Và đó cũng là lần đầu tiên Luân chợt hiểu, ba mình là người đàn ông giàu tình cảm đến độ nào. Những giọt nước mắt ấy như chiếc cầu nối vô hình, khiến Luân gần lại với ba hơn hẳn.

Cậu học cách nấu ăn, học cách dọn dẹp nhà cửa, học cả cách đơm cúc áo. Tuy rằng những món ăn cậu làm có đôi khi vẫn nhầm đường thành muối, mặc dù có đôi khi căn nhà cậu dọn dẹp bề bộn hơn lúc ban đầu và cũng lắm khi chiếc cúc vừa đơm chẳng thể nào gài được vì lệch vị trí, thế nhưng cậu thấy ba vui nhiều. Và cũng vì một lẽ, cậu muốn ba cảm nhận được rằng, cậu kính trọng và thương ông biết bao nhiêu.

3. Rồi ba lấy vợ, phải lòng người phụ nữ góa bụa đầu thôn. Chồng mất sớm, bà ấy cũng một mình đơn độc, chẳng con chẳng cái.

Luân khi ấy, gần như phát rồ cả lên. Cậu có cảm giác như bản thân mình bị đâm một nhát dao “phản bội” bởi chính người mình kính trọng nhất. Cậu cảm thấy gia đình ấy, đã chẳng còn là một gia đình mà cậu luôn muốn trở về nữa rồi.

“Ba mong con hiểu”.

“Con không bao giờ hiểu được”.

Luân nói như thế trước khi lên đường trở lại thành phố, bắt đầu chạy đua với chương trình học dày đặc, với những công việc làm thêm liên miên, cốt để không trở về nhà, trở về một nơi mà Luân đã mặc định “xa lạ”.

Đêm.

Luân trở về căn nhà trọ vắng hoe. Giờ này có lẽ thằng Hiếu đã say bí tỉ ở chốn nào rồi. Có tiếng gõ cửa phòng khe khẽ, bà chủ nhà gửi Luân một phong thư. Ai nhỉ? Ai lại viết thư giữa thời đại 4.0 như thế này?

“Luân,

Là dì đây. Con thế nào rồi? Khỏe không con?

Con ăn uống đầy đủ không? Có thiếu thốn gì không con?

Dì không biết mình có nên viết những dòng này không nên cứ nghĩ hoài, nghĩ mãi. Nhưng thấy ba con mong con quá, nên dì lại chẳng đành lòng. Ba con cứ ngồi bên điện thoại mãi, nhấc lên rồi lại để xuống. Những lần như vậy là ổng lại ngẩng đầu nhìn bàn thờ má con rồi thở dài.

Càng gần những ngày cuối năm thế này, ba lại càng mong con. Tuy ba con chưa từng mở miệng nhắc tới, nhưng dì biết ba luôn đợi tin con về. Luân à, Tết này về nha con! Về cho ba con được vui, về thắp cho má nén hương nha con.

Dì Tâm”.

Những dòng chữ tròn tròn, nắn nót ấy chẳng hiểu sao lại khiến lòng Luân buồn quá đỗi! Luân nhìn ra ngoài kia, không khí Tết đã rộn ràng lắm rồi mà sao Luân chẳng cảm nhận được nhỉ. Đã 2 năm rồi, Luân chưa có cho mình một cái Tết trọn vẹn. Luân cứ nhìn người ta vui Tết, rồi tặc lưỡi vội vàng di chuyển đến những nơi làm thêm.

Bỗng nhiên Luân thèm Tết, thèm những lúc má nhóm lò trước sân, gọi ba nhắc lên giùm nồi nước. Thèm cả lúc hai cha con hì hục đi lựa gốc mai trên rẫy, cự nự qua lại hồi lâu mới chọn được cành mai mang về. Thèm luôn cả cái không khí nôn nao, nhà này sang nhà kia biếu cặp rượu hay mấy hũ kiệu, dưa món. Nhớ lắm lúc má kéo dậy tinh sương sớm 30, cùng má đi chợ. Đi rã cả chân để rồi đổi lấy hai bàn tay đầy ắp đồ. Chỉ được cái sướng dạ khi nghe mấy cô mấy bà khen: “Con nhà chị Thơm lớn tướng chưa kìa, má nhờ được rồi! Sao mà nuôi giỏi thế!”.

4. Chiều 30, Tết đã về trên khắp các con ngõ của xóm nhỏ thân thương. Lũ trẻ nô nức chạy từ nhà này sang nhà khác. Mai đã rộ bên hiên nhà ai từng bông vàng ruộm nắng. Hương Tết thấm đượm cả không gian.

Luân chần chừ trước ngõ hồi lâu, nhìn người đàn ông đi đi lại lại trong sân, chốc sửa sang lại vị trí của nhành mai, chốc chốc chỉnh lại chiếc bàn trước sân để chuẩn bị cho đêm nay cúng giao thừa. Luân chẳng ngờ, mái đầu ba đã bạc đến nhường ấy, tấm lưng kia cũng chẳng còn thẳng như trước.

“Ba!”.

Người đàn ông ấy quay sang tắp lự, đôi mắt sau cặp kính lão sáng lên những tia rạng ngời.
Ông không cười, cũng không có chút cảm xúc khác biệt nào trên gương mặt, nhưng Luân biết, ba đang mừng lắm, vì bàn tay đang vỗ lên lưng Luân vẫn run run.

“Về là tốt rồi! Về là tốt rồi!”.

Luân vào thắp hương cho má. Bàn thờ má sạch tinh tươm, hương hoa ly má thích nhất thoảng trong gió chút hương bình an đoàn viên, trái cây đơm đủ đầy và tươi mới. Nụ cười của má, vẫn luôn dịu dàng như ngày ấy.

Luân xuống bếp, nồi măng hầm nóng hôi hổi, những đòn bánh tét xanh màu lá tươi vẫn đang đợi đêm nay nhóm bếp.
Chỉ nhìn thôi, cũng đủ biết tất cả những tinh tươm này đều nhờ tay một người phụ nữ.

Luân quay sang ba, ngập ngừng mãi hồi lâu rồi mới hỏi:

“Dì Tâm đâu rồi ạ!”.

Ba ngẫm nghĩ hồi lâu rồi đành nói thật.

“Dì lo con không vui nên trở về căn nhà dì ở trước đó rồi!”.

Luân yên lặng, chẳng ừ hử gì thêm.

Gần khuya, Luân cùng ba sửa soạn mâm cúng. Khi mọi thứ đã xong xuôi, Luân khoác thêm áo rồi ra ngoài.

“Con định đi đâu?” - Ba Luân gọi với ra.

“Con… đi gọi dì”.

Nói rồi cậu trai chạy mất hút vào màn đêm, mượn sắc đen của trời để che đi đôi tai đang ửng đỏ lên vì ngượng của mình.

Tết về rồi! Và thật may, khi Luân vẫn còn nơi để trở về.

ST 

 

                             
       Ấm áp Xuân về

Một mùa Xuân nho nhỏ,
Ấm áp đến vô cùng...
Hương mai vàng đang nở,
Đón chờ chúa Xuân sang !!

Ta nghĩ về gian nhà nh,
Nhìn Xuân đang thắm tươi...
Chợt thấy lòng ấm áp,
Như nụ hoa đang cười !!
NM

Mùa Xuân nho nhỏ...

Gần về khuya trời lạnh, lại thêm những hạt mưa lây rây nên cảm giác càng lạnh hơn. Con đường cũng bớt dần tiếng xe gầm rú. Tuấn thắp một nén nhang lên chiếc bàn thờ đơn sơ trong căn lán quây tạm giữa công trình, định tăng volume chiếc tivi nhưng chiếc máy cũ, đã bị tha lôi hết công trình này đến công trình khác vẫn ì ra, âm thanh có vẻ càng tậm tịt.

Giờ này chắc Vân đang thịt gà, chuẩn bị cỗ cúng giao thừa. Đến tội, lát nữa cúng khấn thể nào cũng mếu máo. Tuấn đã mua, để sẵn cuốn sách Văn Khấn Nôm vào ngăn tủ từ ngày lang bạt theo các công trình, dặn Vân lễ nào lịch nấy, cứ lấy sách ra mà đọc.

Thằng cu hẳn là ngủ rồi, hoặc đang xem tivi. Hôm kia, lúc tạt vội về báo hai mẹ con là Tết này anh phải trực công trình, thằng bé đần mặt ra: “Thế mình không về ông nội, ông ngoại hả bố?”. Suýt Tuấn rơi nước mắt trước mặt thằng bé. Anh giải thích loanh quanh, nào là năm nay mọi người vất vả cả rồi, có bố là còn tương đối thảnh thơi, lại thỉnh thoảng vẫn được về thăm nhà nên phải trông công trình cho mọi người về quê ăn Tết; nào là mai kia ra Giêng, bố về thì bố con mình đi sau. “Lúc ấy Tết mới to”, anh nháy mắt nhưng thằng bé xịu hẳn mặt xuống.



Vân cũng buồn không kém. Nghe anh nói, Vân im lặng. Một sự đồng cảm không lời. Vân biết, lý do này nọ anh đưa ra chỉ là ngụy biện thôi. Sâu xa là anh muốn kiếm thêm ít tiền. Tuần trực Tết, lương ngày công tăng gấp ba cũng thêm vài triệu.

Năm 2022 là một năm kỳ lạ. Qua Tết Nhâm Dần, dịch dã được kiểm soát, anh được công ty động viên trở lại thành phố đi làm. Lại được công đoàn lo bố trí thuê giúp sẵn chỗ ở. Xe công ty về tận nơi đón anh cùng mấy chục công nhân trong huyện đi làm. Đời làm công nhân như anh chưa bao giờ được thế...

Những tháng đầu năm tăng ca ào ạt, phúc lợi lên cao. Ai cũng mừng. Rồi không hiểu sao mỗi ngày lại thấy mọi sự thít lại, việc giãn ra. Anh và đồng nghiệp phải nghỉ cầm chừng. Đến tháng 7, tháng 8 thì việc đứt hẳn. Công ty kêu khó, công đoàn động viên. Mỗi người nhận ít trợ cấp rồi trở về nhà.

“Không đi làm xa nữa anh ạ, vất vả, bấp bênh mà được đồng nào rải đường hết. Ngay ở đây có doanh nghiệp xây dựng đang tuyển bảo vệ, anh thử xin vào làm xem có được không?”, Vân nói.

Tuấn xin việc và được nhận. Đó là một doanh nghiệp xây dựng nhỏ. Hai năm dịch bệnh, họ “đắp chiếu” đến gần chục công trình ở mấy huyện quê anh. Chỗ này một trường tiểu học dở dang, chỗ kia đoạn kênh mương thủy lợi, chỗ nọ một trạm y tế, chỗ khác nữa là một bức tường rào khu hành chính cơ quan...

Cứ tưởng công việc ổn định, gần nhà, ai ngờ chừng một tháng thì anh bị điều đi công trình khác. Ở đó chừng một tháng lại bị điều đi công trình khác nữa. Cứ thế, đến công trình này là thứ năm hay thứ sáu rồi.

Lần đầu bị điều động đi nơi khác, Tuấn định gặp giám đốc trình bày xin ở lại, anh bạn đồng nghiệp tên là Thảo bảo: “Thôi ông ạ, họ điều đi thì cứ đi thôi”. “Nhưng đây và chỗ mới khác gì nhau. Tôi lại mới đi làm được một tháng?”. Anh bạn cười hì hì: “Họ có lý cả đấy. Mèo già hóa cáo. Ở lâu một chỗ, ông quen biết dân địa phương, nếu có tính tắt mắt thể nào cũng ăn cắp ít sắt thép, xi măng tuồn ra ngoài. Họ có kinh nghiệm từ những vụ trước ông ạ”...

Tuấn lấy chiếc đèn pin, dạo một vòng quanh khu vực công trường. Khắp nơi, gạch đá ngổn ngang; mấy chục bao xi măng được vất chèn đầy một cầu thang xây dở. Trong lòng một căn phòng mới hoàn chỉnh phần mái, một đống sắt thép, loại cuộn tròn, loại cây thẳng đến mấy tấn vất chỏng chơ. “Ông Thảo nói đúng. Lúc này mình ăn cắp vài cây thép cũng chẳng ai biết. Còn xi măng có cho mình cũng không thèm, chẳng được bao nhiêu tiền, đèo hỏng cả xe”, anh thầm nghĩ.


Có chuông điện thoại, Tuấn mở máy nghe. Đầu dây bên kia tiếng Thảo lẫn với tiếng nhạc ầm ĩ: “Ông có ở công trình không hay đi đâu?”. Anh giải thích mình đang đi ngó xung quanh. Thảo nói to: “Ông về lán ngay nhé, giám đốc đến thăm đấy!”.

Tuấn vội vàng chạy về lán thì thấy ba người đã ngồi đó. Ngoài giám đốc công ty còn có trưởng phòng hành chính, nhân sự và một chị còn trẻ mặc chiếc áo màu xanh, ông giám đốc giới thiệu là cán bộ công đoàn huyện. “Công đoàn đến thăm, tặng quà anh trực Tết. Lẽ ra chúng tôi báo anh sớm hơn, nhưng đến bất ngờ thế này để anh vui”.

Chị cán bộ công đoàn nói ngắn gọn, đại ý, công đoàn huyện có mấy trăm suất quà cho người lao động trực Tết, ở công ty này anh được chọn. Quà ít, lòng nhiều, chúc anh và gia đình mạnh khỏe, bình an. Dù đã từng nhận quà công đoàn ở công ty cũ, Tuấn vẫn thấy xúc động, chỉ nói được mấy câu lý nhí cảm ơn. Anh thầm nghĩ: “Mấy ông bà này đúng là cơm nhà vác tù và hàng tổng. Chắc chồng con phải dễ tính, thông cảm lắm thì giờ này mới bỏ gia đình đi chúc Tết người dưng”.

Mấy người về rồi, anh còn mân mê mãi túi quà. Không có gì nhiều, mấy gói bánh kẹo, cái phong bì trong có năm trăm. Điều làm anh nghĩ và lấy làm lạ là sao họ, cái chị công đoàn ấy, phải khổ sở đêm hôm đội mưa đến thăm nom, tặng quà Tết cho mình?

Sắp giao thừa, mưa đã tạnh, trời sáng lên đôi chút. Tuấn định lát nữa gọi về nhà thì vừa may Vân gọi tới. Qua camera, anh thấy căn phòng nhỏ của hai vợ chồng sáng bừng lên. Vân đã bày mâm cỗ lên bàn thờ, hai bên đặt hai cây mía, giàn bóng điện xanh đỏ nhấp nháy.

Thằng cu ló vào màn hình điện thoại. “Chưa ngủ hả con?”, giọng anh nghẹn lại. “Chưa bố ạ, mẹ bảo thức tý nữa xem pháo hoa”. “Thế có chuyện gì hay kể cho bố không?”. Thằng cu nhảy nhót, cười váng lên: “Không có bố ạ, chỉ mong bố về sớm thôi”. Tuấn phải quay đi, lặng một giây kiềm chế giọt nước mắt đã cay cay nơi khóe mắt.

“À, con quên”, thằng cu lại ngó vào màn hình điện thoại. “Quên gì con?”. “Con chúc bố khỏe mạnh, hạnh phúc và kiếm được nhiều tiền”. Lần này thì Tuấn tắt máy. Anh khóc.


Chưa bao giờ anh xấu hổ về sự nghèo. Cái giàu và nghèo có làm nên giá trị con người không? Có là thước đo hạnh phúc không? Đã đành không có tiền anh sẽ vất vả hơn, như đang vất vả, xa cách hôm nay; nhưng anh đã nỗ lực hết sức và mọi sự không chiều theo ý muốn của anh. Hay tại anh bằng lòng với những gì mình có nên không quyết liệt thay đổi tìm hướng đi mới, kiếm thật nhiều tiền cho vợ con sung sướng, tự hào?

Một thằng bé cũng biết nói đến tiền, biết niềm vui được hưởng thụ nếu có tiền thì có nguy cơ gì không, nó có còn trong trẻo để lớn lên không bợn vật chất không? Và có thật nó chúc bố kiếm tiền hay đó là ý của mẹ nó, như một lời trách, hay như một sự ghi nhận, cảm thông?.

Đồng hồ điểm giao thừa. Tiếng nhạc từ chiếc tivi cất lên trang trọng. Loáng thoáng có tiếng pháo nổ đì đùng. Lệnh cấm pháo gần ba mươi năm qua vẫn chưa được thực thi triệt để.

Tuấn thấy lòng mình trùng lại. Có lẽ anh đã hơi cả nghĩ. Anh thắp thêm một nén nhang, cắt khoanh bánh chưng và tự thưởng cho mình một ly rượu nhỏ. Một cái gì như niềm hạnh phúc len lỏi vào từng tế bào thần kinh. “Ba hôm, chỉ ba hôm nữa mình sẽ về với con”, anh nhủ thầm và thấy vui vui.

“Mùa xuân. Mùa xuân. Một mùa xuân nho nhỏ...”, tiếng hát bỗng vang lên. Bài hát anh đã nghe cả nghìn lần mà cảm giác chưa bao giờ thấy hay đến thế...

Lưu Hiện








 

 


 

 

 

 

Nốt nhạc trầm

GN - Con ngồi chờ ở đây để má lượm ít con ốc về làm mồi cho ba con nhấm rượu nhe?

Nói xong má đặt tôi ngồi vào cái thúng như để chuẩn bị gánh tôi về với đầu gánh bên kia là thúng khoai lang chuẩn bị sáng hôm sau đem ra chợ bán. Nhưng tôi bật dậy như cái lò xo, bước ra khỏi thúng lẽo đẽo theo sau má. Má lội xuống mương, nước ngập quá gối, khom lưng thò tay xuống rồi nắm lên liền một nắm ốc như thể má biết rõ chỗ nào lũ ốc tập trung nhiều nhất vậy.


Má cũng không bỏ sót những con ốc đeo trên mấy chà tre, thân rau nhút, rau muống xung quanh đó. Bàn tay má nhanh thoăn thoắt nhưng không hề lẫn lộn ốc to với ốc nhỏ; má chỉ bắt ốc lớn thôi, còn ốc nhỏ má bỏ lại xuống mương “để cho sau này con nhỏ nào lấy Út của má thì bắt lũ ốc ấy về làm mồi cho Út nhậu hỉ!”. Má nhìn tôi cười tươi trong khi bàn tay còn ngắt luôn mấy đọt rau muống mềm mọng nổi lênh đênh trên mặt nước.

Tôi không thể nào quên được nụ cười đó của má. Nụ cười đã ám ảnh tôi, theo tôi suốt cuộc đời như một biểu hiện của tình yêu, sự lạc quan trong hoàn cảnh khó khăn nhất của đời người. Nó như một sự xóa tan, trút bỏ bao nhọc mệt để vươn lên, như hoa sen vươn lên khỏi mặt nước hồ lạnh lẽo đón nắng mặt trời để mà nở, mà tỏa hương. Tôi tiếc rằng mình không phải là họa sĩ tài ba hay nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp để kịp ghi lại khoảnh khắc tuyệt vời đó.

Gió lạnh từng cơn thổi rào rào trên đồng vắng. Tôi nói, hai hàm răng đánh vào nhau cầm cập vì lạnh: “Mình về má ơi!”…

Tôi là út trong gia đình tám anh chị em. Ông nội tôi là địa chủ. Ba tôi không quen làm lụng dù sau này đất đai đã không còn như trước nữa. Nhà nghèo, một mình má bươn chải. Tuy cực khổ lắm nhưng đứa nào má cũng dành trọn tình thương như nhau, hết đứa này tới đứa khác, một cách kiên trì nhẫn nại. Đi đâu má cũng toàn đi bộ, uống nước mương ven đường. Đã thế lại còn cõng thêm “cục nợ” là tôi đây nữa (má hay gọi tôi là “cục nợ” một cách trìu mến).

Không hiểu sao từ khi sinh ra tôi đã đeo riết bên má. Hễ vắng chừng năm mười phút là tôi thấy lạc lõng lạ thường. Sau này nghĩ lại tôi tự trách mình. Phải chi hồi đó mình không đeo theo má như vậy thì má đỡ khổ biết mấy, để mỗi buổi chợ sáng má có thêm vài ký khoai lang ở đầu gánh bên kia, để trên đường xa má không phải cõng tôi trên lưng dù chắc lúc đó chân má cũng mỏi nhừ... Nhưng có lẽ nhờ sự vô tư đáng trách đó của trẻ con mà tôi càng cảm nhận thêm thế nào là sự ấm áp của tình mẹ. Chẳng những mẹ không bao giờ phàn nàn phải cõng tôi mà có khi má còn nói đùa, gọi tôi là “ông con”.

Má cứ miệt mài làm lụng nuôi chồng, nuôi con. Má còn lo lắng chạy thầy chạy thuốc cho chị Năm hay trong nhà có ai bị bệnh. Ngày anh Bảy đi nghĩa vụ quân sự ở chiến trường Campuchia, tôi nhớ như in cảnh má nhào ra xe, rồi ngất xỉu khi chiếc xe chở anh chạy qua... Sau này khi có dịp đọc kinh Bổn sanh Bổn sự nói về tiền thân Đức Phật, tôi càng hiểu thêm tâm trạng của má tôi lúc đó. Chuyện rằng có một con nai mẹ đứng liếm vết thương cho nai con vừa bị trúng tên của gã thợ săn nào đó. Liếm một hồi thì nai mẹ cũng lăn ra chết luôn, vì đau lòng đến đứt ruột.

Tôi nghe người ta nói, ông nội ngày xưa là địa chủ. Do ăn ở ác với tá điền nên bây giờ con cháu phải chịu quả báo nghèo hèn. Tôi không biết thực hư chuyện đời trước thế nào, nhưng gia đình tôi nghèo là có thật. Một số anh chị của tôi dù có gia đình nhưng chẳng những không phụ giúp gì cho mẹ tôi mà trái lại, có khi còn chạy qua xin gạo, nước mắm, muối... Má tôi đều vui vẻ đưa cho, để rồi sau đó nghe ba tôi chửi mắng. Tuy nhà nghèo nhưng ba tôi rất sang. Mỗi bữa cơm phải có đồ nhấm và một xị rượu. Nếu không thì ông sẽ cằn nhằn, mắng mỏ. Có lần ba đem đốt cả một bó lá dừa to giữa nhà để ăn cơm chỉ vì mẹ tôi đốt đèn bóng (để tiết kiệm dầu) cho ba ăn cơm. Lận đận là vậy, nhưng tôi chưa bao giờ thấy má khóc cả. Hay má muốn giữ vững tinh thần trước mặt chúng tôi mà khóc lén cũng không biết chừng?

Càng lớn tôi càng nhận thức được những khổ đau của má. Đối với tôi, không có người phụ nữ nào trên đời này chịu thương chịu khó bằng má. Sau một lần má ngã bệnh, tôi thấy má già hẳn di. Tôi nghĩ thầm chắc má không thể cõng tôi đi đâu được nữa rồi. Hình như má biết tôi đang nghĩ gì nên xoa đầu tôi nói: “Mai mốt đi đâu Út cõng má hén?”. Tôi “dạ” một tiếng rất ngoan, làm má vô cùng hài lòng. Lúc đó tôi chỉ có một ước muốn là làm sao cho mau lớn để... cưới vợ, đặng có thêm người làm phụ má mà thôi. Tôi không sợ ế vợ, vì tôi thường nghe mọi người khen tôi dễ thương, rằng “sau này lớn lên sẽ có nhiều con (con gái)... chết vì thằng Út cho mà coi!”.

Má tôi vốn là một tiểu thư trâm anh đài các, nên được học đủ các loại nữ công gia chánh, cũng như âm nhạc, hội họa - nhất là ngón đàn tranh thì thật tuyệt. Vì khi tôi mới sinh ra, má thấy tôi “dễ thương như một nốt nhạc” nên đã dạy tôi dánh đàn những khi rảnh rỗi. Có thể nói tôi là niềm an ủi duy nhất của má, gợi nhớ một thời con gái tươi đẹp nhưng ngắn ngủi (má lấy chồng năm mười sáu tuổi). Tôi không nghĩ được “vợ” tôi sau này phải như thế nào, nhưng phải giống như má và phải biết thương má như tôi mới được...

Nhưng sự đời ít ai biết trước. Càng không ai có thể ngờ tôi sẽ trở thành một tu sĩ!

Lần nọ, trên đường đi học về, tôi bị quẹt xe. Người lái xe là một ông... thầy chùa. Ông chở tôi tới chùa băng bó vết thương rồi đưa tôi về tận nhà, kèm theo rất nhiều quà. Ông cũng gửi tiền cho má tôi, nói là để mua thuốc cho tôi uống thêm. Từ đó trong tôi luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh ngôi chùa tráng lệ. Trong tôi hình thành ý muốn xuất gia với ý nghĩ rằng chỉ có cách đó mới… giàu được, mới có điều kiện đem lại sự sung sướng cho má, bù đắp những tháng ngày cực khổ. Và tôi đã đi tu với lời hứa rằng: “Má ráng sống đến mười năm nữa con sẽ mua xe du lịch chở má đi chơi!”.

Thời gian trôi qua nhanh quá, mười năm, rồi mười năm nữa, nhưng đứa con “chí hiếu” của má vẫn là một Tăng sinh nghèo. Chẳng những tôi không thể mua xe du lịch chở má đi chơi như đã hứa mà có khi còn để cho má phải lo lắng khi thấy “ông thầy” ăn mặc sao lam lũ quá. Má thỉnh thoảng còn nhét vào túi tôi ít tiền mỗi khi tôi về thăm nhà... Mấy đứa bạn học chung với tôi hồi phổ thông bây giờ đều giàu có cả. Phải chăng, chọn con đường đi tu để mong thoát nghèo là một chọn lựa sai lầm? Hỏi không phải để hối hận, mà là để trêu cái thằng nhóc tôi năm xưa sao mà ngây thơ quá đỗi! Có ai chọn con đường đi tu để làm giàu bao giờ!

Thời gian tu học ở chùa cũng là thời gian chuyển hóa dần cách nghĩ trẻ con ấy của tôi. Tôi dần dần nhận ra một cách chân thành rằng vật chất chỉ là gánh nặng trên đôi vai trần, không hề đem lại hạnh phúc gì cho con người cả, có chăng chỉ là bóng hình huyễn ảo, chập chờn như bóng đèn trên tường và phù du còn hơn cả con phù du sống trên mặt nước nữa. Được quy y Tam bảo và được sống theo chân lý của Phật-đà mới là hạnh phúc tối thượng, dù cho vẻ bề ngoài có lam lũ và đạm bạc đến đâu. “Đại phú do mệnh, tiểu phú do cần”.

Má à, giả sử như nhờ phước kiếp trước mà con của má được giàu có thì chắc con cũng không mua xe du lịch đâu... Cho đến lúc này, tôi phần nào hiểu được nụ cười giữa hoàng hôn ngày nào của má. Tuy cực khổ nhưng do thấy được ý nghĩa việc làm của mình là nuôi chồng nuôi con nên cực về vật chất mà vẫn vui về tinh thần. Cũng như tôi bây giờ, là người nghèo nhất trong đám bạn, nhưng để thấy đời mình có ý nghĩa thì chưa chắc ai đã hơn ai?

Ngày má bệnh, tôi về thăm và cho má xem bài báo đầu tiên của tôi được đăng và tặng má tiền nhuận bút. Coi như số tiền đầu tiên do chính sức lao động của tôi có được. Bài viết về ý nghĩa của chữ hiếu trong đạo Phật. Má đọc xong rồi nhìn tôi cười, nói: “Xe du lịch của thầy đó à?”. Tôi bỗng lúng túng, vì không ngờ má còn nhớ lời hứa ấy và đã nhắc lại trong giờ phút này. Tôi không hiểu má đang khen hay chê, yêu hay trách tôi khi hỏi vậy, nên đã trả lời bâng quơ: “Ai bảo hồi đó má cho con đi tu chi?”.

Tôi chợt nhớ hình ảnh má dắt tay tôi rời khỏi con đường làng gập ghềnh sỏi đá. Má con chia tay nhau trước cổng chùa vì má không nỡ nhìn thấy tôi xuống tóc. Hơi ấm từ bàn tay má xa dần, xa dần... theo năm tháng. Chợt má nhìn tôi mỉm cười: “Sau khi hết bệnh, má sẽ lên chùa quy y Tam bảo”. Má nắm lấy bàn tay tôi. Ôi, lâu rồi tôi mới cảm nhận lại hơi ấm từ bàn tay ấy. Nhưng có hơi khác một chút, vì ngoài ý nghĩa yêu thương ra, còn hàm ẩn một lời cảm ơn, rằng “má đã giác ngộ được đạo Phật, nhờ con đó”. Tôi hiểu được những gì má muốn nói và vui mừng khôn xiết. Tôi tặng má kinh sách, băng đĩa về Phật giáo... gọi là để xem, nghe “mỗi khi buồn hay nhớ con”. Tôi chỉ có thể giáo hóa má bằng cách gián tiếp mà thôi chứ đâu dám nói thẳng là mẹ đã lỡ tạo những nghiệp không lành trong đời. Bởi vì dù đó là nghiệp xấu gì đi nữa thì cũng chỉ vì con cái chứ vì ai! Tôi nắm chặt tay má và nhìn vào mắt như thầm cảm ơn má đã hiểu tôi và không trách tôi không giữ lời (mua xe) như đã hứa.

Tôi lấy chiếc đàn tranh xuống dạo một khúc. Má con nhìn nhau mỉm cười. Tôi đã không thể đem đến cho má sự vinh hoa phú quý, không có nhà cao cửa rộng, không có xe hơi để chở má đi chơi giữa phố phường, giữa bà con lối xóm cho má được nở mặt nở mày như tôi đã từng mơ ước. Nhưng những gì tôi có thể làm cho má hôm nay còn quý hơn những điều đó rất nhiều, đó là “con đường giác ngộ” mà tôi đã “vô tình” thấy được, đã “hiến dâng” cho má một nơi nương tựa không chỉ đời này mà đời đời kiếp kiếp đến tương lai: Quy y Tam bảo.

Tiếng đàn vẫn réo rắt, khi lên cao, khi lắng đọng... Nghĩ lại đời má nghèo nhưng không khổ, vì lúc nào má cũng có niềm vui tinh thần, trước đây là niềm vui được lo cho chồng con, bây giờ là vui với Chánh pháp. Tôi ví niềm vui đó của má như nốt nhạc trầm vậy. Không ồn ào nhưng sâu xa, nuôi dưỡng lòng người trong sáng mãi không thôi...