Ba tôi đứng lấy tay che nắng, nheo mắt nhìn lên tấm biển hiệu treo trên cao, hỏi tôi:
- Mình đi đâu vậy con?
- Đi ăn nhà hàng, ba!
- Trời, ăn ở đây sao? Chắc đắt dữ lắm! Thôi, mình đi chỗ khác đi con.
Tôi nhìn ba cười xuề xuề mà nước mắt tự dưng chảy ròng ròng trên má:
- Con đặt chỗ cho ba và Na Anh rồi. Mình vào thôi ba. Ngoài này nắng.
Ba tôi miễn cưỡng bước vào. Nhìn cái dáng gầy khô khó nhọc bước từng
bước lên bậc tam cấp dẫn vào nhà hàng, tôi thương đứt ruột.
Na Anh dìu ba một bên, tôi dìu một bên. Ba chúng tôi bước đến chỗ
ngồi đã đặt trước. Chỗ tôi đặt ở ngay bên cửa sổ, trên có đèn pha lê.
Bàn ăn được trải bằng khăn sọc carô, có lọ hoa hồng tỏa hương thơm ngát.
Tôi kéo ghế mời ba ngồi. Na Anh và tôi tự kéo ghế ra ngồi bên cạnh ba
đợi bồi bàn mang thức ăn theo đúng thực đơn tôi đã đặt.
- Hai đứa này nay màu mè quá, dẫn ba đi ăn nhà hàng nữa. Ăn ở đây có đắt lắm không con? - Ba tôi hỏi.
Tôi xoay sang nhìn Na Anh, nháy mắt, nghĩa là Na Anh phải phối hợp ăn ý với tôi từ lời lẽ đến hành động.
- Không đắt đâu ba. Ngay đợt khuyến mãi mà. Con nằm trong danh sách
may mắn được miễn giảm tận 50% tất cả các món ăn ngày hôm nay.
Na Anh phụ họa:
- Anh Hai nói đúng đó ba. Ba cứ việc dùng thoải mái, rẻ lắm!
- Ừ, rẻ thì ba ăn, chứ đắt quá thì thôi con ạ! Phí phạm lắm! Một bữa
ăn hôm nay bằng mấy tháng ăn của năm xưa, ba nuốt không trôi…
Tôi vừa vui vì ba tin lời tôi, rằng bữa ăn hôm nay được giảm giá.
Nhưng tôi cũng vừa thấy lòng mình xót xa. Cớ gì ba tôi cứ đau đáu nhớ về
chuyện cũ người xưa, nhớ về những tháng năm khổ nghèo, thiếu thốn. Mỗi
lần tôi dắt ba đi đâu đó chơi, ăn món gì đó sang sang mà có một thời tôi
thèm thuồng ước ao, nghĩ rằng chắc cả đời mình cũng không thể nào ăn
được, ba tôi lại ngồi thẫn thờ ngẫm ngợi. Ba tôi ăn một cách miễn cưỡng,
ăn lấy vị để tôi và Na Anh vui lòng. Tôi biết ba không thật sự thoải
mái khi tận hưởng những gì mà anh em tôi mang đến cho ba.
Ba tôi vẫn nhớ hoài chuyện cũ, người xưa, nhớ về một thời nổi trôi,
một thời phiêu bạt. Anh em tôi giờ đã thành nhân chi mỹ, tôi làm trong
công ty lớn, có nhà đẹp, có xe hơi, Na Anh sau khi được tôi hỗ trợ đi du
học đã trở về Việt Nam, lương bổng của Na Anh là niềm mơ ước của bao
người. Chúng tôi trở thành “dân thành phố”, dần dần hình ảnh hai anh em
nhà quê chân ướt chân ráo lên thành phố học đại học, ở nhà trọ, đêm đạp
xe lọc cọc đi làm thêm kiếm tiền trang trải… đã phai nhòa trong tâm trí
của tôi.
“Vậy sao ba vẫn nhớ hoài chuyện cũ vậy, hả ba?”. Tôi đã hỏi ba câu
đó. Hỏi rất nhiều lần. Lần nào ba cũng lắc đầu rồi thở dài, ba bước ra
ban-công tìm cho mình một khoảng lặng. Tôi biết lòng ba lại sống lại
những ngày xưa ấy.
Nhiều lần ba bảo tôi đưa ba về quê. “Để làm gì hả ba, ở quê có còn ai
nữa đâu? Chừng nào tới giỗ má hoặc Tết đến chúng con đưa ba về”. Ba gật
đầu đồng ý, nhưng trong thâm tâm ba vẫn muốn trở về quê. Nhân lúc tôi
và Na Anh đến công ty, ba tôi khóa cửa nhà lại, gọi xe ôm chở ba ra bến
xe, mua vé về quê cũ. Tôi về nhà không thấy ba đâu, tôi hốt hoảng gọi Na
Anh. Con bé cuống lên. Chúng tôi đoán chắc ba về quê thăm mộ mẹ nên
ngay lập tức phóng xe trên con đường quen thuộc trở lại căn nhà nhỏ xiêu
vẹo bên bờ sông, phía sau có mảnh vườn, có ngôi mộ mẹ tôi nằm dưới màu
xanh cây trái.
Ba tôi đang ngồi bên mộ mẹ, dưới gốc cây nhãn xuồng đang độ ra quả
lúc lỉu. Mấy con sóc chuyền cành ăn nhãn rớt lộp độp dưới gốc cây. Ba
đang nói điều gì đó với mẹ mà tôi không nghe rõ, chỉ thấy ba cúi người
nhổ cỏ mọc quanh mộ mẹ, thủ thỉ chuyện trò như thể mẹ tôi vẫn còn đang
sống, như là mẹ đang ngồi trước mặt ba lấy nón lá quạt phe phẩy cho mát
giữa bóng mát cây vườn. Na Anh định gọi ba, nhưng tôi ra hiệu cho Na Anh
im lặng. Tôi muốn ngắm ba mình thêm chút nữa. Mắt tôi cay cay. Tôi biết
rằng: mẹ vẫn sống mãi trong trái tim ba tôi. Thời gian dẫu trôi nhưng
ba tôi vẫn không thể nào quên được mẹ.
Tôi chạy đến ôm lấy ba vào lòng. Ba xoay sang nhìn tôi và Na Anh, ba nói:
- Hai đứa đừng bắt ba lên thành phố sống nữa! Ba muốn về đây để được tận tay chăm sóc mộ người ba thương mỗi ngày.
Cái tiếng “người ba thương” của ba nghe ấm áp nhưng xót xa vô cùng.
Ba thương mẹ tôi nên ba cứ nhắc mãi chuyện năm xưa: “Giá như lúc đó nhà
mình khá giả, ba có tiền đưa mẹ con đi chữa bệnh đến nơi đến chốn, chắc
là mẹ con không đi sớm như vậy”. Ba tôi hiểu đời không phải lúc nào cũng
diễn ra theo ý muốn của mình nhưng ba ôm nỗi đau năm ấy mãi trong lòng.
Ba tôi cứ trách bản thân đã không lo được cho mẹ tôi đầy đủ, để mẹ phải
ra đi trong bệnh tật, ốm đau.
Trước lúc nhắm mắt xuôi tay, mẹ tôi dặn ba phải lo lắng chu toàn cho
anh em chúng tôi, đừng để chúng tôi phải sống khổ, sống cực như cuộc đời
của ba mẹ. Ba đã nỗ lực rất nhiều để làm tròn lời dặn dò của mẹ. Ba dắt
anh em tôi lên thành phố, thuê nhà cho chúng tôi ở để đi học. Ở quê
nhà, ba tôi đã làm đủ tất cả mọi nghề để kiếm tiền gửi lên cho chúng
tôi. Tôi học giỏi, lại có ý chí nên may mắn liên tục đến. Tôi nhận được
học bổng toàn phần. Gánh nặng nơi ba vơi nhẹ phần nào. Na Anh cũng vào
đại học.
Một buổi chiều nhớ ba, tôi gác mọi công việc ở thành phố bắt xe về
quê thăm ba. Tôi đã khóc khi thấy ba tôi gầy đi nhiều, những nếp nhăn
chi chít trên khuôn mặt sạm nắng. Tóc ba tôi bạc trắng. Tôi nắm bàn tay
chai sần của ba, đặt lên trước ngực mình. Ba nói: “Cái thằng này, lớn
rồi mà cứ như con nít! Ai già mà chẳng vậy. Nhìn các con khỏe mạnh và
thành công mỗi ngày là ba vui rồi”. Tôi ôm ba khóc rưng rức như một đứa
trẻ. Nắng chiều sắp tắt. Hai ba con tôi thập thững về nhà trên con đường
ngày nhỏ tôi thường chân trần chạy nhảy đem cơm, đem nước ra cho ba mẹ
mỗi buổi trưa nắng cháy…
Tôi nắm tay ba và Na Anh bước đến bên mộ mẹ. Chúng tôi ngồi xuống
trước mộ, dưới bóng cây nhãn xuồng chín thơm phưng phức. Cây nhãn này ba
tôi trồng từ lúc tôi còn bé xíu, còn Na Anh thì chưa chào đời. Cây nhãn
xuồng chứng kiến tuổi thơ thiếu thốn nhưng ấm áp ngọt ngào của tôi,
chứng kiến chúng tôi lớn lên, vui đùa chạy nhảy và rồi đợi chờ chúng tôi
trở về khi chúng tôi chọn thành phố làm bến đỗ của tuổi trẻ và mai sau.
Cây nhãn vẫn thủy chung che chắn cho mộ mẹ tôi khỏi nắng mưa, tỏa bóng
mát vỗ về mảnh đất quê hiền lành mộc mạc.
- Ba ơi! Chúng con xin lỗi ba. Chúng con tưởng rằng những gì chúng
con đang làm có thể lấp đầy những đau khổ mà ba mẹ đã trải qua. Nhưng
giờ đây con đã biết, với ba có một điều khác thiêng liêng hơn rất nhiều.
- Mình kêu người sửa sang lại căn nhà cũ, dọn lại mảnh vườn, đắp lại
bờ ao nha ba - Na Anh nói tiếp - Căn nhà cũ của mình sẽ không còn xập xệ
nữa. Để đến khi giỗ mẹ hoặc lễ Tết, gia đình mình sẽ về đây mà ở, quây
quần với bà con chứ không bỏ quê mà đi biền biệt như bao nhiêu năm qua
nữa…
Ba tôi nhìn chúng tôi, mắt ba tôi ngời ngời lên những tia hạnh phúc.
Tôi thấy ba cười mà khóe mắt long lanh. Tôi biết ba tôi xúc động vì
những đứa con thơ dại năm nào của ba nay đã trưởng thành, hiểu chuyện.
Điều quan trọng là cả tôi và Na Anh nhận ra rằng: Không có điều gì quý
giá bằng gia đình và quê hương nguồn cội. Dù chúng tôi có đi đâu, có
giàu sang thế nào thì quê hương vẫn là một phần máu thịt, một phần tâm
hồn của chúng tôi.
Tôi sẽ sửa sang lại căn nhà trên mảnh đất quê. Từ nhà ra mộ mẹ, tôi
sẽ nhờ người làm con đường xi-măng quang quẻ để ba tôi có thể ra thăm mẹ
mỗi sớm mỗi chiều mà không phải đi qua những mương nước có chiếc cầu
bắc tạm tròng trành. Khi nào nhớ mẹ, nhớ nhà, tôi sẽ đưa ba về căn nhà
cũ, hoặc nếu ba muốn ở đây, bên cạnh mẹ, tôi cũng sẽ đồng ý để rồi cuối
tuần anh em chúng tôi lại háo hức về quê.
Và những ngày Tết đến, chúng tôi sẽ sắp xếp công việc ổn thỏa để ở
hẳn quê nhà, ăn cái Tết bình dị, ấm áp nhưng đong đầy nghĩa tình cùng bà
con làng xóm. Tôi biết đó là cuộc sống mà ba tôi đang mong chờ. Người
già đơn giản lắm, chỉ cần được sống bên cạnh những gì khơi gợi kỷ niệm
một thời đã qua, sống bên những yêu thương chân thành, bình yên và dung
dị cũng đủ khiến họ thấy lòng mình ấm áp…
Nhắm mắt lại giữa màu xanh cây vườn, tôi thấy mình vẫn là đứa trẻ năm
nào lon ton trước vuông sân, ngồi vọc nước ở bờ ao sau nhà, chạy còng
còng ra đầu ngõ đón mẹ đi chợ về mang theo bao nhiêu quà bánh.
Nhắm mắt lại, tôi thấy mình trở lại mái nhà xưa, ngồi bên hiên nắng,
nghe tiếng gà gáy xao xác…Đó là khoảnh khắc bình lặng nhất của tôi sau
bao bão giông, biến động của cuộc đời.
Quê hương và gia đình chính là liều thuốc chữa lành vết thương tâm hồn của mỗi người. Là thiêng liêng. Là vô giá…
Những mùa bông lau sậy,
Hoa sậy nở cả một vùng trắng xóa,
Thuở ngày xanh con trôi dạt muôn nơi,
Mẹ cùng con phiêu bạt khắp phương trời !
Trong ký ức cả một vùng kỷ niệm...
Con giờ xa, xa vời nơi thơ ấu,
Có mẹ không cha ôm cả nỗi niềm đau...
Giờ mẹ cha biền biệt cuối trời ngâu,
Mẹ cay đắng đành lìa nơi vô vọng
Trở về đây với bao nhiêu ước mộng,
Sậy không còn và lúa mọc mênh mông...
Bóng hình ai cô quạnh giữa trời không !?
Vẫn là mẹ, một mình thân đơn lẻ !!
NM
GNO - Tôi trở lại cánh đồng đúng ngay mùa bông sậy nở. Những đám sậy mọc
khỏi đầu người, phất phơ trong gió. Ở xứ này, ngoại trừ giữa đồng, chỗ
đất làm đám mạ, sậy bị phóng hỏa đốt sạch, những chỗ còn lại sậy vẫn
được giữ, đợi đến mùa trổ bông.
Cánh đồng vắng người. Rì rào gió. Đám sậy uốn lượn như sóng. Tôi đứng
nhìn cánh đồng và mớ bông sậy đã trổ hồi lâu. Bông trắng muốt. Chợt
nghe bên tai văng vẳng tiếng má tôi, khiến tôi bồi hồi:
- Dương, theo má ra đồng hái bông sậy! Nở bung hết rồi!
Tôi chạy vào bếp lấy cái thúng, cun cút ôm thúng theo sau má đi trên
con đường mòn ra đồng. Gió thổi liêu xiêu. Mấy lần sậy cắt đứt tay chân
tôi, tươm máu. Tôi quệt máu. Vài phút thôi đã hết đau. Má nói mấy vết đó
thì có ăn thua gì. Năm xưa má từng té dưới nước, chân vịt đang xoay
phạt đứt chân má, vết sẹo dài bằng gang tay tôi, má có than vãn gì đâu.
Một đêm không trăng chúng tôi đi ngang qua khu rừng tràm. Mùa ấy,
nước dâng lên khỏi gốc tràm. Ban ngày nước có màu đỏ bầm, ban đêm nước
đen kịn, nhìn sâu hun hút. Má tôi cho ghe dừng lại, nhóm lò than ở sau
ghe bắc nồi cháo trắng ăn với mớ tép rang mặn còn lại sau bữa cơm chiều.
Bụng tôi cũng cồn cào đói.
Than đã bén lửa, đỏ rực. Tôi ngồi nhìn má. Má tôi là người của sông
nước, quen với việc đi ghe, đi xuồng, nên sinh hoạt trên ghe má tôi làm
gọn bâng. Từ khi bán mảnh đất với cánh đồng nhiều năm không cấy, lau sậy
mọc đầy, má con tôi không quay trở lại chốn ấy một lần nào nữa. Những
dòng sông miên man chảy trôi đưa chúng tôi đi thật xa, thi thoảng ngoái
lại, tôi không nhận ra đường nào là đường về căn nhà cũ.
- Đi là để tìm ba mày, để hỏi ổng coi, tại sao hồi đó bỏ má mà đi, má có lỗi lầm gì đâu.
Nghe má nói, lòng tôi quặn thắt. Cũng đã lâu rồi tôi không gặp ba.
Tôi cũng quên ít nhiều những đường nét trên khuôn mặt của ba tôi. Sợ khi
gặp lại tôi không nhận ra thì khổ. Má tôi ít nói, lâu lâu lại thở dài.
Những tiếng thở nặng nhọc, như thể cuộc đời đã đè nén lên má những tảng
buồn to tướng. Nhưng cũng có khi má hỏi tôi trong lúc đang bắt chí hay
nhổ tóc xơ trên đầu tôi những buổi chiều nắng dần tàn lụi:
- Dương, con có giận ba không?
- Giận làm gì má?! Không phải má nói ba đi là có lý do riêng hay sao. Đâu phải ba ghét bỏ má con mình mà đi đâu.
Má tôi cười giòn giã. Trong tiếng cười có chút gì chua chát lắm.
- Ừ, ba đi có lý do riêng. Mà đến giờ má cũng không biết lý do đó là gì.
- Lạ quá, má ha.
Má tôi “ừ” nhẹ hều. Tôi cũng không hỏi thêm nữa. Chỉ sợ khơi ra, má tôi lại buồn lòng.
Má nói đi tìm ba để má hỏi cho ra lẽ. Đang yên đang lành làm nghề thợ
mộc, nay đóng giường xóm này, mai người ta rước sang dựng nhà ở xóm nọ,
không giàu nhưng đủ sống, chiều về nhà có bữa cơm canh má nấu đợi chờ,
vậy mà ba bỏ đi.
Cuộc đời lênh đênh sông nước, tối đâu là nhà, ngả đâu là giường, vừa
để tôi hiểu thêm đất nước mình rộng như thế nào, vừa để má con tôi biết
rằng sống lang bạt kỳ hồ cực khổ như thế nào. Không gian sinh hoạt,
không gian ăn, ngủ… của chúng tôi đều khung lại trên chiếc ghe hẹp,
trong cái mui lá mà mùa mưa nào má cũng chằm lá rồi lợp lại cho khỏi
dột. Nhiều lúc chân tôi cứng đơ, muốn lên mặt đất chạy nhảy, rong ruổi
như hồi còn sống ở quê cũ tôi đã đi từ đồng sậy này đến đồng sậy nọ để
hái bông về cho má tôi bó chổi mang ra chợ bán. Trong ghe chật, tôi quơ
tay đụng chỗ nọ, chỗ kia, cho đến một hôm tôi làm rơi cái túi vải má vẫn
treo nhiều năm trên mui.
Mấy lần nằm ngủ nhìn lên mui ghe, tôi cũng tò mò về cái túi ấy, nhưng
nghĩ bâng quơ: chắc má đựng linh tinh một vài thứ, không quan trọng
lắm. Giờ thì cái túi rơi xuống, tôi mở nút dây rút cái túi ra xem những
thứ má cất trong túi lâu ngày không dùng đến.
Cái kẹp tóc màu lục bình, vài tấm ảnh cũ, chiếc nhẫn không phải bằng
vàng đã gỉ sét, mấy tờ 200 đồng, 500 đồng đã nhàu má cuộn lại cột bằng
dây thun… và một lá thư. Tay tôi run run. Lá thư không được dán lại nên
tôi chỉ cần giở ra là có thể đọc được tờ giấy ở bên trong. Một thoáng
suy nghĩ, tôi chợt nhớ hồi mình còn nhỏ má dạy xem trộm những gì riêng
tư của người khác là kẻ xấu. Giây phút ấy tôi cũng phân vân lắm, nhưng
rồi tôi tự cho mình cái quyền xem trộm thư của má. Tôi bạo dạn mở ra
xem. Lúc đó má tôi đang ngồi ngoài mũi ghe chải tóc.
Không phải thư của má tôi. Là thư của ba, với nét chữ nguệch ngoạc
của người không đến trường học hành, không phải chữ của dân trí thức mà
được viết ra từ bàn tay người chuyên đục, đẽo, dựng cửa dựng nhà. Nước
mắt tôi nhòe nhoẹt. Đó là bức thư thú tội của ba tôi. Đó là lý do mà ba
tôi đã bỏ má con tôi để ra đi. Má tôi biết hết, biết tường tận chứ không
phải “đi để hỏi ba coi, tại sao hồi ấy ba bỏ má mà đi” như má tôi vờ
nói.
- Dương!
Tiếng hét của má khiến tôi giật mình. Lá thư rớt xuống. Tôi vội vã
lấy lá thư lên, run run xếp lại. Nhưng má đã thấy hết cả rồi. Tôi không
phải che giấu làm gì nữa. Tôi ôm mặt khóc nấc. Má tôi chồm tới ôm tôi
vào lòng, ghì đầu tôi sát vào ngực má để nước mắt của tôi thấm vào chiếc
áo cũ kỹ của má.
Tôi nói trong tiếng nấc:
- Má biết vì sao ba đi, sao má không nói cho con biết. Má gạt con.
Nếu đã biết rồi, vậy má con mình còn đi tìm ba, sống đời lênh đênh làm
gì nữa má?
- Đi để quên những khổ đau, Dương ơi! Đi để con tin rằng ba con không phải là người xấu.
Trời ơi! Má bị ba bỏ rơi để đi theo người đàn bà khác mà má còn bao
biện cho ba. Má hy sinh như vậy có đáng hay không hả má?! Tôi tự hỏi như
vậy. Im lặng một thoáng, má tôi nói bằng một giọng trầm buồn, nói ra
những suy nghĩ, tâm tư má cất giữ trong lòng bấy lâu nay. Thực ra má
không có ý giấu tôi. Chỉ vì tôi còn quá nhỏ. Má đợi một thời điểm nào đó
tôi đủ lớn má sẽ nói. Giờ thì má phải nói để tôi hiểu. Mà hiểu hay
không thì má tôi cũng thấy nhẹ lòng.
Hóa ra, trước khi ba đến với má tôi, ba đã có một đời vợ.
Nói vậy thì má tôi là “kẻ thứ ba” sao? Tôi nghĩ bụng. Nhưng má tôi
không xấu như những “kẻ thứ ba” mà tôi từng nghe người ta đồn đại. Má đã
hy sinh vì ba rất nhiều. Má đã rộng lòng để ba về với người ta, dù đều
là phận đàn bà cả!
Hóa ra, ba đến với người vợ trước chỉ để đền đáp ân tình của gia đình
người ta đã dành cho ông bà nội tôi thời xa lơ xa lắc chứ không phải vì
tình yêu. Mà trong mối quan hệ ấy, không có tình yêu thì không thể nào
bền chặt được. Bằng chứng là ba tôi đã bỏ nhà ra đi, sau ngày cưới ba
tháng trời. Ba đến với má tôi, và rồi lưu lạc đến đất này, sống trong
căn nhà nhỏ bên cánh đồng tới mùa sậy trổ bông trắng tát cả một vùng
thênh thang.
- Sao hồi ấy má không giữ ba lại vậy má? Má cũng là đàn bà, bộ má không biết ghen hay sao mà để ba về với người cũ vậy má?
Nghe tôi hỏi, má nhìn ra mặt sông rộng. Rồi má xếp lá thư bỏ vào
trong túi. Má không treo lên nữa mà đem ra mũi. Một lát nữa thôi má sẽ
châm lửa đốt sạch tất cả những gì còn sót lại, như trả ba về với cuộc
sống của ba.
- Không phải má không ghen, mà vì má không thể ích kỷ nữa. Ba con bỏ
má con mình đi, người khổ cũng chỉ là má con mình; còn ba con bỏ người
kia mà đi, người khổ không chỉ là người đàn bà đó, mà còn là những người
khác nữa…
Vậy nên má tôi đã khuyên ba tôi trở về nhà ngay sau khi gia đình ba
đã tìm gặp được ba trên cánh đồng lau sậy. Càng xót xa hơn khi người đàn
bà kia vẫn sống trong cảnh phòng không đợi ba trở về, chừng ấy năm trời
trôi qua, tóc cũng xen vài sợi bạc. Cái tình của người ta lớn vậy mà má
ích kỷ tranh giành ba làm của riêng luôn sao đành!
Vậy rồi ba tôi đi. Và má cũng đi, lấy cớ là đi tìm ba, chứ thực chất
là má chạy trốn để ba không tìm thấy má con tôi. Để ba an ổn sống bên
người đàn bà ấy. Bởi họ cũng cần được yêu thương, chở che và đắp bù
những tháng ngày sống trong cô đơn tuyệt vọng.
Tôi ngồi nhìn má. Tóc má cũng đã nhiều sợi bạc lắm rồi! Tôi không
trách ba, không trách má và cũng không trách người đàn bà kia. Ai cũng
khổ cả. Ai cũng mang đau đớn trọn một kiếp người.
Hoàng hôn buông tự bao giờ, trời hôm ấy đỏ ối. Mỗi lần nhìn bầu trời
đỏ đỏ, tôi biết ngày mai, ngày kia trời sẽ mưa to, thậm chí là bão lớn.
Má con tôi lao đao tìm một bờ bến nào đó để đậu ghe cho qua ngày giông
bão.
Trong ký ức tôi vẫn trắng xóa những mùa sậy trổ bông, má con tôi ra
đồng hái về bó chổi rồi mang ra chợ bán. Những cành bông sậy trắng mịn
màng trong giấc mơ tôi.
Nhiều năm, chúng tôi không trở lại cánh đồng xưa, mảnh đất cũ. Chúng
tôi cũng rời bỏ chiếc ghe mục nát để đi sau mùa giông bão năm nào, lên
thành phố kiếm sống. Má đi làm ở công ty, tôi cũng vào trường học. Tuy
có muộn hơn người khác nhưng dẫu sao vẫn còn kịp, tôi không phải hối hận
sau này.
Tôi tốt nghiệp trường Đại học Nông lâm, trở thành kỹ sư làm việc ở
Viện Lúa Đồng bằng. Đã nhiều lần tôi đến với cánh đồng để thử nghiệm
giống lúa mới, nhưng đây là lần đầu tiên từ sau khi rời đi, tôi trở lại
cánh đồng cũ, mảnh đất cũ. Đứng trên bờ đất, tôi có chút bùi ngùi. Lau
sậy vẫn mọc. Mùa này lại trổ bông trắng muốt. Và gió nổi lên, làm tóc
tôi bay lòa xòa.
Trước mắt tôi là hình ảnh của má tôi hiền lành nắm tay tôi ra đồng,
tôi cắp thêm cái thúng cũ đựng bông sậy. Má kéo cây sậy ngã xuống, tôi
tước bông, bó lại rồi mang về nhà. Bông sậy mềm mịn.
Những mùa lau sậy đã nuôi lớn tôi, cả về thể xác lẫn tâm hồn.
Giờ thì má tôi, ba tôi cũng trở thành người thiên cổ. Chỉ còn mình tôi trong mớ ký ức hỗn độn, đẹp nhưng buồn.
Tôi đưa tay ngắt một cành bông sậy, ngắm nghía. Trong đó có cả khoảng
trời thơ ấu của tôi. Thời quan trôi nhanh không tưởng. Con bé lang bạt
kỳ hồ ngày nào giờ cũng thành kỹ sư. Vòng tay má ấm áp hôm nào, giờ cũng
chỉ còn là kỷ niệm. Và cả mảnh đất này nữa, rồi một ngày không xa sẽ
được gieo trồng giống lúa mới, xóm sẽ thực hiện tốt chủ trương xóa đói
giảm nghèo. Đất sẽ trở mình. Lúa vàng nặng trĩu.
Tôi quẹt một sợi tóc qua vành tai.
Trong xa xăm, tôi chợt thấy bóng hình của má…
Hoàng Khánh Duy/Báo Giác Ngộ
Về với tiếng chuông
Tóc mẹ trắng bay bay theo gió lộng,
Lung linh buồn như một áng mây bay.......
Tiếng chuông chùa xua tĩnh lặng nơi đây,
Trong nắng sớm ban mai còn le lói,
Sông êm đềm, máy chèo khua sóng.nước,
Mẹ lên chùa con ở với sông quê...
Có gì đâu sao tiếc nuối bến mê,
Tiếng chuông vọng đưa hồn về cõi tịnh !!
NM
GNO - Bà Mây ngồi trước cửa nhà con gái cả nhìn đàn cỏ sải cánh bay qua
dòng sông Hồng. Trên trời những đám mây trắng xốp thong thả trôi dần về
phía núi. Dưới chân bà xác pháo giấy lấp lánh bay tung tóe mỗi khi có
cơn gió nào thổi đến.
Bà vịn ghế đứng dậy, lấy chiếc chổi chầm chậm quét đi xác pháo. Sáng
nay, đứa cháu gái đã đi lấy chồng. Bà vừa thấy nhẹ nhõm vừa trống trải
trong lòng. Tối đó, lúc ngồi ăn cơm bà bảo con gái cả:
- Chắc mai mẹ về bên nhà thu xếp gọn gàng, vài hôm nữa mẹ sang chùa ở làm công quả.
- Thì bao năm nay mẹ vẫn sang chùa làm công quả đều đặn đấy thôi.
- Nhưng lần này mẹ sang đó ở luôn. Sư thầy bên ấy già yếu, đêm hôm
trái gió trở trời không ai biết đấy là đâu. Chùa cũng ít Phật tử qua lại
mà việc thì nhiều. Mẹ qua đấy ở luôn khỏi phải ngày hai lần chờ đò vất
vả.
- Nhưng mẹ cũng có tuổi rồi, đêm hôm ở bên đấy con không yên tâm
được. Chùa vắng, nhà dân thì xa. Sư thầy thì cũng không còn đủ minh mẫn
nữa. Điện thoại có khi bấm mãi cũng không gọi được. Lỡ có chuyện gì…
- Trời ơi, có xa xôi gì đâu con. Chùa ngay trước nhà, đứng bên này thì thấy bên kia. Con đừng lo.
Nói thì nói thế nhưng làm sao có thể không lo. Xuyên biết mẹ tha
thiết được sang chùa từ nhiều năm trước. Khi ấy mẹ hay bảo: “Bao giờ các
con lấy chồng hết thì mẹ sẽ quy y, sang sống trông nom dọn dẹp chùa”.
Nhưng ước muốn của mẹ cứ bị níu lại bởi trách nhiệm với cháu con. Hết
đứa lớn lấy chồng lại lo cho đứa bé. Lo hết cho con thì từng đứa cháu
ngoại lần lượt ra đời. Mà chẳng đứa nào không đến tay bà ôm ấp, vỗ về,
thuốc thang, bú mớm. Đẻ toàn con gái cứ tưởng gả chồng xong là nhàn.
Nhưng thấy con mình vất vả đâu thể không đỡ đần, thu vén. Bà Sáu hàng
xóm khuyên:
- Kệ chúng nó chị ạ. Ngày xưa mình một nách mấy đứa đâu có ai giúp gì
mà vẫn nuôi chúng lớn. Chị vất vả cả đời rồi, giờ thích đi đâu cứ đi.
Thích làm gì cứ làm.
- Trước đói khổ nhưng có mấy ai ôm con nhảy xuống sông đâu. Cũng
chẳng biết thế nào là trầm cảm sau sinh. Giờ áp lực cuộc sống nhiều mà
ngưỡng chịu đựng của tụi trẻ cũng giảm đi. Chị sợ mình không để tâm đến
lúc có chuyện gì xảy ra thì ân hận không kịp nữa.
- Nghĩ như chị chỉ khổ cả đời.
Mẹ chỉ cười, nhấc thằng cháu ngoại lên hôn hít vào cái bụng trắng
ngần của nó. Xuyên nhìn mẹ thương quá chừng thương. Chị cứ mải tất bật
lo toan chuyện cơm áo gạo tiền, lúc ngoảnh lại tóc mẹ đã bạc rồi. Các
con đi lấy chồng nhà rộng càng thêm rộng. Ban ngày bốn, năm đứa cháu tíu
tít quây quần nhưng tối đến đứa nào về nhà nấy chỉ còn lại mình bà.
Trời nhập nhoạng tối, bà ngồi trước hiên nhà nhìn lũ dơi bay toán
loạn ngoài sân. Vọng lại bên tai bà tiếng đàn gà chen chúc nhau lúc vào
chuồng, tiếng chú chó dồn bắt chuột ngoài bãi dong riềng. Chút âm thanh
cuối cùng của một buổi chiều tàn cũng chìm trong bóng tối. Ngay cả bà
cũng bị bóng tối nuốt chửng không một dấu vết nào. Nếu như bà không đứng
dậy với tay bật công-tắc điện. Thứ ánh sáng vàng hoe của chiếc bóng
điện sắp hỏng khiến mọi thứ trở nên mờ ảo trong mắt bà. Nếu con mèo
không kêu “ngoeo ngoeo” đòi ăn và con chó loanh quanh xem chừng đã đói
thì bà cũng quên mất bữa tối của mình.
Chuyện lên chùa bà Mây cứ khất lần nữa mãi. Có lần đã thu xếp đầy đủ
quần áo, thuốc men. Đã gọi Xuyên sang mang chó mèo về nuôi. Đã bán hết
mấy đàn gà. Đã nhờ hàng xóm thỉnh thoảng ngó giùm nhà, nếu có gì thì
gọi. Ấy thế mà cái tin thằng cháu ngoại đau ruột thừa phải mổ gấp khiến
bà buông rơi tay nải, hớt hải nhờ người đèo lên bệnh viện đa khoa. Ở
chăm cháu vài ngày thì đến cái giỗ nhà chồng cần phải cơm canh thờ cúng.
Lần khác bà tính không cần mang gì nhiều, càng chuẩn bị kỹ thì càng
khó đi, chỉ cần vài bộ quần áo là xong. Ấy thế mà bước chân ra đến cổng
chợt nhớ ra còn nợ người này người kia chưa kịp trả vậy là lại quay vào.
Tính sáng hôm sau đi từng nhà trả cho hết nợ nần để thanh thản sang
chùa.
Ai ngờ sáng hôm sau đứa con gái út nhắn “mẹ sang trông cháu hộ con
mấy ngày. Cơ quan cử con đi công tác”. Lần khác tính đi thì thấy con chó
xoay xở lót ổ đẻ. Lần khác đã toan gọi đò thì hội phụ nữ xóm gọi đi xới
cỏ ven đường chào mừng ngày hội đại đoàn kết toàn dân. Rồi con gái tự
nhiên muốn đẻ thêm đứa thứ ba cho vui cửa vui nhà và thế là tóc bà lại
bạc thêm một chút. Đến giờ đứa cháu ngoại lớn nhất cũng đã lấy chồng…
Xuyên nói:
- Ngày mai, để con đưa mẹ đi. Mà mẹ tính đi sáng hay chiều?
- Sáng mai mẹ đi sớm. Thôi, có đâu xa mà phải tiễn đưa nhau. Chùa ngay bên kia sông, mẹ qua đò là đến.
- Mẹ cần thêm gì không để con mua?
- Không cần mua bán gì đâu con. Vài bộ quần áo mang theo là đủ. Con cũng đừng nói gì với mấy đứa, mất công chúng can ngăn.
- Nhưng không nói sao được. Chuyện mẹ sang chùa ở đâu phải chuyện nhỏ.
- Thì cũng đâu phải là chuyện lớn. Để cho các em con chuyên tâm
chuyện nhà chồng. Cả con nữa, cũng phải sống cho cuộc đời mình, đừng có
quanh quẩn bên mẹ mãi.
Xuyên muốn nói gì đó mà không thể cất lời. Xuyên biết mẹ không muốn
làm gánh nặng cho các con. Nhưng mấy chị em Xuyên chỉ có mẹ là chốn bình
yên để đi về. Chùa thì ngay bên kia sông thôi chứ đâu xa. Nếu không
vướng những tán cây cổ thụ trong vườn thì ngồi ở hiên nhà cũng có thể
nhìn thấy chùa rõ mồn một.
Nhưng cứ nghĩ một buổi chiều nào đó tạt qua nhà mà không thấy mẹ đâu,
cửa im ỉm khóa, bụi im ỉm phủ chắc là sẽ hụt hẫng và trống vắng. Khu
vườn vẫn những mùa quả ngọt, các cháu về chắc sẽ hỏi bà đâu? Nghĩ đến đó
thôi mà lòng Xuyên đã thấy nghẹn ngào. Ừ mà biết đâu sang chùa có sư
thầy chuyện trò mẹ sẽ bớt buồn. Ở đó mẹ sẽ thấy thanh thản hơn cũng
không phải vướng bận chuyện cháu con. Thôi thì cứ nghĩ thế đi để lòng
nhẹ nhàng khi nhìn mẹ sang chùa.
*
Mờ sớm, bà Mây đã dậy lục đục thu xếp trong nhà, dù thật ra cũng
chẳng có gì để thu xếp cả. Thắp mấy nén hương lên bàn thờ bà lẩm bẩm
khấn ông bà tổ tiên và người chồng quá cố. Sợ không thể kìm chế cơn xúc
động bà vội vàng khóa cửa lầm lũi đi ra cổng. Đúng lúc đó thì Xuyên đến,
chị bảo:
- Còn sớm mà mẹ, làm gì đã có đò.
- Ở nhà cũng chẳng biết làm gì. Luẩn quẩn mãi sợ lại không đi được.
- Con có mang biếu mẹ lọ trà tâm sen. Mẹ quay vào nhà đi con đun nước pha uống thử.
Chưa bao giờ Xuyên mong ấm nước lâu sôi, ấm trà lâu nguội và trời lâu
sáng tỏ như hôm nay. Bà Mây nhấp hụm trà thấy cái đắng vừa kịp lan khắp
khoang miệng thì vị ngọt ứa ra. Ngày xưa chồng bà thích uống nhất trà
sen pha bằng nước mưa đun sôi. Giờ đang cuối mùa sen, nếu còn sống chắc
là ông đã dậy sớm bơi thuyền ra đầm hái sen rồi. Chẳng mấy mà đến mùa
thu, sen hết, tàn dần dần rồi lụi. Ủ sẵn dưới lớp bùn một mùa vụ mới.
Đời người có khi cũng vậy. Sống hết một kiếp rồi tàn, ủ sẵn trong luân
hồi một kiếp sống khác. Ông chắc là đang thong thả thưởng trà đợi bà đâu
đó. Bà cố gắng thoát khỏi mớ suy nghĩ hỗn độn bằng một cái rướn vai.
Xuyên ngước lên nhìn mẹ hỏi:
- Mẹ có mang theo thuốc đau vai gáy đi không ạ?
- Đủ cả rồi con à.
- Cứ cuối tuần mẹ lại về chơi không các cháu lại mong.
- Ừ, thỉnh thoảng mẹ sẽ về.
Ngoài vườn những chú chim đã bắt đầu cất tiếng hót. Bên hàng xóm đã
dậy, tiếng xoong nồi, cuốc xẻng va vào nhau. Ngoài đường tiếng xe đạp
lọc cọc của những người đi chợ sớm vọng vào nghe vừa xa vừa gần. Bà Mây
trút tiếng thở dài quay sang bảo Xuyến:
- Cái Hạnh nó lấy chồng rồi, thôi cũng coi như yên phận. Còn con, nếu
thương ai thì về chung một nhà mà nương tựa nhau lúc tuổi già. Không
phải lo gì cho mẹ cả. Mẹ nương tựa nơi cửa Phật, làm công quả hồi hướng
phước báu cho con cháu. Mẹ vẫn còn khỏe lắm.
- Nhà có mẹ không ở. Mẹ phải để cho chúng con được chăm sóc mẹ lúc tuổi già chứ.
Xuyên hực lên một tiếng rồi bật khóc. Bà vỗ vỗ vào tay con an ủi:
- Thì nhà còn đây, mẹ còn đây có xa xôi gì đâu mà phải nghĩ ngợi. Chỉ cần các con sống tốt là mẹ yên lòng.
Đò sớm, chỉ có hai mẹ con bà đứng đợi. Ông lái đò như chưa tỉnh khỏi
giấc mộng, dụi mắt nhìn mặt sông hỏi “trăng sao chưa mọc?”. Rồi như chợt
bừng tỉnh,ông vội cởi dây buộc đò mời khách bước lên. Sông chảy êm đềm,
mái chèo khua nước tạo thành những vệt sóng dài lan ra mãi. Ông lái đò
cất giọng:
- Hai mẹ con bà đi đâu sớm thế?
- Mẹ con tôi sang chùa.
- Vậy cho tôi gửi lời hỏi thăm sư thầy nhé. Cũng đã lâu tôi không ghé
chùa thưởng trà cùng sư thầy. Chùa nghèo, sư thầy sống cả một đời thanh
bạch.
Chùa hiện ra trước mặt, gần mà xa, xa mà gần. Một ngôi chùa không
tên, nằm trên mảnh đất bồi ra gần nửa con sông. Nơi đây được gọi là eo
gió, cũng là nơi chững lại của dòng chảy xiết trong mùa nước lớn. Những
thanh gỗ từ đầu nguồn dạt vào. Thỉnh thoảng người ta còn tìm thấy cả xác
người trầm mình xuống sông trên phía thượng nguồn, đã trôi dạt cả trăm
cây số về đây. Có thể tiếng tụng kinh niệm Phật đã níu họ dừng lại ngay
dưới chân chùa. Đò cập bến, ngước mặt lên những bậc đá xám thấy sư thầy
đang lom khom quét chùa. Tiếng chổi va vào không gian tĩnh lặng của buổi
sớm mai, loẹt xoẹt. Bà Mây quay ra bảo Xuyên:
- Đưa mẹ đến đây là được rồi. Tiện đò con về luôn đi.
Nói rồi bà quay bước đi lên chùa. Xuyên đứng đó nhìn mẹ bước lên
những bậc đá xám rồi lẫn trong vòm xanh và những tiếng chuông chùa.
Trong mắt chị còn lưu lại hình ảnh tóc mẹ như một vầng mây trắng thong
thả bay vào cõi Phật…
Vũ Thị Huyền Trang/Báo Giác Ngộ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét