Phận bạc
Tủi thân phận một đời cam thiếu thốn,
Nên đành làm bánh giả cúng gia tiên...
Có ngờ đâu trẻ nhỏ khiến ưu phiền,
Đòi bánh giả cho lòng thêm đau khổ !
Sương rơi từng giọt ngoài hiên,
Xót cho thân phận người hiền gian truân...
Cùng chung giọt máu tương thân,
Mỗi người một cảnh phước phần khác nhau...
Thời gian rồi cũng qua mau,
Con luôn nhớ mãi đôi đòn bánh xưa !!
Cây bánh tét của người cô
Tết
năm ấy, tôi được theo hai chị tôi xuống thăm cô Bốn. Tôi thích lắm. Thứ
nhất là được mặc áo mới đi chơi xa. Thứ nhì là xuống cô Bốn thế nào
cũng được ăn nhiều bánh. Cô Bốn đã chẳng hẹn với tôi như thế là gì. Nhất
là Tết năm ấy, cha mẹ tôi giận hờn nhau, mẹ tôi chẳng sắm sửa gì nhiều
để ăn Tết cả. Đầu đuôi do cha tôi đánh bạc thua to. Thua to ngay từ hai
tám Tết. May mà có ít bánh in, bánh đậu mẹ tôi đã đóng xong từ mấy ngày
trước đó, không thì cái Tết ấy chúng tôi chẳng có gì mà ăn. Nhưng bánh
in bánh đậu thì đối với tôi không thích bằng bánh tét. Nhất là bánh tét
của mẹ tôi gói thì ngon tuyệt. Cây bánh bóc ra, nếp cứ xanh óng ả như mạ
non. Rồi khi tét ra từng lát thì nếp ở trong ruột cứ trắng và trong
nuôn nuốt. Giữa mỗi lát, nhân đậu xanh vàng mơ lấm tấm mỡ giống như một
cái nhuỵ vàng. Thành thử mỗi lát bánh nhìn như một bông hoa.
Cô Bốn tôi là con cùng cha khác mẹ với cha tôi. Lúc còn bé tôi chưa
hiểu vì sao cha tôi lại ghét cô Bốn đến thế. Mãi khi lớn lên, tôi mới
rõ, ông nội tôi trước vốn giàu, sau chỉ vì lấy mẹ cô Bốn về làm lẽ nên
tiêu pha tung tán, sạt cả gia tài. Ông nội tôi chết chẳng để lại được gì
đáng kể. Cha tôi đổ tội cho mẹ cô Bốn và ghét lây sang cô. Nhất là từ
ngày mẹ cô Bốn chết đi thì cha tôi lại trút tất cả cái giận ghét lên đầu
cô.
Tôi nhớ là cô Bốn tôi rất nghèo. Cái hình ảnh còn lại trong tôi về cô,
đến bây giờ vẫn còn rõ nét. Cô tôi người dong dỏng cao, luôn luôn mặc áo
quần đen rách vá. Gặp cô lúc nào cũng thấy cô đội cái rổ lớn trên đầu.
Trên chiếc rổ đó, cô thường úp những cái nón mới cô vừa làm xong để mang
lên chợ bán. Vì cái rổ có nón úp đó nhìn cô càng thấy cao và gầy thêm.
Mỗi lần đi vào cửa nhà tôi, cô lại hạ cái rổ xuống, bưng ở trước ngực để
cho khỏi vướng.
Cô Bốn biết cha tôi không thích cho cô vào nhà. Thấy cô vào, nếu không
có chuyện gì thì thôi, nhưng nếu gặp phải bữa cha tôi thua bạc hay có
chuyện không vui cha tôi lại lườm lườm cô và quát:
- Mày vào đây làm gì hả con điếc kia?
Cô tôi thường không trả lời. Không phải vì điếc không nghe. Cô tôi chỉ
bị nặng tai thôi, chứ không phải điếc. Cô chỉ cười trừ. Đôi môi cô héo
tím. Vì còn bé, những lúc ấy, tôi chỉ lo cha tôi lại quát mắng cô thêm.
Tôi chưa thấy thấm thía cái khổ của cô tôi lúc bấy giờ. Cô tôi bị người
đời, ngay cả những người thân thích, khinh ghét nhiều quá nên cô quen
đi, lờn đi, không còn biết nhục nhã là gì nữa. Cô tôi goá chồng từ năm
hăm chín tuổi, bây giờ thì sống với hai đứa con gái, đứa lên năm, đứa
lên ba. Nghe cô tôi than thở với mẹ tôi, tôi mới biết thêm là hai đứa ấy
rất ốm yếu, năm ngày ba tật. Cô tôi thiếu thốn quanh năm. Mẹ tôi thường
vẫn giấu cha tôi, khi thì vài chén gạo trắng, khi thì chùm bắp chục
khoai, bà bỏ vào rổ cho cô tôi mang về. Cô tôi, những lúc ấy lại ghé sát
miệng vào tai mẹ tôi mà nói:
- Thôi chị Hai! Chị cho, anh Hai thấy lại la chị đó.
Mẹ tôi cười một tiếng rồi cứ trút gạo, nhét bắp vào rổ. Cô tôi lại nhìn
dớn dác, cửa trước, cửa sau sợ cha tôi vào bắt gặp, rồi cô lấy lá chuối
xanh tủ kín tất cả bưng đi.
- Thôi tui về nghe chị Hai. Cô về nghe mấy cháu. Về không hai đứa nó trông!
Lại cũng lớn lên, tôi mới rõ là cô tôi vì không có con trai nên rất
thương tôi, mặc cho cha tôi lườm mắng, cô tôi lên chợ, về chợ vẫn thường
ghé vào nhà tôi. Trừ những lúc quá gay gắt, cô tôi mới vòng ngả khác để
đi. Thường đấy là những ngày cha mẹ tôi cãi cọ với nhau, ném vỡ cả
những bát đĩa mà thường ngày cha tôi vẫn thường trầm trồ khen là quý, là
đẹp. Cô tôi tuy nặng tai và tuy ở xa nhưng chuyện gì không vui xảy ra
trong gia đình tôi, cô đều nghe biết rất sớm. Những lần ấy cô chỉ đứng
thập thò ngoài bờ rào, cạnh bụi duối để chờ tôi ló ra là gọi:
- Mười ơi! Cô đây nè! Ra đây!
Nghe tiếng cô, tôi chạy ra ngay. Khi nào ở chợ về, ghé vào nhà, cô tôi
cũng nhét vào tay tôi vài viên kẹo cau hay một cái bánh tráng nhỏ.
Cô tôi chờ tôi đến thật gần rồi mới hỏi:
- Cha mẹ hết cãi cọ với nhau rồi chớ con!
Tôi trả lời, có khi tới hai ba lần cô tôi mới nghe được. Mặc dù tôi đã
cố nhón gót và nói thật to. Và mặc dù cô tôi đã áp tai vào bờ rào tóc
vương cả vào những cành duối. Cô tôi, hoặc chau mày lại khi nghe tôi bảo
cha mẹ tôi vẫn còn đang giận nhau, hoặc gật gật đầu một cách mừng rỡ
khi nghe cha mẹ tôi đã làm lành với nhau. Cô lại truyền qua bờ rào mấy
viên kẹo cau. Tôi lại đón lấy, bỏ vào mồm nhai công cốc.
Cô tôi lại đội rổ lên đầu, lại men theo luỹ tre sau nhà tôi, đi ra con
đường ruộng chạy ở giữa những đám bắp đang trổ cờ hay giữa những đám đậu
phụng hoa vàng lấm tấm...
** *
Năm ấy vào sáng mồng một Tết, tôi được theo hai chị tôi xuống thăm
nhà người cô nghèo. Đây là lần đầu tiên tôi xuống nhà cô. Cũng cần nói
là năm ấy tôi lên bảy và nổi tiếng là tham ăn nhất nhà. Bánh kẹo gì tôi
cũng được ăn nhiều nhất.
Dọc đường hai chị tôi cứ mãi bàn những chuyện đâu đâu. Hết
tóc dài, tóc
ngắn, lại đến gương, đến lược. Tôi chẳng thèm nghe cứ nhìn vào nhà này,
nhà kia xem bọn trẻ con cùng tuổi với tôi, chúng đang chơi gì. Và cứ
mong chóng đến ngay nhà cô.
Ra đến con đường ruộng chạy giữa đồng, hai chị tôi hình như cũng hết chuyện nên quay lại hỏi tôi:
- Sao, bây giờ xuống cô Bốn mày muốn ăn bánh gì nào? Nói trước nghe thử.
- Bánh tét.
- Ăn nhiều hay ít?
- Nhiều!
- Cô Bốn làm gì có bánh nhiều mà đòi ăn nhiều!
Tôi cãi ngay:
- Cô Bốn không có nhiều mà bữa trước lại hẹn để phần nhiều cho em à?
- Nhiều của cô Bốn thì không nhiều đâu.
Tôi định hỏi tại sao thì chị Tám tôi đã nói:
- Bữa nay, chị em mình xuống, mặc sức cô Bốn mừng chị Năm hử.
- Ừ! Nhà cô Bốn lâu nay trên mình có ai xuống đâu mà không mừng.
Tôi hỏi chen vào.
- Sao lại không xuống hở chị Năm?
- Tại nhà cô nghèo, xuống làm gì!
Rồi chị Năm tôi dặn:
- Này, xuống dưới đó cô Bốn cho ăn gì thì ăn nấy, mày đừng có đòi như ở
nhà nghe chưa. Sau tao ghét, tao không dám dẫn đi nữa đâu.
Tôi không trả lời.
Nhà cô Bốn ở bên kia một con sông nhỏ phải qua đò. Đò ngày Tết vui
thật. Trong khoang, quần áo người nào đường chỉ may cũng mới tinh. Ai
cũng vui vẻ tươi cười. Nước sông trong leo lẻo.
Qua một con đường ngoặt, chị Năm tôi chỉ vào một ngôi nhà thấp nhỏ, tranh đã cũ nát rồi bảo:
- Nhà cô Bốn đây!
Tôi cắm đầu chạy trước hai chị tôi. Vừa thoáng thấy tôi, cô tôi đã reo lên mừng, quýnh cả lưỡi:
- Trời ơi thằng Mười! Lại có con Năm, con Tám nữa!
Cô tôi bồng đứa con gái nhỏ chạy ra. Cái cười của cô tôi lúc ấy, bây
giờ nhớ lại, tôi mới thấy thật là một cái cười vui sướng đến tột độ.
Chưa bao giờ tôi lại tưởng tượng cô tôi có một cái cười như thế. Có ba
chị em tôi, gian nhà đang lặng lẽ bỗng vui hẳn lên. Tôi thấy cô tôi đưa
mắt nhìn sang các nhà hàng xóm như tìm ai. Mãi sau này, tôi mới hiểu hết
ý nghĩa của cái nhìn ấy. Cô tôi như muốn nói với những người hàng xóm
vốn khinh cô:
- Đấy, lũ cháu tôi nó xuống thăm tôi đấy.
Cô tôi miệng thì bảo chúng tôi ngồi lên giường, tay thì lấy nón mũ của chúng tôi xếp lại thành đống cho gọn, cô tôi bảo:
- Ngồi chơi các con, cô đi lấy bánh ăn hử? Chui cha, mấy cái Tết rồi, Tết này lũ bay mới xuống thăm cô.
Bỗng cô mếu máo:
- Tao biết lũ bay thương tao lắm chớ! Tại cha lũ bay ghét tao, không muốn cho lũ bay xuống, lũ bay mới không xuống chớ!
Rồi cô đổi giọng hỏi tiếp:
- Cha mẹ hết cãi nhau chưa!
- Chưa.
Trong lúc ấy đứa con gái bé của cô tôi vẫn hau háu mắt nhìn tôi. Đến
bây giờ tôi mới kịp nhận thấy là nó không có áo mới. Cả chị nó cũng thế.
Hai đứa đều xanh xao và đều có vẻ e sợ. Con lớn cứ nấp sau cánh cửa.
Chị Năm tôi đưa tay kéo ra, nó cứ bíu lấy cánh cửa trì lại. Cô tôi thấy,
liền bảo:
- Thôi, kệ nó con.
Tôi nhìn lên bàn thờ để ở giữa nhà. Tôi lạ quá. Ồ! Thế này thì ai bảo
là cô mình nghèo. Sau cái bát hương và hai cái chân đèn bằng gỗ sơn đỏ
đã cũ, tôi thấy rõ ràng hai hàng bánh tét xếp chồng lên nhau, ngay ngắn,
ngon lành.
Thấy tôi nhìn chăm chăm vào những cây bánh tét, cô tôi rút ra một cây rồi hỏi:
- Mẹ năm nay không nấu bánh tét phải không?
Tôi gật đầu ngay. Cô tôi không nói không rằng, chạy tìm ngay sợi chỉ để
tét bánh. Cô tôi tét cả cây bánh, sắp lên chiếc đĩa bị vỡ đã được gắn
lại, rồi để lên giường.
- Ăn đi mấy con. Bánh cô gói chắc không ngon bằng bánh mẹ gói đâu!
Cô nói thế nhưng tôi ăn vẫn thấy ngon vô cùng. Hai chị tôi làm khách
lắm, ăn như người lớn cả rồi ấy. Như thế càng tốt chứ sao. Tôi thì tôi
cứ ăn phăng phăng. Chị Năm tôi đã mấy lần bảo tôi ăn chầm chậm tôi vẫn
mặc.
Chẳng mấy chốc đĩa bánh đã sạch ráo. Đứa con gái lớn của cô tôi cầm lát
bánh từ lúc chị Năm tôi đưa đến giờ, vẫn chưa ăn hết. Nó cứ nhấm nhấm
như dán. Thế mà lại hơn. Vì bây giờ nó vẫn còn bánh, còn tôi thì đã hết
sạch rồi. Tôi nhìn miếng bánh của nó mà thòm thèm. Phần tôi chỉ mới được
hai lát chứ mấy. Mà sức tôi thì có thể chở thêm được vài lát nữa. Tôi
lại nhìn lên hai hàng bánh tét xếp ở trên bàn thờ rồi nói với cô tôi:
- Lát nữa cô cho một mình cháu một cây nghe cô Bốn.
Cô tôi gật đầu ngay:
- Ừ! Để rồi cô chọn cho một mình con một cây thiệt ngon đem về ăn.
Lúc đó tôi mới yên tâm. Tôi chờ. Tôi chắc cô tôi sẽ chọn ngay cho mình.
Tôi lại đưa mắt nhìn lên hai hàng bánh tét chồng ngay ngắn lên bàn thờ.
Tôi định chọn trước một cây để khi cô lấy thì chỉ cho cô. Vì có ý chọn
trước như thế, tôi mới nhận xét được rằng: năm cây bánh nằm hàng dưới to
hơn ba cây bánh nằm hàng trên. Ồ, thế thì chốc nữa mình phải chọn một
cây ở hàng dưới mới được.
Tôi chờ. Tôi lại đoán chắc khi dọn xong đũa, đĩa, thế nào cô tôi cũng
chọn bánh cho tôi. Nhưng không, cô tôi chỉ đem đĩa đặt ở bàn thờ rồi đi
xuống bếp xách ấm nước lên. Tôi hơi sốt ruột lại đoán: thế nào xách nước
lên xong, cô cũng chọn bánh cho mình. Nhưng không, xách nước lên cô lại
lo đi lấy hai cái bát nhỏ đặt lên giường và rót nước ra. Cô ngồi ở
giường hỏi chuyện hai chị tôi.
Tôi không chờ được nữa. Tôi nhắc:
- Cô!
- Cái gì con? Uống nước hử?
Tôi lắc đầu rồi chỉ lên bàn thờ. Cô tôi bỗng sực nhớ ra:
- Mẹ cha ơi! Quên mất! Đây, để cô lấy cho một mình con một cây hử.
Cô lấy một cây ở hàng trên. Tôi chỉ ngay một cây ở hàng dưới. Cô bảo:
- Í, cây này ngon hơn! Cô gói cô biết mà! Cây này ngon lắm, cho con đây.
Tôi không chịu cứ đòi cây kia. Chị Năm cau mặt gắt với tôi:
- Cô cho thì cầm lấy chớ! Đòi, đòi cái gì?
Không có mẹ tôi ở đây nên tôi sợ chị tôi. Tôi đành phải nhận cây bánh nhỏ cô tôi đưa cho tôi, nhưng trong lòng ức lắm.
Cô tôi lại hỏi chuyện về cha mẹ tôi mấy hôm nay. Cô tôi lại kể chuyện dượng tôi hồi còn sống:
- Hồi dượng mày còn sống, tao không đến nỗi khổ như bây giờ. Mỗi năm
tết đến, hai đứa nhỏ, đứa nào cũng có quần áo mới, cũng đủ thứ bánh trái
trong nhà. Khỏi phải bị thiên hạ họ khinh.
Tôi chẳng chú ý gì đến những điều đó.
Tôi chỉ mong sao nói được với cô đổi cho mình cây bánh lớn hơn nằm ở
dưới kia. Nhưng nói thế nào bây giờ? Chị Năm tôi sao lúc đó lại làm cho
tôi sợ đến thế.
Bỗng tôi thấy cô tôi kéo hai chị tôi ra nhà sau. Cô muốn khoe với hai
chị tôi con heo con cô vừa mới nhận đem về nuôi rẽ. Tôi lợi dụng ngay
lúc ấy để đánh đổi cây bánh tét mà tôi đã ngắm chọn trước. Cây bánh lớn
hơn thật. Có thế chứ. Tôi sợ chị tôi biết nên chẳng ra sân. Nhưng liền
đó, tôi đã nghe tiếng cô tôi gọi:
- Mười ơi? Ra coi con heo của cô đây này!
Tôi đành cắp cái bánh vào nách rồi đi ra sau. Cái bánh to quá tôi cặp
cứ muốn rớt ra. Mà cầm lộ ra thì sợ chị tôi biết là tôi đã đổi trộm mất.
Xem xong heo, tôi giục hai chị tôi về. Cô tôi không cho:
- Mấy năm nay, Tết này lũ bay mới xuống đây. Ở lại ăn cơm đã rồi về.
Tôi không chịu. Có cái bánh tét rồi, tôi chỉ muốn về ngay. Tôi xịu mặt:
- Không, đi về đi chị Năm.
Không giữ lại được, cô tôi đành để cho ba chị em tôi về. Nhưng cô bảo:
- Có về thì ăn bánh tét nữa đã rồi hãy về.
Chị tôi nhất định không ăn:
- Thôi cô Bốn. Ăn nhiều quá rồi!
Cô tôi định gửi bánh về cho cha mẹ tôi, chị Năm tôi cũng nhất định
không lấy. Tôi cứ cho chị ấy là dại. Cô Bốn nhìn chúng tôi lấy nón, lấy
mũ đội lên đầu ra về, vẻ mặt hơi buồn. Cô đưa chúng tôi ra đến tận đường
rồi dặn chị Năm tôi:
- Đừng đi luôn một mạch về nhà nghe! Chỗ nào có bóng mát cho thằng Mười
nó nghỉ một chút rồi hãy đi. Không nó cảm cha mày lại bảo tại xuống
thăm tao đấy!
Cô cứ đứng ở ngõ nhìn theo. Ba chị em tôi nhìn ra sông xem đò ở bên này
hay bên kia. Bỗng có tiếng chân chạy thình thịch phía sau rồi có tiếng
cô Bốn tôi gọi:
- Này Mười! Mười! Đưa cô coi lại cây bánh thử!
Tôi lo quá. Càng cặp chặt cây bánh trong nách. Cô đến gần, cúi xuống nhìn kỹ đầu cây bánh rồi nói:
- Con đổi cây bánh phải không? Không được! Đưa lại cô! Cô cho cây bánh khác. Cây này không ngon đâu!
Tôi cong người lại giữ rịt lấy cây bánh. Mặt tôi nhăn nhó muốn khóc. Tôi hét lên:
- Không, không! Con chỉ lấy cây bánh này. Cây kia con không thèm.
Chị Năm tôi mắng tôi ngay:
- Mười! Đưa lại cho cô, cô cho cây nào lấy cây đó chớ! Đồ tham ăn, xấu!
Cô Bốn tôi lúng ta lúng túng như muốn nói gì mà không nói được. Trong
lúc đó thì quyết liệt hơn, tôi đã ngồi bệt xuống cỏ ôm khư khư lấy cây
bánh, nhất định không trả lại. Ra ngoài đường rồi, tôi không sợ chị Năm
tôi nữa. Cô tôi không nói không rằng, lại chạy trở về nhà. Tôi tưởng cô
tôi chịu thua rồi. Tôi đứng dậy để đi. Chị Năm tôi giận tôi, kéo chị Tám
tôi đi trước. Tôi không lo. Chị Năm tôi không bao giờ dám để tôi đi lạc
dọc đường. Tôi lợi dụng ngay lúc ấy bóc cây bánh ăn luôn. Cây bánh
không có một dây lạt nào. Cô tôi đã mở cả rồi. Chỉ việc bóc lá ra là ăn
được. Tôi bóc lớp lá ngoài, lớp lá thứ hai. Quái! Sao nhiều lá thế này!
Tôi bóc lớp thứ ba, chờ đợi sẽ thấy lớp nếp cây bánh hiện ra...
Bỗng tôi sửng sốt. Lớp lá thứ ba vừa bóc ra thì một cái ống tre xanh bị
luộc chín hoá màu vàng vàng hiện ra. Tôi không hiểu thế nào cả. Bánh
tét gì lại kỳ quặc thế này. Toàn lá chuối nhét chật đầy cả ống tre. Tôi
cáu quá ném cả cây bánh xuống đường. Cây bánh lăn lông lốc từ trên đường
xuống bờ ruộng.
Tôi nhìn lại thì thấy cô tôi chỉ còn cách tôi hai bước. Cô cầm trong tay một cây bánh tét đưa cho tôi:
- Cô đã nói mà, cây bánh tét đó...
Các chị tôi cũng vừa quay lại. Cô tôi đang chạy xuống bờ ruộng, cúi
nhặt cây bánh tét giả tôi vừa ném xong, lúc này đang nằm cạnh một hòn
đất lớn. Cái ống tre vẫn lòi ra giữa những lớp lá đã bị bóc... Cô nhặt
lên, nhìn quanh quất như một kẻ cắp sợ người ta bắt gặp. Cô tôi lật đật
vuốt lại lá, tủ cho kín cái ống tre rồi cầm thật chặt trong tay. Cô đi
lên ghé sát vào tai chị Năm tôi nói khẽ:
- Cô ít nếp quá, phải gói thêm mấy cây này để lên bàn thờ cho nó dễ
ngó, thiên hạ có nhìn vô, họ khỏi cười, khỏi khinh. Cái thằng Mười, đã
nói rồi mà không chịu nghe...
***
Tối hôm đó cha mẹ tôi làm lành với nhau. Ngày Tết cũng giúp cho mọi
người dễ xoá bỏ hờn giận. Chị Năm tôi dỗ tôi bảo đem cây bánh tét ra tét
mời cha mẹ cùng ăn. Tôi tuy xấu ăn nhưng chỉ xấu ăn với người khác. Đối
với cha mẹ tôi rất thơm thảo. Bởi một lẽ dễ hiểu là mỗi lần tôi mời
bánh cha mẹ tôi, thế nào sau đó, tôi cũng được đền bù gấp mấy lần. Hoặc
bằng tiền hoặc bằng quà bánh khác.
Vừa tét bánh, chị Năm tôi vừa kể chuyện cây bánh tét giả của cô Bốn cho
cha mẹ tôi nghe. Và lần ấy là lần đầu tôi được nghe cha tôi chép miệng
hối hận:
- Lâu nay tao hay la chửi nó cũng tội nghiệp. Mai mốt mẹ mày nên đong gửi cho mẹ con nó một ít gạo.
Tôi nghe nói mừng lắm và cứ tin rằng từ đó cha tôi sẽ thôi không la
mắng cô Bốn tôi nữa. Tôi đã thất vọng. Cách đó không lâu, một hôm thua
bạc to, thấy cô Bốn tôi vào nhà, cha tôi lại lườm lườm cô và lại quát:
- Mày vào đây làm gì hả con điếc kia?
Cô Bốn tôi chết đã lâu lắm rồi. Nhưng tôi vẫn thường nhớ tới cô tôi. Và
mỗi lần Tết đến, nhìn ai tét bánh tét, tôi như thấy lại cái quằn quại
của cây bánh tét cô tôi khi bị tôi cáu quá ném đi: cây bánh tét lăn lông
lốc từ trên đường cao xuống bờ ruộng và nằm chết giấc ở bên cạnh một
hòn đất lớn.
ST
Tình quê
Vẫn còn đó tấm tình quê ngày cũ,
Luôn nhớ thương da diết lúc Xuân về...!!
Dẫu bao năm lưu lạc sống xa quê,
Lòng không thể nguôi quên về chốn cũ ?!
NM
THƯƠNG LẮM, TẾT NHỮNG NGƯỜI XA XỨ
Từ hàng ngàn đời nay, Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất
trong các lễ hội truyền thống Việt Nam. Đó là điểm giao thời giữa năm cũ
và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Từ
buổi “khai thiên lập địa”, Tết đã tiềm tàng những giá trị nhân văn thể
hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ qua bốn mùa xuân
hạ thu đông. Tết còn là dịp để mọi người Việt Nam tưởng nhớ, tri tâm tổ
tiên, nguồn cội; giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý “ăn quả nhớ kẻ
trồng cây” và tình làng nghĩa xóm. Tết là thời gian sum họp gia đình,
là sự quây quần đầm ấm bên nhau. Dù đi đâu, ở đâu, ngày Tết ai cũng tìm
về quê hương, gia đình, tìm về nguồn cội, nơi chôn nhau cắt rốn.
Một cái Tết nữa lại về. Mùa xuân tới mang theo hơi ấm của yêu
thương và tiễn đưa những ngày cũ. Dù những người vô tư nhất, “lãnh cảm”
nhất thì những ngày này cũng đều cảm thấy xốn xang, rạo rực lạ thường.
Đó là thời điểm đặc biệt, rất nhạy cảm không nghĩ không được. Và lẽ
thường, những sự nghĩ đó đều là vui. Dù khó khăn đến mấy, nghĩ đến Tết là nghĩ đến niềm vui. Vui như Tết mà lị. Háo hức như đón chờ Tết mà lị.
Thế là mười năm rồi em làm dâu xứ người, tha phương nơi đất
lạ. Cứ mỗi năm Tết đến, Xuân về em lại hướng về Tổ quốc mà nghẹn ngào
nhớ mong. Thèm lắm mùi Tết quê hương. Xứ Kim Chi giàu có đủ đầy cũng
không khỏa lấp nỗi nhớ quê ngày Tết. Có cái gì đó mộc mạc thân thương
bỗng chợt ùa về trong em những ngày giáp Tết này. Em nhắc nhớ những buổi
chiều hai mẹ con xách làn ra chợ sắm đồ, những đêm cả nhà quây quần
trong phòng khách để cùng gói bánh chưng, những ngày bố thay ba mẹ con
dọn dẹp nhà cửa, thổi vào trong căn phòng bao nhiêu hơi ấm yêu thương.
Mấy hôm nay, trước không khí những ngày cuối năm tất bật, đã
thấy lất phất mưa xuân phơi phới bay mà lòng tôi nhớ em da diết quá
chừng. Cả mấy anh bạn có vợ đi lao động hợp tác, mấy bác có con đi lao
động xuất khẩu cũng thế. Ai cũng bồn chồn, cũng bâng khuâng nhắc nhớ
người đi xa. Ngàn trùng cách trở không biết Tết nhất này ra sao?
Ngày nào em cũng điện thoại về hỏi thăm việc chuẩn bị Tết. Em
bảo nhớ vô chừng không khí Tết quê hương. Nơi em ở có quá ít người Việt.
Thế cho nên em thèm tiếng Việt biết chừng nào. Đã bao đêm trong mơ em
gặp lại ngày xưa, được nói tiếng mẹ đẻ thoải mái để rồi khi chợt tỉnh
giấc, em bỗng trào nước mắt khi thấy mình vẫn đang ở xứ người. Những
ngày giáp Tết này, em nhớ quay nhớ quắt một bữa cơm với một bát nước
mắm, một món dưa cải và đậu phụ sốt cà chua đến thế nào. Thèm lắm bếp
lửa hồng đêm cuối năm cùng cả nhà đun bánh chưng, bánh tét.
Những cuộc điện thoại giữa em và tôi, và những người thân trong
gia đình tôi nhiều hơn, dài hơn. Chuyện trò ríu ran không muốn dứt. Có
lần giữa đêm em lại gọi. Nghe em nói, em cười nhưng tôi biết là em đang
khóc. Em để những giọt lệ rơi cùng với những bông tuyết rơi phủ trắng
trời Hàn Quốc. Dẫu chẳng nhìn thấy em do ngàn trùng cách trở nhưng tôi
cũng hình dung ra như vậy. Giọng em nghẹn ngào. Tiếng cười em đứt quãng.
Em ước giá có thể gắn vào đôi bờ vai của mình một đôi cánh nhỏ để bay
về sà vào lòng của những yêu thương. Tết đối với em, có lẽ chỉ cần như
thế là đã đủ lắm rồi.
Quê nhà đang háo hức, tấp nập chuẩn bị đón
Tết. Kinh tế những năm gần đây khá lên nhiều lắm, em biết không. Làng
quê đổi mới từng ngày. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đem đến
cho quê ta một bộ mặt khác lạ. Đường làng ngõ xóm phong quang, bê tông
hóa rộng rãi, sạch sẽ. Nhà cao tầng, biệt thự mọc lên nhiều lắm. Không
còn nhà tạm như ngày em còn ở quê đâu. Làng quê mình giờ như phố. Có nhà
đã mua được ô-tô rồi đấy. Những ngày nghỉ họ đã đưa cả nhà đi du lịch
đó đây chẳng kém gì công chức và dân thành phố. Tết đang tràn về từng
ngõ, từng nhà. Hàng hóa nhiều vô kể, tha hồ mua.
Bố
mẹ tuy già những vẫn minh mẫn và luôn nhắc nhớ về em. Mẹ bảo không biết
bên ấy có Tết như bên mình không? Có bánh chưng, bánh tét, có dưa hành,
măng miến không? Bố thì nhắc chẳng biết em có lo liệu Tết nhất cho nhà
người ta chu đáo không? Còn các cháu ngoại nữa? Chúng nó lớn bằng từng
nào rồi? Có đứa nào nói tiếng Việt Nam không? Ôi, nỗi lo của mẹ, của
cha, của những người già sao mà thân thương, thiêng liêng đến thế!
Đừng buồn nhé em khi thêm một Tết nữa xa quê. Thế giới hội nhập, phát
triển, mình cũng phải hội nhập, phát triển cùng chứ. Đường em đã chọn,
lối em đã đi, hãy kiên định mà bước. Hãy vui lên khi Tết đến Xuân về. Em
là chiếc cầu hữu nghị nối nhà mình với nhà người ta bên ấy. Phúc nhà ta
nở nhà người, nước người để mùa Xuân mãi mãi thêm Xuân. Ra giêng, sang
năm tới, vợ chồng con cái em về Việt Nam và bố mẹ, anh chị có điều kiện
sang bên đó. Thế là hạnh phúc, là Tết đó em. Việt Nam luôn là quê hương,
là cội nguồn, là tất cả trong cuộc đời của chúng ta em nhỉ. Nào vui lên
em ơi, chúng ta cũng chào Tết, đón Xuân!
BẾP XƯA
Bao năm chắt
chiu giành dụm, An sửa lại căn nhà cho ra dáng vẻ nhà được nâng cấp từ
chỗ ổ chuột thành nhà cấp bốn có đôi chỗ áp gạch men. Đối với sức hắn,
sửa nhà được như thế quả là khá. Cũng theo lời hắn, khi sửa nhà, may mà
có bạn bè và học trò cũ của hắn giúp. Người thì cho xi măng cả tấn,
người thì cho cả chỉ vàng, người thì cho mượn lâu dài khi nào có thì
trả, chớ một mình hắn làm gì có đủ ngân khoản để tu sửa căn nhà cho có
dáng vẻ dễ nhìn theo cái kiểu “lấy phấn dồi mặt”. Ngày làm xong nhà, hắn
làm bữa tiệc liên hoan để đãi thợ. Hắn có mời dăm ba người bạn thân đến
dự. Bữa tiệc mừng có nhà mới, thế mà hắn nói ấp a ấp úng, đại khái là
hắn cảm ơn, biết ơn bè bạn, người thân, biết ơn anh em thợ đã giúp hắn
có chỗ ở. Và rồi, mọi người cùng nâng cốc chúc mừng tân gia đại hỷ.
Sau tiệc, hắn đi lên đi xuống mỉm cười mừng là có nhà mới - mừng một
cách không thể ngờ. Rồi hắn xấu hổ sao hắn lại xúc động muốn khóc trong
bữa tiệc mừng. Mà thôi kệ ! Có thì mừng, mừng mà khóc thì có sao đâu. Âu
là có mà được khóc cũng sướng hơn không có mà gượng cười.
Dần dần An làm ăn khấm khá. Nhà cửa như đẹp thêm ra. Vật dụng trong
nhà thích nghi với lối sống hiện đại. Nào là xa lông, nào là đầu đĩa CD…
Cái bếp cũng hiện đại hẵn lên, cũng sang hẵn lên, bóng lộn, trắng sáng
những gương, những đồ dùng bằng inox. Cuộc sống nhộn nhịp như len vào
tận bếp.
Nhắc điện thoại, vợ hắn gọi : “A lô ! Cửa hàng gas đấy à ?
Xin làm ơn chở đến nhà K223/18 NVT một bình 13 ký”. Có cái bếp hợp với
“thời đại” quả là hạnh phúc cho vợ hắn. Nếu không có thằng Anh khích thì
chưa chắc gia đình hắn có cái bếp sang trọng. Trong một lần ngồi uống
cà phê, thằng Anh đã chọc hắn : “Này An ! Mày biết đó, thời buổi này mà
chưa sắm được bếp gas thì cũng tội cho mấy bả ở nhà. Thương vợ thì phải
có bếp gas. Không sắm cho vợ thì không được. Chỉ có bếp gas mới giải
phóng được phụ nữ”. Nhìn cái miệng dẻo quẹo của thằng bạn như đang quảng
cáo gas, hắn gật đầu : “Được thôi ! Phen này chắc tau phải mua bếp gas
ga lăng vợ”. Nâng ly cà phê lên , hắn tiếp : “Nào ! Xin nâng ly mừng sẽ
có bếp gas !”.
***
Vợ chồng hắn có cáí tật đón Tết là phải có chút bánh tét bên cạnh cành
mai vàng. Trước đây, mỗi khi Tết đến, vợ chồng hắn được hai bên ông bà
già cho bánh tét cũng đủ dùng. Nhưng từ ngày vợ biết gói bánh thì gia
đình hắn có thêm cái thú nấu bánh tét ngày Tết.
Mua lá chuối ở chợ
về, vợ hắn khoe ngay : “Lá đợt này đẹp mà rẻ nữa. Có lẽ bánh tốt thôi”.
Cô ấy trải lá ra hong. Vừa làm, cô ấy vừa nói : “Anh lo kiếm củi, làm
bếp, chuẩn bị cho em nấu nghe !”. Hắn cười : “Được thôi ! Xin sẵn sàng
!”.
Hắn tìm củi. Hắn tìm khắp nhà xem có củi gỗ không. Hắn tự cười
cho sự đãng trí đang bắt đầu chớm. Làm gì có củi gỗ khi nhà hắn dùng
bếp gas.
Thế rồi, hắn lấy xe đi mua củi. Hắn nói với vợ trước khi
dắt xe ra cổng : “Anh đi mua củi đây. Mà mua bao nhiêu là vừa ?”.Vợ hắn
lườm : “Cái ông này ! Thì mua cho đủ nấu !”. Hắn chép miệng thầm nghĩ :
“Biết bao nhiêu là đủ. Cứ ước chừng mua nhiều một chút cũng được. Nhiều
thì đun nhiều, có sao đâu”…
Ba viên gạch, sẵn sàng củi lửa là cái
bếp nấu bánh đón Tết hoàn thành. Hắn phủi tay, nói với vợ : “Anh làm
xong rồi ! Anh nghỉ tay một lát. Anh đi uống cà phê nghe em !”. Vợ hắn
không ngơi tay gói, nói :“Nhanh nghe anh ! Em xong ngay bây giờ !”.
Ngọn lửa bùng lên ! Cái bếp nấu bánh tét bùng lửa lên ! Bếp sáng rực
trước sân nhà. Ở phố, bếp nấu bánh ngày Tết làm ngay trước sân nhà, hay
thật ! Cả năm mới có một ngày bếp đỏ hồng ngọn lửa trước sân nhà, đỏ
hồng cả căn nhà.
Ngồi bên bếp, lâu lâu thêm ít củi, châm ít nước
vào nồi – nhiệm vụ của hắn chỉ có thế. Hắn phải thức đêm canh nồi bánh
tét. Hắn chuẩn bị mọi nhu cầu để thức đêm. Nào là một phin cà phê, nào
là một bao thuốc lá, nào là hai gói mì ăn liền…, tất cả như sẵn sàng cho
đêm nấu bánh.
Hắn nhìn đồng hồ. Đã một giờ rưỡi sáng. Hắn thêm
một ít củi vào bếp, châm một ít nước vào nồi. Dù đã uống hết ly cà phê,
hút hết 9 điếu thuốc, thế mà hắn vẫn cứ ngáp. Nhìn quanh, hắn thấy mọi
vật như ngủ. Chỉ có cái bếp bùng ngọn lửa là thức cùng hắn. Dựa người
trên chiếc ghế xếp, hắn mơ màng theo ngọn lửa hồng. Trước mắt hắn, ngọn
lửa hồng bùng lên. Từng đoàn người đang đi qua trước mặt hắn. Tiếng ngựa
hí, tiếng trống, tiếng thanh la vang động cả góc trời. Ngọn cờ hồng
phấp phới tung bay. Trong tâm tưởng, hắn biết chắc đó là nghĩa quân Tây
Sơn đang hành binh ra Bắc. Những đòn bánh tét theo đoàn quân. Những bếp
di động theo đoàn quân Bắc tiến. Trong ngọn lửa hồng, hắn thấy thanh
gươm nghĩa của Nguyễn Huệ sáng ngời chỉ thẳng phía quân thù, thúc nghĩa
binh giành thắng lợi. Trong ngọn lửa hồng, hắn thấy hoa đào đất Bắc ra
hoa. Thăng Long hò reo thắng lợi. Cả dòng người hò reo trong chiến
thắng. Hắn cũng hò reo…Hắn giật mình. Hắn ngỡ ngàng. Hắn vươn vai đứng
dậy thêm củi vào bếp, châm nước vào nồi.
Hắn ngồi nhìn ngọn lửa.
Ngọn lửa đã thắp sáng lại chuyện của ông ngoại hắn. Chuyện đã lâu rồi,
rất lâu. Đại khái là ông ngoại hắn, đội trưởng đội du kích thôn Quảng
Đại ở vùng B, Đại Lộc, có chút võ nghệ. Những năm đầu của thập niên
1960, ông hắn tổ chức cho thanh niên, trai tráng trong làng tập võ gậy
vào những lúc chiều tối. Sau này hắn mới vỡ lẽ, tổ chức như vậy, là để
đánh lại bọn lính từ xã xuống. Trận lụt năm Thìn 1964, ông hắn cùng du
kích bơi ghe cứu nhiều gia đình sắp bị trôi, trong đó có mẹ con hắn.
Một đêm giáp Tết năm Kỷ Dậu 1969, ngoại hắn ngồi nấu bánh tét. Đêm ấy,
cả gia đình ngủ say. Chỉ còn một mình ông thức. Ông lụi cụi thêm ít
củi, châm ít nước. Ông canh chừng nồi bánh…
Một tiếng nổ khủng
khiếp. Cả nhà ù tai. Đại bác từ Kiểm Lâm, từ Ái Nghĩa vẫn bắn sang. Khói
bụi bay mù trời. Ông hắn không còn. Cả cái bếp, cả nồi bánh cũng không
còn…
Mắt hắn nhưng nhức. Sống mũi hắn cay cay. Hắn thêm ít củi vào bếp,
châm ít nước vào nồi. Hắn ngồi nhìn ngọn lửa. Bếp xưa chờn vờn, chờn
vờn…
Chợt có tiếng vợ hắn : “Bánh chín chưa anh ? – Cô ấy đến bên cạnh hắn nói tiếp - Thôi, anh đi nghỉ đi ! Để em ngó cho”.
Vợ hắn cũng thêm ít củi vào bếp, châm ít nước vào nồi.
Bếp xưa đỏ hồng ngày Tết !
Phan Trang Hy
Mãi còn một góc quê
Gần nửa đêm, tôi vào giường sắp sửa ngủ, giấc ngủ ngày càng ngắn đi
theo tuổi tác, thì điện thoại reo. Giai điệu bài A better day mà tôi yêu
vang lên thúc giục trong đêm vắng. Một giọng lạ hoắc bên kia đường dây:
Dạ xin lỗi, phải số điện thoại của chị Huyền không? Tôi
vừa đáp đúng rồi thì người phụ nữ reo lên: “Chị còn nhớ em không?”. Nửa
đêm gọi điện không xưng danh xưng tánh rồi hỏi nhớ không, là nhớ làm
sao, nhớ mới là lạ… “Em là Tuyết Mai nè!”. “Tuyết Mai nào?”. “Tuyết Mai
con bảy Tiếp, tám Thiệp á!” Đến lượt tôi kêu lên: “Ủa, nghe nói ở bên Mỹ
mà?”. “Thì em bên Mỹ gọi về nè. Ngày mai tảo mộ phải không chị? Chị có
về quê không?”.
Từ
ngày ba tôi mất, năm nào bận bịu công việc gì tôi cũng sắp xếp về nhà
tảo mộ. Về, cho má tôi vui, rồi cùng mấy đứa em, đứa cháu xách nước rửa
mấy tấm mộ bia, quét dọn dẫy cỏ chung quanh nền mả, sơn phết lại từng
ngôi mộ ở vuông mả. Tết nhứt, cũng phải thay áo mới cho ông bà. Hồi còn
sống, ba tôi thường bảo vậy.
“Chị
ơi, nếu có về em nhờ chị thắp giùm em nén nhang trên mộ nội. Em biết
bác Sáu với mấy anh chị không bỏ nội em, nhưng em nhờ chị đốt cây nhang
rồi vái với nội rằng cây nhang này là của con Mai, xa xôi cách trở Tết
nhứt nó không dìa được…”.
Nó,
đứa em họ khác dòng của tôi nấc lên. Tôi vội bảo: “Nghe nói hôm rồi chú
thím Bảy có xuống dẫy cỏ, sơn mả cho bà nội”. “Nội em không có chứng
giám cho hai người đó đâu”. Không muốn khơi sâu chuyện nhạy cảm của gia
đình Mai, tôi hỏi thăm về hoàn cảnh sống của nó bên Mỹ. Mai nói đã có
bốn con, hai đứa lớn sinh ở Việt Nam đã đi làm kiếm được tiền, hai đứa
sinh đôi sau còn bé được hưởng trợ cấp của chính phủ. Vợ chồng nó sống
bằng nghề cắt cỏ, hiện đã mua được nhà trả góp…
Mai
là con gái duy nhất của chú thím Bảy tôi (trước và sau nó là lóc nhóc
một đám anh em trai). Chú Bảy là con của bà nội sau. Khi ba tôi lên
chín, bà nội tôi qua đời. Ông nội lấy bà nội sau là một phụ nữ rặt nông
dân, cả đời bán thân bán mặt cho vườn tược, ruộng đồng. Nghe nói cuộc
dan díu này đã xảy ra từ khi bà tôi còn sống. Vì thế bà buồn bỏ xứ Cái
Bè, nơi dòng họ Huỳnh Mẫn, ông tổ hai đời của ông nội tôi định cư lập
nghiệp, trở về quê cha đất tổ ở Tân Hương cho tới chết. Cả nhà phản đối
cuộc tái hôn này. Không chỉ vì cái tội bà nội hai đã làm cho những năm
tháng cuối đời của bà nội tôi phải sống trong phiền muộn, mà còn vì hoàn
cảnh xuất thân dốt nát của bà. Bà nội hai, chỉ được cái trẻ trung, chứ
một chữ nhất một không biết, quanh năm chỉ lo làm lụng, kiếm sống. Không
chỉ giỏi chuyện ruộng rẫy, bà còn làm cả những công việc của đàn ông
như móc mương, leo cau leo dừa. Cô Ba tôi nói: Ba cưới vợ chứ đâu phải
cưới người ở. Còn cô Tư, vốn được xem là tiểu thư đài các nhất nhà, vừa
lấy chồng là một đốc học danh giá, thì bù la bù loa: Ba làm sao coi được
thì làm. Cho con còn nhìn mặt bên chồng nữa. Chỉ có ba tôi, lúc ấy vừa
tròn hai mươi mải miết theo Vệ quốc đoàn đi kháng chiến, không mảy may
biết chuyện nhà (mà có biết chắc ông cũng không phản đối vì ông vốn hiền
lành, với lại người theo cách mạng như ba chắc sẽ dễ dàng cảm thông cho
xuất thân bần hàn của bà nội hai). “Thằng Trứ là con trai, mai mốt về ở
với ba chứ mấy đứa nữ sanh ngoại tộc, có gánh vác gì cho gia đình mà
bàn ra bàn vào”. Ông nội phán vậy rồi mặc nhiên rước bà nội hai về sau
đám mừng tuần giáp năm của bà nội. Cô Tư mới đi lấy chồng, từ chỗ mỗi
tuần về nhà mấy ngày lo việc cúng kiếng, nấu nướng cho ông nội, bỏ biệt
về Tân Hương, trấn giữ ngôi nhà ba gian đồ sộ bà nội để lại cùng vô số
ruộng điền. (Bà nội tôi là con gái của một địa chủ nổi tiếng giàu có
vùng Tân Hương, Tân Hiệp). Cô ba sớm ngộ đường Phật đạo, xuống tóc qui y
từ nhỏ, nhưng ông bà nội thương con không gửi cô đến Phật am khác, mà
cất cho ngôi chùa nhỏ trong vườn, thỉnh đủ các đức Phật, rước các sư
ông, sư bà làm lễ nhập môn cho cô thí phát qui y tu hành. Cô tu hành
nhưng tính tình cương trực, cứng rắn, chuyện nhỏ lớn trong gia đình thấy
không phải là nói, ngay đến ông nội cũng phải kiêng vị. Không cản ngăn
được cha mình vầy duyên mới, cô đưa điều kiện, ông không được rước bà
nội hai về ở trong ngôi nhà thờ còn đầy dấu tích của bà nội. Ông nội
phải xây căn nhà riêng cho bà nội hai và căn nhà ấy phải cách xa ngôi
nhà thờ để không làm tủi hổ vong linh bà nội. Cái ngày ông tôi rước bà
nội hai về căn nhà mới, cũng là ngày cô đóng cửa chùa nhà, qua Bến Tre,
trụ ở chùa Bạch Vân cho tới cuối đời.
Ngôi
nhà mới mà ông tôi xây để ở với bà nội hai rồi sinh ra chú bảy Tiếp, là
một góc hình ảnh quê nội in đậm trong ký ức tuổi thơ tôi. Khi ấy, ba
tôi đã đưa cả nhà ra thị trấn, nơi ông cùng một số bè bạn kháng chiến mở
trường dạy tư và hoạt động bí mật. Ông nội tôi đã qua đời, ngôi nhà thờ
cũ không người trông coi, xuống cấp cũng đã dỡ đi. Khu vườn gần bốn
mẫu, với cả một gia phả mồ mả ông bà chỉ mình bà nội hai trụ lại. Cuộc
đất nhà tôi thuộc vùng ven thị trấn, những năm ấy là vùng tranh chấp của
hai bên. Tuy không chịu cảnh bom pháo nhưng lính thường xuyên đi ruồng.
Họ tự cho mình cái quyền hoạnh họe bắt gà bắt vịt, xúc lúa, hái trái
cây. Phải can đảm lắm mới trụ lại được như bà nội hai. Nghe kể, nhiều
lần bà đã giằng co với tụi lính để giành lại từng buồng chuối, trái mít,
mớ cam. “Huê lợi này của con tôi, nó làm “khầy” giáo dạy học “quày” khị
trấn, mấy ông lấy hết mần sao nó nuôi con”. Hình ảnh bà già nhỏ thó móm
mém chạy lon ton theo năn nỉ xin lại những thứ bị cướp đã quá quen
thuộc với tụi lính. Có khi chúng chĩa súng thẳng vào đầu bà. “Đ. M, còn
lải nhải nữa tao bắn chết mẹ!”. Ba tôi nói “Tụi nó muốn bẻ, muốn hái bao
nhiêu thây kệ. Bà đừng giành giật làm chi nguy hiểm lắm”. “Đâu được,
tui giữ vườn cho thằng Sáu đâu mà để mất mát coi sao đặng”.
Trong
ký ức tuổi thơ tôi vẫn còn in đậm hình ảnh bà già nhà quê áo nâu đi
chân đất, lâu lâu lại xuất hiện với lỉnh kỉnh bị, giỏ, xoa đầu chị em
tôi rồi lấy ra nào cam nào quít, ổi mận… Đặc biệt là những ngày đám giỗ,
bà bơi xuồng chở củi, dừa khô lá chuối ra, xay bột rồi hấp bánh bò,
gói bánh ít, bánh tét mấy ngày.
Cuối
hè năm ấy sắp đám giỗ ông nội, ba tôi bảo với bà: Kỳ này bà thu xếp
đưa thằng Tiếp ở đây tôi lo cho nó đi học. Bà kéo chéo khăn trùm đầu
chậm chậm khóe mắt: Thằng Sáu nói vậy tui mang ơn, nhưng vợ chồng thằng
Sáu còn phải lo cho sắp nhỏ. Ba tôi cằn nhằn: Nó cũng cùng máu mủ với
tôi chứ người dưng nước lã sao. Bà mếu máo: Thằng Sáu nói vậy thì tui có
chết cũng yên cái bụng. Trong cuộc đời làm lẽ, điều bà sợ nhất không
phải là sự hắt hủi, lạnh lùng của mọi người đối với bà, mà chính là nỗi
lo lắng đứa con trai duy nhất của bà không được dòng họ bên chồng thừa
nhận. Bà có mang với ông tôi năm sáu lần, nhưng đều bỏ cả, khi thì hư
thai do bà tham công tiếc việc, bụng mang dạ chửa mà còn trèo cây hái
trái, làm lụng vất vả, khi thì đẻ non đẻ rớt. Cô Tư tôi rủa tại giựt
chồng người ta nên trời phạt. Cô Ba tu hành, rộng lượng hỉ sả hơn, nhưng
chỉ mua đường sữa, gửi ông nội đem cho bà chứ cũng chẳng bước qua thăm.
Vậy mà bà hãnh diện lắm, ai tới cũng khoe: Cái này của chị Ba nó gửi.
Nhất là khi chú Tiếp ra đời, được làm khai sinh mang họ Huỳnh, được nối
tiếp thứ bảy sau ba tôi. Năm chú Tiếp lên tám, ông tôi qua đời. Ông di
chúc để lại cho bà nội hai mấy công đất ngoài mặt tiền, căn dặn ba tôi
dòm ngó trông nom việc học hành của chú Tiếp sau này, và khi bà nội hai
chết phải được chôn trong khu mộ của dòng họ. Mọi người chấp nhận hai
điều kiện đầu, nhưng việc để bà yên nghỉ trong khu mộ tổ, các cô cực lực
phản đối. Bả được chia đất thì chôn trong đất của bả, má mình còn không
chôn ở đây sao bả lại được.
Chú
Tiếp chắc do mặc cảm con dòng sau từ nhỏ đã rụt rè nhút nhát. Vào dịp
giỗ chạp hay tết, bà nội hai dẫn chú vào thắp nhang bàn thờ, chú thường
núp sau vạt áo của bà. Cô Ba tôi thấy thương gọi cho bánh chú cũng
không dám tới nhận. Chú chỉ không sợ mỗi mình má tôi, vì má tôi là người
duy nhất trong nhà thường xuyên tới lui với bà nội hai. Hồi mới về làm
dâu, giữ lễ nghĩa, má qua chào, bà mừng rơi nước mắt. Rồi cũng nhờ má,
dần dà hai mẹ con bà mới lui tới ngôi nhà thờ…
Vì
trốn quân dịch, khai nhỏ tuổi nên chú Tiếp phải ngồi lại lớp nhất hoài.
Đến năm thứ ba, lớn chồng ngồng mà cứ học chung với tụi con nít, chú
mắc cỡ, nhất định nghỉ, dù bà nội năn nỉ ỉ oi hết cách. Mà trường làng
chỉ tới lớp nhất thôi, muốn lên nữa cũng không có lớp để mà lên. Năm
mười lăm tuổi, chú Tiếp được ba tôi đưa vào học lớp sáu ngôi trường tư
thục mà ông đang dạy. Trước năm 1975, những ngôi trường tư thục được xem
là “cái ổ” của Việt cộng, không chỉ là tổ chức của những giáo sư xuất
thân từ kháng chiến, những trí thức “thân cộng”, mà còn là nơi dung nạp
những học trò lớn tuổi ở quê, tạo điều kiện cho con em nhà nghèo được
học hành và… trốn lính. Chú Tiếp mất căn bản, nên không học nổi lên tú
tài. Hết đệ tứ, chú nghỉ học, đi lính kiểng làm việc bàn giấy không phải
ra trận. Hai năm sau, bà nội chạy cho chú giấy chứng nhận bị viêm
xoang nặng, nghễnh ngãng, nên chú được giải ngũ về nhà cưới vợ.
Bi
kịch bắt đầu từ ngày chú Tiếp lấy vợ. Chú yêu con gái trưởng ấp là cô
giáo. Nhà bên vợ ở ngã tư Cái Bè ba gian ngói khang trang, vườn tược xum
xuê, ngang dọc. Xét về vai vế, lẫn học vấn chú đều thua sút người ta.
Thím Tiếp lại đẹp, nên nhà gái bắt chẹt đủ điều. Bà nội nghèo nhưng phải
làm đủ lễ: bỏ rượu, ăn hỏi rồi mới cho cưới. Vì chú Tiếp cưới vợ đẹp,
con nhà giàu nên phải chạy sất bất sang bang. Chú học nghề thợ mộc,
ngoài việc tới nhà người ta làm công nhật, còn lãnh công về nhà làm thêm
để có tiền… cưới vợ. Thấy chú thức đêm thức hôm bào đục, bà nội xót xa,
thương con, bà cũng mót từng buồng chuối, buồng cau bán. Gom được bao
nhiêu tiền, bà đưa hết cho má tôi để mua trà rượu, bánh trái làm mấy mâm
sính lễ. Con Sáu coi lo liệu giùm em. Thằng Tiếp nói phải mua rượu Tây,
bánh lu gì đó tui đâu có biết. Một chiều chạng vạng, bà chạy ra nhà
tôi, vừa ngồi xuống bộ đi-văng đã mếu máo. Sáu ơi, bên đó người ta đòi
bông “hột xàn” (hột xoàn). Thật quá đáng, bộ họ không biết hoàn cảnh của
bà với thằng Tiếp sao. Biết, nhưng đây là ý kiến của ông bác trưởng họ,
ổng nói nếu không có bông hột xàn thì hổng cho cưới. Ba tôi nổi nóng.
Vậy thì dẹp luôn đi. Nhưng… thằng Tiếp nói nếu không cưới được con Thiệp
nó sẽ cạo đầu đi tu. Cái thằng thiệt là, rồi bà tính sao? Bà nội lần
chiếc túi rút, trút ra những món đồ trang sức ít ỏi: đôi bông mù u, hai
chiếc nhẫn, cặp lắc, quà tặng của ông nội, mà dịp tết, hay đi đám tiệc
bà mới lấy ra đeo. Thôi thì của cha nó, trước sau gì tui cũng để lại cho
nó, con Sáu coi bán rồi mua bông hột xàn cho em.
Những
tưởng hy sinh tất cả để có thêm dâu hiền, nào ngờ chú Tiếp cưới vợ
xong, lấy cớ thím phải dạy học, đi về xa xôi, bên vợ cho tiền mua nhà ở
luôn ngoài thị trấn. Cuối tuần hai vợ chồng mới đùm túm về với bà một
ngày. Trong ngày chúa nhật ngắn ngủi, bà lo bắc nước làm gà, nấu cháo,
còn chú Tiếp cứ quẩn bên vợ, xách nước cho thím tắm, trèo hái cam, quít
mận hồng đào cho thím ăn, bỏ mặc bà nội loay hoay nấu nướng rồi loay
hoay dọn dẹp.
Rồi
thím Tiếp sinh một đám con lóc nhóc, đồng lương cô giáo và tiền công
thợ mộc của chú không đủ mua sữa cho tụi nhỏ. Chú thím bắt đầu hục hặc
với nhau, chú buồn dắt một đám lóc nhóc về ở với bà. Mấy đứa nhỏ nhớ mẹ
khóc ti tỉ chịu không thấu, bà phải gom hết tiền dành dụm cho chú Tiếp.
Từ đó, bà ăn mắm mút giòi, cắc cỏm bao nhiêu tiền kiếm được từ huê lợi
vườn ít ỏi, từ việc lén lút đi làm mướn, đều đưa cho chú Tiếp. Một lần,
ba tôi tình cờ thấy bà làm cỏ cho nhà hàng xóm, ông gọi chú Tiếp la cho
một trận. Chú Tiếp khóc hứa sẽ… không để bà phải nhọc lòng vì mình nữa.
Nhưng rồi thím Tiếp cứ đẻ sòn sòn năm một, thương con thương cháu bà
lại oằn đôi vai gầy bảo bọc…
Tôi
thắp nén nhang trước mộ bà. Ngôi mộ nằm song song với mộ ông nội trong
vuông đất họ Huỳnh Mẫn. Là tấm lòng thành của ba tôi, dù cho đến khi bà
chết, ba tôi vẫn chưa gọi bà một tiếng má, điều mà sau này ông ân hận
mãi.
Bà
nội nằm liệt mấy năm, chú Tiếp sang hết đất vườn, rước bà ra thị trấn.
Nói là để tiện việc phụng dưỡng nhưng chỉ ngày hai bữa cơm, thiếu hẳn sự
chăm sóc dành cho người già. Những năm sau giải phóng, cuộc sống khó
khăn chú thím phải chạy ăn từng bữa nuôi đám con đang tuổi ăn tuổi lớn.
Bà không giúp gì được, còn nằm một chỗ “báo cô”, nên mọi người cứ lạnh
nhạt dần. Mấy đứa cháu thay phiên nhau cho bà ăn uống vệ sinh hàng ngày,
làm cho có lệ. Chỉ có Tuyết Mai là thật lòng chăm sóc. Từ nhỏ nó đã
quấn quít yêu thương bà. Nó đi học ở thành phố tuần nào cũng về tắm rửa,
giặt giũ chăn màn cho bà. Nó la mấy thằng anh để chỗ ngủ bà hôi hám,
ruồi đậu kiến bu. Rồi Tuyết Mai được một gia đình Việt kiều đánh tiếng
hỏi cho con trai. Nhà chú Tiếp đang gặp khó khăn cũng muốn cho con đi
nước ngoài đổi đời, nhưng Tuyết Mai khóc sợ nó đi rồi không ai chăm sóc
bà. Chú thím phải dỗ dành, hứa hẹn đủ điều, nó mới chịu lấy chồng. Vừa
qua Mỹ, nó đã gửi tiền về, bảo nhà phải thuê người chăm sóc bà. Chú thím
dùng số tiền nó gửi về hàng tháng mua sắm sửa sang nhà cửa. Bà nội chỉ
được chăm sóc lấy lệ, ngày càng yếu đi. Rồi một lần chú thím đi ăn cưới
xa, mấy thằng con trai đóng cửa rủ nhau đi nhậu. Một ngày một đêm trở
về, bà chết lúc nào không biết, hai mắt kiến bu đầy. Mãi mãi, Tuyết Mai
không tha thứ cho chú thím và anh em nó. Nó vẫn gửi tiền về đều đặn,
nhưng không một dòng thư thăm hỏi, chú thím gọi điện, nó cũng không
nghe.
Chú
thím cưới vợ cho mấy đứa con trai nhưng không ở được với đứa nào, giờ
già yếu bệnh hoạn, về cất nhờ trong vườn nhà tôi căn nhà nhỏ sống bằng
tiền trợ cấp của Tuyết Mai.
Năm
hết tết đến nghĩ đến bà nội hai mà lòng dạ tôi não nề. Nhưng cứ theo lẽ
ở đời, bà nội hai của tôi là người hạnh phúc nhất trần đời. Bà hạnh
phúc vì lẽ, sống biết thân biết phận và hết lòng vì mọi người cho đến
hơi thở cuối cùng. Bà không còn nữa nhưng hình ảnh bà mãi mãi được lưu
giữ nơi trái tim nhân hậu của những người như Tuyết Mai. Mai ơi, ở nơi
chân trời xa thẳm trong lòng em vẫn còn một góc quê nhà...!
THU TRANG