Tô điểm sân nhà thêm thắm xinh, Hàng cây dâm bụt đỏ thân
tình..... Mật ngọt điểm tô cho sắc thắm, Màu hoa rực
rỡ sắc bình minh !!
Thơ ấu ngày nao xa rất xa,
Sao vẫn thương hoài một dáng hoa..?!... Của thời thơ dại quê nhà cũ Hàng dậu sân nhà rực sắc hoa....
Một mình ngơ ngẩn dưới hoàng hôn, Nhớ tiếng cười vui rộn rã giòn.... Nhớ vòng hoa cưới cô dâu nhỏ, Chơi đón dâu về đi khắp thôn !!....
Tôi đi tìm lại bóng hình tôi, Của thời thơ trẻ đã xa xôi..... Dường như có lẻ tôi nhìn thấy, Hình bóng mình qua con trẻ thôi !! NM
Lồng đèn hoa dâm bụt
Tôi
và Minh là bạn thân với nhau từ hồi cởi truồng tắm mưa đến giờ. Minh
luôn quan tâm, chăm sóc tôi, xem tôi như đứa em gái bé nhỏ. Ở bên Minh,
tôi có cãm giác rất an tâm và yên bình. Lúc nhỏ, tôi thường bị bọn trẻ
trong xóm bắt nạt, Minh luôn là người ở bên bảo vệ tôi. Minh oai lắm
nhé, chỉ cần Minh quát 1 tiếng thôi chúng nó đã xanh mặt chạy mất tiu.
Minh thường hái chiếc hoa râm bụt rồi làm thành lồng đèn tặng tôi khi
tôi khóc. Lúc đó tôi rất thích thú vì bông hoa lạ lẫm đó rồi quên luôn
cả chuyện mình vừa mới khóc. Năm cấp 3, tôi với Minh học khác
lớp. Giờ ra chơi nào cũng vậy, Minh thường hay qua lớp tôi, khi đưa tôi
cây kem mát lạnh, khi thì hộp sữa chua, khi thì cây kẹo mút … Minh hay
dặn dò tôi nào là học nhớ tập trung nghe giảng, không được làm việc
riêng, hết bút thì nói Minh rồi Minh sẽ mua cho … blabla… Bọn bạn lớp
tôi thường trêu 2 đứa tôi là “vợ chồng trẻ”. Trong khi tôi rống cổ cãi
lại thì Minh lại ngồi đó mĩm cười “ Ừ thì vợ chồng thật mà”. Bọn bạn lớp
tôi ồ một tiếng rồi chạy ù ra hành lang đồn thổi tin vừa nãy cho bọn
lớp khác. Tôi điên tiết lên đi được, tôi quát Minh “ vợ chồng gì cơ chứ?
Minh nói nhảm cái gì vậy hả? Minh đi đi, từ nay Nghi không muốn gặp
Minh nữa! Đừng qua lớp Nghi tìm Nghi nữa!” Minh nhìn tôi, vẻ mặt đượm
buồn, rồi lầm lũi bước về lớp. Năm học 12, tôi và người bạn
trai đầu tiên chia tay khi 2 đứa quen gần 6 tháng. Chia tay ngớ ngẫn
lắm, hắn ta nói tôi quá trẻ con không hợp với hắn, vậy là chia tay. Tôi
cứ đặt niềm tin vào tình yêu của hắn rồi bây giờ chịu uất ức. Tôi ngồi
khuỵụ xuống hàng râm bụt trước nhà ôm mặt khóc. Thoảng bên tai, tôi nghe
thấy tiếng Minh gọi “ Nghi này! Minh đây! Sao lại ngồi đó khóc vậy?”
Ngước mặt lên, tôi trông thấy trên tay Minh là chiếc lồng đèn hoa râm
bụt đó đang chìa ngay trước mặt tôi. Minh mĩm cười “ Lồng đèn nè bé
Nghi! Đừng khóc nữa nhé! Bé Nghi của Minh cứng rắn lắm mà!” Tôi tức giận
gạt tay Minh ra “ Minh có thôi đi không? Bây giờ Nghi đã 18t rồi! Nghi
không còn là con bé ngu xuẩn hay bị bắt nạt ngày trước nữa! Lồng đèn gì
chứ? Nghi không cần!” Rồi tôi ấm ức bỏ vào nhà. Tôi đỗ đại
học vào trường Luật ở thành phố Hồ Chí Minh với số điểm không cao mấy
nhưng vừa đủ. Minh ở lại quê nhà học đại học Nông nghiệp. Ngày tiễn tôi
đi, Minh dặn tôi đủ điều, khi tôi đã yên vị trên xe rồi tôi quay xuống
nhìn Minh lần nữa. Ôi kìa, mắt Minh đỏ lên và ươn ướt. Minh vẫy tay tạm
biệt tôi rồi quay mặt đi chạy vụt vào nhà. Có lẽ minh không muốn tôi
nhìn thấy Minh khóc. Gì mà không muốn chứ, có phải là người yêu đâu?
Minh khờ quá, chúng mình là bạn thân mà. Bận rộn với việc học
tập, tôi chẳng chăm sóc cho sức khoẻ mình chút nào. Chỉ vài ba tháng,
tôi giảm cả 5, 6kg. Minh không còn điện thoại cho tôi thường xuyên nữa,
không còn dặn dò tôi gì nữa, tôi khong bị làm phiền nữa. Mừng quá đi !!!
Những ngày giáp Tết, tôi bận bù đầu vào những bài tập ôn chuẫn bị thi
học kì. Đói bụng quá, đi mua chút gì ăn thôi! Tôi theo tiếng gọi cũa cái
bao tử rỗng đi ra siêu thị mua ít đồ. Đang ngắm nghía 1 vài vật, tôi
chợt thấy Minh. Minh không có gì khác trước trừ việc bên cạnh Minh có 1
cô gái. Cô ấy rất xinh đẹp, xinh hơn cả nàng hoa khôi ngành Luật nữa. Ừ
mà cũng phải, Minh cũng điển trai lắm mà. Tự dưng tôi thấy ganh tị với
cô nàng ấy. Minh đâu từng nắm tay tôi chặt như nắm tay cô ấy đâu. Đang
suy nghĩ mông lung chợt tôi nghe thấy tiếng Minh gọi “ Nghi à! Đằng này
nè! Qua đây!” Minh vẫy vẫy tay gọi tôi. Tiến lại phía Minh, tôi tỏ vẻ
chưa thấy gì hết “ Minh lên đây hồi nào vậy? Không đi học à? Sắp thi
rồi! Còn cô này là . . .” tôi nhìn qua cô gái đó. Minh hào hứng giới
thiệu “ Giới thiệu với Nghi đây là Vy, học ngành Luật trên Nghi 1 khoá
đó!” Cô gái đó nhìn tôi rồi gật đầu “ Trên Nghi 1 khoá? Vậy là lớn tuổi
hơn Minh hả? Vậy sao …” Minh phẩy tay “ Yêu nhau đâu cần phân biệt tuổi
tác đâu nào! Minh quen Vy là do thằng Đạt giới thiệu đó! Hôm nó dẫn cả
lũ bạn về quê chơi” Thằng Đạt là cái thằng mà thường bắt nạt tôi lúc tôi
còn nhỏ, nó học cùng ngành Luận với tôi. “ À! Vậy sao? Chúc mừng 2
người nha! Tết Nghi về quê, nếu chị Vy có muốn đi cùng thì bảo với Nghi
nhé! Nghi về học bài đây” Rồi tôi chạy 1 mạch về nhà. Lâu nay
Minh không thèm liên lạc cho tôi là vì Minh có bạn gái rồi sao? Sao Minh
không báo cho mình 1 tiếng chứ? Bạn bè gì như thế à? Tự nhiên tôi thấy
mình ích kỉ quá. Tôi muốn Minh quan tâm tôi như ngày trước cơ. Tôi không
muốn Minh quan tâm ai khác hơn tôi cả. Tôi sao thế này? Trước giờ tôi
có ích kỉ thế đâu? Nhưng nhớ lại cảnh lúc này, tay Minh nắm chặt tay cô
gái đó thì tôi lại rất bực bội. Tôi muốn xô cô ta ra rồi giữ chặt bàn
tay đó cho mình. Không lẽ tôi đã … tôi đã yêu Minh rồi sao? Không thể
được. Tôi chỉ xem Minh là 1 người anh trai thôi mà. Quái lạ, Nghi ơi,
con tim ơi, sao lại như thế này chứ? Tĩnh lại đi . . . Tết năm
nay thật là buồn. Minh không còn qua rủ tôi đốt pháo hoa nữa. Năm nay,
Minh với Vy cùng nhau đi dạo loanh quanh, còn tôi thì cứ lủi thủi trong
nhà. Nếu mà ra ngoài thế nào cũng phải nhìn thấy cảnh Minh với Vy vui vẻ
bên nhau. Tôi không cam tâm khi thấy cảnh đó chút nào. “ Mẹ ơi, hình
như con đã thương Minh mất rồi mẹ ạ!” Mẹ tôi nhìn tôi ngỡ ngàng “ Lúc nó
thương con, sao con không có tình cảm? Để bây giờ mất rồi thì mới nhận
ra?” “ Con không biết nữa mẹ ạ! Bây giờ con phải làm sao đây?” Mẹ thở
dài “ Trái tim con nó mách bảo cái gì thì con hãy làm theo nó” Sau khi nhận được tin Minh với chị Vy chia tay nhau, tôi chụp lấy điện thoại và gọi cho Minh - Alô, Minh hã? - Minh nghe nè Nghi! - Minh với chị Vy sao chia tay vậy? - À , chị Vy phải đi du học rồi! Chị ấy nói qua đó định cư luôn nên Minh mới quyết định chia tay! - Vậy Minh ơi, Minh có thể làm lồng đèn râm bụt cho Nghi suốt đời được không? - Sao Nghi nói Nghi không còn trẻ con nữa, Nghi bảo Nghi không thích lồng đèn râm bụt nữa cơ mà? -
Nghi … Nghi chợt nhận ra là những bông hoa đó, nó chứa đựng rất
nhiều tình cảm của Minh dành cho Nghi. Và Nghi muốn mỗi sáng thức giấc
được nhìn thấy chúng treo bên ngoài cửa sổ như lúc nhỏ Minh từng là cho
Nghi!!! Bên kia vọng lại tiếng cười khúc khích - Nghi có biết vì sao Minh quen chị Vy không? - Không! Vì sao thế? – Tôi thắc mắc - Vì . . . chị Vy có đôi mắt giống Nghi và tính tình trẻ con giống hệt bé Nghi ngốc nghếch ngày nào của Minh! Hạnh
phúc nó chạy vào tim tôi. Hoá ra từ trước đến nay, Minh chưa hề hết
tình cảm với tôi. “Cảm ơn Minh đã yêu Nghi lâu đến như vậy. Cảm ơn Minh
đã ở bên Nghi. Những chiếc lồng đèn râm bụt ngày đó, dù sau này Minh
không làm tặng cho Nghi nữa thì chính Nghi sẽ làm nó tặng lại cho Minh
để Minh biết lồng đèn hoa râm bụt Minh tặng Nghi nó đẹp đến nhường nào .
. . Đẹp như tình cảm của Minh giành cho Nghi . .
Lil' Xuz NôBi
Hoa dâm bụt ngời ngợi đỏ
Ngày ấy, tôi công tác ở Hà Nội, vợ
tôi làm ở Hải Phòng. Chúng tôi cưới nhau hơn năm thì nhà tôi sinh cháu
đầu lòng. Nhưng dường như Thượng đế muốn thử thách chúng tôi? Người ban
cho vợ chồng tôi một thằng cu thật kháu khỉnh để rồi sau đó đúng 6
tháng, lại sai Tử thần xuống bế cháu về trời Vợ tôi gần như phát
điên. Còn tôi thì, xin lỗi các bạn, nếu chưa tùng chịu một nỗi bất hạnh
như vậy, chắc bạn khó hình dung được tôi đau khổ đến mức nào.
Ngay sau ngày cháu mất, tôi xin
chuyển về Hải Phòng. Cũng chẳng phải chỉ vì nỗi đau mất con. Nếu không
có câu nói bất nhẫn của vị thủ trưởng cơ quan về cái chết của con tôi
thì … Nhưng thôi, tôi chẳng muốn nhắc lại chuyện ấy làm gì vì nay thì
anh ấy cũng đã trở thành người thiên cổ. Vả lại, bây giờ nghĩ lại anh ta
cũng trót lỡ lời chứ chẳng đến nỗi xử tệ với tôi. Nhưng hồi ấy, ở cái
tuổi còn nông nổi, lại đang quá đau buồn, tôi không kìm được sự uất ức,
đã kiên quyết từ bỏ công việc mà tôi đang lao vào với tất cả sự hăm hở
của tuổi trẻ.
Tôi về Hải phòng xin đi dạy. Tôi hi vọng sẽ tìm được hơi ấm của trẻ
em để sưởi cho quả tim giá lạnh của mình. Trẻ con bao giờ cũng tốt hơn
người lớn – lúc nào tôi cũng tin như thế. Tôi được đưa về dạy ở một
trường phổ thong cấp III của thành phố. Tôi xin được làm chủ nhiệm một
lớp đầu cấp với ý định muốn theo dõi cả một lứa học sinh đến cuối cấp
học. Vốn chỗ quen biết, anh hiệu trưởng rất ủng hộ và đưa tôi đến một
lớp tám. Sau mấy lời giới thiệu vắn tắt và cảm động của thầy hiệu trưởng
tôi bắt gặp nơi gương mặt trong sáng của các em những cái nhìn đầy
thông cảm như muốn được chia sẻ với thầy chủ nhiệm mới của mình. Và ngay
chiều hôm đó, các em rủ nhau đến thăm tôi rất đông. Nhà tôi chật, các
em phải ngồi chen ra cả ngoài hiên. Các em gái thì túm tụm vào một góc,
đưa mắt máy nhau nhìn lên đầu tủ sách, nơi chúng tôi thường xuyên cắm
hoa tươi và thắp hương cho cháu. Các em cứ ngồi im lặng, chẳng em nào
nói với tôi câu nào. Rồi chào tôi ra về. Nhưng buổi tiếp xúc ban đầu ấy
đã để lại trong quan hệ thầy trò chúng tôi một âm hưởng đặc biệt.
Rồi những ngày sau đó, ngoài giờ soạn bài, lên lớp, tôi dành thì giờ
đến thăm nhà các em. Nhiều em thật tội. Em thì bố mất, nhà nghèo đông
em, một buổi đi học một buổi ra ngồi chợ giúp mẹ. Em thì bố đi tàu, hàng
tháng chỉ đảo về nhà mấy hôm, mẹ theo người khác bỏ em ở nhà với một
ông nội nát rượu, em phải xơi đòn say của ông cứ như cơm bữa… Mỗi nhà
một cảnh ngộ. Hình như khi đang đau khổ, đến với những người cùng đau
khổ như mình thì nỗi khổ của mình như được vợi đi. Đúng như một nhà văn
đã nói: một nỗi buồn cộng một nỗi buồn bằng một niềm vui. Nỗi
buồn của tôi đã dần dần tìm đến với không phải chỉ một mà nhiều nỗi buồn
của các em học sinh của tôi. Có phải vì thế mà thầy trò chúng tôi cứ
mỗi ngày một gắn bó. Những ngày không có giờ dạy ở lớp tôi thấy nhớ. Tôi
chờ đợi những tiết dạy để được nhìn thấy những đôi mắt sáng lên khi thu
nhận được những điều mới mẻ trong lời giảng của tôi, được thấy các em
vui mừng khi được tôi khen, ân hận khi bị tôi nhắc nhở. Đáp lại, các em
luôn nhắc nhau chăm chỉ học tập và tích cực hưởng ứng phong trào thi đua
của nhà trường. Trên bảng chấm thi đua hang tháng, lớp tôi đã được xếp
đầu ngay trong tháng đầu của năm học. Tôi thực sự ấm long khi nhận ra
rằng các em muốn bằng mọi cách để tôi khỏi phiền lòng, để giúp tôi chóng
khuây khoả.
Một lần, trường tôi đi gặt lúa giúp dân ở một nơi phải đi ngang qua
nghĩa trang của thành phố. Trong khi gặt lúa, tôi chú ý một loài cỏ dại
trên bờ ruộng có những bông hoa nhỏ xíu, trắng muốt, phơn phớt tím. Khi
lúa gặt xong, những chùm hoa bị phơi ra trống trải, các cánh hoa mỏng
mảnh cứ phất phơ trong gió lạnh. Bất giác tôi liên tưởng đến số phận hẩm
hiu của đứa con xấu số. Và tôi tha thẩn đi ngắt những bông hoa tội
nghiệp ấy lọn lại thành từng bó nhỏ. Cuối buổi lao động, sau khi dặn dò
và cho các em về trước, tôi lững thững đạp xe theo sau. Giữa dòng xe đạp
lũ lượt, tôi cắm cúi đạp, lòng trĩu nặng tiếc thương con. Từ ngày cháu
mất, những lúc được sống với riêng mình như thế này thì tức khắc hình
ảnh cháu lại chập chờn trước mắt tôi: tôi nhìn thấy rất rõ gương mặt của
cháu lúc vĩnh biệt chúng tôi, đôi môi tím ngắt, hơi mím lại một bên như
khó chịu về cái chết oan uổng của mình và như trách chúng tôi đã không
làm hết mình để cứu cháu.
Đến nghĩa trang, dựa xe vào hàng rào dâm bụt, tôi lững thững đi về
phía mộ con, lòng tan nát. Tôi đặt những lọn hoa dại lên mộ, thắp hương
rồi sụp xuống bên con. Tôi không biết là mình đã ôm nắm đất chỉ bằng cái
nôi úp trên mặt đất ấy trong bao lâu. Mãi đến khi nhang đã tàn, trời
sập tối, tôi mới đứng dậy.
Và khi quay lại, tôi bỗng giật mình sững sờ: gần như tất cả học sinh
của lớp tôi lặng lẽ đi theo lúc nào mà tôi không hay biết. các em đứng
sát vào nhau, im lặng, em nào cũng cầm mấy bông dâm bụt trên tay. Tôi
bật nấc lên, cổ nghẹn tắc, nước mắt dàn dụa.
Các em lần lượt đi qua trước mặt tôi, những gương mặt đau buồn, nhiều
em đưa tay áo gạt nước mắt đến dặt hoa lên mộ con tôi. Trong chốc lát,
ngôi mộ bé nhỏ và lạnh lẽo của cháu, phủ đầy hoa dâm bụt, bỗng lớn phổng
và đỏ rực lên trong bóng hoàng hôn ảm đạm đang trùm xuống khu nghĩa
địa.
Nhiều năm tháng đã trôi qua. Trong bao nhiêu kỉ niệm vui buồn của
thời dạy học, màu hoa dâm bụt trên mộ con tôi buổi chiều hôm ấy vẫn ngời
ngợi đỏ và ấm áp lạ lùng giữa tâm khảm tôi.
Phạm Phát
Cành hoa dâm bụt
Chuyện
xảy ra cách đây đã hơn 18 năm, mỗi khi tới ngày Nhà giáo Việt Nam
20-11, tôi nhớ lại mà vẫn còn cảm giác ray rức trong lòng Ngày
20-11 năm ấy, trường tôi tổ chức lễ kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, một
không khí ấm áp tràn đầy tình yêu thương Thầy - Trò. Lúc đó tôi còn khá
trẻ, chưa tới ba năm tuổi nghề.Buổi
lễ vừa dứt, từng nhóm học sinh vây quanh lấy thầy cô của mình. Tôi cũng
vậy, được rất nhiều học sinh yêu mến vây quanh mà chúc mừng thầy, chỉ
hơn 10 phút mà hai tay đã ôm rất nhiều quà, những món quà xinh xắn được
bọc bằng giấy hoa, giấy kiếng, có nhiều bó hoa hồng tươi thắm được gói
ghém cẩn thận,.... Chờ
đến khi các bạn đi bớt rồi, một em học sinh nữ dường như đã đứng gần đó
đợi tôi tự bao giờ, em rụt rè bước tới, rồi tay của em từ phía sau lưng
đưa ra một cành hoa màu đỏ làm tôi khá bất ngờ!, À! thì ra đó là hoa
dâm bụt (còn gọi là hoa bông bụp) mọc rất nhiều ở tường rào nhà trường.
Em ngước nhìn tôi, miệng lí nhí: - Em xin chúc mừng thầy ngày 20-11, em không có tiền để mua quà như các bạn, đây là tấm lòng của em, xin thầy nhận. Thoáng
ngạc nhiên, tôi nhận ra em, một em học sinh nữ ở một lớp 9.4 mà tôi chỉ
dạy lý chứ không chủ nhiệm, dáng em khá nhỏ lại gầy guộc ngồi ngay bàn
đầu của lớp đây mà, tôi tỏ ra lúng túng trước tình huống bất ngờ này,
đón lấy cành hoa em trao mà xúc động, đưa ánh mắt trìu mến nhìn em: - Thầy cảm ơn em! Em khẻ chào thầy rồi chạy biến vào đám đông các bạn.
Tôi bước vào phòng giáo viên, đặt các món quà lên bàn, vài phút sau
quay trở ra để chuẩn bị vào hội trường dự liên hoan mừng lễ thì lại gặp
em học sinh ấy đã đứng trước cửa phòng tự bao giờ, mắt đỏ hoe, dường như
em đang khóc: - Thầy! sao thầy nỡ vứt hoa của em đi? Quá bất ngờ, tôi chưa kịp hiểu ra điều gì và cũng chưa kịp trả lời thì em đã òa khóc và chạy ào ra cổng trường.
Thì ra là do hai tay ôm nhiều quà, do vô ý tôi đã để rơi cành hoa trên
sân trường khi đang bước, một cành hoa dại mà em đã hái vội ở tường rào
để tặng tôi, đôi mắt tôi cay xè, vậy mà tôi đã vô ý quá! Tôi đã tìm lại được cành hoa đó ở sân trường và nâng niu nó. Hai
ngày sau mới có tiết dạy ở lớp của em, bước vào lớp tôi vội đảo mắt
nhìn quanh để tìm em nhưng không thấy. Lớp trưởng cho biết, Mẹ bạn ấy đã
đến trường rút học bạ và nghỉ học luôn từ ngày hôm qua, nghe nói là bạn
ấy theo ba mẹ vể quê, vậy là tôi đã không còn cơ hội để giải thích với
em nữa rồi! Một
kỉ niệm đến bây giờ tôi còn ray rức mãi, một món quà thật nhỏ nhưng ý
nghĩa thật lớn biết bao. Không biết bây giờ em ở đâu và làm gì?, có lẻ
hiện giờ em đã có chồng, có con, có một gia đình hạnh phúc...Thầm ước ao
nếu tôi còn gặp lại em, tôi sẽ nói: Xin lỗi em, thầy không cố ý ST
Ký ức về hoa dâm bụt!
Chẳng biết tự bao giờ, ở quê tôi khi dựng nhà,
dựng cửa xong xuôi, bà con thường trồng cây dâm bụt (bông bụt) để làm
hàng rào quanh nhà. Hàng rào này với những bông hoa đỏ tươi lung linh
như chiếc đèn lồng nổi bật trên nền lá xanh mơn mởn đã trở thành kỉ niệm
đẹp, khó phai nhòa trong tâm trí của người dân quê tôi.
Hàng rào dâm bụt xanh mởn, mộc mạc chốn quê nhà (Ảnh: Nhất Huỳnh)
Bông bụt là loại cây dân dã, mộc mạc, dễ trồng, không cần chăm
sóc nhiều, chỉ cần cắm cành nơi đất ẩm là đâm chồi, nẩy lá. Và cách
người dân quê tôi trồng bông bụt làm hàng rào cũng rất độc đáo, thể
hiện tình đoàn kết xóm giềng và sức sống mạnh mẽ trong mọi hoàn cảnh của
loài cây này.
Thông thường, người ta sẽ chờ khi nhà hàng xóm cắt tỉa bông bụt thì
sẽ qua xin những cành non ấy, nếu không đủ thì mới xin thêm cành già
hơn. Mang về nhà, hai ba người xúm xít lại dùng dao chặt những cây,
cành ấy thành những đoạn ngắn cỡ gang tay. Đặc biệt khi chặt, phải vạt
nhọn hai đầu chứ không tề bằng vì theo kinh nghiệm khi găm xuống đất
thì những cành đó bắt rễ nhanh hơn, mau tươi tốt hơn. Sau khi găm xuống
đất, chỉ độ một hai tuần là chúng nhanh chóng đâm chồi nảy lộc và từ
đó bất chấp mưa nắng hay gió bão, bông bụp vẫn vươn lên xanh tốt thành
hàng rào giản đơn, mộc mạc, đậm dấu ấn riêng. Những ngày còn bé, tôi thích nhất là lẽo đẽo theo sau xem cha tôi
tỉa cắt hàng rào bông bụt. Nhìn cha tôi mồ hôi nhễ nhại, cẩn thận,
nhẹ nhàng tỉa cắt, tôi buộc miệng hỏi: “Cha ơi! Sao không để hàng rào
cao thiệt cao mà lại cắt nó xuống vậy cha?”. Cha tôi cười hiền lành,
trìu mến nhìn tôi: “Từ hồi cha còn nhỏ, ông nội đã dặn cha như vậy rồi,
khi thấy hàng rào bông bụp cao quá, thì phải cắt cho thấp xuống, để cho
thông thoáng, khi có khách tìm nhà mình thì cũng dễ tìm con à!”. Ngẫm
nghĩ cho tới bây giờ, đã khôn lớn, tôi mới hiểu hết ý nghĩa câu nói ấy
của cha. Và phải công nhận là cha tôi khéo tay lắm, chỉ một loáng thôi
là hàng rào nhà tôi đã đều tăm tắp. Chớm hè, những bông hoa đỏ tươi là điểm nhấn ấn tượng trên hàng rào
bông bụp xanh mơn mởn, nhìn thích mắt lắm. Khung cảnh đẹp như tranh ấy
ở quê khiến tôi không thể nào quên. Nhớ lại thuở ấu thơ nhiều kỉ niệm,
ngày ấy ở xóm tôi đứa trẻ nào mà không bị cha mẹ bắt đi ngủ trưa chứ?
Nhưng cái tính mê chơi bên hàng rào bông bụt xanh mát luôn cuốn hút
bọn trẻ chúng tôi, đứa nào đứa ấy rình đợi cha mẹ đi ruộng là lẻn ra
hàng rào bông bụp, giả tiếng mèo kêu ra hiệu cho mấy đứa bạn nhà bên
tụ tập rất nhanh. Những lá dâm bụt được hái giả làm tiền, còn những
bông dâm bụt đỏ chói được mấy đứa con gái dùng làm vòng đeo cổ, hay
chế nguyên liệu để chơi trò chơi nấu ăn. Đâu chỉ vậy, không hiểu sao những đứa con gái khéo tay nhẹ nhàng kéo
sợi chỉ từ nhụy của bông ra rồi biến những bông hoa thành những cái
lồng đèn rực đỏ lung linh... Chỉ những trò chơi ấy thôi mà trong buổi
trưa hè luôn đầy ắp tiếng nói cười rộn rã, mang theo những mơ mộng của
bọn trẻ con hồn nhiên, ngây thơ, nhưng không bao giờ quên được. Bông bụp đỏ tươi, lung linh trong nắng hè. Ngày chị tôi đi lấy chồng, hàng dâm bụt lại chứng kiến cảnh mẹ khóc
thầm trong nước mắt buồn vui. Khi đó, cùng là những ngày hè, hàng bông
bụt đỏ chói những bông hoa. Bên đàng trai vừa rước dâu ra khỏi cổng
nhà, chị Hai quay lại nhìn cha và đứa em thân thương đang vẫy tay chào,
còn mẹ không ra tiễn mà đứng nép vào hàng rào dâm bụt để nhìn theo chị
mà nghẹn ngào xúc động. Giờ đây, cuộc sống với biết bao thay đổi, hàng xóm láng giềng đã thay
hàng rào bông bụp thuở nào thành hàng rào “cao tường kín cổng”. Thế
nhưng cha tôi vẫn chăm chút cho hàng rào bông bụt vì muốn giữ lại mảng
xanh mát thân thương. Dù ai có khuyên, có nói thế nào cha tôi cũng
quyết không phá bỏ hàng rào bông bụt này, vì có ai hiểu, đó là "báu
vật" của nhà, có từ hồi nội còn sống để lại. Những buổi chiều gió mát
rượi, cha cùng mấy chú hàng xóm ngồi bàn trà cạnh hàng rào bông bụt đàm
đạo, ngắm hoa, rồi cao hứng ngâm bài “Hoa mộc cận” của Nguyễn Trãi: “Ánh nước hoa in một đóa hồng/ Vết nhơ chẳng bén, bụt là lòng Chiều mai nở chiều hôm rụng/ Sự lạ cho hay tuyệt sắc không”. ST
Hoa Râm Bụt
Cô Huệ trắng muốt, thơm ngào ngạt, dáng mảnh mai, kiêu kì.
Cô Hồng Nhung đỏm dáng một cách kín đáo, áo của cô đỏ thẳm óng ánh những
giọt sương. Tuy ở cùng với nhiều chị em nhà hoa nhưng ít khi cô Hồng
Nhung trò chuyện với ai.
Các cô thược dược sặc sỡ, áo các cô nhiều màu, miệng các cô lúc nào cũng toe toét...
Trong vườn, muôn loài hoa đua nở, nhưng ít ai nhắc đến hoa Râm Bụt. Râm
Bụt quanh năm đứng ở bờ rao, quây quần với nhau, không dám chơ với các
chị em nhà hoa khác.
Nhụy của các cô dài và cong xuống như một cái cần câu nhỏ xíu. Thỉnh
thoảnh các cô lại đong đưa mùa đỏ của mình, đùa với mấy chú ếch tham ăn.
Mấy chú ếch nhái khờ khạo nhảy lên, đớp một cái vào cành hoa đỏ rực
kia, rồi lại rơi tõm xuống nước. Các chú nhai rồi nhả ra, cằn nhằn:
“Nhạt, nhạt, nhạt...”. tiếng ấy vang ra mãi vang khắp mặt ao hồ. Tuy
vậy, hôm sau vẫn có những chú ếch khác lại mắc mưu lừa của các cô hoa
râm bụt.
Mấy cô cẩm chường xí xào với nhau từ xa:
Xem kìa, bọn chúng không dám đứng cùng với chúng mình, phải ra tận bờ ao đứng.
Cũng gọi là hoa mà chẳng có mùi thơm, chẳng ai thèm cắm lên bình, chẳng ai thèm chăm bón, chẳng ai thèm hái tặng nhau.
Hoa gì mà chẳng hoa nào thèm chơi với, phải chơi cùng ếch nhái!
Một hôm, bọn hoa cẩm chướng mách với chị chủ vườn:
Chị ơi, hci5 xem,bọn hoa râm bụt vô tích sự thế, chị để chúng làm gì cho
phí đất ? Bọn chúng em còn nở hoa cho chị cắm vào bình, cho vườn chị
đẹp.
Còn chúng em tặng chị hương thơm. – Các cô hoa Huệ nói theo.
Chị chủ vườn ngẫm nghĩ các cô nói cũng có lí: “Các loài hoa mỗi loài một
vẻ, kẻ đẹp, người thơm, còn hoa râm bụt chẳng được tích sự gì, mà lại
nở lan tràn khắp triền ao, bờ dậu...”. Chị chủ vườn lấy dao đẵn tất cả
các rặng dâm bụt đi, các cành to phơi làm củi, còn lá ủ làm phân bón.
Từ đó, bờ ao vắng râm bụt. Các cô bướm thưa qua lại. Các chú ếch, nhái
không còn ai đùa với mình, bớt nhảy tõm xuống ao. Các chú nhớ hoài những
rặng hoa dâm bụt đỏ. Chỉ có mụ Gió là tự do hoàng hành, không ai ngăn
cản bước đi của mụ nữa.
Một hôm, trời bão. Hàng trăm mụ gió rủ nhau ào ạt xô vào vườn hoa. Áo
đẹp của cô Hồng Nhung rách tả tơi. Cô hoa Huệ kêu kì bị sái cả cổ. Nhiều
cô cẩm chướng còn bị dập cả mồm miệng. Các cô chỉ còn biết rên la.
Khi đó, các loài hoa trong vườn mới nhớ đến rặng dâm bụt. Nếu rặng dâm
bụt còn thì các cô đâu đến nỗi xơ xác như thế này. Các cô khóc lóc. Cô
nọ đổ cho cô kia là đã xui chị chủ vườn chặt mấy rặng dâm bụt.
Những góc râm bụt còn lại quanh vườn nghe các cô hoa khóc lóc, cãi nhau vừa buồn cười lại vừa thương hại.
Ít ngày sau, các gốc râm bụt đâm chồi lên xanh tốt, ken dần thành rặng
cây dày, trổ muôn vàng búp non tươi. Rồi một sớm mai, những cây râm bụt
lại nở tung ra những bông hoa đỏ rực. Xuân Quỳnh
Đại hồng hoa, phương ngữ Nam bộ gọi là bông bụp, bông lồng
đèn và còn có các tên gọi khác mộc cận, chu cận, là loài cây bụi,
thường xanh thuộc họ Bông hoặc Cẩm quỳ. Có nguồn gốc Đông Á. Nó thường
được trồng làm cảnh tại các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Hoa lớn,
màu đỏ sậm nhưng ít có hương. Nhiều giống, thứ, lai được tạo ra, với màu
hoa khác nhau từ trắng tới vàng và cam, hồng, đỏ tươi, với cánh đơn hay
cánh đôi.
Có người cho rằng loài hoa này vốn có tên gốc là hoa dâng
bụt (hoa để dâng lên cho Bụt, tức Phật) về sau do đọc trại mà thành dâm
bụt. Có lẽ không chính xác. Dâm bụt còn có nghĩa là Râm: che bóng, Bụt:
Phật. Dâm Bụt là cái lọng che Phật.
Dâm bụt là loài cây cảnh rất thông dụng tại Việt nam được
trồng nhiều tại các khu vực ven biển do cây có biên độ sinh thái rất
lớn, có khả năng chịu đựng được các điều kiện khí hậu khắc nghiệt rất
cao: nắng nóng, mưa bão, đát cát ...lá và hoa dâm bụt được giã nhỏ trộn
với muối đắp trên mụn nhọt đang mưng mủ.
"Một đời sum vầy" , Ôi mỉa mai ! Vừa mới yêu nhau đã chia tay..... Dựng xây hạnh phúc trong nghèo khó, Sao lắm gian nan và đắng cay ?!
Vốn liếng cho tình, một ánh trăng, Lấp biển trèo non vượt khó khăn... Thuỷ chung ngày tháng dù mưa nắng, Say đắm cùng trăng dệt mộng vàng !
Dăm miếng trầu cay với buồng cau, Mơ kết đôi ta mãi bên nhau... Bên em giặt áo, anh cày xới, Một mái tranh vui sống suốt đời !!
Dẫu tình trong trắng, vầng trăng sáng, Hạnh phúc đâu còn do đôi tay ? Giọng hò em đã vào phiêu lãng, Mà tấm tình anh chẳng nhạt phai !
NM
Còn đây bài hát năm
xưa
Từ ngày tía tui nằm xuống, gia đình tôi càng nghèo khó hơn. Thiệt
tình không hiểu sao tía tui đành đoạn bỏ vợ, bỏ con mà đi theo ông bà
chi sớm để má tui và anh em tui khổ
Tội nghiệp má tui, làm lụng vất vả, đầu tắt mặt
tối. Má tui hễ có ai kêu làm gì thì làm nấy. Ngày mùa thì đi cấy, đi nhổ
mạ mướn cho người ta, rồi đi gặt, đi đập lúa... tối mịt mùng mới về ôm
theo một thúng lúa. Về tới nhà má còn đốt đèn rê, xẩy lúa. Anh em tui
thì ngủ gà ngủ gật. Có tối Má hỏi tui:
- Con đã cho em ăn cơm chưa mà sao nó đã ngủ queo rồi.
Tui nhìn má mồ hôi chảy ướt áo, bùn đất lấm lem trên tóc má, mà lòng đau quặn. Tôi nói với má :
- Con cho em ăn cơm nguội rồi má. Sao má về trễ quá vậy má. Em con nó mong, nó chờ miết rồi nó ngủ luôn...
Tui không dám nói với má tui là...cơm đã hết, tui chưa có ăn gì , mà má tui chắc cũng đâu đã có gì vô bụng chớ.
Má tui ngó về chiếc giường em tui ngủ, đưa tay quẹt
nước mắt, rồi ôm tui. Tui nhìn thấy nước mắt má ứa ra, mắt tui cũng mờ
đi, tôi chả còn trông thấy rõ những gì trên khuôn mặt của má nữa, chỉ
còn mùi hăng hăng của bùn, của xình, cái mùi quen thuộc với má con tui
từ ngày tía tui mất. Từ ngày tía tui không còn thương anh em tui nữa,
tía tui ra nghĩa địa nằm, anh em tui bữa đói, bữa no.
- Con ghét tía. Tía bỏ đi để má một mình khuya sớm.
Má dạo này ốm và đen...không còn giống má hôm nào. Con thương má. Con
chỉ thương má.
- Hổng được nói như vậy con. Tía con thương Má,
thương các con lắm. Tía cũng chẳng muốn đi như vậy đâu con. Chỉ tại cái
số của tía con ngắn ngủn vậy thôi. Chắc tía con ở đâu đó cũng đang nhìn
má con mình tía khóc...
Tui mơ màng thấy tía tui da mặt trắng bệch, tóc tai
bù xù, đưa tay ra với với tui. Tui sợ quá co rúm người lạị. Cái bụng
tui nó cồn cào, nó cồn cào và tui ngủ thiếp đi trong vòng tay má tui lúc
nào tui không biết. Khi tui thức dậy thì ông mặt trời đã nhô lên khỏi
ngọn cau. Em tui vẫn còn ngủ. Nhà êm vắng. Tui biết má tui đã đi làm.
Bữa nay người ta kêu bả đi nhổ cỏ lúa...
Mùa học tới chắc tui phải nghỉ học quá. Hôm trước
má tui bị cảm, tui nói má nghỉ vài bữa cho khỏe, nhưng má tui nói má tui
cố gắng làm để có tiền sắm cho tui bộ đồng phục. "Năm tới con học lớp
sáu rùi, đâu có thể muốn mặc sao thì mặc đâu. Con bây giờ là học cao
nhất họ hàng rùi đấỵ. Họ nội, họ ngoại đâu thấy ai có cái tiểu học đâu
con. Thấy vậy má cũng mừng lắm. Cũng hãnh diện với người ta.".
Thiệt đó, má tui gặp ai cũng khoe là tui học giỏi,
là tui năm tới lên trung học rồi. Tội cho cái ước vọng nhỏ nhoi của má,
nhưng tui sao đành thấy má lam lũ một mình. Cứ mỗi buổi tối khi má về,
nhìn thấy khoảng lưng má ướt đẫm, đôi bàn tay má chai cứng, chân đi đất
xướt xát gai cào, nước mắt tui lại trào ra. Nhìn thấy má người ta mà
thương má mình quá. Má người ta đâu có phải lặn lội bương chải như vậy
đâu. Má người ta còn có những bộ đồ lành lặn, má tui bộ nào cũng một vài
miếng vá. Tui đi học nữa sao đành.
Nhìn đứa em vẫn nằm ngủ yên trên giường, khuôn mặt
thật ngoan. Tui lấy tay áo chùi sơ đám nước miếng trên miệng nó rồi lững
thững bò xuống giường, đi ra cửa. Tui đi ngang qua bàn thờ tía tui.
Nhìn tấm ảnh tía tui cười. Tui dừng lại thắp nhang cho tía. Dù không có
tiền mua gạo, nhưng má tui bao giờ cũng phải gắng cho có bó nhang; Phải
có nhang khói để tía con không lạnh lẽo. Tía con ở dưới khoẻ mạnh phù
trợ cho má con mình." Tui cố nhớ lại những ngày tía tui còn sống, gia
đình tui đỡ hơn nhiều... Những ngày ấy chỉ còn trong giấc mơ của tui
thôi.
Ngoài xóm bọn trẻ con đang gọi nhau ơi ới. Những
ngày hè này chúng hay rủ rê nhau đi tát cá, đi bắn chim, chạy ra đồng
thả diều, vui chơi hồn nhiên. Tui sao không còn ham chơi nữa rồi.
- Quang ơi, ra đây tao nói mày nghe
Thằng Tâm gọi tui. Tui đứng trong cửa nhìn ra:
- Có chuyện gì không mày?
- Đằng cây sao cuối khu rừng đó mày. Tao thấy cặp
sáo đá bay về đó miệng ngậm mồi. Tao rình mấy ngày nay, tao đoán chắc là
có ổ sáo trên đó. Tao đã tới gốc cây, lắng tai nghe, có tiếng kêu chiêm
chiếp, mày đi với tao...
Trong đám bọn trẻ ở xóm, tui là đứa trèo cây hay
nhứt, nên chúng hay rủ tui đi bắt chim lắm. Có bữa leo lên đụng tổ ong,
ong nó bay ra chích tui túi bụi, tưởng đâu tui té xuống đất rồi. Tui cố
gắng cầm cự, tụt xuống, chạy và lao ngay xuống cái đìa gần đó, lặn
xuống, núp một hồi mới dám ngoi lên. Bữa đó mặt tui xưng như cái mâm. Má
tui ngồi khóc... Từ đó tui tự hứa với lòng là tui không đi bắt chim
nữa.
- Tau không đi đâu. Tao phải ở nhà coi em tau...
Nắng đã lên cao. Cái nắng hè gay gắt làm sao. Tui
vào bếp lục lọi. Má tui đã nấu cơm dành dụm cho anh em tui ăn cả ngàỵ.
Cầm tô cơm lên, gắp một miếng cá kho, tui ra ngồi trên hè cửa, vừa ăn
vừa nhìn ra đường. Góc đường bên kia, dưới tàn cây râm mát. Bọn con gái
đang tụm năm, tụm ba chơi đánh chuyền, chơi nhảy cò cò. Lúc thì chúng
cười toáng lên, lúc thì cãi nhau chí chóe. Đứa này bảo đứa kia ăn gian,
ngùng ngoằng nghỉ chơi. Một lúc rồi chúng lại tụ lại chơi năm mườị. Có
đứa chạy núp ngay trong vườn nhà tuị..Tui thờ ơ, lơ đãng ngậm đôi đũa ,
nhìn những hạt nắng lung linh trong vườn. Nắng nhảy múa trên khoảng đất
cát reo vui, nhưng trong lòng tui nắng làm rối loạn hoang mang. Nắng
tong lòng tui thúc giục tui : "Chắc tui phải đi
làm
cái gì đó để phụ má tui. Phụ được chút nào hay chút đó, để cho em tui
đi học...".
Tối hôm đó khi má tui đi làm về. Chờ cho má tắm rửa
đâu đó xong xuôi. Tui dọn cơm lên. Bữa cơm có cá kho và rau muống luộc
chấm nước mắm. Gia đình tui là dân rau gía, nhưng lại thích ăn rau
muống. Ba má con tui tụ lại bên ánh đèn dầu leo lét, cùng ngồi ăn. Má
tui gỡ xương cá cho em tui. Tui ngập ngừng :
- Má à...Con muốn thưa với má...
Má tui ngạc nhiên, ngừng ăn nhìn tui :
- Có chuyện gì mà bữa naỵ..con ấp úng hoài dzậy?
- Con muốn...con muốn nghỉ học để đi làm giúp má...
Má tui thở dài :
- Cỡ con bây giờ đi làm được gì? Con tính làm gì để giúp má đây.
- Con cũng chưa biết...nhưng...
- Thôi ăn cơm đi rồi đi ngủ. Đi ngủ sớm đi. Má còn chút chuyện phải làm.
Dọn dẹp chén bát xong. Tui dẫn em tui đi ngủ. Đêm
đó tui không tài nào ngủ được. Nằm nhìn hé ra thấy má ngồi cặm cụi sàng
lúa. Đôi tay má thoăn thoắt, thỉnh thoảng má lại ngừng, kéo vạt áo lên
lau mặt. Tui nghĩ má tui đang khóc. Tự dưng nước mắt tui cũng ứa ra.
Má tui làm việc tới khuya mới dừng tay, đứng dậỵ. Má
vặn nhỏ chiếc đèn dầu rồi tiến về phía giường anh em tui. Tui làm bộ
nhắm mắt nằm im như ngủ. Tui nghe tiếng má tui thì thầm: Trời ơi , Quang
ơi . Sao không buông mùng xuống hở con? Muỗi tha tụi con đi mất thôi.
Rồi má tui thả cái mùng xuống. Cái mùng may bằng vải thô quá dày đã che
tối căn phòng hơn. Em tui cựa quậy, hình như thức giấc. Má tui nằm ké
bên nó, vỗ về bằng tiếng hát nho nhỏ:
Em gái vườn quê
cuộc đời trong trắng
dầm mưa dãi nắng
mà em biết yêu trăng đẹp ngày rằm
anh biết mặt em
một chiều bên thềm
giọng hò êm đềm
và đôi mắt em lóng lánh sau rèm....
Bài hát này má thường hát ru anh em tui đã bao năm ,
nên tui cũng thuộc lòng. Mỗi lúc giọng hát của má như nghẹn lại. Em tui
cũng đã nằm im. Má đưa tay lên quẹt mắt, nhẹ nhàng ra khỏi mùng tiền về
phía cái giường ọp ẹp của má. Tui muốn níu má lại: Má ơi ngủ chung đi
má. Con muốn được ngủ trong vòng tay yên lành của má mà....
****
Hôm nay má tui nghỉ làm. Bả lo sắp xếp một ít quần
áo cho tui vào cái bao vải. Má chọn cho tui bộ đồ tươm tất nhất mà tui
vẫn dành để đi học. Má bảo tui mặc vào. Hôm nay đám bạn tui bắt đầu năm
học mới, còn tui bắt đầu đi làm. Má tui dẫn tui đi tới nhà Ông Cả Sang ở
làng bên. Nhờ có người quen bên đó họ giới thiệụ. Ông Cả nhận cho tui
vô giúp việc nhà. Công việc đầu tiên là Ổng giao cho tui chăm bầy vịt cả
ngàn con.
Trên đường đi tới nhà ông Cả, Má tui dặn dò đủ điều
nào là phải luôn ngoan ngoãn, phải vâng lời , phải kính trên nhường
dướị. Nhà người ta là nhà giàu có con ạ. Mình chỉ là kẻ tôi tớ, làm
công. Sống làm sao cho người ta yêu thương , thì mới dễ thờ...Nghe má
khuyên nhủ tui chỉ muốn khóc. Nhìn chúng bạn tung tăng cắp sách tới
trường tui càng muốn khóc hơn. Tui nhớ lại năm sáu năm về trước cũng
ngày này Má dẫn tui đi học. Mọi cái lạ lẫm lắm đối với tui. Bây giờ cũng
thế, cũng con đường này mà sao tui có cảm tưởng như mới đi lần đầu ,
nếu không có má dắt đi chắc tui đi lạc không biết lối về. Tui tự an ủi
mình. Cái chuyện này là tui tình nguyện mà. Má tui thì muốn tui tiếp tục
học , nhưng tui đã quyết rồi. Má tui
cũng chìu theo...
Khi đi ngang qua cổng ngôi trường thân yêu cũ, thằng Tâm chạy ùa ra:
- Quang ơi, tao chờ mày lâu rồi nè. Vô lớp cho tao ngồi bên mày nha. Ủa mà cặp mày đâu , sao lại mang cái bao này...
Tui không trả lời nó. Tui muốn bỏ chạỵ. Má tui quay
đi. Tui biết Má tui đau lòng lắm. Tui đi xa rồi, xa hẳn tuổi học trò
một sớm thu se lạnh.
Tới cổng nhà Ông Cả, hai con chó bẹc giê nhảy chồm
ra sủa gâu gâu. Một cô gái, sau này tui biết tên là Thuyên, ra mở cửa.
Thuyên mồ côi mẹ, cha Thuyên lấy vợ khác và Thuyên cũng như tui được
giới thiệu vào làm việc cho gia đình Ông Cả. Má tui vào nói chuyện gởi
gấm tui và đội ơn Ông Cả đã thương xót cho tui được tới hầu hạ Ông bà...
Rồi Má tui ra về. Lúc này tui mới thấy cô đơn , thấy lạc lõng làm sao.
Tui hối hận, tui níu tay Má, tui chỉ muốn đi về với má...Nhưng đã bước
vào rồi , phải đi tiếp con đường này thui. Má tui bước đi thật nhanh,
tui trông theo có cảm tưởng như là ly biệt. Tui sẽ sống ở cái nhà nàỵ.
Ăn ngủ ở đây. Nhà má tuy gần mà xa. Xa thật rồi
Suốt buổi sang tui ngồi ngoài hiên nhà Ông Cả, chả
biết làm gì. Tới giờ ăn cơm , tui phụ với Thuyên dọn cơm lên, rồi đứng
hầu quạt cho Ông Cả dùng cơm. Sau đó tui, Thuyên và vài người nữa cùng
nhau ăn cơm dưới gian nhà bếp.
Buổi chiều tui lững thững ra bờ ao. Vườn nhà Ông Cả
thật đẹp, cây cối lớp lang. Những chậu kiểng ngạo nghễ khoe cái giàu
sang phú hộ. Chim chóc hót suốt ngàỵ. Tui vừa đi vừa nghĩ tới em tui. Em
tui tối nay ngủ chắc nó sẽ nhớ tui lắm. Tui đang nghĩ về Má... thì nghe
gịong hát thánh thót từ phía dưới ao :
Ai hát ngoài ao
chừng ngồi giặt áo
giọng hò êm quá
mà anh ngỡ ai rót mật vào lòng
anh cuốc vườn sau
mặt trời trên đầu
ruộng vườn lên màu
vì em ước mong đây đó chung lòng....
Tui dừng lại lắng nghe lời hát, bồi hồi. Lại bài hát
quen thuộc nàỵ. Bài hát đã từng xoáy tận tâm hồn tui. Tui nhớ Má tui
quá, tui ngồi bệt xuống trên con đường lót gạch ngoằn ngoèo từng bậc.
Người tui chùng xuống ... Buổi chiều như tím thẫm hơn dưới bóng mát của
những tàn câỵ
Tui ngồi đó cho tới lúc trời nhá nhem tối. Thuyên ra
gọi tui vào và chỉ cho tui chỗ ngủ. Đêm đó có lẽ là một đêm dài nhất
trong đời tuị
Sáng sớm hôm sau, một chú gia đinh dẫn tui ra cánh
đồng sát bờ con sông. Nơi bày vịt đang kêu cạp cạp, có con đang rướn
người, giơ hai cánh lên cao, vỗ vỗ trong không khí, giống như người ta
đưa tay lên vươn vai sau một giấc ngủ không đầy. Chú ta chỉ cho tui một
cái chòi làm bằng rơm:
- Đây là căn nhà của cậu đây. Sáng cậu lùa vịt đi
qua những ruộng lúa đã gặt để cho chúng ăn. Chiều lùa chúng về đâỵ. Rồi
ngủ ở đây để coi bầy vịt. Cố gắng quan sát chúng đừng để chúng đi lạc,
mất vịt. Coi chừng Ông Cả sẽ bắt cậu phải đền đấy.
Chú ta nói xong, đi lại chỗ thoai thoải của bờ sông nhặt những hột trứng vịt:
- Đêm vịt nó đẻ. Cậu nhớ gom hết vô thúng, sẽ có người ra lấy mang về. Hôm nay cậu đi theo học nghề cho quen nha.
Tui dạ dạ, vâng vâng cho có lệ. Đi chăn vịt thôi mà có chi là khó.
Vài ngày tập việc đã qua. Người ...tiền nhiệm của
tui chính thức bàn giao để đi nhận nhiệm vụ mới. Hắn bàn giao cho tui
cây gậy trúc trên đầu cây gậy có cột một chiếc áo rách. Hắn bảo đây là
cây gậy trấn sơn, hắn trao cho tui giang san của bầy vịt. Tui cũng làm
bộ trịnh trọng tiếp nhận ấn tín. Rồi chúng tui phá lên cười, cười sặc
sụạ...Tui đã bắt đầu thật sự kiếp lang thang trên những cánh đồng.
Hằng ngày tui mong nhất là lúc lùa bầy vịt về
chuồng. Khi bầy vịt bắt đầu về tới chuồng thì cũng là lúc tui nghe văng
vẳng tiếng hát của Thuyên. Thuyên có nhiệm vụ mang cơm cho tui mỗi buổi
chiều. Cùng cái nghề tôi tớ nên chúng tôi thân nhau thật dễ dàng:
Gió lay ao bèo
em thương anh không kể là giàu nghèo
miễn rằng tình đặng sơn keo
núi cao em cũng trèo
sông sâu em cũng lội vạn đèo em cũng qua...
Lùa vịt vào chuồng xong xuôi đâu đó. Tui vội vã
chui vào chòi, nhìn Thuyên cười. Thuyên đang nằm chờ tui về , thấy tui
chui vô cô ta vội vã ngồi lên. Tui chào và hỏi:
- Sao bữa nay Thuyên mang cơm cho tui sớm thế.
- Thì tui cũng mong ra khỏi cái nhà lớn đó càng sớm
càng tốt mà. Ra đây thấy thoải mái thở hít không khí trong lành. Tui
thấy cậu sướng hơn tui...
- Đi làm mướn mà...giống như đi ở đợ...có gì mà sướng hở Thuyên.
Thuyên nghe tui nói, cô ta sụ mặt xuống không thèm nhìn tui:
- Phải tui ở đợ mà.
Tui biết tui đã lỡ lời nên tui dỗ dành Thuyên:
- Thì tui cũng là...ở đợ, hơn gì ai đâu Thuyên.
Thuyên hơn tui vài tuổi nhưng người nhỏ nhắn.
Thuyên có khôn mặt thật dễ thương. Đôi mắt to long lanh buồn. Để phá tan
cái không khí nặng nề vì câu nói hớ của mình. Tui gọi Thuyên
- Thuyên ơi, Thuyên ơi...
- Có gì thì nói đi gọi hoài...
- À này...Sao Thuyên cũng biết hát bài hát...
- Biết hát thì có gì lạ...
- Ừ...nếu là bài hát khác thì không lạ, nhưng bài này là bài ruột của Má tui đó.
- Má cậu cũng biết hát hả?
- Má tui hát hay lắm đó. Giật giải thưởng cấp tỉnh đó.
Thuyên sáng mắt nhìn tui hỏi vồn vã:
- Thiệt hả...Kể tui nghe đi...
Tui rủ Thuyên ra ngồi trên bờ con sông. Con sông
nước chảy êm đềm. Những đám lục bình nở hoa tim tím lững lờ trôi. Tui kể
cho Thuyên nghe chuyện bài ca "Duyên Quê" của Má.
Ngày xưa lúc má còn là con gáị. Quê má không phải ở
đâỵ. Quê má ở miền Đông. Má nổi tiếng xinh đẹp và có giọng ca rất ngọt,
nên má được tuyển chọn vào ban văn nghệ xã. Má đã từng tham dự " Hội
diễn văn nghệ cấp Huyện". Má đã đem danh dự về cho xã với bài đơn ca
"Duyên Quê". Rồi má lại được tuyển vào đội văn nghệ Huyện để đi dự "Hội
diễn cấp Tỉnh ". Lần này thì Má hát "ca đôi" với một chàng thanh niên xã
khác. Chàng thanh niên này chính là Tía của tui sau này đó. Cũng vẫn
bài "Duyên Quê" này Tía Má tui được trao giải nhất. Bài ca kỷ niệm của
Má tui mà. Nhờ bài ca này mà Tình yêu giữa Tía và Má tui nẩy nở. Họ hẹn
hò nhau, họ yêu nhau say đắm. Nhưng tình yêu của họ không được sự đồng ý
của hai gia
đình...
Thuyên ngắt lời tui:
- Sao vậy ...Xứng đôi quá mà...
- Vì cái tuổi. Cái tuổi kỵ...Má tui tuổi Dần, Tía
tui tuổi Hợi... Nghe nói đâu Dần, Thân, Tỵ, Hợị..tứ hành xung gì
đó...Không nên thành vợ thành chồng. Không thể có hạnh phúc, sẽ bị đổ
vỡ...
- Sao cậu còn nhỏ mà rành dữ...
- Thì tui nghe Má tui kể lại chứ tui đâu biết chi. Mỗi lúc Má tui nhớ Tía tui Má tui hay hát bài ca nàỵ...
- Rồi sao hai người thành đôi vợ chồng vậy?
- Tía tui và Má tui rủ nhau bỏ trốn về miền Tây này
lập nghiệp để có thể được cùng chung sống với nhau....Mà đúng thiệt đó
nha... Sau khi có hai anh em tui rồi, Tía tui cứ bịnh hoài, rồi cuối
cùng Tía tui chết. Chết lúc quá trẻ... Má tui buồn như chim lẻ bạn, má
tui khóc hoàị...
Cả hai đứa chúng tui im lặng hồi lâu. Chiều đang
xuống. Những đàn trâu cũng đang được lùa về chuồng. Thấp thoáng vài
người nông dân quẩy gánh bước nhanh... Thuyên đứng lên:
- Thôi vô ăn cơm đi để chị về kẻo tối rồị Bà Cả lại la...
Thuyên tự nhiên xưng chị với tui, nhưng tui không thích gọi Thuyên bằng chị. Tui gọi tên trổng thôi à.
Thuyên ra về rồi , tui lững thững bước vô chòi, nằm dài trên tấm cói mở miệng lẩm bẩm hát :
Gíó lay cành đa
Anh thương anh thương em thật thà
Mưa lay hoa cà
Da em quá mặn mà
Và thương bao giọt mồ hôi
đẹp má mặn môi ….
Tui nằm nghĩ về Thuyên, nghĩ thương cho hoàn cảnh
Thuyên. Tui đúng là may mắn hơn Thuyên thiệt vì tui còn Má. Má tui ở vậy
nuôi lớn anh em tui, dù tui biết mấy năm qua có vài nơi dòm ngó, nhưng
Má tui không chịu. Trên trời đã hiện ra những vì sao. Con trăng đầu tuần
lưỡi liềm cũng đã nhô khỏi rặng tre cuối làng. Tui thiếp đi trong giấc
ngủ. Trong giấc ngủ tui mơ màng thấy mình dắt tay Thuyên chạy tung tăng
trên cánh đồng. Cùng nhau đuổi theo những con bướm muôn màu.
Thăm thoát mà tui đã tới làm việc cho nhà Ông Cả
được ba năm rồi. Công việc kể ra cũng nhàn, chỉ mỗi tội là cả ngày phải
phơi nắng trên những thửa ruộng đã gặt còn trơ lại những gốc rạ và những
đống rơm. Suốt ngày nhìn bầy vịt tranh nhau kiếm ăn tui lại nghĩ tới
mình. Người hay vật trong cõi đời này cũng vì kế sinh nhai mà phải bương
chải. Mỗi người, mỗi vật một cách. Tui thì bận rộn với bầy vịt ngày
đêm, chả còn thì giờ mà nhớ tới Má tới em. Mà lạ ghê dạo này tui ít nghĩ
về Má như hôm xưa, mà bây giờ tui hay nghĩ tới Thuyên hơn. Lúc nào
trong đầu tui, hình bóng của Thuyên với chiếc áo bà ba nâu, cái quần đen
trúc bâu cũng lảng vảng. Hình bóng đơn sơ ấy vẫn theo tui đi khắp những
cánh đồng. Tui đánh mất những
cuộc chơi bắn bi, đánh khăng với đám bạn, thì giờ đâu nữa. Lắm lúc ngồi
thơ thẩn một mình nghĩ lại tui nhớ tiếc làm sao!
Chiều nay tui cho bầy vịt về chuồng sớm hơn mọi bữa.
Về gần đến chòi tui đã nghe tiếng hát thánh thót buồn của Thuyên.
Thuyên chạy ra tươi cười:
- Bữa nay dìa sớm hả?
- Ừa …Dưng không nhớ ngày xưa, lúc cùng chúng bạn vui chơi …buồn nên cho vịt dìa sớm một bữa .
- Cái này thì Thuyên chịụ..Hay chơi Ô Quan với chị nha
Ừ thì Ô Quan. Chúng tui hai đứa mò mẫm ra bờ cát
nhặt những hòn sỏi , vẽ cờ Ô Quan...Tui chơi ăn hết quân của Thuyên.
Thuyên thua cười gượng:
- Hết Quan tàn dân thu quân đánh lại...
- Thôi , tui không chơi nữa đâu chơi Ô Quan không zui gì hết...
- Hay mình chơi chi chi dành dành ...
- Ừ ha... Tui xòe bàn tay ra và Thuyên đặt ngón tay
trỏ lên ngay giữa bàn tay tuị Hai đứa cùng đọc : Chi chi dành dành, cái
đanh thổi lửa , con ngựa chết trương, ba vương ngũ đế , cấp kế đi tìm
con chim. Nắm được. Tui nắm bàn tay lại thiệt nhanh, Thuyên không kịp
rút tay về. Tui nắm hoài không buông. Thuyên nhỏ nhẹ: Buông tay Thuyên
ra đi...Tui buông ra, tui nói không nhìn Thuyên, tui nói trong hơi thở
gấp gáp, giọng rung rung: Tui muốn nắm tay Thuyên hoài, nắm hoài
thôi....
Tối đó hai đứa tui nói nhiều chuyện lắm, mãi tới
khuya Thuyên mới ra về. Ngày hôm sau không thấy Thuyên mang cơm ra cho
tui. Tui ngạc nhiên khi chú gia đinh mang cơm tớị Khi chú ra về, tui mới
dở gà mên cơm ra. Trong đó có một miếng giấy gấp làm tư. Tui mở ra đọc:
"Tối qua về trễ bị Bà Cả phạt . Hôm nay không thể mang cơm cho Quang được..."
Tui buồn. Rồi hai ngày, rồi ba ngày, tui mong Thuyên
tới. Ngày thứ tư Thuyên tới. Tui mừng hơn năm xưa Má về chợ. Tui mừng
chưa hết thì nghe Thuyên nói: Má tui bịnh, Bà Cả cho tui về bên nhà một
ngày thăm má. Đàn vịt bỏ đấy cho Thuyên coi, Thuyên đã bê ra đây một
thúng thóc cho vịt ăn, ngày mai vịt dậm chân tại chỗ.
Tui lo quá không biết Má bịnh làm sao. Tui muốn bỏ chạy về ngaỵ Thuyên kéo tui lại , ghé sát tai tui nói nhỏ :
- Bắt con vịt về nấu cháo cho Má ăn.
Tui tròn xoe đôi mắt: Úy trời đâu được. Ông Cả mà biết thì chết...
Thuyên ra chỗ bầy vịt tóm một con, trói lại đưa cho tui :
- Cầm đi. Không ai biết đâu. Thuyên chịu tội cho...
Tui lưỡng lự cầm và chạy tắt qua ba bốn cánh đồng để
về nhà thăm Má. Tui nói dối Má là Ông Cả nghe nói Má bịnh nên cho Má
con vịt để Má bồi dưỡng.
Tui về ở chơi với Má một ngày rồi trở lại làm việc.
***
Một tuần sau.
Không biết từ đâu mà Ông Cả phát giác chuyện tui bắt
vịt về nhà. Thuyên nhận tội thay cho tui , nhưng cũng không xoay chuyển
được quyết định của Ông Cả: Tui và Thuyên bị đuổi việc. Trưa hôm đó hai
đứa tui khăn gói rời nhà Ông Cả, chả biết đi đâu, về nhà thì chưa biết
phải nói với má thế nào, nên chúng tôi đứa trước đứa sau lững thững ra
bờ sông ngồị Thuyên hỏi tui:
- Giờ tính sao Quang?
- Kệ tới đâu hay tới đó , lo gì.
Mà thiệt đó nha, tui không có lo gì hết, bây giờ lớn
khôn rồi bộ không kiếm được việc gì làm hay sao mà lọ Tui săn ống quần
lên lội xuống nước. Nước sông mát lạnh, tui vục nước rửa mặt. Thuyên nằm
ngả lưng trên bờ cỏ, nhìn những cụm mây lờ lững bay. Thuyên hát như
đang lạc vào vùng cổ tích, một giấc mơ êm đềm, mượt như nhung:
Dăm miếng trầu cay
Một buồng cau trắng, một buồng cau trắng
mà duyên đôi ta nên vợ thành chồng
Một túp lều tranh
Một vừng trăng tròn
Một vừng trăng tròn
Mà tha thiết yêu cho hết tơ lòng
Tui ngẩn ngơ, chơi vơi trong giọng hát Thuyên:
- Thuyên đã có ngườị..thương rồi phải không?
Thuyên cười tủm tỉm : Ừa đó...Có rồi đó...
Tui biết Thuyên nói chơi nhưng trong lòng tui vẫn xốn xang. Tui buồn, tui không tin ở tui chút nào...
Hai đứa tui lang thang đi hái bình bát, những trái
bình bát chín vàng gợi thèm, nhưng không đứa nào muốn ăn. Ở nhà quê trời
tối rất nhanh, cuối cùng rồi chúng tôi cũng phải về nhà. Vừa bước vô
cửa má đã hỏi:
- Bị đuổi rồi phải không?
Tui vo vo cái đầu :
- Dạ...Cả Thuyên cũng bị đuổi luôn Má. Tui giới thiệu Thuyên với Má. Má nói với Thuyên :
- Không sao, thì ở đây với Má. Má đi làm gì thì bay đi làm cái đó...
Từ hôm đó Thuyên ở lại trong nhà tui. Em tui thích
Thuyên lắm vì Thuyên chìu nó hết mực. Chúng tôi sống thật êm vui, đầm ấm
dù trong cảnh nghèo. Tui ban ngày làm mướn cho người ta, đêm về đi soi
cá, soi chim kiếm thêm, vất vả một chút nhưng cuộc sống cũng dễ thở hơn.
Một tối nọ, tự nhiên Thuyên muốn đi theo tui soi cá.
Tui nói đi đêm đi hôm cực lắm đó. Thuyên nói : Cho chị đi theo để biết
Quang cực như thế nào. Tui đồng ý. Tui cầm cái vợt dài, còn Thuyên cầm
giỏ theo saụ Buổi chiều vừa đổ cơn mưa, nên mặt ruộng xâm xấp nước. Cóc
nhái kêu inh ỏị Tui đeo cái đèn pin trên trán. Đi mãi mà chưa kiếm được
con gì. Bỗng có tiếng nước động, tui soi đèn về hướng đó, một chú vịt le
le đang cựa quậỵ. Tui đưa cái cần vợt ra, chưa kịp chụp xuống thì
Thuyên la lên: Coi chừng Quang. Tui chưa biết chuyện gì thì Thuyên đã
nhào tới tui làm tui té xuống bờ ruộng. Tui hỏi: Chuyện gì vậỵ. Thuyên
nói: Rắn. Tui vùng đứng lên, vừa chợt nhìn thấy con rắn hổ lao đi. Tui
vung cây cần vợt đập nó
chết.
- Nó cắn chị rồi Quang ơi.
Tui nghe mà hết hồn. Tui chạy lại bên Thuyên. Vết
răng in sâu trên bắp chân. Tui xé cái aó thung của tui để cột ngay trên
đùi của Thuyên. Tui vứt hết. Tui cõng Thuyên, tui chạy thục mạng trên
những bờ ruộng về hướng nhà ông Năm thày rắn, ông thày rắn đã lấy nọc
độc và rịt thuốc chổ vết thương. Ông nói với tui nên đưa cổ đi bịnh viện
ngay đi. Tui lại cõng Thuyên tui chạy về hướng trạm xá xủa xã. Nhưng
Thuyên nói với tui giọng đứt quãng :
- Thuyên khó thở quá, ngực Thuyên đau nhói. Cho Thuyên dìa nhà Má đi .
- Không được, phải đi cấp cứu chớ Thuyên.
- Cho Thuyên dìa nha đi.
Thuyên khóc, nước mắt nhỏ âm ấm trên vai tui. Tui
cũng khóc. Tui cõng Thuyên về nhà. Trên đường về nhà Thuyên ghì chặt đôi
vai tui , thì thào:
- Những ngày sống bên Má, Thuyên vui lắm, Thuyên sẽ nhớ mãi …
Sáng hôm sau Thuyền vĩnh viễn rời xa tui. Thuyên nằm
đó thân hình tím bầm. Tui đau lòng quá mà không khóc được. Suốt mấy năm
sống gần nhau mà Thuyên chớ hề nói cho tui biết Tía của Thuyên ở đâu.
Muốn báo tin cho Ổng mà đành chịu.
Bây giờ Thuyên đã mồ yên mả đẹp. Thuyên đi Thuyên đã
mang cả hồn tui đi mất. Tui thờ thẫn ngồi một đống, mắt nhìn xa xôi. Mẹ
tui cả tuần ủ rũ chả muốn đi làm. Nhìn thấy tui bơ phờ, Má tui chỉ biết
lắc đầu.
Tui bước lại bên bàn thờ Thuyên, đưa tay nâng tấm
hình lên. Hình Thuyên cười thiệt tươi. Tui nghe văng vẳng tiếng hát của
Má từ sau bếp:
Cho đến ngày mai
Dù mưa hay nắng
Lòng ta vẫn thắng
Mà đôi chúng ta xây dựng đời này
Ta có bàn tay
Một tình yêu này
Một đời xum vầy
Thì đâu khó chi lấp biển vá trờị
“Một đời sum vầy“. Nghe sao mặn đắng ở trên môi. Lời
yêu thương còn chưa tỏ mà ước chi chuyện trăm năm cau trầu. Má hát cho
tâm sự cuả Má hay Má hát cho tui. Những giọt nước mắt tui âm thầm nhỏ
xuống trên khung ảnh Thuyên. Tui thấy nụ cười của Thuyên nhoà đi.
Đã trót sinh ra chốn trần ai, Ta vốn là người "không giống ai " ! Tha nhân mặc kệ
tha nhân nhé..... Ta vẫn là ta suốt
kiếp nầy !!
Sống sao trọn vẹn tình thân ái, Đoàn kết nghĩa tình, thương thế nhân.... Mai sau về cõi thiên thu - Nhẹ !! Ta vẫn là ta, chẳng bụi trần.....
Đóa sen hồng thắm trong tâm nở, Đem đến cho đời một chút hương..... Ra đi chắc hẳn không vương vấn
? Chỉ có người người luôn tiếc thương !!
NM
Người không giống ai
Hắn
là bạn thân của tôi từ thuở tóc còn để chỏm đến bây giờ – Hắn có một
cái tên rất ấn tượng: “ Trần Đại Hà”. Do vậy mà lũ bạn của Hắn và tôi
hay gọi Hắn bằng cái tên trìu mến là “ thằng cầu Nại Hà” hay là người –
giữ – cầu – Nại – Hà. Là bạn rất thân của Hắn, đôi khi thấy lũ bạn đùa
giỡn quá trớn, tôi cũng cảm thấy tội nghiệp – xót xa, trong khi đó Hắn
lúc nào cũng cười tỉnh bơ xem như không có việc gì xảy ra cả! Và, đôi
khi, tôi còn có cảm giác Hắn lại tỏ ra thích cái tên đó nữa chứ. Nhiều
lần bực mình – tôi gắt:
Bộ cậu đông cứng lại rồi à? Sao cậu không phản ứng gì hết vậy? Đùa giỡn gì mà quái ác quá?
Hắn cười hiền:
Lỗi đâu phải ở họ, tại ba, mẹ mình đặt tên vậy mà. Với lại họ gọi đùa vậy chứ có ác ý gì đâu?
Hắn còn nói thêm:
Như thế này mà cậu thấy buồn rồi sao? Ở xóm này ai cũng yêu quý mình,
nhưng họ luôn dặn mình là không được đến nhà họ vào ngày mồng một, ngày
rằm; có người còn cẩn thận hơn cấm cửa mình vào buổi sáng nữa kìa, họ
sợ mình mang điều không may đến cho họ. Ban đầu mình buồn lắm, nhưng lâu
dần mình quen rồi…
Tôi không biết nói gì để an ủi Hắn trước một sự thật quá
đau lòng và quá quắt như thế – đành yên lặng lãng sang chuyện khác.
Người ta thường nói: “Không ai thương mình bằng chính mình thương
mình”. Vậy mà Hắn nhiều lần bảo với tôi: “Mình ghét cái bản mặt của mình
nhất, ghét kinh
khủng, ghét thâm căn cú đế, ghét cái tính chẳng giống ai của mình!”.
Lần đầu nghe vậy, tôi ngạc nhiên, tròn mắt nhìn Hắn, nhưng lâu dần tôi
cũng quen dần với những câu chuyện mà Hắn bảo là “chẳng giống ai”, quen
đến nỗi chúng ngự trị trong đầu óc của tôi, và lúc nào buồn tôi dùng
chúng để tự an ủi cho mình. Mặc dù đã quen nhưng cứ nghĩ lại và nhớ đến
điệu bộ của Hắn là tôi không sao khỏi phì ra cười.
Chuyện đầu tiên mà Hắn vẫn thường ca cẩm đó là chuyện hắn sinh ra
trong một cái lều rách nát, không gọi là nhà được, túp lều ấy lại tọa
lạc ở một bãi đất hoang bên bờ sông Đại Hà – tên của con sông cũng gần
giống như Cầu Nại Hà trên con đường dẫn xuống cõi chết. Vậy mà không
hiểu sao ba, mẹ Hắn lại chọn nơi này làm túp lều hạnh phúc cho họ và còn
lấy luôn tên cây cầu đặt cho Hắn nữa chứ? Ba, mẹ Hắn cùng cảnh mồ côi
sớm, ông bà nội, ngoại của cả hai người cùng dắt dìu nhau, kẻ trước
người sau – cùng nhau viễn du đến nơi vô định mà không hẹn ngày về. Lúc
còn sống, họ là những trưởng lão cái Bang hàng bốn túi, nên khi họ ra
đi, không có gì để lại cho hắn cả, chỉ có một mảnh dất cắm dùi, hắn cũng
bán nốt để chữa trị cho mẹ lúc nằm viện. Cha, mẹ chết khi Hắn học hết
lớp 11, vậy là năm 12 Hắn vừa mò cua, bắt ốc, vừa sống nhờ vào tình
thương yêu đùm bọc của các cô chú trong họ và bà con xóm giềng. được cái
Hắn rất sáng dạ, học ít nhưng vẫn học rất giỏi. Và cuối năm, Hắn đã
thi đậu vào trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh trước sự ngỡ
ngàng của những người thân và hàng xóm. (Họ không ngờ thằng bé khù khờ,
quần áo xốc xếch, quanh năm lấm lem bùn đất lại giỏi như vậy). Thế là bà
con làng xóm lại có dịp nhắc lại giai thoại Hắn mặc áo mưa đi học vào
mùa hè khi trời nắng như đổ lửa. Nhà nghèo quá, Hắn luôn đến trường
trong bộ đồ rách bươm, vá chằng, vá đụp và đủ màu sắc. Mẹ Hắn cứ nhặt
được miếng vải nào lành lặn, bất kể màu gì – là để dành để chằm quần áo
cho Hắn. Nhìn Hắn lúc đó giống như một con cá ngũ sắc vậy. Một người bà
con xa đến thăm ba, mẹ và cho Hắn một bộ đồ áo mưa bằng nhựa màu nâu.
Vậy là chiều đó hắn mặc bộ đồ áo mưa đi học, khi cô giáo bắt cởi bộ áo
mưa ra, Hắn thành ra trần như nhộng, còn chúng tôi thì được một trận
cười nghiêng ngả.
Ngày Hắn nhập trường, bà con cô bác giúp cho hắn một ít tiền đủ cho
Hắn mua vé xe và sống những ngày đầu tiên khi bước chân vào đại học. Hắn
lại phải vừa lo học, vừa lo cơm, áo hàng ngày cho chính mình. Hắn làm
gia sư, phụ việc ở quán ăn, bốc vác, cho đến việc thông cống, sửa hầm
cầu, không chuyện gì mà hắn không làm. Vậy mà trong khi tôi học ở Trường
tổng hợp phải tất bật, lo lắng với các kì thi đi, thi lại, còn Hắn học
phần nào cũng qua một cách nhẹ nhàng, có lúc tôi không hiểu Hắn có phép
màu gì nữa?
Năm năm đại học rồi cũng trôi qua, tôi và Hà cùng ra trường. Hắn
không còn gì ở quê nữa, bàn thờ ba, mẹ ngày Hắn vào Đại học đã gởi họ
vào ngôi chùa làng, để có người hương khói, chỗ túp lều rách nát ngày
nào giờ chỉ là một bãi đất trống, lau sậy mọc um tùm. Vậy mà Hắn không ở
lại thành phố, nơi phồn hoa có nhiều cơ hội cho Hắn xin được việc làm
tốt, Hắn nhất quyết đòi về quê. Đêm cuối cùng ở thành phố, tôi hỏi Hắn:
Cậu quyết định về quê thật à?
Thật chứ sao không? Hắn quả quyết trả lời
Tôi nhìn lướt lên mặt hắn, một gương mặt chai sạm với đôi mắt trũng
sâu vì những đêm mất ngủ, tôi thực sự thấy thương Hắn. Tôi không muốn
phải xa Hắn nhưng tôi không muốn hắn phải khổ thêm nữa.
Tôi tiếp tục góp ý:
Cậu về quê làm gì? Rất khó xin việc. Hãy ở lại đây đi,
mình nghĩ với tài của cậu không mấy chốc sẽ làm giàu lên thôi.
Tôi cũng có lúc nghĩ như cậu vậy. Nhưng tôi không thể xa ba, mẹ tôi, không thể xa những người đã cưu mang tôi, và hơn nữa làng mình đã giữ của tôi biết bao kỉ niệm vui, buồn…
Tôi bật cười:
Cậu làm thơ à? Cậu lãng mạn và đa sầu đa cảm quá rồi! Còn hơn mấy ông
nhà thơ nữa mà? Người chết, người sống gì cậu cũng nhớ hết vậy? Ai bảo
cậu đi luôn đâu? Nếu thích cậu cũng có thể xin nghỉ phép về thăm quê mà?
Cậu đừng khuyên tôi nữa, tôi đã quyết định rồi, sẽ không đổi ý đâu. Hắn nhăn mặt đáp lời tôi.
Tôi bỗng dưng cảm thấy ghét cái tính ngang bướng của Hắn nên nói lẫy:
Tùy cậu thôi! Cậu muốn làm sao thì làm, mình không dám can thiệp vào đời riêng của cậu nữa.
Hắn biết tôi giận, vội ôm lấy vai tôi – hạ giọng, năn nỉ:
Trước kia mình không có gì hết, là một thằng bé mồ côi mà vẫn sống
được, giờ mình đã là ông kỉ sư rồi, làm sao chết đói mà cậu lo?
Dù có bằng tốt nghiệp loại Khá trong tay, nhưng thân cô thế cô Hắn
không xin được việc làm vừa ý. Người ta vẫn thường nói đi nói lại đến
nhão nhẹt câu “Quý trọng nhân tài, ưu tiên hiền tài”. nhưng Hắn vác đơn
đi đến đâu, cũng khó chui qua “cánh cửa hẹp”. Cuối cùng, cũng xin được
làm một chân quản lý máy điện của công ty may mặc ở huyện. Còn tôi một
thằng kiến thức chỉ lõm bõm, lơ mơ thôi nhưng tương lai thì rộng mở. Ba, mẹ tôi nhờ sự quen biết của mình đã xin cho tôi vào dạy ở trường cao đẳng gần nhà.
Hắn làm việc vất vả chứ không nhàn hạ gì. Tổ điện của Hắn có bốn
người, ba người trên Hắn học Trung cấp Điện, Hắn có bằng cấp cao nhất Kỉ
sư Điện, vậy mà trong phòng, Hắn chỉ là một người để sai vặt, phải làm
đủ mọi việc từ sửa điện, bắt ống nước, đến việc giữ các hóa đơn chi
phiếu. Hắn về quê ở tạm nhà tôi, bốn tháng sau khi có việc, nhận được
những đồng tiền lương ít ỏi. Hắn thưa với ba, mẹ tôi
cho hắn ra dựng nhà ở riêng trên bãi đất hoang um tùm lau sậy mà trước
kia là nhà của Hắn. Và sau đó không bao lâu, một ngôi nhà bằng tre được
dựng lên giống như ngôi nhà nhỏ trong rừng của Bảy chú lùn vậy. Đúng là
Hắn lập dị, làm những chuyện không đâu vào đâu cả, vậy mà không hiểu
sao, cha, mẹ tôi cứ đem Hắn ra làm gương cho tôi và mấy đứa em của tôi
học theo mới chết chứ.
Hắn lại ghét hắn về cái khoản cưới vợ. Đầu tiên, Hắn yêu một cô gái
làm kế toán ở cùng công ty, nhưng khi biết Hắn mồ côi, và ở trong một
ngôi nhà tranh vách đất gần bờ sông, ba mẹ của cô gái kia cấm cửa không
cho con mình qua lại với Hắn nữa. Mà cũng không cần cha, mẹ ngăn cản, cô
gái kia không muốn có một người chồng nghèo hèn như vậy làm chỗ dựa
vững chắc cho cuộc đời có quá nhiều ước mơ cao vời của mình. Chỉ hai
tháng sau khi chia tay với Hắn, cô ta lên xe hoa với một anh chàng hào
hoa, nghe đâu làm việc ở cảng. Hắn cũng đẹp trai, gương mặt khôi ngô –
nên rất nhiều cô gái theo đuổi, nhưng cứ quen Hắn một thời gian là họ bỏ
hắn để đi lấy chồng khác. Nghe thấy vậy – tôi hay đùa Hắn:
Cậu chắc tích được nhiều phúc lắm? Cô nào ế ẩm, không có ai, chỉ cần quen cậu một thời gian là có chồng liền.
Hắn cười buồn:
Cái số mình nó vậy mà! Nhưng mình nghĩ đó không phải là tình yêu đâu?
Rồi mình sẽ tìm được một người vợ đúng nghĩa của chữ yêu cho cậu xem.
Và rồi người vợ đúng nghĩa, cái tình yêu đúng nghĩa của Hắn, cũng
xuất hiện. “Hễ có mong chờ và hy vọng – là sẽ có kết quả thôi” – Hắn đã
tâm sự vậy khi báo tin vui với tôi. Vợ Hắn – một cô gái nghèo, mẹ mất
sớm ở với cha và mẹ kế. Học hết lớp 12, không có điều kiện học tiếp nên
nghỉ học xin vào công ty may. Cô có duyên – xinh xắn, nên chỉ một thời
gian ngắn cô cũng tìm cho mình được một anh chàng hào hoa, giàu có.
Những tưởng mình có thể đổi đời nên cô quá tin vào lời dụ ngọt kia, rồi
đã đánh mất đời con gái. Khi giọt máu đã tượng hình trong bụng, thì
người tình hào hoa phong nhã giàu có kia cũng quay lưng để mặc cô trong
nỗi sợ hãi khốn cùng. Bẫy tình xưa nay vẫn vậy – nhưng sao có lắm kẻ còn
mờ mịt để lại sập vào đó nhỉ? Thì ra, cảnh sang giàu, tiền bạc – luôn
làm lu mờ tâm trí, và là hấp lực mãnh liệt cho tất cả mọi người sao?
Cô muốn tìm đến cái chết để chấm dứt mọi chuyện thì gặp Hắn. Hắn
không những cứu cô khỏi chết mà còn cùng cô về nhà chịu lỗi với ba, mẹ
cô. Thế là một đám cưới chóng vánh xảy ra, không hân hoan, không mong
đợi. Tôi lại một lần nữa làm kì đà cản mũi:
Cậu bị làm sao vậy? Cậu cứu cô ấy là được rồi, sao lại nhận đứa con là con của cậu chứ?
Hắn lại giở trò biện minh cho mình:
Cô ấy hoàn cảnh cũng tội lắm. Với lại đứa trẻ có tội gì đâu chứ? Đành
rằng nó không phải là con mình, nhưng cậu nghĩ mà xem mọi người xin trẻ
mồ côi về nuôi làm con thì sao?
Tôi cự lại:
Đó là những người giàu có mà không có con, còn cậu còn
trẻ, vả lại cậu có thể có những đứa con do chính mình đẻ ra mà.
Tôi yêu cô ấy cậu à – Hắn thì thào, rồi cậu sẽ thấy vợ tôi tuyệt vời như thế nào – Hắn ra vẻ hài hước
Tôi một lần nữa lại ôm đầu kêu lên: “Cậu đúng là ngớ ngẩn, không giống ai”.
Không ai nghi ngờ gì về bé Mai – con đầu lòng của vợ chồng Hắn cả, vì
ai cũng nghĩ nó là con Hắn, chỉ có tôi là biết rõ sự thật mà thôi. Sau
bé Mai, vợ Hắn sinh thêm cho Hắn hai thằng con trai bụ bẫm, mà Hắn đặt
tên là Hải, Sơn. Hắn tự hào khoe với tôi nhà Hắn có đủ núi, biển, sông,
nước – vì vợ hắn tên Thủy. Vợ Hắn khéo tay, chịu khó, chìu chồng, yêu
con hết mực. Hắn ngập tràn trong hạnh phúc. Rồi thì hai vợ chồng Hắn
cũng xây dựng được một ngôi nhà ngói khang trang, và trong nhà sắm đầy
đủ các tiện nghi, có của ăn của để. Cuộc sống như vậy đã là mơ ước của
biết bao người. Nhưng rồi một hôm hắn lại tìm tới tôi với một vẻ mặt
thiểu não:
Tôi có một chuyện thật khó xử, tôi không biết phải giải quyết làm sao? Cậu giúp tôi với?
Tôi quan trọng vậy sao? Mà là chuyện gì? Tôi cố đùa cho Hắn bớt căng thẳng
Ba ruột con Mai tìm gặp tôi, xin nhận lại con?
Hắn còn muốn nói thêm điều gì – nhưng tôi đã ngắt lời, phản đối:
Không được! Mai là con của cậu và Thủy, cậu nhất định không được đồng
ý đâu đó. Thằng Sở Khanh đó không có tư cách nhận lại con. Nó có bằng
chứng lý lẽ nào đâu?
Ban đầu tôi cũng giận lắm, cũng muốn cho hắn một nắm đấm vào ngay
giữa cái bản mặt điểu cán khinh khỉnh của nó – nhưng nhìn nó tiều tụy
quá, tôi có cảm giác nó đang đau nặng, sắp chết cậu à?
Mặc xác hắn, Tôi bực tức hét lớn.
Hắn vẫn nhỏ nhẹ, kiểu mưa dầm thấm lâu:
Ông ấy sắp chết, phải để Mai nhìn mặt ba nó chứ, nếu không thì không còn kịp cậu à?
Vậy cậu muốn làm gì thì làm đi, hỏi tôi làm gì? Tôi trừng mắt nhìn Hắn.
Hắn thấy tôi giận không dám nói gì thêm, lẳng lặng đi về. Tôi không
hiểu Hắn thuyết phục Thủy như thế nào mà sau đó hai vợ chồng Hắn dẫn bé
Mai đi thăm người đàn ông kia, và để bé Mai ở lại bên ông ta những ngày
cuối đời.
Dự án qui hoạch dất đai, một con đường mới sẽ được mở ngang qua nhà
Hắn, và bỗng dưng những lô đất trước kia rẻ như bèo, Hắn mua chỉ để
trồng thêm rau, cải ra chợ bán, kiếm thêm thu nhập, bây giờ lại trở nên
có giá trị ngàn vàng. Vậy là vợ chồng Hắn tự dưng trở nên giàu có. Rồi
dự án đình lại, khu đất lại trở nên hoang vắng như xưa, những người mua
đất của Hắn cất nhà mặt mày trở nên ủ rủ, buồn hiu. Hắn lại sang bàn với
tôi:
Tôi và vợ tôi bàn với nhau lấy lại đất, trả lại tiền cho họ cậu à?
Tôi tròn mắt ngạc nhiên, nhưng tôi biết Hắn nói thật:
Tại sao cậu lại làm như vậy? Thuận mua, vừa bán chứ cậu có ép họ đâu chứ?
Tôi cũng biết như vậy, nhưng cứ nhìn thấy khuôn mặt buồn như đưa đám
và nghe tiếng thở dài của họ là lòng tôi lại xốn xang không chịu nổi –
Hắn phân bua
Tôi cố ngăn Hắn lại:
Nếu cậu thấy khó chịu thì sẵn có tiền cậu lên huyện mua một ngôi nhà
khác để ở, nơi đồng hoang, cỏ cháy này cậu luyến tiếc làm gì?
Tôi đã nói đến vậy rồi mà Hắn vẫn gàn, bướng:
Họ làm cả đời mới có một ít tiền những tưởng mua được một nơi lí
tưởng để làm nhà, vậy mà… Tôi có cảm giác như đang đi lừa họ vậy?
Sáng hôm sau vợ chồng Hắn trả tiền lại cho những người mua nhà, và
lấy lại đất. Hắn đã “khùng” rồi, không ngờ Thủy – vợ hắn, cũng “ngớ
ngẩn” theo. Cuối cùng Hắn cũng bán được đất của mình cho những người
nghèo khổ, cơ nhỡ với giá rẻ mạt mà còn cho họ trả góp nữa.
Và lần này – không phải riêng tôi mà cả xóm đều có chung một nhận xét
: “Vợ chồng hắn không giống ai, lập dị nên luôn làm những chuyện không
đâu vào đâu cả”. Nói vậy thôi, chứ mọi người trong cái xóm ai cũng yêu
thương gia đình của Hắn. Họ xem Hắn như người thân của họ vậy. Hắn không
trở nên giàu có như Hắn đã nói với tôi ngày nào, mặc dù Hắn có nhiều cơ
hội, nhưng tất cả – ai ai cũng nghĩ và thấy rõ được rằng cuộc sống của
gia đình Hắn đang thật Hạnh Phúc và tuyệt vời… Trần Minh Nguyệt
Liệu ta có quên đi ngày tháng cũ ? Vết thương lòng nào dễ sớm phôi pha..... Dù cố quên nhưng không thể xoá nhoà, Trong tình cũ có trái tình đã chín !!
Ôm nỗi đau với nỗi niềm sâu kín, Quá khứ xưa đôi lúc cứ hiện về.... Thân yêu xưa ngỡ biền biệt sơn khê, Nào ai nghĩ có một lần gặp lại ?!
Ôi , cách biệt giàu nghèo sao oan trái ? Những khổ đau rồi cũng đã qua đi..... Gặp lại nhau không còn thuở xuân thì
! Ngày tháng cũ cũng chìm vào
dĩ vãng,
Hạnh phúc xưa tựa mây trời phiêu lãng, Theo gió bay rồi lại sớm quay về..... Ngỡ như còn sống lại giữa trời quê, Với hạnh phúc bình yên ngày tháng cũ !! NM
QUÊN ĐI NGÀY THÁNG CŨ
Tôi sinh ra là một người con gái con nhà nghèo. Bố tôi mất sớm lúc tôi
chưa được 8 tuổi, mẹ tôi phải đi ở đợ cho một gia đình giầu có. Công
việc hàng ngày của mẹ tôi là dọn dẹp nhà cửa, đi chợ và nấu ăn cho nhà
bà Đạm, một thương gia, chồng chết, có 2 người con, một trai và một gái.
Con gái bà tên Minh Thư bằng tuổi tôi, có lẽ vì lý do này mà bà Đạm đã
mướn mẹ tôi để có người chơi với con gái bà. Con trai bà tên Thuấn hơn
tôi 7 tuổi.
Tôi được đi học cùng với Minh Thư, chúng tôi chơi thân với nhau khiến
bà Đạm rất vui mừng và đối xử tử tế với mẹ con tôi. Tôi được biết trước
đây bà Đạm có mướn một người làm nhưng Minh Thư không thích chơi với
người con gái nên đã bị cho nghỉ việc.
Thuấn thương em gái nên tôi được thương lây. Thuấn thường hay đưa
chúng tôi đi chơi, đi coi hát và chỉ dẫn cho chúng tôi làm bài ở trường.
Thuấn che chở cho tôi và bênh vực tôi mỗi khi bị những đứa trẻ khác bắt
nạt. Có lần chơi ở sân tôi bị té ngã, Thuấn ôm tôi vào lòng và an ủi
tôi: “Em bé ngoan đừng khóc nữa anh thương”. Tôi cảm động muốn trào nước
mắt. Thuấn vuốt nhẹ mái tóc tôi và lau nước mắt cho tôi . Chàng bảo “
Ngân Khánh phải cười trông mới đẹp”. Được Thuấn khen đẹp tôi thích và
cười với chàng. Thuấn ôm chặt tôi một lần nữa rồi mới buông ra. Tuy mới
12 tuổi nhưng tôi mơ hồ hình như có một cảm giác là lạ, hay hay. Tôi
mong té ngã một lần nữa để được Thuấn ôm tôi và lau nước mắt cho tôi…
Tôi buồn nhất là ngày Thuấn phải ở nội trú trong trường Đại học. Tôi bắt
đầu nhớ Thuấn. Mỗi cuối tuần tôi đứng ở cửa đợi Thuấn về và cứ như thế
năm này qua năm khác rồi chúng tôi đã yêu nhau lúc nào tôi cũng không
biết. Khi tôi học xong bậc Trung học thì Thuấn tốt nghiệp bác sĩ y khoa.
Tôi yêu Thuấn, một tình yêu chân thật, trọn vẹn chứ không bao giờ dám
có ý định làm vợ Thuấn vì hai gia đình quá cách biệt, mặc dù Thuấn có
nói với tôi là Thuấn sẽ cưới tôi làm vợ. Tôi tin tưởng ở Thuấn nhưng làm
sao bà Đạm có thể chấp nhận mẹ tôi thông gia với bà. Tuy biết như thế
nhưng chúng tôi vẫn yêu nhau say đắm và không thể rời xa nhau được.
Bà Đạm là một người đàn bà tốt nhưng rất cương quyết và thẳng thắn.
Hình như bà đã biết được chuyện hai chúng tôi yêu nhau và chuyện Thuấn
muốn cưới tôi làm vợ. Một hôm đợi Thuấn và Minh Thư đi vắng bà Đạm gọi
hai mẹ con tôi lại và nói rất ôn tồn: “ Con gái chi Tư đã lớn nên ở đây
bất tiện. Mặc dù tôi và hai con tôi rất quý hai mẹ con chị nhưng tôi vẫn
phải cho chị nghỉ việc. Trai gái không nên để chúng nó gần nhau. Trong
vòng một tuần chị tìm nơi khác để dọn ra. Tôi cho chị 6 tháng đủ tiền ăn
ở, sau đó mẹ con chị có thể tự túc được. Tôi chỉ yêu cầu chị và cháu
hứa với tôi một điều là không cho hai con tôi biết gì hết và không bao
giờ được liên lạc với chúng nữa. Chị cứ sẵn sàng rồi đợi hôm nào hai con
tôi không ở nhà thì dọn ra…”. Tôi quá bất ngờ và sửng sốt. Tim tôi
ngừng đập, mặt tôi tái đi. Bà Đạm nhìn hai mẹ con tôi như ra lệnh. Tôi
thấy bà thật nghiêm nghị. Gần 10 năm sống trong nhà bà, lần đầu tiên tôi
thấy nơi bà đáng sợ như vậy. Mẹ tôi cũng sợ bà và nói trong nghẹn ngào:
“ Tôi xin hứa và sẽ làm theo lời bà”. Bà Đạm gật đầu như để chấp nhận
lời hứa của mẹ tôi. Bà nhìn sang phía tôi. Lúc này nước mắt tôi đã trào
ra. Tôi nghĩ đến ngày phải xa Thuấn, xa Minh Thư, xa mái nhà thân yêu
với bao kỷ niệm thời niên thiếu mà tôi đã quên đi tưởng như nhà mình.
Không thấy tôi nói gì, mẹ tôi nắm chặt tay tôi và lắc nhẹ. Bà Đạm nhướng
mắt lên ra lệnh. Tôi nói trong nghẹn ngào: “Cháu xin hứa sẽ làm theo
lới bà ”.
Bốn hôm sau Thuấn và Minh Thư đi vắng, mẹ con tôi dọn ra khỏi nhà bà
Đạm. Trước khi lên xe tôi nhìn ngôi nhà một lần cuối lòng không khỏi bùi
ngùi. Nơi đây như một mái ấm gia đình trong thời niên thiếu, có bao
nhiêu kỷ niệm, có mối tình đầu. Tôi bước đi nhưng đôi chân như hụt hẫng.
Tôi thương tôi nhưng nhìn mẹ sụt sùi lau nước mắt tôi càng thương mẹ
hơn. Thuấn ơi! Từ nay em sẽ phải xa anh, vĩnh viễn xa anh. Vì danh dự,
vì giữ lời hứa với bà Đạm em không thể nào gặp lại anh được. Mối tình em
với anh tưởng là thần tiên, bây giờ đây mỗi người một ngả. Anh biết gia
đình em quá nghèo sao anh lại còn yêu em, sao anh lại muốn cưới em làm
vợ để em phải xa anh… Đứng ở cửa tần ngần một lúc rồi mẹ con tôi lên xe
để đến ở chung nhà với bà bán rau muống ngoàì chợ mà mẹ tôi đã quen vì
hay mua rau của bà. Cuộc sống của mẹ con tôi hoàn toàn thay đổi. Bao
nhiêu mộng đẹp của thời con gái đã tan theo mây khói. Tôi đang dự định
thi vào một trường chuyên nghịêp nào đó để giúp đỡ mẹ tôi, nhưng không
may chuyện xẩy ra quá bất ngờ, tôi không kịp xoay xở gì nữa. Tôi phải
xin đi làm thư ký cho một hãng bào chế thuốc Tây. Nhìn những chuyên
viên mặc áo trắng đi qua lại, tôi liên tưởng tới Thuấn trong bộ đồ bác
sĩ y khoa, lòng tôi không khỏi xót xa. Tôi không bao giờ được gặp chàng
nữa.
Mẹ tôi từ ngày dọn ra ngoài ở thì sức khỏe đã suy yếu nên không còn
làm được gì nữa ngoài việc nấu ăn. Mẹ tôi nấu ăn ngon lắm. Nếu mẹ tôi
còn trẻ bà đã mở một quán ăn. Gần 10 năm nấu ăn, cả nhà bà Đạm mọi người
đều thích. Thuấn, con trai bà Đạm đã nói với mẹ : “ Con đã đi ăn tiệc ở
nhiều nơi nhưng không ăn ở đâu ngon bằng ăn ở nhà do bà Tư nấu” . Nào
là món gỏi gà bắp cải thêm chút rau răm, đậu phộng rang rắc lên trên .
Rau muống xào tỏi hoặc xào với thịt bò, rồi món rau muống trộn với mắm
tôm vắt chanh, thêm ít ngò gai, kinh giới và đậu phộng rang, có khi mẹ
tôi cho thêm tép hay thịt thái nhỏ. Món nộm hoa chuối mẹ tôi gọi là nham
hoa chuối cũng rất ngon. Cuối tuần mẹ tôi hay nấu bún riêu, bún ốc hoặc
canh chua… món nào cũng đặc biệt. Nay mẹ con tôi đi rồi Thuấn không
được ăn những món mà chàng thích nữa. Càng nghĩ tôi lại càng thương
chàng. Anh ơi mẹ em đi rồi ai nấu cho anh ăn những món mà anh thích. Em
đã học ở mẹ một vài món, dự định sẽ nấu cho anh ăn nhưng em chưa kịp làm
thì đã phải xa anh. Xa anh em không được nói câu từ giã. Anh có trách
em vô tình em cũng xin đành mang. “Ngày đi lặng lẽ không từ giã
Cất bước âm thầm thương nhớ thôi” Hai câu thơ của NT đã áp dụng với tôi bây giờ thấy đúng làm sao. Nếu
một ngày kia tình cờ gặp lại anh hay Minh Thư em sẽ phải trả lời ra sao.
Em có được nói sự thật là vì chúng mình yêu nhau nên mẹ anh đuổi mẹ
con em không? Đầu óc tôi rối loạn, tôi không tìm được câu tả lời. Chắc
tôi không nói thế được. Tôi không oán trách gì bà Đạm, nếu là tôi liệu
tôi có làm khác bà được không ? Bà Đạm là người đàn bà có thế lực, làm
sao bà có thể thông gia với mẹ tôi, một tôi tớ trong nhà mà bạn bè,
khách khứa ai cũng biết. Tuy buồn nhưng tôi cũng thông cảm với bà. Mẹ
tôi cũng biết thân phận mình nên không hề oán trách bà Đạm. Đôi lúc tôi
tự trách tôi, làm sao tôi dám với quá cao để giờ bị té đau, nhưng rồi
tôi lại bênh vược cho chính tôi. Người con trai như Thuấn làm sao tôi
không yêu được. Thuấn có đầy đủ mọi điều kiện, người con gái mới lớn như
tôi sao không ngã lòng. Con tim có những lý do riêng của nó, người ta
vẫn nói thế.
Nhưng nếu chỉ yêu nhau rồi xa nhau thì cũng là sự thường tình của thế
nhân, hợp để rồi tan, Trên đời này có biết bao nhiêu mối tình chia ly
bằng nước mắt. Nhưng tôi đã yếu đuối, không làm chủ được thân xác tôi và
đã dâng hiến trọn vẹn đời con gái của tôi cho Thuấn. Hai tháng nay tôi
không thấy có kinh nguyệt, cơ thể tôi bắt đầu thay đổi, ngực tôi căng
phồng thêm, tôi bắt đầu lo sợ. Tôi đi thử nghiệm và được biết tôi đã
mang thai. Tôi đắn đo nhưng rồi cũng phải thú nhận với mẹ. Mẹ tôi không
la mắng như tôi nghĩ, bà chỉ khuyên tôi cố gắng giữ gìn sức khoẻ cho cái
thai được tốt. Mẹ tôi cũng nghĩ như tôi là vì danh dự và giữ lời hứa
nên không cho Thuấn biết tôi đã có thai với chàng. Tôi thấy mẹ tôi buồn,
tôi hỏi là mẹ có trách vì tôi mà bà Đạm đuổi mẹ con tôi không thì mẹ
tôi trả lời là bà không trách nhưng thương tôi, tội nghiệp cho tôi. Bà
biết trai gái mà để sống chung với nhau trong nhà thì chuyện gì rồi cũng
sẽ phải xẩy ra, nhưng bà chưa kịp khuyên bảo tôi.
Tôi mang thai được gần 9 tháng thì mẹ tôi qua đời. Buổi tối mẹ tôi
nói bà bị nhức đầu, tôi lấy thuốc cho mẹ uống và nửa đêm thì mẹ tôi ra
đi. Bà ra đi bình yên, lặng lẽ, buồn thảm như cuộc đời mẹ, Tôi không
ngờ mẹ tôi chết dễ dàng quá. Tôi đau buồn và đã ngất xỉu đi, không còn
biết gì nữa…
Sau năm ngày ở trong bệnh vịên, tôi tỉnh lại và đã nhận thức được.
Sờ tay lên bụng thấy bụng đã xẹp xuống biết là tôi đã sinh nhưng không
biết đứa bé giờ ra sao. Đợi người y tá đến gần tôi hỏi thăm về con tôi.
Người y tá trả lời: “ Bác sĩ thấy không có hy vọng cứu sống cô nên đã mổ
để lấy cháu bé ra. Cháu rất khỏe mạnh. Không biết cô có đủ sức để nuôi
nấng con không. Cháu là con gái, mặt mày sáng sủa lắm. Rất mừng cô bình
phục trở lại, đó cũng là nhờ 3 vị bác sĩ đã tận tình chữa trị, các vị
ấy tử tế với cô lắm, coi cô như người nhà …”. Một giờ sau người y tá
mang con đến đưa tôi bế và nói : “Cho cháu ở đây với cô một lúc rồi tôi
đưa cháu trở lại phòng để cô nghỉ vì vết mổ chưa lành”. Nhìn thấy con,
tôi hết sức vui mừng, sao tôi thấy nó thân thương gần gũi quá. Có nhà
văn đã nói: “ Đứa con là tác phẩm vĩ đại nhất trong số những tác phẩm mà
tôi có”. Nhưng vừa vui tôi chợt buồn ngay. Tôi chỉ có một thân một mình
làm sao có thể nuôi được con. Tôi lại phải đi ở đợ như mẹ tôi ngày xưa.
Nhưng mẹ tôi còn có người mướn chứ tôi đứa con còn đỏ hoẻn ai chịu cho
làm. Hay tôi nhờ người báo cho Thuấn biết. Tôi vội xua đuổi ý nghĩ này,
vì tự trọng, vì danh dự của hai mẹ con, tôi không thể liên lạc với gia
đình bà Đạm được nữa. Người y tá đến mang con tôi trở lại phòng dưỡng
nhi, nước mắt tôi trào ra…
Tôi khai ở bệnh viện là chồng tôi đi lính chết bây giờ chỉ có mình
tôi, không có thân nhân, không bạn bè, mẹ tôi mới chết hôm tôi vào đây.
Hoàn cảnh của tôi đa số các nhân viên đều biết, họ nói chuyện với nhau
tôi nghe được: “Cô ta còn trẻ và xinh đẹp quá, tội nghiệp chồng bị chết
sớm”. Mấy hôm sau ông chủ sự phòng hành chánh của bệnh viện đến bên tôi
và nói: “ Tôi xin lỗi đã đi vào đời tư của cô và có thể làm cô buồn,
nhưng trong hồ sơ tôi thấy hoàn cảnh cô thật khó khăn. Chúng tôi rất aí
ngại không biết khi xuất viện cô ở đâu và làm sao nuôi được con, lúc đó
cô cũng phải đem cho hoặc bỏ vào viện mồ côi và người nhận nuôi con cô
không biết họ thế nào, có được tốt không, rồi lại tội nghiệp đứa bé… Tôi
có quen hai ông bà này rất giầu và tử tế, họ lấy nhau trên 16 năm mà
không có con, đang có ý định tìm nuôi một đứa con nuôi, nếu cô đồng ý
cho họ nuôi tôi sẽ nói với người ta. Cô suy nghĩ rồi cho tôi biết”. Tôi
quá đau buồn, mới gặp con vài lần giờ sắp phải xa nhau. Ông chủ sự nói
đúng, tôi không đủ phương tiện để nuôi con. Biết bao người hoàn cảnh như
tôi đã phải bỏ con ngoài đường, bỏ vào cổng chùa, viện mồ côi… Nếu con
tôi có được người tử tế nuôi cũng là điều may cho nó. Đi ở với người ta
cuộc đời nó có thể khá hơn là ở với tôi. Tôi đã làm khổ con tôi rồi, nó
không có tội gì để phải khổ thêm nữa. Tôi không thể ích kỷ giữ mãi con
bên tôi. Nghèo là khổ lắm. Tôi với Thuấn yêu nhau chỉ vì tôi nghèo mà
phải xa nhau. Thuấn ơi! Chỉ vì nghèo mà em phải xa anh, chỉ vì em nghèo
mà chúng ta phải xa con chúng ta.
Tôi trả lời ông chủ sự là tôi muốn được gặp bố mẹ nuôi của con tôi.
Hôm sau hai người này tới. Đúng như ông chủ sự nói, nhìn hai ông bà rất
phúc hậu khiến tôi yên tâm. Người chồng hỏi tôi có yêu cầu đìều gì
không, tôi nói tôi chỉ mong có con và đặt tên là Thuận Khanh (tức là gần
tên Thuấn và tên tôi), nhưng nay tôi không còn cái quyền này nữa. Người
chồng ôm vai vợ cười lớn: Em tên Thuận, cô ấy tên Khánh. Một bên mẹ
nuôi, một bên mẹ đẻ, đúng là trời đã xếp đặt, sau này cháu bé sẽ gặp
nhiều may mắn lắm. Chúng tôi bằng lòng với lời ước nguyện của cô. Cô còn
yêu cầu điều gì nữa không? Tôi lắc đầu không nói ra lời… Buổi chiều ông
chủ sự gặp tôi để cho biết lúc tôi xuất viện thì họ mang con tôi đi.
Ông còn nói thêm là ông bà này rất mừng khi thấy tôi không đề cập đến
tiền bạc, chỉ lo đặt tên cho con chứng tỏ tôi trọng tinh thần chứ không
phải vật chất, như vậy gốc đứa bé rất tốt. Cô lại rất xinh đẹp, họ hy
vọng con họ sau này cũng sẽ đẹp như cô. Ngày cuối cùng tôi được bế con
tôi một giờ. Tôi ôm chặt con tôi trong lòng như giữ gìn một báu vật, tôi
không muốn rời xa nó nữa, nhưng vì chữ tín tôi không thể nào đổi ý
được. Nước mắt tôi trào ra, ai nhìn thấy cảnh chia ly này cũng phải ngậm
ngùi. Dù đã quá giờ người y tá không nỡ lấy đứa bé ra khỏi tay tôi. Tôi
ghì chặt con tôi vào lòng và đặt chiếc hôn lên má con rồi đưa cho người
y tá. Đích thân ông chủ sự trao tôi một túi vải lớn, nói tôi nên giữ
cẩn thận vì đây là số tiền khá nhiều do bố mẹ nuôi đứa bé đưa, đủ cho
tôi ăn ở 4, 5 tháng như là để cám ơn tôi chứ không có ý mua bán gì đâu.
Tôi nói lời cám ơn ông chủ sự cùng bác sĩ và các nhân viên trong nhà
thương rồi ra về.
Tôi thuê xe đến thẳng nhà bà bán rau muống. Khi đến nơi tôi không gặp
bà và thấy có người lạ ở trong. Tôi hỏi thì được biết vì có người chết
nên bà bán rau sợ hãi và đã bỏ đi. Người thuê nhà mới con cái đông và
giá thuê rẻ nên đã dọn vào. Tôi ra ngoài đường và phân vân không biết đi
đâu, chợt một chiếc xe Honda dừng trước mặt, tôi nhận ra chị bạn làm
chung hãng với tôi khi trước. Sau khi hỏi han chị biết chuyện nên đã
thương tình rủ tôi về nhà ở chung với chị. Trong khi đó những người
trong hãng họ không biết lại tưởng tôi đã theo chồng đi ngoại quốc.
“ Hãy cố yêu người mà sống, lâu rồi đời mình cũng qua…”
Lời ca của bản nhạc trong “Bài không tên số 5” đã thức tỉnh tôi phải can đảm và cố gắng chịu đựng.
Mấy tháng sau nhờ có người chỉ dẫn tôi tìm được mộ mẹ và thắp nén hương lên mộ bà.
Thời
gian này tình hình Saì Gòn ngày càng giao động và biến cố tháng Tư năm
1975 xẩy ra. Tôi theo đoàn người ra bến Bạch Đằng, sao may tôi lên được
tàu và sang tới Hoa Kỳ, định cư tai tiểu bang California.
Tôi
cố gắng lập lại cuộc đời, vừa đi làm vừa đi học . Sau một năm bổ túc
Anh văn tôi ghi danh vào Đại học, 4 năm tôi ra trường về ngành kỹ sư
điện tử, rồi tôi lập gia đình với một nha sĩ giầu có. Tôi đi khám răng
và gặp chồng tôi. Chồng tôi hơn tôi 11 tuổi, góa vợ và có một con trai.
Chúng tôi lấy nhau được gần 14 năm. Chồng tôi mới qua đời cách nay 3
năm. Tôi tiếp tục vừa làm chủ trung tâm nha khoa cũ của chồng tôi vừa đi
làm cho công ty điện tử. Đời sống tuy có bận rộn nhưng vật chất rất
đầy đủ vì có hai nguồn lợi tức. Tôi nghĩ đến thời gian nghèo khổ khi
xưa, nhớ đến mẹ và đứa con gái riêng lòng không khỏi xót xa. Tôi đã tìm
kiếm khắp nơi nhưng không biết được con tôi bây giờ ra sao, còn ở lại
Việt Nam hay đã qua Mỹ ? Tôi có nhờ hội Hồng Thập Tự tìm kiếm nhưng
không ra. Tôi ngày đêm cầu nguyện để được gặp con gái tôi…
Tôi đi khám định kỳ hàng năm và được giới thiệu đến bác sĩ Nguyễn
Trọng Toản chuyên về tim mạch. Nghe tên bác sĩ tôi chợt nhớ ra vị bác sĩ
đã cứu sống tôi ở bệnh viện Việt Nam khi xưa. Sau khi khám bệnh và cho
thuốc, tôi nói với bác sĩ Toản chính tôi là người được bác sĩ chữa trị
gần 25 năm về trước.. Nhận ra tôi vị bác sĩ này mừng lắm. Cũng may tôi
là người khách cuối cùng nên ông đã có nhiều thì giờ nói chuyện với tôi.
Bác sĩ Toản cho tôi biết cách đây 2 năm trong cuộc họp mặt của hội y sĩ
toàn quốc tại Texas ông có gặp Thuấn, người tình cũ của tôi. Nghe tên
Thuấn tôi lặng người đi nhưng cố giữ bình tĩnh để nghe kể: “ Thuấn với
tôi học cùng lớp với nhau nhưng không thân. Tôi có gặp chị đi chơi với
Thuấn vài lần nên nhớ. Tôi chữa trị cho chị và nghĩ Thuấn bỏ rơi chị,
nên tôi tránh không muốn nói gì với ai, ngay cả lúc chị sinh đẻ trong
bệnh viện cũng vậy. Kỳ vừa qua gặp nhau ở Texas tự nhiên Thuấn tâm sự với tôi là Thuấn yêu
chị lắm nhưng bị bà mẹ ngăn cản và không có cách nào gặp được chị. Sau
khi chị đi rồi Thuấn giận mẹ nên không chịu lấy vợ, mãi sau thấy bà cụ
quá buồn nên Thuấn mới lập gia đình.
Đến nay Thuấn vẫn không có con và vợ chồng đã ly dị vì không hợp nhau.
Nghe tôi nói chị đã có thai với Thuấn và chính tôi chữa trị cho chị,
Thuấn xúc động lắm. Thuấn thương chị và thương đứa con của anh chị phải
đi làm con nuôi người ta, không biết giờ này ra sao. Mẹ Thuấn biết tin
cũng buồn lắm, bà đã hối hận cho hành động của bà để đứa cháu duy nhất
bị bỏ rơi, nay bà đã trên 80 tuổi vẫn chưa có cháu bế…”. Nghe lại
chuyện xưa lòng tôi nặng chĩu và không cầm được nước mắt. Bác sĩ Toản
hỏi tôi có đồng ý cho Thuấn biết đã gặp tôi không, tôi dặn bác sĩ thôi
đừng nói gì cả, chuyện xưa nên cho vào dĩ vãng, điều cần thiết là tìm
được đứa con chúng tôi. Tôi chào bác sĩ Toản rồi ra về, lòng buồn mênh
mang: Biết được tin anh cũng đủ rồi
Tâm sự có nhiều vẫn thế thôi
Ra đi không nói câu từ giã
Em biết chuyện mình mãi cách đôi *
Cứ mỗi năm nhìn lá uá vàng
Chạnh lòng nhớ lại lúc Thu sang
Anh ơi! Thu đến mang sầu tới
Khơi dậy mối tình đã cách ngăn
*
Một lần yêu đã quá khổ rồi
Nhắc làm chi chuyện cũ anh ơi
Thân tuy gầy yếu tim băng gía
Giữ mãi trong em bóng một người
*
Biết được tin anh đã đủ rồi
Em bây giờ cũng vẫn đơn côi
Bao nhiêu kỷ niệm, bao đau đớn
Và khóc âm thầm, khóc mãi thôi… Nhưng thôi tôi không muốn tiếp tục làm thơ buồn nữa. Tôi trở về với
đời sống hiện tại của tôi. Tôi không có con nên yêu con trai của chồng
tôi như con đẻ. Tân (tên con trai của chồng tôi) rất quý tôi. Tuy đã ra
hành nghề bác sĩ nhưng tất cả những chuyện riêng tư Tân đều mang ra hỏi ý
kiến mẹ. Một hôm Tân khoe với tôi Tân quen một cô gái tên Thuận Khanh
kém Tân 4 tuổi. Hiện nay Thuận Khanh là dược sĩ, trông nom tiệm thuốc
Tây của gia đình. Tân và Thuận Khanh quen nhau qua dịch vụ thương mại.
Nghe con trai nói đến Thuận Khanh tôi rất hồi hộp, liệu có sự trùng tên,
trùng tuổi được không? Thuận Khanh có phải là con gái tôi không? Tôi
hỏi con trai xem gia đình Thuận Khanh ra sao, thì được biết bố Thuận
Khanh đã mất chỉ còn mẹ già trên 70 tuổi. Nhà giầu lắm, tất cả tài sản
sau này sẽ là của Thuận Khanh hết. Tôi hơi lạ, nếu là mẹ nuôi thì đúng
chứ mẹ đẻ có thể trùng tên. Tôi nói con trai tôi đưa Thuận Khanh về nhà
tôi chơi. Gặp Thuận Khanh tôi linh cảm ngay người con gái này là con
tôi. Nét mặt vừa giống tôi vừa giống Thuấn. Không cầm được lòng tôi ôm
chầm lấy Thuận Khanh và thốt lên: “con ơi! mẹ đây”, nhưng rồi tôi chợt
nhớ ra, chưa phải là lúc mẹ con thổ lộ tâm tình nên đã buông Thuận Khanh
ra và nói lời xin lỗi: “ Bác xin lỗi con, tại bác thấy con dễ thương
quá nên bác mến”. Thuận Khanh nói: “ Không sao đâu bác. Được bác yêu quý
và cho đến nhà thăm bác con rất vui mừng. Trước khi đến con sợ lắm, nay
thấy bác vui vẻ như mẹ con ở nhà, con thật có phước. Mới gặp bác lần
đầu nhưng con có cảm tưởng như đã gặp bác từ lâu rồi ”. Lòng tôi dịu
xuống, tôi thầm cám ơn ông bà mẹ nuôi đã dạy giỗ con gái tôi nên người,
dạy cách ăn nói khôn khéo và lễ phép. Tân thấy mẹ yêu thích bạn thì mừng
lắm, chàng mỉm cười nhìn Thuận Khanh. Tôi giữ Thuận Khanh ở lại ăn cơm.
Lần đầu tiên tôi được nấu cơm cho con gái tôi ăn. Tôi hỏi thăm sơ qua
về những ngày đã qua của Thuận Khanh, tôi tránh những chi tiết sợ con
gái nghĩ tôi tò mò. Cám ơn Trời Phật đã giúp cho mẹ con tôi được gặp
lại nhau…
Khi Thuận Khanh ra về tôi hỏi con trai tôi chương trình dự trù như
thế nào, Tân cho tôi biết tháng sau chúng định làm đám hỏi và 4 tháng
nữa sẽ làm đám cưới. Thuận Khanh muốn lo sớm vì mẹ đã già, muốn cho mẹ
được vui.
Ngày đám hỏi qua đi một cách thuận lợi. Người mẹ nuôi của con gái tôi
không nhận ra tôi. Có lẽ bà không ngờ một cô gái nghèo khổ ngày xưa nay
là thông gia với bà. Tôi nhận ra bà Thuận nhưng vẫn giữ im lặng không
cho ai biết chuyện tôi là mẹ đẻ của Thuận Khanh để cho các con tôi không
phải bận tâm và tránh gây nên sự buồn phiền cho bà mẹ nuôi, một ân nhân
của tôi. Tôi rất vui mừng sửa soạn đám cưới cho con. Tôi hồi hộp lo đến
ngày đám cưới vừa cho con gái vừa cho con chồng.
Bốn tháng qua đi thật mau. Đám cưới của các con tôi tổ chức rất trọng
thể. Gần 700 quan khách tham dự. Con gái tôi lộng lẫy trong bộ áo
cưới. Có nhiều người đã nhận xét là mẹ chồng với con dâu trông rất giống
nhau như hai mẹ con, chắc là sẽ hợp với nhau lắm. Tôi vui mừng nghĩ
ngợi từ nay con gái tôi sẽ được ở chung nhà với tôi, và tôi sẽ dành hết
thì giờ săn sóc con gái tôi. Văng vẳng bên tai như lúc nào cũng nghe
thấy lời chúc mừng hạnh phúc…
Đám cưới xong hai con đi hưởng tuần trăng mật, tôi ở nhà một mình. Vì
quá lo lắng và bận rộn cho ngày đám cưới nên tôi thấy trong người hơi
mệt. Tôi sợ có vấn đề về tim như trước nên đi khám bác sĩ gia đình nhưng
khi đến nơi mới biết bác sĩ đã đi nghỉ hè và ông nhờ người khác tạm
thay thế vài ngày. Vì đến trễ và không có hẹn trước nên tôi là người
được khám sau cùng. Cô y tá cân đo và thử nhiệt độ. Nhịp tim và nhiệt độ
của tôi bình thường.
Tôi
ngồi trong phòng đợi một lúc thì Thuấn mở cửa bước vào. Bất ngờ gặp
Thuấn tôi kêu lên: “Anh!”. Thuấn cũng ngạc nhiên, ôm chầm lấy tôi: “Em !
Không ngờ gặp em ở đây, anh mừng quá !”.
Thuấn kể lể những sự nhớ nhung và xin tôi tha lỗi. Thuấn nói:“Anh
không ngờ mình đã có con với nhau. Từ ngày nghe bác sĩ Toản nói chuyện
về em anh buồn và ân hận quá. Khi đẻ chỉ có một mình em làm sao xoay
xở…”.Tôi
bảo Thuấn : “ Hãy quên đi ngày tháng cũ”. Bây giờ mỗi người có một cuộc
sống riêng, còn gặp nhau và quý nhau là đủ rồi. Tôi không oán hận ai
cả, chỉ mong mọi chuyện cho qua đi. Thuấn hỏi tôi về con gái chúng tôi,
tôi nói Thuận Khanh bây giờ rất hạnh phúc nhưng chuyện hơi dài, sẽ nói
cho Thuấn sau. Thuấn rất mừng khi thấy tên con gái là tên Thuấn và tên
Khánh hợp lại. Biết tôi bây giờ vẫn còn độc thân nên Thuấn đề nghị cùng
chàng tái hợp. Mặc dù vẫn còn yêu Thuấn nhưng tôi rất ngại, một lần chia
tay đã quá khổ rồi, bây giờ tôi đang sống yên ổn và hạnh phúc với con
gái mới tìm được, tôi không muốn có sự xáo trộn trong đời sống nên đã từ
chối. Không được tôi chấp thuận Thuấn có vẻ thất vọng. Một lúc sau
Thuấn hỏi thăm về mẹ tôi, khi biết mẹ tôi đã qua đời chàng cúi đầu xuống
che dấu sự xúc động rồi cho biết bà Đạm bây giờ bệnh tình rất nặng, sức
khoẻ được tính từng ngày. Bà đang nằm trong bệnh viện, nếu được tôi bỏ
qua chuyện cũ thì bà mừng lắm. Thuấn gợi ý muốn tôi đến bệnh viện thăm
bà Đạm, tôi nhận lời.
Hôm sau tôi đến bệnh viện thấy Thuấn và vợ chồng Minh Thư đã ở đó.
Minh Thư gặp tôi rất mừng . Minh Thư hỏi thăm tôi và cho địa chỉ mời đến
nhà chơi. Hàn huyên một lúc, Thuấn và vợ chồng Minh Thư ra ngoài cho
tôi nói chuyện với bà Đạm. Tôi cầm bàn tay gầy yếu của bà và hỏi:
- Bà còn nhớ cháu không, cháu là Ngân Khánh đây ?
Bà Đạm thều thào:
- Ngân Khánh ! Làm sao tôi quên được cháu. Mong cháu tha lỗi cho tôi.
Vì tôi quá nghiêm khắc mà mẹ con cháu phải khổ. Tôi cũng nghe tin bà Tư
đã qua đời. Tội nghiệp bà Tư. Thôi tôi sẽ gặp bà ở bên kia thế giới để
xin lỗi bà vậy.
Bà Đạm tiếp:
- Ông trời đã phạt tôi. Có đứa cháu duy nhất thì hất hủi nó, bây giờ
tôi không có cháu nào ở bên cả. Vợ chồng Minh Thư lấy nhau lâu rồi vẫn
chưa có con.
Nói xong nước mắt bà trào ra vì ân hận khiến tôi cũng buồn lây. Giọng bà run run tiếp :
- Tôi không sống được nữa và sắp phải ra đi. Tôi xin cháu một điều không biết cháu có thể giúp tôi không ?
Tôi lắc tay bà Đạm:
- Xin bà cứ nói.
Bà Đạm cố lấy sức lực còn lại nói ngắt quãng từng câu:
- Bác mong cháu nhận lời tái hợp với con trai bác, có như vậy bác mới yên tâm ra đi.Thuấn yêu cháu lắm. Thuấn đã lấy vợ nhưng lúc nào cũng nghĩ đến cháu nên hai vợ chồng đã bỏ nhau. Đôi mắt bà Đạm yếu đuối nhìn tôi như cầu xin. Tôi thấy thương bà như mẹ.
Gần 10 năm ở với nhau tình cảm dù sao cũng đã sâu đậm, thật khó có thể
từ chối lời yêu cầu của một người sắp lìa đời như bà. Tôi im lặng suy
nghĩ giây lát rồi nói trong xúc động:
- Vâng, con xin nghe lời bác.
Bà Đạm mỉm cười, mắt bà mở hé ra như thầm cám ơn tôi. Giữa lúc đó
Thuấn và vợ chồng Minh Thư đi vào. Bà Đạm cầm bàn tay Thuấn để lên bàn
tay tôi, một lúc sau mắt bà nhắm lại và hơi thở yếu dần. Y tá vội vàng
gọi bác sĩ. Tôi và Thuấn đứng cách ra xa cho y tá làm việc. Tôi lau nước
mắt cho Thuấn rồi nắm chặt tay chàng, nghẹn ngào nhìn bà Đạm từ từ lịm
đi… Hoàng Nguyên Linh