LỜI TẠ TÌNH BUỒN ĐÊM GIÁNG SINH
1. Rời khỏi tàu
điện ngầm, chàng vội rảo bước về phía công viên Luxembourg. Khoảng đường không xa
lắm nhưng vì đang nôn nóng nên chàng cảm thấy nó như dài vô tận. Ở đó, giờ
này chắc hẳn nàng đang ngồi đợi chàng ở một băng đá quen thuộc, dưới gốc một tàng
cây rộng. Thường thì công viên vào mùa đông thật vắng lặng, chẳng có ai vào.
Những
hàng cây dài thẳng tắp và trơ trụi, với ngọn cây được cắt ngang bằng nhau, tạo
cho nó một khung cảnh thật đặc biệt, khác hẳn với mọi công viên khác trên thế
giới. Nàng thường ngồi ở đó một mình vào chiều đêm Giáng Sinh, trong tà áo dài
trắng quen thuộc nàng hay mặc ngày xưa, để đợi chàng đến từ một khoảng trời
thật xa. Lần này là lần thứ mười chàng đáp máy bay từ Mỹ sang Paris để gặp nàng. Mùa lễ Giáng Sinh là
dịp duy nhất trong năm chàng có thể thu xếp được thời gian để sang thăm nàng,
vì công ty nơi chàng làm việc đóng cửa để làm công việc kiểm kê hàng hóa. Vừa
rảo bước, chàng vừa hăm hở nghĩ đến lúc được nhìn lại gương mặt thân yêu của
nàng. Suốt một năm mỏi mòn chờ đợi, chàng chỉ mong ngóng phút giây này
đây, phút giây chàng được ôm chặt nàng trong vòng tay cho thỏa nỗi nhớ nhung.
Mãi nghĩ ngợi miên man mà chàng đến nơi
lúc nào không hay. Kia rồi, trên một băng đá là vóc dáng quen thuộc của
nàng: suối tóc dài óng ả, dáng ngồi nghiêng nghiêng sầu mộng và tà áo dài
trắng trinh nguyên. Khung cảnh xung quanh vẫn không có gì thay đổi so với
những lần trước chàng đến, vẫn là cái không khí u buồn và vắng lặng của một
công viên mùa đông. Nàng ngồi đấy trông thật lẻ loi và cô quạnh, giống như dáng
nàng cô phụ ngày xưa mòn mỏi đợi chồng về từ chiến trường xa xăm. Cứ mỗi
lần nhìn cái hình ảnh ấy chàng lại không ngăn được sự xúc động dâng tràn. Vừa
xúc động, lại vừa vô cùng phấn khích vì giây phút hội ngộ gần kề. Không dằn
lòng được nữa, chàng lao nhanh về phía đó với những bước chân sáo nhún nhẩy, dự
định là sẽ làm giật mình nàng để chàng có dịp bật cười thỏa thích. Tiến
đến bịt mắt nàng từ phía sau, ngay vào cái khoảnh khắc da thịt bàn tay chàng
chạm vào da thịt vùng mi mắt nàng, chàng thấy tràn dâng trong lòng mình một cảm
giác hạnh phúc mênh mang.
Còn đang đắm chìm trong
cảm giác dịu êm, thì trái với mong đợi của chàng, một giọng nói xa lạ vang lên
làm chàng thảng thốt:
- Xin lỗi, anh có
phải là anh Quốc không ạ?
Vừa hỏi người con gái
vừa quay mặt lại để đối diện với chàng. Một nỗi thất vọng cùng cực làm chàng
cảm thấy vô cùng hụt hẫng. Ngượng ngùng và hoang mang, chàng lắp bắp trả
lời:
- Vâng... tôi... đây. Thành thật
xin lỗi chị. Mà chị là ai thế? Sao lại ngồi ở đây?
- Tôi ... tôi ... tôi là bạn của
Trang. Tôi và Trang cùng sinh hoạt ở ca đoàn nhà thờ.
Người con gái ngập ngừng
trả lời chàng như có điều do dự, khó nói. Nói xong, cô vội quay mặt đi
ngay như tránh để khỏi phải nhìn thấy chàng. Một linh cảm không hay chợt
xâm chiếm toàn bộ tâm trí, chàng hỏi dập dồn với một giọng đầy lo âu, thắc
thỏm:
- Trang đâu chị? Sao Trang
không đến? Có điều gì không hay xảy ra với Trang hay sao chị?
Người con gái chợt bật
lên khóc nức nở, tiếng khóc mới thê thiết làm sao. Mặc dù cố hết sức để
kìm nén, cũng phải cả phút sau cô ta mới có thể dằn lại được cái âm thanh làm
não nuột lòng người ấy. Quay người lại về phía chàng, với gương mặt còn
ướt nhòe nước mắt, chị ta nhét vội vào tay chàng một phong thư, rồi chạy vụt
nhanh về phía cổng ra của công viên, sau khi nói vội với chàng bằng một giọng
tắt nghẹn:
- Trang nhờ tôi
đưa tận tay anh bức thư này. Trang cũng
đã dặn tôi mặc áo dài trắng để anh dễ dàng nhận ra.
Bóp chặt bức thư trong
bàn tay, chàng chết điếng cả thân người. Cách hành xử của người con gái ấy
đã nói lên rằng: Một điều gì đó rất tệ, rất tồi tệ đã xảy ra với người mà
chàng thương yêu nhất trên đời. Chàng thấy choáng váng, đứng không nổi
nữa. Ngồi phịch xuống ghế đá như một thân cây đổ, rồi tựa đầu vào thân
cây, chàng nhắm nghiền mắt lại như muốn chối bỏ những gì vừa diễn ra. Sao
lại có thể như thế này? Đúng ra ngay vào giờ phút này, nàng phải đang ở
trong vòng tay chàng mới đúng chứ! Đầu óc mụ mị của chàng lúc này trở nên
trống rỗng, tê liệt. Trong vùng sương khói mơ hồ của khoảng không ấy, chàng
thấy hình ảnh nàng thấp thoáng như một bóng ma và những mảnh vỡ của ký ức chập
chờn ẩn hiện
...
2. Chàng và nàng
vốn quen biết và yêu nhau từ những năm cuối ở trường phổ thông. Chàng học
trên nàng hai lớp. Rồi cả hai cùng lần lượt đỗ vào trường đại học Bách
Khoa và chuyện tình của họ cứ thế êm đềm trôi đi trong những năm tháng tươi đẹp
nhất của tuổi học trò. Chàng là sinh viên giỏi nhất trường và nàng cũng
không hề kém cạnh là bao. Trong khi phong độ chàng làm say mê bao cô gái
thì nhan sắc của nàng cũng khiến bao chàng trai điên đảo, tình nguyện trồng cây
si. Họ sánh vai nhau thật đẹp đôi. Hình ảnh của họ gợi lên cái không
khí lãng mạn mơ hồ của những câu chuyện cổ tích xa xưa, trong đó có những chàng
hoàng tử đẹp trai mà số phận đặt để chỉ dành riêng cho những nàng công chúa lá
ngọc cành vàng.
Tuy hình ảnh đôi lứa của
họ thêu hoa dệt mộng như vậy, nhưng trong thực tế, cả hai đều ... nghèo.
Không đến nỗi quá nghèo nàn, nhưng so với cái xã hội mà nhiều người đang trở
nên giàu có một cách chóng mặt, gia đình chàng và nàng phải chật vật lắm mới lo
được cho cả hai học đại học. Ý thức được điều đó, cả hai dồn hết tâm trí
vào chuyện học hành và nguyện cùng nhau là sẽ chờ đợi cho đến khi nào cả hai
cùng hoàn thành học vị thạc sĩ hay tiến sĩ thì lúc đó mới tính đến chuyện kết
hôn. Mỗi lần tay trong tay, hay vai kề má tựa, họ lại cùng nhau mơ về cái
viễn ảnh họ cùng giành được học bổng để đi du học và rồi sau đó, khi cả hai đã
tốt nghiệp học vị sau đại học, họ sẽ gắn bó với nhau trong suốt quãng đời còn
lại.
Mộng bao giờ cũng đẹp và
mộng của chàng và nàng càng đẹp hơn ai hết khi nó được kết dệt nên bởi hai trái
tim yêu nhau nồng nàn và say đắm từ những ngày còn thơ dại. Ngày chàng tốt
nghiệp đại học và nhận được học bổng du học, họ như rơi vào một cơn mơ ngay
giữa ban ngày vì ước mơ của họ đã đi được nửa quãng đường. Đêm chia tay
trước khi chàng lên đường sang Mỹ du học, họ đã cùng nhau thức trắng đêm để tâm
tình. Đêm dẫu dài nhưng dường như lại không đủ dài cho những lời yêu
thương và nhắn nhủ cứ không ngừng tuôn trào khỏi bờ môi của họ như dòng suối
chảy ngọt ngào:
- Em biết là anh
chưa hề yêu ai khác ngoài em, phải không em?
- Dạ, em
biết. Em cũng chưa hề yêu ai khác ngoài anh và cũng sẽ không bao
giờ. Dẫu cho mai này có điều gì xảy ra thì em cũng sẽ chỉ yêu có mình anh
thôi.
- Có điều gì
xảy ra có thể làm ngăn cách chúng mình chứ hở em? Mà dẫu cho có điều gì
xảy ra đi nữa, dẫu cho em có ở nơi góc bể chân trời nào đi nữa, anh cũng sẽ
quyết tìm kiếm em cho đến hết cuộc đời này.
- Nhớ nghe
anh. Nếu không còn anh trong đời em nữa, em sẽ không còn thiết sống nữa
đâu. Mai này, dẫu ở bất kỳ nơi đâu, chỉ cần anh gọi thôi, em sẽ đến, nhất
định là em sẽ đến, anh à!
...
3. "Nhất định là em sẽ đến, phải
không em?" Những thanh âm ú ớ vừa bật ra khỏi miệng chàng cũng
là lúc chàng chợt tỉnh dậy. Chàng không nhớ là mình đã tựa vào gốc cây mà
thiếp đi như vậy trong bao lâu. Bóng tối đã buông xuống từ lâu và công
viên đã chìm trong màn đêm chập choạng. Nhét bức thư vào túi trong của
chiếc áo khoác dài chàng đang mặc trên người, chàng chậm rãi lê bước ra khỏi
công viên và đi về phía một nhà hàng ở khu phố gần đó, nơi chàng đã đặt hẹn
trước cho bữa ăn tối của chàng và nàng. Giờ này còn sớm mà phố xá vắng
quá. Phố xá thường rất vắng vào những đêm Giáng Sinh như thế này. Có
lẽ mọi người đang mãi bận rộn cho những buổi họp mặt tại nhà hay đang chuẩn bị
để đến nhà thờ đón chào giây phút Chúa ra đời vào lúc nửa đêm. Đêm Giáng
Sinh nào ở Paris
cũng lạnh, chàng cũng đã quen với điều đó. Nhưng sao đêm Giáng Sinh này
chàng có cảm giác như trời đất trở lạnh hơn nhiều lắm. Có một nỗi băng giá
nào đó vừa len lỏi vào trong tận đáy tâm can của chàng và ở lại đó, chẳng chịu
đi ra.
Anh bồi bàn người Pháp ở
nhà hàng đón tiếp chàng ở cửa với một thái độ khá ân cần. Anh đã quá quen
mặt với vị khách hàng đặc biệt chỉ đến duy nhất một lần vào đêm Giáng Sinh
trong suốt nhiều năm qua, và lần nào cũng vậy, đến với cùng một người phụ nữ
đẹp có đôi mắt rất buồn và một vóc dáng hao gầy. Lần này, anh hơi ngạc
nhiên khi thấy chàng chỉ đến một mình với một bộ dạng khá thiểu não. Chắc
hẳn đã có điều gì xảy ra! Hay là người đàn bà đến trễ? Anh nghĩ thầm
như vậy trong khi lặng lẽ đợi chàng ngồi vào bàn và nhỏ nhẹ hỏi chàng bằng một
thứ tiếng Anh rặt giọng Pháp:
- Do you still want to have a dinner
for two, sir? (Ngài vẫn muốn một bữa ăn tối cho hai người, phải
không thưa ngài?)
- Yes, a
dinner for two, please! (Vâng, xin vui lòng dọn một bữa ăn tối cho hai
người.)
Chàng lên tiếng trả lời
với một giọng thật trầm. Sau khi anh bồi bàn quay đi, đưa mắt thẩn thờ
nhìn vào khoảng không trước mặt nơi chiếc ghế đối diện, chàng bỗng giật mình,
không tin nổi vào mắt mình nữa, khi thấy nàng đã ngồi đấy tự bao giờ.
Chàng thét lên mừng rỡ - tiếng thét làm các khách ăn chung quanh đều quay đầu
lại nhìn về hướng chàng:
- Em... em đến rồi đó ư! Thế mà
anh cứ tưởng là có chuyện gì xảy ra làm em không thể đến được với anh đêm
nay.
Người phụ nữ, trong tà
áo dài trắng với một chiếc khăn quàng cũng màu trắng quấn quanh cổ, mỉm cười
nhẹ nhàng và rồi, trả lời chàng với một hơi giọng nhẹ như gió:
- Thực ra, cũng có
chút chuyện anh à! Nhưng anh có còn nhớ là em đã từng nói với anh, dẫu có
điều gì xảy ra, chỉ cần anh gọi thôi là em sẽ bỏ mặc tất cả để đến với anh
mà.
Chàng gật đầu liên tục
và nói hấp tấp:
- Anh nhớ. Anh nhớ chứ
em. Làm sao mà anh quên được! Anh biết là trước sau gì em cũng đến với
anh mà. Dẫu có chuyện gì xảy ra em cũng đâu nỡ lòng nào bỏ anh bơ vơ một mình
giữa đêm Giáng Sinh lạnh lẽo như thế này, phải không em?
Gương mặt người phụ nữ
bỗng có phần nhòa nhạt đi giữa không gian mờ ảo được thắp sáng bằng ngọn
nến duy nhất trên mỗi bàn ăn. Giọng trả lời của nàng vốn đã nhẹ càng trở
nên nhẹ hơn:
- Thì anh đã thấy đó, đã chín mùa
Giáng Sinh rồi đó, có bao giờ em trễ hẹn với anh đâu. Hôm nay, em chỉ đến trễ
một chút thôi mà. Em cứ tưởng rằng em
không thể đến được, nhưng cuối cùng em cũng đã đến.
Giọng chàng vẫn chưa
nguôi bớt nỗi mừng vui:
- Anh cám ơn em thật nhiều.
Không có em anh biết sống ra sao và làm gì giữa thành phố Paris
này đêm nay đây. Ăn xong, mình sẽ đi dạo phố ngắm đèn Giáng Sinh trên đại
lộ Champs-Élysées, rồi sau đó đến nhà thờ Đức Bà như thường lệ, phải không em?
Bóng người phụ nữ càng
nhạt nhòa hơn, chỉ còn lại một lời thì thào thoảng nhẹ:
- Vâng, anh ạ. Rồi chúng mình
sẽ ngồi cùng nhau ở một góc giáo đường mà cầu nguyện cho chúng mình sớm được
gần nhau.
Giọng chàng phát ra lúc
này như đang đắm chìm trong một cơn mơ:
- Vâng. Anh sẽ cầu nguyện thật
nhiều để em sớm về lại với anh
4. Chàng
không định trở về Việt Nam
vào thời điểm này khi mà chàng chỉ mới hoàn thành phân nửa chương trình du học,
chàng muốn tiết kiệm những đồng tiền hiếm hoi mà chàng có được. Nhưng
chàng không thể chờ đợi lâu hơn được nữa. Sau một năm liên lạc thư từ
bình thường, đột nhiên chàng không còn nhận được bất cứ tin tức nào từ nàng
nữa. Linh cảm có điều chẳng lành, nhân dịp kỳ nghỉ giữa các khóa học vừa
đến, chàng vội mua vé máy bay để về thăm nhà. Chỉ ghé ngang nhà để cất
hành lý, chàng tức tốc tìm đến nhà nàng. Ngôi nhà không có ai, im ắng một
cách đáng sợ. Bước thẳng ra nhà sau, chàng bắt gặp mẹ nàng đang lúi cúi
bên bếp lửa. Chàng lập tức cất giọng sốt ruột hỏi bà:
- Dạ thưa
bác, Trang có nhà không ạ?
Người đàn bà tuổi trung
niên với ánh mắt thật buồn và nhiều nếp hằn nơi khóe mắt, ngước mặt lên, ngạc
nhiên và mừng rỡ:
- Ủa, Quốc đó hả
con? Con về hồi nào vậy con?
Chàng trả lời, nói một
hơi với vẻ sốt ruột không che giấu được:
- Dạ con mới vừa
về tới thôi ạ. Vừa ghé nhà để cất va-li xong, con vội qua thăm hai bác và
Trang liền đây. Con nóng lòng quá, không biết có chuyện gì mà cả năm qua
con không nhận được tin tức gì của Trang cả.
Nghe chàng nói, bà lấy
khăn giụi mắt rồi chậm rãi nói với chàng bằng một giọng gần như khóc, đôi mắt
bà đỏ hoe:
- Cũng ... có ...
chuyện .. con à!
Giọng chàng ngỡ ngàng:
- Chuyện gì vậy
bác? Mà sao bác lại khóc?
Ngập ngừng trong giấy
lát, bà trả lời với giọng nức nở:
- Bác trai ...
chết rồi con à. Còn con Trang thì ... lấy chồng và qua Pháp rồi, con ơi.
Chàng tưởng chừng như
vừa có một tiếng sét nổ ngay bên tai. Há hốc mồm, chàng buột miệng hỏi
bà, giọng run rẩy:
- Bác trai sao lại chết? Còn
Trang ... sao ... lại ... lấy chồng, hở bác?
Sau một lúc cố lấy lại
bình tĩnh, bà chậm rãi kể:
- Chuyện là vầy,
con ạ. Năm ngoái, bác trai bệnh nặng quá mà nhà lại không có đủ tiền để chữa
trị cho ổng. Thằng Vỹ vốn là bạn học hồi nhỏ của con Trang, là Việt Kiều ở Pháp
về. Nó lo lắng cho ổng từng chút một, chi trả hết mọi chi phí trị bệnh cho
ổng. Cám nghĩa của nó quá, nên khi thằng đó hỏi cưới con Trang, ổng không
nỡ từ chối. Con Trang đâu có chịu, nó khóc hết nước mắt. Nhưng sợ
làm ổng buồn ảnh hưởng đến sức khỏe, nên rốt cuộc nó cũng gật đầu để ba nó khỏi
phải khó xử. Nó đành hy sinh thân nó như vậy mà rồi ổng cũng có sống được
lâu đâu.
Bà đã dứt lời mà chàng
vẫn ngồi yên bất động, không có một phản ứng nào cả, tưởng chừng như chàng đã
hóa đá. Thời gian chết cứ trôi qua một cách lặng lẽ như thế khá lâu giữa hai
người. Cuối cùng, bà lên tiếng đánh tan sự im lặng nặng nề:
- Bác có địa chỉ
của nó ở Pháp đây, để bác lấy cho con.
5. Anh bồi
bàn người Pháp quay trở lại, một tay cầm chai rượu vang, còn tay kia cầm hai
cái cốc thủy tinh trông thật xinh. Nhẹ nhàng đặt chúng lên bàn, anh nhìn chàng
với thoáng ngạc nhiên, rồi cất giọng hỏi:
- Who are you
talking to, sir? (Ngài đang nói chuyện với ai thế, thưa ngài?)
Câu hỏi bất ngờ của anh
bồi bàn làm chàng giật mình tỉnh dậy. Đôi mắt thất thần của chàng chậm
rãi lướt qua khoảng không gian phía trước mặt. Không! Ở chiếc ghế trước
mặt chàng không ai ngồi cả. Đêm Giáng Sinh này nàng không ngồi đó
nữa. Không có ai ngồi đó cả. Hóa ra đó chỉ là một ảo ảnh! Ý nghĩ ấy
làm lòng chàng se sắt lại. Chàng đã vượt qua một quãng đường dài hơn tám
giờ bay với biết bao hăm hở và dự định, để rồi giờ đây ngồi cô liêu một mình
như thế này. Có một chút ngấn nước vừa trào dâng nơi khóe mắt chàng, lấp
lánh phản chiếu ánh nến được thắp trên bàn ăn. Sau khi nhấp chút rượu vang
đỏ lên trên bờ môi lạnh khô khốc, chàng chợt sực nhớ đến bức thư đã nhét vội
vào trong túi áo. Chậm rãi đưa tay vào túi để lấy nó ra, chàng nhẹ nhàng
mở phong thư đã trở nên nhàu nát, có cảm giác như mình đang vừa chạm vào cửa
miệng của một niềm đau. Dưới ánh nến leo loét chập chờn, những dòng chữ
thân quen hiện ra trước mắt chàng co ro, run rẩy như đang giá buốt vì ngọn gió
đông:
Anh yêu của em!
Một lần nữa em lại phụ
anh rồi. Thế là, em đã hai lần phụ rẫy tình anh. Em đáng tội chết
quá, phải không anh? Hãy tha thứ cho em, nghe anh. Em ngàn lần xin anh đấy. Người
sắp chết chắc cũng có quyền vòi vĩnh chút ít cuối đời mà, phải vậy không anh?
Đã mười năm trời trôi
qua, kể từ sau ngày anh qua Pháp tìm gặp lại em. Cũng đã gần chục lần em
hứa với anh rằng rồi em sẽ ly dị với Vỹ để trở về với anh, nhưng rồi cho đến
giờ này em vẫn chưa bao giờ thực hiện được lời hứa đó. Em tệ quá! Thế mà, anh vẫn âm thầm và lặng lẽ chờ đợi
em. Anh đau đớn mỗi lần em nói với anh là em chưa thể ly dị được với Vỹ,
nhưng anh chưa một lần hỏi em tại sao, cũng chưa một lần thúc giục em phải làm điều
đó.
Cứ mỗi mùa Giáng Sinh,
anh lại đáp máy bay từ Mỹ sang Paris chỉ để gặp lại em, để ôn lại tình sử của
chúng mình. Rồi anh lại lặng lẽ quay về để làm việc và chờ đợi cho đến mùa
Giáng Sinh năm sau. Cứ mỗi lần tiễn đưa anh ra phi trường, nhìn dáng anh
hao gầy khuất dần sau cánh cổng, lòng em
đau như cắt. Đã bao lần em suýt buột miệng kể anh nghe sự thật, nhưng rồi
lại cố kìm mình lại và tiếp tục câm nín. Em không muốn anh lo lắng quá
nhiều cho em. Em muốn anh nghĩ rằng ít ra em cũng đang có một đời sống tốt
đẹp.
Quốc ơi! Em yêu
anh. Em đã yêu, đang yêu và sẽ yêu anh hết một kiếp này. Em đã và sẽ
chẳng thể yêu ai khác ngoài anh trong cuộc đời này. Em chưa một lần quên
những gì chúng ta đã hẹn ước cùng nhau vào đêm tiễn biệt anh sang Mỹ du
học. Nhưng định mệnh dường như đã quá khắc nghiệt với em. Định mệnh
bắt em làm kẻ tình phụ, bỏ lại mình anh bên dòng sông dĩ vãng mà sang ngang, mà
tìm đến một bến bờ khác lạ xa. Ngày vu qui, Quốc ơi, nước mắt em chảy
theo từng bước chân em đi. Nước mắt em đã rơi trong suốt chuyến bay dài từ
Việt Nam sang Pháp, chuyến bay đưa em về một phương trời xứ lạ không có anh.
Có một sự thật em cần
cho anh biết bây giờ là lý do em đã không thể ly dị với Vỹ là vì ngay sau khi
em vào được quốc tịch Pháp và dự định sẽ ly dị với Vỹ thì cũng chính là lúc Vỹ
bị một tai nạn giao thông nghiêm trọng và trở nên bán thân bất toại. Quốc
ơi, em không thể bỏ Vỹ trong hoàn cảnh đó. Em đã là một người tình bội bạc
với anh. Em không thể là một người vợ bất nghĩa với Vỹ. Dẫu rằng em
chưa hề yêu Vỹ và Vỹ cũng biết và chấp nhận điều đó, nhưng em thực lòng không
thể bỏ Vỹ trong một hoàn cảnh như thế.
Vỹ đã không thể đi đứng
và làm được việc gì cả trong suốt tám năm qua. Tám năm qua em lúc nào cũng
phải cận kề để lo lắng và chăm sóc cho Vỹ. Em thậm chí không thể đi làm vì
Vỹ lúc nào cũng cần em. Em phải nhận việc về nhà làm và lương thu nhập
cũng không được bao nhiêu. Tám năm qua em thực sự sống trong khó khăn
chồng chất. Việc chăm sóc Vỹ ngày đêm cùng với công việc làm cực nhọc đã
ngốn hết mọi sức lực của em. Cứ mỗi lần gặp, anh lại ứa nước mắt khi nhìn
thấy em tiều tụy quá. Em thấy thương anh lắm, Quốc ơi! Nhưng hãy
hiểu và thông cảm cho em. Với anh, em đã là một người tình bội bạc, thì
thôi, còn chút lòng tự trọng, anh cho phép em gìn giữ nó, nghe anh. Em
biết là nếu em nói ra sự thật với anh thì thế nào anh cũng buộc em phải nhận sự
cấp dưỡng của anh. Em không thể nhận được, Quốc ơi! Em thực lòng
không thể.
Cách đây sáu tháng, Vỹ
đã trút hơi thở cuối cùng trên tay em sau những tháng ngày sống đời gần như
thực vật. Đó cũng chính là lúc căn bệnh lao phổi vì quá lao lực của em đi
vào giai đoạn cuối. Em thực sự đã cố gắng. Em cố gắng sống cho đến
hết mùa Giáng Sinh này để gặp anh một lần cuối, để nói với anh lời tạ tình sau
cuối, tha thiết nhất của lòng em. Nhưng định mệnh một lần nữa lại quá
nghiệt ngã đối với em. Chỉ còn một vài ngày nữa thôi mà cũng không cho em
được toại nguyện mộng ước cuối đời.
Thôi nhé anh! Có
thương em, hãy nhận nơi đây lời tạ tình của em nhé anh - lời tạ tình buồn cho
một cuộc tình nhiều ngang trái, vào đêm Giáng Sinh cuối của đời em.
Mãi yêu anh,
Trang
6. Ngọn nến đã tàn
tự bao giờ mà chàng cũng chẳng hề hay biết. Anh bồi bàn đã đến để thay một
ngọn nến khác. Anh ta làm điều đó một cách rón rén và khẽ khàng như sợ làm
kinh động chàng. Có lẽ cái vẻ mặt khác thường của chàng, cùng với việc các
đĩa thức ăn vẫn còn vẹn nguyên và trở nên nguội lạnh, đã phần nào giúp anh ta
hiểu là chàng đang trải qua một điều gì đó ghê gớm lắm, một điều gì đó có liên
quan đến người phụ nữ vắng mặt hôm nay và nhất thiết là có liên quan đến bức
thư vừa bị một ngọn gió đông thổi bay xuống sàn nhà. Lại rón rén và khẽ
khàng, anh ta đến nhặt nó lên và đặt nó trở lên trên bàn trước mặt chàng. Nhưng
dường như chàng chẳng hề chú ý đến điều đó. Dường như đối với chàng hiện
giờ, anh ta không còn hiện hữu nữa, chẳng còn gì hiện hữu nữa.
Đặt tiền thanh toán trên
bàn với một thái độ hờ hững nhất mà một con người có thể có được, chàng bước
vội ra khỏi nhà hàng, đi vào trong màn đêm lạnh. Đêm đã về khuya và trời
bắt đầu đổ tuyết. Đây là lần đầu tiên, trong mười năm chàng sang Paris này, trời lại đổ
tuyết vào đêm Giáng Sinh. Đường phố vắng hơn mọi năm nhiều có lẽ vì trời
lạnh quá. Chung quanh có ít nhiều xe hơi, nhưng người đi bộ như chàng thì
hầu như không có. Có lẽ không có ai lại có một lý do gì đó để lội bộ giữa
các con đường phố thơ mộng của Paris vào một đêm lạnh lẽo và tuyết đang đổ như
thế này. Hay là quay trở về khách sạn? Ý nghĩ ấy vừa chợt thoáng qua đầu,
chàng đã vội gạt phăng ngay. Không! Chàng không thể. Nếu giam
mình trong khoảng không gian bức bối của bốn bức tường khách sạn trong trạng
thái như thế này chắc chàng điên mất, chàng không thể nào chịu đựng nổi
đâu.
Đi. Chàng phải
đi. Đi đâu cũng được, miễn là phải đi. Đi để trốn chạy tiếng thét gào
đau đớn đang trỗi dậy trong lòng chàng. Đi để giá băng ngoài trời làm đông
cứng lại nỗi cô đơn đang giãy dụa trong lòng chàng, làm chàng nhức nhối. Đi
để bão tuyết đang rơi phủ lấp bớt đi nỗi nhớ đang cồn cào trong lòng
chàng - nỗi nhớ như một con bạch tuộc mà mỗi vòi của nó khi uốn cong, xiết chặt
trái tim chàng với một cơn đau khôn tả.
Chàng cứ mải miết đi như
th̉ế, cúi mặt lầm lũi qua những phố buồn của Paris. Bao khoảnh khắc trôi qua rồi,
chàng cũng không còn nhớ nữa. Chàng không còn ý niệm về không gian và thời
gian. Tuyết ngày càng đổ xuống nhiều hơn... Chợt đâu đây có tiếng
chuông nhà thờ đổ. Hóa ra, thói quen đã đưa chàng đến nhà thờ Đức Bà ở khu
vực Notre Dame. Đám đông hiện ra trước mặt chàng huyên náo quá làm chàng như
bừng tỉnh lại. Ánh sáng chói lòa tỏa ra từ những ngọn đèn cao áp, xung
quanh ngôi nhà thờ lớn sừng sững, đập mạnh vào thị giác chàng làm chàng cảm
thấy dường như mình vừa trải qua một cơn mê.
Chàng vuốt mặt thật mạnh
như muốn rũ bỏ ký ức kinh hoàng trong những phút giây vừa
qua. Không! Đã không có gì xảy ra cả. Vì một lý do nào đó nàng
chỉ đến muộn thôi. Chàng sẽ bước vào ngôi nhà thờ chánh tòa và ở đó, chàng
sẽ lại được nhìn thấy nàng đang quì gối cầu nguyện ở một góc giáo đường và đang
chờ đợi chàng.
Tiếng chuông nhà thờ báo
hiệu thời khắc Chúa giáng sinh đang điểm.
22/12/2012
Jeffrey Thai
ALL THROUGH THE NIGHT
Truyện Mùa Giáng Sinh của Mary Higgins Clark
Mary Higgins Clark, tác giả của những truyện nghẹt thở ăn khách hiện
nay, có vẻ là một mẫu người sùng đạo. Sự kiện hai trong mười tám tiểu
thuyết của bà - Silent Night và All Through The Night - được dàn dựng
trong khung cảnh an bình, thánh thiện của mùa Giáng Sinh đã cho người
đọc nhận xét đó. Xin sơ lược một cuốn truyện nêu trên nhân mùa Giáng
Sinh như một quà đọc cho mọi người.
All Through The Night, tựa đề của một nhạc khúc Giáng Sinh, đã được dùng làm tên cuốn sách.
Ngay chương đầu cuốn truyện người đọc đã nín thở theo dõi sự việc đang diễn ra...
***
Còn hai mươi hai ngày nữa mới đến lễ Giáng Sinh. Đêm đã xuống từ
lâu. Bên trong một nhà tho ở khu Manhattan, thuộc đô thị Nữu Ước, linh
mục Ferris đang xem xét mọi nơi, khóa cửa nẻo cẩn thận, tắt đèn, trước
khi lui về phòng riêng kế cận nhà thờ nghỉ đêm. Im phăng phắc. Tên trộm
Lenny nép mình sau chỗ xưng tội, chờ vị linh mục đi qua trên đường tiến
ra cửa sau nhà thờ. Có tiếng cửa đóng mạnh. Hắn thở phào. Còn lại một
mình, hắn ra tay.
Bên ngoài nhà thờ, Sondra, một cô gái mười tám
tuổi đứng bên kia đường, trước cửa một tòa nhà đang sửa chữa, nhìn sang
nhà thờ. Cô ta phải yên chí là linh mục Ferris đã rời nhà thờ về tư thất
của ông mới đem đứa bé đặt trên bực thềm nhà thờ. Vừa lâm bồn trước đó
mấy tiếng đồng hồ trong một phòng khách sạn rẻ tiền, cô cảm thấy yếu,
phải tựa vào khung cửa cho vững.
Cha Ferris từ trong nhà thờ bước ra, đi thẳng đến căn nhà kế cận.
Sondra biết đã đến lúc thi hành công việc. Cô đã sắm sửa áo quần, tả
lót, bình sữa, chăn mền, một chiếc xe đẩy, một bao bằng giấy. Mở nút áo
choàng, nhẹ nhàng bồng đứa bé đặt trong bao giấy, với tay xách chiếc xe
đẩy đã xếp lại, cô mang tất cả sang bên kia đường trong lúc không có một
ai qua lại trên đường để trông thấy cô. Cô chạy ngược lên ba bực thềm,
mở chiếc xe đẩy, gài thắng, đặt đứa bé vào xe, đặt mớ đồ “phụ tùng” dưới
chân đứa bé, cài tờ giấy cô viết sẵn, trong đó cô xin ai đó hãy tìm
giúp cho đứa bé một gia đình từ tâm, còn cô không thể nuôi nó được dù
lúc nào cũng yêu thương con. Sondra quì xuống nhìn đứa bé một hồi lâu,
thì thầm, “mẹ yêu con, tạm biệt” rồi đứng dậy chạy xuống mấy bực thềm,
ra đường phố. Cô sẽ gọi linh mục Ferris từ một điện thoại công cọng ở
ngã tư kế cận.
Trong khi đó, bên trong nhà thờ tên trộm Lenny vơ
vét tiền con chiên họ đạo quyên góp, và đập vỡ tủ đựng chiếc cúp có nạm
kim cương, một báu vật của nhà thờ. Xong, hắn vội vã thoát ra trước khi
hệ thống báo động của nhà thờ hoạt động. Nhưng xe cảnh sát hụ còi inh ỏi
đang tiến đến. Thoáng trông thấy chiếc xe đẩy con nít để ở bực thềm,
hắn liền bê xuống đường và ngang nhiên đẩy đi, làm ra vẻ một người đàn
ông lương thiện, có con cái đề huề. Vô gia cư, vô nghề nghiệp, buôn bán
ma túy, và làm mọi việc phi pháp nào có thể kiếm tiền được, hắn đang trú
tạm nhà người cô ruột. Và hắn ung dung đẩy chiếc xe giữ trẻ về nơi ấy.
Về tới nhà cô của hắn được an toàn, Lenny chưa kịp mừng thì bỗng sững
sốt khi nghe tiếng khóc oe oe rồi cái bao giấy cử động: một bé sơ sinh.
Hắn gỡ mảnh giấy ghim trên chăn, bắt đầu đọc. Xin làm ơn tìm cho bé gái
của tôi một gia đình từ tâm. Tổ tiên bố của cháu là người Ý; ông bà tôi
gốc Ái Nhĩ Lan. Cả hai bên gia đình theo tôi biết không hề có bệnh di
truyền, vì thế cháu sẽ lớn lên khỏe mạnh. Tôi yêu con, nhưng không thể
chăm sóc cháu được. Nếu một mai cháu có hỏi về mẹ nó, xin cho cháu đọc
mấy giòng này. Hãy nói cho cháu biết rằng những giờ phút hạnh phúc nhất
trong đời tôi mãi mãi là những lúc tôi ôm nó trên tay sau khi sinh cháu.
Những lúc đó chỉ còn có hai mẹ con trên đời này.
Bà Lilly, người cô hắn, đang quyết tâm tống khứ thằng cháu ăn hại ra
khỏi nhà, cũng sửng sốt, cúi nhìn trong chiếc xe đẩy. “Mày tính sao bây
giờ? Mày lượm đứa bé này ở đâu thế?” Lenny nghĩ nhanh, hắn không muốn
rời căn chung cư này, một vỏ bọc an toàn cho hắn. Hắn nghĩ ra một câu
chuyện.
“Nó là con của cháu đấy, cô Lilly ạ. Mẹ nó là người con
gái cháu yêu, nhưng cô ấy sắp dọn đi California, muốn đem cho đứa bé cho
người ta nuôi. Cháu muốn giữ bé lại”.
Bà Lilly mở các món quấn quanh đứa bé sơ sinh, ẵm nó lên và nét mặt bà bỗng thay đổi. Bà hỏi Lenny:
“Tên nó là gì?”
Lenny nghĩ đến hột kim cương hình ngôi sao trên báu vật của nhà thờ, vụt miệng nói:
“Thưa cô, cháu tên là Star.”
“Star,” bà Lilly Maldonado lẩm nhẩm, “trong tiếng Ý cháu sẽ được gọi Stellina, có nghĩa là vì sao nhỏ.”
Lim dim đôi mắt, Lenny nhìn sự khắng khít vừa nẩy sinh giữa một trẻ sơ
sinh và một bà già. Hắn tự nhủ không ai biết hắn bắt cóc đứa bé, và cùng
lắm, nếu có gì lôi thôi về đứa bé, thì hắn đã có mảnh giấy nầy để chứng
minh hắn chẳng ăn cắp của ai.
Trời trở lạnh hơn. Từ một điện
thoại công cộng ở ngã tư kế cận, Sondra gọi Linh mục Ferris. Bên kia đầu
dây, một giọng đàn ông xưng danh là cha Dailey, và cho biết cha Ferris
đang bận tiếp chuyện với cảnh sát bên ngoài tòa nhà, vì có chuyện khẩn
cấp.
Sondra lặng lẽ gác điện thoại. Cô yên chí là người ta đã tìm
thấy con mình. Đứa bé được an toàn. Cha Ferris sẽ tìm cho nó một mái
nhà tốt.
Một giờ đồng hồ sau Sondra đã ngồi trên xe buýt xuôi về
Birmingham, tiểu bang Alabama. Cô đang theo học ở phân khoa âm nhạc của
đại học tại đó, và chuyên về vĩ cầm. Tài năng đặc biệt của cô đang hứa
hẹn một chỗ đứng vinh quang trên sân khấu trình diễn tương lai.
Chương đầu cuốn sách, hay màn đầu của câu chuyện, đã hé mở cho người đọc
một chuỗi sự việc mà nhiều năm sau mới phơi bày ra ánh sáng những
nguyên ủy, gốc rễ, mối mớ của chúng.
*
Bảy năm trôi qua.
Chu kỳ thời tiết đang bước vào độ giá lạnh của những ngày đầu tháng
chạp. Giáng Sinh lại sắp về. Sondra Lewis trở lại New York lần này với
vinh quang đang cho đón nàng. Cô sẽ biểu diễn vĩ cầm ở Carnegie Hall,
sân khấu ước mơ của tất cả nghệ sĩ mầm non. Cô không tin nổi có ngày
điều đó lại xảy ra. Vậy mà Sondra không thay háo hức, sung sướng, chỉ
thấy lòng nặng trĩu, đầy bất an, tuyệt vọng. Cô đã gọi điện thoại đến
nhà thờ St. Clement’s giả làm một phóng viên dò hỏi về sự kiện một đứa
bé sơ sinh bị bỏ trên bực thềm vào đêm mồng ba tháng chạp bảy năm trước,
để bàng hoàng, chết điếng khi nghe một giọng nói đầy vẻ ngạc nhiên,
sửng sốt đáp lại rằng chẳng bao giờ có một sự việc như thế từ hai mươi
năm nay chứ chẳng riêng bảy năm trở lại đây đâu! Ôi, ai đã nuôi con
nàng, hay đứa bé đã chết ngay vì lạnh, sau khi nàng bỏ đi.
Nước
mắt tự dưng cứ trào ra, Sondra không làm sao cầm giữ lại được. Hai ngày
rồi, Sondra cứ lảng vảng trước nhà thờ, bên kia đường, và sáng nay đã
vào dự lễ sớm trong nhà thờ. Xong lễ Sondra bước nhanh ra khỏi nhà thờ,
không cho cha Ferris có dịp hỏi, vì vị linh mục cũng nhận thấy vẻ khác
thường nơi người phụ nữ trẻ.
Nàng cầu nguyện để được gặp lại con.
Lúc lên mười hai tuổi Sondra đã được ông nội - vừa là dưỡng phụ, vừa là
thầy vĩ cầm của mình - dẫn đến đây một lần. Ông nội cho biết St.
Clement’s linh nghiệm lắm; ông nội đã cầu được bao nhiêu điều trong đời
mình, kể cả được khỏi hẳn chứng thấp khớp ngón tay, một sự nghiệt ngã
cho một nghệ sĩ vĩ cầm như ông.
Stellina, đứa bé sơ sinh bị bỏ
trên bực thềm nhà thờ St. Clement trong một đêm tháng chạp giá lạnh năm
xưa, nay đã lên bảy. Nó lớn lên trong sự nuôi nấng đùm bọc của Nội
Maldonado, và trong sự hờ hững, vô trách nhiệm của người bố Lenny. Cô bé
đẹp như thiên thần. Mỗi ngày, sau buổi học, Stellina cùng một số trẻ em
cùng lứa trong khu phố đến vui chơi, sinh hoạt tại một nhà giữ trẻ miễn
phí do các bà phước đảm trách, cho đến sau giờ làm việc phụ huynh đến
đón con em mình về.
Willy và vợ, Alvirah, đôi vợ chồng đã nghỉ
hưu, rất tích cực trong các hoạt động hỗ trợ nhà giữ trẻ này - Willy với
tay nghề thợ ống nước, và Alvirah với óc sáng kiến, cùng một trực giác
thám tử sắc bén. Chính trực giác này đã giúp khám phá và bẻ gãy âm mưu
chiếm đoạt một bất động sản bằng di chúc giả mạo, tức cứu được tòa nhà
sẽ làm trụ sở tương lai của nhà giữ trẻ nói trên.
Sự lai vãng
trước nhà thờ St. Clement’s của Sondra Lewis không thoát khỏi cặp mắt
tinh tường của Alvirah. Rồi chân dung của nàng xuất hiện khắp đô thị New
York trong các bích chương quảng cáo cho cuộc trình diễn vĩ cầm sắp tới
tại trung tâm nghệ thuật Carnegie Hall càng thách thức óc điều tra của
người đàn bà trên sáu mươi này. Chờ cho Sondra đến, đứng bên kia đường
nhìn chăm chú sang nhà thờ, Alvirah nhẹ nhàng bước từ sau lưng đến vỗ
nhẹ vai ngưoi thiếu nữ và dịu dàng mở lời muốn giúp đỡ... Cả hai đón
taxi về nhà của Alvirah. Sondra thổ lộ mọi chuyện.
Ra về, ngang
qua phòng khách, bên cạnh chiếc dương cầm với cuốn sách nhạc mở ở trang
của nhạc khúc All Through The Night, Sondra dừng lại, dùng một tay nhấn
trên phím chơi bản nhạc. Nàng chơi lại bài nhạc một lần nữa và khẽ hát
theo:
Ngủ đi con
Và cầu xin
Mọi an bình
Cho con suốt đêm.
Chúa sẽ phái thiên thần
Xuống gìn giữ con
Suốt đêm.
Ngừng hát, giọng nàng thốt lên như òa vỡ, “Em mong con em đã tìm được
một thiên thần đêm đó.” Alvirah hứa hẹn, “Tôi sẽ gọi cho em hay mọi
chuyện.”
Buổi trình diễn mùa Giáng Sinh do các trẻ em tại nhà giữ
trẻ xem rất ngoạn mục, một thành công sau bao nhiêu tuần luyện tập và
chỉ dạy. Stellina đã thuyết phục được Nội Lilly aldonado cho mang chiếc
cúp bằng bạc đến dùng trong buổi trình diễn, chiếc cúp mà tên trộm Lenny
đã lấy của nhà thờ St Clement’s, và nói dối là của mẹ của Stellina giao
lại cho hắn ta. Hắn ta còn nói đó là báu vật của một đức giám mục, bác
của ngưoi yêu. Bà Maldonado đã tin đó là một vật linh nghiệm, và bà
thường bảo Stellina như thế. Cô bé vẫn hay ôm chiếc cúp ban đêm nằm ngủ,
và mỗi lần như vậy Stellina cảm thay ấm áp, bớt đi cảm giác cô đơn,
dường như được gần mẹ mình. Và cô bé cũng thường ôm chiếc cúp cầu nguyện
mẹ mình sớm trở về. Alvirah bỗng chú ý đến hai điều khác thường: chiếc
cúp bạc, và cô bé Stellina với khuôn mặt sao giống Sondra thế! Bà ta đã
nghi đó chính là món báu vật mất cắp của nhà thờ, cùng với với đứa hài
nhi bị mất tích. Alvirah đem mấy tấm ảnh chụp chiếc cúp và cô bé
Stellina cho linh mục Ferris xem. Ông ấy xác nhận báu vật bị đánh cắp
giống hệt như vật trong hình. Bà Alvirah mơ hồ thấy có ánh sáng ở cuối
đường hầm rồi!
Trong khi đó, bà Lilly Maldonado lên cơn đau tim,
phải vào bệnh viện cấp cứu. Bé Stellina ở nhà một mình, chờ bố về. Lenny
là mục tiêu theo dõi của cảnh sát từ bao lâu nay, và hôm nay cảnh sát
đã đủ yếu tố để ra tay tóm cổ hung thủ. Hắn ta vội vã chạy về nhà vơ vét
tiền bạc cùng giấy tờ, tài liệu phi pháp cất dấu trong phòng ngủ để tẩu
tán. Với lại hắn thấy cần bắt Stellina theo, vì nghĩ đứa bé có triển
vọng là ngôi sao hộ mệnh của hắn. Hắn ra lệnh cô bé chạy theo hắn lập
tức, không được mang theo món gì cả, ngoại trừ chiếc cúp bạc mà hắn muốn
phi tang, mặc cho Stellina cứ năn nỉ bố dẫn mình vào bệnh viện thăm bà
Nội. Vừa xuống tới đường, cả hai đã phải khựng lại, vì cảnh sát đã bủa
vây. Lenny dùng mạng sống của Stellina làm áp lực, và cảnh sát đành để
hắn đẩy cô bé vào xe với hắn. Nhưng trời bất dung gian, trong lúc hắn
buông tay khỏi cô bé để nổ máy xe thì Stellina mở cửa phóng mình ra khỏi
xe, ôm theo chiếc cúp bạc. Cô bé quyết tâm đi tới bệnh viện thăm Nội
cho bằng được! Cảnh sát ập đến chiếc xe của Lenny. Cô bé với nguyên bộ
đồ mặc để trình diễn vai đức Mẹ Ơn Phước, ôm chiếc cúp bạc chạy theo con
phố về phía bệnh viện St. Luke.
Lenny bị bắt. Mười phút sau,
cảnh sát, linh mục Ferris và vợ chồng Willy-Alvirah có mặt tại căn chung
cư mà cô bé Stellina đã sống bảy năm trời với người nuôi dưỡng mình.
Lục soát phòng của Lenny, cảnh sát tìm thay một mảnh giấy nhàu nát kẹp
giữa kệ để đồ và bức tượng: mảnh giấy mà người mẹ trẻ đáng thương cách
đây bảy năm đã cài trên tấm chăn của con mình. Bà Alvirah đọc nhanh may
giòng chữ nguệch ngoạc để thấy mọi sự đã được xác nhận hùng hồn, đúng
như bà đã nghi. Bà gọi điện thoại cho Sondra.
*
Đoạn kết
là khung cảnh đoàn tụ đầy mủi lòng của một câu chuyện có hậu. Bên giường
bệnh của bà nội Lilly Maldonado, bé Stellina đang nói về buổi tình
diễn, về việc giữ gìn chiếc cúp bạc như đã hứa với bà, và về lời mình
cầu xin mẹ sớm trở về. Đúng lúc cô bé cất tiếng hỏi, “Nội có nghĩ rằng
Chúa sẽ gởi mẹ về với con không?” thì Sondra vừa đến sau lưng Stellina.
Nàng quì xuống, thổn thức, và ôm cô bé vào lòng. Ngoài hành lang bệnh
viện, bà Alvirah thoáng thấy cảnh tượng trên, nhẹ nhàng khép cửa lại. Bà
nói, “Có những khoảnh khắc cần được sống trong riêng tư. Có những lúc
không cần phải hiển thị cũng biết rằng nếu ta có đức tin mạnh và bền
vững thì những mong ước của ta sẽ thành hiện thực”.
24/12/2013
Hà Kỳ Lam biên dịch