Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

Nhạc - Thơ - Văn Thoảng trong hương ổi

Đôi bờ,
Đôi bờ chia cách bởi dòng sông,
Bên chờ, bên đợi, mong nhớ mong !
 Đã không duyên nợ, tình ngăn cách,
     Gặp gỡ mà chi , lòng nặng lòng !?...

Long lanh sương thoảng hương mùi ổi,
Tha thiết mặn nồng đâu khác xưa....?
Trong anh luôn giữ hương mùa cũ,
Sưỡi ấm lòng anh đêm gió mưa...!!

Phù sa bồi đắp bên nhớ mong ,
Ta vẫn còn nhau trên bến sông....
Ngày em cất bước sang thuyền khác,
Thôi, cố đành quên khúc nhạc lòng !!

Hương ổi còn đây trong gió bay,
Vị ngọt ngày nao như chớm phai ?!
Chút tình xin gởi theo mùa cũ,
Rồi sẽ nhạt phai qua tháng ngày !!
NM

Thoảng trong hương ổi
Chiều nay, cả tôi và con Hường đều cảm nhận được sự thay đổi nhanh chóng khi thời tiết đã đi vào giai đoạn giao mùa. Con sông dài trong vắt soi bóng mấy cây dừa trước ngõ của ngày nào giờ đây lại bắt đầu đón nhận dòng nước lợn cợn đỏ ngầu cứ tuôn về xối xả.
Tiếng chập chũm giỡn nước trên mấy khúc chuối của tụi con nít vang vọng phía xa xa làm cho tôi và con Hường phải ngoái đầu chăm chú nhìn. Thằng Út với thằng Chuột, thằng Quắt con bác Tám Cân trần truồng như nhộng, để lộ ra đôi bắp chân khẳng khiu với làn da nâu săn chắc. Tụi nó thay phiên nhau leo đến giữa cây cầu khỉ rồi phóng xuống lòng sông trong vẻ hớn hở và khoan khoái, bơi thật nhanh vào bờ như con nhái bén chạy tháo thân trước anh chàng rắn nước háo mồi. Chắc là nhờ mỗi mùa khi đợt thủy triều thay đổi, khúc sông quê khoác lên mình chiếc áo phù sa giống như được pha lẫn chất rắn rỏi đậm đặc có sẵn từ thiên nhiên, làm cho tụi con nít xóm này một khi đã trầm mình vào đó thì đứa nào đứa nấy cũng đều khỏe mạnh.
Thằng Út cười híp mắt vì vớt được trái ổi chín cây bị rụng trôi ở giữa dòng mang vào đưa cho con Hường. Con Hường nhường tôi cắn trước. Tôi cầm trái ổi chín bói còn nặng trình trịch trên tay, da nó căng tròn bóng mẩy. Mấy hôm rồi, tôi đã trông thấy lũ chim chào mào kéo về bay dọc triền sông từng bầy đông nghịt, rúc rích trong những khu vườn xum xuê để tìm trái chín.
Hương ổi thơm nồng ở vườn nhà cô Năm Đành phía bờ sông bên kia còn thoảng trong gió chiều đưa qua đây, làm cho lòng tôi nao nao khó tả. “Thôi, chị để dành trái ổi này cúng má, đợi lát ba về mới được ăn nghen hai đứa, mà hình như ba cũng sắp về rồi”. Thằng Út cũng tiếc nuối nhìn hoài trái ổi thơm ngon, lỗ mũi của nó cứ phập phồng liên hồi, rồi nó nuốt trong cuống họng cái ực, bắt trớn nhảy ùm, bơi theo tụi bạn đang hò hét inh ỏi làm xao động cả mặt sông dềnh dàng con nước lớn.
Thường thì mặt trời tắt nắng ba mới về đến nhà. Đêm trước ông Tư Nhẫn có qua nhà nhờ ba tôi đắp lại giùm cái đập bị sạt lở đất, làm cho mấy công mạ vụ hè thu của ông vừa mới cấy xong đã bị nước tràn vào lênh láng. Sáng sớm tinh sương, ba lùa vội vài hột cơm nguội lót dạ rồi khoác lên người chiếc áo còn ướt, bởi ba chỉ kịp giũ sơ qua nước từ chiều hôm qua cho bớt sình bùn rồi vắt tạm ở bờ rào.
Ba xuống bến mở sợi dây lòi tói nghe rổn rảng trong hơi gió se lạnh, xô chiếc ghe tam bản ra xa bờ rồi bơi miết vào ruộng. Trước khi đi ba dặn dò chị em tôi đừng có đợi cơm chiều, vì ba còn phải dọn hết đám cỏ xước trong vườn bà Sáu ở xóm trên nên chắc khoảng chạng vạng ba mới về. Trời nhập nhoạng tối, mấy chị em xoay tròn bên ngọn đèn dầu leo lét nhìn đĩa thịt chuột chiên với tô canh rau dền nguội lạnh dần. “Ba về chưa chị Hai? Có nguyên một bầy kiến chạy trong bụng em rồi nè!”.
Thằng Út vừa xoa bụng vừa nhăn nhó cái mặt. “Ráng đợi thêm chút nữa, ba sắp về rồi. Ừ, hồi chiều chị có lùi tro một củ khoai lang bự chảng đó, cưng lấy ăn đỡ đi!”. Con Hường vỗ ngọt. Bỗng con mực hực hực mấy tiếng rồi vẫy đuôi chạy xuống bến mừng ba. Nó ngửi được mùi mồ hôi còn ướt sũng trên tấm áo vá bạc màu đã bao mùa ba chưa lần thay đổi. Mâm cơm chiều nay thật tươm tất khi ba mang về thêm một con cá lóc được nướng sẵn ở ngoài đồng, vẫn còn dậy lên mùi thơm phức.
Gương mặt ba thoáng qua nét mệt mỏi rã rời nhưng cũng cố gắng ăn hết chén cơm tôi bới đầy. Thằng Út chỉ mong cơm nước xong là nó nhanh nhẹn với tay lấy trái ổi trên bàn thờ má mang đến cho ba rồi hí hửng kể về thành quả của mình trong chiều nay. Ba lấy dao xẻ trái ổi ra làm tư, mỗi người đều có phần để cùng nhau thưởng thức hương vị của trái ổi đầu mùa.
Buổi sáng càng rộn ràng hơn với tiếng chim chào mào, trao trảo tranh nhau tha hột khi khu vườn bên kia sông bước vào mùa ổi chín. Lúc ấy cũng là lúc cô Năm Đành cắp chiếc rổ bên hông, dạo bước ra từng gốc ổi, hái những trái vừa ươm ướp chín và vẫn còn thấm đẫm hơi sương. Kịp khi nắng lên, cô sẽ bơi xuồng ra chợ bán.
Cô bơi xuồng qua sông biếu cho mấy cha con tôi chục ổi là chuyện rất thường. “Ổi vừa chín tới là tui hái liền, cơm dày thịt mềm, tui mang qua gửi anh Hai với mấy đứa nhỏ ăn lấy thảo”. Nụ cười cô long lanh như làn nắng mùa thu của năm nào còn rơi rớt lại bên thềm. Ba chìa tay ra nhận ổi rồi nói tiếng cảm ơn trong lạnh lùng mà ánh mắt rưng rưng.
Chị em tôi chỉ muốn được trả ơn bằng cách xin phép ba cho tụi tôi vào vườn để giúp cô hái ổi. Cô chỉ bảo tôi từng tên những gốc ổi trong khu vườn rộng thênh thang này, để dễ dàng phân loại hơn khi hái và bán cho người ta. Cây ổi đào có vỏ xanh mà ruột đỏ hồng, cắn một miếng là hương thơm lan tỏa ra khắp vòm họng, nuốt vào rồi mà môi còn sường sượng vì thịt trái như có cát vậy. Ổi găng thì giòn và ngọt hơn một chút, há miệng rồi cắn mà nhai ngấu nghiến vì da trái cứ rôm rốp giòn tan. Tôi chỉ mê nhất là mấy gốc ổi với từng nhánh trơn tru nhẵn thín được cô trồng ở bờ bên này, cạnh nơi con mương nhỏ có thể cung cấp đủ nước cho trái tròn căng bóng hết cỡ, thịt trái mềm và có vị ngọt thanh.
“Loại ổi này ruột trắng như mỡ và mềm mịn nên ông bà mình cũng đặt tên cho nó là ổi mỡ” - cô phân trần. “Vậy thì chắc chắn cây ổi này cô đã lấy giống từ Trung Quốc mang về rồi, vì tên của nó là ổi Tàu” - tôi trỏ tay vào gốc ổi lạ có thân cong uốn éo. "Ừ! Cô cũng không rõ vì gốc ấy đã có từ lâu rồi, cây thấp lè tè mà da trái thì thô, xù xì như da cóc. Trái ăn được cũng lớn bằng nắm tay mà da nó vẫn xanh đậm, cắn vào thớ gân xanh ấy nhai nghe sần sật, có chát thật nhưng hậu ngòn ngọt". Thằng Út với lấy nhánh ổi sà ngang mặt ao định leo lên hái cho nhanh. “Ấy chết! Hái ổi thì không được trèo cây đâu mấy đứa vì như vậy cây bị rung, qua mùa sau trái sẽ chua lắm” - cô ôn tồn giải thích.
Có nhiều lúc gần gũi, tôi bắt gặp ánh mắt trìu mến của cô Năm vẫn mãi chăm chú nhìn chị em chúng tôi khi đang say sưa ăn trái. Đôi mắt ấy thật dịu dàng và cũng đã rất nhiều lần nhưng không nhớ rõ, trong lòng tôi vẫn trầm trồ và thầm khen rằng cô rất đẹp. Mỗi khi nhìn thấy cô cười, mấy chú xóm tôi thường ví như sự chờ đợi từng ngọn gió mát lành thổi dọc triền sông có ướp chút hương ổi thoảng đưa nhè nhẹ, làm xua tan cơn mệt mỏi cho bà con cô bác quê mình trên những cánh đồng dưới ánh nắng gắt gao. Còn đối với tôi, nụ cười ấy hiền hòa và trong suốt y hệt tiếng nhai ổi giòn rụm của thằng Út, của con Hường, thấy thân thương lạ!
Những ngày mưa, nước dập dềnh ngập lên mấy gốc ổi. Từng trái chín rơi tõm xuống mặt ao như tiếng con cá lóc đớp mồi giữa đêm khuya. Tôi nằm nghe nội kể chuyện xa xưa. Thời niên thiếu, ba tôi rất siêng năng làm lụng để phụ lo cho gia đình với lũ em thơ đang trong độ tuổi ăn tuổi học.
Anh lực điền hiền lành ấy phải lòng cô gái nết na bên kia sông đối diện trước cửa nhà. Mùa ổi chín, ngày nào anh cũng ngồi bên này sông trông mong được thấy cô cắp rổ đi ra vườn hái ổi. Họ hẹn mùa lúa năm sau sẽ cùng nhau cắt cỏ be bờ, và những đêm trăng tròn vành anh sẽ bơi xuồng đưa cô đi dọc trên nhánh sông quê lấp lánh dát ánh vàng như những ngày mới yêu nhau. Nhưng rồi song thân cô đành lòng mà buông ra lời miệt thị, câu “đũa mốc mà chòi mâm son” làm cho chàng trai ấy thắt nghẹn chết ở trong lòng. Cô Năm Đành bị ép về làm vợ cho anh công tử giàu có con ông chủ lò đường, cũng xem như là môn đăng hộ đối.
Chẳng may, một lần chồng cô say xỉn nên bị tai nạn đột ngột từ giã cõi đời khi tuổi mới được hai mươi ba, để cô góa bụa trở về mảnh vườn xưa với người mẹ già mà răng bà chỉ còn cắn được trái ổi chín mềm như bà nội tôi bây giờ. Chập chờn trong giấc ngủ bằng lời kể êm như nhung của nội, trong giấc mơ tôi thấy mình hóa thành loài chim lạ nhỏ nhắn đang nhảy nhót trên cành ổi trĩu nặng những trái chín thơm lừng. Tôi lại trông thấy tà áo bà ba màu nâu đất thấp thoáng trong mỗi sớm mỗi chiều. Và ánh mắt của chàng trai năm xưa vẫn dõi theo dáng ai đang dần khuất sau nhành ổi.
Ba tôi bị cảm sốt vì dầm phải mấy đám mưa ở ngoài đồng mà không chịu nghỉ ngơi, cứ tiếp tục làm quần quật dưới cái nắng hanh hao của tiết trời vào hạ. Nghe tin ba tôi bị bệnh, cô Năm hớt hãi mua đường với mấy hộp sữa bò rồi chống xuồng qua thăm.
Cô chạy đi tìm hái nắm lá me nước, giã nhuyễn rồi vắt lấy nước cốt. Rồi cũng tự tay cô chặt trái dừa còn óc ách. “Nước dừa tươi trộn chung với nước lá me nước giảm sốt hiệu nghiệm lắm. Anh Hai uống nhanh đi”. Chị em tôi nhìn thấy cảnh đầm ấm như vậy mà muốn ứa nước mắt, nhưng không biết ba tôi có mủi lòng bởi sự chăm sóc tận tình của người phụ nữ dịu dàng ấy. Chỉ biết rằng những lúc tôi gặng hỏi ba thì ba nhìn mông lung xuống mặt sông. Ba nói con sông nào cũng có đôi bờ, một bên bồi một bên lở. Ba trỏ tay rồi nói bờ bên kia sông được dòng phù sa bồi đắp nên trù phú xanh tươi, còn ba ở bờ bên này luôn sạt lở quanh năm. Tôi cứ thắc mắc hỏi ba hoài: “Hai bờ sông quê mình đều cùng chung đón con nước lớn nước ròng, sao ba nỡ lòng nào lại phân biệt rạch ròi để chia lìa đôi bến bờ ra làm hai ngả?”
Bà con cô bác cũng thường nói ra nói vào. Kẻ xấu miệng nặng nề nhắc mãi câu chuyện “mấy đời bánh đúc có xương”, người thì khuyên ba tôi nên bước thêm bước nữa. “Cảnh thằng Hai thân gà trống nuôi lũ con nheo nhóc, lầm lũi có một mình trên đồng không mông quạnh mà con Năm Đành nó nói với tao là nó thấy thương mầy đứt ruột. Con Năm là đứa tốt bụng lại thiệt tình, nó góa chồng gần mười lăm năm rồi chớ có ít gì đa!”. Ba quay sang nhìn lên bức di ảnh sờn cũ của má, rồi đưa cặp mắt âu yếm nhìn khắp cả thảy lũ chúng tôi đang thập thò vén bức rèm cửa ló đầu ra, tò mò nhìn người khách quen thuộc.
Bà Sáu ngồi trên bộ vạc, miệng bỏm bẻm nhai trầu rồi lại tiếp lời. “Với lại hồi đó tụi bây cũng có ý với nhau, thôi thì cũng là duyên số. Mầy coi ngày lành tháng tốt rồi mang khay trầu với chung rượu qua thưa chuyện với gia đình, nó thương mầy lắm nên hổng có đòi hỏi gì đâu”. Ba tiễn bà Sáu ra cổng rồi trở vào nằm võng nghỉ trưa, tụi tôi mới rón rén đến bên ba. Ba kêu thằng Út nhổ tóc sâu, ba nói tóc ba đã bạc sắp hết rồi tụi con thấy hông? Hổng biết ba có sống được đến ngày gả con Hai Tâm, con Ba Hường đi lấy chồng, rồi còn nhìn thấy thằng Út cưới vợ nữa chớ! Ba lo…
Kể từ hôm đó, ba không cho tụi tôi nhận bất cứ thứ quà nào từ cô Năm mang qua nữa. Ba nói tụi tui có làm gì cho cô nhờ đâu mà cô mang bánh trái qua cho cha con tui hoài. Cô giả lã:
- Ờ thì tui thấy mấy đứa bồ côi bồ cút tui thương, mấy trái ổi có là bao nhiêu đâu, mà tình làng nghĩa xóm, tui quý là quý ở chỗ tình xưa nghĩa cũ, sao anh Hai lại…
Nhưng ba tôi gạt phắt ngang lời nói còn bỏ lửng của cô. Cô Năm thẫn thờ xách giỏ ổi với nải chuối già hương xuống bến, mắt cô ầng ậc nước chỉ chực trào ra. Tôi biết trong dạ ba cũng đang bị cào cấu tơi bời, nhưng ba đã kiềm lại được nỗi lòng rạn nứt như con đập sắp vỡ òa trong mùa nước tràn đồng.
Gió mơn man trở ngọn khi trời đất đã vào cuối xuân nồng, từng tràng bông ổi trắng muốt rắc xuống mặt sông sợi tơ lòng còn dang dở. Tôi đứng bên này, nhìn qua cánh cổng nhà đối diện có tết trái đủng đỉnh hai bên với mấy tàu lá dừa được xếp thành hình đôi trái tim trông ngồ ngộ quá chừng. Tụi trẻ được dịp tụ tập, bọn nó tranh nhau tước cọng dừa còn sót lại để thắt lồng đèn với mấy con cào cào có cánh xanh với cặp cẳng dài ngoằng. Ba cũng có mang qua hai cây chuối tươi ở vườn nhà để phụ gia đình cô trồng cái cổng vu quy. Mà con Hường có nói với tôi lúc sáng nó nghe thấy nhát dao vô tình sả xuống xàn xạt vào thân cây chuối mềm, từng dòng máu trong vắt tuôn ra rào rạt.
Bến nước nhà cô Năm hôm nay tấp nập với mấy chiếc ghe thiệt lớn có kết hoa, treo đèn chuẩn bị rước cô về miền miệt thứ. Bà con cô bác lại rất đông để uống cùng nhau ly rượu mừng ngày cô Năm Đành bước thêm bước nữa. Ba tôi thay chiếc áo đi đồng quen thuộc để khoác vào chiếc sơmi trắng mà hiếm lắm mới thấy ba dòm tới nó một lần, bơi một mạch qua sông, ngồi vô bàn cụng ly rốp rẻng với mọi người để chúc cô Năm hạnh phúc cùng chồng đến răng long đầu bạc. Xong rồi ba chèo ngược gió chiếc ghe tam bản vô đồng xa như có ai hối thúc dữ lắm vậy, nên ba quên mang theo cây cuốc với cả cây dao chành phát cỏ để ở dưới bộ vạc, vậy mà tôi đợi suốt hai ngày cũng không thấy ba trở về để lấy nó mang đi.
Có những đêm mùa hè, mặt sông nhấp nhô từng ngọn triều trải mênh mang theo tiếng thở dài thườn thượt của một cõi lòng hiu quạnh. Nhánh sông gầy như chất chứa không hết nỗi niềm riêng, thổn thức trong canh khuya cùng tiếng bìm bịp kêu cho con nước thêm ăm ắp vị bởi những giọt phù sa nồng hậu.
Vườn ổi bên kia sông vẫn còn đó, chỉ có điều đã thay người chủ mới. Khu vườn giờ đây lại được che chắn cẩn thận quá, có hàng rào dây kẽm gai bao quanh để không cho người trộm ổi. Một lớp lưới dày phủ lên nóc vườn làm cho lũ chim bói trái cũng chán nản nên dần hiếm hoi tìm về. Mỗi khi nhớ đến hương ổi của năm nào, tôi xô xuồng dạt qua bờ bên ấy. Người chủ kêu sấp nhỏ lăng xăng chạy vào vườn hái ổi rồi mang bỏ lên bàn cân, chính xác, sòng phẳng đến lạnh lùng giữa kẻ bán người mua. Cô Năm ngày trước chỉ bán ổi chục, có khi chòm xóm láng giềng lại cho thêm mấy trái ăn chơi. Tôi trở về nhà trong tâm tư não nề mang theo mấy trái ổi cuối mùa. Cắn thịt ổi còn tươi vừa ươm ướp chín, hương ổi vẫn thơm ngào ngạt xông vào cánh mũi như thuở nào, vậy mà nó làm cho khóe mắt của ai đó cay sè. Tôi nhận ra mùi vị của nó đã phai nhạt đi ít nhiều kể từ ngày xa xôi ấy. 
Áo trắng

Tôi ngẩn người ra nhìn. Trong cái siêu thị Mỹ khang trang sạch sẽ này cũng có bán ổi. Những quả ổi được bọc trong lưới xốp màu trắng trang trọng nằm giữa cam lê nho táo, những loại trái cây phổ thông hàng ngày của dân bản xứ. Cầm trái ổi lên ngắm nghía. Ổi xá lị to cỡ cái bát ăn cơm, da hơi sần sì bóng lưỡng, chắc nịch. Giá $1.95 một pound. Không hiểu người Mỹ ăn ổi có chấm muối ớt không? Có gọt vỏ không? Có khi họ lại cắt bỏ cái phần thịt ruột có hột ở trong cũng nên. Bỗng đâu những trái ổi tự xa thẳm trong ký ức ào về.
* * *
Trong cái làng quê nhỏ bé ở châu thổ sông Hồng, cuộc sống - dù đang chiến tranh Việt Pháp - vẫn trôi đi lững lờ rất thanh bình dưới con mắt tụi tôi. Đối với bọn con nít thì Quốc, Cộng, Điện Biên Phủ, Kháng Chiến là những chuyện thiên hô bát xát, chẳng có nghĩa gì cả. Khi người lớn trong gia đình xầm xì, tụi tôi hiểu là nên lỉnh đi. Và tất nhiên là bắn chim, câu cá, đi mò củ ấu, đi săn cồ cộ. Cồ cộ là tiếng địa phương vùng tôi gọi giống như con ve sầu, nhưng mầu sắc rực rỡ và to hơn nhiều, to cỡ con cà cuống. Nó đậu cao ở những cây cau và tiềng kêu cồ cộ cồ cộ lảnh lót. Muốn bắt cồ cộ thì phải kiếm được nhựa cây bôi vào đầu một cây sào tre dài, lừa lúc cậu ta lảnh lót kêu, chắc là để tìm bạn lứa đôi, dính đầu có nhựa vào cánh lôi cậu ta xuống. Bình thường khi bắt được một chú cồ cộ, chúng tôi rất ác độc, bóp ngang chỗ ức và cồ cộ bị tức thở, kêu vang trời. Giữa trưa hè im, thiếu gió và nóng như thiêu, tiếng cồ cộ vang xa như muốn lay động cái vắng lặng của ngôi làng nhỏ bé.
Những trò chơi của tụi tôi hoàn toàn là trò của lũ trẻ nhà quê và trong cái quê mùa đó có ổi. Ờ nhỉ, tại sao ổi lại không được liệt vào những thứ trái cây đáng giá, sang trọng, có thể bán, ít ra cũng để biếu xén? Có thể đem tết nhà cụ Bá một nải chuối, chục cam. Có thể đưa dâu bằng cau, có thể lễ đình làng bằng chục hồng trứng, nhưng ổi thì hoàn toàn thuộc quyền của tụi tôi.
Nhà nào có ổi, chúng tôi biết rõ và chủ nhà xem ra cũng không kỹ lưỡng đối với tụi nhỏ lẻn vào hái ổi. Ổi thôi, không được sờ đến na, đến hồng, đến thị, đến nhãn.
A, có ai phân loại ổi chưa nhỉ? Xoài cát, xoài tượng, xoài giòn, xoài voi, chuối tiêu, chuối hoa cau, chuối trứng cuốc, chuối ngự ... nhưng đối với quảng đại quần chúng - quần chúng người lớn - thì ổi là ổi và mãi sau này mới có thêm ổi xá lị.
Nhưng cây ổi nhà ông Đội Võ thì khác với cây ổi nhà ông Lý Cựu, khác với cây ổi ở chùa làng. Cây ổi chùa làng quả tròn rất đều, chỉ nhỉnh hơn qủa chanh và khi chín màu vàng tươi, phía trong phần thịt có hột mầu hồng đào. Ổi này vô duyên nhất vì khi chưa chín ăn chua lè, cái vị chua khó thưởng thức đến độ tụi tôi cũng chê. Đến khi chín trông thì đẹp vô cùng nhưng mềm nhũn ăn lạt thếch, vỏ thì dầy mà phần cùi thì rất mỏng, phần thịt ở trong toàn hột vừa to vừa cứng. Ổi ở vườn chùa chỉ được cái thơm, mùi thơm dịu phảng phất. Sư cụ chùa lựa giống ổi này để bầy trên bàn thờ Phật cho vừa đẹp vừa thơm chăng?
Ổi doi là loại ổi nhỏ có cái đuôi nhọn ở cuống giống như trái doi. Doi là tiếng miền Bắc. Mận là tiếng miền Nam (không phải trái mận Đà Lạt) . Ổi doi cứ vừa lớn hơn cỡ ngón chân cái là có thể xực được vì thịt mềm và ít hột, nhưng lý tưởng nhất là vừa chín tới. Cắn một phát làm đôi hay tên nào mồm rộng răng khỏe thì chơi cả quả nhai rau ráu .
Ở chỗ lùm cây nơi giếng đầu làng có hẳn một rặng cỡ bốn năm cây ổi, tụi tôi đặt tên là ổi Trâu. Ổi chùa tuy vô duyên nhưng đến lúc chín còn ăn được chứ trái ổi trâu thì không cách gì thưởng thức được. Nó cứng như đá, cùi dầy, xanh thì chát khủng khiếp và thú thật tôi chưa bao giờ thấy một trái ổi trâu nào chín cả. Sao vậy hè? Có thể nó chưa kịp chín đã bị vặt, hoặc nó cứ xanh lè như vậy chăng.
Tôi không nhớ rõ nhưng biết chắc loại ổi này chỉ để ném nhau bươu đầu sứt trán. Cũng may là chỉ có rặng ổi duy nhất ở giếng là ổi trâu.
Ổi lý tưởng là ổi mỡ. Ổi này tròn lớn lắm thì cũng chỉ nhỉnh hơn hột vịt một chút, da nhẵn và bóng lưỡng. Ổi mỡ vỏ mỏng cùi dầy hột nhỏ vừa thơm vừa giòn vừa ngọt. Được cái may là người lớn xem ra cũng biết thưởng thức nên trong vườn của nhiều nhà có ổi thường là ổi mỡ.
Đáng yêu nhất có lẽ là hai cây ổi ở nhà ông Lý Cựu. Tên ông ta không phải là cựu nhưng từng làm Phó Lý nên gọi ông là Lý Cựu, một ông gìa hiền lành có chòm râu lún phún, miệng hơi móm và dáng đi lòng khòng như bất cứ ông Lý nhà quê nào. Vườn nhà ông rộng có cái ao nhỏ và hai cây ổi ở tận góc vườn, hàng rào dâm bụt thưa, nhà neo người nhưng không nuôi chó như nhà ông Đội Võ. Ngay cả khi bắt gặp chúng tôi toòng teng trên ngọn ổi, ông Lý cũng chỉ nắm tay, miệng thì lúng búng dọa giẫm nhưng không bao giờ nặng lời. Mỗi lần bị bắt quả tang, tụi tôi tụt xuống cho nhanh, toét miệng cười chạy mất. Một lần mẹ tôi có hỏi và tôi nghe ông Lý bảo: Có đáng gì quả ổi, nhưng sợ trẻ nó leo trèo, có ngã thì phải tội chết
Trái ổi có thể khác, nhưng cây ổi nào trông cũng giống nhau. Trước hết là cây ổi không cao lắm như cây sấu, cây muỗm, cây xoài. Thứ nhì là cành ổi rất dẻo dai, có lẽ vì sớ gỗ xoắn lại nên khó gẫy khiến tụi tôi có thể vừa đứng trên cành nhỏ vừa rung rung, cười như nắc nẻ với nhau. Một lợi ích vô song của cành ổi là có thể dùng làm trạc súng cao su. Trạc là tiếng Bắc quê tôi, ná là tiếng Nam. Trẻ lựa một trạc ba có hai nhánh đều, nếu còn nhỏ thì cột hai đầu lại chờ cho lớn hoặc nếu có hơi lệch một chút thì cũng cột giây uốn cho ngay. Trạc bằng gỗ ổi đẹp, nhẵn bóng và rất cứng, dẻo dai lại vừa tầm tay nên rất được ứa chuộng.
A, lại còn cái búp ổi, Vào mùa xuân ổi đâm chồi nẩy lộc và những lúc leo trèo lên cây ổi, buồn tình ngắt một búp bỏ vào miệng nhâm nhi. Búp ổi đắng ngọt cũng đủ giải sầu lúc vô sự không có trò chơi. Tôi xa những trái ổi vào giữa mùa thu năm 1954.
* * *
Khi Việt Minh tiếp thu làng, hội hè liên hoan liên miên. Tụi nhỏ chúng tôi xúm quanh những anh bộ đội tròn xoe mắt nghe kể chuyện anh hùng kháng chiến ôm bom ba càng lao vào xe thiết giáp Tây, chuyện anh hùng lấy thân lấp lỗ châu mai, ôm bộc phá tình nguyện hy sinh để phá rào thép gai quanh đồn giặc. Toàn những chuyện hay ngang ngửa với truyện Tôn Ngộ Không trong Tây Du ký. Tối thì được dậy nhẩy son đố mì, mì mì son son ... hay học hát " Hồ chí Minh xuất hiện trong ánh sao , xuất hiện đi cứu dân khổ đau ..." . Đôi khi còn được xem chiếu bóng, phim của Trung Quốc và Liên Xô như phim Bạch Mao Nữ chẳng hạn.
Nhưng chỉ độ một tháng sau, không khí trong làng khác hẳn. Những anh bộ đội đâu mất. Những trò liên hoan thay bằng những buổi học tập bình bầu và bỗng đâu có "đội phát động" xuất hiện được gọi tắt là Đội. Những cán bộ phát động theo chính sách tam cùng - cùng ăn - cùng ở - cùng làm - với dân và họ chọn những người nghèo nhất trong làng để tam cùng. Những khẩu hiệu được viết bằng vôi trắng trên cót nứa giăng khắp làng, to nhất là tấm ở ngay cổng đình: "Tri Phủ Địa Hào, đào tận gốc bốc tận rễ."
Rất nhanh tôi nhận ra ngay số phận của tôi, bên nội bên ngoại tôi được bình bầu đủ bốn thành phần ác ôn và tôi đúng là phần rễ của bốn thành phần giai cấp này. Tôi còn nhớ như in cảnh bà bác thứ tư của gia đình có bốn người con. Ba ông anh con bác tôi đã trở thành liệt sĩ, hi sinh trong kháng chiến. Ông thứ tư còn lại, ngay sau "ngày hòa bình" ghé về nhà một buổi rồi lặn mất tăm, có thể cũng lại ở trong đội tại một làng quê nào đó. Bác Tư được liệt vào hàng ngũ Địa Chủ Kháng Chiến mà vẫn phải thoái tô. Thoái tô tức là phải nộp trả thuế cho Đảng và nhà nước tính từ năm 1945 đến 1954. Số thuế nông nghiệp phải trả này nếu địa chủ xoay sở nộp xong thì lại bình bầu lại để nộp thêm lần nữa, nộp hoài cho đến khi không còn gì để nộp thì tịch thu nhà cửa, đem đi đấu tố  ... bác Tư tôi treo cổ tự tử chết.
Đó là chuyện người lớn, chuyện Đảng và nhà nước. Chuyện của tôi là tôi bị ra rìa. Bọn nhỏ không chơi với tôi nữa. Tôi không được vào đoàn thiếu nhi quàng khăn đỏ. Tôi không được tối tối cùng tụi nó vừa đi vừa gõ phèng la chửi rủa địa chủ, vác tên tộc của đại gia đình tôi ra mà chửi với những ngôn ngữ tục tằn nhất. Mấy đứa con địa chủ như tôi ngơ ngác sợ sệt và chỉ đành chơi với nhau.
Nhưng rất nhanh Đội phát giác ra tình trạng này và lo sợ tụi chúng tôi tụ tập bè đảng nên tìm cách đập tan mọi mầm mống chống đối từ trứng nước. Tụi tôi cỡ hơn chục đứa đa số là anh em bà con bị đội gọi lên nói ngọt dọa dẫm và bố mẹ địa chủ bị cảnh cáo. Tôi trơ thân cụ, bơ vơ lạc lõng ngay giữa làng và tôi chỉ còn lủi thủi chơi một mình. Đó là những lúc tôi trèo lên cây ổi nhà ông Lý Cựu nhìn những đám lục bình im lắng ở chiếc ao con nuôi cá Mè hay nhìn những tảng mây trắng dật dờ trên trời xanh về hướng núi Ba Vì. Những cây ổi vào giữa thu trông cũng xơ xác như chú bé ngồi dựa gốc không biết cuộc đời mình sẽ ra sao. Và ông Lý Cựu bị liệt vào hàng phú nông cũng vắng bóng trong khu vườn hoang vắng. Sau này ông Lý được đôn lên hàng địa chủ.
Một buổi tối mẹ tôi lôi tôi vào góc buồng bảo nhỏ ngày mai tôi phải dậy sớm để ra Hà Nội với bố tôi. Bà bắt tôi phải đi ngủ ngay, có lẽ sợ tôi lại hoắng lên đem chuyện này nói cho bọn trẻ chăng? Bà đâu có biết tôi đã không còn một đứa bạn nào, kể cả những đứa thân nhất như thằng Hùng, thằng Mai đều tránh xa tôi. Trời còn lờ mờ sáng mẹ tôi đã lôi tôi dậy, đưa cho tôi cái nải nhỏ và dặn "nói với Bố đi Nam ngay, không được về làng" . Người dẫn tôi đi trốn là anh Hiền. Hai anh em tắt qua ngã bờ ao ra phía bờ Mả Vù và lội ruộng lên đường cái quan.
Làng tôi không xa Hà Nội lắm, cỡ 25 cây số. Bố tôi vốn có xe chạy đường Hà Nội - Sơn Tây - Quốc Oai và tôi vẫn đi đi về về Hà Nội luôn, nhưng là ngồi trên xe vận tải.
Lần này, chưa quá 10 tuổi đầu, tôi đã cuốc bộ để đi gặp bố tôi với lời nhắn của mẹ. trời sắp hết thu khá mát. Tôi lẽo đẽo đi cạnh anh Hiền. Thỉnh thoảng anh lại hỏi tôi có mỏi chân không.
Khi ngồi nghỉ chân bên bờ đê sông Hồng, tôi lục chiếc tay nải. Ngoài hai nắm cơm khá to với một ít cá kho tiêu, còn có ba quả ổi. Ăn nắm cơm xong anh Hiền đưa tôi chai nước và sau đó anh em lại cắm cúi bước.
Đồng ruộng tiêu điều. Những khẩu hiệu tương tự như ở đình làng tôi nhan nhản dọc đường, căng ngang căng dọc xen lẫn với hình cụ Hồ râu dài môi đỏ như máu và mắt đăm đăm nhìn như xem đứa nào là phản động để trừng trị.
Tôi cắn vào trái ổi, cắn một cách từ tốn chậm rãi, gặm phần vỏ nhai thật kỹ. Nó hơi đắng chát, cái đắng chát dịu dàng. Tôi ăn đến phần cùi. Giòn, sần sật, nước ngọt ứa ra thấm vào tận chân răng.
Tôi nhai phần ruột có hột. Hột ổi to nhưng không cứng lắm, nhai vỡ ra kẹt vào kẽ răng. Tôi vừa đi vừa hít hà để những hạt ổi long ra.
Cứ thế ba trái ổi giúp tôi đi nhanh hơn và hai anh em đến Phùng lúc nào không biết. Tôi còn nhớ khi đi qua chợ Phùng, anh Hiền chỉ một căn nhà bảo: "Đó là nhà ông Tổng Phùng. Ông Tổng có con đi bộ đội làm thơ hay lắm nhưng ông Tổng đi Nam rồi."
Lớn lên về sau này tôi mới rõ người bộ đội làm thơ hay lắm là Quang Dũng.
Từ Phùng anh em tôi thuê được xe để ra Kim Mã và sau đó đã gặp bố để nhắn lời của mẹ.
Mãi về sau này khi đã lớn, ngồi ôn chuyện năm xưa, tôi hỏi mẹ lấy đâu ra ba quả ổi vào lúc đó? Mẹ bảo ông Lý Cựu cho hồi chập tối. Ông Lý Cựu nhìn thấy tôi ngồi tiu nghỉu một mình nơi gốc ổi hồi chiều. Đợi tối không có ai, ông lẻn vào nhà đưa cho mẹ tôi ba quả ổi bói còn sót lại lúc cuối thu.
* * *
Tôi lớn lên thành người ở miền Nam. Ổi xá lị miền Nam to, đều, ngon ngọt. Những miếng ổi được ngâm trong nước cam thảo vàng ươm bán ở sân trường. Khi ra chơi, năm cắc nửa trái, sát muối ớt ăn đã ơi là đã. Ổi Bắc Mỹ Thuận chục mười hai, có khi mười sáu. Ổi ở chợ Bến Thành sắp thành hàng cao đẹp ơi là đẹp. Nhưng có lẽ không có trái ổi nào trong đời tôi ngon hơn ba trái ổi bói cuối mùa của vườn ông Lý Cựu.
Năm 1975 'hòa bình lại lập lại" và có những người từ làng quê tôi vào Sài Gòn. Tôi hỏi thăm thì được bảo, ông Lý Cựu bị đôn lên hàng địa chủ, không nhận tội đã bóc lột nông dân nên bị liên đấu ngày đêm.
Ông cắn lưỡi tự tử chết như bác Tư tôi vậy.
Lê Thiệp
Trích từ “Chân ướt chân ráo”
Do tủ sách Tiếng Quê Hương phát hành.

Em có nhớ căn nhà xưa 

Ngôi nhà xưa

Sao vẫn nhớ về ngôi nhà xưa ấy ,
Kỷ niệm thật buồn hồ dễ nào quên ?
Cực nhọc bao điều, gian khổ lênh đênh,
Song tiềm thức in sâu hình bóng cũ...!
Thương dáng cha già ngày đêm ủ rủ,
Xa mái nhà bao năm tháng chắt chiu,
Xót trẻ thơ trong cay đắng quạnh hiu....
Đâu còn nữa hương hoa thơm mùa ổi ?!

Thời gian qua, xa cảnh đời u tối,
Anh trở về tìm lại dấu tích xưa....
Hương vị thơm của trái ổi đầu mùa,
Anh tìm trái, tìm quảng đời thơ ấu !!

Hương ổi xưa , ôi căn nhà yêu dấu,
Ta cố quên sao vẫn nhớ thật nhiều,
Cây ổi già, bao hình bóng thân yêu...
Là tất cả nỗi buồn thời niên thiếu !!
NM

Trong bóng ngôi nhà xưa
Ngôi nhà xưa 
Tôi là con út trong gia đình. Trên tôi có ba ông anh. Người ta thường nói: tam nam bất phú. Có phải vì vậy chăng nên cha mẹ tôi đã đẻ thêm tôi, đứa con thứ tư. Nhưng tôi lại là con gái. Cũng có thể hai người sẽ còn tiếp tục cưỡng lại định mệnh nếu mẹ tôi còn sống. Bà cũng đã qua đời khi tôi lên bốn tuổi. Cha tôi lúc đó mới ngoài năm mươi, nhưng ông quyết định ở vậy nuôi con cho đến trọn đời. Trước giải phóng thủ đô, cha tôi làm luật sư, mở văn phòng riêng. Đã có một thời gia đình tôi sống khá sung túc trong ngôi nhà hai tầng ở một phố yên tĩnh của Hà Nội. Đó là ngôi nhà được xây nên do tiền của bố tôi dành dụm cộng với một ít hồi môn của ông bà tôi để lại. Ông tự vẽ kiểu rồi tự mình trông coi việc xây cất. Khi tôi sinh ra thì ngôi nhà đã có rồi.Tôi chỉ còn nhớ cây ổi trước sân do cha tôi tự trồng năm tôi lên năm. Tôi lớn lên cùng cây ổi đó. Bây giờ nó đã là một cây ổi cành lá xum xuê che rợp cả một góc sân, quả rất sai và rất ngọt. Cha tôi nói rằng ông đã mua nó từ làng Nghi Tầm quê mẹ tôi, đem về trồng. Nhưng tất cả những chuyện đó lẫn những kỷ niệm tuổi thơ của tôi đã là chuyện quá khứ thật xa xôi. Hơn ba mươi năm nay gia đình tôi không còn sống ở đó nữa. Lý do tại sao là chuyện mà tôi sẽ kể sau này và lẽ ra cũng có thể quên đi được nếu không có cây ổi ở trước sân nhà, cây ổi có liên quan đến số phận ông anh trai ngay sát tôi. Ông hơn tôi hai tuổi. Thực tình tuy là anh nhưng tôi coi ông như là một người em bởi vì ông mãi mãi vẫn là một cậu bé mười ba tuổi. Dạo ấy, sau lần bị ngã đu từ cây ổi xuống ông trở nên ngớ ngẩn như người mất hồn. Cha tôi chữa chạy mãi. Thế rồi thần kinh ông dần dần ổn định nhưng trí óc thì không chịu phát triển nữa, chỉ dừng lại ở trí khôn đứa bé mười ba. Bây giờ ông là một người đàn ông hơn bốn mươi tuổi, độc thân nhưng tâm hồn vẫn là tâm hồn của con trẻ. Tôi đã lấy chồng ra ở riêng từ lâu. Chồng tôi được cơ quan phân cho một căn hộ trong khu tập thể lắp ghép rộng hai mươi mét vuông, tiện nghi khép kín. Đối với tôi đó mới thực sự là mái nhà, là tổ ấm của mình. Thỉnh thoảng tôi mới về thăm bố tôi ở cùng ba ông anh trai. Ông anh cả lấy vợ, nhà có thêm một người đàn bà nữa tổng cộng là năm người sống trên một căn gác rộng ba mươi mét vuông. Cha tôi đã thôi hành nghề ngay sau ngày giải phóng thủ đô. “Cái nghề luật sư thật vô dụng – Đôi khi ông than thở với chúng tôi – cha chẳng giúp ích được gì cho đời, chẳng đóng góp được gì cho kháng chiến, cho cách mạng”. Cũng vì mặc cảm ân hận ấy mà năm 54 ông không chịu nghe theo bạn bè rủ di cư vào Nam. Nhưng cái mặc cảm ấy còn theo ông mãi sau này cho đến khi ông gặp dịp để trút bỏ nó, bằng một hành động cụ thể. Sau giải phóng thủ đô hai năm, một cán bộ của cơ quan nọ đến gõ cửa nhà chúng tôi. Tôi còn nhớ ông cán bộ, trạc tuổi cha tôi, ăn mặc cũng chững chạc trong bộ quần áo đại cán bốn túi. Cha tôi tiếp ông rất lâu ở dưới phòng khách rồi vui vẻ tiễn ông ra cửa. Hôm sau ông ra lệnh cho anh em chúng tôi dọn lên ở trên gác hai rồi khoá kín cửa tất cả những căn buồng ở tầng dưới. Một tuần sau tôi thấy một chiếc xe tải chở bàn tủ, cả giường cá nhân nữa và rất nhiều sổ sách giấy tờ đến. Có rất nhiều người khuân vác đồ đạc vào nhà tôi, chất đầy sân. Cha tôi niềm nở đón tiếp rồi trao chùm chìa khoá cho những người mới đến. Tôi đứng trên gác hai nhìn xuống và hiểu rằng cha tôi đã cho một cơ quan nhà nước đến ở. Tối hôm đó trong bữa cơm từ nay ăn trên gác, cha tôi mới giải thích việc làm của mình: 
– Các cơ quan nhà nước đang thiếu chỗ làm việc. Ba đã cho nhà nước thuê. Từ nay các con đừng đùa nghịch ảnh hưởng đến cơ quan. Các con đi học về, lên trên này chơi, học bài, đừng làm phiền các bác các chú. 
Cha tôi vui lắm sau khi làm cái việc mà ông cho là đã đóng góp một phần nhỏ mọn của mình vào sự nghiệp chung. Từ đó anh em chúng tôi chỉ suốt ngày ở trên gác, ít khi xuống sân vì cơ quan người ra vào tấp nập. Mùa ổi chín chúng tôi chỉ dám hái quả vào lúc vắng người như kẻ đi hái trộm. Tôi sợ nhất là bác bảo vệ của cơ quan. Bác ở ngay tầng dưới cả ngày lẫn đêm canh gác rất nghiêm. Nhưng dù chúng tôi đã cố gắng vâng lời đến đâu cũng không sao tránh khỏi những lúc đùa nghịch làm cha tôi rầy la. Lúc thì đuổi nhau chạy ầm ầm trên gác, lúc lại vô ý đổ nước xuống sân, có lúc bắn cả vào đầu khách đến liên hệ công tác với cơ quan.
Vài tháng sau, cha tôi được cơ quan mời xuống nhà trao đổi công việc. Trở lên gác lần ấy tôi thấy ông không được vui. Mấy anh em chúng tôi ai nấy đều nín thinh không dám hỏi. Chúng tôi có linh cảm rằng ông buồn vì sự nghịch ngợm của chúng tôi làm phiền đến cơ quan và chắc chắn họ mời cha tôi xuống để khiển trách. Quả đúng như vậy. Ông thủ trưởng cơ quan đã ca thán điều đó với cha tôi nhưng ông cũng tỏ ra thông cảm với tuổi trẻ. Ông nói rằng đó là chuyện thường tình, không sao tránh khỏi. Nhưng cuối câu chuyện ông mới nói rõ mục đích của cuộc gặp gỡ với cha tôi. Ông muốn cha tôi cho cơ quan thuê nốt cả tầng hai. Ông nhắc lại thiện chí và tấm lòng của cha tôi đối với cơ quan ông, và mong rằng thiện chí đó được tăng lên gấp đôi. Ông cho biết cơ quan đã liên hệ một nơi khác của một chủ đi Nam, gia đình tôi có thể đến đó thuê thẳng với phòng nhà cửa của thành phố. Việc rời bỏ một căn nhà, do chính mình xây cất lên, nơi gắn bó với biết bao kỷ niệm vui buồn, nơi mấy anh em tôi ra đời, nơi mẹ tôi đã nhắm mắt... có lẽ đối với cha tôi không phải là việc dễ dàng. Ông không hồ hởi như lần cho thuê trước. Ông tư lự trầm ngâm suốt một tuần liền. Cái mặc cảm có tội vì đã làm một cái nghề vô tích sự, cái mặc cảm của một người đứng ngoài cuộc trong suốt những năm dài kháng chiến chống Pháp, một lần nữa đã khiến ông đi tới quyết định cuối cùng: chấp nhận cho thuê nốt cả ngôi nhà và dọn đi nơi khác. Hồi đó tôi còn nhỏ nên không quan tâm mấy tới chuyện này. Thậm chí còn thấy vui khi được chuyển đến một nơi ở mới, tuy chật hẹp hơn, nhưng lạ mắt, lạ cảnh. Nó như một cuộc du ngoạn dài... Chỉ riêng ông anh trên tôi là thấy tiếc cây ổi. Trí óc ông chỉ dừng lại ở tuổi mười ba khi ông ngã từ cây ổi xuống. Thỉnh thoảng ông lại nhắc cho tôi nhớ tới những kỷ niệm có liên quan tới cây ổi. 
– Thuỷ có nhớ hồi ba trói hai đứa mình ở gốc ổi đánh cho mấy roi thật đau vào đít vì cái tội trốn nhà đi xem phim, tối về muộn phải trèo tường vào nhà...
  Lúc khác ông lại nhắc:
Thuỷ có nhớ hồi mợ ốm có con chim lợn đến đậu ở cây ổi nhà mình... Ba sai bọn mình đuổi đi vì cho là điềm gở. Vậy mà cứ đêm đến, nó lại đến đậu ở đó... không lâu sau thì mợ mất... 
Tôi chẳng còn nhớ gì nữa, nhất là sau khi đã lấy chồng ra ở riêng, có con, với bao bận rộn lo toan của cuộc sống.
Tôi chỉ nhớ sau khi dọn đến nơi ở mới, cha tôi cứ bần thần như người mất hồn. Ông già đi rất nhanh. Rồi một sự kiện ập đến làm ông suy sụp hẳn. Đó là vào dịp có chính sách cải tạo nhà cửa. Cha tôi nhận được giấy triệu tập đi học tập để thông hiểu chính sách. Sau suốt một tuần học tập cha tôi mới vỡ lẽ rằng mình bị liệt vào diện cải tạo vì có nhà cho thuê trên 120 m2. Tính đi tính lại, lấy diện tích ngôi nhà chúng tôi ở, trừ đi cho diện tích ngôi nhà chúng tôi cho cơ quan nhà nước thuê, vẫn vượt quá con số 120 m2 qui định. Kết thúc khoá học, cha tôi phải ký vào một bản tình nguyện giao nhà cho sở nhà đất quản lý, từ bỏ phương thức sống bóc lột bằng cách cho thuê nhà.
Tình ngay, lý gian. Cha tôi vốn là một luật sư nên ông hiểu rất rõ: pháp luật là pháp luật. Trước pháp luật không ai cần biết ông cho thuê nhà vì động cơ gì. Vừa ân hận vì đã làm một cái nghề vô tích sự, có một bồ chữ nghĩa cũng bằng thừa, lại thêm cái tiếng tư sản chụp lên đầu, ông tàn tạ đi trông thấy. Chúng tôi đã lớn khôn, đã thông hiểu sự đời, đôi lúc an ủi ông:
Thôi ba ơi, nhà mình ở thế này cũng rộng rãi chán. Khối người còn không có chỗ mà chui ra chui vào. 
Những lúc ấy cha tôi cố gượng cười đáp:
Ba có tiếc đâu. Nhưng chỉ bực là mình có định bóc lột ai. Người ta vận động mình cho thuê trước một nửa, rồi sau cả nhà. Giá cả người ta tự đề xuất, thoả thuận. Bỗng nhiên lại thành tư sản bóc lột. Ba chỉ thương các con, mỗi khi phải khai gốc gác lý lịch của mình ra thêm xấu hổ. 
Quả là có một thời điều đó xấu hổ thật. Anh cả tôi học rất giỏi nhưng chỉ được thi vào sư phạm. Hồi đó ở Hà Nội, con cái tư sản chỉ được thi vào sư phạm hoặc nông nghiệp, thuỷ lợi. Những nghề này được coi là vô hại, tuy cũng gọi là trí thức nhưng không quan trọng như bác sĩ, kỹ sư. Tốt nghiệp xong, anh tôi may mắn được gọi lại trường làm phụ giảng... và cứ thế phụ giảng mãi cho đến khi ông bực mình xin đi làm chuyên gia ở An-giê-ri. Ông hy vọng vào cái vốn tiếng Pháp cha tôi dạy cho từ nhỏ chứ khoản lý lịch của ông thì hoàn toàn bất lợi. May sao vì thiếu người thạo ngoại ngữ nên người ta cũng châm chước cho. Vả lại, cha tôi cũng đã qua đời rồi, không lẽ còn tiếp tục ảnh hưởng xấu tới cả con cái?
Trước khi lên đường, ông căn dặn tôi:
Anh đi rồi, em ở nhà chăm lo hai anh, nhất là anh Hoà.... Trước khi ba mất, ba chỉ lo cho anh Hoà, không may bị rủi ro.
 Tôi vội cắt lời:
Anh cứ yên tâm. Tuy em đã có gia đình riêng, nhưng bổn phận lo cho các anh là bổn phận chung. Bấy lâu nay có anh. Nay anh đi vắng em lại phải có trách nhiệm hơn. 
Thực ra anh Hoà tôi tiếng là người tâm thần nhưng hiền lành hết chỗ nói. Anh không bao giờ đập phá, gây gổ với ai. Ra đường bị trẻ con trêu chọc anh chỉ cười. Thậm chí anh rất yêu trẻ. Gặp chúng đâu anh vui đùa như những người bạn ngang hàng. Cái bệnh tâm thần của anh biểu hiện rõ nhất chỗ ai sai bảo gì cũng làm. Mà đã làm là làm cật lực, làm hết mình. Đặc biệt ông đi chợ mua bán rất khéo. Hàng xóm nhờ đi mua con cá, hay mớ rau bao giờ ông cũng chọn mua được con cá tươi nhất, rẻ nhất và mớ rau ngon nhất. Mua xong, nếu người ta lại nhờ ông làm cá hoặc nhặt rau hộ, ông sốt sắng nhận lời ngay. Ông không bao giờ biết từ chối bất cứ việc gì hễ có người nhờ hoặc sai bảo. Có điều ông làm quá cẩn thận, quá tỉ mỉ nên ai đã nhờ ông chớ có sốt ruột. Những việc trong hộ như quét sân, vệ sinh hố xí, đổ rác...tất tất đều dồn lên đầu ông. Ông vui vẻ làm mà không một lời ca thán. Cả những lúc có ai đó mất một vài vật dụng lặt vặt trong nhà cũng tru tréo nghi cho ông. Ông cũng chỉ cười trừ. Ông chưa lấy của ai cái gì nhưng khi mất, hoặc để quên đâu, những người trong hộ đều nghĩ ngay đến ông: “Chắc ông Hoà... ông ấy tâm thần, biết đâu táy máy cũng nên”. Khi biết là nhầm, là nghi oan, cũng chẳng cần xin lỗi ông một câu... vì ông có giận ai, có để bụng ai đâu mà phải xin lỗi!
Vất vả nhất đối với tôi là việc chăm nom sức khoẻ cho ông. Ông bị bệnh hen, thỉnh thoảng lại lên cơn. Những lúc trở trời ông vẫn chỉ phong phanh một chiếc áo sơ mi. Biết là lạnh đấy nhưng mặc áo ấm đối với ông là chuyện rất ngại ngùng, giống hệt như trẻ con sợ bố mẹ bắt mặc quần áo nhiều. Trời nóng ông không biết tắm rửa giặt giũ cho sạch sẽ, cứ để người hôi mù. Chẳng biết nhờ ai giới thiệu, ông xin được làm cái chân ngồi làm mẫu vẽ tại trường mỹ thuật. Ông làm rất được tín nhiệm vì ai bảo ông ngồi ngang ngồi dọc thế nào ông đều chấp hành hết sức nghiêm chỉnh. Quả thật kiếm được một người chịu ngồi làm mẫu vẽ như ông không phải dễ ở Hà Nội này. Ai chịu ngồi kiên trì suốt hàng giờ như vậy, kể cả mùa đông rét mướt mà lại chỉ được mặc mỗi chiếc quần đùi? Bởi vậy về cái khoản kinh tế ông tự túc được, lại còn dư dật gửi tiết kiệm. Dăm bữa nửa tháng ông lại đến nhà tôi với con gà hoặc cân thịt nạc trên tay, bày ra nấu nướng ăn uống... Ông tự làm tất cả, cho đến việc ngồi tỉ mẩn thái nhỏ lá chanh như sợi chỉ để rắc lên đĩa thịt gà. Hứng thú đặc biệt nhất của ông là việc cúng giỗ. Ngày rằm mồng một ông bày mâm quả phẩm, cắm hoa đỏ rực cả bàn thờ. Họ hàng xa gần có ai qua đời ông bỏ nhà tới giúp hàng hai ba ngày liền. Bỗng một hôm, tôi được công an khu phố đến báo ra đồn để nhận anh tôi về. Tôi sửng sốt. Làm sao một người như anh tôi lại liên can tới luật pháp, để có thể bị bắt vào đồn?
Khi ra tới nơi tôi mới rõ đầu đuôi câu chuyện. Thì ra chỉ vì cây ổi. Mùa ổi chín, anh tôi lang thang qua ngôi nhà cũ rồi trèo tường vào sân hái ổi trộm. Cơ quan cũ đã dọn đi từ lâu. Một gia đình cán bộ đã được phân đến ở đó. Nhà vắng vẻ, cửa đóng suốt ngày. Chỉ có cô con gái chừng hai mươi ba tuổi cùng một người giúp việc thường hay ra vào mà thôi. Chính cô gái đã gọi điện báo cho công an đến bắt anh tôi. Tôi xin anh tôi về, lòng vừa buồn vừa thương cho anh tôi. Về đến nhà tôi ôn tồn giảng giải: 
– Ngôi nhà đó từ lâu không còn là của gia đình mình nữa. Anh không được đến đấy! 
Nhưng cây ổi tôi nhớ do tay ba trồng cùng với tôi...Hôm đó ba sai tôi đi xách nước tưới. – 
Ông cãi lại
Tôi cáu tiết quát:
Nhưng tôi cấm anh không được đến đó. Bận sau tôi không xin cho anh nữa đâu, cứ để cho công an họ nhốt anh vào hoả lò. 
Ông cãi lại:
Thì mọi khi tôi vẫn vào nhà mà. 
Vào lúc nào? Tôi sửng sốt.
Những lúc cả nhà đi vắng tôi vẫn trèo vào luôn.... Thuỷ có nhớ cái lần anh em mình trèo tường đi xem xinê về muộn không
 Tôi không nhớ gì hết – Tôi hét lên – Anh mà còn vào đó nữa thì tôi sẽ trói anh nộp cho công an. Anh hứa với tôi đi!
Ông mỉm cười cúi đầu đáp lúng búng: 
– Tôi hứa... 
Ông hứa vậy thôi chứ ai mà tin được! Một lần khác ông hớn hở đem đến cho tôi một chùm hoa móng rồng thơm phức, khoe rằng:
Cô gái trong nhà hái cho đấy. 
Cô gái nào? Tôi ngạc nhiên hỏi.
Cái cô ở trong nhà mình ấy. 
Tôi giật mình:
Anh lại lảng vảng qua nhà cũ phải không?
Ông gật đầu phân bua
Nhưng lần này cô ấy mở cửa , mời tôi vào nhà hẳn hoi. Tôi được cô dẫn đi thăm cả sân trước, sân sau. Thuỷ còn nhớ cây quất hồng bì ở gần bếp không ? Nó to lắm, Thuỷ ạ! Cô ấy hứa bao giờ có quả cứ đến mà lấy. 
Tôi cảm thấy lo lo. Điều đáng lo nhất là nếu trong nhà mất mát gì thì hẳn anh tôi không ai để yên. Tôi quyết định phải đến gặp cô gái trong ngôi nhà cũ. Lẽ ra tôi đã phải xin lỗi cô ngay sau sự việc ở đồn công an.
Cô gái tiếp tôi hết sức niềm nở, trái hẳn với dự đoán của tôi. Cô tỏ ra ân hận vì cú điện thoại tới đồn công an dạo nào. Quả thật hôm ấy cô rất sợ. Cô cho biết cô sống một mình trong căn nhà mênh mông này. Tầng hai hầu như khoá kín từ ngày bố cô chuyển vào Nam công tác. Ông được phân một ngôi nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng vẫn giữ nhà ở Hà Nội vì công việc của ông vẫn có liên quan tới cả hai miền. Thỉnh thoảng ông ra Hà Nội họp, ở dăm ba ngày rồi lại vào trong kia. Mẹ cô cùng em trai cô cũng đã chuyển hẳn vào trong đó. Chỉ còn cô ở lại để tiếp tục học nốt mấy năm đại học cuối cùng. Trong nhà có một người giúp việc cơm nước giặt giũ và trông coi nhà cửa. Sau lần ông anh tôi đột nhập vào nhà ông còn lảng vảng tới mấy lần nữa. Nhìn thấy ông hiền lành không có dáng vẻ của kẻ gian, cô đã mời ông vào nhà chuyện trò và biết được tất cả nguyên cớ khiến anh tôi hành động như vậy. Có điều cô không biết rõ tại sao anh tôi lại thành người lẩn thẩn. Tôi kể lại đầu đuôi câu chuyện. Cô nghe xong im lặng, thoáng tư lự. Trước khi chia tay, cô nói với tôi đừng cấm đoán, doạ nạt anh tôi nhiều có thể làm bệnh tình anh ấy trầm trọng thêm. Cô gái thật dễ thương. Cô làm tôi nhớ tuổi thơ của mình. Xa lắm rồi cái hình bóng cô bé con ngày xưa ngồi bên hàng hiên nhà vừa đọc truyện, vừa cắn ô mai... Đôi khi tôi kể lại cho con gái tôi về thời thơ ấu của mình, cảm thấy thương cho cha tôi, biết ơn người... những lúc ấy lại thấy rõ hơn bổn phận và trách nhiệm của mình với gia đình và con cái.
Không biết anh tôi còn lui tới ngôi nhà ấy bao nhiêu lần nữa. Cho đến một ngày bà chị dâu hớt hải đến báo tin anh tôi đi đâu biệt tăm ba hôm liền không về nhà. Tôi bổ ra đồn công an, không ai hay biết. Tôi đến tất cả nhà bà con họ hàng gần xa, không ai thấy ông lui tới. Đang hoang mang định sẽ nhờ đăng báo, thì cô gái ngày nào đến tìm tôi cho biết anh tôi đang ở nhà cô ấy. Tôi vội vã đến nhà gặp lúc ông đang chăm bón cho mấy gốc cây ở ngoài sân. Trông thấy tôi ông nhoẻn miệng cười mời vào nhà như chủ đón khách. Ông đưa tôi vào một căn phòng ở tầng dưới. Tôi nhớ đó là căn phòng cũ của tôi. Tôi là con gái nên cha tôi cho tôi ở một phòng riêng. Ông rót nước mời tôi uống, chỉ vào chiếc giường cá nhân:
Tối tôi ngủ ở đây.
Tôi không thể nào hiểu nổi. 
Vậy cô chủ nhà? Tôi hỏi. 
Cô ấy ở tầng trên. Ông đáp.
Lát sau cô gái từ trên lầu xuống, bước vào buồng, chào tôi rồi nói:
Cháu thi tốt nghiệp xong rồi. Hè này cháu sẽ vào trong kia với bố mẹ cháu. Cô cứ để bác ở đây.
Tôi hoảng hốt:
Chết! Làm thế sao được! 
cứ yên tâm. Cháu đã báo cho công an khu phố biết rồi. Không ai làm gì bác ấy đâu.
Anh tôi nhoẻn miệng cười vẻ mãn nguyện rồi góp chuyện một cách thật vô duyên
Thuỷ ơi cây quất hồng bì bắt đầu có quả rồi đấy. Thuỷ có ăn không tôi hái nhé.
Tôi gạt đi, tiếp tục nói chuyện với cô chủ nhà:
Nhưng bố cô ra đây thì ở đâu?
Trên gác – Cô thản nhiên đáp – Một mình ông ở làm sao hết. Cả một tiểu đội đến đây cũng còn đủ chỗ.
Tôi đành chia tay ra về. Lúc ra tới cửa, ông anh tôi, không biết đã kịp hái từ lúc nào, dúi vào tay tôi mấy quả ổi thơm lừng. Nhưng thật quá bất tiện cho tôi từ ngày ông sống ở đấy. Hàng ngày đi làm về tôi lại phải đảo qua nhà xem có sự cố bất thường gì xảy ra không, đem cơm và thức ăn cho ông, lấy quần áo bẩn về giặt giũ cho ông. Cô gái đi đâu suốt ngày không hề thấy mặt. Chừng một tháng sau người quản gia cho biết cô đã chuyển hẳn vào thành phố Hồ Chí Minh.
Tôi biết rằng trước sau gì cũng phải đưa anh tôi ra khỏi ngôi nhà đó nên ra sức khuyên nhủ nhưng vô hiệu. Anh tôi hồn nhiên trả lời:
Cô Loan đã cho tôi về ở rồi. Cô Loan tốt lắm. 
Tới lúc đó tôi mới biết tên cô gái là Loan. Cái gì phải đến rồi sẽ đến. Đúng hai tuần sau thì việc đó xẩy ra. Bố mẹ cô gái vội vã từ thành phố Hồ Chí Minh đáp máy bay ra, và dĩ nhiên anh tôi được mời ra khỏi nhà ngay lập tức sau đó. Hẳn ông bà đã mắng cho cô con gái cưng của mình một trận thậm tệ về cái quyết định ngông cuồng của cô. Thỉnh thoảng đi qua phố cũ tôi thầm mong được gặp lại cô gái. Nhưng không hề thấy bóng cô đâu cả. Tôi thấy nhớ cái dáng người nhỏ nhắn và gương mặt hiền dịu với đôi mắt đen to của cô. Đôi mắt hơi buồn mà trong sáng lạ. Rồi tò mò, lần hỏi, tôi biết cô đã nhận công tác trong thành phố Hồ Chí Minh và không trở ra Hà Nội nữa. Khi cô vào tới thành phố thì cũng là lúc bố mẹ cô sau khi được hoá giá nhà xong có trong tay một số vàng, bèn quyết định trở ra Hà Nội để sống những ngày về hưu nhàn nhã.
Chừng hai tháng sau, tình cờ có dịp đi qua ngôi nhà cũ, tôi bỗng thấy có hai vợ chồng một người Âu từ cửa nhà bước ra. Ngôi nhà đã được tu sửa sơn quét lại, có lắp cả máy điều hoà.Thì ra chủ nhân đã dành hẳn tầng dưới cho khách nước ngoài thuê. Anh tôi từ đó không lai vãng tới ngôi nhà xưa nữa. Tôi mừng thầm. Có lần hỏi vui: 
– Dạo này anh Hoà còn vào hái ổi trong nhà mình nữa không? – Anh im lặng ngẩn ngơ giây lát rồi nói:
Ngôi nhà mình không còn nữa.
Tôi bật cười. Dẫu sao, cứ đến mùa ổi chín tôi lại nhớ về ngôi nhà xưa cùng những kỷ niệm có liên quan tới những người thân của tôi... Những kỷ niệm thật buồn.

Đặng Nhật Minh