Hiển thị các bài đăng có nhãn Âm nhạc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Âm nhạc. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

Nhạc - Thơ - Văn Tiếng đàn trong hồi ức

Hồi ức
Tiếng dương cầm đưa em về hồi ức,
Đã qua rồi thời dĩ vãng khá xa....
Tiếng đàn ai thống khổ giữa chiều tà ?!
Buồn hiu hắt như tím màu cẩm chướng !!

Tiếng dương cầm dường như bay khắp hướng,
Có biết đâu duy chỉ một em nghe...!
Hương sữa thơm ngan ngát giữa đêm về,
Không xoa dịu cõi lòng anh rướm máu !!

Nhạc đã tan, hoa dã quỳ vàng úa,
Biết tìm đâu màu hoa đỏ chiều xưa...?
Anh rồi xa, hồi ức s xoá mờ !
Tiếng chuông gió cô liêu trong chiều vắng !!
NM
 

 Tiếng đàn trong hồi ức

Tôi thích chuông gió, vì một lý do không tên nào đó. Nên ngay cả lúc đi học hay ăn cơm, chơi đùa hay nghỉ ngơi, tôi cũng muốn nghe âm thanh của nó khi rung rinh trước những cơn gió mang theo mùi hoa sữa. Từ đó mà chỗ nào trong nhà tôi cũng có chuông gió hết. Nhiều khi bố bảo nó thật phiền phức và ồn ào, nhưng chiều theo sở thích của tôi, ông cũng không kêu tôi gỡ nó xuống.
Tôi chưa từng bước vào ngôi nhà hoang kia, chỉ đứng ở bên ngoài trông vào phía trong khoảng vườn rộng. Lý do thì rất đơn giản! Tôi sợ ma! Chỉ vừa chuyển về đây sống được một tháng, tôi hay nghe người trong khu xóm này đồn rằng từng có một cặp vợ chồng cùng một cậu con trai tự tử ở trong đó. Một đứa nhát cáy như tôi sẽ chẳng bao giờ bước vào cái nơi đáng sợ kia hết.
           Gió khẽ xào xạc ở dưới chân, một luồng gió thổi tạt qua khiến tôi không khỏi rợn tóc gáy. Trong tôi bỗng xuất hiện một dự cảm rất lạ. Chẳng lẽ chỉ sau một đêm se lạnh lại có nhiều thay đổi tới vậy? Ngước nhìn cửa sổ ngôi nhà hoang, tôi chợt thấy một bóng đen. Tôi không thể nhìn rõ khuôn mặt của người ấy, chỉ thấy được cái cao kều gầy gò của bóng đen đó thôi. Tôi nuốt nước bọt ực một cái, sau đó vội vã xách cặp chạy tới trường.
           Cả ngày hôm đó tôi không tài nào tập trung học bài được. Dù cho bài giảng của cô giáo có hay ra sao, cũng không có chữ nào lọt vào tai tôi. Tôi lại nghĩ về sự thay đổi của ngôi nhà. Nếu tôi nhớ không nhầm nó đã được sơn lại. Hàng cây hoa dã quỳ tôi thích nay không còn. Cánh cổng thì mở toang, còn cái bóng kia nữa. Một lần nữa tôi nhớ đến chuyện mà những người quanh ngôi nhà ấy kể với tôi, ban đêm họ có nghe thấy tiếng cạch cạch cạch từ nhà đó phát ra. Thật đáng sợ!
             Tan học, tôi lại đi qua con đường ấy. Dừng chân trước cổng ngôi nhà, ngước lên nhìn cửa sổ, tôi không thấy bóng đen nào hết. Mùi hoa sữa thơm ngào ngạt khiến tôi lơ đãng. Những cơn gió khẽ thổi ngang qua làm rối mái tóc tôi. Tôi nhắm mắt dang tay ra tận hưởng cơn gió lạ. Lần đầu tiên tôi chỉ chú ý tới gió mà không để tâm tới những bông hoa thơm phức, dù rằng chúng rất đẹp. Tiếng đàn dương cầm vang lên phá vỡ sự yên bình của tôi. Nhạc điệu buồn man mác, đau khổ, bi ai… cảm giác thân thuộc đến lạ thường. Khúc nhạc êm tai, nhưng tại sao tiếng đàn lại thống khổ tới vậy? Do khúc nhạc bị lỗi, hay là… tại người đàn nó.
             Tôi cứ như chôn chân tại chỗ, không tài nào thoát khỏi bản nhạc ấy. Tiếng gió vi vu vang vọng theo cùng tiếng đàn khiến lồng ngực tôi như nặng thêm. Bất giác, một giọt nước mặn từ khóe mắt tôi chảy xuống. Tôi đưa tay lên lau nước mắt rồi chạy thật nhanh khỏi nơi đó.

***
           Tôi nằm xuống trùm chăn qua đầu. Dù mẹ có gọi thế nào tôi cũng nhất quyết không chịu ra ăn cơm. Tiếng đàn kia, làm thế nào tôi cũng không dứt ra được. Đêm đó, tôi mất ngủ.
           Sáng hôm sau, tôi vẫn đi học ngang qua con đường ấy. Hàng hoa dã quỳ đã trở lại. Cánh cổng rêu xanh cũ kĩ vẫn đóng. Không có bóng đen nào, ngôi nhà vẫn cũ như trước, như chưa từng được sơn mới. Tim tôi nảy lên bùm bụp, cảm giác sợ hãi bao trùm lấy tôi. Tôi lấy chiếc chuông gió từ trong cặp ra, đưa lên cao cho một ngọn gió thổi qua. Âm thanh rung rinh leng keng của chuông gió làm tôi tĩnh tâm lại. Tôi chậm rãi đi qua như chưa có gì xảy ra hết.
            Tôi học ở tầng ba, nơi này rất thoáng gió, rất mát mẻ. Tôi cầm chuông gió thủy tinh mới mua đung đưa ngoài cửa sổ. Gió thổi ngang qua mang theo mùi hoa dã quỳ làm tôi chợt rùng mình. Nó làm tôi nhớ tới sự thay đổi của ngôi nhà hoang ấy, cùng với tiếng dương cầm kia kia. Tôi vội vã đóng cửa sổ lại, quay về chỗ ngồi, tiếng đàn ấy lại vang vọng bên tai tôi.
           Ra về, bạn bè rủ nhau đến nhà tôi học nhóm. Tôi cũng vui vẻ đồng ý. Kể ra có người học chung lúc nào cũng tốt hơn học một mình. Khi đi qua con đường lá vàng rơi, tiếng đàn thống khổ lần nữa vang lên, nó còn mệt mỏi và khổ sở hơn hôm qua. Tôi dừng chân lại, một bước cũng chẳng tài nào nhích lên nổi.
          “Sao vậy Vân?” Nhỏ bạn hỏi tôi.
       “Cậu không nghe thấy… tiếng dương cầm sao?” Tôi mấp máy môi trả lời lại.
        “Tiếng dương cầm gì chứ? Đói quá nên mệt hả?” Vài đứa khác cười cười.
         Họ… không nghe thấy tiếng đàn dương cầm, vậy tại sao tôi lại nghe thấy? Tôi lôi chuông gió ra lần nữa để giúp mình bình tĩnh lại, nhưng tôi đã làm rơi nó, vỡ tan tành từng mảnh. Lũ bạn nhìn tôi nghi hoặc một chút rồi vỗ vai tôi bảo:
        “Thôi, bọn mình về trước, cậu về nhà nghỉ ngơi chút đi.”
         Không, tôi không mệt. Tiếng đàn dương cầm này rất chân thật, không có chút nào là giả. Còn việc chuông gió bị rơi, những cơn gió đã luồn qua tay tôi.
          Càng lúc sự tò mò trong tôi càng lớn, tôi không chịu nổi việc mỗi ngày đều phải nghe tiếng đàn ấy. Nó càng ngày càng giống tiếng gió hơn. Nó lấn áp hẳn tiếng chuông gió mà tôi thích nghe. Gió… không còn giúp chuông gió nữa!
         Tôi mất ngủ nhiều đêm vì tiếng đàn. Tôi phải suy nghĩ quá nhiều. Với độ tuổi hiện tại của tôi đáng nhẽ không nên nghĩ nhiều như vậy. Nhưng sự buồn khổ cực độ trong tiếng đàn dương cầm ấy khiến tôi phải đưa ra một quyết định chính xác nhất – tôi sẽ vào ngôi nhà phát ra tiếng đàn ấy. Nghe có vẻ điên rồ, bởi vì tôi chưa từng nghĩ mình sẽ vào trong ấy, nhưng chuyện xảy ra mấy ngày nay khiến tôi không còn lựa chọn nào khác nữa.
           Tôi đẩy cổng, cánh cửa rêu xanh cũ kĩ phát ra tiếng cót két già cỗi. Có lẽ chưa ai vào đây rất lâu rồi. Khoảng vườn rộng không có cây trồng, đất cũng bị nứt nẻ. Cánh cửa gỗ màu nâu đã cũ kĩ vô cùng. Bụi bặm mịt mù trong nhà khiến tôi ho khan liên tục. Mọi đồ vật trong nhà này đều đã phủ vải trắng. Tiếng đàn lại vang lên lần nữa. Lần này tôi nghe rất rõ, liền vội vàng đi theo giai điệu để tìm ra chủ nhân của nó.
           Tiếng đàn rõ hơn ban nãy, tức là tôi đã đến gần nó hơn. Tôi dừng lại ở một căn phòng có cánh cửa thiết kế theo phong cách Châu Âu, đẩy cửa ra, tiếng đàn im bặt. Một bóng dáng vừa lạ vừa quen mà tôi thấy cách đây mấy ngày xuất hiện – cái bóng dáng cao kều gầy guộc. Là một cậu con trai. Tay cậu ta đang dừng trên phím đàn dương cầm, toàn thân bất động. Thì ra căn nhà này cũng có người ở. Nhưng tại sao chủ nhân căn nhà này chưa từng ra ngoài?
          “Này, cậu… ừm, không sao chứ?” Vào nhà người khác mà hỏi câu này, quả là rất kì quái: “Xin lỗi nhưng tôi chỉ muốn tìm hiểu xem tiếng đàn mấy ngày nay tôi nghe được là của ai thôi. Làm phiền cậu rồi.”
           “Cậu… nghe thấy được tiếng đàn của tôi?” Cậu ta hỏi tôi. Đầu cậu ta dần dần quay lại. Tôi đã nghĩ mình sẽ thấy một khuôn mặt vô cùng kinh dị như trong các bộ phim ma nhưng tôi đã lầm. Đó là một khuôn mặt rất đẹp trai, tuy nhiên hơi gầy và có quầng thâm ở mắt, môi thì tím ngắt.
         “Ưm… đúng vậy. Nhưng… tại sao bạn tôi lại không nghe thấy chứ?”
        Cậu ta đứng dậy, đeo vào một cái găng tay trắng, sau đó gõ tay vào phím đàn, không âm thanh nào được phát ra ngoài tiếng “cạch” rất nhẹ.
         “Cậu có thể gõ vào nó không?” Vừa nói, cậu ta vừa vân vê bông cẩm chướng tím trên thành dương cầm.
          Tôi tiến tới gõ tay vào nó, đó là nốt sol và nó đã phát ra đúng âm điệu của nốt ấy. Tôi mở to mắt không tin nổi nhìn cậu ta. Cậu ta đánh nhưng không hề phát ra tiếng đàn, nhưng tôi chạm thì lại có.
         “Đó chính là khả năng đặc biệt của tôi. Khi tôi dùng tay không chạm vào đây, nó sẽ phát ra tiếng nhạc chỉ một số người mới nghe được. Còn nếu đeo bao tay, sẽ chẳng có tiếng gì hết. Cậu rất đặc biệt!”
          Cậu ta là người thứ hai nói tôi đặc biệt.
          “Tôi tên Vân. Cậu tên gì?”
          “Cầm Phong.”
       Cầm trong dương cầm, Phong trong phong linh. Dương cầm chính là tiếng đàn cậu ấy hay chơi. Phong linh nghĩa là chuông gió…
         Tôi ngồi xuống chiếc ghế chơi đàn, gõ gõ lên vài phím rồi hỏi:
         “Tại sao tiếng đàn cậu chơi lại thống khổ tới như vậy?”
         “Cậu thực sự muốn biết sao?”
         Tôi khẽ “ừ” một tiếng.
        Cơ thể Cầm Phong dần dần trở nên trong suốt, bay lên không trung, những cánh cẩm chướng tím bay xung quanh cậu ta. Nhất thời, lòng tôi vô cùng rối loạn:
         “Cậu… tại sao lại…?”
        Cầm Phong ngước nhìn tôi, nụ cười của cậu ta bỗng chốc trở nên chẳng khác gì kẻ đau khổ luôn sống trong đau khổ:
         “Tôi không còn sống đâu, đáng nhẽ đã biến mất khỏi thế gian này hai năm trước rồi. Chỉ là, còn chút chấp niệm thôi.”
          Lòng tôi hơi nhói lên:
        “Liệu tôi có thể biết chuyện gì đã xảy ra được chứ?”
        Cậu ta hơi gật đầu, rồi đặt tay lên trán tôi. Vụt một cái, tôi liền thấy mình đang ở một không gian khác. Căn phòng tôi đang đứng lúc trước bây giờ trở nên mới mẻ, sạch sẽ và cực kì đẹp. Không hề có chiếc dương cầm nào ở đây hết. Tôi mở cửa phòng đi ra ngoài, tiếng đàn quen thuộc lại vang lên. Nhưng nó không hề có nỗi buồn man mác hay sự bi ai nào hết. Nó cứng nhắc, theo quy luật, không hề có cảm xúc, thật sự rất tẻ nhạt. Tôi theo lối đi lúc trước mà tìm được nơi phát ra tiếng đàn. Một cậu bé rất nhỏ chừng mười đến mười một tuổi đang lướt nhịp nhàng trên những phím đàn một cách điêu luyện. Trên thành dương cầm còn đặt một bông cẩm chướng tím.
        “Cậu chủ, cậu nghỉ ngơi một chút đi.” Tôi ngoảnh lại đằng sau, một cô hầu gái đang chạy về phía tôi.
         Tôi còn chưa kịp tránh, cô ta đã chạy vụt qua tôi. Cô ta… không hề nhìn thấy tôi. Dù hơi bất ngờ, nhưng khi thấy cơ thể mình trong suốt, lại còn có thể cho tay xuyên qua bất kỳ đồ vật nào, tôi liền biết, mình đang ở trong vùng ký ức của Cầm Phong.
         Cậu bé ngồi trên ghế chơi đàn quay mặt lại, khuôn mặt nhìn không ra một chút cảm xúc. Tôi nhận ra gương mặt này. Đó không ai khác ngoài Cầm Phong. Cánh cửa nhà mở toang, một người phụ nữ quý phái mặc váy đỏ hối hả chạy vào, ôm chầm lấy Cầm Phong rồi nói:
         “Con trai, nghe mẹ này, con phải trốn đi. Sau này mẹ không thể ở bên con được nữa. Nhưng mẹ đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng, khiến cha con tổn thương. Vậy nên, con phải thay mẹ tôi trả lại tất cả cho ông ấy.”
         Sau đó người phụ nữ đẩy Cầm Phong về phía nữ hầu, phất tay ý bảo tìm chỗ trốn. Cánh cửa nhà mở lần nữa, người đàn ông mặt mày bặm trợn, đau đớn xen lẫn tức giận cầm trên tay một con dao chạy vào.
         “Con đàn bà phản bội!” Ông ta đưa tay lên đâm liên tục hai nhát vào người phụ nữ váy đỏ ấy. Tôi nhìn về phía chỗ trốn của Cầm Phong, là hầm bí mật dưới cầu thang. Ở đó, qua khe hở nhỏ, Cầm Phong đã nhìn thấy tất cả. Sau khi người phụ nữ ngã xuống, người đàn ông hét lên một tiếng, liền dùng dao tự kết liễu chính mình. Chết ngay tức khắc.
        Tôi che miệng mình lại, quỵ xuống sàn. Lòng như một mớ len hỗn độn không có nút gỡ. Tuy chỉ là người chứng kiến, mà tôi còn cảm thấy xót xa, huống gì… Cầm Phong lại là người từng trải. Ra đây chính là quá khứ của Cầm Phong. Không trách được tiếng đàn của cậu ấy đau khổ như thế.
         Cửa hầm bí mật mở ra, Cầm Phong chậm rãi bước chân về phía hai cái xác. Mặt cậu ta đờ đẫn, không đau đớn, cũng không khóc như tôi nghĩ. Cậu ta ngồi xuống bên mẹ mình, nhìn đôi môi mấp máy của bà.
        “Cầm Phong, nhớ kĩ. Con phải trả hết tội lỗi thay mẹ. Từ nay con sẽ ở trong chính căn nhà này, chơi đàn cho tới khi có người vào đây tìm con. Con mới được giải thoát. Nhớ kĩ, nhớ kĩ… Cầm…”
         Người phụ nữ lệch mặt sang một bên, trút hơi thở cuối cùng. Cho tới khi chết, bà ta vẫn nhắc con trai mình phải đền tội. Đúng thật là người mẹ không có lương tâm.

      “Thật buồn cười, gia đình này không ai yêu thương tôi hết. Tôi sống ra sao, họ nào có quan tâm? Mẹ phản bội cha, và giờ bắt tôi đền tội ư? Tại sao lại luôn là tôi? Họ đâu có quan hệ gì tôi mà tôi phải làm những việc đó? Tôi không muốn trở thành con rối trong tay mẹ mình nữa. Tôi muốn sống cuộc sống của chính mình... Coi như lần đền tội này, tôi trả hết bao năm họ kiếm tiền, và cho tôi chút tận hưởng gọi là cuộc sống đi...”
        Suy nghĩ của Cầm Phong loáng thoáng bên tai, tôi còn chưa kịp hiểu ý cậu là gì thì tôi đã thấy cậu ấy ngã xuống. Bất động trên sàn lạnh. Trên ngực cậu ấy là một con dao nhỏ, nhưng sắc bén. Cầm Phong… tự tử.
       Vụt một lần nữa, tôi trở về không gian cũ. Cầm Phong ngồi trong góc tối, môi mím chặt, mắt nhắm lại. Cậu ấy đang tự gặm nhấm nỗi đau ấy một mình.
        “Cậu được giải thoát rồi Cầm Phong, nhanh đi đi.” Tôi cười.
         Cầm Phong ngước lên, cũng nở nụ cười nhìn tôi:
         “Vân, trước khi đi tôi muốn hỏi một chuyện. Bố mẹ đối xử tốt với cậu chứ?”
        “Họ là những người không bao giờ ngừng yêu thương tôi, và tôi cũng rất yêu bố mẹ của mình.”
       “Hãy luôn trân trọng điều đó nhé, đừng giống tôi. Không có ai thương mình, đau lắm.” Cầm Phong nhắm mắt, hoa cẩm chướng bay quanh người cậu ta. Sau đó khắp người cậu ta được bao bọc bởi một lớp ánh sáng ảo diệu, rồi biến mất hẳn.
         “Thời tiết hôm nay thật tốt, không biết ngày mai sẽ ra sao nữa!” Tôi tự nhủ với bản thân rồi bật cười, trong lòng có chút háo hức chờ đợi ngày hôm sau.
         Tôi đi ra khỏi ngôi nhà ấy. Hàng dã quỳ vẫn ửng đỏ như ngày nào. Không còn tiếng đàn nữa. Chỉ còn tiếng gió cùng tiếng chuông leng keng va chạm vào nhau.
Fuji

Siboney-Connie Francis

Siboney (Guitar) Vô Thường

Tiếng Đàn Tôi

Tiếc nuối
Sợi dây đàn vụt đứt,
Chia tay anh đi xa...
Nhưng tơ lòng đâu dứt ?
Tình cũng chẳng phôi pha !!

Ngày ra đi từ giã,
Anh hứa sẽ quay về...
Thay dây đàn đã dứt,
Dạy nốt Siboney !

Anh không còn trở lại,
Dạy em khúc nhạc xưa...
Nhưng em hoài nhớ mãi !
Tình anh thuở ngây thơ....!!
NM

Kết quả hình ảnh cho nhạc và hoa

           Sợi dây đàn thất lạc

Thằng cháu ngoại học hát ở trường được cô giáo hát cho nghe một lần bài Siboney. Cu cậu cứ thế lẩm nhẩm theo giai điệu bài hát suốt trên đường từ lớp về nhà. Nó kì kèo, bà phải dạy con bài hát này đi!
Được rồi, để bà về tìm đĩa hát nghe lại đã!
Đã 45 năm kể từ lần đầu tiên tôi được nghe giai điệu bài hát này. Đó là vào mùa đông năm 1971. Khi tôi vừa tròn 13 tuổi.
Nhà tôi nằm trên một con phố nhỏ đìu hiu gần ngã sáu thành phố cảng. Phía bên kia đường là một cái chợ cóc bán rau cỏ vào lúc sáng sớm. Máy bay Mỹ đã tạm ngừng ném bom miền Bắc nhưng thành phố của tôi vẫn nằm trong tình trạng bị đe dọa. Nó luôn là mục tiêu đánh phá được “ưu tiên” hàng đầu trong nhiều năm. Mọi sinh hoạt nhộn nhịp phố phường buộc phải diễn ra vào lúc sáng sớm. Mặt trời lên là chấm dứt mọi tụ tập đông người. Mẹ thường sai tôi sang mua rau ở cái chợ ấy.
Kì lạ thay, giữa cảnh bán mua vội vã trên đoạn phố xám xịt màu áo quần công nhân và những gương mặt người lo toan vất vả bỗng nghe văng vẳng tiếng đàn guitare bập bùng đâu đó vọng ra từ một căn nhà tối om. Tiếng đàn như có một ma lực hấp dẫn níu bước chân tôi dừng lại mỗi sáng. Dần dà, tôi mon men đến bên khung cửa tối ngó vào. Một chàng trai gầy gò trắng trẻo trạc 17 tuổi ôm cây đàn ngồi say đắm thả ra những hợp âm sôi nổi của “Bài ca hi vọng”. Tôi nghe hết bản nhạc định bước chân ra về chợt lại thấy vang lên giai điệu bản “Đồng xanh” và “Siboney” đang thịnh hành. Những giai điệu thong thả và dồn dập cuốn hút như không dứt ra được.
Một buổi sáng như thường lệ, tay xách mớ rau tôi lại nương theo tiếng đàn len lén đến bên khung cửa ấy. Thoáng thấy bóng tôi, chàng trai buông đàn bước ra tươi cười,
Em có thích nhạc không, có muốn học đàn không?
Có! Tôi vội vã đáp có chút lưỡng lự. Nhưng em không biết nốt nhạc!
Không sao, anh cũng chẳng biết. Chỉ được bạn bè dạy truyền tay thôi. Nếu em thích anh cũng có thể dạy truyền tay cho em những gì anh biết!
Tôi e thẹn gật đầu vội vã. Vậy là ngày ngày đi học về tôi sang nhà anh bắt tay vào những buổi học đầu tiên. Bản nhạc đầu tiên tôi rất muốn học chính là bản Siboney. Cô bé bướng bỉnh là tôi lúc ấy khăng khăng đòi học Siboney ngay lập tức dù rằng anh đã khuyên đó là một bản rất khó. Kệ. Với một người lần đầu tiên cầm cây đàn như tôi thì độ khó của tất cả các bản nhạc là như nhau.
Anh chăm chú chơi từng đoạn ngắn. Cứ sau một đoạn như thế lại chuyển cây đàn sang cho tôi. Đúng là một thử thách kinh hoàng. Phần dạo đầu của Siboney là những nốt cao vút nằm mãi phía cuối cần đàn. Bàn tay nhỏ bé chới với của tôi sưng phồng, đau rát.
Rất may, ít ngày sau bố thấy tôi ham mê học đàn, ông đã mượn ở thư viện cơ quan trên Hà Nội mang về cho tôi một cây đàn cũ. Cây đàn guitare khuyết góc dành cho trẻ con và những người có ngón tay không đủ dài. Tôi miệt mài hàng tháng trời trên cây đàn ấy. Nhưng đúng là đàn cũ không phù hợp với người mới tập như tôi. Chiếc dây mi sắt mỏng manh đứt phựt. Tôi khóc thành tiếng. Tìm đâu ra một sợi dây đàn trong thời chiến ở cái thành phố lam lũ này. Anh đề nghị đổi đàn cho tôi tập. Nhưng tôi không dám tự tiện. Đây là chiếc đàn của cơ quan bố. Ông đã dặn phải tuyệt đối bảo quản giữ gìn. Trầm ngâm một lúc, anh gỡ chiếc dây sắt trên đàn của anh thay sang đàn tôi. Nhưng thật đen đủi. Chiếc dây cũng đứt ngay khi còn chưa lên đến đúng nốt mi.
Chiếc đàn của tôi đã treo lên tường được mấy hôm rồi. Ngày ngày tôi sang nhà nghe anh chơi đàn bằng năm sợi dây còn lại. Chỉ nghe thôi. Tôi không thể làm gì với cây đàn thiếu dây ấy được. Nhưng thật lạ. Những bản nhạc vẫn vang lên dưới ngón tay anh không hề thiếu nốt. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không thể nào hiểu được. Lúc ấy chỉ thấy anh buồn. Thường lén nhìn trộm tôi. Chưa có khái niệm về những tình cảm nam nữ nhưng tôi cũng bắt đầu thấy tim mình hơi loạn nhịp. Cũng chẳng hiểu sao lại thế. Anh cũng không một lời giải thích. Lại thỉnh thoảng bảo tôi nên về sớm. Thế nhưng khi tiễn tôi về bên nhà rồi anh vẫn còn nấn ná hồi lâu trước cổng.
Một tháng sau, anh nhắn tôi sang nhà học tiếp vì đã kiếm được dây đàn. Bước chân sang đến cửa, tôi chợt thấy trong nhà rất đông người. Anh chậm rãi đón tôi ngoài bậc cửa,
Em vào đây, ngày mai anh đi rồi. Anh sẽ tìm mua dây đàn cho em!
Hóa ra chiếc đàn vẫn chưa có dây. Anh chỉ muốn mời tôi sang nhà để chào từ biệt. Tôi vẫn nghĩ anh sẽ ra nước ngoài. Quay lại Tân Đảo nơi anh sinh ra và lớn lên. Nhưng không. Anh tình nguyện nhập ngũ. Cảm giác trong tôi thật xốn xang khó tả. Lấy hết can đảm, tôi ngồi lại uống nước cùng gia đình và bạn bè của anh. Anh ngồi bên tôi cười đùa an ủi,
Anh sẽ đi vài năm rồi về. Lấy vợ sinh con. Con anh sẽ xinh đẹp, sẽ có đôi mắt to và chiếc lúm đồng tiền như em bây giờ đấy!
Sao lại thế nhỉ? Tôi xinh đẹp đến thế ư? Bố vẫn bảo tôi vừa đen vừa gầy như cái que cời than. Thỉnh thoảng tôi có lén mẹ soi chiếc gương sứt mẻ treo cạnh chạn bát. Bố tả tôi thế cũng không có gì oan uổng. Tôi giống bố đến cả nước da chiến trận chín năm kháng chiến chống Pháp của ông. Chẳng cần nhìn thì ông cũng có thể miêu tả tôi thông qua hình ảnh của chính mình.
Anh có lẽ là người đầu tiên cho tôi biết về nhan sắc của mình. Giờ thì tôi biết còn hơn thế, anh đã cho tôi niềm tin về nhan sắc ấy suốt mấy chục năm sau đó.
Tôi xin phép anh ra về. Hẹn với anh ngày về sẽ dạy tiếp cho tôi bản nhạc Siboney mà tôi đã chơi được khúc dạo đầu. Anh im lặng dõi theo từng bước chân tôi về bên kia phố. Nơi cây phượng già đang trút những nụ hoa đỏ cuối cùng tan tác trên lối đi. Tôi ngoảnh đầu lại. Anh vẫn đứng trên bậc thềm như hóa đá.
Thời gian vùn vụt trôi. Tôi cùng gia đình chuyển lên Hà Nội sinh sống. Tôi hầu như đã quên hẳn bản nhạc Siboney và người thày đầu tiên dạy mình chơi guitare. Chỉ đến khi tôi bước chân vào giảng đường Trường Sư phạm nhạc họa mới chợt nhớ lại. Tôi tức tốc lục tìm trong thư viện nhà trường được bản nhạc ấy. Và mang ra tập. Kí ức lại cuồn cuộn đổ về. Phần dạo đầu của bản nhạc tôi chơi khá mạch lạc ngay từ những hợp âm đầu tiên. Nhưng thật lạ, tôi không bao giờ chơi được hết bản nhạc ấy. Chỉ xong phần dạo đầu là lại thấy hình bóng anh đứng bên bậc cửa phía bên kia đường dõi mắt nhìn sang. Nghiêm nghị. Tiếc nuối. Bàn tay tôi cứng lại. Trí nhớ vụt tan biến nhạt nhòa trên bản nhạc chi chít những nốt đen như đàn kiến chạy mưa. Anh đang ở đâu? Giải phóng miền Nam đã hơn một năm rồi. Anh có về lại thành phố quê nhà? Tôi vẫn bặt tin. Đến lúc ấy tôi mới lờ mờ nhận ra những rung động từ trong sâu thẳm. Lờ mờ hiểu ra lời nói đùa của anh trước lúc lên đường. “…Anh sẽ lấy vợ. Sẽ sinh đứa con gái đầu lòng xinh đẹp có đôi mắt to và chiếc lúm đồng tiền như em…!”.
Nhiều năm sau tôi ra nước ngoài học tập. Kết hôn. Và sinh ra các con tôi bây giờ. Chẳng đứa nào có cái má lúm đồng tiền như tôi cả. Hình như đó không phải là mong ước của bố chúng? Tôi vẫn bặt tin anh. Cho đến một ngày cuối đông sau giải phóng gần chục năm, có một người đàn bà lam lũ đến gõ cửa nhà tôi. Phải mất một lúc lâu tôi mới nhận ra đó là người chị ruột của anh. Chị cầm trên tay một xấp phong bì màu giấy đã ố vàng. Tôi vội vã mời chị vào nhà. Run rảy. Có một luồng điện buốt giá chạy dọc sống lưng báo hiệu điềm không lành. Chị ngồi im lặng ngắm nhìn cơ ngơi làng nhàng của một công chức bậc thấp ở thành phố và buông tiếng thở dài não nuột,
Chú ấy gửi thư về địa chỉ cũ nhà em mà không có ai nhận, người ta lại chuyển sang cho chị!
Tôi đón tập thư trong tay chị mà nước mắt đã bắt đầu chảy dài trên má.
Hơn ba chục lá thư tôi đọc ngấu nghiến trong khoảng nửa giờ. Trong những khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh, những lá thư được viết nắn nót như lời thì thầm của anh về trận chiến vừa qua. Về quãng đường gian khổ Trường Sơn anh cùng đồng đội băng rừng vượt suối. Về ngày hòa bình òa vỡ niềm vui…Bức thư cuối cùng trên tay tôi có một vòng dây thép lăn tròn ra mặt bàn. Anh viết “Anh đã mua được sợi dây đàn cho em hôm vào tiếp quản Sài Gòn…”. Nước mắt tôi lại thêm một lần nữa rơi ướt hai vạt áo.
Chị kể, anh đã hi sinh sau ngày giải phóng ít lâu khi đơn vị hành quân qua một bãi mìn cũ còn sót lại. Bức thư có sợi dây đàn anh chưa kịp gửi. Đơn vị anh đã tìm về tận nhà trao lại chiếc ba lô với toàn bộ kỉ vật của anh cho gia đình. Giờ thì nó là kỉ vật của tôi. Sợi dây đàn ấy vĩnh viễn nằm trong ngăn trí nhớ trang trọng nhất của tôi đã nhiều năm cùng với bản nhạc Siboney còn dang dở.
Nguyễn thị Minh Thám

Hoài cảm

Tình lặng

Tiếng lòng em đã trót trao,
Nào hay lỗi nhịp, đau lòng sinh ly !
Em về ôm khối tình si,
Chắt chiu kỷ vật khắc ghi ân tình...
NM

Tiếng đàn 1
Dựng chiếc xe đạp vào xó tường, Mão nằm dài trên chiếc giường tre dưới buổi trưa hè nóng cháy, mắt nhìn lên trần nhà thở phào một tiếng và nói thầm trong bụng:
“Phẻ. Từ đây mình không còn lo sợ gì nữa, ít ra cũng là sĩ quan.”
Sáng hôm nay Mão chạy xe lên đường Nguyễn Bĩnh Khiêm, vào trường Võ Trường Toản bên cạnh Bộ Giáo Dục để xem kết quả kỳ thi Tú Tài đôi. Sân trường Võ Trường Toản người đông hơn đi xem hội, những khuông mặt buồn vui lẫn lộn. Sau một hồi chen lấn Mão nhìn thấy tên mình đã được “Bảng hổ đề danh”. Vậy là xong, Mão ra sân lấy xe chạy về báo tin vui cho Mẹ và các em. Nhưng thật ra, trong lòng Mão không lấy gì hồi hộp hay hớn hở, vì trong thời gian qua Mão đã bỏ quá nhiều thì giờ để chuẩn bị cho kỳ thi này. Ngược lại, khi rời khỏi khuôn viên trường Võ Trường Toản lòng Mão không còn thấy vui!
Cuộc đời học sinh của Mão đã đi qua!
Chiếc xe đạp đổ xuống dốc băng ngang qua sở thú rồi quẹo trái vào đại lộ Thống Nhất (Lê Duẫn), lòng vòng trên những con đường ở quận Nhất đưa Mão về hướng Nhà Bè. Hai bánh xe quay đều và chậm. Chậm như cuốn phim cuộc đời học trò của Mão đang quay chậm. Những năm tháng “mài đũng nhà trường” đã để lại cho Mão biết bao kỷ niệm. Bên cạnh những năm tháng phá thầy phá bạn là những tuổi hồn nhiên, rồi những năm vào đệ nhị cấp với những cái đá lông nheo, những cái liếc mắt đưa tình. Nhưng khi hiểu được thế nào là yêu, là trăng trở, là khoảng thời gian giữa hai buổi học sao dài lê thê, thì Mão lại ơ thờ với tình yêu. Hay nói đúng ra là không dám yêu ai!
Sau này có những lúc Mão ngồi suy tư về một người con gái tên Cúc. Cúc học chung với Mão năm đệ Tam trường Tân Văn. Hằng ngày Cúc phải lấy xe lam từ Hóc Môn lên Sài Gòn để học. Chặng đường từ Bà Điểm Hóc Môn về chợ Bà Đũi dài và có những đoạn chỉ toàn ruộng lúa. Thời đó mỗi lần qua khỏi trung tâm huấn luyện Quang Trung là xe phải chạy thật mau để khỏi bị “bắn sẽ”. Và nhiều lần Cúc phải bỏ lớp, mỗi lần như vậy Cúc lại tìm Mão:
- Cho Cúc mượn tập về chép bài hôm trước được hông?
- Được chứ, mà sao hôm qua Cúc không đi học?
- Đi, mà đâu có đến trường được.
- Sao vậy?
- Đường bị “đắp mô” xe không dám chạy qua nên đành phải quanh về.
- Tập vở của Mão đây, Cúc mang về chép đi, tuần sau trả cũng được.
Lần cuối Cúc mượn tập vở của Mão về chép bài và khi trả lại Cúc tặng Mão cuốn sách Con Trâu của Trần Tiêu. Trong cuốn sách nằm im lìm một trái tim cắt bằng giấy màu đỏ. Nhưng khi Mão lật từng trang sách và khám phá ra trái tim với lá thư ngắn ngủi có vài dòng chữ đơn sơ, thì Cúc không còn tiếp tục học cùng trường nữa. Mão mĩm cười và nhớ về người con gái dể thương: “Không biết lúc này Cúc lưu lạc nơi đâu?” Rồi tự dưng Mão thầm trách: “Vô lý, có chữ e đàng hoàng nhưng sao chữ “iu” của Cúc không có chữ e. Sao Cúc nói “iu” mà không cho người ta biết, sao mấy lần trước mượn bài vở Cúc không bỏ thư trong đó mà để đến lúc không còn gặp nữa mới bỏ vô, vậy giờ làm sao? Nhưng thôi, anh Hùng nói không lo học thì khi đi thi sẽ bị rớt.” Và rồi Cúc cũng không còn trở lại.
Những tháng ngày kế tiếp Mão chỉ biết vùi đầu vào sách vở. Và ngoài kia chiến trường càng ngày càng sôi động!
Lớn lên trong thời chiến, tuổi thơ của Mão cũng bị lu mờ theo khói lửa! Hằng ngày Mão vẫn được nghe lời thầy giáo giảng dạy, rằng là văn chương thế kỷ 19 là một vườn hoa muôn màu sắc. Những bài thơ, những tư tưởng của tiền nhân lần lượt được đưa vào sách vở làm những món ăn tinh thần và nung nấu ý chí của người trai. Những lời ca tụng con đường công danh sự nghiệp như: “Tướt hữu ngũ sĩ cư kỳ kiệt / Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên.” Hay “Làm trai cho đáng nên trai / Xuống Đông, Đông tĩnh / Lên Đoài, Đoài tan” đã thấm nhuần vào suy tư của những người học sinh thời loạn. Hay có lẽ, những kỳ thi Tú Tài trong thời chiến trở nên quá khó nhằm đánh rớt thí sinh để cung cấp cho chiến trường, đã làm người học sinh phải lo chăm học hơn. Và từ đó những cuộc tình ngây thơ của tuổi học trò cũng dừng lại bên cổng nhà trường.
Nắm mảnh bằng trong tay, và nhất là tờ giấy hoãn dịch vì học vấn, Mão thấy mạnh dạn hơn mỗi lần muốn bước chân ra khỏi thành phố Sài Gòn để ngắm nhìn vẽ đẹp của quê hương.
Từ sáng sớm Mão thức dậy và lấy xe đò chạy về bùng binh Sài Gòn. Chiếc Peugeot trên tuyến Nhà Bè - Sài Gòn ngừng lại ở bùng binh Tân Thuận bốc thêm khách xong lướt chạy lên cầu Tân Thuận. Cây cầu được xây cất từ thời Pháp thuộc nay đã già, cũ kỷ, nên không còn quay như ngày xưa. Ngồi trên chiếc xe chật ních Mão đưa mắt nhìn con sông Sài Gòn nước đang dân cao. Trên sông những chiếc xuồng con đưa mái chèo chở những mặt hàng thủ công, bập bềnh bên cạnh những con tàu buôn khổng lồ, để bán cho những người thủy thủ xa lạ. Chiếc xe vụt chạy, hình ảnh những chiếc xuồng con đi tìm cuộc sống mờ dần trên bến sông.
Đến bùng binh Sài Gòn trời vẫn còn sớm, Mão lấy chuyến xe đi Mỹ Tho. Chiếc xe đò chạy boong boong trên đường Trần Quốc Toản (3 Tháng 2) về xa cảng miền Tây đi Bến Lức. Qua khỏi Bến Lức là khu ruộng đồng trống, nơi mà hằng ngày thường xảy ra những vụ bắn sẽ. Nhìn những gốc rạ nằm trơ trọi trên những đám ruộng khô cháy Mão chợt nhớ đến Cúc. Trên đoạn đường này, những năm trước xe đò chở kành khách nhiều khi phải quay đầu trở lại. Hôm nay những gốc rạ cháy khô, nằm im lìm nhìn con gió lốc thổi qua từng hồi, nghe như tiếng hú của con chó sói trong tiếng đàn nhạc dạo mở đầu cho cuốn phim The Good, The Bad and The Ugly. Những gốc rạ này một thời là nhân chứng cho những giây phút hãi hùng. Chiếc xe đò của Mào chạy vùn vụt băng qua “cánh đồng chết”, người ta vẫn gọi như thế, để đến Tân An. Rồi từ đó xe quẹo trái chạy về ngã ba Trung Lương đi Mỹ Tho.
Chiếc xe đò trong cơn gió sớm đưa khách về thị xã Mỹ Tho. Hai bên đường là những cánh đồng lúa xanh ngát trãi dài đến ngoài tầm mắt của Mão. Mùa Hè lúa đã lên cao, những ngọn lúa cúi đầu chào đón gió mới, không chút thẹn thùng mà lại phấn khởi, như tâm hồn của Mão hôm nay. Rồi chiếc xe đò cũng đến bờ sông Tiền.
Nằm bên đây bờ sông Tiền là thành phố Mỹ Tho, bên kia là thị xã Bến Tre. Nối liền hai bờ là con phà Rạch Miễu. Mão xuống xe bước vào chợ Mỹ Tho bên cạnh phà Rạch Miễu xem cảnh người buôn bán và mua một ít đồ dùng. Mặt trời gần đứng trưa, cảnh tấp nập của ngôi chợ bên bến sông không còn như buổi sáng. Mão quay trở lại bến phà. Nơi đây sông Tiền rộng lớn, nước chảy mang nhiều phù sa làm cho dòng sông có màu vàng đục. Đứng trên bến phà nhìn ra trước mặt là cồn Phụng xanh um, còn gọi là cù lao ông Đạo Dừa vì nơi đó có xây chùa ông Đạo Dừa tức Nguyễn Thành Nam, người kỷ sư Hóa Học Pháp. Phà Rạch Miễu lúc nầy đã đông khách. Trong những người khách qua phà có rất nhiều nữ sinh trung học. Những người nữ sinh miền sông nước ăn mặc rất đơn sơ mà mặn nồng, áo bà ba trắng với quần lĩnh đen, tay ôm cặp sách, nón lá che vành mắt đã tô đậm nét đẹp dịu hiền của một miền quê mang đầy phù sa. Mão bước xuống phà theo đoàn người qua bên kia bờ sông. Trong tiếng cười nói vui nhộn của đám nữ sinh Mão chợt dừng đôi mắt và vui mừng reo lên:
- Cúc. Cúc làm gì đây?
- A! Mão. Mão đi đâu dưới nầy? Ngộ nhen.
- Mão đi chơi, đi xem chùa ông Đạo Dừa. Còn Cúc đi đâu đây?
- Cúc đi học.
- Sao lạ vậy, sao tự nhiên Cúc không đi học trên trển nữa?
- Năm đó tự nhiên Ba Cúc bị thuyên chuyển về Mỹ Tho công tác nên Cúc phải nghỉ học ngang xương vậy đó.
- Thì ra là vậy. Mão không biết chuyện gì mà không thấy Cúc đi học, nên lo.
- Mão đi qua chùa ông Đạo Dừa hả, bên kia kìa.
- Mão đọc cuốn sách Con Trâu của Cúc tặng rồi.
- À! Cuốn sách đó hả …….?
Cúc nói trong thẹn thùng, mặt quay đi chỗ khác. Ánh mắt sáng ngời và khuôn mặt vui tươi vừa ngạc nhiên gặp Mão chốn nơi nầy tự dưng trầm xuống khi nghe Mão nhắc đến cuốn sách nàng tặng Mão ba năm trước. Có lẽ nàng thẹn thùng cho sự vụng về của mối tình thầm lặng tuổi thơ. Nàng vừa dứt lời thì chiếc phà cũng vừa cặp bến.
- Nhà Cúc ở đâu? Cho biết được không?
Cúc bước chân theo đám bạn rời chiếc phà đứng trên bờ sông, nhìn Mão.
- Nhà Cúc? Trước khi đến chợ Mỹ Tho Mão thấy căn nhà bên mặt lộ có nhiều cây nhản lồng trước sân đó. Chúc Mão đi chơi vui nha.
Nói xong nàng thả bộ trên con đường đất đến trường cùng đám bạn. Mão nhìn theo những tà áo bà ba bay sau chiếc nón lá, rồi quay đầu bước chân đến bờ sông. Khi bóng dáng Cúc khuất dần sau rặng tre, Mão bước xuống đò để qua cồn Phụng.
Con đò vừa nổ máy một lác sau đã cặp bờ bên kia. Con đường vào chùa ông Đạo Dừa là một lối đi nhỏ có nhiều dừa trồng hai bên. Người dân nơi đây vét phù sa từ sông Tiền đắp lên những gốc dừa bên lối đi để làm “phân bón” cho dừa. Gốc, rể dừa nằm dưới nước và quanh năm hút phù sa từ sông nước nên dừa nơi đây nổi tiếng tốt và nhiều. Đó cũng là một cái khéo của người dân Nam Bộ.
Con đường từ bến đò đến chùa ông Đạo Dừa không quá 500m. Dọc bên lề đường là những căn nhà lá nhỏ, lụp xụp, mà hầu hết những người sống trong đó là những thanh niên, tóc dài, tín đồ ông Đạo Dừa. Họ ở tuổi quân dịch nhưng không đi lính và nơi đây là nơi chống cộng nỗi tiếng. Mão bước chân trên con đường nhỏ mà dường như lúc nào cũng có con mắt theo dõi sau lưng của những đứa con nít trong xóm. Vào khuôn viên chùa là cả một khu “nhà sàn” được xây trên vùng sông nước. Hoa viên của chùa rông lớn, nền làm bằng những tảng xi măng và trong hoa viên có nhiều loài hoa. Từ trong nội thất đến ngoài hoa viên có những cây trụ to, cao, có vấn hình rồng phụng kiểu cung đình vua chúa, màu vàng, xanh, trông rất đẹp mắt. Kiến trúc của chùa do chính ông Đạo Dừa thiết kế xây dựng.
Mặt trời bắt đầu ngã bóng về chiều, Mão rời khuông viên nhà chùa để trở về Sài Gòn. Chiếc phà Rạch Miễu cặp bến bên bờ Mỹ Tho, Mão bước xuống tìm về bến xe đò. Đang lức láo trên bến xe thì có tiếng gọi tên mình, Mão quay lại:
- Cúc không đi học sao?
- Cúc bỏ lớp sau giờ ra chơi về đây đợi Mão. Mão đến nhà Cúc chơi cho biết nha.
Từ lúc gặp Cúc trên con phà Rạch Miễu, Mão rão bước ngoạn cảnh mà dường như tâm tư lúc nào cũng nhớ đến tiếng nói nụ cười của Cúc. Và nhớ luôn cả ánh mắt của Cúc những ngày năm xưa mỗi lần Cúc đến mượn bài vở. Ngày đó và bây giờ, có lâu lắm đâu mà sao Mão vẫn không biết nói gì khi đối diện Cúc.
- Sao Cúc biết Mão sẽ trở lại con đường này.
- Mão xem đi, ngoài con đường này ra Mão còn con đường nào khác về Sài Gòn đâu!
- Nhà Cúc ở đâu?
- Kia kìa, Cúc chỉ tay về ngôi nhà bên đường. Chỗ có mấy cây nhản lồng đó.
- Gần quá hả, đi.
Mão bước bên cạnh Cúc đến căn nhà bên mặt lộ. Căn nhà nhỏ, sân trước được trồng nhiều nhản lồng. Những chùm nhản sum sê màu vàng nhạt đu đưa trên cành làm những ai nhìn cũng thấy thèm thuồng! Cúc với tay hái một chùm nhản trao cho Mão và nói:
- Mão ăn nhản xem có ngon không. Chắc Mão thi đỗ kỳ này rồi phải không?
- Mão đỗ rồi nên mới có thì giờ rãnh đi chơi đây. Cúc gián đoạn một năm phải không?
- Ừ, Cúc mất một năm vì phải theo gia đình di tản xuống đây. Nhưng không sao Cúc là con gái mà, đâu bắt buộc phải học đúng tuổi để khỏi bị nhập ngũ như bên con trai đâu.
- Làm con gái sướng quá hén. Mão mà thi rớt là phải nhập ngũ liền.
- Đậu rồi Mão sẽ học trường nào?
- Cũng chưa biết nữa. Mão đang học thi để thi tuyển vào đại học. Hai tháng nữa mới đến kỳ thi.
- Hèn gì Mão lấy thì giờ đi chơi hả.
- Ừ, đây là lần đầu tiên Mão mới dám rời nhà đi chơi xa đó. Trước khi thi đậu Mão sợ đi chơi xa nhở mấy ông cảnh sát bắt sảng thì mệt lắm.
- Bây giờ Mão không sợ sao?
- Không. Nhở có bắt thì Mão cũng vào trường sĩ quan.
- Oai quá hén. Nếu Mão mặc đồ sĩ quan chắc oai lắm. Mà Mão thích binh chủng nào?
- Hải Quân. Mão thích cuộc đời giang hồ trên sông nước.
- Không sợ cô đơn hạ? Lênh đênh trên sông biển hoài không nhớ người yêu sao?
- Có ai đâu mà nhớ.
- Bây giờ chưa có nhưng mai mốt cũng có chứ.
- Cúc có người yêu chưa?
- Dưới này buồn lắm, Cúc nhớ không khí của những lớp học ngày xưa trên Sài Gòn hơn. Chưa.
- Ý chết, mãi nói chuyện với Cúc Mão sợ hết xe, để Mão đi thôi.
- Mão mang thêm túi trái cây này lên xe đem về Sài Gòn ăn nhe. Mà ăn nhản nhớ Cúc nhe. Trong này có địa chỉ của Cúc nữa, Mão nhớ viết thư cho Cúc đa.
- Nhớ chứ. Thôi Mão phải đi.
Ra khỏi nhà Cúc, Mão ngoắc chiếc xe đò đang chạy về hướng ngã ba Trung Lương. Nhảy lên xe Mão đưa tay ra vẫy chào Cúc, rồi chiếc xe đò vụt chạy.
Cúc đứng nhìn chiếc xe đò đến khi nó mờ dần và mất hút trên cánh đồng.
Một tiếng đồng hồ sau những người về Mỹ Tho xôn xao bàn tán về một chiếc xe đò Peugeot bị mìn giựt nỗ tung tại ngã ba Trung Lương. Cúc nghe tin mà lòng hồi hộp. Như một cái gì không ổn, Cúc theo xe chạy lên ngã ba Trung Lương. Chiếc xe đò nằm banh xác bên vệ đường. Những người hành khách, kẻ bị thương người chết, đã được mang vê bệnh viện gần đó. Cúc đứng nhìn quang cảnh bên đường. Dấu vết của cái chết vẫn còn phảng phất, nàng hoang mang không biết Mão có sao không!? Cúc bước chân về nơi chiếc xe bị nỗ. Cảnh vật nơi đây như bãi chiến trường hoang lạnh, những người đi đường thả mắt nhìn thoáng qua rồi tiếp tục đi. Gió vẫn thổi rì rào, xô chạy những tờ giấy rách và cát bụi bên lề đường. Tiếng gió thổi nghe chừng như tiếng hú của con chó sói trong tiếng đàn nhạc dạo đâu đây, và lần này chỉ có tên diễn viên “xấu xí” đang lẩn tránh như con chuột đồng.
Cúc vô tình đá mảnh giấy vụn bị con lốc thổi bay, nàng cuối xuống nhặt lên và trên tờ giấy rách nát với những vệt máu đỏ tươi, một nữa còn lại có ghi dòng chữ: “iu Anh.”
Đồng Sa Băng 
Kết quả hình ảnh cho hương xưa
 Trong Giấc Mơ Em 

Hoài Cảm - Sĩ Phú

Niệm khúc
Nam bằng rồi lại Nam ai,
Tay tiên nắn nót, đắm say bao tình...?!
Thương người cùng kiếp phù sinh,
Đắm say một phút duyên tình béo mây !
Mai ngày dẫu có chia tay,
Khúc đàn bầu ấy ai hoài trong mơ !!
NM

Tiếng đàn 2

Xuân không nhớ vì lẽ gì rằm tháng giêng năm ấy Xuân lại vào Huế. Song những cảm giác mênh mông lạnh lẽo đã kích thích tâm hồn Xuân hôm đó. Xuân không bao giờ có thể quên được. Cứ mỗi buổi chiều, lúc sương lam lặng lẽ trùm lên ngọn tre, lòng Xuân lại rung động, da thịt Xuân lại cảm xúc tất cả nỗi buồn trụy lạc tiết phát ở tòa Thành Cổ ủ rũ bên bờ sông Hương.

Chiều hôm ấy Xuân yên lặng ngồi trong khoang thuyền, một chiếc thuyền dài, đi êm như lướt trên mặt sông lặng. Mặt trời đã lặn; đằng xa, về phương Tây, sau rặng thông in hình mờ mờ trên đỉnh núi Ngự Bình như mấy nét chấm phá trong bức tranh thủy mặc Tầu, da trời nhuộm màu xanh non. Gần hơn, những đám cây đã bắt đầu đen sẫm in bóng xuống mặt nước xám, nặng nề chảy. Cảnh vật im lìm như đợi rơi vào đêm tối. Riêng Lương, bạn Xuân, đương ngả nghiêng trên mạn thuyền, hai tay nhét túi quần, cười cười nói nói hỏi chuyện cô lái đò. Câu chuyện có lẽ đằm thắm lý thú lắm, vì chốc chốc hai người lại nhìn nhau rồi cùng bật lên một chuỗi cười giòn rơi vào sự yên tĩnh, vang ra trên mặt sông rồi lẩn vào bóng tối.
Lương bỗng quay lại phía Xuân:
- Nhà thi sĩ ngồi nghĩ gì đấy mà trông bí mật như cặp mắt cô gái Huế vậy? Ra đây mà nghe chuyện mặn mà của cô lái, rồi cô sẽ ca cho một vài bài.
Xuân ngạc nhiên:
- Ồ! Thế ra cô lái cũng biết ca, quý hóa nhỉ!
Cô lái lấy tay che miệng, khúc khích:
- Chúng em có biết ca gì mộ Mấy thầy có muốn nghe, em cho đi kêu chị Huyền của em, thì mấy thầy dầu khó tính thế mô cũng phải vừa lòng.
- Thế thì còn gì hay bằng nữa.
Cô lái bèn đẩy thuyền vào bờ. Xuân nhìn cái thân hình mềm mại lộ sau bộ quần áo mỏng, gió thổi bạt cả về một phía, trong lòng bỗng rạo rực một ý nghĩ thèm muốn. Ngay lúc ấy, cô gái quay lại nhìn Xuân, lẳng lơ mỉm cười. Xuân rùng mình, cảm thấy hết cả sự trụy lạc của một gái giang hồ dử khách, và không ngăn nổi một tính tình khinh miệt nó khiến chàng lạnh lùng quay nhìn nơi khác.
Lúc đó, thuyền đã ghé sát vào bờ. Cô lái cắm mạnh chiếc sào xuống nước, và một đứa bé ở trong khoang chui ra vịn thềm gạch leo lên đường, nhanh nhẹn lách qua một cái giậu thưa rồi đi khuất sau đám cây. Trong lúc nhá nhem, Xuân thấy thoáng qua trong trí cái ý nghĩ lạ lùng là đương sống một đời mơ màng, không rõ là thực hay chỉ là hư mộng. Những thân cây lớn đứng lặng yên bên bờ sông, Xuân trông như phủ một lượt nhung đen in trên một nền màu xám thẫm. Con sông Hương loáng đen, từng chỗ lấp lánh những làn sóng rung động ánh những ngọn đèn xa mới thắp.
Cô lái đò tình tứ rời chiếc sào chui vào khoang thắp đèn. Dưới ánh lửa, khuôn mặt mũm mĩm của cô ửng hồng. Xuân nhận thấy đôi mắt dài và ướt, cặp môi thắm như vết máu và cái cổ tròn và xinh. Như đoán biết Xuân đương tò mò nhìn, cô lái quay lại mỉm cười, lên tiếng nhẹ nhàng:
- Mời ông vào xơi tạm vài điếu thuốc.
- Vâng.
Lương nhanh nhảu vừa cười vừa trả lời thay bạn. Chàng cúi mình chui vào trong khoang, ngả đầu xuống chiếc gối rua trắng, nhìn chung quanh mình một lượt, rồi nức nở khen:
- Ở đây êm ấm nhỉ. Y như một cái ổ uyên ương. Mà sạch sẽ làm sao, tôi có lời mừng cô lái.
- Dạ, thầy dạy quá.
- Không, không quá một tí nào. Với một cô lái xinh đẹp thế kia, thì có gì là quá đáng được!
Cô lái sung sướng, nói lảng:
- Ông tiêm lấy nhé.
- ấy chết, ai lại thế. Cô làm ơn cho.
- Em vụng lắm ạ.
- Ở tay cô thì vụng thế nào cũng là ngon.
Câu chuyện quanh quẩn ở một nơi. Câu nói bông đùa của bạn, dáng điệu kiểu cách của cô gái giang hồ, Xuân thấy nhỏ nhen, nhơ nhớp cả nền nên thơ của đêm tối. Xuân không hiểu vì đâu hôm nay chàng có những tư tưởng hắc ám, Xuân đổ lỗi cho cái tính ương gàn của mình, cái tính phân tách từng cử chỉ, hay đặt một ý tưởng sau giọng nói, dáng ngồi của người, và cố nhìn cảnh vật bằng con mắt lạc quan, cố tìm vẻ có duyên của cô lái và tính tình vui vẻ của bạn, chàng bỗng rời bỏ mui thuyền để vào trong khoang. Nhưng lúc chàng dịch lại gần bàn đèn, chàng thấy chập chờn trong trí cái tư tưởng so sánh thân mình với một con thiêu thân bay đến ngọn lửa sáng...
- Mời ông ngồi sát vào đây.
Cô gái vừa nói vừa dịch lại gần Xuân, ngồi sát vào người chàng.
Một mùi thơm rẻ tiền ở người cô thoát ra chẹn lấy cổ họng Xuân.
Lương ranh mãnh nhìn hai người, cợt nhả:
- Mới quen hơi mà đã thân mật nhỉ.
Cô lái chữa thẹn:
- Ai thân mật?
Cô vừa nói vừa mỉm cười liếc Xuân. Nhưng Xuân đương mơ màng nhìn ra ngoài. Một thứ ánh sáng huyền ảo làm mờ mấy ngôi sao lấp lánh trên ngọn cây. Ngọn gió mát nhẹ nhàng lại. Trăng lên.
Xuân nghe rõ ở bên thuyền có tiếng rì rầm. Chàng nhô đầu ra thì vừa một người con gái bước xuống thuyền, im như cái bóng.
- Chị Huyền đấy à?
- Phải.
- Mời chị vào trong này.
Lương ngồi nhỏm dậy giương mắt nhìn. Huyền dỏng dỏng cao, người hơi gầy một chút, vẻ kín đáo tệ, trái ngược hẳn với cô lái.
Đôi con mắt sắc mơ màng đắm đuối như đương theo đuổi những hình ảnh trong mộng, không đoái nhìn đến cảnh vật chung quanh.
Huyền khép nép ngồi xuống mái thuyền thu áo lại, rồi lạnh lùng nhìn vào quãng không, trong khi người kép nắn lại cung đàn. Ai nấy đều im bặt. Nụ cười ở trên môi cô lái không nở ra được to.
Ai nấy như bị đè nén bởi một bầu không khí huyền bí, sắp gợi ra một việc gì lạ lùng.
Thế rồi trong sự yên lặng, tiếng đàn độc huyền bắt đầu réo rắt. Tiếng trong như ngọc, âm lên trong đêm thanh, lan ra ngoài hòa với ánh trăng. Rồi như hoàng oanh đua hót, Huyền bỗng cất tiếng hát hòa theo một tiếng đàn khác, trầm hơn, réo rắt hơn, giàu tình cảm hơn. Xuân cảm thấy trong lòng một cảm tưởng ngạc nhiên như đứng trước bức tranh tuyệt tác hay đọc một câu thơ bất hủ... Cái cảm tưởng ngạc nhiên ấy hết, nhường chỗ cho sự êm ái của tâm hồn. Những tiếng bổng, trầm quấn lấy tâm hồn Xuân, đem đi một nơi nhẹ nhàng, thinh không. Toàn thân Xuân khi ấy chỉ còn là thính giác, rung động theo tiếng đàn giọng ngân. Muốn cho thoải mái, chàng ngả lưng xuống ván thuyền, nhìn ánh trăng trôi theo dòng nước. Chiếc thuyền lặng lẽ trôi, chốc chốc mái chèo nhẹ nhấc lên, đem theo những giọt trăng ấy là sự đọng lại của tiếng hát trong vắt lẩn trong cung đàn. Tiếng hát vang ra khắp không trung, cảnh vật, tan ra trong khoảng sông rộng, sáng như tấm gương, ngừng lại trong những đám cây tối hai bên bờ: có khi bay cao lên trên ngọn đồi xa, rồi như theo gió đưa mãi lên, quyến luyến lấy đám mây tơ dệt đen trên nền trời xanh sáng, chập chờn trước mảnh trăng trong. Xuân khinh khoái để tiếng đàn đưa đến những cảm giác mê man, những cảm giác trong suốt và lạnh lẽo như bóng trăng dưới nước, và đè trên tất cả những cảm giác ấy, một thứ buồn mênh mang, không bờ bến.
Hết điệu Nam bằng đến Nam ai. Tiếng độc huyền càng réo rắt. Nỗi buồn Xuân cảm thấy mỗi lúc mỗi lớn, tràn ngập hết cả tâm hồn.
Chàng cảm như nghe thấy cung đàn đã từ đời thuở nào, ở một tiền kiếp xa xăm. Chàng vẫn không biết có cảm giác nào in sâu vào trí nhớ hơn là thính giác. Một giọng hát, một điệu đàn đã làm rung động lòng ta trong một giây, một khắc, có thể làm sống lại cả một quãng đời tình cảm và phủ lên trên một màn sương buồn nhẹ nhàng như nhớ tiếc những sự mong manh đã mất. Nhưng Xuân không ngờ tiếng đàn đêm nay lại gợi trong trí chàng những thời đã tiêu diệt.
Xuân rùng mình nhắm mắt lại. Trong hai dãy cây đen im lặng soi bóng xuống gương sông, chàng thoáng nhìn thấy nhấp nhô những hình kỳ dị trên một tòa Thành Cổ, kiến trúc của người Chàm. Tiếng đàn độc huyền vẫn vang lên theo điệu hát, một điệu hát đều đều như tiếng than của một thiếu phụ nhớ người yêu, thỉnh thoảng một tiếng vuốt cao lên nghe như một tiếng nấc trong. Huyền nét mặt vẫn lạnh lùng, nhưng Xuân ngạc nhiên nhìn y phục nàng, một thứ y phục sặc sỡ. Hai cánh tay nàng để trần, Xuân trông thấy tròn và trắng, đặt khoan thai lên trên cái xiêm thêu. Chàng thấy hiện ra trước mắt cảnh nước Chiêm Thành mới bị diệt vong và chàng tự nhiên yên chí rằng Huyền là một cô công chúa Chàm bị người Nam đắc thắng ép ra ngồi hầu rượu và ca những bài hát họ chưa hề nghe. Công chúa lạnh lùng như Huyền bây giờ, nhưng trong lòng tê tái những nỗi tủi nhục chua cay, oán hờn, nhớ thương, cất lên những tiếng ai oán não nùng như tiếng khóc. Quân sĩ người Nam ngông nghênh tự đắc, nghe giọng than buồn thảm đều ngơ ngác, vừa đê mê vừa kính cẩn trước điệu ca cuối cùng. Tâm hồn họ lỗ mãng và chất phác, họ càng cảm một cách sâu xa thấm thía, trong cái cảnh trí hư thực của một đêm trăng, nỗi buồn man mác ẩn trong tiếng ngọc trong và êm. Xuân thầm nghĩ trong đám lỗ mãng chất phác ấy, có một người tâm hồn thi sĩ và người ấy, có lẽ là ông cha mấy mươi đời Xuân, nên Xuân đêm nay, trong cảnh này, rung động tâm linh đến cực điểm, đến sự đau đớn.
Nhưng, dẫu đê mê kính cẩn, dẫu linh hồn thi sĩ, người chất phác kia sau khi khóc với tiếng đàn than dài cả công chúa, đã đem cái thân yếu ớt mềm mại kia làm cuộc vui chốc lát. Xuân thấy máu bồng bột trong huyết quản, như tiếng vang xa xôi của máu người thiên cổ đương ao ước được thỏa mãn cái mộng tưởng xưa.
Xuân bỗng giật mình, Lương rón rén đến bên chàng thì thầm:
- Xuân trông mà xem.
Xuân còn ngơ ngác, Lương đã đưa mắt bảo khẽ:
- Huyền ấy mà. Trông như pho tượng vậy. Không có chút tinh thần nào, không mảy may cảm động, lạ thật. Ca những tiếng réo rắt như thế mà mặt vẫn điềm nhiên lạnh lùng như không, thì thật là một sự quái gở.
Xuân mỉm cười mơ màng:
- Thì vẫn. Huyền có là người nữa đâu, Huyền là một nữ thần, nữ thần của thi ca và âm nhạc. Mà nữ thần, thì còn cảm động làm sao được.
Lương cả cười như được nghe một câu khôi hài. Tiếng cười giòn giã vang lên, lấn át tiếng hát và phá tan cái không khí du dương, mơ mộng, như câu trả lời của sự thực hiện có cho quá khứ hư ảo. Huyền dừng hát, rồi xin nghỉ.
Ngọn đèn thuốc phiện khêu cao, Lương ung dung tiêm thuốc mời Huyền hút, Xuân hết đỗi ngạc nhiên lúc thấy Huyền nhận lời, ngả người sát vào người chàng, gối đầu lên vai chàng, tóc xõa cả lên mặt chàng. Nhưng lúc ấy chàng không thấy trong mạch máu bồng bột khí phách của kẻ thắng trận nữa; chàng chỉ thấy trong lòng tê tái như kẻ bị thua vì chàng chợt nhận ra Huyền là người cùng nước, và tiếng ca ban nãy là tiếng than của thời đại chàng đương sống. Một nỗi buồn nản mênh mông tràn ngập vào tâm hồn Xuân như nước triều trên bãi biển xa vắng. Xuân lắng tai nghe tiếng sóng vỗ róc rách bên mạn thuyền, chàng tưởng là dư âm của điêu tàn đã hết, thì thầm than thở những nỗi nhớ nhung vẩn vơ, Xuân cảm thấy bao nhiêu nghị lực rớt lại trong người chàng đều tiêu tan trong tiếng sóng vỗ. ảnh hưởng của điệu ca vong quốc hun đúc lên bởi cái hoàn cảnh ủy mị, hay là trong người chàng đã mang sẵn dây đàn buồn sẽ gẩy đã rung thành tiếng? Xuân không chìm đắm trong sự phân giải đau đớn, chỉ cố xuất tàn lực để thoát khỏi cái khối nặng đương đè nén linh hồn. Xuân phải dùng hết can đảm mới nâng được đầu Huyền đặt lên gối, vùng trở dậy chui ra mũi thuyền. Lương ngạc nhiên nhìn theo, thấy Xuân đứng thở mạnh, và cất tiếng hát nghêu ngao...
Sáng hôm sau, tinh sương, Xuân đã từ biệt bạn lên đường, Lương giữ thế nào cũng không được. Xuân đứng trên xe lửa, lặng nhìn hoàng thành lui dần về phương xa, như chìm đắm vào một nơi hoang mang đầy những sự sa ngã, đầy nỗi buồn thảm của sự diệt vong. Xuân sung sướng đón lấy ngọn gió mát mà chàng coi như hơi thở của một sự sống bình dị.
Hoàng Đạo
 
Kết quả hình ảnh cho Độc huyền cầm

Độc Huyền Cầm

Độc huyền cầm trong đêm

Tiếng đàn bầu luôn là một hoài niệm đau trong lòng tôi. Đó là vào một đêm mưa dầm, bên quan tài người bạn thân nhất của mình, tôi đã nghe cha bạn đàn khúc nhạc đưa tiễn đứa con gái yêu quý bằng đàn bầu. Người cha ấy là một nhạc công chơi đàn bầu và bạn tôi cũng đang theo cha trên con đường ấy.


Ước mơ của bạn là một ngày nào đó có thể chơi hay được như cha. Nhưng bây giờ ước mơ ấy đã khônbao giờ thực hiện được nữa. Bạn tôi nằm kia, thanh thản nghe tiếng đàn bầu trái ngược với cõi lòng đầy giông bãocủacha. Ông ngồi lặng bêncây đàn, chơi một cách chăm chú và nghiêm cẩn, chơi bằng tất cả sự đớn đau, bằng tình yêu vô bờ và niềm thương nhớ khôn nguôi.
Tiếng đàn bầu vang lên giữa đêm khuya thanh vắng, bên khói hương nghi ngút và ánh nến chập chờn làm tôi rùng mình nổi da gà. Và cái cảm giác đó cứ theo ám ảnh tôi mãi sau này.
Tối nay Sài Gòn mưa. Tôi ngồi co ro trong nhà và bật tivi. Bài hát Độc huyền cầm của Bảo Lan trong chương trình Bài hát Việt đã làm tôi rùng mình. Bài hát hay quá và làm tôi thực sự xúc động. Cũng có tiếng đàn bầu, cũng viết về đàn bầu nhưng lại chứa đựng hơi thở của thời đại.
Mang âm hưởng ca trù, lại có những chỗ nhả chữ thoảng chút rock và pop nên ca khúc vừa có nét buồn sâu lắng man mác lời ngàn xưa, nhưng vẫn có tiếng reo vui của cuộc sống hiện đại đầy màu sắc. Lời ca khúc buồn da diết, nó gợi trong tôi ký ức về cái đêm năm xưa: Một dây đàn thả cung đơn mộc. Không gian tĩnh lặng, tiếng đàn lẩn quất len lỏi giữa những khoảng trống…Đêm khuya thanh vắng chỉ có ta với độc huyền cầm.

Và rồi tác giả kết luận một câu nhẹ tênh nhưng đầy tâm trạng, có chút dỗi hờn lại đầy cam chịu không biết của người chơi đàn hay của chính cây đàn: Độc huyền cầm có vui đâu bao giờ? Những nỗi niềm của tác giả được bộc bạch, nỗi niềm của người nghe dường như cũng được bày tỏ. Lời bài hát buồn nhưng nhạc điệu của bài hát không hề bi lụy mà trái lại rất mạnh mẽ rộn ràng.

Chưa bao giờ nghe một bài hát mà tôi lại có nhiều sự hình dung đến thế. Đó là tiếng va chạm sắc lạnh của kim khí, là tiếng hót lảnh lót của chim sơn ca, là từng giọt buồn rơi xuống từ chiếc đàn bầu, là một rừng phong lá đỏ, là một vườn hoa rực rỡ sắc xuân.
Tôi không lý giải được vì sao mình lại có sự hình dung như vậy. Sự kết hợp tuyệt vời giữa âm nhạc dân tộc và nhạc hiện đại đã khiến bài hát có một hấp lực mạnh mẽ làm người nghe say mê, bị dẫn dụ trong âm nhạc đến khi tiếng nhạc im bặt mới giật mình bừng tỉnh.
Không nhớ hết lời bài hát nhưng giai điệu của bài hát và những câu hỏi đầy day dứt thì tôi vẫn nhớ, nhớ đến nỗi ám ảnh nhiều lúc vô thức mà bật thành lời: Người với người sao không nhân ái, để mang chi những tiếng cười bi ai?

Độc huyền cầm không còn là một vật thể nữa mà là một linh hồn đang nức nở trước một cuộc sống thiếu nhân ái mà con người đang dần quên đi những giá trị đích thực để tạo nên hạnh phúc, tạo nên tiếng cười. Nức nở bởi sợi dây duy nhất có thế kết nối người với người chính là sự nhân ái đang ngày càng mong manh hơn. Và tiếng đàn dường như đang mang một khát vọng có thể len lỏi vào từng góc tâm hồn mỗi con người làm cho sợi dây liên kết giữa người với người bền chặt hơn.
ST

Kết quả hình ảnh cho chuông gió