Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2018

Nhạc - Thơ - Văn ĐÊM NGỒI CHỜ HOA QUỲNH NỞ

Đêm chờ,
Ta đã chờ em bao vấn vương,
Sáu năm mong ngóng suốt canh trường...
Tưởng chừng vô vọng, giờ em đến,
Đằm thắm trang đài, em toả hương !!

 Quê hương giờ đây đã cách xa ,
Thương nhớ làng quê thương thiết tha...
Ngắm hoa thầm nhủ đây vườn cũ,
Một thuở yên bình có mẹ cha
NM

ĐÊM NGỒI CHỜ HOA QUỲNH NỞ
Từ thuở nhỏ, tôi đã nghe cha tôi kể về một loại hoa quý hiếm, chỉ nở vào ban đêm, đó là hoa Quỳnh. Vậy mà rồi, đâu có lần nào tôi thấy được một đóa Quỳnh nở. Bởi, như cha tôi chậm rãi chuyện trò: "Ai may mắn lắm mới được xem hoa Quỳnh đang nở." Vì hoa Quỳnh nở vào ban đêm với một hương thơm tinh khiết đến ngạt ngào, mà trẻ con như tôi hồi ấy ở nhà quê cứ chạng vạng tối khi gà nhảy lên cây ngủ là mấy đứa trẻ cũng ngủ mất đất từ lúc nào. Rồi dần dà sau này lớn lên, xa cha mẹ già, xa những bụi hoa Quỳnh của cha, nên tôi không còn có dịp nào để hưởng cái may như lời cha tôi căn dặn mỗi lần những chậu hoa của cha có cánh hoa nở vào lúc đêm khuya .
 Nhớ ngày mẹ tôi còn sống, mẹ tôi rất thích trồng hoa ngay trước sân nhà, chung quanh bàn thông Thiên, dọc theo lối đi từ trên nhà đến bến sông đủ sắc màu xanh, tím, vàng, hường của những loại hoa ở nhà quê người ta hay trồng nhưng đậm đà hương sắc. Mẹ tôi cũng thích những bụi Quỳnh, nhưng tôi nghe mẹ kể lâu lắm mới có hoa, mà cũng không dễ dầu gì thấy được một lần hoa Quỳnh nở, nó hiếm hoi lắm!
Bẵng đi mấy mươi năm, đời sống cùng thời cuộc nhiều lúc làm cho con người không có nhiều thì giờ cùng cơ hội sống theo sở thích của mình. Miếng cơm, manh áo, con cái, gia đình, trăm thứ trăm lo nên việc hưởng chút thư nhàn với chậu hoa, chậu kiểng cũng là điều họa hoằn, "năm thuở mười thì" mới có một lần. Những ngày đầu sống nơi quê người, lòng khách tha hương buồn chán đến cùng cực. Lạ nước, lạ cái và lạ cả tiếng nói cùng trăm thứ lạ khác của xã hội tây phương càng làm cho tôi nhiều lúc không buồn ngắm ánh trăng lưỡi liềm lúc nào cũng dựng đứng, không bao giờ nằm ngang như trăng lưỡi liềm nơi chốn cố hương, không nhìn vì sao Nam Tào hoặc sao Bắc Đẩu mỗi đêm về để định hướng mình đang ở nơi nào trên mặt đất, không buồn nghe các loài chim hót phía sau nhà dù chim sẻ, chim bồ câu... Còn bông hoa, cây kiểng ở nơi xa quê này như một món hàng xa xỉ đối với lòng dạ luôn héo úa của những kẻ lạc loài... Nhưng rồi, thật tình cờ, gia đình tôi được một vị thầy giáo đem lại cho tôi một chiếc lá Quỳnh. Chiếc lá nhỏ ấy màu xanh đậm mà người quen chỉ cho tôi cách gầy giống khá dễ dàng là chỉ cần cắm vào một chậu đất rồi o bế, tưới nước, bón phân là nó sống như một loại lá cây sống đời mà mẹ tôi hay cắm gần lu nước uống ngày xưa của mẹ ở bên nhà.
Thắm thoát mà đã sáu năm tôi đến chốn này và cũng đã sáu năm bụi hoa Quỳnh mà tôi trồng vẫn chưa một lần trổ hoa dù những chiếc lá mỗi ngày rất xanh tốt, um tùm. Có lẽ vì cây để trong nhà, bên khung cửa sổ nên thiếu ánh nắng mặt trời, do đó mà bụi hoa Quỳnh không trổ bông được. Tôi luôn an ủi mình như vậy để mà hy vọng. Lại nữa, vượt lên trên mọi sở thích, tôi trồng hoa Quỳnh cùng một vài chậu hoa lài, chậu hạnh với những cánh hoa màu trắng thơm thơm hương hoa cam, hoa bưởi là để tưởng nhớ cha mẹ tôi nhiều hơn, vì song thân tôi dù sống lam lũ ở nhà quê nhưng lại lấy việc trồng hoa, lập vườn như một thú vui tao nhã của tuổi già.
Nhớ ngày xưa, mỗi buổi sáng vài bông trang màu đỏ xòe ra với mật ngọt, mấy luống hoa mười giờ cánh mỏng đượm màu tím trên vùng lá non xanh mượt, hoa vạn thọ phảng phất hương thơm nhẹ nhàng, những cánh hoa mai trắng rụng đầy gốc sau những ngày mưa, mai tứ quí dường như bốn mùa hoa vàng chen chúc giữa những nhánh lá cây xanh lúc nào cũng có vài cặp vợ chồng loài chim manh manh hoặc chim áo già, chim sâu, chim sẻ cười vui ríu rít trong ấy hoặc đêm đêm hương thơm của hoa dạ lý hương chảy tràn trong không gian vắng lặng của vườn quê, tôi nghe cha mẹ tôi tấm tắc khen từng loại hương thơm, từng màu sắc của mỗi loài hoa vô cùng thích thú ...
Dường như, khi niềm hy vọng về một mơ ước nào tưởng chừng nguội lạnh, điều mơ ước ấy thường lại đến thật bất ngờ như một buổi tương phùng của những tâm hồn đồng điệu mà không hẹn trước... Lúc hạnh ngộ như vậy trong lòng của mỗi người vui biết bao nhiêu ! Và tôi đã nhận được niềm vui ấy vào mấy hôm rồi khi nụ hoa Quỳnh vừa nhú ra từ chiếc lá già xanh biếc.
Thế là, tôi bắt đầu nhìn ngắm nụ hoa Quỳnh theo từng ngày qua từng ngày thật háo hức, đợi chờ ...Lúc đầu, như một hạt lúa móng chim màu xanh trong ngần, nụ hoa lớn dần cùng với cuống hoa bằng chiếc tăm... Đến ngày thứ mười bốn, kể từ ngày lá Quỳnh nhú nụ, cuống hoa lớn bằng ngón tay út và nụ hoa căng đầy như trái hồng chín đỏ. Và rồi, nụ hoa bắt đầu chuyển mình khi tiết trời bên ngoài lành lạnh... Đúng chín giờ đêm, không gian tỉnh lặng, nụ hoa bắt đầu nở. Những đài hoa rung rinh như vặn mình và vươn ra từ từ mà mắt thường chúng tôi cũng trông thấy được... Gia đình tôi, mọi người cùng ngồi bên nụ hoa Quỳnh đang nở. Những cánh hoa thật mỏng màu trắng ngà chuyển dịch thành một ngôi sao nhiều cánh đan kết liền mí vào nhau thành một vòng tròn từ từ lớn dần như hoa đang thở, đang cười làm cho cuống hoa chập chờn... Nhà tôi nấu nước sôi và chăm bình nước trà ướp hoa lài từ bên Việt Nam mà có người gửi biếu mấy hôm trước. Con tôi, chúng nó lăng xăng, đứa thắp nhang đèn trên bàn thờ ông bà, đứa mang trà rót vào các tách nhỏ van vái Trời Phật, tổ tiên. Tôi có mời thêm một người bạn trẻ ở gần bên nhà rất say mê hoa Quỳnh đến xem hoa nở vào tối hôm ấy. Chúng tôi ngồi quây quần bên nhau uống trà kể chuyện về loài hoa quí này. Anh bạn trẻ này nghĩ ngợi hoa Quỳnh như một người bạn hiền đến thăm bạn sau những giờ làm lụng vất vả ban ngày, rồi chuyện trò, hàn huyên, sau đó khách lại ra về mà những lời chuyện trò như một chút dư hương còn lại mãi... Tôi thì kể cho các con tôi nghe về cái thú xem hoa nở của ông bà nội các cháu, nhất là hoa Quỳnh, theo lời cha tôi ngày xưa. Trong lòng tôi, tôi nghĩ như cha mẹ tôi đang về thăm con cháu qua đóa Quỳnh vừa mới chuyển mình. Những cánh hoa linh động vô cùng như có bước chân nhẹ, có hơi thở, từ búp măng dần dần mở ra theo thứ tự thật dịu dàng... Và sau hai giờ khai hoa nở nhụy, cánh hoa Quỳnh đã khoe sắc, khoe hương một cách sắc xảo, tài tình, hoàn hảo... Những nhụy hoa vàng hướng về bên trên, thay vì như nhụy của nhiều loài hoa cứ vươn thẳng về phía trước, uốn con thành hình một vương miện hoặc như chiếc mui của một chiếc thuyền rồng với mũi thuyền là những sợi nhỏ như tơ óng ánh, kỳ ảo. Đóa Quỳnh tỏa hương thơm bát ngát khắp căn phòng khách. Hương thơm chan hòa trong hơi thở, trong tiếng nói, trên nụ cười, trên bức rèm the mỏng treo nơi bệ cửa sổ, trên sách vở, trong làn hương khói nơi bàn thờ cha mẹ tôi... Những nhụy vàng của hoa bắt đầu rắc đều trên tờ giấy trắng mỏng hứng bên dưới đóa Quỳnh như chiếc khăn dệt bằng loại tơ tằm vàng óng tròn xoe... Những đài hoa từ từ xếp lại, những cánh hoa mỏng cũng e ấp đậy lại nhụy hoa thật nhẹ nhàng như hoa buồn đi ngủ muộn...
Đêm càng về khuya. Từng chập, từng chập, những ngọn gió từ biển rít ngoài trời tối mờ mờ ánh đèn đường, lướt thướt kéo mình qua tàng cây phong đứng ngủ qua đêm... Trong phòng khách thật yên vắng, đóa Quỳnh cũng khép mình thật kín đáo như hồi lúc chín giờ hoa còn búp nụ. Chúng tôi tiếp tục uống những giọt trà muộn màng để xem hoa khép cánh hoa tàn. Nhụy hoa tiếp tục rớt đầy trên trang giấy trắng làm cho chiếc khăn vàng càng dày thêm lên màu vàng đầy hương thơm sắc thắm... Cuống hoa như mềm ra, rũ xuống và giữ lấy đóa hoa lớn bằng bàn tay đứa bé có khuôn mặt khôi ngô xòe ra mà giờ nó đang thu mình lại thật gọn gàng, quý phái... Thế là hoa Quỳnh đi ngủ ngay trong đêm và những cánh hoa không còn cựa mình dậy nổi nữa! Và rồi hoa cứ ở vị thế ngủ vùi có đến cả tuần lễ sau hoa mới thật sự héo khô. Những cánh hoa bám chặt cuống hoa gầy guộc buông thòng xuống, rã rời... Những cánh hoa khô vẫn giữ màu trắng ngà ngà... Các đài hoa khô như những chiếc rễ tre nhăn nheo vẫn không rời cuống. Hoa Quỳnh tàn, nhưng hoa không rữa nát như những kiếp hoa tàn úa khác mà thế nhân vẫn thường hay bắt gặp nơi những loài hoa trong trời đất, tạo vật.
Hoa Quỳnh quả thật là một loài hoa quý hiếm vô cùng! Trong thơ ca các văn nhân thi sĩ thường ngợi ca hoa Quỳnh. Ngày tiễn biệt thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, cụ Huỳnh Thúc Kháng có viết hai câu đối, theo cụ Quách Tấn nhận xét hai câu đối này xuất sắc nhất, trong đó có nhắc đến "hoa Quỳnh" như một nét đẹp của cụ Tản Đà, nguyên văn như sau :
“Không sắc nhất Quỳnh hoa, tiếu khứ hân nhiêm, thiên thượng quần tiên đa quyến thuộc; 
Túy ngâm song bạch nhãn, hứng lai huy bút, nhân gian thiên thủ ngạo công hầu.”
Cụ Huỳnh Thúc Kháng tự dịch:
“Không sắc một hoa Quỳnh, về vuốt râu chơi, tiên bạn lắm người nên quyến thuộc; 
Say ngâm hai mắt trắng, hứng thơ bút múa, giá thi mấy lớp xấp công hầu.”
Và cụ Quách Tấn đã viết về hai câu đối điếu này như sau: “Cụ Huỳnh cùng tiên sinh vốn không hay lui tới, cũng không có thư từ qua lại. Nhưng xem câu đối điếu thì biết Huỳnh chí sĩ kính yêu tiên sinh biết dường nào! Niềm kính yêu giấu kín trong lòng mãi đến khi kẻ mất người còn mới thổ lộ. Mối tình thật là cao quý, thật là đẹp đẽ! Tình đã cao đẹp, văn lại hàm súc. Chỉ có ba mươi hai chữ mà nói rõ khí tượng và tài năng của người quá cố. Không cần đọc tiểu sử, chỉ đọc câu đối điếu cũng đủ thấy được phẩm giá của Tản Đà tiên sinh, cũng biết qua được sự nghiệp văn chương của Tản Đà tiên sinh.”(*)
Trời đất ban cho con người những loài hoa như một ân sũng của tạo hóa và mỗi loài hoa đều có nét đẹp riêng, không loài hoa nào giống loài hoa nào... Mỗi loại hoa như một kiếp người, có hoa lâu tàn, có hoa nở trong vài giờ rồi khép cánh nhận kiếp hoa tàn, khô héo... Dù bền bỉ hay chóng tàn phai, thế rồi cũng kết thúc một đời hoa! Nhưng có lẽ hoa Quỳnh cũng thuộc loài hoa tàn nhanh nhưng lại quý không kém loại hoa nào qua hương, qua sắc cung sức mạnh mẽ, linh động của nụ hoa đang lúc khai hoa nở nhụy giữa đêm khuya...
Ngồi xem lại gần ba mươi tấm ảnh chụp từ lúc nụ hoa Quỳnh mới nhú, rồi hoa nở, hoa khép cánh ngủ vùi êm ả, nhụy hoa vàng rơi trên trang giấy trắng tinh xếp thành vòng tròn, nghe như đâu đây mùi hương của hoa còn phảng phất, nhớ quá một đêm chờ hoa Quỳnh nở thú vị biết dường nào! Và có lẽ, cái còn lại trong lòng đứa con đã mất cha, mất mẹ từ hơn hai mươi ba năm trong đêm xem hoa Quỳnh nở là cái lòng tràn ngập nỗi nhớ thương cha mẹ mình như đứa trẻ mong mẹ cha đi xa lâu quá mà chưa thấy về, dù tóc tôi nay đã bạc, không còn trẻ nữa...
Lương Thư Trung
Hoa Kỳ , Ngày 27-9-98

Quỳnh hoa
Dịu dàng thay hoa nở,
Ngát hương giữa đêm thâu,
Như vầng trăng thanh khiết...
Vạn cổ nét nhiệm mầu !

Hoa khai đêm thanh tịnh,
Hoa mãn giữa đêm thanh.
Hương hoa luôn gợi nhớ,
Thương kiếp hoa mong manh !!
NM
Kỳ ẩn hoa quỳnh 
Lâu lắm mới được nhìn thấy khói sương giăng mắc vòm cây, đất trời nồng nàn sắc thu vời vợi. Những tia nắng rắc lên cành liễu màu non óng như tơ lụa buông xõa ven hồ, Linh bồi hồi xuýt xoa: 
- Bao năm hồ vẫn ngăn ngắt màu ngọc bích, biếc đến lạ. 
- Tớ nghĩ hồ xanh từ lúc chúng mình chưa sinh ra. 
Hai người bạn gái thân từng đọc nhau vanh vách, thuộc nhau tường tận. Họ giờ như trái ngọt chín muộn, dư vị cảm xúc dồn đầy. Lúc này phút giây bên hồ, trong không gian và tâm tưởng an lạc, họ ríu ran bên chiếc ghế đá sát gốc lộc vừng, “chứng nhân” thời tuổi trẻ. Trò chuyện một lúc, Tường gọi về nhà: “Cháu ra phố mua giúp cô bó hồng thơm, hồng leo ấy nhé, chờ lát nữa cô Linh về cắm hoa cho”. Tường quay sang dặn: “Trưa về nhà, phần cậu cắm hoa”. Linh thấy lòng vui, vẫn như thuở nào, Tường là bạn gái duy nhất luôn hào phóng nhường hoa cho Linh vô điều kiện.
 
Ngày đầu vào đại học còn xa lạ. Bạn bè ai cũng cho Linh là đứa lập dị dở hơi. Ở nơi sơ tán, Linh cứ khăng khăng đòi trọ trong ngôi nhà lá tuềnh toàng, tường vách rách nát, nghèo nhất làng. Được vài ngày, Linh bật mí với Tường: “Tớ rất thích ngôi nhà này vì có ao hoa súng và cây bưởi nở hoa”. May mắn là cả hai tâm hồn đều lãng mạn và thích đủ thứ nên  kết nhau rất nhanh. Tường là bạn gái sôi nổi có nhiều tài lẻ, giọng hát trong veo cao vút. Sáng nào cũng chu miệng vào bể nước mưa o, u, ư luyện thanh như ca sĩ. Ông ngoại Tường là nhà văn rất uy tín được nhiều bạn văn và độc giả mến mộ. Có lẽ nhờ gien di truyền từ ông nên Tường cũng mê đọc sách, cần mẫn viết lách. Hôm hoàn thành truyện ngắn đầu tiên, Tường hăm hở rủ Linh: “Đi với tớ đến hội nhà văn gửi bài”. Linh hơi ngạc nhiên và đã gợi ý: 
- Ông ngoại là nhà văn nổi tiếng, sao Tường không đưa ông đọc rồi gửi giúp cho?
- Không thích thế, mình muốn tự đi gửi dành cho cụ bất ngờ. 
Thế là lần đầu tiên rủ nhau đi, bước chân rón rén ngượng ngùng. Gặp một người đàn ông bước vội ra sảnh, Tường rụt rè hỏi: 
- Chú ơi có phải gửi bài ở đây không ạ?
Người đàn ông không nhìn thấy tay Tường đang chỉ vào cái thùng gỗ rất mới, cao gần 1 m đang đặt trước văn phòng mà cứ tưởng hỏi địa chỉ của hội thì gật đầu ngay: “Đúng rồi các cháu, gửi bài ở đây”. Thoắt một cái, hai đứa nhét bài vào thùng gỗ xong líu ríu bước ra cổng. 
Về nhà Tường dài cổ chờ, chờ mãi sốt ruột quá: “Sao không thấy họ hồi âm gì nhỉ?” Chiều đó Tường ghé đến Linh, mắt rười rượi: Họ không nhận được bài của tớ. Thì ra, cái thùng gỗ ấy là… thùng rác! 
Học đến năm thứ hai, khoa được chuyển về cơ sở Lê Thánh Tông (Hà Nội). Thỉnh thoảng Tường rủ Linh về thăm ông bà ngoại ở quận Hoàn Kiếm. Nhìn thần thái, dáng vẻ ông ngoại quắc thước, nét mặt nghiêm nghị nên hai đứa giữ phép tắc ít khi dám lại gần. Thời đó đối với những bậc văn nhân tài hoa, nhiều người chỉ dám rụt rè đứng từ xa ngưỡng vọng nên nói là đến thăm ông bà mà hầu như chỉ dám gặp bà. 
Đầu giờ chiều hôm đó như mọi lần, hai đứa lại ghé thăm nhà ông bà ngoại. Từ cầu thang lộ thiên sắp bước lên ban công, thấy một búp hoa ngộ nghĩnh mướt xanh như hoa loa kèn, vươn ra từ nách lá như lá cây xương rồng. Linh tròn mắt. Tường hỏi: “Biết hoa gì không?”. “Lạ quá, cây xương rồng có hoa?”. Tường bảo: “Đâu phải xương rồng, hoa quỳnh đó” . Linh bật lên “a” như chính mình vừa tìm ra nguyên lý Ạc-si-mét. Bởi từ trước nay nàng chỉ nghe qua sách vở, hoa quỳnh như loại kỳ hoa dị thảo. Rằng, hoa quỳnh chỉ trồng trong các cung vua phủ chúa. Giờ nó đang vươn dáng rõ trước mặt mình kia.
Thấy bạn đứng lưng chừng cầu thang mê mải ngắm búp quỳnh, Tường động lòng hào phóng: “Tí nữa tớ hái cho” . Hôm ấy, ông ngoại không có nhà. Hai đứa ghé thăm bà ngoại một lát, khi đi về ngang dưới dàn hoa, Tường nhanh tay vặt búp quỳnh. Khi đưa cho Linh còn dặn: “Nhớ chịu khó đợi khuya nó mới nở” 
Từng có nhiều dáng hoa, loài hoa ám ảnh; từng không ít lần thò tay hái hoa, bứt nụ bên dậu rào hàng xóm nhưng cầm búp quỳnh hái từ gốc hoa của ông bà ngoại Tường, Linh bất ngờ và bối rối mãi khó quên
Về đến nhà, cho búp hoa vào lọ thủy tinh cao cổ đổ đầy nước, Linh mở máy đĩa Rigonđa thả tâm hồn ngắm hoa trong nền nhạc êm dịu. Đinh ninh quỳnh giống như hồng, dơn, huệ... lìa cành rồi vẫn nở, Linh ngồi mơ màng chờ quỳnh khoe sắc. Thời gian càng trôi, sao màu hoa cứ nhạt dần, nước trong lọ càng đục? Vì biết quỳnh nở rất khuya, Linh tự nhủ mình gắng chờ thêm nữa. Khi búp quỳnh rũ rượi lả xuống, Linh nhấc cành lên thì thấy dòng nhớt trong vắt từ cuống chảy ra đặc quánh, thế là búp quỳnh đã chết. Linh buông búp hoa vào sọt rác tâm trạng thất vọng. Sáng hôm sau, Tường vội vã đến nhà Linh, đột ngột hỏi:
- Búp quỳnh đâu?
- Chờ mãi chẳng nở, tớ vứt vào sọt rác rồi.
- Sáng nay, vừa ghé nhà đã nghe bà ngoại cằn nhằn: Ông ngoại về phát hiện mất búp quỳnh, điên tiết hét “làm sao đây hả giời”? Hỏng hết việc của tôi rồi.
Linh giật mình: Việc gì? Tường bảo: Cụ đoán hoa quỳnh nở nên đã đi mời mấy bạn văn thơ tối đến nhà thưởng thức uống trà rồi ngắm hoa. Vậy mà…

*** 
Phải đến mấy năm sau Linh mới có dịp được ngắm hoa quỳnh. Hoa nở rồi hoa lại tàn, hoa nào chẳng vậy nhưng hoa quỳnh thì kỳ ẩn đến lạ lùng. Phút giây lộng lẫy không cho ta cảm giác phù du mà là sự dâng hiến như muôn năm chỉ có một lần. Hoa bắt phải chờ phải mong nhưng khi sắc hương bừng dậy không cho ta ngắm mỏi mòn con mắt, không được hít tràn lồng ngực con tim, vụt  hiện rồi vụt biến. Khi những cánh hoa lả mềm khép lại, ta ngồi đó thao thức cùng trăng sao, đủ gợi để nhớ cả một đời… 
Nhờ một búp quỳnh soi rọi, Linh hiểu thêm về số phận búp hoa chưa kịp khoe sắc khoe hương trở nên vô nghĩa vì sự nông nổi chiếm đoạt, sớm chết rũ chết buồn. Nếu đêm ấy búp quỳnh được nằm yên trên cây, ông ngoại Tường cùng các vị khách đã được ngắm vẻ đẹp lộng lẫy trinh trắng mà hoa quỳnh dâng hiến thì có thể sau đêm ấy, những áng văn thơ sẽ được tuôn chảy từ cảm hứng bất tận của nghệ sĩ… 
Qua trường đời mới thấm đạo, hai người bạn sáng nay bên hồ thu, cảm xúc cộng hưởng từ phía kỷ niệm. Khi Linh đang vanh vách nhắc từng chi tiết về búp quỳnh năm nào thì Tường tít mắt lườm: 
- Đồ con khỉ nhớ dai! Mà công nhận hồi đó sao hai đứa mình ngốc nhiều thứ nhỉ?
  HUỲNH NGỌC LAN (Tặng HT) 

Xôn xao hương quỳnh,
Hoa khai hương tỉnh thức,
Giữa đêm lặng thinh không...
Người đi giờ trở lại,
Ôm nỗi buồn mênh mông !

Em của ngày xưa ấy,
Chợt gần bỗng như xa...
Hương hoa thôi nồng đượm,
Tình em hết mặn mà !

Hoa quỳnh đêm nở muộn,
Vẫn lan toả sắc hương...
Giữa bình minh đêm xuống,
Hương ngào ngạt muôn phương !!
NM
Đóa quỳnh nở muộn 
Khuya rồi, Kha vẫn trằn trọc không sao chợp mắt nổi. Khi khóm hoa quỳnh cạnh ô cửa sổ theo gió nhẹ dìu dặt phả ra thứ hương thơm mềm mại, bâng khuâng, những mảnh ký ức bao lâu nay đã lặng thầm ngủ quên nơi ngăn nhớ trái tim anh lại bắt đầu rạo rực cựa mình như muốn bật tung ra khỏi lồng ngực. Hơn bao giờ hết, lúc này đây, Kha thấy nhớ Diên da diết... Anh lại hoang mang trở dậy trong đêm...


Khóm hoa quỳnh ấy được Kha mang từ vùng cao Tây Bắc về trồng sau ngày hai vợ chồng anh mới ra ngôi nhà nhỏ này ở riêng. Còn nhớ, cái đêm đầu tiên khi ngửi thấy hương quỳnh dìu dịu len lỏi qua khe cửa nhỏ lan tỏa vào trong phòng ngủ, không kìm nổi sự thích thú, Diên đã thổn thức thốt lên: “Hương hoa tuyệt vời quá!”. Rồi đêm ấy, Diên nũng nịu rủ Kha ra ngoài ban công hóng gió. Về khuya, lúc mọi thứ chìm vào im lặng, dưới ánh trăng mơ vàng, hương quỳnh dâng lên lại càng khắc khoải. Diên nhìn lên khóm hoa lờ mờ những khối màu bàng bạc không rõ nét rồi thì thầm nói: 
Tại sao hoa quỳnh chỉ nở lúc đêm về rồi lụi tàn khi mặt trời thức giấc? 
Sau một lát suy nghĩ, Kha đáp: 
Anh cũng không biết nữa, mỗi loại hoa luôn tự chọn cho mình một khoảnh khắc phù hợp để phô diễn sắc hương. Và đứng trước nhiều sự lựa chọn, hoa quỳnh đã can đảm quyết định gắn liền cuộc đời với bóng đêm ảm đạm... 
Như vậy thì chẳng ai có thể được ngắm nghía trọn vẹn vẻ đẹp thanh cao nhưng suốt đời ẩn mình trong bóng tối của hoa quỳnh cả.  
Nhưng vẻ đẹp và sức quyến rũ của hoa quỳnh thuộc về một mùi hương có lúc dịu dàng, có khi thổn thức tựa như đang giấu một nỗi niềm thầm kín chưa thể nói ra... 
Nếu là hoa quỳnh, em sẽ bung nở khi bình minh lên... 
Đêm ấy, ngồi cạnh nhau, Diên và Kha cứ thủ thỉ tâm tình như vậy. Có lúc, câu trả lời của người này chẳng hề ăn nhập gì với sự thắc mắc của người kia. Dường như mỗi người đang mải chạy theo một ý nghĩ riêng về loài hoa đặc biệt này. Trong đêm, hương quỳnh cứ khe khẽ du êm như đang ru ngủ mảnh trăng khuyết và những vì sao nhỏ cuối chân trời xa thẳm...Còn đêm nay, sau khi vỗ về giấc ngủ cho cậu con trai lên năm, nhớ Diên không chịu nổi, Kha lại ra đứng ở góc ban công có khóm hoa quỳnh đang thao thiết đưa hương ngắm bầu trời đêm ken đầy ánh sao mà lòng cứ bộn bề mong đợi. Giờ này, Diên đang làm gì bên phương trời Tây cách nửa vòng trái đất? Kha thèm được lắng nghe giọng nói trầm khàn, được ngắm nhìn đôi mắt trong veo trìu mến của Diên. Và Kha lại tưởng tượng đến những lần Diên rón rén nhón chân đi từ đằng sau rồi bất ngờ ôm chặt lấy anh để cuồng nhiệt đặt lên má anh một nụ hôn nồng nàn, đắm đuối. Nếu có Diên ở đây, anh và cô sẽ lại đối đáp về ý nghĩa hoa quỳnh, sẽ cùng nhau đếm những vì sao khuya cho đến khi mi mắt ríu lại... Những ngày tháng yên bình và hạnh phúc ấy ngỡ như vừa mới đây thôi mà thoáng chốc đã trở thành xưa cũ. Chỉ có hương quỳnh là vẫn còn xôn xao như muốn đong đầy những khoảng lặng trong Kha... 
* * * 
Ngày Diên quyết định làm thủ tục đi xuất khẩu lao động bên Đức, Kha đã hết lời khuyên ngăn vợ. Chả gì thì Kha cũng là một giảng viên trung học. Đồng lương hàng tháng tuy không cao lắm nhưng cũng đủ để trang trải mọi chi phí sinh hoạt cho gia đình nhỏ ba thành viên. Hơn nữa, cu Vũ mới hơn năm tuổi, vẫn rất cần bàn tay chăm sóc từ mẹ. Nhưng tính cách Diên là vậy, đã quyết định một việc gì thì luôn muốn làm cho bằng được. Diên giải thích: 
Em biết anh thương em. Nhưng bây giờ chỉ trông chờ vào mấy đồng lương giáo viên ba cọc ba đồng của anh thì biết đến bao giờ mới đủ tiền trả nốt nợ mua đất, xây nhà và hàng chục khoản nợ lặt vặt khác. Thôi thì anh cứ cho em đi chuyến này, nếu may mắn thì chừng vài ba năm nữa... 
Kha ngắt lời Diên: 
Em đừng quá bận tâm về những chuyện đó. Anh sẽ cố gắng gánh vác hết mọi nợ nần. Hãy tin ở anh. 
Diên vòng tay qua cổ Kha, âu yếm: 
Cả hai chúng ta cùng cố gắng thì mọi chuyện mới trở nên dễ dàng được anh ạ...  
Thế rồi, Diên đi. Trước lúc lên máy bay, Diên để lại cho Kha một cuốn sổ nhỏ, trong đó có chứa đựng những lời thương yêu, hứa hẹn cô dành cho Kha và cu Vũ. Diên còn dành ra cả chục trang giấy để dặn dò Kha đủ thứ lặt vặt từ chuyện cu Vũ sẽ ngủ ngoan hơn nếu được nghe đọc một bài thơ cho đến việc chiếc phích cắm nồi cơm điện mới bị hỏng và một số bí quyết giặt là quần áo, nấu các món ăn đơn giản. Diên viết tỉ mỉ, tường tận. Từng dòng chữ được nắn nót tròn đều, ngay ngắn. Cuối cuốn sổ Diên không quên dặn Kha thay cô chăm bón khóm quỳnh. Đọc những dòng ấy, Kha mỉm cười mà chợt thấy sống mũi cay cay. Diên làm như Kha vẫn còn là một đứa trẻ chẳng bằng. Không hiểu tại sao, Kha bỗng thấy lòng bồn chồn những dự cảm về một sự chia cắt chẳng thể hàn nối được. Nhưng rồi Kha nhanh chóng gạt cái ý nghĩ điên rồ ấy ra khỏi mớ cảm xúc hỗn độn đang giăng mắc trong đầu. 
* * * 
Sắp kết thúc hợp đồng lao động, Diên gọi điện về bảo rằng trong khoảng thời gian chuyển tới Berlin công tác, Diên đã gặp lại Đán, người yêu cũ của cô. Đán đã quỳ xuống nhận hết những lỗi lầm hắn gây ra cho Diên ngày trước và cầu xin cô tha thứ, đồng thời cũng hứa hẹn rằng sẽ bù đắp cho cô tất cả. Đứng trước sự chân thành hối lỗi của Đán, lại đang cô độc nơi đất khách xứ người, Diên nhận ra cô vẫn còn yêu Đán thiết tha. Tình yêu ấy giống như ngọn lửa âm ỉ cháy hồng, đến bây giờ mới có dịp bùng lên mãnh liệt. Thế rồi, hai người đi đến hôn nhân và lên kế hoạch sẽ định cư luôn ở Đức. Năm sau, khi công việc trở nên ổn định hơn, cô sẽ về đón cu Vũ sang cùng. 
Khi nghe Diên kể như vậy, trái tim Kha như muốn vỡ toang thành nhiều mảnh vụn. Nhưng Kha cố nuốt lại đắng cay trong cổ họng rồi ngậm ngùi nói, giọng run run: “Ừ, trong lúc này anh cũng không biết nói gì nữa. Mong em thực sự tìm được hạnh phúc” . Nói xong câu ấy, chủ động tắt máy, Kha lủi thủi bước ra khóm quỳnh hóng gió. Kha bỗng thấy hương quỳnh sao mà gắt quá. Ở chốn trời Âu xa xôi, Diên có biết rằng, đêm nào cũng vậy, sau khi đọc thơ ru cu Vũ ngủ, Kha lại ra ban công đếm sao, đếm từng ngày, từng tháng trôi qua để đợi chờ đến phút giây đoàn tụ. Nhưng nào ngờ đâu? 
Kha yêu Diên, lặng thầm và sâu sắc. Ngày Diên đồng ý nhận lời làm vợ anh, Kha cứ ngỡ rằng Diên đã thuộc về anh mãi mãi. Nhưng rồi, sự quan tâm, che chở và tất thảy những gì anh đã nỗ lực vì Diên đã không thể buộc chặt tâm can cô ở lại ngôi nhà nhỏ này. Diên đến và đi khỏi cuộc đời anh tựa như một cơn gió đẫm hương hoa quỳnh, cứ trôi đi xa dần mà không thể nào níu giữ được. Cả đêm, Kha cứ ngồi đối diện với bóng đêm để thức cùng những bông quỳnh nở muộn... 
* * *  
- Bố ơi, sao mẹ lâu về với bố con mình thế ạ? 
Khi Kha đang tưới nước cho khóm quỳnh thì bất chợt giật mình bởi câu hỏi của bé Vũ. Đặt chiếc bình nước xuống hàng lan can, anh xoa đầu cậu con trai rồi nói: 
Con ngoan, mẹ sắp về với bố con mình rồi! 
Lúc nào bố cũng bảo mẹ sắp về. “Sắp” là bao giờ hả bố? 
Câu hỏi vặn và ánh mắt tròn xoe của nó làm Kha thoáng chút bối rối. Anh buột miệng: 
Khi nào có một bông hoa quỳnh nở vào lúc mặt trời mọc, mẹ sẽ về! 
Cha không được gạt con đâu nhé! - Cậu bé lém lỉnh chìa ngón út ra ngoắc tay với Kha rồi nhanh nhảu cầm lấy bình nước lúc nãy Kha vẫn còn đang tưới dở. - Vậy thì bố con mình sẽ cùng chung tay tưới chăm khóm quỳnh này để hoa sẽ nở thật nhiều khi mặt trời lên bố nhé. 
Kha cùng con trai tưới hoa mà đầu óc còn bận đuổi theo những suy nghĩ đâu đâu. Anh tự dằn trách mình bằng này tuổi rồi còn đi lừa một đứa con nít. Làm gì có chuyện hoa quỳnh nở vào lúc mặt trời đã ló dạng 
* * * 
Diên trở về vào một buổi sáng chủ nhật đẹp trời, khi những ánh nắng rạng rỡ đang bắt đầu xuyên qua đám lá quỳnh rồi hân hoan rọi thẳng vào ô cửa sổ. Gặp lại mẹ, cu Vũ reo lên mừng rỡ. Ngược lại, Kha chợt thấy sống lưng mình lạnh toát. Nhìn cảnh cậu con trai vừa khúc khích cười, vừa chạy sà vào lòng mẹ đầy vui sướng, Kha sợ rằng chỉ ngay ngày mai thôi, họ sẽ từ bỏ anh mà đi đến một chân trời mới, không bao giờ có thể gặp lại. Nhưng, rất nhanh, Kha xếp nỗi sợ ấy vào một ngăn kín đáo nhất của lòng mình rồi nở một nụ cười điềm đạm chào đón Diên. Cô cũng đáp lại anh bằng một khóe cười gượng gạo. 
Đêm ấy, hai người lại ra ban công ngắm hoa quỳnh đêm. Hương hoa cứ bồi hồi, vương vấn. Họ lại tâm sự với nhau bao thứ chuyện trên đời. Chợt, Diên úp mặt vào ngực Kha, khóc rấm rứt: Em khổ lắm anh ơi! Hắn lại lừa dối em thêm một lần nữa. Em đã quá mù quáng và ngu ngốc khi tin lời hắn. Sau khi chiếm đoạt hết số tiền em gắng công dành dụm bao năm qua, hắn đã bỏ trốn sang Rumani với vợ con hắn. 
Khẽ luồn những ngón tay qua mái tóc Diên, Kha buông tiếng thở dài rồi chậm rãi nói: 
Đời mà em, nào ai biết trước điều gì... 
Em xin lỗi anh và cũng xin cảm ơn anh bao năm qua đã chăm nom, nuôi dạy cu Vũ nên người dù rằng thằng bé không phải là con của anh... 
Đừng khơi lại chuyện cũ em à. Hãy chôn chặt sự thật này vào quá khứ. Ngày ấy, khi cứu được em lên bờ từ khúc sông chảy xiết, anh đã tự nhủ lòng mình sẽ thay Đán làm bố đứa bé mà em đang mang trong bụng rồi... 
Em là một đứa bội bạc... Anh tốt với em như vậy mà em vẫn nỡ lòng bỏ mặc anh để đi theo hắn. - Diên cúi gằm mặt xuống đất, nước mắt ướt đầm soi ánh trăng loang loáng. - Có lẽ ngày mai, em sẽ đưa con vào miền Nam anh ạ.  
Kha ôm ghì lấy Diên, giọng dứt khoát: 
Cho dù có chuyện gì xảy ra, anh cũng không cho phép hai mẹ con em đi đâu nữa hết. Đây là nhà của chúng ta. Em và cu Vũ là của anh. Đừng bao giờ rời xa anh nữa, được không em? 
Nói rồi, Kha khẽ chạm nhẹ nụ hôn lên vầng trán Diên. Hương hoa quỳnh đêm nay thật khó tả, cứ ngọt ngào, xao xuyến, lâng lâng. Và trong trái tim Kha, Diên vẫn mãi là đóa quỳnh đẹp nhất, một đóa quỳnh sẽ rộ nở khi bình minh lên...
  PHAN ĐỨC LỘC
Thương tiếc
Rằm tháng bảy nụ hoa quỳnh chớm nở,
Góp làn hương phảng phất cõi xa xăm...
Nhớ người ngỡ đã trăm năm,
Hương quỳnh lưu luyến đêm rằm có phai ? 
NM 

 
  Quỳnh Nở Đêm Rằm
Quỳnh nở vào đúng đêm rằm tháng bảy. Mưa ngâu cả tuần nay sụt sùi.
Tuần trước, nụ quỳnh mới nảy ra như một hạt ngọc nhỏ trên phiến lá chính giữa khóm cây. Đoá quỳnh duy nhất lúc chiều còn là một nụ hoa hàm tiếu, giờ mở ra như một lâu đài trinh trắng diễm lệ. Hương quỳnh làm ngây ngất cả đêm rằm xá tội vong nhân. Tú một mình. Hoa quỳnh cũng chỉ có một mình. Tú đem chậu quỳnh vào đặt bên cửa sổ, tắt đèn. Ánh trăng suông soi vào đoá hoa trắng ngời trong bóng tối.
Chậu quỳnh này không phải Tú trồng. Lúc Tú dọn đến thì người chủ căn nhà dọn đi đã nửa năm. Tú chưa từng gặp người trồng quỳnh trong cái chậu gốm mộc dưới tán một bụi móng rồng và mấy khóm nhài, khóm ngâu mọc loà xoà vì không ai tỉa tót. Chỉ có cây quỳnh mà không có cành giao. Người trồng quỳnh là một ông già cô đơn. Người bạn đời đã mất sớm. Tấm ảnh vẫn còn trên bàn thờ giữa nhà. Lâu ngày khói lạnh nhang tàn. Nửa năm nay ông già bị liệt cả người phải đến ở nhà con trai cả. Con cháu ít đi lại, ngôi nhà mốc meo lạnh lẽo, đành để cho gián, chuột làm tổ. Nhiều người hỏi thuê nhưng cụ ông không chịu vì còn bàn thờ và ảnh của cụ bà. Tú nhờ được cậu em họ khéo mồm đến gặp cụ hứa giữ gìn nhà cửa cẩn thận. Cụ đã ốm mệt lắm rồi nên đành gật đầu. Có người ở nhà cũng đỡ hôi hám, bụi bặm.
Trong ngăn tủ thờ là những đồ lưu niệm cũ kỹ. Mấy con búpbê vải bẩn thỉu xộc xệch. Một tấm huân chương của cụ ông. Vài thứ đồ sứ thô kệch, sứt mẻ. Chiếc vỏ ốc lớn ánh lên sắc xà cừ. Con thuyền buồm bằng tre và vải màu xiêu vẹo giữa những thứ linh tinh đó. Bức tranh sơn mài tróc lở, lớp sơn hàng chợ đã rạn hết. Tú chăm chú ngắm nhìn hai bức ảnh. Một bức chân dung đã ố vàng được lồng vào loại khung ảnh rẻ tiền. Bức ảnh của một thiếu nữ có hai bím tóc dài và đôi mắt mở to. Gương mặt nàng rạng rỡ. Một thứ ánh sáng trong trẻo, thuần khiết toả ra từ đôi mắt đen láy, khoé miệng tươi tắn, vầng trán thanh tao. Một bức khác, chắc là ảnh cưới, thiếu nữ đó nép sát vào ngực một chàng trai có gương mặt cương nghị. Khoé miệng chàng hơi lạnh lùng nhưng niềm hạnh phúc vẫn ngời lên trong đôi mắt lấp lánh.
Giữa ban thờ, ngay phía bên trên là bức ảnh một người đàn bà khoảng năm mươi tuổi buồn rầu, mệt mỏi. Mái tóc uốn chải kỹ càng không giấu được vẻ xơ xác già nua. Đôi mắt không còn chút ánh sáng nào của niềm vui sống. Duy có vẻ hiền từ dịu dàng vẫn toả ra như một làn sương buồn làm nao lòng người. Tú cố tìm trong đó chút gì nét thanh xuân còn lưu lại, nhưng dường như tất cả đã tan biến. Làm sao có thể hình dung người đàn bà ốm yếu âu sầu trong bức ảnh thờ chính là cô thiếu nữ trong bức chân dung kia. Tú thở dài. Tự nhiên cứ thấy ngực nặng trĩu một nỗi u hoài không biết từ đâu tới. Mở to mắt trong bóng tối vẫn thấy đoá quỳnh trắng tinh khôi nồng nàn toả hương. Đêm rằm tháng bảy này không thấy hồn đơn phách chiếc nào hiện về. Ngủ cùng hoa quỳnh đang nở và bóng hình thiếu nữ đàn bà thiên cổ xa xăm. Người thiếu nữ ấy, Tú như gặp ở đâu rồi. Còn người đàn bà đã chết kia, Tú chưa từng giáp mặt, chẳng biết tuổi tên, không có dây mơ rễ má gì mà sao cứ ám ảnh mãi?
Một lần năm xưa Tú đã ngắm hoa quỳnh nở không biết vào đêm trăng hay đêm không trăng, thượng tuần hay hạ tuần, tháng giêng hay tháng tám... Chỉ nhớ hồi ấy Tú mới mười sáu tuổi. Bữa đó cha bưng chậu quỳnh ngoài vườn vào đặt ở trước hiên. Chậu quỳnh cũng chỉ có một nụ hoa duy nhất. Tú rửa bộ đồ trà thật sạch, men sứ trắng bóng lên. Cha hãm một tuần trà. Hương trà ngan ngát. Hai cha con ngồi bên thềm trên bộ ghế mây. Người đàn ông trầm ngâm. Cô con gái mười sáu tuổi háo hức. Nhưng không phải nàng háo hức với hoa quỳnh.
Đêm ấy, bên chậu quỳnh còn có một người nữa. Một chàng trai cũng mới ngoài hai mươi tuổi. Chàng ngắm nàng. Còn nàng ngắm đôi bàn tay của mình khép nép đặt trên vạt áo. Thế là chỉ có một mình người cha ngắm hoa quỳnh. Chỉ có một lần duy nhất Tú ngước lên và nhìn thấy đoá quỳnh mãn khai đang bừng nở như nàng công chúa thức dậy sau một giấc ngủ dài khi nụ hôn của chàng hoàng tử phương xa vừa chạm lên môi.
Khuya, chàng trai đứng lên ý tứ chào người cha rồi ra về. Tú xin phép cha tiễn chàng ra cổng. Hai người đứng mãi bên cổng chẳng ai dám nói gì. Hồi lâu Tú quay vào. Vẫn thấy cha ngồi bên chén trà. Hương quỳnh nồng nàn. Tú rón rén đi vào nhà, không dám làm phiền cha.
Hai cha con sống lặng lẽ như thế đã bao nhiêu năm trong ngôi nhà cổ này. Tú không tường mặt mẹ. Trên khung ảnh giữa ban thờ chỉ có một bức ký hoạ. Cha vẽ lại mẹ theo trí nhớ. Tú cố căng mắt ra nhìn cũng chỉ thấy tóc và tóc. Đôi mắt thì giống như hai chiếc lá trôi giạt mãi tận cuối chân trời nào. Mẹ mất khi sinh Tú. Thầy thuốc đã nói mẹ không nên mang bầu vì bệnh tim bẩm sinh. Nhưng cô gái hai mươi tuổi yếu ớt như một nụ quỳnh hé nở ấy lại đang yêu say đắm. Nàng đã nở một lần duy nhất như đoá quỳnh mãn khai dâng tràn hương sắc.
Cha không bao giờ quên được cái khoảnh khắc nhìn thấy mẹ sau lúc lâm bồn. Mẹ mỉm cười rạng rỡ dù mặt còn xanh nhợt. Vượt qua được cơn đau sinh nở, mẹ đã thắng được cơn đau tim đáng sợ. Mẹ từng khóc ròng suốt mấy ngày khi thầy thuốc khuyên nên bỏ cái thai mới được hai tuần. Mẹ nhất quyết sinh Tú. Bây giờ mẹ được thoả nguyện. Nhưng một cơn sốc bất ngờ đến ngay lúc tưởng chừng mọi điều đã yên ổn. Quá muộn cho mọi sự hối hả. Mẹ nhẹ bẫng đi trên tay cha. Chỉ có mái tóc là vẫn dày nặng đổ xuống dài như một cơn mưa thu tháng bảy...
Tú dọn nhà đã mấy tuần. Muốn giấu mình ở một ngôi nhà xa lạ, nơi chẳng có ai quen biết để quên đi nỗi buồn không thể ngỏ cùng ai. Vậy mà lại gặp đúng mưa ngâu tháng bảy rồi khói hương ngày rằm xá tội vong nhân và hoa quỳnh nở. Cái điều đã cố tránh đi giờ đây đang bao bọc lấy Tú như tiếng mưa thu rả rích suốt đêm và hương quỳnh quyện vào từng hơi thở.
Ngôi nhà thân thiết của riêng hai cha con bây giờ có thêm một người đàn bà khác. Vẫn biết rằng điều đó là lẽ thường nhưng sao Tú thấy đắng nghét ở cổ. Không phải Tú xót xa cho mẹ. Mẹ mãi mãi vẫn giữ nụ cười của một thiếu phụ mới ngoài hai mươi tuổi. Tóc mẹ vẫn dài như một cơn mưa. Chỉ có đôi mắt như hai chiếc lá trôi giạt về tận cuối trời...
Cha đã tục huyền ở tuổi năm mươi. Với một thiếu phụ mới ngoài ba mươi tuổi. Tú thấy sự có mặt của mình thành vô lý. Hơn hai mươi năm qua chỉ có hai cha con. Tú đã quá quen với điều đó. Nàng khóc ngấm ngầm như một đứa trẻ bị xử ức. Dường như cha biết tất cả nhưng lại chẳng nói gì. Cha chỉ buồn bã nhìn vào đôi mắt sưng mọng của Tú. Đôi khi Tú thấy cha nén tiếng thở dài. Một lần, khi chỉ có hai cha con ngồi trước hiên, ông hỏi Tú: "Đã lâu ba không thấy Song đến chơi?". Tú nhìn đi chỗ khác: "Tụi con chia tay rồi". Cha Tú ngồi bần thần như người mắc lỗi. Bữa Tú kiếm cớ xin phép ra ở riêng cha cũng ngồi như vậy. Giờ nghĩ lại Tú thấy cay xè trong mắt nhưng cũng chẳng biết phải làm thế nào. Thôi cứ để mấy bữa nữa ghé qua nhà rồi sẽ tính...
Có bóng ai đang ngó nghiêng ngoài cổng. Tú miễn cưỡng đứng lên. Bà tổ trưởng dân phố lách qua cánh cửa nửa mở ra nửa muốn sập vào. "Cháu mới dọn về thuê nhà ở đây hả? Đã khai báo tạm trú chưa? Thuê bao nhiêu một tháng? Bốn trăm cơ à? Sao đắt thế?...". Câu chuyện cứ thế rỉ rả. Bà tổ trưởng ái ngại lắc đầu chỉ lên bàn thờ: "Lúc còn sống bà ấy cũng đến khốn khổ với ông ấy đấy. Ông ấy khó tính lắm, không như chú nhà cô yêu vợ thương con hết mực. Chú mất rồi cô cứ ngơ ngẩn mãi. Cô chú sống hoà hợp lắm chứ không ông chẳng bà chuộc như ông bà ấy bên này. Chẳng là bà ấy yếu lắm. Mỗi lần gần gũi chồng lại ốm đến hàng tháng...". Tú cố giữ một bộ mặt biểu cảm đúng mức cho phù hợp với dòng cảm xúc trữ tình của bà tổ trưởng dân phố nhưng thấy thật khó mà nuốt cho trôi câu chuyện tâm giao này.
Bà tổ trưởng ra về sau khi đã cho Tú lĩnh đủ dòng hồi tưởng về cuộc hôn nhân hạnh phúc của mình và nỗi bất hạnh của người láng giềng quá cố với niềm xúc động còn dâng tràn trên gương mặt không che giấu được vẻ hỉ hả, không quên dặn dò: "Con phải nhớ khai báo tạm trú đều. Cổng ngõ khoá cho cẩn thận. Khu này nhiều nghiện lắm đấy...". Tú cảm ơn rối rít, đóng cổng thở phào. Quay vào nhà nhìn lên ban thờ không hiểu tại sao cũng thấy bùi ngùi. Người đàn bà trong ảnh với gương mặt nhàu nát và đôi mắt mệt mỏi làm Tú nghĩ đến mẹ. Nếu còn sống, liệu mẹ có được hạnh phúc không? Mắt mẹ như hai chiếc lá mơ màng trôi giạt chứ không ảm đạm thế kia. Tóc mẹ chảy tràn như mưa thu nặng và ướt chứ không khô xác như tóc người đàn bà này. Mẹ mới ngoài hai mươi tuổi. Mẹ thật hạnh phúc biết bao khi được chết trên tay người mình yêu như đoá quỳnh nở một đêm tràn trề hương sắc.
Điện thoại bỗng rung lên rè rè như người hết hơi. Tú quên không nạp pin. Một giọng nói như vọng lên từ âm phủ gọi đúng tên làm Tú run bắn người. Định thần lại Tú nhận ra tiếng phều phào của ông già chủ nhà nhắc về khoản tiền thuê hàng tháng. Giật mình nhìn lên lịch. Hôm nay đã là mùng mười. Ông già ốm sắp chết mà vẫn không quên ngày tháng, đòi nợ rất đúng hạn. Nhận được lời hẹn chắc như đinh đóng cột của Tú là đến tối sẽ nhờ người mang tiền qua trả ông già mới thở phào một cái. Qua điện thoại Tú lại nghe như tiếng thở hắt ra của một người đang hấp hối.
Chiều nay Tú ghé về nhà. Cha còn ở xưởng vẽ. Bà dì thấy Tú lúng túng chạy ra chào và rót nước mời. Tú ngồi yên trên cái ghế mây trước hiên nhà ngay bên chậu quỳnh năm xưa. Chàng trai ấy bây giờ chắc đã là của một người đàn bà khác. Tú vẫn còn đau tức ở ngực mỗi khi nhớ đến khoảnh khắc chàng ghì siết lấy Tú trong tiếng thì thầm tha thiết: "Chúng mình có con nhé!". Môi chàng lướt trên bầu ngực như hai nụ quỳnh vừa chớm nở... "Đừng...", giọng Tú thảng thốt, nhưng cô không rời khỏi tay Song được nữa...
Khi biết Tú có bầu Song mừng quýnh: "Để anh nói với ba mẹ xin cưới em...". Tú lưỡng lự: "Từ từ đã, để em tính...". "Còn tính gì nữa? Không muốn sống với anh sao?". "Không phải vậy, nhưng em mới về công ty, lúc ký hợp đồng đã thoả thuận hai năm đầu không con cái gì. Thoả thuận mồm thôi nhưng bây giờ mình vừa về đã nghỉ sinh con sao được. Chỗ làm của mình đang khối người muốn nhảy vào. Đợt này em còn phải tháp tùng sếp đi nước ngoài ba tháng. Nghén thì làm sao đi được. Bỏ lỡ một cơ hội tốt...". Song im lặng. Đốt thuốc. Lại đốt thuốc. Lâu rồi Song đã hứa sẽ bỏ thuốc. Tú ho khan, bực bội: "Sao cứ đốt thuốc mãi vậy? Sao không nói gì với em? Giờ anh tính thế nào?". "Còn nói gì nữa? Em đã tính hết cả rồi còn gì!". Tú đứng lên: "Giờ em phải đến công ty. Chiều qua đón em". Song dắt xe ra cho Tú, mặt buồn rười rượi.
Đến văn phòng, Tú gọi điện cho cô bạn gái thân thiết thì thào một hồi rồi được nghe một câu phán chắc nịch: "Không được. Phải giải quyết ngay! Để tao đến đưa mày đi". Hai đứa đến một phòng khám dịch vụ. Tú run bắn người khi nhìn thấy những mỏ vịt inox sáng loáng đang ưỡn cong chờ đợi. Cô bạn chí cốt động viên: "Sợ gì! Chỉ hơi tưng tức thôi. Xong là thấy nhẹ tênh ấy mà!". Tú lẩy bẩy leo lên bàn... Một giọng lạnh lùng vô cảm nhắc Tú giạng chân ra... Chiều, Song đến đón Tú, hăm hở, cương quyết: "Anh tính rồi, em đừng nghĩ quẩn, công việc còn nhiều cơ hội. Nhất định anh không để em đi đâu hết. Đừng có làm gì dại dột đấy! Bây giờ em phải hết sức giữ gìn, mọi chuyện để anh lo". Tú nói mà thấy như muốn tắc thở: "Em làm rồi...". Song sững người: "Em làm gì?". Tú cúi đầu, không trả lời, không dám nhìn Song. Thế là hết! Trong chuyến đi công tác ở kinh đô ánh sáng gọi điện về cho Song, Tú chỉ nghe được một giọng lạnh lùng xa lạ, như chưa từng bao giờ có những phút giây mê đắm trên những đoá quỳnh.
Khi Tú tỉnh dậy thì đoá quỳnh độc nhất đã héo rũ xuống trong ánh ban mai nhợt nhạt của một ngày mưa. Nhìn bông quỳnh tàn sau khi trút hết hương sắc, tự nhiên Tú rùng mình nghĩ tới bầu ngực của mấy chị sồn sồn cùng văn phòng. Lại nhìn lên đôi mắt rầu rĩ trên gương mặt héo hon của bức ảnh thờ. Nếu còn sống, mẹ có già nua như thế không?
Nhưng trái tim ốm yếu của mẹ mãi mãi hai mươi tuổi. Đoá quỳnh trên ngực mẹ chỉ nở một lần mà chẳng kịp tàn..., Tú lại thấy đau tức trong ngực. Sau đêm rằm, quỳnh có nở nữa không?
Ngân Hoa