Thứ Tư, 26 tháng 6, 2019

Nhạc - Thơ - Văn Làng bên kia sông

Bên kia sông
Tôi vẫn mơ về những căn nhà nhỏ,
Bên kia sông thấp thoáng bóng làng quê...
Giấc ngủ khuya trằn trọc ẩn hiện về,
Những con chữ thuở buồn vui lặng lẽ,

Tôi trở về bờ bên nầy quạnh quẽ,
Nhớ thiết tha bờ ấy một con sông !
Biết có ai sưỡi ấm mọi tấm lòng ?
Vác con chữ lãng quên thời hoa mộng ?!

Tôi đã đi như không hề xúc động,
Sao vẫn buồn và nhớ đến thiết tha...
Đám trẻ quê chơn chất rất thật thà,
Bên sông rộng mà ngỡ là xa thẳm !!
NM

“Làng bên kia sông”

Làng Lợt ở bên kia sông. Mùa khô nước cạn, lòng sông trồi lên toàn đá trọc đầu. Chiều chiều lớn nhỏ trong làng đều ra sông lặn ngụp, phơi mình trên cát, ngồi trên những hòn đá trơn nhẵn tắm nắng. Mùa khô con nước hiền hòa như vậy, song đến mùa mưa dòng sông cuồn cuộn, lắm lúc rất dữ dằn.

Hoa về dạy học ở làng Lợt được bảy năm. Bảy năm là khoảng thời gian đủ để cho người ta gắn bó với một vùng đất.
Trường làng có ba cô giáo. Cô Hường đứng tuổi đã lấy chồng người Ba Na ở luôn trong làng. Cô Thanh trẻ hơn chưa lập gia đình. Hoa lấy chồng bộ đội ở bên này sông.
Làng Lợt nằm trong một thung lũng bên sông. Cả làng chỉ có một hộ người Kinh cư trú. Họ có một căn nhà ở ngoài huyện, con cái ăn học ở đó. Hai vợ chồng thường thay phiên nhau cõng hàng vào làng, đổi các sản vật của rừng đem về huyện bán lấy tiền. Ðã nhiều năm, ngôi làng Ba Na này di chuyển đến đâu, họ đều đi đến đó, làm nên cuộc sống cộng sinh bền bỉ. Nhờ họ mà làng biết đồng tiền. Nhờ họ mà làng có rượu đế để uống. Nhờ họ mà làng có thuốc lá để hút, có cá khô để ăn...
Làng sống giữa vùng đất nguyên sinh, lại gần rừng, gần sông nên lúa gạo, thực phẩm rất dồi dào. Những năm đời sống giáo viên còn khó khăn, thiếu gì, các cô giáo đều được đồng bào đem cho. Từ con cá, con gà, đến gùi gạo, gùi măng, đọt bí, rau rừng. Hồi tất cả còn độc thân, ba chị em cùng ở lại trong làng. Ðến lúc Hoa lấy chồng bộ đội, phải qua sông với chồng. Rồi đến cô Hường lấy chồng, chỉ còn trơ trọi mỗi mình cô Thanh.
Làng Lợt ở cái thế mưa không ngập, nắng không hạn, thiên nhiên hiền hòa, đất đai màu mỡ tốt tươi. Ðời người từ khi mới sinh ra đã không phải quá lam lũ tìm cái ăn. Việc trồng tỉa chỉ làm một tháng ăn một năm. Ngoài ra sản vật của núi rừng sông suối thì mùa nào thức ấy. Từ măng le, rau dớn, nấm rừng, đến chim thú, cá sông... thức nào cũng sẵn.
Người làng Lợt vì thế sống rất hào phóng, vô tư. Trẻ em sinh ra cứ chơi mãi cho đến tuổi tay cầm được cái rìu, cái dao, cái yết, chân vượt được dốc đèo, lội được con suối thì mới đi săn, đi rẫy. Ðời người là một vòng quay chậm rãi và đơn giản. Ðến những mùa làm rẫy hay thu hoạch xong, cả làng quây quần lễ hội, uống rượu vui chơi thâu ngày thâu đêm. Bắt được con thú dù to dù nhỏ, làng cũng chia đều cho tất cả mọi thành viên cộng đồng từ người già đến trẻ em. Những lúc có trợ cấp của Nhà nước cho bất kỳ đối tượng nào, làng cũng cứ chia đều cho hết thảy mọi người.
Người làng Lợt coi những thứ hiện có là rất thỏa mãn. Họ không muốn những gì phức tạp, khó hiểu. Ví như đứa trẻ sinh ra chỉ làm cái lễ thổi tai, tức là báo cho Giàng biết trong làng đã có thêm một thành viên mới. Khi bắt chồng bắt vợ, được gia đình ưng thuận, được già làng cho phép thế là làm lễ cưới nhau. Khi bỏ nhau, già làng chỉ cần bắt hai người cầm căng hai đầu một sợi dây, rồi dùng dao cắt đứt đôi là xong...
Ðó là nói những hồi còn chiến tranh và những năm đầu giải phóng, những năm trước đây. Bây giờ thì các cô giáo người Kinh đã về làng dạy cho trẻ con cái chữ. Nhờ các cô giáo, người làng mới biết được nước Việt Nam  rất rộng. Thế giới cũng không chỉ bó hẹp ở mấy ngọn núi, mấy con sông quanh làng.
Bây giờ tên tuổi ai cũng phải ghi, đất đai cũng phải ghi. Cán bộ ghi nhằng nhịt đủ thứ, còn người làng phần lớn chỉ biết chấm ngón tay vào mực đỏ rồi lăn trên trang giấy, chẳng hiểu ra làm sao. Cái lợi của việc học chữ rõ là rất tốt rồi, song bọn trẻ từ bao nhiêu đời nay sinh ra chỉ biết chơi. Bây giờ phải đi học chữ, chúng nó ngại ngùng lắm. Lại phải khai giấy. Mỗi lần vào đầu năm học, cô giáo lại phải đi từng nhà ghi chép, rồi lên xã làm giấy khai sinh cho từng đứa trẻ để được đến trường. Chỉ có các cô giáo mới làm được việc đó, cả làng Lợt chẳng ai đủ trình độ để ghi chép được như vậy. Cũng chính vì không biết chữ mà mấy năm trước có bọn người buôn bò đưa tiền giả vào mua hết bò của làng mà chẳng ai biết. Ðến khi có công an về, người làng mới vỡ lẽ tiền giả tiền thật.
Người Ba Na tốt bụng, chịu khó chịu khổ được, nhưng học cái chữ không khổ mà sao khó quá. Bọn trẻ hằng ngày chỉ thích vào rừng, ra sông ra suối. Bắt ngồi để nghe nói về cái chữ rõ là chúng không thích. Chỉ đến khi cô Hoa đưa ra cái lệ phát kẹo thì tất cả lớn bé lại hè nhau đến lớp. Chị địu em, anh địu em. Từ đứa vị thành niên đến đứa lẫm chẫm, đứa còn cõng trên lưng đều vào chung một lớp. Lớp học trở nên rất hỗn độn với đủ lứa tuổi. Trẻ con làng Lợt đến lớp như một ngày hội. Ðể lập nên trật tự, các cô giáo phải chia lớp thành hai khối ngồi quay ngược lại với nhau. Một khối lớn quay lên phía trước để học chữ. Khối nhỏ hơn quay về phía sau để học hát. Khốn nỗi bọn trẻ từ lớn chí bé đứa nào cũng thích học hát. Ðể duy trì tốt lớp học, cô Hoa lại phải đưa ra sáng kiến: Em nào ngồi đúng vị trí theo sơ đồ mới được phát kẹo. Về sau, để có đủ quà phát cho học sinh, mỗi đợt có đoàn cán bộ y tế xuống làng khám bệnh, các cô giáo lại xin cấp rất nhiều vi-ta-min C để hằng ngày phát cho học trò thay kẹo. Nhờ những viên kẹo, viên C ấy mà đã có rất nhiều lớp học được mở ra, nhiều lứa học trò được đến lớp. Trẻ em làng Lợt đã có thói quen đi học. Có em học mãi hai ba năm một lớp, hết lớp rồi còn xin học lại nữa...
Mặc dù chỉ học đến trường làng, song sau một thời gian, đã có khá nhiều em đọc và viết được con chữ rất sành sỏi. Nhờ có những lớp học, con mắt của dân làng Lợt như sáng hơn, rộng ra. Người làng tiếp thu tốt hơn những lời cán bộ nói. Ðã nhiều người biết ký được tên mình. Cũng nhờ thế mà người làng Lợt biết phân biệt đúng sai. Có lần bọn xấu vào làng vận động mọi người gia nhập các tổ chức phản động, già làng đã trả lời dứt khoát: "Làng Lợt chỉ tin theo cái đạo của Bác Hồ thôi!".
Bây giờ trong làng có những việc cần phán xử, cần giải quyết, người làng Lợt đã biết nhờ đến chính quyền. Nhiều việc của làng, của dân đã được đưa ra chính quyền làm sáng rõ...
Bảy năm, làng Lợt đã để lại trong cô Hoa bao nhiêu kỷ niệm vui buồn. Những tháng ngày khó khăn gian khổ. Có lúc nắng nôi. Có khi mưa lũ. Những chặng đường rừng. Những lần vượt sông...
Có lần gặp cơn lũ bất ngờ, Hoa bị nước cuốn trôi khi lội sông từ làng trở về. Biết tin ấy, làng Lợt đã rã ra cả ngày cả đêm đi tìm. Lần ấy, làng đã tìm thấy cô Hoa bị mắc trên bụi tre gai, không lên, cũng không xuống được. Ðó là một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời dạy học của cô.
Gần đây, anh Dũng chồng Hoa được điều động lên trên. Sau khi nhận nhiệm vụ mới một thời gian, anh đã xin chuyển công tác cho vợ về dạy học ở vùng ven đô thị. Nhận được tin ấy làng Lợt buồn lắm. Bọn học trò nhiều đứa khóc rưng rức trong lớp học. Con gái thì đan lát thêu thùa những đồ thổ cẩm tặng cô. Mấy thằng con trai vẽ tặng cô một tấm hình phụ nữ đôn hậu ngộ nghĩnh và đẹp như tiên. Ðó chính là hình ảnh của cô Hoa dưới con mắt của bọn chúng.
Hoa chuyển đi, đồng nghĩa với một cô giáo trẻ khác sẽ trở về thế chân cô ở cái làng heo hút nhưng hiền hòa chân chất này! Cô giáo trẻ ấy có đủ tình yêu sưởi ấm những đôi mắt trẻ thơ trong trẻo mà ngây ngô? Liệu cô giáo trẻ ấy có đủ nghị lực lội sông hàng chục năm trời để mang theo cái đạo chữ đến cho làng!...
Khi đã trở về bờ bên này lần cuối cùng, Hoa mới thực sự thấy hết, mới thực sự lưu luyến với những chuỗi ngày cực nhọc, gian khổ nhưng tươi vui và cao đẹp ấy.
Bây giờ với cô, làng Lợt đã cách một con sông. Nơi ấy có những ánh mắt hồn nhiên ngây thơ. Có những giọng đọc ê a ngọng nghịu. Có những cuộc đời phẳng lặng như trang giấy trắng. Có những đồng nghiệp một đời cõng vác các con chữ vui buồn, lặng lẽ đi qua thời gian.
Và cái làng nhỏ bên sông ấy cứ trở đi trở lại trong những giấc khuya trằn trọc của Hoa, vừa ngọt ngào vừa như day dứt...

Phạm Đức Long 

Tương tư dạ khúc
Le le gọi bạn mình ên,
Sông quê xao động buồn tênh nao lòng...
Đôi bờ nước chỉ một giòng,
Buồn trông gió thốc, buồn sông lững lờ ....
Bao năm ngóng đợi trông chờ,
Cung thương hoà điệu, ta về bờ vui !
NM

Vọng khúc tương tư 
Nếu đã là thương, thì trọn cuộc đời cũng cứ thương. Giờ xế bóng heo may, hổng lẽ để tiếng đờn mãi thắt thẻo bên kia sông. Còn bên này sông, lại thêm một người dằn vặt xót xa.
Song Lang lừng khừng năm hồi bảy đỗi mới dám mon men ra bến sau, nơi mỗi tối tía hay ngồi kéo đờn. Tía dứt bản Trường tương tư. Tiếng đờn như giọng ai thở than, vẫn còn vang vọng theo sóng nước. Trời đêm thẫm đen. Mấy dề lục bình trôi tấp vào chân bến, tụ thành đám, dập dềnh cả khúc sông.
****
- Tía à, chắc con thôi học heng! Chớ trong đầu hổng nhét được chữ. Học nữa thi cũng rớt, ở nhà mần ruộng biết đâu lại hay hơn đó tía.
Song Lang mười tám, cùi cụi vạm vỡ, da ngăm đen theo từng mùa nắng bươn chải ruộng đồng. Để nói mấy cái lời này với tía, cũng dễ chừng ba đêm rồi nó trằn trọc thao thức.
Hổng phải nó cạn nghĩ mà buông xuôi, nhưng suy cho cùng, dù nó nhặt nhạnh bao nhiêu thứ hay giỏi, mới lạ trên lớp học, niềm vui đó chắc không thể khỏa lấp được nỗi lo đau đáu ruột gan dành cho tía.
Song Lang còn cả chặng đường dài của tuổi trẻ, còn tía, đâu bao nhiêu năm nữa. Rồi tía cũng như những cánh ô môi muộn mằn một mùa hoa, mà rụng lã chã xuống triền sông này, theo con nước vơi đầy về với phù sa sông quê. 
Hồi tuần trước, nó đưa tía lên huyện khám, ông bác sĩ trẻ thở dài, đưa nó ra một góc riêng, nói mắt tía mờ dần rồi, cái tuyến lệ của tía bị thoái hóa, giờ võng mạc kết một màng trắng đục, nguy cơ tía mù cao lắm. Song Lang nghe tay chân mình rụng rời. 
Nó giấu bặt chuyện này, chẳng dám nói tía nghe, chỉ ừ hử dặn tía thường xuyên nhỏ thuốc với ngủ nghỉ đầy đủ sẽ lại thấy rõ như xưa. 
Nhưng tía đâu có nghe lời Song Lang. Tía vẫn hằng đêm ra bến sau ngồi kéo đờn, bao năm rồi vẫn vậy. Khắp cái miệt này, ai cũng gọi tía là ông Cò Líu. Tiếng đờn của tía vang xa, vút theo từng ngọn gió, trôi trên từng con nước, len lỏi từng rặng bần mà in hằn tâm trí người dân nơi đây. 
Tía chỉ còn mỗi cây đờn cò bầu bạn sớm hôm. Khi vui tía đờn bài Bắc, nhịp nhanh, ngân ít, nghe xôn xao cả vùng sông nước. Bữa nào buồn, tía kéo bài Nam, âm điệu nhặt khoan, dìu dặt theo từng cơn gió lùa. Những mùa ô môi nhuộm hồng khúc sông, tía đờn bài Oán, cho đến cạn mùa ô môi, vẫn chỉ là bài Oán mà thôi. 
Khi thì Văn Thiên Tường, khi thì Bình sa lạc nhạn. Chừng ngó tán cây chỉ còn lơ thơ vài bông trổ muộn, tía đờn Trường tương tư. Bài Oán của tía nghe âu sầu, rầu rĩ tâm can. Lại thêm những lần tía kéo lên líu, rồi miết dây đờn, cái ngân nó da diết khắc khoải, như ai cào ai xé lòng dạ. 
Mà tía có đờn bài Nam, bài Bắc hay là bài Oán, thì người ta vẫn nói, tiếng đờn tía buồn rười rượi, buồn như phận người cơ cầu của miệt bưng biền này. Nói cho chính xác là buồn như đời tía vậy.
Có lần, Song Lang đem cái câu người ta nói về hỏi tía, tía ngoảnh nhìn phía bên kia sông, nơi đám bần lào xào theo gió. Ờ thì đời tía buồn lắm! Mà buồn hay vui thì vẫn phải sống mà con. Niềm vui có cái hay của nó. Nỗi buồn cũng có cái quý của nó. Lòng mình nặng hay nhẹ là do mình. 
******
Song Lang neo xuồng vào gốc bần bên này sông, một chiều muộn tháng tám, hoàng hôn lịm tím cả triền sông. Mai Út Thà lên Sài Gòn học, chỉ còn mỗi buổi này hai đứa ngồi với nhau. 
Ngày cầm giấy báo đậu đại học, Song Lang hớn hở mừng cho cuộc đời của đứa con trai côi cút. Ai dám nghĩ đứa trẻ ngày xưa bị bỏ rơi ngoài cổng đình làng được tía thương mà đem về dung dưỡng. Nghèo khổ giăng tứ bề với cái nghề xướng ca rày đây mai đó mà tía vẫn nguyện lòng bảo bọc nó đến tận bây giờ. Dường như ý thức được cái hẩm hiu phận mình nên nó cứ cùi cụi mà lớn khôn, chẳng lần nào dám ốm đau ngặt nghèo.
Chuyện tía vun vén cho nó ngày hai buổi tới trường đã là cả một đoạn trường cam khổ. Giờ bắt tía nuôi nó thêm bốn năm trên cái đất đô hội phồn hoa, đắt đỏ bậc nhất đó, liệu sức tía có gồng gánh nổi.
Tía già rồi, bận trái gió trở trời xương khớp tê buốt, thêm cái bệnh mắt thoái hóa bắt đầu chuyển nặng. Vậy nên nó đành nói dối, chẳng công sinh nhưng là công dưỡng, giờ nó ở lại cái miệt bưng biền này, cày sâu cuốc bẫm rồi cũng qua một đời người. Chỉ mong với tía những ngày heo may giăng ngang quãng đời xế bóng được phần an nhàn, thanh thản vui đùa cùng ngón đờn.
Bữa nó nói cho Út Thà nghe quyết định của mình, Út Thà khóc nhiều, không nói không rằng quay vào nhà, bỏ nó đứng mình ên ngoài bến, mưa quất ràn rạt vô mặt nó, cay xè khóe mắt. 
Mấy con le le gọi bạn mùa nước nổi, xao động cả khúc sông quê. Út Thà vẫn hổng chịu nói gì, cứ mân mê cái vạt áo, rồi nhìn miết mấy bông lục bình ngan ngát tím đang lững lờ xuôi theo con nước. 
- Út Thà lên đó, nhớ giữ gìn sức khỏe nha, nhớ học thiệt giỏi nghen, ờ nhớ rảnh rảnh về thăm nhà, thăm… ờ thì thăm…
Song Lang bỏ lửng câu nói, không dưng nó nghẹn nơi cuống họng. Song Lang bên kia sông, Út Thà bên này sông. Tuổi thơ hai đứa là những ngày bì bõm chung một dòng, lớn ròng con nước vẫn đều đặn í ới nhau.  
Có lần, mùa mưa, đường đê trơn ướt, Út Thà không may té xe, trầy xước tay chân. Nhìn Út Thà khóc, Song Lang nghe tim mình thắt lại, nhói ruột nhói gan. Năm đó nó mười sáu và dưới gốc bần này, Song Lang đã nói, trọn cuộc đời mình, nó sẽ chẳng bao giờ để Út Thà khóc nữa. 
Vậy nên, giờ Út Thà đừng khóc nghen. Út Thà cứ đi đi, trên đó còn có nhiều thứ mà Út Thà từng mơ ước. Song Lang ở lại đây, sẽ chờ Út Thà mang cái ước mơ đem con chữ về miệt bưng biền này, đám trẻ làng mình chẳng còn phải qua năm ba cây cầu lắt lẻo, thêm mấy đoạn đường đê heo hút mà tới trường nữa. 
Út Thà đừng khóc. Cuộc đời này, đâu chỉ duy nhất cánh cửa đại học mới dẫn người ta vào đời được. Còn nhiều con đường. Chỉ cần mình sống tốt, trọn vẹn niềm tin vào chính mình, thì mọi con đường đều dẫn mình về những tháng ngày bình yên. 
Song Lang là đứa con của ruộng đồng sông nước, nên tận sâu trong tâm khảm vẫn tin rằng, sông lắm phù sa, rồi đời cũng nở hoa bốn mùa.
Út Thà đưa cho Song Lang cái áo sơ-mi màu nâu đất, nó hì hụi tập may cả tuần nay, từ bữa Song Lang đứng mình ên dầm mưa. Cô Tư Lành nói, đất thủy chung lắm, trọn vẹn nghĩa tình với người, muôn đời chẳng bạc với ai. Mà hổng biết Song Lang có hiểu ý nó muốn nói gì không ta?
Ờ còn cái này, là cô Tư Lành gửi tía Song Lang nghen, khô trâu gác bếp, cô Tư Lành nói, tía thích lắm. Cô Tư còn dặn, tía đừng đờn khuya lơ khuya lắc nữa. Mỗi lần đờn rớt dây xề là cô biết tía ho. Rồi cô ngập ngừng: “… Mỗi lần tía bây đau là cô cũng thấy đau đau trong bụng…”.
Song Lang cho xuồng về lại bến nhà, bóng Út Thà thấp thoáng bên rặng bần. Trăng bắt đầu nhú lên mấy ngọn cây. Đêm thốc gió sông, lành lạnh.
***
Cô Tư Lành kéo Song Lang ngồi xuống sạp may, khi gặp nó giữa chợ. Cô ngoài bốn mươi nhưng vẫn đằm thắm nét mặn mà hồi con gái. Người ta nói cô đẹp nhất làng. Thời con gái, bao đám ngấp nghé nhưng cô chẳng ưng, nghe nói là lỡ đem lòng thương ai đó. Chừng đâu có ông kỹ sư con nhà danh giá từ miệt Rải Quạt lên dạm hỏi, bà Năm Trà mới gả cô.
Nhưng nghe đâu, bữa theo chồng cô buồn lắm. Biền biệt xa xứ ngót chừng hai chục năm, cô về lại quê mình, sau khi chồng ra đi vì bệnh tật. Cô không có con. Chồng lại đèo bòng, nên cô nhường tất thảy của nả, chỉ xin ba má chồng cho hồi gia phụng dưỡng mẹ già.
Cô kê cái bàn máy may giữa chợ, nhận may vá cho dân trong làng. Được cái tay nghề khéo, nên khách khứa cũng nhiều.

- Rồi bác sĩ nói sức khỏe tía bây sao? Ổng có ăn khô trâu gác bếp hông?
- Tía để dành, lâu lâu nướng lên xé ăn với cơm. Còn mắt tía hết chữa rồi, giờ thấy lờ mờ, tối trời là hổng thấy gì ráo cô Tư ơi.

Cô Tư Lành dúi mớ bông điên điển vàng ươm đầu mùa nước nổi với mớ tép đồng tươi mơn mởn cho Song Lang, không quên dặn nó nấu món canh chua mà tía thích. Cô thở dài như một buổi chiều. Chợ sớm đông người rào rạo tiếng nói cười, mà lòng cô sao lặng ngắt, trĩu một niềm riêng.
Bận Út Thà chắc nịch nói, cô Tư còn thương tía lắm. Mỗi lần nghe tiếng đờn của tía, cô lại lần ra bến mà đắng đót, cái duyên nợ dở dang phận mình. Có lần cô Tư nói với Út Thà, cả đời này cô nợ tía một ân tình.
Cuộc đời mỗi người, chỉ cần một đoạn ngắn thôi, sống trọn vẹn với lòng mình đã là đủ đầy hạnh phúc. Nhưng đã là số phận rồi, cô Tư với tía cách một con sông, thuyền đã rời bến mà không sang đúng bờ.
***
Tía bỏ dở đôi đũa, thở dài, lấy giọng, thanh âm trầm buồn. 
- Tía đặt cho bây cái tên Song Lang là vì trong dàn đờn, dù chỉ là dụng cụ gõ nhỏ xíu thôi nhưng song lang nắm giữ trường canh, giữ nhịp bài bản. Tất thảy thầy đờn đều phải nghe nhịp song lang mà vào bài hay dứt bài. Nói cho dễ hiểu, song lang quan trọng nhất trong dàn đờn, là mạch sống của dàn đờn.
Sao tự dưng nay tía là lạ vậy cà. Song Lang buông chén cơm xuống. Nào giờ nó hay thắc mắc sao tía đặt cái tên cái quê trớt, lại kiểu ủy mị yếu đuối, mà đâu dám hỏi. Nhiều bận, bị mấy đứa bạn học chọc ghẹo vì cái tên, nó chỉ biết cáu gắt trả lời, tại tía nó làm thầy đờn, tía thích thì đặt. Giờ nó mới biết cái ý nghĩa của tên mình. Hay tía muốn nói cho nó hiểu, với tía, nó chính là thứ quý giá và quan trọng của cuộc đời. 
- Tía cho người ta thuê công ruộng mần, con lên Sài Gòn mà học đi. Chuyện bây vì tía mà nói dối rớt đại học tía biết rồi. Sớm bây đi ruộng, bà Năm Trà với cô Tư Lành có qua nhà.
Song Lang trố mắt nhìn tía. Hóa ra Út Thà lên Sài Gòn rồi điện về cho bà Năm, kể sự tình của Song Lang. Nó ướm lời xin bà Năm chuyện tía với cô Tư Lành. Thời gian nhập học còn hơn chục ngày, còn kịp để Song Lang thực hiện cái ước mơ đời mình.
Chuyện đời nghĩ cũng lạ kỳ, lắm khi đối diện hằng ngày, vẫn không dám mở lời nói ra cái điều tâm nguyện. Vậy mà khi xa, chỉ bằng cú điện thoại, cảm xúc dồn nén vỡ ra, lại dễ dàng bộc bạch tấc lòng. Phải chăng khi đối mặt, nhìn vào nhau, lời lẽ khó thốt lên? Đám trẻ như Song Lang, như Út Thà, hình như bây giờ đều có thói quen lạ kỳ đó.
Nếu đã là thương, thì trọn cuộc đời cũng cứ thương. Giờ xế bóng heo may, hổng lẽ để tiếng đờn mãi thắt thẻo bên kia sông. Còn bên này sông, lại thêm một người dằn vặt xót xa.
Ai cũng chỉ có duy nhất một cuộc đời để sống và để thương. Vậy nên, sau khúc tương tư người ta mới nghĩ ra cung thương hòa điệu, để thêm tin tưởng vào điều nhân nghĩa, duyên lành ở đời.

***
Bà Năm Trà có nói với tía, vài ngày nữa giỗ ông Năm, tía qua rồi thắp nén nhang, coi như ra mắt gia tiên để cô Tư Lành sang sông về với tía, coi như bầu bạn tuổi già.
Rồi Song Lang lên Sài Gòn mà tiếp tục con đường tương lai, thêm cái trọng trách chăm nom phụ đứa cháu gái cưng của bà Năm Trà. Vẹn cả đôi đường. 
Trời nhá nhem tối, trăng treo chòng chành qua mấy ngọn bần. Tía lại ra sông đờn. Cả khúc sông vọng vang bài Bắc, Loan phụng hòa minh, điệu réo rắt, nhịp dồn nhanh. Gió quyện tiếng đờn bềnh bồng vút cao.
Trúc Thiên
Những ngôi nhà bên sông
MỘT
Có nơi gọi là thôn, có chỗ gọi là làng, nhưng nơi tôi sinh ra, từ xưa các cụ đã gọi là giáp; sau này là xóm. Giáp Nam, Giáp Bắc...; xóm 14, xóm 18, xóm 20...
Mỗi giáp, xóm cách nhau một cánh đồng và bao giờ giữa đôi bờ trù phú ấy cũng có một dòng sông. Sông Sẻ, sông Múc, sông Sò... Từ thuở khai phá, khẩn hoang cách đây vài trăm năm, Cụ Thượng Nguyễn Công Trứ và trước đó tổ thượng của chúng tôi - Cụ Trần Vu đã có tầm nhìn xa: quy hoạch vùng đất miền chân sóng này vừa an sinh, sạch khí, vừa mỹ quan, phong thủy... Có lẽ thế, thời trước, khi vua kinh lý qua đây đã phong tặng cho vùng đất này là mỹ tục khả phong, thiện tục khả phong...
Minh họa: A Dũng
HAI
Đến đời chúng tôi - những đứa trẻ sinh ra và lớn lên giữa thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, được thừa hưởng di sản của cha ông, sống trong những ngôi nhà cạnh bờ sông ắp đầy truyền thuyết, huyền thoại. Con sông quê hương, không của riêng ai, mà gần như của tất cả người Việt chúng ta, đều gắn bó với biết bao kỷ niệm vui buồn. Con sông quê hương; Dòng sông tuổi thơ; Khúc hát sông quê, Tuổi thơ tôi... chẳng đã đi vào thơ, nhạc, theo ta suốt cả cuộc đời đó sao?
Đối với riêng tôi, có cõi riêng, nỗi niềm khác. Những ngôi nhà dọc bờ sông ở quê tôi gắn liền với thế hệ những người cầm súng, đã hiến dâng tuổi xuân của mình cho đất nước.
Sau chiến tranh, tôi khoác ba lô về quê. Đêm đầu tiên, tôi đi thăm gia đình bạn bè, đồng đội - những người đã nằm lại chiến trường, không trở về sau ngày toàn thắng.
Đi khắp lượt, tôi mới ngộ ra một điều. Hầu như tất cả các ngôi nhà dọc bờ sông quê thân yêu này đều đã hiến dâng cho đất nước ít nhất một người ruột thịt của mình. Đó là anh Chiễu, anh Khơi nhà cụ Hạo; anh Thanh nhà cụ Xán; anh Định nhà cụ Phức; anh Sắc nhà cụ Tắc; anh Thu nhà cụ Chi; anh Hòa nhà cụ Điều; anh Châu nhà cụ Hỗ; anh Chiến nhà cụ Cẩn... Và cả em trai tôi nữa - anh Thiềng nhà cụ Thắng.
Những chàng trai ấy là người cùng trang lứa với tôi. Trước đó đã có nhiều người thuộc lớp cha anh ngã xuống trong thời chống Pháp ở Điện Biên Phủ, Văn Đàn, Đông Biên, Xương Điền, Văn Lý...
Vì vậy, mỗi lần về quê, tôi đều dành khoảnh khắc linh thiêng lúc nửa đêm thả bộ dọc bờ sông để “trò chuyện” với những người đã khuất như là họ đang hiển hiện đâu đây.
BA
Những ngôi nhà dọc bờ sông, không chỉ đậm dấu ấn của những người đã khuất - đã hiến dâng đời mình cho đất nước mà cả những người đang sống cũng đã hy sinh cả tuổi xuân của mình cho hạnh phúc của toàn xã hội. Những người mẹ, người chị, người em gái hiến dâng cho đất nước theo cách riêng của mình - đó là sự hy sinh thầm lặng!
Tôi vừa đến thăm một bà mẹ liệt sĩ. Con trai mẹ là bạn thân của tôi thời còn cắp sách tới trường. Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, con trai mẹ đã nằm lại chiến trường hơn chừng ấy năm, nhưng gặp tôi lần nào mẹ cũng hỏi: “Con về rồi, bao giờ thì thằng Thu nhà bác về?”.
Câu hỏi ấy giống câu hỏi của mẹ tôi “Con về còn em con đâu?”. Tôi chỉ biết lặng thinh ôm đôi vai gầy của mẹ. Biết đến bao giờ chúng tôi mới trả lời được “câu hỏi đời người” ấy?!
Còn nữa, sự hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ trong ngôi nhà dọc bờ sông cứ đằng đẵng theo năm tháng. Tôi có những người chị, người bạn gái đã mòn mỏi mấy thập kỷ chờ đợi người yêu, người chồng từ mặt trận trở về, dẫu họ chỉ trở về trong hộp thiêng phủ đẫm cờ Tổ quốc.
Và, chiến tranh kết thúc đã mấy chục năm, những chàng trai ấy không thể trở về, thân thể các anh đã biến thành đất đai tổ quốc. Hồn đã bay lên thành linh khí quốc gia; khiến những người phụ nữ kia “hóa đá” như trong truyền thuyết.
Tôi bỗng nhớ đến những câu thơ cháy lòng khi viết về những người đàn bà Việt Nam huyền thoại ấy:
Em đợi anh mấy mươi mùa mưa
Mùa mưa nào cũng đầm vạt áo
Chim sáo sang sông vẫn là chim sáo
Em đợi anh, con gái hóa bà già
Mấy chục năm, mùa mưa đi qua
Đếm hạt mưa gõ trên mái lá
Hạt mưa thì trôi còn em hóa đá
Chỉ trái tim hồng chín tháng năm
Em đợi anh từ thuở tóc còn xanh
Nay tóc bạc, mây trắng về vần vũ
Cánh đồng xưa và con đường cũ
Không sao quên được bóng hình anh....
BỐN
 Những người còn sót lại sau chiến tranh trở về với những ngôi nhà cạnh bờ sông có cách tri ân quê hương, tưởng nhớ bạn bè, đồng đội theo cách riêng của họ.
May mắn về quê dịp cuối năm này tôi được dự lễ khánh thành cây cầu văn hóa bắc qua dòng sông có những ngôi nhà liệt sĩ ấy. Hai người lính thuộc thế hệ sau chiến tranh chống Mỹ nay đều là đại tá. Một đại tá quân đội, một đại tá công an. Hai người bạn “học chung một lớp” đã bỏ tiền bạc, công sức vận động cơ quan, bạn bè chung nhau xây dựng cây cầu cho quê hương. Số tiền không nhiều, nhưng ý nghĩa thật nhiều. Ngày khánh thành cầu cũng là ngày hội đoàn kết toàn dân. Tôi gặp lại các bà mẹ liệt sĩ, các người vợ, người chị “hóa đá” chờ người thân mấy chục năm nay mà không sao cầm được nước mắt.
NĂM
Bây giờ cuộc sống đã có phần đổi khác. Người ta tập trung lo làm giàu, làm quan và tìm mọi cách vun vén cho riêng mình. Điều ấy cũng dễ hiểu. Nhưng sẽ thật sự khó hiểu, nếu vì kế sinh nhai, lập thân, thăng tiến mà người ta lãng quên quá khứ; quên đi những “câu hỏi đời người” của các bà mẹ liệt sĩ; quên đi những gương mặt khắc khổ, tàn phai theo thời gian của những cô gái vốn một thời đẹp như trăng rằm, đang mòn mỏi đợi người từ mặt trận trở về; sẽ là một khiếm khuyết, một tội lỗi không thể nào tha thứ được!
Nửa đêm, trước khi tạm biệt quê hương, theo thói quen, thả bộ cạnh những ngôi nhà dọc bờ sông, tôi nghĩ thế!
Hải Hậu, tháng 12-2016.
TRẦN THẾ TUYỂN.