Thứ Ba, 22 tháng 12, 2020

Nhạc - Thơ - Văn Lần đầu tiên cúng Đông Chí !!

Duyên kỳ ngộ
Bay trong cõi càn khôn vũ trụ,
Ngàn năm một thuở gặp do duyên...
"Mãn hoa thiên vũ" gọi tên em,
Trùng hợp với sắc mùa Đông chí
 
Không gian rộng ngàn năm hạnh ngộ,
 Duyên của Trời nào khác nhân gian ?
Thôi thì cũng vẫn hợp tan,
Cơ duyên một thuở lưu ngàn năm sau !!
NM

Lần đầu tiên cúng Đông Chí !!
 Thay cho lời tạ lỗi với những người của ngày xưa....
Trong suốt cuộc đời từ lúc còn bé sau đó lớn lên đi học, ra trường rồi về Bạc Liêu là quê hương bên ngoại, một tỉnh ở miền cuối Việt xa xôi, về Bạc Liêu trong lúc mùa Đông nên tôi mới biết và để ý đến Tiết Lập Đông và nhất là Tiết Đông chí vì Bạc Liêu là vùng đất có ba dân tộc cùng sinh sống:Việt, Khmer và người Hoa, cả ba dân tộc đều sống chan hòa với nhau, cùng vui chung trong những mùa lễ lớn, nhất là vào dịp cuối năm bắt đầu từ tháng mười âm lịch trở đi, khởi đầu là lễ đua ghe ngo của người Khmer rồi tiếp theo là một loạt các lễ hội lớn của người Hoa kéo dài cho đến Tết Nguyên đán mới hết
Năm đầu tiên về nhận nhiệm sở là đã cuối tháng 11 dương lịch, những bận rộn của cuộc sống mới cộng với những tháng ngày chính thức bước vào đời lại gặp số lượng học sinh khá cao và cũng ....khá lớn tuổi, lớn cả sức vóc, đa phần các em chỉ nhỏ hơn cô tối đa là 5 tuổi còn lại đôi khi có em lại bằng tuổi hay lớn hơn cô và đã có gia đình, nhưng em nào có gia đình thì trầm tỉnh dễ thương và rất lễ phép !
Cô giáo trẻ xa nhà, bỡ ngỡ cho nên ....nhớ nhà rất nhiều, năm đầu tiên còn được ở với ngoại vì vậy chỉ mong ban Giám hiệu sắp xếp thời khóa biểu thuận tiện để bốn tuần được về Sài gòn thăm nhà, tất cả những dịp lễ hội đều không quan tâm đến dù các em học sinh hay giới thiệu và "quảng cáo" để giữ cô giáo ở lại chung vui....
Nhận nhiệm sở ngay giữa mùa Đông thì lại càng nhớ nhà nhiều hơn nữa vì lúc nầy là lúc quán cà phê của mẹ rất cần cả hai chị em phụ giúp, cô em gái bây giờ phải vừa đi học vừa đi chợ, nấu cơm rồi phụ quán, mỗi lần nhận điện thoại của mẹ than thở là một lần...khóc âm thầm, cho nên chỉ mong về thôi cho dù chỉ về thăm nhà được ba ngày hai đêm, cho dù ngày ngày cứ nghe tin đắp mô và đêm đêm thường nghe tiếng đạn pháo kích...!
Những buổi sáng mùa Đông ở Bạc Liêu vô cùng thích thú tôi thường đến trường thật sớm, trời Đông lạnh khô ráo tuy nắng bụi nhưng vẫn còn hơn là mưa bùn, được đi bộ đến trường giữa đám học sinh thân quen, có niềm vui nhìn ngắm vườn hoa sao nháy đủ màu sắc của các soeur ở nhà thờ lớn trên đại lộ chính hay ngắm cây đào lông duy nhất đang trổ hoa trong sân tennis bên cạnh trường, nhưng niềm vui lớn nhất là được vô trường sớm chạy đến hộp thư tìm thư "người quen" ! Và trong những sáng mùa Đông đó cũng có một người đến sớm không kém là anh VH, anh cũng lục tìm thư nhưng hình như chỉ để xem "những ai" có thư thôi, và mỗi khi thấy mình có thư thì anh lại hay nói đùa "Hạnh phúc thay cho người có thư !", phòng  giáo sư vắng người anh thường hay thổi kèn harmonica những bản nhạc buồn làm lòng càng nôn nao nhớ nhà, nhớ quán cà phê của mẹ !!
Trưa và chiều tan trường đi ngang qua chợ dịp cuối năm thì thật là nhộn nhịp, người ta chưng bày đủ thứ lễ vật cúng cuối năm, những tháp bằng đường đủ màu sắc, những bánh trái lựu to nhỏ xen với đủ loại giấy tiền, đèn lồng màu được bày bán đầy mặt tiền cửa hàng... Học trò vừa chỉ cô xem vừa giải thích để thuyết phục cô đừng về, ngoài việc ăn  mừng lễ Đông chí ra người ta còn tổ chức đi biển, thăm vườn nhãn., mừng vụ mùa thu hoạch cuối năm...Nhưng cô vẫn về vì niên học thứ hai một mình ở trọ, ngoại lên Sóc trăng, cậu cũng ít về Bạc Liêu, nhất là "người thân" cũng rời Bạc Liêu hẹn ...với ngoại sẽ trở lại khi tu nghiệp xong hai năm !!
Sự lạc lỏng cô đơn thiếu tình thân gia đình làm mình càng mong về hơn, thờ ơ với tình cảm gắn bó của học sinh dù trong lòng rất thương mến các em, biết bao lần anh VH đề nghị rủ thầy cô nhóm Văn tổ chức cho học sinh cắm trại chung cho vui, tuy rất ngại nhưng vẫn phải từ chối rồi lại khăn gói về Sài Gòn giữa 2g30 đêm mà không lo lắng đến những bất trắc mình có thể gặp trên đường đi vào thời chiến tranh !
Mùa Đông của niên học đầu học trò chưa thân thiết nhiều, nhưng qua niên học thứ hai thì các em học sinh thân gần cùng cô giáo hơn, nhất là khi thấy cô ở một mình thuê nhà người quen mà không ở tập thể cùng các cô giáo độc thân khác trong trường. Còn nhớ năm đó Tiết Đông Chí về thăm nhà, khi quay trở xuống thì bà chủ nhà báo hôm kia Đông chí, học trò xách một gà mên lớn đầy chè xôi nước đem đến biếu cho cô cả mấy chục viên! Tục lệ của lễ là ngoài những món bánh trái ra nhà nào cũng nấu chè xôi nước, bao nhiêu tuổi thì ăn bấy nhiêu viên ỷ. Viên ỷ nhỏ hơn viên xôi nước, cũng bằng bột nếp nhưng không nhân, nhà nào cũng thức suốt đêm để nấu chè, với người lớn tuổi người ta thay một viên xôi nước bằng 10 viên ỷ tương đương với 10 tuổi, các em chỉ đoán tuổi cô và vì thấy cô ở trọ cho nên mang lại cho cô trên hai mươi mấy viên ...! Và món quà đó dĩ nhiên cô chỉ nghe kể và chủ nhà "khen" học sinh thương cô quá, khen chè ngon và chè nhiều quá ăn không hết! Cô chỉ dùng hàm thụ mà trực tiếp là gia đình chủ nhà thưởng thức vì chè không thể để lâu được mà nhà cũng không có tủ lạnh !
Học trò thời đó thương cô giáo ở xa nhà cho nên quan tâm đến cô rất nhiều, biết cô cứ khoảng bốn tuần về Sài gòn thì cuối tiết học chót có em lại đem quà gởi biếu cô kèm theo phong kẹo chewing gum để cô dùng lúc ngồi gần cả ngày  trên xe hay đôi khi chờ phà bị kẹt, chờ phá mô. Có lần đang dạy hai tiết kề nhau nhìn ra ngoài thấy một em nam sinh ngại ngùng đứng ngoài cửa lấp ló ngoắc cô ra tặng cô túi hột gà mà mẹ em đã để dành cho em tặng cô dưỡng sức...!!
Hơn mấy chục năm qua, nếm trải biết bao nhiêu biến cố của thời cuộc nhưng mỗi lần Tiết Đông chí đến, nhìn các cửa hàng rực rỡ chưng bày quà bánh bán cho mùa lễ thì bỗng dưng thấy buồn, một nỗi buồn day dứt khó quên và ngậm ngùi ước gì mình được trải qua Tiết Đông chí một lần như ngày xưa nơi quê ngoại
.....Và tôi chưa bao giờ cúng Đông chí cho mãi đến năm nay, cô bạn lại tặng hoa ngày Chủ nhật, sau khi đi chợ Vườn chuối thì có việc ghé chợ Bàn Cờ mua rượu và vài món cần dùng, cô chủ tiệm là người Hoa cũng khá thân, cô tất bật bán hàng, qua câu chuyện mới biết ngày mai là Tiết Đông chí, khách hàng đến mua giấy tiền rất đông, có người không rành phải nhờ cô hướng dẫn, Cô giải thích thế nào là Đông chí và với người Hoa đó còn là Tết cuối năm cho nên người ta cúng thật rầm rộ
Cô cẩn thận hướng dẫn mua lễ vật và sắp xếp bàn cúng như thế nào, cô luôn căn dặn phải có ba viên xôi nước kèm theo mấy viên ỷ, cô nói bây giờ người ta cúng đơn giản hơn nhiều chỉ trừ những gia đình giàu có, gia đình đầy đủ đông vui thì mới cúng linh đình như  ngày xưa
Mọi việc trên đời đối với tôi đều có cái "duyên" của nó, ngày mai 21 tháng 12 là Tiết Đông chí và cũng là ngày Sinh nhật của Ti, ngày Đông chí năm nay còn có điểm thật đặc biệt là ngày duy nhất sau 800 năm hai sao Thổ và sao Mộc hội tụ cùng trái đất, cả hai tiến lại gần nhau và...lướt qua nhau !!Năm 2020 là một năm có nhiều biến đổi, toàn thể thế giới lao đao vì dịch bệnh Covid, biết bao gia đình mất mát đau khổ, thôi thì xin hãy lướt qua nhau và mang đi theo những nỗi buồn của dương thế
 Ti có đề nghị ăn buffet chay ở Đại Nam Hưng, không ngờ khi đến nơi thì quán đã đóng cửa ! Cả một tập thể nhà hàng rộng lớn tối thui không đèn làm hai cô cháu càng thêm chạnh lòng không còn vui vẻ hứng thú nữa, tôi nói thôi thì đi ăn  cháo lòng bánh hỏi Bình Định cho thuận đường và không phải chạy loanh quanh giữa lúc ngoài đường có quá nhiều xe cộ chen chúc nhau....
Khác với mọi năm, ngay tại trung tâm thành phố vẫn chưa có vẻ khởi sắc của dịp lễ lớn ngoại trừ các khuôn viên nhà thờ đông vui nhờ các xe bong bóng, những món hàng bày bán trên lề đường trước cổng nhà thờ...Khi đi ngang qua nhà thờ Tân Hương định nói với Ti dừng lại chụp vài tấm ảnh để chia sẻ cùng các bạn nhưng cảm thấy không còn hăng hái như các năm trước khi có dịch Covid
 Sáng sớm còn sốt sắng bày biện để cúng cho kịp trước khi Ti đi làm để Ti có thể đốt nhang "ăn Tết" Đông chí lần đầu tiên trùng hợp với sinh nhật của Ti, ngoài ra còn trùng hợp với sự hội tụ kỳ tích của sao Mộc và sao Thổ ngay trong đêm Đông Chí, một đêm dài nhất trong năm và cái duyên hạnh ngộ hiếm hoi đó mãi đến tám trăm năm sau mới có một lần !
Không biết tại sao mình lại có nhiều cảm xúc đến như thế, mong rằng thời gian tới sẽ thuận duyên hơn, tất cả nỗi đau sẽ qua mau và đi xa giống như sự chia tay của sao Mộc và sao Thổ, nỗi niềm của cô giáo ngày xưa cũng đã vơi đi ít nhiều...Có lẽ cảm xúc ấy đã làm mình quên chụp ảnh lại khi cúng, chợt nhớ ra thì đã dọn dẹp cả rồi chỉ còn lại cặp đèn cầy vẫn còn cháy cùng bình hoa của cô bạn, đó cũng là cái duyên vui ấm áp trong ngày Tết Đông chí nầy !
Thôi thì đành hẹn với lòng sẽ nhớ và ghi hình lại trong mùa Đông chí của năm sau vậy...!!
NM Phan thị Ngọc Diệp
(Ký ức mùa Đông)