Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Nhạc - Thơ - Văn Lặng nhớ mùa Đông

Tiễn Đông
Chỉ một chút Xuân nồng trong gió lạnh,
Đủ cho hoa khoe sắc thắm nơi nơi....
Lưu luyến chi ở lại gió Đông ơi,
Ta lại gặp sau mùa Thu thay lá !!

Như điệp khúc, mùa đông qua lặng lẽ,
Rồi xuân về, mầm sống trổ nơi nơi,
Dâng lên cao, trải rộng, hạ bồi hồi,
Và dịu lại, êm êm, thu đằm thắm 
KIM     
Kết quả hình ảnh cho Lặng nhớ mùa Đông
Lặng Nhớ Mùa Đông
Khi bạn đọc câu chuyện này có thể là mùa đông đã đi qua. Nhưng mà chẳng sao, năm nào mà chẳng có mùa đông. Sẽ lại có một mùa đông khác. Rồi một mùa đông khác…
    Tôi không thích mùa đông. Mùa đông là mùa của nhà giàu và son phấn. Tôi thì nghèo và lại dị ứng với phấn son.
    Hồi tôi học tiểu học, một lần cô giáo tôi hỏi cả lớp: “Em thích nhất mùa gì trong năm?”. Đứa nào cũng trả lời là thích mùa hạ, mùa xuân và mùa thu. Chỉ có tôi trả lời là thích mùa đông. Vì tự nhiên tôi thấy thương mùa đông. Vì không ai thích mùa đông cả. Có lẽ đó là lời nói dối hoàn hảo đầu tiên trong đời.
    Năm nay tôi bước vào tuổi ba mươi. Người ta bảo phụ nữ ở tuổi ba mươi bắt đầu lo lắng cho tuổi tác. Bình thường người ta sống được bao nhiêu năm nhỉ? Sáu mươi năm như lời một bài hát cũ chăng? Tôi thì cho rằng mình vẫn còn sướng chán.
    Phụ nữ ở Bangladesh phần đông thậm chí còn không biết chính xác là mình bao nhiêu tuổi cơ mà. Có khi không biết mình bao nhiêu tuổi lại hay. Bởi như thế người ta sẽ không bao giờ lo lắng khi bước sang tuổi ba mươi. Bọn bạn tôi trêu: “Vân ơi mùa đông lại đến rồi đấy!”.
    Tôi cười hì hì: “Hai mươi chín mùa đông đã qua tớ vẫn ổn, lo gì mùa đông thứ ba mươi?”. Nói thế cho vui, chứ thực lòng đôi khi trái tim tôi tê tái khi đứng trên lan can tầng ba nhìn dòng người xuôi ngược với những lứa đôi nhiều lo toan và hạnh phúc.
    Trái tim tôi trống rỗng. Cuộc đời tôi trống rỗng. Thi thoảng tôi gặp Hạnh. Hạnh là vợ Huy. Huy là người yêu đầu tiên của tôi. Hạnh kể: “Bà già chồng em kỳ lắm. Lần nào mắng em bà ấy cũng mắng lây sang anh Huy: “Giá mà ngày ấy mày lấy con Vân thì có phải bây giờ tao đỡ khổ không?”.
    Và lần nào nghe mẹ chì chiết thế thì dù có bận mắc việc gì anh ấy cũng bỏ lên giường nằm thu lu. Có hôm còn khóc”. Chả biết Hạnh nói thật hay đùa, trong lòng tôi có chút hãnh diện. Tôi lại đâm ra thương mến Hạnh. Nếu là Hạnh, tôi sẽ chẳng bao giờ kể cho người yêu cũ của chồng mình nghe những chuyện như thế hoặc tương tự thế.
    Ngày ấy là Huy bỏ tôi. Hai đứa yêu nhau tha thiết, tưởng không lấy được nhau sẽ ôm hận cả đời. Đùng một cái, Huy lặn một hơi không sủi tăm. Đến khi sủi tăm thì đề nghị chia tay. Chia tay thì chia tay. Tình đầu là lẽ sống nhưng không phải là sự sống.
    Mà sao năm đó mùa đông kéo dài lạ lùng. Cái rét mùa xuân mà cứ se sắt lạ. Tôi không khóc như nhiều cô gái thường khóc khi chia tay tình đầu. Nhưng tôi hay ngồi một mình nhìn vào một khoảng không nhất định. Khoảng không ấy là khu vườn nhà với những gốc cây đen đúa xù xì, xấu xí. Nền đất vườn màu nâu và những chiếc lá đã rụng cũng màu nâu ẩm ướt.
    Tôi tưởng là tôi không còn có thể yêu được nữa. Huy đã đánh cắp trái tim tôi, làm sao tôi còn có thể yêu với một trái tim đã mất? Một sáng nọ, tôi thức dậy và trông thấy cả vườn cây đang rực rỡ nắng vàng. Một đàn gà con nhỏ xíu đang líu ríu bên gà mẹ.
    Chúng nhiệt tình bới tãi trên nền đất vườn màu nâu và những chiếc lá đã rụng cũng màu nâu ẩm ướt. Tôi cố nhớ về Huy. Lần đầu tiên tôi nhận ra là mình đang cố hình dung lại khuôn mặt Huy.
    Từ ngày Huy kết hôn, tôi có gặp lại Huy vài lần. Không nhiều để đến nỗi lôi được tình đầu đã ngủ yên thức giấc. Huy vẫn cố ra vẻ tự nhiên như ngày nào nhưng Huy chẳng bao giờ nhìn thẳng vào mắt tôi nữa. Huy có vẻ buồn buồn.
    Tôi đã không còn buồn nữa sao Huy lại phải buồn?
    Có người bảo tôi có đôi mắt biết đọc rạch ròi những suy nghĩ của người khác.
    Khi tôi quen với Thạch. Thạch bảo: “Mắt chị đẹp thế sao cứ luôn không nhìn thẳng vào người khác. Chị không tự tin à?”. Tôi đáp: “Không phải. Là chị sợ sẽ phải biết quá nhiều. Mà biết nhiều không hẳn đã tốt”.
    Thạch cười ha ha.
    Tôi rất ấn tượng bởi những buổi tối đi uống cà phê cùng với Thạch. Nói cũng chẳng có gì đặc biệt lắm đâu. Nói là đi uống cà phê. Chứ thực ra thứ mà tôi vẫn uống không phải là cà phê. Tôi ghét cà phê bởi chúng khiến tôi mất ngủ.
    Tôi sợ những đêm không ngủ được và phải vật lộn với những buồn vui do mình tưởng tượng ra. Mỗi khi tôi hỏi chủ quán về thành phần của thứ nước uống là họ bưng ra cho tôi. Chủ quán chỉ đáp lại bằng một nụ cười vô thưởng vô phạt.
    Thạch bảo: “Họ không muốn tiết lộ bí mật đấy. Cũng có thể họ nghĩ chị đùa!”. Tôi lý sự: “Nghe chị giống nói đùa lắm à? Đã qua lâu rồi cái thời mà người ta uống nhưng không biết mình uống gì. Chị đang đòi hỏi cái quyền ấy đây”.
    Nói thế chứ tôi vẫn cứ uống hết ly nước trước khi ra về. Thạch lại nghiện cà phê, còn bảo: “Bao giờ chị thích uống cà phê, em sẽ giới thiệu cho chị một loại cà phê có tên là Salệ. Uống cà phê đó không dưng người ta sẽ khóc. Nước mắt hòa cùng cà phê đem lại cảm giác không văn nào tả nổi”.
    Ngó qua, thấy mắt Thạch xa xăm.
    Loại cà phê đó nếu có thực chắc tôi cũng chẳng bao giờ được thưởng thức. Tôi không có nước mắt. Đúng hơn là rất ít. Ngày còn nhỏ, dẫu có bị đánh mắng vì hư hay oan ức thì tôi cũng gào thật to.
    Nhưng mắt lại ráo hoảnh. Giọt nước mắt hiếm hoi thì đã khô từ đời tám hoánh. Mẹ tôi từng than: “Con này kỳ quá. Có một trên đời”. Bố lại tỏ ra khoái chí: “Quý tướng đó chứ không phải đùa. Sau này không bao giờ phải buồn”.
    Nếu như không có nước mắt mà cả đời không bao giờ phải buồn thì đời tôi đã rẽ sang ngả khác.
    Nhiều người bảo tôi sở dĩ khóc không có nước mắt là do khóc giả vờ.
    … Tôi mua hoa hồng. Toàn hoa hồng màu kem đem đến cắm đầy bình rồi trang trọng đặt nó ở giữa phòng làm việc. Cả phòng ngạc nhiên: “Vân hôm nay yêu đời nhỉ? Yêu ai rồi phải không?”… Rồi bung ra những chuỗi cười hi hi… ha ha… Thạch không cười, mắt nhìn chăm chăm vào những bông hoa và bằng một nét mặt không thể nào phân tích được.
    “À, sáng nay cháu ra chợ, thấy hoa vừa đẹp vừa rẻ nên mua. Nếu các chú không thích thì…”. “Không, không, thích chứ…”. Mấy ông chú cuống lên như thể sắp bị tước mất phần thưởng cuối năm quý giá. Hết giờ làm việc, Thạch túm tay tôi bảo: “Em sẽ giới thiệu cho chị một người. Anh ấy thích hoa hồng màu kem lắm”. “Thật à?”.
    “Thật chứ”. Thạch nói vội vã như thể không nói thì không bao giờ được nói. Tôi gật đầu. Gật là để gật vậy thôi chứ tôi chẳng quan tâm. Chẳng hứng thú gì về cái con người yêu hoa hồng màu kem ấy. Với lại, tôi cũng đâu có yêu hoa hồng màu kem. Với tôi hoa nào cũng thế cả thôi, miễn là chúng đừng quá xấu và đừng có mùi hôi.
    Mùa đông dần đi qua. Với tôi, ngày nào cũng như ngày nào, chẳng có gì thay đổi. Trong khi đó thì có rất nhiều thứ đang thay đổi. Quán cà phê “Chiều Tím” nơi tôi và Thạch thường đến giờ đổi thành một cái tên rất tây: “Tiamo”. Tôi nhớ có một bài hát cũng tên là Tiamo.
    Ngày xưa Huy rất thích nghe bài hát này dù chẳng hiểu gì. Huy chống chế: “Không hiểu mà vẫn thích, đó mới là chỗ tuyệt với của âm nhạc”. Lại còn lý luận thêm: “Trên đời chỉ có ba thứ không biên giới không phân biệt ngôn ngữ, sắc tộc. Đó là ẩm thực, hội họa và âm nhạc”.
    Tôi thường không còn thích một bài hát hay một bài thơ khi đã thuộc nó trọn vẹn. Ai đó nói: “Khi yêu chẳng nên hiểu nhau quá. Bởi khi đã hiểu nhau quá thì người ta lại chẳng muốn cưới nhau nữa”. Tôi yêu Huy mà lại chẳng hiểu gì về Huy cả. Giờ Huy đã vĩnh viễn bước ra khỏi nỗi nhớ của tôi thì tôi lại chẳng thể nào hiểu nổi mình.
    “Chị có biết Tiamo nghĩa là không?”.
    “Không. Chị đã tra từ điển Anh Việt nhưng không thấy”. “Đó không phải là một từ tiếng Anh chị ạ. Em cũng không chắc lắm. Nhưng hình như là tiếng Ý. Nó có nghĩa là Anh yêu em”.
    Thạch lại cười, nhưng không nhìn thẳng vào mắt tôi. Nếu Thạch nhìn vào mắt tôi. Chắc tôi lại không dám nhìn vào mắt Thạch. Tôi nhớ câu nói dối ngày tiểu học. Cô giáo lại khen tôi có trái tim nhân hậu.
    … “Này Vân sao cháu và thằng Thạch lại không yêu nhau nhỉ? Chú thấy nó rất quan tâm cháu đấy”. – Chú Thảo, Trưởng phòng nói với tôi như thế vào một hôm chỉ có hai chú cháu. Mặt tôi nóng bừng, dù vẻ bề ngoài vẫn lạnh tanh như tiền xu thời cổ. Mà vì điều gì nhỉ? Vì điều mà chú Thảo nói hay sao?
    “Thạch nó chuẩn bị đi công tác mấy tháng ở Lào Cai, nó đã nói với cháu chưa?”,
    “Có ạ, Thạch nói với cháu rồi – Thực ra Thạch chưa hề nói điều đó với tôi. Tôi trả lời thế mà không hiểu sao lại trả lời thế. Tôi sợ là tôi đã quen nói dối. Dù điều đó chẳng nghiêm trọng gì. Cũng có thể tôi muốn nhanh chóng khỏa lấp một khoảng vỡ mơ hồ trong lòng.
    Chú Thảo vẫn nhìn như muốn đọc hết vẻ bí mật sau vẻ mặt bình thản của tôi: “Đừng lo. Nó chỉ đi ba tháng thôi mà”. “Ơ, cháu có lo gì đâu chú. Thạch chẳng liên quan gì đến cháu cả”.
    Chú Thảo rít một hơi thuốc dài rồi nhả khói. Những vòng tròn khói thuốc bay lên, dăng ra, rồi tan vào không khí. “Vân ạ, cháu hãy mở rộng lòng mình một chút. Đôi khi ta phải cho trái tim một cơ hội. Nếu phải nuối tiếc một cơ hội mà mình không muốn níu giữ thì buồn lắm”.
    Tôi không mua hoa về cắm lọ nữa. Tôi sợ mọi người trêu.
    Thạch chuẩn bị đi Bắc Hà – Lào Cai. Thạch bảo ở Bắc Hà có loại rượu đặc sản ngon nhất nhì nước ta. Rượu đó được nấu bằng ngô cao sản trồng trên núi đã hấp thụ tinh hoa trời đất và men Hồng Ly. Tôi không nói gì, chỉ chống cằm nhìn những chùm đèn màu viền theo chữ Tiamo đang đuổi theo nhau nhấp nháy. Cứ như thế chủ quán muốn nói “Tình yêu là trò đuổi bắt” vậy.
    “Chị có muốn gặp người mà em sẽ giới thiệu cho chị không?”
    “Để làm gì? Chắc gì anh ta đã thích chị?”
    “Có chứ”
    “Làm sao em biết trong lòng người ấy nghĩ gì khi họ không phải là em?”
    “À, có đôi khi phải cảm nhận bằng trực giác chị ạ”.
    “Thạch có bao giờ nghĩ: Nếu gặp nhau rồi mà người ấy không thích chị thì chị sẽ rất buồn không?”
    Tôi không muốn gặp người đó. Bởi dẫu anh ta có tồn tại và có yêu tôi, chắc gì tôi đã yêu anh ta.
    Nếu phải yêu thêm một ai đó trên đời này. Biết đâu tôi sẽ yêu Thạch.
    Thạch đi công tác vào một ngày chớm hạ. Cả phòng giao cho nhiệm vụ: Phải đem bằng được đặc sản rượu Bắc Hà về làm quà. Ngày Thạch lên đường, tôi cáo ốm nghỉ ở nhà.
    Thực ra tôi chỉ hơi nhức đầu chứ có đau ốm gì đâu. Nhiều lần giả vờ thành công tôi đã nghiệm ra một điều: Đôi khi giả vờ cũng khiến cuộc sống dễ chịu hơn. Nói là một dạng của nghệ thuật sống. Tôi cũng nghe nói có nhiều người giả vờ tuyệt vời đến nỗi anh ta chẳng thể nào tìm lại mình nữa.
    * * *
    Một buổi sáng tôi mua hoa hồng về cắm đầy lọ trong phòng làm việc. Thật ngẫu nhiên, lại là hoa hồng màu kem. Chú Thảo nhìn tôi gật gù: “Ngày trước chú tưởng mày mua hoa cho riêng thằng Thạch chứ. Ông tướng đó mê hoa này lắm đấy”.
    Tôi nhớ những chuỗi cười đầy ẩn ý trong buổi sáng mùa đông trước đây khi tôi mang hoa đến phòng làm việc.
    Tôi nhớ lời Thạch đề nghị giới thiệu cho tôi một người… Quán Tiamo mùa hạ thơm ngát hương Ngọc lan. Tôi lại ngồi chống cằm nhìn những chùm đèn màu viền theo chữ Tiamo đang đuổi theo nhau nhấp nháy. Gọi một ly cà phê đen. Uống một hơi cạn tới đáy. Gọi tiếp ly thứ hai. Chủ quán và những người xung quanh nhìn tôi như nhìn xác ướp đến từ Ai Cập.
    Bỗng nhiên tôi thấy ghét sự giả dối của mình.
    Chú Thảo là người sâu sắc. Người ta đồn rằng: Những người sâu sắc thường đã phải trải qua nhiều mất mát. Tôi nhó câu nói đầy trải nghiệm của chú: “Đôi khi, hãy cho trái tim một cơ hội”.
    Những buổi tối mùa hạ rất đẹp. Bầu trời rất nhiều sao. Dải ngân hà như sà xuống thấp. Chỉ cần kiễng chân là chạm vào được. Mùa đông thì không mấy khi trông thấy vẻ đẹp rạng rỡ của dải ngân hà.
    Hình như tôi nhớ mùa đông.

Phạm Thanh Thuý

Vành khuyên ơi, hãy bay đi !
Tiếng chim hót báo mùa Xuân sắp đến,
Mùa chưa sang giá lạnh ấm dần lên.....
Người ra đi giữa trời đất mông mênh,
Chỉ còn lại tiếng chim trong thanh vắng !

Vành khuyên hỡi hãy bay tìm vạt nắng,
Thanh thản vui cất tiếng hót véo von...
Người cũng vui vì hoàn tất vẹn toàn,
Trọn ân nghĩa với tình người đã khuất !!

NM
Sang Xuân
Cuối đông, trời ấm dần lên. Trong con hẻm nối hai đường phố chính của thành phố, mùa xuân như đã đến từ lâu. Trước ban công của những ngôi nhà lợp tôn, những bông hồng, bông thược dược đã khoe màu. Lác đác có mấy chậu mai nhà ai đã nở những bông hoa màu nắng.
Con hẻm không rộng nhưng yên tĩnh, đối nghịch với cảnh người xe nườm nượp của hai đường phố chính. Một ngôi chùa tọa lạc khoảng giữa làm cho con hẻm càng thêm thanh tịnh.Dân trong hẻm phần lớn là dân lao động.Những quán cà phê, quán cóc cũng tềnh toàng. Một chiếc bàn nhỏ bằng gỗ phủ ni lông. Dăm chiếc ghế nhựa thấp tè như trong nhà trẻ. Thế là thành quán. Khách đến uống cà phê hình như không phải người trong hẻm .Họ đi xe gắn máy, mỗi người đèo theo một chiếc lồng chim bé xíu được bọc bằng một lớp vải. Có người mang theo hai lồng. Ðến nơi, họ tháo vải bọc, treo lồng chim lên cành của những cành cây trong vườn chùa vươn ra ngoài đường. Cũng có người treo lồng chim vào hàng rào của những ngôi nhà gần quán cà phê.
Trong những chiếc lồng nhỏ ấy là những chú chim vành khuyên. Mỗi lồng là một kiểu dáng, là một công trình nghệ thuật khá tinh vi. Có chiếc hình vuông, hình chữ nhật có chiếc hình trụ. Nhưng dù kiểu dáng nào thì những nan tre cũng được chuốt rất công phu, đánh vecni màu nâu nhạt.Và rồi với bàn tay khéo léo của những người thợ, những chiếc lồng chim thành hình.Ngoài lồng gắn thêm những bức chạm nhỏ xíu khắc hình bông hoa hoặc long ly quy phụng hoặc hình những vị bồ tát trên những mảnh gỗ hay trên ngà voi. Bên trong lồng là những chiếc chén hạt mít bằng sứ đựng nước và cào cào gắn vào bốn góc chuồng. Một que tre bắc ngang cho chim đậu. Chủ nhân của mỗi chú chim vành khuyên đều cố gắng trang điểm cho chiếc lồng chim của mình thật đẹp và để khoảng trời nhỏ của những chú chim thật khoáng đạt với hy vọng con chim của mình hót sẽ hay hơn.
Dân chơi chim vành khuyên phần lớn là giới mày râu. Có người ăn mặc chải chuốt, có người ăn mặc bình dân. Có người già. Có người còn trẻ. Họ đến con hẻm uống cà phê với chú chim nhỏ đáng yêu của mình để đắm mình trong ánh sáng của bình minh vừa chớm hé, để hít thở bầu không khí trong lành và để nghe những chú chim vành khuyên hòa tấu. Những âm thanh trong trẻo hòa quyện vào nhau, rộn ràng, líu lo, làm họ quên những phút vất vả của chuyện mưu sinh, làm họ quên đi những khó nhọc của đời thường. Những  người đem chim đến hình như không trò chuyện với nhau nhiều, lặng lẽ ngồi đốt thuốc hay nhâm nhi giọt cà phê chát đắng, lắng tai nghe bản hòa tấu của chim muông.
Gần đây, người ta thấy có một người phụ nữ trạc ngoài bốn mươi, khuôn mặt đẹp và buồn, đi chiếc xe Dream màu mận chín với chiếc lồng chim vào con hẻm.Chị dừng lại bên chiếc bàn ngay sát cổng chùa, chỗ trước đây một người đàn ông dáng vẻ nghệ sĩ vẫn đến ngồi với một chú chim vành khuyên. Khi người phụ nữ dựng xe và treo chiếc lồng chim của mình lên cành cây, những người đàn ông đoán chị có mối liên quan mật thiết với người đàn ông đã từng đến ngồi chỗ ấy. Họ nhận ra điều này nhờ chiếc lồng chim khá đơn giản và giọng hót tuyệt vời của chú chim vành khuyên trong lồng. Dân nghiền chim vẫn ghen tỵ với ông nghệ sĩ có con chim ấy. Bẵng đi một thời gian, họ không thấy ông đâu và đoán già đoán non, rằng ông bị bệnh, rằng ông bận công việc... Hôm nay nhìn thấy chiếc băng tang màu đen trên ngực người phụ nữ, họ giật mình và đoán rằng, có lẽ người nghệ sĩ ấy đã qua đời. Con chim của người phụ nữ bay loạn xạ trong chuồng, chị cũng không biết sẽ phải làm gì để chú chim trở lại bình thường và cất lên tiếng hót.
Người chủ quán bê ra một ly cà phê đen không đường, như sở thích của người đàn ông trước đây vẫn uống. Giọng ông ấp úng:
-Thưa, xin lỗi, chị là... của nghệ sĩ X?
Người đàn bà ngạc nhiên, hướng đôi mắt mệt mỏi và buồn về phía người chủ quán, khẽ gật đầu. Người chủ quán tế nhị không hỏi gì thêm.
Ông cố lặp lại những gì người nghệ sĩ đã từng làm: Mua một túi nhỏ cào cào, đổ thêm ít nước vào những chiếc chén và vẫy tay ra hiệu cho chim hót. Tất cả đều diễn ra như người nghệ sĩ vẫn từng làm. Chú chim vành khuyên nhúng chiếc mỏ nhỏ xíu của mình vào chén nước, ngẩng cổ lên nuốt, rẽ cánh chuốt lại bộ lông màu vàng nhạt của mình rồi đĩnh đạc cất tiếng hót. Giữa âm thanh rộn ràng của hàng chục chú vành khuyên đang đua nhau hót, tiếng chim vành khuyên của người vợ nghệ sĩ như trong hơn, rõ hơn và dìu dặt hơn. Nó như người lĩnh xướng trong một giàn hợp xướng và có vai trò chủ đạo cho những tiếng hót của những con chim khác hót theo. Những người đàn ông ngồi trong quán cà phê gật gù.Họ như sống lại quãng thời gian họ được ngồi với người nghệ sĩ để cùng nghe chim hót. Lúc ấy, ông không nhìn vào ai, mắt mơ màng dõi theo những sợi khói thuốc, nhìn những đám mây trắng đang bay qua bầu trời. Ông như hóa thân theo tiếng nói của chú chim vành khuyên, đến nỗi có ai đó muốn mời ông điếu thuốc để tán thưởng chú chim nghệ sĩ của ông cũng phải vỗ vào vai nhiều lần ông mới bừng tỉnh. Hôm nay, chú chim vành khuyên của ông vẫn hót rất hay, thanh và cao nhưng giới chơi chim cảnh vẫn nhận ra một điều gì hơi khác. Hình như những giọt buồn đã lẫn vào dòng trong của tiếng chim, nghe đau và buồn.
Người phụ nữ vẫn mỗi sáng đem lồng chim đến quán cà phê. Chị đã quen làm những việc nhỏ như mua cào cào, đổ thêm nước vào những chiếc chén hạt mít và vẫy tay ra hiệu cho chim hót. Sáng ngày ba mươi tết, chị đến sớm hơn thường lệ. Con hẻm lúc ấy chưa có ai. Chủ quán cà phê cũng mới dọn hàng. Chị ngập ngừng nói với ông:
-Hôm nay, nhờ bác xếp bàn lại thành hai dãy. Tôi muốn mời những người chơi chim, bạn cũ của nhà tôi uống ly cà phê giã từ năm cũ.
Ông chủ quán gật đầu, mỉm cười. Vốn có cảm tình với người nghệ sĩ đã qua đời, ông làm mọi việc chuẩn bị hết sức chu đáo. Những chiếc bàn con được kê ngay ngắn trước cửa nhà ông, đối diện với cổng chùa, từ đó có thể nhìn rất rõ những chiếc lồng chim vành khuyên.
Người đàn bà treo chiếc lồng chim, say sư ngắm chú chim nhỏ bé của mình. Khi chú bé đạp xe mang những túi ni lông nhỏ đựng cào cào đến bán, từ bên ngoài con hẻm, nhiều tiếng xe gắn máy vọng vào. Dân chơi chim vành khuyên bắt đầu đến. Ông chủ quán cà phê thông báo với nhã ý của người phụ nữ. Họ vui vẻ nhận lời.
Người phụ nữ ngồi phía đầu dãy bàn. Những người đàn ông ngồi hai bên. Cà phê đang nhỏ giọt. Bản hòa tấu của những chú chim vành khuyên bắt đầu.Vẫn tiếng hót trong trẻo của chú vành khuyên của người nghệ sĩ lĩnh xướng. Những người đàn ông lặng im, hòa tâm tưởng của mình vào những tiếng chim đang hót.
Mặt trời đã nhô lên sau những tòa nhà. Nắng le lói vào con hẻm. Những vệt nắng màu vàng sưởi ấm con hẻm xi măng xám lạnh. Và gió sớm từ đâu về mang theo hơi ấm. Mùa xuân đang đến đâu đây. Người phụ nữ đứng lên, cắt ngang dòng suy nghĩ của những người đàn ông:
-Thưa các anh, nhà tôi đi lại với con hẻm này từ dạo mới về thành phố này, từ lúc anh ấy vừa xây dựng gia đình với tôi. Anh ấy rất mê chim và chiếc lồng kia tự tay anh làm lấy.
- Chị chỉ tay sang chiếc lồng chim đang treo trên cành cây.
-Nay anh ấy đã ra đi. Mấy hôm nay tôi cố làm những việc anh ấy vẫn làm, mang chú chim vành khuyên mà anh ấy rất quý đến hót cùng với những con chim của các anh.Nhưng mỗi lần đến đây, tôi lại càng da diết nhớ anh ấy...
Nói đến đó, chị nghẹn lời. Những người đàn ông im lặng. Chỉ có những chú chim vành khuyên vô tư vẫn hót líu lo. Và nắng vẫn nồng nàn sưởi ấm con hẻm. Chợt một người đàn ông đứng dậy, hai tay chắp trước ngực, kính cẩn nói với chị:
-Thưa chị, chúng tôi rất cảm động được chị mời dự buổi họp mặt cuối năm. Thú thực, anh em tôi đến đây chỉ biết mặt nhau. Không ai hỏi nhau về nghề nghiệp, chỗ ở của mình. Ðến để uống cà phê và nghe chim hót. Vì thế, chúng tôi cũng thành thật xin lỗi, chúng tôi cũng chưa biết quý danh của anh nhà và anh đã mất vì bệnh gì?
Giọng người phụ nữ vẫn trầm buồn:
-Nhà tôi là nhạc sĩ Phú Cường. Vừa qua, anh đi công tác miền Trung. Trong một đợt về thực tế tại một huyện miền biển, anh ấy đã mất cùng nhiều đồng bào trong cơn lũ lịch sử...
Giọng chị thật cảm động. Nhưng chị không khóc, hai môi cắn chặt. Chị đi sang phía cổng chùa, nơi chiếc lồng chim của chị đang treo trên một cành cây, cẩn thận nâng tay đỡ chiếc lồng xuống. Chị quay lại, đặt chiếc lồng lên bàn. Ðôi tay chị run run, giọng chị như lạc đi:
-Lẽ ra, tôi phải tiếp nối sở thích của nhà tôi, sáng nào cũng mang chú chim vành khuyên này đến đây cùng hót với những chú chim của các anh trong mươi mười lăm phút trước lúc đi làm. Nhưng tôi rất sợ đến con hẻm này, ngồi lên chiếc ghế nhà tôi vẫn ngồi, ngắm con chim nhỏ bé và nghe tiếng hót du dương của nó. Tất cả thức dậy trong tôi kỷ niệm về người chồng thân yêu và càng làm tôi nhớ thương anh ấy. Nhưng tôi lại có quá ít thời gian lại bận trăm công nghìn việc. Tôi đành nhận lỗi với nhà tôi rằng tôi đã không đến đây như anh ấy đã từng đến. Vì vậy, tôi muốn thả chú chim về với thiên nhiên, chỉ giữ lại chiếc lồng làm kỷ niệm...
Nói xong, chị mở chiếc cửa nhỏ bé trên lồng cho chú chim bay ra trước con mắt ngạc nhiên của những người đàn ông. Con chim vành khuyên bay lên cành cây trước vườn chùa, ngoái lại nhìn chị rồi cất tiếng hót cùng với những con chim khác trong lồng.
Sang xuân, những người đàn ông lại đến con hẻm với những chiếc lồng chim của mình. Họ hết sức ngạc nhiên, con chim vành khuyên của người nghệ sĩ vẫn còn đó, hót líu lo trong vòm lá xanh rờn trước vườn chùa. Một vài người thả những chú cào cào lên mặt bàn của quán cà phê và chú chim sà xuống mổ. Và con chim vành khuyên ấy đã ở lại với con hẻm suốt cả mùa xuân.

Phan Cao Toại 
Nha Trang, cuối đông 1999


Nhân quả 
Trồng nhân nghĩa ắt có ngày trái chín !
Chịu ân người tấc dạ luống không khuây.....
Trên thế gian thế sự vốn đổi thay,
Gieo Nhân tốt, ươm mầm cho Quả đẹp !!

NM 
Hình ảnh có liên quan 
Gọi Nắng Xuân
Căn nhà cũ kỹ nằm mút con đường nhỏ có hai cửa sổ bị bể kiếng được dán lấp lại bằng mấy tờ nhựt trình, vách tường ẩm ướt hăn hắt mùi mốc meo. Nghe đâu người ta nói xóm này là: Xóm Nghèo. Con đường nhỏ kia, cách công trường Léon-Gambetta một trạm xe buýt. Nơi đây là quận Ivry-sur-Seine phía Nam ngoại ô Paris thuộc tỉnh Créteil nước Pháp.
    Làm sao ở bên quê nhà, dân mình tưởng tượng được nơi đất Pháp lại có cảnh nghèo như thế? Quê hương của chúng ta thường do từ miệng chúng ta nói ra là: ‘’Quê Nghèo’’. Mặc dù nghèo, nhưng chúng ta vẫn nghĩ nhớ và mãi mãi thương yêu. Thật ra, xứ nào cũng có kẻ nghèo người giàu không nhiều thì cũng ít mà thôi !
    Thời tiết Âu-Châu vừa bước sang mùa đông mà đã nghe buốt lạnh rồi. Trưa nay, bà An mặc chiếc áo măn-tô cũ xì màu nâu đậm, chân mang đôi giày bốt, tay xách cái bịt ny-lon bỏ vài ba thứ giấy tờ trong đó, nét mặt bà hiện lên niềm hy vọng. Vì bà đi thử việc làm trong một hãng chuyên môn ráp dây cáp điện thoại di-động. Hãng ấy, nằm trong một con đường nhỏ. Bà An đến nơi bước vào văn phòng tiếp tân, bà hỏi thăm và đưa tờ giấy do sở thất nghiệp giới thiệu. Một bà Đầm nước da trắng trẻo, cao vừa vừa, hơi có da có thịt, tuổi xồn xồn, bà đứng lên, miệng tươi cười chào xả giao, rồi bà dẫn bà An qua một cái phòng rộng mênh mông. Ở nơi đó đã có cả chục người đàn ông và đàn bà đang lom khom thử việc. Bà Đầm chỉ cái bàn cho bà An ngồi, rồi bà đi lấy một mớ dây điện nhỏ li chi nhiều màu và những cục vuông vuông cỡ bằng ngón tay cái có nhiều lỗ nhỏ xíu đem lại. Bà Đầm đứng kề bên và chỉ sơ cho bà An cách xỏ và ráp vô. Bà An thấy dễ dàng quá, trong lòng bà nghe vui vui, vì công việc này nhẹ nhàng, làm bà rất thích, nên đăm chiêu ráng gắn vào cho nhanh cho gọn, trong đầu bà hy vọng người ta sẽ nhận bà làm việc nơi đây. Nửa tiếng đồng sau, bà Đầm đến bên bà An, và nói: - Được rồi ! Mời bà qua văn phòng.
    Bà An đứng dậy đi theo bà Đầm, mà nghĩ chắc là bà được người ta nhận việc. Qua đến văn phòng, bà Đầm nói: - Công việc này không hạp với bà. Đây, tôi ký tên đóng dấu để bà đưa cho sỡ thất nghiệp biết là bà có đến đây thử việc.
    Bà An đưa tay lấy tờ giấy và nói cám ơn mà gương mặt bà buồn hiu. Bà bắt tay chào bà Đầm kia rồi thất thểu đi ra. Khi ra khỏi văn phòng hãng ấy, bà An đứng trước cái nhà cũ hư kia, lòng tự nhủ: Thời tiết mùa đông lạnh cóng như thế này mà người ta ở trong đó, chắc sẽ chịu lạnh lẽo lắm. Thật tội nghiệp ! Giây phút chạnh lòng, bà An tự an ủi: Mình coi vậy mà vẫn có phước hơn những người ở trong căn nhà này. Mặc dù nhà mình cũng nằm trong một xóm nghèo phía bên kia, nhưng có đầy đủ tiện nghi và ấm áp... Nghĩ bâng quơ rồi bà lơn tơn đi ra ngoài đường lớn, đến trạm ô-tô-buýt, bà không chờ xe mà cứ thả bộ đi từ từ trở lại công trường Léon-Gambetta. Vừa đi bà vừa nhìn chung quanh khu đó. Bà nhủ thầm: Thật đúng là Xóm Nghèo. Ý cha ! Nhà cửa lấp thấp lụp xụp, đường xá chẳng được bằng phẳng, những cửa hàng vắng khách trông buồn hiu, còn người bộ hành trên gương mặt chẳng có nét gì vui cả. Mình đang buồn, mà nhìn thấy cảnh ở đây còn buồn hơn ! Bà An bùi ngùi xót xa. Vì bà cư ngụ tại quận này gần mười sáu năm rồi. Mà lần đầu tiên bà mới đặt chân đến khu này đây.
    Sau khi thử việc, bà An không được người ta nhận làm, lòng buồn lắm. Nhưng suy nghĩ lại thì tại bà sắp tới sáu mươi tuổi, mắt yếu, tay chân chậm chạp làm sao ai nhận bà làm việc được đây? Bà trở về nhà thay quần áo xong, leo lên giường nằm gác tay lên trán suy nghĩ bao chuyện đời đã xẩy ra với bà những năm tháng chìm chìm, nổi nổi. Bà cam đành chấp nhận cuộc sống đạm bạc cho qua ngày, đoạn tháng...
    Một năm sau, cũng vào mùa đông Âu Châu, trong dịp sắp Tết Việt Nam. Bà An nhận được cú điện thoại từ bên Houston gọi qua thăm hỏi bà. Đó là cậu Ân, người con trai của dì Ba, dì Ba là người bếp cũ thuở xa xưa ở Sài-gòn. Nghe qua những lời đầy tình người của cậu Ân, bà An rất cảm động.
    Sau khi đàm chuyện với cậu Ân, bà An ngồi xếp bằng nhìn qua cửa sổ, cố định thần mà trong cõi lòng bà lại hiện lên những cảnh nổi chìm gần suốt cuộc đời mà bà đã trải qua, làm giao động tâm hồn bà...
    Hồi tưởng lại...
    ... Xế chiều, của ngày cuối năm, vào đầu thập niên 1970. Chiếc xe du lịch màu trắng hiệu Toyota-Corina do chú tài xế tên Tuân lái. Trong xe chở một thiếu phụ trẻ khoảng chừng hai mươi sáu hai mươi bảy tuổi. Nàng mặc bộ Âu phục màu xám lợt sọc đen nhuyển, mái tóc dài, gương mặt xinh xắn, miệng cười rất có duyên, đôi mắt mơ màng đượm nét ưu tư.
    Chú tài xế quẹo vào cổng Cư-Xá... xây cất theo lối Tây phương, có chín căn tất cả, căn nào căn nấy rộng hơn một trăm thước vuông, gần Nhà-Rồng trên đường Trịnh-Minh-Thế (Khánh Hội). Chú Hai gác-gian nghe tiếng kèn xe, chú ra mở cửa. Chú Tuân cho chiếc xe chạy tuốt vô sân dừng lại. Người đàn bà trẻ ấy, là Nguyễn Thị Thanh An, vợ của một người Pháp tên Jean-Charles làm giám đốc cho một hãng tàu chuyên chở hàng hóa xuất nhập cảng Việt-Pháp.
    Thanh An mở cửa xe bước xuống, có tiếng reo vui của hai đứa nhỏ, vì nghe mẹ về nên xuống sân nhà đợi từ hồi trưa đến giờ. Vừa thấy mẹ là tụi nó mừng húm và la lên:
    - Má ! Má về ! Má về !
    Thanh An dang hai tay ôm choàng hai con mà hôn lia hôn lịa. Nhàn đứa con trai sáu tuổi và Nhã đứa con gái bốn tuổi. Hai đứa nhỏ xa mẹ hơn hai tuần lễ coi bộ tụi nó nhớ mẹ lắm. Trong nhà có hai người làm cũng chạy ra, kẻ xách va-li, người xách giỏ vô nhà. Chú tài xế de xe vô ga-ra. Thanh An vô nhà với hai con. Trên gương mặt của dì Ba thoáng buồn, bà hỏi cô chủ:
    - Cô đi Tây, mà sao cô về mau quá vậy?
    - Bên Tây lạnh quá, hơn nữa bưu-điện ở bển họ đang làm reo, không có liên lạc thơ từ gì được. Nên con nóng ruột quá, mau mau đổi vé máy bay về đây.
    - Còn ông. Chừng nào về vậy cô?
    - Hơn một tháng nữa... Sao, ở nhà mấy đứa nhỏ có ngoan không dì?
    - Dạ ngoan !
    Thanh An quay qua hỏi Bèo:
    - Hai em có nhỏng nhẻo, phá phách dữ hôn em? Tụi nó ăn cơm nhiều không vậy?
    - Dạ hai em ngoan lắm, ăn cơm nhiều và không có nhỏng nhẻo, phá phách gì hết... Ở bên Tây có vui không cô?
    - Vui cái gì? Xui thấy mồ ! Vừa qua tới bên ấy, nhè gặp mùa đông lạnh tê tái, mà còn bị họ làm reo biểu tình tùm lum. Về đây thấy nhẹ người, ở thêm bên Tây chắc cô chết quá !
    Thanh An nói thế làm cả nhà cười. Hai đứa nhỏ vẫn kề sát bên mẹ. Thanh An chỉ cái va-li lớn màu nâu và nói với Bèo:
    - Bèo, em soạn cái va-li kia ra, có bánh kẹo nhiều lắm trong đó. Em coi chừng trong đó có con búp-bê và chiếc xe hơi, quà bên nội của hai em gởi qua cho tụi nó đó.
    Bèo soạn ra con búp-bê, Nhã lại lấy ôm vào mình, còn chiếc xe thì Nhàn đến lấy, hai đứa nhỏ mặt tươi rói và thích thú lắm. Thanh An đi vô phòng thay đồ, Nhàn và Nhã cũng đi theo leo lên giường nằm ngắm nghía đồ chơi.
    Giờ cơm chiều, dì Ba dọn lên bàn, vì không có chồng của Thanh An ở nhà nên cô bảo tất cả người làm đều ăn chung. Trong khi ăn cơm, Thanh An hỏi dì Ba:
    - Hổm rày má con có ra đây chơi không dì?
    Dì Ba nhìn Bèo... rồi quay lại trả lời Thanh An:
    - Dạ có... Nhưng...
    Dì Ba vừa nói thì nước mắt đôi dòng nhiễu lợt đợt.
    Thanh An hỏi:
    - Ủa sao dì khóc vậy? Bộ có chuyện gì với má con phải không?
    Dì Ba nghẹn ngào nói từ từ:
    - Dạ, bà đuổi tôi đó cô à !
    - Đuổi dì ! Mà chuyện gì vậy? Thôi dì ăn cơm đi, dì đừng có lo, má con đuổi dì chớ con đâu có đuổi dì.
    Dì Ba im lặng ăn cơm. Cơm nước xong, Bèo lo tắm rửa cho hai đứa nhỏ. Dì Ba lo rửa chén sau bếp. Thanh An xuống bếp nói chuyện với dì Ba:
    - Dì biết má con khó tánh, khi má con nói gì thì dì cứ nín thinh hoặc dạ dạ cho qua truông. Dì đừng bận lòng, dì làm cho con mấy năm nay, con mến dì lắm. Hơn nữa, dì với má con đồng tuổi, má con được con lo đầy đủ, nên không có làm gì hết, còn dì thì phải đi làm để nuôi cho cậu Ân ăn học. Con rất kính dì.
    Dì Ba ngưng tay quay lại phân trần với Thanh An:
    -Tại bữa hôm bà ra đây, gặp tôi làm chả chiên hột vịt cho hai đứa nhỏ ăn với cơm. Bà la: Tại sao cho hai đứa nhỏ ăn hột vịt hoài? Tôi nói: Tụi nó thích món đó lắm, mà thỉnh thoảng tôi mới cho ăn như vậy, chớ đâu phải cho ăn mỗi ngày. Tôi nói như vậy, thì bà la om xòm và nói chờ cô về thì tôi tức khắc phải rời khỏi nơi đây. Xin cô hiểu giùm tôi.
    Nói đến đây dì Ba khóc thút thít. Thanh An đi lại vuốt vai dì Ba và nói: - Dì đừng có khóc, thế nào má con cũng ra thăm hai đứa cháu ngoại hà. Lúc ấy, con sẽ khuyên má con đừng có giận hờn vô lý như vậy.
    Mấy ngày sau, quả thật bà Sáu Thiện, má của Thanh An lót tót ra đến nơi. Trời còn sớm nên bà lên salon ngồi ăn trầu. Một hồi sau hai đứa nhỏ và Bèo mở cửa phòng đi ra, Nhàn và Nhã chạy lại ôm kêu ngoại ngoại. Thanh An nghe tiếng cũng thức dậy ra khỏi phòng và chào hỏi mẹ:
    - Dạ, thưa mà mới ra. Má ra đây chi sớm quá vậy? Để con nói con Bèo qua Chợ-Cũ bên đường Hàm-Nghi mua đồ ăn sáng. Má thích ăn món gì má?
    - Thôi. Tao ăn xôi nếp than ở nhà rồi !
    - Má ăn thêm cơm tấm, bánh canh hay hủ tiếu gì nha má?
    - Không. Tao nói, tao không ăn gì hết ! Bây ăn gì ăn đi, chút nữa tao muốn nói chuyện với bây.
    Thanh An bảo Bèo lo thay quần áo cho hai đứa nhỏ và hỏi tụi nó ăn gì thì đi mua luôn. Thanh An xin lỗi mẹ, nàng vô phòng thay đồ khác. Thay xong trở ra. Bà Sáu Thiện têm miếng trầu khác bỏ vô miệng nhai rào rạo. Tuy tuổi bà vào lục tuần năm nay, nhưng răng cỏ còn đầy đủ, tóc bạc gần hết cả đầu, bà búi tóc cao và có thả ba cái vòng lái. Dáng vóc cao ráo, nước da trắng trẻo, trông người rất lịch sự mà tánh của bà khó khăn với kẻ ăn người ở của con gái bà quá. Bà sống một mình trong một căn nhà nho nhỏ có đầy đủ tiện nghi, miệt cầu Chữ-Y băng qua khu Phạm-Thế-Hiển. Từ ngày góa chồng đến nay, bà ở vậy, thỉnh thoảng bà buôn bán nữ trang loại nho nhỏ với mấy bà bạn hàng xóm và mỗi tháng Thanh An có lén chồng cho bà chút đỉnh tiền để bà ăn xài rộng rãi hơn.
    Bèo, cô gái giữ hai đứa con của Thanh An, cỡ mười bảy mười tám tuổi, tay xách chiếc gào mên năm ngăn trong đó có cơm tấm, bánh canh và hủ tiếu mua về, Bèo dọn lên bàn, đặt đủa muỗng sẵn sàng. Rồi em quay qua lo đút hủ tiếu cho Nhàn và Nhã ăn. Thanh An mời mẹ lại bàn ăn bánh canh, bà Sáu Thiện lắc đầu nói:
    - Tao đã nói tao không ăn mà biểu con Bèo mua làm chi cho tốn tiền.
    - Không sao đâu má à !... Hình như má giận con chuyện gì phải không má?
    - Bây làm gì tao mà giận với hờn. Nhưng má có việc này...
    - Dạ, việc gì vậy má?
    - Tao muốn bây cho bà Ba nghỉ việc liền, tao sẽ thế bã nấu ăn cho bây !
    Thanh An nghe lòng run lên chẳng biết nói làm sao với mẹ. Nàng lấy muỗng vừa trộn tô bánh canh, vừa nói:
    - Con xin lỗi má, con đâu nỡ cho dì Ba nghỉ việc, mà đâu có gì quan trọng mà má giận dữ vậy !
    Bà Sáu Thiện xỉa thuốc lia lịa, mắt ngó thẳng vào mặt con, nói một giọng cương quyết:
    - Bây xem người làm hơn mẹ bây thì từ đây, tao từ bây vĩnh viễn !
    Nói xong, bà Sáu Thiện đứng dậy xách giỏ trầu ra ngã sau nhà mà đi nhanh. Thanh An hết hồn chạy theo quỳ sụp xuống lạy và nói:
    - Con lạy má, xin má tha lỗi cho con. Nếu không, thì con chịu làm đứa con bất hiếu đối với má chớ con không thể nào nghe lời má mà làm một việc ác độc, bất nhân !
    Bà Sáu Thiện hất Thanh An qua một bên. Bà đi nhanh ra gần tới cửa ngõ, Thanh An mở cửa trước chạy ra gọi chú Tuân tài xế lấy xe đưa mẹ về. Nhưng bà Sáu Thiện không chịu lên xe mà bà đi tuốt luôn. Thanh An trở vô thấy dì Ba mặt mày tái mét, nước mắt chèm nhèm. Thanh An nói:
    - Không sao đâu dì Ba à ! Dì đừng có khóc nữa. Dì cứ ở đây làm cho con.
    - Tôi cám ơn cô nhiều lắm. Nếu tôi mất việc làm thì thằng Ân con tôi chắc phải nghỉ học quá !
    - Dì an tâm làm cho con. Chuyện má con với dì để từ từ con giàn xếp, rồi đây má con cũng sẽ nguôi. Con biết má con giận lắm. Nhưng... để chờ đầu tháng con đưa tiền chú Tuân đem về cho má con, tới đó coi xem sao?
    Vào đầu tháng, Thanh An bỏ vô bao thơ năm ngàn đồng nhờ chú Tuân đem đưa cho mẹ. Thanh An vừa thấy chú Tuân về, cô liền chạy xuống sân nhà hỏi:
    - Sao, chú Tuân ! Má con có nhận tiền không?
    - Dạ, thưa cô ! Bà nhận rồi !
    - Má con có nói gì với chú không?
    - Dạ không !
    Thanh An thở ra cái phào, nàng trở lên nhà với gương mặt tươi cười và nói với dì Ba:
    - Dì Ba ơi ! Má con nhận bao thơ của con rồi ! Con mừng quá !
    - Vậy là bà hết giận cô !
    - Chắc còn chút chút, nhưng má con nhận tiền là con thấy nhẹ lòng, chớ sợ má con không nhận thì con sẽ khó xử lắm. Nè, dì Ba ! Chừng nào má con có ra nữa thì dì cứ tự nhiên hỏi má con ăn uống gì chưa như mọi lần nha !
    - Dạ, tôi xin vâng lời cô và rất cám ơn cô !
    Từ đó mỗi đầu tháng là Thanh An nhờ chú Tuân đem tiền về cho mẹ, mẹ nàng vẫn nhận tiền, nhưng không ra Sài-gòn thăm con và hai đứa cháu ngoại. Thanh An cũng cứng đầu mà kình với mẹ chớ nàng không chịu về thăm.
    Bà Sáu Thiện tuy giận Thanh An lắm. Nhưng mấy tháng qua bà suy nghĩ cũng nhiều về cách xử thế của con gái bà, trong lòng bà rất nhớ con nhớ cháu ngoại, rồi bà nghĩ : Con An nó cho nó phải, nên nó không về thăm mình. Thôi thì mình đi thăm nó và hai đứa cháu ngoại. Nghĩ mình cũng hơi gắt gao với chị Ba bếp. Tại mình muốn cháu mình ăn thịt bò, thịt heo cho bổ. Chớ ăn hột vịt đâu bổ gì. Cha, ngặt dữ à ! Mình phải làm sao huề với chị Ba đây? Thây kệ ! Mình sẽ tìm cách nói chuyện vã lả với chị ấy ! Chớ ở nhà mà chờ con An nó về thăm mình chắc còn lâu à ! Tánh nó giống ông già nó hệt khuôn.
    Tới tháng thứ sáu, bà Thiện chịu hết nỗi. Bà xách giỏ trầu đi ra Sàigòn thăm cháu ngoại.
    Sáng sớm mới hơn sáu giờ là bà Thiện đã có mặt nơi đó rồi. Bà chuyên môn vào nhà Thanh An bằng ngõ sau. Dì Ba và Bèo thấy bà Sáu Thiện lù lù vô nhà, vì cửa sau hễ họ thức dậy là mở cửa tét bét. Dì Ba khều Bèo ra dấu ý bảo nó lên cho cô chủ hay.
    Bèo chạy lên nhà trên gõ cửa phòng gọi Thanh An:
    - Cô ơi cô !
    - Chuyện gì đó Bèo?
    - Có bà ra kìa !
    - Vậy hả ? Ừ cô ra liền.
    Thanh An bật ngồi dậy đi ra khỏi phòng làm chồng nàng giựt mình hỏi:
    - Em làm cái gì vậy?
    Thanh An nói:
    - Có mẹ em ra, anh ngủ nữa đi.
    Thanh An ra salon không thấy mẹ, nàng đi thẳng xuống nhà bếp, thấy mẹ đang ngồi ăn trầu và trò chuyện với dì Ba, trong lòng cô vui mừng vô cùng, cô làm bộ tĩnh bơ mà hỏi mẹ:
    - Dạ, thưa má mới ra ! Má ăn sáng món gì để con bảo con Bèo đi mua? - Thôi khỏi. Tao mới nói với chị Ba, là chút nữa sẵn đi chợ rồi ăn ở ngoài ấy luôn.
    Thanh An nghe mẹ nói thế, nàng mừng và nghĩ: Vậy là má mình hết giận rồi ! Đội ơn Trời-Phật đã cứu mình, xém chút xíu nữa là mình làm việc ác rồi !
    Nghĩ đến đây nàng trở lên nhà trên vào phòng lấy tiền, rồi trở xuống bếp đưa tiền cho dì Ba đi chợ, và căn dặn:
    - Dì Ba à ! Hễ má con thích ăn gì thì dì để má con mua nha !
    Dì Ba lấy tiền và nói:
    - Tôi biết bà thích ăn cá trê vàng chiên dằm nước mắm gừng chấm với đậu bắp và đọt khoai lang hấp cơm.
    Bà Sáu Thiện nghe nói thế, bà cười tít toét, bà đưa cục thuốc lên miệng từ từ xỉa qua xỉa lại, nhổ cỗi trầu nhè nhẹ vào cái lon sữa ghi-gô, rồi bà như vội vàng bảo với dì Ba:
    - Thôi đi chợ lẹ lẹ lên chị Ba ơi ! Muốn ăn cá trê vàng lớn thì phải đi chợ sớm, nếu đi trễ thì chỉ còn lại cá nhỏ không ngon đâu.
    Bà sáu Thiện và dì Ba bếp dắt nhau đi song song, mặt mày hai bà vui vẻ như không có chuyện gì xẩy ra trước đây. Thanh An thấy vậy chạy vô nói với Bèo:
    - Bèo , em thấy chưa? Nếu cô nghe lời má cô thì chắc cô hối hận chết được sau này đó !
    - Em cũng sợ quá trời mấy tháng trước cô à !
    Thời gian êm đềm trôi chảy. Năm sau, Jean-Charles, chồng Thanh An đi về Pháp lo công việc cho hãng. Một đêm Thanh An đi ăn tiệc về thật khuya nàng vừa mở cửa vô nhà thấy đèn đuốt còn sáng chang. Nàng chạy ra nhà sau thì thấy dì Ba bếp nằm xuội lơ, mặt tái mét, đôi mắt như mất hồn chỉ còn cái nhìn kêu cô chủ cứu giúp. Thanh An hỏi Bèo, Bèo nói là dì Ba bị ói mửa và tiêu chảy từ hồi đầu hôm tới giờ. Thanh An tức tốc bảo Bèo phụ cô dìu dì Ba xuống đường đón taxi chở dì Ba vô nhà thương Sài-gòn gấp. Tuy đã sắp tới giờ giớ nghiêm, nhưng cũng may mắn đón được taxi. Thanh An chẳng kịp thay quần áo gì cả, nàng mặc luôn chiếc áo dạ-hội màu đen hở lưng, hở ngực, dài thậm thà thậm thượt, nữ trang đeo sáng chói, trên mặt thì son phấn lòe loẹt. Lúc ấy nàng không còn nhớ gì ngoài cái việc là lo cho dì Ba bếp.
    Vào nhà thương, Thanh An hối bác-sĩ lo cho dì Ba khẩn cấp. Ông bác-sĩ trực đêm, gương mặt còn trẻ măng cỡ chừng ba mươi tuổi là cùng. Ông nhìn nhìn Thanh An, có lẽ ông lấy làm lạ vì thấy nàng ăn mặt diêm dúa mà lại hơi hở hang, ông hỏi:
    - Bà đây, là gì của cô?
    - Dạ, thưa bác-sĩ ! Dì ruột của tôi !
    - Vậy à ! Tôi tưởng... là mẹ cô chứ !
    Thanh An nóng ruột hối bác-sĩ:
    - Nhờ bác-sĩ khám xem dì tôi bị gì?
    Bác-sĩ khám và đo máu cho dì Ba xong, ông nói:
    - Bà đây bị trúng thực đó cô !
    - Trời ơi ! Có sao không bác-sĩ?
    - Cũng may là vào nhà thương kịp, chớ trễ thì nguy rồi ! Cô đừng lo, không có sao đâu !
    - Dạ, cám ơn bác-sĩ.
    Bác-sĩ khám xong, ông chích và cho dì Ba uống thuốc. Dì Ba đã ngưng mửa, nhưng vẫn còn đi cầu, Thanh An dìu dì ra cầu tiêu và lau chùi, vì dì yếu sức lắm. Trong đêm đó, dì Ba đi cầu rất nhiều lần. Thanh An thức đến sáng. Mãi đến trưa trưa dì Ba mới đỡ và ăn chút cháo lỏng. Tới chiều Thanh An thấy dì khỏe lại. nàng xin phép bác-sĩ cho dì Ba về. Nàng đi đóng tiền nhà thương, rồi lấy taxi đem dì Ba về nhà cho dì dưỡng bệnh. Thanh An lo dì Ba như đứa con lo cho mẹ. Cuối tuần cậu Ân, con trai dì Ba ghé thăm mẹ, dì Ba kể lại chuyện trên đã xẩy ra cho con nghe. Ân rất lấy làm cảm động và lên nhà trên gặp Thanh An và nói:
    - Dạ, thưa cô An ! Tôi xin có lời cám ơn cô thật nhiều. Nhưng vì sao cô không nhắn người gọi tôi?
    Thanh An tươi cười:
    - Vì tôi thấy, tôi lo cho dì Ba được !
    - Lòng cô tốt với mẹ tôi. Tôi biết lấy gì đền đáp đây?
    - Có ơn nghĩa gì trọng đại đâu mà cậu quan tâm quá vậy? Hơn nữa, dì Ba là người tôi mang ơn lớn lắm đó.
    - Trời ơi ! Sao cô nói vậy?
    - Tôi nói với tấm lòng thành thật theo quan niệm của riêng tôi, chớ không phải là triết lý, hay dạy đời ai. Bởi vì, dì Ba bỏ công cực nhọc làm cho tôi, công lao ấy thật là lớn vô biên, vô lượng không thể nghĩ bàn được. Còn tiền của tôi trả công cho dì Ba thì có giới hạn, có số. Và hơn nữa, kiếp người ai biết được chuyện gì sẽ xẩy ra ở ngày mai. Biết đâu ngày sau, rủi tôi có thành người làm của cậu, cậu sẽ nghĩ chút tình mà tử tế với tôi.
    - Trời ơi ! Cô nói quá lời !
    Thanh An cười:
    - Ở đời những chuyện xuống lên là lẽ thường mà cậu !
    - Cô nghĩ quá xa ! Tôi nghĩ rằng sẽ không bao giờ có chuyện đó xẩy tới đời cô !
    - Chuyện gì cũng có thể xẩy ra trên cõi đời. Nhứt là đã mang kiếp con người. Thật ra đối với tôi, thì cái việc tôi lo cho dì Ba trong lúc bệnh hoạn, đó là tự nhiên, là bổn phận con người đối với người mà thôi. Tôi chẳng nghĩ gì trong lúc đó cả. Xin cậu đừng quá ái ngại, cậu nên để lòng yên tịnh mà cố gắng học hành.
    Đến đây cậu Ân xin phép đi ra đàng sau. Rồi cậu trở lên, trên tay có xách trái sầu riêng thật to, và nói:
    - Tôi xin biếu cô An trái sầu riêng ăn lấy thảo.
    Thanh An tươi cười:
    - Vâng, tôi nhận. Cám ơn cậu Ân nhiều.
    - Dạ, chào cô tôi về.
    Dòng đời bể dâu biến đổi, sau 1975, kẻ còn trong nước, người theo chồng hồi hương về Pháp. Một thời gian gần mười năm sau. Gia đình Thanh An tan rã, nàng ráng làm lụng nuôi hai con. Bấy giờ Nhàn và Nhã đã lớn khôn. Mỗi đứa ra ở riêng. Còn dì Ba thì chồng đã chết. Ân, đứa con trai của bà cố gắng học hành và đậu được bằng cấp tiến sĩ kinh tế - xả hội. Mãi đến một thời gian thật dài sau đó mới được người bảo lãnh sang Hoa-Kỳ sinh sống. Dì Ba lúc nào cũng nghĩ tấm tình của Thanh An. Nên quyết tâm tìm người chủ cũ. Bà bảo con bà đi nhờ hội Phước-Thiện-Thiên-Chúa-Giáo-Việt-Nam tại Paris tìm dùm bà Thanh An để mà đền ơn đáp nghĩa. Sau đó Thanh An nhận được lá thư của dì Ba bếp. Nàng rất cảm động và vội vàng trả lời ngay. Từ đó sự liên lạc qua lại giữa gia đình dì Ba với Thanh An rất thường xuyên. Cậu Ân bấy giờ làm ăn khá giả lắm. Cậu có nhã ý mời Thanh An qua Mỹ chơi. Nhưng Thanh An ngại, nên nói là mắc công chuyện không đi được.
    Rồi gần mười năm sau, một hôm cậu Ân gọi điện thoại cho bà Thanh An và nói:
    - Cô An à ! Gia đình tôi sẽ ghé Paris bốn ngày. Nhứt định kỳ này phải gặp cô và ở nhà cô nha !
    Bà Thanh An nghe vậy lòng hơi ái ngại, vì nhà bà nhỏ, mà gia đình của Ân thì đến năm người. Bà sợ rồi đây lo không chu đáo thì sẽ bị chỉ trích, chê bai. Vì người Việt sống bên Mỹ hay chê nhà cửa của người Việt ở Pháp là, chật hẹp, là thiếu tiện nghi... là là... Ôi ! Bởi bà Thanh An đã nghe và thấy nhiều lắm rồi. Bà nói với cậu Ân:
    - Nhà tôi nhỏ lắm, không đủ tiện nghi như những nhà bên xứ Mỹ đâu.
    - Không sao đâu, cô An à ! Nhà nhỏ mà tình của cô đâu có nhỏ. Má tôi bảo vợ chồng và các con của tôi với giá nào cũng phải ở nhà cô.
    
    Tết Tây vừa qua, Tết Việt Nam sắp đến. Gia đình Ân bay qua Paris với hai vợ chồng và ba đứa con của cậu. Cậu mướn chiếc xe Renault-Espasse tám chỗ ngồi để tiện bề di chuyển. Gia đình Ân đến nhà bà Thanh An, họ dồn chung một phòng nhỏ cỡ mười hai thước vuông mà ngủ.
    Lúc bấy giờ, bà Thanh An đang trong tình thế túng ngặt, vì thất nghiệp dài hạng. Dầu hoàn cảnh như vậy, bà cũng lo đi chợ để nấu ăn. Nhưng cậu Ân không chịu ăn ở nhà mà cứ đi ăn nhà hàng. Rồi còn đi Li-Đô xem ca-vũ-nhạc show, đi chụp hình ở chân Tháp Eiffel, ra Khải-Hoàn-Môn, đi dạo trên đại lộ Champs-Élysée, lên khu Pigale, đến Sacré-Coeur-Montmartre chụp hình và viếng những thắng cảnh của thủ-đô Paris. Đi đến đâu cậu cũng dành trả tiền.
    Gia đình Ân ở nhà bà Thanh An mấy ngày đêm trong không khí vui nhộn. Các con của cậu, đứa con trai tên Nghĩa khoảng hai mươi lăm tuổi, hai đứa con gái, Hiếu và Thảo cỡ tuổi đôi mươi. Tất cả đều lễ phép và rất dễ thương. Trước khi rời khỏi nhà bà Thanh An, Ân có nhét vô tay bà ba trăm đô-la, gọi là quà tặng. Bà từ chối, nhưng vợ con và cậu năn nỉ quá, bà miễn cưỡng đành phải nhận.
    Chuyến đi ấy, sẵn dịp cậu Ân về Việt Nam ăn Tết và có công việc làm ăn nữa.
    Từ đó gia đình cậu Ân thường liên lạc với bà An. Và cậu được biết bà đã bán nhà và đang tìm việc làm. Nhưng với cái tuổi gần sáu mươi thì khó có ai mướn bà lắm. Ân tìm cách để đền ơn đáp nghĩa cho mẹ mình. Nên cậu trở lại Paris tìm cách mở một cơ sở nho nhỏ và giao bà Thanh An làm quản lý trông coi.
    Tết năm ấy bà Thanh An có việc làm, bà mừng như hứng được những giọt nắng xuân chiếu vào trong cơn lạnh lùng của mùa đông Âu Châu.
    Địa cầu nhỏ xíu đấy thôi,
    Lòng người lớn rộng đất trời nào hơn.
    Thời gian lòng dạ chẳng sờn
    Nghĩa tình chồng chất như sơn cao vời
    Thánh hiền để lại mấy lời:
    Ráng ăn ở phải, Phật-Trời thưởng ban
    Phật rằng: có Quả, có Nhân,
    Cây nào trái đó, định phân rỏ ràng.

Việt Dương Nhân