Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2018

Nhạc - Thơ - Văn Hạt bụi

Cát Bụi

Cát Bụi (hát) 

Tạ tình
Một chút tâm tình sao lưu luyến mãi,..?
Vật đổi sao dời đá nát vàng phai !
  Bụi kia dẫu đã thoắt bay  ,
Nỡ đâu sớm vội tháng ngày phôi pha...?
Người đi luôn nhớ đến ta,
Ngàn năm sỏi đá nở hoa ân tình !
NM

hinh-anh-buon-21

Hạt bụi

Đây là những câu chuyện thật, việc thật, tác giả Lê Thanh Dũng gửi cho Blog. Nhưng đọc xong thấy buồn quá…
…Mình có một anh bạn học. Tốt người tốt nết, học giỏi, thầy yêu bạn quý. Thế rồi cuộc đời nghiệt ngã làm sao, anh mắc bệnh điên, nằm điều trị ở trại tâm thần Trâu Quỳ. Số phận vẫn không buông tha cho anh, trại bị tàu bay Mỹ ném bom tan hoang. Anh bơ vơ. Gia đình mình đón anh về nhà nuôi một thời gian. Hai cụ thân sinh của mình vốn rất quý bạn bè của con cái. Đó là khoảng 1967-68 gì đó, lúc ấy mình chưa có vợ.
Chẳng cần nhắc đến thì ai cũng nhớ, thời ấy cái ăn cái mặc cơ cực thế nào. Khó khăn mấy cũng phải đùm bọc, chăm sóc bạn.
Thời gian qua đi.. Một hôm vợ mình đọc được tin có ảnh anh bạn mình trên mục “Tìm người nhà” của báo Hà Nội mới. Cô ấy vội vàng đạp xe từ nhà máy về báo cho mình biết: “Anh Quỳnh có chuyện gì rồi, anh xuống Kim Liên ngay xem sao”. Thì ra anh đã trầm mình xuống sông Hồng tự tử.  Biết tin, bạn bè chạy đến vớt anh lên. Anh chỉ còn là cái xác không hồn… Thời gian trôi đi, quãng mươi năm sau, ở một quầy báo, mình thấy một cuốn tạp chí đẹp, ngoài bìa có ảnh một cô gái xinh, bèn mua về đọc chơi. Khoảng gần 12 giờ đêm, chấm bài mệt, mình mới lấy tờ tạp chí, định xem qua cho đầu óc thư thái rồi chấm nốt số vở còn lại.
Trời xui đất khiến thế nào, hú hoạ mở tờ tạp chí ra lại đúng vào trang có in một câu chuyện. Kể rằng có một gia đình nghèo khó không đủ tiền ăn và nuôi con ăn học, chị vợ phải tính chuyện đi xuất khẩu lao động. Chẳng may đúng lúc anh chồng bị phát hiện ung thư. Để cho vợ yên tâm ra đi, anh một mực nói mình vẫn khoẻ, không sao cả, trong người khó chịu chút thôi, rồi sẽ khỏi…
Và ngày chị lên máy bay rời quê hương rời gia đình thì cũng là ngày anh được chở đến nhà xác!
  Câu chuyện buồn quá và mình choáng người: Tác giả câu chuyện có cái tên “Hạnh Phúc” không ai khác, đó là Quỳnh, người đã trầm mình xuống sông Hồng. Tất nhiên anh viết từ lâu rồi. Đăng câu chuyện này, người ta có ghi: Truyện ngắn đầu tay và cuối cùng của tác giả.
Đọc xong, mình không thể tập trung làm việc được nữa, bỏ đi ngủ thì tâm thần thảng thốt, không tài nào chợp mắt được mặc dù đêm đã khuya… Người ta bảo người âm thường báo mộng vào nửa đêm? Thật thế sao!? Bỗng mình thấy như có đôi ba hạt bụi rơi vào mắt. Rồi không phải đôi ba hạt nữa mà là cát rơi lả tả. Nhìn lên, trần nhà đã nứt một vạch dài. Mình chỉ kịp luồn tay xuống dưới lưng vợ quăng mạnh cô ấy xuống sàn nhà và mình cũng ngã nhào theo. Mảng bê tông trần nhà rơi xuống đè nát chiếc giường…
Mình bảo, Quỳnh nhắc vợ chồng mình nhớ đến anh ấy. Vợ mình bảo: Không phải đâu, anh ấy về để cứu cả nhà mình…Phải như thường ngày, anh đi ngủ đầu chưa chạm gối đã ngáy thì không biết thế nào…
***
Đó là câu chuyện mà bạn tôi, nhà giáo Vũ Thế Khôi kể lại. Và người bạn xấu số là bạn Mộng Quỳnh. Người dẫn anh em chạy ra sông vớt xác Quỳnh là nhà văn Thuý Toàn. Tất cả chúng tôi đều là bạn hồi mười ba mười bốn tuổi, đến nay đều trên dưới tám chục. Anh Vũ Thế Khôi nhà giáo văn học Nga, nhà nghiên cứu Hán Nôm, người đã dịch truyện Kiều sang tiếng Nga, đã viết hàng ngàn trang khảo cứu và tham luận, thế mà lại “lười” không chịu viết câu chuyện này cho mọi người đọc, anh đùn đẩy cho tôi. Biết làm sao, tôi đành ghi lại câu chuyện này kẻo “phí của giời”.
Đến lượt tôi mất ngủ. Người chết còn không quên ân tình, không quên người đã cưu mang mình; vậy những ai đang sống mà chỉ chăm chăm vơ vét, vô ơn bạc nghĩa, thì độc ác và tàn nhẫn quá lắm. Người tử tế chết đi rồi vẫn thương người sống, vẫn tâm sự được với người sống, bằng đủ cách, kể cả bằng những hạt cát. Ai xui bạn tôi mua cuốn tạp chí, ai bắt bạn tôi phải đọc trước khi ngủ, ai nhắn bạn tôi giở đúng cái trang đó, để rồi không ngủ, nhìn lên trần nhà, để rồi…
Tôi nghĩ miên man… những hạt cát từ trần nhà rơi xuống nói gì? Phải chăng “sỏi đá cũng cần có nhau…”
Đầu óc tôi nửa tỉnh nửa mơ: “… Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi để ngày mai tôi trở về cát bụi….”
Lê Thanh Dũng

 Nhớ !
 Mưa rơi nặng hạt ngoài trời,
Ngỡ anh chung thuỷ một đời yêu em...
  Mong sao giọt nắng bên thềm,
Nhắc anh nhớ thuở êm đềm bên nhau !
NM
Sau màn mưa bụi
Trong khi cái lãng mạn của những ngày hẹn hò trong làn mưa bụi vẫn còn dâng trong Du mỗi ngày thì Minh đã biến thành người khác… 
Du nhanh chóng về làm vợ Minh sau những ngày hẹn hò lãng mạn chẳng được bao lâu
Trời cứ mưa suốt tháng như thể muốn nhuộm cả thế gian này thành một màu bàng bạc, xam xám và ướt sũng hơi nước. Đã thế, cái lạnh lại càng tê tái, khiến ngay cả cảm xúc cũng muốn đóng thành khối như những tảng băng. Mỹ than. Mỹ lôi đống quần áo còn ẩm xì ngoài dây phơi vào, chun mũi ngửi rồi bật máy sấy sì sì, chân tay dằn dỗi như thể muốn tống khứ cái thứ mưa gió ẩm ương ấy đi. Rồi suốt ngày Chủ nhật, loanh quanh chả biết đi đâu, Mỹ ngồi chống tay vào cằm, vếch mặt lên nhìn trời qua ô cửa sổ, ư ử: “Trời xuân sáng ngời, giọng chim nghe cao vút”… Nhìn Mỹ vậy, Du bật cười. Mỹ thật biết cách làm người ta thấy yêu đời. Còn Du, tính sớm nắng chiều mưa, tinh thần phụ thuộc vào thời tiết. Chung quy là người mơ mộng. Thế nên khi nghe Mỹ đế thêm vào: “Mở đầu một năm mà thời tiết vậy, chả biết năm nay có ra cái gì không”, Du đã ra hiệu Mỹ đừng có gở mồm vì Du bắt đầu yêu. Mối tình sét đánh.
Đó là một buổi chiều mưa bất ngờ đổ bụi. Vẫn biết mưa bụi là đặc trưng của thời tiết ra xuân nên Du khá chủ quan, trên người chỉ khoác chiếc áo gió mỏng manh. Thế là sau gần một giờ phóng xe đến được đầu kia của thành phố, giao được tài liệu xong thì người Du như cây kem vừa lôi trong tủ lạnh ra. Nhìn bộ dạng lạnh cóng và ướt lướt thướt của Du lúc ấy, anh chàng nhận tài liệu hoảng quá, lôi Du vào văn phòng, ấn Du ngồi xuống ghế rồi chạy biến đi. Mấy phút sau anh quay lại với cốc sữa. Thấy Du vẫn run như cầy sấy, anh cầm cả hai tay Du áp vào cốc sữa đang bốc hơi nghi ngút. Rồi vẫn hai bàn tay ấy, anh ép Du đưa cốc sữa lên miệng, uống bằng hết. Chả biết tại sữa nóng hay là do sự đụng chạm mà người Du cứ nóng bừng lên. Không biết cái nóng ấy lan tỏa từ đâu, từ bụng, từ mặt, từ hai bàn tay hay từ ánh mắt anh chàng nhìn Du đăm đăm nữa. Khoảnh khắc ấy, cả thế giới xoay tròn xung quanh và dường như chỉ có anh ta và Du là tâm điểm. Cũng không biết thời gian ngừng lại bao lâu, chỉ biết, trên đường về Du đi như bay dưới làn mưa man mát rắc lên mặt. Trên người cô, chiếc áo khoác dày, ấm đang ấp ủ một trái tim loạn nhịp.
Nghe kể đến đoạn ấy, nhìn mặt Du phiêu phiêu, Mỹ phá lên cười. Cụt hứng, Du phát Mỹ đôm đốp. Lãng mạn vậy, sao cười, Du trừng mắt. Mỹ ôm bụng cười:
– Giống… cháo hành quá.
Du xụ mặt:
– Nhưng cũng ngọt ngào quá mà.
Mỹ có vẻ hối lỗi, vỗ vỗ vai Du.
– Thôi đừng buồn, tình yêu của đàn ông còn đi qua dạ dày cơ mà.
Mặc kệ Mỹ vùi đầu vào mấy cuốn truyện tranh, Du tiếp tục mơ màng. Chờ mãi chẳng đến ngày tạnh ráo, chiếc áo Du mặc về đã giặt sạch từ lâu, chả nhẽ cứ cầm mãi. Du lại làm một cuộc phóng xe sang bên kia thành phố. Đường xa, mưa ướt, áo mưa cẩn thận, chẳng còn cái cảm giác ái ngại. Chỉ là sự ngượng ngùng, chẳng biết phải bắt đầu từ đâu. Bao nhiêu câu từ chuẩn bị sẵn trong đầu bay đâu hết cả, khi anh chàng đón lấy chiếc áo, lạnh lùng:
– Sao không gọi điện trước…
Thế là sao? Đến nơi không tiện sao? Du bất giác nhìn quanh như thể có ánh mắt dò xét, hậm hực của cô gái nào đó đang găm lấy mình. Anh chàng thấy vẻ mặt biến sắc của Du thì hình như sợ cảnh buổi đầu gặp gỡ tái diễn, vội vàng thanh minh:
– … Để anh sang chỗ em. Mưa gió thế này, đi xa cho khổ.
Du nghe như có những giọt mưa mát lành chảy khẽ khàng mơn man khắp người mình. Chiều ngoại thành khi ấy hình như vương vất hương bưởi. Cái mùi dịu dàng ấy khiến tâm trí Du lúc nào cũng như trên mây. Du không còn ghét tiết trời âm u mưa gió nữa. Thậm chí, lúc nào Du cũng có thể hát. Nhất là ngày hai buổi đi về. Con đường quen thuộc bao nhiêu năm nay, ngày nào Du cũng hờ hững phóng qua từ nhà đến công ty rồi từ công ty về nhà bỗng trở nên tươi mới khác lạ. Mùa mưa bụi là mùa cây trổ lá. Bao nhiêu lộc non xanh mỡ màng. Bao nhiêu nụ hoa bừng lên, dậy hương từ muôn ngàn hạt bụi nước mát lành ấy. Thi thoảng, điện thoại Du rung lên những tin nhắn yêu thương: “Em ngủ dậy chưa? Nhớ ăn sáng trước khi đi làm nhé”. “Đi cẩn thận kẻo đường trơn đấy nhé”. “Nhớ em nhiều”.“Mong đến cuối tuần quá”.
Cuối tuần nào cũng vậy, Minh ở đầu kia thành phố đi sang với Du. Có những hôm mưa bụi thật khẽ, Minh cũng chủ quan chẳng mặc áo mưa. Đến chỗ Du, cả người Minh như phủ hàng vạn giọt nước li ti. Còn bông hồng nhung trên tay Minh thì long lanh. Mờ mờ ảo ảo, nhìn mọi thứ trong cái không gian đặc quánh hơi nước ấy sao mà đẹp đến kỳ lạ.
Tất nhiên, người không vui bây giờ là Mỹ. Vui sao được khi Du như một người khác hẳn. Sáng ra bảo phơi quần áo rồi hãy đi làm thì khi về vẫn một đống lù lù trong máy giặt. Nhắn tin bảo chiều về đi chợ nấu ăn thì tối về vẫn thấy ngồi ôm chiếc điện thoại, rù rì nhỏ to như con chim cu, tức lộn ruột lên, bụng đói meo mà còn bảo phải thông cảm, thông cảm. Đã thế, suốt ngày phải nghe Du kể về Minh. Tin nhắn nào của Minh, Du cũng nhớ như in, hành động nào của Minh cũng đầy hay ho thú vị, câu nói nào của Minh cũng đầy ẩn ý yêu thương. Cả sự giận hờn, ghen tuông của Minh cũng đáng yêu đến chết lịm. Du cứ vừa kể vừa cười. Mỹ chỉ biết ừ ào. “Cuộc sống còn nhiều màu lắm đấy Du ơi”, Mỹ nhắc. Du lại tuôn một tràng trách móc, rằng Mỹ khô như ngói, trẻ con. Minh là anh chàng thú vị nhất Du từng gặp.
Đó là chưa kể, những ngày họ hẹn hò nhau thì Mỹ ra rìa. Mà không hẹn hò được nhau thì Mỹ đến khốn khổ với Du, hết khóc lại thở dài, bồn chồn, tấm tức, cơm chả buồn ăn, chuyện chả buồn nói. Thế nên, một ngày, Minh vừa thò cổ vào đón Du đi chơi, Mỹ đã tuyên bố:
– Anh chị đón nhau về dinh cho tôi nhờ.
Tiếng Mỹ sẵng và nặng, làm cả Du và Minh đều bất ngờ. Du hơi buồn. Minh nắm tay Du bóp nhẹ. Thôi thế cũng hay, mọi việc được đẩy lên sớm. Trong hơi mưa bụi còn sót lại cùng mùi hương mùa xuân còn phảng phất, Du ôm chặt lấy Minh khi lời cầu hôn của anh thầm thì bên tai sau chiếc hôn bỏng cháy.
Không nói ra nhưng ai cũng cảm thấy sự gượng gạo và một khoảng trống khó lấp đầy giữa Du và Mỹ.
Ngày Du dọn đồ đạc, Mỹ đi làm từ sớm. Đám cưới Du, Mỹ nắm tay Du rất chặt nhưng lại tránh không nhìn vào mắt Du. Một lúc nào đó Mỹ sẽ yêu và hiểu.
Du phải đi làm xa. Sáng nào rời khỏi nhà cũng lưu luyến. Nụ hôn chia tay ngọt ngào mãi trên môi. Bao nhiêu cái ôm cũng chẳng đủ cho một ngày nhung nhớ.
Cuối ngày Du phóng xe như bay để về với tổ ấm của mình. Hôm ấy, trời ảm đạm. Đầu đau như búa bổ, Du chạy xe loạng choạng, đường về dài khủng khiếp. Không muốn làm Minh lo, Du lên giường nằm. Hình như Du đã chợp mắt được một lúc. Tiếng mở cửa rất mạnh, giọng Minh gắt gỏng làm Du giật mình thức giấc.
– Về từ bao giờ mà không biết cất quần áo đi để mưa ướt hết thế này?
Điện bật sáng choang, Du nhắm mắt để ngăn luồng ánh sáng đột ngột, nghe thấy một khối nặng nề nào đó đang dâng dần lên ngực mình. Có lẽ nhìn thấy gương mặt tối sầm của Du, lại không nghe Du véo von như mọi ngày, Minh chột dạ. Sờ tay vào trán Du, Minh giật mình, gắt:
– Ốm sao không đi mua thuốc uống, còn nằm đấy làm gì?!
Lẽ ra Du định nằm thêm, định khóc, định dỗi, nhưng không hiểu sao Du ngồi dậy đi nấu cơm. Hai người cắm cúi ăn. Không hiểu sao Du không khóc, dù những miếng cơm nuốt vào vô cùng khó khăn.
Kết thúc bữa ăn, Minh đứng dậy dọn mâm. Lần đầu tiên kể từ ngày cưới Minh dọn mâm giúp vợ. Những lần trước, mặc Du ỉ ôi, nịnh nọt, cả trách cứ, Minh vẫn khăng khăng cơm nước là việc đàn bà. Nay Minh biết dọn mâm rồi, lòng Du dịu lại. Thương Du ốm chăng, hối hận sau những lời đã nói với Du chăng? Bỗng Minh vứt cái bát đánh xoảng.
– Bảo bao nhiêu lần rồi, rót nước mắm vừa đủ ăn thôi, nhiều thế này đổ đi lãng phí. Bỗng Du nhớ Mỹ quá, nhớ cả cái câu Mỹ đã đe Du: “Cuộc sống còn nhiều màu lắm đấy Du ơi”. Du biết rồi. Du chỉ không ngờ là nó đến sớm thế. Bao giờ Mỹ mới yêu để Du lại được nói với Mỹ câu ấy. Ngoài trời mưa càng nặng hạt.

 Hương Giang.


NGỌC LAN - Những Tình Khúc Bất Hủ
Theo gió
Tôi đến gần tôi, tôi thấy tôi,
Cuộc đời dẫu bạc trắng hơn vôi...
Thế nhân nhân thế đều là bụi,
Theo gió dòng đời trôi cuốn trôi !!
NM 


 Bụi của nhau
“Ôi những con đường đến tự đâu?
Một lần gặp gỡ ngã tư nào
Rồi trong vô hạn chia lìa miết
Có cuốn theo mình, bụi của nhau?”

... Bắt chước sự ngây ngô sơ sinh giọng nói em, tôi đọc mấy câu thơ của Tô Thùy Yên.“Bụi của nhau, là gì vậy anh?” Em lay tôi, mùa thu trên mắt

“Anh cũng không biết nữa, em. Nhưng bằng cách nào đó, anh sẽ tan ra thành bụi, thế rồi anh sẽ lên đường phiêu lưu để hỏi thăm hết thảy những hạt bụi khác trên thế gian này, thể nào rồi cũng gặp hai hạt bụi yêu nhau. Anh sẽ dùng cơm tối và nói đủ chuyện với chúng về tình yêu. Rồi anh sẽ quay về, vẽ lại cho em hình dung của chúng. Anh sẽ vẽ đôi mắt của chúng, nếu chúng có mắt để nhìn nhau, đôi tay của chúng, nếu chúng có tay để chạm vào”.
“Anh nhà thơ của em, người ta hoặc sở hữu một giọng đọc thơ cực kỳ dở, hoặc là xạo. Thế mà anh có cả hai. Vậy thì yêu, yêu là gì?” Mùa thu tra hỏi tôi.
“Vậy thì yêu, yêu là gì? Là điều em gọi tên, khi một mình”Tôi viết cho tôi và em một câu thơ. À, mà tôi không phải là nhà thơ như lời nàng đùa đâu, tôi chỉ là một gã chăn cừu xứ Provence trong truyện của Alphonse Daudet, cố tìm những ngôi sao trên núi, một hành động mang bản chất thơ ngây, trong giây phút chỉ muốn thấy nàng, tiểu thư Stéphanette.
“Cái anh này. Không những đọc thơ dở, rồi xạo, mà còn làm thơ khó hiểu nữa, nghỉ chơi”. Mùa thu chun mũi, hồng má, cấu vào vai tôi đau điếng.
Chúng tôi im lặng nhìn ngắm những buổi chiều đang dìu nhau qua cửa. Mùa thu hào phóng đổ bóng dài trên khắp các tán lá, sườn đồi, dốc nhỏ, quán gầy, phố thuôn, phủ rợp cả những ngón tay ngập ngừng, len lén tựa vào nhau...      
“Đấy. Hôm nay đến đây thôi. Tuần nữa, có rảnh, cháu lại ra đây, chú lại kể cho cháu nghe một phần khác của câu chuyện”.
Tôi nhận ra mình hơi trẻ so với tuổi tám mươi khi nói câu này. Đó quả là một tự thú trung thực, nhưng gây buồn cho tuổi của tôi, cái tuổi mà đã lâu rồi giả vờ không biết đếm. Ghế đối diện, Nguyễn, cậu trai hai mươi tám tuổi, mà tôi vẫn gọi là bạn vong niên, ngồi lơ đãng, đốt đầy thuốc, cậu ta làm như chiều đã hết nhẵn khói vậy. Nếu bạn để ý kỹ, thì dường như trong mọi cuộc đối thoại thân tình, đều có ít nhất một cử chỉ lơ đãng của người đối diện, mang sẵn trong mình sự nhẫn tâm nhẹ nhàng, nó cố tình bày biện cho ta một cơn hoài niệm khôn cùng. Thịnh soạn và đơn chiếc.
Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta già đi bởi những cái chớp mắt. Cái chớp mắt ngày đó của năm 2015 xếp hàng ngay trước cái chớp mắt mới tức thì, cái chớp mắt của năm 2065. So với thời tôi còn trẻ, lúc này người ta đã tạo ra được rất nhiều đồ vật thần kỳ đến mức quái gở và phiền phức. Từ những điếu thuốc tự châm khi nhấn remote tích hợp sẵn trong điện thoại, những robot phục vụ cà phê tự động cho đến những chiếc máy biết trả lời những câu hỏi có mức độ bí ẩn rất cao mà loài người từng rất thảm hại khi cố sức giải đáp. Chẳng hạn: nhớ là gì...
Nguyễn tỉ mẩn chỉnh sửa lại những đoạn tốc ký trước khi hít vào thật sâu cái dễ chịu bất tử của chiều:
“Chú ạ. Như vậy là chú cháu mình đã đi được một quãng dài của hồi ký rồi. Chú kể, cháu ghi tay, không cần những cái máy ghi âm có bộ mặt lãnh cảm. Cháu thích cách làm xưa cũ này, khi ai đó làm một cuộc tìm về, hay nhớ lại”. Cậu trai nói dõng dạc, còn tôi vừa phì cười vừa lo ngại cho sự giảm giá thê thảm của công nghệ tân kỳ, ít nhất là trong một số lĩnh vực, như văn chương và ký ức.
“Cảm ơn bạn trẻ. Thật ra, ở tuổi chú, người ta đều muốn tự tay ghi lại đời mình - con chim đồi cao luôn khao khát tự hót bài tình lương thiện của chính nó, nhưng điều đó chỉ có thể xảy đến nếu đôi bàn tay chú còn đủ cường tráng để cầm được bút, và nếu mắt chú không mờ như mù sương mỗi sáng mùa đông. Chỉ tiếc là…” Tôi nói, chợt thương cho tay tôi, cho mắt tôi, chúng phải chịu khổ nạn khi gắn bó với tuổi già của tôi rồi. Ôi. Bất hạnh làm sao cái cảm giác xộc đến khi chúng ta phải chứng kiến một cành cây nào đó trong vườn lòng mình đang răng rắc gãy.
Nguyễn im lặng lắng nghe, đôi khi im lặng là phương cách người ta an ủi nhau tốt hơn hết thảy mớ lời lẽ vô tích sự. Cậu bạn vong niên của tôi là một nhà văn trẻ có những nhìn nhận sâu sắc về cuộc sống. Đó không phải là một nhận định mang hàm ý ngợi khen bạn mình, nếu biết rằng sự sâu sắc trước tuổi có khả năng để lại cho ta những vết-thương-biết-lẩn-trốn. Cậu ta cố gắng chuyển chủ đề, để người bạn già có cớ tạm biệt cái buồn về tồn sinh, về hạn hữu đời người:
“À, cháu có một thắc mắc này. Trong những chương khúc khác của hồi ký, về tuổi thơ, về học vấn, về nghiệp... chúng ta có thể đi rất dài và rất nhanh đến tận cốt lõi vấn đề trong những quãng thời gian rất ngắn. Chú nhớ không, chỉ trong một tuần đầu làm việc, mỗi ngày chúng ta đều gặp nhau và đã có đến hàng chục trang hồi ký nghiêm cẩn. Thế nhưng, những buổi gần đây, trong phần ghi lại về tình yêu, chú chỉ cho cháu những cái hẹn tuần. Lạ lùng, mỗi tuần, chú thường kể rất ngắn, nhưng lại đầy say mê, kiểu say mê của một vũ công flamenco bị giam trong những tấu khúc tuyệt vời?”
Tôi gắn một nụ cười hào sảng lên gương mặt, trước khi nói bâng quơ với cậu bạn trẻ một vài điều có vẻ chẳng liên quan:
“Chú thích thơ lắm. Cháu có nghĩ rằng thơ và tình yêu hình như có một vài điểm chung? Đó là tính khoảnh khắc và sự duy nhất. Điều đó biến chúng thành những hiện hữu khó tìm thấy nhất trong cuộc đời”.
Chúng tôi tạm biệt.
***
Sáu ngày sau,
Tôi đang cổ hủ hóa mình khi chuyển chế độ Off với tất cả những đồ vật trong nhà có thể phục vụ mình tận nơi thông qua những mệnh lệnh bằng ý nghĩ. Đó là những thứ đổ đầy sự thông minh của năm 2065, và sự lười biếng của con người, cũng của năm 2065. Mai là ngày tôi hẹn gặp Nguyễn để kể tiếp câu chuyện tình của mình. Nghĩ cũng lạ, có những ý định phát khởi trong một khoảnh khắc và phản bội mọi nguyên tắc vững bền mà mỗi chúng ta cố kìm giữ suốt cả quãng đời trước đó. Ngày còn trẻ, chưa bao giờ tôi nghĩ rằng mình muốn để lại mình trong những trang hồi ký, thậm chí có khi tôi còn cho rằng những tay phát minh ra trò chơi lục lọi ký ức này chắc hẳn mang sẵn dòng máu độc ác và phi nhân, vậy mà bây giờ, tôi đang nhờ Nguyễn viết hồi ký cho mình. Bởi trí nhớ đã bắt đầu phụ rẫy tôi, nên tôi cần tự chuẩn bị cho mình một chút hồi ức về nàng, ngay từ hôm nay. Tôi bắt đầu ngồi lặng bên những bức thư mà em viết cho tôi, chìm dưới một hòm cũ, sâu hoắm dấu thời gian.
... Này là tóc dài hương đêm thanh, này là tiếng nói rung chuyển lồng ngực lạnh, này là dáng bước của xuân sang, này là những kỷ niệm mở mắt sau giấc mê man. Ngày đó, tôi và em đã vô tình bước chung một nẻo mà tình yêu như một cơn mưa đổ ập, không cho chúng tôi một nơi nương náu khác. Tôi nghĩ khá nhiều và sắp xếp sẵn những chi tiết sẽ kể cho Nguyễn nghe vào ngày mai. Từ những bộ áo em thích mặc và tôi mê đắm, từ những thủ thỉ của em về tôi, mà tôi từ khoảnh khắc nghe giọng em, đã vội vàng gói ghém, chôn sâu trong tôi, sợ mất... Đó là những ngày vui nhất, những ngày đẹp chỉ gõ cửa một số người trên trần gian theo những lá thăm may mắn do Thượng Đế ân ban, thậm chí tôi còn lo rằng những điều tôi nói quá dài và miên man, tôi chuẩn bị luôn một giọng kể thật tiết chế. Chúng ta có nên nói về dở dang và tiếc nuối hay không, tôi rất phân vân về điều đó. Bởi dở dang và tiếc nuối là thứ có bản chất sẵn định, là đích đến đương nhiên cho mọi sự trên đời này, kể cả tôi, kể cả em, tất cả. Thôi chúng ta, quyết định điều đó vào tuần sau vậy. Ngày mai, tôi sẽ gặp nhà văn Nguyễn bằng mọi niềm vui mà tôi sở hữu. Đêm vẫy tay vô hình. Tôi chìm vào giấc ngủ với nụ cười của ai, không rõ nữa.
***
Tôi tỉnh dậy, có thể tự bước. Quái lạ. Tại sao tôi lại di chuyển được mà không cần cái xe lăn tự động tiên tiến đáng ghét kia nữa vậy? Tại sao tôi lại xuất hiện bên giường bệnh với đôi mắt chưa bao giờ mù sương, đôi tay lành lặn có thể nâng cả một cuộc đời. Mà ai đang nằm đó? Bên giường bệnh, tôi thấy Nguyễn. Nguyễn đang đọc gì cho người trên giường nghe vậy? Nhẹ chân bước đến, tôi giật mình nguyền rủa cả những bước chân khi thấy chính tôi đang nằm ngủ, đó là một giấc ngủ có độ dài thiên thu, Nguyễn thì đang đọc cho tôi nghe đoạn cuối của hồi ký chính tôi. Những con chữ cuối trang giấy chắc hẳn vẫn đang bất ngờ khi chính chúng sẽ cùng tôi, khép lại tôi.

“Ôi những con đường đến tự đâu?
Một lần gặp gỡ ngã tư nào
Rồi trong vô hạn chia lìa miết
Có cuốn theo mình, bụi của nhau?”

... Bắt chước sự ngây ngô sơ sinh giọng nói em, tôi đọc mấy câu thơ của Tô Thùy Yên.
“Bụi của nhau, là gì vậy anh?” Em lay tôi.
“Anh cũng không biết nữa, em. Nhưng bằng cách nào đó, anh sẽ tan ra thành bụi, thế rồi anh sẽ lên đường phiêu lưu để hỏi thăm hết thảy những hạt bụi khác trên thế gian này, thể nào rồi cũng gặp hai hạt bụi yêu nhau. Anh sẽ dùng cơm tối và nói đủ chuyện với chúng về tình yêu. Rồi anh sẽ quay về, vẽ lại cho em hình dung của chúng. Anh sẽ vẽ đôi mắt của chúng, nếu chúng có mắt để nhìn nhau, đôi tay của chúng, nếu chúng có tay để chạm vào”.
Nguyễn Đăng Khoa