Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

NTV 26 - Nhớ ánh trăng năm xưa

 

Trăng Về Thôn Dã - Thùy Trang

Trăng Về Thôn Dã; Rước TìnhVề Với Quê ...

Dưới trăng....
Nhớ ánh trăng xưa quá ngọt ngào,
Sáng tròn vành vạnh giữa trời sao
Dẫu ngàn mây xám che trăng khuất ,
Trăng vẫn là trăng của độ nào !

Trăng tròn, trăng khuyết trăng còn mãi...

Trăng trải qua bao cuộc bể dâu ,
Trăng vẫn cùng ta mơ khúc hát :
Đất nước thanh bình thôi khổ đau !

Khi nào được nắm tay nhau,

Dưới trăng đi dạo, ngắm sao trên trời..
Ánh trăng toả sáng nơi nơi
Thanh bình, vui sống rạng ngời quê hương !!...
NM

Nhớ ánh trăng năm xưa.....!! 

Từ phía đằng Đông, trăng đang nhú dần qua khỏi rặng tre. Chị em tôi đang nhí nhố phía đầu nhà đón ánh vàng từ chiếc mâm trăng tròn trịa… Ấy là những đêm trăng tròn hồi tôi còn bé.
Thuở ấy, khu tôi ở là một thôn nhỏ rất neo người. Nhà cửa thưa thớt, xóm giềng ở cách xa nhau, điện đóm cũng chưa kéo tới. Là con út trong nhà, nhiệm vụ của tôi là châm đèn dầu lúc chiều đến. Ngọn đèn hột vịt leo lét theo tôi mọi lúc mọi nơi. Đèn đặt trên cái cối đâm tiêu cao hơn cái mâm chừng hơn gang tay trong bữa cơm chiều. Đêm nào cũng vậy, chị em tôi hăm hở bài vở dưới ngọn đèn dầu. Đi xuống nhà sau, đi ra giếng nước, lúc nào tôi cũng bê ngọn đèn trong tay. Khói đèn dầu xông lên hôi ám. Thỉnh thoảng tôi ngó nghiêng vô tình bị thui mất dăm cọng tóc. Cháy quăn queo khét lẹt. Nhìn ra phía xa xa, mấy nhà hàng xóm lờ mờ lấp ló trong ngọn đèn dầu.
Mỗi tháng đến mùa trăng, tôi bị cuốn vào thứ ánh sáng tự nhiên kia. Không sáng bằng ánh mặt trời nhưng ánh vàng văng vắt dịu mát mang lại bao nhiêu điều thú vị. Những đêm hè nóng bức, nhà tôi trải chiếu trên sân gạch, chị em tôi quây quần bên bố mẹ, nghe kể chuyện đời chuyện ngày xa xưa, chuyện chị Hằng, chú cuội, cung trăng. Có hôm, tôi nằm co mình vì lạnh lẽo sương đêm và ngủ thiếp đi trong vòng tay mẹ.
Những ngày hè, tụi trẻ con chúng tôi mặc sức vui đùa dưới ánh trăng đêm. Sau bữa cơm chiều, chúng tôi tập trung ở bãi thôn. Hôm qua chơi trò trốn tìm, hôm nay chia phe chơi rồng rắn lên mây, và ngày mai…, ngày kia… Suốt cả mùa hè, từ lúc trăng hơn lưỡi liềm tới những ngày nó chỉ còn dẹt như nửa cái bát, chẳng đêm nào chúng tôi không tụ tập đùa vui. Cũng có lúc giận nhau, kình cãi và đánh nhau nữa, nhưng rồi lại tụ tập và đùa vui. Hồn nhiên và háo hức.
Nay điện vào tận nhà. Điện chong đầu ngõ sáng rực. Điện mang âm thanh, ánh sáng ầm ĩ xóm làng. Điện làm cuộc sống của xóm tôi sôi động hơn nhiều và đẩy xa ánh trăng vàng xa dần tuổi thơ lũ trẻ. Chúng chẳng háo hức chờ đón trăng như chúng tôi thuở xa xưa. Trăng trở nên bình thường và không thật quyến rũ nữa. Chúng vui chơi dưới ánh đèn điện sáng rực soi từng ngóc ngõ. Chúng mê tivi, trò chơi điện tử chứ chẳng ghiền những trò chơi rẻ tiền của chúng tôi xưa.
Giờ tôi sống ở thành phố xa xôi, ít có dịp trở về ngôi nhà xưa chị em tôi cùng vui sống, lớn lên ở đó. Ánh đèn thành phố muôn màu làm tôi xao lãng với ánh trăng. Đôi lúc nhớ, tôi lên sân thượng, ra vùng ven thị để tận mắt ngắm nhìn ánh trăng tròn trịa. Nhưng tôi chẳng thể nào tìm được thứ ánh sáng vằng vặc, mát dịu kia bởi khỏi bụi đã che khuất và ánh đèn điện đã lu mờ vầng trăng. Và bất chợt đêm nay, tôi muốn vén cả màn đêm để thấy bầu trời xanh thẳm treo ánh trăng vàng và những vì sao sáng lung linh trong lời ca lộng gió…
ST
       

Vầng Trăng Lặng Lẽ

Tác giả: Hạt Cát

Dòng sông đi qua xóm làng heo hút. Những bến bờ hiu quạnh, lác đác những bụi lau thưa. Ðêm trăng sáng, nước chấp chới ánh trăng, cả một vùng sông màu trắng bạc, thấy mênh mang một nỗi buồn. Bầu trời đêm thăm thẳm, cô độc một vầng trăng. Cả những đốm sao nhấp nháy thường nhật cũng lặng trốn mất rồi. Chẳng hiểu sao cứ mỗi lần ngắm vầng trăng mười sáu ấy, tôi lại hay nghĩ ngợi về sự cô đơn của con người. Trăng đẹp quá mà sao lặng lẽ quá! Trăng vung vãi khắp nơi ánh sáng của mình, rồi trăng sẽ lại ra đi mất hút ở chân trời.
Tôi thẫn thờ đi dọc triền sông, trên những bờ cỏ đẩm ướt. Tôi cũng chẳng biết là nước sông hay ánh trăng đã làm cỏ ướt, chỉ thấy những giọt lóng lánh vỡ tan dưới gót chân mình, thấm lạnh. Ðầu kia, dưới tán một cây sung, là cái chòi tranh đơn độc của “Bà Tiên”. Người đà bà sống dưới căn chòi ấy cũng lặng lẽ và cuốn hút như vầng trăng vậy. Có lẽ bà đã già lắm rồi, mái tóc đã bạc trắng và vầng trán đã nhiều nếp nhăn. Không ai biết tên của bà, chỉ bằng vào cái dáng đi thanh thoát nhẹ nhàng của bà, cái tính tình hiền dịu dễ mến của bà, người ta đã gọi bà là “Bà Tiên”, chẳng biết tự bao giờ. Những đêm trăng, tôi thích đến chỗ bà trò chuyện, nuôi lớn ước mơ của mình bằng những câu chuyện cổ tích. Bà sống lặng lẽ, ít tiếp xúc với mọi người, nhưng đặc biệt rất thích những đứa học trò. Ðối với bọn trẻ chúng tôi, bà kể chuyện say sưa. Giọng kể của bà thật hấp dẫn, lôi cuốn đến nỗi có nhiều câu chuyện tôi nghe đã thuộc làu mà vẫn cứ mê mẫn. Một đôi khi cao hứng bà còn nhắc về những kỷ niệm đẹp đẽ của một thời tuổi trẻ của bà. Những lúc ấy, khuôn mặt bà sáng lên, thấm đẫm ánh trăng, tưởng như vầng trăng đã rơi xuống mắt bà lóng lánh. Tôi cứ mường tượng như ngày xưa, bà đã từng là một cô giáo, không chỉ bởi tầm hiểu biết rất rộng của bà, mà ở cả phong thái của bà nữa.
Ðến gần cái chòi tranh của “Bà Tiên”, tôi hơi ngạc nhiên vì sao hôm nay nó im vắng thế? Chỉ có chút ánh sáng leo lét của ngọn đèn dầu lọt qua khe cửa. Có lẽ “Bà Tiên” hôm nay bị mệt, không ra ngắm trăng như mọi bữa. Tự nhiên tôi cảm thấy buồn và hụt hẫng như vừa mất đi cái gì mà mình cũng không rõ. Mà nào có phải riêng tôi, những cành lá sung cũng rũ xuống, lặng buồn, chấp chới một màu trắng ảm đạm. Chẳng hiểu sao khung cảnh nơi đây cứ mang mãi một nét buồn man mát bâng khuâng.
Có bàn tay ai đó đặt nhẹ lên vai tôi. Tôi quay lại, giật mình thảng thốt. Một người đàng ông trung niên đứng sau lưng tôi tự bao giờ. Tôi đã định la lên, nhưng nụ cười hiền lành của ông ta như đã xóa tan sự ngỡ vực trong tôi. Tôi ấp úng:
- Ông là…
Ông ấy cười xòa:
- Là người chứ không phải là ma đâu!
Rồi ông vỗ nhẹ lên vai tôi thật thân mật.
- Hôm nay, bà bị mệt. Hãy để bà nghỉ. Chú cháu mình ra bờ sông nói chuyện.
Tôi riu ríu bước theo ông. Người đàn ông này chắc là có liên quan rất mật thiết với “Bà Tiên”. Có lẽ hôm nay, mình được biết thêm đôi điều về bà.
Chúng tôi ngồi xuống ở bờ cỏ sát mép nước. Ðêm thật yên tĩnh. Gió từ mặt sông đưa lên mát rượi, ngai ngái một mùi hương cỏ dại. Tôi nhìn vầng trăng trôi nổi trên sông với một cảm xúc bồng bềnh khó tả. Giọng người đàn ông trầm ấm bến tai:
- Chắc em ngạc nhiên lắm khi biết tôi là học trò cũ của cô giáo? Cô muốn giấu kín tung tích của mình, điều ấy cũng có lý do. Nhưng hẳn mọi người cũng phần nào nhận ra khi gọi cô là “Bà Tiên”.
- Vâng, bà ấy thật hiền dịu, dễ mến…
Dường như vầng trăng đang trôi trên dòng sông ký ức. Ðêm nay tôi được nghe câu chuyện của một người học trò về cô giáo của mình.
oOo
… Hồi ấy, chú đang học năm cuối bậc trung học. Tuổi trẻ bồng bột cộng bới sự ỷ lại vào một gia cảnh sung túc đã biến chú thành một đứa học trò ngổ ngáo, ương ngạnh. Hầu như chú chẳng để tâm mấy đến việc học hành mà chỉ lo nghĩ đến những trò vui chơi nghịch phá. Năm ấy cô Tâm mới ra trường, còn rất trẻ. Buổi đầu tiên cô đến lớp, nhìn nét mặt còn rất ngượng ngùng e ấp với giọng nói hãy còn run run của cô, chú nghĩ ngay đến những trò đùa tai quái với bà cô còn “mới toanh” này. Chú ngước nhìn cô với một thái độ khinh khỉnh, mỗi lần cô liếc về phía chú. “Tôi mới bắt đầu sự nghiệp dạy học của mình. Chắc rằng sẽ có nhiều thiếu sót và vấp váp trong cách diễn đạt, mong các em thông cảm. Tôi sẽ cố gắng khắc phục dần”. Ðó là những lời chân tình của cô trong tiết học đầu tiên, nhưng lúc ấy, chú nào đâu có để ý tới. Chú chỉ chờ những lúc cô lúng túng, nhầm lẫn để phá lên cười. Những đứa bạn trong đám “quậy phá” của chú cũng lập tức hưởng ứng theo. Cô thoáng đỏ mặt nhưng cố gắng lấy lại bình tĩnh để tiếp tục giảng bài. Có lần cả lớp còn nhao nhao không dứt về một sơ sót nhỏ của cô, mặc cho cô cứ gõ mãi cây thước lên bàn và nói như van xin: “Các em yên lặng giùm cô. Có điều gì các em hãy đứng lên phát biểu từng người”. Chẳng ai chịu nghe cô cả. Chán nản, cô buông phấn, bỏ lớp về văn phòng. Chúng tôi sung sướng thu dọn sách vở ra về, không hề biết rằng, nơi một góc văn phòng trường, cô đang ngồi thẫn thờ với những giọt nước mắt lăn dài trên má. Biết gia cảnh cô rất nghèo, đi dạy với một chiếc xe đạp cọc cạch cũ kỹ, chú còn nghĩ ra những trò đùa táo tợn hơn. Một lần, chú lén xả xẹp lốp xe của cô. Vậy là giữa trưa đứng bóng cô phải dắt chiếc xe đạp cà tàng của mình đi bộ cả đoạn đường dài. Chú còn cố ý lái chiếc Honda 67 còn láng bóng của mình lượn qua lượn lại trước mặt cô để chọc tức. Chỉ thấy cô nhìn theo và khe khẽ lắc đầu. Lại có lần chú lén bỏ vào xách cô cả một ổ chuột con còn đỏ hỏn. Khi giở xách lấy giáo án, cô chỉ kịp hét lên một tiếng rồi ngất xỉu luôn.
Trong lúc cả lớp chộn rộn đưa cô đi cấp cứu thì chú thản nhiên đứng nhìn, cảm thấy thích thú với trò nghịch của mình. Sau lần ấy nhà trường yêu cầu cô truy tìm thủ phạm để đưa ra Hội đồng kỷ luật. Cô đã nhìn chú rất lâu với ánh mắt dò xét, nghi ngờ.
Nhưng rồi cô đã bỏ qua luôn, không nhắc nhở gì đến chuyện ấy nữa. Vậy mà chú chẳng hề hối hận. Trái lại, chú cho rằng cô ngấm ngần “trả thù” mình khi cô cứ thường xuyên kiểm tra bài vở của chú. Những lần ấy, cô vẫn nhìn chú với ánh mắt đầm ấm chân tình: “Em quên năm nay là năm thi sao? Em không hề nghĩ đến tương lai của mình à?” Trời ơi, cô đúng là còn quá non trẻ, cô đâu biết rằng ba má chú có đủ tiền tài và thế lực để lo cho chú một chỗ đứng ngon lành. Sự ỷ lại đã làm chú trở nên hợm hĩnh như vậy.
Khi cô hỏi chú: “Sao chẳng bao giờ em chịu học bài?” Chú đã khinh khỉnh trả lời: “Em chẳng cần phải học làm gì cho mệt!” Cô buồn buồn nhìn chú lắc đầu: “Kiến thức bao giờ cũng cần em ạ. Dù sau này có làm gì em cũng sẽ cảm thấy lúng túng vì thiếu hiểu biết”. Mặc cho cô kiên nhẫn khuyên nhủ, thuyết phục bằng cả một tấm lòng nhân hậu, chú vẫn phớt lờ. Ðiều tất yếu phải đến là cuối năm học chú không đủ điểm để được xét thi tốt nghiệp. Trong khi ba chú lo chạy chọt nâng điểm chú thì cô lại dứt khoát không đồng ý. Cô bảo: “Ở lại học thêm một năm đối với em cũng không muộn màng gì. Còn để cho em vào đời với những lỗ hổng kiến thức như thế lại càng nguy hiểm hơn”. Lúc ấy chú hận cô ghê lắm. Chú cho rằng cô quá cao ngạo và nhỏ nhen. Chú rắp tâm “sẽ cho cô biết tay”. Vậy là chú xúi ba chú dùng ảnh hưởng của mình làm áp lực đổi cô đi xa. Ba chú đang lúc bị chạm tự ái vì lần đầu tiên có người không chịu nghe theo lời ông, lại quá nuông chìu con cái, đã làm mọi cách “tống cô đi cho khuất mắt” theo lời của chú. Cuối cùng thì chú cũng đạt được mục đích của mình: Cô đã phải chuyển đến dạy ở một trường xa lắc xa lơ ở tận một miền quê heo hút. Lẽ ra chú đã hoàn toàn thỏa mãn với thành công của mình, nếu không có bức thơ cô để lại sau đó:
“… Cô biết rằng em vẫn còn rất ghét cô. Cũng bởi vì cô đã quá quan tâm đến em, mong em tiến bộ. Cô lấy làm tiếc cho em vì cô biết em rất thông minh và năng nổ, nhưng lại quá ỷ lại và thiếu suy nghĩ. Dù đi xa, nhưng cô vẫn hằng ước mong em sẽ có lúc hồi tâm và biết tìm ra con đường đi đúng đắn nhất của mình. Ðược như vậy cô sẽ rất mừng…”
Chú đọc bức thư mà lòng chợt xao động. Có cái gì đó như niềm ân hận đang trỗi dậy từ trong tiềm thức. Vậy ra mình đã hiểu lầm…
oOo
Người đàn ông ném một hòn sỏi xuống dòng sông. Ánh trăng tỏa ra trên mặt nước, vỡ tan thành từng mảnh nhỏ.
- Vậy đó. Cô đi mà chẳng mang theo một chút bất mãn hay chán nản. Nhiều năm sau chú được nghe cô là một giáo viên dạy giỏi nổi tiếng và rất nhân hậu ở cái ngôi trường hẻo lánh ấy. Còn chú, từ nỗi niềm ân hận đã vượt qua được bậc học phổ thông và những năm đại học để có một chỗ đứng vững chắc trong xã hội. Chú mong có ngày sẽ tìm đến thăm cô để xin lỗi cô và khoe với cô những thành quả của mình …
- Nhưng rồi sao cô lại về sống âm thầm ở đây?
- Ừ, cô lại tiếp tục đi từ ngôi trường này đến ngôi trường khác để gieo tấm lòng nhân hậu của mình. Rồi khi không còn đủ sức nữa, cô đã lui về trong âm thầm lặng lẽ…
Tôi chợt nhìn lên vầng trăng, buột miệng:
- Như vầng trăng vậy…
- Phải, như một vầng trăng…
Tôi nhìn ánh trăng bàng bạc khắp nơi, lòng dậy lên một niềm cảm xúc bâng khuâng. Vần trăng đang trôi… Hôm nay có một người học trò cũ về thăm cô. Còn bao nhiêu người học trò nữa mà cô hết lòng thương yêu, dạy dỗ, có bao giờ nhớ đến cô không?
Vầng trăng vẫn đang trôi… xa dần… xa dần, trong lặng lẽ, cô đơn…
TVH
Source: TAO

 

Liên Khúc Trăng Về Thôn Dã - Phi Nhung - Album Tình Ngăn Đôi

Trăng Về Thôn Dã

Ánh trăng tuổi thơ          

Có những điều mãi mà ta không thể quên, có những ký ức luôn khắc sâu vào tim ta như một định mệnh.
Tôi không lớn lên bên những dòng sông, bên những cánh cò hay bên những thửa ruộng lúa vàng, mà tôi lớn lên cùng với ánh trăng của trời, với cái mát của làn gió và sự êm đềm của tình thân.
Ba mẹ tôi xuất thân trong gia đình thuần nông nên khi lấy nhau về hiển nhiên vẫn sẽ sống bằng nghề nông. Trên mảnh đất đầu tiên của gia đình, ba mẹ tôi cất một ngôi nhà nhỏ, đã rất lâu rồi nên tôi thậm chí còn không nhớ nổi ngôi nhà ấy trông như thế nào. Sự thấp thoáng trong những giấc mơ mà tôi còn nhớ được là những đống bắp cao ngất ngưỡng và tôi phụ mẹ gom những vỏ bắp đem đi vứt ngoài vườn.
Mỗi khi ngày mùa bắp về, lũ trẻ con chúng tôi lại xúm nhau đi lột vỏ bắp “kiếm tiền”. Ngày đó chỉ vui là chính chứ kiếm được bao nhiêu, ngồi lột từ sáng sớm đến trưa tôi cũng chỉ lột được 5 giỏ, mỗi giỏ cao bằng tôi khi ngồi, với giá chỉ 1000 đồng, có nơi còn thấp hơn, chỉ 500 đồng. Cả ngày trời với hai bàn tay đỏ tấy, người ngứa ngày vì xót vỏ bắp cũng chỉ được khoảng 10.000 đồng. Vậy mà vui biết bao, số tiền đầu tiên kiếm được trong đời.
Khi nhà tôi thu hoạch bắp, tôi ở nhà phụ mẹ chứ không đi lột cho người ta. Tôi thích nhất là ban đêm, bắp chất đầy nhà chặn cả cửa, không đóng cửa được. Gió cứ thế lùa vào. Chị em tôi vẫn thường ngủ trên những hạt bắp đã được tách cùi, cảm giác mát mát, rộn rạo của bắp nghe rất dễ chịu.
Buổi tối, tôi và những người bạn thường tụ tập trên con đường làng nơi giao nhau giữa nhà của mỗi đứa. Dưới ánh trăng mờ ảo, chúng tôi chơi kéo co, chơi u, chơi ăn trộm dưa, rồng rắn lên mây và rất nhiều trò khác. Chúng tôi chơi và la hét đến khan cả cổ họng, áo ướt đầm mồ hôi. Bọn con trai cười khúc kích khi giấu dép con gái, còn bọn con gái thì thút thít vì sợ mất dép về mẹ la. Hành trình đi tìm dép đêm nào cũng diễn ra như vậy.
Mùa trăng chúng tôi tụ tập ở đường làng, hết mùa trăng thì chọn nhà đứa nào có bắt bóng điện ngoài sân để chơi.
Chơi chán, lũ chúng tôi hè nhau đi hái trộm mía của bà Tám trong xóm. Bà Tám nổi tiếng keo kiệt và hung dữ, dù chúng tôi có xin bà cũng không cho, vậy là kế hoạch ăn trộm được vạch ra. Ban đêm ăn trộm mía, còn sáng sớm, chúng tôi rủ nhau chạy thể dục từ lúc 4h sáng, chạy một hồi mệt, thì lại hè nhau leo lên cây dừa nhà ai đó ven đường “xin” ít trái để uống nước. Những ngày tháng tinh nghịch đó có lẽ mãi tôi không bao giờ quên được.
Quên sao được một lần vì quá ham chơi bị đứa bạn tán vào chảy cả máu răng, vết sẹo dưới cằm tôi có từ đó.
Quên sao được một lần đang vắt vẻo trên cây ổi thì bị chị chủ nhà phát hiện mách mẹ tôi về trội ăn trộm...
Vườn mía ngày xưa của Bà Tám nay đã là nền nhà của một người khác, mấy đứa bạn ngày xưa cùng hò hét đứa thì theo gia đình đi nơi khác mười mấy năm không gặp, đứa thì lấy chồng…Câu chuyện thuở ấu thơ tưởng chừng như quên lãng, có gặp lại nhau cũng không ai còn muốn nhắc đến.
Ôi cái ngày xưa ấy, chắc cũng không bao giờ có thể quay lại, con người ta không thể có tuổi thơ hai lần. Những ngày tuổi thơ ấy là cả một bầu trời mơ ước trong tâm hồn vô tư của những đứa trẻ. Những đứa trẻ rồi sẽ lớn lên và mãi mang trong lòng mình những điều tuyệt diệu của ký ức.

Phù Vân 

Sô nát Ánh Trăng - Moonlight Sonata - YouTube

 Moon River lyric

Sonata ánh trăng

Ánh trăng đi về đâu trong đêm thanh vắng? Ánh trăng trải lòng ai những phút cô đơn? Trăng rơi trên sông một nỗi buồn cô độc, đẹp mà bí ẩn, xa xôi và đau đớn. Ai đã một lần nghe ánh trăng rót vào lòng như từng giọt buồn rơi qua bản sonata không bao giờ cũ với thời gian, để thấy sóng lòng cuộn dâng, khi êm ái thiết tha, khi mãnh liệt tuôn trào, khi khắc khoải và khi òa vỡ một nỗi niềm không thể gọi tên?
Bạn đã bao giờ nghe chưa, bản sonata cho piano số 14 của Beethoven ấy, mà sau này được phổ biến với cái tên "Sonata ánh trăng"? Hãy nghe đi, và sẽ thấy, trăng không chỉ là trăng, trăng tràn ngập cả một cõi lòng đang dậy sóng.
Nhà thơ Ludwig Rellstap quả là có lý khi đặt tên cho bản giao hưởng này là "Sonata ánh trăng" để diễn tả tiếng nhạc tựa như "ánh trăng tỏa trên mặt hồ". Nghe chương nhạc đầu tiên của bản sonata này, có thể hình dung ra một thứ ánh sáng bàng bạc đang dịu dàng lan tỏa – một sự lãng mạn nhẹ nhàng.
"Sonata ánh trăng" có ba chương tất cả: Adagio Sostenuto, Allegretto, và Presto Agitato. Cả ba chương là sự hòa quyện của những thang bậc cảm xúc khiến tôi liên tưởng đến một câu thơ của Xuân Quỳnh: "dữ dội và dịu êm, ồn ào và lặng lẽ". Chương một được viết dưới hình thức sonata rút gọn với giai điệu chậm rãi, tha thiết mà nhà soạn nhạc Pháp Hector Berlioz gọi là "lời than vãn", gợi lên một thứ tình cảm dịu êm như ánh trăng tan trên mặt hồ lặng sóng, khiến người nghe lắng mình vào thế giới của giấc mơ và hồi ức. Chương hai là phần minuet và trio tương đối truyền thống, mang nhịp điệu nhanh hơn như ánh trăng đang mải miết theo dòng chảy của sông dài, gieo vào lòng người một niềm linh cảm có điều gì đó dữ dội sắp xảy ra. Chương cuối được viết ở hình thức sonata sôi nổi với nhiều hợp âm rải nhanh và âm nhấn mạnh mẽ, thể hiện cảm xúc mãnh liệt, dữ dội như ánh trăng vỡ ra trên mặt nước cuồn cuộn sóng giữa trời giông tố, nghe mà cảm giác như chính mình đang vật lộn với cuồng phong. "Sonata ánh trăng" chứa đựng nỗi buồn đau nhưng không tuyệt vọng, nếu không muốn nói là lột tả được khát vọng hướng đến một điều gì đó tốt đẹp hơn từ trong đau khổ.
Dường như "Sonata ánh trăng" nghe hay hơn trong đêm, và đó phải là một đêm thanh vắng. Khi tiếng dương cầm vang lên là cả không gian và thời gian ngưng đọng lại. Tôi lặng lẽ chiêm ngưỡng cái đẹp u uẩn của một cuộc tình cô liêu thấm đẫm ánh trăng. Ôi, ánh trăng… Ánh trăng phủ trên mặt nước lấp lánh sáng, ánh trăng len qua vòm lá đẫm sương đêm, ánh trăng đổ xuống một căn gác buồn cô tịch, ánh trăng đọng lại trong một đôi mắt dõi theo phía chân trời… Kìa một đôi tay chìa ra đón lấy ánh trăng như hứng lấy cả một trời hy vọng.
Beethoven sáng tác bản Sonata cho piano số 14 năm 1801 và đề tặng cho cô học trò 17 tuổi của mình là nữ bá tước Giulietta Guicciardi. Sau khi Beethoven qua đời vài năm, nhà thơ và cũng là nhà phê bình âm nhạc Đức Ludwig Rellstab đã so sánh những giai điệu mượt mà trong chương đầu của tác phẩm với ánh trăng trên hồ Lucerne. Từ đó bản nhạc này được mọi người biết đến dưới cái tên "Sonata ánh trăng".
"Sonata ánh trăng" huyền ảo quá, và ngay cả sự ra đời của nó cũng có thật nhiều giai thoại. Sau đây là một giai thoại nổi tiếng về xuất xứ của bản nhạc bất hủ này.
Năm 1801, Beethoven đang sống ở kinh đô âm nhạc thế giới là thành Vienna – thủ đô nước Áo. Để trang trải khó khăn trong cuộc sống thường ngày, ngoài việc sáng tác, Beethoven còn dạy nhạc cho con gái các nhà quý tộc. Beethoven xấu trai nhưng mang một trái tim nghệ sĩ đa tình. Ông đem lòng yêu say đắm một học trò của mình là Giulietta Guicciardi. Cô thiếu nữ dường như cũng biết được điều đó nhưng chỉ im lặng khiến Beethoven càng thêm hy vọng. Thế nhưng, tình cảm ấy của Beethoven đã bị cự tuyệt khi ông ngỏ lời với Giulietta dưới vòm hoa nhà nàng vào một buổi tối sau khi dạy xong. Tuyệt vọng và đau đớn, đêm hôm đó Beethoven đã lang thang vô định trong thành Vienna rồi đứng cô độc trên cây cầu bắc qua dòng Danube xanh xinh đẹp. Đó là một đêm trăng rất sáng, Beetthoven như sực tỉnh khi đắm mình trong một không gian tĩnh lặng ngập tràn ánh trăng với nước sông Danube lấp lánh huyền ảo. Thành Vienna đã chìm sâu vào giấc ngủ, chỉ còn người nhạc sĩ đau đáu một mảnh tình đơn phương đang đứng cô độc giữa đất trời thấm đẫm ánh trăng. Đâu đây tiếng dương cầm vang lên xa vắng, tiếng đàn như hút hồn dẫn bước chân Beethoven đi một cách vô thức đến một ngôi nhà trong khu lao động nghèo. Ở đó chỉ có người cha đang ngồi nghe cô con gái mù của mình chơi dương cầm. Người cha đau khổ bảo Beethoven rằng con gái mình chỉ có một ước mơ duy nhất suốt cuộc đời là được ngắm nhìn ánh trăng trên dòng Danube, nhưng ông chẳng bao giờ có thể đem đến cho con niềm hạnh phúc giản dị ấy. Xúc động trước tình cảm của người cha dành cho con gái và ngạc nhiên trước tiếng dương cầm thánh thót của người thiếu nữ mù, Beethoven ngồi vào cây đàn và bắt đầu chơi. Những nốt nhạc vang lên ngẫu hứng, ào ạt dâng theo cảm xúc mãnh liệt của nhà soạn nhạc thiên tài, lúc nhẹ nhàng hiền dịu như ánh trăng, lúc lại mạnh mẽ mênh mang như sóng sông Danube. Dường như không còn cuộc sống vất vả với những lo toan thường nhật, không còn những mảnh đời đau khổ, những bi thương tuyệt vọng mà chỉ còn một thế giới huyền ảo, lung linh như cổ tích. Tiếng nhạc ngân lên trong ánh trăng, thấm đẫm trong ánh trăng, dạt dào trong ánh trăng, đọng lại từng giọt cảm xúc đầy khát vọng bứt ra khỏi lời nguyền của số phận.
Tôi nghe "Sonata ánh trăng" nhiều lắm rồi, nhưng vẫn không bao giờ chán. Mỗi lần nghe là một lần trải nghiệm với vẻ đẹp mê đắm và khao khát mãnh liệt giữa tận cùng bát ngát ánh trăng.


Người đi tìm trăng giữa ngày …

Xin dâng tặng những người mang lý tưởng vào đời
                                                                   Cư  sĩ Liên Hoa
Chợt vừa thức giấc
nửa khuya, gió về
không gian lặng lẽ
bốn bề yên say
giật mình thấy mộng bay bay
hình như khi ngủ,
quên cài mảnh tâm
để trăng rót xuống ánh vàng
miên man, vóc cánh trăng vàng vào thơ
lạ lùng thơ lẩn trong mơ
không gian như thở bên dòng phù du
ta mong vạt mảnh trăng vàng
cho vơi uẩn khúc trăng mang trong đời
ngày mai, nước có về nguồn
cho thơ tung cánh giữa trời mênh mông
ánh trăng vùi giấc vô thường
lắng nghe hiện hữu mỉm cười reo vui… 
          Cánh cửa sổ cuộc đời đã mở, di dời từng bước chân đi sâu vào cuộc sống. Đêm qua ngủ, giấc ngủ say như đã lâu rồi quên ngủ thực sự, chập chờn, mênh mang trong những mộng tưởng điên đảo của cuộc đời, dù biết các pháp vốn tự là phù du. Có lúc bắt màn đêm thức giấc, có lúc để hơi thở nhảy múa trong dòng sóng vô tận của nội tâm, nghe lại lòng mình như lắng nghe lại tiếng sóng rì rào của dòng sông Hằng trong một lần đến đó, thấy xác người sau khi hoả thiêu, trôi bồng bềnh về nơi hoại diệt, thấy có là không, thấy không là có.
Có phải là mơ chăng hay chỉ là những hình ảnh liêu trai kỳ bí của tiếng “Om” hừng hực trôi lăn bên bến đời, lăn trong tâm thức, kéo dài trong hiện tại. Om là mẩu từ của bắt đầu, cũng là âm thanh của suối nguồn vô tận, của bước nhảy vượt qua vực sâu của đại dương tâm thức, là tiếng lòng thức tỉnh, để im lặng thiên thu trong từng sát na, vô niệm. Bỗng chợt thấy rằng hình như trăng đã trở về thì phải, vỡ ra, đem linh hồn của trăng tràn ngập không gian, rót vào mảnh tâm cô quạnh những dảy sóng vàng óng ánh. 
Ngủ đi em, bỏ mộng vô thường
ai đem hương gió đi về nơi nao
áo xưa màu sắc tàn phai
trong ta, ngày tháng, vẫn đầy tử sinh
thiên thu thức giấc niệm kinh
chân tâm vẫn bước, nguyên trinh buổi đầu
tóc bay mây khói ngàn sau
phù du cảm niệm, cánh hoa vô cùng … 
Đẹp quá, mộng có bao giờ không đẹp, như núi đồi vuơn mình trong không gian, mây ngủ trên cao, cánh chim tung cánh, để rơi lại những tiếng ca lời múa, như rừng cây đem sinh khí vào đời, như mảnh đất phì nhiêu lời tình tự, vì con người và cho con người. Bước chân của con người sống nội tâm, nhìn thấy hơi thở, nghe hơi thở vẫn tràn lan, khắp cùng, vô tận. Nhìn thấy từng sợi tâm lăn tăn, vi vu lời nói câm lặng. Nhìn thấy đời,, lắng yên, cô đơn trên đỉnh rêu phong, bắt mây ngàn nằm yên trên bầu trời, trong lòng bàn tay mở rộng, để cấu thành hiện hữu, sinh diệt.
“Sắc có khác gì không, không có khác gì sắc” như lời Tâm Kinh Bát Nhã vẫn từng thuộc lòng, trong bao nhiêu năm tháng, nhưng vẫn chưa bao giờ nắm bắt, thể nhập và sống trọn vẹn. 
Ta thấy ta từng hạt bụi
Vi vu đời ru mộng mị ngàn xưa
ở nơi nầy, đêm ngày thức
gói thời gian gửi gió cát bay xa
một chút mộng mơ dịu nở
khép vai oằn những cánh hạc trời mây
Quan Âm đó, lời thơ đẹp
mở tâm tình, chào đón một ngày tươi.... 
          Có phải vì gió, vì mơ, vì cánh cửa sổ vô tình mời gọi, đón trăng. Những thoáng qua trong cuộc hiện hữu vẫn là câu hỏi triền miên trong góc đời sống. Những lạ lùng, thơ thẩn, lan man như những cơn gió trôi bồng bềnh trên bầu trời mênh mang, đưa sinh mạng về đâu? Có phải ta đã bắt chụp, ước muốn cho mây dừng lại, để chiếm hữu, giành giật với bầu trời. Có phải đó chỉ là những mảng bé nhỏ của hư không ngủ trong lòng bàn tay, trong ánh mắt trừng trừng nhìn sâu vào số phận con người, như đôi mắt của Tổ Bodhidharma nhìn sâu vào vùng nguồn căn của nội tâm, thấy được tất cả bản chất các uẩn, các duyên, các trần để im lặng, lắng vang rền lời vô ngôn.
Chín năm trôi qua ư, nơi diện bích, tìm sinh lộ cho con người tìm cầu, bẻ rời huyễn vọng. Khổ đau từ đâu đến, đi về đâu? Đem tâm ra để an tâm, tìm tâm nơi đâu?
Trên vách đá của tâm hồn, dù trái tim vẫn đập, dù dòng máu vẫn luân lưu tuôn chảy, từ tim đi ra, trở về, để nuôi dưỡng cơ thể, nhưng bên cạnh đó, suối nguồn của Chân tánh vẫn rì rào lời tâm sự, khắc ghi, vô tự.. 
Ta mở đường xưa tìm về lối cũ
ánh trăng non ngủ lặng giấc vô thường
dòng sống vẫn buông lơi tình vấn đáp
cuộc trăm năm khoác chiếc áo nhu hoà
trở về đâu, đôi dép quai mòn hai lối
cửa tử sanh rộn rả một trận cười 
          Đã bao lần với những sóng g của cuộc đời, mỗi người đều quán chiếu lại mình, để tìm hướng đi, vì cuộc đời là sự ra đi để trở về với dòng sông tự tình, muôn lời muốn nói. Trở về với bốn đại, trở về với hơi thở, về với chính mình. Khi con người ý thức, có nhận thức về lẽ sống, thì bắt đầu đặt ván đề cho chính cuộc sống. Tuổi trẻ có hướng đi của tuổi trẻ, người trung niên có hướng đi riêng và người lớn tuổi vẫn hoài mang một hướng đi. Ai là người không có hướng đi, dù là hướng đi để chỉ là hướng đi, như biểu lộ của cái tâm ngàn lối suy tư, chưa thuần nhất, nhưng tất cả vẫn tuôn chảy đổ ra biển cả.
một vóc đất, em ơi
hỏi chi thời gian xưa cũ
một cuộc đời, có mặt
hỏi gió bụi về đâu
người đi trên sóng nước
nào chối bỏ trần gian
tâm trùng trùng hoang vắng
sải cánh nụ sen hồng
tay gom trời bé bỏng
mặt nhật vừa hồi sinh.. 
          Nơi sông Hằng gió cát, dòng sông, tử sinh, vô thường, hoà lẫn, đáp lời nhau mênh mang là nghiệp lực kêu gào, bao la là nguyện lực ẩn chứa, cũng đã từng có bước chân của một con người vì tấm lòng với tất cả muôn loài. Hướng đi đó, bước chân đó, bình an, tự tại, đã tràn lan, tuôn tràn biết bao nhiêu là suối nguồn ân ích, như cơn mưa đổ xuống, không phân biệt, làm tươi mát tâm, chấm dứt khổ đau, vuợt thoát qua bể khổ, mà mỗi người cần cầu, tìm đến, học hạnh, áp dụng vào đời sống để chuyển hoá cho chính mình.
          Coi lại tâm mình trước bao biến động, cầm, ngắm, xăm soi, và thầm hỏi..
hỏi tâm mấy thưở về đâu
hỏi ta vào lúc canh thâu, đếm trời
hỏi đời bao tuổi còn thơ
hỏi lòng có thấy mây trời bao la
hỏi vào những lúc tịch liêu
hỏi em đỉnh núi, Lăng già soi tâm …. 
          Nhớ lúc trước, khi tâm chưa xác định hướng đời, chân bước khờ khạo, vô tư, và được sự giới thiệu của người Bác, tôi đến ghi danh để học nhạc với Thầy Đổ Lễ, người nhạc sĩ nổi tiếng với bản nhạc thời thượng “Sang ngang”. Ngày đầu tiên đến học, lớp mở nơi tầng hai của chung cư … mang theo cây đàn, sách nhạc … cho ra vẻ sành điệu, thích văn nghệ văn gừng. Vừa bước vào cửa, người Thầy nhìn chăm chú vào tôi, làm cảm thấy ngại ngùng và được nghe lời nói rằng “Có lẽ anh không có khiếu học nhạc”. Dạ, sao Thầy nói vậy?. Ông chỉ mỉm cười.
          Tôi bị ám ảnh câu nói đó, tức lắm, sùng dễ sợ luôn, nhưng cũng ráng học, dù khi chơi đàn, tiếng đàn khảy lên, cố gắng lắm, vậy mà cũng làm cho ai nấy đều bịt hai tai lại, có lẽ vì làm chói tai, nên tôi cũng có nản lòng, nhưng rồi tự an ủi, vui vui, vì mỗi lần chơi đàn, thì cũng làm cho mọi người chung quanh đuợc dịp cười.. Đó cũng là điều rất khó làm. 
những nốt nhạc đồ rê la mi sí
ta tìm em từ thuở khóc chào đời
gương mặt sáng phù sa óng ánh nuớc
buổi chiều về, nắng rọi mát bờ môi
như dòng chảy của tâm tình cuộc sống
tiếng đồ mi vang vọng cả trời mây
là bước chân đời trên khắp lối
là tâm tư trỉu nặng buổi hoàng hôn
là lặng ngắm tia nắng vàng rọi chiếu
là chân đi mang hơi thở thơm lừng
là những lúc mở tâm tìm lối cũ
là đường về, khoát áo mộng năm xưa ...
          Dù sao, cũng phải tiếp tục học với mơ ước đàn được một bản nhạc cho ra hồn, hoặc có thể soạn được bài nhạc làm oai, nhưng nhạc lý vẫn không rành, tiếng đàn buông vẫn chậm chạp bước chân. Thôi thế là hết, mộng văn nghệ tưởng chừng tiêu tan, chỉ có may mắn là còn biết thưởng thức nhạc. Ai người sáng tác nhạc mà có người thưởng thức, không phải là hạnh phúc lắm sao?
          Bản nhạc mà Ông viết “Sang ngang” để đời, dành cho cuộc tình đổ vỡ, chia lìa, sướt mướt khóc than, vắt nhiều khăn tay nước mắt. Tôi thì may mắn gặp được đạo Phật, với lời Kinh nhạc, tôi cũng tập tành sáng tác bản nhạc “Sang ngang” cho chính đời mình, vào mỗi ngày trong cuộc sống...
Tuổi trẻ cũng đầy vụn dại, bồng bột, hoang phí đời mình cho những bung xung của cuộc sống và khi gặp bao cảnh nhiễu nhương, thất vọng, phiền não xẩy đến, làm mang tâm bi lụy, khổ đau. Phải đối diện để giải quyết, vì tất cả những gì hiện hữu, tác động đến con người, cũng là những phạm trù của tâm, của nghiệp lực. Tôi đã được hướng dẫn để trở về nương tựa với chính mình, để sang ngang, tập tành bỏ rơi những vọng niệm, bỏ bớt tham chấp, bỏ bớt ưu phiền.. 
"Bậc trí bảo vệ thân,
Bảo vệ luôn lời nói
Bảo vệ cả tâm tư,
Ba nghiệp khéo bảo vệ."
                        Pháp Cú 280 
         Khi nhìn lại đời mình, với những rong rêu của năm tháng, những vẩn đục của nội tâm, những mốc meo của dòng tư tưởng, và những lăn tăn của khổ đau.. tự bỗng điều chỉnh, hoà điệu cùng cuộc sống, nhịp nhàng, thanh thản, qua giọt nước từ bi của đạo Phật tẩm tưới trong tâm, vào đời, bằng sự tu tập chuyển hoá.
         Đạo Phật quả là kỳ lạ, không dạy con người cần cầu những điều không tưởng, siêu hình, không đề cập đến con đường trở thành tín đồ hay qui phục, lệ thuộc Thần linh ... nhưng lại, chú trọng đến nhân bản, đặt con người vào địa vị tối thắng, có quyền quyết định cho chính dòng sinh mệnh của mình, tự chọn lựa khổ đau hay hạnh phúc, vì không ai có quyền quyết định thế dùm được.
         Đó cũng là con đường đầy cam go, khúc khuỷu, nhưng cũng biểu lộ hết nội lực của chính con người, vì trong mỗi con người đều tiềm ẩn đức Tánh Từ Bi và Trí Tuệ, đức tánh của vị Phật sẽ thành, cần được khai phá và phát triển. 
“Tất cả hành vô thường
tất cả hành khổ đau
tất cả pháp vô ngã
với Tuệ quán thấy vậy
đau khổ được nhàm chán
chứng đạo thánh nhân dạy”
              Pháp Cú 277 đến 279 
         Khổ đau là một bài học, ngay cả hạnh phúc, thất bại hay thành công, vinh hoặc nhục ...cũng vẫn là bài học của cuộc đời, để trưởng thành tâm thức....do đem Tuệ quán thấy rõ là vô thường, vô ngã, để nhận chân đuợc con đường chân thật.
        Không phải là chúng ta có những vị Thầy hướng dẫn; đó là những con người xuất gia, mang lý tưởng giải thoát, hy sinh cuộc đời vì lợi sinh, vì sự an lạc của con người như: “Người xuất gia khi cất bước đi là muốn vượt lên phương trời cao rộng, tâm tánh và hình dung khác hẳn thế tục, tiếp nối dòng giống Phật pháp, nhiếp phục ma quân, để đền đáp bốn ân cùng cứu giúp 3 cõi” (Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân,dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu ).
         Nhưng, chúng ta là con người với đời sống trần tục, còn nhiều đắm nhiễm say mê, nhiều tham vọng để sống cuộc đời đáng sống, làm lợi cho mình và người. Những trăn trở, suy tư đó cũng xuất phát từ tâm cần cầu hướng thượng, đem lý tưởng muốn trở thành hiện thực, vào đời.
        Có phải là chúng ta cũng từng mơ ôm cả trời xanh, mộng đẹp, vươn mình lên cao qua tư tuởng của Thi sĩ Nguyễn Công Trứ:
“ Chí làm trai Đông Bắc Nam Tây
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể..”
hoặc giả:
“ chí những toan xẻ núi lấp sông
Làm nên tiếng anh hùng đâu đấy tỏ..” 
         Tình yêu và lý tưởng là những hy sinh, là hướng tới, là cho đi, là những gì đẹp nhất của cuộc đời con người, dù bất cứ ai, ở nơi đâu, đang hiện hữu trên thế gian nầy. Chúng ta, dù nam hay nữ, dù tuổi tác ra sao, vì mang thân phận con người, đồng cảm với niềm đau, nổi khổ, hạnh phúc, phù du và ý thức với trái tim nóng hổi, đầy tình tự yêu thương, nên tự trong tâm vẫn thường ao ước đem sức lực, trí thức, tri thức, kiến thức, học vấn, tâm tư hoặc những gì có thể, để đóng góp, chia sẻ cho con người và tình người. Nhưng, với cung bậc thâm trầm của tâm, của tình yêu, lý tưởng ...nếu không được trui rèn, sàng lọc qua lăng kính của Từ bi và Tuệ giác, của Khổ Không Vô thường, Vô Ngã để loại bỏ những chấp trước, những vị kỷ, ái ngã v.v..., để đưa tất cả tạp niệm còn chen lẩn, tồn đọng, ẩn tàng trong dòng tâm thức trở về Chân Tánh, thì chúng ta sẽ làm cho tình yêu và lý tưởng đó trở thành tác hại xấu cho chính mình và người, qua những mộng mị thường tình, ảo tưởng, vốn là những gì vẫn thường tại trong tâm còn đầy vọng tưởng điên đảo.
         Vốn sống, kinh nghiệm, tư lương có được do va chạm, sống thực, trực tâm trong cuộc đời thực chính là các nội kết, phiền não, bùn nhơ ....có thể làm cho tâm chúng ta chai sạn, vô tình, hờ hững v.v.. nhưng nếu khi được chuyển hoá, đó cũng chính là chất xúc tác mầu mỡ, đất phù sa để giúp cho con người Nhân bản xuất hiện trong ta. Không có phiền não, khổ đau, bất hạnh... thì con đường của hạnh phúc sẽ không có...
         Đạo Phật có đầy đủ những các Pháp, các phương dược cung ứng cho con người để chuyển hoá, điều trị những tâm bệnh, khổ đau, bất hạnh, các nội kết từng tác hại tâm, để cho tình yêu và lý tưởng trở thành trong sáng, đẹp vi diệu..Tuy nhiên, những phương pháp chuyển hoá tâm dù lớn hay nhỏ, vẫn tùy theo căn cơ tương ứng, thích hợp, và người trì giữ, hành giả cần có thời gian gieo trồng, kiên trì, tu tập, trưởng nở.
         Chúng ta bắt gặp một đạo Phật đi vào đời trước và vì những đau khổ của con người đang đối diện với biết bao nhiêu biến động xẩy ra, tăng áp áp lực đến thân tâm của của mọi người, gây khủng hoảng, mất niềm tin vào cuộc sống, đánh mất hướng đi... để đưa bàn tay độ lượng cứu giúp và đó cũng là tâm nguyện của người con Phật học hành lành đi vào đời, mong đem chút năng lực, đôi vai, tâm tình ... chia sẻ cùng mọi người.
         Đạo phật của tôi là đạo Phật của cuộc sống, sống thực trong lãng mạn để cho chính tôi tồn tại trong năm uẩn vốn không, với các pháp vốn duyên sinh hay diệt, biểu hiện tự tâm...và để giảm thiểu khổ đau.
         Con đường đi đó quả thật là cô đơn, đơn trình trên con lộ dẫn đến bờ bên kia. Chúng ta cũng đã từng lang thang qua bao nhiêu cảnh giới, thay hình đổi dạng, từng bị bất hạnh, đau khổ, hạnh phúc, vui cười, khóc lóc, bứt tóc bứt tai, than thân trách phận, cười ra nước mắt, khóc không thành lời ... với những cảm xúc, cảm thọ, với hành, với thức, và chính chúng ta, vẫn là người cô đơn trên cuộc hành trình nầy.
         Cô đơn là tiến trình tâm linh lớn, nhận thức đúng thân phận con người với dòng sinh mệnh chính thực, vì đó là con người trưởng thành tâm linh, sống thực.
         Có người sợ nói đến cô đơn, nói đến đơn độc, lẽ loi và đi tìm ẩn núp trong những sự bảo bọc, che chở... với bất cứ hình thức nào, vì cảm thấy được an ổn, được chia sẻ, ấm áp. Vâng, theo thiển nghĩ của cá nhân và được chỉ dạy, thì tất cả đều cũng chỉ là “phương tiện thiện xảo” để cho người hành giả có được tư lương, vững bước chân đi của chính mình. Con đường có thể đồng hành, đi với, song hành ...nhưng, mỗi bước chân đi, dẫm đạp trên đại địa của tâm, trên Hữu, vào Không, vào Ba cửa giải thoát..vẫn là con đường đi cô đơn của mỗi người.
         Trong SlideShow” Mẹ, lời nói của trái tim”, cảm nhận được chân đi của mỗi người, đơn độc, cô đơn...tôi đã viết vài lời tâm sự, sẻ chia.. 
Nói nói nói
vạn lần Mẹ nói
nghe nghe nghe
ngàn tiếng đã nghe
nhưng Mẹ ơi, lời nói và lắng nghe
không nói đủ hết nhiệm mầu thực tại
đường không phẳng, dấu chân non dẫm bước
áo bạc màu, trải nắng lẫn dầm mưa
sợi chỉ may lòng nhẫn, lòng từ
con trải nghiệm trên bước đường sương gió
có những lúc, bước chân trân đầu sóng
nước mắt rơi, con gục ngã bên đời
văng vẳng lại, bản tình ca lòng Mẹ
bài nhẫn từ, con vừa thuộc Mẹ ơi..” 
          Bài học cuộc đời không phải chỉ bởi được nghe, được nói, được bảo bọc, che chở, gần gũi, thân cận ... nhưng còn bẳng sự trải nghiệm cô đơn của mỗi người, bằng nổ lực, tinh tấn, chuyển hoá do Tuệ giác trưởng nở, soi sáng.
Không ai phủ nhận các ích lợi của sự thân cận, hay những lời dạy trí tuệ, thân thương của Thầy. Không ai nói là không cần Tăng thân, bạn đồng hành, môi trường tu tập v.v...nhưng, điều đó vẫn chưa phải là điều kiện đầy đủ, nếu thiếu sự tinh tấn, nổ lực tu tập, hành trì, miên mật của chính mỗi người, vì tâm người nào bị vẩn động, đóng kín, thì chính người đó phải mở, thay đổi nhiệt độ, đưa các phiền não, vọng niệm vào biển cả đại dương, vào Vô dư Niết bàn. Vì mỗi người đều có vị Phật riêng của mình do nghiệp lực, uế trược, não phiền khác nhau của mỗi người và vị Thầy vẫn luôn muốn buông tay để cho người đệ tử tự bước chân đi với bước chân an lạc, thanh tịnh của chính mình.
Trong Kinh Hải Đảo Tự Thân (kinh 639 Tạp A Hàm) là một trong những kinh rất quan trọng được Đức Phật dặn dò khoảng một tháng trước khi Ngài nhập Niết bàn và Ngài đã ân cần dạy rằng: “Này quí vị! Chính tôi chẳng bao lâu nữa cũng sẽ ra đi, vì vậy quí vị phải thực tập làm hải đảo nương tựa cho chính quí vị, hãy biết nương tựa nơi chính mình mà đừng nương tựa vào một kẻ nào khác, phải thực tập nương tựa vào hải đảo chánh pháp mà đừng nương tựa vào một hải đảo nào khác hay một ai khác”.
Thưa bạn! Nơi ở của gia đình tôi vào bảy năm về trước ở miền Bắc Lousiana đã thay đổi nhiều. Về đây, chạy xe trên những con đường quen cũ, thấy những nhà hàng, nhà banks, nhà ở... đóng cửa rất nhiều. Con đường hoang vắng, buồn hiu, hiễn lộ trên gương mặt mọi người thiếu niềm vui, lạc lõng, lo lắng trước tương lai bất định trước mắt do nền kinh tế trì trệ, công ăn việc làm bị mất và bao nhiêu là gánh nặng khác tinh thần, vật chất dồn dập đến.
Trời nắng gay gắt, khí hậu thay đổi, làm đẫm ướt mồ hôi. Nhìn trước kiếng xe, ánh nắng chiếu rọi, những tia nắng nhảy múa, vui đùa cùng điệu nhạc thiên nhiên, cười mỉm..
Bầu trời vẫn trong xanh, vài đám mây mỏng vẫn buông mình theo gió và cuộc đời vẫn tuần tự trôi qua, đêm ngày, sáng tối. Người lữ hành trong cuộc đời, trên bước đường đi, giữa sa mạc nóng bỏng, thổi lửa, đem biết bao nhiêu phiền não, âu sầu đến cho từng người. Trên thân phận con người, may mắn cho chúng ta bắt gặp được đạo Phật, tìm được những phương thuốc đáp ứng cho nhu cầu tâm linh trước những xáo trộn, khuấy động tâm tư của mỗi người.
Chúng ta cô đơn trên bước đường đi, để trở về nơi chốn cũ, có hương thơm ngạt ngào, êm dịu của lòng từ, lòng bi, tuệ giác và bát ngát tấm lòng thương yêu của đức Phật để đem áp dụng vào đời, chuyển tâm, làm giảm thiểu khổ và đem lại hạnh phúc nhở nhoi nào đó, cho mình và người. Tình yêu và lý tưởng phải chăng đã được chấp cánh, nhân lên và đồng hành, chia sẻ... sau những nổ lực, tinh chuyên, thanh tịnh tâm, để là dòng nước thanh luơng tươi mát, tưới tẩm tâm hồn khô cạn, bất hạnh.
Trong cơn nắng nóng, giữa ngày sáng... ánh trăng vẫn còn đó mà, rõ ràng, vẫn chiếu soi đường đi, vẫn hiện diện trong trong từng thờ thịt, trong tâm của mỗi người, nếu chúng ta biết quay về với Tánh Giác của mình.
Tôi chợt nhớ lời nói của Tổng Thống Abraham Lincoln: “ Và cuối cùng, không phải đếm kể bao nhiêu năm ta sống. Chính là ta đã sống như thế nào và ra sao trong những năm tháng đó" ( And in the end, it's not the years in your life that count. It's the life in your years ).
Và cuối cùng, thì tôi cũng đã trang trải được tấm lòng của con người cô đơn- người con của của đức Phật, đem tình yêu và lý tưởng mong làm gì đó cho chính mình và người. Xin được đem tấm lòng, suy tư, tình yêu và lý tưởng nầy với lòng chân thành, mộc mạc, bình dị … kính dâng tặng và chia sẻ đến tất cả mọi người, dù bạn có đồng ý hay không, cũng mong rằng ánh trăng của mỗi người vẫn hằng chiếu sáng rực rỡ trong tâm dù có trải qua những sóng gió của cuộc đời, và phải chăng đó là niềm An vui và Hạnh phúc mà mọi người, ai nấy đều mong đạt được trong kiếp nhân sinh

Cư  sĩ Liên Hoa

.