Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

Nhạc - Thơ - Văn Bia đắng Hà Tiên

Hà Tiên mến yêu 

  Hà Tiên-Kiên Giang

Hà Tiên (Kiên Giang) được hình thành cách đây trên 300 năm mà tên tuổi của nó được gắn liền với dòng họ Mạc (Mạc Cửu). Hà Tiên, nơi hội tụ những danh lam thắng cảnh hoang sơ đầy quyến rũ. Đi từ Rạch Giá xuống Hà Tiên, du khách đi qua hàng chục cảnh đẹp. Một vùng biển, núi tuyệt vời giữa chốn địa đầu biên giới Tây Nam với hơn 8.000 ha phố biển và 20 cây số bãi bờ thơ mộng. Hà Tiên có đủ sông, núi, biển, đảo, hang động, đồng bằng, mang đậm dấu ấn văn hóa lịch sử.                         
Từ trung tâm Hà Tiên chạy quanh co chân núi Đèn có bờ biển, nối đến tận Khu du lịch Mũi Nai. Đi trên con đường này chẳng khác nào đi qua khúc eo Mũi Né của miền Nam Trung bộ. Trên đỉnh núi có ngọn hải đăng hơn trăm tuổi vẫn đỏ đèn hằng đêm dẫn đường cho tàu về bến. Bãi tắm Mũi Nai không sâu, cát mịn, nâu, nước biển trong xanh, rất sạch và sóng êm, đã được quy hoạch thật sạch đẹp. Từ Mũi Nai ra xa bờ chừng vài trăm mét có rất nhiều đảo nhỏ, đảo lớn của quần đảo Bình Trị và Hải Tặc. Hai quần đảo này cũng là nơi du lịch rất lí tưởng. Từ ngoài biển nhìn vào mũi đất giống hệt cái đầu một con nai chà nằm nghểnh ra biển.
Nằm sát quốc lộ, cách trung tâm Hà Tiên theo hướng tây bắc khoảng 3 km, một tảng đá xanh khổng lồ mọc trơ trọi giữa cánh đồng lúa xã Mỹ Đức, trông tựa hình ảnh của một chiếc mũ lông kị binh, đó chính là Thạch Động (Thạch Động Thôn Vân). Sáng tinh mơ, những tảng mây trắng xốp nhẹ như bông là là bay qua đỉnh động rồi từ từ tỏa quanh cửa động gây ấn tượng như miệng động đang nuốt mây. Hang khá rộng, những giọt nước mưa theo tháng năm xâm thực đá, len lách chảy xuống hang hòa tan với chất vôi tạo những thạch nhũ độc đáo, trong như ngọc, vài hang có loại đá sa kim óng ánh vàng. Thạch nhũ trong lòng hang tạo ra muôn hình vạn trạng theo trí tưởng tượng của mọi người: công chúa Quỳnh Nga mặc áo dài xanh, Phật Bà Quan Âm mặc áo trắng, con đại bàng…Từ cửa hang thông ra ngoài của Thạch Động có thể nhìn thấy cửa khẩu biên giới Việt Nam – Campuchia. Trong động có nhiều hang ăn thông lên trời hoặc ăn sâu xuống lòng đất được truyền tụng là đường xuống âm phủ. Nay hang được lấp để tránh tai nạn. Các tảng đá nứt chồng lên nhau, tưởng một ngọn gió có thể làm đổ được nhưng ngàn năm nay Thạch Động vẫn trơ gan cùng gió bão
Chùa Hang (Hải Sơn Tự) nằm hẳn trong một núi đá thâm u, mờ ảo, sâu trong ngọn cao chót vót, vách dựng đứng, sừng sững như một hải vọng đài, chân núi sát biển quanh năm được sóng vỗ về. Trước sân chùa hang thờ Phật Di Lặc được tạc bằng đá Non Nước nặng 22 tấn. Có nhiều cây cổ thụ đứng ở lưng chừng núi, rủ xuống không gian những chùm rễ dài lơ lửng. Cửa chùa quay vào trong đất liền, trong ánh sáng lờ mờ, những thạch nhũ chảy từ trên trần xuống đóng cứng lại to như cột nhà, khi gõ vào ngân lên như tiếng chuông.
Chính điện Chùa Hang nằm gọn trong lòng núi với một động đá vôi hai cửa chạy thẳng theo trục đông bắc-tây nam dài hơn 50 mét, từ chính điện có đường hang thông ra bờ biển, chỗ hẹp nhất cũng vừa khoảng 3-4 người đi. Đi hơn 10 phút theo lòng hang ngoằn nghèo trong ruột núi, “nghe” những ngọn gió từ biển thổi vào mát rượi. Hằng năm, Chùa Hang tổ chức lễ hội kéo dài từ mùng 8 đến 15 tháng 4 âm lịch. Tương truyền: Công chúa Ngọc Tuyền, em gái chúa Nguyễn Ánh đã mất tại đây. Để tưởng nhớ em mình, Nguyễn Ánh cho xây chùa trong hang núi để thờ phụng nên gọi là chùa Hang. Hàng vạn năm trước, núi Chùa Hang nằm dưới mực nước biển.
Từ Chùa Hang, có thể ra thăm Hòn Phụ Tử bằng tàu du lịch. Hòn Phụ Tử là hai trụ đá cao nghiêng nghiêng cùng một chiều tượng trưng cho hình hai cha con quấn quýt bên nhau. Hòn lớn cao chừng 33,6 mét và khối đá nhỏ hơn chừng 32,9 mét. Sự kiện Hòn Phụ bị đổ ngày 9-8-2006 đã làm biến đổi một trong những thắng cảnh quốc gia nổi tiếng và là biểu tượng của du lịch Kiên Giang. Hai bên Hòn Phụ Tử là hai đảo có hình dáng giống như con thỏ quỳ giỡn sóng biển.
Hà Tiên có nhiều bãi biển cát trắng mịn màng nằm giữa hai màu xanh, nước biển và hàng cây hai bên rì rầm trong gió. Các bãi Bãi Nô, Bãi Dương, Bãi Dầu, Bãi Bằng… không có đá ngầm. Cách thị xã Hà Tiên 10 km, một điểm nghỉ mát thuận lợi với hai bãi cát rất đẹp là bãi Hòn Heo và bãi Ớt. Ở đây cát vàng mịn, mặt nước trong xanh, cảnh vật yên tĩnh, dãy núi bãi Ớt nhô hẳn ra ngoài khơi tạo thành bức bình phong khổng lồ, sóng yên gió lặng.
Kết quả hình ảnh cho hòn phụ tử hà tiên
                           Hòn Phụ Tử
Cảnh đẹp Đông Hồ nằm về phía đông thị xã Hà Tiên dài khoảng 3 km, rộng gần 2 km. Phía hữu ngạn có núi Ngũ Hổ, phía tả ngạn là dãy núi Tô Châu sừng sững, phía đông có sông Giang Thành và phía tây có sông Hà Tiên. Một hồ nước phẳng lặng giữa bốn bề sông núi, tạo ra vẻ đẹp tự nhiên, thơ mộng. Đông Hồ với nét hùng vĩ và vẻ đẹp hữu tình của một vùng sinh thái đặc thù mà UNESCO đã đề nghị đưa vào khu dự trữ sinh quyển thế giới. Hà Tiên có nhiều lăng tẩm, tiêu biểu Lăng mộ Mạc Cửu được đặt đúng theo thuật phong thổ, tiền án là núi Tô Châu, hậu chẩm là núi Bình Sơn, trước lăng có dòng lưu thủy đó là Đông Hồ, phía tả là núi Bát Giác, phía hữu là núi Pháo Đài có tên chữ là Đại Kim Dự. Mặt lăng mộ quay về hướng đông, lưng tựa núi hai bên có thế tì. Khu mộ rất kiên cố nên dù đã gần 300 năm nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc ban đầu, các bia mộ bằng đá vẫn còn nguyên vẹn. Từ xa xưa, Hà Tiên đã là một bức tranh lụa thiên nhiên, là nơi hội tụ của các nàng tiên trong truyền thuyết. Ngày nay, trong xu thế phát triển du lịch toàn cầu và chương trình nâng cấp các khu du lịch, Hà Tiên-Kiên Lương sẽ trở thành những khu nghỉ mát lí tưởng, vùng du lịch sinh thái biển “đệ nhất miền Tây”.
Phương Nghi ( Người Cao Tuổi)
 

Thương Về Hà Tiên

Chùa Phù Dung & Câu chuyện tình buồn
Chùa Phù Dung còn được gọi là chùa Phù Cừ, tọalạc nơi chân núi Bình San, thị xã Hà Tiên là một ngôi cổ tự danh tiếng, là một trọng điểm “hành hương và du lịch” của tỉnh Kiên Giang, Việt Nam.
I. Giới thiệu:
Chùa Phù Dung do Tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tứ (1706-1780) sai dựng vào khoảng cuối thế kỷ 18 cho nàng thứ cơ tên Phù Cừ (1720-1761) làm nơi tu hành.
Tương truyền thứ cơ Phù Cừ tên thật là Nguyễn Thị Xuân, thứ nữ của một di thần nhà Lê tên Nguyễn Đình, Khi nhà Mạc lên thay nhà Lê, ông cùng hai con vào cư ngụ tại Hà Tiên. Con trai tên Nguyễn Đính, giỏi kiếm thuật, ra giúp họ Mạc; còn em gái, giỏi thơ văn, gá nghĩa cùng Mạc Thiên Tứ, sau cuộc gặp gỡ tại tao đàn Chiêu Anh Các. Như vậy, có thể nói chùa Phù Dung phải được xây dựng trước khi Phù Cừ mất, tức năm 1761.
Sách Đại Nam nhất thống chí, về Hà Tiên, mục Tự quán có chép:
Chùa Phù Cừ, ở chân núi Phù Cừ, xã Mỹ Đức, huyện Hà Châu (huyện lỵ, tỉnh Hà Tiên). Chùa này do Mạc Thiên Tích lập ra khi trước. Trước sân đào ao, trên núi dựng chùa. Án tuệ nghiêm trang, cửa thiền tịch mịch, là một nơi danh thắng. Thi sĩ Đông Hồ, sinh trưởng ở làng Mỹ Đức (Hà Tiên) vào năm 1960, đã cho biết:
Từ chợ Hà Tiên, theo đường cái quan đi Thạch động, độ nửa cây số ngàn, ngó về bên trái, có một ngôi am tự cheo leo trên sườn đồi. Cạnh am tự, cũng ở trên sườn núi về hướng nam, có một ngôi mộ cổ, mặt đá rêu phong. Trước mộ, liền chỗ chân núi, có một ao nước ngọt, trong ao có trồng giống hoa sen trắng... (trích Đề tự trong sách Nàng Ái Cơ trong chậu úp của nữ sĩ Mộng Tuyết, Nxb Văn hóa, 1996)
Căn cứ vào tên gọi “am tự”, rất có thể khi khởi đầu, tự viện này chỉ là một am tu nhỏ.
Trải qua bao biến đổi, giờ đây trên nền đất cao ráo nơi chân núi Bình san, là một tự viện khá khang trang gồm một phần sân và hai phần thờ cách biệt.
Phần sân có một đài cao. Trên đài là một pho tượng Phật Quan Thế Âm cao lớn bằng xi măng, tô trắng. Kế đến là ngôi Chánh điện rộng được bài trí trang nghiêm. Chính giữa là tượng Thích-ca Mâu-ni, 2 bên là 2 đại đệ tử A-nan và Ca-diếp. Ở đây còn có 4 bức phù điêu lớn (mỗi tấm cao 1,3m, ngang 2,3m) minh họa 4 cảnh trong cuộc đời đức Phật Thích-ca Mâu-ni: đản sanh, xuất gia, thuyết pháp và nhập niết-bàn.
Sau lưng ngôi Chánh điện là một khoảng sân nhỏ, sau nữa là một toà điện cao có tên gọi Ngọc Hoàng bửu điện, thờ Ngọc Hoàng Thượng đế cùng hai vị Nam Tào và Bắc Đẩu.
Một phần do thời gian tàn phá, một phần do ở nơi biên cảnh thường gặp nhiều bất ổn, nên chùa đã phải trùng tu nhiều lần.
Đặc biệt, đứng ngoài nhìn vào, phía bên trái tự viện có một lối đi nhỏ men theo triền núi. Đi khoảng 20m, sẽ gặp một ngôi mộ cổ. Bên cạnh mộ, có một tấm bia đá khắc mấy dòng chữ Việt, giải thích gọn tên tuổi của người đã khuất: “Lăng bà Phù Dung - Từ Thành Thục Nhơn - Nguyễn Thị Xuân (1720-1761) - Viên tịch rằm tháng 2 Âl - Hiệu Phù Cừ'”.
II.Sự tích bà Dì Tự:
Chùa Phù Dung gắn liền với sự tích của người nằm trong ngôi mộ cổ vừa kể. Đó là bà Phù Dung, mà sau này người đời còn đặt cho một cái tên khác nữa, là bà Dì Tự (thi sĩ Đông Hồ giải thích: Bà dì có nghĩa bà thứ. “bà Dì ở Am Tự”, nói gọn là “bà Dì Tự”), vị sư nữ đầu tiên trụ trì ở chùa.
Tuy lời thuật của mỗi người có ít nhiều khác biệt, nhưng cốt truyện vẫn khá giống nhau.
Thi sĩ Đông Hồ kể:
Cảnh am tự này, ngôi mộ cổ này, ao sen này có một sự tích khá lâm ly…
Truyền rằng: Mạc Lịnh Công (người kể chuyện kiêng húy, không dám gọi tên Mạc Thiên Tứ, nên gọi là Mạc Lịnh Công, Mạc Công hoặc chỉ là Công) có một bà thứ cơ tên là bà Dì Tự. Thứ cơ sắc đẹp lắm và hay chữ lắm.
Mạc Lịnh Công, vì mê sắc đẹp, yêu tài thơ, đã từ chỗ sủng ái mà ra thiên ái. Hóa cho nên, khiến bà chính thất Nguyễn phu nhân ghen giận, lập mưu hãm hại bà thứ cơ.
Một hôm, nhân Mạc Lịnh Công đi duyệt binh vắng, ở nhà, Nguyễn phu nhân (tức Thái phu nhân Nguyễn Hiếu Túc (? - ?). Hiện mộ phần của bà ở trong khu mộ dòng họ Mạc tại lưng chừng núi Bình San, Hà Tiên) đem nhốt thứ cơ vào lòng một cái chậu úp, cho ngột mà chết. Nhưng thừa lưa (có nghĩa tình cơ, bất thình lình), vừa lúc đó, trời bỗng đổ trận mưa to. Mạc Công cũng vừa về đến, thấy trời đang mưa, mà lạ, sao chậu to không ngửa lên hứng nước mà lại để úp. Công bèn truyền lịnh giở chậu ra, thì nàng ái cơ đang thi thóp sắp đứt hơi, nhưng may mắn thay, hãy còn cứu kịp.
Nàng thứ cơ thoát chết, trở nên chán chường sự thế, xin Mạc Công cho nàng đi tu. Trước sự tình éo le đó, Mạc Công không biết làm sao khác, cũng đành chiều ý, cất một ngôi am tự cho thứ cơ tu hành.
Bên am tự, cho đào ao, trồng hoa sen trắng, để kỷ niệm mối tình xưa. Cho đến khi thứ cơ mất, Công cho xây ngôi mộ kiên cố đẹp đẽ để tỏ lòng tưởng nhớ yêu thương người giai nhân đã vì Công mà oan khổ...”
Trung thu năm Mậu Tuất (1958), nữ sĩ Mộng Tuyết (vợ Đông Hồ) vì cảm nỗi éo le của kiếp chồng chung vừa kể, đã viết nên quyển Nàng Ái Cơ trong chậu úp (Hà Tiên ngoại ký sự tiểu thuyết).
Năm 1959, nhà thơ kiêm soạn giả Kiên Giang đã viết vở cải lương “Áo cưới trước cổng chùa” cũng phỏng theo sự tích bà Phù Dung.
Ngoài ra, câu chuyện tình chóng xa lìa này, khi xưa cũng như hôm nay, vẫn còn là nguồn cảm hứng cho thơ:

Ngó lên Am tự Phù Cừ
Thương cho người ngọc giã từ lầu son
Về đây nương chốn thiền môn
Tay lần chuỗi hạt cho mòn ngày xanh.
Duyên xưa chẳng bận chi tình
Bụi trần chi để vương cành hoa sen.
Nước trong chẳng lựa đánh phèn

Cửa thiền thanh tịch, não phiền sạch không. (chép trong ''Nàng Ái Cơ trong chậu úp'' của nữ sĩ Mộng Tuyết, Nxb Văn hóa, 1996, tr. 120)
(Khuyết danh)
Và: Chuyện tình chùa Phù Dung
(trích)

Ai ngày xưa chiều chiều
Dừng cương bên sườn dốc
Dõi bóng hình người ngọc
Mắt nhìn lòng rưng rưng.''

Ngày xưa ai dâng hương
Bước nương thềm điện ngọc
Thổn thức thắt se lòng
Nghe vời xa tiếng nhạc...

Ôi! Con người kỳ lạ
Tình yêu và nỗi đau
Và tình yêu thật lạ
Năm tháng chẳng phai màu...
 
(Hà Văn Thùy sáng tác năm 1982, trích trong tập ''Thời gian gom lại'', Hội Văn nghệ và Thông tin Văn hóa Kiên Giang)
Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Giải thích thêm:
-Phù dung ở đây là loài sen hồng, không phải là loài Phù dung, có danh pháp khoa học là Hibiscus mutabilis. Chùa Phù Dung hiện là đề tài đang được tìm hiểu, một trong những vấn đề còn đang bàn cãi là cái tên chùa.
-Bình San (hay Bình Sơn): “Bình” là tấm bình phong, "san" là núi. "Bình san" là dãy núi thấp dựng như bức bình phong sau thành Hà Tiên xưa.
-Người ta phát hiện có hai ngôi chùa Phù Dung: ngôi chùa cổ nằm ở hướng Tây Nam núi Phù Dung. Nơi đây, hiện còn những tường thành bằng vật liệu phức hợp (vôi cát trộn với ô đước và đường ngào), xây cất vào thế kỷ 18 (tường cao 5m, dày 1 m, nét cổ kính rêu phong), những phiến đá làm chân tán cột gỗ nền dài 12m, rộng 9m và một ngôi tháp cổ hình bát giác, có bia đá còn nguyên vẹn khắc dòng chữ Hán: “Lâm tế tam thập lục Thế ấn đàm Lão hòa thượng chi tháp”.
Năm 1969, trên nền chùa xưa, nhiều vật dụng như lư đồng, lọ sành sứ, chum đựng gạo, đôn ngồi bằng đá...được đào lên từ lớp đất đá sâu. Còn ngôi chùa mới, tức chùa hiện tại, ở đầu bắc núi Bình San, được xây trên nền nhà Chiêu Anh các cũ, ở phía trước và bên hông đều có 7 bậc thang...
Nếu thông tin này và lời của ông Trương Minh Đạt (một nhà nghiên cứu của xứ Hà Tiên) khẳng định “chùa Phù Dung hôm nay cất trên nền Chiêu Anh các xưa” là đáng tin cậy, thì chùa Phù Dung xưa phải ở gần khu mộ của Bà Dì Tự (cách chùa mới khoảng 20m và cách khu mộ dòng Mạc khoảng 300m, men theo triền núi), vì không thể xây cất hai công trình trên một nền đất. Sau này, bởi một nguyên nhân nào đó, người ta đã di dời hoặc xây cất chùa mới trên nền Chiêu Anh các, khi mà hội thơ này đã không còn nữa.
Sai Mon Thi Dan 
Nhớ Hà Tiên !
Vị biển mặn hoà cùng men bia đắng,
Một mảnh đời gian khổ kiếp mưu sinh....
Đưa ta về kỷ niệm tuổi ngày xanh,
Quên sao được những lời ru của ngoại ?!

Tuổi thơ ơi sao lòng luôn nhớ mãi,
Dáng ngoại hiền tất tả giữa phố khuya...
Ngoại tảo tần nuôi dưỡng đám con thơ,
Trong vất vã luôn ươm mầm hi vọng...

Vị bia đắng bỗng ngọt ngào đằm thắm,
Như tình quê , tình mẹ chốn xa xôi....
Dẫu mai đây xa cách bốn phương trời,
Luôn nhung nhớ Hà Tiên mùi biển mặn
NM
 
                       Bia đắng Hà Tiên
Tùy bút về một chuyến đi ở Hà Tiên.
       o O o
Trong một chuyến du lịch từ Úc về Việt Nam thăm nhà và để dự đám cưới đứa cháu gái lấy chồng ở Châu Đốc, tôi theo gia đình anh chị tôi xuống Hà Tiên chơi vài ngày trước khi trở lại Sài Gòn để về Úc.
Đến phố chính ở Hà Tiên, sau khi thu xếp hành lý vào khách sạn, chúng tôi theo xe ra một bãi biển đẹp nổi tiếng ở Hà Tiên. Trưa hôm đó trời nắng ấm, nước biển xanh rực rỡ, hàng dừa buổi trưa hè in bóng mát êm đềm trên bãi cát vàng. Biển Hà Tiên trông thật hữu tình!
Chúng tôi thả bộ dọc biển rồi thuê võng giăng giửa mấy thân cây dừa xanh trên bãi nằm nghỉ trưa. Ở Hà Tiên không có gì thú bằng nằm võng ngoài biển, ngắm trời ngắm mây, ngắm thuyền chài xa xa nhấp nhô trên sóng biển rồi quên đi chuyện trần gian!
Mấy năm trước, lúc thị trường chứng khoán ở Úc và khắp thế giới bị xụp đổ thì cuộc đời tôi lúc đó cũng muốn tiêu tùng! Bao nhiêu tiền của như đổ hết ra biển. Gần cả năm rồi mà niềm đau “stock market crash” vẫn chưa nguôi trong lòng! Hôm nay có dịp nghỉ ngơi ở biển Hà Tiên, tôi thấy bao nhiêu lo phiền của đời sống làm việc ở các xứ Tây phương như theo sóng biển tan biến thành bọt nước!
Tiếng sóng biển nhè nhẹ cùng tiếng vọng cổ văng vẳng từ quán ăn gần đó làm tôi chập chờn ngủ thiếp trên võng lúc nào không hay!
Bỗng dưng có tiếng ai rao hàng đâu đó làm tôi giựt mình tỉnh dậy:  "Ai ăn mực nướng than hôn..."    
Nhìn kỹ tôi thấy một bà lão đang khệ nệ gánh hàng rong, mắt dáo dát nhìn chúng tôi như muốn mời mua hàng. Chị dâu tôi vẫy bà lại. Bà già mừng rỡ gánh hàng tới, đặt chiếc ghế "đẩu" ngồi xuống bãi cát rồi kiên nhẫn chờ chúng tôi chọn hàng. Chúng tôi chỉ con mực nào bà lấy con đó ra bỏ vào vĩ sắt rồi nướng mực trên bếp than hồng đặt ở một thúng đầu gánh. Mực nướng dọn ra dỉa kèm theo tương ớt ăn ngoài biển, thật không có gì ngon tuyệt bằng!
Tôi đưa tiền cho thằng cháu kêu nó chạy ra quán bia gần đó để mua vài lon bia nhậu với mực nướng than.
Từ lúc còn bé ở Việt Nam, tôi vẫn thường xúc động trước hình ảnh những người phụ nữ chân yếu tay mềm, trong đó có cả bà ngoại tôi thuở sinh tiền dưới quê, gánh hàng rong đi khắp đường phố để buôn bán mưu sinh. Tôi không hiểu tại sao xã hội Việt Nam từ ngàn xưa đã quá bất công với thân phận của những người phụ nữ nghèo như vậy. Đã đành là dân nghèo thì đàn ông hay đàn bà ai cũng phải làm lụng vất vã để kiếm sống, nhưng tôi vẫn có cảm nghĩ là ở Việt Nam người đàn bà thường lao động nặng nhọc hơn người đàn ông so với sức lực của họ. Trong khi người đàn ông dùng xe đạp để đi bán cà rem, chong chóng thì người đàn bà phải gồng lưng ra mà gánh chè gánh xôi đi rảo khắp đường phố. Người đàn ông đẩy xe "cút kít" hay đạp xe ba gác để di chuyễn hàng hóa thì người đàn bà thường phải lụ khụ đội hàng nặng trên đầu!
Mỗi khi nghĩ đến bà ngoại tôi ngày xưa gánh chè xôi đi bán rong ngoài chợ quê, tôi cứ thầm nhủ khi nào có dịp tôi phải thử một lần để hiểu được sự nặng nhọc mà ngoại tôi đã gánh vác cả đời như thế nào! Hôm nay sẵn dịp có bà lão gánh hàng rong trước mặt, tôi xin phép bà lão cho tôi gánh thử thúng mực của bà đi một đoạn cho thoả tính tò mò!
Chiếc đòn gánh với sức nặng của thúng mực một đầu và lò bếp than đầu kia làm lưng tôi còng xuống thật thảm thương. Đi được vài bước thì tôi chịu thua, ngồi xuống thở hì hục, lòng nể phục bà lão và càng thấy thắm thía nỗi khổ cực của bà ngoại tôi hơn!
Bà già bán hàng rất thân mật, vừa nướng mực vừa vui vẻ chuyện trò với chúng tôi. Bà kể về gia đình bà sống ở Hà Tiên từ thuở nhỏ, chồng chết lâu rồi để lại hai đứa con giờ đã lớn. Bà cho biết đã làm nghề bán mực nướng này cũng mấy chục năm nay rồi. Lúc đầu còn bán ở chợ Hà Tiên cho gần nhà. Nhưng dạo sau này thị trấn Hà Tiên phát triển quá, các quán nhậu mọc nhan nhản khắp chợ nên đa số bợm nhậu vô quán ăn, ít ai thích ngồi ăn ngoài đường với mấy gánh hàng rong của bà nữa. Bởi vậy mấy năm nay, bà phải đi xa chợ hơn và phải ra tận bãi biển này để bán cho khách du lịch mới sống nỗi!
Biết từ chợ ra biển cũng gần 5 cây số, tôi hỏi bà đi xe lam hay xe đò. Câu trả lời của bà lão làm tôi giựt mình:
"Tui đi bộ cậu à! Tiền đâu mà đi xe! Mỗi ngày lúc còn tờ mờ sáng, tui thức dậy thiệt sớm, lo chuẩn bị lò than, thúng mực... Rồi tui gánh hàng đi bộ gần hai tiếng ra biển. Khi mặt trời mọc thì tui cũng vừa ra tới đây! Rồi cả ngày tui đi rảo từ đầu bãi cho tới cuối bãi bán hàng. Chiều tối tui lại gánh bộ hai tiếng nữa về nhà!"
Thấy tôi có vẻ ái ngại, bà nói tiếp:
"Mấy năm đầu cực nhưng lâu ngày cũng quen, cậu ơi!"
Bất chợt tôi mở miệng hỏi bà một câu thật ngu xuẩn: 
"Bác ơi, bác già rồi sao bác không ở nhà cho mấy con bác nuôi bác cho khỏe, tội gì phải đi buôn bán gánh gồng cho cực?"
Bà lão đang nói chuyện vui vẻ, nghe tôi hỏi, chợt im lặng một hồi lâu rồi rươm rướm nước mắt trả lời: 
"Cậu biết không, tui chỉ có hai đứa con. Thằng lớn thì đi làm phu khuân vác ở chợ Bến Thành, còn đứa con gái thì đi ở đợ ở Thủ Đức. Tụi nó làm được đồng nào thì xài hết đồng đó. Còn dư dả gì mà lo cho tui được!"
Thấy tôi lộ vẻ quan tâm, bà nói tiếp, giọng có vẻ lạc quan hơn một chút:
"Bao nhiêu năm nay rồi tui đi bán dạo như vậy cũng đủ sống. Bửa nào bán khá thì kiếm được ba chục ngàn, bửa nào ế thì chỉ có mười ngàn thôi. Nhưng bổ đồng cũng được hai chục ngàn một ngày vừa đủ sống!"
Một lúc sau, bà lại thêm vào:
"Cậu biết hôn, có bửa xui xẻo vấp té ngoài lộ, đổ hết hàng xuống cát. Bửa đó phải húp cháo trừ cơm!"
Nghe bà lão kể chuyện tôi thấy xót xa trong lòng. Nhìn bà lão thân thương trước mặt mà tôi không khỏi nhớ đến hình bóng hiền từ của ngoại tôi ngày xưa. Tôi nhớ thuở nhỏ, mỗi khi ăn cơm bỏ mứa, mẹ tôi thường kể chuyện về đời sống vất vả của bà ngoại để chúng tôi học tánh cần kiệm. Mẹ tôi kể là ông ngoại tôi mất sớm lúc mẹ tôi con bé. Bà ngoại tôi phải gánh xôi chè đi bán rảo ở các khu chợ quê nuôi con. Mẹ tôi và các ông cậu phải ở nhà một mình, đứa lớn coi đứa nhỏ. Lúc bà ngoại đi bán ngoài chợ, ở nhà nhiều khi chỉ có một tô cơm nguội để mẹ và các cậu ăn đở lòng. Cho nên mẹ tôi bảo trong suốt đời bà, mỗi lần nhớ đến công ơn ngoại, một hột cơm rớt xuống đất cũng phải lượm lên ăn!
Trở lại chuyện bãi biển Hà Tiên, ăn uống xong, tôi đưa tiền cho chị dâu nhờ chỉ trả cho bà già hậu hỉnh một chút! Bà già mừng lắm, cám ơn  chúng tôi rối rít rồi từ giã gánh hàng đi bán tiếp.
Vì không rành tiền tệ Việt Nam, tôi hỏi thằng cháu tính thử hai chục ngàn Việt Nam, số tiền bà thu nhập được mỗi ngày, là khoảng bao nhiêu đô Úc! Nó thông minh trả lời kiểu thực tế: 
"Chú Năm biết không, hai chục ngàn cũng không đủ để mua hai lon bia đó chú Năm!"
Nghe xong, tôi cảm thấy trong lòng như quặn lại. Một bà già ốm yếu lặn lội gánh thúng hàng nặng từ sáng đến tối, hai tiếng đi, hai tiếng về, cả ngày chầu chực ngoài biển cho những người du khách như tôi, mà cuối cùng kiếm không đủ tiền để tôi mua hai lon bia!Tôi cầm lon bia tu hết những ngụm còn lại.
Bỗng dưng vị bia thấy đăng đắng!
o O o
Chiều về, mặt trời sắp lặn, anh chị tôi thúc mọi người lên xe về khách sạn cho kịp trước khi trời tối.
Trên xe, tôi nhờ bác tài lái chậm chậm dọc bãi biển để tôi ngắm cảnh mặt trời lặn trên biển. Nhưng thật sự tôi muốn nhìn thấy lại hình ảnh bà lão bán hàng ngoài biển!
Xe chạy xa dần mà tôi vẫn còn nghe tiếng rao văng vẳng của bà lão: "Ai ăn mực nướng than hôn..."
Xe chạy bon bon dọc theo đường biển một đoạn xa. Tôi chăm chú ngắm cảnh hoàng hôn ngoài biển. Nhìn sóng biển tung tăng nhảy múa trên bãi cát trắng, tôi cảm thấy trong lòng trở nên bình thản! Nỗi buồn "stock market crash" như tan đi theo bọt sóng nhấp nhô! Sau khi chứng kiến cảnh cơ cực của bà lão bán hàng rong ngoài biển, lòng dạ nào mà luyến tiếc chuyện tiền bạc trong thị trường chứng khoán nữa! Tôi thấy đời người như bọt sóng ngoài đại dương, mọi thứ trên đời đều như vô nghĩa!
Ánh sáng mặt trời lặn nhập nhòe trên sóng nước tạo ra những hình ảnh lung linh huyền bí. Tôi chợt thấy trong đó như có ngoại tôi đang gồng lưng gánh nồi chè ngoài chợ rao bán:  "Ai ăn chè đậu xanh nước dừa hôn...". Chắc ngoại đang lo không biết mẹ còn hột cơm nào để ăn đở lòng tối nay không!!
Chẳng mấy chốc trời tịch mịch tối, xe cũng về tới khách sạn.
Bất chợt tôi nói thầm trong bụng, chắc giờ này bà lão ngoài biển đang gánh hàng về nhà trong đêm tối. Lạy trời cho bà thấy đường đi suôn sẻ, không bị vấp té giửa đường để khỏi phải húp cháo trừ cơm tối nay!
     o O o
Kết thúc:  Từ ngày về Úc trở lại, mỗi lần ngồi nhậu bia với bạn bè, nếu có ai than bia đắng quá, đôi khi tôi không cầm lòng muốn nói
"Nếu bạn muốn biết bia đắng ra sao, hãy theo tôi về Việt Nam, ra biển Hà Tiên, rồi chúng ta ăn món mực nướng của một bà già ốm yếu, gánh hàng nặng từ nhà ra biển mỗi ngày bốn tiếng để nuôi thân. Uống bia lúc đó mới biết thế nào là bia đắng!" 
Nguyễn Văn Hà
Melbourne, Australia
Giấc mộng chiều
 Chiều Tô Châu một mình em lặng lẽ,
   Buồn nhớ nhung một giọng hát như thơ...
 Đêm qua đêm ngày tháng cứ mong chờ,
 Được hội ngộ một lần nghe anh hát !

Biển Hà Tiên sóng xôn xao dào dạt,
Như tâm tình từ lúc trót yêu anh....
Sóng ngập tràn rồi sóng cũng xa nhanh,
Sao vội vã như tình anh chợt đến ?!

  Mấy Xuân qua mai vàng quên nhặt lá,
   Xuân qua đi, mai lại cứ trổ bông...
 Em mãi hoài em mãi ngóng chờ mong,
   Người xa khuất cõi lòng luôn ước vọng !

Áo của anh xanh xanh màu lá đậm,
Trong hoàng hôn hoà sắc áo chiều xưa....
Em bây giờ chợt như tỉnh cơn mơ,
Đem chôn giấu sắc chiều cùng rêu nhạt !! 
 NM
Tô Châu (Quang Nguyên) | Trung Học Hà Tiên Xưa

NGƯỜI ĐÀN BÀ MẶC ÁO MÀU CHIỀU

Thế là chị trở về Hà Tiên, lên lăng Mạc Cửu một mình, không vào ngày rằm cũng chẳng chờ lễ hội. lần này chị lên lăng mà không phải tìm kiếm ai. Đứng bên chậu mai chiếu thủy năm nào, chị nhìn mây trắng từng mảng trôi trên nền trời màu xam xám của một buổi hoàng hôn. “Tôi là người lữ khách. Màu chiều khó làm khuây”. Màu chiều như màu áo của chị mà người đó đã đọc lên máy câu thơ làm nao nao lòng. Thật ra, có thể gọi màu khói nhang hay màu tro bếp cũng được. lại gọi màu chiều khiến chị liên tưởng đến cuộc đời mình. Ai không có buổi hoàng hôn, nhưng chị vẫn mong cho thời gian đi chầm chậm. Thời gian là thứ không thể sờ được, không nhìn thấy được nên không thể thúc đẩy hay trì kéo. Bởi vậy, thời gian cứ lặng lẽ trôi qua trên mái tóc đen, dài theo mỗi mùa mưa nắng, theo con nước lớn ròng ở bến Tô Châu. Và tình cảm cũng là cái gì không thể nhìn ngắm hay chạm tay vào nhưng sao chi cảm nhận được sự mất mát và tồn tại, sự rung động và đau đớn. Người bạn gái đã an ủi: “Mày có mất mát gì đâu !” có thật chị không mất mát gì ? Chị chua xót tự hỏi rồi đau đớn một mình, ngậm ngùi một mình … Trời mỗi lúc một chiều, sắp tối. Ngày thường lăng vắng vẻ ít người, chỉ có một mình chị làm thành một bức tranh mà người họa sĩ đã cho màu xám xịt. Chị nhặt những bông hoa rụng rồi lặng lẽ đi ra ngoài, đến bên hồ nước, thẫn thờ rải những bông hoa trắng nhỏ xuống mặt hồ …
World cup có dời về Hà Tiên thì chắc mọi người trong cửa hàng thương mại này cũng không ngạc nhiên bằng khi thấy chị cửa hàng trưởng thường ngày khô như cá khô quá nắng trong lúc rảnh rỗi đang đọc một tập thơ của ai đó. Bị bắt gặp, chị cười ngượng nghịu giấu vào ngăn bàn trong khi đôi mắt sáng lên một cách kỳ lạ. Chị cũng không hiểu sao thuở còn đi học chị không có hứng thú trước những quyển tiểu thuyết, những bài thơ. Chị viết chữ xấu, lười viết văn và ghét học Kiều. Người nhỏ nhắn, lúc nào cũng có vẻ bận rộn, hấp tấp, vội vội vàng vàng trên những đôi giày gót cao. Thằng Nam em kế của chị phàn nàn. “Nói chuyện với chị cúi xuống muốn gẫy cổ”. Còn chị thì nói ngược lại. Bởi vậy, đi đâu về mọi người thấy trong túi xách của chị quà mang về đa phần là giầy cao gót. Cũng may thời trung học chị không bị gọi là “Việt còi” hay “ Việt đẹt” mà là “Việt nhol”. An ủi phần nào “nỗi buồn nhan sắc”.
Buổi tối hôm ấy thấy chị mặc chiếc áo dài đó con bé Hài bán hàng kêu lên: “Mặc áo màu này trông chị già quá !”. “Ờ ! Như già thêm mấy tuổi”. Như kế toán đồng tình thêm vào: “Bước qua tuổi bốn mươi rồi còn gì!”. Chị tần ngần ngắm nghía mình giây lát, thở ra. “Thì đã già rồi còn ngại gì già nữa”. Hài tò mò. “Ai tặng mà chị quý quá vậy?” “Thằng Nam tặng hôm sinh nhật tao”. “Hèn gì ! Ảnh như ông cụ non, lựa màu áo …” Lóng ngóng thế nào đi vào lăng chị để tà áo sau bay vướng vào cành mai chiếu thủy. Lễ hội kỷ niệm thành lập Tao Đàn Chiêu Anh Các, người đông, khách nhiều. Họ đi lại chuyện vãn hay ngồi chờ đến giờ làm lễ. Trên sân, hầu như không còn chỗ trống. chị quay lại định gỡ tà áo ra khỏi cành cây thì đã có bàn tay ai đó làm rồi. “Không sao! Cũng chẳng cần cảm ơn!” Người đàn ông có đôi chân mày rậm đen như vẽ, nhìn chị cười bằng mắt. “Màu áo đẹp làm sao! Màu chiều! Nếu không có đóa hoa quỳ trên ngực và những bông hoa nhỏ rơi trên vạt áo thì cô đã bị lẫn trong hoàng hôn mất rồi”. Đêm đó, chị thức trắng. Lòng xao động mãi không yên. “Màu áo thật tuyệt vời! Gặp một lần nhớ suốt đời!” Cứ như nghe giọng nói trầm trầm êm như tiếng gió dìu dịu bên ngoài cửa sổ len vào, ánh mắt khiến cho cõi lòng tẻ lạnh của chị ấm lại. Lúc ấy, mấy tiếng trống chợt vang lên báo hiệu giờ thắp hương nhưng người đó làm như không nghe thấy vẫn đúng đọc cho chị nghe cả một bài thơ. “Trên đường về nhớ đầy. Chiều chậm đưa chân ngày. Tiếng buồn vang trong mây …”. Hài đã bỏ đi trước lúc nào, chỉ còn lại hai người trên sân, bên chậu mai chiếu thủy đầy hoa trắng. Đến giờ làm lễ, nghe giới thiệu chị mới biết đó là nhà thơ Lê Toan.
Năm hai mươi mấy tuổi chị có mối tình đầu cũng sôi nổi như ai. Nhưng chờ nhau ba bốn năm dài người ấy không chờ được nữa. Ba hy sinh năm bảy mươi hai, má nghèo ở Hòn Đất chạy chợ mỗi ngày, thằng Nam , con Hoà, con Bình lúc ấy còn đi học, cái gánh nặng oăn trên vai gầy, thấp của chị. Lấy chồng về Rạch Giá yên ổn phận chị rồi nhưng chị không yên lòng. Mẹ già, mỗi ngày thêm còm cõi trong khi đời chị còn dài. Nhưng rồi chị lao vào công việc kiếm sống, có lúc chị quên, mình đã từng yêu ai đó. Bây giờ, thằng Nam, con Hòa đã lập gia đình có con cái; con Bình tuy muộn nhưng sắp đám cưới. Còn chị, đã quá muộn, cây mai vàng quên nhặt lá qua xuân rồi mới trổ hoa thì còn ai mà ngắm. Sau này, thỉnh thoảng có người giới thiệu vài đối tượng nhưng chị chỉ bắt gặp cái cảm giác nhạt nhẽo, trơ trẻn. Thứ tình cảm nồng nàn của mối tình xưa đã lẫn lộn đâu mất trong mớ chai, lọ, ly, chén. Cuối tháng kiểm kê mọi người đã quá quen thuộc với hình ảnh chị tay áo xắn cao, mồ hôi nhễ nhại, đích thân xem từng mặt hàng trong kho. Say xưa với công việc, mệt mài với những con toán, đi đi về về trên những đồi giầy cao gót mỗi ngày một thấp, chị không để ý mái tóc đen mượt đã bắt đầu có sợi trắng.
Bỗng dưng rồi chị có nhiều thay đổi, thường tự lự, không hay la rầy mấy con bé bán hàng như trước nữa. Tuy vậy, má chị hồng hơn đôi khi còn hát vu vơ nho nhỏ. Có dịp đi Rạch Giá, thành phố Hồ Chí Minh hay nơi nào khác chị thường tìm cơ hội vào các hiệu sách lớn, nhỏ để mong bắt gặp một quyển sách có tên người ấy ngoài bìa. Chị vui như muốn reo lên khi thấy một bài thơ đăng trên báo có tên Lê Toan. Tối, không xem chương trình ti vi hay đĩa hát, không ngồi trước máy vi tính hay kiểm kê một thứ gì. Chị cài chặt cửa phòng vì sợ Hài sẽ bất ngờ qua mượn một cái đĩa hài hước hay một thỏi son – con bé vẫn thường như vậy. Chị thoải mái nằm lăn ra giường đọc thơ hay tiểu thuyết. Mà không cần phải là thơ, là truyện của người ấy. Chị bỗng chốc trẻ trung và lãng mạn. Tháng sáu mưa tầm tã, tháng bảy mưa ngâu, giọt mưa trên lá, hạt mưa ở bất cứ đâu ngày trước dội vào tâm hồn chị như vào các núi đá, vậy mà bây giờ mưa chị buồn bâng khuâng nghĩ vẩn vơ. Biết khi nào người ấy trở lại Hà Tiên, viếng lăng Mạc Cửu và thăm người đàn bà đã mặc chiếc áo màu chiều suýt nữa bị hoàng hôn nuốt mất. Chị vẫn hy vọng Hà Tiên sẽ réo gọi được người về như bao du khách khác. Sang năm chị lại lên lăng, tìm giữa bao màu áo một gương mặt thân quen. Hà Tiên với những con đường ngắn hẹp và ánh đèn vàng dọi hai chiếc bóng của chị với Hài ngã dài sang tận lề bên kia. Đường về chán ngắt, thất thiểu và buồn mênh mang, chị về căn phòng của mình, ngập chìm trong nổi nhớ ngút cao, lại lấy những bài thơ của người ấy ra đọc. Trong mơ ước âm thầm, người đó lại về theo những giấc mơ của chị nhưng chỉ toàn ác mộng. Chị thấy người ấy đi trên lăng, chập choạng trong bóng chiều, chiếc áo sơ mi màu lá úa lúc ẩn lúc hiện. Chị đuổi theo, hớt hơ hớt hải gọi thất thanh. “Lê Toan!” Người đàn ông quay lại cũng là lúc chị đuổi kịp đến gần. Không phải! Chị sững sờ nhìn người đàn ông xa lạ vừa lúc nghe ai gọi mình ơi ới. “Chị Việt! Chị Việt! Mở cửa! Mở cửa! có chuyện gì vậy? ngủ mơ hả?” Thì ra Hài đang đập cửa đánh thức chị.
Người đợi không về, kẻ không chờ lại tới. Mối tình đầu của chị, Triệu về Hà Tiên theo đoàn du lịch. Ngỡ ngàng và hết sức bối rối khi anh thấy chị vẫn một mình bên những con số đến điên đầu. Và rồi Triệu thỉnh thoảng lại về Hà Tiên, cuối tuần lại theo chị về Hòn Đất như ngày xưa chị đi học ở Rạch Giá, Triệu theo chị về chơi dịp lễ hoặc ngày nghỉ. Kỷ niệm đã biến mất tăm theo bụi thời gian. Trong cái cửa hàng tạp hóa của tâm hồn chị đã không còn mặt hàng Triệu. Có lần, chị lườm. “Lá gan em nhỏ lắm, không dám ngó chồng người”. Triệu đưa tay vuốt tóc sau gáy dù tóc hớt cao ngắn ngủn như bị chị nhìn thấu tim, rồi Triệu vụt cười ha hả. Tiếng cười sang sảng của người đàn ông trung niên thành đạt về đường sự nghiệp, có một gia đình hạnh phúc. Giữa lúc ấy má chị qua đời. Sớm hay muộn gì rồi con người cũng sẽ có ngày đó. Những ngày ấy, chị như thấy người đàn bà nhiều nghị lực ở trong chị biến đâu mất. Chị mệt mỏi, đuối sức sau những nổ lực phi thường trong suốt bao nhiêu năm qua. Người đàn bà nhiều nghị lực đã bỏ trốn tận đâu đó trong con người chị. Chị ta đi để chị được khóc thỏa thuê. Má mất rồi, con Bình cũng sắp sửa có gia đình, chị sẽ cô đơn hơn nữa, trống trải hơn nữa. Không còn chờ cuối tuần để về nhà tâm sự với má những vui buồn bực dọc trong cuộc sống. Không còn ai đau đáu bên những gốc mãng cầu đợi chị về. Sau đám tang, chị ngã bệnh phải nằm vùi cả tuần. Đôi khi trong lúc nửa mê nửa tỉnh chị như thấy lại hết những ngày đội mãng cầu đi bán với má dầm mưa tầm tã, những ngày đi học ở Rạch Giá, ở Thành Phố Hồ Chí Minh với Triệu. Chị lại thấy Lê Toan, người ấy vào Lăng Mạc Cửu thắp hương rồi không trở ra. Chị cứ đứng mãi bên cây mai trắng dưới ánh mặt trời ngày một xuống thấp. Rồi người đàn bà mặc áo màu chiều cuối cùng bị lẫn mất trong hoàng hôn. Không còn ai nhìn thấy chị, mặc dù chị vẫn đứng ở đó lặng lẽ âm thầm đợi người ấy. Chuyện chiêm bao mộng mị chị không quan tâm nhưng rõ ràng những giấc mơ càng làm tăng thêm nỗi buồn ở nơi chị. Mấy ngày chị ốm đã giữ chân Triệu lại Hòn Đất. Lúc thức, lúc ngủ nhòe nhoẹt hình ảnh Triệu đứng bên giường bỗng chốc hóa thành Lê Toan đang âu yếm đọc cho chị nghe bài thơ “Chiều” của nhà thơ Hồ dzếnh … “ngỡ hồn mình là rừng. Ngỡ hồn mình là mây. Nhớ mà châm điếu thuốc. Khói huyền bay lên cao”.
Mọi chuyện rồi cũng qua đi, cuộc sống lại tiếp tục. Những bước chân thoăn thoắt của chị giờ đây hơi trì trệ bởi những nỗi buồn. Vào lúc này, một người bạn ở thành phố Hồ Chí Minh mời chị dự tiệc mừng tân gia. Lập gia đình hơn mười năm, đã có hai đứa con, cô bạn này mới có điều kiện mua một căn hộ để ra riêng. Chi thu xếp công việc, hối hả đi trong chiếc áo hoa màu đỏ. Chị rẽ vào đường Nguyễn Huệ mua một bó hoa. Xa cách nhiều năm, chị vẫn nhớ cô bạn này rất thích hoa huệ trắng hay vẫn gọi là hoa loa kèn. Cũng dáng tất bật, chị hấp tấp quay ra và va phải một người. “Xin lỗi ! Tại tôi vội quá!” Chị nói và ngước lên nhìn người đàn ông thản nhiên đưa tay ra vịn lấy vai chị cho khỏi ngã. “Chiếc áo của cô đẹp hơn cả chợ hoa này!” Cũng đôi chân mày rậm đen như vẽ, cũng đôi mắt biết cười dù chiếc miệng không cười và giọng nói … Trời! Lê Toan! Chị thoảng thốt kêu thầm. “Chiếc áo thật đặc biệt. Người mặc càng đặc biệt hơn”.Đôi chân chị run lên trên đôi giầy đã sờn cũ. Những giấc chiêm bao, những bài thơ … gần ba năm rồi có lẽ, bao nhiêu là ngày, bao nhiêu là đêm người ấy vẫn ở bên chị mà sao bây giờ lại xa đến nghìn trùng. Vẫn thanh lịch như ngày nào, người ấy không có gì thay đổi, có khác chăng là không nhận ra chị, người đàn bà đã mặc chiếc áo màu chiều trên lăng Mạc Cửu. Chị rất muốn mở lời nhắc một tiếng. Tôi! Người đàn bà suýt nữa đã lẫn mất trong chiều ở Hà Tiên. Nhưng chị uất nhẹ không nói được nên lời. Bó hoa trên tay rơi xuống đất, chị bỏ chạy trước khi chị nghe người đàn ông nói thêm câu gì. Buồn đến lịm người, chị đau, lòng thổn thức. Một chiếc gót giầy chợt văng ra khiến chị loạng choạng. Chị gượng được, ném luôn chiếc kia và cứ thế với đôi chân trần chị chạy ra tới đầu đường. Chị dừng lại thở hổn hển khi biết chắc người ấy không đuổi theo. Nhỏ bé, lạc lõng, cô đơn hơn bao giờ hết, chị xách chiếc túi đứng bên lề đường nhìn xe cộ chảy như dòng sông. Trong chị cũng có một dòng sông, con nước đang lớn dần lên sợ rằng dòng sông chảy chậm sẽ làm vở đôi bờ. Mùa mưa, trời Sài Gòn vẫn nóng hầm hập, bụi đường bay vào mặt chị tới tấp. Đón xe về được tới nhà bạn, chị nhào vào lòng bạn khóc nức nở, với đôi chân trần, không hoa, không quà và không cả lời chúc.
Sinh nhật chị năm nay thằng Nam tặng một xấp vải màu rêu xanh rất đẹp. “Vợ em mua ở Rạch Giá đó”. Chị cười buồn trong khi nó hớn hở khoe. Chị đem xấp vải cất vào trong tủ cũng như chiếc áo màu chiều và những tập thơ để thỉnh thoảng mở ra nhìn ngắm. Chị không muốn một lúc nào đó sẽ bị cây cỏ hai bên đường nuốt mất vào một ngày trời dứt cơn mưa./.
ST
 

Em Gái Hà Tiên

TƯỞNG NHỚ NỮ SĨ MỘNG TUYẾT
T hế là tác giả "Phấn Hương Rừng" đã đi xa, về cõi vĩnh hằng với thi sĩ Đông Hồ (1). Nữ sĩ Mộng Tuyết tên thật là Lâm Thái Út, sinh ngày 9-1-1914 tại làng Mỹ Đức (Hà Tiên), trau giồi quốc văn tại Trí Đức học xá do Đông Hồ thành lập năm 1926. Lúc ấy Mộng Tuyết mới 12 tuổi, đã bắt đầu sáng tác thơ văn, sau này tập hợp dưới nhan đề "Bông hoa đua nở" đăng trên báo Nam Phong tạp chí (1930) của Phạm Quỳnh. Nhà thơ Đông Hồ đã có công dìu dắt nữ sĩ từ ấu thơ cho đến lúc trưởng thành :
Từ thuở quỳnh hoa hé ý trinh,
Tay cầm tay đếm bước đăng trình.
Khi viết văn, viết báo, nữ sĩ ký nhiều bút hiệu khác nhau : Hà Tiên cô, Nàng Út, Bách Thảo Sương, Bân Bân nữ sĩ, Mộng Tuyết thất tiểu muội.
Năm 1939, Mộng Tuyết được bằng khen về thơ của Tự Lực Văn Đoàn với thi phầm "Phấn hương rừng". Bà bắt đầu nổi tiếng từ đó. Năm 1943 bà in chung với Anh Thơ, Vân Đài, Hằng Phương tập thơ "Hương Xuân" là tuyển tập thơ nữ đầu tiên ở nước ta.
Sau khi tạp chí Nam Phong đình bản (1934) bà viết tùy bút,  truyện ngắn, làm thơ gửi đăng trên các báo Tiểu Thuyết Thứ Năm, Hà Nội báo, Con Ong, Đông Tây, Trung Bắc chủ nhật, Tri Tân ở Hà Nội và các báo Sống, Gió Mùa, Ánh Sáng, Nhân Loại ở Sài Gòn. Sau năm 1954 bà chuyên viết ký sự lịch sử, tùy bút và khảo cứu đăng trên Bách Khoa, Văn, Văn Học ờ Sài Gòn. Ngoài ra, bà còn dịch thơ Baudelaire (Pháp). Các tác phẩm của Mộng Tuyết gồm có :
- Mười khúc đoạn trường – Thơ cứu đói đồng bào miền Bắc (1945)
- Đường về Hà Tiên – Tùy bút (1960)
- Nàng Ái cơ trong chậu úp – Lịch sử ký sự (1961)
- Truyện cổ Đông Tây (1969)
- Dưới mái trăng non (1969)
- Gầy hoa cúc – Thơ (1974)
- Hà Tiên thập cảnh – Viết chung với Đông Hồ (1996)
- Hà Tiên xưa và nay (1997)
- Núi mộng gương hồ – Hồi ký 3 tập (1998)
Sau ngày 30-4-1975, nhiều tác phẩm trên đây đã được tái bản.
Dù viết nhiều thể loại văn chương, nhưng dưới mắt độc giả, bao giờ Mộng Tuyết cũng vẫn là một nhà thơ. Thơ bà có nhiều cung bậc, lúc bàng bạc mênh mang như trong Dương liễu tân thanh, khi hồn nhiên, nhí nhảnh với Làm cô gái Huế, Em xấu hổ, Em trả thù, lúc êm đềm, dịu dàng như trong Chữ thập hồng, Mười bài tương tư…"Lời thơ tuy bình dị mà có một vẻ yêu kiều riêng, tưởng ngòi bút đàn ông khó có thể viết ra được (Hoài Thanh).
Năm 1945, phát xít Nhật đốt thóc thay than để chạy máy, gây ra nạn đói khủng khiếp ở miền Bắc làm chết hai triệu đồng bào ta, bà viết Mười khúc đoạn trường kêu gọi cứu đói cho đồng bào miền Bắc. Trong bài thơ Giá gạo Tràng An gửi Vân muội, cô hàng hoa vườn Trí Đức, bà viết :
Cấp báo về đây tự nẻo xa,
Người đang ngắc ngoải đợi chờ ta.
Vốn nghèo biết giúp gì em nhỉ !
"Ngã mại kỳ văn, nhĩ mại hoa" 
(2).Năm 1948, Đông Hồ chủ trương "Phụ trang văn chương" trên tờ nhật báo SỐNG ở Sài Gòn. Một hôm, trên trang văn chương số 159 ngày 18-9-1948 bỗng xuất hiện bài thơ Chiếc lá thị thành, dưới ký Mộng Tuyết thất tiểu muội, trong đó có mấy câu :
Đây một tờ thư của thị thành
Thả về thăm hỏi chiến khu xanh.
Hỡi anh chiến sĩ mùa thu trước,
Hơn một mùa thu bận chiến tranh.
Lẫm liệt rừng thu gió tải về
Bao tờ lá đỏ chiến công ghi.
Bao tờ lá đỏ đề lời máu,
Thề quyết thành công một chuyến đi…
Thật không ngờ, hai tuần sau, cũng trên trang văn chương ấy có bài thơ trả lời nhan đề Lá thơ rừng, dưới ký tên Huỳnh Văn Nghệ, trong đó có mấy câu :
Trời ! Cảm động đọc bức thư thành thị
Gởi về thăm và an ủi chiến khu
Dấu lệ rơi trên nét chữ đã mờ,
Lời êm ả, dịu dàng và tha thiết.
… Ngày phục thù lưỡi kiếm cứ lăm le,
Và mỗi buổi trỏ gươm về hướng ấy :
Thề lấy lại thủ đô và thành thị
Để ngàn thu dân Việt nhẹ căm hờn…
Còn nhớ năm 1999 nữ sĩ Mộng Tuyết có nhờ tôi tuyển chọn, chú thích và đề tựa tuyển thơ "Thiên địa gian", lấy 100 bài thơ và phú trong năm tập thơ của thi sĩ Đông Hồ đưa vào tuyển tập. Sách in xong, bà đặt một quyển lên bàn thờ Đông Hồ, thắp hương và lâm râm khấn vái, vẻ thành kính và hài lòng như đã làm xong bổn phận.
Về tình bạn thì nữ sĩ Anh Thơ là một trong những người bạn  thân nhất của Mộng Tuyết. Sau khi hai nữ sĩ cùng được giải thưởng về thơ của Tự Lực Văn Đoàn năm 1939, Anh Thơ viết thư làm quen với Mộng Tuyết và mời bà ra Bắc Giang chơi. (Bắc Giang là quê hương của Anh Thơ). Bấy giờ Mộng Tuyết rất bận, không đi được nên làm bài thơ Đợi gió để phúc đáp :
Gởi Anh Thơ
Mấy vần thơ đợi gió.
Lòng xuân thắm đỏ
Lòng thuyền nho nhỏ
Đợi nước triều lên…
Mặt nước hồ nằm say giấc mơ,
Lòng gương không vướng gợn mây mờ.
Khói chiều đứng thẳng trên quan tái,
Hương tỏa hồn hoa ướp cỏ bờ.
…Khi xuân thắm đượm khắp nơi nơi,
Vạn vật đem xuân trả lại đời
Mà chẳng trả cho thuyền tí gió Để thuyền thương nhớ những phương trời…
Ở Hà Nội, Anh Thơ có một vườn cây nho nhỏ trồng toàn cây của Mộng Tuyết tặng. Khi Anh Thơ vào Sài Gòn sống với chồng (Bác sĩ Bùi Viên Dinh) thì những cây hoa sứ, sói, phát tài trồng ở đây. Sau khi chồng mất, Anh Thơ đem chúng ra Bắc trồng trước nhà mình. Lúc Anh Thơ đổi nhà, dời lên lầu để có thêm ít tiền chi dụng thì bà đem chúng theo. Năm 2002, nhân mừng thọ Mộng Tuyết 90 tuổi (3), Anh Thơ cũng lặn lội từ Hà Nội vào Hà Tiên để chúc mừng mặc dù năm ấy Anh Thơ cũng đã 84 tuổi và không được khoẻ. Thật hiếm có tình bạn nào cao đẹp đến thế.
Năm 1969 thi sĩ Đông Hồ từ trần, Mộng Tuyết vô cùng đau xót vì Đông Hồ là người thầy, người anh, người bạn đời mà Mộng Tuyết vô cùng yêu quí. Đông Hồ được an táng tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi Sài Gòn (nay là công viên Lê Văn Tám), đến ngày 30-6-1983 thì di quan về Hà Tiên, cải táng trên núi Tô Châu . Năm 1996, sau khi xây xong Đông Hồ thi nhân kỷ niệm đường ở  Hà Tiên trên nền nhà Trí Đức học xá cũ, Mộng Tuyết bán ngôi biệt thự ở đường Nguyễn Trọng Tuyển (Phú Nhuận) trở về Hà Tiên, sống ở đấy để ngày đêm hương khói cho Đông Hồ. Khi có bạn bè đến thăm, bà thường chỉ vào ngọn núi Tô Châu trước mặt, nơi có mộ của nhà thơ Đông Hồ và nói :
- Tôi sẽ về ở đó với anh Đông Hồ mãi mãi.
Nay thì bà đã toại nguyện. Thọ đến 94 tuổi, nữ sĩ Mộng Tuyết có một cuộc đời đẹp như mơ và trong ngần như tuyết. Những vần thơ réo rắt, du dương, êm đềm, truyền cảm của bà sẽ còn ghi một dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc.

Xin vĩnh biệt người bạn thơ vong niên thân quí, nữ sĩ Mộng Tuyết thất tiểu muội _