Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

Nhạc - Thơ - Văn Người hái dừa


          Quên lãng...
    Trao gởi đời ta với hư không ,
     Nhớ chi tình cũ, khách má hồng....?.
    Uống quên ngày  tháng, tìm quên lãng !
   Một sớm đi về chốn cõi không !

    Vẫn biết đời ta, tình vô vọng...
  Nụ hồng ấp ủ, nụ hồng phai !
 Ta về chốn ấy thiên thu ...nhớ,
  Trong mộng cùng em dạo gót hài ?!
   NM

Người leo dừa
Tôi là người cuối cùng ném viên đất lên quan tài, rồi về. Những người phu tang lễ bắt tay vào việc.
Buổi trưa tháng tư phủ lên những vườn dừa và cánh đồng ánh nắng oi bức mặc dù gió từ bờ sông vẫn lồng lộng thổi qua. Cởi chiếc áo thun đang mặc trên người, tôi vo tròn nó trong lòng bàn tay, lau những giọt mồ hôi đọng li ti trên trán. Từ đó đến giờ, chưa bao giờ tôi được chứng kiến người đi đưa ma đông đến như thế. Họ âm thầm đi thành một hàng dài dọc triền sông. Hình như tất cả dân làng đều tụ tập về đây để tiễn đưa con người xấu số kia. Thật ra, người nằm trong quan tài chẳng bà con thân thích chi với họ và cũng chẳng có chút chức quyền nào trong xã hội. Thậm chí, tôi còn thấy những bà già và trẻ con lén chùi nước mắt khóc thương cho gã. Cái gì còn trong tầm tay thì thấy chẳng có gì đáng quý nhưng một khi đã vuột đi rồi mới giật mình nghĩ ra nó đáng quý biết bao. Câu chuyện tôi sắp kể dưới đây là câu chuyện về gã, người vừa mới bị vùi trong nấm mồ kia, một người có mặt mà như không hề có mặt trên cõi đời quá bao la này. * Gã làm nghề leo dừa mướn, điều đó thì người dân trong vùng ai cũng biết. Với dáng đi khập khiễng vậy mà mỗi khi ôm lấy thân dừa, gã leo thoăn thoắt như một con sóc chuyền cành, hết cây dừa này đến cây dừa khác. Bằng chiếc nài bện từ những dây chuối khô vắt vẻo một bên vai, buổi sáng gã đi từ đầu trên đến xóm dưới. Người ta mướn gã bẻ dừa cũng có, gài chuột cũng có. Làm nhiều việc nhưng gã không hề mở miệng đòi tiền công ai bao giờ. Thói quen của người nông dân quê tôi là chỉ trả tiền khi nào kết thúc vụ mùa hay mới bán đàn vịt, bầy heo. Bẻ dừa xong, gom đủ số dưới gốc cho chủ, gã chỉ cười hề hề rồi đi sang vườn dừa khác. Chủ vườn tự động ghi số cây dừa gã đã leo lên vách rồi hàng tháng cộng lại, sai con đem tiền đến nhà gã. Nhà gã là một căn chòi lá cũ kỹ cạnh bờ sông, nơi trước kia vốn là nhà kho của đình làng. Nói là đình làng chứ thật ra bây giờ nó chỉ còn là một bãi đất hoang phế, cây cỏ đứng xác xơ dưới ánh nắng như thiêu như đốt của những ngày đầu hạ. Trong cuộc mưu sinh hiện tại, không ai còn nghĩ đến việc phục hưng lại ngôi đình để làm nơi sinh hoạt văn hóa của cả xóm. Đúng hơn thì không ai dám đứng ra quyên tiền để xây cất vì họ sợ chính quyền xã ấp vu cho họ còn mê tín dị đoan, làm ảnh hưởng đến lý lịch đi học hoặc đi xin việc của con cái họ. Tại mấy ông bà già phòng xa như vậy thôi chứ hiện giờ nhà nước từ cấp trung ương đến tỉnh, huyện cũng cổ vũ cho mấy cái chuyện truyền thống văn hóa này. Thật ra, họ lo như vậy cũng phải bởi cuộc đời của họ đã trải qua nhiều biến cố quá rồi. Thương cái ngôi đình làng lắm nhưng có một dạo không ai dám đặt chân tới để đốt một nén nhang tưởng niệm các bậc tiền hiền đã có công khai làng, lập ấp. Trở lại chuyện về gã. Gã sống trong căn nhà kho rách nát của đình làng, vách được chắp vá qua loa bằng mấy miếng tôn gỉ sét. Ngày ngày, gã đều đến thắp nhang nơi cái trang thờ do gã đóng tạm vàò gốc duối. Có lần tôi hỏi gã cầu nguyện điều gì nhưng gã chỉ cười, không đáp. Xóm nhỏ của tôi có vẻ vui được một chút vào buổi sáng tinh mơ và rất buồn vào buổi chiều với những ngọn gió liu riu qua mái lá. Lúc trời chạng vạng là gã lại đến quán tôi. Thường thực đơn của gã chỉ là một xị rượu ngâm ổi sẻ và khô cá đuối xé nhỏ, trộn với xoài sống, hoặc có khi là chén ốc đắng luộc. Tôi và gã mỗi khi giáp mặt thường chào nhau bằng câu: "Chuyện thế giới có gì mới không?" rồi cùng cười vang. Gã có kiểu uống rượu của người ghiền, nhởn nhơ từng chút một. Có ngày gã nói huyên thuyên đủ thứ chuyện trên trời dưới đất nhưng cũng có ngày dù cạy răng gã cũng không thốt nên lời nào. Vợ tôi rất mến gã nhưng không thích cho tôi ngồi nhậu chung với gã. Gã có khiếu bẩm sinh là mở hàng rất đông khách. Thường những người có duyên mở hàng đều nghèo rớt mồng tơi vì đã đem cái duyên may của mình cho người khác. Vì lẽ đó cho nên vợ tôi mến gã. Tiền rượu của gã ít khi cô ta ghi vào sổ nợ. Thứ hai, tư, sáu, chủ nhật gã mới đến nhậu lai rai, còn thứ ba, năm, bảy gã nói với tôi là ở nhà viết văn. Nghe gã nói vậy thì biết vậy chứ hơn mười năm rồi tôi không thấy có tờ báo hay tạp chí nào in bài viết của gã. Vì tế nhị nên tôi không hỏi gã viết cái quái quỷ gì. Ở thời bình, có nhiều chuyện riêng tư không nên gạn hỏi như hồi còn chiến tranh. Chữ "viết văn" có một lần làm khổ gã. Số là một tờ báo nọ ở Sài Gòn có đăng bài viết về chuyện tiêu cực của lãnh đạo xã tôi, đó là chuyện quyên tiền dân để làm đường sá, cầu cống. Đường sá, cầu cống đâu không thấy chỉ thấy các ông bà đi quyên tiền đột nhiên phá nhà cũ, xây nhà mới thật khang trang. Có vài người dân đặt câu hỏi, họ trả lời vu vơ rằng vợ họ ở nhà nuôi heo. Vợ tôi cũng nuôi heo ngót nghét tám năm rồi vậy mà cũng không sửa được cái quán lá ọp ẹp, cứ run bần bật mỗi khi trời nổi cơn dông bão. Lãnh đạo xã bực bội khi đọc bài báo trên. Họ nghi ngờ tác giả chính là gã nên lệnh cho gã đến ủy ban để giải thích vì sao dám đem chuyện nội bộ xã nhà đi bêu xấu ra cả nước. Gã chỉ cười, không lắc đầu cũng như không gật đầu, miệng không hề thanh minh thanh nga cái chuyện gã chẳng hề làm. Gã chấp nhận làm cỏ phạt ở khu trụ sở ủy ban đúng một tuần. Về sau, khi mọi chuyện đổ bể ra, mọi người mới biết tờ báo nọ đã ngầm cử phóng viên xuống viết theo tài liệu của thanh tra huyện, chứ tác giả thật sự không phải là gã. Nóng mặt, tôi bảo gã: "Đến đòi họ tiền công làm cỏ bảy ngày và tiền bồi thường danh dự". Gã lắc đầu sau khi đá bay một khúc củi mục xuống mương: "Chuyện không có gì mới!". Nhịp sống miền thôn dã rồi cũng bình lặng trôi qua với những chuyến xe lam nổ máy phành phạch trên con đường bụi đỏ và những người nông dân sớm hôm còng lưng trên ruộng lúa. Gã vẫn đến quán tôi vào mỗi buổi hoàng hôn thứ hai, tư, sáu, chủ nhật, còn thứ ba, năm, bảy ở nhà để viết văn. Đôi khi gã cũng tự phá vỡ thông lệ đó, nhất là khi trong xóm có gia đình nào tổ chức tiệc cưới hay đám tang, giỗ quảy. Không ai mời, gã cũng tự nguyện đến, lặng lẽ nấu nước. Riết rồi thành quen, cả xóm đều xem công việc nấu nước phục vụ cho đám tiệc là công việc mà gã phải làm. Gã nấu nước chỉ để nấu nước chứ không bao giờ đòi được ngồi mâm cao cỗ đầy gì. Có khi đám tang kéo dài ba ngày ba đêm, gã vẫn thức, lặng lẽ nấu nước đúng ngần ấy ngày, không hề kêu ca, oán thán hay kể công với ai. Tự bao giờ chẳng biết, người dân ở đây vô tình đã xem hắn như người trong gia đình họ. Cách đây vài năm, vào một buổi trưa, thình lình có một đoàn người ăn mặc sang trọng đổ ập đến xóm tôi, cơ man nào là xe hơi, xe jeep... Họ hỏi đường đến nhà gã. Dân làng quanh đó ngờ rằng chắc trong quá khứ gã đã từng có lỗi lầm chi đó nên họ đến bắt gã giải đi. Mọi người ai cũng chuẩn bị tư thế chận đường nhóm người kia để hỏi cho ra lẽ một khi họ bắt gã đi thật sự. Chẳng ngờ, người dẫn đầu nhóm người kia là thủ trưởng cũ của gã hồi chiến tranh. Ông ta đến để báo tin cho gã rằng gã đã được chính phủ giải oan bằng cách truy tặng anh hùng cho gã. Bật ngửa ra, dân làng mới biết gã chẳng hề tầm thường chút nào. Họ liền tự nguyện hùn lại giết heo, giết gà... để đãi nhóm người phương xa ấy. Trong bữa tiệc dân dã dưới ánh trăng quê loang loáng trên mặt sông, ông thủ trưởng cũ của gã mới tiết lộ chuyện hồi xưa gã là một anh lính đặc công thủy nổi tiếng gan dạ và mưu trí của Khu. Gã đã từng tham gia diệt nhiều hạm đội của Mỹ trên sông Tiền và sông Vàm Cỏ. Nghe vậy, gã đỏ mặt và cười hề hề bảo: "Chuyện cũ mà, anh bộ trưởng nhắc hoài làm gì!". Từ đó mới biết thêm, ông thủ trưởng cũ của gã giờ đã là bộ trưởng. Dân làng xôn xao, đoán già đoán non rằng nếu gã còn trong quân ngũ thì chắc chắn đã mang quân hàm cấp tá, hay cấp tướng cũng nên. "Chỉ vì chút chuyện nhỏ cá nhân của những ngày đầu mới giải phóng nên anh Hậu bị hiểu lầm, giờ chính phủ chính thức giải oan cho anh ấy" - Ông bộ trưởng nói thêm trong buổi sáng, trước khi ra về. Từ chuyện này, xã cũng nở mày nở mặt vì lần đầu tiên xã mới được một cán bộ cấp cao cỡ bộ trưởng về thăm. Dù có được phong anh hùng đi chăng nữa, ngày ngày gã vẫn lặng lẽ làm cái công việc muôn thuở của gã là leo dừa. Gã vẫn đến quán tôi vào chiều thứ hai, tư, sáu, chủ nhật. Có một hôm, gã buồn rầu tâm sự với tôi sao dạo này thiên hạ đốn dừa nhiều quá. Vợ tôi xen vào: "Mọi người phải tự tìm cách làm giàu chứ khó trông mong gì ở cây dừa nữa rồi". Gã im lặng. Tôi hiểu nghề nào nghiệp nấy. Dù sao thì vườn dừa đối với gã đã như là máu thịt của gã. Theo thời gian, những cây dừa lão có, non có cứ đua nhau ngã rạp dưới những nhát rìu vô tình của người nông dân. Ngày trước, miền đất mé bên kia sông xanh um những rặng dừa và lảnh lót tiếng chim chìa vôi giờ chỉ còn là miền đất chang chang nắng vào buổi trưa hè, nhìn đến nhức mắt. Đôi khi quán thưa khách, tôi thả bộ sang nhà gã làm vài ván cờ tướng giải khuây. Có lần gã kể cho tôi nghe về vợ gã. Tôi nghe và chỉ cười thầm bởi tôi không tin lắm vào những điều gã nói. Nhãn quan của tôi đánh giá về dung mạo của gã là chữ xấu trai thậm tệ. Hay có lẽ những người đàn ông già sống độc thân thì thường có những giấc mơ về người vợ tương lai của mình như thế chăng? Thấy tôi lộ vẻ không tin, gã liền giở nắp thùng đạn đại liên lấy ra một tấm ảnh. Quả thật, cô gái trong ảnh đúng là xinh đẹp, phúc hậu, cỡ diễn viên Võ Sông Hương bây giờ. Tôi liền đùa: "Ông anh gởi thư cho báo xin ảnh diễn viên hồi nào vậy?". Gã giận, không thèm nói chuyện với tôi suốt nửa tháng sau đó. Rồi nhịp sống thôn quê vẫn bình lặng trôi qua với những người đàn bà đi cấy lúa, những người đàn ông cuốc đất trồng khoai và những đứa trẻ chân đất tới trường. Quán sá cạnh con đường đã phủ đầy bụi, theo thời gian bụi đỏ càng dày thêm. Nghe nói sau năm 2000, miền này sẽ trở thành khu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên những người nông dân ùn ùn bán tống bán tháo đất đai, vườn tược để nhào ra cất nhà cạnh con lộ. Xóm nhỏ quanh đi quẩn lại chỉ có bấy nhiêu người, giờ quán sá đua nhau mọc lên cũng chỉ với bấy nhiêu người. Hễ quán nào khai trương cũng mời gã đến để mở hàng hòng được buôn may bán đắt. Nhưng quán thì nhiều mà người lại thưa thớt nên cái khiếu bẩm sinh mở hàng đắt khách của gã cũng trở thành ế khách. Gã vẫn đến quán tôi vào chiều thứ hai, tư, sáu và chủ nhật. Vợ tôi vẫn mang đến cho gã xị rượu ngâm ổi sẻ và dĩa khô đuối xé nhỏ; nhưng kể từ ngày có ông bộ trưởng về nên vợ tôi còn tặng thêm gã một gói thuốc Đà Lạt. Chuyện thôn quê thường ít có gì mới mặc dù chúng tôi vẫn thường hỏi khi gặp nhau: "Chuyện thế giới có gì mới không? Còn thuốc cho xin một điếu". Duy cách đây hơn một năm thì cái xóm nhỏ của tôi có chuyện mới thật sự. Gã đã từng có vợ chứ không phải gã khoác lác. Điều gây cú sốc lớn là vợ gã quả là người đàn bà xinh đẹp dù tuổi của chị ta cũng quãng trên 50. So với tấm hình hồi còn trẻ, chị ta không có nét khác biệt bao nhiêu. Chị ta đến xóm tôi vào một buổi chiều giáp Tết Nguyên đán, mang theo lỉnh kỉnh va ly cùng một ông Tây cao lớn, mắt xanh mũi lõ và một đứa con trai có thể xác giống Tây nhưng mái tóc là của người Việt. Trong tình thế ấy, thoạt đầu gã tỏ vẻ khó chịu khi thấy vợ mình đi với một người đàn ông khác, lại là một người ngoại quốc. "Biết làm sao được. Mình cũng già rồi!" - Gã chặc lưỡi khi nói với tôi - "Thấy người ta sống hạnh phúc mình cũng mừng". "Sao trước kia hai người xa nhau?" - Tôi xoáy sâu vào vấn đề. "Cũng tại tôi. Tôi bị thương. Tôi không còn khả năng làm chồng ai hết". Gã nói khẽ, gương mặt lộ vẻ đau đớn. Từ đó tôi mới hiểu ra. Tôi hiểu đó là nỗi đau sâu kín và vô tận của một người đàn ông, của một người chồng. Nhưng lúc nhìn cách chị ta đối xử với gã, tôi mang máng nhận ra chị ta vẫn còn yêu gã lắm. Chị ta trở lại là một người vợ hiền thục, tần tảo năm nào của gã. Cởi bỏ bộ quần áo diêm dúa, chị ta mặc lại bộ quần áo bà ba quen thuộc của xóm quê. Sáng sáng, chị ta tự tay đến chợ lựa mua những thức ăn thật ngon về cho người chồng cũ. Nội cái việc chị ta chịu ở lại trong căn chòi rách nát ấy đủ biết chị ta thời còn trẻ đã yêu gã đến mức nào. Ông Tây không lấy đó làm ghen. Chị vợ muốn làm gì thì làm, còn ông thì mê mải với cái máy ảnh và máy quay phim, lia ống kính hết chùa này, đến cây cầu tre nọ và những thửa ruộng rợp cánh cò ngoài kia. Ông ta không biết tý gì tiếng Việt ngoại trừ tiếng "cám ơn". Có một lần, ông Tây thấy một bà sồn sồn đang ngồi trong cây cầu tiêu bắc cheo leo trên hồ cá rộng. Cảnh ấy chắc là lạ nên ông Tây thích thú giơ máy chụp tanh tách mấy kiểu liền. Bà sồn sồn tức giận, vội vã kéo quần lên, lượm một khúc củi khô rượt ông Tây chạy có cờ. Ông Tây liền kêu cứu inh ỏi bằng hai tiếng cám ơn, cám ơn... khiến dân làng được một phen cười rã ruột. Thôn quê đi trong sự yên bình bằng những sợi khói bếp vờn trên mái lá. Gã và ông Tây từ sự đứng xa nhướng mắt thăm dò nhau bỗng trở nên quen thân tự khi nào. Ngày ngày, dân làng thấy hai người đi bên nhau. Gã còn dạy cho ông Tây leo dừa, tự bẻ dừa xiêm để uống. Thậm chí, hai người còn chơi những trò trẻ con như leo lên nhánh quao để nhảy ùm xuống sông hay gã còn dẫn ông Tây đi đào dế ở những mảnh ruộng khô nức nẻ. Thằng Tây con thì khoái trò tắm sông hơn. Lũ trẻ xóm này kéo nó hòa nhập vào rất nhanh, nhanh đến nỗi sau vài ngày nó đã biết gọi tên món kho khô quẹt thay vì trước đó nó gọi là "nước biển xào". Chị vợ ngỏ ý muốn xây một căn nhà mới cho gã nhưng gã từ chối, đáp sống một mình thì cần gì. Gã còn nói nếu muốn thì chị ta nên cất lại đình làng giống y như ngày xưa, để làm nơi thờ cúng các bậc tiền hiền của cả xóm, cái nơi mà gã và chị lần đầu quen nhau. Chị ta đồng ý, nhưng khi lên xin phép ủy ban thì họ bảo phải chờ họp để xem xét. Xét đi xét lại mấy lần cũng không xong cho đến ngày chị ta phải cùng chồng con bay về Âu châu. Đâu lại vào đó. Chiều thứ hai, tư, sáu, chủ nhật gã lại đến quán tôi và chiều thứ ba, năm, bảy thì ở nhà để viết văn. Tôi nhận thấy từ ngày gặp lại vợ, gã có vẻ vui hơn mọi khi. Tôi định bụng đến một ngày thuận tiện nào đó, tôi sẽ moi bằng được câu chuyện tình xa xưa của gã. "Chị ấy hồi trẻ chắc là như tiên giáng trần" - Vợ tôi vốn khó tính trong cách nhận định nhan sắc của người đồng giới cũng phải bật thốt lên. Đùng một cái, gia đình nhà vợ cho vợ chồng tôi một căn nhà ở thị xã nên chúng tôi quyết định dọn đến đó để dễ buôn bán. Tôi từ giã xóm quê yên tĩnh trong màn mưa rây qua những cánh đồng và khu vườn dừa cùng ánh mắt đượm buồn của người bạn già là gã. "Ở chợ, thấy chuyện thế giới có gì mới, xin cho hay!" - Gã nói rầu rầu. "Chắc chắn sẽ có tin mới mà" - Tôi quay mặt đi, xiết chặt tay gã. * Công việc buôn bán ở thời buổi kinh tế thị trường khiến tôi chẳng còn có dịp nào để quay về thăm quê và sang thăm người bạn già. Cho đến cái hôm chị Tư bán tiệm tạp hóa ở xóm cũ của tôi đến thị xã bổ hàng tôi mới hay gã mất. "Mới thấy sờ sờ đó rồi chết đó" - Chị Tư nói nghèn ngẹn - "Trưa thứ Bảy chôn. Sao chết hả? Người ta đốn dừa, bị đứt sợi dây chằng kéo nên dừa ngã trúng ngay ảnh. Thật ra người chết sẽ không phải là anh ấy. Chú Sơn còn nhớ thằng Kẹo con anh Hai tôi không? Nó đang chơi đùa gần đó. Thằng Kẹo cầm mười mươi là bị dừa đè nhưng anh Hậu kịp lao tới xô thằng nhỏ xuống sông. Chuyện xảy ra trong chớp mắt, không ai ngờ...". Những lời tiếp sau đó của chị Tư như trôi tuột vào thinh không. Tôi cứ đứng ngẩn ngơ như vừa bị mất một báu vật. Trong đầu óc tôi chợt miên man cảnh cái xóm nhỏ nghèo nàn, lưa thưa mái lá với những chuyến xe lam vội vã lao qua, phủ đầy bụi đỏ. Và những buổi trời chạng vạng của thứ hai, tư, sáu, chủ nhật, thấp thoáng đây đó hình bóng một ông già với dáng đi khập khiễng lặng lẽ đến quán tôi; còn thứ ba, năm, bảy ông già ấy phải ở nhà để cặm cụi trải lòng mình trên trang giấy.
Bến Tre, 1998
Vũ Hồng
        
 CÀO CÀO LÁ DỪA
Quà của cha
Con luôn sống trong tình thương ngày cũ,
Ngày có cha âu yếm dưỡng nuôi con,
Năm tháng qua tim dẫu có héo mòn...
Vẫn mơ ước buổi đoàn viên hội ngộ!

Nơi xa xứ con một hình một bóng,
Tìm công danh mãi miết với cô đơn...
Nhưng trong tâm con chẳng chút tủi hờn,
Vì luôn nghĩ cha vẫn còn đâu đó...!

Món quà xưa giúp cho con gặp lại,
Cha thân yêu mà cứ ngỡ trong mơ...?!
Hình ảnh cha con luôn nhớ tôn thờ,
Giờ mãi mãi chẳng bao giờ xa cách !!  
NM 
 
Con Cào Cào Bằng Lá Dừa
Đứng trong hàng rào kẽm gai của khu thăm nuôi. Bé Mai cố nhướng mắt để tìm người cha thân yêu của mình trong số những đoàn người gầy guộc, xanh xao, vàng vọt đang lếch thếch cất bước trên đường về trại tù. Với ánh nắng trưa hè gay gắt,mọi nguời đi thăm nuôi đều đứng trong mái hiên ngẩng cổ nhìn ra. Riêng bé Mai bất chấp những tia sáng nóng đang rọi trên đôi má ửng đỏ, những giọt mồ hồ đang rịn trên trán. Cô bé cố giơ cao những con cào cào xanh hướng về phía đoàn người đang lần lượt đi qua, hầu mong cha của mình sẽ mau chóng nhận ra. Ông Sinh đã nhận ra con gái , ông giơ cao lon gô vẫy vẫy. Bé Mai sung sướng reo lên :“Má ơi. Con thấy ba rồi! Con thấy ba rồi !
Đoàn tù vẫn bình thản bước lên đồi. Ông Sinh vừa đi vừa ngoảnh cổ lại đằng sau nhìn con..Khi không còn thấy hình bóng cha nữa, bé Mai mới chịu chạy lại bên mẹ thút thít khóc.  Thiếu phụ rút khăn tay lau mồ hôi trên trán con, vuốt mái tóc bé an ủi :
“Nín đi con, tí nữa mẹ con mình gặp cha rồi.”
Thời gian thăm nuôi thật ngắn ngủi, chỉ mười năm phút. Ông Sinh chỉ kịp ôm con vào lòng, hôn lên má con. Hỏi han vợ năm ba câu, chẳng nói được gì nhiều, đã gần hết giờ.  Mọi người trong phòng thăm nuôi chỉ biết nhìn nhau khóc và khóc. Đến gìơ. Tên cán-bộ oắt con quơ quơ khẩu súng AK. về phía mọi ngừời:
“Đã hết giờ, yêu cầu mọi người đứng lên ra về.”
Ông Sinh vôi vàng nắm chặt hai bàn tay vợ và ôm hôn con lần cuối, sách bị gói lương khô cùng mấy con cào cào theo chân mọi người ra cửa.  Ngồi trên chuyến xe lô trở về thành phố, hầu hết là những bà vợ đi thăm nuôi chồng, họ đều mệt mỏi trong cuộc hành trình dài. Phần vì đường xa, phần vì phải thức khuya dậy sớm để nấu thức ăn, giờ đây tất cả đều cố nhắm mắt thiu thiu ngủ dưỡng sức. Riêng bé Mai không tài nào ngủ được, dù rất muốn ngủ và mệt mỏi. Hình dáng của người cha luôn luôn lởn vởn trong trí óc bé, than hình gầy gò, đen đủi cùa ông khác xa với hình dáng trắng trẻo, hồng hào, mập mạp trước kia rất nhiều. Bé là người được cha thương yêu nhất. Đêm nào ông cũng ru bé ngủ, kể truyện cho bé nghe, trước khi rời khỏi phòng ông không quên hôn lên nút ruồi son trên cổ bé, mà ông thgường gọi đùa là : Nốt ruồi mang đến nhiều sự may mắn.” Ông có đôi bàn tay rất khéo léo và nghệ thuật. Chính ông đã dậy cho bé xếp hình những con thú, đồ vật bằng giấy nhất là thắt hình những con cào cào bằng lá dừa non thật là tuyệt, trông chúng đẹp, hung dũng, oai phong biết bao! Bé rất thích và thường thắt để tặng bạn bè, vì thế chúng thường chọc và gọi bé lá con cào cào xanh.Biệt hiệu này bé rất thích và thường hay kể lại với cha. Ông nói con cào cào xanh với đôi chân cứng cáp, nhẩy xa, biểu hiện cho sự tương lai vững chắc. Cha muốn con gái của cha sau này cũng giống như những con cào cào này.
Riêng ông Sinh, ông không thể không cầm được nước mắt khi nhìn giỏ quà của vợ con. Sau gần hai năm tù cải tạo, đây là lần đầu tiên ông được thăm nuôi. Giỏ qùa dù ít nhưng nó đã gói ghém biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, tình thương của gia đình, dù ít nhưng ông rất ấm lòng. Nhất là mấy con cào cào xanh, nhìn chúng ông cảm thấy vui vui và xao xuyến trong lòng. Cô bé không biết đã bỏ biết bao nhiêu công sức, tình thương yêu gói trọn vào đó để dành cho cha. Nghĩ tới đó tim ông như thắt lại.
Đây là lần đầu và cũng là lần cuối ông gặp mặt vợ con. Kể từ ngày thăm nuôi cho tới mấy năm sau này, ông không hề nhận được bất cứ tin tức gì về gia đình. Lòng ông như rối bời, tâm tính như mất trí, thân xác kiệt quệ. Mấy lần ông đã ngã qụy, tưởng không thể sống nổi, may nhờ bạn bè an ủi, giúp đỡ về vật chất cũng như tinh thần , ông đã qua khỏi. Cuộc sống tù đầy cứ như thế: Chịu đựng, đau khổ, đói khát. Cho tới cuối năm 1981 ông được thả về.
Ra khỏi tù, ông không còn nơi nương tựa. Theo chòm xóm cho biết: Vợ con ông đã vượt biên năm 1976. Gia đình bên vợ thì đã bán nhà dọn đi nơi khác, không biết biệt tích nơi đâu. Còn bên ông thì không có ai cả, vì ông vô Nam chỉ có một mình khi ông mới mười hai tuổi. Thế là hết! không biết đâu mà mò.  Điều làm ông lo âu nhất, là vợ con ông có thật sự đi vượt biên không, hay là tin đồn nhảm?! Nếu đúng như vậy, liệu có thoát không? Hay là đã bị…ông không dám nghĩ tiếp. Nếu thoát, tại sao không gửi thư về để cho ông biết tin Những câu hỏi tại sao?..tại sao?… làm cho ông điên đầu. Hiện giờ ông mù tịt, và cũng không hiểu vì sao?!
Ra khỏi nhà tù nhỏ, ông lại vô nhà tù lớn. Cũng lao động thân xác để kiếm miếng ăn, cũng phải học tập, trình diện hàng tháng. Người ông càng ngày càng tiều tụy, nhưng ông phải ráng sống để có ngày gặp lại mặt vợ con. May mắn nhờ một người bạn tù cùng chung một tổ trong trại tù, đưa ông về nhà cho tá túc qua ngày, cùng chỉ ông cách thức vá giầy, dép cũ. Cuộc sống của ông cũng tạm đủ. Dạo này trời Sài-Gòn hay đổ những cơn mưa bất tử, làm ông Sinh dọn hàng ra, vô muốn bở hơi tai. Hai năm sau này công việc làm ăn của ông đâm khá ra. Giầy dép cũ mới, chôm chỉa gì ông cũng mua tuốt luốt, đem sửa chút ít, dánh bóng lại bán được gía cao. Một người khách đi đến gian hàng ông. Ngắm nghía lựa một đôi, sỏ vừa chân,, cầm lên hỏi:“Bác , Đôi này bao nhiêu?” Đang cúi lau giầy, ông vội vàng ngửng đầu lên định trả lời. Nhưng thấy người khách ông bỡ ngỡ, cảm thấy rất quen nên chưa kịp đáp. Người thanh niên thấy mặt ông cũng giật mình lùi lại, trơn mắt như gặp phải ma. Cậu ta định thần nhìn kỹ. Vội hỏi:
“Xin lỗi, xin lỗi. Bác có phải…..phải tên Sinh không?”
Cũng vừa kịp lúc ông Sinh nhận ra người khách lạ, chẳng ai khác hơn chính là cậu em vợ của mình. Như bắt được vàng. Ông Sinh rối rít dọn hàng không bán nữa. Hai anh em kiếm một quán cà phê ngồi tâm sự.  Thì ra vợ con ông đi vượt biên thực sự, hiện định cư ở Mỹ. Vợ ông đã có chồng khác và đã có hai con, một trai, một gái. Cha mẹ vợ đã bán nhà ở thành phố, dọn về quê ở. Mấy năm nay ông bà vẫn đều đặn nhân được tiền bạc do con gái chu cấp hàng tháng, và hiện cậu em trai vẫn còn ở với cha mẹ. Không hiểu vì lý do gì, cố ý hay có uẩn khúc gì khác, ông bà lại báo với con gái là ông đã chết trong trại tù. Ngay ngày hôm sau. Ông Sinh cùng cậu em vợ vội đáp xe đò về thăm gia đình vợ. Chuyến thăm này đã khiến ông Sinh nhận nhiều sự đắng cay tủi nhục. Sự ơ hờ, tiếp đón tẻ nhạt đã làm ông thất vọng. Ông không có địa chỉ cũng như không có tin tức gì về vợ con. Ông chỉ biết đạì khái là vợ ông không muốn cho ông biết nơi ở của nàng. Chuyện ông bị chết là do công an tới nhà báo tin. Nhưng nhờ vào lòng tốt của cậu em vợ, cuối cùng ông cũng có được địa chỉ của vợ con trong tay. Nhưng làm được gì với địa chỉ này ? Đối với vợ, ông có lỗi với nàng chứ không phải nàng có lỗi với ông. Ở vậy chờ chồng nuôi con là việc tốt, nếu không thì đành phải chấp nhận, không thể oán trách. Nhưng với con, ông phải có bổn phận và trách nhiệm. Ông nhớ cô bé vô cùng không kể xiết. Ông đã viết thơ nhiều lần, nhưng chẳng bao giờ được hồi âm. Lại mu tin, mù tịt. Đầu óc ông rối rắm tơ vò. Con ông ra sao rồi?! Sau đó chương trình HO được cứu xét, đưa các sĩ quan tù nhân cải-tạo qua Mỹ. Ông sung sướng bán tín, bán nghi. Nhưng sự thật đã đến. Giờ đây ông đã ngồi trên máy bay đến Mỹ theo diện HO.8. Việc đầu tiên của ông dự định là sau khi lo thủ tục giấy tờ xong, ông sẽ đi tìm vợ con. Đứng trước cánh cổng sắt của căn nhà sang trọng, trong một thành phố thuộc tiểu bang Illinois. Ông Sinh lưỡng lự không dám bấm chuông, lòng ông hồi hộp, tim đập loạn xạ.. Ông đang tưởng tượng hình dáng vợ mình bây giờ thế nào? Con mình đã lớn khôn ra sao? Cô bé giờ đã hai mươi mốt tuổi rồi còn gì, không biết ông có còn nhận ra không?! Rồi ông tự hỏi có nên vào hay không ? Gia đình người ta đang hạnh phúc, mình vào có đúng lúc không?! Đang lúc suy nghĩ miên man. Chợt ông thấy một thiếu phụ từ trong nhà đi ra, tay cầm bình tưới cây nhỏ, tưới vào những chậu hoa trước cửa. Ông không thể nhầm được, đó chính là vợ mình dù thời gian có thay đổi. Ông tính rướn người lên gọi nhưng kịp ngừng lại.Một người đàn ông tóc vàng từ bên hông nhà đi tới, đến sau lưng người thiếu phụ ôm choàng lấy nàng, hai người hôn nhau thắm thiết. Ông lặng người tê tái, quay gót bỏ đi. Về quán trọ, ông viết vội vài chữ gửi cho vợ, hẹn nàng cho ông gặp mặt dù chỉ một vài phút. Ngồi trước mặt vợ, ông nhận thấy nàng rất đẹp, đẹp hơn trước nhiều, nhưng cũng không đấu được nhiều nếp nhăn trên trán khóe mắt, vành môi. Để phá tan bầu không khí ngỡ ngàng. Ông Sinh khen vợ:
“Em. Trông em đẹp lắm !”. “Cám ơn anh. Anh qua đây từ bao giờ? Trông anh già và ốm yếu quá ! Anh có cần sự giúp đỡ gì không? Chồng em quen biết rất nhiều.”
Ông Sinh thấy nàng tự nhiên qúa, không có nét xúc cảm nào lộ trên khuôn mặt. Ông cũng bình thản.
“Cám ơn em. Anh, chữ nghĩa tiếng Anh, tiếng u còn kém lắm, vả lại mới qua chưa cần gấp. Anh muốn gặp con, nó dạo này thế nào rồi ?”
Không trả lời vội. Nàng đẩy ly cà phê sữa tới trước mặt ông:
“Cà phê Starbuck này ở Mỹ có tiếng lắm. Em còn nhớ anh thích uống cà phê nên em kêu. Còn con hả, em cũng muốn mong gặp nó đây. Mấy năm nay nó chẳng hề ghé thăm mẹ. Lâu lâu gọi phôn lấy lệ”.
Ông Sinh nhỏm dậy:
“Em đã làm gì nó? Bây giờ nó ở đâu? Cho anh xin số phôn và địa chỉ của nó! “Nào em biết. Nó không muốn cho em biết bất cứ điều gì.”
Ông Sinh như chết điếng:
“Em nói thật đó chứ?!”. “Em không dối gạt anh. Dù chúng ta không còn là vợ chồng. Nhưng đối với con em rất mực thương yêu. Có anh đây em rất mừng, anh sẽ lo cho nó. Nó là đứa con rất có hiếu. Sự việc không hay xẩy ra, hoàn toàn do lỗi tại em. Anh đi tìm con dùm em.Cho anh biết thêm là hiện nay nó đang học nghành y-khoa, sắp ra trường. Anh cứ đi hỏi mấy trường đại học xem sao! Em đã dò hỏi khắp mọi nơi rồi, nhưng vẫn biệt vô âm tín. Anh mới qua chắc cần tiền bạc, em giúp.”
Vừa nói, nàng vừa mở bóp lấy cuốn chi phiếu.
Ông Sinh nghe vợ nói một hồi như lùng bùng lỗ tai. Không cần nghe thêm, ông xô ghế đứng dậy. Nhờ những người quen biết chỉ dẫn. Ông Sinh đăng tin tìm người trên báo chí cả Mỹ lẫn Việt, cùng phôn tới tất cả các trường đại học xa gần, vẫn không có kết qủa. Ở nước Mỹ to lớn này gồm năm mươi tiểu bang, có biết bao nhiêu trường đại học mà kể, tìm người như tìm kim đáy biển, biết đâu mà mò. Rồi ông lại suy nghĩ vớ vẩn, nhỡ con bé tự tử. Nghĩ tới, nghĩ lui làm ông rối trí thêm. Cuối cùng ông đành buông xuôi cho số phận thời gian. Để mưu sinh và cũng để tạo cơ hội tìm kiếm, ông ghi danh đi học khóa đào tạo y công, phụ giúp trong các bệnh viện, hầu hy vọng có một ngày nào đó gặp được con mình. Thời gian cứ thế trôi qua. Ông đã phục vụ rất nhiều bệnh viện trong tiểu bang California này mấy năm rối, cũng thăm hỏi nhiều rồi, sự hy vọng của ông càng ngày càng giảm, hầu như tuyệt vọng.
Niềm vui thú duy nhất của ông hiện thời là mấy con cào cào xanh, mà ông cất rất kỹ từ khi thăm nuôi tới giờ, dù chúng đã khô héo quắt queo. Mỗi khi nhớ con ông lại mang ra ngắm nghía, tâm hồn ông lúc đó hoàn toàn chìm đắm trên khuôn mặt cuả bé Mai.
Jennifer Trần là một bác sĩ trẻ, đẹp, làm việc rất siêng năng, cần mẫn, hay giúp đỡ mọi người. Ai cần việc gì, khó khăn gì hay trong nhà cần chuyện gì, cần người thay thế, bác sĩ vui lòng giúp đở, dù đó là ngày nghỉ của mình.Bác sĩ đã có vị hôn phu cùng phục vụ trong cùng một bệnh viện. Hai người tính làm đám cưới lâu rồi, nhưng không hiểu vì sao cứ lần này rồi lại lần khác, không thể thực hiện được. Bạn bè thúc giục, khuyên nhủ, nàng chỉ cười.. Tuy là người vui tính thích bong đùa, nhưng bác sĩ Trần vẫn không dấu được nét buồn của mình. Nét buồn đó càng làm tăng thêm vẻ đẹp dịu hiền, mà ai cũng gọi đùa là “nữ hoàng sầu muộn” Dù còn trẻ, nàng vẫn không thích nơi hội hè đình đám, những chỗ đông người, mà chỉ muốn sống cho riêng mình, nhưng đối với bạn hữu nàng cũng quậy ra trò.
Hôm nay ông Sinh nghỉ không đi làm. Ông rảnh rỗi cùng người bạn gìa đi thăm cháu gái của ông ta bị bệnh nằm trong bệnh viện. Tiện thể ông mang mấy con cào mà ông mới thắt đêm qua, cho cháu gái làm quà. Ngày chủ nhật, bệnh viện sao có qúa nhiều ca mổ! Bác sĩ Trần đã thấm mệt, mồ hôi rịn đầy trán. Nàng lấy khăn mui xoa chấm chấm mồ hôi, bây giờ nàng mới thực sự được rảnh tay. Bác sĩ Trần đi qua dẫy phòng khoa nhi để đến phòng ăn, vì từ sáng đén giờ nàng chưa có cái gì vào bụng. Những tiếng cười khanh khách của một bé gái nào đó vang lên từ phòng khoa nhi. Cảm thấy vui vui nàng ghé lại nhìn thử.Một bé gái, nằm quay mặt vào phía trong, hình như đang giỡn với vật gì đó, làm cho cô bé khoái chí cười nắc nẻ. Tính tò mò thúc đẩy, nàng rón rén lại gần, nhìn vào phía trong.. Bất gíác nàng run người lên , mắt mở trợn trừng. Cô bé dang cho hai con cào cào xanh đá nhau, hai con cào cào được thắt bằng lá dừa xanh , trông thật là đẹp. Nàng run run cầm lên mân mê. Hỏi : 
“Ở đâu bé có hai con cào cào này?”
Như sợ bị la mắng, chơi đồ chơi trong phòng bệnh.
Cô bé phân bua:
“Không phải của con mua, mà của ông gìa lúc nẫy cho con”.
Bác sĩ Trần không kềm được xúc động , hỏi dồn:
“Bao lâu rồi ? Ông đi đâu ?”
Cô bé hốt hoảng :
“Dạ…dạ, con cũng hổng biết. Đã lâu rồi!”
Bác sĩ Trần hốt hoảng bước ra khỏi phòng, dáo dác nhìn quanh. Mặc kệ cho bụng đói, nàng chạy từ phòng nọ qua phòng kia, từ dẫy nọ qua dẫy kia để tìm kiếm. Trước sự lạ lùng đó, mọi nhân viên trong bệnh viện đều vây lại hỏi thăm, Nàng hỏi bâng quơ :
“Có ai thấy ông gìa nào đó trong bệnh viện không?”
Trước câu hỏi ngây ngô đó, mọi người đều không nín được cười, nhưng không ai dám cười trước vẻ nghiêm trọng của bác sĩ Trần. Trong bệnh viện này, biết bao nhiêu ông gìa, bà cả đi thăm con cháu, người thân. Cảm thấy câu hỏi của mình qúa ngớ ngẩn, nàng cười gượng:
“Thôi. Không có gì, cám ơn các bạn.”
Tuy nói vậy nhưng trong lòng nàng vẫn không yên, tự nghĩ: ”Chỉ có cha mình mới thắt kiểu đó, nhưng ông đã chết rồi mà! Chẳng lẽ vì quá nhớ cha mà đâm ra mê sảng ?.!”
Thôi đi ăn cơm!
Bác sĩ Trần, chính là bé Mai. Từ khi theo mẹ đi thăm nuôi cha, trở về nhà, không ngày nào bé không nghĩ đến cha của mình. Ngày vượt biển ra đi, bé nhất định không chịu , đợi ngày cha trở về đi cùng. Vì sự hăm dọa của ông bà ngoại cùng những lời khuyên giải của mẹ, bé đành chịu phép. Sang đến Mỹ bé nhất định phải học giỏi để có tiền gửi cho bà ngọại đi thăm nuôi cha đều đều. Bé sẽ nhẩy cao, sẽ cứng cáp như những con cào cào xanh mà cha đã từng nói.
Cuộc vượt biên êm xuôi. Sau hơn một năm ở trên đảo, bé cùng mẹ được định cư tại Hoa-Kỳ. Dòng đời đưa đẩy, mẹ lấy chồng khác, một anh chàng Mỹ giầu có. Cô bé có thêm hai đứa em gái. Giờ đây, bé Mai đã mười chín tuổi, cái tuổi bước vô ngưỡng cửa đại học. Càng lớn nàng càng giống cha. Đã nhiều lần nàng biên thư và gửi tiền cho ngoại để hỏi thăm tin tức, cùng sức khỏe của cha trong trại tù, nhưng không ai trả lời. Có hỏi mẹ, chỉ được biết:
“Cha con đã chuyển đi ra ngoài Bắc rồi. Bà ngoại đã già không thể đi được.”
Nói sao nàng tin vậy. Mỗi lần nhớ ông, nàng lại mang hình hai cha con ra ngắm. Tấm hình nàng đã mang theo khi đi vượt biên. Sống chung đụng trong cùng một mái nhà. Điều làm cho nàng ghê tởm, xấu xa, bỉ ổi nhất là anh chàng Mỹ kia cứ nhởn nhơ mặc quần lót đi trong phòng khách. Có lần hắn đã dám xàm xở ôm nàng sờ soạn khi không có mẹ ở nhà. Từ đó nàng đã bỏ nhà đi sang tiểu bang khác, chỉ biết học và làm việc tự lo cho bản thân, lâu lâu hỏi thăm mẹ qua điện thoại công cộng. Vào một ngày, khi điện thoại về thăm mẹ, được bà báo cho biết: Cha đã chết trong tù! Mọi vật như sụp đổ. Nguồn hy vọng bám víu cuối cùng cũng không còn. Thế là hết ! Nàng đã khóc đến khô cả nước mắt, cuộc sống như tẻ nhạt, chán chường không còn tha thiết gì nữa! Nàng chỉ biết vùi đầu vào sách vở cho quên nỗi buồn, và phải chiến đấu, chiến đấu, cứng cáp như những con cào cào xanh mà cha nàng khi còn sống hằng mong mỏi. Cuối cùng nàng cũng lấy được mảnh bằng chuyên khoa giải phẩu. Qua tin tức báo chí. Bác sĩ Trần được biết các sĩ quan tù cải tạo được chính phủ Mỹ cứu xét cho định cư tại Hoa kỳ theo chương tình HO.Không hiểu sao nàng hồi hộp lạ thường. Rồi quyết định bỏ miền đông tuyết phủ, trở về với nắng ấm Cali. Hôm nay là ngày lễ Thanksgiving day, nàng muốn đi ra biển. Không phải để tắm hay hóng gió mà nàng muốn làm một công việc, công việc này nàng đã dự tính từ lâu nhưng vì qúa bận rộn nên không thể thực hiện được. Nhân ngày lễ tạ ơn nàng phải làm điều gì để nhớ ơn cha. Nàng sẽ thắt thật nhiều, thật nhiều con cào cào thả xuống biển, để chúng mang lời cầu nguyện của nàng đến người cha thân yêu. Nàng tin tưởng rằng ở nơi xa xăm vĩnh cửu nào đó cha nàng sẽ nhận được lời khấn nguyện này. Nàng rủ bác sĩ Hải (vị hôn phu) cùng đi chơi biển. Chàng rất thích thú lẫn ngạc nhiên về lời yêu cầu này, khác với bản tính trầm lặng không thích nơi ồn ào của nàng từ trưóc đén giờ, bèn okay chấp nhận liền.
Trong khi chờ đợi vị hôn phu đi mua thức ăn. Nàng dã kiếm đựợc khá nhiều lá dừa xanh, cẩn thận chau chuốt tước từng lá và bắt đầu thắt những con cào cào.Nàng để hết tâm trí vào công việc, chìm đắm trong niềm thương nhớ cha. Ngoài kia. Sau khi đã mua thức ăn, trên đường trở về chỗ cũ nơi bãi biển, chàng thấy một đám con nít đang vây chung quanh một cụ già Việt-Nam, trên tay đứa nào cũng cầm một con cào cào, thấy hay hay chàng cũng xin một con. Vừa đi vừa ngắm con cào cào, chàng cảm thấy nó rất đẹp và còn có vẻ oai phong nữa. Chàng sẽ cho vị hôn thê, chắc nàng sẽ thích thú lắm! Về đến nơi. Thật, chàng không thể tin vào mắt mình, nàng cũng đang thắt…..con cào cào.
“Em đang làm gì vậy.” “Thắt con cào cào.” Chàng cầm con cào cào mới xin được, vẫy vẫy trước mặt nàng. “Anh cũng có một con.”
Nhìn con cào cào, mặt nàng tái mét, hỏi dồn:
“Ở đâu anh có nó?”
Chàng chỉ về hướng đám trẻ:
“Một cụ già Việt-nam cho anh.”
Chẳng nói chẳng rằng, nàng nắm tay chàng chạy như bay về hướng chỉ. Một ông già, tóc bạc qúa nửa. đeo cặp kiếng lão, Hai tay đang thoăn thoắt thắt những con cào cào. Dù thời gian, tuổi tác có thay đổi, nhưng với hình dáng kia, nét mặt kia đã in sâu vào tâm khảm, nàng không thể nhầm được, chính là cha nàng. Qúa xúc động, nàng ngất xỉu. Sự việc xẩy ra qúa đột ngột, bác sĩ Hải hoảng hốt la cầu cứu. Ông Sinh (vâng, chính ông Sinh) ở vị trí gần nhất nghe tiếng hét vội vàng nhào tới. Ông vội thọc tay vào túi quần lấy lọ dầu xanh thoa lên hai thái dương cô gái, giựt tóc mai, giựt gân cổ. Bỗng người ông run lẩy bẩy, tim như muốn ngừng đập, khi ông thấy nốt ruồi son trên cổ cô gái, trên tay cô còn nắm chặt con cào cào. Như có linh tính, ông định thần nhìn kỹ khuôn mặt thiếu nữ. Ông gào lên trong tiếng nức nở, nghẹn ngào: “Trời ơi! Mai….Mai, con tôi.”

Cũng vừa lúc xe cứu thương tới nơi, đưa bệnh nhân lên xe. Ông Sinh, bác sĩ Hải cũng vội vàng leo lên theo. Cầm tay con gái, lòng ông Sinh bồi hồi xúc động, ông không nghờ gặp con trong hoàn cảnh này. Hai hàng nước mắt ngắn, dài chẩy trên hai gò má nhăn nheo. Nhưng ông cảm thấy sung sướng và ấm áp vô cùng.
Tin bác sỹ Trần thị Mai gặp lại được cha già sau hai mươi năm xa cách đã loan truyền khắp trong bệnh viện, một vụ trùng phùng đầy đau thương, thích thú, khiến ai cũng mủi lòng.  Hôm nay nhà bác sỹ Mai thật đông đảo khách tới thăm, bạn bè, thân hữu nghe tin mang hoa tới chúc mừng. Trong mấy năm qua , bây giờ mọi người mới thấy được nét tươi vui, rạng rỡ thực sự trên khuôn mặt u sầu của vị bác sỹ mà họ mến yêu. Nhưng người sung sướng nhất vẫn là bác sỹ Hải.
Dương Thịnh


Quê Dừa yêu dấu

Cây Dừa Trong Văn Hóa Tây Nam Bộ

1. Cây dừa với vùng đất, con người vùng Tây Nam Bộ
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Sơn Nam, Tây Nam Bộ chính là nơi sản sinh ra “văn hóa miệt vườn”. Có thể nói, vùng văn hóa này tuy sinh sau nhưng đã có những biểu hiện hết sức độc đáo mang tính chất đặc thù của vùng đất lắm sông, nhiều rạch. Vùng văn hóa miệt vườn gắn liền với sinh hoạt làm nông nghiệp, mà chủ yếu là trồng lúa nước và các loại cây ăn trái. Có thể vì thế mà nhà nghiên cứu Sơn Nam cũng như các nhà nghiên cứu khác đều thống nhất rằng, nói đến Tây Nam Bộ là nói đến văn hóa miệt vườn mà chủ yếu là gắn với việc trồng trọt các loài cây ăn trái, lấy quả. Xưa kia, các loài cây ăn trái của vùng đất này đã trở nên nổi tiếng không chỉ trong vùng mà còn khắp cả nước. Trong các loài cây đó, có lẽ cho trái lâu năm và có mối quan hệ gắn chặt với con người của vùng đất thì cây dừa là tiêu biểu hơn cả. Có thể nói, các biểu hiện trong sinh hoạt văn hóa của con người vùng đất này không thể thiếu vai trò của cây dừa. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, cây dừa giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của con người nơi đây.
Trong nền văn hóa, trong tâm thức con người Việt Nam, có lẽ cây dừa đã trở nên quen thuộc và có giá trị bền vững thể hiện không chỉ qua cuộc sống hằng ngày mà còn đi vào văn hóa nghệ thuật dân gian và cả bác học. Ta đã từng biết tranh hứng dừa tiêu biểu cho văn hóa làng nghề truyền thống đậm nét dân gian của miền Bắc. Và phải chăng vì thế mà ở vùng Tây Nam Bộ cây dừa cũng được văn hóa phản ánh đậm nét. Ở vùng đất này cũng đã có câu đố mà gần như ai cũng biết về quả dừa một vũng nước trong, cá lòng tong lội không tới. Thậm chí trong những giai thoại về Bác Ba Phi của vùng đất Minh Hải xưa cũng có câu chuyện về “Bác Ba Phi leo ngọn dừa chém máy bay Mỹ”… Rồi hình tượng cây dừa đi vào thơ ca như biểu tượng quê hương miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ đau thương mà anh dũng, câu hát, lời thơ tiêu biểu ai đứng như bóng dừa, có phải người còn đó….là con gái của Bến Tre”, hay “Tôi hỏi nội tôi, dừa có tự bao giờ; Nội tôi nói khi nội còn con gái đã thấy bóng dừa mát rượi trước sân”.v.v. Như vậy, có thể nói, cây dừa đã chiếm giữ tâm hồn con người Việt Nam mà nhất là con người ở vùng đất mà quanh xóm, quanh nhà cây dừa hiện hữu như người bạn thân thiết nhất của con người.
Dừa có nhiều loại như: dừa lửa (quả vàng đậm), dừa xiêm (trái nhỏ, nước ngọt), dừa sáp (loại dừa này chủ yếu là đặc sản của đất Trà Vinh, cơm dừa dẽo thơm ngon , giá mỗi trái có khi lên đến 100.000 đồng), dừa dâu (quầy có khi cả trăm trái nên trái rất nhỏ, nước rất ngọt), đặc biệt còn có dừa ba đọt (ở ấp Tràn Ban I, xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu, hiện nay cây dừa đã chết do chủ của nó đi nơi khác ở không có ai chăm sóc) như một sự kì thú của tự nhiên khơi gợi sự tò mò, tìm kiếm muốn tận mắt chứng kiến của cư dân các vùng khác… Tuổi thọ cây dừa lên đến vài chục năm nên thường cây dừa lão gắn với một đời con người nếu ta chịu khó chăm sóc chúng. Tất cả các tỉnh vùng Tây Nam Bộ cây dừa được người dân trồng hầu hết ở tất cả các nơi, ở đâu có con người là gần như ở đó có cây dừa!
Truy nguyên nguồn gốc thật khó xác định, cây dừa có tự bao giờ và có nguồn gốc từ đâu? Chỉ biết rằng, đất Tây Nam Bộ xưa kia là vùng đất còn hoang vu, việc cây dừa hiện hữu ở đây hẳn là gắn với bước chân mở cõi của cha ông ta xưa kia đi mở đất. Các hoạt động đầu tiên chứng tỏ sự có mặt của con người ở vùng đất mới không gì khác là các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, cải tạo tự nhiên nơi con người đặt chân đến. Và cây dừa như ta đã biết gắn với làng, xóm, nếp nhà của con người Nam Bộ từ rất lâu đời. Thật khó để lí giải cây dừa có trước hay con người có trước ở vùng đất mới này. Nhưng những gì mà cây dừa để lại trong văn hóa của con người nơi đây đã minh chứng cây dừa có từ rất lâu đời; và vì thế, nó có vị trí văn hóa rất đặc biệt. Bước đầu khảo sát chúng tôi tìm thấy các biểu hiện rất đa dạng của văn hóa dừa trong sinh hoạt thường nhật. Con người đã tận dụng cây dừa một cách triệt để, từng bộ phận cây dừa không bỏ bất kì một thứ gì. Từ việc dùng cây dừa để khắc phục những ảnh hưởng của tự nhiên đến dùng công dụng của cây dừa vào phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày.
2. Từ công dụng của cây dừa
2.1. Ở vùng đất lắm sông ngòi, ao hồ, các vùng sinh thái nước ngọt, nước mặn, lợ đan xen nhau. Việc ngăn mặn xâm nhập, chống xói mòn đe dọa đến vùng đất chuyên canh cây lúa, cây ăn quả là mục tiêu hàng đầu của cư dân nơi đây. Có thể nói, phương pháp truyền thống nhất để ngăn mặn là đấp đập, be bờ ngăn mặn. Người dân vùng này đã trồng cây dừa để giữ bờ đê, ngăn mặn xâm nhập vào vùng ngọt bằng cách sau khi đấp bờ đê, bao ngạn xong thì trồng cây để giữ đất. Trong cách ứng xử với môi trường tự nhiên này, cây dừa được người dân trồng để giữ bờ đê, bao ngạn cho chắc chắn. Rễ ây dừa ăn sâu có tác dụng giữ đất rất tốt và cũng nhờ đó mà có tác dụng ngăn mặn ít có loại cây nào bì kịp. Việc trồng cây dừa ngăn mặn chống xói mòn đã cho thấy văn hóa ứng xử của người dân nơi đây với môi trường tự nhiên một cách hiệu quả, thể hiện rõ tính chất dùng tự nhiên để khắc chế tự nhiên. Việc ứng xử này phải chăng cũng đã một phần thể hiện tính cách của con người Nam Bộ là dễ thích ứng với môi trường và cũng dễ dàng dung hợp, linh hoạt sáng tạo đối phó với tự nhiên và những tình huống khác trong đời sống bình dân? Điều này sẽ được thể hiện rõ ở việc tận dụng công năng của cây dừa vào đời sống sinh hoạt hằng ngày đến các hoạt động văn hóa khác mà nếu thiếu sự có mặt của cây dừa, các bộ phận của nó sẽ không cho ta thấy rõ đặc trưng văn hóa Nam Bộ.
2.2. Trồng dừa để bắt đuông: Ngày trước, khi chưa có dịch vụ bắt đuôn bán cho các nhà hàng, người trồng dừa của xứ Cửu Long chủ yếu là để ngăn mặn, chống lở đất, lấy quả và lấy lá. Tuy nhiên, trong sinh hoạt truyền thống họ còn trồng dừa để bắt đuông. Dừa con nhỏ, muốn bắt đuông thì để con kiến dương (loài côn trùng cánh cứng) bu vào cây dừa để hút chích và đẻ trứng sinh con. Thường mỗi cây dừa non bắt đuông đem xào hành, lăn bột chiên giòn, hay gói lá cách nướng… độ khoảng một dĩa bàn … đã trở thành món ăn đặc sản của vùng đất Cửu Long. Ngoài ra, cây dừa tơ hạ xuống, sau khi bắt đuông xong thì các bộ phận còn lại dùng vào việc khác chứ không bỏ đi. Riêng củ hũ dừa thì đem về hầm giò heo ăn cũng bổ vô song. Cũng có khi xóm làng có làm con heo, lấy củ hủ về hầm cái đầu heo cả nhà ăn không hết. Việc bắt đuông dừa đã thể hiện rõ một phần văn hóa của cư dân nông nghiệp lúa nước là tận dụng và khai thác tự nhiên một cách hiệu quả, triệt để; đồng thời đó cũng là cách ứng xử rất hài hòa với thiên nhiên quanh mình. Vì thật ra trước đây, do khoa học chưa tiến bộ, các loại thuốc trừ sâu chưa nhiều, việc diệt con kiến dương rất khó nên việc cây dừa bị đuông ăn dẫn đến việc bắt đuông và hình thành nên đặc sản của vùng miền cho thấy sự sáng tạo trong văn hóa ẩm thực của cư dân nơi đây. Và để làm rõ thêm điều này, chúng ta còn thấy qua cây dừa khả năng tận dụng của con người vùng đất châu thổ Cửu Long là rất vô tận. Điều này là một thực tế chứng minh rằng, người Nam Bộ không phải là cư dân quá hoang phí trong việc tận dụng các thứ sẵn có xung quanh mình.
2.3. Ứng dụng thân dừa: Thân dừa là bộ phận tưởng chừng như vô ích nhưng thực ra trong khi đốn dừa xuống làm một việc gì, người dân vùng đất này cũng đã tính toán rất kĩ lưỡng.
Thân dừa thường được người bình dân dùng vào các việc sau đây:
- Làm cầu đi lại: Việc tận dụng thân dừa trước hết ở chỗ người dân miền sông nước này dùng những cây dừa chặt làm mấy khúc bắc qua kênh, rạch làm cầu. Dừa làm cầu vừa chắc chắn lại rất dễ đi lại mà lại sử dụng được lâu. Nên có thể nói, tận dụng cây dừa làm cầu đã cho thấy tư duy sáng tạo trong việc định cư, đi lại của văn hóa sông Cửu Long thể hiện rõ bản chất vận dụng môi trường tự nhiên vào đời sống của mình.
- Làm nhà và làm ghế ngồi: Ngoài dùng làm cầu bắc qua sông để đi lại, cây dừa còn được người bình dân vùng đất châu thổ Cửu Long chọn những cây dừa có trên 10 năm tuổi, cao vút, xớ dừa đỏ au xẻ ra làm nhà. Thân dừa có khi làm cây xiêng, cây đòn tay hết sức chắc chắn. Muốn ở được lâu không để mọt ăn người ta cho uống dầu rồi phơi nắng ở có khi đến vài chục năm không bị hư hỏng gì. Bên cạnh đó, người dân quê mình còn dùng cây dừa cưa ra làm ghế ngồi cũng rất tiện dụng. Có thể nói, việc dùng cây dừa già làm nhà hay làm ghế ngồi đã cho thấy văn hóa tận dụng môi trường tự nhiên một cách triệt để. Ngoài ra những cây dừa non bị chết hay bị đuôn ăn cũng được dùng làm củi đốt cháy rất đượm.
-Đóng đáy: Là cư dân vùng sông nước, các cửa sông là nơi đánh bắt các loại thủy, hải sản. Vì thế, các kiển đánh bắt truyền thống ra đời, trong đó tiêu biểu và qui mô là đánh bắt bằng cách đóng đáy. Người ta dùng cây dừa lâu năm dài đến 20 mét làm các cọc đóng đáy rất chắc và bền. Đóng cọc đáy bằng dừa có lợi thế hơn các loại cây khác như đước, mắm ở chỗ gỗ dừa vừa chắc vừa nặng, ngâm nước thì lâu lắm mới hư lại đảm bảo căng dây không bị đứt nếu cùng lúc căng nhiều miệng đáy. Do đó, từ xưa và cho đến ngày nay, người dân miền sông nước, đặc biệt là ở các cửa sông lớn hay dùng cây dừa để đóng đáy. Như vậy, trong đánh bắt cây dừa cũng để lại dấu ấn rất riêng bởi công dụng của nó.
2.4. Tận dụng lá dừa: Nếu thân dừa dùng vào những việc lớn như cất nhà, làm ghế…thì lá dừa là dùng để gói bánh, làm chổi. Lá dừa trước hết là để gói bánh dừa. Tên gọi loại bánh này có lẽ bắt nguồn từ lá dừa dùng để gói bánh nên người ta gọi hoán dụ là bánh dừa cho tiện. Lá dừa non dùng để gói bánh (người ta chặt ngọn dừa non gọi là cà bắp) mà gần như nhắc đến bánh dừa ai cũng ai ở đất Nam Bộ cũng đều biết cả. Ngoài ra, lá dừa khô dùng để nhóm lửa rất nhạy mà gần như nhà ở vườn nào của mãnh đất Cửu Long cũng để dành là dừa làm việc nấu nướng được nhanh hơn. Ngày trước, người mẹ chống đi coi mắt nàng dâu tương lai, ra bếp nhìn bó lá dừa là có thể cho điểm người trăm năm của con trai mình. Bên cạnh đó, người ta lựa những tàu dừa giá có lá cho sóng dừa cứng cáp, tước bỏ lá, lấy cọng dừa phơi khô, bó chổi quét nhà, quét lúa rất tiện ích, gọi là “chổi tàu dừa”. Loại chổi này cùng với chổi ráng, chổi rơm có lẽ là những loại chổi truyền thống lâu đời nhất của đất Nam Bộ. Có khi cha mẹ thăm con cái, hàng xóm thăm nhau quà là mấy cây chổi tàu dừa cũng nên.
Đặc biệt, trong cưới hỏi, người ta còn chặt nguyên mấy tàu dừa có lá thật đẹp tết thành từng búi, hoặc chẻ đôi trang trị cổng rạp đám cưới rất đẹp trước khi có cái cổng rạp bằng sắt ra đời như bây giờ. Ngày trước ở thôn quê Nam Bộ, đám cưới nào mà chẳng dùng bẹ dừa trang trí rạp. Thế nên có thể nói, cây dừa hiện hữu trong hạnh phúc lứa đôi của con người một cách mật thiết. Rồi khi thành vợ chồng, với cuộc sống gia đình, những ứng dụng của cây dừa lại hiện hữu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của họ một cách thân thuộc.
2.5. Sử dụng bẹ (tàu) dừa: Trước hết, bẹ dùng làm củi chụm rất đượm. Việc sử dụng bẹ dừa làm củi thể hiện những công việc có liên quan trong vấn đề kỹ thuật trồng trọt của cư dân vùng đất mới này. Dừa lớn lên cho trái, muốn sai quả thì phải hạ bẹ dừa cho quả đậu sai, kinh nghiệm dân gian gọi là “sửa dừa”. Thật ra việc làm này rất có cơ sở là vì bẹ dừa được chặt dọn sạch sẽ sẽ không phải là môi trường cư trú của lũ kiến dương chích hút hay chuột cơm cắn phá, vì thế trái sai là phải. Từ công việc này đã hình thành nghề di động gọi là “nghề sửa dừa”. Nghề này có thể đi khắp vùng mà chẳng bao giờ thất nghiệp. Có thể nói  “nghề sửa dừa” rất thịnh hành ở đất Nam Bộ. Người làm nghề này đòi hỏi leo trèo giỏi với dụng cụ rất đơn giản chỉ là cây dao mác thật bén và đôi chân leo nhanh như mèo là được. Có người cả đời chỉ làm một nghề này mà nuôi sống cả gia đình. Thường, mỗi xóm hay có một người làm nghề đặc biệt này mà ít có người cạnh tranh vì không phải ai cũng leo dừa được.
Trong việc trồng lúa, bẹ dừa xanh chặt xuống, chẻ thành tựng cọng to cỡ ngón tay cái, dài khoảng nửa thước dùng làm cây cặm gò (gò đất được chia theo kiểu cứ hai hoặc ba tầm bằng năm sáu mét là một gò) trước khi xạ lúa cho lúa thẳng hàng và đảm bảo gieo sạ liền các gò với nhau để khi lúa lên khỏi phải tốn công dặm lúa (dặm lúa là nhổ lúa chỗ mọc dày cấy vào chỗ lúa thưa hoặc bị chết trong gieo mạ). Có nơi dùng lá dừa làm cây cặm gò cho dễ phân hủy, nhưng thường dùng bẹ nhiều hơn vì bẹ còn nguyên cho đến khi rải phân các loại sẽ còn cây gò mà liệng phân cho lúa tốt đều.
2.6. Vận dụng trái dừa vào ẩm thực:
- Dừa tươi: Làm nước uống giải khát có tính hàn, công dụng giải nhiệt rất tốt. Ngoài ra người ta còn dùng nước dừa tươi để khìa chuột, khìa thịt, kho thịt, nấu lẩu, chế biến các loại thức ăn uống khác rất ngon. Đặc biệt nước dừa xiêm mà pha rượu ST3 (rượu đế một lít 35.000 đồng tại Sóc Trăng) nhậu với mắm cá lóc chiên hay mắm cá rô không xương thì ngon hết chỗ nói.
-Dừa rám: Làm mứt dừa, kho dừa ăn với cơm còn nước dừa kho thịt heo với hột vịt ăn trong ba ngày tết, gọi là thịt kho tàu hay kho riệu làm nên đặc trưng trong ẩm thực Nam Bộ.
- Dừa khô: Công dụng quả dừa khô nạo ra lấy cơm làm các loại bánh, xác dừa khô làm nhưng gói bánh dừa, bánh ích, bánh tét. Cơm dừa khô vắt lấy nước cốt ăn với các loại bánh quen thuộc ở xứ sở tây Nam bộ như bánh chuối, bánh dứa, bánh lọt, bánh khọt…hết thảy đều sử dụng dừa khô mà nếu không có dừa khô thì ăn sẽ không có mùi vị đặc trưng của từng loại. Có thể nói, cây dừa có giá trị văn hóa rất tiêu biểu cho vùng đất châu thổ Cửu Long vốn vang danh với đặc sản kẹo dừa của xứ sở Bến Tre đã trở thành thương hiệu rất nổi tiếng mà trong vùng và cả nước đều biết đến.
Như vậy, trong văn hóa ẩm thực, trái dừa làm phong phú thêm cái khoái đầu tiên trong “tứ khoái” của con người. Phong phú bởi công dụng, đa dạng trong ứng dụng và vì thế trở thành biểu tượng văn hóa ẩm thực của vùng miền là điều có thể hiểu được.
Đặc biệt, vỏ trái dừa khô dùng làm bình đựng ấm trà rất độc đáo mà chỉ có văn hóa vùng Tây Nam bộ mới có loại ấm trà này. Tác dụng của loại ấm trà bằng dừa khô là giữ nhiệt rất tốt. Đây là một trong những ứng dụng của dân mình đối với vỏ dừa khô một cách hữu hiệu vào cuộc sống có tác dụng lưu giữ lâu đời. Có bình xài đến năm ba chục năm là chuyện rất bình thường. Người ta chọn những quả dừa mới vừa khô tới, hái xuống rồi dùng dao, cưa thật bén cưa dát mặt dừa một cách khéo léo, rồi sau đó lấy quả ra ngoài. Móc thân vỏ dừa sao cho vừa với kích cỡ của bình trà. Để làm được bình trà bằng vỏ dừa đòi hỏi người làm phải hết sức khéo tay và phải có đầu óc quan sát tinh tế nữa mới được. Quan trọng nhất là dát mặt vỏ dừa sao cho dùng phần trên vỏ trái dừa làm nắp đậy bình trà cho vừa vặn là điều không phải dễ. Vì thế, mặc dù nhà nào ở vùng Tây Nam bộ cũng có dừa nhưng theo quan sát của chúng tôi, chỉ có những nhà có của ăn, của để hay những nhà có người khéo tay mới có loại bình trà này vì chúng không dễ làm chút nào.
Đáng chú ý hơn trong giao thông, ngày nay, tại Cần Thơ, người ta còn có sáng kiến dùng quả dừa khô làm nón bảo hiểm nữa. Và hiện tại đã đăng ký bản quyền. Loại nón  bảo hiểm bằng quả dừa khô quả thật là một sáng tạo hết sức độc đáo của cư dân miền sông nước Cửu Long. Nó chứng tỏ, quả dừa đã trở nên không thể thiếu trong đời sống văn hóa của họ xưa cũng như nay. Tại Sóc Trăng, đã có những sáng kiến trong việc giải quyết vấn đề môi trường là, dùng xơ dừa khô hút dầu tràn ra môi trường sông, rạch một cách hữu hiệu. Vì xơ dừa không chỉ có công dụng làm chất đốt trong sinh hoạt như nấu nướng un muỗi cho vật nuôi như trâu, bò, heo… mà còn có công dụng hút nước rất tốt. Vì đặc tính này mà người ta dùng nó giải quyết vấn đề môi trường rất hiệu quả.
3. Biểu tượng dừa trong văn hóa
3.1. Trong ngày lễ, tết quan trọng như mừng năm mới: dừa dùng làm đồ trưng bày trong mâm ngũ quả: “cầu, dừa, đủ, xài (xoài), xung”. Dừa là một trong năm thành tố tạo nên mơ ước được phồn thịnh của con người nơi vùng đất châu thổ Cửu Long. Cách nói sử dụng biến âm của phương ngữ Nam Bộ đã vô tình đưa quả dừa góp mặt vào mâm ngũ quả thể hiện rõ mong muốn của con người qua sự tương hỗ về màu sắc một cách rõ nét của năm loại quả này. Tính biểu tượng của quả dừa (vừa) thể hiện rõ khát vọng vươn lên của tầng lớp bình dân mà có thể trong cuộc sống lao động vất vả quanh năm thiếu thốn mọi bề nên năm mới tết đến trưng “dừa” để cầu mong vừa đủ xài (xoài) – tức là khỏi thiếu hụt. Ý nghĩa này quả thật rất độc đáo khi ta nhìn quả dừa tưởng chừng rất đổi bình thường.
Ngoài ra, quả dừa còn cho thấy nó có vị trí quan trọng trong những thời điểm có ý nghĩa nhất của đời người là trong cưới hỏi. Trong sự việc trọng đại này, ngoài những lễ vật như ta đã biết, người ta còn sang nhà gái lễ vật là mứt dừa, rồi trong đãi khách, nhà cô dâu, chúa rể cũng mang mứt dừa ra mời họ hàng trong ngày vui của mình. Việc chuẩn bị mứt dừa cho tiệc vui đã làm cho đám cưới thêm phần chờ đợi, hấp dẫn bởi không khí rộn ràng chuẩn bị bẻ dừa ngào đường làm mứt đãi khách trong ngày tân hôn hay vu quy của mình. Ngoài ra, trong ba ngày tết, nhà nào cũng có mứt dừa với các màu sắc xanh, trắng, đỏ, vàng trông rất bắt mắt, làm cho không khí ngày tết thêm rộn ràng.
3.2. Trong âm nhạc: Lá dừa dùng làm kèn cho trẻ con thổi cũng rất độc đáo. Đây là trò chơi dân gian mang đậm dấu ấn văn hóa miệt vườn. Làm kèn chính là thú vui của trẻ nhỏ nhất là trẻ nhỏ ở nông thôn vốn có đời sống văn hóa tinh thần rất thiếu thốn. Ngoài làm kèn, ta còn dùng lá dừa làm chong chóng hay thắt các vật chơi hình con cá, con rết rất đẹp mà gần như đứa trẻ nào ở quê cũng biết làm. Rồi trong sinh hoạt văn hóa của loại hình cải lương, người ta dùng trái dừa khô lấy quả của nó làm một bộ phận của cây đàn cò rất độc đáo.
3.3. Trong điêu khắc: Các hình tượng được các nghệ nhân dùng thân dừa để khắc như hình người, mục đồng chăn trâu, bộ ấm trà, làm lược chải tóc, làm các loại dụng cụ lưu niệm khác cho khách thập phương đến tham quan vùng văn hóa này cũng đã làm cho đời sống văn hóa người dân xứ miệt vườn có dịp giao lưu và thể hiện mình.
Có thể nói, cây dừa có giá trị văn hóa rất tiêu biểu và rất đặc biệt cho vùng đất chín rồng đang vườn mình trổi dậy và hứa hẹn bay xa, bay cao, để từ đó, góp phần đưa kinh tế – xã hội của vùng đất mới này ngày càng phát triển. Với cuộc sống ngày càng hiện đại, sự hiện hữu của cây dừa trong đời sống văn hóa của người dân vùng Nam Bộ đã góp phần củng cố thêm những giá trị văn hóa đặc sắc của một miền đất trẻ và làm đậm thêm dấu ấn của “văn hóa miệt vườn”./.
Tiền Văn Triệu
 
              Thái độ A Q của Lỗ Tấn                     
Tôi đứng sau nhà, ngó lên cây dừa cao ngất. Không biết cây dừa được trồng lúc nào, khi tôi lớn đã thấy có rồi. Năm xưa, cây dừa còn thấp ở giữa cái chuồng heo, cách bìa chuồng hai thước. Ba tôi mất đi, thằng em phá bỏ chuồng heo làm khoảng đất trống. Nay khoảng đất bị thu nhỏ lại, cây dừa nằm về phần đất của nhà bên kia. Giữa hai phần đất được trồng lên một hàng cây keo làm lằn ranh.
Tôi hỏi thằng em: “Sao lại có hiện tượng cây dừa trôi qua đất người khác?”
Nó nói: “Lòng người biến đổi, vạn vật cũng đổi thay.”
“Mày nói một câu nghịch lý. Lòng người biến theo vạn vật, chứ không phải vạn vật biến theo lòng người.”
Thằng em cười: “Thời đại mới triết lý mới. Tôi chứng minh cho anh thấy. Mỗi năm họ lấn một ít. Mười bảy năm, mình mất hai thước rưỡi đất, cây dừa thuộc về người khác. Như thế không phải vạn vật biến theo lòng tham con người sao?”
“Cái thứ triết lý rẻ tiền của mày không chấp nhận được. Mày biết lấn đất theo kiểu đắp bờ ruộng không? Người ta xén đất bờ bên này đắp qua bờ bên kia. Nhiều lần như thế, bờ ruộng không còn nằm ở vị trí cũ. Đây không phải bờ ruộng, người ta cắm cột mốc phân ranh. Đáng lẽ khi thấy cột mốc di chuyển dần về phía mình, mày phải có tiếng nói chứ?”
“Nói hả? Mở miệng ra là thiên hạ chưởi tát vào mặt. Đó là chưa kể họ trả thù bằng cách mỗi đêm quăng cứt vào sân nhà mình.”
“Họ chơi cái trò bẩn thỉu, mày chịu trận à?”
“Nếu không chịu trận thì làm gì ai? Không bắt được tận tay người quăng cứt, không có bằng chứng. Chẳng lẽ lấy cứt đem vô phòng thí nghiệm phân chất để biết là cứt của ai?”
“Mày nói nhảm, lạc đề rồi. Hãy nói chuyện cây dừa thuộc về phần đất người khác.”
“Thôi anh ơi, cây dừa có đáng gì mà tranh cải.”
“Cây dừa không đáng gì, nhưng hai thước rưỡi đất bề ngang nhân cho mười lăm thước bề dài, không phải chuyện nhỏ. Mày thử tính coi mày mất bao nhiêu thước vuông đất? Mày có biết bây giờ, đất đai xứ này đắt như vàng không?”
Thằng em nhè nhẹ lắc đầu, nhếch mép như khinh bỉ. Không biết nó khinh tôi, hay khinh thằng cha lấn đất.
“Lúc chết cũng chỉ cần một cái lỗ đặt vừa cái hòm thôi!”
“Tao muốn nói vấn đề thiệt thòi mất mát. Còn đất rộng hay hẹp là chuyện khác.”
“Cứ coi như nó lấn đất để chôn cả dòng họ nhà nó.”
Tôi nổi cáu: “Đó là thái độ A Q của Lỗ Tấn, không dám đương đầu với thiên hạ rồi trả thù trong tư tưởng, và lấy làm tự mãn. Mày co vòi rút cổ, không dám đối phó với thằng cha láng giềng rồi trù rủa cả dòng họ người ta. Nếu không thể nói chuyện phải quấy với nhau được, sao không đưa lên chính quyền giải quyết?”
Thằng em cũng nổi cáu: “Chính quyền. Anh chỉ biết chính quyền xứ khác, chứ không hiểu chi về chính quyền ở đây cả. Chém nhau vỡ đầu sứt trán, réo gọi chính quyền khan cổ cũng chẳng thấy ma nào thèm tới. Nhưng nếu được tin mật báo nhà nào mới chuyển đồ lậu về, liền tức khắc công an cảnh sát ào ào kéo tới bao vây. Không biết tại sao hả? Giải quyết mấy chuyện xô xát, chính quyền ăn được cái gì? Nhưng vây bắt tịch thu đồ lậu, người ta có chút bỏ túi riêng. Tranh tụng với nhau về đất đai ư? Muốn thắng phải nhét đầy họng kẻ đại diện chính quyền. Nếu phía bên kia họ cũng tung tiền ra lo lót thì vấn đề còn nhiêu khê lắm. Đôi khi phải bán nhà vì kiện tụng. Tôi chỉ còn cái nhà che mưa đụt nắng, anh đừng xúi dại tôi phải bán nhà.”
“Thằng hèn!” Tôi ngó vào mặt thằng em, hét lớn.
Nó cũng không vừa: “Tôi sở dĩ sống hòa nhã được với người chung quanh vì tôi biết hèn. Anh cứ xoi mói xét nét vấn đề từng chút, coi chừng thiên hạ chém tét đầu.”
“Thằng nào dám chém tao?”
“Bất cứ thằng nào cũng dám chém anh. Các ông về từ nước ngoài, ông nào cũng hãnh diện tưởng người ta kính trọng mình lắm. Lầm rồi! Người ta chỉ xun xoe các ông vì tiền, nhưng thâm tâm có thủ sẵn con dao. Các ông thử chạm vào họ xem sao? Họ sẽ đánh các ông như đánh kẻ thù giết bố. Các ông đánh lại ư? Họ sẽ nằm vạ ra đấy. Các ông phải móc túi chi tiền cơm thuốc, tiền đền thương tật, tiền bệnh viện, tiền lo bác sĩ y tá để họ đừng phóng đại chứng thương. Chưa hết đâu, còn phải lo cho công an để họ đừng giam giữ, trầm trọng hơn có thể đưa nội vụ ra tòa. Mà tòa án nhân dân thì ít khi áp dụng đúng theo luật pháp hiện hành, họ thường chơi theo luật rừng. Tóm lại, các ông là miếng mồi ngon, thằng nào cũng muốn ăn tươi nuốt sống. Nên biết xứ sở này có nhiều Chí Phèo lắm đấy.”
Mỗi lần nói chuyện với thằng em về một vấn đề thì lại lòi ra bao nhiêu vấn đề rắc rối khác. Hình như trong đời sống ở đây có điều gì không ổn.
Lâm Chương
Trích “Truyện và Những Đoản Văn”  
Kết quả hình ảnh cho Cây cầu dưa
Lão nhà văn Trang Thế Hy: đêm nghe dừa rụng ngày nhìn chuột rơi

THANH THẢO 
“gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng về sông ăn cá về đồng ăn cua”
Về nhà văn Trang Thế Hy, TỪ ĐIỂN VĂN HỌC (bộ mới) viết: “Trang Thế Hy chuyên viết truyện ngắn và ký. Những tập truyện ký đã xuất bản: Nắng đẹp miền quê ngoại (1964), Mưa ấm (1981), Người yêu và mùa thu (1981), Vết thương thứ mười ba (1989), Tiếng khóc và tiếng hát (1993). Tác phẩm mới nhất, có thể coi như một tuyển tập của ông: Nợ nước mắt và những truyện ngắn khác (2001)”. Và TỪ ĐIỂN trích một câu trong một truyện ngắn của Trang Thế Hy để nói về quan niệm nghệ thuật của chính tác giả: “Tôi nghe đó (từ câu chuyện của chị bán thuốc lá) là lời răn dạy rất nghiêm có giá trị thức tỉnh cao của một hiện thực đau buồn nhắc nhở người cầm bút đừng bao giờ đánh mất cái điểm tựa đáng tin cậy của mình là nỗi đau khổ lớn của số đông thầm lặng”.
Sinh năm 1924, Trang Thế Hy đã tham gia trọn vẹn hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hiện sống tại quê nhà, huyện Châu Thành, thị xã Bến Tre.
Có thể nói cả đời Trang Thế Hy thuận theo những con “gió đưa gió đẩy”. Gọi những con gió ấy là số phận cũng được, mà gọi là sự tình cờ vô thường cũng xong! Nghe nói, hồi ở chiến khu miền Đông Nam Bộ, Trang Thế Hy luôn thủ sẵn vài trăm... lưỡi câu để sẵn sàng giăng câu kiếm cá, hay ông có biệt tài bắt... nhái băm chả, câu rắn mối, biến những điều không thể thành có thể, viết chầm chậm những câu văn trong khi chờ mấy gã chuột sa bẫy trong những đêm rừng lạnh. Ngày đó, tôi ở bên binh vận cùng Lưu Kiểng Xuân - một nhà văn đặc Nam Bộ quê Cần Giuộc Long An. Tư Xuân vốn là trung úy lái trực thăng của quân đội Sài Gòn, nhưng là cơ sở cách mạng ở nội thành, là cộng tác viên của nhóm Tin Văn-tên một tờ tạp chí văn nghệ thiên tả, có liên hệ với cách mạng. Tư Xuân sau đó đã lên chiến khu,viết truyện và bút ký có nhân vật là lính Sài Gòn, nên được đưa về ban tuyên truyền binh vận. Còn tôi chỉ là anh sinh viên mới tốt nghiệp ở Hà Nội, vào bộ đội chưa lâu, cũng làm tuyên truyền binh vận cho đài phát thanh, rồi đi B2, rồi về ban binh vận, rồi... Chúng tôi chơi với nhau do có chút máu văn chương, và mỗi lần, khi chuyện trò về văn học, bao giờ Tư Xuân cũng léo vào cái tên Trang Thế Hy dưới biệt danh thân mật là “Tư Sâm”: “Tui khoái cha Tư Sâm này, văn chả kỹ mà sâu, lại đúng giọng Nam Bộ!” Dù chưa gặp Trang Thế Hy, cũng chưa có may mắn đọc văn ông-trong rừng mấy thứ văn chương còn hiếm hơn cả chuột hay rắn mối-nhưng tôi tự nhiên có cảm tình với Trang Thế Hy từ đó. Qua Tư Xuân, tôi còn biết Tư Sâm là người có “hoàn cảnh” có tâm trạng và nhiều lúc rất buồn, cô đơn nữa. Như thế lại giống Tư Xuân và tôi.
Có một lần, Tư Xuân rủ tôi đi sang cứ của ban văn nghệ R chơi,thăm Tư Sâm. Tiếc thay, lần đó khi chúng tôi mất nửa ngày trời băng qua những trảng cỏ voi và rừng dầu đến với Tư Sâm, thì ông lại đi công tác chiến trường, không có ở cứ. Hai chúng tôi được Anh Đức tiếp tại nhà, đãi một bữa cơm có thịt hẳn một con gà-điều quá hiếm ở rừng hồi ấy. Thôi thì ông anh Tư Sâm cũng xá cho, tôi với Tư Xuân chẳng qua cũng “gió đưa gió đẩy về cứ ăn... gà” chứ chúng tôi không cố ý. Hôm đó, trở về qua trảng cỏ voi, và tôi viết được bài thơ “Những dấu chân qua trảng cỏ”. Âu cũng là cái duyên với Trang Thế Hy, dẫu chưa gặp được ông, nhưng nhờ chuyến thăm hụt ông mà lận lưng được bài thơ không đến nỗi nào, vậy là ấm bụng! Cách đây mấy năm, khi gửi tặng tôi tuyển tập truyện ngắn “Nợ nước mắt và những truyện ngắn khác” - Lão nhà văn Trang Thế Hy đề tặng: “Tặng Thanh Thảo, người trở về vùng Tháp Chàm còn để lại ở rừng già phương những “dấu chân trên trảng cỏ”. Một lời đề tặng vừa tình cảm vừa “kỹ” - đúng văn chất Trang Thế Hy. Hoá ra ở đời vẫn có những tương hợp tình cờ như thế, “gió đưa gió đẩy” chúng tôi qua những cánh rừng Miền Đông những bưng biền Đồng Tháp để cuối cùng, dù người về Bến Tre “đứng như bóng dừa”, kẻ trở lại quê nhà miền Trung nương bóng Tháp Chàm, ăn don và cả ăn đòn, chúng tôi lại gặp nhau... ăn cua. Vâng, ăn cua cốm.
Ngay tại thị xã Bến Tre, sát mé sông Hàm Luông hẳn hoi. Tôi, nhà thơ Chim Trắng với nhà giáo dạy văn Nguyễn Tấn Huy từ Sài Gòn về Bến Tre thăm lão trượng Trang Thế Hy. Chim Trắng đã ngót 70 mà tay lái  còn “lụa” lắm! Nghe nói ở quê tôi có ông chủ tịch ít tuổi hơn Chim Trắng nhưng mới về hưu, nhớ tiếc một thời vàng son oanh liệt nên “Buổi sáng ông mặc áo đi giày ra đứng ngoài đường”... chờ xe, kết luận theo thơ Trần Vàng Sao thì ông là “một người yêu nước mình”. Đứng chờ xe, dẫu xe không đến, là còn muốn làm việc, là còn “yêu nước mình”, chứ sao! Chim Trắng cười ngất, nói là anh sẵn sàng ra Trung lái xe hầu “một người yêu nước mình” ấy. Anh vốn hâm mộ những người yêu nước. Chúng tôi ăn cua cốm, thứ cua hai da vừa lột chưa lâu, có gạch béo và mềm, hạp với răng cỏ lão nhà văn. Lỗ Tấn có biệt tài là viết nhấn, mỗi câu văn là một con sóng, con sau cao hơn, mạnh hơn con trước. Shekhov thú nhận là mình không thật đam mê trong bất cứ việc gì, cả làm thuốc và viết văn. Tôi nói với Nguyễn Quang Sáng, anh viết về tôi đúng cả, chỉ có cái này là sai: Trang Thế Hy quyết sống chết với văn chương. Không có đâu! Tôi chỉ dám là “người tình thoáng chốc” của văn chương thôi. Tôi không ăn thua đủ về bất cứ cái gì. Đó là cái dở nhất của tôi. Kể cả giải thưởng mà người ta định trao cho ông rồi... thôi? Ừ, cả giải thưởng. Nhưng tôi phải thú nhận là tôi có sốc nhẹ, vì khi nghe thông báo cứ như đã “được rồi”, tôi lỡ dại khoe với mấy người bà con nghèo, là Tư Sâm sắp khá, có món tiền to, sẽ biếu mấy anh em chút đỉnh tiêu chơi. Nào ngờ. Coi như tôi nói dối họ. Không nói dối đâu, anh Tư, nhưng là nói chưa thành sự thật.
Quán ăn Trương Ký, lão nhà văn khẽ khàng gắp miếng cá chẽm kho ngót (kho ngọt) có để chanh, chiêu ngụm rượu vang trắng Alsace chánh hiệu Chim Trắng mang từ Sài Gòn xuống. Lỗ Tấn nói “nhà văn như con bò ăn cỏ khô rơm khô nhưng phải cho đời sữa tươi”. Tôi đế: cá chẽm với vang Pháp cũng là cỏ khô sao anh Tư? Mấy anh em cười sảng khoái. Ở đời, như Gorki phân loại, thì có hai kiểu chết: một là cháy bùng lên, hai là mục rã. Tôi thuộc loại thứ 2. Nhưng cố gắng làm sao mục rã coi cho được. Kể cả bùng cháy, cũng đừng bùng cháy khó coi, phải hôn anh Tư? Cua cốm này ăn đậm, cua cũng phải tới kỳ, ăn mới ngon, nữa là văn chương. Trang Thế Hy đeo bên thắt lưng một điện thoại loại xịn nhất, dường như có kết nối toàn cầu, màu bạc sáng loáng. Thỉnh thoảng ông lại móc điện thoại, mở nắp, chiêu một ngụm. Một ngụm thông tin toàn cầu? Rượu này tôi đặt riêng, nấu bằng nếp, uống thử coi, ngon hơn rượu Tây đó!  Chúng tôi cứ trò chuyện lai rai không đâu vào đâu. Bóng tối len nhẹ vào quán trên những bước chân mèo, và trong ánh chập chờn, mắt ông lão nhà văn lấp láy. Người như thế có khi biết mà không nói, có khi nói nửa câu những gì mình nghiền ngẫm trọn đời. Nửa câu còn lại, để gió sông Hàm Luông giải quyết.
Hồi trưa, lúc ngồi với Trang Thế Hy trong vườn dừa nhà ông, tôi để ý vườn dừa nhà bên có những miếng thiếc trơn bề rộng độ 3 tấc bao quanh thân dừa. Ngạc nhiên tôi hỏi, lão nhà văn cho biết, đó là cách ngăn chuột ăn dừa. Chuột dừa ở xứ cù lao này răng sắc và chịu khó lao động. Chúng phải gặm xuyên qua vỏ dừa, xuyên cả gáo dừa mới ăn được cơm dừa. Ăn cơm dừa nhưng không uống nước dừa, mà chỉ uống nước mương. Nên chúng phải trèo lên leo xuống. Những miếng thiếc kia khác nào những “cột mỡ” đối với chúng. Xuống cũng té “bịch”, mà lên cũng té “bịch”. Nhưng tôi không có tiền bao thiếc quanh thân dừa nhà mình, mỗi miếng thiếc tới 30 nghìn đồng lận. Nghĩa là vì nghèo mà ông có tình thử đạo? Tôi chọc. Tôi bây giờ “đêm nghe dừa rụng ngày nhìn chuột rơi”, kể cả dừa và chuột hàng xóm. Những tiếng rơi ấy, nghe buồn lắm. Tôi nhìn dáng ông lão lầm lũi đi con đường đất lầy lội dọc bờ mương về nhà mình, lúc chúng tôi chia tay nhau. Biết đâu au revoir (tạm biệt) chẳng là adieu (vĩnh biệt). Ông nói, giọng ngùi ngùi. Lần đầu tiên sau 24 giờ gặp nhau, tôi nghe một thoáng hẫng như đã từng đọc “những ổ gà không khí” có rất nhiều trong văn ông. Những cú hẫng những ổ gà những khoảng lặng như thế trong văn Trang Thế Hy bao giờ nghe lại đọc lại cũng khiến tôi ngùi ngùi. Ông đã 83 tuổi, cầu Rạch Miễu làm chưa xong, còn đoạn đường vô nhà ông vẫn sình lầy. Bao giờ? Vâng, bao giờ  chúng tôi gặp lại nhau?

 Bến Tre-
Quảng Ngãi một ngày sau World Cup 2006 T.T