Tôi sinh ra và lớn lên ở một một làng quê nghèo miền núi trung du Bắc Bộ thanh bình và yên ả. Mẹ tôi là giáo viên tiểu học. Khi sinh tôi ra được ba tháng, mẹ bị suy tim. Sự sống và cái chết quá mong manh.
Trong sự đau đớn tột cùng vì bệnh tật và tinh thần, mẹ tôi nói người nhà hãy bán tôi cho một gia đình giàu có để tôi lớn lên có bố mẹ; nhưng lúc đó bá (chị của mẹ) đã không bán tôi.
Bá còn vay tiền ngân hàng chữa bệnh cho mẹ và nuôi tôi. Hằng ngày khi mẹ nằm viện, bá thường bế tôi ra bờ ao xem có ai vừa mới sinh con không để xin sữa cho tôi ăn. Bá không lấy chồng để nuôi hai mẹ con tôi. Đối với tôi, bá là người mẹ thứ hai. 
Rồi mẹ tôi cũng khỏi bệnh. Bá, mẹ và tôi cùng sống trong một ngôi nhà nhỏ nhưng thật hạnh phúc. Năm tháng qua đi, tôi cứ nghĩ rằng cuộc sống của tôi sẽ mãi như vậy; nhưng cuộc đời không như ta mong đợi.
Đó là một ngày hè oi ả và nóng bức. Hôm đó, chim vẫn hót, hoa vẫn nở, tiếng sáo diều vẫn thổi, con diều vẫn bay... Tôi hỏi người này, người kia, chẳng ai nói gì.
Bỗng khi tôi đang đứng giữa sân như đang mong chờ điều gì đó thì một chị hàng xóm ghé vào tai tôi nói: “Mẹ mày chết rồi”. Đó như một tiếng sét bên tai làm tôi chết đứng mà cho đến tận bây giờ, vẫn còn ám ảnh tôi, vẫn văng vẳng bên tai như ngày nào tôi mới nghe.
******
Kể từ ngày mẹ mất, bá về nuôi tôi. Hai bá cháu có những hôm phải ăn cơm trộn ngô, trộn sắn nhưng tôi cũng vẫn vui và hạnh phúc. Tôi quý bá và tự nhủ sẽ cố gắng học tập để mai sau có nghề nghiệp nuôi bá, vì cả cuộc đời bá đã dành cho tôi và cho mẹ rồi.
Một hôm, bá gọi tôi đến và nói sẽ cho tôi lên ở thành phố. Nơi đó có đầy đủ tiện nghi và có mẹ nữa. Tôi nhất định không chịu vì tôi chưa từng xa nhà, xa quê. Giờ, một mình nơi thành thị và nhớ bá thì làm sao tôi chịu nổi; nhưng bá bảo chỗ đó rất tốt cho tôi, cố gắng học tập tốt, mai sau có nghề thì về nuôi bá vì bây giờ bá già rồi, nhỡ trái nắng trở trời, bá sợ không nuôi được tôi nữa.
Tôi khóc dữ lắm nhưng cũng cố nghe lời bá.
Ngày tôi đi, bá chở tôi trên chiếc xe đạp cũ kỹ. Phải mất năm tiếng đồng hồ, hai bá cháu mới tới nơi. Bá bảo tôi phải gọi người phụ nữ nuôi tôi là mẹ. Rồi bá đạp xe về, tôi khóc nhiều lắm.
Đêm nào cũng nhớ bá, nhớ nhà, nhớ lũ bạn quê mùa mà khóc thầm.
******
Nơi tôi ở là Làng Trẻ em SOS Việt Trì - Phú Thọ. Đó là một tổ chức dành cho trẻ mồ côi. Trong đó có mười lăm gia đình, mỗi gia đình có một mẹ nuôi mười người con.
Lúc đầu, tuy còn xa lạ nhưng dần dần chúng tôi cũng quen nhau, coi nhau như anh chị em ruột và kể cho nhau nghe về số phận, hoàn cảnh của mỗi đứa. Mẹ nuôi cũng không có chồng, con. Và từ đó, tôi coi gia đình ấy là gia đình thứ hai của mình. Người mẹ ấy là người mẹ thứ ba của tôi.
Năm tôi học lớp tám thì bá mất. Tôi khủng hoảng và hoàn toàn suy sụp. Ở trong làng SOS, tôi cũng gặp không ít những va vấp tưởng chừng không bao giờ đứng dậy được. Nhưng thật may mắn, bằng lòng tin tưởng và sự dạy dỗ, động viên của người mẹ thứ ba, tôi quyết tâm học tập và sống tốt.
Ngày thi đại học cũng đến, mẹ dành thời gian cho tôi học tập, chăm sóc và động viên tôi. Có lẽ nhờ có mẹ mà tôi mới được như ngày nay. Tôi đã không phụ lòng tin tưởng của mẹ và đậu vào Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM.
Tôi chưa bao giờ dám nghĩ rằng mình có ngày hôm nay. Tôi cứ nghĩ rằng mình sẽ chỉ gắn bó và chẳng bao giờ thoát khỏi cái làng quê chật hẹp, nơi tôi sinh ra.
Sau bao biến cố, thăng trầm, sau bao đau khổ, chia ly, hôm nay, đứng trên lầu bốn của ký túc xá, nhìn ra đường phố tấp nập, tay cầm cuốn sách mà lòng tôi miên man. Hình ảnh ba người mẹ cứ lần lựơt hiện về trong tôi khiến tôi chợt khóc. Một làn gió nhẹ lướt qua, một trang sách lật giở kéo tôi về với thực tại. Ôi sao lại buồn đến thế! Ba người mẹ, tất cả họ đã ra đi mãi mãi khỏi cuộc đời tôi…
Vũ Thị Yến (TPHCM)