Giới thiệu

Buồn Tình Hát Lý Mù U 

Album Nhịp võng đong đưa

Đêm Gành Hào Nghe Điệu Hoài Lang

 

 Thương nhớ Mù u...... 

Dưới  râm mát Mù u ai đứng đợi ? 
Bóng dáng xưa xa khuất mãi không về ! 
Trong hoàng hôn bảng lảng buổi chiều quê, 
Sắc hoa trắng nhuộm tím màu thương nhớ !

Những chùm trái tròn xanh như nhắc nhở, 
Tuổi hoa niên thơ ấu của ngày nào..... 
Nhớ buổi sáng hè vui vẻ xôn xao, 
Tay khua sóng bơi mái chèo vớt trái,...

Màu hoa trắng Mù u sao nhớ mãi, 
Rụng trắng vườn nơi làng nhỏ quê xa ... 
Thương mai quê sao chân chất thật thà, 
Lưu luyến quá, nếp nhà tranh khói toả !

Hãy quên đi cuộc sống đời vất vã, 
Đưa hồn mình về lại nếp nhà xưa...... 
Qua làn khói toả chiều mưa, 
Mắt cay ứa lệ như vừa nhớ ai ?
          NM
Vì sao tôi chọn "Nam Mai"
Những ngày tháng không quên !?.....
         Tôi chỉ mới  biết Nam Mai (Cây Mù U) cách đây hơn 1 năm, hay có lẻ đã biết mà lại quên vì vốn dĩ Nam mai đã từng gắn bó với đời sống dân dã với màu hoa trắng đẹp, với công dụng trong đời thường, như trái dùng làm dầu mù u thắp sáng cho miền quê Nam bộ, trái mù u khô làm gáo và nhất là mù u là vị thuốc Nam rất đa công dụng.....
         Nam Mai đã có trong ký ức của tôi từ nhỏ, đó là khi ba tôi nói rất thích bà nội đặt tên Nam, điều này ba tôi đã đạt được khi đi làm việc , và ba tôi cũng rất thích hoa mai vàng...
        Cho đến khi được vào học Đệ thất 6 Gia Long tôi rất vui và thật hãnh diện vì lần đầu tiên được mặc chiếc áo dài trắng với phù hiệu mai vàng, mai vàng chỉ hiện diện lúc cuối mùa Đông và đầu Xuân , có lẻ vì vậy mà suốt khoảng thời gian học Gia Long là thời gian của mùa Xuân trong tuổi trẻ của tôi và các bạn.....Cho dù chúng tôi thuộc gia đình giàu hay nghèo, thuộc giai cấp nào. thành thị hay nông thôn...chúng tôi đều trân quý và gắn bó với nhau cho mãi đến bây giờ......
        Sau này khi vào đại học hay khi bước vào đời tôi đã gặp được biết bao nhiêu bạn tốt qua k niệm Nữ sinh Gia Long ngày xưa. Trong những hoàn cảnh khắc nghiệt và trớ trêu Gia Long cũng giúp cho tôi bắt gặp những thoáng chốc ưu ái và thương mến....... cho dù người trước mặt mình thuộc giai cấp nào, thành phần nào hay là một người khác nhau về chính kiến đi chăng nữa..... Ôi, đoá mai vàng thân thương ngày nào đã theo suốt cuộc dời tôi !!....
        Chọn Nam Mai vì tôi là con gái miền Nam của "Lục tỉnh Nam Kỳ", tôi được sinh ra và lớn lên tại Sài gòn, quê nội là Gò Vấp-Gia Định thành , còn quê ngoại thì cả đời ngoại tôi sinh sống từ Cần Thơ cho tới Sóc Trăng, Bạc Liêu......Lần đầu tiên sau khi tốt ngiệp ĐHSP tôi rời xa gia đình để đi dạy học cũng lại là Bạc Liêu, đó cũng là nơi tôi cảm nhận được tình cảm đầu tiên rất thơ mộng và thiết tha của "ai đó" dành tặng cho riêng mình, dù ngày ấy Bạc Liêu không đẹp chỉ có đất bụi mưa bùn, nhưng với vị mặn mà đặc trưng của muối biển Bạc Liêu, với bài Dạ cổ Hoài lang nghe nao lòng thì dễ mấy ai quên được những k niệm đầu đời của mình nơi quê ngoại ?!...
         Tôi thích Nam Mai từ ngày còn bé , trong tôi đã kính phục một vị tiền bối trong làng báo Việt Nam cũng có bút hiệu bắt đầu với chữ Nam, sau này còn có liên hệ một chút với gia đình tôi và cũng khá thân tình với em trai út của tôi...... Cuối cùng là trong những tháng ngày vất vã ở Hưng Lộc (Biên Hoà-ĐồngNai), cũng là những ngày tháng không quên khi đêm về nằm viết thư trong trại dưới ánh đèn dầu Mù u......Mỗi khi xúc động thầm khóc vì nhớ nhà , vì tủi thân lại "đổ thừa" cho khói của Mù u làm cay mắt !?....
          Bây giờ quê ngoại đã không còn ai nữa, và điện đã đi đến nông thôn, hoạ chăng trong những vùng xa xôi hẻo lánh chưa có ánh điện , người ta còn đốt đèn dầu leo lét đêm khuya, nhưng chắc rằng chỉ là dầu hoả, không còn ai chèo thuyền đi vớt Mù u chín rụng trên sông để đem về làm dầu và tận hưởng cảm giác thật ấm áp vui vui khi cả gia đình cùng quây quần bên nhau dưới ánh đèn Mù u nhiều khói toả, vui vì ánh sáng do chính mình tạo ra....
         Đây là khởi điểm đầu cho blog của Nam Mai và cũng là lần đầu Nam Mai viết, Thơ và Văn cũng thể hiện cho người, chỉ là những lời văn giản dị, chân chất nhưng mong rằng dưới bóng mát của cây Mù u, chúng ta có thể nhớ về những ngày tháng vui, buồn khó quên, được ngắm nhìn màu hoa mai trắng, những chùm trái xanh tròn.... mà chúng ta chỉ có thể ngắm hoặc sử dụng cho công ích mà không thể....."nếm" !!
         Thơ "thẩn" của Nam Mai toàn là những lời chân phương, mộc mạc, nhưng khi đọc những bài thơ đó Nam Mai nghĩ có lẻ không ai mà không cay mắt ứa lệ cũng chỉ vì ......khói toả của ánh đèn dầu Mù u đó thôi !!
         Trong giai đoạn đầu tiên tự tìm tòi và khai mở blog, Nam Mai chỉ có thể sưu tầm tài liệu, văn và nhạc để chúng ta cùng xem , cuộc sống vẫn còn nhiều đa đoan, người viết cũng thích viết, nhưng chưa có điều kiện thực hiện, song ước mong sẽ có sự chung tay góp sức của bạn bè, bạn đọc tham gia..... Trang blog sẽ còn nhiều cải tiến và thay đổi hơn và chúng ta lại tiếp tục cùng nhau trãi qua " những ngày tháng không quên ".....!!
 Thân ái,
 NM - Phan thị Ngọc Diệp
  
Bài hát mà ngày xưa nữ sinh GL thường chào cờ 
Giọt nắng sân trường....
Mỗi ngày tôi đều qua ngang đây,
Ngắm nhìn trường cũ đã chia tay....
Vẫn còn hoa sứ hương thơm ngát,
Và cây phượng đỏ hoa đơm đầy....
 
Vạt nắng vàng sân không khác xưa,
Mà sao tình cũ đã như thừa ?!...
Muốn tìm gặp lại tà áo trắng,
Màu áo ngày nao ai đón đưa ?

Gió vờn trong nắng thay tà áo ,
Đâu tiếng thầy cô, dư âm vang ?!...
Lá vàng rơi khẽ như giọt nắng,
Thay lệ thương cho đời trái ngang !!...

Và tôi vẫn cứ qua ngang đây.....
Giọt nắng sân trường xanh tóc ai ?
Với tôi giọt nắng phai màu cũ,
Và mái đầu tôi cũng chớm phai !!!
 

NM

Tấm Ảnh Ngày Xưa - Hoàng Oanh

Quê Hương Tuổi Thơ Tôi - Quang Dũng 

Tôi Đi Tìm Lại Một Mùa Xuân - Ngọc Lan 

 

Đâu đoá mai vàng ?!....
Trường xưa, nào dễ vào quên lãng ?  
Nay dẫu xa rồi luôn nhớ thương !?
 Đánh rơi, lạc mất xuân thì cũ ...  
Trời đã sang mùa, tuổi chớm thu 

 Luôn giữ trong tim màu hoa ấy ,
 
Vàng hương hoa sứ, sắc sân trường.....
 Phượng cũ dường như luôn trẻ lại,

 Mỗi khi hè đến sắc không  phai !

Nhặt từng cánh phượng sân trường cũ,
Đi dưới hương hoa sắc thắm vàng....
Cứ ngỡ như thời còn cắp sách,
Nghe chừng đâu đó tiếng cười vang....

Cũng tà áo trắng bay trong gió,
Cùng màu hoa cũ sân trường xưa....
Mà tôi vẫn cứ đi tìm mãi ,
  Đâu đoá mai vàng xưa tuổi thơ ?!!
  
NM ( GL 68 )     
        
Sư Phạm ơi !......
Sư Phạm ơi, giờ thôi đã xa.....
Những ngày hoa mộng như thoảng qua !
Muốn tìm hơi ấm thân tình cũ,
Hình ảnh trường xưa, ký ức nhoà !!

Hoa còng sân cũ đâu còn nữa !?
Tà áo dài ai bay thướt tha......,
Biết bao đôi bóng bên khung cửa ?
Nhìn xuống "đồi còng" thương sắc hoa......

Đâu nào sân cỏ "tâm tình", ...ngắm ?
Bỗng thấy thầm yêu một dáng người.......
Hoa còng vương vấn bay theo gió ,
Ôn bài mà nhớ....nụ cười tươi ....!

Mấy "ai " mơ kết hoa còng ấy ,
Để tặng riêng "ai " một sắc hồng ?
Và tấm tình riêng chừ để lại......  
Sân cỏ, hoa còng ấy..... sắc không !!

Một mình trở lại thăm trường cũ,
Nhớ thời thơ mộng xưa đã qua.....
Hoa còng, sân cỏ đâu còn nữa ?
Tìm bóng bạn xưa.....? Mắt lệ nhoà !! 
NM (SP 71-73)
Truyện ngắn " Sơn Lào " cũng là truyện ngắn đầu tiên viết cùng thời gian với " Hoa vàng vẫn nở ", và truyện cũng được chọn đăng trong báo Xuân Gia Long Toronto
       Người viết chắc chắn còn nhiều sơ suất, nhưng đây cũng là một chút kỹ niệm vui, một chút tâm tình đóng góp cùng các tác giả mà thời gian qua Nam Mai đã mạn phép chọn vào Blog Nam Mai nầy, đó là nguồn vui và cũng là động lực khiến NM mạnh dạn viết....
      Cám ơn bạn Thu Giang, người bạn Gia Long của tuổi hoa niên, cám ơn Vân, cô bạn hàng xóm, và dĩ nhiên cám ơn "Sơn Lào ", người bạn trai láng giềng của tuổi ấu thơ, các bạn đã là động lực và niềm vui giúp NM ghi lại những kỹ niệm thời thơ ấu !!
      Nam Mai cũng nhân đây cám ơn các tác giả đã tạo ra các tác phẩm hay khiến NM cảm xúc đóng góp phần Thơ, hình thức blog NM cũng khá mới mẻ, hy vọng công sức của NM được các bạn hưởng ứng, đem lại cho các bạn chút thoải mái cho cuộc sống khá bộn bề !!
NM -  Phan thị Ngọc Diệp

Ngày Đó Chúng Mình 

 Thương nhớ !...

Thương nhớ làm sao tuổi thơ tôi !
Giờ đây kỹ niệm cũng xa rồi,
Thơ ngây ngày cũ đâu còn nữa ?!
Chỉ chút tình riêng thơ ấu thôi !!
NM 

Sơn "Lào"....

         Từ lâu tôi thường thắc mắc không biết tại sao Sơn lại có biệt danh "Sơn Lào" như vậy, cái tên này theo suốt cuộc đời Sơn từ lúc 10 tuổi cho đến tận bây giờ....!! Cho dù Sơn đã có cháu nội , cháu ngoại đầy đủ nhưng mỗi lần gặp lại hay nhắc tới Sơn là chị em tôi và Vân cô bạn hàng xóm luôn kèm theo cái nickname "Lào" sau cái tên Lý Hồng Sơn khá đẹp đẽ kia.... Nhưng thường là " Sơn Lào" cho nó gọn....
         Thắc mắc mãi sau nầy em gái tôi mới "bật mí" cho biết là chính đám em tôi thấy Sơn vừa nhỏ con, vừa lí lắc lại vừa hay diễu, tập làm người lớn từ thuở lên mười bằng cách lúc nào cũng vấn điếu thuốc lào cài phía trên tai , ở trần mặc quần xà lỏn đi chơi khắp xóm , thuốc hút này là do Sơn lén lấy của ba Sơn (ba Sơn hút thuốc vấn) ! Tôi thì ban đầu gọi Sơn là "Sơn lé" vì cặp mắt hơi mài mại "đánh nhau" của Sơn, nhưng về sau tôi phát giác ra Sơn giống mẹ từ khuôn mặt vuông vuông bành bạnh , cho đến giọng nói, và dĩ nhiên cả đôi mắt đen tròn....hơi lé của bà !! Bà lại.... dữ tiếng to vang vang cả xóm chắc có lẻ do "cai quản" bảy đứa con vừa trai vừa gái cho nên tôi phải "ghìm" lại biệt danh này và bắt chước theo các em gọi "Sơn Lào" cho....thống nhất !
           Lúc gia đình tôi dọn về đây thì tôi chưa thi vào Gia Long, ở nhà mới chừng một tuần tôi khám phá ra rằng hai chị em tôi là "hoa lạc giữa rừng gươm" vì chung quanh và kề cận nhà đều toàn là các đấng nam nhi !! Nhỏ nhất cũng hơn tôi 2 tuổi, ngay cả căn nhà trước mặt có một chị lớn hơn 5 tuổi có một anh trai và một em trai ở Bình Dương xuống trọ nhà Cậu Mợ đi học, chỉ có 3 đứa con gái lại nhỏ hơn tôi 4 tuổi trở lên.....  !! Thật là buồn....và lúc nào cũng phải "nghiêm nghị" chỉ ở trong nhà vì mỗi lần " ló" ra cửa đứng nhìn các em chơi lại nghe khi thì "suỵt suỵt", khi thì "Ê,ê nhỏ ơi....." rất chi là bực bội, cũng không dám nhìn xem tên nào dám "Ê ê nhỏ ơi" với mình.....!
           Nhà Sơn Lào cùng dãy, cách nhà tôi 3 căn trước sân có cây mận trắng rất sai trái, tàn cây de sát lan can trên lầu, không ai có thể hái trộm cây mận đó vì dưới nhà Sơn có cửa sổ rộng và thấp, nhìn thẳng ra cây mận, ngoài việc đi chợ, bếp núc xong là má Sơn "đóng đô" ngồi nhai trầu ....canh cây mận! đồng thời canh luôn mấy đứa con đang còn đi học tập trung ở trên lầu....
          Ấy vậy mà Sơn vẫn thoát được sự canh chừng chặt chẽ đó, lân la làm quen Một hôm chị em tôi chơi đánh đũa ngoài hàng ba thì Sơn tuột từ cây mận xuống lom khom vừa chạy vừa núp theo hàng rào, tới sân nhà tôi đưa ngón trỏ lên miệng suỵt suỵt ra dấu nói nhỏ rồi chỉ ngược về phía nhà nói
        _"Nói nhỏ thôi tui canh bà già vừa xuống bếp là leo cây mận xuống để chạy lại đây hỏi thăm....."ấy"! "
         Chưa kịp trả lời vì vừa buồn cười khi nhìn vẻ sợ sệt và đôi mắt...hơi lé của Sơn thì Sơn lại tằng hắng nhỏ hỏi tiếp
         _" "Ấy" mới dọn về hả ? Ở đâu vậy ? mấy chị em ?"
          Rồi tự giới thiệu luôn :
         _"Tui tên Sơn, nhà cùng dãy, trước nhà có cây mận..., mấy hôm nay thấy nhà "ấy" mới dọn về định chạy đến chơi, nhưng bà già ngồi divan hoài tuột xuống bả thấy là ăn đòn bữa nay "hên" lắm đó..."
          Chỉ nói được bao nhiêu và tôi cũng chưa kịp trả lời do vừa tức cười vừa bất ngờ thì vang vang từ nhà Sơn tiếng kiểm tra của má Sơn, thế là Sơn giật mình vừa ló đầu nhìn đám em tôi vừa nói :
        _" Em "ấy" đây hả, bữa nào rảnh tui chạỵ tới chơi tạt lon, vít hình với tụi nó....Hái mận cho "ấy" nữa, nhưng chua lắm không được ngọt "Ấy" tên gì ?."
          Rồi lom khom núp chạy về thót lên cây mận trèo vô nhà....Những lần sau đó Sơn lân la tới chơi thường với các em trai tôi, tuy tụi nó nhỏ hơn nhưng cũng thành bạn với Sơn, tôi cũng vui vì thấy các em mình có người chơi, tuy còn nhỏ nhưng thấy Sơn "lấc cấc" chơi với con nít, mình lại là "chị hai", tôi cũng ít nói chuyện với Sơn chỉ đứng nhìn các em chơi và "rình" coi có ăn gian tụi nó hay không, lúc nầy ông Tám là ba của Sơn với ba tôi đã giao thiệp với nhau , cho nên Sơn tới nhà chơi thoải mái, nhờ Sơn giới thiệu, tôi mới biết Vân ở ngang nhà Sơn , nhỏ hơn tôi một tuổi và lớn hơn em gái kế tôi một tuổi, sau này chúng tôi thân nhau như ba chị em, có Vân chị em tôi cũng bớt "trơ trọi" giữa "rừng gươm"        Bản chất là chị hai lại vắng mẹ , cho nên tôi tự nghĩ phải "làm gương"cho các em, ai bằng tuổi gọi tên, xưng tên hoặc "tui", lớn thì gọi anh chị..... Biết Sơn bằng tuổi cho nên tôi gọi tên xưng "tui", còn Sơn cứ lí la lí lắc bắt chước em gái tôi và Vân cứ " bà Mai "...nhưng dưới mắt tôi, cung cách và bộ dạng của Sơn như con nít cho nên tôi cứ nghĩ mình người lớn hơn Sơn....Em gái tôi và Vân không kiêng dè gì cứ mày tao chi tớ dù Sơn lịch sự thường gọi tên tụi nó kèm theo chữ "bà", mãi cho tới bây giờ nhắc tới Sơn lúc nào tụi nó cũng bắt đầu bằng 3 chữ " Cái thằng đó...."Tội nghiệp Sơn cũng chỉ cười hề hề ....rồi thôi vì biết không thể nào chống lại hay thay đổi được "hai bà la sát, hai bà chằn"..đó là "biệt danh" ám chỉ em gái tôi và Vân...          Dần dần nhờ Sơn cho biết, chị em tôi có thêm bạn đồng trang lứa cũng cùng dãy và cách nhà tôi 1 căn, nhà Sơn 1 căn, Ti là con trai bằng tuổi em gái tôi có cô em cũng cùng tên với tôi, đây là gia đình di cư từ Bắc vào hiền hoà lại sợ "đụng chạm" mích lòng hàng xóm cho nên rất ít giao thiệp với ai, thế nhưng ba mẹ Ti lại có cảm tình với gia đình tôi nên ba Ti làm thân với ba tôi và 2 người khá thân nhau, Ba Ti thường rủ ba tôi đi chung mỗi khi trong xóm có mời đám cưới hay đám ma . Bây giờ buổi tối Sơn không còn tuột từ cây mận xuống mà Sơn leo bám lan can trèo qua nhà Ti suỵt suỵt gọi chị em tôi ra nói chuyện chơi trong thời gian "giải lao", vì tất cả bọn tôi đều ở trên lầu học bài và ngủ cũng ở đó....
  Khi tôi thi đậu vào Gia Long thì Sơn đậu vào Nguyễn Trường Tộ, lúc đó trường nầy mới thành lập sau Cao Thắng cho nên việc thi tuyển dễ dàng hơn Nhìn bộ điệu Sơn hí hửng khoe khoang đi tới đi lui khi mặc thử bộ đồ kaki xanh đồng phục ai cũng tức cười, Vân nghe ngóng được tin tức ở đâu rỉ tai cho tôi biết
           _"Thằng đó học dốt, làm biếng ham chơi dễ gì nó đậu, nghe đâu ba nó khoe anh nó làm xưởng Ba Son quen biết gởi gấm cho nó cho nên "chó ngáp phải ruồi" !! "
          Tôi  bật cười khi nghe Vân nói, nhưng ngẫm lại cũng có lý, và tức cười vì nhớ lý do thù dai của Vân với Sơn Lào.....Ấm ức vì cứ bị nạt nộ và áp đảo của hai "bà chằn", cho nên có một hôm tôi đứng chờ Vân cùng đi chợ, Sơn rề qua nói nhỏ với tôi :
          _" Bà Mai , tui tức con nhỏ nầy lắm, hôm nay bà chứng kiến tôi "trị" cho nó chừa, bà làm thinh nha "   
          Tôi còn đang ngơ ngác chưa đoán ra thì Vân xách giỏ trong nhà di ra, Sơn lén lấy một cành cây khô nhỏ xù xì nhân lúc Vân lo nói , Sơn thảy nhẹ vào người Vân..... Đang vui vẻ cười nói tự nhiên Vân giựt mình nhảy tưng tưng vừa la vừa muốn khóc hỏi Sơn cái gì vậy, Sơn giả bộ nhìn sau lưng Vân và nói:
           _" Có con thằn lằn đang bám vào ống quần của bà"
          Thế là Vân càng sợ hơn phát khóc kêu Sơn phủi dùm,
          Sơn nói :
           _ " Không được nó bám chặt , bà nhảy mà nó còn không rớt xuống , chỉ có nước  bà tuột quần giũ nó mới rớt"
          Vừa nói Sơn vừa nháy mắt với tôi...., bẩm sinh tôi cũng sợ thằn lằn cho nên cũng không dám phủi và cũng tưởng là con thằn lằn thiệt, sợ quá chỉ biết nhìn Vân mà cười vì thái độ sợ sệt của Vân, nhưng thật là may, tôi còn bình tĩnh nói với Vân chạy nhanh vô phòng tắm mà giũ vì tôi thấy lúc đó do sợ quá Vân có thể sexy 50% để rũ bỏ con vật "ghê gớm" kia.....!! khi Sau khi phát hiện ra đó chỉ là một cành cây khô, Vân liền quăng giỏ rượt đánh Sơn, nhưng Sơn nhanh nhẩu thót lên cây mận vào nhà. Mỗi lần nhắc chuyện này Sơn cứ "cằn nhằn" tôi nhắc Vân làm chi....
     Tuy là hãnh diện đậu vào trường công lập rồi sữa tướng đi cho ra vẻ người lớn, nhưng hè năm đó và Tết Sơn vẫn còn chơi tạt hình, tạt lon, đánh bài cào ăn hình với các em trai của tôi, thấy tụi nó còn nhỏ nên hay "ăn gian" lận bài dấu trong lưng quần, thua thì hốt chạy giả vờ nói "bà già" kêu , có lần thua , "sên non" ôm hết hình chạy về nhà, em trai út tôi khóc mếu máo chạy vô nhà mét , Tâm kể Sơn còn "thách cho mày mét chị mày tao không sợ...."Thương em , tôi chạy ra nhìn thấy Sơn cười hỉ hả dòm mấy em tôi.....Nhìn điệu bộ Sơn tức quá tôi chạy vội vô nhà rút cây chổi lông gà giấu sau lưng xăm xăm đến nhà Sơn, Sơn vẫn không đề phòng hất mặt cười cười, tới lúc thấy tôi cầm cây chổi nhào tới quất vô chân, sợ quá Sơn chạy tuốt vô nhà .....Lúc đó má Sơn ra hỏi_"Chuyện gì vậy , "gà mái đá gà cồ" hả ?" 
          Sau khi biết chuyện bà la Sơn một trận còn tôi tức cười thầm nghĩ "gà trống tre thì có"..... Ấy vậy mà Sơn cũng không giận vài hôm sau lại qua chơi còn nói "Tui giỡn với tụi nó mà không ngờ bà dữ thiệt, may mà tui chạy kịp, nhưng cũng bị bà quất hai roi !"

 Năm lên đệ ngũ vì lo chuẩn bị cho năm đệ tứ, các em tôi cũng đi học tiểu học không còn chơi như trước, Sơn càng ra vẻ "đạo mạo" hơn, năm đó lớp tôi học nằm dãy sân thể thao, đường.........,buổi chiều tôi "quá giang" theo xe ba đi làm, cho nên đến trường hơi  sớm, tôi thường ngồi dựa bờ vách tường coi bài chờ bạn và cũng là chờ mở cổng, ngày đó học sinh đến trường đa số bằng xe đưa rước hay xe đạp, ít ai đi xe gắn máy, Sơn được anh Ba cho chiếc Cady nhỏ, chiều nào tôi cũng thấy Sơn chạy vòng vòng chung quanh trường....,.phía sau lưng Sơn trên cái yên nhỏ là một cái cặp to thật to không biết chứa cái gì bên trong, đã vậy còn ló ra cây thước bảng dài cũng thật dài.!... điều nầy tôi chỉ thấy ở Sơn , cho dù người ta học lớp cao cách mấy cũng chẳng ai "trang bị" như vậy , Vân hỏi đùa Sơn đi học hay đi dạy ?          Mỗi lần Sơn chạy ngang qua tôi vì tò mò nhìn, lại thấy Sơn cười cười ngã đầu chào, vì Sơn hơi lé cho nên tôi không biết Sơn nhìn ai  cũng cười cười cho ...lịch sự !! Cứ như vậy, Sơn chạy chung quanh hoài, mỗi lần thấy tôi ngước lên là lại chào !! Thật ...mõi cổ , vì vậy tôi quan sát chung quanh các bạn ngồi gần xem ai thật sự là người Sơn chào, thì thấy mọi người thản nhiên không ai để ý, tôi nghĩ thầm "cái thằng quỷ" nầy mới bây lớn bày đặt "o mèo" ", rồi cũng quên đi, cũng không kể cho hai đứa kia nghe vì tôi vốn ít nói

          Năm tháng qua, chúng tôi đều lớn lên, gia đình Ti dọn đi nơi khác, cây mận cũng không còn vì con nít càng ngày càng nhiều lại phá phách, má Sơn lớn tuổi , việc nhà giao cho con cái, bà cũng không còn sức khoẻ để "hù doạ" tụi nhỏ sau cơn bệnh nặng , gia đình Sơn chặt bỏ cây mận,....và tuy Sơn có hứa từ cái thuở ban đầu lò mò đến làm thân là hái mận cho tôi,  tôi cũng chưa bao giờ được nếm vị chua hay ngọt của cây mận ấy, có điều sau này, sau những buổi tối mệt mõi học bài chuẩn bị cho các kỳ thi, Sơn cứ suỵt suỵt hoặc húyt gió là Vân chạy ra nháy nhó chỉ qua nhà tôi , Vân biết ý thay quần áo qua rủ cười toe toét :
           _"Thằng Sơn Lào" rủ tụi mình đi ăn kìa....."
           Vì làm ra vẻ người lớn , lại nam nhi cho nên Sơn luôn giành trả tiền, tôi không chịu, Vân và em gái tôi ham vui cho nên xúi :
           _"Kệ nó cho chết cái thằng "làm le"."
           Tôi ngại nói :
           _"Hai đứa bây đi ta ở nhà xem truyện lười lắm"
           Vân và em tôi nhất định kéo tôi ngồi dậy, Vân nài nỉ :
           _"Nó biểu phải có bà mới vui.....bà đi cho tụi tui "ké" !..".
          Sau nầy tôi đoán trong nhà tuy là con giữa nhưng chỉ có mình Sơn học trường công lập lại làm ra vẻ cho nên anh chị thương cho tiền, vào thời đó cái gì cũng rẻ nên cũng không đến nỗi "bóc lột" Sơn....
 
         Tuổi trẻ qua mau, cuộc đời thay đổi mỗi đứa mỗi ngã, tôi vào Sư Phạm ra trường về Bạc Liêu, Vân và em gái tôi lên đại học vừa đi học vừa nấu cơm cho gia đình, Sơn vào Không quân ngành Kỹ thuật do không đủ chiều cao, mà lỗi nhiều nhất có lẻ vì cặp mắt hơi lé dù Sơn rất thích "bay", đơn vị của Sơn ở tận Huế xa xôi, hiếm khi mới gp nhau, chúng tôi chỉ có cơ hội  "họp mặt" dịp hè, mỗi lần như vậy lại rủ nhau đi ăn tối, tôi và Sơn thay nhau "bao" hai bà chằn....Sơn vẫn gọi hai đứa nó như vậy, còn Vân và em gái tôi cũng cứ mày mày, tao tao......, riêng tôi không biết tại sao cho dù đã trưởng thành, nhưng mỗi khi nói chuyện với Sơn tôi vẫn thấy thấp thoáng chung quanh Sơn một cậu bé 10 tuổi tuột từ trên cây mận xuống chạy tới làm quen...., hay cái thằng nhỏ lí lắc trốn nhà mặc quần xà lỏn tai vắt điếu thuốc để chứng tỏ mình "người lớn"  muốn diễu cho vui.....
           Ba tôi qua đời năm 1996, vì thân tình cả nhà Sơn đều đến viếng, do ba tôi tuy hiền lành nhưng ít nói và đàng hoàng, cho nên Sơn "ngán" ba tôi, thấy từ xa là đã cúi chào bác Năm thật sâu, Vân chọc :" lễ phép dữ bộ tập làm rễ cho quen hả ?".....Sơn cười nói : "Người ta đàng hoàng lễ phép chứ ai như bà với bà Anh, nhỏ hơn mà cứ mày mày tao tao....."nhưng Sơn vẫn không giận, và chúng tôi đều vui....
          Sơn có gia đình ở nơi khác,  ngày cúng 49 ngày của ba tôi Sơn nhớ tới viếng và đốt nhan, các em tôi nay tóc cũng đốm bạc, tụi nó có bạn bè, nhưng vẫn mời Sơn ở lại nhậu cho vui, em gái tôi còn bên đảo, Vân thì  có chồng định cư bên Mỹ....Sau khi hỏi thăm, chén chú chén anh vui vẻ, nhất là không có " hai bà chằn" kề bên như xưa Sơn bộc lộ cho các bạn em tôi về tôi, một nữ sinh Gia Long "ngon lành" nhứt xóm (vì ngày đó trong xóm chỉ có tôi học Gia Long, chị thứ năm kế Sơn nghe đâu thi 4,5 lần đều rớt !!) Và Sơn" tự khai báo" :
         _"Hồi đó chiều nào anh cũng canh bác Năm đưa bả đến trường, anh chạy xe vòng vòng chào bả , tiểu thư yểu điệu lắm đó......"
          Thật là một tin thật bất ngờ và tức cười !! Vì cái tính lí lắc, vì đôi mắt của Sơn....tôi không bao giờ nghĩ người Sơn muốn chào lại là........mình !!.Tôi hỏi gặn Sơn : "Thật không đó ?", vẫn y như xưa Sơn giơ tay thề "Láo chết đi" .....Và tôi lại nhớ hình ảnh thằng con trai nhỏ leo xuống t cây mận chạy đến làm quen ngày xưa.....Mà cũng bùi ngùi cho người bạn nhỏ đầu tiên ngày nào của chị em tôi .Cá tính của chúng tôi vẫn vậy, thân tình còn đó, có chăng những vui vẻ nông nổi của tuổi thơ ngây ngày nào không bao giờ trở lại !!...
          Không biết do men  rượu hay do sự bộc bạch bất ngờ của Sơn, bỗng nhiên cả bàn đều im lặng, nhìn ra cửa ngõ tôi  như thấy lại thằng con trai nhỏ tên Sơn ngày nào đang lấp ló nhìn tôi gọi "Ấy ơi.....".......
NM PTND

 
Cùng một tác giả :  
- Hoa vàng vẫn nở         (20/03/2013)  
- Ký ức mùa Thu           (14/09/2013)
- Món quà quê                                 (14/2/2016) 
- Hoa Phù dung ngày ấy                     (14/3/2016)
- Tuỳ bút                                        (02/6/2016) 
- Quân "ngày xưa"                           (10/6/2016)
- Tiếng chuông khuya                         (17/6/2016)
- Dáng xưa                                     (22/8/2016) 
-Trà Vinh ơi, niềm vui thật bất ngờ     (30/4/2017)
-Trà Vinh, đến hẹn lại về .....!             (07/7/2017)
-Cổ tích trường xưa                          (19/8/2017)

....................................
Đây là những truyện ngắn hay tuỳ bút của NamMai, gần như 100% là những câu chuyện thật, những tự sự và cảm nhận của chính người viết thật bình thường trong cuộc đời "vô thường" nầy 
      Mong rằng những gì NM viết sẽ cùng đóng góp với các tác giả khác, đem lại đôi chút giải trí cho người đọc  trong "Những ngày tháng không quên" nầy. Ngoài ra NM còn có một số bài viết kèm theo hình ảnh như phóng sự kỷ niệm những nơi đã đi qua hay những mùa Xuân năm cũ....Tất cả những bài nào do NM viết, các bạn có thể xem trong Blog NM2 nếu các bạn thích
 
THÔNG BÁO
        Blog "Nam Mai - Những ngày tháng không quên" đã quá tải, post thêm bài mới hoặc chỉnh sửa rất khó, một phần vì số lượng bài, hình ảnh và âm nhạc quá nhiều.....Nhưng phần lớn vì Nam Mai không rành về thủ thuật vi tính cũng như không có thời gian hoặc một ai tư vấn !!

        Vì những hạn chế trên Nam Mai đành phải chuyển phần Thơ Nam Mai sang một Blog riêng dảnh cho "Thơ Nam Mai", cũng chủ đề "Thơ Nam Mai - Những ngày tháng không quên", để lưu giữ thơ  việc chuyển nầy có lẻ hơi lâu vì dễ bị lỗi, khi nào Thơ Nam Mai được chuyển sang blog riêng xong NM sẽ xoá Thơ trong blog cũ và tiếp tục post thêm phần chủ đề Nhac-Thơ-Văn mới

         Đây chỉ là một Blog cá nhân nhưng số lượng bạn bè vào xem, yêu mến ủng hộ khá đông, Google có thông báo NM nên nâng cấp rộng lớn hơn, nhưng tài hèn sức kém đành ...từ từ vậy !

        Mong rằng sẽ sắp xếp căn nhà bừa bộn nầy nhanh để có thể ổn định bài vở tiện cho các bạn vào xem giải khuây
       Vẫn còn Năm Mới Nam Mai xin chúc Các Bạn Một Năm Như Ý, Vạn Sự An Lành
Địa chỉ cho Blog Thơ Nam Mai :

Thơ Nam Mai - Blogger

 kcngocdiep.blogspot.com