Thứ Năm, 10 tháng 10, 2019

NTV - Tân Phước Khánh 44 năm sau quay trở lại,

Hơn bốn mươi năm trở về đây,
Thấy ngày xưa ấy thoảng như mây...
Cảnh cũ đâu còn, người xưa vắng,
Mây hỡi mây trời thôi cứ bay !
NM
Tân Phước Khánh 44 năm sau quay trở lại,
Mỗi tháng Ti có 1 hoặc 2 ngày nghỉ phép, tháng nầy phép nhằm ngày 8/10/2019, Ti hỏi tôi có muốn đi đâu hơi xa không vì hai cô cháu vừa đi Cần Thơ hôm 24/9 cách nhau chỉ đúng hai tuần thôi ! Ban đầu định đi Vũng Tàu nhưng nghe dự báo mùa nầy hay mưa và nước dâng lên bất chợt...Tôi nói với cháu thôi thì đi Bình Dương tìm lại ngôi trường Tân Phước Khánh, ngôi trường thứ hai sau trường Trung học Bạc Liêu mà tôi đã xin chuyển về sau ngày 30/4/75 và tôi cũng bắt đầu dạy ở đây trong khoảng thời gian tháng 10 nầy, đi tìm lại chút kỷ niệm cũ của hai tháng dạy ở đó và rồi chia tay vì tôi bị tai nạn gãy xương, tuy chỉ có hai tháng trời ngắn ngủi nhưng cũng có biết bao nhiêu ân tình và kỷ niệm khó quên ! Hơn nữa tôi muốn cho cháu thấy trong quá khứ tôi đã cực khổ như thế nào khi hàng ngày phải lặn lội vừa đạp xe đạp vừa đón xe đò chạy bằng than ở ngã sáu rồi lại đạp xe từ ngã ba Búng vào trường gần 10kms nữa !...Đó chỉ là một bận đến trường thôi, có hôm chiều về khg có xe tôi lại đạp một mạch từ trường về nhà !
Mặc dầu đã nghiên cứ lộ trình trước qua Google map, nhưng nhìn vào đó tôi chẳng hiểu gì hết vì lộ trình khác đi và đường nào cũng có tên mới, thật ra con đường từ ngã tư Bình Chuẩn vào một đoạn khoảng vài cây số mới có đường đi vào xã Tân Phước Khánh, ngày nay đã là thị xã Tân Phước Khánh, một thị xã mới đang trên đà phát triển mạnh về mọi mặt Khi Ti chở đi thực tế thì nhìn thấy cảnh càng khác xưa hơn, những cảnh quang ngày xưa hoàn toàn biến mất thay vào đó là cảnh nhộn nhịp của một thành phố đang phát triển, không còn con đường chập chùng lên đồi rồi xuống dốc mà hai bên đường nhà cửa san sát, không có hố sâu do bom, không còn nhà tranh vách đất, rẫy khoai mì, đậu xanh, thuốc lá, mía....bạt ngàn như xưa, ngay cả con đường từ Bình Chuẩn đi vào cũng chỉ còn một hai con dốc thoai thoải thôi , thế nhưng nhìn sâu tận bên trong con hẻm phía sau những căn nhà mới cất vẫn còn thấp thoáng nhưng trũng thấp có lẻ người ta chưa lấp hết
Hơn bốn mươi năm qua rồi, dân thập phương từ xa đổ về thì phải thế thôi, Ti nói ở đây có lẻ người Sóc Trăng ở nhiều nhất vì nhìn bảng số xe toàn là của ST !!Tâm trí mênh mang, lòng vừa vui mà cũng vừa buồn, hồi tưởng lại cảnh hoang sơ tuy nghèo nhưng thật nên thơ ngày ấy, nơi đây tôi đã tận mắt nhìn thấy những căn nhà mái tranh vách đất, tôi đã từng vén áo dài cột hai vạt lại lội vào ruộng khoai mì và đậu phộng phụ giúp nhà vườn thu hoạch...Những tấm lòng thơm thảo của phụ huynh nghèo, hôm nào không người nầy cũng người khác đứng chờ tôi đạp xe ngang qua réo gọi gởi chút quà quê, hôm thì bầu bí, lúc khoai mì, khoai lang.... Ngày nào tôi về nhà phía sau yên xe cũng cột một bao cói chứa nông phẩm !!
Dân nghèo thương cô giáo từ xa cực khổ lặn lội lên dạy nơi xa xôi nầy. Ngày ấy xe đò chạy bằng than cũng ít cho nên tài xế và phụ xế mau quen mặt, mỗi lần giúp tôi đỡ chiếc xe đạp để lên mui xe, chú lơ xe hay nói giỡn cô giáo hôm nào cũng có hối lộ !!Ngẩn ngơ và cũng hơi buồn cho nên không chụp lại hình ảnh hai bên đường tôi muốn giữ lại hình ảnh xưa trong tâm, vì thế nói với Ti đi tìm ngôi trường TPK, trong trí vẫn còn nhớ ngôi trường phía bên tay trái từ dưới chợ đi lên, chợ vẫn còn, đông đúc và trù phú hơn...thế nhưng không chú ý lại đi một vòng nhờ vậy mà có dịp biết trường Trung học cơ sở TPK nhưng sau cùng rồi cũng đến nơi...
 
Đứng bên nầy đường hai cô cháu tha hồ quan sát và chụp hình... Trường đã cất lại rộng rãi khang trang hơn, sân cũng lớn hơn có lẻ người ta phát triển diện tích trường thêm, thật tình qua 44 năm trí nhớ không tinh tường nữa, chỉ nhớ ngày ấy văn phòng gần cổng, phía sau trường là một khoảng đất rộng cây cối nhiều đa số là cây chuối... ở đây có lần trong khi chờ học sinh chép bài tôi ra cửa sổ ngắm cảnh thì phát hiện Thầy Hiệu phó đứng "rình" nghe cô giáo Văn mới về giảng bài !! (Lúc đó thầy còn độc thân và nghe bác lao công nói ... thầy vui tính... chưa vợ...!!) Hèn gì bác lao công, ông Hiệu Trưởng và ông chủ tịch xã kêu gọi cô giáo chuyển hộ khẩu về đây sẽ cấp đất cho !!
 
Bao nhiêu ký ức lại ùa về. Nhớ đám học trò quê  ở cách Sài gòn chỉ hơn 40kms mà chưa từng biết thành phố SG ra sao, muốn đến thăm cô phải nhờ người dẫn đường ! Tuy dạy các em mới có hai tháng mà các em cũng quý mến xin cô nhận làm em nuôi như Hưng, Hoa, Tuấn....! Nhớ những buổi sáng đến trường vừa quẹo từ ngã ba Búng vào là đã có học trò kêu ơi ới tháp tùng theo, cô giáo đạp xe ở giữa chung quanh là học trò, vừa chạy xe vừa nói chuyện rôm rã quên cả mệt nhọc lẫn đường xa....
Không còn đồi dốc, không còn nhà tranh và nhất là không còn những đám bò con, nai con chạy tung tăng trên đồi ăn cỏ có khi rượt đuổi nhau trông thật nên thơ vui mắt....Ngồi sau lưng Ti kể cho cháu nghe kỷ niệm cũ mà ngỡ như nói với chính mình ! Chắc chắn sẽ không bao giờ có dịp gặp lại các em cũng như nghe các em kể lễ tâm tình những nỗi khó khăn hay bức bách của cuộc sống cực khổ hàng ngày, những "đương đầu" quá sớm với chế độ vừa mới lên nắm chính quyền chưa được một năm...Cũng giống như các gia đình học sinh ở Bạc Liêu nhất là những gia đình từng tham gia cách mạng hay nuôi quân kháng chiến bây giờ lại bị cắt đất chia ruộng, lại chịu sưu cao thuế nặng vì "nước còn nghèo mới bắt đầu độc lập"...Bài hát nầy mãi tới bây giờ vẫn còn !! Có em còn thật thà kể lại những đối phó của gia đình mình với chính quyền địa phương trong đó có em còn lôi cả quần áo lính VNCH ngang nhiên mặc ra tiếp chủ tịch xã.,nghe thật buồn cười mà cũng ngậm ngùi, nhiều lần tôi muốn nói với các em đã muộn mất rồi !! Các em còn tự thú gia đình không sợ vì chính nhờ những gia đình nghèo nầy đã cung cấp nuôi dưỡng cho quân đội CS nằm vùng kháng chiến, tht là oái oăm
Bây giờ về thôi, Ti nói nhịn ăn sáng để bụng đói qua Khu du lịch sinh thái Vườn Bưởi ăn trưa vì ăn sáng sẽ no không thưởng thức món ngon được nhiều và trên đường qua Vĩnh Cữu Đồng Nai sẽ ghé Làng Tre Phú An cũng tiện
NM Phan thị Ngọc Diệp