Hiển thị các bài đăng có nhãn Mùa Đông. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Mùa Đông. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2020

Nhạc - Thơ - Văn Lần đầu tiên cúng Đông Chí !!

Duyên kỳ ngộ
Bay trong cõi càn khôn vũ trụ,
Ngàn năm một thuở gặp do duyên...
"Mãn hoa thiên vũ" gọi tên em,
Trùng hợp với sắc mùa Đông chí
 
Không gian rộng ngàn năm hạnh ngộ,
 Duyên của Trời nào khác nhân gian ?
Thôi thì cũng vẫn hợp tan,
Cơ duyên một thuở lưu ngàn năm sau !!
NM

Lần đầu tiên cúng Đông Chí !!
 Thay cho lời tạ lỗi với những người của ngày xưa....
Trong suốt cuộc đời từ lúc còn bé sau đó lớn lên đi học, ra trường rồi về Bạc Liêu là quê hương bên ngoại, một tỉnh ở miền cuối Việt xa xôi, về Bạc Liêu trong lúc mùa Đông nên tôi mới biết và để ý đến Tiết Lập Đông và nhất là Tiết Đông chí vì Bạc Liêu là vùng đất có ba dân tộc cùng sinh sống:Việt, Khmer và người Hoa, cả ba dân tộc đều sống chan hòa với nhau, cùng vui chung trong những mùa lễ lớn, nhất là vào dịp cuối năm bắt đầu từ tháng mười âm lịch trở đi, khởi đầu là lễ đua ghe ngo của người Khmer rồi tiếp theo là một loạt các lễ hội lớn của người Hoa kéo dài cho đến Tết Nguyên đán mới hết
Năm đầu tiên về nhận nhiệm sở là đã cuối tháng 11 dương lịch, những bận rộn của cuộc sống mới cộng với những tháng ngày chính thức bước vào đời lại gặp số lượng học sinh khá cao và cũng ....khá lớn tuổi, lớn cả sức vóc, đa phần các em chỉ nhỏ hơn cô tối đa là 5 tuổi còn lại đôi khi có em lại bằng tuổi hay lớn hơn cô và đã có gia đình, nhưng em nào có gia đình thì trầm tỉnh dễ thương và rất lễ phép !
Cô giáo trẻ xa nhà, bỡ ngỡ cho nên ....nhớ nhà rất nhiều, năm đầu tiên còn được ở với ngoại vì vậy chỉ mong ban Giám hiệu sắp xếp thời khóa biểu thuận tiện để bốn tuần được về Sài gòn thăm nhà, tất cả những dịp lễ hội đều không quan tâm đến dù các em học sinh hay giới thiệu và "quảng cáo" để giữ cô giáo ở lại chung vui....
Nhận nhiệm sở ngay giữa mùa Đông thì lại càng nhớ nhà nhiều hơn nữa vì lúc nầy là lúc quán cà phê của mẹ rất cần cả hai chị em phụ giúp, cô em gái bây giờ phải vừa đi học vừa đi chợ, nấu cơm rồi phụ quán, mỗi lần nhận điện thoại của mẹ than thở là một lần...khóc âm thầm, cho nên chỉ mong về thôi cho dù chỉ về thăm nhà được ba ngày hai đêm, cho dù ngày ngày cứ nghe tin đắp mô và đêm đêm thường nghe tiếng đạn pháo kích...!
Những buổi sáng mùa Đông ở Bạc Liêu vô cùng thích thú tôi thường đến trường thật sớm, trời Đông lạnh khô ráo tuy nắng bụi nhưng vẫn còn hơn là mưa bùn, được đi bộ đến trường giữa đám học sinh thân quen, có niềm vui nhìn ngắm vườn hoa sao nháy đủ màu sắc của các soeur ở nhà thờ lớn trên đại lộ chính hay ngắm cây đào lông duy nhất đang trổ hoa trong sân tennis bên cạnh trường, nhưng niềm vui lớn nhất là được vô trường sớm chạy đến hộp thư tìm thư "người quen" ! Và trong những sáng mùa Đông đó cũng có một người đến sớm không kém là anh VH, anh cũng lục tìm thư nhưng hình như chỉ để xem "những ai" có thư thôi, và mỗi khi thấy mình có thư thì anh lại hay nói đùa "Hạnh phúc thay cho người có thư !", phòng  giáo sư vắng người anh thường hay thổi kèn harmonica những bản nhạc buồn làm lòng càng nôn nao nhớ nhà, nhớ quán cà phê của mẹ !!
Trưa và chiều tan trường đi ngang qua chợ dịp cuối năm thì thật là nhộn nhịp, người ta chưng bày đủ thứ lễ vật cúng cuối năm, những tháp bằng đường đủ màu sắc, những bánh trái lựu to nhỏ xen với đủ loại giấy tiền, đèn lồng màu được bày bán đầy mặt tiền cửa hàng... Học trò vừa chỉ cô xem vừa giải thích để thuyết phục cô đừng về, ngoài việc ăn  mừng lễ Đông chí ra người ta còn tổ chức đi biển, thăm vườn nhãn., mừng vụ mùa thu hoạch cuối năm...Nhưng cô vẫn về vì niên học thứ hai một mình ở trọ, ngoại lên Sóc trăng, cậu cũng ít về Bạc Liêu, nhất là "người thân" cũng rời Bạc Liêu hẹn ...với ngoại sẽ trở lại khi tu nghiệp xong hai năm !!
Sự lạc lỏng cô đơn thiếu tình thân gia đình làm mình càng mong về hơn, thờ ơ với tình cảm gắn bó của học sinh dù trong lòng rất thương mến các em, biết bao lần anh VH đề nghị rủ thầy cô nhóm Văn tổ chức cho học sinh cắm trại chung cho vui, tuy rất ngại nhưng vẫn phải từ chối rồi lại khăn gói về Sài Gòn giữa 2g30 đêm mà không lo lắng đến những bất trắc mình có thể gặp trên đường đi vào thời chiến tranh !
Mùa Đông của niên học đầu học trò chưa thân thiết nhiều, nhưng qua niên học thứ hai thì các em học sinh thân gần cùng cô giáo hơn, nhất là khi thấy cô ở một mình thuê nhà người quen mà không ở tập thể cùng các cô giáo độc thân khác trong trường. Còn nhớ năm đó Tiết Đông Chí về thăm nhà, khi quay trở xuống thì bà chủ nhà báo hôm kia Đông chí, học trò xách một gà mên lớn đầy chè xôi nước đem đến biếu cho cô cả mấy chục viên! Tục lệ của lễ là ngoài những món bánh trái ra nhà nào cũng nấu chè xôi nước, bao nhiêu tuổi thì ăn bấy nhiêu viên ỷ. Viên ỷ nhỏ hơn viên xôi nước, cũng bằng bột nếp nhưng không nhân, nhà nào cũng thức suốt đêm để nấu chè, với người lớn tuổi người ta thay một viên xôi nước bằng 10 viên ỷ tương đương với 10 tuổi, các em chỉ đoán tuổi cô và vì thấy cô ở trọ cho nên mang lại cho cô trên hai mươi mấy viên ...! Và món quà đó dĩ nhiên cô chỉ nghe kể và chủ nhà "khen" học sinh thương cô quá, khen chè ngon và chè nhiều quá ăn không hết! Cô chỉ dùng hàm thụ mà trực tiếp là gia đình chủ nhà thưởng thức vì chè không thể để lâu được mà nhà cũng không có tủ lạnh !
Học trò thời đó thương cô giáo ở xa nhà cho nên quan tâm đến cô rất nhiều, biết cô cứ khoảng bốn tuần về Sài gòn thì cuối tiết học chót có em lại đem quà gởi biếu cô kèm theo phong kẹo chewing gum để cô dùng lúc ngồi gần cả ngày  trên xe hay đôi khi chờ phà bị kẹt, chờ phá mô. Có lần đang dạy hai tiết kề nhau nhìn ra ngoài thấy một em nam sinh ngại ngùng đứng ngoài cửa lấp ló ngoắc cô ra tặng cô túi hột gà mà mẹ em đã để dành cho em tặng cô dưỡng sức...!!
Hơn mấy chục năm qua, nếm trải biết bao nhiêu biến cố của thời cuộc nhưng mỗi lần Tiết Đông chí đến, nhìn các cửa hàng rực rỡ chưng bày quà bánh bán cho mùa lễ thì bỗng dưng thấy buồn, một nỗi buồn day dứt khó quên và ngậm ngùi ước gì mình được trải qua Tiết Đông chí một lần như ngày xưa nơi quê ngoại
.....Và tôi chưa bao giờ cúng Đông chí cho mãi đến năm nay, cô bạn lại tặng hoa ngày Chủ nhật, sau khi đi chợ Vườn chuối thì có việc ghé chợ Bàn Cờ mua rượu và vài món cần dùng, cô chủ tiệm là người Hoa cũng khá thân, cô tất bật bán hàng, qua câu chuyện mới biết ngày mai là Tiết Đông chí, khách hàng đến mua giấy tiền rất đông, có người không rành phải nhờ cô hướng dẫn, Cô giải thích thế nào là Đông chí và với người Hoa đó còn là Tết cuối năm cho nên người ta cúng thật rầm rộ
Cô cẩn thận hướng dẫn mua lễ vật và sắp xếp bàn cúng như thế nào, cô luôn căn dặn phải có ba viên xôi nước kèm theo mấy viên ỷ, cô nói bây giờ người ta cúng đơn giản hơn nhiều chỉ trừ những gia đình giàu có, gia đình đầy đủ đông vui thì mới cúng linh đình như  ngày xưa
Mọi việc trên đời đối với tôi đều có cái "duyên" của nó, ngày mai 21 tháng 12 là Tiết Đông chí và cũng là ngày Sinh nhật của Ti, ngày Đông chí năm nay còn có điểm thật đặc biệt là ngày duy nhất sau 800 năm hai sao Thổ và sao Mộc hội tụ cùng trái đất, cả hai tiến lại gần nhau và...lướt qua nhau !!Năm 2020 là một năm có nhiều biến đổi, toàn thể thế giới lao đao vì dịch bệnh Covid, biết bao gia đình mất mát đau khổ, thôi thì xin hãy lướt qua nhau và mang đi theo những nỗi buồn của dương thế
 Ti có đề nghị ăn buffet chay ở Đại Nam Hưng, không ngờ khi đến nơi thì quán đã đóng cửa ! Cả một tập thể nhà hàng rộng lớn tối thui không đèn làm hai cô cháu càng thêm chạnh lòng không còn vui vẻ hứng thú nữa, tôi nói thôi thì đi ăn  cháo lòng bánh hỏi Bình Định cho thuận đường và không phải chạy loanh quanh giữa lúc ngoài đường có quá nhiều xe cộ chen chúc nhau....
Khác với mọi năm, ngay tại trung tâm thành phố vẫn chưa có vẻ khởi sắc của dịp lễ lớn ngoại trừ các khuôn viên nhà thờ đông vui nhờ các xe bong bóng, những món hàng bày bán trên lề đường trước cổng nhà thờ...Khi đi ngang qua nhà thờ Tân Hương định nói với Ti dừng lại chụp vài tấm ảnh để chia sẻ cùng các bạn nhưng cảm thấy không còn hăng hái như các năm trước khi có dịch Covid
 Sáng sớm còn sốt sắng bày biện để cúng cho kịp trước khi Ti đi làm để Ti có thể đốt nhang "ăn Tết" Đông chí lần đầu tiên trùng hợp với sinh nhật của Ti, ngoài ra còn trùng hợp với sự hội tụ kỳ tích của sao Mộc và sao Thổ ngay trong đêm Đông Chí, một đêm dài nhất trong năm và cái duyên hạnh ngộ hiếm hoi đó mãi đến tám trăm năm sau mới có một lần !
Không biết tại sao mình lại có nhiều cảm xúc đến như thế, mong rằng thời gian tới sẽ thuận duyên hơn, tất cả nỗi đau sẽ qua mau và đi xa giống như sự chia tay của sao Mộc và sao Thổ, nỗi niềm của cô giáo ngày xưa cũng đã vơi đi ít nhiều...Có lẽ cảm xúc ấy đã làm mình quên chụp ảnh lại khi cúng, chợt nhớ ra thì đã dọn dẹp cả rồi chỉ còn lại cặp đèn cầy vẫn còn cháy cùng bình hoa của cô bạn, đó cũng là cái duyên vui ấm áp trong ngày Tết Đông chí nầy !
Thôi thì đành hẹn với lòng sẽ nhớ và ghi hình lại trong mùa Đông chí của năm sau vậy...!!
NM Phan thị Ngọc Diệp
(Ký ức mùa Đông)


Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2019

NTV Gió bấc lạnh lùng



Cơn gió bấc,
Ngọn gió bấc lạnh lùng xuyên áo mỏng,
Thổi từng cơn giá buốt đến tận xương....
Bao người cùng khổ bên đường,
Có ai thấu hiểu đoạn trường nầy chăng ?
(Tùy bút của nhà văn Tường Bách đã được đăng lần đầu trên báo Ngày Nay số 1, in tại Hà Nội ngày 30/01/1935.)
Tiểu sử Cụ Nguyễn Tường Bách
Tốt nghiệp bác sĩ năm 1946, cùng thời với Bác Sĩ Ninh (Viện Việt Học), Bác Sĩ Nguyễn Tôn Hoàng (cùng lãnh đại Đại Việt Quốc Dân Đảng với GS Nguyễn Ngọc Huy). Trước năm 1946, Pháp không công nhận bằng bác sĩ cho người Việt mà chỉ gọi họ là y sĩ.
Là con út tư trong một gia đình bẩy anh chị em: Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Tường Cẩm, Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo), Nguyễn Thị Thế, Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam), và Nguyễn Tường Bách.
Tác phẩm đã xuất bản:
Trên Sông Hồng Cuồn Cuộn, truyện dài Việt Nam, Một Thế Kỷ Qua, hồi ký 40 Năm Sống Ở Trung Quốc, hồi ký
 
Ngày Nay
 Gió Bấc lạnh lùng
Mùa đông đã đem lại cho ta cái cảnh gió bấc mưa phùn trong những ngày âm-u thảm đạm. Những cánh bàng xơ xác, những chiếc lá rụng rắc đỏ trên đường phố, với những buổi sáng sương mù xuống bao bọc cả thành phố Hà Nội trên các nóc nhà đỏ và các rặng cây còn xanh tươi, gieo vào lòng người một nỗi buồn thoáng qua nhưng sâu xa, thắm thía.
Nhưng mùa đông cũng đem lại cái thi vị và những cái thú vui riêng, mà chỉ trong ngày lạnh lẽo, người ta mới hiểu rõ hết được. Những làn gió thoáng trên các vườn, phảng phất đưa đến mùi hương thanh đạm của bao thứ hoa vừa nở, của những hoa cẩm chướng hay vạn thọ nhiều sắc rực rỡ, và nhất là của những hoa cúc mềm mại như lụa hay những cành đào vừa hé nụ cười điểm màu tươi lộng lẫy trên nền trời u-ám. Mà cảnh đông lạnh lẽo thật đáng nên thơ cho những người muốn tìm lấy cảm giác hay.
Một buổi sáng, trong bộ quần áo ấm, điếu thuốc lá ngậm trên môi, hai tay đút túi, ta dạo quanh bờ hồ Tây để ngắm cảnh sương mù nhẹ lan trên mặt nước bao la, che phủ cả những xóm xa xa thấp thoáng ở chân trời. Lúc đó, những cơn gió lạnh vụt thổi xào xạc qua cành lá gợi bao cảm giác mơ màng trong tâm hồn thơ của nhà thi sĩ nếu ta là thi sĩ.
Những thú vị của mùa đông lại càng rõ rệt hơn đối với hạng người phong lưu, nhàn nhã, không phải lo âu về vật chất. Trong khi ngoài đường gió bấc đưa những giọt mưa bay đập tí tách vào cửa kính, người ta thích quây quần trong những gian phòng ấm áp bên cái lò sưởi than hồng vui cháy, bên cạnh một bàn tổ tôm hay bên cạnh cái bàn đèn đầy mới là tuyệt nhất. Những lúc ấy người ta mới cảm thấy rõ rệt cái hạnh phúc không gì bằng của gia đình.
Mùa đông tới, người ta vẫn thản nhiên sung sướng vui chơi. Vài chiếc lá bàng rụng đủ là một dịp cho trái gái Hà-thành phối phang quần áo rét. Như thế cũng hay, vì ta được ngắm những cô tân thời yểu điệu trong bộ quần áo mới kiểu Lemur bằng len mùi dịu với cái khăn san phất phơ theo chiều gió cùng mấy sợi tóc vấn vương.
0011-2
Năm nay, nhiều khi ta thấy được những ngày nắng ấm, khô ráo thỉnh thoảng nhẹ bay qua một cơn gió hây hẩy mát. Đây là những tháng ngày thích nhất trong cả năm, vì người ta thấy trong lòng hăng hái, hăng hái làm việc hay ăn chơi. Nhất là ăn chơi.
Sau khi dạo chơi quanh các phố để ngắm các cô tiểu thư lộng lẫy trong cảnh rực rỡ, huy hoàng, hay đi mấy bài trong các dancing tưng bừng đàn hát, tiết trời êm ái, hơi lành lạnh như dục người quây quần bên cái bàn đèn ấm cúng hay mua một “đêm- ái -tình” tuỳ ý. Mùa đông đối với hạng thượng lưu thực là vui vẻ nhất, vì đã đem lại cho họ bao nhiêu thú vui mua được. Nhưng hơn thế nữa, mùa đông là mùa của ái tình, vì theo câu thơ của Bán than:
“Mùa đông gió bấc lạnh lùng
Gợi tình lắm cậu, dục tình lắm cô…”
Nên trong ba tháng mùa đông có biết bao nhiêu là đám cưới! Trong ba tháng ấy, biết bao là hạnh phúc đã xây dựng lên. Những xác pháo đỏ nằm rải rác trên thềm, những con lợn quay vàng với những chiếc ô tô hòm kết hoa trắng, gợi cho ta mơ tưởng tới cái diễm phúc đầy thi vị của đôi vợ chồng mới cưới giữa lúc gió đập vi vút vào cửa sổ và sương mù xuống bao tỏa những khóm cây xanh. Nhưng nếu những bông cúc mềm mại và những dò thủy tình xinh xắn phảng phất cái hương vị của ngày Tết tưng bừng hớn hở để mừng cuộc ái ân đằm thắm, thì cũng nhắc cho ta rằng sắp tới mùa xuân nặng nề ướt át.
*
Người phong lưu trông các mùa qua bằng con mắt thân- nhiên, không những thế, họ coi như là một sự thay đổi cần phải có, vì đối với họ, trời cứ nóng hay lạnh mãi, thì còn thú vị gì nữa? Vì họ chỉ biết cái lạnh thoáng qua trên những toà nhà cao, tường dây cửa kín, chứ chưa từng biết cái lạnh căm căm buốt đến tận xương trong những gian nhà tranh lụp sụp, trống hở tứ tung và chốc chốc lại rung động theo luồng gió. Mà các cô thiếu nữ xinh tươi nơi thành thị, xin lỗi các cô – có rõ đâu nỗi khổ của những cô gái quê cao váy, mờ sáng đã phải đi tát nước hay cấy lúa, dưới những cơn gió bấc thổi vù vù trên ruộng đầy nước.
Phải đứng trên cánh đồng bát ngát, nghe tiếng gió đập xào xạc vào nhưng bụi cây khô, mới hiểu rõ nỗi buồn vô cùng của những ngày đông u ám.
*
Ngay ở Hà Nội, sống trong cảnh đầy đủ, lộng lẫy, xa hoa, ta không bao giờ để ý đến một số đông người co ro với mảnh áo rách, ngày, đêm lang thang vất vưởng trong cảnh rực rỡ, nguy nga của thành phố để ngắm nhìn cái sung sướng, vui vẻ của người khác. Những buổi tối lạnh lẽo, mưa bay, ta thấy họ tránh nấp dưới mái hiên những toà nhà đồ sộ và thỉnh thoảng ghé mắt nhìn vào trong gian phòng ấm cúng, đầy những hạnh phúc gia đình mà họ không bao giờ được hưởng. Rồi khi đường phố đã vắng, họ đi tìm chỗ ngủ với một manh chiếu trên các bực cửa, dưới gầm cầu hay trong cổng những đền, chùa. Vào khoảng 9-10 giờ trở đi, ở nhiều phố – phố hàng Than chẳng hạn – người ta thấy những bọn ăn mày, những đứa trẻ mồ côi, những người nghèo khổ kiếm công ăn việc làm, mà vì nhiều lẽ không muốn vào Dạ Lữ hay Tế Bần Viện – co quắp nằm thành những đống thịt lù lù dưới ánh đèn điện lạnh lẽo.
Mùa đông đến đem lại cho họ những nỗi lo sợ, buồn rầu – không phải nỗi lo sợ, buồn rầu nên thơ của nhà thi sĩ, mà là nỗi lo sợ thiết thực, lo sợ những hạt mưa phùn ném lạnh qua làn áo mỏng và lo sợ những cơn lạnh buốt đến tận xương.
Và đối với họ, mùa đông hẳn là không có thú vị.
Tường Bách

Bố lại về
Qua hết rồi những ngày giông bão lớn,
Bố lại về báo hiệu một mùa Xuân...
Nắng trên cao sưỡi ấm rét ngoài sân,
Và ấm cả hoa đào trong gió lạnh !
NM
 
 Gió lạnh đầu mùa - Tin tức mới nhất 24h qua - VnExpress

Qua mùa gió lạnh

Trời tối dần. Lạnh. Thấm rùng mình. Nước suối buôn buốt luồn qua kẽ tay. Còn lưng sọt khoai sọ nữa. Phải cố thôi. Thấm chợt thở dài. Còn bao nhiêu việc phải lo. Thóc sắp hết rồi. Củi thì chưa có. Áo rét của thằng Dùng rách rồi. Lấy đâu tiền mà mua cho em cái áo mới mặc tết? Thấm ngẩng mặt nhìn về phía mặt trời lặn. Ðỉnh núi cao quá. Bố đi về phía ấy. Ba tháng rồi. Bố bảo đi tìm mẹ. Ba tháng không một chút tin tức. Việc nhà nhiều như núi chất cả lên vai Thấm.
Thấm đặt lại hai sọt khoai sọ cho ngay ngắn rồi luồn đòn gánh vào tai sọt. Lúc cúi xuống định nhấc sọt lên thì thoáng thấy bóng người. Thấm vội vàng đứng thẳng rút đòn gánh cầm ở tay. Một người đang đứng ở đầu dốc nhìn Thấm.
- Mày sợ cái gì thế?
- Anh Lù à? Anh ra suối làm gì tối thế...
- Ra tắm!
- Trời rét thế này mà... Thôi! Tôi về trước đây!
Thấm xỏ đòn gánh, quẩy hai sọt khoai sọ lên vai. Từ suối lên đường phải qua một đoạn dốc. Ðường dốc ướt trơn tuột. Thấm bấm đầu ngón chân vào đất cho khỏi trượt ngã. Lù cũng lò dò đi xuống. Mùi rượu nồng nặc phả ra. Chợt Lù trượt chân xô vào Thấm. Thấm mất đà ngã chúi về phía trước. Gánh khoai sọ văng sang bên cạnh. Thấm ngã nhào lên người Lù. Sau thoáng bối rối, Thấm vội vàng vùng dậy. Thế nhưng cô chưa kịp ngồi lên thì bàn tay Lù đã kéo Thấm xuống.
- Anh Lù! Bỏ tôi ra! Anh làm cái gì thế!
- Chiều tao một tý đi. Tao cho mày một con dê...
- Buông ra! Cứu tôi với...
Thấm hét lên. Lù vùng lên vật Thấm lăn ra đất.
- Cứu tôi với!
“Bốp”. Một cái tát làm Thấm choáng váng. Bàn tay to bè dúi Thấm xuống. Một tay hắn bóp cổ Thấm. Hơi thở không thoát ra được. Hai tay Thấm cào cấu nhưng Lù không buông ra. Tức ngực quá. Ðầu óc Thấm choáng váng. Có lẽ mình sắp chết.
Chợt một làn khí ùa vào ngực Thấm. Cô ho sặc sụa. Cô cố gắng rướn lên. Mình phải thoát khỏi chỗ này. Thấm lết lên dốc. Tiếng đấm đá huỳnh huỵch. Hai người đang đánh nhau. Ai đã cứu mình? Ánh sáng nhá nhem không giúp Thấm nhận ra người ấy. Bằng một cái gạt chân, tên Lù đã hất người ấy ngã ra đất. Hắn đè lên người kia, một tay bóp cổ và một tay đấm mạnh vào đầu, vào mặt. Thấm rùng mình. Hắn bóp chết người kia mất. Mình không thể chạy được. Phải cứu người ấy, phải cứu mình! Thấm đứng dậy nhặt cái đòn gánh. Con quỷ! Tao không để mày làm điều ác được. Thấm vung đòn gánh đập mạnh vào đầu, vào lưng Lù. Thấm như kẻ điên vụt túi bụi. Ðến khi một bàn tay nắm lấy áo Thấm kéo ra, Thấm mới bừng tỉnh.
- Chị Thấm! Chạy thôi...
Thấm bỏ chạy. Khi Thấm kiệt sức thì cũng đến cổng nhà. Người kia vẫn chạy sau Thấm. Thấm loạng choạng. Một bàn tay đỡ lấy Thấm.
- Chị Thấm. Có sao không?
Thấm há miệng hớp không khí như con cá mắc cạn. Là Mành. Trước đây, Mành học sau Thấm một lớp. Nhà Mành ở bản người Dao lưng chừng núi. Mành dìu Thấm qua cổng. Thấm ngồi bệt xuống cầu thang nhà sàn.
- Lên nhà thôi!
Thấm vịn vào Mành chậm chạp bước lên nhà. Lâu lắm rồi mới nhìn lại Mành. Mành cao nhanh quá. Thấm chỉ đứng đến vai Mành thôi. Thấm nói khẽ:
- Cảm ơn Mành nhé!
- Có gì đâu. Ai gặp cũng sẽ làm như tôi thôi!
Thấm ngồi xuống bên bếp. Thằng Dùng ngồi xuống cạnh chị, vẻ mặt đầy lo lắng.
- Chị Thấm! Chị làm sao thế?
Thấm ôm em vào lòng. Một sự chua xót dâng lên. Nước mắt lại tràn ra trên má.
- Chị Thấm bị người ta đánh đấy.
Mành thủng thẳng trả lời rồi đi lấy nước vào ấm bắc lên bếp đun.
- Dùng nấu cơm chưa?
- Em không biết nấu!
- Lớp 2 rồi mà dốt thế. Từ mai học nấu cơm nhé!

Ba người đang ăn cơm thì có tiếng ồn ào phía ngoài. Thấm tái mặt. Mành buông đũa cầm con dao quắm bước ra cầu thang. Tiếng người, tiếng bước chân qua cổng xa dần. Mành quay vào buông con dao bên bếp. Thấm vuốt ngực. Cơn nghẹn chặn ngang họng. Mành trấn an Thấm.
- Chị đừng sợ. Có tôi ở đây rồi!
- Tối nay anh Mành ngủ ở đây nhé! – thằng Dùng nhanh miệng.
- Ừ!
- Không được! Mành phải về chứ!
Thấm vội vàng phản đối. Thấm không biết lòng mình sao nữa. Thấm rất muốn Mành ở lại nhưng miệng Thấm thì lại nói khác. Thấm sợ...
- Ðường xa lắm. Tôi mệt rồi. Tối nay tôi ngủ cùng giường với thằng Dùng.
Mành thủng thẳng nói rồi vơ bát đũa bỏ vào chậu.
- Muộn rồi! Chị Thấm đi ngủ thôi.

- Con Thấm đâu rồi! Ðồ con chồn, con cáo...
Thấm bước ra. Một người đàn bà cao lớn sấn tới, chỉ tay vào mặt Thấm:
- Ðồ con hoang! Chúng mày chim chuột với nhau thì mặc xác! Sao lại đánh chồng tao ra nông nỗi ấy!
- Chị Cát! Chị nói cái gì vậy? Chồng chị muốn làm nhục tôi mà...
“Bốp”. Một cái tát giáng vào mặt Thấm. Thấm ôm mặt. Người đàn bà dí tay vào trán Thấm.
- Ðồ con hoang... Mày với thằng Mành ngủ với nhau ngoài suối. Chồng tao nhìn thấy lại xông vào đánh chồng tao.
- Không phải! Chị nói oan cho tôi!
- Oan gì! Ai chả biết mẹ mày chửa hoang! Cưới chưa được hai tháng thì đẻ. Mày cũng giống mẹ mày thôi!
Thấm choáng váng. Những lời nói của Cát mạnh hơn cái tát lúc nãy. Thấm gào lên:
- Chị nói láo!
Người đàn bà lại tát vào mặt Thấm. Cơn đau, sự nhục nhã, tức giận bùng lên. Thấm lao vào túm tóc Cát giật mạnh. Cả hai đấm đá, cào cấu nhau trên khoảng sân đầy nắng. Tiếng chửi bới, la hét vang một góc bản.
- Dừng lại!
Một giọng nói trầm và mạnh mẽ vang lên. Hai người phụ nữ khựng lại. Mành nhanh nhẹn tách hai người ra. Cát gào lên:
- Thằng chó! Mày đánh chồng tao gần chết! Giờ định giết luôn tao à! Mày có giỏi thì giết đi!
- Anh Lù định làm nhục chị Thấm mà chị...
- Lũ độc ác! Chúng mày ngủ với nhau. Ðịnh đánh chết người để không ai biết. May là chồng tao không chết. Chồng tao kể với cả bản rồi!
Mành hơi sững người nhưng rồi rất nhanh chóng, Mành nhếch mép cười. Cậu rút ra một tờ giấy:
- Sự thật rồi sẽ rõ thôi. Tôi viết đơn kiện rồi. Giờ tôi với Thấm lên xã.
- Mày kiện cái gì?
- Nghe thì nghe hai tai, chị Cát ạ. Chồng chị định làm nhục Thấm. Không được lại định đổ tội lên đầu chúng tôi. Chúng tôi không sợ đâu. Chúng tôi trẻ người nhưng không ngu. Chúng tôi không sợ kẻ xấu, kẻ ác đâu...
Mành cầm tay Thấm kéo đi. Chỉ còn Cát đứng ngơ ngẩn giữa sân nhà Thấm.

Thấm ngồi bên bếp lửa. Phía sau nhà, gió ù ù trên rừng vầu. Ðêm nay, gió mùa đông bắc về. Câu hỏi bao đêm lại trở về khứa vào lòng Thấm. Tại sao mẹ bỏ đi? Tại sao bố cũng bỏ đi? Câu nói của chị Cát hôm trước xoáy vào lòng Thấm. Ðồ con hoang! Ðã đôi lần Thấm nghe người bản xì xào chuyện Thấm không giống bố. Thấm chẳng quan tâm. Bố thương cả Thấm và Dùng. Nhưng lời của chị Cát như cái hạt độc. Nó nảy mầm ngọ nguậy trong lòng Thấm. Nếu đó là sự thật thì chẳng còn gì giữ Thấm lại căn nhà này.
- Thấm ơi!
Có tiếng gọi thật khẽ. Thấm nghiêng tai. Gần nửa đêm rồi. Ai lại đến giờ này.
- Thấm ơi!
Tiếng gọi rõ hơn. Là chị Cát. Chị ta lại muốn sinh sự gì đây? Thấm ra mở cửa. Chị Cát đang run cầm cập. Khuôn mặt tái nhợt.
- Chị vào nhà đi!
Thấm thêm củi vào bếp. Chị Cát xoa tay trước lửa nhưng vẫn chưa hết run, răng vẫn va lập cập.
- Tôi xin Thấm! Thấm tha cho chồng tôi đi!
- Hắn ta như vậy mà chị còn xin tha cho hắn sao? Chị không thấy nhục à?
Chị ta cúi mặt. Ðôi dòng nước mắt lặng lẽ chảy. Lâu lắm, Cát mới ngẩng lên.
- Nhục chứ! Nhưng tôi biết làm sao hả Thấm? Anh ấy là chồng tôi! Là bố của các con tôi... Chỉ thỉnh thoảng say rượu anh ấy mới điên loạn như thế. Anh ấy ân hận rồi. Anh ấy xấu hổ lắm. Chiều nay đi cắt cỏ về, tôi thấy anh ấy đang treo cổ. May mà tôi về kịp... Tôi ngồi nghĩ mãi. Nếu anh ấy chết, tôi phải làm sao? Các con tôi phải làm sao? Sang gặp Thấm thế này, tôi cũng xấu hổ và nhục nhã lắm. Nhưng tôi không còn biết làm thế nào khác?
- Thế còn tôi? Chị có nghĩ đến tôi không? Hôm đó anh ta định làm nhục tôi, định giết tôi. Nếu không có Mành, tôi chết rồi.
Cát từ từ quỳ xuống. Ðôi mắt buồn thăm thẳm nhìn Thấm. Thấm giật mình. Sao giống đôi mắt mẹ đến thế! Thấm lùi lại.
- Tôi cũng khổ như Thấm, như mẹ Thấm thôi. Xin Thấm cho gia đình tôi một con đường sống. Xin Thấm rút đơn đi.
- Chị về đi!
Thấm cầm tay Cát kéo dậy đẩy về phía cửa. Cát chậm chạp bước ra ngoài. Thấm ngập ngừng:
- Tôi hỏi một câu!
Cát dừng lại nhìn Thấm, đôi mắt ánh lên vẻ hy vọng. Thấm hít một hơi, lấy hết can đảm nhìn thẳng vào Cát:
- Tôi là con hoang thật à?
Ðôi mắt Cát bối rối. Chị ta gật đầu rồi quay người bước xuống thang. Bước chân như chạy. Thấm ngồi xuống bên bếp. Là sự thật. Ðau quá! Lồng ngực Thấm như vỡ ra. Nhưng lạ quá. Nước mắt không chảy ra được. Thấm dựa vào cột nhà thở dốc. Mình là con hoang. Là đứa con bị bỏ rơi. Mọi người đều bỏ mình mà đi...
Có tiếng bước chân lên nhà. Những bước chân nặng nề và ngắt quãng trên cầu thang. Thấm giật mình, vơ vội lấy con dao quắm.
- Thấm ơi!
Thấm rùng mình. Giọng nói ấm áp và quen thuộc Thấm nghe gần hai mươi năm. Giọng nói mà Thấm đợi chờ ba tháng nay.
- Thấm ơi! Mở cửa cho bố!
Giọng nói như một luồng hơi ấm phá tan mọi giá rét đêm đông. Thấm ào ra cửa.
- Bố!
Thấm nhào vào lòng bố. Nước mắt lúc này mới bật ra. Thấm ôm bố khóc nức nở. Bố đứng yên để Thấm tựa vào. Bờ vai bố vẫn vậy. Vững chãi và ấm áp. Ðợi Thấm nguôi cơn xúc động, bố mới bước vào nhà. Lúc này, Thấm mới nhận ra chiếc áo bố ướt sũng. Khuôn mặt gầy gò và hốc hác. Chân bố bước tập tễnh. Thấm vội thêm củi vào bếp và lấy áo cho bố thay. Bố ngồi duỗi chân bên bếp.
- Bố! Chân của bố...
- Bố bị tai nạn. Bố xin lỗi! Bố không về sớm hơn được!
Bố vuốt tóc Thấm. Thấm ngả đầu vào vai bố.
- Bố biết cả rồi! Khổ thân con gái. Bố về rồi. Bố không để các con khổ sở, vất vả nữa đâu.
- Con không sao đâu! Con chỉ cần bố về. Vất vả thế nào con cũng chịu được!
- Con gái bố giỏi lắm!
- Con muốn hỏi bố...
Thấm ngồi thẳng dậy. Cô muốn xác nhận một lần cho rõ. Sự mập mờ làm Thấm không chịu nổi.
- Chị Cát bảo con là...
- Là con của bố! Bố là người đầu tiên bế con. Ðỏ hỏn và bé xíu. Con mãi là đứa trẻ trong lòng bố...
Thấm vòng tay ôm cổ bố từ phía sau. Sự ấm áp lan trong da thịt, trong từng suy nghĩ. Bố vỗ nhè nhẹ vào tay Thấm.
- Gần sáng rồi. Con ngủ đi. Bố cũng nghỉ một chút. Ngày mai mình dậy dọn dẹp, sắp xếp lại nhà cửa.
Thấm nằm yên trong chăn. Niềm vui làm Thấm khó ngủ. Mưa phùn rắc nhẹ trên mái. Hết gió rồi... Ngày mai, ngày kia trời sẽ nắng lên thôi. Mành vẫn bảo, qua mùa đông sẽ là mùa xuân ấm áp. Mành hứa tặng Thấm một cây hoa đào thật lớn lấy từ trên núi. Thấm nhoẻn cười trong chăn ấm. Thấm tin Mành.
Lục Mạnh Cường
 
Gió
Gió lao xao trên đọt bần trước ngõ,
Gió tràn về trên mặt sóng phù sa...
Gió vi vu qua trước mái hiên nhà,
Gió vàng óng sắc hoàng hôn lạnh lẽo !
NM


Chỉ là gió trên cánh đồng
GN - Anh bạn tôi vừa hoàn thành xong những bức tranh sau chuyến phượt. Gã alô tôi đến rửa cọ chúc mừng. Những bức tranh này được hắn gọi là những bí ẩn bất tận. Tôi lại gần và cảm nhận được những thanh âm phát ra qua những vệt màu, những vệt sơn dầu đang chảy, tôi đưa tay sờ lên một tấm, lớp sơn dầu còn nham nhám chưa khô hẳn
Tôi cảm giác được trên những vân tay còn dính lại lớp dầu bóng pha loãng màu mà mắt tôi không nhìn thấy rõ được. Đẹp quá. Chúng thật đẹp. Những bức tranh được gã vẽ lại vào ngày thứ sáu của chuyến đi. Vì sao đến ngày thứ sáu gã mới vẽ lại thì tôi không hiểu được. Gã không trả lời cho thắc mắc của tôi. Những ngôi nhà gỗ tạp không có cánh cửa chìm sâu giữa thung lũng, có một vài người phụ nữ, họ đang mặc những chiếc váy thổ cẩm sọc đỏ vàng và cõng những gùi nước lớn. Có vài chú chó có đôi mắt hiền từ đang nằm trước sân vườn. Một quả cầu bằng nhựa bị khuyết một miếng như trái táo bị cắn. Cảm giác thật ngọt. Có điều gì đó cô độc và nhiều nỗi đau bị nhốt lại nơi này. Có rất nhiều loại nhạc cụ được đóng đinh dọc bức tường. 
Ở một góc nào đó tôi nghe thấy chúng đang bật lên những điều du dương và thảng thốt. Sự pha trộn. Đủ thứ. Mọi điều vẫn chưa đóng khung. Những mép vải bố uốn cong lên như muốn níu giữ điều bí ẩn. Màu cổ đồng ánh bạc thỉnh thoảng có chút phớt màu mun đen như đám tro rừng vừa cháy hết. Những gương mặt cũng như thế, những khuôn miệng hay cười ngờ nghệch, thon thon dẹt dẹt như họ đặt cái kèn lá thổi dưới bờ môi trề ra phớt thoáng niềm vui từ khoang bụng. Gã họa sĩ này thật tài tình, gã đã gói lại tất cả thứ âm thanh bí ẩn của đại ngàn vào trong những vệt màu quái đản, những thứ màu đỏ bầm bầm của máu ứ, màu xanh đen úa của những vết thương ồn ã của nội thành pha trộn với thứ cảm xúc ban sơ của núi rừng. 
Tháng trước, chúng tôi đã đến nơi ấy theo con đường độc đạo dài hun hút. Nơi này là một thế giới khác hẳn nhịp sống hiện đại, sự khác biệt từ phía rừng cây yên lặng với những ồn ào náo nhiệt của thế giới công nghệ bên kia. Chúng tôi đọc thấy những dòng chữ khai sinh của núi rừng mà chưa một bàn tay con người nào đóng dấu vào đấy công chứng. Cuộc sống nơi xóm nhỏ này đã mấy mươi năm không có sự hiện diện của điện, sóng điện thoại và nước máy, không biết bao nhiêu năm ở nơi này đã kéo những con người khốn khó cứ xa dần khỏi tầm với của lối sống văn minh. Nơi đây chỉ có mấy chục gia đình nhỏ, tất cả họ hầu như quên mất tiếng nói.
Người ta kể lại rằng, xưa có một gia đình rất nhỏ đã bắt đầu đến sinh sống ở thung lũng này. Một người đàn ông biết nói và một người vợ câm. Họ đã sinh ra những đứa con bị câm. Việc những đứa con bị câm này người ta không thể lý giải từ thói quen giao tiếp hay từ dị tật của vòm họng. Mỗi ngày trong buổi chiều muộn, họ thường quây quần với nhau. Một người đàn ông ngồi ở giữa, không nghe thấy tiếng nói gì, chỉ thấy từng động tác bằng tay, bằng miệng, đôi khi cả chân tay ông ta nhún nhảy theo, đôi mắt lầm lừ và gương mặt có màu của rễ cây rừng.
“Sao ở đây lại toàn là gió nhỉ” - hắn nói vu vơ, mắt chăm chú nhìn những bức tranh - “chúng đang vi vu, không phải là gió rát mặt như ở quê mình”.
*
- “Alô”
- “Tao đây, mày qua tao đi”.
Cả buổi sáng nay tôi mới ngồi với hắn, chẳng còn chuyện gì để trò chuyện, hắn cứ ngồi nghệch mặt ra đường mà ngó từng dòng xe lao vùn vụt.
Hắn đang ngồi trước giá vẽ, bên cạnh chai rượu rum đã vơi hơn nửa, những bức tranh ngổn ngang giữa phòng. Gã xoay người lấy bút quẹt quẹt vào bức vẽ nháp, gã bảo: ừ, những dòng suy nghĩ hôm nay ta sẽ xé nháp đi nhé, sẽ không bao giờ biết được, không bao giờ biết được trừ khi... Hắn ngập ngừng, gã quàng tay lấy ly rượu hớp thêm một ngụm, nó có vị chát ngắt. Hắn sợ những bức tranh kia sẽ luôn mách lại: Hắn là một thằng nhút nhát! Hắn đã từng giấu nước mắt của mình chảy ngược qua hai gò má, chảy xuống bụng rồi phun ra dưới đũng quần, hai bàn tay hắn đã rất nhiều lần tê cứng lại khi chạm vào cánh cửa gió của đại ngàn.
Tối nay hắn không thể gượng dậy nổi, người hắn mềm nhũn ra như sợi bún nhão. “Mày biết không, ở nơi đấy có những con người thật thà mộc mạc đến tận cùng của sự khốn khó, họ như những cái ruột mướp khô, người ta xé nhỏ vứt bừa bãi vào những cái sọt tre, như những người đàn bà ở đấy, người ta xé cả sự im lặng của gió”, hắn nói với tôi và đôi mắt không nhìn trực diện, “ở nơi đó có thể hóa lỏng tất cả những lòng dạ rắn như kim loại, hóa lỏng những ký ức của tao về cánh đồng đầy gió, hóa lỏng những năm tháng tuổi thơ rát bỏng, chúng sẽ trôi đi tất cả, như gió, mày hiểu không?”.
Tôi hiểu, gió từ thung lũng ấy đã nằm trọn những bức tranh hắn vừa vẽ, tất cả là một sự im lặng, vi vu.
Mắt hắn xa xăm, đó là những ngọn gió từ cánh đồng đã chảy dài ra mặt phá Tam Giang, bốn mùa rát rạt. Những mái đình hoang lạnh. Cây cầu đá bắc qua dòng kênh nhỏ. Tiếng chim đang gù trong một lùm cây nào đó. Những đống rơm vàng, hai hàng mù u... tất cả là những mảnh ghép lều tều rời rạc. Mỗi chiều, chúng im lìm trong làn khói đục.
- “Mày thấy gì không?”
- “Không”
- “Gió đấy”
- “Chúng ở đâu?”
- “Trong đôi tai của tao”
- “Chỉ có gió thôi à” 
- “Ừ, phải, chỉ có gió, gió từ bên trong khoang bụng, năm ấy có nhiều đứa trẻ đi chân đất leo lên những cánh cửa của những chiếc xe tải rách nát qua Lào kiếm cái ăn đó, tao nghe tiếng bước chân của chúng, rất đông”
- “Tết này mày có về thăm quê không?” 
- “Chưa, sẽ chẳng còn những con đường đất không có hàng rào nào chắn cho thằng bé năm xưa chạy”, tiếng hắn cười nhỏ. 
Hắn đã nói với tôi rằng “mình đã gởi những giấc mơ lên những ngọn xương rồng”, nơi ấy có một ngọn tháp ba tầng trên đỉnh núi rất bí ẩn, chẳng có thang leo, có thể nó đã bị gãy bởi bom đạn, hoặc là bởi gió. Những cái gai đang đâm vào cát, rất sâu, những giọt máu của cát đã phủ tràn nơi gã nằm 
Ngoài kia, khu phố nhỏ vẫn đang quay vòng. Những ngọn nến đã được treo ngược ở hai bên đường dưới màn mưa trắng xóa. Hắn vẫn mơ về một cánh đồng đầy gió, những cái roi gió đang quất vào da thịt hắn, nỗi đau ấy thật là êm ái. Hắn vẫn đang nằm và mắt lim dim thưởng thức cơn say, như cát. Những ngày ấy trong nỗi nhớ của hắn chỉ còn là những khái niệm thật mơ hồ như những bài toán đi tìm nghiệm âm. Góc quê ấy vẫn còn khoanh lại từng vòng tuổi ấu thơ của hắn. Những nét mặt hồ hởi của những đứa trẻ khi đến vụ mùa. Nụ cười của chúng có màu vàng óng 
Hắn đã học thuộc lòng ca dao để ngắm gương mặt của mẹ với những giọt mồ hôi trong như hạt pha lê. Hắn đã từng can đảm tẩy xóa những con số trong học bạ để được vào học ở một trường thành phố. Rồi hắn đã lớn lên, bôn ba như gió. Hiện tại hắn đang vẽ, và tẩy xóa, hắn vẫn đang thiết kế những giấc mơ của mình. Giấc mơ ấy chỉ là gió trên cánh đồng. Cánh đồng có một màu vàng óng của hoàng hôn. Những hạt vàng óng ấy đã đọng trong đôi mắt của hắn mãi mãi. Ừ thì, dù sao nơi ấy vẫn còn lại gió đó thôi, phải không?
Nguyễn Hoàng Anh Thư